Books are immortal sons deifying their sires.

Plato

 
 
 
 
 
Tác giả: Friedrich Hayek
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: The Road To Serfdom
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3827 / 159
Cập nhật: 2016-06-18 07:57:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1: Con Đường Bị Chối Bỏ
Luận đề cơ bản của cương lĩnh này là: không phải rằng hệ thống kinh doanh tự do lấy lợi nhuận làm mục đích đã bị thất bại hoàn toàn ngay trong thế hệ này, mà là cương lĩnh đó chưa khi nào được đem ra thực thi.
F. D. Roosevelt
Trong quá trình phát triển, khi nền văn minh bỗng làm một cú rẽ ngoặt bất ngờ, khi đáng lẽ phải là tiến bộ thì ta lại phát hiện thấy những mối đe dọa từ tất cả các hướng, dường như đang đưa ta trở về thời kì mông muội, thế là chúng ta sẵn sàng kết án tất cả mọi thứ, trừ chính chúng ta. Chúng ta chẳng đã lao động hết mình với những lí tưởng trong sáng nhất đó sao? Để cải tạo thế giới, những con người thông thái nhất chẳng đã suy nghĩ nát óc đó sao? Chúng ta chẳng đã từng mơ ước và hi vọng có nhiều tự do hơn, nhiều công bằng hơn và sung túc hơn đó sao? Và nếu kết quả khác xa với mục tiêu - nếu thay cho tự do và thịnh vượng lại là cảnh nô lệ và bần hàn - thì đấy có phải là sự can thiệp của những lực lượng đen tối, làm hỏng các dự định của chúng ta, có phải là chúng ta đã trở thành nạn nhân của một thế lực độc ác nào đó, phải đánh bại nó thì mới mong trở lại được con đường dẫn tới hạnh phúc hay không? Ai có lỗi? Dù câu trả lời có là gì đi chăng nữa, dù đấy có thể là tên tư sản độc ác, dù đấy có thể là bản tính xấu xa của một dân tộc nào đó, dù đấy có thể là sự ngu dốt của các thế hệ cha anh hay dù đấy là hệ thống xã hội vẫn chưa được lột xác hoàn toàn, dù chúng ta đã đấu tranh chống lại suốt nửa thế kỉ qua - thì tất cả chúng ta đều tin tưởng tuyệt đối một điều (ít nhất là cho đến tận thời gian gần đây chúng ta vẫn tin như thế): Các tư tưởng chính yếu, được công nhận rộng rãi trong thế hệ vừa qua và hiện vẫn được những người tử tế dùng làm kim chỉ nam trong tiến trình cải tạo xã hội, không thể là những tư tưởng sai lầm. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận mọi lời giải thích cho cuộc khủng hoảng hiện nay của nền văn minh của chúng ta trừ một nguyên nhân: cuộc khủng hoảng này chính là hậu quả của một sai lầm mang tính nguyên tắc, đấy là việc theo đuổi một vài lí tưởng yêu quý của chúng ta đã đưa đến những kết quả khác xa những điều chúng ta kì vọng.
Hôm nay, khi toàn bộ sức lực được huy động để giành chiến thắng, chúng ta khó mà nhớ được rằng mình đang bảo vệ những giá trị mà ngay trước chiến tranh đã từng bị đe dọa ở nước Anh và bị phá hoại ở những nước khác. Là những người tham gia và chứng nhân của cuộc chiến đấu một mất một còn giữa các dân tộc nhằm bảo vệ những lí tưởng khác nhau, chúng ta cần phải nhớ rằng khởi kì thủy cuộc đụng độ này vốn là cuộc đấu tranh của các hệ tư tưởng xuất phát từ một nền văn minh châu Âu thống nhất và các xu hướng, mà đỉnh điểm của chúng chính là các chế độ toàn trị hiện nay, lại không chỉ giới hạn trong những nước đã trở thành nạn nhân của chúng. Và mặc dù nhiệm vụ chính hiện nay là giành chiến thắng, nhưng cần phải hiểu rằng chiến thắng sẽ chỉ tạo cho chúng ta thêm một cơ hội để xem xét những vấn đề quan trọng nhất của quá trình phát triển và tìm biện pháp nhằm tránh lặp lại số phận của các nền văn minh thân thuộc với chúng ta mà thôi.
Trong những ngày này, thật khó mà không nghĩ rằng nước Đức, nước Ý hay nước Nga như những thế giới khác, chứ không phải là những cành nhánh của cùng một cây tư tưởng mà chúng ta đã cùng góp phần vun đắp. Dù sao mặc lòng, tiện nhất và đơn giản nhất là hãy coi kẻ thù như những người khác hẳn với chúng ta và tin rằng những chuyện diễn ra ở nước họ sẽ không thể nào diễn ra ở đây được. Thế mà trước khi chế độ toàn trị xuất hiện, nói chung lịch sử của các nước này có nhiều điểm vốn quen thuộc với chúng ta. Cuộc xung đột ngoại tại là kết quả của quá trình chuyển hóa tư tưởng toàn châu Âu, trong đó một số nước lún sâu hơn chúng ta và vì vậy mà mâu thuẫn với lí tưởng của chúng ta, nhưng điều đó không có nghĩa là quá trình chuyển hóa này không hề đụng chạm tới chúng ta.
Có lẽ người Anh thật khó mà hiểu được rằng tư tưởng và ý chí của con người đã làm cho thế giới này trở thành cái mà nó đang là (mặc dù người ta không nghĩ rằng kết quả sẽ như thế, nhưng ngay cả khi đối mặt với hiện thực người ta cũng thường không muốn xét lại quan điểm của mình), vì may mắn là trong quá trình chuyển hóa, tư tưởng của người Anh đã tỏ ra chậm chạp hơn tư tưởng của các dân tộc châu Âu khác. Cho đến nay chúng ta vẫn thường nghĩ về lí tưởng như là những lí tưởng mà chúng ta sẽ phải biến thành hiện thực mà không nhận ra rằng trong hai mươi lăm năm qua các lí tưởng đó đã làm toàn bộ thế giới, cũng như đất nước ta, thay đổi đến mức nào. Chúng ta vẫn tin rằng cho đến tận thời gian gần đây chúng ta vẫn còn sống theo các nguyên tắc được gọi một cách mập mờ là hệ tư tưởng của thế kỉ XIX hay là tư tưởng laissez-faire. Nếu đem nước Anh so sánh với những nước khác hoặc theo quan điểm của những người chủ trương tăng tốc cải cách thì niềm tin đó là có cơ sở. Mặc dù cho đến tận năm 1931 nước Anh và nước Mỹ vẫn tiến rất chậm trên con đường mà các nước khác đã lún sâu vào, thế mà chúng ta cũng đã đi xa đến mức chỉ những người còn nhớ những ngày trước Chiến tranh Thế giới I mới biết một thế giới tự do là như thế nào[1].
Nhưng điều chủ yếu - điều mà chưa mấy người nhận thức được - không phải là mức độ của những đổi thay đã diễn ra trong thế hệ vừa qua mà là những thay đổi này đã làm biến đổi hoàn toàn xu hướng phát triển tư tưởng và trật tự xã hội của chúng ta. Trong hai mươi lăm năm qua, khi bóng ma của chủ nghĩa toàn trị còn chưa trở thành mối đe dọa thực tế, chúng ta đã càng ngày càng xa rời những lí tưởng nền tảng của nền văn minh phương Tây. Con đường phát triển mà chúng ta đã bước chân lên với những hi vọng trong sáng nhất lại dẫn chúng ta đến những nỗi kinh hoàng của chế độ toàn trị. Đấy là một đòn nặng nề giáng vào cả một thế hệ, thế mà cho đến nay những người đại diện cho nó vẫn không chịu xem xét mối liên hệ giữa hai sự kiện này. Nhưng kết quả đó chỉ một lần nữa khẳng định sự sáng suốt của những người đã đặt nền móng cho triết lí tự do, loại triết lí mà chúng tôi vẫn tự coi mình là những người kế tục của họ. Chúng ta đã dần dần từ bỏ tự do kinh tế, thiếu nó thì trong quá khứ tự do cá nhân và tự do chính trị cũng không bao giờ tồn tại được. Và mặc dù các nhà tư tưởng vĩ đại của thế kỉ XIX là De Tocqueville và Acton đã khẳng định một cách không úp mở rằng chủ nghĩa xã hội là chế độ nô lệ, nhưng chúng ta vẫn tiến, tuy chậm chạp nhưng đúng hướng, về phía chủ nghĩa xã hội. Bây giờ, khi trước mắt chúng ta xuất hiện những hình thức mới của chế độ nô lệ, chúng ta mới nhận ra rằng hóa ra chúng ta đã hoàn toàn quên những lời cảnh báo đó, hóa ra chúng ta không thể nhận ra mối liên hệ giữa hai sự kiện này[2].
Các xu hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay đồng nghĩa với sự đoạn tuyệt hoàn toàn không chỉ với những tư tưởng mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà còn đoạn tuyệt với tất cả tiến trình phát triển của nền văn minh phương Tây. Chuyện đó càng trở nên rõ ràng nếu ta xem xét tình hình hiện nay trong bối cảnh lịch sử dài hơi hơn thay vì chỉ trong thế kỷ XIX. Chúng ta sẵn sàng chia tay không chỉ với các quan điểm của Coben và Bright, của Adam Smith và Hume hay thậm chí cả Locke và Milton, mà còn sẵn sàng chia tay với các giá trị nền tảng của nền văn minh của chúng ta, có xuất xứ từ thời Hy-La cổ đại và Thiên Chúa giáo. Chúng ta quét sạch không chỉ chủ nghĩa tự do thế kỉ XVIII-XIX mà còn quét sạch các nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa tự do cá nhân kế thừa từ Eramus và Montaigne, Cicero và Tacitus, Pericles và Thucydides.
Lãnh tụ đảng quốc xã có thể đã không ngờ rằng mình đúng đến mức nào khi gọi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa quốc gia là Phản-Phục Hưng. Đây là bước đi quan trọng trên con đường phá hủy nền văn minh được xây dựng trên các nguyên tắc của chủ nghĩa cá nhân từ thời Phục Hưng. Hiện nay từ chủ nghĩa cá nhân bị gán cho ý nghĩa tiêu cực và thường được liên tưởng với tính ích kỉ và thói tự phụ. Nhưng khi đem chủ nghĩa cá nhân đối lập với chủ nghĩa xã hội và các hình thức khác của chủ nghĩa tập thể, chúng tôi muốn nói đến một tính chất khác hẳn, ý nghĩa của nó sẽ dần dần được làm rõ trong cuốn sách này. Hiện nay chỉ cần nói rằng chủ nghĩa cá nhân, có nguồn gốc từ Thiên Chúa giáo và triết học cổ đại, vào thời Phục Hưng đã được thể hiện một cách trọn vẹn và đặt nền móng cho cái mà ngày nay chúng ta gọi là nền văn minh phương Tây. Đặc điểm chủ yếu của nó là sự tôn trọng cá nhân con người như nó vốn là, nghĩa là trong sinh hoạt, dù đấy có là lĩnh vực đặc thù đến đâu, con người hoàn toàn có quyền giữ các quan điểm cũng như sở thích riêng của mình và niềm tin rằng mỗi người cần phải phát triển những năng khiếu đã được tạo hóa ban cho anh ta. Tôi không muốn sử dụng từ “tự do” để biểu thị những giá trị từng giữ thế thượng phong trong thời kì đó: việc sử dụng thường xuyên và không phải lúc nào cũng đúng chỗ đã làm cho ý nghĩa của từ này trở thành mù mịt. “Khoan dung” có thể là từ chính xác nhất. Nó hoàn toàn có thể truyền đạt được ý nghĩa của các lí tưởng và giá trị từng ngự trị trên bầu trời suốt mấy thế kỉ qua và chỉ gần đây mới ngả dần về phía chân trời để rồi biến mất hẳn cùng với sự xuất hiện của nhà nước toàn trị.
Sự chuyển hóa một cách từ từ hệ thống thứ bậc được tổ chức một cách cứng nhắc - việc biến nó thành hệ thống cho phép người ta ít nhất cũng được thử thu xếp cuộc sống của mình và cho họ khả năng lựa chọn, từ muôn hình vạn trạng các hình thức hoạt động, những lĩnh vực phù hợp với thiên hướng của mình - là sự chuyển hóa liên quan mật thiết đến sự phát triển của thương mại. Một quan niệm mới về đời sống, hình thành trong các trung tâm thương mại ở miền Bắc nước Ý đã theo các con đường buôn bán mà lan tỏa sang phía Tây và phía Bắc, qua Pháp và miền Đông-Nam Đức, tới Hà Lan và các hòn đảo nước Anh, ăn sâu bén rễ ở những nơi mà cường quyền không đủ sức bóp nghẹt nó. Nó đơm hoa kết trái ở Hà Lan và Anh, lần đầu tiên có điều kiện phát triển tự do trong một thời gian dài và đã trở thành nền tảng trong sinh hoạt chính trị và xã hội của những nước này. Chính từ đây, vào cuối thế kỉ XVII - XVIII nó bắt đầu lan tỏa, với những hình thức phát triển hơn, sang phía Tây và phía Đông, sang Tân Thế giới và vào Trung Âu, những nơi mà các cuộc chiến tranh hao người tốn của và áp bức chính trị đã không tạo điều kiện cho hệ tư tưởng mới đâm chồi nảy lộc ở mức độ tương tự[3].
Giải phóng cá nhân khỏi tất cả các quy định và luật lệ kìm hãm các hoạt động thường ngày của mình là xu hướng phát triển chủ đạo trong suốt giai đoạn này của lịch sử châu Âu. Và chỉ khi quá trình đó đã hội đủ sức mạnh người ta mới bắt đầu hiểu được rằng những cố gắng mang tính tự phát và không bị kiểm soát của các cá nhân đã tạo ra nền móng cho hệ thống kinh tế phức tạp. Như vậy là việc thiết lập những nguyên tắc tự do kinh tế chỉ xảy ra sau khi hoạt động kinh tế đã phát triển - một sản phẩm phụ không hề được dự liệu và khá bất ngờ của tự do chính trị.
Có thể sự bùng nổ của khoa học, đồng hành với việc truyền bá tư tưởng tự do từ Ý vào Anh và một loạt nước khác, chính là kết quả lớn nhất của sự giải phóng năng lượng của các cá nhân. Dĩ nhiên là trong các giai đoạn khác của lịch sử, sức sáng tạo của con người cũng không hề kém. Các món đồ chơi tự động tinh xảo và các kết cấu cơ khí khác, được chế tạo trong thời kì mà ngành công nghiệp chưa phát triển (trừ những ngành như khai khoáng và chế tạo đồng hồ là những ngành hầu như không bị kiểm soát và hạn chế) đã chứng tỏ điều đó. Nhưng nói chung, các cố gắng nhằm áp dụng các phát minh cơ khí vào sản xuất công nghiệp, trong đó có cả những phát minh đầy triển vọng, đều bị chặn đứng, cũng như để bảo vệ sự thống nhất về tư tưởng người ta đã chặn đứng mọi khát vọng đối với tri thức. Quan điểm của đa số cho rằng cái gì nên, cái gì không nên, cái gì đúng, cái gì sai đã bóp chết mọi sáng kiến cá nhân, chỉ đến khi tự do kinh doanh mở đường cho việc sử dụng các tri thức mới thì mọi thứ mới có thể được đem ra thử nghiệm, miễn là có người sẵn sàng chịu rủi ro và chi tiền. Đấy là giai đoạn phát triển như vũ bão của khoa học (xin nói thêm rằng nói chung các Mạnh Thường Quân thường lại không phải là những người được chính quyền chỉ định để chuyên lo về khoa học), đã dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thế giới trong một trăm năm mươi năm qua.
Như vẫn thường xảy ra, kẻ thù chứ không phải những người bạn của nền văn minh lại là người nhìn thấy rõ bản chất của nền văn minh. “Sự nổi dậy của cá nhân chống lại cộng đồng, thứ bệnh kinh niên của phương Tây”, như August Comte, một người có tư tưởng toàn trị nổi tiếng thế kỉ XIX, đã mô tả chính xác là lực lượng đã xây dựng nên nền văn minh của chúng ta. Việc làm cho tất cả các giai cấp trong xã hội đều nhận thức được các nguyên tắc của tự do, việc phát triển và việc truyền bá một cách có hệ thống tư tưởng mới, vốn chỉ nảy mầm ở những khu vực có hoàn cảnh thuận lợi, là một đóng góp to lớn của thế kỉ XIX đối với sự thăng tiến của chủ nghĩa cá nhân. Kết quả là tư tưởng tự do đã vượt biên giới Anh và Hà Lan và truyền bá ra khắp lục địa châu Âu.
Quá trình này đem lại kết quả ngoài mọi sự mong đợi. Ở bất cứ nơi nào, khi mà các rào cản đối với sự sáng tạo của con người được dỡ bỏ thì người ta đều có điều kiện đáp ứng các nhu cầu ngày càng gia tăng của mình. Và khi tiêu chuẩn của cuộc sống được nâng lên thì người ta lại phát hiện ra các mặt tối không thể chấp nhận được, quá trình này đã mang lại lợi ích cho tất cả các giai cấp. Không được đánh giá các sự kiện của thời buổi bùng nổ ấy bằng tiêu chuẩn của ngày hôm nay, chính các tiêu chuẩn này cũng là kết quả của quá trình đó, làm như thế nhất định ta sẽ phát hiện ra rất nhiều khiếm khuyết của thời kì ấy. Muốn hiểu ý nghĩa của sự phát triển đó đối với các nhân chứng và người đương thời, ta phải so sánh kết quả của nó với hi vọng và ước mơ của những thế hệ trước đó. Nhìn vấn đề như thế ta sẽ thấy rằng thành công đã vượt mọi ước mơ ngông cuồng nhất: đến đầu thế kỉ XX người công nhân ở phương Tây đã đạt được mức độ sung túc về vật chất, sự độc lập và niềm tin vào tương lai mà một trăm năm trước tưởng như không thể nào với tới được.
Nếu xem xét giai đoạn này trong một viễn cảnh lịch sử rộng lớn hơn thì phải nói rằng cảm giác hoàn toàn mới về quyền lực của con người đối với số phận và niềm tin vào khả năng cải thiện không giới hạn điều kiện sống của mình chính là kết quả có ý nghĩa nhất của tất cả các thành tựu đó. Thành công lại sinh ra những tham vọng mới - con người hiển nhiên có quyền đó. Nhưng khi những điều vốn được coi là ước mơ có khả năng truyền cảm hứng cho người ta làm việc đã trở thành những điều bình thường thì tốc độ phát triển lại bị coi là quá chậm. Và khi đó những nguyên tắc vốn là nền tảng của quá trình lại bị coi là lực hãm, bị coi là trở ngại, phải được dẹp bỏ chứ không còn là điều kiện để duy trì và phát triển những thành tựu đã đạt được nữa.
o O o
Chính các nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa tự do đã ngăn cản nó biến thành một hệ thống giáo điều; ở đây không có các quy tắc cứng nhắc được xác định một lần và vĩnh viễn. Nguyên tắc cơ bản nhất là trong khi tổ chức các lĩnh vực hoạt động khác nhau, chúng ta phải dựa vào các lực lượng tự phát của xã hội càng nhiều càng tốt và sử dụng sự ép buộc càng ít càng tốt. Nguyên tắc này có thể được áp dụng cho vô số hoàn cảnh khác nhau. Cụ thể, việc thiết lập một cách có chủ ý một hệ thống xã hội để cơ chế cạnh tranh có thể hoạt động một cách hữu hiệu nhất và việc chấp nhận một cách thụ động các thiết chế xã hội như chúng vốn thế, là hai nguyên tắc hoàn toàn khác nhau. Có lẽ tác hại lớn nhất đối với chủ nghĩa tự do chính là sự kiên quyết của một số người ủng hộ nó, những kẻ bảo vệ đến cùng một vài nguyên tắc có tính kinh nghiệm, mà trước hết là nguyên tắc laissez-faire. Theo một nghĩa nào đó thì đấy là việc cần thiết và không thể nào tránh được. Khi có rất nhiều lực lượng cạnh tranh với nhau, mỗi doanh nhân đều sẵn sàng chứng tỏ hiệu quả của một số biện pháp nào đó, trong khi mặt tiêu cực của chúng lại không phải lúc nào cũng thể hiện rõ hoặc thường thể hiện một cách gián tiếp - trong những trường hợp như vậy người ta thường đòi hỏi phải có các quy tắc cứng nhắc được xác định một lần và vĩnh viễn. Vì không còn ai nghi ngờ nguyên tắc tự do kinh doanh nữa, nên sức cám dỗ muốn coi nguyên tắc này là tuyệt đối đúng, không có ngoại lệ nào, đơn giản là không thể cưỡng lại được.
Đa số những người truyền bá đều trình bày học thuyết tự do với thái độ như thế. Khiếm khuyết của cách tiếp cận vấn đề như vậy là rất rõ: chỉ cần bác bỏ một luận điểm cụ thể nào đó là cả tòa lâu đài sẽ sụp đổ ngay lập tức. Trong khi đó lập trường của chủ nghĩa tự do lại bị suy yếu vì quá trình hoàn thiện khuôn khổ định chế của xã hội tự do tiến triển rất chậm. Quá trình này phụ thuộc trực tiếp vào sự hiểu biết của chúng ta về các lực lượng xã hội và những điều kiện thuận lợi nhất để các lực lượng đó có thể thể hiện được một cách đầy đủ tiềm năng của mình. Các lực lượng này cần được ủng hộ, giúp đỡ, nhưng trước hết là phải hiểu rõ bản chất của chúng. Người theo chủ nghĩa tự do đối với xã hội cũng như người làm vườn đối với cây cối, muốn tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của nó anh ta phải biết càng nhiều về cơ cấu và sự hoạt động của nó thì càng tốt.
Bất cứ người có suy nghĩ lành mạnh nào cũng đồng ý rằng các công thức thô thiển, được sử dụng để trình bày các nguyên tắc của chính sách kinh tế thế kỉ XIX, chỉ là những cố gắng đầu tiên, chúng ta còn phải học hỏi nhiều, con đường chúng ta đang đi còn tiềm ẩn rất nhiều khả năng chưa được biết tới. Nhưng việc tiến lên lại phụ thuộc vào khả năng nhận thức các lực lượng mà chúng ta đã và đang sử dụng. Nhiều nhiệm vụ đã rõ, thí dụ như việc điều chỉnh hệ thống tiền tệ hay ngăn chặn kiểm soát độc quyền. Một số nhiệm vụ khác không hiển nhiên như thế nhưng cũng không kém phần quan trọng, đấy là các lĩnh vực mà chắc chắn là chính phủ có nhiều quyền lực để làm cả việc thiện lẫn việc ác. Có đầy đủ cơ sở để tin rằng đến lúc nào đó, sau khi đã học được cách giải quyết các vấn đề này, chúng ta có thể sử dụng quyền lực của chính phủ để làm việc thiện.
Nhưng vì quá trình tìm tòi những biện pháp được gọi là “tích cực” buộc phải diễn ra một cách chậm chạp, trong khi muốn có cải thiện ngay lập tức chủ nghĩa tự do lại chỉ có thể dựa vào sự tăng dần phúc lợi mà nền tự do có thể cung cấp, nó phải thường xuyên chiến đấu chống lại những đề nghị đe dọa chính quá trình tìm tòi đó. Càng ngày chủ nghĩa tự do càng bị coi là tín điều “tiêu cực” vì với mỗi con người cụ thể nó chỉ có thể hứa: chia thêm cho anh ta một ít tiến bộ chung của cả xã hội, ở đây sự tiến bộ lại được coi là đương nhiên chứ không phải là kết quả của chính sách kinh tế tự do nữa. Vì vậy có thể nói rằng chính thành tựu của chủ nghĩa tự do cũng là nguyên nhân đưa nó đến chỗ suy tàn. Sau những thành tựu đã đạt được, con người càng ngày càng không muốn chấp nhận những khiếm khuyết mà anh ta cho là không cần thiết và không thể chấp nhận được.
o O o
Sự cải tiến một cách chậm chạp của chính sách tự do làm cho thái độ bất mãn ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó cần phải kể đến sự bất bình chính đáng đối với những kẻ sử dụng ngôn từ tự do nhằm che đậy các đặc quyền đặc lợi đi ngược lại lợi ích của xã hội. Tất cả những cái đó, cộng thêm với đòi hỏi của xã hội ngày càng gia tăng đã dẫn đến kết quả là đến cuối thế kỉ XIX niềm tin vào các nguyên tắc chủ yếu của chủ nghĩa tự do đã suy giảm nghiêm trọng. Những thành tựu đã đạt được được coi là gia tài chắc chắn, giành được một lần và mãi mãi. Mọi cặp mắt đều đổ dồn vào những nhu cầu mới và tin chắc rằng sự sùng mộ các nguyên tắc cũ chính là vật cản trên đường tiến bộ.
Quan niệm cho rằng không thể tiếp tục phát triển trong khuôn khổ cũ, rằng cần phải cải tạo một cách toàn diện xã hội càng ngày càng được nhiều người ủng hộ. Vấn đề không phải là cải tiến cơ chế cũ mà là dỡ bỏ nó và thay thế bằng một cơ chế hoàn toàn mới. Và, vì mọi kì vọng của thế hệ mới đều hướng vào những điều mới mẻ, họ không còn quan tâm và không hiểu các nguyên tắc vận hành của xã hội này nữa, và vì không hiểu được nguyên tắc vận hành của xã hội tự do, nhận thức của chúng ta về những điều kiện tồn tại của nó cũng giảm dần.
Tôi sẽ không thảo luận kĩ ở đây ảnh hưởng của việc đưa một cách thiếu cân nhắc các phương pháp và thói quen tư duy trong khoa học tự nhiên và kĩ thuật sang lĩnh vực khoa học xã hội và không thảo luận việc những người làm khoa học tự nhiên đã mưu toan làm mất uy tín kết quả nhiều năm nghiên cứu các quá trình xảy ra trong xã hội, những kết quả không ăn nhập với những thành kiến của họ và mưu toan áp đặt các lý tưởng của họ về tổ chức vào lĩnh vực hoàn toàn không phù hợp[4]. Điều quan trọng đối với tôi trong cuốn sách này là chứng minh rằng thái độ của chúng ta đối với xã hội đã thay đổi một cách triệt để, mặc dù sự thay đổi này diễn ra một cách từ từ và gần như không thể nhận ra được. Nhưng dường như tại mỗi thời điểm đấy chỉ là những biến đổi về lượng, lại được tích luỹ từng chút một và cuối cùng cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với các vấn đề xã hội đã lấn át hoàn toàn cách tiếp cận của chủ nghĩa tự do cũ. Tất cả đã bị lộn ngược từ chân lên đầu: truyền thống của chủ nghĩa cá nhân, cội nguồn của nền văn minh phương Tây, đã hoàn toàn bị quên lãng.
Theo các quan điểm thịnh hành đương thời, vấn đề sử dụng một cách hiệu quả nhất tiềm lực của các lực lượng tự phát trong lòng xã hội đã không còn được nói tới nữa. Trên thực tế, chúng ta đã không còn dựa vào những lực lượng với những kết quả không thể dự đoán được, và cố gắng thay cái cơ chế ẩn danh và phi cá tính bằng sự lãnh đạo tập thể và “tự giác”, hướng tất cả các lực lượng xã hội vào những mục tiêu đã được xác định từ trước. Có thể là quan điểm cực đoan, nhưng cuốn sách gây nhiều tranh cãi của giáo sư Karl Mannheim đã thể hiện rõ nhất sự khác biệt giữa hai cách tiếp cận như thế. Chúng ta sẽ còn quay lại với cương lĩnh gọi là “Kế hoạch hóa vì tự do” của ông ta. “Chúng ta chưa bao giờ phải điều khiển toàn bộ hệ thống các lực lượng tự nhiên”, K. Mannheim viết, “nhưng hôm nay chúng ta buộc phải làm điều đó đối với xã hội… Càng ngày nhân loại càng cố gắng điều tiết toàn bộ đời sống xã hội của mình, mặc dù họ chưa bao giờ có ý định thiết lập một môi trường tự nhiên thứ hai[5]”.
o O o
Đáng lưu ý là sự thay đổi nhận thức lại đi theo hướng ngược với hướng mà trước đây tư tưởng đã từng dịch chuyển trong không gian. Các tư tưởng của nước Anh đã lan huyền sang phương Đông trong suốt hai thế kỉ. Nguyên tắc tự do, được thực thi ở nước Anh, đã lan truyền trên khắp thế giới. Nhưng đến khoảng năm 1870 thì sự bành trướng của các tư tưởng của nước Anh sang phía Đông đã chấm dứt. Từ đó trở đi nó bắt đầu rút lui và những tư tưởng khác, phải nói là hoàn toàn không mới, thậm chí rất cũ, bắt đầu tấn công theo hướng từ Đông sang Tây. Nước Anh đánh mất vai trò lãnh tụ tinh thần trong các lĩnh vực chính trị và xã hội và trở thành nước nhập khẩu tư tưởng. Trong sáu mươi năm tiếp theo, nước Đức trở thành trung tâm hình thành và truyền bá tư tưởng sang cả phía Đông lẫn phía Tây. Dù đấy có là Hegel hay Marx, List hay Schmoller, Sombart hay Mannheim, dù đấy có là chủ nghĩa xã hội dưới dạng cực đoan hay đơn giản là “tổ chức” hoặc “kế hoạch hóa”, thì tư tưởng Đức cũng hiện diện khắp nơi, khắp mọi nơi người ta đều sẵn sàng nhập khẩu và tái tạo các định chế Đức ngay trên quê hương mình.
Phần lớn các tư tưởng mới này, trong đó có chủ nghĩa xã hội, đã sinh ra bên ngoài nước Đức. Nhưng chúng đã được trau chuốt và đạt được mức hoàn thiện trên đất Đức trong hai mươi lăm năm cuối thế kỉ XIX và hai mươi lăm năm đầu thế kỉ XX. Bây giờ người ta đã quên sự kiện Đức là nước dẫn đầu cả trong lí thuyết lẫn thực hành chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn đó và một thế hệ trước khi ở Anh người ta bắt đầu thảo luận một cách nghiêm túc về chủ nghĩa xã hội thì ở Quốc hội Đức đã có một đảng xã hội chủ nghĩa hùng mạnh rồi. Cho đến tận thời gian cách đây không lâu lí thuyết xã hội chủ nghĩa vẫn được phát triển chủ yếu là ở Đức và Áo, thậm chí những cuộc thảo luận đang diễn ra ở Nga hiện nay cũng chỉ là sự tiếp tục cái mà người Đức đã bỏ dở mà thôi. Nhiều đảng viên xã hội chủ nghĩa ở Mỹ và Anh không thể ngờ được rằng những vấn đề mà họ vừa mới khơi lên hiện nay đã được những người xã hội chủ nghĩa Đức thảo luận kĩ càng từ rất lâu rồi.
Các nhà tư tưởng Đức có ảnh hưởng mạnh mẽ như thế không chỉ là vì nước Đức đã đạt được những tiến bộ to lớn trong lĩnh vực sản xuất vật chất mà còn chủ yếu là vì uy tín to lớn mà trường phái khoa học và triết học Đức đã giành được trong suốt thế kỉ qua, tức là sau khi Đức trở thành thành viên đầy đủ và thậm chí dẫn đầu trong nền văn minh châu Âu. Nhưng chính cái uy tín đó chẳng bao lâu sau đã giúp quảng bá cho những tư tưởng phá hoại các cơ sở của nền văn minh này. Chính người Đức, ít nhất là những người tham gia vào việc truyền bá, đã hiểu rõ cuộc xung đột: Từ lâu, trước khi chủ nghĩa quốc xã xuất hiện, ở Đức người ta đã gọi các truyền thống của châu Âu là “Tây”, nghĩa là phía tây sông Rhine. Chủ nghĩa tự do và nền dân chủ, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cá nhân, tự do buôn bán và mọi biểu hiện của chủ nghĩa quốc tế và tình yêu hòa bình đều là “Tây” hết.
Mặc dù ngày càng nhiều người Đức có thái độ khinh thường chẳng cần che đậy đối với các lí tưởng “hời hợt” của phương Tây, hay chính vì thế mà dân phương Tây tiếp tục nhập khẩu các tư tưởng của Đức. Hơn thế nữa, họ còn cả tin rằng các quan điểm trước đây của họ thực chất chỉ là sự biện hộ cho những quyền lợi ích kỉ, rằng nguyên tắc tự do kinh doanh được bịa ra để nhằm củng cố quyền lợi của nước Anh, rằng các lí tưởng chính trị của Anh và Mỹ đã già cỗi lắm rồi, nói đến làm gì cho thêm xấu hổ.
Chú thích:
[1] Trên thực tế, ngay từ năm 1931 Báo cáo của Macmiilan đã viết: “trong mấy năm gần đây đã có sự thay đổi quan điểm của chính phủ đối với chức năng của mình và mối bận tâm của nội các, không phụ thuộc vào đảng phái, về việc tăng cường quản lí đời sống của các công dân”. Báo cáo còn viết: “Quốc hội càng ngày càng thông qua nhiều văn bản pháp quy, có chức năng điều chỉnh trực tiếp công việc hằng ngày của dân chúng và can thiệp vào những việc mà trước đây được coi là không phải chức năng của nó”. Những điều như thế được viết khi nước Anh quyết định làm một bước ngoặt quyết định vào cuối năm đó và trong giai đoạn 1931-1939 đã cải tạo nền kinh tế của mình sâu sắc đến mức không còn nhận ra được nữa.
[2] Những lời cảnh báo gần đây hơn, những lời cảnh báo đã trở thành hiện thực với độ chính xác cực kì cao, cũng đã bị lãng quên. Gần ba mươi năm trước, Hilaire Belloc đã viết một cuốn sách giải thích các sự kiện diễn ra ở Đức từ đó đến nay, lời giải thích còn chính xác hơn tất cả các khảo cứu viết sau khi sự kiện đã diễn ra: “Tác động của học thuyết xã hội chủ nghĩa lên chủ nghĩa tư bản sẽ làm nảy sinh một thể chế hoàn toàn mới, khác hẳn cội nguồn của nó - xin gọi đấy là nhà nước nô lệ toàn triệt”. (Hilaire Belloc. The Servile Síate (Nhà nước nô lệ), 1913, 3rd ed. 1927. trang xiv).
[3] Hậu quả của việc khuất phục và tiêu diệt một phần tầng lớp tư sản Đức bởi các lãnh chúa thế kỉ XV-XVI vẫn còn để lại những di sản cực kì nặng nề đối với châu Âu hiện nay.
[4] Tôi đã cố gắng phân tích chuyện này trong hai loạt bài “Chủ nghĩa khoa học và nghiên cứu xã hội” và “Cuộc cách mạng ngược trong khoa học”, đăng trên Economica trong các năm 1941-1944.
[5] Mannheim K., Man and Society in an Age of Reconstruction (Con người và xã hội trong kỉ nguyên tái thiết), 1940. trang 175.
Đường Về Nô Lệ Đường Về Nô Lệ - Friedrich Hayek Đường Về Nô Lệ