The worth of a book is to be measured by what you can carry away from it.

James Bryce

 
 
 
 
 
Tác giả: Émile Gaboriau
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Vu Duy
Upload bìa: Vu Duy
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 15
Cập nhật: 2020-11-18 15:22:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
rên đường phố Saint-Honoré cách không xa quảng trường Hoàng Cung, có một quán hàng nửa giải khát nửa bán hoa quả có biển đề “Thiện Ý” rất đông khách.
Chính trong quán giải khát bình dân này, ngay hôm sau được ra tù, vào khoảng bốn giờ chiều ngày thứ Sáu, Prosper có cuộc hẹn với ông Verduret. Đúng lúc tiếng chuông đồng hồ điểm bốn tiếng thì ông Verduret xuất hiện. Mặt ông đỏ au hơn cả hôm qua, và cũng như hôm qua, ông có vẻ hoàn toàn mỹ mãn. Sau khi gọi bia ông hỏi Prosper:
- Thế nào? Mọi công việc tôi giao cho anh đều làm xong cả rồi chứ?
- Vâng, thưa ông.
- Anh đã gặp ông thợ may quần áo sân khấu chưa?
- Tôi đã đưa bức thư của ông cho ông ấy. Tất cả những gì ông cần sẽ được mang đến khách sạn Đại Thiên Thần vào ngày mai.
- Thế thì tốt rồi, bởi vì tôi đã không bỏ phí thời gian, và tôi cũng đã thu được nhiều tin tức mới.
Giờ này quán Thiện Ý thường vắng khách, vì giờ cà phê cao điểm của buổi sáng đã qua mà giờ uống rượu buổi tối vẫn chưa đến. Do đó ông Verduret và Prosper có thể thoải mái nói chuyện mà không sợ ai nghe thấy.
Ông Verduret lôi ra cuốn sổ tay, đó là cuốn sổ tay quý giá chẳng kém gì cuốn cẩm nang thần thánh.
- Trong khi chờ đợi các phái viên của tôi, - ông bảo, - chúng ta hãy bàn một chút về tay Raoul de Lagors.
Nghe thấy cái tên ấy, Prosper không còn phản đối như hôm qua nữa. Nỗi hoài nghi một khi đã lọt vào tâm trí của con người ta thì nó nhanh chóng phát triển và chẳng mấy chốc nó làm tiêu tan cả những niềm tin vững chắc nhất. Cuộc viếng thăm của Raoul cùng mẩu thư của Gypsy đã gây cho Prosper những nỗi nghi ngờ và càng ngày chúng càng được gia tăng và củng cố.
- Anh bạn thân mến, - ông Verduret nói tiếp, - anh có biết anh chàng tự nhận là bạn anh quê ở đâu không?
- Thưa ông, anh ta cùng quê với bà Fauvel, ở Saint-Rémy.
- Anh tin chắc chứ?
- Ồ, hoàn toàn chắc chắn, thưa ông. Không những anh ta thường nói với tôi như thế, mà tôi còn nghe thấy anh ta nói với ông Fauvel như vậy, tôi cũng thấy anh ta nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần với bà Fauvel khi bà ấy nói về mẹ anh ta, một người bà con của bà mà bà rất yêu quý.
- Vậy là về điều này không có gì nghi ngờ hoặc nhầm lẫn cả chứ?
- Không, thưa ngài.
- Chà! Chà! Sự việc ít đặc biệt nhất mà như thế này đây.
Ông huýt sáo tỏ vẻ hài lòng:
- Cái gì đặc biệt, thưa ông? - Prosper tò mò hỏi.
- Cái mà sẽ phải xảy ra, tất nhiên! Cái mà tôi đã đánh hơi thấy. Chà! Saint-Rémy là một thành phố thú vị, với sáu nghìn người, có những đại lộ đẹp đẽ, tòa thị chính rất sáng sủa, nhiều giếng phun, trung tâm buôn bán than, có nhà máy sợi, có trạm điều dưỡng rất nổi tiếng, v.v.
Prosper sốt ruột:
- Ông làm ơn nói đi!
- Ở đó có một khải hoàn môn La Mã và một lăng mộ Hy Lạp, nhưng không hề có ai tên là Lagors. Saint-Rémy là quê hương của Nostradamus* chứ không phải của bạn anh.
- Nhưng, thưa ông, tôi có bằng chứng…
- Tất nhiên. Nhưng bằng chứng người ta có thể bịa ra được. Tôi đã viết thư về Saint-Rémy và người ta đã trả lời tôi.
- Ông cho tôi biết được chứ?
- Thong thả đã, - ông Verduret vừa nói vừa lật giở số tay. - A! Đây rồi, bức thư số một. Thông tin chính thức đấy nhé.
Rồi ông đọc:
“LAGORS. Một dòng họ rất lâu đời, có nguồn gốc ở Maian, định cư ở Saint-Rémy từ một thế kỷ nay…”
- Ông thấy chưa! - Prosper reo lên.
- Anh có để cho tôi đọc hết không hả?
Rồi ông đọc tiếp:
“Người nối dõi cuối cùng của dòng họ Lagors (Jesus-René-Henri) mang danh hiệu bá tước, nhưng không được ghi nhận rõ ràng. Năm 1829, ông này cưới tiểu thư Rosalie-Clarisse Fontanet, ở Tarascon. Ông ta chết tháng Mười hai 1848, chỉ để lại hai người con gái mà không có con trai thừa kế. Trong sổ đăng bạ hộ tịch không hề có ai trong vùng tên là Lagors. ”
- Thế nào? - ông Verduret hỏi.
Prosper bàng hoàng:
- Thế thì tại sao ông Fauvel lại coi Raoul là cháu?
- Như là cháu của vợ mình, anh muốn nói thế chứ gì? Nhưng chúng ta hãy xem bức thư số hai. Đây không phải là công văn chính thức, nhưng nó làm sáng tỏ tài sản giàu có của anh bạn anh:
“Jules-René-Henri de Lagors, người nối dõi cuối cùng của dòng họ, chết tại Saint-Rémy ngày 29 tháng Mười hai năm 1848 trong tình trạng nghèo khốn. Ông ta đã có một ít của cải, nhưng việc kinh doanh nuôi tằm đã làm ông phá sản. Ông không có con trai, mà chỉ có hai con gái, một là cô giáo tiểu học ở Arles, một lấy một tiểu thương gia ở Orgon. Bà vợ góa của ông, hiện đang sống tại điền trang Montagnette, chỉ sống hoàn toàn bằng quà cáp hậu hĩnh của một người bà con, đó là vợ một ông chủ nhà băng giàu có ở thủ đô. Ở quận Arles không hề có ai tên Lagors. ”
- Tất cả chỉ có thế thôi! - ông Verduret nói. - Anh thấy đã đủ chưa?
- Thưa ông, nghĩa là tôi phải tự hỏi xem mình tỉnh thật hay còn nằm mơ.
- Tôi hiểu điều đó. Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý anh một điều. Những người nào quan tâm có thể bác lại rằng bà góa de Lagors có thể có con riêng sau khi chồng chết và bà đã lấy tên chồng cho con. Nhưng giả thiết này bị đánh đổ bởi tuổi tác của anh bạn anh. Raoul năm nay hai mươi tư tuổi, và ông de Lagors chết cách đây chưa đầy hai mươi năm.
Không có gì để phản bác lại được điều đó, và Prosper hiểu rõ như vậy. Anh trở nên trầm ngâm.
- Thế thì, - anh hỏi. - Raoul là ai?
- Tôi không biết. Thật tình, việc khám phá ra anh ta là ai khó hơn so với việc biết được anh ta không phải là ai. Về điểm này chỉ có một người duy nhất có thể cho chúng ta biết, nhưng ông ta tránh không chịu nói gì cả.
- Ông de Clameran có phải không?
- Đúng thế!
- Ông ta bao giờ cũng gây cho tôi một nỗi ghê tởm không thể giải thích nổi. - Prosper nói. - Chà! Giá mà có thể có được hồ sơ của con người này!
- Tôi cũng đã có được mấy điều nhận xét nhỏ về ông ta do bố anh cung cấp, bố anh là người biết rõ gia đình Clameran. Những điều nhận xét này quá ngắn gọn, nhưng tôi đang đợi thêm những tin tức khác.
- Bố tôi đã nói gì với ông?
- Chẳng có gì hay cho ông Clameran cả, anh cứ yên tâm. Đây là tóm tắt những tin tức của ông:
“Louis de Clameran sinh tại lâu đài de Clameran gần Tarascon. Ông ta có một người anh trai tên là Gaston. Năm 1842, trong một cuộc ẩu đả Gaston đã không may giết chết một người và làm bị thương nặng một người khác, do đó anh đã buộc phải bỏ xứ sở đi ra nước ngoài. Anh là một chàng trai trung thực, chân thành, chính trực mà mọi người đều yêu mến. Ngược lại, Louis có những bản năng xấu xa và bị mọi người căm ghét. Sau khi bố chết, Louis đến Paris, rồi trong vòng chưa đầy hai năm, y đã ngốn hết không chỉ phần thừa kế của mình mà cả phần của anh trai đang bị đày biệt xứ.
Bị phá sản và nợ như chúa chổm, Louis de Clameran xin đăng lính. Nhưng trong quân đội ông ta cư xử quá tồi nên bị tống vào đội kỷ luật. Sau khi hết nghĩa vụ quân sự, ông ta hoàn toàn mất hút. Người ta chỉ biết được rằng ông ta lần lượt sống tại Anh và Đức, ở đó ông ta đã gây ra một vụ xấu xa tại một thành phố ăn chơi. Năm 1865, người ta lại thấy ông ta ở Paris. Giờ đây ông ta lâm vào cảnh cùng quẫn và chỉ giao du với những hội xấu xa nhất, hoàn toàn sống trong giới lừa đảo và đĩ điếm. Khi ông ta đang phải dùng đến những cách xoay xở nhục nhã nhất thì bỗng nhiên ông ta được biết tin anh trai mình đã trở về Pháp. Gaston đã làm giàu ở Brasil. Nhưng vì vẫn còn trẻ và đã quen với lối sống năng hoạt, nên cách đây sáu tháng ông mua lại một xưởng sắt gần Oloron nhưng ngay sau đó ông đã qua đời trong tay em trai mình. Cái chết này đã để lại cho Louis de Clameran của chúng ta cả một tài sản lớn lẫn danh hiệu hầu tước. ”
Prosper trầm ngâm suy nghĩ. Sau hai mươi tư tiếng đồng hồ kể từ khi ông Verduret làm việc cho anh, anh bắt đầu hiểu thấu phương pháp suy luận của ông. Cũng như ông, anh cũng thử tập hợp các sự kiện, đối chiếu các tình tiết với những điều nghi ngờ ít nhiều khả dĩ. Cuối cùng anh nói:
- Từ những điều ông vừa cho tôi biết thì có thể rút ra rằng khi mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông Louis de Clameran xuất hiện tại nhà ông Fauvel thì khi đó ông ta đang trong cơn khốn quẫn.
- Tất nhiên.
- Và khi ấy là lúc sau khi Raoul de Lagors từ quê chuyển về đây được một thời gian ngắn.
- Đúng thế.
- Và khoảng một tháng sau khi ông ta xuất hiện thì bỗng dưng Madeleine xua đuổi tôi.
- Chà, khá lắm!… - ông Verduret reo lên. - Anh bắt đầu tự học hỏi và hiểu được ý nghĩa của các sự kiện rồi đấy.
Ông ngừng lời khi nhìn thấy một khách hàng mới bước vào quán Thiện Ý. Anh ta là một gã đầy tớ nhà lành, đầu tóc chải chuốt gọn gàng, mặt mũi nhẵn nhụi, có hai mai dài màu đen. Anh ta đi đôi ủng cổ lật rất đẹp, quần màu vàng, áo gilê có tay kẻ sọc đỏ sọc đen. Sau khi liếc nhìn quanh phòng một lượt, anh ta bước thẳng tới bàn ông Verduret:
- Thế nào, anh Joseph Dubois? - ông Verduret hỏi.
- Chà! Thưa ông chủ, thôi đừng hỏi nữa, thật là tuyệt.
Tâm trí của Prosper lập tức bị cuốn hút vào anh chàng đầy tớ bảnh bao. Anh có cảm giác như đã nhìn thấy khuôn mặt này ở đâu rồi mà không nhớ ra. Tuy nhiên anh Joseph không ngồi vào bàn của ông Verduret mà ngồi vào bàn bên cạnh rồi gọi một cốc rượu.
- Nói đi! - ông Verduret giục.
- Thưa ông chủ, trước hết tôi phải thú nhận rằng nghề hầu phòng kiêm đánh xe ngựa cho ông Clameran không phải lúc nào cũng thơm cả đâu.
- Vào việc đi! Vào việc đi! Có than phiền gì thì để đến mai.
- Được rồi, tôi xin báo cáo đây. Như vậy là hôm qua ông trưởng giả của tôi đi bộ ra phố vào lúc hai giờ chiều. Theo đúng lẽ, tôi đã theo dõi ông ta. Ngài có biết ông ta đi đâu không? Thật nực cười! Ông ta đến khách sạn Đại Thiên Thần để gặp cô bé kia.
- Được rồi. Sau đó thì sao?
- Sau đó à? Chà! Ông ta tỏ ra rất bực khi biết cô gái kia đã bỏ đi. Ông ta chạy về khách sạn để gặp tay Raoul de Lagors đang đợi ông ta ở đó. Cái ông này mà chửi rủa thì không ai bằng. Tay Raoul kia liền hỏi có chuyện gì mới mà làm cho ông ta giận dữ như vậy. Ông trưởng giả của tôi đáp rằng: “Chẳng có gì cả, chẳng có gì ngoài một điều là con đĩ ranh đó đã chuồn mất rồi, chẳng ai biết hiện giờ nó ở đâu. Thế là nó đã tuột khỏi tay ta.” Thế là cả hai đều tỏ ra vô cùng bực bội và lo lắng. “Liệu cô ta có biết được điều gì nghiêm trọng không?” Raoul hỏi. “Cô ta chỉ biết những gì ta đã nói với cháu thôi,” Clameran đáp, “nhưng điều đó nếu lọt đến tai một người có tài đánh hơi thì hắn có thể dò ra dấu vết sự thật.”
Ông Verduret mỉm cười như thể hiểu rõ lý do lo sợ của Clameran.
- Chà! Anh có biết ông trưởng giả của anh hoàn toàn không phải là không thông minh không? Rồi sao nữa?
- Nghe thấy thế, thưa ông chủ, tay Raoul tái mặt đi kêu lên: “Nếu điều đó là nghiêm trọng thì phải tống khứ cái con đĩ ấy đi!” Thằng nhỏ nói rất đúng. Nhưng ông trưởng giả của tôi bật cười và nhún vai: “Anh chỉ là một thằng ngốc, khi người ta bị một người đàn bà thuộc hạng ấy quấy rầy thì người ta phải tìm cách thoát được ả bằng con đường hành chính.” Ý kiến đó đã làm cho cả hai bật cười thoải mái.
- Tôi cũng nghĩ thế! - ông Verduret xác nhận. - Đó là một ý kiến rất hay. Điều không may là đã quá muộn để có thể thực hiện được ý đồ ấy. Cái điều mà ông Clameran lo sợ đã lọt vào một đôi tai thông mình mất rồi. Tuy nhiên, để cho bọn này không kịp tráo bài, chúng ta phải báo trước cho phòng cảnh sát theo dõi gái điếm biết.
- Xong rồi, thưa ông chủ. - Joseph vui vẻ đáp.
Prosper tò mò theo dõi câu chuyện. Mỗi câu nói của họ lại làm sáng tỏ thêm cho các sự kiện. Giờ thì anh nghĩ là mình có thể hiểu được mẩu thư của Gypsy. Anh hiểu rằng tay Raoul này, người mà anh hoàn toàn tin tưởng, chỉ có thể là một gã khốn nạn. Hàng loạt tình tiết mà trước kia anh không để ý nay lại hiện rõ về. Anh tự hỏi không biết tại sao mình lại có thể mù quáng lâu đến thế.
Trong khi ấy anh Joseph vẫn kể tiếp:
- Hôm qua, sau bữa tối, ông trưởng giả của tôi ăn mặc chải chuốt như một vị hôn phu. Tôi đã cạo mặt cho ông ta, uốn tóc, xức nước hoa, làm dáng cho ông ta, xong xuôi ông ta lên xe và tôi đã đưa ông ta đến phố Provence thăm ông Fauvel.
- Sao? - Prosper kêu lên.- Sau khi đã có những lời lẽ thóa mạ vào cái ngày xảy ra vụ trộm mà ông ta còn dám cả gan vác mặt đến đấy ư?
- Vâng, thưa anh bạn, ông ta táo tợn thế đấy, thậm chí ông ta còn dám ngồi chơi đến tận nửa đêm làm cho tôi khổ sở ngồi đợi ngoài xe ướt như chuột lột.
- Khi ra về ông ta có vẻ như thế nào? - ông Verduret hỏi.
- Có vẻ kém vui hơn lúc đến. Sau khi về tới nhà, tôi cất xe xong liền lên phòng ông hỏi xem ông có cần gì nữa không thì tôi thấy cửa đóng và ông ta đứng bên trong chửi rủa tôi.
Và như để nuốt hận anh Joseph uống một ngụm rượu đầy.
- Có thế thôi à? - ông Verduret hỏi.
- Thưa ông chủ, hôm qua chỉ có thế thôi. Sáng nay ông trưởng giả dậy muộn và vẫn có vẻ bẳn tính. Đến trưa thì tay Raoul kia đến, anh ta cũng tỏ ra bực bội. Rồi lập tức họ bắt đầu cãi nhau, nhưng họ cãi nhau ghê gớm đến nỗi giá như những kẻ cu-li nhìn thấy cũng phải xấu hổ thay. Đến một lúc, ông trưởng giả cao to bỗng túm lấy cổ anh chàng bé con và lắc như lắc cây sung. Tôi tưởng ông ta sẽ bóp cổ chết tay kia. Nhưng tay Raoul cũng không vừa, anh ta rút trong túi áo ra một con dao găm xinh xắn, nhọn hoắt và ông ta đã sợ, ông ta vội buông anh ta ra và bình tĩnh trở lại.
- Nhưng họ cãi nhau về cái gì?
- Chà! Đây mới là vấn đề hóc búa, thưa ông chủ. - Joseph ra vẻ thảm hại nói. - Bọn vô lại ấy nói bằng tiếng Anh nên tôi chẳng hiểu gì cả. Có điều chắc chắn là họ cãi nhau vì tiền.
- Sao anh biết?
- Khi nói đến tiền thì mọi lối diễn đạt trong các thứ tiếng của châu Âu đều giống nhau. Và câu nói ấy luôn luôn được nhắc lại trong câu chuyện của họ.
Ông Verduret nhíu mày lẩm nhẩm câu gì nghe không rõ. Prosper quan sát ông và tự hỏi phải chăng ông đang dùng tư duy để phán đoán ý nghĩa của cuộc nói chuyện giữa hai kẻ vô lại kia.
Để kết thúc, Joseph kể tiếp:
- Khi bọn vô lại ấy bình tĩnh lại thì chúng bắt đầu nói chuyện bằng tiếng Pháp. Nhưng khỉ thật, chúng chỉ nói về những chuyện không đâu, chúng nói đến một buổi vũ hội hóa trang sẽ được tổ chức ngày mai tại nhà mấy ông chủ nhà băng. Chỉ có điều, khi tiễn anh con trai ra về, ông trưởng giả đã bảo: “Bởi vì cảnh đó không thể tránh khỏi, nhất là nó có thể xảy ra ngay ngày hôm nay, cho nên tối nay anh hãy ở nhà tại Vésinet.” Raoul đáp: “Rõ.”
Đêm xuống. Quán rượu bình dân dần dần đông khách. Mấy anh hầu bàn bắt đầu châm đèn.
- Anh phải về thôi, - ông Verduret bảo Joseph. - Chủ anh có thể đang cần đến anh, vả lại đang có người muốn nói chuyện với tôi đây. Hẹn gặp anh ngày mai nhé.
Người muốn nói chuyện với ông chính là Cavaillon. Anh đang tỏ ra hồi hộp và run sợ hơn bao giờ hết. Anh lo lắng liếc nhìn xung quanh. Anh cũng không ngồi vào bàn với ông Verduret. Anh lén lút đưa tay cho Prosper bắt và chỉ sau khi dám chắc là không có ai theo dõi anh mới đánh liều vừa trao cho ông Verduret một gói nhỏ vừa bảo:
- Đây là cái cô ấy đã tìm thấy trong một ngăn tủ tường.
Đó là một quyển sách kinh được đóng bìa đẹp đẽ. Ông Verduret nhanh nhẹn lật giở cuốn sách và ông nhanh chóng tìm thấy những trang sách đã bị cắt lấy chữ để dán thành bức thư gửi cho Prosper hôm qua.
- Tôi đã tìm thấy bằng chứng, - ông vừa nói vừa đưa cuốn sách cho Prosper. - Đây là một tang chứng tự nó có thể cứu thoát được anh.
Nhìn thấy cuốn sách Prosper tái mặt đi. Đó chính là cuốn sách mà anh đã tặng Madeleine để đổi lấy chiếc thánh tích của nàng. Trên đầu trang Madeleine đã ghi: ‘Kỷ niệm nhà thờ Đức Mẹ ở Fourvières, ngày 17 tháng Một năm 1866.’
- Nhưng đây là cuốn sách của Madeleine, - anh kêu lên.
Ông Verduret không đáp. Ông vừa đứng lên để bước tới bên một anh chàng ăn mặc như anh hầu bàn quán rượu vừa mới vào. Vừa liếc nhìn tờ giấy do anh ta đưa cho ông đã quay lại bàn trong trạng thải hồi hộp cực độ.
- Có lẽ chúng ta sẽ tóm được họ, - ông reo lên.
Và không nói một lời với Cavaillon, ông quẳng lên bàn một tờ bạc 5 franc để thanh toán tiền rượu rồi lôi Prosper ra khỏi quán.
- Thật rủi ro, - ông vừa chạy trên hè phố vừa nói. - Có thể chúng mình không đuổi kịp họ mất. Chắc chắn là chúng ta đã lỡ chuyến tàu đi Saint-Germain rồi.
- Nhưng có chuyện gì vậy, lạy Chúa? - Prosper kinh ngạc hỏi.
- Nhanh lên nhanh lên, chúng ta sẽ nói chuyện trên đường đi.
Ra đến quảng trường Hoàng Cung, ông Verduret dừng lại trước một cỗ xe ngựa mà bằng cái liếc mắt ông đã đánh giá được đôi ngựa kéo.
- Ông lấy chúng tôi bao nhiêu từ đây đi Vésinet? - ông hỏi người đánh xe.
- Nhưng tôi không thuộc đường đến đó…
Nghe thấy chữ “Vésinet ” Prosper đã hiểu hết. Anh vội nói:
- Tôi sẽ chỉ đường cho ông.
- Thế thì, vào giờ này và với thời tiết chó má như thế kia thì phải hết… 25 franc.
- Và muốn đi nhanh thì ông đòi thêm bao nhiêu?
- Chà! Thưa ngài, việc ấy tùy lòng hào hiệp của ngài. Nhưng nếu ngài trả cho tất cả 35 franc thì tôi nghĩ…
- Tôi sẽ trả ông 100 franc, - ông Verduret ngắt lời, - nếu ông đuổi kịp một chiếc xe đã đi cách đây nửa tiếng.
- Trời ơi! - lão đánh xe ngựa hoan hỉ kêu lên. - Thế thì các ngài lên xe đi, các ngài làm tôi lỡ mất một phút rồi đấy.
Rồi lão ra roi quất ngựa phi nước đại phóng ra phố Valoa.
Hồ Sơ Số 113 Hồ Sơ Số 113 - Émile Gaboriau Hồ Sơ Số 113