The wise man reads both books and life itself.

Lin Yutang

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 46
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ôi không ngoan như thầy của tôi, hòa thượng Vô Úy tưởng tượng đâu. Trong tôi có hai con người: một con người khuôn phép, nề nếp, chăm chỉ, biết tuân theo những lời chỉ dạy của thầy, khi ở chùa; cũng còn một con người thứ hai, có thể gọi là hoang dã, mỗi khi tôi ra khỏi chùa, sống giữa thế gian. Tôi có thể cùng Huệ nằm hàng giờ trên bãi cỏ trên đồi sim để lắng nghe những con sơn ca bay lên tít trời cao, vừa bay vút vừa cất cao tiếng hót. Tôi cũng có thể cởi bỏ bộ quần áo thầy chùa và trần truồng lặn ngụp dưới sông chẳng kém gì một con cá. Và như tôi đã thú tội, cũng như sau này tôi sẽ thú tội, là trong cuộc đời, dù tôi hoàn toàn không muốn, nhưng đã có những lần tôi phải đấu tranh vật lộn với kẻ khác; trong những lần ấy, kẻ khác làm tôi đau đớn nhưng chắc chắn tôi gây tổn thương cho kẻ khác không phải nhỏ. Nghĩa là cái chất phàm phu trong tôi còn rất nhiều. Sự khác nhau trong tính cách lúc ở chùa, khi ra ngoài không phải do bản tính của tôi giả dối. Phải nói những lúc tôi không kiềm chế được để vi phạm những giới điều, điều tôi vẫn sám hối. Tuy nhiên, buồn thay! Cuộc đời luôn có những cơn giông tố và dù tôi ở chùa, tôi đi tu, tôi cũng không tránh được những cơn giông; và cũng buồn thay, tôi là kẻ đức mỏng phúc bạc...
Cái bận tôi bị thằng Căn đánh cho một trận tơi bời rồi nhét ve sống vào mồm, tôi trốn lủi mấy ngày không dám dàn mặt sư cụ Vô Úy. Mấy hôm sau, khi chị Nguyệt đã vá víu quần áo tôi lành lặn và các vết sưng đã xẹp xuống, tôi mới dám ra mắt thầy. Tuy tôi đã bình thường, song chắc thầy tôi cũng nhận ra, thầy tôi lúc ấy đã xong buổi tọa thiền, chỉ mở mắt ra lướt nhìn tôi rồi nhắm mắt lại luôn và khẽ bảo:
- Người tu Phật bất ly thế gian, nhưng luôn phải giữ bốn điều cao thượng của đức Thế Tôn. Đường tu của con còn dài, dù gặp cảnh đời nào vui hay khổ cũng phải can đảm điềm nhiên. Nghiệp của ta, ta phải gánh.
Không hiểu thầy tôi đã nhìn thấy và dự cảm thấy gì trong cái số kiếp của tôi? Hay là vì tôi đã đến chùa trong một hoàn cảnh bi thương, nên từ hôm đầu tiên tôi đã trông thấy cái tình cảm xót thương trong đôi mắt của thầy và cũng vì thế nên thầy quá khoan dung với tôi. Cũng có thể thầy đã nhìn thấy tương lai của chị tôi; rất có khả năng như vậy vì thầy tôi là một đại sư, một bậc thánh thiện cao thượng, tôi vẫn nhìn thấy sự cao đẹp ấy tỏa ngời trên khuôn mặt người giống như ánh hào quang. Những con người lặng lẽ từ bi ấy rất có thể có sự thông linh với ngày mai.
Sư bác Khoan Độ phản ứng với viêc đánh lộn ngoài trường học của tôi lại hoàn toàn khác hẳn. Tối hôm ấy, sư cho tôi xem bàn tay trái có ngón út bị cụt, với cái vết sẹo nhẵn thín và bảo:
- Ta không còn trẻ như chú, đầu óc như mảnh đất cằn, đầy sỏi đá, cho nên ta không có duyên được sư cụ truyền dạy những điều cao thâm Phật pháp. Đời ta chỉ có một điều phát nguyện đó là bảo vệ Phật pháp.
Tôi bảo:
- Tu để thành một vị hộ pháp bảo vệ chùa cũng là môt chuyện to lớn lắm rồi.
Ông cười:
- Ta không nghĩ xa. Ta chỉ nghĩ một cách rất đơn giản: muốn bảo vệ được chùa thì phải có những vị sư biết võ. Chú đừng sợ. Không hề gì đâu... Sư cụ đã bảo ta rồi, học võ để mà giữ thân thì chẳng sao. Người tu hành đâu có muốn hà hiếp kẻ khác.
Thế là tôi có thêm một người thầy thứ ba. Sư cụ dạy tôi về đạo. Thầy giáo Hải dạy tôi về đời. Còn sư bác Khoan Độ cho tôi sự cứng rắn ở đời. Chẳng biết sư cụ nhìn thấy gì trong tương lai của tôi mà cho phép tôi học tất cả mọi thứ như vậy.
Lúc đầu ở trường làng, sức học của tôi còn đuối nên sau buổi học tôi thường phải theo về nhà thầy Hải học thêm. Nhà thầy giữa làng, một ngôi nhà lợp ngói nhỏ xinh, đằng trước có sân gạch với dàn mướp vàng, có tường hoa, có bể nước mưa với mui che khum khum như chiếc thuyền nan lật úp, có bốn cây cau vươn lên trời và hai cây hoa ngâu như hai cây nấm khổng lồ màu xanh vào mùa mưa đơm hoa vàng thơm nức. Nhà thầy Hải thật giống ngôi nhà của cha mẹ tôi cho nên đến nhà thầy tôi rất thích. Chỉ có khác là thầy có cái chuồng chim bồ câu đặt ở lưng chừng cây nhãn. Cái chuồng nhỏ sơn xanh với tiếng chim gù suốt ngày thật êm đềm. Nhà chùa cũng không có chuồng chim câu. Không gian chùa là sự tĩnh lặng thâm u và cao siêu. Còn không gian nhà thầy Hải là sự tĩnh lặng xinh xinh và đầm ấm.
Tôi không phải là kẻ vô ơn đâu. Tôi biết nếu không có sư cụ Vô Úy mở lòng từ bi cưu mang, thì không hiểu đời chị em tôi sẽ ra sao. Tuy nhiên tôi cũng biết trong lòng tôi vẫn khát khao môt điều mơ hồ nào đó! Tôi chỉ là một chú bé thơ ngây; tôi chỉ là một kẻ phàm phu.
Sau hôm đánh nhau với thằng Căn, nó đe tôi:
- Tao cấm mày không được tới nhà tao. Mày cứ bén mảng đến thì đừng có trách.
Không được đến nhà Huệ, nhưng lại thường đến nhà thầy Hải, thì có khác gì. Bởi vì nhà hai anh em Căn và Huệ ở gần đấy. Vả lại, thầy Hải sống độc thân. Vợ thầy bị ho lao mới chết, thầy không có con nên Huệ và lũ con gái trong trường vẫn đến giúp. Cái Huệ là đứa thường xuyên đến nhất nên tôi vẫn nói chuyện với Huệ hàng ngày ở nhà thầy. Thấy vậy, thằng Căn tức điên. Một hôm, nó trắng trợn gây sự với tôi. Sau buổi học, khi thầy đã về nhà, nó xông tới ào ào chộp tay vào đũng quần tôi rồi hét to:
- Ha ha! Thằng này có dái. Có dái mà cũng đi tu sao?
Lập tức lũ bạn của Căn, cả ở trường lẫn bọn trẻ chăn trâu không đi học kêu toáng lên:
- Tu gì?
- Tu hú!
Tôi tức giận gạt tay Căn ra. Lần trước, khi Căn gây sự, tôi chạy ngay lập tức, nhưng cũng không thoát khỏi tay nó. Lần này, tôi không chạy mà khòm lưng xuống, hai tay vờn vờn, mắt tròn xoe nhìn đối thủ. Sư bác dạy tôi đứng tấn nhưng tôi biết báo đi bằng cách cúi thấp người xuống. Căn cười gằn:
- A! Mày dám chống lại à?
Nói xong, nó phi thân đá tôi nhưng hụt. Sư bác đã dạy tôi cách né tránh đòn đá. Hai thầy trò tập luyện hàng tuần ở vườn chùa chỉ riêng việc tránh đòn và tôi đã thành thạo. Sư phụ dặn tôi rằng can đảm và bình tĩnh là đã thắng một nửa. Điều này làm được vì tôi có tiếng lì lợm. Căn cao lớn nên thích đá, nhưng nó đá không bài bản, cứ vung hai chân phi đại tới đối thủ. Cú đá thứ hai của nó trúng vai làm tôi loạng choạng. Bọn bạn nó hò la inh ỏi. Căn phấn khởi song phi đá tiếp lần thứ ba. Lần này tôi bình tĩnh xông thẳng tới, nắm được chân nó và đẩy mạnh lên. Thế là Căn mất thăng bằng ngã huỵch xuống đất. Nó thẹn quá lồm cồm đứng dậy, áp sát, đấm vào mặt tôi. Tôi chúi đầu xuống húc vào bụng nó và khua tay đấm. Trận này, tôi ăn no đòn. Tôi bị ngã hai lần nhưng không chịu thua. Đứng dậy, lại xông vào đánh tiếp luôn. Cuối cùng có người lớn đến can ra. Thế là hòa.
Lần ấy, tôi bị đau nhiều hơn Căn. Chân tay, mình mẩy, nhiều chỗ sưng tím. Sư bác phải lấy thuốc bóp cho tôi hàng tuần mới hết. Nhưng từ đấy Căn không bắt nạt tôi nữa.
Tôi cứ băn khoăn mãi không hiểu sao Căn lại ghét tôi đến thế, và thường xuyên chế giễu việc tôi ở chùa. Mãi sau này có người nói tôi mới hiểu. Bố Căn chính là sư Vô Trần. Mẹ Căn là bà Nấm. Sau khi hai người lấy nhau, họ phải bỏ làng đi biệt xứ. Lão hòa thượng Vô Chấp ngày xưa vẫn bảo sau khi cụ tịch, Vô Trần sẽ là sư trụ trì chùa Sọ. Sư Vô Trần hoàn tục, vậy là chùa làng mất sư. Dân làng rất giận. Không ai có thể chấp nhận, nhìn mặt đứa đàn bà diều tha quạ mổ, dám đang tâm quyến rũ sư chùa làng. Các cụ bảo hạng con gái ấy đáng đem trôi sông. Trước Cách mạng, câu chuyện này làm xôn xao làng xã, thậm chí bị cả vùng dè bỉu. Sau Cách mạng dần dần câu chuyện nhạt đi, vả lại người ta còn đả phá dị đoan thành thử không ai nhắc tới nữa. Đó là thái độ của người lớn, nhưng với trẻ con lại khác. Hơn nữa lại còn câu ca dao:
Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư...
Chùa làng vẫn còn. Và câu ca dao cổ vẫn còn. Câu ca dao vừa duyên dáng vừa hóm hỉnh ấy nửa như giễu cợt nửa như tôn vinh cái đời sống trần tục, vậy nên nó còn được sống lâu. Lũ trẻ con là người làm câu chuyện truyền đời đó, tùy theo từng thời kỳ. Khi cách mạng thành công, ông Trần (tức sư Vô Trần) làm chủ tịch xã, lẽ dĩ nhiên lúc ấy không thấy trẻ con hát lên câu ca báng bổ. Cuối năm 47, Tây chiếm làng, bây giờ là thời của ông chánh, ông Bá. Thực ra cũng chẳng có ai xui trẻ con làm cái việc đó đâu. Nhưng bây giờ nhà ông Trần không còn quyền gì nữa, ông Trần không có mặt ở làng. Thế là tự nhiên có một hôm, trẻ con đứng ở đầu ngõ đồng thanh hát vang lên: “ Ba cô đội gạo lên chùa...”, bà Nấm tím mặt song không dám ra lời. Thằng Căn thì ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Đến lúc nó hiểu, Căn tìm lũ trẻ con để đánh. Trong đám trẻ có con ông lý. Thấy con bị đánh, bà lý mang con đến nhà bà Nấm và hỏi:
- Bà sai con bà đến đánh con tôi có phải không?
- Ấy chết! Sao bà lý nói thế.
- Chồng bà là Việt Minh. Bây giờ thời thế khác rồi. Người ta chưa hỏi tội đến bà là vì còn chút nể tình. Bà có muốn tôi kiện bà lên quan đồn không.
- Thôi. Cho tôi xin bà... Con dại cái mang.
Lũ trẻ trong làng vây kín cổng nhà bà Nấm. Bà lý bảo chúng nó:
- Chúng mày cứ hát to lên xem đứa nào dám đánh. Cứ hát thật to. Tội vạ đâu tao chịu.
Và thế là mấy chục đứa trẻ làng được thể đồng ca với nhau suốt chiều hôm ấy:
Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.
Bà Nấm rơm rớm nước mắt, còn Căn thì lồng lên. Bà Nấm bảo con:
- Thôi! Nuốt giận vào bụng con ạ, kẻo mang vạ vào thân. Bố mày ở xa, ai che chở cho các con.
Tôi hỏi sư bác Khoan Độ về bố của Căn. Sư bác trả lời:
- Đó là sư thúc của chúng ta. Chú và Căn là anh em của nhau. Đánh nhau vỡ đầu rồi mới nhận họ. Có khi như thế sau này càng hiểu nhau hơn.
- Sư huynh đã gặp sư thúc bao giờ chưa?
- Rồi.
- Sư thúc là người thế nào?
- Là một người thâm trầm, bền chí. Lúc ở chùa, sư thúc được sư tổ yêu quý nhất. Sư thúc làu thông kinh - luận. Lúc hoàn tục, sư thúc cũng là người xuất sắc. Không cục mịch như ta đâu. Sư thúc là người cắt tóc cho ta đi tu.
Sư Khoan Độ cười nhớ lại chuyện xưa:
- Giỏi gì thì giỏi, chứ tay dao cạo đầu thì kém. Ta nhớ hôm ấy ta bị sứt da chảy máu hai chỗ trên đầu... - Ông bùi ngùi - Ừ, ta còn nhớ ông vừa cắt tóc cho ta vừa nói: “Thực ra, căn duyên của ta còn kém hơn anh”. Ta bảo: “Con làm sao so được với sư thúc. Con là người dốt nát, một chữ bẻ đôi không biết”. Sư thúc nói: “Không phải thế đâu. Người đọc nhiều, có khi vì chấp chữ nên càng đọc càng xa đạo. Còn người không biết chữ, nếu gặp đủ duyên, đủ lòng thành kính trang nghiêm và tất cả hành vi cử chỉ trong từng phút từng giây đều sống vì thiền, thì cũng đến đạo giải thoát nhanh như người khác”.
- Hiện giờ sư thúc ở đâu?
- Ai mà biết được. Ông ấy là đội trưởng du kích của huyện. Người thoắt hiện thoắt biến, xuất quỷ nhập thần.
- Sư huynh thấy lời của sư thúc ra sao?
- Hừ. - Sư thúc nói nhiều điều cao siêu quá - Ông lại giơ bàn tay trái có ngón tay cụt lên và nói - Còn ta, ta vẫn chỉ có một tâm nguyện muốn là người canh giữ cho chùa của chúng ta được an bình.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa