Làm tốt thì tốt hơn là nói giỏi.

Benlamin Franklin

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Việt Sỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 19
Cập nhật: 2020-10-08 21:15:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ăm 1284, mùa thu tháng Tám Hốt Tất Liệt phong cho Thái tử Thoát Hoan làm Trấn Nam Vương đem theo năm mươi vạn hùng binh cùng nguyên soái Ô Mã Nhi và các tướng lừng danh từng đánh đông, dẹp bắc như Áo Lỗ Xích, Tích Lệ Cơ Ngọc, Phàn Tiếp, Trương Hiển, Lý Hằng, Lý Quán… Và tên Hán gian Phạm Nhan (vốn rất quen thông thổ Đại Việt) làm tham quân kiêm hướng đạo.
Được tin hai vua Trần tổ chức họp các cụ bô lão ở khắp các miền về Điện Diên Hồng để trả lời câu hỏi nên hòa hay nên đánh. Hàng ngàn bô lão đều đồng thanh hô “Sát Thát” (có nghĩa là giết chết giặc Nguyên Mông). Được lời như cởi tấm lòng, hai vua Trần cùng Quốc công Tiết chế càng vững tâm hơn với chủ trương đã chọn của mình…
Trước khi vào trận chiến sống còn, Hưng Đạo vương đã quyết định tác thành mối lương duyên giữa Phạm Ngũ Lão với con gái nuôi của mình là quận chúa An Nguyên, bởi mọi thứ đều đã “chín muồi”… Chủ hôn là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, hai phù rể là Yết Kiêu và Dã Tượng. Phía nhà trai sang rước dâu gồm quan Hồng lộ[3], quan châu Thượng Hồng, trưởng làng Phù Ủng cùng rất nhiều nam, phụ, lão, ấu. Trong số đó tất nhiên có cha con chị Cả Lưu và cháu bé chị “tậu” được ở bến Bình Than. Định qua rằm tháng tám thì ăn hỏi và rước dâu luôn.
Nhưng một tai họa bất ngờ đã đổ ập xuống đầu Phạm Ngũ Lão. Giữa buổi chiều ngày mùng 5 đích thân trưởng làng Phù Ủng phi ngựa lên Vạn Kiếp báo hung tin mẹ Phạm Ngũ Lão bị sa xuống giếng chết đuối… Như bị sét đánh Ngũ Lão thét lên một tiếng xé lòng rồi ngất lịm đi. Gần nửa canh giờ mới tỉnh nhưng người rũ ra như tầu chuối héo, chỉ có xác chứ không có hồn… Rồi bất chợt chàng lồng lên, hai tay tự đấm vào ngực mình, gào thét “Ta thật ngu dại tại sao lại đào chiếc giếng đó chứ!… Mà con Tía, con Tía buổi sáng hôm đó đã linh cảm báo trước cho ta chuyện chẳng lành. Sao ta không nén lại ít phút, đạp đổ thành giếng và xúc đất lấp đi. Trời ơi! Chỉ có một chút xíu thời gian thôi, thì mẹ ta đâu đến nỗi này! Ôi ông trời ơi! Ngũ Lão đã phạm tội gì mà ông lại nỡ hành hạ, giết hại mẹ ta… tàn khốc đến như vậy! Hỡi thần phật ở chùa Bảo Sơn, Ngũ Lão gần hai chục năm ăn mày cửa Phật đã phạm lỗi lầm gì mà bây giờ bị… quả báo như vậy…”.
Hưng Đạo vương biết là có kẻ ngầm phá mối lương duyên này. Và thủ đoạn của chúng thật là tàn độc. Chúng nghĩ rằng mẹ Ngũ Lão mất thì ắt đám cưới sẽ phải lùi lại ba năm, cho đến ngày mãn tang. Để trả lời nghi vấn đó là thực hay hư, Người đã phái thám mã tức tốc xuống nhà Ngũ Lão. Mới hơn nửa ngày chúng đã về tâu hết sức tường tận. Rằng thành giếng rất cao, mẫu thân Ngũ Lão không thể tự ngã xuống giếng được. Thứ hai ở sau gáy nạn nhân có một vết đánh của một vật cứng, hình tròn. Và ở bờ sông, dân làng phát hiện thấy một xác chết, vận đồ đen không phải người trong hương.
Như vậy là mọi việc đã rõ. Nhưng Hưng Đạo vương là người đa mưu, túc trí. Người không thể chịu bó tay trước một việc cỏn con nhưng vô cùng độc ác này. Quân lệnh như sơn người quyết định tổ chức đám cưới trước, ba ngày sau mới làm lễ phát tang. Phạm Ngũ Lão dù đau đớn đến tột cùng cũng không thể trái lệnh.
Đêm tân hôn, quận chúa An Nguyên nằm bên, và chỉ làm mỗi một việc là thấm nước mắt cứ tự nhiên ứa ra như suối của chồng. Những dòng nước mắt không trong mà có pha lẫn cả máu…
Ba ngày sau, mặc dù bận vô vàn công việc, nhưng đích thân Hưng Đạo vương đã về làng Phù Ủng, đặt tạy lên hòm áo quan đưa mẹ Ngũ Lão về nơi an nghỉ cuối cùng. Hưng Đạo vương biết rất rõ có thế lực trong triều sợ Phạm Ngũ Lão thành rể của mình thì khác nào “hổ mọc thêm cánh” nên quyết phá đến cùng. Song le tình thế lúc này, năm mươi vạn quân Nguyên Mông đã áp sát biên thùy phía bắc nên Người phải nuốt giận cho con rể của mình. Lời trăng trối của cha không dám báo, hận của con trai không dám trả, bây giờ lại đến thù của con rể, tất cả Hưng Đạo vương đều gạt sang một bên, để toàn tâm, toàn sức vào việc bảo vệ Đại Việt. Người đời xưa nay chỉ thấy Hưng Đạo vương có quyền uy lệch nước. Ít người thấy Quốc công Tiết chế cũng có những tâm trạng cháy lòng…
Đắp cho mẹ “mồ yên, mả đẹp” Ngũ Lão vào chùa Bảo Sơn, dập đầu lạy sư phụ Hồng Quang lo hộ các nghi thức đưa mẹ lên chùa, cùng hai ngày 49 và 100 vốn rất trọng đại với người đã khuất của phong tục Đại Việt.
Sư cụ Hồng Quang nắm tay đệ tử, buồn rầu nói rằng:
- Chốn quan trường vốn hiểm ác! Con phải lưu tâm đề phòng. Giặc Nguyên Mông đã ở sát biên thùy rồi. Mọi việc của mẫu thân con, ở nhà sư phụ và dân làng sẽ chăm lo chu đáo.
Phạm Ngũ Lão gạt nước mắt tạ ơn, lên ngựa, chia tay sư phụ trở về Vạn Kiếp.
Quốc công Tiết chế đã đón Ngũ Lão ở trước Đại bản doanh. Ngũ Lão chưa kịp xuống ngựa thì đã nhận được lệnh sang sảng của Người:
- Nay phong cho Phạm Ngũ Lão làm Đô tướng. Thống lĩnh ba vạn quân làm tiên phong lên trấn giữ ải Chi Lăng. Hẹn phải giữ được quan ải trong mười ngày. Chín ngày mà để mất quan ải thì sẽ mắc tội chém.
Ngay chiều hôm đó, Phạm Ngũ Lão lĩnh mệnh dẫn quân đi ngay…
Lại nói nguyên soái Ô Mã Nhi dẫn mười lăm vạn quân Nguyên Mông làm tiên phong đánh thẳng xuống Đại Việt. Thế giặc như chẻ tre, chỉ hơn một ngày cánh quân kỵ Mông Cổ đã tới trước cửa ải Chi Lăng. Ô Mã Nhi hạ trại cách quan ải năm dặm. Một mình một ngựa đến trước cửa quan nói lớn lên rằng:
- Nay quân Thiên triều đã đến đây. Chúng ta chỉ mượn đường sang đánh Chiêm Thành. Bây giờ các người chỉ có hai lựa chọn: Chống lại thì chết. Mở cửa quan cho quân ta qua thì sống.
Phạm Ngũ Lão giáp trụ uy nghi đứng trên quan ải nhìn xuống. Thấy Ô Mã Nhi quả là “danh bất hư truyền”. Người to lớn như một vị hộ pháp. Mặt to, tai lớn, trán rộng, mắt hơi nhỏ nhưng đuôi con mắt dài và sắc. Mũi sư tử, hai má phính phớt hồng. Miệng rộng hàm vuông, với những chiếc răng chắc khỏe. Ra trận mà chỉ có một mảnh giáp che ngực. Phía dưới để lộ ra cái bụng căng tròn trắng như lợn vừa cạo sạch lông. Không hiểu mặc quần hay mặc váy, chỉ thấy hai vuông vải rộng thùng thình che dưới chân. Hai cánh tay để trần cùng bả vai núng nính những thịt, vâm váp như hai cột đình. Tay phải cầm một thanh đao to bản, rất dày, chuôi ngắn. Cưỡi trên mình một con ngựa ô cao lớn, có đốm sao trắng ở giữa trán và bốn vó to trắng như tuyết.
Lính cung thủ định giương cung lên bắn, nhưng Ngũ Lão nghĩ chắc chắn Ô Mã Nhi đã có đề phòng nên giơ tay ngăn lại.
- Thế nào? Chúng bay suy nghĩ xong chưa? Còn nếu không tin sức mạnh của quân Thiên triều thì có tên nào xuống đây đấu với ta năm chục hiệp. Nếu cầm cự nổi, Thiên triều sẽ rút binh ngay. Bằng nếu thua sớm thì hãy mở cửa quan. - Ô Mã Nhi lại lớn tiếng thách đấu.
- Ngươi đừng khoác lác, huênh hoang quá! Có ta xuống tiếp chiến với ngươi đây! - Sau một phút suy nghĩ, Ngũ Lão quyết định chấp nhận lời thách đấu.
Hai cánh cửa sắt nặng trịch cửa quan ải được mở ra. Cầu treo được hạ xuống. Phạm Ngũ Lão trên mình con Tía lao thẳng ra. Mặt đối mặt với Ô Mã Nhi.
- Tướng kia hãy xưng chức danh, tên họ. - Ô Mã Nhi quát. - Ta không thèm đấu với kẻ vô danh tiểu tốt, làm bẩn lưỡi đao báu của ta.
- Ta họ Phạm, tên Ngũ Lão. Là Đô tướng xuất thân từ thợ cày kiêm nghề đan sọt. Được Quốc công Tiết chế cử lên trấn thủ ải này. Nếu muốn phá được quan ải, ngươi phải qua xác ta trước. - Ngũ Lão dõng dạc đáp.
Ô Mã Nhi bỗng ngửa mặt lên trời cười sằng sặc, rồi hắn đáp:
- Hào khí Đông A của nhà Trần các ngươi tan hết đâu rồi, mà lại sai một tên nhà quê ra đấu với ta! Ngươi về gọi vương tôn, công tử nào danh giá hãy ra đây! Ta không thèm đấu với ngươi.
- Ngươi nói mượn đường Đại Việt để đánh Chiêm Thành. Kế “mượn đường diệt Quắc” của Bàng Quyên từ thời Xuân Thu chiến quốc đã quá “xưa” rồi! Còn ở Đại Việt ta có câu “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Vậy một tay thợ cày sức vóc như ta làm sao lại đứng nhìn được! Để thanh đại đao trong tay ta nói cho người hiểu thêm.
Nói rồi Ngũ Lão nhanh như chớp lia một đao chém ngang qua chiếc cổ to bự như cổ trâu mộng của Ô Mã Nhi. Quân lính đứng trên quan ải tưởng đâu Ô Mã Nhi sẽ lăn lông lốc dưới đất vì thấy lưỡi đao của Ngũ Lão đã sấn tới nơi mà Ô Mã Nhi vẫn chưa động tay đón đỡ gì. Nhưng thật nhẹ nhàng, nhanh nhẹn đến bất ngờ, cánh tay nung núc thịt to chẳc như cột đình của hắn đã vụt giơ lên gạt nhẹ một cái. Sắt thép chọi với sắt thép khiến cả hai cây đao đến tóe lửa. Sức mạnh của Ô Mã Nhi quả là kinh hồn, khiến con Tía phải hý lên một tiếng, đồng thời dựng hai vó trước lên để triệt tiêu một phần. Hai cánh tay rắn chắc của Ngũ Lão cũng có phần tê dại. Biết gặp phải đôi thủ quá mạnh, Ngũ Lão nghĩ chỉ có lăn xả vào đánh mới giữ được thế cân bằng. Bởi thế chàng liền khởi thế công, vung đao phạt qua trái, rồi lại lộn qua phải, lúc đánh thốc từ ngực lên mặt đối phương. Con Tía cũng theo sự điều khiển của Ngũ Lão, di chuyển hết sức uyển chuyển, nhanh nhẹn quanh cơ thể “con quái vật” Ô Mã Nhi. Thanh đao chuôi ngắn trong tay Nguyên soái Ô Mã Nhi cũng tỏ ra có sức vươn rất dài với sự biến hóa mau lẹ đến khôn cùng. Vừa gạt lưỡi đao của Ngũ Lão đã lập tức phạt chéo sang đập trả luôn. Mới đầu Ô Mã Nhi còn vừa đánh vừa đùa theo kiểu “mèo vờn chuột”. Nhưng rồi thấy thanh đao của Ngũ Lão nguy hiểm như một con mãng xà đã thành tinh, cứ nhằm vào những chỗ hiểm yếu nhất của cơ thể hắn mà phóng tới thì hắn đã chợt nghĩ. “Cái thằng nhà quê này không thể đùa dai được rồi”. Thế là hắn bắt đầu trổ thần oai, vung lên những đường đao nhanh như ánh chớp và mạnh như sấm sét. Lúc này cả người lẫn ngựa của Ngũ Lão cũng đã như “bốc” lên, ăn miếng trả miếng rất linh hoạt. Chả mấy chốc đã hết năm mươi hiệp Ngũ Lão giật ngựa lùi lại và bảo:
- Đã sang hiệp thứ năm mươi lăm rồi! Ô Nguyên soái hãy giữ đúng lời hứa chứ?
Ô Mã Nhi cũng dừng tay và lại ngửa cổ lên trời cười sằng sặc và đa sự rằng:
- Ôi! Tên nhà quê thực thà kia. Đại Việt làm hàng xóm với Trung Quốc đại lục cả ngàn năm rồi mà không hiểu câu châm ngôn của “láng giềng tốt” là “Quân tử nói đi là là quân tử dại! Quân tử nói lại là quân tử khôn” à? Ngươi có giỏi thì đấu với ta năm mươi hiệp nữa. Phải nói thực là lâu lắm rồi ta mới gặp được đối thủ rất đáng nể như ngươi.
- Đánh thì đánh! Năm mươi chứ một trăm hiệp nữa ta cũng xá gì? - Ngũ Lão hăng hái đáp lại, và lại thúc con Tía sấn tới, vung đao chém liền.
Cả hai cùng hăng hái trổ hết tài năng và sức mạnh ra, quyết đánh thắng thua. Ba mươi hiệp nữa trôi qua. Vẫn chưa phân kẻ thắng, người thua. Bỗng Ô Mã Nhi chém bậy một đao rồi giật ngựa, quay đầu chạy. Ngũ Lão quát to:
- Người định dùng kế đà đao chứ gì? Ta đâu có sợ! - Rồi thúc ngựa đuổi theo. Nhưng kế đà đao hai ngựa phải đuổi sát nhau, rồi bất ngờ kẻ chạy trước chém quặt lại. Đằng này ngựa của Ô Mã Nhi chạy xa tới ba chục thước và trên lưng không thấy Ô Mã Nhi đâu. Ngũ Lão vội chợt tỉnh, dừng ngựa lại. Đúng như dự đoán của chàng, Ô Mã Nhi xoay người tụt dưới bụng ngựa. Khéo léo lấy cung ở bên sườn ra, lắp tên. Rồi bất ngờ nhỏm nghiêng người kéo dây cung. Mũi tên xé gió nhằm giữa ngực Ngũ Lão vút tới. Nhanh như chớp Ngũ Lão kịp thụp người, hai tay ôm lấy cổ ngựa. Và khi mũi tên vừa xé qua mang tai thì hai tay của Ngũ Lão cũng đầy đủ cung tên rồi. Ngũ Lão giương cung, đặt tên, chờ đúng lúc Ô Mã Nhi ngồi thẳng dậy, ngoảnh lại xem “chiến quả” của mình thế nào thì Ngũ Lão buông dây. Mũi tên của Ngũ Lão cũng căng không kém gì mũi tên của Ô Mã. Phải nói là tướng thiện chiến mới thoát khỏi mũi tên đó. Ô Mã Nhi nhanh như chớp lộn ngược xuống bụng ngựa. Nhưng mũi tên thì vẫn bay thẳng, xé rách tai phải con ngựa ô của tướng giặc. Con ngựa đau quá, lồng lên mang cả Ô Mã Nhi trên mình, phi thẳng về trại nhà.
Lính Đại Việt đứng trên quan ải theo dõi trận đấu, nhiều lúc đứng tim, nín thở trước các đòn đánh ác hiểm và như vũ bão của Ô Mã Nhi cũng như những miếng đánh trả hết sức dũng mãnh của Phạm Ngũ Lão nhất la pha “đấu cung” căng thẳng vừa rồi. Bây giờ thì hàng ngàn lính sung sướng, nhiều người đưa cả gươm, cả giáo lên trời và đồng thanh hô to: Sát Thát! Sát Thát!…
Phạm ngũ Lão phóng ngựa vào trong quan ải trao dây cương con Tía cho tên giám mã rồi vừa thở dốc vừa quát lớn ra lệnh:
- Chuẩn bị chống máy bắn đá!
Tất cả rầm rập chạy vào phía trong. Và những giàn sắt có bánh xe đẩy, phía trên xếp các khúc gỗ lim, gỗ nghiến dày đến cả gang tay được đẩy ra. Có cả mái lim di động che chênh chếch, cho tường quan ải. Sau trận chiến nảy lửa bất phân thắng bại với Ô Mã Nhi đã khiến cho ba vạn lính Đại Việt thêm tin tưởng vào Phạm Ngũ Lão. Các mệnh lệnh của chủ tướng phát ra được lính thi hành răm rắp.
Những tảng đá to bằng chiếc cối đá lỗ từ phía trại Ô Mã Nhi được máy bắn đá “choảng” xuống, tạo nên sự thử thách đầu tiên với các giàn sắt trên có đặt các thớt gỗ nghiến, gỗ lim. Những chiếc cối đá lỗ dồn dập giáng xuống. Các thớt gỗ lim, gỗ nghiến rung lên bần bật, nhưng không có giàn sắt nào bị sụp xuống. Sau trận “mưa cối đá lỗ” chừng nửa khắc thì trận “oanh tạc” đột ngột dừng lại. Gần như nửa trái núi đá được “bồi đắp” cho cửa quan cao vồng lên.
- Chuẩn bị chống giặc đánh thành.
Ngũ Lão vừa hô xong đã thấy hàng vạn tên vác thang mây, gươm, mã tấu cùng cung tên như một đàn kiến khổng lồ xông đến cửa quan.
- Cung thủ bắn tên!
Ngũ Lão vừa ra lệnh thì hàng trăm mũi tên bay xuống. Những thằng giặc Nguyên Mông đầu tiên đã ôm ngực, ôm bụng, thậm chí ngã bật ngửa ra trước quan ải. Nhưng lớp này chết, thì có cả chục lớp khác lao lên. Chúng đã gác được thang mây vào tường thành và thoăn thoắt trèo lên.
- Ném đá xuống! Bắn tên lửa tẩm dầu xuống!
Ngũ Lão liên tục ra các mệnh lệnh.
Đá của chính quân Nguyên Mông bắn tới, giờ lại được lính Đại Việt hò nhau đẩy xuống. Những tên lính kỵ Mông Cổ từ phía sau đã liên tục bắn tên lên thành, hỗ trợ cho bọn lính bộ leo lên. Đã có những người lính Đại Việt trúng tên đổ gục xuống.
- Chuẩn bị gươm và mã tấu!
Những tên lính Nguyên Mông đầu tiên vừa leo lên mặt quan ải đã bị chém rụng xuống như chém chuối. Nhưng bọn chúng dường như không biết “cái chết” là gì! vẫn cần mẫn và dũng cảm vô song, cây đao của Ngũ Lão lia hết đợt này đến đợt khác, xác giặc đổ xuống hào từng đống, từng đống một. Đã có những tên lọt được lên mặt thành. Những cây gươm cong vung lên rất thiện nghệ, khiến lính Đại Việt phải lùi lại hoặc dạt ra. Ngũ Lão vừa chiến đấu vừa hò hét ra lệnh, vừa phải bao quát. Ở những chỗ gay cấn nhất Ngũ Lão đều có mặt. Những tên lính Nguyên Mông dũng cảm và thiện chiến nhất, dù đã chiếm được một khoảng trống trên mặt thành, đều không trụ được trước những đường lia ngọt sớt của thanh đại đao trong tay Ngũ Lão!
- Dầu sôi! Dầu sôi đổ xuống! Tên lửa bắn theo!
Những chiếc thang mây cháy rừng rực, đổ gục kéo theo những tên lính bị bỏng nặng, bò lê, bò càng dưới chân quan ải.
Đoạn hào rộng và sâu như một khúc sông nhỏ đã lấp đầy xác giặc.
Sau một khắc giờ đợt công kích thứ nhất của giặc đã tạm lui.
Sau khi ra lệnh chuyển những người đã chết và bị thương xuống phía dưới, Ngũ Lão ra lệnh tiếp:
- Chuẩn bị xếp các bè chuối rừng tươi lên mặt quan ải!
Những chiếc “cối đá lỗ” đã được ném vội đi. Và bây giờ thay thế lên trên là các bè chuối rừng tươi. Binh lính Đại Việt vừa “lợp xong mái nhà” thì cũng là lúc các thùng dầu sôi sùng sục được bắn tới.
- Tất cả vào chỗ nấp!
Tuy nhiên các thùng dầu không thể bắt lửa, bởi các bè chuối tươi đã “triệt tiêu” một phần sức nóng. Sau nửa khắc giờ “oanh tạc” kiểu mới, hàng vạn quân Nguyên Mông lại hò nhau vác thang mây xông lên. Xong lần này thì quá dễ cho lính Đại Việt.
Tường quan ải còn ướt sũng dầu, được bùi nhùi lửa quăng xuống. Thương thay cho những tên lính đi đầu giãy giụa trong ngọn lửa và thiêu cháy còng queo. Sau hai lần “tổng công kích” không có kết quả. Ô Mã Nhi cho giở chiêu thứ ba ra. Lần này là một thân cây cổ thụ bọc sắt được hàng trăm tên lính cũng bọc giáp sắt từ đầu đến chân đẩy ra. Đến đoạn hào dẫn vào chân thành, một chiếc cầu phao được ngả ra. Hàng vạn lính lại tiếp tục công thành để hỗ trợ cho tốp lính đẩy cây lim cổ thụ đầu bọc sắt nhọn thúc vào cổng quan. Mỗi lần cây gỗ được rút ra và lao vào là hai cánh cửa sắt rất dày của quan ải lại rung lên bần bật.
Đá ném xuống, tên bắn xuống tới tấp. Nhưng những tên lính đẩy xe có khiên sắt, áo giáp sắt bảo vệ nên dường như chỉ như “muỗi đốt gỗ”. Hai cánh cửa sắt đã bắt đầu lung lay bản lề. Trước muôn vàn nguy cấp Phạm Ngũ Lão đã ra lệnh:
- Đổ dầu sôi! Đổ thật nhiều dầu sôi! Bắn tên lửa xuống.
Dầu như tưới như tắm lũ lính được bọc sắt, bắt lửa cháy lên đùng đùng. Những cây đuốc sống bỏ chạy tán loạn, rồi gục xuống, chết trong đau đớn. Cây gỗ khổng lồ cũng bén lửa cháy từng đoạn… Ô Mã Nhi lồng lộn gầm lên ra lệnh lui quân.
Sau một ngày thử lửa, Ngũ Lão và ba vạn lính Đại Việt đều “bở hơi tai”. Chưa kể hơn một ngàn lính bị thương và hơn một ngàn lính tử trận. Ngũ Lão sai giám quân tập hợp các đầu lĩnh các đội lại. Tất cả khoảng hơn một trăm người. Sau khi khen ngợi, động viên tất cả mọi người, Ngũ Lão nói:
- Nếu cứ tiếp tục thế này, chúng ta không thể trụ nổi sau năm ngày. Mà lệnh của Quốc công Tiết chế là phải giữ được ải trong mười ngày. Bởi thế quân phải chia làm ba đội. Một đội nghỉ ngơi lấy sức, hai đội giữ quan ải. Riêng Ngũ Lão tôi, ăn nghỉ ngay trên quan ải.
Mọi người không ai có ý kiến gì.
Ngũ Lão gọi riêng quan coi lương thảo và hậu cần lại hỏi:
- Các thổ hào địa phương đã cấp đủ lương thảo, tên bắn và bè chuối cho ta chưa?
- Bẩm thống tướng! Rất đầy đủ ạ! Riêng Nguyễn Lĩnh còn hăng hái xin đưa quân lên giữ ải.
- Quốc công Tiết chế đã tính toán như thần. Không có các đầu lĩnh địa phương… thì không thể giữ nổi quan ải trong ba ngày. Còn với Nguyễn Lĩnh ngươi nói với ông ta, đêm nay đưa người đến tập kích… và nếu đốt được một góc nhỏ của trại giặc thì cũng rất tốt… Vấn đề là gây thanh thế… Và làm cho giặc Nguyên Mông hoang mang…
Phạm Ngũ Lão vừa nói với viên quan coi lương thì Nguyễn Lĩnh và Nguyễn Địa Lô đến. Thật là mừng hơn bắt được vàng. Phạm Ngũ Lão thân ra ngoài đón hai vị đầu lĩnh. Hai vị này không đi người không, mà đem theo đến cả chục người khênh cho mấy đùi nai, rượu và các thứ đồ nhắm khác, Nguyễn Địa Lô giọng oang oang:
- Phạm Tướng quân đánh một trận hay quá! Chúng tôi trên sườn núi theo dõi suốt cả ngày. Chờ bây giờ yên ả mới xuống! Tiện có rượu và thịt nai khô đây! Chúng ta làm vài bát rồi bàn việc cũng không muộn.
- Ấy chết! Xin các đầu lĩnh cho hai chữ “đại xá” cho. Lúc này làm gì có tâm trí đâu mà ăn mới uống được. Vả lại còn quân lính nữa… Cả ngày chiến đấu giữ ải, người chết người bị thương cũng khá nhiều. Cơm chỉ có hai nắm với muối vừng, muối lạc. Ta chè chén lúc này thật là bất tiện.
- Phong tục của chúng tôi ở đây là thế! Phải có bát rượu để mở đầu câu chuyện - Nguyễn Lĩnh đế thêm vào.
- Nếu vậy thì mỗi người một bát thôi nhé! Còn thịt nai… chuyển xuống nhà ăn… chuyển tới các binh lính bị thương ăn…
- Thôi thế này cũng được! - Vị quan coi lương tán đồng vào hùa với Ngũ Lão.
Sau khi mỗi người uống cạn một bát rượu Phạm Ngũ Lão vào việc luôn:
- Ngày mai… à không “có thể là ngay bây giờ lúc giặc Thát sẽ cho máy bắn đá, bắn dầu sôi… bắn sâu vào quan ải. Nếu như thế kho tàng lương thực sẽ bị cháy rụi, phá hủy hết. Ngay cả ngựa nữa… cũng sẽ bị thương vong. Bởi thế ngay bây giờ tôi nhờ hai vị đầu lĩnh đưa người tới chuyển các lính bị thương trước, rồi đến kho tàng, ngựa nghẽo… lùi sâu vào quan ải khoảng hai mươi dặm. Bây giờ đang là mùa đông, mưa phùn gió bấc còn phải giữ cỏ cho khô, lương không bị ướt… Các vị có thể giúp được không? Nếu cần thì nói với quan coi lương huy động thêm vài trăm người của quân triều đình cùng bắt tay vào làm ngay…
- Làm ngay thì không kịp! Ít nhất là phải một canh giờ nữa chúng tôi mới huy động được người. - Nguyễn Lĩnh nói. - Nhưng cùng với khoảng ba trăm lính của Phạm tướng quân chúng tôi bảo đảm đêm nay sẽ làm xong mọi việc tướng quân giao.
- Thế thì tốt quá rồi! Nhưng sớm được chút nào, hay chút ấy!… Còn một việc nữa, từ nửa đêm đến gà gáy, làm sao các vị đầu lĩnh cho các tay thợ săn linh lợi, đột nhập vào các trại của Ô Mã Nhi, đốt lửa ở một số nơi… Nhất là các kho lương thực của chúng thì rất tốt. Gây thiệt hại là một phần, cái chính là làm cho chúng mệt mỏi, dẫn đến hoang mang…
- Chúng tôi đã chuẩn bị mấy đội cảm tử theo lời dặn của Quốc công Tiết chế rồi! Đêm nay sẽ tiến hành luôn. Anh em trèo núi, luồn rừng như con sói, con hổ… chúng nó không thể ngờ và trở tay, đối phó kịp.
Mọi người vừa bàn tới đó thì trước quan ải đuốc đốt sáng trưng, Ô Mã Nhi ngồi xe, xúm xít xung quanh có đến hàng trăm tên xúm vào đẩy. Đứng ngoài tầm tên bắn thì bọn chúng dừng lại. Một tên bắc loa gọi lớn:
- Nguyên soái Ô Mã Nhi của thiên triều mời tướng quân Phạm Ngũ Lão ra nói chuyện.
- Ô Nguyên soái về nghỉ đi! Chúng ta không có chuyện gì để nói với nhau nữa. Bây giờ chỉ có thể nói bằng cung tên, giáo mác, đao kiếm mà thôi! - Phạm Ngũ Lão đứng trên quan ải quát vọng xuống.
- Xin Phạm tướng quân đừng làm mất cái tình của Nguyên soái chúng tôi! - Tên phát loa vẫn lải nhải.
- Ngươi nói với Ô Nguyên soái hãy về đi! Thích thì đánh tiếp ngay bây giờ… Không thì ngày mai lại quyết một trận tử chiến nữa. - Phạm Ngũ Lão nói tiếp.
- Ngươi đã cạn tình như vậy thì đừng có mà hối hận đấy!
- Ô Nguyên soái và các ngươi nghĩ rằng đang đứng ở ngoài tầm cung của ta chăng? Ta có thể lấy mạng Ô nguyên soái ngay lúc này. Nhưng như các ngươi nói… còn có chút tình nên mũi tên của ta chỉ bắn vào tay vịn của xe đẩy Ô Nguyên soái mà thôi!… Các ngươi hãy xem đây! - Nói rồi Phạm Ngũ Lão giương cung, kéo căng hết dây nhằm đúng vào tay ngai của xe Ô Mã Nhi và buông dây. Mũi tên lao vun vút. Chưa đầy một cái chớp mắt đã cắm ngập vào tay vịn bằng gỗ của chiếc xe. Ô Mã Nhi và đám tùy tùng cả kinh hò nhau đẩy xe ngược trở lại.
- Phạm Ngũ Lão! Khá khen cho ngươi! Nhưng ngươi hãy đợi đấy! Quan ải của ngươi dù có là cổng trời thì trong ngày mai ta cũng phá nát được. - Sau khi đã lùi xa, đích thân Ô Mã Nhi cầm loa gọi lại.
Trên quan ải, Phạm Ngũ Lão và binh lính được một đêm yên ả. Nhưng phía trại Nguyên Mông lửa rực cháy ở khắp nơi. Các đám cháy không lớn lắm. Nhưng cứ xảy ra chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Đến khoảng canh ba thì rực sáng cả một góc trời. Trại cỏ cho ngựa bị đốt ủ từ trong lõi, âm ỉ suốt một canh giờ. Đến lúc bùng lên thì không tài nào có thể dập tắt được.
Tờ mờ sáng, binh lính vừa ăn sáng xong thì máy bắn dầu sôi từ trại Ô Mã Nhi xối xả trút sang. Đúng như dự đoán của Phạm Ngũ Lão, hôm nay chúng bắn sâu vào trong quan ải. Đã có một số đám cháy bùng lên. Nhưng lương thảo, ngựa và các đồ dùng thiết yếu như cung tên đã được chuyển ra xa. Phạm Ngũ Lão ra lệnh cho quân lính không cần dập lửa để tránh thương vong, trừ chỗ nào quá quan trọng. Sau trận dội lửa chừng nửa khắc giờ là trận oanh kích bằng “cối đá”, “đạn bắn” lúc lên mặt quan ải, lúc sâu vào phía trong, không theo một trật tự nào. Trừ Phạm Ngũ Lão và một số lính đứng bên ngoài cảnh giới. Tuyệt đại đa số đều núp vào các vị trí an toàn. Sau năm trận “oanh kích” tơi bời là tiếng hò reo dậy đất của hàng vạn binh lính đen đặc cả thung lũng trước mặt quan ải. Tiếng trống trận phía sau cũng thúc lên rộn rã. Hết chiếc thang này bị chém rơi xuống thì lập tức lại có hàng loạt chiếc thang khác được móc vào tường thành. Hôm nay đa số lính công ải là lính Mông Cổ đầy vẻ hung hãn.
Đã qua một ngày thử lửa Phạm Ngũ Lão có phần điềm tĩnh hơn, ít quát tháo lớn mà thường ra lệnh bằng các động tác chỉ trỏ. Chỗ nào nguy cấp lắm thì đích thân Ngũ Lão xách đao chạy đến. Chỉ vài đường đao là “trật tự được vãn hồi”. Binh sĩ có gầy rộc đi, nhưng vẻ rắn rỏi, tự tin hơn. Như nước triều dâng, lính Nguyên Mông hết lớp này bị đẩy xuống, lớp khác lại ào ạt xông lên. Đến quá giờ Ngọ, Ô Mã Nhi mới đánh chiêng thu quân ăn trưa.
Sau hơn một khắc giờ yên ả, quan ải lại sôi lên với các trận bắn đá và dầu sôi. Và điệp khúc xung phong công ải lại tiếp tục diễn ra.
Tối, đèn đuốc trước quan ải được quân Nguyên đốt sáng như ban ngày. Và bọn chúng đã đổi chiến thuật công kích không ngưng nghỉ đến tận canh ba. Phía bên này, Ngũ Lão đã lường trước nên cho lính quay vòng nhịp nhàng. Chỉ mình chàng là ăn, nghỉ và chiến đấu suốt ngày đêm trên quan ải. Người đen xạm, tanh tưởi bởi mùi máu và mồ hôi. Ba nắm cơm với mấy ống bương nước đã cho Ngũ Lão tỉnh táo, dũng mãnh và dẻo dai đối chọi với đủ mọi tình huống tấn công của kẻ thù.
Ba ngày. Rồi năm ngày trôi qua. Hai hố mắt to trũng sâu xuống. Hai gò má nhô cao, nhọn hoắt chỉ còn da. Nhưng càng đánh Ngũ Lão càng thấy tỉnh táo vô cùng. Hai đầu lĩnh Nguyễn Địa Lô và Nguyễn Lĩnh buổi chiều tối thường tạt qua. Trao đổi và nhận nhiệm vụ từ Phạm Ngũ Lão. Họ cũng thường mang các ống giang chè lam và các miếng thịt nai khô vừa nướng lại. Nhưng Ngũ Lão thường nhường cho các người lính xung quanh. Thi thoảng chàng mới cầm một khúc chè lam và một miếng thịt nai. Nhai thong thả như để tận hưởng hết vị thơm dẻo của gạo nếp nấu trong ống giang và vị đậm đà, ngon ngọt của thịt thú rừng.
Qua ngày thứ chín thì có lệnh từ Đại bản doanh Vạn Kiếp, sáng ngày thứ mười thì tập trung tất cả những gì có thể đốt được, thì chất chật trong quan ải. Tờ mờ sáng, Ngũ Lão cho bộ binh rút trước. Kỵ binh rút sau. Ngũ Lão cùng năm mươi kỵ binh châm lửa đốt quan ải rút sau cùng.
Quốc công Tiết chế và Dã Tượng đón Ngũ Lão ở ải Nội Bàng (vùng giữa Bắc Giang bây giờ). Không có thời gian trao đổi nhiều, Hưng Đạo vương sau khi úy lạo, khen ngợi thì lệnh cho Ngũ Lão:
- Con đem quân về Vạn Kiếp nghỉ ngơi. Ở Đại bản doanh chỉ còn một vạn. Bảy vạn cha mang lên đây. Để cha thử sức với bọn chúng một trận xem sao?
Vượt qua ải Chi Lăng, hơn mười vạn quân của Ô Mã Nhi tràn xuống Nội Bàng như nước vỡ bờ. Hưng Đạo Vương dàn quân ra ngăn cản. Nhưng quân kỵ của Ô Mã Nhi không chỉ tấn công trước mặt mà tỏa ra đánh vòng từ bốn phương tám hướng. Đất đồi khá bằng phẳng khiến các vó ngựa bị kìm hãm ở Chi Lăng thả sức tung hoành. Các kỵ sĩ Mông Cổ với những thanh gươm cong, thường đứng trên bàn đạp rồi chém bổ xuống khiến binh lính nhà Trần không tài nào chống đỡ được. Hơn một vạn lính chết trận. Hơn một vạn bị bắt làm tù binh. Bọn giặc bắt cởi áo ra, thấy ai có thích chữ Sát Thát là chém chết ngay tại chỗ. Gần năm vạn quân Trần còn lại bỏ chạy tán loạn. Hưng Đạo vương cùng Dã Tượng phải liều chết mới tháo chạy được về phía sông Lục Nam. Nhưng tới nơi thì thủy quân cũng đã tháo chạy hết từ lúc nào. Hưng Đạo vương định đi men theo sườn đồi về Vạn Kiếp. Dã Tượng thưa:
- Yết Kiêu chưa thấy Quốc công Tiết chế về thì chắc chắn là chưa đi đâu!
Hưng Đạo Vương cùng Dã Tượng và mấy tên lính hầu men theo bờ sông ra bãi Tân, thấy chỉ còn trơ trọi một chiếc thuyền của Yết Kiêu cắm đợi.
Hưng Đạo vương cảm động nói:
- Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chỉ là chim thường thôi.
Yết Kiêu đưa Hưng Đạo vương trở về Vạn Kiếp, thấy xác người, xác ngựa chết la liệt ở trước Đại bản doanh. Phạm Ngũ Lão ra rước Người vào trong trại. Lính theo sự chỉ huy của Phạm Ngũ Lão đang đào hào và đóng cọc làm hàng rào che chắn kiên cố bên ngoài.
- Không ngờ kỵ binh của bọn chúng lợi hại thế! - Lần đầu tiên Hưng Đạo Vương than. - Vả lại quân ta gần hai mươi năm không tham chiến nên cũng có phần nao núng.
- Số tàn binh gần ba vạn chạy về đây, con đã cho gom cả lại. Biên chế theo đội ngũ mới. Một quân từ Chi Lăng về ghép với một tàn binh, số quân hiện giờ cũng trên năm vạn. Nếu giặc đến, ta cố thủ cũng có thể trụ được năm, bẩy ngày. - Phạm Ngũ Lão thưa với Hưng Đạo vương.
- Bọn chúng sẽ không muốn mất thời gian đánh vào đây nữa đâu! - Hưng Đạo vương đáp. Chúng sẽ đánh thắng xuống Thăng Long… Không biết hai Thánh thượng đã kịp rút chạy chưa? - Giọng Người trầm hẳn xuống.
Một đêm dài giá rét trôi như vô tận trong Đại bản doanh ở Vạn Kiếp. Mọi người đều im lặng, ưu tư. Rạng sáng tiếng quân reo, ngựa hí vang động cả một vùng. Phạm Ngũ Lão vác đao nhảy bổ ra. Ồ, thì ra quân mình.
Đầu tiên là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng đem năm vạn quân từ vùng Đông Triều đến. Tiếp đó là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn. Gần trưa là Minh Hiếu vương Trần Quốc Uẩn và Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện. Mỗi người đều dẫn theo năm vạn quân. Hưng Đạo vương cười lớn mà rằng:
- Thế là lại có đủ sức để chọi với giặc dữ rồi!
Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt - Bùi Việt Sỹ Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt