Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Chương 6
- M
ày từ chối bằng cách nào?
- Thì tao cứ thẳng ruột ngựa thôi. Tao nói thưa anh, tôi bị nạn ở đầu và đang chờ giải ngũ thì Cách mạng vào giải phóng. Trí nhớ tôi từ đó rất kém. Nhiều chuyện vừa xảy ra chừng dăm ba phút tôi đã quên ngay. Xin anh cho tôi được học tập lao động như mọi người, và cái chức năng mà anh thương chọn tôi để giao cho xin giao lại người khác có trí nhớ tốt hơn.
- Rồi nó xử trí ra sao?
- Nó nói xa xôi rằng xã hội bên ngoài cũng cần những công dân có trí nhớ tốt. Trí nhớ tồi như của tao chắc còn phải phấn đấu lâu dài.
- Nó có ép mày, dí súng vào lưng mày bắt mày nhận chức năng ấy không?
Nghe hỏi, Đính vội vung hai tay.
- Ấy, tao vốn ăn ngay nói thật. Cái gì chứ cái này tao thề không nói dối. Tao cả quyết nó không hề dí súng vào lưng tao, hoặc đánh đập tao bắt tao nhận cái chức năng ấy. Nó chỉ xỏ xiên gọi tao là nòi nhà lừa, nhẹ không muốn muốn nặng. Nó nói từ mai tao đi lao động trở lại, bảo thằng Trai kiếm đứa khác kẻ khẩu hiệu.
- Tốt, thế hiện giờ mày thấy thế nào?
- Thế nào là thế nào?
- Thất tình lục dục nổi lên mặt nào rõ rệt nhất?
- Mừng quá đi chứ. Đi lao động với chúng mày coi vậy mà nhẹ nhỏm lương tâm hơn.
- Đúng, mày đã làm đúng. Vĩnh đùa với bạn. Nhân danh Bác và Đảng, tao... hạ tầng công tác mày.
Trong suốt buổi chiều Vĩnh và các bạn đầm mình trong mấy hố cứt thì Nguyễn Thành Đính được Cách mạng ưu ái lôi lên văn phòng trại. Cách mạng dịu dàng rót mật vào tai hắn, rồi tính âu yếm đè hắn ra gắn trên lưng hắn một cái cần ăng-ten thật nhạy và nơi tai hắn cái máy nghe thật tinh xảo để hắn bắt đầu bước vào nghề chỉ điểm, báo cáo anh em. Thấy hắn là người chăm làm, hiền lành lại tốt bụng, Cách mạng tưởng ngoan ngoãn. Ai dè nó từ chối quách! Dầu sao Cách mạng cũng chả nỡ chụp mũ nó phản động, vì nó vẫn xin được làm đúng như lời Bác dạy: Yêu lao động chân tay và coi lao động chân tay là vinh quang mà lại!
Đính bỗng nói như báo động.
- À, lúc tao bước ra khỏi văn phòng tiểu đoàn, tao thấy thằng Ba Tô ngồi với một thằng quản giáo ở một phòng khác.
- Kệ cha nó!
- Đúng, nhưng mình cũng cần thủ. Tao gớm cái thằng trọ trẹ ấy quá. Nội giọng nói của nó thôi cũng thấy sợ rồi. Không ai đoán nổi nó là người miền Bắc, miền Trung hay miền Nam!
Câu chuyện của hai người phải tạm cắt ngang nơi gốc cây điệp vì tiếng kẻng tập họp buổi chiều. Hai người lục đục kéo nhau về khối.
Khối trưởng Trai đã đứng chờ mọi người trước vuông sân. Anh đứng ngó trời ngó mây trông buồn vời vợi. Vĩnh nhìn thấy cảnh ấy thốt nhiên nghĩ ngợi. Làm sao chúng lại đẻ ra được động từ cải tạo nhỉ? Ngoài cái chết, ai có thể xóa nổi trong đầu Trương Thành Trai, lúc anh nhìn trời mây, sự hồi tưởng đầy luyến thương về một dĩ vãng hào hùng của đời anh với những chiếc F.5 hùng tráng phóng như tên bay về một phía chiến trường rực lửa nào đó... Và ai có thể xóa được tất cả những uất hờn trong tâm hồn hàng triệu người trai trẻ như thế này?
Khối tập họp thật nhanh. Như mọi chiều, khối trưởng Trai thông báo lại cho các tổ những nhận xét về lao động, tác phong, về kỷ luật cũng như kỹ thuật lao động trong ngày. Riêng tổ A.10 phải sửa soạn tinh thần để mai đây khi có lệnh, sẽ là 10 công tố viên trước phiên tòa khối để xử tên phản động Phạm Điểu. Tổ A.5 ngày mai ở nhà sửa sang lại nhà cửa, anh Tâm thay anh Đính kẻ cho dứt điểm các khẩu hiệu. Tổ A.5 sẽ phối hợp với anh Tâm treo các khẩu hiệu trong nhà tại những nơi dễ nhìn thấy nhất và cho có mỹ thuật, sáng sủa. Riêng tổ A.7 sẽ phụ trách sửa sang lại mặt tiền nhà. Trên chỉ định khẩu hiệu chính trang trí cho mặt tiền nhà của khối 10 là khẩu hiệu "Đời Đời Nhớ Ơn Hồ Chủ Tịch Vĩ Đại". Khẩu hiệu này anh Đính đã kẻ xong, nhưng Trên nói bỏ dấu như thế là không rõ ràng, không đạt yêu cầu. Dấu sắc phải ra dấu sắc, dấu huyền phải ra dấu huyền. Dấu sắc dấu huyền đều kẻ một đường xọc thẳng như anh Đính đã kẻ... Khối trưởng Trai bỗng bỏ lửng không nói tiếp.
Vĩnh ngồi cạnh Đính hỏi nhỏ.
- Mày kẻ sao mà chúng nó chê vậy?
- Người ta chơi chữ. Ở đây chơi chữ nằm connex. Vậy, thì tao phải chơi dấu. Dấu huyền dấu sắc tao xọc thẳng xuống. Ai muốn đọc sao thì đọc. Riêng tao, tao đọc là Đói Đói Nhờ Ơn Hồ Chủ Tịch Vĩ Đại.
Khối trưởng Trai nói tiếp.
- Chiều nay giao ban về, tôi cũng nhận được những chỉ thị đặc biệt xin thông báo anh em. Hôm nay đã bước sang tuần lễ thứ hai, ban quản giáo nhận định chúng ta còn rất luộm thuộm trong các mặt ăn ở, lao động, nhất là mặt liên hệ linh tinh. Kể từ ngày mai, lệnh trên bắt chúng ta phải chấp hành tuyệt đối nghiêm chỉnh những điều như sau.
1. Tuyệt đối người khối này không được sang khối khác nếu như không được phép vì những lý do cần thiết. Bố con ở khác khối muốn gặp gỡ phải có phép quản giáo.
2. Khối 14 là khối nữ. Tuyệt đối cấm nam cải tạo bén mảng sang đó. Trong khối ta có một hai anh hay mò sang đó lắm.
Ở dưới có tiếng xì xào. Khối trưởng Trai sực nhớ ra điều gì, chợt nói tránh. Cán bộ quản giáo nói vậy nhưng thực tế tôi không thấy anh em nào ở khối mình cả. Có lẽ ở khối khác. Vậy tôi yêu cầu anh em cảnh giác và chấp hành lệnh cho nghiêm chỉnh. Bị vồ hậu quả sẽ khó lường!
3. Khối sẽ bầu ra một người cầm càn.
- Cầm càn là gì khối trưởng? Một người chợt lớn tiếng hỏi.
- Trước đây ta gọi là quản trò, quản hát; tức là người chịu trách nhiệm về hát hò trong đời sống sinh hoạt tập thể. Ngày nay, Cách mạng gọi là người cầm càn. Chúng ta sẽ xúc tiến bầu ra một anh cầm càn. Anh cầm càn sẽ trách nhiệm tập hát những bài ca Cách mạng cho cả khối.
- Có ai làm Cách mạng ở đây đâu mà thuộc bài Cách mạng?
Một anh bạo mồm lên tiếng hỏi. Khối trưởng Trai nghe câu hỏi ngó ngang dọc ra chiều e dè. Anh thấp giọng.
- Yêu cầu anh Tuấn lần sau có đặt câu hỏi nên đặt cách khác. Hỏi kiểu đó dễ bị ngộ nhận và không có lợi cho anh!
- Tôi có ý gì đâu. Thực tế là thế.
Khối trưởng Trai không muốn kéo dài vấn đề này nữa, vì anh vừa thấy thấp thoáng mấy cái áo bộ đội từ cổng trại đang tiến vào. Anh lại lớn giọng.
- Các anh cứ yên tâm, người cầm càn ngày mai sẽ nghỉ lao động, lên tiểu đoàn hợp với những người cầm càn của các khối khác; một văn công từ trung đoàn sẽ xuống tập dợt trước cho những người cầm càn. Nói tới đây khối trưởng Trai lái sang vấn đề khác. Sau đây tôi phổ biến thêm hai lệnh đặc biệt quan trọng, yêu cầu các anh em khi về phòng sắp xếp chấp hành ngay.
Một là, các tổ trưởng lập danh sách thu tiền ăn 10 ngày 3.475 đồng như Cách mạng đã quy định. Hai là, dù đã có lệnh gạo cá nhân đem theo phải nộp cho khối để đưa hết về kho hậu cần tiểu đoàn, nhưng một số anh em vẫn dấu diếm để nấu ăn cá thể. Kể từ ngày mai, chủ nghĩa cá nhân này bị triệt để cấm chỉ. Quản giáo bắt được ai nấu nướng linh tinh, ngoài những hình phạt thông thường còn bị ghi vào hồ sơ cá nhân, kéo dài ngày về của người ấy.
Hai cái lệnh sau cùng đã đẻ ra đủ thứ bàn tán. Đối với cái lệnh nộp tiền ăn cũng gây ra lắm chuyện sau đó. Những anh nghèo không có tiền thì than thở.
- Sổ sách chưa sòng phẳng, mai mốt có lệnh thả chắc chắn mình mắc kẹt!
- Tao mới khổ! Tháng lương cuối cùng tao đâu được lãnh. Thằng sỹ quan tài chính đơn vị ôm luôn mấy triệu bạc của đơn vị cút mất. Khi tao đi trình diện, ở nhà vợ năm con không còn nổi 100 đồng. Vợ tao ngó quanh chỉ có cái cassette là đáng giá 300 đồng. Rao bán khắp xóm không ai mua. Ra chợ trời mấy ngày cũng không ai nhòm tới.
Tuy nhiên vụ bàn tán về tiền bạc rồi cũng qua, nhường phần cho vụ nộp gạo. Nhiều anh còn đầy máu "phản động" thì rỉ tai nhau.
- Chúng mày thấy không, đây là một mở màn của sự bóc lột.
- Gạo tao gạo Nanh Chồn. Tao mang đủ ăn nửa tháng. Nộp cho chúng nó để nhận về mỗi bữa hai bát cơm gạo mục chôn trong mật khu à? Đâu có được!
Một giọng mỉa mai.
- Mày lầm to rồi mày ơi! Gạo Nanh Chồn vợ mày mua sai mày đem vào đây là để biếu các anh quản giáo lấy lòng đó. Mày không nộp, ở địa phương vợ mày khai ra có mà cải tạo mịt mù con ạ.
Lại một tiếng rên khóc.
- Trời ơi tôi đau bao tử trầm kha. Tôi đem được ít nếp vào đây để sống cầm hơi. Nộp cho hậu cần lấy gì tôi sống!
- Rồi sống được hết. Bộ Cách mạng không có người đau bao tử à? Sao họ ăn khoai ăn sắn quanh năm được?
Anh chàng đau bao tử nổi quạu đâm phát ngôn linh tinh.
- Tao người, tao đâu phải súc vật.
- Ừ thì mày cứ đợi xem rồi đây người và súc vật có còn khác nhau không!
Phiên họp khối tan hàng, Vĩnh lang thang ngoài sân tìm các bạn. Ai cũng biết mạng lưới ăng-ten đã được thiết lập ở mỗi khối, nhưng thủa ban đầu chưa ai sợ lắm, dù rằng trong các cuộc họp tổ họp khối không thiếu những nhân vật đã tiến bộ trông thấy! Thôi thì đủ thứ thảo luận, phê bình, kiểm thảo, đấu tranh sai trái và tố giác nhau trước tập thể. Hơn nhau một lát cuốc trong ngày, kém nhau một hạt cơm trong bữa cũng biến thành những mũi nhọn công kích cho những anh chàng tiến bộ vội vã ấy. Nhưng khi mổ nhau xong rồi, những kẻ có cùng tần số vẫn bám riết lấy nhau, thầm thì bàn tán đủ thứ chuyện trên trời dưới đất qua đủ thứ bộ môn chính trị, văn hóa, quân sự, nghệ thuật cho đến chuyện người sống người chết, chuyện hiện tại dĩ vãng tương lai, chuyện nhà chuyện nước, chuyện nhớ vợ nhớ con... Mục đích chẳng qua là con cà con kê cho đêm chóng hết. Bao nhiêu niềm vui nỗi khổ, đủ thứ chuyện khóc chuyện cười, nói chung tình cảm và ý nghĩ giữa những người cùng tần số vào giai đoạn này đã được bộc lộ với nhau hoàn toàn thẳng thắn và thoải mái. Một phần mạng lưới ăng-ten còn đương bộ... đào tơ non trẻ chưa có gì đáng ngại cho lắm, một phần Việt cộng chưa tích cực ra tay xiết; thành thử việc tụ tập hàng đêm tương đối dễ dàng. Ngoài những chuyện họ bàn tới đã nói bên trên, họ cũng có thể học hỏi lẫn nhau vài vấn đề mà xưa kia họ khiếm khuyết, hoặc giả họ phác họa cho nhau một chút tương lai đáng phấn khởi dù trong đáy lòng họ, họ tin là tương lai ấy khó có thể có được!
Dù sao thì các cuộc dạ đàm đa số có tính chất vui nhộn kiểu đốt thời gian. Và khi bọn vệ binh vác súng vào sân trại quãng 10 giờ đêm thì những cuộc dạ đàm vui nhộn ấy xẹp xuống như những gánh xiệc về khuya. Mọi người lại rút nhanh về phòng, rúc đầu tìm một chỗ ngủ hoặc trăn trở đánh vật với cơn mơ... Sáng mai lại quần quật lao động hơn trâu và ăn thua chó dưới họng súng của quân thù.
Nhóm của Vĩnh cũng như hầu hết các nhóm khác, sau khi đoán già đoán non về chuyện bản tự khai lại bàn qua chuyện biên chế đổi trại.
- Tụi nó đồn tuần tới mới làm bản tự khai. Làm xong tự đọc trước tập thể để được tập thể sửa sai hoặc thông qua.
- Cấp khối hay cấp tiểu đoàn?
- Tao nghĩ chắc là cấp khối. Cấp tiểu đoàn phải kéo dài bao nhiêu ngày mới đọc hết cả ngàn người?
- Tao lại nghe nói đổi trại. Một số sẽ bị lôi đi.
- Lôi đi đâu?
- Thánh biết! Chúng nó làm việc như âm binh, cái gì cũng về đêm.
Tiến bỗng nói chen vào.
- Cá một khẩu phần cơm rau. Một hai ngày nữa thế nào cũng có chuyển trại. Tụi mình chắc chắn sẽ không có dịp ngồi nghe tiểu sử của nhau đâu!
- Lấy gì làm chắc mà nói mạnh miệng vậy? Đính lên tiếng hỏi.
- Khi trưa theo đội trực lên tiểu đoàn nhận thực phẩm, tao nghe bọn hậu cần trại chúng kháo với nhau 2 ngày tới ngưng mọi xuất nhập, đợi chuyển trại xong điều chỉnh kế toán mới cho xuất nữa. Lần lãnh khi trưa theo tao biết là lãnh lần cuối. Tiến ngừng một chút. Lúc tao đi ngang phòng hội của tiểu đoàn, trên bảng đen tụi mày biết nó viết gì không?
-.....?
- Tao đọc được một đoạn văn như sau: Xưa kia kẻ thù đối diện tao đã là nguy hiểm, ngày nay kẻ thù nằm ngay dưới nách ta lại càng nguy hiểm hơn nữa. Nhiệm vụ ta là phải luôn luôn cảnh giác đề phòng những con quỷ không tim. Cán bộ ta, chiến sỹ ta phải hơn bao giờ, phân biệt cho rõ bản chất và hiện tượng. Dù ta đang nhận nhiệm vụ vinh quang Đảng trao phó là cải tạo kẻ thù, nhưng ta lại không có quyền thương xót chúng để có thể lâm nguy trước chiến thuật xanh vỏ đỏ lòng mà tuyệt đại đa số kẻ thù đang đưa ra một cách chậm chắc để trường kỳ chống lại chính sách cải tạo giai cấp tư sản phản động của giai cấp chuyên chính vô sản... Tụi mày nghĩ sao?
- Nghĩ cái quái gì. Ứng len vào. Thì dĩ nhiên chúng phải giáo dục cả cán binh của chúng nữa chứ.
Bác sỹ Tuyên cất giọng buồn buồn.
- Sao bây giờ chúng còn xài chữ kẻ thù nhỉ? Nặng quá!
Vĩnh cười.
- Ông yên tâm. Chúng xài danh từ ấy với bọn bóp cò này thôi, với các đấng tu-bíp chắc không đến nỗi nào đâu.
Tuyên vẫn buồn buồn.
- Nói 10 ngày đến hôm nay sắp hết 10 ngày rồi mà vẫn chẳng thấy một dấu hiệu gì đặc biệt để mình có thể tin rằng họ sẽ thả mình nay mai. Lại còn tin đồn chuyển trại nữa. Chuyển đi đâu? Thật điên cha nó cả người!
- Ông có vợ chưa mà xón về quá vậy?
- Có, moa có vợ rồi. Kim từ đâu lết tới nói chen vào. Hắn to con, chậm chạp và lù lù như một con gấu. Trông con người lúc nào cũng xốc xếch, tay chân dính nhọ nồi chứng tỏ một người cải tạo rất kém vì hay nấu nướng... linh tinh, cá thể. Hắn xà tới kiếm chỗ ngồi và tiếp tục cất giọng nhừa nhựa. Moa đây, moa có vợ rồi. Vợ mới cưới! Chẳng biết bao giờ nó mới thả mình nhỉ!?
Tiến đùa.
- Yếu lòng tin Cách mạng trước sau như một rồi à?
- Ai tin bao giờ. Có điều thắc mắc là không biết chúng có "dám" nhốt mình quá 10 ngày hay không?! À, moa có thắc mắc này tính hỏi các toa chơi.
- Thắc mắc gì?
- Moa có nghề vẽ, mai mốt về liệu nó có cho moa hành nghề kiếm tí cháo nuôi vợ con không?
- Mày vẽ gì?
- Vẽ người.
- Trường phái?
- Lập thể.
- Vậy thì lộng kiếng là vừa. Hiện thực con ạ!
- Vẽ hiện thực ấy à? Kim hỏi vu vơ như chả hỏi ai.
- Ừ, như chụp ảnh ấy mà!
- Bố láo
Kim phản đối Tiến. Tiến cười.
- Thế mày không nhớ cái hôm khai giảng, thằng chính trị viên nó đã chẳng lên lớp về cái gọi là phục vụ văn hóa xã hội xã hội chủ nghĩa hay sao? Tiến nó đoạn khều cái lon sữa bò đựng than cho hồng lên. Anh vê vê một bi thuốc lào trên hai ngón tay nhưng chưa vội nhét vào nõ điếu. Tớ nhắc lại nguyên văn cho các cậu nghe nhé. Tiến bắt chước giọng của tên chính trị viên lúc hắn lên lớp về văn học nghệ thuật hiện thực xã hội xã hội chủ nghĩa. Công nhân vẽ của xã hội ta ấy à? Công nhân vẽ của xã hội ta phải có ý thức cao độ về nghệ thuật hiện thực xã hội, chống chủ nghĩa tùy tiện, chống chủ nghĩa co dãn. Vẽ con người phải cho ra con người. Vẽ con cáo phải cho ra con cáo. Cái bọn rì nhỉ? Cái bọn mà các anh gọi nà... nà... Pi-Cát-Thồ, nà... nà... Ma-Tít-Sờ gì đó!? Vẽ gì mà đầu voi đuôi chuột, trên điền ông dưới nại nà điền bà. Tranh như thế xã hội ta chỉ nấy mà vây ổ chó!
Tôi nói các công nhân vẽ của ta ấy à! Bốn mươi năm tuổi nghề đôi khi còn bị kiểm thảo cơ đấy. Nhiều anh vẽ chân dung Bác mấy mươi năm rồi, ấy thế mà vẫn có nần vẽ thiếu một sợi râu của Bác. Tôi nói thế để các anh coi nại vấn đề tỉ như sau này các anh muốn nàm nghề vẽ, một đỉnh cao nghệ thuật của phe xã hội xã hội chủ nghĩa. Nó không rản rị tí nào đâu các anh ạ!
Anh em rúc rích cười khi nghe Tiến nhái giọng thằng chính trị viên. Riêng Tiến nói xong cúi thổi lon than đốt đóm. Hắn kéo một hơi thuốc dài, ngửa mặt nhả khói lên trời rồi quay trở lại với câu chuyện. Lùng bùng trong khói thuốc lào, Tiến tiếp. Trở lại vấn đề thằng Kim muốn hành nghề vẽ, đồng ý, nhưng nó phải nghiên cứu nhiều để triển khai cái định nghĩa mang tính chất chân lý về vẽ của phe xã hội xã hội chủ nghĩa. Nói tới đây Tiến nhún vai. Chỉ có tao kẹt thôi. Sau này vô phúc tao phải hành nghề đàn hát dạo dưới Bắc Mỹ Thuận độ nhật qua ngày, cái đó mới là gay go.
- Tụi nó cũng chơi đàn vậy!
- Đàn bà ấy à? Tao muốn nói tao kẹt ở chỗ tao chơi guitar, nhưng làm sao đánh guitar mà ra được tiếng đàn Ta-Lư đây!?
Tuyên chen vào.
- Ông nhiêu khê quá.
- Không nhiêu khê đâu ông tu-bíp ạ. Xã hội này cái gì cũng cần phải có tính dân tộc. Trong điếu thuốc Bác hút phải nồng đậm tính dân tộc, dù là dân tộc Mỹ vì bác nghiện thuốc Phillip Morris. Trong thơ Tố Hữu phải có tính dân tộc dù là dân tộc Nga vì Tố Hữu đã làm thơ như thế này. Nói đoạn Tiến tằng hắng lấy giọng ngâm luôn.
Stalin! Stalin! Yêu biết mấy nghe con tập nói, Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
Gì nữa Vĩnh? Đọc được ba câu Tiến vội quay sang Vĩnh hỏi. Vĩnh chưa kịp trả lời thì hắn đã nhớ thêm được mấy đoạn và đọc tiếp luôn.
Hôm qua loa gọi ngoài đồng. Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao. Làng trên xóm dưới xôn xao, Làm sao, ông đã... làm sao mất rồi!? Ông Stalin ơi! Ông Stalin ơi! Hỡi ông ông mất đất trời có không! Thương cha thương mẹ thương chồng, Thương mình thương một thương ông thương mười...
- Ôi chao, tao nhiều khi cũng nghe người này người nọ nói đến Tố Hữu, nhưng thành thật tao chưa nghe thơ Tố Hữu bao giờ. Thế ra thơ Tố Hữu là như thế đấy?
Đính cất giọng thành thực bày tỏ trước mọi người. Vĩnh cười.
- Ừ, thơ của đại thi sỹ Tố Hữu đấy. Mày thấy thế nào?
Đính ngao ngán.
- Thật là khiếp đảm, thật là vô tiền khoáng hậu. Tìm được một thằng Nga chính tông bà lang Trọc mà nó làm được những câu thơ trung hiếu đến thế e không thể có.
- Thế cho nên Đảng ta mới dám tự nhận mình là "đỉnh cao trí tuệ của loài người", "cái nôi thứ năm của nhân loại", "trung với Tầu hiếu với Nga, mọi khó khăn đều vượt qua mọi công tác đều hoàn thành".
Đính bỗng cắt ngang lời Tiến.
- Tao không hề nuôi mộng trở thành thi sỹ, âu cũng là cái may trong xã hội này. Tao đã dự trù sau này về chỉ sống bằng nghề đổ thùng thôi. Vậy đổ thùng theo kiểu Hiện thực Xã hội phải như thế nào, Tiến?
Tiến làm mặt nghiêm trang.
- Yêu cầu đồng chí Đính không được triển khai công tác khác trong khi tôi đang tiến hành công tác ngâm thơ của đồng chí Tố Hữu vĩ đại. Nần này tha, nần sau sẽ xử ný. Xét trên cơ sở đồng chí Đính đã nổi lên mặt yêu nao động chân tay đúng như lời Bác rậy, nghĩ tình cũng tạm giải quyết thắc mắc tâm tư nguyện vọng của đồng chí như sau: Đổ thùng tiếng Bắc có nghĩa là đổ cứt. Hành nghề đổ cứt trong xã hội xã hội chủ nghĩa cũng là một nghệ thuật và vinh quang không thua hành nghề lãnh tụ và cán bộ. Áp dụng nghệ thuật hiện thực xã hội vào nghề đổ cứt là:
Cứt ròng, Không lộn rác, Đổ chính xác, Theo yêu cầu, Không càu nhàu, Không bịt mũi...
Cả nhóm phá lên cười vì câu vè. Đây là một câu Vĩnh cao hứng đặt ra và có đọc cho Tiến nghe một lần, không dè hắn còn nhớ đến hôm nay.
Tán dóc một lúc mỏi miệng, cả bọn lại quay ra hút thuốc lào, một trò trơi thứ hai sau tán dóc để phá thành sầu của bọn sa cơ thất thế. Rồi cứ thế đêm tàn, nhưng những chiếc điếu cầy vẫn rú lên như những tràng cười quái quỷ không bao giờ tắt...