Số lần đọc/download: 1966 / 21
Cập nhật: 2016-04-09 07:24:14 +0700
Chương 3
Ở nhà ông lang về, Dung nhóm lò và rửa siêu để sắc thuốc cho mẹ chồng uống. Bà cụ Bá bệnh nặng, chưa chắc đã qua khỏi vụ rét năm nay. Dung cũng biết thế mà vẫn hết sức hầu hạ. Có điều Dung bình tĩnh gần như không chút thương cảm, tuy Dung vẫn hiểu bà cụ Bá coi mình như con.
Là vì, từ buổi chiều hôm Dung gặp Hạnh trên đồi sắn, lòng nàng đã tê dại hẳn đi... Dung chán nản thẫn thờ. Vẫn làm lụng đều đều, vẫn không bỏ sót một việc nào dù nhỏ mọn, Dung thực ra, chỉ còn như một cái máy. Dung mất hẳn nụ cười và cái giọng âu yếm trong khi nàng sai bảo. Thấy thế, bọn gia nhân bỡ ngỡ rồi kháo thầm nhau:
"- Cô Lý dạo này kỳ khôi quá!"
Chính Nhuận cũng để ý đến sự thay đổi nhưng Nhuận không ngờ vực. Nhuận chỉ lo Dung ốm.
Mùa đông thong thả lại. Mây đen tỏa khắp trời. ánh sáng mỗi ngày một nhạt nhẽo. Mặt trời chưa lặn, trong nhà đã tối om như động. Ngoài sự vật, thiếu hẳn cái tưng bừng của lá xanh đùa ánh nắng, của sóng lúa gợn chân mây, của những đàn bướm lượn như tung hoa trên cỏ biếc và của tiếng sáo diều. Đường đi khuất dần dưới những lớp lá vàng kế tiếp. Những cây vông, cây bàng trơ trụi rùng mình trước mỗi cơn gió thoảng... từng đàn sáo mun đáp xuống ngọn soan, kêu chẽo choẹt, nhảy tứ tung, làm cho lớp quả già rơi lộp độp...
Bà cụ Bá luôn luôn rền rĩ. Không khí trong gia đình Nhuận đã tẻ ngắt càng nặng nề... Nhuận lúc nào cũng nhăn nhó, đăm chiêu.
... Nước thuốc đã sôi đều mấy dạo. Dung lên nhà định xem hễ mẹ chồng thức thì nàng sẽ rót để bà uống.
Nhưng, bà cụ Bá lại đương phàn nàn với Nhuận mà vẫn về sự hiếm muộn của Dung. Đã hai lần rồi!... Lần đầu tiên, những lời ấy đã khiến Dung khổ sở. Lần này, trái lại, Dung cũng chẳng rõ mình nghĩ ngợi ra sao. Nàng quay ra đứng ở thềm hè, mắt nhìn vẩn vơ những vệt mây đen lướt ngang nền trời thấp. Một làn gió tạt qua... lá úa rụng ào ào xuống quanh mình Dung như một đàn chim nghịch ngợm...
- Trời muốn đâm mưa phùn gió bấc rồi đây!...
Dung ngẫu nhiên nhắc lại mối băn khoăn của nàng khi còn con gái. Nàng thở dài...
Ừ, chẳng thà Dung vẫn cứ là một cô gái nghèo vất vả nhưng còn giữ nguyên được những mơ ước êm đềm, những mộng lòng tươi thắm, những băn khoăn đầy thi vị đối với tương lai!...
Tiếng Nhuận bỗng nói ở sau Dung:
- Thuốc của mẹ được chưa, mình?
Dung hơi luống cuống:
- Được rồi, em rót để mẹ xơi nhé?
- Ừ, mình chịu khó một chút.
Giọng nói dịu dàng của Nhuận khiến Dung khó chịu. Giá, lúc ấy, Nhuận gắt gang, Dung có lẽ thích hơn. Dung lấy bát sạch chắt thuốc đem vào buồng mời mẹ chồng uống, đặt bà nằm lại tử tế rồi mới quay trở ra...
Nhuận gật Dung lại gần:
- Mẹ uống thuốc rồi ư, mình?
- Mẹ uống rồi.
- Mình ngồi xuống đây... Tôi xem hình như dạo này mình có điều gì nghĩ ngợi lắm thì phải?
Dung đỏ mặt cúi đầu, ấp úng tìm câu chối:
- Không, em có gì đâu!
- Mình vui vẻ lên và đừng có tham công tiếc việc quá. Mình không biết chứ càng ngày mình càng gầy sút trông phát sợ...
Dung chợt nhớ đến những lời bà cụ Bá phàn nàn và cái ý định nàng thoảng có hôm gặp Hạnh trên đồi sắn.
- Ấy chính vì trong người em không mấy lúc được khỏe mạnh nên mẹ cứ phải buồn rầu...
Nhuận vội gạt:
- Ối chào! Mẹ thì chỉ bồn chồn lên một nỗi chưa có cháu... Nhưng, gì chứ có cháu thì sớm muộn đằng nào chẳng có!...
- Mẹ bồn chồn là phải... Theo ý em thì mình nên vâng lời mẹ...
Nhuận biến sắc nhìn Dung...
- Em thú thực rằng em đã nghe rõ cả. Nhưng mình chớ ngờ em giận mẹ hay buồn rầu. Em hiểu rõ lòng mẹ lắm. Vả, người ta ở đời, bất hiếu có ba tội mà không có con là nặng nhất. Huống hồ mẹ ngày càng già yếu, khỏi sao ước mong cái cảnh con độc cháu đàn... Nếu mình nhất định cứ chờ em, sợ rằng không kịp...
Nhuận thở dài, vớ cái điếu hút để giấu sự cảm động.
Dung ôn tồn tiếp theo:
- Mình thương em lắm, em biết!... Nhưng càng thương em, mình càng nên làm cho mẹ được vui lòng... Mình chớ ngại em ghen, em không phải con người như thế! - Dung mỉm cười - Nếu mình chưa tin thì em nói thực để mình biết rằng em đã rấm sẵn vợ lẽ cho mình rồi...
Dung ngừng lại một phút, chờ xem công hiệu của câu mình nói.
- Là bởi em thấy mẹ ước ao bế cháu luôn mãi, em thương mẹ lắm! Chính em cũng chung một mong mỏi như mẹ. Thường mình cứ khen trong nhà ngăn nắp sạch sẽ, nhưng em thấy sự ngăn nắp sạch sẽ quá ấy nó lạnh lùng và tẻ ngắt... Mình không biết chứ những khi vắng mình mà rảnh việc, em quanh ra chán lại quanh vào, buổn buồn buồn là thế này này. Em muốn có một đứa con để nó làm đổ làm vỡ, phá phách, nghịch ngợm, bày rác rưởi bừa bãi ra cho em hầu hạ nó, mỉm cười nghe những lời vòi vĩnh của nó; không phân biệt gì là con vợ lẽ hay con mình...
Trong lúc Dung nói, Nhuận cứ chốc chốc lại thở dài, vẻ mặt đau đớn và hối hận. Sau hết, Nhuận cầm tay Dung, mắt nhìn đi nơi khác và khẽ nói:
- Mình đã có lòng như thế thì bất tất phải cưới vợ lẽ cho tôi làm gì thêm rắc rối trong nhà ra...
Dung ngạc nhiên thì Nhuận vội vàng:
- Mình lặng im nghe tôi thú thực. Nguyên hồi tôi mới ra làm việc, thường phải lên tỉnh luôn rồi thành quen biết các ông nha lại trên ấy. Họ dẫn tôi đi hát. Lúc mới, tôi còn bỡ ngỡ nhưng sau quen dần đi rồi tôi bắt nhân tình với một người cô đầu. Thoạt tiên cũng tưởng là chuyện đùa, ai ngờ có con với nhau. Sợ cha mẹ chửi mắng, sợ làng mạc chê cười vì người ta vẫn nói sướng ca vô loài, tôi không dám nhận chỉ tháng tháng cấp tiền cho mẹ con nhà cô đầu đấy mà thôi. Cô ta hổ thẹn đau buồn quá, sau đâm ốm nặng rồi chết...
- Trời đất!...
Dung chừng chừng nhìn Nhuận, ngờ như nghe một chuyện chiêm bao. Nhuận cúi gằm mặt như quả gấc chín...
- Còn đứa con bây giờ vẫn ở với chủ trọ hát...
- Con trai hay con gái?
- Con trai.
- Nó lên mấy rồi?
- Tính năm thì ba tuổi...
- Hừ! Đàn ông nhẫn tâm thực!
- Mình trách thì tôi phải chịu chứ còn gia đình tộc mạc đấy, tôi biết làm thế nào!...
Câu Nhuận nói khiến Dung càng tức. Nàng ghê tởm sự ích kỷ bất nhân, mà nàng tưởng một người như Nhuận không bao giờ có được.
- Anh đón ngay nó về đây! Em không biết tại sao mãi bây giờ anh mới nói điều ấy!... Đi, anh mang ngay nó về cho mẹ và cho em. Nó khổ sở bấy nhiêu ngày, nó phải xa bà, xa bố nó bấy nhiêu ngày đã đủ rồi!...
Dung vừa nói vừa rơm rớm nước mắt...
- Em sẽ thương yêu nó, sẽ chăm chút nó, họa may nhờ vong hồn mẹ nó phù hộ mà sau này...
- Mình!... Tôi van mình, tôi khổ sở lắm, mình đừng nói gì nữa!...
Dung dịu lời:
- Thế mình đón con về đây cho tôi. Mình đi ngay đi, cho người chủ trọ hát mấy chục bạc gọi là đền công người ta!
Đoạn, Dung thở dài:
- Tội nghiệp, từ nay mẹ chẳng còn cứ phải thở than nữa! Mẹ sẽ vui sướng và qua khỏi cũng chưa biết chừng!...