Thất bại ư? Tôi chưa bao giờ gặp phải. Với tôi, chúng chỉ là những bước lùi tạm thời.

Dottie Walters

 
 
 
 
 
Tác giả: Thuỳ An
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1363 / 8
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 -
ắp hết giờ, Thanh Xuân nói nhỏ bên tai tôi:
- Chiều nay mi và anh Khanh qua tao nghe. Hồi sáng tao mới hái một chục bắp non trưa nay tao sẽ nấu một nồi chè hết xẩy.
Tôi vẫn im lặng, thẫn thờ như một kẽ mất vía. Thanh xuân nhắc lại một lần nữa, không thấy tôi trả lời, nó đập mạnh vào tay tôi:
- Mi có điếc không Hương? Răng mi câm miệng hến rứa?
- Tao đang chán đây nì.
- Chán chi?
- Khi hồi làm bài kiểm tra không được chi hết, thế nào tao cũng bị ăn trứng vịt.
- Ủa, răng mi không ngó tao? Thấy mi ghi ghi chép chép tao tưởng mi thuộc bài chớ.
- Thuộc chi mà thuộc, tao viết tầm bậy tầm bạ.
Thanh Xuân ngồi sát vào tôi:
- Dạo nầy mi lười học thấy rõ, sao vậy Hương?
Tôi nói dối:
- Tao thấy trong người không được khỏe, học trước quên sau, học sau quên trước.
- Chắc tại mi bị suy nhược thần kinh, nhà tao có một môn thuốc gia truyền hay lắm, để tau xin ba tao rồi đem tới cho mi nghe.
Chuông reo tan học, Hưng chạy thật nhanh lên bục giảng:
- Các bạn yên lặng cho tôi phổ biến một thông báo: chiều nay, các lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó đến trường họp bàn về việc tổng kết phong trào thi đua. Các bạn nhớ đến đông đủ.
Chúng tôi chạy rầm rập xuống cầu thang, Hoàng Vân tổ trưởng tổ tôi nói theo:
- Quỳnh Hương chiều ni nhớ đi họp nghe.
Thanh Xuân khoác tay tôi:
- Cho biến đi, chiều nay mi tới nhà tao nghe.
Minh Ngọc vừa nhảy tung tăng vừa la:
- Hưng ơi, thi đua cho thua đi nghe.
Tôi và các bạn đạp xe hàng ngang trên đường, nói chuyện ồn ào không để ý đến anh công anh đứng bên lề đang nhăn nhó nhìn, một tiếng còi huýt lên, cả đám giật mình phanh xe lại, thắng xe tôi không ăn nên tôi tiến lên trước một đoạn dài, đến một bóng cây, tôi dừng lại quay nhìn xem tụi bạn tôi hành động dũng cảm ra sao đối với anh công an. Nhưng không có gì xảy ra cả, chúng nó đang đi về phía tôi, lần nầy, chỉ hàng một thôi, Hoàng Vân dẫn đầu, thấy tôi, bọn chúng la to:
- Con người hèn nhát, tại sao có vinh cùng hưởng mà có họa chẳng thèm chia hả?
- Xe tao phanh không ăn chớ bộ.
Hoàng Vân ra lệnh:
- Minh Ngọc đâu, khám xe nó.
Thanh Xuân cười ha hả:
- Khỏi cần khám cũng thấy cái dây thắng nơi xe nó đang rung rinh trước gió tề.
Minh Ngọc nhấn mạnh bàn đạp:
- Thôi về mau tụi bây ơi, đói bụng quá, đói bụng quá.
Thanh Xuân lại gần tôi:
- Chiều nay ba giờ tao đợi mi nghe.
Tôi chưa kịp đáp nó đã biến mất.
Không biết làm sao đây? Chiều nay có nên đi họp không, có đến cũng ngồi ì thôi chứ chẳng có gì để mà nói, phần lớn chỉ lớp trưởng phát biểu, rồi đến lớp phó, có thảo luận thì một vài tổ trưởng góp ý kiến, tôi chỉ là một tổ phó bù nhìn chẳng quan trọng gì. Chỉ sợ chiều nay có cô chủ nhiệm, không đi cô la chết.
Vừa đạp xe vừa suy nghĩ, chợt có tiếng gọi:
- Quỳnh Hương!
Hưng đang đứng bên lề đường chờ tôi:
- Chiều nay Hương nhớ đi họp nghe.
- Không có mặt Hương cũng được chứ gì.
Hưng đạp xe chầm chậm đến bên tôi:
- Dạo nầy Hưng thấy Hương thay đổi nhiều lắm.
- Hương đâu có chi.
- Có nhiều lần Hưng đến nhà không gặp Hương.
- Hương ở ngoài bến chứ đâu.
- Chị Quí bảo Hương đi chơi rồi.
Tôi im lặng, Hưng nói tiếp:
- Học nhóm rất bổ ích, tại sao Hương lại bỏ?
Tôi lại nói dối:
- Tại chiều thứ tư Hương bận ngó nhà. Máy may ở nhà bị hư, chị Quí phải sang may nhờ bên cô Nghĩa.
Hai đứa đạp xe đến cầu, tôi từ giã trước:
- Bái bai nghe.
- Chiều nay Hương đi họp đúng giờ hí.
- Có cô Chi không?
Hưng thoáng nhăn mặt:
- Hương phải tự giác một tí chứ, có cô chủ nhiệm Hương mới đi sao?
Đã đến chỗ ngoặt, tôi bực bội quẹo xe thật nhanh, không thèm nói chuyện với Hưng nữa, Hưng là cái gì mà dám lên mặt dạy đời tôi? Đã thế chiều nay tôi sang nhà Thanh Xuân chơi cho biết tay. Về đến nhà, không kịp thay áo, tôi đến bàn bật chiếc quạt. Ba cái cánh nhựa màu xanh trơ trơ như thách thức. Chị Quí trong nhà đi ra:
- Cúp điện rồi.
Mồ hôi toát ra như tắm, tôi cảm thấy mệt rã rời. Chị gắt:
- Đi thay đồ đi, còn ngồi ăn vạ nhà đèn hả.
Tôi bỗng nhớ những lời trách móc của Hưng:
- Tại sao mỗi lần Hưng đến chị lại nói em đi vắng?
Chị Quí cười khúc khích:
- Mi với anh Khanh tâm tình ngoài bến, chỉ nó ra để nó lên máu sản hậu à?
- Em không giỡn đâu đó.
- Ai giỡn với mi? Thiệt mặt mi đẹp đẽ mà sao u mê ám chướng quá.
- U mê chi?
- Tau muốn nói với mi là đừng có thả mồi bắt bóng, nếu mi có chút thông minh, mi nên suy nghĩ lại đi.
Cu Nô đi đâu về tay cầm cây sáo trúc:
- Em học thổi sáo nè, chị Quí chị Ti ơi.
Chị Quí liếc nó:
- Mi mà thổi sáo thì rắn rít vô đầy nhà.
Tôi hỏi:
- Còn đàn thì sao? Không học nữa à?
- Em học đủ thứ.
Chị Quí xách tai nó:
- Lo học hành đi nghe, đừng có bày đặt nầy nọ, bá nghệ bá tri vị chi bá láp đó.
Cu Nô vuột khỏi tay chị Quí, chạy đến bên bàn học lục lọi lung tung:
- Chị Quí ơi, ở nhà có lá thư mô đề tên Vĩnh Bảo thì cất cho em nghe.
- Vĩnh Bảo là ai?
- Là … em đó.
- Mi là Vĩnh Hoàng mà.
- Chị xưa quá, đâu phải lúc nào mình cũng dùng tên thật - Vĩnh Bảo là bút hiệu của em đó.
Tôi la lên:
- Không ngờ!
Chị Quí cũng sửng sốt:
- Mình có đang mơ không Ti, Cu Nô nhà ta trở thành nhà văn hay nhà thơ đây?
Cu Nô hét toáng nhà:
- Em là họa sĩ, em đã nộp tranh dự thi rồi, thế nào cũng đậu, thế nào cũng có thư báo tin.
Tôi chợt hiểu:
- A, bức tranh của anh Khanh vẽ, bộ Nô làm thiệt hả?
- Em đâu có nói chơi, quân tử nhất ngôn mà.
Tôi nói với chị Quí:
- Nó là họa sĩ dỏm.
- Nhục nhã quá Nô ơi, mi phải tự xử lấy cho rồi.
Ba dắt xe vô nhà, cu Nô chạy đến:
- Ba về trễ rứa ba. Chị Quí mau dọn cơm.
Tôi quyết định không đi họp, nửa vì tự ái với Hưng, nửa muốn qua nhà Thanh Xuân chơi, Khanh đến thật đúng lúc:
- Bây giờ chúng mình đi vòng vòng chơi nghe, xem có chỗ nào đẹp thì dừng lại.
Tôi vui vẻ:
- Mình qua Vỹ Dạ chơi đi.
- Hay quá, em tìm được nhà người quen rồi ư?
Tôi cười cười gật đầu:
- Con Thanh Xuân bạn em mới dọn nhà sang đó, nó cũng muốn gặp anh. Nó có hẹn em rồi, chiều nay nó sẽ đãi chúng ta ăn chè bắp, đặc sản của Vỹ Dạ đó nghe.
- Tiếc quá, anh lại quên đem giá vẽ, nhưng không sao, chè bắp là món ăn tủ của anh đấy.
Xe qua cầu Tràng Tiền, gió từ mặt sông mang hơi nước mát rượi mơn man làn da, tóc tôi tung bay chạm nhẹ vào bờ vai Khanh, anh nghiêng người sang tôi:
- Tóc em rối rồi đó!
Tôi mở xắc tìm chiếc nơ buột nhưng Khanh lại nói:
- Em để tóc vậy trông hay hơn.
Tôi không buột tóc nữa, tôi dùng tay giữ lại những sợi tóc bướng bỉnh cứ luôn tìm cách vuột khỏi tay tôi. Qua khỏi cầu, xe rẽ về hướng Vỹ Dạ, một đám học sinh đạp xe ngược chiều cười nói ồn ào, tôi nhận ra các bạn 12A2, chắc chúng nó cũng đến trường họp như lớp tôi. Tôi vờ cúi xuống sửa lại vạt áo, lòng hơi ân hận. Sao dạo nầy mình lại hờ hững với các sinh hoạt trong lớp như vậy, kể cả học nhóm mình cũng lơ là, mà học là học cho mình chứ học cho ai. Bao chiều Hưng đã tận tình chỉ bài cho mình và các bạn, đoạn nào không hiểu, Hưng đã kiên trì giảng đi giảng lại nhiều lần, thử hỏi Hưng được lợi lộc gì, vậy mà mình cứ hành tội Hưng đủ thứ, lại giận hờn Hưng nữa, nay chuyện nầy, mai chuyện khác. Tôi quay Hưng như chong chóng, vậy mà Hưng đối với tôi ra sao? Anh vẫn luôn luôn chìu chuộng tôi, săn sóc và lo lắng cho tôi từng ngày, vậy mà sao vì một chút tự ái mà tôi không chịu đi họp chiều nay?
Tôi sợ Khanh buồn chăng? Không, Khanh vẫn thường đến nhà chơi những lần tôi vắng mặt, khi đó anh đã chơi đùa với cu Nô thân ái như người anh cả trong gia đình. Một toán học sinh đi ngược chiều nữa, lần nầy là lớp khác, tôi nghe bồn chồn lạ. Không biết giờ nầy lớp tôi bắt đầu sinh hoạt chưa, chắc Hưng giận tôi lắm và Hoàng Vân thì rủa tôi, cái miệng con nhỏ đó không ai bì nổi. Ngày mai đi học, chẳng biết ăn nói với nó ra sao đây.
Xe băng qua kkhoảng đường râm mát, hai bên tre xanh xào xạc gió đùa.
- Đã tới chưa Hương?
Tôi trở về thực tế, nhìn những ngôi nhà bên kia đường, tôi bảo Khanh:
- Để em coi, nhà nó có cái cổng sơn màu xanh bao quanh giàn hoa cát đằng tím, trong sân có hai cây nhãn và một cây khế.
Khanh cười:
- Cô ấy nói với em như vậy à?
- Dạ, hồi sáng nó đã tả rứa. Em chưa qua nhà mới của nó lần mô cả.
Khanh lái xe chậm lại:
- Vậy thì em phải biết số nhà chứ.
- Ơ.. em quên hỏi, nhưng em biết chặng nào rồi, gần quán bánh bèo bà Thông Thứ, à để coi, đây rồi anh Khanh, dừng lại đi.
Khanh đỗ xe lại:
- Phục em thật.
Thanh Xuân từ trong nhà chạy ra, mặt tươi rói, nó há miệng định la lên thì chợt thấy Khanh, nó đỏ mặt ngượng ngùng. Tôi làm một màn giới thiệu, Thanh Xuân mở rộng cánh cổng:
- Anh Khanh đem xe vô sân cho mát.
Rồi nó chỉ bộ bàn ghế bằng đá để dưới tàng lá nhãn, bảo tôi:
- Mi mời anh Khanh ở đây chơi dùm tau, vô trong nhà nóng lắm.
Khanh nói:
- Cám ơn cô Xuân, tôi muốn chào hai bác.
Thanh Xuân kéo tôi ngồi xuống ghế:
- Cả nhà em về làng kỵ hết rồi, anh ngồi xuống đây chơi.
- Cô cứ để tôi tự nhiên.
Khanh không ngồi, anh đi thơ thẩn dưới gốc cây khế, mắt ngước nhìn say sưa những nụ hoa li ti màu tím hồng rung rinh trong gió nhẹ, tàng lá xanh non lấm tấm những tia nắng mặt trời để rơi xuống nền cát mỏng muôn nghìn hạt sáng long lanh. Khanh đến bên tôi, mắt anh nhìn và tôi hiểu ý, tôi bảo Thanh Xuân:
- Mình ra sông chơi đi.
Thanh Xuân đưa chúng tôi ra vườn sau, ở đây trồng bắp và cau. Ruộng bắp xanh tươi trải dài tận bến và những thân cau cao vút san sát nhau, hầu hết đã trổ buồng mang những trái đầu mùa tròn trĩnh dễ thương. Khanh ngẩn ngơ:
- Ở đây đẹp quá.
Thanh Xuân ngắt những đọt lá bắp vò nát trong tay:
- Sao anh không vẽ?
- Rất tiếc, tôi không chuẩn bị kịp, Quỳnh Hương rủ đi bất ngờ quá.
- Vậy anh đã vẽ tranh cho Quỳnh Hương chưa?
- Tôi đã hoàn thành xong hai bức chân dung Quỳnh Hương.
- Ồ, cho em coi với.
Tôi nói với nó:
- Còn để ở nhà tau, khi mô rảnh ghé qua tau coi.
Thanh Xuân vỗ tay như trẻ con:
- Thú vị quá, chắc là phải tuyệt lắm. Rồi như sực nhớ điều gì, nó nói:
- Anh Khanh và Hương chờ em một chút nghe.
Thanh Xuân chạy vào nhà, Khanh bảo tôi:
- Em có cô bạn thật hồn nhiên.
Tôi muốn hỏi Khanh vậy em không hồn nhiên sao?
Và tôi tự trả lời, không, làm sao tôi còn hồn nhiên được khi những dao động đầu đời đang xáo trộn cuộc sống tình cảm trong tôi, khi những mộng mơ lãng mạn cứ tràn về đầy ắp trong tim mỗi buổi chiều bâng khuâng trên bến vắng, lòng thầm nhắn hỏi mây ngàn: mây ơi mây đi về đâu.
Trời trong xanh, dòng nước xanh, hàng cây xanh. Tôi và Khanh đang soi bóng trên sông, ở đây cũng có thềm đất nâu, bờ cỏ dại và đám lục bình lang thang trôi dạt, màu hoa tím lập lòe trong ánh nắng chiều xa. Tôi muốn đứng ở đây, cạnh Khanh, và cứ đứng mãi đứng hoài bên anh cho đến hết cuộc đời. Những ngọn cờ bắp trắng muốt phất lay bụi phấn, hoa ơi, hoa có thấu cho tâm tình của tôi không?
Thanh Xuân chạy ra, trên tay bưng hai chén chè:
- Ngồi đây ăn cho mát nghe.
Khanh cười rất tươi. Tôi thoáng buồn, trông anh bình thản và tự nhiên quá, có giây phút nào anh nghĩ đến tôi không?
Vừa thấy mặt tôi, Hoàng Vân đã chửi cho một trận te tua, nào là đồ lười biếng chảy thây, nào là không có ý thức kỷ luật, nào là coi thường tập thể, không muốn làm tổ phó thì thôi từ chức đi. Tôi đứng im cho nó la, cho nó quơ tay múa chân, nhưng khi nghe nó nói tới đây tôi nhịn cười không được, làm như tổ phó ngang hàng với chức bộ trưởng không bằng. Thấy tôi cười Hoàng Vân như sôi máu lên:
- Mi cười cái chi? hay lắm hả?
Thanh Xuân chen vào giữa hai đứa tôi:
- Mi làm chi mà dữ rứa Vân? Mi là mi hay là cô chủ nhiệm? Để cô Chi la nó, mi không có quyền xúc phạm đến nó.
Có lẽ thấy mình cũng hơi quá đáng, Hoàng Vân dịu giọng:
- Thôi tau không thèm nói nữa, để tới giờ sinh hoạt lớp rồi tính.
Nhưng thà ồn ào như Hoàng Vân còn dễ chịu hơn là sáng nay Hưng nhìn tôi bằng đôi mắt lạnh lùng như chưa hề quen biết.
Đầu giờ, khi điểm danh Hưng đã bỏ qua bàn của tôi mặc dù Thanh Xuân nhắc có vắng một bạn. Thanh Xuân có vẻ bực tức lắm, nó dằn cuốn sách trên bàn.
- Làm tàng vừa chớ!
Tôi nói nhỏ:
- Chiều qua tau không đi họp, chắc Hưng đang giận tau đó.
- Giận chi mà giận, đổ ghè tương thì có - Thanh Xuân thì thầm vào tai tôi - Bữa qua mi tới nhà tau với anh Khanh, mấy đứa bên 12A2 trông thấy, tụi nó đồn ầm lên. Hưng cũng biết...
Tôi nghe sống lưng lạnh ngắt:
- Chết cha, tau...
- Mi đừng sợ, để tau nói cho nghe...
Cô Khánh Chi đã bước vào, tiếng ồn ào im bặt, cô nhìn toàn lớp, lướt mắt qua từng học sinh, rồi chậm rãi đến ghế ngồi:
- Trước khi ôn tập chương trình học, cô muốn hỏi các em một vài kiến thức đại cương. Cô sẽ bổ khuyết cho các em những thiếu sót trong quá trình nhận thức, điều nầy rất cần thiết cho các kỳ thi sắp tới.
Cô nhìn xuống lớp:
- Hưng lên bảng nhé.
Hưng đứng dậy ngập ngừng:
- Thưa cô, hình như.. hình như em quên đem vở.
Toàn, một bạn nam nghịch ngợm nhất trong lớp đưa tay. Cô gọi:
- Toàn, em có ý kiến gì vậy?
Toàn đứng lên:
- Thưa cô, em đã lượm được quyển vở Sinh vật của bạn Hưng.
Cả lớp rộn lên, cô gõ thước vào bàn:
- Im lặng. Còn Toàn sao không chịu trả cho Hưng từ sớm. Lần sau cô phạt đó nghe chưa.
Hưng đến bàn Toàn lấy vở mình ròi thản nhiên lên đọc bài như không có chuyện gì xảy ra, gương mặt anh vẫn lạnh lùng. Hưng trả lời cô rất trôi chảy, anh được điểm mười sau đó thêm hai bạn lên nữa. Hoàng Vân được chín và Toàn được năm điểm, may mà cô không gọi tôi.
Giờ ra chơi Toàn la ầm lên:
- Đúng là làm ơn mắc oán, thằng Hưng được lại vở còn mình thì bị cô la, cô còn xáng cho năm điểm nữa chớ.
Hoàng Vân đi ngang qua, liếc dài:
- Năm điểm là may mắn cho đời bạn, ú ớ như bạn thì chỉ có hai điểm mới xứng.
- Không mắc mớ chi Vân nghe, à, thấy thằng Hưng đẹp trai rồi bênh hả.
Hoàng Vân sấn vào mặt Toàn:
- Nói chi nói lại nghe coi.
Toàn đi giật lùi:
- Ui cha, con gái chi mà dữ quá, coi chừng ống chề đó.
Hoàng Vân định đuổi theo thì thấy tôi bước ra. Có lẽ đang phấn khởi vì điểm chín vừa rồi, nó đến bên tôi:
- Quỳnh Hương, cho tau xin lỗi chuyện hồi sáng nghe.
Tôi cười hiền lành:
- Không có chi, tại tau có lỗi chớ bộ.
Hoàng Vân nắm tay tôi:
- Hôm qua buổi họp không có cô Chi, mi đừng lo cô la, tau sẽ nói dối là mi có đi họp.
- Còn Hưng thì sa, thế nào Hưng cũng báo cáo với cô, Hưng trung thực lắm.
- Để đó tau bênh cho. Mình xuống sân chơi nghe.
- Chờ con Thanh Xuân một chút.
Ba đứa chạy nhanh xuống cầu thang, ngang qua lớp 12A2, những cặp mắt nhìn tôi soi mói, tôi thấy rõ nét mặt của Phương Thảo đầy vẻ ganh tức, nó ghét tôi từ dạo nghe tin tôi được mời đóng phim, chứ trước đó, hai đứa vẫn thỉnh thoảng có nói chuyện và cùng đi học về với nhau vì nó ở gần nhà tôi.
Phương Thảo đã từng tuyên bố với các bạn là, nếu chị Thiên Hương thấy được nó là chị đã không tìm tới tôi đâu, Hoàng Vân nghe được câu nầy, nó tìm Phương Thảo nói mát mẻ:
- Muốn chị đạo diễn đó gặp mi cũng dễ thôi. Tau cho mi địa chỉ nghe, đoàn làm phim đang ở khách sạn Thuận Hóa, mi cứ tới phơi mặt cho thiên hạ thấy đi. Vai chính đang chờ mi đó, con Quỳnh Hương đã từ chối rồi mi yên tâm nghe.
Rừng nào cọp đó, lớp nào cũng muốn bênh vực thành viên của mình. Trường tôi có rất nhiều người đẹp, riêng khối 12 có tôi và Phương Thảo nổi bật hơn cả, A2 cho Phương Thảo đẹp hơn tôi, A1 lại chắc chắn rằng tôi ăn đứt Phương Thảo. Riêng tôi, tôi không quan tâm đến chuyện nầy, điều cần thiết nhất là tôi phải đẹp riêng cho một người, đó là Khanh. Tôi miên man nghĩ đến anh với cõi lòng rộn lên niềm vui sướng vì có lần anh đã nói tôi đẹp hơn cả Giáng Kiều.
Trưa nay, đi học về tôi thấy một chiếc xích lô vừa đỗ trước cổng, trên xe, bà cô Lan của tôi trắng toát như một pho tượng, mái tóc, gương mặt, quần áo và cả đôi giầy vải trắng, tay bà cầm một cây gậy trúc. Tôi dựng xe vào cổng:
- Để cháu đỡ bà xuống.
Bà hấp háy đôi mắt:
- Ai như con gái thằng Thành, con Ti hay con Quí đây?
- Dạ con là Ti đây bà.
Bà vịn vào vai tôi bước xuống:
- Chà, con Ti bữa ni cao quá hí.
- Dạ.
Ba đi làm về tới:
- Kìa Không, đi mô mà lụm cụm rứa không biết. Ti, dìu bà vô rồi mời ông nội xuống, chân bà yếu không lên lầu được mô.
Gia đình tôi ăn cơm trong bầu không khí nóng nực. Điện lại cúp. Ba sai tôi:
- Mở rộng cửa sổ, vén màn lên cho mát, Ti.
Chị Quí sai cu Nô:
- Lấy ca đi mua nước đá mau lên.
Cu Nô cầm chiếc ca đỏ vừa chạy vừa hát:
- Đến đây cùng Trị An, để thắp sáng lên ngọn đèn dầu.
Bữa cơm có mặt ông nội và bà cô Lan trịnh trọng hẳn lên. Ông nội nhắc:
- Có ai đem cơm cho mụ Thành chưa?
Chị Quí đơm chén bún để trước ông:
- Dạ con đã đem cho mẹ con rồi.
Bà cô Lan nhìn rổ rau, hỏi chị Quí:
- Bữa ni nhà mình ăn chi rứa?
- Dạ bún cua, trời nóng quá, ăn ri cho dễ nuốt.
Bà cô Lan đứng dậy:
- Coi thử mi nấu răng?
Chị Quí nhìn tôi, hai đứa thấm ý nhau cùng mỉm cười.
Bà đang muốn chứng tỏ tài nghệ của mình đây, bà đang muốn kiểm tra lại những bí quyết nấu ăn bà dạy cho me, xem me đã truyền lại cho chúng tôi chưa. Quả nhiên, bà la lên khi giở nồi nước lèo còn bốc khói:
- Nấu chi mà trắng dẻ ri, không có màu mè chi hết, ớt bột mô, răng không phi mở bỏ vô?
Chị Quí cười cười:
- Thằng Nô ăn cay không được bà ơi.
- Rứa thì bỏ màu điều vô, thiệt con ni không biết chi hết.
Tôi chan nước vào bát cho mọi người, bà cô Lan cầm muống húp thử, bà nhăn mặt:
- Không ngọt ngào chi hết.
Ông nội ngắt lời:
- Thôi đừng khó tính nữa. Nghe tôi hỏi đây nì, Không qua đây có chuyện chi?
Bà cô Lan như sực nhớ ra, bà bỏ muỗng xuống:
- À, mấy người trong phủ làm đơn xin nhà nước cho quyên tiền trùng tu lại Đại Nội, chiều mai ba giờ họp tại nhà anh Bửu Khang, anh nhớ kêu thằng Thành chờ qua nghe.
Ba gắp rau bỏ vào chén bà:
- Có rứa mà không sai đứa mô qua nói được rồi, Không qua làm chi cho cực.
- Tụi nhỏ hàng xóm đòi đi, mà Không không cho đi, chúng biết chi mà nói.
Cu Nô đi mua nước đá về, nằm dài lên đi văng.
- Mệt quá, con chưa ăn mô.
Ba nói:
- Quí nhớ để dành bún cho em.
Bà cô Lan tỏ vẻ không bằng lòng:
- Mi chiều con quá Thành nờ, con trai thì lắc xắc, con gái thì nấu ăn vụng về.
Tôi cười:
- Thời buổi cách mạng bà ơi, tam tòng tứ đức xưa rồi.
- Tao hết nói tụi bây - Bà đứng lên - Thôi tao no rồi, phải về lo tỉa mấy rổ mứt bí.
- Hết tết rồi mà mứt chi bà?
- Mấy người Việt kiều có đặt bà làm năm ký đem về Pháp, thử hỏi lùng khắp thế giới có ai làm mứt khéo như bà không.
Ông nội ăn không hết một chén bún, ông đứng lên. Ba lo lắng:
- Sao ba thời ít vậy?
- Ba thấy hơi mệt.
- Để con đưa ba lên nghỉ.
Tôi ngồi một mình nơi phòng khách, ba đi làm, chị Quí ra chợ phụ me. Cu Nô đi đâu mất, thằng nhỏ hư thật, bữa nay lớp nó đổi sang học buổi sáng, ba dặn trưa gắng ngủ một tí rồi dậy học bài, chiều mát cho chơi, vậy mà bây giờ nắng chang chang, nó lại biến đi đàng nào chả biết.
Nhớ đến câu chuyện ban sáng Thanh Xuân kể, giờ tôi vẫn còn lo, tụi 12A2 đã đồn ầm việc tôi đi chơi với Khanh, thế nào cũng đến tai cô Khánh Chi, không biết cô sẽ nghĩ gì và có xem thường tôi?
Tôi đến bên bàn học, cầm lấy chiếc đàn cu Nô đang để chỏng chơ trên đó, đàn một vài bài hát mẫu giáo vui vui. Mấy bài nầy là do cô Nghĩa dạy tôi, tôi học như một cái máy và đàn như một rô bô, tình thật, tôi chẳng có một căn bản nhạc lý nào.
Tiếng vỗ tay làm tôi giật mình quay lại. Khanh đang đứng nơi ngưỡng cửa, nhìn tôi tươi cười:
- Quỳnh Hương đàn hay ghê.
Tôi buông đàn xuống:
- Thôi đi, như kèn đám ma thì có.
Khanh đến bên, cầm lấy đàn và ngồi bên tôi:
- Hương hát cho anh nghe một bài, anh đệm cho.
- Ơ... em không biết hát.
Khanh dạo một hợp âm rải:
- Vậy thì anh hát cho em nghe.
Tôi sững sờ. Tôi chơi vơi. Tôi đắm mình trong tiếng đàn, lời hát trầm ấm của Khanh: "Ta mang cho em một đóa quỳnh, quỳnh thơm hay môi em thơm... Em mang cho ta một chút tình, đời ta như sóng lênh đênh, môi em cho ta một đóa quỳnh, lụa là phút ấy chưa quên...". Khanh đưa tôi vào một vườn thu xanh biếc ánh trăng, đóa quỳnh vừa hé những cánh trắng mỏng manh tỏa hương thơm ngát, tiếng đàn Khanh rung những âm thanh sâu lắng, giọng hát Khanh ngân lời tình tứ tuyệt vời cho trái tim tôi mê đắm chơi vơi. Hồn tôi mọc cánh lang thang trên bãi cỏ mềm mọng ướt sương đêm, bên tôi là Khanh với ngón tay dài nâng phím đưa tôi bay bổng lên bầu trời đầy mây, ôi những đám mây của tôi đang nghiêng mình đậu nhẹ trên bờ tóc tôi mênh mang: "Đêm từng đêm buồn bã với những môi hôn, trong vườn trăng vừa khép những đóa mong manh... thôi chào em về giữa phố xá thênh thang..."
Cu Nô chạy ào vào như một làn gió:
- A, anh Khanh qua rồi, anh đã làm diều cho em chưa?
Khanh dựng cây đàn vào vách:
- Thế nào anh cũng làm xong cho em trước cuộc thi mà.
Tôi định la cu Nô không đựơc lộn xộn thì bỗng có tiếng động mạnh trên lầu, hình như chiếc bàn bị đổ. Tôi hoảng hồn chạy lên phòng ông nội, cửa mở toang, tôi thấy ông nội đang quỵ xuống bên ngưỡng cửa, một tay bíu lấy ổ khóa, tay kia quờ quạng trong không khí, chiếc bàn nhỏ cạnh đó ngã chỏng chơ, lọ hoa rơi xuống đất vỡ tan, nước văng tung tóe. Tôi rú lên, chạy đến ôm chầm lấy ông nội, đôi mắt ông lúc đó đã lạc thần. Khanh theo cu Nô lên lầu, thấy Khanh tôi òa khóc:
- Anh Khanh ơi, ông nội em làm sao vậy?
Khanh không nói, bước đến bế thốc ông nội lên:
- Anh đưa ông đi cấp cứu, em theo anh.
Tôi lính quýnh:
- Ba me đi vắng, tiền... à, để em qua cô Nghĩa mượn.
Khanh gắt:
- Em vớ vẩn lắm, anh có đây. Bảo cu Nô trông nhà.
Tôi theo Khanh như một cái máy. Khanh bế ông nội xuống cầu thang.
- Em ra trước mở cửa xe cho anh.
Khanh chở ông nội qua nhà thương lớn, một vị bác sĩ lớn tuổi khám cho ông nội rồi bảo chuyển vào phòng cấp cứu. Chiếc băng ca mang ông nội đi qua, hai cánh cửa sơn trắng mở ra rồi đóng chặt lại, để tôi đứng chơ vơ bên ngoài như kẻ mất hồn, nước mắt ràn rụa đôi má. Một hơi thở nhẹ thoáng bên, tôi ngước lên. Khanh đang đứng cạnh tôi, không tự chủ, tôi gục đầu vào ngực anh khóc nức nở:
- Anh Khanh ơi, em sợ ông nội chết quá.
Khanh vỗ nhè nhẹ lên vai tôi:
- Đừng nói gở, Quỳnh Hương, ông nội không sao đâu.
Tôi nghe rã rời tay chân, tôi bám chặt bờ vai Khanh và muốn ngất xỉu. Khanh vỗ về tôi như một đứa trẻ:
- Nín đi em, ông sẽ qua khỏi mà.
Cánh cửa sơn trắng đã mở ra, vị bác sĩ đến nói với Khanh:
- Ông cụ bị tai biến mạch máu não nhưng may là nhẹ, để ông cụ nằm lại đây vài ngày là khỏe thôi.
- Cám ơn bác sĩ.
Tôi đã thôi khóc và tươi tỉnh trở lại khi nghe nói ông nội không việc gì. Khanh bảo tôi:
- Bây giờ em ở lại với ông nội, anh sang bưu điện nhắn bác trai qua nhé.
Tôi ngoan ngoãn:
- Dạ.
Tôi đi theo mấy chị y tá đẩy băng ca đưa ông nội về một căn phòng nhỏ thoáng mát, tường sơn màu xanh. Nhìn ông nằm thiêm thiếp trên giường, tôi lo ngại hỏi:
- Ông của em có làm sao không chị?
Cô y tá trẻ măng đang sửa lại chai nước biển treo đầu giường, mỉm cười:
- Không can chi mô, em đừng lo.
Khanh đã đưa ba đến, có cả me nữa, tôi khoe:
- Ba me ơi, ông nội tỉnh rồi.
Ba đến bên giường ông nội, cầm tay ông:
- Ba nhận ra ai chưa?
Đôi mắt ông nội đã có vẻ tinh anh, ông nói nhỏ:
- Thành, con chớ ai, mụ Thành mô?
Me quì xuống bên giường:
- Con đây ba, thôi ba nghỉ cho khỏe, đừng nói nữa.
Ông nội đã nhìn thấy Khanh:
- Anh họa sĩ đây nì, thiệt là quý.
Khanh cầm bàn tay ông:
- Dạ cháu đây.
Ông nội lại thiếp ngủ. Khanh xin phép ba me đưa tôi về, anh lái xe thật nhanh, đến cổng nhà tôi, anh mở cửa:
- Em vào một mình nhé, tối nay anh bận.
Dưới ánh đèn đường, gương mặt Khanh thẫm lại cho đôi mắt anh nồng nàn hơn, tâm hồn tôi chao đảo, tôi bước vào nhà như người mộng du.
Chị Quí từ bếp chạy lên:
- Ông nội ra sao rồi?
- Ông bớt rồi, chị chở cu Nô vô nhà thương lớn thăm đi, có ba me trong đó nữa, để em coi cơm cho.
Một mình tôi trong gian phòng rộng thênh thang. Tôi đến bàn học mở cửa sổ trông ra vườn. Không khí trong lành dâng đầy buồng phổi, hơi sương ngọt lịm đang thấm dần đầu lưỡi, mơn man làn da mặt mịn màng. Ngàn cánh sao trời lung linh qua kẽ lá, có hai vì sao thật lạ rơi vào tim tôi. Đêm nay tôi ngủ với giấc mơ đầy ắp ánh mắt Khanh: "Em mang cho ta một chút tình, đời ta như sóng lênh đênh, môi em cho ta một đóa quỳnh, lụa là phút ấy chưa quên".
Đầu Bến Mây Đưa Đầu Bến Mây Đưa - Thuỳ An