Nguyên tác: Дубровский
Số lần đọc/download: 1580 / 22
Cập nhật: 2017-02-14 17:07:31 +0700
Chương IX
T
rước ngày hội một hôm, khách khứa bắt đầu kéo đến. Một số trọ ở trong nhà của chủ nhân và trong hai dãy nhà phụ, một số trọ ở nhà viên quản lý, một số nữa ở lại nhà ông cố đạo, một số khác ở lại nhà những người nông dân khá giả. Các chuồng ngựa đều chật ních, các khoảng sân, các nhà chứa đồ xếp đầy xe cộ. Chín giờ sáng tiếng chuông nhà thờ gọi con chiên đến xem lễ, và tất cả đều kéo ra ngôi nhà thờ bằng đá do Kirila Pêtơrôvích dựng lên và hàng năm cúng tiền tu sửa trang hoàng. Các con chiên quyền quý đến đông quá thành ra nông dân không len nổi vào nhà thờ và đành đứng ở bậc thềm hoặc ở ngoài sân. Buổi lễ chưa bắt đầu — còn phải đợi Kirila Pêtơrôvích. Lão ta đi xe lục mã đến và long trọng bước vào nhà thờ, đi theo có Maria Kirilốpna. Mắt những người đến dự lễ dù là đàn ông hay đàn bà đều đỗ dồn về phía nàng, đàn ông thì thán phục sắc đẹp của nàng, đàn bà thì chăm chú ngắm nghía trang phục của nàng. Buổi lễ bắt đầu. Đội đồng ca của nhà Tơrôiêkurốp đứng hát ở trên bậc. Chính Kirila Pêtơrôvích cũng hoà giọng hát theo và khi cầu nguyện không hề liếc mắt sang bên này bên nọ; lão cúi mình sát đất với một vẻ từ bi đầy kiêu hãnh khi người làm lễ nhắc đến tên người sáng lập ngôi đền này.
Buổi lễ chấm dứt, Kirila Pêtơrôvích bước lên hôn thánh giá trước tiên. Mọi người đều lần lượt lên theo. Sau đó các tân khách xúm lại kính cẩn hỏi thăm Kirila Pêtơrôvích. Các bà các cô thì quây quần xung quanh Masa. Ra khỏi nhà thờ, Kirila Pêtơrôvích mời mọi người đến nhà lão dự tiệc, rồi ngồi lên xe lục mã trở về nhà. Tất cả đều kéo theo sau. Các phòng trong nhà đều chật những khách khứa. Cứ một lúc lại thêm những người khách mới đến. Họ chật vật lắm mới len được lại gần chủ nhân mà chào hỏi. Các phu nhân mặc áo kiểu cũ sang trọng, nhưng đã sờn, đeo đầy những ngọc và kim cương, trang trọng ngồi quây thành hình bán nguyệt. Các vị khách nam giới quây quần bên món trứng cá và mấy chai vốt-ca, cất giọng ồm ồm cãi nhau ầm ĩ. Trong gian phòng khách lớn bày một bàn tiệc tám mươi người ăn. Bọn đày tớ đi lại vội vã, đặt chai cốc, sửa lại khăn bàn. Cuối cùng người đầu bếp cả tuyên bố: “Tiệc đã dọn xong”, và Kirila Pêtơrôvích ngồi vào bàn trước tiên, rồi đến các phu nhân long trọng ngồi vào chỗ theo thứ tự ngôi bậc, các tiểu thư xúm xít với nhau như một bầy dê non sợ sệt và chọn chỗ ngồi nép vào gần nhau. Trước mặt các cô các bà là khách nam giới. Người gia sư ngồi ở cuối bàn bên cạnh cậu bé Xasa.
Gia nhân bắt đầu dọn thứ ăn theo thứ tự ngôi bậc, và trong những trường hợp khó xử họ theo phương pháp ức đoán của Laphate (7) một cách rất có kết quả. Tiếng thìa đĩa chạm vào nhau kêu lách cách, chen lẫn với tiếng nói chuyện ồn ào của khách khứa. Kirila Pêtơrôvích vui vẻ điểm qua bàn tiệc và khoái trá hưởng lấy cái thú của người đãi tiệc… Vừa lúc đó một chiếc xe lục mã đi vào sân. Chủ nhân hỏi:
— Ai đến đấy?
— Antôn Pápnutích đấy ạ. — Mấy tiếng trả lời cùng cất lên lao xao.
Cửa mở và Antôn Pápnutích Xpítxưn, một người béo phục phịch tuổi khoảng năm mươi, mặt tròn và rỗ, cằm ba ngấn, huỳnh huỵch bước vào phòng ăn, chào chào hỏi hỏi, miệng cười nhăn nhó tìm câu xin lỗi…
— Mang thêm một bộ đĩa ra đây! – Kirila Pêtơrôvích quát. – Xin mời ông Antôn Pápnutích ngồi xuống và kể cho chúng tôi nghe vì sao ông không đến xem lễ, mà đến dự tiệc cũng muộn. Xưa nay đâu có thế? Ông thường mộ đạo lắm, mà cũng thích chè chén lắm cơ mà!
Antôn Pápnutích vừa buộc chiếc khăn tay vào cổ áo vừa đáp:
— Tôi thật là không phải, xin bác Kirila Pêtơrôvích xá lỗi cho. Quả tình tôi ra đi từ rất sớm, nhưng mới đi được mười véc-xta thì bánh xe phía trước bị gãy vành — biết làm thế nào được? May mà cũng gần làng mạc, thế là kéo vào, đi tìm thợ rèn, loay hoay mãi ba tiếng đồng hồ mới xong, không có cách gì khác. Đi tắt qua con đường rừng Kixtênhốpca thì tôi không dám, thế là cứ phải quanh theo đường cái quan…
Tơrôiêkurốp ngắt lời:
— Ê hê! Thế ra ông bạn này cũng chẳng lấy gì làm can đảm cho lắm nhỉ? Thế ông sợ cái gì nào?
— Chao, sợ cái gì à, thưa bác? Sợ cái thằng Đubrốpxki chứ còn sợ cái gì nữa? Nhỡ chẳng may rơi vào tay hắn thì khốn to — hắn là tay đáo để lắm, hắn chẳng tha ai, còn như tôi đây thì có lẽ hắn lột xác ra chứ chẳng chơi!
— Vì sao hắn lại chiếu cố đặc biệt đến ông như vậy?
— Còn vì sao nữa, thưa bác? Vì cái vụ kiện sinh thời lão Anđrây Gavrilôvích chứ còn vì sao nữa! Thì chính tôi đã vì bác, nghĩa là… vì lương tâm và công lý, mà làm chứng rằng họ nhà Đubrốpxki chẳng có quyền gì ở ấp Kixtênhốpca, chỉ nhờ bác dung tha cho mà được làm chủ ở đấy chứ còn ai? Sinh thời lão ta (Chúa cứu lấy linh hồn lão!) đã hứa thế nào cũng cho tôi biết tay, và thằng con của lão thế nào cũng giữ trọn lời hứa đó. Kể cho đến bây giờ, thì Chúa vẫn phù hộ cho tôi — cả thảy chỉ có một lần tôi bị cướp một cái nhà kho nhỏ, nhưng rồi thế nào bọn hắn cũng vào đến dinh thự.
— Chà! Nó mà vào được dinh thự ông thì tha hồ cướp nhỉ! Tôi chắc cái tráp đỏ của ông đầy ứ ra rồi còn gì?
— Đâu có, thưa bác. Dạo trước thì đầy, chứ bây giờ chẳng còn gì.
— Thôi nói dối vừa vừa chứ, Antôn Pápnutích! Ai còn lạ gì ông: ông thì còn tiêu tiền đi đâu được, ở nhà thì sống như ăn mày, chẳng bao giờ mời khách khứa gì, nông dân thì ông vơ vét đến tận xương tuỷ, ông chỉ biết nhặt từng đồng xu thôi.
— Bác cứ quá đùa như vậy, bác Kirila Pêtơrôvích, — Antôn Pápnutích lầu bầu cười gượng, — chứ chúng tôi, lạy Chúa, quả là đã khánh kiệt thật, — và Antôn Pápnutích cho vào mồm miếng thịt tẩm bột rán béo ngậy để nuốt trôi câu nói đùa của chủ nhân.
Kirila Pêtơrôvích buông tha cho hắn và quay sang viên cảnh sát trưởng ngồi ở cuối bàn, gần chỗ người gia sư. Viên cảnh sát trưởng này mới được bổ nhiệm, hắn đến nhà Tơrôiêkurốp lần này là lần đầu.
— Thế nào, thưa ông cảnh sát trưởng, ông cũng phải liệu mà bắt cái thằng Đubrốpxki đi chứ?
Viên cảnh sát trưởng luống cuống, cúi đầu, mỉm cười ngượng nghịu, lắp bắp gì trong mồm một lúc và cuối cùng chỉ nói được:
— Thưa quan lớn, chúng tôi sẽ cố bắt. — Hừm, cố bắt, cố bắt! Cố bao nhiêu lần rồi, mà chẳng ăn thua gì. Nhưng mà nghĩ cũng phải, bắt làm gì kia chứ! Những vụ cướp của Đubrốpxki là một dịp may cho các ngài cảnh sát – đi công cán này, lập biên bản này, xe cộ này, tha hồ vơ tiền đút túi — tội gì đi bắt một người ân nhân như vậy? Có phải không ông cảnh sát trưởng?
Viên cảnh sát trưởng hoàn toàn rối trí. Hắn đáp:
— Thưa quan lớn, chính phải đấy ạ.
Khách khứa cười rộ. Kirila Pêtơrôvích nói:
— Tôi ưa tính thật thà của cái anh này. Nhưng tôi vẫn tiếc anh cảnh sát trưởng Tarát Alếchxêêvích chết đi, giá mà anh ta không bị chết thiêu thì bây giờ trong vùng có lẽ yên ổn hơn. Thế còn Đubrốpxki dạo này ra sao rồi. Vừa rồi hắn xuất hiện ở đâu?
Một giọng đàn bà nheo nhéo:
— Ở nhà tôi, bác Kirila Pêtơrôvích ạ, hôm thứ ba vừa rồi hắn ta ăn bữa trưa ở nhà tôi đấy…
Bao nhiêu con mắt đều đổ dồn về phía Anna Xavisna Glôbôva, một mụ đàn bà goá giản dị, được mọi người mến vì tính tình vui vẻ và hiền lành. Ai nấy đều tò mò lắng tai nghe mụ kể.
— Số là cách đây ba tuần tôi cho viên quản lý ra trạm gửi tiền cho thằng Vanhia nhà tôi.
Tôi không nuông con đâu, vì cũng chẳng có gì để mà nuông chiều nó, nhưng các ông các bà cũng biết rằng đã làm sĩ quan cận vệ thì cũng phải cho nó tươm tất một tí, cho nên tôi có được bao nhiêu cũng gửi ra cho thằng Vanhia. Thế là hôm đó tôi gửi cho hắn hai nghìn rúp; tuy tôi cũng có sợ Đubrốpxki, nhưng tôi nghĩ lên phố gần chỉ độ bảy véc-xta chắc Chúa cũng phù hộ cho. Thế rồi đến tối thấy viên quản lý đi bộ về, mặt tái xanh, áo quần rách mướp; tôi hét lên: “Mày làm sao thế? Việc gì thế?” Hắn thưa: “Thưa bà Anna Xavisna, bọn cướp lấy cả rồi, suýt nữa thì chúng nó giết tôi – chính Đubrốpxki có mặt ở đấy. Hắn định treo cổ tôi, nhưng sau lại thương hại và thả cho về — nhưng mà hắn lấy tất, cả xe ngựa hắn cũng lấy”. Tôi nghe mà rụng rời: trời đất, kiếm đâu ra tiền cho thằng Vanhia nữa? Thế là tôi đành gửi thư cho nó, kể lại mọi chuyện và gửi lời ban phước cho nó mà chẳng kèm một xu.
Một tuần trôi qua, rồi một tuần nữa. Bỗng một hôm có một chiếc xe ngựa đi vào sân nhà tôi. Một ông võ quan nào đó muốn gặp tôi, tôi nói: “Xin mời ông quá bộ vào nhà”. Một người chừng ba mươi lăm tuổi, da ngăm ngăm đen tóc đen, có ria mép và râu quai nón, trông giống y như Kulnhốp (8) tự giới thiệu là bạn đồng ngũ với mồ ma chồng tôi là Ivan Anđrêêvích, Ông ta nói là nhân thể đi ngang qua, nghe nói tôi ở đây liền ghé lại thăm người quả phụ của bạn cũ. Tôi kiếm thức ăn thết ông ta, nói chuyện linh tinh, và cuối cùng chuyển sang chuyện Đubrốpxki. Tôi kể cho ông ta nghe cái tai nạn vừa xảy ra cho tôi. Ông võ quan mặt sa sầm lại. “Thật là kỳ quặc, — ông ta nói thế, — tôi có nghe nói Đubrốpxki không phải bạ ai cũng cướp, chỉ cướp mấy nhà giàu nào đấy thôi, mà có cướp cũng không cướp cả, chỉ chia lấy một phần; còn như giết người thì chẳng bao giờ nghe ai nói. Có lẽ có điều gì uẩn khúc đây chăng, bà cho gọi viên quản lý ra đây xem”. Tôi cho gọi viên quản lý ra, hắn trông thấy ông võ quan thì choáng người đi. “Anh kể cho tôi nghe xem Đubrốpxki cướp của anh và toan treo cổ anh như thế nào nào”. Thế là viên quản lý nhà tôi run lên cầm cập và sụp xuống lạy ông võ quan. “Bẩm lạy ngài, con trót dại, con trót nói dối ạ”. – “Nếu vậy, — viên võ quan đáp, — nếu vậy thì anh làm ơn kể cho bà chủ nghe xem việc xảy ra như thế nào, ta sẽ ngồi nghe với”. Viên quản lý ấp úng mãi không nói lên lời. Ông võ quan nói: “Thế nào anh kể đi ta nghe, anh gặp Đubrốpxki ở chỗ nào?” “Ở gần hai cây thông ạ, thưa ngài gần hai cây thông ạ”. – “Thế Đubrốpxki nói với anh thế nào? – “Dạ, ông ấy hỏi con là ai, đi đâu, có việc gì ạ”. – “Rồi sao nữa?” – “Rồi ông ấy bắt con đưa thư và tiền cho ông ấy ạ”. – “Thế ông ta làm sao, hả? Thế ông ta làm gì nữa mới được chứ!” – “Dạ ông ấy trả thư và tiền lại cho con, rồi nói: anh đi yên ổn nhé, mang thư ra trạm đi”. – “Thế còn mày?” – “Dạ con trót dại ạ”. Ông võ quan giọng dữ tợn nói: “Ta sẽ cho mày biết tay, còn bà chủ, bà cho soát rương hòm của tên ăn cắp này, và giao hắn cho tôi trị, tôi sẽ cho hắn một bài học. Bà nên biết rằng chính Đubrốpxki ngày trước cũng là sĩ quan cận vệ, và không đời nào lại đi cướp giật của bạn đồng ngũ”. – Tôi đoán ra quan lớn là ai rồi, tôi chẳng còn gì bàn với ngài nữa. Bọn xà ích trói viên quản lý vào ghế xe — người ta đã tìm ra số tiền; ông võ quan ăn cơm ở nhà tôi xong đi ngay, mang cả viên quản lý đi. Hôm sau người ta tìm thấy viên quản lý nhà tôi ở trong rừng. Bị trói vào một cây sồi, mình mẩy xây xát ra như một thân cây bóc vỏ.
Tất cả mọi người đều im lặng nghe câu chuyện của Anna Xavisna, nhất là các cô thiếu nữ. Nhiều cô thầm mong mỏi cho Đubrốpxki gặp điều may mắn vì thấy chàng như một nhân vật tiểu thuyết — nhất là Maria Kirilốpna, một cô gái có tâm hồn thơ mộng và say sưa, đầu óc luôn vấn vương với những hình ảnh kinh hoàng và bí ẩn của Rátclíp (9).
Kirila Pêtơrôvích lên tiếng:
— Thế là bà Anna Xavisna cho rằng chính Đubrốpxki đến nhà bà đấy. Thế thì bà nhầm to rồi. Tôi không biết người đến nhà bà hôm đó là ai, nhưng nhất định không phải là Đubrốpxki.
— Thế nào, thưa bác! Không phải Đubrốpxki thì còn ai vào đấy nữa, mà lại có lối chặn đường bắt con người ta mà lục soát như vậy?
— Không biết, nhưng nhất định người hôm đó không phải là Đubrốpxki. Tôi còn nhớ hồi hắn còn bé, không biết bây giờ tóc hắn có thể nào đen đi được không, chứ hồi đó tóc hắn quăn và vàng, hơn nữa tôi biết chắc chắn rằng hắn hơn con Masa nhà tôi năm tuổi, và như vậy năm nay hắn không phải băm nhăm tuổi, mà chỉ độ hăm ba thôi.
Viên cảnh sát trưởng nói:
— Bẩm quan lớn đúng thế đấy ạ. Tôi có mang theo đây một bản nhân dạng và đặc điểm của Vlađimia Đubrốpxki. Trong giấy có nói rõ là năm nay hắn đúng hai mươi ba tuổi.
Kirila Pêtơrôvích nói:
— À, thế thì đúng lúc lắm: anh đọc lên nghe xem, cũng nên biết nhân dạng đặc biệt của hắn, nhỡ may gặp hắn sờ sờ trước mắt mà cũng không biết thì thật…
Viên cảnh sát trưởng rút trong túi ra một tờ giấy khá bẩn, mở ra với một dáng điệu long trọng và bắt đầu ê a đọc:
“Nhân dạng của Vlađimia Anđrêêvích Đubrốpxki lập ra theo lời những người nguyên gia nhân của y tả lại:
Tuổi: hai mươi ba.
Hình vóc: tầm thước.
Mặt: nhẵn (thường cạo râu).
Mắt: nâu.
Mũi: thẳng.
Tóc: màu hung nhạt.
Đặc điểm cá biệt: không có”
— Thế là hết đấy phỏng? – Kirila Pêtơrôvích nói.
— Vâng hết đấy ạ, — viên cảnh sát trưởng vừa gấp tờ giấy lại, vừa đáp.
— Tôi xin có lời khen ông cảnh sát trưởng. Chà! Giấy má thật ra trò! Cứ theo bản nhân dạng này thì tìm thấy Đubrốpxki dễ như bỡn. Ai mà lại chẳng người tầm thước, tóc hung nhạt, mũi thẳng và mắt nâu kia chứ! Tôi đánh cuộc rằng có thể đứng nói chuyện hàng ba tiếng đồng hồ liền với chính Đubrốpxki mà không hề hay biết gì đấy. Chả phải nói, đầu óc bọn nha lại thật là…
Viên cảnh sát trưởng dáng nhẫn nhục bỏ tờ giấy của y vào túi và im lặng quay ra tấn công vào con ngỗng nấu bắp cải; trong khi đó bọn gia nhân đã đi được khắp lượt bàn ăn mấy lần, rót rượu vào cốc cho từng người. Mấy chai rượu được mở nút kêu bôm bốp, người ta gọi nó là sâm-banh và hân hoan đưa cốc ra hứng lấy. Mấy cái mặt bắt đầu ửng đỏ, tiếng nói chuyện to hơn lên, những câu chuyện nở ra rộn rã hơn, ít mạch lạc hơn và vui vẻ hơn.
Kirila Pêtơrôvích tiếp:
— Không, không còn có được một viên cảnh sát trưởng nào như sinh thì Tarát Alếchxêêvích! Cái anh mới thật ra trò. Thật là đáng tiếc rằng hắn lại chết cháy mất, nếu không thì cả bọn không thoát lấy được một mống. Hắn sẽ bắt được tất, ngay cả thằng Đubrốpxki nữa cũng không lọt nổi hắn. Tiền thì hắn cứ lấy, nhưng người thì hắn cứ bắt, lệ của hắn là như vậy. Rõ ràng chẳng có cách gì hơn là tôi thân chinh kéo người nhà tôi đi đánh cướp. Đầu tiên là tôi cho độ hai mươi người vào càn quét khu rừng chúng ở; người của tôi là người gan dạ cả, ai nấy đều đã nếm mùi buồng gấu rồi — họ sẽ không lùi bước trước bọn cướp.
Antôn Pápnutích nghe nói đến buồng gấu lại sực nhớ đến người bạn lông lá của mình ngày trước – có dạo lão ta cũng đã từng là nạn nhân của những trò đùa như vậy, — lão liền hỏi thăm:
— Con gấu của bác có khoẻ không, bác Kirila Pêtơrôvích?
Kirila Pêtơrôvích đáp:
— Con Misa (tên thường dùng để chỉ con gấu) đã mệnh chung rồi, nó đã chết một cái chết vẻ vang vì bàn tay kẻ thù. Kẻ đã chiến thắng nó kia kìa, — Kirila Pêtơrôvích chỉ vào Đêphoócgiơ. – Ông nên tôn thờ cái anh người Pháp nhà tôi mới phải. Anh ta đã trả thù cho sự… có thể nó là sự… của bác, bác còn nhớ đấy chứ?
Antôn Pápnutích gãi đầu đáp:
— Không nhớ sao được ạ, nhớ lắm chứ! Như vậy là con Misa đã chết rồi. Tội nghiệp cho nó chưa. Con gấu đến là hay! Thật là một con vật thông minh! Khó kiếm đâu ra con gấu như vậy. Nhưng mà tại sao me-xừ kia lại giết nó đi?
Kirila Pêtơrôvích vô cùng khoái trá bắt đầu kể lại cái chiến công của anh người Pháp của lão, vì lão có cái may mắn là có thể hãnh diện về bất cứ cái gì ở chung quanh mình. Khách khứa chăm chú nghe kể câu chuyện con Misa chết và kinh ngạc nhìn Đêphoócgiơ. Người gia sư bấy giờ không hề hay biết rằng người ta đang nói chuyện về chiến công anh dũng của mình, anh ta điềm nhiên ngồi ở cuối bàn, nghiêm nghị quở trách những cử chỉ thiếu lễ độ của thằng học trò.
Buổi tiệc kéo dài luôn ba tiếng đồng hồ mới xong; chủ nhân đặt khăn ăn xuống bàn – ai nấy đều đứng dậy và đi ra phòng khách uống cà-phê, đánh bài, và tiếp tục cuộc vui đã bắt đầu một cách linh đình trong phòng ăn.