Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Chương 9
G
à gáy canh tư bà cụ Vuông thức dậy, đổ ống gạo nếp vào nồi, đỏ lửa. Thấy bà lọ mọ một mình, cái Dần lỏn dậy rón rén lại gần nó ôm lấy vai bà thỏ thẻ:
- Bà ơi, thằng Hữu đi bộ đội bà có nhớ không?
- Cha bố cô, chỉ có cô mới biết nhớ thôi à! Bà và mọi người là đá đấy- Giọng bà âu yếm.
Cái Dần lại gục đầu vào vai bà khẽ thở dài:
- Hữu đi cháu thấy hụt hẫng và thương nó nhiều thêm. Ông trời sinh ra nó thông minh, hiền lành lại cần mẫn nên cứ bắt nó phải chịu đựng gian khổ trước. Đi bộ đội thời chiến, bom đạn ngất trời thế này biết bao giờ mới được về để đi học tiếp. Nếu không phải đi bộ đội, thằng Hữu thể nào cũng thành bác sĩ, kỹ sư tài. Phí quá bà nhỉ! Tất cả chỉ tại đất nước mình chiến tranh nhiều quá, tại thằng Mỹ hung ác thôi bà nhỉ! Đuổi được thằng Mỹ đi, thằng Hữu lại về thôi bà nhề!...
- Ừ, không lo đâu cháu ạ! ễng giời sẽ phù hộ cho bên ta chiến thắng. Thằng Hữu đi, thắng giặc nó lại về đi học tiếp đại học thôi cháu ạ! Cháu nom cái bếp để bà rửa cái mo cau nắm cho nó một nắm cơm nếp thật to nhá!
Nói rồi bà lại lọ mọ cầm cái mo cau ra chỗ vại nước. Giội nước vào cái mo cau kỳ cọ bà lại nhớ những lần nắm cơm cho ông đi chiến khu Việt Bắc, đi Điện Biên Phủ. Lần nào đi ông cũng bảo bà:
- Hết giặc về tôi sẽ cùng bà đẻ thêm thằng cu nữa. Hòa bình đời sống sẽ no đầy tốt đẹp hơn. Bà cố gắng tần tảo nuôi cái Khăn, cái Lụa cho tôi nhá!...
Và ông đi với niềm hy vọng giản đơn vậy. Ngày giải phóng Điện Biên ông về làng quê hối hả vui mừng, cứ ngỡ cái làng sẽ đùm bọc và ấm áp hơn. Ai rày đùng một cái khi có cuộc đánh đổ phú nông cường hào gia đình bà lại li tán, làng xã những người từng góp lợn góp trâu bò ủng hộ kháng chiến lại bị tố giác là cường hào địa chủ, bóc lột. Những người tố, khẩu khí lại toàn là vu oan giá họa, do bực tức tư thù cá nhân mà mượn gió bẻ măng, trong đó có cả thằng Bành con rể bà. Bây giờ nó vẫn lại trơ trơ ra đấy. Đời người oái oăm nhiều việc không lường trước được. Bây giờ đất nước lại có loạn, những người tốt, nhiệt tình với nước non lại lên đường, lại mang tuổi trẻ phụng sự đất nước với một mong muốn khi nước nhà độc lập mọi người đoàn tụ ai cũng có tổ ấm gia đình có trâu cày ruộng cấy, con cái sinh sôi được ăn, được hoc. Thế hệ chồng bà ra đi cũng chỉ một mong muốn ấy, bây giờ lại đến các cháu, cụ thể là thằng Hữu. Rồi đây lại cả thằng Tùng, thằng Phú thậm chí cả cái Dần nữa. Bom đạn, tàu bay tàu bò cứ ùng oàng thế này biết bao giờ mới yên. Chúng nó ra đi vì nghĩa vụ với nước non là một nhẽ, nếu có chết cũng một nhẽ vì nước vì non. Đau xót một tí nhưng là niềm tự hào lớn lao. Bà thấu tỏ điều này nhưng bà chỉ sợ sau này lại có những chuyện khác lặp lại như cái ngày đánh đổ cường hào thì cực lắm. Những người ra đi như thằng cháu Hữu hôm nay liệu ngày trở về có yên thân hay lại lâm vào cảnh tương tự như ông bà thì tội nghiệp, thì thật là dã tràng se cát!... Bà thở dài cố vùi cái suy nghĩ vừa như que diêm nhòe ra và lọ mọ đứng dậy vảy cái bím cau cho sạch nước rồi lọ mọ đi vào bếp. Cái Dần lại bo lấy vai bà, giọng thỏ thẻ:
- Cơm chín rồi đấy bà ạ!
- Ừ, cháu nhấc ra, để cho nó ráo rồi bà nắm vào cái mo cau này.
Hai bà cháu vừa làm vừa trò chuyện rất vui. Việc xong thì trời cũng sáng, cả nhà cùng thức dậy. Câu chuyện đều chung một chủ đề thằng Hữu đi tòng quân cứ ran rộn trong căn nhà của bà cụ Vuông. Giọng bố thằng Tùng cứ sang sảng:
- Giá mà trên cho cả thằng Tùng cùng tòng quân đợt nay thì tốt bao nhiêu! Thằng này phải cho vào bộ đội rèn thì mới nên tấm nên miếng được. Cứ ở mãi trong vạt áo của mẹ, được nuông chiều nó lười nhác lắm. May mấy năm có đám thằng Hữu chứ không cũng bỏ học rồi đấy bà ạ!
- Bố chả phải cầu, đợt sau con cũng tình nguyện. Con còn trích tay viết đơn bằng máu cơ. Vào bộ đội con sẽ thành anh hùng, dũng sĩ chứ bố bầm đừng tưởng bở.
- Gớm, được thế nhà ta lại có phúc- Bầm thằng Tùng cười nhạt- Bầm chỉ sợ đến lúc ấy mày B quay lại giống anh Dượng, anh Dư... làng mình. Đảo ngũ về phải đi lao động cải tạo, cứ sắp đến bữa ăn là phải xếp hàng đồng thanh hô: "Cứ như tôi thì ai đánh Mỹ. " Khi ấy có khi cả bố bầm phải dắt nhau xuống kẽ nẻ!...
- Mỡ, thằng Tùng này đâu phải hèn. Rồi bố bầm xem...
- Ờ, bà biết cháu bà rồi. Thôi cả nhà ta ăn lót dạ để còn tiễn cháu ra huyện cho đúng giờ.
Cả nhà cùng ngồi vây quanh rá cơm. Ăn xong, hừng dương cũng từ trên núi Nhội tỏa xuống. Bà cụ Vuông bỏ nắm cơm nếp vào cái tay nải đi đầu, cả nhà nối hàng theo sau. Ra đến huyện, cờ hoa, cổng chào rực rỡ. Tân binh nhập ngũ đợt 19 tháng 5 cũng có mặt đông đủ. Các thầy giáo và bạn bè trong lớp của thằng Hữu cũng có mặt để tiễn chân thằng Hữu lên đường. Khi huyện bàn giao tân binh cho các đơn vị xong, thằng Hữu mặc bộ quân phục Tô Châu màu xanh lên trước hàng quân nói lời cảm tưởng trước giờ phút thiêng liêng được vinh quang đứng trong đội ngũ và nó giơ tay tuyên thề, cả hàng quân cùng vung tay hô theo làm cho không khí buổi lễ ra quân thêm long trọng và hùng tráng.
Nhìn vóc dáng chững chạc của nó giữa hàng quân ai cũng tự hào tin tưởng. Bà cụ Vuông vừa cười vừa lôi khăn mặt ra lau mắt. Cái Dần nhìn bà, tự nhiên mắt nó cũng đỏ hoe lên. Thằng Tùng và thằng Phú cùng cười hề hề và nó cùng buột ra một câu rất tếu:
"Yêu rồi... " - Và chúng lại cười phá lên.
Cái Dần bảo:
- Trẻ con, biết gì.
- Vâng, nếu biết hai thằng "em" này đã đi lính đợt này, chả đến lượt thằng Hữu đâu... - Chúng lại cười hì hì rồi cùng núp vào bóng bà cụ Vuông nhìn theo đoàn xe chở thằng Hữu cùng đoàn quân chạy xa tít về phía cuối con đường.
Khi đoàn xe khuất cuối tầm con mắt, tự nhiên thằng Tùng ôm mặt khóc tu tu. Mọi người nhìn nó ngơ ngác rồi cùng òa khóc theo. Bà cụ Vuông bảo:
- Người đi, kẻ ở tránh sao được nhớ thương nhưng đừng ai khóc nữa, phải vui lên cho người đi được chân cứng đá mềm.
Nói vậy nhưng bà cụ Vuông cũng đứng ngẩn giữa đám người. Hình ảnh thằng Hữu những ngày qua cứ lấp lánh trong lòng bà. Ngót ba năm giời nó ăn ở, học tập dưới căn nhà của bà bao giờ nó cũng là đứa chịu thương chịu khó, chịu thiệt thòi nhất. Bà càng thấy tội nghiệp khi lúc bà ốm đau nó liều lấy mấy lạng đường của cửa hàng thực phẩm để rồi phải chịu phê bình, cảnh cáo. Những khi ấy nó chả hề đổ lỗi cho ai mà thành thực vui vẻ nhận lỗi về mình. Nó đúng là một đứa giời sinh ra để làm việc thiện, để sống vì mọi người. Bây giờ nó đi đàng ấy, thời buổi loạn lạc biết sống chết thế nào. Bà lẳng lặng ngửa mặt lên trời để cầu cho nó bình an. Những người như nó sau hòa bình còn sót lại sẽ làm được nhiều điều có ích cho mọi người hơn và sau thời loạn lạc mà còn chúng nó thì chắc chắn quê nhà sẽ đầm ấm, tươi đẹp hơn. Sẽ không có cảnh chia đàn xẻ nghé như trước đây nữa vì đến đời chúng nó làm chủ mọi việc sẽ dễ hiểu, sẽ rạch ròi hơn vì chúng nó có cái chữ cái nghĩa, được dạy dỗ đến nơi đến chốn. Chắc chắn khi làm một việc gì chúng sẽ biết cân nhắc, biết bàn bạc thấu đáo hơn. Bà nghĩ và tin như vậy. Trong mắt bà như có ánh bình minh đang hừng lên và hình ảnh thằng Hữu trong bộ quân phục màu xanh trên mũ lấp lánh ngôi sao cùng tỏa sáng trong đầu bà.
***
Sau những năm tháng núp dưới bóng bà cụ Vuông ăn học, đám trẻ theo tiếng gọi của đất nước mỗi đứa đi một phương. Cái Dần trúng truyển vào đại học Y khoa ở Thái Nguyên. Thằng Phú cũng theo thằng Hữu nhập ngũ, riêng thằng Tùng thì may mắn hơn nó được ưu tiên đi học nước ngoài. Thời buổi đất nước loạn lạc tin tức giữa chúng với nhau cũng đứt đoạn và mất liên lạc dần. Năm cái Dần tốt nghiệp đại học, nhận tấm bằng bác sĩ, nó lặn lội về thăm bà cụ Vuông. Tội nghiệp khi nó vừa đến đầu bản Cây Nhội thì được tin bà cụ Vuông đã qua đời! Ruột gan nó như đứt ra từng đoạn. Nó lặng lẽ bước vào ngôi nhà quen thuộc, nơi nó và mấy đứa từng gắn bó với bà cụ những tháng ngày đầy nhọc nhằn nhưng thân ái. Bây giờ chị Nhành là chủ trông nom ngôi nhà của bà. Hai chị em thắp hương lên bàn thờ. Cái Dần lấy tấm bằng bác sĩ đặt lên bàn thờ ngay ngắn như để báo cáo với bà kết quả học tập của nó những năm đi xa bà và cũng để xin bà xá tội cho chúng nó mấy năm qua không đứa nào về thăm bà được. Hương khói ngút lên, trong mắt cái Dần cứ hiện ra màn sương mờ trắng và hình ảnh bà như đức Phật in trên nền sương mờ trắng ấy. Bà nhìn nó âu yếm. Nó như thấy bà vẫn còn sống. Nó vùi đầu vào ngực bà, thủ thỉ kể chuyện: “Bà ơi, cháu vừa nằm mơ thấy Hữu đấy. Hữu và cả Phú nữa, đang leo đèo lội suối ở Trường Sơn, cuộc sống của chúng nó rất gian khổ nhưng chúng vẫn lạc quan vui vẻ như những ngày ở bên bà. Cháu còn mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ lắm bà ạ! Cháu mơ thấy cháu và Hữu làm đám cưới, có bà đứng bên cạnh. Buồn cười lắm bà ạ! Ngượng lắm bà ạ!". Dần khúc khích cười rồi giật mình. Thì ra nó đang nói chuyện cùng khoảng không. Nhưng trong cái khoảng không mờ mờ khói nhang ấy, nó vẫn như thấy rõ ràng bà đang mỉm cười với nó.
Sau khi vái lạy bà xong, cái Dần đi lên đồi, nơi chôn cất bà. Nấm mộ đã xanh rì cỏ. Cái Dần giang hai tay ôm lấy nấm mộ. Gió từ chân trời tự nhiên hẩy lên, cây cỏ trên nấm mộ phất phơ rồi lả vào như vuốt ve từng sợi tóc óng mượt của nó. Cái Dần cứ nằm lặng mân mê từng thân cỏ, nó thấy vô cùng hạnh phúc và có cảm giác như được chạm vào bàn tay thô ráp có mùi nắng mưa của bà. Nước mắt nó ứa ra, ân hận vì học thành bác sĩ rồi mà chả được chăm nom sức khỏe cho bà lấy một ngày. Nó cứ nằm bo nấm mộ khóc, chợt bên tai nó lại vẳng lên tiếng thì thào thương yêu của bà:
- Cháu gái ngốc nghếch của bà ơi! Làm bác sĩ rồi mà còn khóc nhè! Cháu về đi, trời nắng lên rồi đấy. Bà rất mừng vì cháu đã thành bác sĩ nhưng đi làm bác sĩ là phải luôn giữ chữ tâm cháu nhé! Giữ được chữ tâm thì mới cứu giúp được người. Bà cầu mong đất nước hết loạn lạc để thằng Hữu nó về. Hai đứa nhớ còn cái việc bà lang ở xóm Đồng Mụng cho bà nhá!...
Tiếng thì thầm tan vào trong gió. Cái Dần bừng tỉnh. Nó lặng lẽ cùng chị Nhành nhổ từng cái cỏ xung quanh ngôi mộ. Chợt nhớ mấy hạt cây hoa hoàng hậu thằng Hữu gửi từ trong miền Nam ra còn để kỹ trong túi, nó vội mở ra, bới đất trồng ngay cạnh ngôi mộ của bà. Cây hoa hoàng hậu sẽ nảy mầm và lớn lên thay nó che nắng, che mưa và tỏa hương cho lòng bà luôn được mát mẻ và thanh thản. Làm xong việc này tâm chí nó sáng hơn. Nó kể cho chị Nhành nghe câu chuyện về bà lang ở xóm Đồng Mụng với bố Bành của thằng Hữu. Nó luôn nhớ câu chuyện thằng Hữu kể ngày nó lặn lội lên đồng Mụng tìm bà lang lấy thuốc chữa cho lão Bành. Bà lang nhận ra nó và tỏ tường câu chuyện. Mặc dù vẫn biết lão Bành là kẻ từng tàn nhẫn với mình nhưng bà vẫn lấy thuốc cho lão, không những chỉ chữa cho lão khỏi bệnh mà còn làm lành lặn lại tâm hồn lão thành một con người. Chắc là thằng Hữu yêu và có khát vọng trở thành bác sĩ là có cội nguồn từ đây, từ tấm lòng cao cả của bà lang ở xóm Đồng Mụng, cộng với những oái oăm từ thái độ của một vài bác sĩ nó được chứng kiến ngày bà cụ Vuông ốm ở bệnh viện đã hun đúc nó khao khát học để trở thành bác sĩ. Chính vì những lẽ đó ngày sắp nhập ngũ nó mới bảo Dần: "Dần phải học thành bác sĩ. Sau này đất nước hết giặc Hữu về học sau và tự nguyện làm nhân viên cho cái bệnh viện lấy tên là Trịnh Nhân Dân của Dần và ta chỉ chữa bệnh cho dân thường thôi".... Tấm lòng và ước mơ của thằng Hữu thật tuyệt vời và đầy những dự báo mới mẻ.
Nhưng bây giờ Hữu đã đi xa, điều mong ước của Hữu Dần đã làm được chỉ còn việc thành lập cái bệnh viện tư nhân thì không thể thực hiện bởi một lẽ giản đơn Dần cũng chỉ là một con người trong xã hội, mà xã hội đang ở thời kỳ tập thể hóa. Mỗi con người tư nhân đều phải nhập vào tập thể, làm việc theo sự điều hành của tập thể từ cả chế độ sinh hoặt đến điều kiện làm việc. Dần đành thất hứa với Hữu điều này và nhận cái quyết định vào làm bác sĩ ở khoa ngoại một bệnh viện đa khoa cấp tỉnh.
Những chuyện thường nhật ở bệnh viện hàng ngày cứ mục sở thị vào mắt Dần, như việc người nằm viện có sổ y bạ và người không có sổ y bạ, chế độ thuốc thang, chăm sóc đều khác nhau, các y bác sĩ phải nhất nhất thực hiện. Nhiều ông cán bộ chỉ nóng lông thôi mà cấp đủ thứ thuốc, còn người thường!... Những bất cập đó làm cho Dần buồn và càng nhớ Hữu, thấy ở Hữu có cái tầm nhìn xa về trách nhiệm của thầy thuốc với con người. Dần vẫn làm việc hết mình nhưng trong đầu luôn luôn thường trực những suy nghĩ mới mẻ lạ lùng. Cũng chính từ những suy nghĩ lạ lùng ấy để Dần liên tục mắc những sai sót khuyết điểm ví như cấp cho người bệnh không có sổ y bạ những đơn thuốc theo chế độ là cán bộ, xếp cho ngưòi bệnh nặng vào phòng ưu tiên... những việc ấy lặp đi lặp lại, Dần phải làm kiểm điểm nhưng trong bản kiểm điểm nào Dần cũng chỉ ghi mấy dòng ngắn gọn: Bệnh nhân nào vào đến bệnh viện thì họ cũng đều là con người cả. Là thầy thuốc thì phải công bằng việc này, tôi làm những việc đó là để đảm bảo sự công bằng chứ không có mục đích gì khác....
Thế là Dần bị quy kết, bị phê bình, thậm chí còn bị cảnh cáo. Dần biết nếu cứ ở cái bệnh viện này ắt có ngày Dần sẽ bị đuổi việc mà có khi còn gặp nhiều tai vạ lớn chứ không phải chuyện thường. Thế là Dần viết đơn tình nguyện đi B.
Nguyện vọng của Dần được chấp thuận ngay vì thời điểm này cuộc chiến giữa ta và địch ở tiền phương đang đi vào giai đoạn quyết liệt nhất. Hết chiến sự ở Khe Sanh lại Đường 9 Nam Lào, Quảng Trị....
Các bệnh viện, nhất là các trạm phẫu thuật ở tiền phương cũng rất đang cần những bác sĩ trẻ năng lực và có tinh thần cao. Dần được xếp vào đội ngũ những bác sĩ như thế. Dần đi không có trống dong cờ mở như buổi tòng quân của Hữu vì Dần là cán bộ được điều động bổ sung vào các bệnh viện tiền phương. Dần cùng sáu y bác sĩ lên chiếc xe quân sự bịt kín bạt, chạy một mạch từ 16 giờ đến khoảng nửa đêm thì dừng lại ở bên này cầu Non Nước vì cầu đã bị đánh sập, phải xuống xe đi bộ tăng bo để đến binh trạm trước lúc trời sáng. Sự gian khổ ác liệt của chiến tranh đến bây giờ mới thực sự bày ra trước mặt Dần. Nhìn sự đổ nát dọc con đường, Dần giật mình nhớ đến Hữu. Năm sáu năm rồi Hữu đối mặt với chiến tranh, lá thư cuối cùng Hữu gửi cho Dần vào cuối tháng bẩy năm 1971, bấy giờ Hữu ở mặt trận đường 9 Nam Lào. Cái địa danh ấy phải rất ác liệt vì ỵhọng súng của đối phương ngày đêm thường nhằm vào đấy. Có lẽ chỉ vài ngày đêm nữa thôi Dần và mấy anh chị em trên chuyến xe quân sự đặc biệt này cũng sẽ đến nơi ấy. Dần nôn nao nhớ Hữu và hình dung ra những ngày ác liệt sắp tới. Trong đầu Dần cứ chộn rộn niềm vui nỗi buồn. Vui vì được cùng Hữu mang tuổi trẻ cống hiến vì nền độc lập của dân tộc, của đất nước. Buồn vì không biết khoảng thời gian biền biệt ấy Hữu còn sống hay đã chết! Hình ảnh những con đom đóm nhập nhòe trong cái chai đèn lại hiện lên trước mặt Dần và chuỗi ngày tuổi thơ nhọc nhằn côi cút của Hữu cứ thổn thức rào lên trong ngực. Nước mắt Dần ứa ra, trước thực tại đổ nát của chiến tranh Dần đang được chứng kiến. Nếu nói dại cả hai đứa đều không gặp may thì ở trong lòng đất nay mãi mãi Dần vẫn là con gái và ngược lại. Ánh trăng và tiếng suối ở chỗ bà cụ Vuông lại hiện về. Trên môi Dần cứ tê dại cái cảm giác nụ hôn đầu hai đứa trao nhau. Trời ơi! Giá mà lúc này gặp Hữu, Dần sẽ hiến dâng để cả hai đứa cùng tận hưởng cái cảm khoái thiêng liêng của loài người. Nghĩ vậy lồng ngực Dần cứ căng lên, mắt Dần ngập trăng sao, tâm trí Dần đê mê, sung sướng. Toàn thân thể Dần cứ bồng bềnh theo những cảm xúc ấy mãi đến khi đồng chí tổ trưởng bảo: “Tăng tốc độ hành quân", Dần mới bừng tỉnh. Hai vai Dần mỏi nhừ, bàn chân tê buốt. Con đường mòn mập mờ hiện ra, những cánh rừng nham nhở vết bom đạn bày trước mặt. Dần nhận ra mình cũng đang đi về phía mặt trận. Nơi ấy đầy gian khổ hy sinh nhưng cháy bỏng khát vọng được gặp lại Hữu! Dần chợt nhớ quê hương, bố bầm và ngôi mộ bà cụ Vuông nằm lặng lẽ trên quả đồi. Chắc rằng cây hoa hoàng hậu đang lớn. Trong lòng cái Dần tự nảy ra những suy tưởng như huyền thoại, cổ tích. Nó vừa đi vừa thì thầm gọi bà:
"Bà ơi! Bà cứ yên giấc ngủ! Cháu đã trồng cây hoa hoàng hậu trên mộ bà, cây hoa sẽ thay cháu che nắng, che mưa cho bà. Bà phù hộ cho cháu và Hữu gặp nhau nhé! Sau này hết giặc chúng cháu sẽ về ở với nhau, sẽ làm một ngôi nhà đẹp như ngôi nhà của bà, vợ chồng cháu sẽ cùng làm thầy thuốc chữa bệnh cho dân nghèo bà nhá! Và nếu chả may hai đứa cùng hy sinh trong trận, chúng cháu sẽ hóa thành đôi bướm trắng bay về đậu trên cây hoàng hậu để mãi mãi được gần bà!... " Nghĩ vậy, cái Dần thấy đôi bàn chân khỏe khoắn hẳn lên. Nó xốc lại ba lô lặng lẽ bước theo đội hình hành quân.
***
Nằm trong căn hầm loét nhoét nước, những nốt mần ngứa do muỗi vắt gây ra càng được dịp hoành hành, Hữu mở cái bi đông nước đổ vào cái khăn mặt vắt khô rồi khẽ lau từng vết mần trên cổ tay, cổ chân. Việc xong Hữu ghì cái võng vào hai đầu thành hầm ngả lưng nằm nghỉ. Bất chợt bên tai nó vọng về tiếng rì rào của nước chảy, tiếng rì rào như kéo về thiên cảnh con suối Cù Thìa lúc trăng lên nó cùng cái Dần ngồi dưới gốc cây bồ kết. Thoắt đấy mà đã hơn sáu năm trời trôi qua, khoảng thời gian trận mạc dằng dặc ấy Hữu đã trải qua mấy chục trận đánh, những khốc liệt của chiến tranh đã làm cho tâm hồn Hữu đanh cứng, lạnh lùng. Hữu không còn là thằng bé luôn cam chịu nhịn nhường như ngày xưa nữa. Những khoảnh khắc quyết liệt trong cuộc chiến bắt buộc con người ta phải tranh giật thậm chí còn phải tàn nhẫn nữa. Một đận mũi tấn công của Hữu tóm được hai mươi bảy thằng ngụy. Mấy thằng dòng chúng xuống thung lũng để chuyển ra giao cho tuyến sau thì thằng T28 bổ nhào cứ con đường mòn chúng giội bom xả đạn. Tắt tiếng bom thì đám cán gáo nghiêng ngó lùng sục. Đám tù binh nhốn nháo xoay cách đối phó. Hữu nhìn đồng đội hất hàm, lập tức cả đám tù binh bị đẩy xuống cái hố bom ngay gần đấy. Hữu đưa khẩu B40 cho thằng Chi. Thằng Chi tái mặt. Ở phía đỉnh đồi bọn cán gáo đã sà thấp, tình thế phải xử lí gấp gáp Hữu gạt tay đẩy Chi ngã ngửa và giằng lấy khẩu B40 trên tay nó, lập tức cái bắp chuối quay về phía hố bom, cả đám tù binh nhất loạt ôm đầu cứ thế vái, có một thằng mặt còn búng sữa nhào lên ôm lấy chân Hữu nức nở:
- Xin đừng bắn em, nhà em chỉ có một mẹ, một con, em bị người ta bắt quân dịch thôi mà. Em thề, em chưa hề gây một tội ác nào. Các anh tha, hòa bình mẹ em sẽ ơn các anh đời đời.
Tiếng thằng tù binh vẫn nức nở nhưng không làm át được tiếng thằng cán gáo đang sà xuuống thả thang ở phía đỉnh quả đồi. Không có thời gian cân nhắc nữa, Hữu đạp thằng tù binh lộn ngửa xuống hố bom và xiết cò. Cái bắp chuối phụt ra một luồng lửa đỏ đọc cắm xuống hố bom, khói cuộn lên đen ngòm. Khi làn khói đen tan ra những cái thây co quắp đen thui nằm dụi chất đống. Hữu rùng người và bảo anh em đẩy những cành cây bị bom chém đứt lấp kín. Việc xong thì phía bên kia quả đồi lố nhố đám lính dù đang tràn lên. Trận đánh ấy rất quyết liệt, thằng Chi, thằng Toán, Thằng Chung, thằng Ngần... đều hy sinh. Bọn địch còn bắn xích tốc vào mặt, vào bụng làm mất hết hình hài chúng nó. Đẩy được địch sang bên kia tuyến, lấy được xác chúng nó về chôn cất ở bên bờ suối, Hữu cùng mấy anh em cứ ôm nấm đất lặng đi. Sau trận ấy Hữu được anh em tôn vinh và cấp trên đề bạt làm cán bộ chỉ huy đại đội.
Ngả lưng trên cánh võng, nghĩ lại những chuyện này tự nhiên Hữu thấy rợn người. Hữu ân hận với thằng Chi, chả nhớ lúc giằng khẩu B40 Hữu mắng nó câu gì, chắc là Hữu sẽ bảo nó là thằng hèn! Bây giờ nó đã nằm yên trong đất và nếu không có nó đà ngang mặt hào hất Hữu ngã xuống thì một mình Hữu đã xơi gọn quả xích tốc rồi. Thằng Chi đã nhận cái chết về mình để cho Hữu sống và được thăng cấp chỉ huy. Chiến tranh là thế, bao nhiêu tình huống, đánh giá bản chất con người trong chiến tranh cũng khắc nghiệt chả kém phần nguy hiểm như trận mạc. Thằng Chi không bao giờ hèn, lúc nó tái mặt, lóng ngóng không thi hành mệnh lệnh của Hữu trước đám tù binh là một việc khác. Bây giờ thì Hữu hiểu điều này sâu sắc hơn, hiểu chiến tranh sâu sắc hơn và thấy thằng Chi nhân bản hơn. Nó đã nghĩ đến thân phận và mạng người, lòng nhân ái của nó vẫn bao trùm, cái biên giới ta địch bị nhòa trong đầu nó khi đối phương đã là kẻ yếu. Nhưng tình thế chiến tranh biết làm nào đươc. Hữu khẽ quyệt tay ngang mắt và gọi: Chi ơi!...
Từ ngoài cửa hầm có bước bàn chân lét nhét chạy vào. Hữu nhướn dậy. Giọng cậu liên lạc lập cập:
- Báo cáo đại trưởng, khoảng tiểu đoàn địch đang đà rừng tràn vào trận địa.
- Báo cho các trung đội vào vị trí, cứ để địch lọt hết vào thung lũng mới được nổ súng.
Nói rồi Hữu khoác AK luồn ra cửa thung lũng, chỗ trung đội của thằng Đạt.
- Báo cáo đại trưởng, địch đà rừng tiến, chúng đi có đội hình và vừa đi vừa quan sát, có nghĩa là chúng chưa phát hiện ra ta...
- Tốt, cứ để chúng vào thật sâu, khi trung đội của Bích và Lực nổ súng, Đạt chỉ huy bộ đội làm hai mũi bịt kín cửa thung lũng, trung liên của trung đội Bích và Lực đỏ lửa, bắt buộc chúng phải bổ ngửa về hai sườn lũng để tiếp tục ngoi lên hoặc tháo khỏi thung lũng. Nếu chúng tháo chạy cậu cho bộ đội từ hai sườn lũng cứ xả AK thật lực. Nếu chúng ngoi ngược tiếp tục tấn công thì lệnh cho khẩu đội cối tọa độ chặn đường và bộ đội từ sườn lũng phóng bắp chuối, địch chỉ con đường tự sát. Nhưng bây giờ phải tuyệt đối bí mật, phải đánh thật bất ngờ thì địch mới mất sức đề kháng.
- Rõ.
Giọng Đạt đĩnh đạc. Hữu trườn lên cái mô đất bắt ống nhòm nhìn về phía cánh rừng trước thung lũng, cửa ngõ phía bắc vào thành cổ. Địch vẫn lố nhố tiến hàng ngang. Chúng đi càn, hoặc có thể để thăm dò và đánh lạc hướng tấn công của ta. Trận này mà phải đối mặt sẽ rất đẫm máu vả cũng không có lợi cho toàn chiến dịch. Đút ống nhòm vào bao, tụt xuống công sự, Hữu truyền lệnh cho toàn đơn vị phải tuyệt đối bí mật, có lệnh mới được nổ súng. Trở lại căn hầm chỉ huy, tự nhiên Hữu chợt nhớ nhà, cái cảm giác này lâu lắm mới chợt về trong Hữu vì mấy chục trận đánh, lại ngày đêm bom đạn ngút trời có thời gian nào thảnh thơi đâu. Hữu khẽ thở ra và hình ảnh quê nhà lại lập lòe những con đom đóm trong cái chai đèn với tiếng roi cật nứa vun vút từ tay bố Bành những ngày bố còn lú lẫn, còn tắm mình trong rượu. Tiếng tàu lá chuối dào dạt trong gió hè nơi cái Dần vẫn mang cơm, mang sách vở cho Hữu và những buồn vui dưới ngôi nhà bà cụ Vuông những năm học cấp ba sơ tán, rồi buổi chiều trước buổi Hữu tòng quân những hứa hẹn đầu đời với cái Dần!... Tất cả bây giờ chỉ còn là kí ức. Chiến tranh, trận mạc đã biến Hữu trở thành con người chấp hành mệnh lệnh và ra lệnh. Bây giờ mà gặp cái Dần chắc nó sẽ không nhận ra Hữu cả về hình hài lẫn tâm tính bởi cuộc sống và tư duy của người trí thức thường ở trong phòng kín vả với quãng thời gian dằng dặc ấy chắc gì Dần còn thủy chung! Biết đâu bây giờ Dần đã tay bế tay bồng... Nghĩ vậy Hữu thấy có cái gì cứ nao nao trong dạ nhưng Hữu tự bằng lòng và hy vọng Dần đã có hạnh phúc, đã thoát cái phút đầu đời với Hữu, và nếu sự thật như vậy Dần sẽ là người may mắn... Hữu hy vọng như vậy vì cuộc chiến có thể còn kéo dài ác liệt và biết đâu trong chiến dịch này thần chết sẽ chụp xuống đầu Hữu. Điều này rất có thể và cũng rất đơn giản bởi Hữu là lính chiến đã từng trải nhiều trận mạc, từng chia tay nhiều đồng đội. Biết bao nhiêu người thân Hữu đã bó gói vào tăng võng, lấy huyệt chôn cất họ ở khắp các cánh rừng. Nhiều cảnh chết chóc tang thương cứ ám ảnh Hữu, theo Hữu dai dẳng suốt cuộc chiến. Có nhiều bữa ăn, nhiều đêm ngủ Hữu như phải ở cùng với ma quái, với linh hồn đồng đội. Hữu nhớ trận bom tọa độ ở thung lũng Tắc Kè, hồi ấy Hữu còn ở trinh sát, mấy anh em vừa đến lũng, đang ngỏ bản đồ để tiếp cận vùng địch thì mưa bom đổ xuống. Hết ba loạt bom, thằng Tự, thằng Đào, anh Huy A trưởng, thằng Chiên đều chết đen nhẻm, Hữu và thằng Tú số giời đánh không chết, chui vào cái bạnh cây đa. Thằng Tú bị một mảnh bom văng ngang cổ họng chỗ yết hầu, máu cứ phun ra như bị chọc tiết. Có một mình, khi xé cái áo lót bịt chặt vết thương cho thằng Tú khỏi chảy máu, Hữu đang loay hoay chưa biết xoay sở thế nào thì từ lòng suối, một con bé, chắc là thanh niên xung phong đang cắm đầu chạy ngược. Nhìn thấy Hữu đang loay hoay trước mấy cái xác đen thui, con bé quay đầu bổ xuôi phía dòng suối. Hữu vớ khẩu AK lên đạn:
- Đứng lại, mày chạy tao bắn.
Con bé ngoảnh lại, mặt tái nhợt không còn tí máu, tay chân nó đánh kẻng vào nhau, mắt trắng dã nhìn Hữu. Biết nó sợ. Hữu đổ giọng ngọt ngào:
- Lại gần đây em, đừng sợ! Họ đều là đồng đội của mình thôi mà! Bình tĩnh lại giúp anh một tay nào!
Con bé chớp chớp mắt rồi rón rén bước về phía Hữu, lúc này Hữu lại nhìn rõ những giọt nước mắt của nó. Hữu bảo:
- Rải giúp anh mấy cái tăng, cái bạt...
Con bé làm theo như cái máy. Nó cùng Hữu hì hục đào cái huyệt to, khiêng mấy người đồng đội xuống đó lấp thành nấm mộ. Việc xong con bé mới mở miệng:
- Để cả bốn người cùng một mộ hả anh?
- Ờ, anh Huy A trưởng trinh sát, thằng Tự, thằng Chiên, thằng Đào! - Tự nhiên nước mắt Hữu òa ra.
Con bé bình tĩnh lại nhưng giọng nó vẫn run run:
- Làm nào ghi được tên tuổi cho các anh ấy để...
- Làm thế nào được em, mình cứ nhớ chỗ này có cái bạnh đa trằn ngang hòn đá hình chóp là được. Mà biết đâu mai này cả anh và em cũng hy sinh... Thôi chúng ta đều là vô danh cả, chiến tranh mà em! Chiến tranh những người chết là đáng trọng, họ chết cho cả một sự sống đấy, đành cứ để ngôi mộ không tên thôi em ạ.
Ở chỗ cái bạnh đa, thằng Tú vẫn khò khè thở. Con bé giục:
- Phải đưa anh gì đi ra trạm phẫu ngay anh à!
- Ừ, thằng Tú, em có biết đường đến trạm phẫu không?
- Thì em là người ở trạm.
- Thế em đi đâu lại có một mình?
- Dạ em đi tìm rau rớn, thấy con suối hiền lại nhiều cua ốc bám ven bờ, thích quá cứ lội ngươc. Người nhà quê thấy cua ốc là quên hết, chả nhớ ra là mình đang ở chiến trường nữa...
- Thân gái dặm trường, vừa lãng mạng vừa thực tế... Thôi cũng là chuyện may cho anh và thằng Tú! Bây giờ em giúp anh cáng thằng Tú về trạm phẫu của em nhá. Vận nó không chết trận.
Nói rồi Hữu móc ba lô lấy ra tấm bạt, chặt khúc cây dài, khênh thằng Tú đặt vào. Con bé túm lấy một đầu, giọng nó vội vội:
- Đi lối này anh.
Và nó cắm đầu đi, Hữu phải co cẳng mới bước kịp. Trồ vào con suối thì gặp một lối mòn vắt ngược. Con bé bảo:
- Leo hết vạt núi này tuột xuôi lũng là đến trạm.
- Ừ, cứ đi đi.
- Nếu anh mỏi thì nghỉ một tí, cũng để em xem lại vết thương cho anh Tú...
- Ờ, nhưng tên em là gì? Nói để dễ gọi.
- Em là Hoa, anh cứ gọi em là Hoa tè vì ở trạm có hai người tên là Hoa. Chị Hoa y sĩ thì cao gầy, gọi Hoa kều. Em thấp hơn chị họ gọi là Hoa tè. Em làm y tá thôi.
Hữu bảo Hoa gác một đầu cáng vào mô đất để cho thằng Tú dễ thở. Hoa cẩn thận xem lại vết cứa ở cổ thằng Tú, thấy máu vẫn rỉ ra. Hoa bảo:
- Phải đi gấp thôi anh ạ! Vết thương của anh Tú vẫn chảy máu.
Hai người lại hì hục đi. Chiều vàng thì về đến trạm của Hoa. Đấy là cái trạm phẫu tiền phương nhưng phương tiện thuốc men tương đối đầy đủ. Hôm ấy Hữu nghỉ lại trạm phẫu. Buổi tối có trăng non, ánh trăng cũng từ tán lá rừng rớt xuống lòng suối, gió rì rầm gợi trong lòng Hữu bao kỉ niệm về thời thơ ấu với cái Dần. Hữu bần thần ngồi ngắm trăng thì Hoa rón rén lại, giọng nó thỏ thẻ thân thiết:
- Nom anh Hữu thật là hiền, thế mà lúc anh dọa làm em hết hồn. Thương mấy anh nằm lại chỗ bãi bom quá trời! Suốt bữa em không nuốt nổi miếng cơm!...
- Hoa vẫn còn sợ chứ gì?
- Sợ thương và hãi nữa, em không tưởng tượng được đâu. Lính chiến các anh phải chịu nhiều khủng khiếp thật. Càng vào sâu chiến trường em càng thấy sự thật này.
- Chiến tranh mà Hoa, nhiều chuyện đâm chém, bắn giết còn nao lòng hơn. Hoa không thể tưởng tượng được hết đâu, nhiều lúc sau trận bắn giết về đêm mắt không tài nào nhắm được. Anh cảm thấy giữa chiến công và tội lỗi đối với người lính, kể cả đối với những kẻ ở phía bên kia đều thảm hại cả. Anh đã từng bắt được và đâm chết những thằng Mỹ, thằng ngụy trẻ măng, nom nó cũng hiền từ, giá mà không có cuộc chiến này biết đâu cả hai còn trở thành bạn thân với nhau nữa là khác. Còn ở đây, trước mặt mình là họng súng của nó và ngược lại, cứ xả đạn vào nhau ngày này qua ngày khác, liên miên mấy chục năm nay rồi! Chiến công và tội lỗi! Anh nghĩ nếu sau này đất nước thống nhất, nếu số anh không chết trận, rồi cũng phải lang thang kiếm sống đó đây trên đất nước nhà, lúc ấy vô phúc mà gặp đúng gia đình, cha mẹ những thằng lính ngụy anh đã khử thì quả là bi kịch! Chiến tranh chả ra gì đâu em ạ! Dân tộc mình thật vĩ đại nhưng cũng thật đau thương vì chiến tranh cứ liên miên mãi. Biết bao giờ mới mở mày mở mặt ra được.
Nghe Hữu nói Hoa lại một lần nữa tái mặt đi. Nó cứ nhìn Hữu như nhìn một vật rất lạ. Nó không ngờ một con người sắt thép như thế mà lại có những suy nghĩ, triết tự về cuộc chiến tranh này thật lạ lẫm. Những điều Hữu nói dường như Hoa chưa được nghe thấy bao giờ. Cứ soi vào những điều Hoa từng được nghe các đồng chí cán bộ chỉ huy huấn thị thì Hữu là kẻ có nhận thức rất lệch lạc nhưng Hoa thấy thật kỳ với những hành động kiên cường và chứa chan tình đồng đội Hữu đã làm mà Hoa từng được chứng kiến. Hoa ngơ ngác định nói câu gì thì Hữu bảo:
- Hoa về hầm nghỉ đi! Những điều tôi nói Hoa đừng thắc mắc. Vào sâu trong chiến tuyến, Hoa sẽ tự phân tích lí giải được nếu như số Hoa ông trời không bắt phải chết trong chiến tranh. Những điều tôi vừa tâm sự với Hoa là ngôn từ tôi cất lọc ra từ bao năm xông pha với trận mạc với chiến công và sự mất mát. Hoa chỉ để trong lòng và tự ngẫm thôi nhé! Sáng mai tôi lại vào sâu trong mặt trận rồi.
Hoa vẫn ngồi lặng không nói, không rằng, mắt cô dại ra đờ đẫn. Hoa cứ ngồi lặng nhìn Hữu rồi lại nhìn ra ánh trăng lấp lánh bên bờ suối. Khi chia tay, Hữu cứ ân hận mãi vì những câu chuyện chả đâu vào đâu làm Hoa không hiểu được. Bây giờ cái trạm phẫu thuật ấy ở đâu? Cầu trời cho con bé được may mắn!... Lại có bước chân lép nhép từ ngoài cửa hầm chạy vào, Tiếng cậu liên lạc mạch lạc:
- Báo cáo đại trưởng, địch tụ lại trước cửa lũng, tình hình chúng sẽ rút. Các trung đội đã sẵn sàng chờ lệnh của đại trưởng.
- Thế là thằng địch chưa biết hướng ém quân vào thành của ta, chúng tổ chức càn là để đánh động xem ta vào hướng nào. Lệnh cho toàn đơn vị bí mật, bí mật tuyệt đối!
Nói rồi Hữu khoác súng trườn ra khỏi hầm đến từng trung đội để quán triệt tình hình. Vừa ló ra khỏi cửa căn hầm thì trận mưa cối chụp xuống, đẩy Hữu ngã vật ngửa, khói trùm mù mịt. Cậu liên lạc từ ngách hầm lao ra, thấy toàn thân thể Hữu đầm đìa máu. Đại đội phó Đức và y tá Thắng cũng trườn tới. Họ nâng Hữu dậy. Thắng mở túi thuốc băng bó các vết thương và cho gọi bộ đội vận tải nhanh chóng chuyển Hữu về tuyến sau. Khi cái cáng chuyển động, Hữu còn cố ngóc cổ bảo đại đội phó Đức:
`- Nó bắn vu vơ, nhớ giữ bí mật tuyệt đối, tớ ra viện cố gắng về kịp chiến dịch.
Cái cáng từ từ luồn rừng di chuyển. Mọi người nhìn theo rồi lặng lẽ về vị trí sẵn sàng cơ động vào chiến dịch lớn. Chiều cũng bắt đầu tắt nắng, gió từ phía rừng Lào thổi sang mang theo hơi nóng hầm hập. Đức chui vào căn hầm của Hữu, mùi khói đạn cuộn vào vẫn khét nồng nặc. Đức kéo cái ba lô của Hữu ở đầu cánh võng, bấm cái đèn gù cho sáng lên, mở nút ba lô ra, trong ấy chỉ gỏn gọn có bộ quần áo lót, cái bản đồ chiến dịch và một quyển sổ tay cỡ lớn hơn bàn tay một chút đã rách sờn các mép và loang lổ vết lấm. Đức lẳng lặng đọc từng trang: " Ngày 19 tháng 5 năm 1967. Mình lẫn trong đoàn xe màu xanh khuất xa cuối con đường. Dần vẫn đứng nhìn theo, trong mắt Dần vẫn còn đọng ánh trăng và thổn thức những điều rất mới mẻ, lạ lùng khi cả hai đứa cùng ngã xuống nền đất dưới gốc cây bồ kết, nơi ấy Hữu đã từng chảy máu vì cẩu thả khi gồi cành bồ kết lấy quả để Dần ra chợ bán lấy tiền cho cả đám cải thiện và đóng học phí. Cành bồ kết đổ ngang, gai nó cắm vào bả vai Hữu, máu chảy xuống đất. Dần ơi, chính chỗ này lại là nơi chứng kiến phút ân tình đầu đời của chúng ta và cũng chính là chỗ chúng ta chia tay để đi về mọi miền đất nước, đất nước trong những ngày nước sôi lửa bỏng! Hữu rất vui nhưng chỉ sợ nơi ấy sẽ thành kỷ niệm vĩnh hằng bởi từ đây Hữu là người lính, mà khỉ thật, cuộc đời Hữu sinh ra những chuyện vui buồn đều có máu cả! Ngày mai ra trận chắc trên cơ thể Hữu sẽ còn bị chảy máu nhiều hơn nữa! Hữu linh cảm thế, Dần ơi! Nếu đây sẽ trở thành kỷ niệm vĩnh hằng của chúng ta thì cũng là số phận, Dần đừng làm núi Vọng phu nghe!... "
"Ngày 2 tháng 12 năm 1967. Tết cũng sắp đến rồi nhưng mình theo đơn vị vào sâu trong kia. Ngày mai chắc là rất nhiều khó khăn ác liệt, rất có thể Hữu sẽ chết! Điều này chả lạ lẫm gì khi mình đã tình nguyện là người lính. Hữu thật vui khi đã biết Dần được vào học trường đại học Y khoa tỉnh Thái. Thế là những năm đèn sách của bọn mình không hoài phí. Cố gắng lên Dần nhá, cố học thành bác sĩ tài để chữa bệnh cho dân thường, nhớ lấy cái đức của bà lang ở xóm Đồng Mụng ấy! Người đã chữa cho bố Bành khỏi bệnh, khỏi điên khùng trong rượu để Hữu được cùng Dần và bọn thằng Tùng, thằng Phú đi học tiếp cấp ba. Những ngày ấy gian khổ, thiếu túng nhưng mà vui. Còn bây gìơ cuộc sống của Hữu, khỏi nói khó khăn gian khổ mà còn hy sinh chết chóc nữa! Mỗi lần chứng kiến trận mạc, chứng kiến chết chóc và những hy sinh của đồng đội, những người thân Hữu càng thấy xót mạng người. Trong chiến trận mạng người rẻ mạt lắm, có khi đang cười nói với nhau đấy lại lăn đùng ra chết mà những người chết lại toàn là người trẻ đẹp. Thế mới tiếc chứ! Giá mà không có chiến tranh những người tốt (không loại trừ cả những người ở phía bên kia) họ cũng sẽ làm được cho đất nước, cho con người biết bao nhiêu việc có ích! Chiến tranh chỉ gây ra chết chóc và buồn chán thôi Dần ạ! Rồi đây, chiến tranh sẽ đến hồi kết cục nhưng sự mất mát đau thương nhiều nhất vẫn là dân thường mà thôi! Dân thường là ai? Hữu vẫn thường nói với Dần và bọn thằng Tùng, thằng Phú họ chính là những người làm ra lúa ngô, những người đẻ ra những chàng trai, cô gái cung cấp cho cuộc chiến này, những người không có sổ y bạ, không có tem phiếu mua thịt, mua đường!... "
... Ngày mai khi hết chiến tranh, những người đã ngã xuống cuộc chiến, tất nhiên họ sẽ không nghĩ đến sổ y bạ, đến tem phiếu mua đường mua sữa làm gì. Còn những người sống sót chắc cũng đa phần có số phận không có tem phiếu gì cả nhưng cũng sẽ có kẻ chả có công trạng gì lắm trong cuộc chiến này họ vẫn sẽ là kẻ ngồi điều hành cấp phát bổng lộc và bắt người ta phải ơn huệ nữa! Đời sau cuộc chiến sẽ là những câu chuyện bon chen tính toán tranh ăn!... Làm bác sĩ Dần phải nhớ dân thường nhé!... "
Gấp quyển sổ của Hữu lại, trong đầu Đức mờ tỏ những điều rất mới mẻ lạ lùng nhưng Đức không cắt nghĩa được bởi giữa con người thực của Hữu bấy nay Đức vẫn sống gần và những dòng chữ ghi trong sổ của Hữu nó giống như hai cực âm dương luôn cọ sát nhau. Đức đang tần ngần thì chính trị viên trưởng đại đôi Thăng từ ngoài cửa hầm bước vào, giọng ông hồi hộp:
- Tình hình vết thương của đại trưởng thế này, đồng chí phải đảm nhiệm thêm nhiều công việc đấy...
- Chắc là đại trưởng về kịp chiến dịch thôi vì thương tích tuy nhiều nhưng toàn ở phần mềm, vả đại trưởng của mình vốn là người biết vượt lên hoàn cảnh. Mà anh xem này! - Nói rồi Đức đưa quyển sổ cho chính trị viên Thăng, giọng băn khoăn - Anh ấy ghi nhật kí hay thật nhưng nếu bộ đội mà đọc được thì...
Thăng cầm quyển sổ bật đèn đọc từng trang rồi bảo Đức:
- Quả là hay thật, những dòng này chảy ra từ trái tim một người từng trải, từng là kẻ có chiến thắng và chiến bại, phân biệt được rạch ròi cái tốt, xấu của mỗi con người trong xã hội. Có điều suy nghĩ của anh ấy về cuộc chiến tranh nó có nhiều điều trái với suy nghĩ trong cái đầu chính trị viên của tôi, nếu đem ra mổ xẻ ngay bây giờ thì có khi dễ bị quy kết đến lập trường, quan điểm. Nhưng phân tích kỹ theo tôi những điều anh ấy ghi trong quyển sổ nó giống như cái mống bão ấy. Đầy tính dự báo đấy Đức ạ! Đọc những dòng ấy ta hình dung ra được: Sau cuộc chiến này lính tráng chúng ta, người hy sinh rồi thì chả có gì để nói, họ đã trọn vẹn cái nghĩa với gia đình, đất nước, dân tộc. Còn những người sống sót sẽ phải tự dấn vào cuộc chiến mới, cuộc chiến ấy không có súng đạn, không phân thành chiến tuyến như bây giờ nhưng chắc chắn sẽ tàn nhẫn thậm chí còn rất bỉ ổi nữa là khác, bởi vì con người ta sinh ra ai cũng thích quyền quý, cũng thích nhiều của, nhiều tiền... Vì thế khi ngồi vào bất cứ vị trí nào của bộ máy công quyền họ cũng sẽ tự tạo ra một quyền lực để hành hạ người khác và hành hạ chính mình để ra oai nhưng họ đều không biết được chính họ đang làm tội mình, đang là vật cản sự tiến lên của xã hội. Khi ấy cái chuẩn mực để đánh giá sự tốt xấu của mỗi người cũng sẽ lộn sòng, lẫn lộn. Rồi sẽ có chuyện kẻ xấu thành người tốt, người tốt thành kẻ xấu và người có công lao thành người có tội. Cuộc sống sẽ giống như cái đèn cù cứ tít mù rồi lại vòng quanh. Khi ấy ánh sáng của giời đất không phân minh rạch ròi được tốt xấu thì sẽ rất uổng công cho những người đã ngã xuống hôm nay. Trong cốt lõi những dòng nhật kí của đại trưởng Hữu loại bỏ những chuyện tình cảm lãng mạn nó có hình hài những dự đoán này, chính vì thế là người làm công tác chính trị, tôi bảo nó là những cái mống bão là có nội dung ấy chứ không phải là sự hùa theo. Chúng ta không thể mang những chuyện này ra làm ồn ào trong toàn đại đội vì đây là những dòng riêng tư, rất riêng tư của đại trưởng và nói cho hết nghĩa là của một người lính được vinh quang đứng trong chiến tuyến chống lại quân thù vì sự trường tồn độc lập, thống nhất của toàn dân tộc. Chính vì lẽ đó đã tạo lên nghị lực để Hữu vượt qua hàng mấy chục trận đánh, gắn bó với chiến trường bốn năm năm nay và trở thành một đồng chí chỉ huy đại đội rất sáng suốt, táo bạo, gan lì của chúng ta...
- Vâng, đúng vậy thưa chính trị viên!
Thăng đã giúp Đức vỡ ra thêm nhiều lẽ từ câu chuyện này. Thảo nào lúc khênh đại trưởng lên cái cáng thương ông ấy vẫn cố góc đầu lên bảo: "Mình sẽ về kịp chiến dịch... " Đức im lặng, anh lại thấy những vệt máu từ bả vai, từ vầng trán Hữu ứa ra từng dòng! Đức thở dài và tự thấy mình có rất nhiều lỗi vì thưừng ngày Đức gắn bó với Hữu mà Đức không hiểu hết được lòng dạ tâm can anh! Đức tần ngần đứng lặng mân mê quyển sổ. Chính trị viên Thăng nói tiếp:
- Câu chuyện tớ vừa trao đổi với cậu về những dòng ghi trong quyển sổ nhật kí của Hữu coi thế là đủ, cậu nhớ giữ quyển nhật kí đó thật cẩn thận cho nó. Bây giờ ta tiếp tục bắt tay vào chuẩn bị công việc cho chiến dịch đi.
- Rõ!
Nói rồi Đức khoác AK ra khỏi hầm trườn xuống chỗ các trung đội. Trời cũng bắt đầu tối thẫm hơn. Phía bên kia căn cứ Dốc Miếu, những bóng đèn dù bắt đầu phóng lên làm hiện hằn rõ những đám mây tả tướp bay lởn vởn khắp bầu trời miền Trung ong ong gió nóng.