Số lần đọc/download: 178 / 17
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:21 +0700
Chương 9
C
ắm ở làng Giềng ra thì trăng cuối tháng đã nghiêng nghiêng một mảnh trên đỉnh núi U Sung. Đêm hè, trời trong suốt. Từ đồng lúa làng Giềng nhìn về, thấy những xóm thôn thu gọn lại từng khóm đổ dốc về phía cửa sông. Con suối lớn vào mùa lũ ồn ào như bầy ngựa chứng[67]. Ngọn suối bắt nguồn từ núi trên U Sung, qua làng Hẻo, rồi quanh co hình chữ S, lượn qua làng Thác, êm đềm trôi qua làng Nhớn, cuối cùng uốn một nét cong nhẹ giống cái cánh nỏ thật đẹp đi giữa đôi bờ đồng lúa làng Giềng ra tới con sông Hồng. Con suối chia đôi đất Cam Đồng, như cái xương sống của cơ thể, cứ mỗi đoạn chảy lại nhận thêm nước của một khe nước nhỏ, sau cùng dồn nước một cách hào phóng vào dòng sông Hồng mênh mang.
Mỗi người là một khe nước nhỏ góp nước cho suối. U Sung và các làng Hẻo, Thác, Nhớn, Giềng như năm khe nước nhỏ góp nước vào con suối để suối đồ nước vào con sông lớn. Cam Đồng góp sức cùng cả nước đánh giặc. Nhớ tới hình ảnh con suối góp nước vào dòng sông, Cắm nhớ tới chú bé Tiển. Hôm rồi, chi bộ họp kết nạp Va, Mòn và Sào. Chả ai bảo mà Tiển tự động đến làm nghĩa vụ canh gác cho cuộc họp. Nó leo lên cây mít rừng, hễ cứ thấy bóng người lạ lảng vảng ở chân đồi là lấy sáo ra thổi báo hiệu! Ôi, con người của quê hương mình tươi đẹp, từ chú bé thiếu niên đã khòn ngoan tài tình và đâu có chịu khuất phục trước cường quyền!
Những ý nghĩ đẹp đẽ của Cắm càng dồi dào hơn khi anh vượt qua đồng lúa vào làng Thác. Lúa trên đồng làng ở đây đã vào đòng và hương bưởi từ đâu bay tới gợi nhớ mùa thu. Những mùa thu tưng bừng tiếng trống sư tử, có bưởi vàng, hồng đỏ, có bánh nếp, có xôi nhuộm đủ năm màu. Những mùa thu của thời trai trẻ của Cắm nào đã xa xôi gì. Cắm thổi sáo tài lắm, bài lượn[68] nào cũng thuộc. Chị Yên quê ở Gia Phù mê tiếng sáo của anh mà yêu anh. Ôi, những năm tháng yêu đương của anh và chị. Tình yêu, phải, chính là nhờ nó mà cơ cực trở nên nhẹ nhõm hơn. Nhưng, có phải chăng, cũng chính là vì yêu thương mà hoá ra uỷ mị, đớn hèn, yếu đuối? Nhất là từ ngày anh bị địch bắt tù trở về. Chị Yên vợ anh hiển nhiên vẫn là một tình yêu son sắt với anh, nhưng có phải vì thế mà lúc nào cũng níu kéo cản trở anh. Đêm qua, thấy anh sửa soạn đi, chị đã lại giấu biệt cái đèn ló của anh. Chuyện chẳng ra đâu với đâu mà hai vợ chồng to tiếng với nhau. Cuối cùng, chị dằn dỗi anh và xách túi quần áo bỏ anh, trở về bên quê ngoại ở xã Gia Phù. Nhưng chắc rồi chị sẽ hiểu cho anh. Vì Gia Phù cũng đã có cán bộ từ vùng tự do vào gây cơ sở như Cam Đồng. Cách mạng đang có bước phát triển mới. Ngay Cam Đồng đây vừa rồi cũng đã được bổ sung thêm Kim, một cán bộ mới ở vùng tự do vào, hiện đang nằm ở nhà Mòn bên làng Giềng. Giờ đây, giữa cảnh đêm trăng bát ngát, nghĩ đến phong trào chung, liên hệ đến chuyện gia đình minh, anh thấy nao nao một nỗi buồn phiền.
Tiếng sáo vẳng ra từ cái xóm ba nhà ở làng Thác khiến đang đi, Cắm phải dừng chân và khi nhận ra đó là tiếng sáo của Tiển, anh bỗng thấy lòng vợi nhẹ đi chút ít.
Cắm đứng lại dưới chân sàn nhà Tiển khi tiếng sáo vừa dứt. Trên sàn phơi, câu chuyện dưới trăng của anh Tố và Tiển đang vào độ say nên chính anh cũng bị cuốn vào mê mải.
- Tại sao Tiển lại biết anh là Việt Minh?
- Em nhìn thấy anh nằm trong rừng Khuổi Pất.
- Chà, thì ra chính em là người đã giải lá chuối khô cho anh nằm?
- Em không nhớ đâu. Anh Tố, anh nhìn kìa, trăng sáng quá anh nhỉ.
- Trong ánh trăng, trông quê hương Cam Đồng mình càng thấy tươi đẹp em nhỉ?
- Đẹp thật, anh à. Kia, anh có thấy con suối lóng lánh sáng hai bên bờ là đồng lúa xanh không. Con suối từ U Sung về, nối làng Hẻo, làng Thác, làng Nhớn, làng Giềng với nhau đấy. Anh à, dưới miền xuôi có trăng đẹp không anh?
- Đất nước ta dài rộng lắm. Trăng chiếu sáng trên khắp đất nước tươi đẹp của chúng ta.
- Em ước gì được đi đây đi đó trên khắp đất nước tươi đẹp mình, anh à.
Tố ôm vai Tiển, rạo rực:
- Đúng rồi! Chim én phải liệng trên trời cao chứ!
Hai anh em cùng ngước lên. Trên cao, một mảnh trăng rừng vàng ánh đã ngả bóng chênh chếch bên ngọn núi U Sung nhô cao một sắc lam chàm huyền ảo.
- Chà! Trăng và núi! Con suối và các thôn bản. Sao cảnh vừa thơ mộng vừa hùng vĩ thế nhỉ!
Cắm vừa đánh tiếng vừa lập chập bước lên thang. Tiển và anh Tố cùng reo. Bỏ chiếc túi thổ cẩm trên vai lên mặt sàn, Cắm ngồi xuống cạnh Tiển:
- Hây dà, mát thật. Ngồi đây vừa ngắm cảnh bản làng tươi đẹp vừa nghe chuyện anh Tố kể thì thích quá!
Tố nhoẻn cười:
- Anh đến từ lúc nào thế?
- Anh thiếu cảnh giác nhé!
Tiển nhổm dậy:
- Em biết anh Cắm đến từ lúc anh lội qua suối kia.
Cắm cười, gật gật đầu:
- Giỏi, giỏi! Anh Tố này, cho Tiển chính thức làm liên lạc của tổ chức được rồi đấy!
o O o
Từ hôm ở nhà ông Yểng về, lòng dạ ông Phù chẳng lúc nào yên. Ông ăn không ngon miệng, ngủ không đẫy giấc. “Ở ngay, bóng không chệch.” Ông Yểng nói thế là có ý ám chỉ bóng gió ông chăng? Nghĩ thế nên hôm sau, ông lại sang nhà ông Yểng. Ngần ngừ mãi ông mới vào chuyện. Ông nói, ông lo sắp tới Việt Minh sẽ nổi lên làm đảo chính. Như là Nhật đảo chính Pháp. Rồi cứ thấy người đã từng làm việc với Tây là cho chung vào một rọ rồi xỉa ba- don- nét là chết hết. Ông nói, ông chẳng qua là nhờ dành dụm nên có tí của ăn của để thôi. Chứ ông không ăn nhờ lương Tây.
Ông Yểng lắc đầu, bảo: Việt Minh chắc chẳng vơ đũa cả nắm thế đâu.
Cuối cùng ông binh thầu tính toán khôn ngoan, ngỏ ý với ông Yểng, nhờ ông bắn tin với Việt Minh là xin được gặp họ để bày tỏ thiện ý quy thuận. Ông nói: Ta phải có sự thông đồng trước với họ, để nhỡ họ thắng, họ châm chước cho!
Chiều nay lấy cớ có đàn lợn rừng về phá lúa, ông Phù bắt tất cả vợ con, dâu, rể ra ngủ lều ruộng. Còn lại một mình ông đi đi lại lại chờ đợi, tới lúc chập tối, vừa thấy bóng một người trẻ tuổi, thanh mảnh bước lên cầu thang, ông Phù vội hấp tấp ra cửa đón. Ông chắp hai tay, vái dài một cái, đoạn vừa sung sướng vừa sợ hãi quỳ xuống sàn khi người kia đặt chân vào ngưỡng cửa:
- Kính chào quan đồng chí ạ!
- Chào ông Phù. - Tố vội đỡ hai tay ông Phù dậy. - Ông đừng gọi tôi như thế. Cứ gọi tôi là cán bộ.
- Dạ, thưa quan... À thưa cán bộ, em không được biết, cán bộ... thứ lỗi cho. - Đứng dậy, chân tay vẫn còn run, ông Phù líu cả lưỡi. - Dạ, thưa cán bộ, đã mấy lần em gặp ông Yểng, em có ngỏ ý xin được gặp ngài. Nay ngài lại hạ cố đến, thật là quá điều mong ước của em.
Nói xong câu ấy, ông Phù thở dốc một hồi, đoạn với siêu nước sôi rót vào cái ấm tích men trắng bóng và liếc nhìn Tố. Thấy anh có dáng vẻ giản dị trong bộ quần áo chàm cũng như mình, lại gầy gò, xanh xao, ông thấy mình có chút bình tĩnh trở lại. Ngồi xuống chiếc ghế mây, khoanh hai tay trước ngực, ông bắt đầu vào chuyện:
- Dạ lòng em như nước lã đổ chén nước trong. Em thực không có ác tâm. Chẳng qua là vì ở trên họ bó buộc, thúc ép em. Chứ thời buổi nào cũng lấy dân là quý chứ ạ. Quan to, quan nhỏ gì thì cũng nhất thời thôi, chứ vạn đại là dân, em nói thế có đúng không ạ?
- Ông Phù này...
- Dạ. Thú thật với ngài, rằng thì là xưa em cũng trót đi lính cho Tây. Nhưng rồng là rồng, ngan là ngan, quỷ thần chứng giám cho em. Nguyên do là thế này, em đi ở rể nhà ông Phó O ở Gia Phù. Con trai ông đến phiên đi. Thương anh ấy có vợ mới đẻ, em mới đành phải đi thay. Dà, đi lính cho Tây, tiếng là có lương, nhưng khổ nhục hết chỗ nói ạ.
Tố khẽ gật đầu:
- Thật thế đấy, ông Phù ạ. Thực dân Pháp cướp nước ta, hà hiếp, bóc lột dân ta. Dân ta, ai cũng khổ. Nông dân thì bị bóc lột tô, thuế, phu phen tạp dịch. Anh em binh lính thì phải ra trận làm bia đỡ đạn cho chúng.
- Dạ, ngài dạy thật đúng!
- Nay, ông trở về làm binh thầu trong xã này, ở tỉnh này tuy có lúc họ tự xưng danh là xứ tự trị, nhưng thật ra, ông chỉ là người để chúng sai khiến.
- Dạ, thưa ngài, quả là thế. Lơơng slác, slác thuốp hua. Trêu chày, chày đập đầu. Em ăn ở hiền lành. Em làm thôn trưởng đấy, nhưng có bao giờ em dám làm hại ai bao giờ.
- Nếu ông thi hành mệnh lệnh của chúng, chẳng hóa ra ông cam tâm làm tay sai cho chúng hay sao?
- Dạ thưa không. - Ông Phù bật đứng dậy, luống cuống. - Vừa rồi, ông một, ông Ngao bắt dân nộp tre, cau làm đồn bốt, em cũng đã xin khất đấy chứ ạ.
- Ông cứ xưng là tôi. Ông Phù à, nhiệm vụ của mỗi người dân lúc này là đánh đuổi giặc Pháp và bọn tay sai của chúng, giành lại độc lập tự do cho nước nhà. Toàn dân ta, từ em nhỏ tới cụ già, ai cũng phải hết lòng tham gia kháng chiến.
Chắp hai tay trước ngực, ông Phù cướp lời Tố:
- Thưa ngài... Em thật lòng rất muốn tham gia kháng chiến cùng mọi người. Hiềm nỗi, sau mấy năm chinh chiến trận mạc, ăn gió nằm sương, sức lực em nay đã yếu nhược, trong người lại sẵn có bệnh thấp khớp. Cứ chuyển mùa như mấy hôm nay sang thu, là khớp tay chân sưng đỏ tấy lên. Thành ra... Nhưng... Không ạ, không phải là em từ chối. Em vẫn cứ xin là tận tuy. Chẳng giấu gì ngài, thịt, gạo, đồng tiền, tiếng thế nhà em cũng dư dật hơn các anh em khác chút đỉnh.
Nhìn thẳng vào gương mặt trắng bợt trong đêm của ông Phù, như nhìn thấu lòng dạ ông, Tố hạ giọng:
- Sự đóng góp của ông, cách mạng sẽ ghi nhớ. Chúng tôi chỉ yêu cầu ông một điều: Ông đã theo Việt Minh thì phải một lòng một dạ. Còn bây giờ, tôi bàn với ông một số việc cụ thể, muốn ông giúp đỡ.
Được lời như cởi tấm lòng, ông Phù tì ngực vào thành bàn, vẻ mặt vừa thành kính vừa sung sướng, đón nghe.
o O o
Tiển cầm cây sáo, đứng ở gốc mít ngoài cổng nhà ông Phù. Đêm đầu thu. Sương nặng. Đom đóm lập lòe đèn xanh đèn đỏ như mũi kim xuyên vải, lúc ẩn lúc hiện. Xa xa, vọng lại mơ hồ tiếng bánh xe đá nghiền thóc của hai cái cối ngàn. “Phải canh gác từ xa thì mới chắc chắn.” Tiển nghĩ và đi ra con đường làng, đứng dưới gốc bưởi, dõi mắt về phía làng Nhớn, về phía đồn Tây. Im lặng. Sương rơi lộp độp như ai ném sỏi. Chột dạ khi nghĩ rằng ngộ nhỡ có kẻ gian từ khu ruộng mò lên, đi thẳng vào nhà ông Phù, Tiển lại vội vàng quay về gốc mít.
Sương thu đọng hạt trên chỏm mũ nồi. Hai vành tai lạnh cóng. Tiển kéo vành mũ xuống sát mang tai. Có chuyện rồi chăng? Tiếng gì như tiếng những bước chân rón rén từ phía xa đang đi tới. Đã nên thổi sáo giả tiếng chim én báo động cho anh Tố biết chưa? Thôi, hãy cứ khoan đã. Nhấc cao chân, đặt năm đầu ngón chân thật nhẹ trên mặt đất, Tiển tiến lên vài bước. Nín thở, dừng lại, Tiển thấy tiếng động kia mất hẳn, thay vào đó là tiếng thở rù rù như tiếng người hen. Hừ! Đã nên báo cho anh Tố biết chưa đây? Phân vân, dịch lên mấy bước nữa, Tiển rút cây sáo vẫn gài ở sau lưng. Lạ quá, tiếng thở nọ đã biến mất. Giờ đây lại có tiếng móng cào đất. Tiển tìm hòn sỏi, bụng nghĩ: “Nếu là Tây đồn thì nó sẽ bắn. Nó bắn thì anh Tố biết, chạy được.” Rất nhanh, Tiển vung mạnh tay, hòn sỏi bay thẳng về phía trước. “Ngoa... au!” Gào lên một tiếng vừa giận dữ, vừa sợ hãi, một bóng đen mềm mại nhảy vọt qua bờ rào, tọt vào cái vườn rau nhà ông Phù, biến mất!
- Hây dà! Con mèo. Mình cứ tưởng... - Tiển thở phào, mắt chăm chắm nhìn vào đêm tối mung lung.
Cầu thang nhà ông Phù có tiếng chân người. Một chấm đèn vàng hoe soi đường chầm chậm đi xuống.
- Dạ, vâng ạ. Em xin quyết tâm. Dạ, bây giờ em xin ngài một hiệu lệnh để khi gặp các ngài, các ngài biết em, kẻo...
- Gặp chúng tôi, ông cứ xưng là Quyết Tâm.
- Dạ, em xin đa tạ ngài. Kính chào ngài ạ. Em tên là Quyết Tâm ạ.
o O o
Tiển đón anh Tố ở cổng. Hai anh em đi ra phía bờ suối rồi dừng lại ở cạnh gốc vả. Bấy giờ, Tiển mới biết đó là địa điểm gặp gỡ của các anh chị đi công tác đêm về. Đêm tối đã làm cho nơi trống trải thành kín đáo.
Chị Va, anh Cắm cũng vừa tới. Anh Cắm có vẻ sốt ruột. Anh Tố nói:
- Ông Phù thuận lời, nhận giao ước, hứa sẽ chấp hành mọi ý kiến của chúng ta. Brusex, lí Tăm, tổng đoàn Ngao có lệnh gì, ông sẽ báo cáo xin ý kiến ta. Ngoài ra, nếu ta cần gạo, thịt, ông sẽ ủng hộ ngay. Chỉ cần khi kháng chiến thắng lợi thì ta nhớ đến ông, đừng cho ông là Việt gian. Còn việc hoạt động thì xin miễn vì sức yếu.
Cắm buộc lại khăn đầu, phấn khởi:
- Làng Thác thế là thành “làng hoàn toàn”, làng không có tề ác, làng của cách mạng rồi. Hôm nay, đồng chí Va đã họp với chị em phụ nữ lập Hội Phụ nữ Cứu quốc[69], đồng chí Sào cũng đã họp với thanh niên.
Tố cắn môi:
- Bây giờ ta phải tiếp tục mở rộng và củng cố cơ sở làng Giềng, làng Hẻo và U Sung.
- Phong trào làng Nhớn có chiều hướng tốt. - Cắm nói. - Tôi đã lập thêm được một tổ Việt Minh. Còn về phía địch, tổng đoàn Ngao vừa mới đón một tốp dõng về làng, chúng có âm mưu bắt lính ở đây.
- Còn bên làng Giềng? - Tố hỏi.
Va nhỏ nhẻ:
- Bên Giềng, đồng chí Mòn cho biết đã bắt đầu tuyên truyền Việt Minh cho Lẳng. Đồng chí Kim, cán bộ mới được bổ sung, định sẽ công khai thuyết phục lí Tăm.
- Thuyết phục lí Tăm?
- Vâng, nếu không được thì các đồng chí ấy sẽ đột nhập nhà nó, dọa trừng phạt để trấn áp nó.
Cắm giãy nảy:
- A rồi! Thế này thì trời thấp đất cao! Không được! Binh thầu Phù khác, lí Tăm khác. Nhóm lửa trên nước mất thôi!
Tố nhìn Va, gật đầu:
- Đúng thế. Phải ngừng ngay việc này. Nhớ là, ta còn đang ở thời kì bí mật, không được bộc lộ lực lượng. Ngay ngày mai, đồng chí Va phải sang làng Giềng báo cho đồng chí Kim ngừng ngay ý định manh động này.
Cắm vò đầu:
- Tôi biết đồng chí Kim. Trẻ tuổi. Hăng hái. Nhưng chưa có kinh nghiệm. Và chủ quan lắm.
Va ngước lên:
- Ở làng Giềng em còn một bà cô. Để em sang đó gặp anh Kim, anh Mòn.
- Được đấy. - Cắm tán thành. - Đồng chí Va về Giềng cùng đồng chí Mòn phổ biến chủ trương ngừng ngay việc đe dọa thuyết phục lí Tăm. Còn việc mở đường lên vùng Dao ai đi được?
Tố nghĩ nhanh: Lên U Sung, tốt nhất là đồng chí Sào.