Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Chương 8
S
au khi rời Tây Tứ Xuyên Thương Cuộc, Giác Dân và Giác Tuệ chia tay nhau. Giác Dân lại thăm Ngọc Cầm, còn Giác Tuệ có ý định đi thăm một người bạn.
Giác Tuệ đi được vài phố thì đụng phải một người bạn học Trương Hải Cư tại một ngã tư. Hải Cư thở nặng nề và cắm cúi đi vội vàng. Giác Tuệ nắm lấy tay bạn.
"Chuyện gì thế, Hải Cư? Anh vội gì mà đến nỗi không nhận ra tôi."
Chàng thanh niên mặt trái soan nhìn Giác Tuệ, mồ hôi chảy ròng ròng trên trán. Anh ta thỏ hào hển một lúc mà vẫn chưa nói được. Cuối cùng anh ta vừa thở vừa lắp bắp, "Chuyện...khủng khiếp...xảy ra!"
Giác Tuệ hoảng hốt hỏi, "Chuyện gì thế?"
Hơi thở của Hải Cư lúc này đã tạm đều đặn, nhưng giọng anh ta vẫn run rẩy vì giận dữ và khích động. "Chúng tôi vừa đánh nhau với binh sĩ ngày hôm nay... trong rạp Vạn Xuân."
"Cái gì? Hãy nói cho tôi biết ngay đi!" Máu Giác Tuệ dường như đóng băng lại trong người. Bàn tay run rẩy của chàng lắc cánh tay Hải Cư. "Anh nói binh sĩ tấn công học sinh? Cho tôi biết chi tiết đI!"
Mắt Hải Cư toé lửa vì tức giận. "Tôi đang chạy về trường để báo cho các bạn học sinh còn lại. Hãy theo tôi. Vừa đi tôi vừa kể anh nghe."
Lập tức Giác Tuệ quay lại và bước theo Hải Cư. Trái tim chàng đập hỗn loạn; thân thể chàng bắt đầu bừng cháy. Chàng im lặng cắn môi.
Hải Cư kể bằng một giọng khích động khi hai người vội vàng đi bên nhau. "Hôm nay chúng tôi diễn mấy vở kịch của chúng tôi tại rạp Vạn Xuân. Tôi chỉ là một khán giả thôi. Khi vở kịch vừa bắt đầu, ba binh sĩ xông vào rạp mà không chịu mua vé. Người gác cửa cho chúng biết đây không phải là một buổi trình diễn thông thường của rạp Vạn Xuân, và họ không thể vào xem mà không trả tiền. Khi chúng không chịu nghe lý lẽ và nhất định đòi vào, chúng tôi đành đuổi họ đi. Ngay sau đó, chúng trở lại với mấy chục đồng bọn, tất cả đòi được vào xem miễn phí. Tụi tôi sợ chúng gây sự với khán giả, nên đành phải cho chúng vào, chủ ý để cho chúng không làm ồn ào nữa. Nhưng sau khi ngồi xuống ghế, bọn chúng bắt đầu hoan hô, la ó và cư xử tệ hơn cách chúng thường làm tại rạp hát."
"Cuối cùng chúng tôi không thể chịu đựng được nữa và yêu cầu chúng im lặng. Nhưng chúng vẫn tiếp tục la ó. Chúng tôi đành phải cảnh cáo chúng hoặc phải im lặng hoặc phải đi ra khỏi rạp. Chúng lập tức nổi xung và bắt đầu hành hung chúng tôi. Vài tên bước lên sân khấu và phá phách. Cuộc bạo động kéo dài cho đến khi một đại đội binh sĩ tới từ trại lính để tái lập trật tự. Nhưng rạp hát đã trở thành một chốn tan hoang và một số học sinh bị thương. Tất cả những tên phá hoại bỏ đi và không một tên nào bị bắt. Cả một đại đội mà không bắt được một tên lính không có vũ khí! Có ai mà tin được như thế? Hiển nhiện vụ phá hoại này đã được sắp đặt từ trước..."
Giác Tuệ ấn tay vào ngực và nói, "Ðúng rồi! Họ đã đặt kế hoạch phá hoại này trước!" Trái tim chàng tưởng chừng như muốn vỡ ra vì sự căm hận bên trong. "Gần đây có nhiều tin đồn chính quyền đang dự trù làm một cái gì chống lại học sinh chúng ta. Trong vài năm qua chúng ta đã là một nhức đầu cho họ, chúng ta đã đòi hỏi kiểm soát các cửa tiệm xem họ có bán hàng ngoại quốc không, đã tổ chức những cuộc diễn hành và biểu tình, phong trào của chúng ta mỗi ngày một bành trướng hơn... Họ muốn bắt chúng ta phải trở về vị trí của chúng ta. Nhưng đây chỉ là bước đầu mà thôi. Hãy chờ coi. Sẽ còn nhiều trò ngoạn mục nữa tiếp theo!"
Hải Cư hỏi, chân vẫn bước mau, "Chúng tôi định tổ chức một cuộc họp với mọi người tại công viên Triều Thành. Chúng tôi quyết định kêu gọi toàn thể học sinh của mọi trường còn đang đii học, sẽ tụ họp lại để làm một kháng thư lên tổng đốc. Chúng tôi đã đồng ý về những yêu sách rồi. Anh có theo chúng tôi không?"
Giác Tuệ hăng hái trả lời, "Ðương nhiên rồi!" Hai người đã tới nơi và bước vào sân trường trong một khí thế hăng hái.
Nhiều học sinh đã tụ tập tại sân thể dục, từng nhóm ồn ào nói chuyện. Toàn thể trường hầu như đã sẵn sàng lên đường. Hiển nhiên mọi người đã nghe biết về cuộc đụng độ với binh sĩ. Hải Cư quan sát Hoàng Tác Nhân, người đóng vai người cha trong vở kịch Khi Người Con Gái Lấy Chồng, vở kịch thứ nhất trong hai vở kịch được trình diễn ngày hôm ấy. Lúc vở kịch sắp chấm dứt thì vụ náo loạn xẩy ra, và Tác Nhân vừa mới trở lại trường mang theo tin tức mới nhất.
Giác Tuệ và Hải Cư gia nhập vào một nhóm và lắng nghe các học sinh đang nói. Hải Cư kể cho các bạn nghe tất cả những gì chàng biết về chuyện xảy ra, và vẫn còn đang nồng nhiệt nói thì đã đến lúc học sinh phải khởi hành cuộc biểu tình tới dinh Tổng Ðốc.
Công viên Triều Thành là điểm tập hợp. Khi học sinh từ trường Giác Tuệ tới nơi, họ thấy học sinh của những trường khác đã ở đó rồi. Nhưng vì là ngày Chủ Nhật, nên không thể thông báo cho hết mọi người được; hơn nữa một số trường đang ở trong kỳ nghỉ mùa đông. Nhiều trường quan trọng nhất không đủ toàn thể học sinh hiện diện. Kết quả là số người ít hơn những cuộc biểu tình trước đó. Tổng cộng chỉ có khoảng hai trăm học sinh.
Ðêm tối buông xuống. Ðèn đuốc được thắp lên trong cái bóng tối của cuộc tập họp này. Rồi học sinh tiến tới dinh Tổng Ðốc.
Giác Tuệ căng thẳng nhìn quanh trong lúc chàng bước đi. Dân chúng đứng dọc đường phố tò mò nhìn theo. Một vài người buông ra những lời phê bình thận trọng; có người nhút nhát bỏ đi.
"Họ chắc lại đi kiểm soát xem có hàng hóa của quân thù không. Lần này họ tới tiệm nào vậy?" Giác Tuệ nghe được cái giọng của người địa phương khác. Chàng quay lại nhìn người vừa nói và bắt gặp một đôi mắt xếch trên một bộ mặt gầy xanh sao. Giác Tuệ bậm môi bực mình. Chàng không biết chắc chàng nghe đúng không, vì thế chàng tiếp tục bước đi.
Khi học sinh tới dinh Tổng Ðốc thì trời đã tối rồi. Bóng tối mỗi lúc một dày đặc thêm, gia tăng sự căng thẳng trong tâm hồn học sinh, gây cho họ một nỗi sợ không tên. Họ có cảm tưởng kỳ lạ rằng đây không phải là bóng tối của ban đêm, mà là bóng tối của xã hội và hoàn cảnh chính trị hiện tại. Chống lại tất cả những thứ này, cô đơn giữa một quần chúng dửng dưng, họ cảm thấy thương cho những trái tim trẻ trung nhưng nồng nhiệt của họ.
Trên khoảng trống trước dinh Tổng Ðốc, một trung đội binh sĩ đứng chờ đợi với súng cắm lưỡi lê sáng loé và ngực ưỡn lên. Các binh sĩ nhìn họ trong sự im lặng đe dọa, trong khi học sinh hăm hở đòi được vào trong dinh. Các binh sĩ không chịu nhường bưóc. Học sinh bàn với nhau và quyết định gửi một phái đoàn đại diện tám người vào trong, nhưng tám người này cũng bị binh sĩ chặn lại. Cuối cùng một sĩ quan cấp nhỏ xuất hiện và khéo léo nói với học sinh:
"Xin các bạn về đi. Quan Tổng Ðốc không có nhà."
Các đại diện lễ phép nhưng cương quyết trả lời nếu Tổng Ðốc không có nhà, thì học sinh gặp bí thư của ông ta cũng được. Nhưng yêu cầu này cũng không được chấp thuận. Viên sĩ quan cấp nhỏ lắc đầu một cách lạnh lùng, như thể muốn nói "Quyền sinh sát bây giờ ở trong tay tôi. Tôi có thể giải quyết học sinh các anh!"
Khi các đại diện báo cáo kết quả cho toàn thể học sinh, tất cả trở nên căm phẫn. Họ la to những khẩu hiệu:
"Tổng Ðốc phải ra ngay!"
"Chúng ta sẽ tiến vào! Chúng ta sẽ tiến vào!"
"Nếu Tổng Ðốc vắng mặt, bí thư của ông ta phải ra mặt!"
"Hãy xông vào! Hãy vào trước rồi nói chuyện sau!"
Những cái đầu nhấp nhô khắp nơi. Một vài học sinh bắt đầu tiến lên, nhưng bị các bạn giữ lại.
Một học sinh la to, "Hỡi các bạn, hãy im lặng. Trật tự. Chúng ta phải giữ trật tự!"
"Trật tự! Trật tự!" Các học sinh khác cũng la to lên.
Có người hét lên, "Không cần trật tự. Việc đầu tiên là phải vào được bên trong!"
"Không vào được. Họ có súng!"
Ða số học sinh la lên. "Trật tự! Trật tự! Hãy nghe các đại diện."
Dần dần sự ồn ào dịu xuống. Trong đêm tối, một trận mưa nhẹ bắt đầu buông xuống.
Ðể cho mọi người cùng nghe thấy, một phụ tá trưởng đoàn la hét hết sức lực, giọng của anh ta bị khản vì cố gắng này. "Hỡi các bạn, họ không để chúng ta vào, và Tổng Ðốc từ chối cử người ra gặp chúng ta. Chúng ta sẽ làm gì?"
Các học sinh hô to, "Chúng ta không rút lui!"
Một vài học sinh kêu lên, "Chúng ta nhất định phải gặp chính quyền. Yêu sách của chúng ta phải được thỏa mãn. Chúng ta sẽ không mắc vào một trò lừa dối nào!"
Viên sĩ quan lại gần các đại diện. Hắn nói bằng một giọng hòa hoãn. "Trời mưa rồi. Tôi mong các bạn hãy về nhà. Tôi hứa sẽ chuyển bản yêu sách của các bạn lên quan Tổng Ðốc. Chờ đợi ngoài trời về ban đêm không ích lợi gì."
Các đại diện chuyển lời của viên sĩ quan cho học sinh. Lập tức có phản ứng ồn ào, "Chúng ta sẽ không rút lui!" Cuối cùng sự im lặng được vãn hồi.
Một đại diện lấy tay làm loa và la to, "Vậy thì được rồi. Chúng ta sẽ ở lại đây suốt đêm. Ban đại diện chúng tôi sẽ làm một cố gắng nữa trình bày lý lẽ với họ. Chúng ta sẽ không ra về nếu yêu sách không được thỏa mãn."
Một vài học sinh vỗ tay, và lập tức tất cả mọi người cùng vỗ tay. Các đại diện tiến lên. Lần này tám người đại diện được phép vào dinh Tổng Ðốc.
Giác Tuệ vỗ tay cực mạnh trong khi mưa ướt nhẹp cái đầu không đội nón của chàng. Tuy đôi khi chàng lấy tay che mặt, hoặc chặn cổ tay trên trán, mắt chàng tiếp tục bị nước mưa làm mờ đi. Chàng nhìn những lưỡi lê trên đầu súng của binh sĩ, và hai ngọn đèn lồng khổng lồ treo trên cổng và những đầu bạn bè lô nhô chung quanh. Cơn tức giận không kiềm chế được của chàng mỗi lúc một gia tăng. Chàng muốn la thật to lên. Sự tấn công của binh sĩ trong rạp hát quá bất ngờ. Mặc dù có tin đồn chính quyền đang dự định chống lại học sinh, thế mà không ai đoán nó sẽ xảy ra dưới hình thức đã xảy ra hôm nay.
Thật đáng khinh bỉ! Chàng tự hỏi, "Tại sao họ đối xử với chúng ta như thế? Có phải lòng yêu nước là một tội ác không? Có phải những thanh niên trẻ thành thực trong sạch là nguy hại cho đất nước không?" Chàng không tin thế.
Một tiếng chiêng của người canh đêm vang lên hai lần từ đằng xa. Mười giờ đêm đã điểm!
Tại sao đại diện của chúng ta chưa về? Tại sao vẫn chưa có tin tức gì? những học sinh khích động tự hỏi. Họ bắt đầu nhúc nhích khó chịu. Bây giờ mưa rơi tầm tã, làm họ ướt sũng từ đầu tới chân. Giác Tuệ có thể cảm thấy cái lạnh len vào tận xương. Chàng run rẩy. Rồi chàng nghĩ, "Một chút khó chịu có đáng phiền hà không?" Ðút tay vào ống tay áo, chàng vươn ngực lên.
Tất cả quanh chàng, học sinh đứng khum vai lại, tóc dính nhẹp trên trán vì nước mưa. Nhưng họ không nản. Một người lên tiếng:
"Nếu chúng ta không có được kết quả, chúng ta không quay về. Chúng ta hãy can đảm như học sinh sinh viên Bắc Kinh. Khi họ đi biểu tình và đọc diễn văn, họ mang theo va li - sẵn sàng đi vào tù. Ai có thể nghĩ rằng chúng ta không thể đứng đây một đêm để đạt được yêu sách của chúng ta?"
Giác Tuệ nghe những lời nói này rõ ràng. Chàng cảm động muốn khóc. Chàng muốn nhìn kỹ mặt người vừa nói, nhưng mắt chàng mờ ướt khiến chàng không nhìn rõ được. Giác Tuệ cảm thấy một sự khâm phục vô biên cho người học sinh ấy, mặc dù anh ta không nói điều gì bất thường, không có gì khác với Giác Tuệ nếu chàng phải lên tiếng. Giác Tuệ quên tất cả - căn nhà sáng rực rỡ và chiếc giường ấm áp của chàng. Chàng sẽ sẵn sàng làm bất cứ cái gì cho người học sinh vừa nói, ngay cả phải xông qua nước lửa!
Vào khoảng canh ba - nửa đêm - các đại diện vẫn chưa trở về, và không có tin tức gì cả. Trời mỗi lúc một lạnh hơn nữa. Lạnh và đói, và trên tất cả, mệt mỏi vì sự lưỡng lự, một số học sinh bắt đầu hỏi, "Chúng ta sẽ chờ đợi bao lâu nữa?"
Một hàng lưỡi lê của binh sĩ sắp hàng trước cổng dinh lờ mờ lấp loáng, như thể hăm dọa.
Một vài học sinh yếu đuối đề nghị, "Hãy trở về đi. Chúng ta có thể quyết định bước kế tiếp ngày mai. Cứ bám lì tại đây cũng chẳng ích gì."
Nhưng không người nào hưởng ứng. Dường như đa số sẵn sàng chờ đợi suốt đêm.
Sau một lúc lâu dài và khó chịu, chợt một người kêu lên, "Kìa các đại diện đã đi ra." Tất cả khoảng trống bỗng im lặng phăng phắc chờ đợi.
Một đại diện thông báo, "Hỡi các bạn, đại diện của Tổng Ðốc sẽ nói vài lời với chúng ta."
Một giọng lạ bỗng lên tiếng, "Thưa các bạn, quan Tổng Ðốc đi vắng đã mấy giờ rồi. Tôi rất tiếc chúng tôi đã để các bạn chờ đợi. Tôi đã thảo luận với đại diện của các bạn, và tôi đã chấp nhận yêu sách. Ngày mai tôi sẽ trình cho quan Tổng Ðốc. Dĩ nhiên quan Tổng Ðốc sẽ chú ý; các bạn có thể an tâm điều đó. Quan Tổng Ðốc sẽ gửi một đại diện đên thăm các học sinh bị thương. Bây giờ đã quá khuya rồi, xin các bạn hãy trở về nhà. Chúng tôi không muốn bất cứ bạn nào bị cảm lạnh. Các bạn biết quan Tổng Ðốc rất quan tâm đến các bạn, vì thế xin hãy về nhà. Chúng tôi không muốn bất cứ điều gì bất hạnh xảy ra cho các bạn."
Giọng nói dừng lại, và ngay lập tức các học sinh nói chuyện với nhau. Một người bạn hỏi Giác Tuệ, "Ông ta nói gì vậy? Ðiều bất hạnh có nghĩa là gi?"
"Ông ta nói Tổng Ðốc sẽ giải quyết các yêu sách của chúng ta, và chúng ta nên về nhà. Ông ta không chịu trách nhiệm gì. Thực là miệng lưỡi trôi chảy!" Giác Tuệ tức giận nói lại.
Một giọng nói góp tiếng, "Chúng ta có thể nên về nhà. Ðứng đây không đưa chúng ta tới đâu... Và đó là điều cuối cùng ông ta nói - cũng đáng nên suy nghĩ."
Một đại diện khác bước ra và nói với học sinh. "Các bạn có nghe ông đại diện Tổng Ðốc nói không? Ông ta đã nhận bản yêu sách của chúng ta và Tổng Ðốc sẽ giải quyết. Tại sao không chờ xem? Bây giờ chúng ta đạt được kết quả rồi, chúng ta có thể về nhà."
Một số học sinh nóng nẩy chất vấn, "Kết quả? Kết quả gì?" Nhưng phần đông học sinh khác kêu lên, "Vậy thì về nhà." Không phải là họ tin tưởng vào lời nói của đại diện Tổng Ðốc, nhưng là vì họ nhận thức được rằng đứng ở đó suốt đêm là một hy sinh vô ích. Trời mỗi lúc một lạnh hơn và mưa nặng hơn trước. Mọi người đều lạnh và đói. Họ đã chịu đựng đủ rồi.
"Ðược rồi, chúng ta hãy về nhà. Sáng mai chúng ta có thể bàn luận thêm," là cảm giác của phần đông học sinh. Chỉ một vài người muốn ở lại, nhưng không đủ đông để giúp quan điểm của họ thắng thế.
Hai trăm học sinh bắt đầu rút lui khỏi khoảng trống.
Những giọt mưa lớn tuôn đổ xuống họ không thương xót, mạnh mẽ quất vào đầu và người họ, như thể muốn lưu lại một cảm tưởng không thể phai nhòa trong ký ức họ.