Bạn nhìn thấy sự việc và hỏi “Tại sao?”, nhưng tôi mơ tưởng đến sự việc và hỏi “Tại sao không?”.

George Bernard Shaw

 
 
 
 
 
Tác giả: Kenneth Grahame
Thể loại: Tuổi Học Trò
Dịch giả: Nguyên Tâm
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1587 / 50
Cập nhật: 2017-06-11 10:58:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 - Những Cuộc Phiêu Lưu Của Thằng Cóc
hi thấy mình bị giam hãm trong một ngục tối nhớp nháp và hôi hám và biết rằng toàn bộ cái bóng tối chán chường của một pháo đài trung cổ đã ngăn cách nó với thế giới bên ngoài đầy nắng cùng những đường quốc lộ trải đá phẳng lì, nơi mà mới gần đây nó đã sung sướng biết bao, tha hồ đùa nghịch như thể nó đã mua đứt mọi con đường ở nước Anh, thì thằng Cóc vật mình nằm dài trên sàn mà nhỏ những giọt nước mắt cay đắng và đành buông xuôi tuyệt vọng. “Thế này là kết thúc tất cả mọi thứ,” nó nói, “ít nhất cũng là kết thúc sự nghiệp của anh chàng Cóc, cũng thế mà thôi, cái anh chàng Cóc đẹp trai và được nhiều người ngưỡng mộ, anh chàng Cóc giàu có và mến khách, anh chàng Cóc biết mấy tự do, vô tư và phóng khoáng! Làm sao ta có thể hy vọng lại có ngày được tự do rong chơi nữa,” nó nói, “khi mà đã bị tống giam một cách chính đáng vì ăn trộm một chiếc xe hơi đẹp như thế bằng cách táo bạo như thế, và vì thái độ hỗn xược khủng khiếp không thể tưởng tượng nổi dành cho một đám cảnh sát béo mập, mặt đỏ phừng phừng đông đến như thế!” (Đến đây những cơn nức nở khiến nó nghẹt thở) “Ta thật là một con vật ngu xuẩn,” nó nói, “giờ đây ta phải mòn mỏi trong cái ngục tối này cho tới khi những kẻ đã từng hãnh diện nói rằng họ quen biết ta cũng quên bẵng ngay cả cái tên Cóc của ta! Ôi, bác Lửng thân mến và khôn ngoan! Những xét đoán của bác mới đúng đắn làm sao, hiểu biết của bác về con người và mọi vấn đề mới sâu sắc làm sao! Ôi, thằng Cóc bất hạnh và đơn côi!” Cứ than thở như vậy, nó sống mòn mỏi suốt vài tuần, không chịu dùng bữa hoặc các món ăn nhẹ giữa các bữa ăn, mặc dù lão cai ngục mặt sắt biết rằng túi tiền của Cóc khá rủng rỉnh nên vẫn thường nói rõ là có thể thu xếp chuyển từ bên ngoài vào rất nhiều tiện nghi và cả những đồ xa xỉ nữa – với một cái giá nhất định.
Hiện thời lão cai ngục có một cô con gái dịu dàng và tốt bụng. Cô giúp đỡ cha làm một số công việc nhẹ tại nơi làm việc của lão. Cô đặc biệt yêu mến các loài vật, và, ngoài con chim hoàng yến của mình trong cái lồng ban ngày được treo vào một cái đinh trên bức tường đồ sộ của tòa tháp khiến những tù nhân muốn chợp mắt một lát sau bữa ăn rất bực mình, và được phủ một chiếc áo ghế rồi đặt trên một cái bàn tại phòng khách vào ban đêm, cô còn nuôi mấy con chuột bạch và một chú sóc lúc nào cũng quay cuồng không nghỉ. Một hôm, vì thương xót cho cảnh bất hạnh của thằng Cóc, cô gái tốt bụng này nói với cha mình, “Cha ơi! Con chẳng thể nào chịu nổi khi thấy con vật tội nghiệp kia quá đỗi khổ sở và cứ ngày một gầy nhom! Cha cứ để con trông coi nó cho. Cha cũng biết là con rất khoái các con vật mà. Con sẽ khiến được nó ăn từ lòng bàn tay con, rồi ngồi dậy và làm đủ mọi việc.”
Cha cô gái trả lời rằng cô có thể tùy ý muốn làm gì với nó cũng được. Lão đã chán ngấy thằng Cóc cùng những trận hờn dỗi, cái kiểu ra vẻ ta đây và cái tính bủn xỉn của nó. Thế là ngày hôm ấy cô tiến hành chuyến đi làm việc thiện của mình và gõ cửa phòng giam thằng Cóc.
“Nào, vui vẻ lên nào, Cóc à,” cô dỗ ngọt, ngay lúc bước vào, “cậu hãy ngồi dậy, lau nước mắt đi và hãy là một con vật biết điều nhé. Mà cậu phải cố ăn một chút cho có bữa đi chứ. Xem này, chị đem đến cho cậu một phần bữa ăn của chị, nóng sốt mới ra lò đấy!”
Đó là món bắp cải trộn khoai tây rán được úp giữa hai cái đĩa cho nóng sốt và mùi thơm của nó sực nức cả căn phòng giam chật hẹp. Cái mùi thơm ngát của bắp cải lan tới mũi thằng Cóc khi nó đang nằm úp sấp trên sàn trong nỗi đau khổ của mình, và bỗng khiến nó nghĩ rằng cuộc đời có lẽ chẳng đến nỗi vô cảm và dữ dằn như nó đã hình dung. Song nó vẫn kêu khóc, quẫy đạp và khước từ sự an ủi. Vì vậy cô gái đã khôn ngoan rời khỏi phòng một lát. Cố nhiên là mùi thơm của bắp cải nóng sốt vẫn còn lưu lại rất nhiều, bao giờ chẳng thế, và thằng Cóc cứ vừa nức nở vừa hít hít và suy ngẫm. Và nó dần dần bắt đầu có những suy nghĩ mới mẻ và đầy cảm hứng về tinh thần hiệp sĩ, về thi ca và những hành động còn phải thực hiện; về những thảo nguyên mênh mông đầy nắng gió, tại đó có những bầy gia súc đang gặm cỏ; về những vườn rau cùng những bờ cỏ thẳng tắp và những bông hoa mõm chó thơm nồng ong đến bu đầy; về tiếng lách cách dễ chịu của bát đĩa dọn ra bàn tại Lâu đài Cóc cùng tiếng chân ghế quyệt vào sàn nhà khi mỗi người nhích gần bàn hơn để ăn uống. Bầu không khí trong căn phòng giam chật hẹp bắt đầu thoáng vẻ tươi vui; nó bắt đầu nghĩ đến bạn bè và về việc chúng nhất định sẽ làm một điều gì đó bằng cách nào, nghĩ đến các luật sư và về việc họ hẳn sẽ vui mừng được biện hộ cho vụ của nó ra sao, và trước kia nó thật là ngu xuẩn vì đã không thu nạp vài người; và cuối cùng, nó nghĩ đến trí thông mình và tài tháo vát tuyệt vời của bản thân mình cùng tất cả những gì nó có thể thực hiện nếu nó chỉ cần tập trung tài trí vĩ đại của mình vào đó; và việc điều trị hầu như đã hoàn tất.
Vài giờ sau, cô gái quay trở lại, tay bưng một cái khay bên trên là một tách trà thơm nóng bốc hơi và một đĩa đầy ắp bánh mỳ phết bơ nướng, cắt từng lát dày, hai mặt màu nâu và bơ chảy qua các lỗ hổng trên bánh thành từng giọt lớn màu vàng, như mật ong chảy ra từ tầng ong. Mặc nhiên là mùi thơm của bánh mỳ phết bơ nướng đã nói chuyện với thằng Cóc bằng một giọng rất quả quyết. Nó nói về những gian bếp ấm áp, những bữa điểm tâm vào các buổi tối mùa đông, khi mà người ta đi dạo về đặt đôi chân đi dép lê lên tấm chắn lò sưởi, về tiếng rừ rừ của những chú mèo no nê thỏa mãn và tiếng líu ríu của những chú chim hoàng yến buồn ngủ. Thằng Cóc lại ngồi thẳng người dậy, lau khô nước mắt, nhấm nháp tách trà và trệu trạo nhai bánh mì nướng của mình, và chẳng mấy chốc đã bắt đầu kể lể cởi mở về bản thân mình, về tòa nhà của nó cùng những công việc của nó ở đó, về tầm quan trọng của nó và về việc bạn bè nó quý mến nó biết bao.
Cô con gái lão cai ngục biết rằng chủ đề này cũng tỏ ra công hiệu đối với nó chẳng kém gì nước trà, mà quả thế thật, và đã động viên nó cứ tiếp tục.
“Hãy kể chị nghe về Lâu đài Cóc,” cô nói. “Xem ra có vẻ rất đẹp.”
“Lâu đài Cóc,” thằng Cóc kiêu hãnh nói, “là một dinh thự độc lập đủ tư cách cho một nhà quyền quý, rất độc đáo, áng chừng được xây dựng từ thế kỉ thứ mười bốn, nhưng có đầy đủ mọi tiện nghi hiện đại. Hệ thống vệ sinh kiểu mới nhất. Chỉ cách nhà thờ, bưu điện và sân golf có năm phút, thích hợp với – “
“Con vật này thú vị thật,” cô gái vừa nói vừa cười to, “Chị không muốn chiếm cái nhà ấy đâu. Hãy kể chị nghe một điều gì đó có thực về nó đi, nhưng hãy đợi đến khi chị kiếm thêm trà và bánh mì nướng đã.”
Cô gái thoăn thoắt bỏ đi và lát sau quay lại cùng với một khay đầy nữa; và thằng Cóc lao vào ăn bánh mỳ nướng một cách thèm thuồng. Tinh thần nó đã phục hồi hoàn toàn như bình thường, nó kể cho cô gái nghe về nào là nhà để thuyền, ao cá, vườn rau có bức tường bao cũ kỹ, nào là các chuồng lợn, chuồng ngựa, chuồng chim bồ câu, nào là các tủ bày đồ sứ, các tủ đựng khăn bàn, quần áo (cô gái đặc biệt thích thú món đồ này); nào là phòng yến tiệc cùng những trò vui của bọn chúng ở đó mỗi khi các con vật khác cùng tụ tập quanh bàn tiệc và thằng Cóc thật sự thoải mái, vừa ca hát vừa kể chuyện vừa tranh luận ầm ĩ với tất cả mọi người. Sau đó, cô gái muốn biết về các con vật là bạn của nó và rất chú ý những điều nó kể về bọn chúng, về việc chúng sinh sống ra sao và làm gì để tiêu khiển thời gian. Cố nhiên cô không nói là mình thích những con vật nuôi làm cảnh, bởi cô hiểu rằng thằng Cóc sẽ vô cùng khó chịu. Lúc cô chào tạm biệt, sau khi đã đổ đầy bình nước và giũ cái đệm nhồi rơm cho thằng Cóc, thì nó đã là một con vật rất lạc quan và tự mãn chẳng khác xưa là mấy. Nó hát một đôi bài ca ngắn, loại bài nó thường hát tại các bữa tiệc của mình, nằm cuộn tròn trên cái nệm rơm và tận hưởng quãng thời gian nghỉ ngơi tuyệt vời vào ban đêm cùng những giấc mơi êm đềm nhất.
Về sau, khi chuỗi ngày tẻ ngắt cứ tiếp tục kéo dài, hai bên đã có những cuộc trò chuyện thú vị cùng nhau; và cô con gái lão cai ngục ngày càng xót xa cho thằng Cóc và nghĩ rằng con vật tội nghiệp nhỏ bé kia mà lại bị nhốt kỹ trong nhà tù chỉ vì phạm một tội theo cô là không đáng kể thì quả là một điều rất đáng xấu hổ. Cố nhiên, do cao ngạo, thằng Cóc lại cho rằng sự quan tâm của cô đối với nó xuất phát từ tình cảm quý mến ngày một tăng, và nó không thể không có phần lấy làm tiếc rằng cái hố sâu ngăn cách về mặt xã hội giữa hai đứa lại rất chi là lớn, bởi cô là một cô gái dễ thương và hiển nhiên đã cảm phục nó lắm lắm.
Một buổi sáng, cô gái có vẻ rất trầm ngâm, chỉ trả lời bâng quơ và thằng Cóc thấy dường như cô không quan tâm đúng mức tới những câu châm ngôn dí dỏm cùng những lời nhận xét sắc sảo của nó.
“Anh Cóc này,” lát sau cô nói, “xin hãy vui lòng lắng nghe. Tôi có một bà dì làm thợ giặt.”
“Nào, nào,” thằng Cóc nói, giọng ân cần niềm nở, “không sao hết, đừng băn khoăn gì về điều đó nữa. Tôi cũng có vài bà dì buộc phải làm thợ giặt mà.”
“Xin anh hãy yên lặng cho một phút, anh Cóc à,” cô gái nói. “Anh nói nhiều quá, đó là khuyết điểm chính của anh. Lúc này tôi đang suy nghĩ thì anh lại khiến tôi đau đầu. Như vừa nói, tôi có một bà dì làm thợ giặt, bà ấy giặt giũ cho tất cả tù nhân trong lâu đài này – chúng tôi cố giữ bất kỳ công việc làm ăn béo bở nào đại loại như vậy cho gia đình mình, anh hiểu chứ? Bà ấy đem quần áo đi giặt vào sáng ngày thứ hai và đem trả vào tối thứ sáu. Hôm nay là thứ năm rồi. Mà này, tôi chợt nảy ra ý nghĩ như thế này: anh rất giàu có – ít nhất thì lúc nào anh cũng kể với tôi như vậy – còn bà ấy lại rất nghèo. Đối với anh, một vài đồng bảng[1] chẳng nhằm nhò gì nhưng lại rất có ý nghĩa với bà ấy. Thế này nhé, tôi cho rằng nếu ta tiếp cận bà ấy một cách thỏa đáng – đút lót bà ấy, tôi nghĩ đó là cái từ mà loài vật các anh vẫn dùng – thì anh có thể đạt được một sự thu xếp nhất định, theo đó bà ấy sẽ cho anh mượn quần áo, mũ của bà ấy, và anh có thể trốn khỏi lâu đài trong vai bà thợ giặt chính thức. Nom anh rất giống bà ấy về nhiều mặt – đặc biệt là về thân hình.”
“Đâu có giống,” thằng Cóc nổi giận nói, “Tôi có một thân hình thanh tú – xứng với cương vị của tôi.”
“Bà dì tôi cũng có một thân hình thanh tú,” cô gái trả lời, “xứng với cương vị của bà ấy. Nhưng anh cứ nghĩ thế cũng được. Anh là một con vật khủng khiếp, kiêu ngạo và vô ơn, khi mà tôi thương hại và đang tìm cách cứu anh!”
“Phải, phải, nói vậy cũng được; tôi thực sự cảm ơn chị rất nhiều,” thằng Cóc vội nói. “Nhưng mà nghe này,” thằng Cóc trả lời cô gái, “nhất định chị sẽ không khiến được anh chàng Cóc, chủ Lâu đài Cóc, cải trang làm bà thợ giặt mà đi khắp cái miền quê này đâu!”
“Vậy thì anh có thể dừng lại đây với tư cách là một con cóc,” cô gái trả lời, giọng đầy khí thế. “Tôi cho rằng anh muốn rời khỏi đây trên một cỗ xe tứ mã cơ đấy!”
Thằng Cóc lương thiện bao giờ cũng sẵn sàng nhận lỗi của mình. “Chị là một cô gái tốt bụng, tử tế và thông mình,” nó nói, “và tôi quả là một con cóc kiêu ngạo và ngu xuẩn. Mong chị vui lòng giới thiệu tôi với bà dì đáng kính của chị, và tôi tin chắc quý bà tuyệt vời này cùng với tôi sẽ có thể thỏa thuận được với nhau về những điều kiện thỏa đáng đối với cả đôi bên.”
Tối hôm sau, cô gái dẫn bà dì của mình vào phòng giam thằng Cóc, mang theo cả số quần áo đã giặt trong tuần của nó, được bọc trong một cái khăn mặt. Bà già đã chuẩn bị cho cuộc gặp và mấy đồng tiền vàng lồ lộ mà thằng Cóc dụng ý đặt trên bàn cho mọi người nhìn thấy hầu như đã giải quyết xong vụ việc và chỉ còn phải bàn thêm chút đỉnh. Đổi lại với số tiền mặt của mình, thằng Cóc nhận được một cái áo choàng bằng vải bông in hoa, một chiếc tạp dề, một tấm khăn vuông và một cái mũ mềm màu đen cũ kỹ; điều khoản duy nhất mà bà già này đề ra là bà phải bị nhét giẻ vào mồm, bị trói gô lại và quẳng vào một xó. Bà ta giải thích rằng, với cái mẹo lừa không mấy thuyết phục ấy, lại thêm sự bịa đặt phong phú mà bản thân bà có thể cung cấp, thì bà hy vọng vẫn giữ được chỗ làm, mặc dù sự việc xảy ra có vẻ đáng ngờ.
Thằng Cóc rất hài lòng với gợi ý đó. Như vậy, nó sẽ có thể rời khỏi nhà tù một cách khá oai hùng và cái thanh danh về một thằng cha liễu lĩnh và nguy hiểm của nó vẫn không bị nhơ nhuốc; và nó xăng xái giúp cô con gái lão cai ngục biến bà dì của mình nom thật giống nạn nhân của hoàn cảnh không thể nào cưỡng lại nổi.
“Bây giờ đến lượt anh, Cóc à,” cô gái nói. “Hãy cởi áo khoác và gilê ra; trong hoàn cảnh này thì anh to béo quá đấy.”
Vừa cười đến rung cả người, cô vừa chuyển sang việc “bó giò” nó vào cái áo choàng bằng vải bông in hoa, quàng tấm khăn vuông lên vai nó với một nếp gấp có tay nghề và buộc những sợi dây của cái mũ mềm cũ kỹ dưới cằm nó.
“Nom anh giống hệt bà ấy,” cô cười khúc khích, “chỉ có điều tôi chắc chắn là suốt quãng đời trước kia anh chưa bao giờ có vẻ khả kính đến thế. Bây giờ, xin tạm biệt anh Cóc và chúc may mắn. Anh cứ đi thẳng dọc theo con đường anh đã đến đây; và nếu bất kỳ ai nói gì với anh, có thể họ sẽ nói, chủ yếu là cánh đàn ông, thì anh có thể đùa cợt một chút với họ, cố nhiên rồi, nhưng hãy nhớ rằng anh là một bà quả phụ hoàn toàn cô đơn trên đời, phải giữ gìn phẩm tiết đấy.”
Trong lòng run sợ những vẫn cố điều khiển bước đi thật mạnh mẽ, thằng Cóc cẩn trọng dấn thân vào một cái gì đó mường tượng như là một công việc dại dột và nguy hiểm; song chẳng mấy chốc nó ngạc nhiên một cách dễ chịu khi thấy rằng mọi chuyện đã được sắp đặt thuận lợi cho nó đến nhường nào, và cảm thấy hơi tủi nhục một chút khi nghĩ rằng cả cái việc nó được mọi người mến mộ lẫn cái giới tính dường như truyền cảm hứng cho sự mến mộ đó thực ra lại thuộc về một người khác. Cái thân hình lùn mập của bà thợ giặt trong tấm áo choàng bằng vải bông in hoa quen thuộc kia dường như là một giấy thông hành[2] để đi qua mọi cánh cửa đóng kín và lối cổng ảm đạm. Ngay cả khi còn do dự, chưa biết chắc phải rẽ lối nào cho đúng thì nó đã thấy mình thoát khỏi khó khăn nhờ sự giúp đỡ của tên lính gác tại cổng tiếp đó đang sốt ruột muốn bỏ đi uống trà. Gã này gọi nó đến và bảo đi tiếp thật nhanh chứ không bắt phải chờ ở đó suốt đêm. Những lời đùa cợt và những câu trêu ghẹo dí dỏm chĩa vào nó, và cố nhiên nó phải nhanh chóng đáp lại một cách ấn tượng, quả đã tạo ra mối nguy hiểm chủ yếu cho nó; bởi thằng Cóc là một con vật có ý thức mạnh mẽ về phẩm giá của bản thân mình, mà những lời đùa cợt thì, theo nó, lại nghèo nàn và vụng về. Còn những câu trẹo ghẹo thì chẳng dí dỏm chút nào. Tuy vậy, nó vẫn giữ được bình tĩnh, mặc dù rất khó khăn, trả miếng những kẻ kia một cách thích hợp và phù hợp với thân phận giả định của mình, đồng thời cũng cố hết sức để không vượt quá giới hạn của sự thanh nhã.
Dường như phải mất mấy giờ đồng hồ nó mới qua được cái sân cuối cùng, cự tuyệt những lời mời khẩn khoản vọng ra từ trạm gác cuối cùng và né tránh hai cánh tay dang rộng của tên lính gác cuối cùng – tên này giả đò xúc động, chỉ cầu xin được một lần ôm hôn tạm biệt. Nhưng rồi cuối cùng nó nghe tiếng cánh cửa xép của cái cổng to lớn ngoài cùng đóng sập lại phía sau lưng, cảm thấy không khí mát mẻ của thế giới bên ngoài thổi vào vầng trán đầy lo âu của nó và biết rằng nó đã được tự do!
Sửng sốt về thắng lợi dễ dàng của kì công táo bạo của mình, nó rảo bước về phía ánh đèn của thị trấn, hoàn toàn không biết tiếp đó sẽ phải làm gì mà chỉ đinh ninh một điều rằng nó phải rời khỏi vùng này càng nhanh càng tốt, bởi người phụ nữ mà nó buộc phải thay thế là một nhân vật quá nổi tiếng và được mến mộ ở nơi này.
Trong lúc vừa tiến bước vừa suy tính, nó chú ý đến mấy ngọn đèn xanh đỏ cách đó một quãng ngắn, ở một mé thị trấn và tiếng phì phò của các đầu tàu hỏa cùng tiếng rầm rầm của các toa tàu chuyển bánh đập vào tai nó. “A ha!” nó nghĩ, “thế này thì may quá! Lúc này điều ta cần nhất trên đời là một nhà ga xe lửa; đã vậy ta lại không phải đi qua thị trấn để đến nhà ga và sẽ không phải minh chứng rằng mình chính là cái nhân vật đáng xấu hổ này bằng những lời đối đáp sắc sảo nữa, dù rằng những lời lẽ ấy tuy vô cùng hữu hiệu lại chẳng khiến con người ta có ý thức tự trọng hơn.”
Thế là nó rảo bước tới nhà ga, tra cứu một thời gian biểu và phát hiện rằng một chuyến tàu hỏa áng chừng đi về hướng quê mình sẽ khởi hành sau nửa giờ nữa. “Lại gặp may rồi!” thằng Cóc nói, phấn chấn hẳn lên, và đến ngay cửa bán vé để mua vé.
Nó nói tên nhà ga mà nó biết là gần nhất với cái làng có đặc trưng chủ yếu là Lâu đài Cóc, và lập tức đưa mấy ngón tay vào cái chỗ trước đây vẫn là túi áo gi lê của mình để tìm số tiền cần thiết. Nhưng tại đó, tấm áo choàng bằng vải bông bấy nay vẫn từng ủng hộ nó một cách cao thượng và bị nó hèn hạ lãng quên đã cản trở khiến những cố gắng của nó trở thành vô ích. Như trong một cơn ác mộng, nó vật lộn với cái vật lạ kỳ dường như đang níu lấy bàn tay nó khiến tất cả những nỗ lực cơ bắp của nó trở thành nhão nhoẹt và cười nhạo nó hoài. Trong khi đó, những hành khách khác xếp hàng phía sau và sốt ruột chờ đợi đang gợi ý ít nhiều về giá vé và bình phẩm ít nhiều về hoàn cảnh túng tiền. Cuối cùng, không hiểu vì sao – nó thật sự không hiểu bằng cách nào – nó đã phá tung các rào cản, đạt được mục tiêu, sờ được tất cả những chỗ mà các túi áo gi lê muôn thuở vẫn ở đấy và thấy – chẳng những không có tiền mà cũng chẳng có cái túi nào để mà đựng tiền, chẳng có cái áo gi lê nào để mang những cái túi cả!
Hoảng hồn, nó nhớ ra là đã bỏ lại cả áo khoác lẫn áo gi lê trong phòng giam cùng với sổ tay, tiền, chìa khóa, diêm, túi bút – tất cả những thứ khiến cho cuộc đời đáng sống, tất cả những thứ phân biệt một con vật nhiều tiền, chúa tể của tạo vật với những con vật thấp hèn hơn vì ít tiền hoặc không có tiền mà cứ ăn chơi nhảy múa một cách buông thả, chẳng được trang bị gì để bước vào trận đấu thực sự.
Trong hoàn cảnh khốn đốn, nó đành liều giải quyết dứt điểm vụ này, và, với sự trở lại của cung cách khoa trương ngày trước – sự pha trộn giữa một thổ hào và một ông giáo trung học – nó nói, “Nghe này, ta phát hiện ra là đã quên cái ví ở nhà. Xin ông cứ vui lòng đưa ta cái vé ấy rồi ngày mai ta sẽ gửi tiền đến trả. Ta nổi tiếng ở vùng này mà.”
Nhân viên bán vé tròn mắt nhìn nó cùng cái mũ mềm màu đen cũ bẩn một lát rồi phá ra cười. “Tôi phải cho rằng bà đã từng khá nổi tiếng ở vùng này,” ông nói, “nếu bà vẫn từng hay thử chơi cái trò này. Nào, xin quý bà vui lòng tránh ra khỏi cửa bán vé, bà đang cản trở những hành khách khác đấy!”
Một ông già lịch sự từ nãy cứ thúc vào lưng nó hoài, bây giờ đẩy bật nó ra, mà tệ hơn nữa, lão còn gọi nó là quý bà, điều đó khiến thằng Cóc uất người hơn bất kỳ chuyện gì đã xảy ra vào tối hôm đó.
Bối rối và hoàn toàn tuyệt vọng, nó lang thang không mục đích dọc thềm ga nơi đoàn tàu đang đỗ, nước mắt ròng ròng hai bên mũi. Thật là đau, nó nghĩ, khi đã sắp an toàn đến nơi và đã về gần đến nhà thì lại bị ngăn trở chỉ vì thiếu dăm đồng si-linh[3] chết tiệt và vì cái tính nghi ngời vặt của đám viên chức làm công ăn lương kia. Chẳng bao lâu nữa, việc nó vượt ngục sẽ bị phát hiện, cuộc săn đuổi sẽ bắt đầu, nó sẽ bị tóm cổ, bị sỉ vả và bị xiềng xích đầy mình, bị lôi trở lại nhà tù với bánh mỳ – nước lã và cái nệm rơm, số lính canh gác nó và các hình phạt dành cho nó sẽ tăng gấp đôi, và ôi chao, cô gái ấy sẽ có những lời bình phẩm châm chọc thật khủng khiếp! Biết làm gì bây giờ? Nó không nhanh chân, hình dáng nó thật không may là ai cũng nhận ra. Nó không thể chui vào gầm ghế ở một toa chở hành khách ư? Trước kia nó đã thấy bọn học sinh sử dụng phương pháp này khi khoản tiền đi đường mà các bậc phụ huynh chu đáo cung cấp đã bị chuyển sang các mục đích khác thú vị hơn. Còn đang cân nhắc, nó bỗng thấy mình đối diện với cái đầu tàu đang được viên lái tàu trìu mến tra dầu, lau chùi và vuốt ve. Đó là một người đàn ông lực lưỡng, một tay xách can dầu, tay kia nắm một túm vải vụn.
“Chào mẹ!” viên lái tàu nói, “Có chuyện rắc rối gì thế? Nom mẹ có vẻ không được vui lắm.”
“Ồ, thưa ông!” thằng Cóc vừa nói vừa lại bắt đầu khóc lóc, “Tôi là một bà thợ giặt nghèo khổ và bất hạnh. Tôi mất hết cả tiền và không thể trả tiền mua vé. Tối nay bằng cách nào tôi cũng phải về đến nhà mà tôi chẳng biết phải làm gì bây giờ. Trời ơi là trời!”
“Việc đó quả là gay đấy,” viên lái tàu trầm tĩnh trả lời. “Mất tiền – không về nhà được – mà còn có vài đứa trẻ chờ đợi bà, tôi dám chắc là thế?”
“Rất nhiều đứa cơ đấy,” thằng Cóc thổn thức. “Mà chúng nó sẽ bị đói, sẽ nghịch diêm – và sẽ đánh đổ những cây đèn, cái lũ trẻ ngây thơ ấy! – và còn cãi nhau và làm đủ chuyện nữa chứ. Ối trời ơi là trời!”
“Thôi được, tôi sẽ cho bà biết tôi sẽ làm gì,” viên lái tàu tốt bụng nói. “Bà bảo bà làm nghề thợ giặt, ra là thế. Rất tốt, thế là được rồi. Còn tôi là một viên lái tàu, như bà có thể thấy rõ, và không thể phủ nhận rằng đó là một công việc bẩn thỉu kinh khủng. Nó ngốn của tôi hàng lô áo sơ mi khiến bà xã nhà tôi giặt giũ đến mệt lử. Nếu khi về đến nhà, bà nhận giặt cho tôi vài chiếc sơ mi rồi gửi cho tôi, thì tôi sẽ cho bà đi nhờ trên đầu máy của tôi. Như thế là trái với nội quy của công ty, nhưng ở nơi xa xôi hẻo lánh này thì chúng ta cũng chẳng nên quá câu nệ làm gì.”
Nỗi khốn khổ của thằng Cóc bỗng chuyển thành niềm vui sướng vô ngần khi nó hăm hở trèo lên buồng lái trên đầu tàu. Cố nhiên nó chưa hề giặt một chiếc sơ mi nào trong đời, mà có cố giặt cũng chẳng được và dù thế nào thì nó cũng sẽ không bắt đầu thử làm công việc này, song nó lại nghĩ “Khi trở về an toàn tại Lâu đài Cóc, lại có tiền và có những túi áo để đựng tiền, mình sẽ gửi cho ông lái tàu thật nhiều để đủ trả công giặt giũ hàng đống quần áo, và làm như thế thì cũng vậy, hoặc còn tốt hơn cho ông ấy.”
Ông trưởng tàu vẫy cờ hiệu, viên lái tàu thổi còi hào hứng trả lời, và đoàn tàu rời ga. Trong lúc đoàn tàu tăng tốc và thằng Cóc có thể thấy những cánh đồng thật sự, nào là cây cối, bờ giậu, nào là bò, ngựa, tất thảy cứ vun vút lướt qua ở hai bên, và trong lúc nó còn đang nghĩ, mỗi phút trôi qua lại đưa nó gần hơn biết bao với Lâu đài Cóc, với những người bạn nhiệt tình, với những đồng tiền xủng xoảng trong túi áo, với cái giường êm ái để ngủ cùng những món ngon để ăn và những lời ca ngợi đầy cảm phục khi nghe nó kể lại những cuộc phiêu lưu và trí thông minh xuất chúng của mình, nó bỗng nhảy choi choi mà la hét và hát những khúc ca ngắn khiến viên lái tàu vô cùng ngạc nhiên vì trước kia thỉnh thoảng ông cũng bắt gặp những bà thợ giặt, nhưng chẳng có một ai giống bà này.
Họ đã vượt qua biết bao dặm đường, và thằng Cóc đã tính đến chuyện sẽ ăn món gì vào bữa tối ngay khi nó về đến nhà, thì nó để ý thấy viên lái tàu, vẻ mặt bối rối, đang nhoài mình sang một bên đầu tàu mà chăm chú lắng nghe. Rồi nó thấy ông trèo lên đống than mà chằm chằm nhìn ra bên ngoài qua nóc các toa tàu; sau đó, ông quay trở lại và nói với thằng Cóc: “Thật rất kỳ lạ; trong đêm nay chuyến tàu của chúng ta là chuyến cuối cùng chạy về hướng này, vậy mà tôi có thể thề là đã nghe thấy một chuyến tàu nữa đuổi theo chúng ta!”
Thằng Cóc lập tức dừng ngay các trò hề phù phiếm của mình. Nó trở nên nghiêm trọng và buồn nản, một cảm giác đau âm ỉ ở phần dưới sống lưng nó truyền sang đôi chân khiến nó muốn ngồi xuống mà cố hết sức không nghĩ đến tất cả mọi khả năng có thể xảy ra.
Lúc này vầng trăng đang tỏa sáng rực rỡ và viên lái tàu đang cố đứng vững trên đống than có thể nhìn thấy đường tàu dài tít tắp phía sau. Lát sau, ông ta gọi to: “Bây giờ tôi có thể nhìn rõ rồi! Đó là một đầu tàu, trên tuyến đường của chúng ta, đang chạy với tốc độ rất lớn. Có vẻ như chúng ta đang bị truy đuổi!”
Thằng Cóc khốn khổ bò rạp xuống nền bụi than, cố hết sức nghĩ xem có thể làm được một điều gì đó, nhưng ngán thay, lại không thể nào nghĩ ra được.
“Họ đang nhanh chóng tiến gần chúng ta!” viên lái tàu kêu to. “Mà cái đầu tàu ấy đầy những người nom rất kỳ cục! Những người giống như bọn cai ngục thời cổ đang vung những ngọn giáo; những viên cảnh sát đầu đội mũ sắt đang vung vẩy dùi cui; và những người ăn mặc xoàng xĩnh – hiển nhiên là các thám tử mặc thường phục, trộn cũng không lẫn được, thậm chí từ khoảng cách thế này – đang vung vẩy súng lục và ba-toong. Tất cả bọn họ đều đang vẫy vẫy và cùng hét lên như nhau – ‘Dừng lại! Dừng lại! Dừng lại!’ “
Nghe vậy, thằng Cóc quỳ ngay xuống giữa đống than, chắp hai tay giơ lên mà van xin, năn nỉ, “Hãy cứu cháu, ông lái tàu tốt bụng quý mến ơi, rồi cháu sẽ thú nhận mọi chuyện! Cháu không phải là bà thợ giặt khờ dại như cái vẻ bề ngoài của cháu đâu! Cháu chẳng có con cái nào đang chờ đợi cả, con thơ dại hoặc không thơ dại cũng đều chẳng có! Cháu là một con cóc – cái anh chàng Cóc nổi tiếng và được nhiều người mến mộ, một điền chủ; cháu vừa mới trốn thoát, nhờ sự táo bạo và trí thông minh tuyệt vời của mình, từ một ngục tối ghê tởm mà bọn kẻ thù của cháu đã ném cháu vào. Nếu mấy thằng cha trên cái đầu tàu kia mà bắt lại cháu thì sẽ lại là xiềng xích, bánh mỳ – nước lã và cái nệm rơm cùng nỗi đau khổ dành cho thằng Cóc tội nghiệp, bất hạnh và vô tội này thôi!”
Viên lái tàu cúi nhìn nó, vẻ rất nghiêm khắc, “Bây giờ hãy khai ra sự thực, vì sao mà anh bị bỏ tù?”
“Chẳng có chuyện gì nghiêm trọng lắm,” thằng Cóc tội nghiệp nói, mặt đỏ rừ. “Cháu chỉ mượn một chiếc xe hơi trong lúc các chủ nhân của nó đang ăn trưa, lúc ấy họ không cần dùng đến xe. Cháu không có ý định ăn trộm, thật đấy, nhưng người ta – đặc biệt là các vị quan tòa – lại có quan điểm khắc nghiệp đến thế về những hành động thiếu suy nghĩ và bốc đồng.”
Viên lái tàu nom có vẻ rất trầm trọng, nói, “Ta e rằng xưa nay anh quả thật là một con cóc ranh ma, và đúng ra ta phải giao nộp anh cho nền công lý bị xúc phạm. Song lúc này hiển nhiên là anh đang đau khổ và cùng quẫn, vì vậy ta sẽ không bỏ mặc anh. Thứ nhất, ta không dính dáng gì đến xe hơi, thứ hai, ta không thể đồng ý để bọn cảnh sát sai vặt khi đang ở trên cái đầu máy của mình. Vậy thì hãy vui vẻ lên đi, anh Cóc! Ta sẽ cố gắng hết sức, và chúng ta vẫn có thể thắng bọn họ!”
Hai bác cháu xúc lấy xúc để, cố chất thêm than; lò than cháy đùng đùng, những tia lửa bắn vụt lên, đầu máy nhảy chồm chồm và lắc lư, vậy mà những kẻ đuổi theo vẫn cứ dần dần tiến gần hơn. Viên lái tàu thở dài, lau trán bằng một túm giẻ, và nói, “Ta e rằng chẳng ăn thua gì, anh Cóc à. Anh thấy đấy, tàu của họ chở nhẹ và lại có đầu máy khỏe hơn. Bây giờ chúng ta chỉ còn có thể làm một việc duy nhất, mà đó là cơ may của anh, vì vậy anh phải rất chú ý những điều ta bảo. Có một đường hầm phía trước chúng ta một quãng không xa, và phía bên kia đường hầm đó thì tuyến đường chạy qua một khu rừng rậm. Nghe này, ta sẽ tăng tốc đến mức tối đa trong lúc chạy qua đường hầm, còn bọn kia sẽ chạy chậm lại chút ít, đương nhiên là thế, vì sợ gặp tai nạn. Khi qua hết đường hầm, ta sẽ đóng nồi hơi nước lại và hãm phanh thật mạnh, và đúng lúc an toàn để thực hiện việc đó thì anh phải nhảy ra và trốn trong rừng trước khi bọn họ vượt qua đường hầm và nhìn thấy anh. Sau đó, ta sẽ lại chạy hết tốc độ, và bọn họ có thể rượt đuổi ta nếu họ thích, muốn bao lâu tùy họ và xa bao nhiêu tùy họ. Bây giờ hãy chú ý và sẵn sàng nhảy khi ta bảo!”
Hai bác cháu lại chất thêm than, và đoàn tàu lao vút vào đường hầm, cái đầu tàu chạy ào ào, vừa gầm rú vừa kêu rầm rập, cho tới khi vọt ra khỏi đầu kia của đường hầm, lao vào không khí mát rượi cùng ánh trăng êm dịu, và hai bác cháu nhìn thấy khu rừng trải ra đem sẫm và thân thiện hai bên đường sắt. Viên lái tàu đóng nồi hơi và hãm phanh, thằng Cóc bước xuống bậc lên xuống, và khi đoàn tàu chạy chậm lại với tốc độ gần như người đi bộ thì nó nghe tiếng viên lái tàu ra lệnh, “Nghe này, nhảy!”
Thằng Cóc nhảy, lăn lông lốc xuống một bờ đắp ngắn, đứng dậy không hề hấn gì, rồi lủi vào rừng trốn.
Ghé mắt nhìn ra, nó thấy đoàn tàu của nó lại tăng tốc và khuất dạng ở mãi tít xa. Sau đó, từ trong đường hầm chiếc đầu tàu đuổi theo chạy ào ra, vừa gầm rú vừa huýt còi, đám người ô hợp trên đó vừa vung vẩy các vũ khí khác nhau của họ vừa hét, “Dừng lại! Dừng lại! Dừng lại!” Khi bọn chúng đi khỏi, thằng Cóc cười vang sung sướng – tiếng cười đầu tiên của nó kể từ khi nó bị quẳng vào nhà tù.
Song chẳng mấy chốc nó đã ngừng cười khi bắt đầu nghĩ rằng lúc này đã rất khuya, trời rất tối và lạnh mà nó lại ở trong một khu rừng xa lạ, không có tiền, không có cơ may được ăn bữa tối, vẫn còn cách xa nhà và bạn bè, và cái tĩnh lặng tuyệt đối của vạn vật tiếp sau tiếng gầm rú và rầm rập của đoàn tàu chừng mực nào đó cũng như một cú sốc. Không dám rời khỏi sự che chở của cây cối, vì vậy nó cứ bước đại vào trong rừng với ý định càng rời xa tuyến đường sắt ở phía sau càng tốt.
Sau bao nhiêu tuần lễ bị giam giữa bốn bức tường, nó cảm thấy khu rừng có vẻ xa lạ, không thân thiện và, nó nghĩ, lại còn muốn giễu cợt nó nữa. Những con cú muỗi phát ra những âm thanh lạch cạch vô cảm khiến nó nghĩ khu rừng đầy những cai ngục đang lùng sục và mỗi lúc một đến gần nó hơn. Một con cú trong lúc sà xuống nhẹ nhàng không gây chút tiếng động đã quệt cánh vào vai nó khiến nó giật nảy mình hoảng sợ vì tin chắc đó là một bàn tay, rồi lại lượn ra xa như một cánh bướm đêm, vừa bay vừa cất tiếng cười khe khẽ “hu! hu! hu!” mà thằng Cóc cho là rất vô duyên. Một lần nó gặp một con cáo. Con vật này dừng bước, soi mói nhìn nó đầy vẻ châm chọc và nói, “Xin chào bà thợ giặt! Tuần này bà trả thiếu nửa đôi bít tất và một cái áo gối. Bà hãy cẩn thận đừng để xảy ra chuyện ấy nữa!” rồi vừa cười khẩy vừa khệnh khạng bỏ đi. Thằng Cóc nhìn quanh tìm một hòn đá để ném hắn mà chẳng tìm được hòn nào, khiến nó bực mình hơn bất kỳ chuyện gì khác. Cuối cùng, vừa đói vừa mệt lả, nó tìm ẩn náu trong một thân cây rỗng, tại đó nó lấy cành cây và lá khô cố làm cho mình một chiếc giường thật thoải mái và ngủ một giấc ngon lành cho tới sáng.
1. Pound: đơn vị tiền tệ của người Anh, thời xưa được đúc bằng vàng – ND
2. Passport (trong nguyên tác): hộ chiếu – ND
3. Shilling: đơn vị tiền tệ của người Anh. Thời xưa, từ 1970 trở về trước, 20 shilling bằng 1 pound – ND
Gió Qua Rặng Liễu Gió Qua Rặng Liễu - Kenneth Grahame Gió Qua Rặng Liễu