Being deeply loved by someone gives you strength, while loving someone deeply gives you courage.

Lao Tzu

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7254 / 188
Cập nhật: 2015-03-15 22:19:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 - Ánh Sáng
àng năm, cứ vào dịp Xuân về là khắp nơi lòng ai cũng cảm thấy phấn khởi, vui hẳn lên. Thật sự thì trong chúng ta ai nấy đều già thêm một tuổi, nhưng hầu hết chúng ta nào có nghĩ thế. Ngược lại, chính chúng ta còn cảm thấy trẻ lại nữa là đàng khác. Có lẽ vì đất trời giao hòa, đem lại nguồn ấm áp, với không khí trong lành để thay thế cho cái lạnh lẽo hững hờ của mùa đông.
Ta sung sướng. Ta muốn mọi người ai ai cũng sung sướng như ta. Một khi trái tim ta cởi mở vì tràn ngập yêu thương, rộng lòng bác-ái thì trong lòng làm gì còn chỗ cho hận thù và ganh ghét nữa.
Cứ đem cái cảm tưởng của ta khi gặp mùa xuân tới có lẽ ta cũng đoán được cõi lòng của Minh như thế nào khi tìm lại được ánh-sáng trong một ngày đầu xuân...
Lúc băng mắt vừa được tháo ra, Minh ngơ-ngác nhìn quanh mình lấy làm lạ. Chàng còn đang băn khoăn chưa rõ đây là thực hay là mộng thì Liên lo ngại, cất tiếng run run hỏi:
-Em đây! Mình có trông thấy em không?
-Có chứ! Anh trông thấy mình rồi! Ôi, thật là sung sướng thay!
Liên mừng đến líu cả lưỡi, nước mắt tuôn ra như mưa không nói nên lời. Nàng bước lại bên giường nắm chặt lấy tay chồng. Minh nhìn Liên thật kỹ một hồi rồi hỏi:
-Anh Văn đâu?
Liên đáp:
-Anh ấy cũng sắp đến rồi.
-Mình trông thấy mắt anh có khác trước không?
-Cũng chẳng khác gì mấy, chỉ thấy trong hơn thôi.
Rồi Minh lại đăm đăm nhìn Liên không chớp mắt. Chàng chợt khẽ buông một tiếng thở dài. Liên thấy vậy hỏi:
-Mình sao vậy?
-Anh có sao đâu!
Sự thật thì Minh cảm khái, buồn rầu khi nhận ra rằng sắc đẹp của Liên kém xưa nhiều lắm. Đáng lý ra chàng phải thừa hiểu lý-do là thế nào. Nhưng loài người từ ngàn xưa vẫn đều thế cả. Khi vui thì mình bao giờ cũng muốn cuộc vui cho trọn vẹn. Tất cả những gì chung quanh mình đều phải vui, phải đẹp cả. Chỉ cần một chút gì không vừa ý cũng có thể làm cho mình buồn, dù là trong một thời gian ngắn.
Nhưng rồi cái cảm-giác không vui của Minh cũng mau tan biến đi. Chàng hăng hái đứng dậy ra mở cửa sổ. Ánh sáng tràn vào làm cho Minh bỗng hoa cả mắt, cơ hồ muốn ngã gục xuống. Liên vội chạy lại đỡ chàng đưa vào giường rồi ra đóng cửa chớp lại.
Minh vừa ngồi vừa thở, mỉm cười bảo Liên:
-Mình ơi! Anh thật sung sướng quá!
-Em cũng thế.
-Thì anh Văn đã bảo mình rằng thế nào cũng khỏi mà mình không tin.
-Bây giờ thì anh tin rồi!
-Nói chuyện!
-Này mình ạ, lại mở cửa thử ra xem.
-Hãy thong thả đã mình ạ. Ông bác-sĩ có dặn phải để cửa đóng đến ngày mai mới được mở.
Minh nhất định không chịu nghe, nằng nặc đòi Liên phải mở cửa cho bằng được. Hai người đang tranh luận thì một người khán-hộ bước vào can ngăn, ép Minh phải nằm xuống giường. Minh lồng lộn lên như một người điên đòi về nhà ngay tức khắc. Sau cùng người khán-hộ phải lên tiếng hăm dọa trói Minh vào giường chàng mới chịu nghe lời. Minh gượng cười nói đùa:
-Trói thì tôi ngộp thở mà chết mất. Không mở cửa thì thôi, cho tôi ngồi dậy một tí nhé.
-Ngồi cũng không được!
Quay sang Liên, người khán-hộ nghiêm nét mặt nói:
-Tồi giao thầy cho cô coi đấy nhé. Làm sao thì làm, nếu để cho thầy ấy ra mở cửa thì nổ con ngươi mà mù lại tôi không chịu trách-nhiệm đâu đấy!
Chờ người khán-hộ đi rồi, Liên mới hết run sợ, thì thầm bảo chồng:
-Đấy, mình xem. Chuyện rất là nghiêm trọng, đến có thể nổ cả con ngươi chứ không chơi. Mình đừng vội làm gì.
Minh phá lên cười. Mấy phút sau chàng thiếp đi vì còn mệt bởi thuốc mê. Sáng sớm hôm sau khi thức giấc, tuy thấy trong người còn hơi mệt nhưng mắt chàng khi trông đã thấy đỡ chói. Lúc bấy giờ cả Liên lẫn Văn chưa ai đến cả. Minh muốn xuất viện ngay, nhưng lại sợ bị cản như hôm qua liền ôn tồn lễ phép nói khéo với người khán hộ nhờ ‘bẩm hộ quan đốc’ (#1) cho.
Ông bác-sĩ đích thân đến khám lại mắt Minh rồi vui cười xoa đầu chàng nói:
-Tốt lắm! Đây là tôi trả thị-quan lại cho văn-sĩ rồi đấy nhé!
Minh cảm động đến chảy nước mắt đứng nhìn người cứu chữa cho mình. Trông ông ta thật từ-bi bác-ái chẳng khác nào một vị cứu tinh. Ông ta cảm nhận được ngay những giọt lệ kia có ý nghĩa hơn bất cứ lời nói nào đến muôn vạn lần. Chính trong lòng ông ta cũng sung sướng không khác gì bệnh-nhân của mình. Phải mấy phút sau, Minh mới bớt đi sự xúc động. Chàng đưa khăn lên lau nước mắt, ngập ngừng nói mấy lời, tỏ lòng biết ơn:
-Thưa bác-sĩ. Cái ơn cứu chữa của bác-sĩ tôi sẽ chẳng bao giờ quên...
Ông bác-sĩ cố giấu đi tất cả niềm kiêu-hãnh bằng một câu nhún nhường:
-Tôi mổ mắt cho ông thì tôi lấy tiền, là tôi cũng vì tiền. Đó chẳng qua là vì sinh kế của tôi thôi chứ ơn với nghĩa gì! Vả lại nếu ông không đến tôi mà đến người khác thì mắt ông cũng vẫn được chữa khỏi. Mà cùng lắm, cho dù ông cứ để vậy thì sang năm mắt ông vẫn sáng lại như thường kia mà!
-Thôi, tôi xin phép bác-sĩ cho tôi về nhà.
-Được rồi. Nhưng phải nhớ đeo kính râm nhé.
Đoạn ông ta trao tặng Minh một cái kính màu tro và một cái kính trắng rồi tiễn chàng ra tận xe tay mà ông ta sai người khán-hộ gọi giúp. Trên đường về, Minh cảm thấy tâm-thần sảng khoái hơn bao giờ hết. Khi đi ngang qua hồ Hoàn-Kiếm, Minh bảo anh phu xe dừng lại. Chàng trả tiền xe, thưởng thêm chút đỉnh cho người phu rồi một mình tản bộ quanh hồ.
Trời xuân trong sáng làm tăng vẻ yêu đời của Minh đối với vạn vật. Vì đeo kính râm, màu phong-cảnh, hoa lá cây cỏ có bị giới-hạn, không được tươi thắm hoàn toàn, song đối với Minh chẳng có chút gì là quan-trọng. Chàng tưởng như mình như người bị giam trong bóng tối lâu ngày nay thoát ra ngoài, được nhìn thấy ánh mặt trời.
Tới một chiếc ghế dài, chàng ngồi xuống nghỉ chân. Đã lâu ngày không đi đứng gì nhiều nên chàng cảm thấy hai đầu gối mỏi rời như muốn khuỵu. Sau cùng, không thể chịu được nữa tuy vẫn nhớ tới lời hăm dọa của người khán-hộ, chàng đưa tay tháo bỏ kính ra. Chàng cảm tưởng như ở rạp chiếu bóng đến giờ tạm nghỉ, đèn điện bật hết lên sáng chưng. Mắt chàng chưa quen lại được với ánh sáng ban ngày nên chớp luôn rồi nhắm nghiền lại. Vài phút sau, Minh mới thấy đỡ chói.
Nhìn xuống mặt hồ, Minh tưởng chừng như nước hồ mới nhuộm màu xanh. Bóng Tháp-Rùa lờ mờ rung rinh giữa hồ như một bức mành thướt tha trước gió. Nhưng khi nhìn ra xa, Minh chẳng nhìn thấy được một vật gì cả. Nhớ tới lời bác-sĩ nói rằng mình sẽ bị cận-thị, Minh tỉnh ngộ lấy kính trắng ra đeo. Vạn vật dường như hiện ra rõ ràng, tươi đẹp hơn bao giờ hết...
Đứng trước cảnh vật rực rỡ, Minh sung sướng như điên dại. Mặt chàng thật hồng hào, mắt sáng quắc sau cặp kính trong. Rồi chàng quay lại nói với một người chưa hề quen biết vừa ngồi xuống ghế bên cạnh chàng:
-Thưa ông, tôi vừa mổ mắt.
Người kia chưa kịp hiểu, Minh đã nói tiếp:
-Thưa ông, tôi sung sướng quá! Tôi bị mù đã hơn tám tháng nay. Bây giờ tôi mới vừa trông lại được. Thưa ông, ông có đọc báo ‘Đời nay’ không? Nếu có thì ông có đọc những bài viết của Minh Liên không? Tôi chính là Minh Liên đây?
Người kia nghe xong kinh-ngạc hỏi:
-Chính là ông? Vậy ra ông mù thật à?
-Vâng, Tôi mù thật. Tôi vừa ở bệnh-viện bác-sĩ Thiện ra thì gặp ông. Bây giờ xin phép ông tôi về nhà.
Trên đường về nhà, gặp ai Minh cũng chào hỏi như quen biết từ lâu. Chàng cười nói luyên-thuyên, tưởng như ai cũng chia vui, mừng chàng lấy lại được ánh sáng. Mắt Minh đảo qua đảo lại, nhìn ngắm khắp mọi nơi. Ánh sáng như nhảy múa, đến từng luồng trước mắt chàng. Mỗi vật trông thấy đều khiến chàng lấy làm lạ. Chàng tưởng như lần đầu được ngắm đền Ngọc-Sơn. Chàng ngầm so sánh nó với viên kim-cương nạm trong chiếc nhẫn bích-ngọc.
Sự so sánh ấy khiến chàng nhớ tới Liên. Tháng trước tại vườn Bách-Thảo, Liên cũng so sánh cây thông với con thoi. Chàng muốn đến đó coi lại xem nó thật sự có giống con thoi không.
Nhưng khi nghĩ tới Liên, Minh bỗng thấy rầu rầu, không được vui. Chàng tìm lại được ánh sáng trong một ngày xuân vui tươi, mọi cảnh vật đều tốt đẹp huy-hoàng, chỉ riêng một mình Liên là nhan sắc xấu đi nhiều! Hôm qua khi mới mở mắt nhìn Liên, chàng tưởng như mình đi vắng nhiều năm mới về lại nhà. Chàng nghĩ thầm: “Nếu như ta còn mù thì ta vẫn còn tưởng Liên đẹp lắm. Nhưng thật quái lạ, sao chỉ mới có mấy tháng mà vợ ta già đi chóng thế!”
Minh vì quá vui mừng. Chàng thấy cái gì cũng đẹp. Hay nói đúng hơn, chàng ‘bắt buộc’ tất cả đều ‘phải đẹp’. Vì thế, chàng quên đi những ngày cực khổ vất vả của Liên lo cho chàng. Rồi chàng lại lo sợ, nghĩ tiếp: “Chưa biết chừng có khi chính ta cũng già đi!”
Qua phố hàng Ngang, chàng tự ngắm mình trong một tấm gương rồi bỗng kêu lên thất thanh: “Trời ơi!”. Nhưng khi biết đó là một tấm gương biến hình, chàng thở phào nhẹ nhõm đi thẳng. Rồi khi được nhìn thấy chân dung của mình qua một tủ kính của quày hàng, chàng cả mừng khi trông thấy mình vẫn như xưa. Chàng cũng không nhớ rằng trong thời-gian qua, dù nhà nhiều lúc thiếu hụt, nhưng Liên bao giờ cũng lo đầy đủ cho chàng, chăm cho chàng từng miếng ăn, giấc ngủ. Vì thế mà chàng vẫn có da có thịt, không đổi khác bao nhiêu.
Về đến nhà, Minh thấy cổng khép. Liên vừa đi, chàng nghĩ vậy. Chắc nàng đến bệnh-viện bằng đường khác nên chàng không gặp. Cây cối trong vường khẽ lung lay trước gió. Minh thấy hoa cỏ như hớn hở vui mừng đón chàng trở về. Tuy rằng mái tranh, hàng giậu có xơ xác tiêu điều hơn xưa, nhưng chàng nào lưu ý tới. Chàng chỉ thấy tất cả đều mới mẻ. Những chẽ cau mới nở mơn mởn, mềm mại, lấp lánh như đúc bằng vàng. Những hoa ngâu lấm tấm che kín những lá nhỏ lăn tăn. Minh trông như hộc xôi vò đặt trên cái mâm bồng sơn xanh.
Một cơn gió thoảng qua. Minh ngửi thấy mùi thơm của hoa mộc. Đây là lần đầu tiên kể từ khi chàng thấy lại được, một giác-quan khác ngoài thị-giác mới có cơ-hội ‘làm việc’. Có lẽ luôn cả những giác-quan khác cũng mừng cho chàng nên đều nhường chỗ lại cho thị-giác làm việc.
Trong lúc đầu óc Minh còn đang lâng lâng thì Liên và Văn từ ngoài bước vào. Văn lớn tiếng gọi chàng:
-Tôi đến bệnh-viện gần như cùng lúc với chị. Bác-sĩ bảo anh đã xuất viện và về nhà rồi. Tôi mừng quá... Mà này, anh làm gì mà nhìn tôi sòng sọc thế?
Minh thân mật bắt tay bạn:
-Nếu thế thì cho tôi xin lỗi nhé. Nhưng tôi mừng vì trôn thấy anh vẫn vậy.
Văn cười lớn:
-Không lẽ tôi phải đổi khác hay sao?
-Chỉ mình nhà tôi là...
Nói tới đây thấy Liên xịu mặt, Minh biết mình lỡ lời không dám nói tiếp nữa. Minh hối hận, nhưng một lời đã nói ra không thể nào rút lại được nữa. Liên gượng cười hỏi, mà cũng như nói tiếp hộ cho Minh:
-Em già đi nhiều, có phải vậy không mình?
Minh vội vàng nói chữa:
-Không, em vẫn trẻ mà. Nhưng gầy hơn trước một tí.
Văn nghiêm nét mặt, nói như trách bạn vô tình:
-Anh có biết tại sao không?
Lời Văn như một thùng nước lạnh tưới lên mặt người bị bất tỉnh trong giây lát. Nhờ đó mà Minh mới thức tỉnh, mới hiểu đến sự hy-sinh của Liên trong bấy lâu nay. Chàng nhắm mắt lại suy ngẫm. Tưởng bạn vẫn còn mệt nên Văn khuyên chàng đi nghỉ. Còn Liên thì hình như linh-cảm thấy ngay được là chồng lãnh-đạm với mình hơn so với hồi chàng còn bệnh.
Văn cáo từ ra về. Liên cũng muốn dành thời-gian với chồng trong lúc này nên không giữ. Nhưng Minh nhất-định một mực ép Văn ở lại. Chiều chồng, Liên đành lưu Văn lại, ân cần mời mọc:
-Phải đấy, anh ở lại dùng cơm xoàng với vợ chồng chúng tôi. Hôm nay lại là chủ nhật nữa nên thật là tiện.
Văn nghe qua nhận lời ngay. Liên đi chợ mua ít đồ về nấu nướng. Văn cũng xin ghé về nhà một lát để dặn người nhà đừng chờ cơm. Còn lại một mình ngồi ủ rũ, Minh chẳng biết làm gì để giết thì-giờ. Chàng đã toan đứng dậy đi dạo một vòng quanh làng để xem cảnh vật có đổi khác hay không thì bỗng nghĩ đến những bài đăng báo nên đi tới mở ngăn kéo để tìm đọc lại.
Thư từ độc-giả gửi cho chàng thật là nhiều vô kể, để rất bề bộn. Chàng cầm thử một tờ lên đọc, thì ra đó là thư của một nữ độc-giả.
Xem hết lá thư này đến thư nọ, Minh mới phát-giác ra là có nhiều bức thư Liên không hề đọc cho mình nghe. Lời lẽ trong những bức thư ấy lại vô cùng cảm động. Chàng mỉm cười khi nghĩ đến tính ghen tuông của vợ rồi lấy bút chì ‘lén lút’ ghi tên và địa-chỉ của những độc-giả đó vào một mảnh giấy. Chàng thích thú nói một mình:
-“Thế nào rồi ra cũng phải tìm cho được cái cô đến thăm ta mới nghe!”
Nhưng nghĩ đến đây, chàng lại cảm thấy mình thật vô lý không biết đường nào mà nói được. Chàng lại tự nhủ:
-Nhưng mà tìm để làm gì mới được chứ! Rõ mình lẩn thẩn!”.
Chợt nghe có tiếng cười khúc-khích ngoài hiên. Minh ngẩng đầu lên nhìn, tưởng Liên mới đi chợ về. Nhưng chàng kinh-ngạc biết bao khi nhận ra người mới đến là một thiếu-phụ chàng chưa hề quen biết hay gặp qua. Cô ta trông rất vui vẻ, bước vào trong nhà đon đả chào hỏi rất là thân mật:
-Em đến chúc mừng anh mới khỏi. Khi vừa được tin anh đến mổ mắt ở bệnh-viện ông bác-sĩ Thiện em liền đến thăm thì họ nói anh đã mổ xong và đã về rồi.
Minh ngây người ra đứng ngắm. Thiếu-phụ cười nói:
-Anh không nhớ em là ai à?
-Thưa cô, xin cô tha lỗi cho. Tôi nghe giọng nói thì hơi quen quen, nhưng không tài nào nhớ nổi là đã gặp ở đâu, trong trường-hợp nào!
Thiếu-phụ cười lên một hồi rồi mới trả lời:
-Anh nói phải. Lần trước em đến đây thì anh vẫn còn đang bệnh thì nhìn thấy em thế nào được!
Minh bỗng vỗ đùi, mừng quýnh lên:
-À, cô Nhung!
-Phải rồi, nhưng sao anh biết tên em?
-Tôi đang đọc dỏ bức thư của cô thì không ngờ cô lại đến.
Nhung cười thích thú:
-Vậy chắc hẳn là có thần-linh báo trước đây.
Minh nhớn nhác nhìn ra cổng. Nhung cũng đưa mắt nhìn theo. Nàng hỏi:
-Anh hình như có điều gì sợ hãi phải không?
-Có lẽ... nhà tôi sắp về.
-À, có phải vợ anh là cái người nhà quê ăn mặc lôi thôi lếch thếch hay gánh hoa đi bán rong có phải không?
Minh ngẩn người ra chưa kịp phản-ứng ra sao thì Nhung lại nói tiếp. Nhưng lần này nàng ta đổi cách xưng hô:
-Anh có hiểu tại sao tôi biết không? Có một hôm chị ấy đem hoa đến nhà mời tôi mua. Chị ấy tính nết thật thà, ngây thơ, hay đáo để..., thường kể lể nào là chồng mù chồng ốm, nhà lại nghèo... Chồng phải viết báo, vợ phải bán hoa để kiếm tiền mổ mắt. Nhờ đó mà tôi mới biết đó là vợ anh.
Mặt Minh đỏ bừng. Phần thì hổ thẹn về hoàn-cảnh gia-đình của mình, phần thì rung động vì sắc đẹp lộng lẫy của Nhung. Trong một phút, chàng tưởnh như mình đang sống ở một nơi thần tiên nào đó mà bình thường chỉ được thấy trong giấc mộng. Nhưng tiếng cười bỡn cợt sau câu nói mỉa mai của Nhung làm Minh vụt tỉnh. Chàng làm mặt giận bảo Nhung:
-Nghèo đâu có gì là xấu!
Nhung cười dửng dưng:
-Thì vẫn đẹp! Có ai nói gì đâu!
Lời nói như châm chọc khiến Minh càng tức giận.
-Tôi nói thẳng cho cô biết là cô không được phép nói xấu vợ tôi trước mặt tôi!
Nhung giả vờ sợ hãi, chép miệng nói:
-Đàn ông ai cũng nói thế. Nhưng rồi thì cũng chỉ ‘cá mè một lứa’ mà thôi!
-Cô nói vậy là ý gì?
-Có nghĩa là anh đàn ông nào cũng làm ra vẻ thương vợ, bênh vực vợ nhưng rốt cuộc thì vẫn yêu tình nhân hơn vợ nhiều.
Minh không ngờ Nhung dám tự nhận là tình-nhân của mình. Chàng vừa ngượng ngịu, vừa lo sợ, và vừa sung sướng. Xưa nay, chàng chưa hề có dịp tiếp xúc với giới phụ-nữ tân-thời, có tích-chất lãng-mạn và phóng đãng bao giờ. Nay bất chợt tiếp xúc với một người khác phái mà từ cử-chỉ, cho tới ngôn-ngữ rất là tự-nhiên không phải giữ kẻ, không chút e lệ..., lòng chàng tự dưng dâng lên một cảm-giác mới mẻ lạ lùng. Chàng đang suy nghĩ tìm lời đáp lại người khách nửa khuê-các, nửa giang-hồ để không bị chê cười, liệt vào hạng quê mùa cục mịch như Liên thì Nhung đã đến cạnh bên chàng ngồi xuống ghế đồng thời đưa tay kéo chàng cùng ngồi luôn.
Minh chợt rùng mình. Mùi nước hoa thơm nức, cộng thêm đôi mắt sáng ngời và đôi môi tươi thắm của Nhung làm chàng mơ mơ màng màng nghĩ đến những chuyện cổ-tích mà yêu tinh quyến rũ khách si tình. Minh lùi lại một bước. Nhung cười:
-Thú quá! Trông anh bẽn lẽn chẳng khác nào gái 16!
Minh nhớ tới Liên. Nhưng chàng có hay đâu nhớ tới nàng lúc này chỉ có thiệt cho người vợ chất-phác hiền lành đáng thương của mình mà thôi! So sánh với cái nhan sắc diễm-lệ của cô gái tên Nhung này, cái mặt hốc hác của Liên càng hiện ra tiều-tụy chẳng khác nào một đóa hoa sắp tàn đặt bên cạnh một bông hoa mới nở.
-Thì anh hãy ngồi xuống đây đã! Làm như người ta ăn thịt anh không bằng!
-Quả thật tôi đang tưởng tượng cô là một nàng hồ tinh định đến ăn thịt tôi.
Nhung vỗ tay ra chiều đắc ý:
-Thú nhỉ? Nhưng tại sao vậy anh?
-Vì tôi nhớ đến truyện Liêu-Trai...
-Truyện ấy cũng là chuyện của anh đấy à?
-Không, đó là chuyện cổ của Trung-Hoa.
-Vậy thì anh nhớ dịch ra chữ quốc-ngữ cho em đọc với nhé!
-Tôi nghĩ tới tuyện ấy vì tôi không hiểu vì sao cô lại yêu được tôi! Tôi chỉ là một người học trò nghèo, thô kệch. Mà các chuyện trong bộ Liêu-Trai phần nhiều nhân vật đều là học trò nghèo gặp hồ tinh xinh đẹp cả.
Nhung nghe nói có vẻ hơi buồn, ngồi chống tay vào cằm nghĩ ngợi. Rồi nàng bỗng đăm đăm nhìn Minh hỏi:
-Anh có thể đi chơi với em được không?
-Không được đâu.. cô ạ...
-Tại sao thế anh?
-Chẳng sao cả... Nhưng tôi sợ cô lắm!
-Thì thôi vậy!
Nhung đứng dậy, nheo mắt cười nói:
-Thế thì một lần nào khác nhé! Thôi chào anh tôi về không thì ngộ nhỡ vợ anh về bắt gặp tôi ở đây thì khốn khổ cho anh!
Nhung thong thả bước ra sân. Không hiểu vì sao, Minh như cái máy tự động theo ra. Nhìn ra vườn, Nhung reo lên:
-Trời ơi! Anh có cái vườn đẹp quá mà lần trước tới tôi không để ý tới!
Nàng bước vào vườn đi dạo. Cái áo nhung màu tím hồng; cái quần trắng thướt tha; cái ‘san’ trắng phất phới như đùa với mái tóc mây rẽ lệch khiến nàng trở nên một đóa hoa linh-động ở giữa các luống cúc tươi màu đang khoe sắc. Đôi tay ngà ngọc của Nhung thoăn thoắt trên các bông hoa, rồi chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, một bó đầy đã nằm gọn trong tay nàng.
Nhung quay về phía Minh nhoẻn một nụ cười. Cặp môi son của nàng đỏ thắm như một nụ hồng mới nở. Khuôn mặt nàng hết sức xinh xắn tươi vui, nước da lại hồng hào như được tô điểm bởi trời xuân, nắng xuân, gió xuân hòa chung với bầu không khí trong lành của mùa ấm áp. Và có lẽ nhờ thế mà nhan sắc của Nhung càng trở nên trăm phần diễm lệ và lộng lẫy.
Minh nhìn nàng say đắm ngất ngây. Chàng cảm thấy choáng váng hết cả mặt mày, chàng không hiểu mình thật sự đang sống ở trần gian hay đã lạc vào cõi thiên thai. Giấc mộng buổi sáng hôm chàng mới bị mù vụt trở lại trong tâm trí...
-Anh làm gì mà đứng thừ người ra như thế?
Minh giật mình, chẳng khác một đứa trẻ trong giờ học ngồi trong lớp mơ mộng bị cô giáo bắt gặp quả tang. Chàng thẹn thùng, ấp úng trả lời:
-Không... có gì... đâu...
Thật ra, ‘ánh sáng’ đã làm quáng mắt Minh và huyễn hoặc cả tinh-thần chàng. Vừa ra khỏi bóng tối, chàng như bị quăng vào một nơi chói lọi. Có thể nói là chàng từ thái-cực này chuyển ngay qua thái cực nọ. Minh nghĩ thầm:
-“Khi ta mù, ta vẫn đoái tưởng đến cảnh bình minh tươi đẹp nên tìm đủ mọi cách nhớ đến nó rồi tưởng tượng để ghi chép xuống. Song, những cảnh này phải đích thân được hưởng mới biết, mới cảm được chứ không giấy bút nào có thể viết lại được. Trời ơi! Còn gì vui sướng hơn là được ngắm cái tuổi thanh-xuân kia bay lượn giữ đám hoa xuân?”
Nhung từ vườn bước ra sân, đến trước mặt Minh đưa bó hoa ra nói:
-Có đẹp không anh?
Minh buột mồm đáp:
-Không đẹp bằng cô.
Nhung tủm tỉm cười:
-Cám ơn anh nhé.
Minh chẳng biết là Nhung cám ơn mình về bó hay bề câu khen ngợi. Mặt chàng nóng bừng, miệng cười ngây ngất đưa hai tay ra nắm chặt lấy bàn tay của Nhung, lòng rung động không nói được ra lời. Nhung lim di, cặp mắt, ghé sát tai Minh thì thầm:
-Đi anh, đi chơi với em một lát đi.
Như người bị ai thôi-miên hớp hồn, Minh bước chân theo Nhung. Nàng đi đâu chàng theo đó. Cả hai từng bước một, tiến về phía vườn Bách-Thảo...
Cả hai đi được một lát thì Liên trở về, tay cắp rổ thức ăn mới mua ở chợ về, lòng vui sướng hân hoan. Hồi nãy Liên còn bứt rứt khó chịu vì cảm thấy chồng nhạt nhẽo với mình. Nhưng bản chất nàng trung-hậu chất-phác, có tính vị-tha nên quên ngay những điều không vui đó, coi như chưa từng xảy ra. Vì nàng nghĩ rằng dù mình có xấu, có già đi chăng nữa nhưng từ nay đã bớt khó nhọc, sẽ không còn phải lam lũ ăn uống kham khổ nữa thì chẳng bao lâu sẽ được lại như xưa. Một cô gái quê như nàng chỉ biết thật thà, thấy sao nghĩ vậy chứ nào có ý tưởng gì xa xôi...
Người lành cho dù làm việc tạm gọi là ‘ác’ cũng vẫn không che dấu được cái tính thật thà của mình. Những lúc nhận được nhiều tấm thư tình của nữ độc-giả gửi cho chồng hồi chàng vẫn còn mù, nàng cũng ‘nổi máu ghen tuông’ như những người đàn bà khác, quyết không chịu đọc cho chồng nghe. Thậm chí nhiều lúc nàng cáu tiết muốn đốt hết những bức thư đó đi, nhưng nghĩ lại sợ rằng khi chồng sáng mắt trở lại sẽ hỏi những bức thư đó nên sau cùng lại thôi.
Nay chồng nàng tỏi bệnh, niềm vui tràn ngập khắp cõi lòng Liên nên không còn chỗ để cho những chuyện nào khác nữa. Cho nên, Liên không còn để ý đến những lá thư tình đó nữa.
Về đến cổng Liên lẩm bẩm nói một mình:
-“Mình rõ hôm nay vận đỏ quá! Mua được con cá chép vừa tươi, vừa béo thế này mà chỉ mất có hai hào. Để hỏi thử anh Văn xem có ăn được gỏi không để thết anh ấy một bữa.”
Nghĩ tới tài làm gỏi ‘có hạng’ của mình, Liên đắc ý, cất tiếng gọi:
-Mình ơi! Mình ơi!
Không thấy tiếng đáp lại, Liên đi thẳng lên nhà nhớn nhác hỏi:
-Mình ở đâu đấy mình?
Vẫn không có tiếng trả lời. Liên lại chạy ra vườn. Thấy ông Hoạt đang vun cây xới luống, nàng hỏi thăm luôn:
-Nhà tôi đâu rồi, ông có thấy không?
-Tôi chịu thôi! Tôi mới vừa về, chẳn thấy ai ở nhà cả.
-Lạ nhỉ!
Liên lo lắng chạy ra cổng nhìn qua nhìn lại. Thấy một người đàn bà đi ngang qua, Liên toan hỏi thăm thì người đó chào nàng nói:
-Chào chị. Tôi có lời mừng anh chị nhé. Thật là phúc đức quá. Tôi vừa gặp anh ấy đi với một bà nào trông chừng như bà bác-sĩ ấy. Anh ấy có bảo rằng đến gặp bác-sĩ để ông ta xem lại mắt.
Liên nghe xong lạnh toát cả người, quay ngay vào trong nhà. Nhìn thấy cái ngăn kéo mở toang ra, thư từ giấy má nằm tung tóe, nàng nghĩ ngay tới người nữ độc-giả viết thư tình tứ. Liên chợt ôm lấy mặt, ngồi phệt xuống ghế khóc tức tưởi...
-Chị làm sao vậy?
Liên ngẩng đầu lên nhìn. Văn đứng ngay bên cạnh nàng. Chàng đến lúc nào mà nàng không hay. Liên nức nở thuật lại mọi chuyện cho Văn nghe cũng như bày tỏ những nghi ngờ về sự biến tính của Minh. Văn chỉ cười mà tìm lời an ủi:
-Chị đừng kết luận sớm như thế! Biết đâu là anh Minh nói thật thì sao!
-Nhưng sao lại đi với một người đàn bà?
-Chị rõ khéo đa nghi! Ông bác-sĩ nào mà chả có vài nữ khán-hộ (y-tá)!
Liên ngơ ngác không hiểu. Văn phải cắt nghĩa:
-Khán-hộ thường là phái nữ, là những cô làm việc dưới quyền bác-sĩ chuyên trông trông nom bệnh-nhân.
-Sao lại dùng đàn bà con gái mà trông nom đàn ông?
-Chị rõ lẩn thẩn! Khán-hộ hầu hết thường là con gái! Nếu nói về lý-do thì đàn bà con gái bao giờ cũng tỉ mỉ hơn đàn ông nên trông nom bệnh-nhân hũu hiệu hơn.
Nghe Văn giảng giải, Liên thấy cũng hơi yên tâm. Nàng gượng cười, đứng dậy nói:
-Thôi, tôi đi làm cơm đây. Anh ngồi chơi đợi nhà tôi về nhé!
-Vâng. Nhưng hay là để tôi đạp xe đạp tới bệnh-viện tìm ngay anh Minh về cho chị.
-Nếu anh giúp được cho như thế thế còn gì bằng!
Văn phóng vội lên xe, hối hả đạp thật lẹ. Một giờ đồng hồ sau chàng trở về thì Liên đã bày hết các món ăn ra mâm. Phần đông đàn bà Á-Đông là vậy. Dẫu họ có buồn bực điều gì cũng mặc lòng. Việc nhà, cơm nước họ vẫn lo đầy đủ và chu toàn. Chỉ đến khi rảnh rỗi, họ mới lặng lẽ lui vào một xó mà than thầm, tủi thầm...
Tiếng chuông xe đạp ngoài cổng nhắc cho Liên tất cả những sự việc sáng nay. Và hình như có linh-tính báo trước, nàng đoán rằng Văn trở về đem theo những tin-tức không lành. Cho nên dù nghe rõ tiếng giày cồm cộp của Văn mà Liên vẫn cặm cụi ở lỳ trong bếp. Mãi cho đến khi Văn tới nơi, nàng mới thong thả quay ra nhìn, khẽ hỏi:
-Anh Văn đã về đấy à? Chắc là không tìm thấy nhà tôi phải không?
Giọng Liên run rẩ, Văn nghe thấy rõ ràng mặc dù nàng cố bình tĩnh lấy giọng. Chàng đem lòng thương hại nói:
-Có chị ạ. Nhưng bác-sĩ bảo ở lại để xông mắt. Có lẽ tối mới về được.
Liên không dám nhìn Văn, vì sợ sẽ nhìn thấy nét dối trá trên mặt chàng. Đạt đĩa cá rán (cá chiên) vào mâm, nàng hỏi:
-Thế à? Anh xem liệu có việc gì không?
-Có gì mà chị phải lo! Cứ chịu khó xông mắt vài lần thì mắt sẽ trong ra, nhìn rõ hơn nhiều!
-Vậy mời anh lên nhà xơi cơm thôi.
-Thôi, xin cám ơn chị. Cho tôi xin phép về trước thôi.
-Chẳng lẽ mâm cơm của tôi ế sao đây?
Văn thật vô cùng khó nghĩ. Ngồi một mình ăn cơm với vợ bạn thật không tiện chút nào, chàng không dám. Mà để Liên ở lại một mình buồn bực với bao nỗi nghi ngờ thì thấy thương hại, chàng không nỡ. Nhưng Liên đã lẹ tay bưng mâm cơm lên nhà đặt lên bàn và quay xuống bắc nồi cơm. Văn đứng ngây người ngắm đống tro hồng lốm đốm. Thấy vậy, Liên hỏi:
-Anh nhìn gì thế?
-Chị cho tôi về thôi. Anh đi vắng tôi ở lại đây không tiện.
Liên chợt tỉnh ngộ. Nàng biết Văn ý tứ, nói rất đúng nên không dám cầm chân chàng nữa.
-Vâng, thế thì anh về vậy.
Chán nản, nàng gượng cười nói:
-Được hôm thết khách thì ế cơm!
-Ế thì ăn một mình chứ sao.
Liên thở dài, buồn rầu nói:
Anh nghĩ tôi còn ăn được sao? Còn nuốt trôi được à?
Văn biết Liên đã hiểu tất cả rồi. Lời nói dối của chàng không bịp nổi nàng. Nhưng chàng vẫn cố giả tảng:
-Sao vậy chị?
-Anh giấu tôi làm gì?
-Đâu có! Tôi có giấu chị điều gì đâu!
-Thưa anh, không khi nào mới ở bệnh-viện ra buổi sáng mà buổi trưa bác-sĩ lại cho người đến tìm bao giờ!
-Chị làm sao biết được! Với lại mình cũng chưa trả tiền thuốc kia mà...
Liên cười ngắt lời:
-Vậy chắc nhà tôi đến để trả tiền phải không?
-Vâng, hình như thế.
-Anh xem, khi đã nói dối thì bao giờ cũng sẽ lòi đuôi ra. Thôi, anh cứ nói thật với tôi còn hơn. Lúc tôi mới về không thấy nhà tôi đâu cả mà ngăn kéo thì bừa bộn giấy má. Tôi ít nhiều cũng đoán được cả rồi. Nhưng dẫu có điều gì xảy ra thì cũng đành chịu thôi chứ biết làm thế nào hơn, phải không anh?
Lời lẽ của Liên rất ôn hòa, đầy thiện-chí và nhẫn nại. Văn định tìm cách dối nàng thêm một lần nữa nhưng khi nhìn vào cặp mắt của Liên thấy long lanh ngấn lệ nên đành nghẹn ngào mà đứng im. Liên lại hỏi:
-Anh nghĩ tôi đoán có đúng không?
-Tôi cũng chẳng biết có đúng không! Nhưng thiết tưởng dẫu điều đó có xảy ra cũng không đáng lo. Theo như tôi được hiểu thì những người mù khi mới nhìn lại được ánh sáng mặt trời bao giờ cũng bị khủng hoảng tinh-thần một ít lâu. Rồi chị xem, anh ấy sẽ tỉnh ngộ, sẽ hối hận và ngoan ngoãn trở về như đứa con hoang về lại gia-đình mà thôi.
Câu ví-dụ của Văn khiến Liên phải bật cười. Vừa khi ấy Minh trở về. Văn và Liên đưa mắt nhìn nhau mỉm cười. Văn bước cuống sân hỏi:
-Anh đi đâu về đấy?
Minh đang luống cuống chưa biết phải trả lời ra sao thì Văn lại hỏi luôn:
-Anh đến bệnh-viện phải không?
Minh e dè, khẽ đáp:
-Phải.
-Thôi, mình vào ăn cơm đi. Thức ăn nguội hết cả rồi.
Bữa cơm thật là buồn tẻ. Cả ba người đều có tư tưởng, tâm sự riêng biệt, không ai giống ai, nên chẳng ai buồn nói với ai lời gì.
Liên thì chắc chắn rằng chồng mình đi với tình nhân về. Từ câu trả lời ú ớ gượng gạo đến cái dáng điệu lúng túng, lại thêm cặp mắt luôn luôn nhìn vơ vẩn. Nhưng rõ rệt hơn cả là mùi nước hoa phảng phất trên người của Minh, cái mùi mà Liên đã ngửi thấy ở những bức thư của nữ độc-giả. Thế thì còn chối cãi vào đâu được nữa?
Văn thì ngậm ngùi xót xa cho Liên. Gần suốt một năm trời vất vả ngược xuôi để lo cho chồng. Những cảnh đó vẫn còn in sâu trong óc chàng. Chàng hơi giận Minh vì thấy bạn mình mới khỏi bệnh, mới có chút danh tiếng trong ‘làng bút’ đã ‘sinh tật’ phong-lưu trưởng giả. Tuy nhiên, chàng vẫn cố tin vào sự phán đoán của mình là vì Minh bị ánh sáng chói lọi huyễn hoặc; và cô gái giang hồ kia cũng chẳng qua vì một lúc lãng-mạn thì vồ vập như thế, nhưng rồi sẽ chẳng bao lâu sẽ tự ý ruồng rẫy, bỏ Minh như bao nhiêu người đàn ông trước đó mà thôi. Còn ai lạ gì cái tình chuyên nhất của hạng gái giang-hồ!
Còn Minh thì tâm-hồn để cả lại trên cái gác dưới góc phố hẻo lánh kia, nơi có hai cô gái xinh đẹp là Nhung và Mạc mà chàng vừa từ biệt ra về...
Chú thích:
(1-)đốc: gốc từ chữ docteur tiếng Pháp, có nghĩa là bác-sĩ. Thời đó, hễ kính trọng ai người ta hay kèm theo chữ quan đi đầu khi đề-cập đến người ấy; nhiều lúc ‘kính trọng’ thái quá trở thành nịnh bợ. Nói tóm lại, quan đây chỉ có nghĩa là ‘ông’, là ‘ngài’ thôi chứ không nhất thiết là vì người đó làm chức quan nào.
Gánh Hàng Hoa Gánh Hàng Hoa - Khái Hưng Và Nhất Linh Gánh Hàng Hoa