Số lần đọc/download: 6603 / 112
Cập nhật: 2015-01-27 23:02:27 +0700
Chương 9 -
T
hấm thoắt, đã ngoài mùng bảy, hạ nêu. U tôi lại đưa tôi xuống Kẻ Chợ - Sao mày chóng hết thế, hử mày, Tết ơi! Sang mùng bốn, cảnh tết đã nhàn nhạt. Qua rằm thì đi đứt hẳn.
Nào cũng như dang dở. Vừa xế trưa, đã tối ngay. Loanh quanh, chơi gì cũng tiếc ngày, sợ hết. Càng sợ, càng bíu lấy cái tết lại càng thản nhiên đi qua.
Trước tết năm ấy, u tôi mua cho tôi đôi bít tất nâu, cổ khoanh vòng vàng, vòng trắng. U tôi lại sắm cho tôi một cái khăn nhiễu tây. U cứ phàn nàn: Khăn trẻ con có ba hào mà mua những bảy hào. Vì đầu tôi to quá, hạng đầu Bòi Cẩu, đội vừa khăn người lớn.
Nhưng buồn hơn cả, là bà tôi không mua pháo. Khi tôi còn bé tí ti, vào những ngày tết cả trong sân nhà tôi xác pháo màu hoa đào ngập lên tận thềm đá. Năm nay, ông tôi bảo đốt pháo chỉ tổ rác sân, không được bộ gì. Bà tôi yên ủi tôi rằng không mua pháo tết, sợ đốt pháo em bé hãi, em bé khóc. Tôi đành vậy, ngẩn ngơ một mình.
Sáng mồng một, vòm trời u ám. Sương bay lớp lớp trong cây mịt mờ như khói. Ăn cỗ xong, cả nhà ngồi trong ghế uống nước. Tôi đứng ngoài hiên, chốc chốc, chạy nhòm ra ngõ.
Đường cái chưa có người. Người ta chọn giờ tốt mới xuất hành. Rồi dần dần, nghe lẹp kẹp lóc cóc giầy dép, tiếng guốc mới và tiếng quần áo nguyên nếp đụng sột soạt.
Ngày nào tôi cũng đi chơi chùa. Tôi theo các bạn trong xóm đi những chùa quanh miền. Có chùa đi đến mấy lượt xem người ta hún đu trước sân. Rồi đánh tam cúc. Rồi chui đầu vào đám thò lò. Và đợi thò lò chiêng miệng thì xô vào ù lò. Chỉ nghĩ khoác lác thế chứ chẳng bao giờ cướp được một chinh nào. Có khi còn bị xô, ngã sầy cả hai đầu gối. Mà vẫn cứ thích đứng hóng. Mồng bốn tháng giêng lên quán việc làng. Đến tận mùng bảy hạ nêu mới tan thò lò.
Bánh chưng đã có chiếc chua góc, phải rán. Nồi cá chỉ còn riềng. Hết tết rồi. Trời đã màu thiên thanh và có nắng. Những con chim chào mào bay đến hót xao xác. Một hôm, u tôi nói như hỏi:
- Tết năm nay, nhà có em bé mà chẳng thấy giấy má của "anh" mày gửi về.
Bao giờ tết đến thày tôi cũng có thư. Năm nay, đã ngoài rằm mà không tin tức gì. Cuối tháng giêng, u tôi bảo:
- Ngày kia u đi bán giấy, cháu xuống Kẻ Chợ nhân thể. Ăn tết thế là xong rồi.
- U mới ở cữ em bé mà.
- Trong nhà chẳng còn đồng nào.
Tôi như chợt nhớ ra. Bấy lâu mê chơi tôi quên phố xá rồi.
Nghĩa là, tôi sợ ra Kẻ Chợ quá. Nhưng u bảo tôi đi. Bà tôi bảo tôi cố học, mai sau cho bà nhờ. Năm trước, thày tôi viết thư hứa khi nào đi học trường nhà nước, thày mua cho cái xe đạp con. Tôi lại ngậm ngùi mà đi.
Một buổi sáng tôi trở lại phố Hàng Mã. Tôi ôm bọc quần áo. U tôi quảy một gánh giấy phèn đi bên cạnh. Xuống đến chợ Đồng Xuân, u tôi gửi tôi vào một cửa hàng quen. Tôi đứng đợi dấy, để u tôi đi bán giấy. Lúc ở trên tầu điện, tôi đã hẹn: "Phải cho ăn nem, rồi mới vào nhà chú Tưởng".
Mỗi lần ra Kẻ Chợ, tôi lại được u tôi cho tôi ăn nem rán.
Đi với bà, với dì Niêm cũng được chén như vậy. Có một hàng nem rán ăn quen. Bà hàng nem ngồi kia, giữa chợ, xung quanh chầu ba cái hoả lò than hồng. Một thúng bún lá trắng trần lót từng lớp lá chuối để trước mặt. Hai rổ rau xà lách nõn trộn với húng láng và rau muống chẻ. Một hoả lò nướng chả. Những cặp chả lợn bốc mùi thơm ngạt mũi. Một hoả lò đội cái chảo lớn rán nem. Chảo mỡ sóng sánh, những chiếc nem dài, nổi trên mặt mỡ xèo xèo sủi tăm. Bà hàng vớt từng chiếc chồng đống lên tấm lướt sắt dăng kín nửa chảo. Ba tấm ghế dài vây bọc ngoài cùng. Trên ghế, khách ngồi sát cánh tíu tít ăn. Bốn bề chợ ồn ào. Bà hàng quạt chả, cắt nem, bốc rau, pha dấm vào nước mắm, rút đũa, nhanh thoăn thoắt. Mặt bà hoa, trắng tròn như nửa bát bánh đúc bột. Bà làm liền tay đồng thời ngẩng mặt mời người qua lại: “Bà cho cậu xơi quà. Bà ơi..."
Tôi ngồi xuống ghế, u tôi gọi cho tôi một mẹt nem năm chiếc, xu một cái. Mẹt nem bỏ lẫn rau xà lách. U tôi thì ăn bún chả. Những miếng nem vàng ngậy, nhân thịt trộn miến chín nục. Tôi chấm miếng nem vào nước mắm dấm rồi đặt xuống lòng bát lót mấy cánh rau xà lách. Tôi và lùa một cái ngồm ngoàm nhai. Vị chua lại đậm, pha ngòn ngọt. Những mảnh bánh đa bị vỡ rơi vụn trên đĩa, nhá ròn rau ráu. Tôi chỉ ăn hết năm chiếc. Nhưng hai con mắt tôi trông miếng nem giòn vàng vả vào nước mắm dấm vẫn thấy thèm. Một thằng bé bán nước đứng kề đấy rót nước vối ra cái cốc bằng hộp sắt tây đựng sữa bò. Một đứa cầm quạt nan xán đến, quạt phành phạch. U tôi phải xua mấy lượt nó mới chịu ra chỗ người khác. Có lão ăn mày xin khách cho ăn những chiếc xà lách thừa và dấm cặn. Lão ngồi phệt, nhai rau, húp nước chấm xì xụp.
Đã đến lúc phải vào nhà chú Tưởng. Tôi còn nài u tôi đưa đi dạo chơi mấy phố. Nhưng u tôi bảo:
- Phải về sớm. Đi lâu cái đĩ ở nhà nó khóc.
Tôi nghĩ như u tôi đương điệu tôi vào bóp đội xếp. Trông thấy tôi, bà cụ hàng Mã nhoẻn cái cười xám mai mái. Cái cười mà lại đáng sợ hơn. Cả bà Thấp cũng ngồi đấy. Bà Thấp xoa đầu tôi, bỏm bẻm nói:
- Thằng cháu nhà bác hiền như đất. Cả ngày chẳng nói một câu.
U tôi chào cả nhà, xách cái đãy và đôi quang gánh ra cửa.
Thế là tôi trở lại cuộc đời năm ngoái cọ chai và vần những cái lốp ô tô vẫn đứng lù lù bên góc tường. Như nó đợi tôi xuống để tôi vần nó ra bày hàng.
Tôi lại làm các việc như năm trước. Tối, nằm ngoài cửa hàng, ngủ áp mũi vào lưng chú Tưởng. Chú đưa tôi một cái díp bẹt. Chú phồng một bên mép. Tôi nhổ ria cho chú. Vài ngày một bận. Những hôm nắng ráo, tắm xong, chú cởi trần ngồi giơ một tay lên đầu. Tôi cầm cái díp nhổ lông nách cho chú. Nhổ đến sạch trắng nhễ nhại, chẳng còn một sợi. Ngày tháng lặng lẽ qua.
Không mấy khi tôi đi ra khỏi phố. Chú Tưởng cứ phải giục tôi ra cửa chơi. Một tối có đám rước đèn của nhà binh giễu từ Cửa Đông qua đầu phố. Chú Tưởng bảo tôi ra xem. Tôi ra thấy đông người quá lại lộn về đứng trong cửa, nghe tiếng kèn toè toè và tiếng trống rầm rộ. Tôi chỉ ngồi nhà nghe mọi cái sự vật chuyển quanh mình. Những câu chuyện chú Tưởng, chú Phúc, bà Thấp nói chuyện hàng thầu trong tỉnh giá hàng tầm tầm kỳ này cao hay hạ. Đôi khi, lan man đến chuyện người cô đầu vợ lẽ ông Phán trên gác. Cậu Tịnh bàn về xe đạp. Xe đạp cậu Tịnh là xe đạp tài tử, ăn chơi. Không phải xe đạp cửa hiệu gõ kỳ cạch kiếm cơm. Cua rơ Bổng đương kim vô địch Bắc Kỳ. Cậu Tịnh quen Bổng, lại quen cả Cổng nữa. Hai anh em nhà nòi, đạp đường vòng chèn đến Tây cung bở hơi tai không lên được. Cậu bảo cậu quen thân Bổng và Cổng, bắt tay luôn. Hay đi cao lâu, và gọi nhau toa, moa là sự thường.
Chú Luyến tôi chỉ tán về bóng tròn. Chú Luyến lộ yết hầu cổ, ngực lép như mai con cua mặn. Vậy mà chú chỉ thích xem đá bóng. Chiều chủ nhật nào cũng phóng xe đạp lên bãi Cột Cờ. Bấy giờ hội bóng "Sì tát" đương danh tiếng lẫy lừng, át cả đội Lạc Long. Tay gôn Nhuận bắt bóng đúng như gắn nhựa vào tay. Mỗi lần đi coi đá bóng về, chú Luyến với cậu Tịnh hùng hổ bàn mấy ngày chưa dứt về bóng tròn, về cái cầu tướng, về môn xe đạp. Tôi ngồi lau giầy bên gậm phản tưởng tượng như chính tôi cũng vẫn đi xem thi xe đạp, đi coi đá bóng. Bổng khoẻ như con voi, anh có mốt chèn đặc biệt. A-ri-e Phay sút cú một thế nào, sút rót đầu ra sao. Tôi thạo cả.
Tôi lại biết tin tầu Cáp Lay đắm, cô Tuyết Hồng tự tử... Xẩm tối những đứa trẻ, nách cắp tập báo, nhoẻn thoắt chạy phố này sang phố kia. Chúng rao rầm rầm Hà Thành Ngọ báo một xu một số ơ, ơ... Các tin quan trọng hay ngộ nghĩnh thường được trẻ rao rành rõ lắm. Tàu Cáp Lay đắm ơ... Đám cưới mất cô dâu ơ... Người đẻ ra lợn ơ... Buồng chuối trăm nải ơ... Tôi đứng trong cửa được nghe không mất tiền những tin tức mọi nơi.
Ngày tháng đều đặn qua. Mùa hạ đến. Chú Luyến đi thi. Chú đi thi vào trường Bưởi. Hai năm, hai lần chú thi. Lần nào, trước khi đi bà cụ cũng pha một cốc sữa bò và mua chiếc bánh tây. Năm nào chú cũng trượt vì thấy chú chỉ đi thi có mỗi một buổi. Hôm sau lại cởi trần, lầm lì ngồi nhìn xuống sách. Cả nhà, không một ai đả động đến chuyện thi cử.
Chú Tưởng lo việc thi của tôi. Tôi sắp phải thi vào trường Cửa Đông. Chú bảo tôi:
- Chú xin cho cháu vào lớp ăng phăng tanh trường Cửa Đông. Phải thi mấy cái tính. Cháu biết làm tính cộng, tính trừ chưa?
- Có
- Cháu biết làm tính nhân chưa?
- Có Nhưng cháu chưa thuộc cửu chương.
- Thế thì phải học cửu chương.
Tôi học cửu chương. Đã lâu, chẳng học hành gì, không cầm đến cái quản bút, bây giờ bỗng học môn cửu chương khó quá. Đến bây giờ mỗi khi thấy bản cửu chương ở cuối quyển vở của trẻ, đặc xịt, ngang dọc, lổm ngổm những con số rắc rối tôi còn ngại. Chú Tưởng không đánh tôi bao giờ. Thế mà tôi học cửu chương, chú cũng phải cốc tôi bươu đầu. Tôi càng lú thêm. Không thể nào tôi thuộc để chú hỏi vặn được, chú chán đành cho tôi thôi. Tạm thuộc thế, cũng đã tốn một tháng. Tôi xếp khoa cửu chương lại, đợi đi thi.
Đến hôm thi, bài thi vào lớp bét, một con tính cộng, một con tính trừ. Tôi cuống quít thế nào, tôi đã biết làm tính trừ hẳn hoi mà lại nhầm làm ngược cái tính trừ từ hàng trái sang phải.
Về xem bài, chú Tưởng lắc đầu:
- Dẵm vỏ chuối rồi.
Thế là tôi hỏng thi. Từ ấy, việc thi vào trường Cửa Đông của tôi cũng không ai đả động đến nữa. Tôi lại đánh giầy, vần cái lốp ô tô.
Đã lâu, thày tôi không có tin tức về. Từ năm ngoái, chẳng nhận được một lá thư nào. U tôi gửi thư. Chú Tưởng gửi thư. Bác Cả trong nhà quê cũng gửi thư nữa. Đều không có trả lời.
Lần lữa, mùa hạ qua. Mùa thu đến. Cuộc sống vẫn một khuôn quen thuộc. Nỗi nhớ nhà cũng khuây khoả trong công việc hằng ngày. Tôi quên hẳn việc sách vở. Tôi làm khoẻ. Tôi ăn khoẻ. Mỗi bữa, tôi lùa hết ba bát lèn. Tuy vậy người vẫn kheo khư, như con cá rô đực. Một hôm bỗng chú Tưởng ngám nghía tôi, rồi hỏi:
- Đầu cháu làm sao mốc trắng lên thế?
- Cháu không biết.
Ít lâu nay, một bên đỉnh đầu tôi tự dưng nổi mốc trắng.
Tôi soi gương, thấy một mảng nhờ nhờ to bằng đồng bạc. Dần dà, vết mốc loang to. Mỗi hôm, tôi ngắm đầu tôi trong gương càng sợ. Trước thóp, bên thái dương, chỗ nào cũng gờ trắng. Tôi cúi đầu gãi. Phấn bụi bay ra lản tản.
Bà cụ hỏi vặn sao đầu tôi giở chứng như thế. Tôi chỉ biết cúi mặt. Trong khi đó, bà cụ cứ nhìn vào đầu tôi mà tả cho cả nhà nghe. Tôi cũng thấy kinh sợ như bà cụ nói: Nổi từng đám. Cái vảy to như vảy cá. Nó có mùi tanh tanh.... Ruồi muỗi bay theo thằng bé nhiều lắm.
Tôi càng ngẩn ngơ cả người. Tôi ngồi yên hàng giờ, đăm đăm ngó ra đường phố. Mà không trông thấy chi hết. Tự hỏi không biết anh Khả Dân trong truyện Vô gia đình đầu anh ấy có mốc như đầu tôi không? Tôi nghĩ căm cái đầu mốc. Giá mà tôi có pháp thuật cao cường như Trần Đoàn lão tổ, như sư phụ Vương Thiền, tôi hoá phép cho cái Hiến hoá ra con chó giữ cửa động cho tôi. Tôi làm cho cái đầu tôi khỏi mốc. Hứng chí, tôi lầm rầm đọc thần chú. Tôi hô một tiếng, nhổ thử một sợi tóc, soi lên trước mặt. Một tay tôi múa như phe phẩy lá cờ phép.
- Ơ hay, thằng bé này phát rồ rồi a?
Bà cụ hàng Mã đứng trước mặt từ lúc nào. Hai con mắt quằm quặm. Tôi bối rối quờ quạng vớ mảnh giẻ đánh giầy. Bà cụ bảo chú Tưởng:
- Từ ngày đầu nó hoá mốc, tao để ý thấy thằng bé thế nào ấy. Ngồi một mình nó cũng rì rầm nói lảm nhảm. Thử xem hay là trả nó về Bưởi.
Chú Tưởng đáp:
- Nó chỉ phải cái đầu mốc thôi.
Và chú ngó tôi, cười. Đuôi con mắt nheo nheo hiền lành.
Một hôm, cái Hiến đau mắt. Tôi chưa thấy ai đau mắt gớm ghê như nó. Có một đêm, hai mắt phồng như quả nhót mọng hùm hụp. Sang ngày thứ ba, đúng là quả trứng gà đỏ đòng đọc lấp kín mắt, sưng đỏ tía cả nửa mặt. Cái Hiến đau khóc ngằn ngặt cả đêm. Rồi chú Phúc mang Hiến về quê bên Bắc. Bố cõng con đi, một buổi sáng tinh sương. Chẳng biết rồi mắt nó có khỏi không. Tôi không gặp lại nó một lần nào nữa từ đấy.
Cái Hiến về quê, bà cụ hàng Mã thương cháu, thỉnh thoảng lại khóc. Nhưng bà cụ vẫn không quên nói đến cái đầu mốc và nét mặt sắp hoá dở hơi của tôi. Bà cụ cho rằng bởi tôi mà động trệ, cháu bà cụ đau mắt vì thế. Tôi là cái hãm tài, cái vận áo xám nhà này. Chú Tưởng không thể đem chuyện tầy đình đó để pha trò được.
Bà cụ nhắn người xuống đón tôi.
Bà tôi ra. Bà cụ hàng Mã kể lể ngọt ngào, ngoài cửa hàng. Tôi lặng lẽ thu dọn quần áo của tôi. Tôi, nửa buồn, mà cũng không buồn. Không cách nào lấy cắp được quyển Vô gia đình, tôi bèn để lại bên khe bàn, như là con tàu vào tránh bão ở đấy. Bà cụ hàng Mã đưa bà cháu tôi ra phố vào một hiệu thuốc. Ông lang bắt mạch tay tôi bảo:
- Cháu hoả vượng quá. Nó bốc lên đầu hoá bạch biến. Tôi chữa cái này quen lắm. Hai thang là khỏi.
Tôi về Nghĩa Đô ngay chiều ấy. Bà cụ đưa tôi sang chào bà Thấp. Cậu Tịnh và chú Luyến đi xem đá bóng. Bà Thấp ngồi phề phệ giữa phản, tròn như cái âu đồng đại. Bà nhai trầu bỏm bẻm. Bà vuốt má tôi, bà cười. Tôi đi qua sân bếp. Cái cửa sổ gác màu xanh dại nắng lợt lạt đóng im ỉm.
Chú Tưởng đưa tôi ra tận đầu phố. Chú cười, hai con mắt nheo nheo.
- Bao giờ khỏi đầu lại xuống với chú nhé!
- Kìa chú dặn. Vâng đi.
Tôi không vâng được. Tôi vội ngước mắt phía khác. Nước mắt đã ràn rua xuống. Nước mắt nhớ chú Tưởng hay nước mắt tôi sợ xuống Kẻ Chợ lắm rồi.