Tài giỏi không có nghĩa là không bao giờ phạm phải sai lầm, mà ở chỗ nhanh chóng chuyển bại thành thắng.

Bertolt Brecht

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3270 / 57
Cập nhật: 2014-12-23 19:47:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 - Phân Giải Cao Thấp
rong lúc cô Oanh hăm hở đi xuống nhà bà mẹ chồng cũ, quyết tranh gia tài với cô Hưởng, là tình địch năm xưa, đã bị cô sỉ mạ giữa chợ Cần Giuộc, nên xấu hổ phải bỏ xứ trốn đi mất, té ra cô không gặp bà Xã Cầm hay là mẹ con cô Hưởng, mà lại gặp cô Thậm, cũng là một tình địch khác, nhưng tình địch thiệt thà hèn hạ, không dám ăn thua, bởi vậy cô dụ dỗ hiệp hòa kết phe, đặng thêm sức mà đánh bại phe nghịch, mặc dầu có bà Xã cầm cán nên mạnh mẽ.
Lúc ấy trên Đất Hộ, ông Đốc Thắng kêu xe lô đi lại tiệm may Tân Hưng mà rước bà Xã với cô Hưởng đi Chí Hòa.
Bà Xã với cô Hưởng chưa biết nhau nên mới gặp nhau tự nhiên ái ngại, phải dè dặt. Gần nhau được một ngày rồi, lòng thành thiệt của mẹ chồng với tình dan díu của nàng dâu gây ra mối thiện cảm buột chặt cả đôi bên.
Trót một đêm, hai mẹ con ngồi đối diện mà bày tỏ nỗi lòng cùng nhau, bà Xã thì kể nỗi đau khổ của Đường từ khi cưới vợ đem về, mới ăn ở với nhau được ít tháng, đau khổ kéo dài hơn mười lăm năm, mà vì chữ hiếu, con sợ bà buồn, con không dám nói ra, bởi vậy bà không hay gì hết.
Đến chừng nghe đọc lời trối của con để lại, thì bà ăn năn hối hận vô cùng. Bà nhận tội bà ung đúc tâm hồn cho con lỗi thời, bà giáo dục cho con noi theo hiếu đạo một cách mù quáng. Bởi vậy hạnh phúc của con đã lấp ló ngoài sân mà bà không hay, đặng mở cửa tiếp rước, để cho hạnh phúc đi vuột, còn đau khổ cứ lẩn quẩn ở trong nhà, cắt ruột xoi tim đến con bà phải chết.
Bà Xã kể chuyện mà bà tức tưởi bà khóc làm cho cô Hưởng xúc động cô cũng khóc theo.
Còn cô Hưởng, cô kể chuyện của cô vì cô cảm nỗi khổ tâm Đường, mà cô yêu Đường, chớ không phải cô tính giựt chồng của cô Oanh. Chừng lỡ có thai nghén rồi cô ăn năn hết sức. Cô phải đè nén tình yêu mà xa lánh Đường, đặng chữ hiếu của Đường được vẹn toàn, gia đạo của Đường được êm ấm. Phải gởi bước phiêu lưu, để vùi lấp trong chốn non cao rừng rậm tình yêu tuyệt vọng với tấm thân hư hèn, cô không thể đem đứa con còn bú theo được, vậy cô phải ký thác cho người bà con nuôi dùm. Vì cô biết vợ của Đường không phải là hiền phụ, rất đỗi không biết thương chồng thì có lý nào mà thương con riêng của chồng, tại vậy nên cô không dám giao cho ai, sợ Đường đem con về nhà thành ra như gởi trứng cho ác. Năm nay, cô mới trở về Saigon được thì người lãnh nuôi con đã chết mất, đứa con thơ xiêu lạc không biết đi đâu. Cô dọ hỏi kiếm tìm trót mấy tháng, may Phật Trời giúp nên cô mới gặp được con trong chùa, lo tu niệm an thân, khỏi hoang đàng vất vả. Nhưng gặp con mà con lơ lãng, không có tình nghĩa mẹ con, làm cho cô tức tưởi vô cùng, tức vì cô không biết tranh đấu để giúp xây hạnh phúc cho Đường, tủi vì sanh con mà không nuôi dạy được con, nên con không có tình nghĩa mẹ con. Cô Hưởng ăn năn cô khóc, bà Xã cũng khóc nữa.
Mẹ con trò chuyện đến khuya, cô Hưởng mới giũ mùng cho mẹ chồng ngủ. Bà Xã không chịu để cô Hưởng ngủ riêng, bà ép buộc cô phải ngủ chung một giường với bà, rồi mẹ con còn rù rì nói chuyện hoài, nói cho đến khuya mòn mỏi quá mới chịu nín mà ngủ.
Đến sáng, cô Hưởng lo mua đồ dọn ăn lót lòng, rồi mẹ con mới thay áo quần chờ ông Đốc Thắng lại mà đi với nhau.
Nhờ ông Yết Ma có chỉ dùm nhà bà chủ chùa, nên cô Hưởng nói lại cho anh sớp phơ lên tới chợ Chí Hòa, anh chạy luôn qua khỏi cái nhà lầu bên tay trái, tới cái biệt thự kế đó anh ngừng.
Thấy có người đi ngang qua xe, cô Hưởng hỏi phải nhà nầy là nhà của ông Xếp Bình, chủ chùa Nhơn Hòa hay không. Người ta nói phải. Ông Đốc Thắng liền mở cửa xe bước ra với hai bà, rồi cùng nhau đi vô cửa rào.
Cô Bạch chủ chùa, đã có gặp cô Hưởng tại chùa, bữa Hưởng vô kiếm con tên Càn lần đầu, hai cô có nói chuyện với nhau nên biết nhau rồi. Cô Bạch thấy cô Hưởng bước vô thì cô chào mừng.
Cô Hưởng giới thiệu bà Xã với ông Đốc. Cô Bạch liền mời khách ngồi.
Cô Hưởng mới kể sơ cho bà chủ chùa nghe chuyện bà Xã góa chồng hồi 26 tuổi, có một đứa con trai Đường mới 3 tuổi, bà thủ tiết nuôi con, đặng ngày sau nó kế nghiệp cho cha và phụng tự ông bà. Chừng con lớn, bà lo vợ cho con đặng mau có cháu nội. Rủi cô dâu không chửa đẻ, mà lại tánh tình không tốt, cứ làm buồn cho chồng. Vì chữ hiếu ràng buộc, con bà không dám cho bà hay, nhưng thất vọng chán nản, mới gây cảm tình với cô Hưởng.
Đường với Hưởng mới núp lén gần nhau, sanh được một đứa con trai, là huynh Huệ Minh đương tu trong chùa, Hưởng vì danh giá nên cậy người ta nuôi con dùm, đặng cô bỏ xứ mà đi xa, còn Đường vì chữ hiếu, nên không dám cho mẹ hay việc mình tư tình có con, cứ dọ kiếm đứa con ấy trót 15 năm mà tìm không ra.
Cách 4 năm nay, Đường chết có viết thơ để lại cho mẹ mà trối việc nầy, nhưng đến bây giờ bà Xã mới gặp được thơ mà đi tìm Hưởng. Nhờ Hưởng chỉ dẫn, nên bà mới vô chùa mà nhìn cháu nội huynh Huệ Minh, và năn nỉ xin cháu về ở với bà mà tu niệm đặng cai quản sự nghiệp, và thờ phụng ông bà thế cho bà đã già rồi.
Huynh Huệ Minh cứ nói hiến thân cho nhà phật, không biết việc thế gian nữa nên không chịu về. Vì vậy nên bà Xã với cô Hưởng đến đây, cậy bà chủ nhà làm ơn tiến dẫn dùm với cô Diệu Nga, đặng hai mẹ con yêu cầu cô Diệu Nga, người ta đồn cô là Bồ tát giáng sanh để cứu nhơn độ thế, yêu cầu cô nói dùm cho Huệ Minh chịu về ở nhà mà tu, cho trọn lời nguyện ước với Phật, mà cũng khỏi bất hiếu với ông bà cha mẹ.
Cô Bạch sẵn lòng chịu đi nói dùm. Cô mới bận áo ra xe đi với khách vô am Nhơn Hòa.
Chính giờ nầy là giờ cô Diệu Nga tiếp khách, mà lại may bữa nay không có người khách nào hết. Cô Diệu Nga mặc áo hàng màu dà, đội mũ ni màu đen, đương ngồi tại phòng khách mà xem kinh A Di Đà của bổn đạo mới mướn in mà hiến cho thiện nam tính nữ.
Cô Bạch vô trước cho hay có khách xa muốn xin yết kiến, đặng bày tỏ việc nhà. Cô Diệu Nga xin mời dùm vô.
Cô Bạch ra mời. Khách bước vô. Cô Diệu Nga ngồi chấp tay cúi đầu chào khách.
Bà Xã cũng như cô Hưởng thấy cô Diệu Nga gương mặt từ bi sáng rỡ, tướng mạo như Bồ tát hạ trần, thì kính nể hết sức, nên chấp tay mà bái. Ông Đốc Thắng cũng làm như vậy.
Cô Bạch mời khách ngồi. Ông Đốc Thắng kéo ghế ra dựa vách tường mà ngồi riêng, để cho mấy bà ngồi tại bàn mà nói chuyện.
Cô Bạch khởi nói trước:
- Bà cụ là bà nội của Huệ Minh, còn cô đây là mẹ của huynh. Mẹ huynh sanh rồi mẹ con xiêu lạc, cha huynh tìm không ra. Cha huynh mới chết mấy năm nay. Bà cụ sống một mình không có con cháu gì hết. Bà mẹ tìm hết sức mới gặp được huynh ở đây, mừng xin huynh về thì huynh lơ lãng nói đã tu niệm yên rồi, huynh không muốn biết việc trần tục nữa.
Bà nội phải năn nỉ yêu cầu huynh, dầu muốn tu đặng ung đúc đạo tâm, thì về ở nhà mà tu, đặng cai quản sự nghiệp và thờ phụng tổ tiên ông bà luôn thể, chớ bà cụ đã già rồi, không còn sống bao lâu nữa mà lo việc đó, huynh cứ dụ dự việc đó không chịu về, nên bà cụ và cô đây muốn yêu cầu cô, là người lo cứu nhơn độ thế, cô làm phước nói dùm với huynh Huệ Minh về tu tại gia, đặng vẹn lời ước nguyện với Phật, mà cũng khỏi mang chữ “bất hiếu” cho bà cụ hết buồn, lúc gần đất xa trời nầy.
Bà Xã khóc mà năn nỉ, yêu cầu cô Diệu Nga can thiệp dùm cho bà cháu sum hiệp một nhà và gia đình bà khỏi tuyệt tộc.
Cô Diệu Nga chấp tay nói:
- Mô Phật! Té ra cô đây là thân mẫu, còn bà cụ là nội tổ của huynh Huệ Minh. Việc nầy bần đạo đã biết rồi. Hồi hôm huynh Huệ Minh có vô am mà viếng bần đạo, tỏ nguồn gốc của huynh cho bần đạo nghe, rồi có trình mấy chương di bút của ông thân sanh nữa. Bần đạo nghe và đọc rồi, bần đạo cảm thấy việc nhà của bà cụ là một thiên gia đình sử có thể vui tươi, mà lại biến thành bi thảm, điều đó thiệt đáng tiếc, mà cũng đáng thương. Nhưng có vài điểm mờ ám, khó hiểu. Vậy bần đạo xin phép hỏi vài câu cho rõ. Khi bà cụ đi cưới vợ cho con, bà cụ có biết con yêu cô gái đó hay không?
Bà Xã vội đáp:
- Thưa, con tôi từ nhỏ cho tới chừng đó, nó cứ lo ăn học chớ không chịu để ý đến con gái nào hết. Vì phẩm chất nó không được mạnh, nên khi nó 20 tuổi, tôi lo vợ cho nó, mong có con cho sớm, phòng khi phong vân bất trắc, sẵn có trẻ nối dòng. Tôi có hỏi nó có yêu ai không, thì tôi dọ tánh tình rồi tôi cưới cho nó, bất luận giàu hay nghèo. Nó nói nó không có cảm tình với cô nào hết. Ở gần không có chỗ nào xứng đôi vừa lứa với nó, nên tôi phải làm sui xa. Tôi cũng lựa con nhà hiền đức tử tế mà cưới.
- Trước khi cưới bà cụ có biết tánh nết con dâu hạp với tánh nết con bà cụ hay không?
- Vì ở xa nên thấy tướng maọ vậy thôi, hỏi dọ thì người ta nói tử tế, chớ thiệt có biết rõ tánh nết được đâu. Cưới về ở được mười mấy năm, tôi thấy vợ chồng nó cũng không có nghịch với nhau cho lắm. Chừng con tôi chết, tôi mượn đọc di ngôn của nó tôi mới tá hỏa, hay con tôi vì chữ hiếu nên phải buồn rầu mà chết, thiệt tôi hối hận vô cùng. Lỗi tại dạy con không đúng nên nó mới bị hại.
Bà Xã nói tới đây thì nước mắt tuôn dầm dề.
Cô Diệu Nga day qua hỏi cô Hưởng :
- Còn cô kết tình với con bà cụ có thai nghén rồi sao cô trốn tránh, không cho người yêu gặp mặt nữa? Cô có phiền về việc chi hay sao?
- Thưa, không. Hồi đó vì yêu anh Đường nên tôi phải lìa ảnh chớ đâu có phiền. Tôi biết ảnh ở với mẹ chí hiếu, mà vợ ảnh là một ác phụ. Nếu tôi để cho ảnh lân la với tôi hoài thì gia đạo ảnh sẽ xào xáo, và thân mẫu ảnh sẽ u phiền, thành ra ảnh lỗi với mẹ. Tại vậy nên tôi phải bỏ xứ mà đi tìm chốn rừng núi, trước chôn thân danh nhơ nhuốc của tôi, sau cứu đạo hiếu của anh Đường cho toàn vẹn.
- Cô yêu cậu Đường sao khi ra đi cô không giao đứa con cho cậu nuôi, mà cô lại bỏ rơi cho nó nhập đoàn với trẻ mồ côi hoang đàng?
- Sợ giao con cho anh Đường, người ác phụ sẽ giết nó chết, nên tôi cậy một người bà con làm nữ giáo viên như tôi nuôi dùm mà dạy nó học. Rủi người ấy chết, con tôi mới xiêu lạc bơ vơ. Năm nay trở về đây, tôi hay anh Đường vì tôi mà ảnh đau khổ đến chết, còn con tôi tuy tôi tìm được, nhưng nó lơ lãng không có tình mẹ con, thì tôi ăn năn không biết chừng nào. Lỗi tại tôi mà ra.
Cô Hưởng nói tới đây rồi cũng khóc.
Cô Diệu Nga trầm ngâm một chút rồi cô nói:
- Bây giờ bần đạo thấy tỏ rõ rồi, không còn chỗ nào mờ ám nữa. Vậy bần đạo xin phép phân hắc bạch cho bà cụ với cô nghe. Trong tờ di ngôn cậu Đường không phiền ai, cậu nhận hết tội lỗi về phần cậu.
Bà cụ nói chuyện hồi nãy, bà dành lỗi về phần bà. Bây giờ cô còn nói các tai hại đều do lỗi của cô gây ra.
Theo bần đạo thấy, cả ba người đều không có lỗi gì hết.
Lỗi tại thời đại, chớ không phải tại ba người. Ba người đều có giáo dục thanh cao, thuần túy, người biết nâng cao tiết hạnh, người biết giữ tròn hiếu nghĩa, người dám hy sinh tình yêu, hy sinh vui sướng đặng trọn với người yêu.
Tiếc vì gặp đời hỗn độn, việc gì cũng đảo ngược, bởi vậy những đức cao quí ấy hoá ra lỗi thời, hoá ra không được thưởng mà dường như lại bị phạt. Tuy vậy mà bần đạo khuyên mấy bà con đừng thối chí. Trời phật vẫn còn hoài, bỉ cực thới lai. Tai họa là mầm nẩy sanh hạnh phúc. Nếu cần phải phân phải quấy, thì bần đạo nói ngay ra, có một người quấy mà thôi. Người có tội lỗi là người vợ của cậu Đường. Người đó chưa biết giáo dục nào hết. Người đó không biết nghĩa nhơn, hiếu thuận của Nho giáo, mà cũng không biết bác ái, từ bi của Phật giáo. Người đó là trụ cốt hạnh phúc gia đình của bà cụ, rủi không lựa kỹ, nên lầm dùng trụ cốt mục bỡ, bởi vậy hạnh phúc mới sụp đổ, chớ chi người vợ của cậu Đường có đạo đức hay là biết nghĩa nhơn, thì biết về làm dâu nhà bà cụ tự nhiên hiểu nhà chồng cần phải có con cháu để nối nghiệp, và phụng tự tổ tiên. Đã mấy năm, mình không thể giúp cho nhà chồng thỏa mãn nhu cầu cần thiết đó được, lại hay chồng tư tình với người khác đã có thai nghén. Mình bình tĩnh bước ra chính thức yêu cầu bà mẹ chồng rước người chồng yêu đem về làm thứ nhứt cho chồng, sau người ấy sanh con thì mình nuôi, không sanh nhưng có dưỡng đạo đồng mình không mất cái địa vị “má lớn”. Về sau, mình sanh thêm con nữa thì càng hay. Trời phật sẽ thưởng cái đức lớn của mình nên chắc sẽ cho mình có con; mà mặc dầu sanh sau con mình cũng thuộc con dòng lớn. Ví dầu mình không có con đi nữa, cũng không hại gì. Trong nhà biết lễ nghĩa, tự nhiên mình được mẹ chồng yêu quí, được anh chồng chìu chuộng, được người thứ nhứt kính nhường. Chừng mẹ chồng trăm tuổi già, mình đứng vai chủ phụ theo tang lễ. Sau rủi chồng có qua đời sớm thì mình là đích mẫu, mình thay mà phụng tự tổ tiên, quản xuất sự nghiệp, cũng như mẹ chồng hồi trước vậy.
Mãn đời mình rồi, mình truyền cái nhiệm vụ lại cho vợ thứ, đặng người noi theo dấu trước hiệp cùng các con mà duy trì lễ giáo gia phong, tốt biết chừng nào. Tại người vợ của cậu Đường không có giáo dục, thiếu cả nghĩa nhơn đạo đức, nên làm hư hỏng hết, nàng đã không được danh hiền phụ, mà còn mang tiếng ác phụ với đời. Ấy vậy lỗi tại nàng đó chớ tại ai đâu.
Bà Xã ngó cô Hưởng rồi ngó ông Đốc, lộ sắc ngạc nhiên như người say vừa mới tỉnh. Bà nhỏ nhẹ nói:
- Tôi rất cảm ơn mấy lời sáng suốt của cô vừa dạy bảo. Cô nói mẹ con tôi không có lỗi. Vậy cúi xin cô làm phước nói dùm với cháu nội tôi, nó về ở nhà tôi mà tu niệm đặng phượng thờ và nối nghiệp tổ tiên luôn thể. Người ta đều nói, cô tu đắc đạo nên thành Bồ tát mà cứu nhơn độ thế. Cúi xin cô cứu dùm nhà tôi cho khỏi tuyệt tộc mà bỏ mồ hoang lửa lạnh tội nghiệp cho tiên nhơn. Cháu nội tôi nó về nó muốn sao tôi cũng chịu hết. Nó muốn đặt bàn thờ Phật trong nhà cho nó tu niệm, tôi sẽ làm liền. Nó muốn tôi tu với nó tôi cũng chịu. Sau nó muốn cất chùa để cảm hoá người trong làng trong xóm tôi cũng sẵn lòng nữa. Miễn nó chịu về đặng duy trì gia đình, phụng tự ông bà và nối nghiệp tông tộc, thì nó muốn làm sao tôi cũng chịu hết.
- Bà cụ thuở nay sống trong khuôn khổ nho giáo, mà cũng có cơ cảm với nhà Phật như vậy thì quí lắm. Bần đạo chắc Phật sẽ độ mà đem hạnh phúc lại cho nhà bà. Xin bà đừng thối chí. Sớm mơi nầy bà cụ vô đây, vậy bà cụ đã có gặp huynh Huệ Minh hay chưa?
- Thưa, chưa. Tôi đi thẳng vô đây.
- Hồi hôm nói chuyện với huynh Huệ Minh, bần đạo có chỉ đường lối sáng suốt cho huynh biết rồi. Vậy lát nữa bà cụ ra chùa gặp huynh, có lẽ huynh sẽ trả lời cho bà cụ.
Cô Hưởng nói:
- Mẹ con tôi rất cám ơn cô. Lời cô giảng dạy đích đáng quá, hèn chi thiên hạ đồn cô là Bồ Tát giáng trần đặng cứu nhơn độ thế thiệt trúng lắm.
- Bần đạo thành tâm tu niệm, chớ có phải Phật hay Bồ Tát gì đâu. Bần đạo mong cứu người đau khổ theo sức bần đạo, được bao nhiêu cũng tốt.
Cô Diệu Nga không muốn người ta nói tới chuyện của cô nên cô đứng dậy chấp tay nói :
- Nam mô.
Cô Bạch hiểu ý nên cô cũng đứng dậy nói:
- Đã hết giờ tiếp khách, tới giờ tưởng niệm rồi. Vậy bà con mình ra để cho cô đi niệm Phật.
Mỗi người khách đều lại đứng giữa chấp tay xá cô Diệu Nga rồi lui ra cửa. Cô cũng cúi đầu xá mà đáp lễ với mỗi người, rồi mở cửa đi qua phòng thờ phật Quan âm.
Cô Bạch dắt ba người khách đi ra chà, để xe lô rề chạy theo sau. Cô nói:
- Theo lời cô Diệu Nga nói hồi nãy, thì chắc huynh Huệ Minh chịu về ở với bà nội rồi. Để ra hỏi huynh lại cho chắc.
Ông Đốc Thắng nói:
- Mấy năm nay tôi nghe đồn chùa Nhơn Hòa có Bồ tát hoá thân đặng cứu nhơn độ thế, thiệt tôi không tin. Bây giờ tôi mới thấy tận mắt cô Diệu Nga chẳng những điệu bộ từ bi như phật bà, mà lời nào cô nói ra cũng đúng đắn, thẳng ngay, mực thước, ai nghe cũng phải kính phục hết. Cô bắt tội cô Oanh thiệt tôi phục sát đất.
Bà Xã Cầm nói:
- Lên đây tôi thấy chùa am thanh tịnh, được nghe lời đạo đức rõ rằng, tôi cảm quá, hèn chi cháu nội tôi nó mê, nó không muốn biết việc thế gian nữa, nghĩ cũng phải. Tôi già rồi tôi còn mê thay, huống chi là nó. Nó chịu về ở với tôi mà tu niệm chắc tôi cũng tu như nó.
Ra tới chùa gặp sư Huệ Tiên ngoài cửa, cô Bạch hỏi huynh Huệ Minh làm gì ở đâu. Sư Huệ Tiên nói Huệ Minh đương nói chuyện với ông Yết Ma bên tịnh trai. Cô Bạch dắt khách đi luôn qua đó, thiệt quả Huệ Minh đương nói chuyện với ông Yết Ma. Thấy khách bước vô, ông Yết Ma vui vẻ chào mừng, ông mời ngồi và nói:
- Huynh Huệ Minh mới xin phép tôi đặng về ở với bà cụ, mà tu tại gia và phụng tự ông bà cho bà cụ yên lòng. Tôi đương dặn dò và chỉ cách thức cho huynh cảm hoá thiện nam tín nữ trong vùng Cần Giuộc đây. Huynh tu như vậy cũng được công quả không nhỏ.
Bà Xã nghe nói cháu nội chịu về ở với bà thì bà mừng, nên bước lại nắm tay cháu mà nói:
- Con biết thương nội thương mẹ như vậy mới phải chớ. Con về ở với nội thì nội dọn chỗ thờ Phật cho con tu niệm. Nội cũng tu với con. Cô Diệu Nga mới nói với nội đây. Phật giáo và Nho giáo không có nghịch với nhau đâu, trái lại cần phải đi đôi với nhau mới có ích. Nội mừng lắm con à.
Cô Hưởng hỏi con:
- Con tính chừng nào đi? Đi về sớm cho nội con vui. Đi liền bữa nay được hay không con?
Thấy Huệ Minh dụ dự ông Yết Ma mới nói:
- Tôi xin bà cụ ở chơi tới sáng mai sẽ rước cháu. Nên để cho huynh Huệ Minh thu xếp áo quần và kinh kệ, mà cũng để cho tôi giảng dạy thêm phép tu đạo tại gia cho huynh hiểu.
Cô Hưởng dành nói:
- Thưa, ở chờ tới sáng cũng được. Vậy mai lối bảy tám giờ tôi với má tôi sẽ đem xe vô rước đi.
Cô Bạch nói:
- Mai tốt ngày vì trong xóm tôi có đám cưới.
Huynh Huệ Minh mới nói:
- Con chịu về ở với nội, nhưng con xin nói hai điều nầy, là con đặt bàn thờ Phật trong nhà đặng ban đêm con tưởng niệm và mấy rằm lớn, với mấy vía, phải cho con trở về chùa đặng con cúng phật.
Bà Xã vội vã nói:
- Được mà. Con muốn gì cũng được hết. Khi nào con trở lên chùa nội sẽ đi theo con lên đặng nội lạy phật. Thiệt tôi cám ơn ông Yết Ma với bà chủ chùa quá.
Bà lấy ra 200 đồng bạc để trên bàn mà nói tiếp:
- Sẵn đây tôi xin phép hiến vài trăm để mua nhang đèn cúng phật trong chùa và trong am. Tôi xin ông Yết Ma với bà chủ chùa nhận lễ mọn của tôi.
Cô Bạch cám ơn. Ba người mới từ giã ra xe mà về, hẹn sáng bữa sau vô rước Huệ Minh.
Bà Xã với cô Hưởng thì vui vẻ mừng rước được Càn. Ông Đốc thì khen cô Diệu Nga phân giải phải quấy rất đúng đắn.
Bà Xã nói Càn ở chùa chắc không có đồ thường mà bận. Bà mướn xe chạy xuống chợ Bến Thành, đặng bà mua một vóc hàng đen, mười thước hàng trắng với mười thước vải đen, đem về Cần Giuộc mướn thợ may cho Càn một cái áo dài để bận khi cúng ông bà và may đồ mát để bận thường ở trong nhà, chớ áo của thầy tu thì ban đêm bận cúng phật mà thôi, còn ban ngày hay chừng đi ngủ thì bận đồ mát cho tiện.
Cô Hưởng biểu sớp phơ chạy luôn xuống chợ Saigon. Cô mời ông Đốc xuống đó, rồi vô nhà hàng ăn cơm đặng khỏi thất công về nhà làm rộn. Ông Đốc nói, ông không có dặn trước ở nhà, ông sợ con ông chờ đợi. Ông xin xuống đó để ông kêu xích lô ông về trước, giao xe hơi cho hai mẹ con ăn cơm, và mua đồ rồi về sau.
Bà Xã biểu ông ngồi luôn trên xe hơi mà về Đất Hộ, và dặn sớp phơ sáng mai đem xe lại cho bà, bà còn qua rước Càn đi về Cần Giuộc. Bà đưa thêm cho ông Đốc 500 biểu cất đặng trả tiền xe.
Ông Đốc nói còn tiền nhiều nên ông không chịu lấy. Ông lại nói cô Giáo Đào cậy mời bà Xã với cô Hưởng chiều lại nhà ăn cơm với cô một bữa, vì cô là thầy cũ cách nhau mười mấy năm nay, còn bà không mấy khi lên Saigon, nên hai mẹ con phải ăn cơm đặng nói chuyện chơi, không được từ chối. Bà Xã với cô Hưởng chịu. Xuống tới Saigon bà Xã biểu ông Đốc đi xe hơi mà về luôn, để mẹ con bà đi mua hàng vải và kiếm chỗ ăn cơm rồi đi xích lô mà về.
Bữa cơm tối ăn tại nhà cô giáo Đào thì chủ khách đều vui vẻ, nhứt là bà Xã Cầm vui hết sức, bà cứ nói từ rày sắp lên bà hết lo về tương lai; mà Phật đã phân giải tại ai, chớ không phải tại mấy mẹ con bà, bởi vậy bà được an ủi nhiều, bà bớt ăn năn về dĩ vãng.
Chừng mẹ con bà Xã từ giã về, ông Đốc dặn cô Hưởng sửa soạn áo quần cho sẵn, đặng sáng mai ông đem xe lại đi sớm, mà qua chùa rước Càn, rồi chạy luôn về Cần Giuộc.
Hai bữa rồi, cô Hưởng thấy mẹ chồng tánh tình giản dị, hiền lành, khoan hồng, thân ái, thì cô cảm phục hết sức, bởi vậy về tới nhà cô cho vợ chồng cô Thịnh hay, sáng mai cô đi Cần Giuộc ở chơi với con và mẹ chồng ít ngày, rồi cô sốt sắng xếp áo quần để vào va-ly sẵn sàng. Khuya cô dậy sớm mượn người nấu ăn đi mua đồ về lót lòng với mẹ chồng. Chừng ông Đốc Thắng đem xe hơi lại thì mẹ con từ giã chủ tiệm may rồi xách đồ ra xe mà đi liền.
Hạnh Phúc Lối Nào Hạnh Phúc Lối Nào - Hồ Biểu Chánh Hạnh Phúc Lối Nào