Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.

Johann Goethe

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1594 / 32
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
hông hiểu sao tôi e ngại báo tin Ninh chết cho bé Ly hay. Trên đường về tôi chỉ hỏi đi hỏi lại như vậy hoài. Đã đành giữa Ninh và Ly có một chút thân mật quyến luyến, sự thân mật e dè, vẻ quyến luyến pha vị hờ hững xa lạ. Nhưng Thúy chết đi, Ly phải cảm thấy lơ láo, cô độc trên đời. Như vậy Ly không còn biết dựa vào ai. Như tôi Ly bối rối chạy quanh hối hả, vồ vập tìm lấy cái thế thăng bằng cho đời mình, và vì cùng một trạng thái tâm hồn, tự nhiên tôi coi Ly như một người lớn hoàn toàn. Suốt mấy ngày dự phiên tòa, tôi nói với Ly như nói với một người trưởng thành, với tất cả chân thật và tương kính. Tôi nghĩ Ly lo những điều mình lo, sợ những điều mình sợ. Nói, cười, cư xử với Ly, tôi gượng nhẹ, e ngại không một chút khi dễ. Và trực giác đi trước lý trí cho tôi mường tượng hay rằng Ly không còn là bé Ly ngày trước nữa. Cái chết của má, gánh nặng gia đình và tang tóc trong mấy tháng, những trách nhiệm đổ lên vai lên đầu đứa con gái 14 tuổi, làm cho nó già trước tuổi. Ly có thể hiểu những điều tôi hiểu và cái nhìn của con bé bắt đầu biến đổi. Lo âu nhiều hơn, nghĩ ngợi xa về sau. Nghĩ ngợi sâu đằng sau sự việc. Cho nên có lẽ nỗi bơ vơ trên đời chưa chắc khiến Ly căm thù kẻ gây nên tội. Vì ngay như tôi, cho đến lúc này, tôi vẫn chưa hiểu rõ vì sao Ninh hành động như vậy. Giữa nét mặt vô tội, hành động bạo sát, và sự phẫn nộ đối với kẻ bôi nhơ lên danh dự Thúy, khó lòng tìm ra một lời giải thích thỏa đáng. Chờn vờn đâu đây một điều bí nhiệm, cái gì không thuộc về Ninh mà cũng không thuộc về Thúy. Ở ngoài tầm tay người. Lý trí không đủ sức với tới. Và tôi đã nghĩ như thế, thì có thể Ly cũng sẽ nghĩ như thế. Buổi trưa ăn cơm, Ly lặng lẽ và từng miếng nhỏ, lâu lâu ngước nhìn tôi muốn hỏi mà không dám hỏi.
Tôi biết Ly muốn hỏi gì rồi. Tôi cũng muốn báo cho Ly biết, một lần cho xong. Nhưng không biết báo lúc nào, báo ở đâu mới thuận tiện. Lúc con Gái dọn hết chén bát xuống bếp, và Ty, Nô tranh nhau tắm trước khi ngủ trưa, Ly ra bàn rót nước trà và lấy tăm cho tôi. Khi Ly cúi xuống đặt tách nước trước mặt, tôi hỏi:
- Sao con không hỏi gì ba cả?
Ly giật mình, ngước nhìn tôi không nói gì được. Có lẽ Ly không ngờ bị bắt gặp trong lúc mình tìm lời lựa chữ đặt câu hỏi như lúc ấy. Ly nói nhỏ:
- Con cũng muốn biết lắm. Nhưng không dám hỏi trước.
Tôi muốn kéo dài thời gian để tìm lời:
- Con muốn biết điều gì?
Ly ậm ừ một lúc, rồi mím môi, trước khi hỏi thẳng:
- Anh ấy bị tử hình phải không ba?
Tôi đáp:
- Phải.
Rồi tò mò nhìn nét mặt Ly. Ly vẫn giữ nét mặt điềm tĩnh, yên lặng một lúc mới nói:
- Con cũng đoán như vậy. Lão luật sư có bày mưu lập kế bôi xấu má để cứu ảnh cũng vô ích...
Tôi thấy cơ hội đã tới, vội nói chen:
- Bị tử hình. Nhưng không đợi người ta hành quyết. Ninh nó tự tử chết trong lao rồi.
Ly vội ngửng lên. Tôi nhìn thẳng đôi mắt Ly, gắng tìm ở đó một giọt nước mắt, một chút tuyệt vọng. Nhưng không. Ly vẫn bình thường. Môi chỉ hơi mím lại một chút, thêm một chút mà thôi. Tôi chưng hửng, thấy mình đã dự đoán sai, nên yên lòng bảo con bé:
- Thiên bất dung gian, con thấy không? Kẻ gây tội ác trước sau gì cũng phải đền tội. Nhưng ba không ngờ sớm như vậy. Ninh nó lấy mẻ chai rạch đứt gân tay cho máu chảy ra. Ba đến tòa mới biết chuyện. Tòa án ngưng lại, coi như đã kết thúc.
Ly đứng im, lấy tay thấm nước trên bàn ăn vẽ những hình thù vớ vẩn. Thấy tôi vẫn đưa mắt dò xét, Ly hỏi:
- Ba uống thêm không, đưa tách con rót.
Tôi ngạc nhiên, khi nghe cái giọng bình thản đến lạnh lẽo của con bé. Nhất là tôi vẫn chưa quên bộ dạng nôn nao, hốt hoảng bồn chồn của Ly trong mấy ngày nay. Tôi bối rối, chịu thua không hiểu nổi. Ly đang buồn hay đang vui? Xúc động mà làm bộ tỉnh táo hay thực sự ơ hờ? Tôi chối từ:
- Thôi. Ba uống đủ rồi. Xuống coi thay áo cho tụi nhỏ rồi đi ngủ đi. Mấy hôm nay đầu óc căng thẳng, con nên nghỉ lấy lại sức.
Ly dạ nhỏ. Tôi đứng dậy trở lại phòng khách thắp nhang cho Thúy. Đến gần cửa, Ly nói với theo:
- Ba.
Tôi quay lại:
- Gì đó Ly?
- Trưa nay cho con lại đằng nhà con bạn. Mấy lâu nay ở nhà giữ lũ nhỏ, không đi đâu được. Ba cho con đi chơi một buổi chiều, mai mốt ba đi rồi con đâu có rảnh nữa.
Ly nhắc tôi mới nhớ đến công lao của con bé, công lao của "bà chủ non" như con Gái thường gọi với giọng pha lẫn mỉa mai và khâm phục. Thấy Ly bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường, thích lân la ngồi lê đôi mách với bạn bè, tôi hết sức vui mừng. Tôi vừa cười vừa bảo:
- Được. Để ba làm vú em cho. Đi chơi cả buổi chiều cũng được. Nhớ chiều về ăn cơm cho đúng giờ nghe Ly.
Ly cảm ơn ra đi giữa trưa nắng.
Ly về trước giờ cơm, nét mặt không mấy vui tươi. Ly có vẻ lo âu, ray rứt hơn buổi trưa nhiều. Thấy con bé không giúp dọn cơm mà cứ lục soạn tủ sách và hộc áo, tôi hỏi:
- Con tìm cái gì đấy?
Ly lí nhí giải thích:
- Dạ... dạ con bạn nó muốn mượn bộ sách Anh văn của con để ôn trong dịp hè. Con tìm mãi, không biết để lạc ở đâu.
Tôi đưa nhận xét:
- Nhưng làm gì có trong hộc quần áo mà con tìm cho mất công.
Ly nhớ mình lú lẫn, thẹn không biết trả lời thế nào. Lúc ấy con Mi thức giấc và Ty nhất định không chịu bỏ chơi cút bắt vào ẵm em giúp chị. Ly đành phải đóng tủ sách và hộc áo quần lại, chạy vào buồng dỗ đứa em út.
Ăn cơm xong, Ly lại xốc xáo quần áo sách vở lục tìm mãi.
Tôi lấy làm lạ, hỏi con bé:
- Nó mượn không có thì thôi, việc gì phải mất công vậy?
Ly chống chế:
- Nhưng con đã lỡ hứa với nó rồi.
Rồi nhất định tiếp tục công việc.
Tôi hơi bực mình, lần đầu thấy con bé ương ngạnh bất thường. Cảm giác khó chịu lan vào giấc ngủ. Đêm đó tôi ngủ không mấy ngon, ác mộng từng lúc, từng lúc chập chờn.
* * *
Mimi đánh thức tôi dậy hồi sáu giờ sáng. Tôi đã quen lệ bú của con bé út, bình tĩnh nằm lơ mơ nhìn lên đỉnh mùng.
Sáng nào cũng vậy, Mimi thức giấc vào 6 giờ để đòi bú. Ly lo chuyện này. Tôi đã quá quen với tiếng dép của Ly lê từ giường đến bàn nhỏ đặt sát góc tường, tiếng nước sôi rót từ bình tích ra bình sữa, tiếng con bé ậm ư kiên nhẫn đợi chờ vì biết đã có người nghe báo động, tiếng xóc xóc cho nước và sữa trộn đều.
Mimi khóc khá lâu, nhưng quái, sáng nay không thấy tiếng dép, tiếng nước sôi, tiếng ậm ừ, tiếng sữa xóc. Trong lúc đó, Mimi mất kiên nhẫn, khóc to hơn. Tôi nghĩ Ly ngủ quá say, choàng dậy mở cửa sang phòng bên. Mimi nằm một mình trên giường, cái gối ôm lớn tấn kỹ phía ngoài.
Ly không có đó.
Tôi gọi:
- Ly ơi.
Không ai trả lời. Gọi một tiếng nữa, con Gái từ phòng khách đi xuống, vừa đi vừa dụi mắt. Tôi hỏi:
- Ly ở đâu không pha sữa cho em?
Con Gái nói cho qua chuyện:
- Chắc xuống dưới cầu tiêu, thưa ông.
Gái xuống nhà bếp, và trở lên bảo không thấy Ly dưới nhà. Đột nhiên, tôi sợ. Ý nghĩ đó chợt đến. Tôi muốn kiểm chứng. Chạy đến tủ sách. Sách vở xốc xáo lung tung nhưng vẫn còn nguyên. Mở hộc quần áo. Chỉ vài chiếc áo cũ. Cái xắc nhỏ Air Việt nam tôi đem về vẫn treo trên hộc quần áo đã biến mất.
Tôi lẩm bẩm: "Chắc nó đi rồi". Có lẽ nào như thế được. Bây giờ mới 6 giờ 15 sáng. Vừa hết giờ giới nghiêm.
Tôi giục con Gái:
- Không lo làm sữa cho em đi. Bật đèn lên coi.
Tôi không muốn hô hoán. Sợ làm rối thêm lên. Chạy vào phòng ngủ mặc vội quần áo. Tôi muốn nhờ quân cảnh hoặc cảnh sát coi chừng giùm các ngã đường. Phải phóng xe ngay mới mong kịp. Phải xỏ giày cho chóng. Nhưng đôi giày đâu rồi? Cúi xuống sát đất nhìn xuống gầm giường, vẫn không thấy đâu. Tôi bực quá, định la toáng lên nhưng kịp nhớ là Ty với Nô đang còn ngủ.
Chính lúc đó tôi mới nhớ ra tối qua, tôi đã ngồi trước phòng khách cởi giày rồi mới vào phòng này thay áo.
Tôi chạy mau ra phòng khách. Tôi nhớ không lầm. Đôi giày đặt ngay ngắn dưới bàn thờ Thúy. Nét mặt Thúy như thúc giục, như cầu xin. Tôi thì thầm: "Em đừng lo. Anh sẽ tìm nó về".
Tôi chạy mau ra chỗ để xe. May mắn thay nó nổ liền không trở chứng. Nhưng vừa lúc nhấn "côn" bỏ số, mắt tôi gặp ngay mảnh giấy gấp tư kẹp ở chỗ tấm gương ngay trước tay lái, chỗ tôi vẫn thường kẹp bản đồ tài liệu hành quân.
Tôi vừa đọc vừa đoán nét chữ run run của Ly:
"Con biết thế nào ba cũng lấy xe đi tìm con. Con van ba, van ba cho con đi. Ai cũng chết cả rồi, con không thể sống ở đây với ba được nữa. Con thương các em. Con khóc cả đêm khi nhìn em Mi ngây thơ ngủ say, nghĩ đến mai Mi ở lại một mình. Con thương ba, biết ba cũng thương con. Nhưng làm sao khác được, hở ba".

Ngồi lặng một lúc, vì muốn dằn không khóc, tôi mới cho xe lăn bánh. Tôi đến thẳng đồn quân cảnh, nhờ họ liên lạc với các trạm khác. Ở đồn ra, tôi định đến ngay Ty cảnh sát. Nhưng không định tâm, tay tôi cứ lái về phía nghĩa địa. Mồ mả vắng vẻ, âm khí oan hồn chờn vờn trong màu sương muộn. Mộ Thúy ở đó, không có bóng con bé nơi đây. Không còn cách nào tìm ra dấu Ly nữa.
Tín lại một phen khó nhọc vì gia đình tôi. Chúng tôi đoán có lẽ Ly đến ở tạm nhà người quen nào đó, chứ chưa rời thành phố vào giờ này. Nhưng vốn ít chịu khó tìm hiểu tường tận sinh hoạt đời sống các con, tôi đâu biết Ly quen thân với con bạn nào.
Tôi thất vọng lái xe về. Lũ trẻ nhao nhao khi biết chị Ly đã trốn đi. Nhất là Ty và Nô. Chúng thắc mắc:
- Rồi ba đi, con ngủ với ai?
- Rồi ai cho em Mi bú?
Tôi không biết trả lời thế nào, bực dọc pha lẫn bồn chồn. Không biết cầu cứu đến ai nữa, tôi cầu cứu đến Ty.
- Con có biết ở nhà chị Ly thường chơi thân với ai không?
Ty nhanh nhẩu đáp:
- Với chú Ninh.
Tôi bực quát lên:
- Biết rồi. Nhưng ba muốn hỏi trong các bạn gái, chị Ly thân với ai nhất?
Ty sợ quá, nói nhanh:
- Con không biết.
Rồi Ty tìm cách lảng xa.
Tôi thấy càng mất bình tĩnh, mình càng vụng về.
Có thể nếu khéo hỏi, Ty sẽ cho biết Ly đến trú tạm nhà người bạn gái nào. Nhưng đã lỡ rồi. Làm sao đây? Nhớ tối hôm qua, Ly bảo tìm sách Anh văn cho con bạn mượn, tôi nghĩ:
- Không biết chừng nó tìm sách thật. Cứ lục thử xem.
Tôi đã hoài công. Lục cả buổi trưa chỉ thấy một mớ sách cũ, một mớ giấy vụn, vở nhàu. Thứ gì quan trọng, Ly đã lục đem đi hết rồi.
Tôi chán nản, ngồi một mình bên đống giấy tờ bề bộn, không biết mình còn có thể làm gì nữa đây. Tiện tay cầm một tờ giấy loại lên đọc: Thời khóa biểu thi lục cá nguyệt. Một tờ khác, bài luận đầu đề: Bầu ơi thương lấy bí cùng... Một tờ khác nữa: Chữ viết tháu khó đọc. Chỗ xóa chỗ gạch mập mờ. Tôi tìm thấy những giòng khả nghi:
12 tháng I:
Khôi hài. Viết nhật ký mà phải nháp. Không ai kém bằng mày nghe Ly. Anh Ninh bảo nhật ký là cái gương soi tâm hồn mình. Không cần phải gọt dũa kiểu cách. Anh nói đúng. Nhưng coi chừng cái gương nguy hiểm, mình mới bị hai cái mụn trên chóp mũi, coi kỳ cục không chịu được. Liệu cái gương tâm hồn có chiếu đúng nỗi khổ tâm của mình mấy hôm nay không?
Đọc lại thấy nhảm quá. Chắc bỏ hết.
13 tháng I:
Lại nháp. Phần hôm qua sau suy tính đã chép lại nguyên văn, nhưng phần hôm nay vẫn phải nháp. Anh Ninh mới mua tặng một cuốn sách. Làm bộ bí mật. Anh bảo giấu đừng cho má biết. Anh còn buộc không được mở ra xem trước khi ảnh vào trại. Nôn nao cả chiều. Cả tối. Chờ má ngủ, len lén cắt tờ giấy bao, thấy cuốn truyện HÌNH NHƯ LÀ TÌNH YÊU của Hoàng Ngọc Tuấn. Chưa hiểu vì sao anh Ninh làm bộ bí mật. Nhưng thấy vui vui. Định sáng mai...
Có lẽ đến đó thì Ly nháp sang trang khác, nên tôi không biết Ly ghi tiếp những gì.
Tôi cầm tờ giấy nháp trên tay, chăm chú nhìn một lúc, càng nhìn càng thấy chữ nghĩa nhập nhòe.
Tôi biết chắc tay mình run. Tôi mất hẳn Ly rồi, còn đâu!
Qui Nhơn, ngày 15-7-1973
Đường Một Chiều Đường Một Chiều - Nguyễn Mộng Giác