Số lần đọc/download: 1946 / 89
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:17 +0700
VII: Trên Đà Tiến
S
au vụ băng vệ sinh, Dina đinh ninh là cả Ishvar lẫn Om sẽ không dám đeo đuổi đến cùng lời mời Maneck dự một bữa cơm nhà làm nào nữa. Mà nếu có đi nữa, cậu cũng sẽ từ chối, vì sợ làm cô phật lòng.
Thế nhưng, chỉ ít ngày sau, lời mời lại được khơi lên, và sự chấp thuận dường như đã mấp mé rất gần. “Dì không thể tin được,” cô thì thầm với Maneck, giọng giận dữ. “Sau việc cháu làm hôm đó, thế vẫn chưa đủ sao? Cháu chọc giận dì chưa đủ à?”
“Nhưng cháu đã xin lỗi chuyện đó rồi mà dì. Om cũng rất hối hận. Hai việc này có liên quan gì đâu?”
“Cháu tưởng xin lỗi là xong hết à. Cháu không hiểu vấn đề. Dì chẳng ghét bỏ gì họ, nhưng họ là thợ may – là người làm công cho dì. Phải giữ khoảng cách. Cháu là con trai Farokh và Aban Kohlah. Có khác chứ, cháu không thể vờ như không có gì được – cộng đồng của họ, gia cảnh của họ.”
“Nhưng bố mẹ cháu chẳng ngại chuyện đó đâu,” cậu nói, cố giải thích rằng mình không được dạy nếp nghĩ đó, rằng bố mẹ cậu khuyến khích cậu hòa hợp với tất cả mọi người.
“Vậy ra cháu muốn nói dì hẹp hòi, còn bố mẹ cháu là những người rộng lượng, tân tiến phải không?”
Cậu phát mệt vì tranh cãi. Đôi lúc cậu có cảm giác như cô đã tiến gần đến ngưỡng thấu triệt điều hay lẽ thiệt, nhưng cuối cùng cô lại phát biểu thêm một câu hàm hồ khác: “Nếu cháu mê bác cháu họ thế, sao không gói ghém đồ đạc mà dọn đến ở với họ luôn đi? Dì có thể viết thư cho mẹ cháu, báo địa chỉ gửi tiền nhà tháng tới.”
“Cháu chỉ muốn đến chơi một lần thôi. Cứ khất lần mãi bất lịch sự lắm. Họ sẽ cho rằng cháu kênh kiệu, không thèm đến nhà họ.”
“Thế cháu đã nghĩ đến hậu quả của một cuộc ghé thăm chưa? Lịch sự là rất tốt, nhưng còn vấn đề sức khỏe và vệ sinh thì sao? Họ nấu nướng thế nào? Họ có đủ tiền mua nổi dầu ăn tử tế không? Hay chỉ mua được thứ dầu thực vật giả, như đa phần dân nghèo khác?”
“Cháu không biết. Họ đã ốm chết đâu.”
“Đấy là vì dạ dày của họ đã quen với nó rồi, ông ngố ạ, còn dạ dày của cháu thì chưa.”
Maneck nhớ lại những thứ thức ăn kinh tởm ở căng-tin mà dạ dày của chính cậu đã phải chịu đựng, và những món quà vặt vỉa hè cậu đã phải cố nuốt suốt mấy tuần lễ cuối trước khi dọn đi. Cậu tự hỏi nếu mình đem chuyện đó ra, không hiểu nó có thay đổi được học thuyết ẩm thực của bà dì chăng.
“Còn nước uống thì sao?” Cô tiếp. “Ở khu họ có nguồn cung cấp nước sạch không, hay lại bị ô nhiễm?”
“Cháu sẽ cẩn thận, cháu sẽ không uống tí nước nào.” Ý cậu đã quyết, cậu sẽ đi. Càng lúc cô càng kẻ cả hách dịch. Ngay cả mẹ cậu cũng không bao giờ kiểm soát cuộc đời cậu như cách dì Dina đang cố làm.
“Tốt thôi, cứ làm theo ý cháu. Nhưng nếu cháu bị làm sao, đừng tưởng dì sẽ làm y tá cho cháu một giây một phút nào. Cháu sẽ bị đưa lên xe chuyển phát nhanh gửi thẳng về cho bố mẹ cháu.”
“Thế cũng được ạ.”
Lần sau, khi Ishvar và Om mời, cậu đáp vâng. Cô đỏ bừng mặt, và nghiến chặt răng. Maneck nở nụ cười vô tội.
“Vậy mai nhé?” Ishvar hoan hỉ nói. “Đến sáu giờ ta sẽ cùng về.” Ông hỏi cậu muốn ăn gì. “Cơm hay bánh chapati? Cậu thích rau gì?”
“Gì cũng được ạ” là câu trả lời của Maneck cho mọi câu hỏi. Hai người thợ may dành cả phần còn lại của buổi chiều để bàn thảo về thực đơn, lên kế hoạch cho bữa tiệc giản dị của mình.
Ishvar là người đầu tiên để ý thấy làn khói từ các bếp nấu không lẩn quất trên đầu xóm lều lán. Ông bước chân thấp chân cao trên vỉa hè nứt nẻ, mắt sục tìm khắp chân trời. Lẽ ra đến tầm giờ này lớp khói mù đã phải dày như một đám mây rồi. “Cả xóm cùng nhịn ăn chắc?”
“Thôi bác đừng lo chuyện bao đồng nữa – cháu đang đói muốn chết đây này.”
“Lúc nào cậu cũng kêu đói. Cậu bị giun à?”
Om không cười; trò đùa đã đến hồi nhạt. Đám khói vắng mặt khiến Ishvar bất an. Thế chỗ nó là những tiếng gầm ì ì, như của một loại máy móc lớn, văng vẳng phía xa. “Sửa đường đêm à?” Ông tự hỏi, khi tiếng ồn lớn dần theo nhịp tiến của họ. Rồi, chợt nghĩ đến bữa tối cho Maneck, ông nói: “Sáng mai bác cháu ta sẽ đi chợ, chuẩn bị sẵn tất tần tật. Không nên phí phạm thời gian sau giờ làm. Giá mày có vợ, vợ mày đã lo nấu nướng xong xuôi và đợi khách đến rồi.” “Sao tự bác không lấy vợ đi?”
“Bác già quá rồi.” Nhưng, ông tự nghĩ, đùa là một chuyện, quả thực với Om, việc này đã kíp lắm rồi – trù trừ là rất không nên.
“Nhưng cháu đã chọn xong vợ cho bác rồi kia đấy,” Om nói.
“Ai thế?”
“Cô Dina. Cháu biết bác thích cô ta, lúc nào bác cũng bênh cô ta. Bác nên cho cô ta hưởng tí hơi giai mới phải.”
“Thằng mất dạy,” Ishvar chửi và đấm nhẹ thằng cháu, đoạn hai bác cháu rẽ vào con ngõ dẫn đến khu ổ chuột.
Tiếng gầm rú vẫn lăn về phía họ, chậm chạp và bình thản trong ánh chiều chạng vạng, càng lúc càng lớn thêm, chát chúa hơn. Rồi nó nổ bung. Không gian đột ngột choáng ngợp những tiếng gào rú đau đớn, kinh hoảng và giận dữ.
“Hai Ram! Có chuyện gì thế?” Họ băng qua quãng đường sau chót và nhìn thấy cuộc chiến đang đến hồi khốc liệt.
Cư dân khu lều lán bị quét hết ra đường, đang lăn lộn đòi trở lại lán của mình, tiếng la hét của họ hòa lẫn với tiếng rú của còi xe cứu thương đang không cách gì xuyên qua được đám người. Cảnh sát tạm thời mất kiểm soát. Đám đông cư dân tràn lên phía trước, chiếm ưu thế. Rồi cảnh sát tụ lại và đẩy lùi được họ. Nhiều người ngã xuống, bị giẫm đạp, và đám xe cứu thương bồi thêm vào tràng còi ò e xé tai trong khi lũ trẻ con kêu khóc như ri, hoảng hốt vì bị tách khỏi bố mẹ.
Dân cư khu lều lán tan tác tơi tả sau đợt càn quét. Kiệt quệ, họ chỉ biết trút hết nỗi thống khổ vào những tràng chửi rủa bất lực. “Lũ súc sinh lòng lang dạ sói! Chả có tí công lý nào cho người nghèo, không bao giờ! Bọn tao vốn đã gần trắng tay rồi, giờ thì còn chẳng bằng trắng tay! Bọn tao đã làm gì nên tội, giờ bọn tao biết đi đâu về đâu?”
Giữa lúc tình hình tạm lắng, Ishvar và Om tìm thấy Rajaram. “Lúc chuyện xảy ra, tôi đang ở đây,” anh ta vừa thở vừa nói. “Bọn chúng kéo vào rồi – cứ thế phá. Nghiến nát sạch sành sanh. Lũ côn đồ, lũ dối trá…”
“Ai làm việc này?” Họ cố ghìm anh ta nói chậm lại.
“Một bọn, chúng nó bảo chúng là thanh tra an toàn. Chúng lừa bọn tôi. Chúng kêu được chính phủ cử xuống để xem xét tình hình ở khu. Lúc đầu mọi người mừng lắm, tưởng chính quyền quan tâm. Có khi sắp tới đời sống sẽ được cải thiện – nước, nhà xí, đèn điện, như bọn chính trị gia vẫn hứa khi đến kì bầu cử. Thế nên chúng tôi làm theo lời bọn chúng, ai nấy ra khỏi lán hết. Nhưng đến khi cả khu đã trống trơn, đoàn máy lớn kéo đến.”
Đa phần máy ủi là xe jeep và xe tải cũ được lắp thêm tấm ben thép và càng gỗ ngắn ở tấm chắn xóc phía trước, nom như những súc gỗ công thành. Đoàn máy bắt đầu tấn công những mái lán dựng từ gỗ dán, tôn dợn sóng, và nhựa. “Nhìn thấy thế, chúng tôi xông vào cản chúng. Nhưng bọn tài xế vẫn lái tới. Nhiều người bị cán nát. Máu đổ lênh láng khắp nơi. Thế mà cảnh sát lại bảo vệ lũ giết người ấy. Chứ không bọn chó đấy chết lâu rồi.”
“Nhưng làm sao chúng có thể ngang nhiên phá hoại nhà cửa của bọn ta như thế?”
“Chúng nói đó là luật Tình trạng khẩn cấp mới. Nếu là lều lán dựng bất hợp pháp, chúng được phép dẹp bỏ. Luật mới nói cần cải tạo mĩ quan thành phố.”
“Còn Navalkar thì sao? Còn tay sếp của lão, Thokray nữa?
Bọn họ vừa thu tiền nhà tháng này hai ngày trước.”
“Chúng ở đây.”
“Thế mà họ không kêu ca gì với cảnh sát à?”
“Kêu ca gì? Chính thằng Thokray cầm đầu vụ này. Nó đeo băng ghi: Trưởng ban quản lý khu ổ chuột. Còn thằng Navalkar là Trợ lý trưởng ban. Chúng không thèm nói chuyện với ai. Hễ ai trong số bọn tôi cố lại gần chúng, bọn tay chân của chúng dọa đánh ngay.”
“Còn tất cả đồ đạc của chúng ta để trong lán thì sao?”
“Mất hết, chắc thế. Bọn tôi lạy lục chúng cho vào dọn, nhưng chúng không cho.”
Ishvar bỗng thấy bải hoải vô cùng. Ông tách khỏi đám đông và sang bên kia đường, đoạn ngồi phệt xuống đất. Rajaram xốc lại quần rồi ngồi xuống cạnh ông. “Khóc lóc vì mấy cái lều rách đấy phỏng ích gì. Ta sẽ tìm được chỗ khác thôi, chỉ là chuyện vặt thôi mà. Om nhỉ? Chúng ta sẽ cùng tìm một căn nhà mới.”
Om gật đầu. “Để cháu lại gần nhòm xem sao.”
“Đừng, nguy hiểm lắm,” Ishvar nói. “Mày ở lại đây với bác.”
“Cháu chỉ ở quanh đây thôi mà,” Om nói, và lỉnh đi xem xét cuộc tàn phá.
Buổi tối đã dần chuyển màu nhá nhem. Một toán cảnh sát trang bị dùi cui xông xáo rốt cuộc đã dẹp sạch khoảng không bao quanh mặt tiền khu lều lán. Dép guốc của đám đông người chạy loạn rơi đầy mặt đất, vung vãi như những gì còn lại từ một làn sóng người chân tay. Hàng rào cảnh sát, nay đã tại vị vững vàng, giữ cơn thịnh nộ của dân chúng sôi sục ở một khoảng cách an toàn.
Đoàn xe ủi đã san bằng dãy lán tạm bợ và đang chuyển sang khu nhà thuê giá cao, xe lùi lấy đà và tiến tới nghiến nát dãy tường gạch. Om tịnh không cảm thấy gì – cái lán chẳng có chút ý nghĩa nào đối với cậu, cậu thầm nghĩ. Có lẽ giờ bác cậu sẽ đồng ý trở về với ông trẻ Ashraf. Cậu nhớ đến Maneck, mai sẽ qua chơi. Cậu bật cười đau khổ khi nghĩ đến phải báo cho bạn bữa tối đã không còn – lý do hủy là vì nhà của hai bác cháu đã bất ngờ biến mất.
Chiếc loa của Hạ sĩ Kesar toang toang trong bóng chiều nhập nhoạng: “Công việc sẽ tạm ngừng trong ba mươi phút. Nói thật, dừng làm là để cho chúng bay cơ hội gom nhặt lại tài sản đấy. Sau đó máy sẽ tiếp tục.”
Trong đám đông, tuyên bố trên được đón nhận với ít nhiều khinh miệt – đó chỉ là một cử chỉ thiện chí từ cảnh sát để tránh thêm rắc rối thôi. Nhưng đa phần đều mừng rỡ vì có cơ hội lấy lại số của nả ít ỏi của mình. Một trường trườn bò moi móc hiện ra trên đống đổ nát. Nó khiến Om nhớ đến cảnh lũ trẻ trên bãi rác. Sáng nào đứng trên tàu cậu cũng trông thấy chúng. Cậu quay lại với bác để góp mặt vào đám người tán loạn giữa những phế tích.
Đoàn máy đã biến quang cảnh thân thuộc cùng cộng đồng được tổ chức quy củ của nó thành một khoảng không xa lạ. Những người đi tìm tài sản của mình không khỏi hoang mang. Ô đất nào từng làm nền đỡ cho mái lều họ đã ở? Đống gỗ ván và sắt vụn nào là của họ để mà bới tìm bây giờ? Những kẻ khác lại biến hỗn loạn thành lợi thế, vơ vét hết những gì có thể, và xô xát nổ ra vì những mảnh gỗ vỡ, tấm vải sơn rách, miếng nhựa. Có kẻ định đánh thó cây đàn sứt mẻ của anh chàng chơi đàn dạo, nhân lúc anh ta đang mải bới tìm quần áo. Anh chàng vớ lấy một cây gậy sắt đánh đuổi gã kẻ cướp đi. Cuộc ẩu đả gây thêm thương tích cho cây đàn, khiến bụng đàn vỡ toác.
“Hàng xóm láng giềng của tôi biến thành trộm cướp hết rồi,” anh ta vừa khóc mếu vừa nói. “Hồi xưa tôi hát cho họ, còn họ vỗ tay khen tôi.”
Ishvar an ủi anh ta qua loa, trong bụng còn bận lo cho tài sản của chính mình. “Ít ra máy may của bác cháu mình cũng có một mái nhà an toàn ở chỗ cô Dina,” ông quay sang nói với Om. “Ta may đấy.”
Họ kéo tấm lợp dợn sóng xưa kia từng là mái lán sang một bên, để lộ ra chiếc rương. Nắp rương in rõ mấy vết móp khá sâu. Nó mở ra kèm một tràng kẽo kẹt phản đối. Om giơ chân đá vào chỗ móp sâu nhất, nhờ đó nắp rương đỡ kẹt hẳn. Họ dọn bớt rác rưởi và nhặt được chiếc gương con thường dùng để cạo râu. Nó vẫn lành lặn: cái chảo rán bằng nhôm đã úp chụp lên nó như một chiếc mũ bảo hiểm.
“Ta chả bị xui xẻo tí gì,” Om nói, rồi cho cả hai món đồ vào rương. Chiếc bếp Primus bị đè bẹp, vô phương chạy chữa, cậu bèn vứt nó đi. Om tìm thấy chiếc dao cạo, nhưng không thấy gói lưỡi dao đâu. Nhấc thêm mấy tấm gỗ ván ra, họ khai quật thêm được chiếc bình đồng. Có người trông thấy bèn vồ lấy và bỏ chạy.
“Ăn cướp!” Om hét lên. Không ai để ý. Bác cậu vội ngăn cháu đuổi theo người kia.
Họ lôi ra cái chiếu gai, ga, chăn, và hai cái khăn phủ gối.
Rũ ra hàng đám mây bụi, Ishvar cuộn tất cả lại thành một bọc chăn chiếu gọn gàng và bọc bằng vải bố.
Nỗi lo lắng của Rajaram đổ hết vào kho tàng tóc của anh ta. Cái kho đã bị tàn phá, túi ni lông rách tươm, tóc đựng bên trong lòi ra. “Số hàng quý giá tôi gom góp suốt một tháng,” anh ta khóc mếu. “Rơi vãi ra đất hết cả rồi.” Ba mươi phút quy định sắp hết. Ishvar và Om giúp anh ta gom góp lại những gì có thể, chỉ tập trung vào những món tóc dài nhất.
“Vô ích thôi,” Rajaram cay đắng nói. “Lũ khốn giết tôi rồi. Các bím với con tóc đều xổ tung ra rồi, sao còn bện lại với nhau được. Chẳng khác nào gạn lấy đường hạt từ một cốc trà.”
Cả ba len lỏi qua hàng rào cảnh sát, ở đó, Trưởng ban quản lý ổ chuột đang ra lệnh cho công nhân. “San bằng – tao muốn khu này phải được như thế. Quang quẻ và sạch sẽ, y như hồi các công trình trái phép chưa được dựng lên ở đây.” Xà bần sẽ được đổ xuống con mương gần đường ray tàu hỏa.
Đám người vừa bị trốc mất nhà nán lại bên ngoài, đờ đẫn nhìn. Đám thợ ủi đổ những bức tường và các xó xỉnh còn trụ lại sau cuộc công phá đầu tiên, rồi dừng lại, kêu rằng trời tối quá, máy không tài nào đổ gạch vữa vụn mà không sa xuống mương cho được. Ngài Trưởng ban quản lý ổ chuột không dám làm liều, sắp tới vẫn còn khối việc cần đến máy móc của hắn, còn nhiều khu lấn chiếm bất hợp pháp cần bị dẹp bỏ. Hắn đồng ý hoãn giai đoạn cuối cùng cho tới sáng mai, đám công nhân bèn ra về.
“Tôi sẽ ngủ lại đây,” Rajaram nói. “Biết đâu lại tìm thấy thứ gì giá trị quanh khu này. Hai bác cháu định thế nào?” “Chúng ta nên đến nhà Nawaz,” Ishvar nói. “Có lẽ ông ấy sẽ lại cho chúng ta ngủ nhờ dưới mái hiên sau nhà.”
“Nhưng lão đối xử với ta có ra gì đâu.”
“Đã đành là thế. Biết đâu ông ấy sẽ giúp ta tìm một căn nhà mới, như đã làm lần trước ấy.”
“Phải, nên thử lắm,” Rajaram nói. “Còn tôi sẽ xem tình hình ở đây diễn biến thế nào. Ai biết được, có khi một tay trùm xã hội đen nào khác lại tính chuyện xây lán mới ở đây cũng nên.”
Họ hẹn gặp nhau vào tối mai để trao đổi thông tin. “Trong khi chờ đợi, hai người giúp tôi một việc được không?” Rajaram hỏi. “Giữ hộ tôi mấy cái đuôi sam này nhé? Nhẹ lắm. Tôi chẳng biết cất vào đâu.”
Ishvar đồng ý, và cất vào rương.
Nhưng trong nhà Nawaz là mấy người lạ mặt. Người đàn ông ra mở cửa nói anh ta không biết tí gì về ông kia.
“Chúng tôi đang cần tìm bác Nawaz có việc gấp lắm,” Ishvar nói. “Có lẽ chủ nhà của anh biết tin gì chăng. Anh cho chúng tôi xin tên và địa chỉ của ông ấy được không?”
“Không liên quan gì đến các người.” Trong nhà có tiếng người quát vọng ra. “Đêm hôm khuya khoắt thế này, đừng ám bọn tao nữa!”
“Xin lỗi đã làm phiền các anh,” Ishvar nói, đoạn xốc lại bọc chăn chiếu và bước lùi xuống bậc cấp.
“Làm sao bây giờ?” Om thở hổn hển, trên mặt in hằn cả sức nặng của chiếc rương.
“Cháu hết hơi rồi à?”
Cậu gật đầu. “Như bóng xịt.”
“Được rồi, đi làm cốc trà đã.” Họ ra quán trà ở góc đường, chính là chỗ họ thường ngồi trong những tháng tá túc dưới mái hiên sau nhà. Chủ quán vẫn nhớ họ là bạn của Nawaz.
“Lâu lắm không nhìn thấy hai bác cháu,” ông ta nói. “Có nhận được tin gì của Nawaz từ hồi bị cảnh sát bắt đi không?”
“Cảnh sát ư? Vì tội gì?”
“Buôn lậu vàng từ vùng Vịnh về.”
“Thật ư? Ông ta làm thế thật à?”
“Dĩ nhiên là không rồi. Ông ta chỉ là một tay thợ may, như các anh thôi.” Nhưng Nawaz đã gây chuyện với một lão có con gái sắp lấy chồng. Người đàn ông nọ vốn quen biết rộng, lần ấy đã đặt ông ta một đơn hàng lớn, may đồ cưới cho cả gia đình kia. Sau đám cưới, lão không chịu trả tiền, kêu là quần áo may không vừa. Nawaz ra sức đòi nhưng chỉ công toi, rồi biết được địa chỉ cơ quan của lão kia. Ông ta tìm đến đó, cốt làm lão kia bẽ mặt với đồng nghiệp. “Và đó là sai lầm lớn. Lão khốn trả thù. Ngay đêm đó cảnh sát đến bắt Nawaz.”
“Cứ thế mà bắt thôi? Sao họ có thể tống một người vô tội vào tù? Lão kia đúng là đồ khốn nạn.”
“Dưới Tình trạng khẩn cấp, mọi thứ đảo lộn hết cả. Đen có thể biến thành trắng, ngày có thể chuyển sang đêm. Chỉ cần có quan hệ với một ít tiền, tống người khác vào tù là chuyện dễ như trở tay. Thậm chí còn có một bộ luật mới gọi là MISA để giúp đơn giản hóa toàn bộ thủ tục cơ mà.” “MISA là cái gì?”
“Luật đảm bảo… cái gì đấy, với an ninh… gì đấy, tôi không rõ.”
Hai người thợ may uống nốt trà và ra về cùng đống hành lý. “Tội nghiệp Nawaz,” Ishvar nói. “Không hiểu ông ta có thật sự mưu toan chuyện gì phi pháp không.”
“Dám lắm,” Om nói. “Chả phải vô cớ mà người ta bắt người bỏ tù. Cháu chưa bao giờ thích lão. Nhưng giờ ta tính sao?”
“Có lẽ ở ga tàu hỏa còn chỗ ngả lưng đấy.”
Sân ga la liệt ăn mày cùng người lang thang nằm ngủ tạm qua đêm. Hai bác cháu chọn một góc và dọn qua, lấy một tờ báo quét bớt bụi đất.
“Ê, coi chừng! Hắt hết vào mặt tao rồi đây này!” Một người gào lên.
“Xin lỗi chú,” Ishvar nói, và thôi quét quáy. Nỗi nôn nao muốn bàn tính về buổi bình minh vô gia cư vào sáng hôm sau, về việc sẽ phải làm gì tiếp theo, dâng lên cồn cào trong hai bác cháu, nhưng người này lại thầm mong người kia khơi nó lên trước. “Đói không?” Ông hỏi.
“Không ạ.”
Tuy vậy Ishvar vẫn đi bộ ra quán bán đồ ăn vặt cạnh đường sắt. Ông mua món trộn cay gồm hành phi, khoai tây, đậu, ớt, và rau mùi, nhồi trong hai cái bánh bao nhỏ. Trên đường mang nó về cho Om, chút cảm giác tội lỗi bám riết lấy ông khi len lỏi qua những ánh mắt đói khát ken dày suốt dọc sân ga. “Bánh bao cay. Một cho mày, một cho bác.”
Trang tạp chí láng bóng bọc chiếc bánh đã chớm ẩm.
Những đốm mỡ ấm nho nhỏ bắt đầu hiện lên mặt giấy. Om ăn ngấu nghiến hết ngay, còn Ishvar nhai chầm chậm để có thể dành cho thằng cháu một miếng cuối. “Bác no rồi, mày ăn nốt đi.”
Họ thay nhau ra vòi uống nước; hành lý cùng bọc chăn chiếu cần có người trông. Xong xuôi những việc này, chẳng còn việc gì để mà khuây lãng nữa. “Có lẽ tối nay Rajaram sẽ có tin tốt,” Om ướm lời.
“Ừ, ai mà biết được. Thậm chí ta có thể tự xây cái gì đó, một khi tấn tuồng này kết thúc. Bằng gỗ dán và cọc cùng tấm nhựa. Rajaram là một gã sáng ý, anh ta sẽ biết phải làm gì. Ba người chúng ta có thể sống chung trong một túp lều lớn.”
Quá nửa đêm, họ bị đánh thức bởi một gã cảnh sát đường ga đá chân vào đống hành lý. Hắn nói cấm ngủ trên sân ga.
“Chúng tôi đang đợi tàu,” Ishvar nói.
“Đây không phải loại nhà ga đấy. Không có phòng đợi.
Sáng mai hãy quay lại.”
“Nhưng mấy người này cũng đang ngủ mà.”
“Họ được cấp phép đặc biệt.” Gã cảnh sát xóc xóc mấy đồng xu trong túi.
“Cũng được, chúng tôi sẽ không ngủ trên sân ga, chỉ ngồi thôi.”
Gã cảnh sát nhún vai bỏ đi. Hai bác cháu ngồi dậy và cuộn chăn chiếu lại.
“Suỵt,” một mụ già nằm cạnh họ lên tiếng. “Suỵt. Hai chú phải đấm mõm hắn.” Tấm ni lông mụ đang nằm kêu sột soạt rất to với mỗi cử động nhỏ nhất. Hai bàn chân quấn trong mấy lần băng xô vấy bẩn máu mủ màu vàng sậm.
“Sao phải đấm mõm nó? Đây có phải sân ga của bố nó đâu.”
Mụ cười, làm nứt toác lớp bùn đất đóng dày trên mặt. “Phim kìa! Phim kìa!” Mụ hớn hở chỉ vào những tấm pa-nô quảng cáo phim dàn hàng dọc tường sân ga. “Mỗi đứa ăn mày một rupi. Trẻ con năm mươi xu. Chiếu phim mỗi tối.”
Ishvar kín đáo đưa tay lên trán ra hiệu “dở hơi”, nhưng Om vẫn khăng khăng cắt nghĩa. “Chúng tôi không phải ăn mày, chúng tôi là thợ may. Thế hắn định làm gì nếu chúng tôi không xùy tiền? Đố tống bọn tôi vào tù được đấy.”
Người đàn bà nọ trở mình, nhòm họ lom lom, rồi im lặng, ngoại trừ vài tiếng cười khúc khích vu vơ. Nửa tiếng trôi qua, không thấy tăm hơi gã cảnh sát đâu.
“Cháu nghĩ êm rồi đấy,” Om nói. Cậu trải chăn chiếu ra và họ lại nằm xuống. Mụ kia vẫn thích thú nhìn họ. Một mùi thối khăn khẳn xông lên từ bàn chân băng bó chằng chịt của mụ.
“Mụ định ngắm bọn tôi suốt đêm hay sao?” Om nói. Mụ lắc đầu nhưng vẫn nhìn trân trân. Ishvar suỵt cháu im lặng, rồi cả hai cùng nhắm mắt.
Họ chỉ mới thiếp đi được vài phút, gã cảnh sát đã quay lại với một xô nước lạnh và dội nó xuống đầu hai người thợ may đang thiu thiu ngủ. Họ rú lên và nhảy dựng khỏi chiếu. Gã cảnh sát bỏ đi không nói lời nào, tay vung vẩy cái xô không. Người đàn bà nằm trên tấm ni lông cười rung cả người.
“Thằng súc sinh!” Om rít lên, Ishvar vội suỵt cậu im. Ông chẳng cần lo; tràng cười điên dại của mụ già kia đã nhấn chìm mọi lời nói. Mụ khoái chí đập tay chan chát xuống tấm ni lông, khiến nó bay lật phật.
“Phim! Phim! Hài kịch Johnnie Walker!” Mãi mụ mới thở ra được vài chữ giữa các tràng cười.
“Mụ biết thừa! Mụ phù thủy điên biết trước mà không nói cho ta, khốn thật!”
Ướt như chuột lột, họ thu gom mọi thứ và chuyển đến khoảng trống cuối cùng còn lại, nằm ở cuối sân ga, nơi mùi nước đái xông lên nồng nặc. Những quần áo khô trong rương quả là báu vật vô giá. Hai bác cháu chia nhau thay quần áo. Đồ ướt được trải ra trên nắp rương mở rộng. Ga và chăn được hong trên một cây cọc biển báo hỏng chìa ra trên tường sân ga.
Tấm chiếu gai khô rất nhanh nhưng hai bác cháu đều sợ không dám nằm. Run lẩy bẩy, họ ngồi canh đống của nả, người lắc lư trong giấc ngủ, thỉnh thoảng đầu rũ gục. Sau trận uống nước, họ phải tìm ra bãi đất hoang vài lần. Cả ga đã say ngủ, nên đi bộ xuống cuối đường ray đã không còn là việc cần thiết. Họ xả bàng quang ngay ngoài rìa sân ga.
Quán bán đồ ăn vặt của ga mở xịch tấm chớp thép lúc bốn giờ sáng. Cốc đĩa bắt đầu xô lanh canh, xoong chảo kêu xủng xoảng. Ishvar và Om súc miệng ở vòi nước uống, rồi mua hai cốc trà và một ổ bánh mì giòn. Chất lỏng nóng hổi giúp khai thông hai cái đầu ngái ngủ. Kế hoạch cho ngày hôm nay dần định hình: đến giờ thích hợp họ sẽ lên tàu đi làm, may đến sáu giờ tối như mọi ngày, rồi quay về gặp Rajaram.
“Chúng ta sẽ để nhờ hành lý lại nhà cô Dina, chỉ hôm nay thôi,” Ishvar nói. “Nhưng ta sẽ không nói nhà đã bị phá. Ai chả sợ người vô gia cư.”
“Cô ta mà để bác cháu ta bỏ hành lý ở đấy thì bác đòi gì cháu cũng cho.”
Họ nán lại sân ga thêm hai tiếng nữa, hút thuốc, ngắm nhìn khách đi tàu sớm, chủ yếu là người bán hàng rong, đội trên đầu những rổ bí ngô, hành, cá chim, muối, trứng, hoa. Một người thợ sửa ô đang chuẩn bị làm việc, tháo rời mấy chiếc ô hỏng, tận dụng những phần nan và cán còn tốt. Một ông chủ thầu xây dựng đi qua, cùng đội thợ sơn và thợ nề, xách theo lỉnh kỉnh những thang, xô, chổi, bay, sọt, trên người phả ra mùi nhà mới sơn.
Hai người thợ lên tàu lúc sáu rưỡi. Họ đến nhà Dina lúc bảy giờ. Cô khoác vội chiếc áo dài ra ngoài áo ngủ và ra mở cửa.
“Sao sớm thế?” Thật đúng là, cô thầm nghĩ – mặt trời còn chưa ló, giặt giũ rửa ráy chưa làm, bữa sáng cho Maneck chưa nấu, thế mà bác cháu họ đã lù lù ở đây, chờ việc.
“Rốt cuộc tàu cũng chạy đúng giờ. Nhờ Tình trạng khẩn cấp,” Om nói, tự thấy mình thông minh quá đỗi.
Cô kết luận, lời cắt nghĩa trơ tráo nọ được vẽ ra cốt để chọc giận cô. Rồi Ishvar chen vào xoa dịu: “Thêm giờ làm là thêm váy, cô Dina nhỉ?”
Quả vậy. “Nhưng còn đống hành lý kềnh càng này là sao?”
“Tối nay chúng tôi phải mang cái này đến cho một người bạn. A, Maneck. Suýt nữa tôi quên mất. Cậu phải thứ lỗi cho bác cháu tôi, hôm nay không thể làm bữa tối mời cậu được.
Vừa có việc rất gấp phát sinh.”
“Không sao,” Maneck nói. “Để lúc khác vậy.”
Cô bắt họ bỏ chiếc rương và bọc chăn chiếu bên cửa. Trong đó ắt hẳn lúc nhúc chấy rận, cô tin thế. Và cách cư xử của họ có gì đó rất đáng ngờ. Nếu có việc gấp, họ có thể tạt qua nhà người bạn luôn lúc này. Nhất là khi họ đi sớm đến thế. Nhưng chí ít lời mời Maneck đến ăn cơm tối đã bị hủy, thật nhẹ người.
Suốt ngày hôm đó, Ishvar không còn là con người chín chắn thường ngày nữa, và có một lần, ông suýt nữa ghép phần thân trước vào mặt sau chân váy. “Dừng tay!” Cô hét lên đúng lúc kim chạy đường chỉ đầu tiên. “Anh, Ishvar ư? Nếu là Omprakash thì chẳng lạ gì. Nhưng anh ư?” Vừa cười ngượng ngùng, ông vừa lấy một con dao lam cắt những mối chỉ lỗi.
Đến bốn giờ họ ngỏ ý muốn ra về, sớm hơn thường lệ hai tiếng. Quá sớm nếu tính tới số váy họ sẽ may được nếu nán lại, cô nghĩ thầm, nhưng cũng mừng vì họ mang theo ra cả bầu không khí nặng nề đang choán ngập cả không gian.
Trước khi cô kịp nhận ra chiếc rương bị bỏ lại, họ đã đóng sập cửa và quày quả ra ga.
Trời mưa rào suốt ngày, nhấn chìm gần hết đống xà bần của tối hôm trước dưới những ao nước nhỏ lầy bùn. Những mảnh gỗ ván hoặc sắt vụn lập lờ trên mặt nước như những mảnh buồm và mảnh vỡ tàu đắm. Mòng biển kêu choe chóe trên khu ổ chuột đổ nát. Vài cư dân cũ đi vất vưởng ngoài rìa, mắt trân trối nhìn khu đất, còn Rajaram không thấy mọc mũi sủi tăm.
“Có lẽ anh ta đã phát hiện ra không còn cơ xây cất ở đây nữa,” Ishvar nói.
Ngài Hạ sĩ Kesar béo núc không thấy trực ở đây. Sáu cảnh sát từ đội cưỡng chế mới của lão lo gác khu vực. Họ tiến về phía hai người thợ may và mấy người đang lảng vảng quanh đó, và dọa: “Nếu chúng mày tính chuyện dựng lán mới, bọn tao sẽ tống cổ chúng mày vào tù ngay.”
“Tại sao?”
“Đấy là nhiệm vụ của bọn tao – bài trừ ổ chuột và cải tạo mĩ quan phố xá.” Đám cảnh sát trở lại chốt gác ở góc đường.
“Bác nghĩ ta nên quay về và nói sự thật cho cô Dina biết,” Ishvar nói.
“Tại sao?”
“Có thể cô ấy sẽ giúp chúng ta.” “Bác cứ mơ đi,” Om nói.
Một đội thợ đang lắp hai tấm pa-nô mới, mỗi tấm một bên lề đường. Họ dán mặt thủ tướng lên bảng, rồi bàn bạc về thông điệp đi kèm. Có rất nhiều câu có thể chọn. Họ mở các cuộn biểu ngữ và trải ra vỉa hè để xem xét, lấy đá chặn bốn góc.
Đám công nhân không hẹn mà cùng ngả sang khẩu hiệu thứ nhất: THÀNH PHỐ THUỘC VỀ CÁC ANH CHỊ EM! HÃY GIỮ NÓ SẠCH ĐẸP! Câu thứ hai hơi gây bối rối. Đội trưởng muốn dùng câu THỨC ĂN CHO NGƯỜI ĐÓI! NHÀ CỬA CHO NGƯỜI VÔ GIA CƯ! Các nhân viên của anh ta khuyên dùng câu khác sẽ thích hợp hơn; họ tiến cử câu ĐẤT
NƯỚC ĐANG TRÊN ĐÀ TIẾN!
Hai người thợ may đứng chờ đến khi công cuộc lắp đặt hoàn tất. Đám đông vỗ tay hoan hô khi bộ khung khổng lồ được dựng lên. Chân trụ được đóng vào lỗ cọc, gia cố bằng giằng chéo, còn đất được nện chặt lại. Một người nhờ Om đọc hộ chữ viết trên hai tấm pa-nô. Om nói cho ông ta nghe. Người kia ngẫm nghĩ một lúc, rồi lắc đầu bỏ đi, miệng lẩm bẩm rằng lần này chính phủ đã hóa rồ thật rồi.
“Tôi biết thế nào các anh cũng quay lại,” Dina nói. “Các anh để quên chiếc rương rồi.” Họ lắc đầu, và cô nhận ra họ trông thật hoảng hốt và kiệt quệ. “Có chuyện gì vậy?”
“Một chuyện bất hạnh ghê gớm vừa đổ lên đầu bác cháu tôi,”Ishvar nói.
“Vào nhà đi. Hai bác cháu có muốn uống tí nước không?”
“Vâng, cô cho chúng tôi xin.” Maneck rót nước vào hai chiếc cốc riêng mời họ. Họ uống cạn và quệt môi.
“Cô Dina, bác cháu tôi đen đủi quá. Chúng tôi cần cô giúp.”
“Thời này là thế, tôi chẳng biết mình có giúp nổi ai không.
Nhưng cứ nói tôi nghe xem.”
“Nhà chúng tôi… mất rồi,” Ishvar rụt rè nói.
“Ý anh là chủ nhà vừa đuổi các anh ra đường à?” Cô tỏ ý thông cảm. “Bọn chủ nhà rặt một phường khốn nạn.”
Ông lắc đầu. “Ý tôi là… mất hẳn ấy,” ông khoát tay ngang không khí. “Bị những cái máy to đùng phá mất. Tất cả nhà cửa trong khu.”
“Họ nói cư ngụ ở đấy là bất hợp pháp,” Om chen vào.
“Chú nói thật không?” Maneck nói. “Sao họ có thể làm vậy?”
“Họ là chính phủ,” Ishvar nói. “Họ muốn làm gì chẳng được. Cảnh sát nói đó là luật mới.”
Dina gật đầu, nhớ ra đâu đó mới tuần trước thôi, bà Gupta đã rổn rảng ca ngợi dự thảo chương trình xóa bỏ khu ổ chuột. Rõ xui xẻo cho hai người thợ may. Khốn nạn thân họ, và cô đã đúng về một chuyện – họ quả sống ở một nơi mất vệ sinh. Cảm ơn trời vì Maneck đã thoát được cái nạn phải ăn uống với họ. “Kinh khủng quá,” cô nói. “Chính phủ làm luật mà chả suy nghĩ gì hết.”
“Giờ cậu đã biết vì sao bác cháu tôi phải hủy bữa tối rồi,” Om quay sang nói với Maneck. “Sáng nay chúng tôi ngại quá, chả dám nói với cậu.”
“Hai người nên nói ra thì hơn,” Maneck nói. “Như thế chúng tôi sẽ có thêm thời gian nghĩ cách giúp và…” Cậu ngưng bặt, câm lặng vì Dina đã gay gắt cau mày lườm cậu.
“Tiền nhà tháng này đã trả rồi,” Ishvar nói. “Giờ bác cháu tôi chả còn nhà cửa hay tiền bạc gì cả. Liệu chúng tôi có thể ngủ trên hành lang nhà cô… vài tối được không?”
Maneck quay sang cầu khẩn Dina, trong khi cô cân đong câu trả lời. “Về phần mình, tôi chẳng phiền gì,” cô nói. “Nhưng nếu lão thu tiền nhà nhìn thấy, ắt sẽ lôi thôi to. Lão sẽ lấy đấy làm bằng là tôi biến chỗ này thành nhà trọ bất hợp pháp. Rồi các anh, Maneck, tôi và cả hai chiếc máy may của các anh nữa – tất cả sẽ ra đường, không một mái nhà che đầu.”
“Tôi hiểu,” Ishvar đáp. Lòng tự trọng không cho phép ông vượt qua lời khước từ. “Chúng tôi sẽ đi tìm chỗ khác vậy.” “Đừng quên mang theo cái rương,” Dina nói.
“Chúng tôi gửi nhờ đêm nay được không?”
“Để đâu bây giờ? Trong nhà này đến chỗ cựa mình cũng chả có nữa là.”
Ghê tởm câu trả lời của cô, Om quẳng bọc chăn chiếu vào tay bác và vần chiếc rương lên. Họ gật đầu và bỏ đi.
Dina đi theo họ ra cửa, khóa lại, rồi quay về trong ánh mắt trừng trừng trách móc của Maneck. “Đừng có nhìn dì như thế,” cô nói. “Dì không còn cách nào khác.”
“Chí ít dì cũng có thể cho họ ngủ nhờ đêm nay thôi. Họ có thể ngủ trong phòng cháu.”
“Đấy sẽ là rắc rối lớn. Một tối là đủ để lão chủ nhà kiện dì ra tòa rồi.”
“Thế còn cái rương? Sao dì không giữ giúp họ được?”
“Cái gì đây, phiên thẩm vấn của cảnh sát à? Cháu quen sống đời an nhàn rồi, làm sao cháu biết ở một thành phố kiểu này có những trò lừa đảo nào. Một cái rương, một cái cặp, hay chỉ một cái túi dết đựng hai bộ pyjama cùng một cái sơ mi là bước đầu tiên để xâm lăng một căn hộ. Vật dụng cá nhân cất giữ trong nhà – đấy là cái cớ phổ biến nhất để đâm đơn tố cáo. Còn hệ thống tòa án thì mất đến hàng năm trời mới xét xử xong, trong suốt thời gian đó, bọn lừa đảo được phép ở lại trong căn hộ. Dì không nói Ishvar và Om đã lập kế hoạch sẵn trước khi đến đây tối nay. Nhưng làm sao dì dám liều lĩnh? Nhỡ về sau họ được thằng khốn nào đó bày mưu cho thì sao? Bất kì rắc rối nào với lão chủ nhà đều đồng nghĩa với việc dì phải cậy nhờ bác Nusswan. Anh trai dì là loại không thể chịu đựng nổi. Bác ấy sẽ nhai đi nhai lại chuyện đó mãi không thôi.”
Maneck nhìn ra cửa sổ, cố gắng ước định mức độ nghi vấn trong lòng dì Dina. Cậu hình dung ra sự xâm lăng của những thứ quần áo bẩn thỉu mà cô lo sợ, thế lực cát cứ tưởng tượng nào đó.
“Đừng quá lo cho mấy người thợ may,” cô nói. “Họ sẽ tìm được chỗ ở thôi. Những người như hai bác cháu họ có họ hàng thân thích ở khắp nơi ấy mà.”
“Không đâu. Họ mới từ một làng hẻo lánh lên đây được vài tháng.” Cậu khoan khoái khi thấy một vệt lo lắng chầm chậm xâm lấn gương mặt cô.
Bỗng cô nổi cáu. “Lạ nhỉ. Cháu biết họ rõ đến thế thật lạ quá, nhỉ?”
Họ chẳng buồn nhìn nhau trong gần suốt buổi tối đó, nhưng đến khi ngồi ghép tấm chăn sau bữa tối, cô trải các vuông vải ra và cố gợi chuyện để Maneck nói. “Này, Maneck? Cháu trông thế nào?”
“Xấu lắm.” Cậu vẫn chưa sẵn sàng tha thứ cho cô, chừng nào hai người thợ may vẫn còn trong cảnh lang thang không chốn trú thân đêm nay.
Tấm bảng ghi “Sagar Darshan – Khách sạn hướng biển.” Vùng biển duy nhất trong tầm nhìn là hình chữ nhật màu xanh lơ vẽ trên tấm bảng sương gió dãi dầu, với hình một mảnh thuyền buồm bé tí lênh đênh trên sóng nước.
Trong nhà, một cậu thanh niên mặc bộ đồng phục trắng cũ sờn ngồi bệt trên sàn nhà cạnh cây ô, đang cắm mặt vào những tranh ảnh trong cuốn tạp chí Filmfare. Cậu ta không buồn ngẩng lên khi hai người thợ bước vào. Một người đàn ông tóc hoa râm, đang bận rộn ăn uống sau quầy tiếp tân, xé từng mẩu bánh mì và nhanh tay nhúng liền tù tì vào một loạt bốn chiếc đĩa bằng thép không gỉ. “Ba mươi rupi một đêm,” ông ta lầu bầu qua cái mồm phùng phĩu đồ ăn, để lộ ra một cái răng vàng khi mở miệng. Những mẩu thức ăn bị nhai nát nhừ của ông ta lao qua đôi môi ướt át bay vèo xuống mặt quầy. Ông ta gạt chúng xuống sàn, rồi lấy khuỷu tay áo chùi sạch vết bẩn.
“Thấy chưa? Bác đã bảo rồi, ta không đủ tiền ngủ khách sạn đâu,” Ishvar nói khi hai bác cháu quay ra.
“Thử tìm những chỗ khác xem.”
Họ đi hết nơi này qua nơi khác: Nhà nghỉ Thiên Đường, hai mươi rupi một đêm, tọa lạc trên đầu một tiệm bánh có trần cách nhiệt rất kém, đến nỗi hơi nóng khô xương héo thịt của lửa lò nướng bốc lên tận tầng trên; Ram Nivas, biển quảng cáo rao rằng mọi đẳng cấp đều được chào đón, phòng ốc nồng nặc mùi hôi thối kinh tởm, “quà khuyến mãi” của một nhà máy hóa chất nhỏ sát vách; Khách sạn Aram, ở đây hành lý của họ suýt bị thó mất khi đang hỏi phòng, tên trộm bỏ chạy, còn hai bác cháu dò dẫm men theo hành lang để lần đường trở ra.
“Chán chưa?” Ishvar hỏi, Om bèn gật đầu.
Họ vác hành lý lên và đi bộ về phía ga tàu hỏa, chốc chốc lại dừng chân để xem xét từng ngưỡng cửa, mái hiên, và mặt tiền khả dĩ có thể trú tạm. Nhưng hễ ở đâu có chỗ nghỉ chân, y như rằng đã có người chiếm cứ. Để xua đuổi dân lang thang vỉa hè, một cửa hàng đã đặt ngay ở lối ra vào một tấm khung sắt tua tủa cọc nhọn, lắp trên mấy tấm bản lề để có thể tháo ra và cất đi vào mỗi buổi sáng. Chiếc giường chông này đã đang được một anh chàng táo tợn tận dụng – trước hết là một tấm gỗ ván đặt lên mặt chông, rồi đến cái chăn.
“Ta phải học làm những việc như thế mới được,” Ishvar nói, ngắm nhìn vẻ ngưỡng mộ.
Họ đi qua lão ăn mày ngồi trên bệ, lão chào đón họ bằng tiếng lắc ống bơ leng keng như thường lệ. Đang mải mê tìm kiếm, hai bác cháu không hay biết đến lão. Lão trân mắt đau khổ nhìn theo họ.
Còn vài chỗ trống bên ngoài một cửa hàng bán đồ nội thất vẫn còn mở cửa. “Ta có thể vào đó thử xem,” Om gợi ý.
“Cháu điên à? Cháu muốn bị giết vì lấy chỗ của người khác à? Cháu quên chuyện xảy ra trên vỉa hè gần cửa hàng của Nawaz rồi sao?”
Họ đi qua cửa hàng không bao giờ đóng cửa, một hiệu thuốc mở cửa hai tư giờ. Đèn đóm ở gian chính đã tắt hết vì nhân viên bán hàng đã ra về. Khu pha chế vẫn sáng điện, có một dược sĩ đang trực.
“Ta đợi ở đây đi,” Ishvar nói. “Xem tình hình thế nào.”
Có người đã đặt một chiếc ghế đẩu gỗ phía ngoài, ở phần lối ra vào chung giữa hiệu thuốc và tiệm đồ cổ bên cạnh. Cửa chớp sắt đóng lại như những hàng lông mi trên hai ô cửa sổ. Xà phòng, bột tan, xi rô ho ở một bên, còn tượng Nataraja bằng đồng, tiểu tượng Mô-gôn, hộp trang sức khảm ở bên kia, tất thảy đều mất hút khỏi tầm nhìn. Hai người chủ khóa lại và đưa chìa cho ông bảo vệ.
Hai người thợ may chờ đến khi ông bảo vệ nới thắt lưng, tháo giày, và ngồi thoải mái trên chiếc ghế đẩu. Rồi họ tiến lại gần cùng bao thuốc lá cuốn. “Có diêm không?” Ishvar hỏi, búng tay ra hiệu quẹt diêm.
Ông bảo vệ thôi xoa bóp lòng bàn chân để thọc tay vào túi. Hai người thợ may dùng chung một que diêm. Họ chìa bao thuốc cuốn mời ông bảo vệ. Ông ta lắc đầu, móc ra một bao thuốc lá Panama. Cả ba hút trong im lặng một lúc lâu.
“Thế,” Ishvar dợm giọng. “Anh ngồi đây cả đêm à?”
“Nghề của tôi mà.” Ông ta với lấy cây gậy dựng trên cửa và gõ xuống hai lần. Hai người thợ mỉm cười, gật đầu.
“Có ai ngủ trên bậc cửa này không?”
“Không.”
“Chắc thỉnh thoảng anh cũng muốn ngả lưng lắm nhỉ.”
Ông bảo vệ lắc đầu. “Chả được. Tôi phải trông cả hai cửa hàng.” Ông ta ghé sát lại và thì thọt, tay chỉ về phía tay dược sĩ trực ca đêm, “nhưng hắn ấy. Hắn có nghỉ. Hắn đánh một giấc rõ dài, trong đấy, trên một cái chiếu trải trên sàn, đêm nào cũng vậy. Thế thôi mà thằng khốn ấy được trả lương, mà gấp bao nhiêu lần của tôi.”
“Chúng tôi chả còn chỗ nào để ngủ,” Ishvar nói. “Khu nhà chúng tôi ở bị chính phủ phá hôm qua rồi. Bằng máy móc của họ.”
“Dạo này chuyện ấy xảy ra như cơm bữa,” ông bảo vệ nói. Ông ta lại tiếp tục phàn nàn về gã dược sĩ bào chế. “Buổi đêm thằng cha ấy có mấy việc đâu. Thỉnh thoảng cũng có khách đến mua thuốc. Tôi lại mở khóa rồi đánh thức hắn dậy để pha thuốc. Nhưng những lúc đang dở giấc, đầu óc hắn mụ mẫm lắm. Hắn toàn nhìn nhầm nhãn thuốc thôi.” Ông ta lại nghiêng người sang. “Có lần, hắn cho nhầm nguyên liệu vào toa thuốc. Khách lăn ra chết, cảnh sát mò đến điều tra. Chủ hiệu với cảnh sát nói chuyện. Chủ hiệu giúi tiền, cảnh sát ôm tiền, thế là hòa cả làng.”
“Rặt một phường lừa đảo,” Ishvar nói, và cả ba gật đầu đồng tình. “Anh để chúng tôi ngủ đây được không?”
“Không được.”
“Chúng tôi sẽ trả tiền cho anh.”
“Kể cả hai người có trả đi nữa, thì lấy đâu ra chỗ?”
“Đủ chỗ mà. Chúng tôi có thể trải chăn chiếu sát cửa nếu anh kê ghế dịch ra độ nửa mét thôi.”
“Còn những đồ khác thì sao? Làm gì có chỗ cất.”
“Đồ gì, có mỗi một cái rương. Sáng ra chúng tôi sẽ mang đi cùng.”
Họ kê dịch cái ghế sang bên và trải chiếu ra. Vừa như in.
“Hai người trả được bao nhiêu?” Ông bảo vệ hỏi.
“Hai rupi mỗi đêm.”
“Bốn.”
“Chúng tôi là thợ may nghèo. Lấy ba thôi nhé, chúng tôi sẽ may miễn phí vài món cho anh. Chúng tôi có thể sửa đồng phục giúp anh được đấy.” Ông chỉ xuống chỗ đầu gối cũ sờn và tay áo xơ tướp.
“Thôi được. Nhưng tôi báo trước, buổi đêm ở đây nhiều khi ồn ào lắm. Nếu có khách đến mua thuốc, các anh sẽ phải dọn ra. Lúc đấy đừng kêu tôi phá giấc ngủ. Không được đòi tiền lại vì mất giấc đâu đấy.” Và nếu gã dược sĩ trực đêm có hỏi, họ sẽ phải khai là hai rupi, vì tên khốn sẽ đòi chấm mút phần nào.
“Chịu luôn,” hai người thợ may đồng ý với mọi điều kiện. Sau một điếu thuốc nữa, họ lôi kim chỉ trong rương ra và bắt tay vào việc. Ông bảo vệ mặc độc chiếc quần sịp trong khi họ sửa bộ đồng phục.
“Số dách,” ông ta nói, đoạn xỏ quần vào.
Lời khen làm Ishvar nở mày nở mặt, ông nói hai bác cháu sẵn lòng sửa những món đồ khác cho ông bảo vệ và vợ con ông ta. “Chúng tôi làm được tất. Salwar-kameez, ghaghracholi, quần áo trẻ con.”
Ông bảo vệ lắc đầu buồn bã. “Anh tốt lắm. Nhưng vợ con tôi đang ở quê. Tôi lên đây có một mình, để tìm việc.”
Sau đó, khi hai người thợ may đã ngủ, ông ta ngồi trên ghế đẩu nhìn họ. Khi Omprakash giật mình trong giấc ngủ, nó khiến ông nhớ đến lũ con: nhưng đêm đặc biệt khi cả nhà vẫn còn quây quần bên nhau, khi ông được ở cạnh con lúc chúng đang mơ màng.
Phố xá thức giấc từ tinh mơ, đánh động hai người thợ may trước cả khi bình minh lên. Thật ra, phố xá chẳng bao giờ ngủ hẳn, ông bảo vệ giải thích, chỉ chợp mắt tí đỉnh vào tầm giữa hai giờ sáng và năm giờ sáng – sau khi những cuộc bài bạc và chè chén thâu đêm đã kết thúc, và trước khi báo, bánh mì, và sữa tới. “Nhưng hai anh ngủ ngon ra trò,” ông ta nở nụ cười như ông chủ nhà.
“Giấc ngủ hai đêm dồn làm một mà lị,” Ishvar đáp.
“Trông kìa, thằng khốn vẫn ngáy pho pho trong nhà.” Giữa lúc họ nhòm qua cửa sổ, mắt gã dược sĩ bất thần mở choàng. Hắn quắc mắt với ba cái mặt đang gí sát lên cửa kính, trở mình, rồi ngủ tiếp.
Họ hút thuốc trên ngưỡng cửa, ngắm người lao công quét đường làm việc, thu gom đầu lọc thuốc cuốn và thuốc lá của đêm trước. Cây chổi của ông ta vẽ thành những đường gọn gàng trên mặt đất. Sau đó, họ cuộn gọn chăn chiếu, trả ba rupi, và ra đi với đống hòm xiểng, hứa đến tối sẽ quay lại.
Vai và cánh tay trái của Om đau ê ẩm vì vác cái rương, nhưng cậu không chịu để bác khiêng thay. “Dùng tay phải đi,” Ishvar nói. “Để cả hai tay tập luyện như nhau, chúng sẽ khỏe lên.”
“Thế thì sẽ hỏng cả hai. Cháu còn may vá gì được?”
Họ dừng ở ga tàu hỏa và rửa ráy trước khi đi tiếp đến Hotel đồ chay Vishram để uống cốc trà và ăn một cái bánh bao. “Hôm qua không thấy hai bác cháu qua,” người thu ngân kiêm bồi bàn hỏi.
“Chúng tôi bận kiếm nhà cho thuê.”
“Giữa thời nay, đấy là thứ người ta có thể mất cả đời để kiếm đấy,” ông bếp đang đứng ở xó của mình bỗng chen vào, hét tướng lên qua mấy ô bếp xanh lè lửa đang cháy bùng bùng.
Trên cửa sổ Om để ý thấy một bức hình thủ tướng to đùng trước đó không hề có, cùng tấm áp phích Chương trình Hai mươi mốt điểm. “Chú có khách hàng mới à?”
“Khách hàng gì đâu,” người thu ngân nói. “Nữ thần hộ mệnh đấy. Phúc đức của bà ta cần cho việc làm ăn lắm. Tín ngưỡng bắt buộc.”
“Ý chú là sao?”
“Phải có mặt bà ta thì cửa sổ quán tôi mới không bị đập, quán mới khỏi bị đốt. Cậu hiểu chưa?”
Hai người thợ may gật đầu. Họ kể cho người thu ngân và ông bếp về cuộc mít tinh của thủ tướng họ từng bị ép đi dự. Câu chuyện về máy bay trực thăng, cánh hoa hồng, khinh khí cầu, và tấm pa-nô khổng lồ khiến cả đám cười lăn cười bò.
Sau đêm đầu tiên ngon giấc, lời tiên đoán của ông bảo vệ về những cuộc quấy rối ban đêm đã được xác thực. Ông ta xin lỗi mỗi lần phải lay hai người thợ dậy. Trong hệ tín ngưỡng của ông, không có hành động nào đáng ghê tởm hơn việc tước đi thức ăn hay giấc ngủ của một người đồng loại. Ông giúp họ chuyển chăn chiếu đi để mở cửa, vỗ về họ khi họ loạng choạng trong bóng đêm, cái đầu ngái ngủ của Om tựa một bên vai, còn bên kia là Ishvar tì nặng chịch.
Họ luôn miệng than thở trong khi khách chờ lấy thuốc. “Sao mấy người này cứ nhè đêm hôm khuya khoắt mà ốm thế?” Ishvar càu nhàu. “Sao lại phá rối chúng tôi?” “Cháu đau đầu quá,” Om rên rẩm.
Ông bảo vệ khẽ miết lông mày. “Không lâu nữa đâu. Chỉ hai phút thôi, nhé? Rồi các anh sẽ được ngủ rất, rất yên ổn. Tôi hứa đấy, tôi sẽ không để thêm khách nào làm phiền các anh nữa.” Nhưng ông ta lại phải thất hứa hết lần này đến lần khác.
Về sau họ mới biết có một đợt dịch lỵ bùng phát – sữa chất lượng kém được đem bán ra khắp vùng. Giá hai người thợ có mặt ở đây vào ban ngày, hẳn họ đã nhận ra rằng bệnh tật là tên trộm vô tư, viếng thăm bất kể lúc sáng bạch hay sẩm tối. Năm nhăm người lớn và tám ba trẻ con đã chết, ông bảo vệ kể, ông vừa nghe được con số chính thức từ gã dược sĩ, gã bảo cũng may đó mới chỉ là lỵ do khuẩn que, chứ chưa phải chủng nguy hiểm hơn là lỵ do amip.
Tha lôi theo chiếc rương cùng bọc chăn chiếu, hai người thợ lê đến chỗ làm việc trong trạng thái sẵn sàng đổ gục, quầng thâm bao quanh đôi mắt đỏ vằn của họ. Công việc càng lúc càng sút kém. Những đường may hết chỗ chê của Ishvar bị chệch hướng luôn. Om cùng cánh tay xuội đơ không thể làm gì nên hồn. Nhạc điệu của đôi máy Singer thành ra rối loạn; những mũi khâu không còn ngân vang dìu dặt trong từng câu dài du dương, mà bắn từng chập nhát gừng, như đờm thổ ra từ buồng phổi sung huyết.
Dina đọc thấy vẻ kiệt quệ trên hai khuôn mặt hốc hác. Cô lo sợ thay cho sức khỏe của họ và cả hạn giao hàng đang tới gần – hai thứ gắn liền với nhau chẳng khác gì một cặp song sinh liền thân. Sức nặng của chiếc rương đè trĩu lên lương tâm cô.
Tối hôm đó, hình ảnh Om oằn mình vác món đồ đã lôi tuột cô đến ngưỡng suýt bật ra là chiếc rương có thể ở lại. Maneck đứng trên ngưỡng cửa nhìn cô, nôn nả mong nghe thấy câu đó. Những những nỗi sợ hãi khác đã khiến cô giữ nó trong lòng không nói ra.
“Đợi đã, tớ đi cùng cậu,” Maneck kêu lên, rồi hối hả chạy ra hành lang. Om phản đối yếu ớt, rồi cũng đành bỏ chiếc rương cho cậu.
Dina thấy nhẹ người – đồng thời giận dữ pha lẫn tổn thương. Thằng bé thật tốt bụng, biết giúp người khác, cô nghĩ. Nhưng giúp thế nào kia chứ? Cứ thế mà lao ra chẳng nói năng gì, làm cô trông chẳng khác nào một kẻ không có trái tim.
“Đây, chỗ ngủ mới của bác cháu tớ,” Om nói, và giới thiệu ông bảo vệ. “Chủ nhà mới của bọn tớ.”
Ông kia cười ồ, đoạn vẫy tay gọi họ vào bậu cửa. Cả bọn ngồi chen vai thích cánh trên bậc cấp, hút thuốc và nhìn phố xá. “Ây dà, tôi là chủ nhà kiểu gì không biết? Tôi còn không đảm bảo nổi một giấc ngủ đêm tròn trịa.”
“Đâu phải lỗi do chú,” Om nói. “Tại mấy thứ bệnh tật đó thôi. Đã thế, cháu lại mơ thấy ác mộng suốt nữa chứ.”
“Bác cũng vậy,” Ishvar nói. “Đêm nào cũng đầy tiếng động với các hình thù rồi bóng đen. Sợ thật.”
“Có tôi cầm gậy ngồi đây rồi,” ông bảo vệ nói. “Có gì phải sợ đâu?”
“Khó cắt nghĩa lắm,” Ishvar vừa nói vừa ho khạc và dụi tắt điếu thuốc của mình.
“Ta nên về quê thôi,” Om nói. “Cháu chán sống thế này lắm rồi, cứ bò hết từ rắc rối này đến phiền toái khác.”
“Mày muốn chạy vào tròng phỏng?” Ishvar bóp chặt đầu điếu thuốc cuốn để chắc chắn lửa đã tắt, rồi bỏ lại vào bao. “Kiên nhẫn đi, ông cháu. Khi nào đến lúc, ta sẽ quay về.”
“Nếu thời gian là một súc vải,” Om nói, “cháu sẽ cắt hết những mảnh xấu đi. Tỉa hết những đêm đáng sợ và máy các mảnh đẹp lại với nhau, làm thời gian trở nên dễ chịu hơn. Sau đó cháu có thể khoác nó lên người như một cái áo choàng, sống vui vẻ suốt đời.”
“Tớ cũng thích có một cái áo choàng giống thế,” Maneck nói. “Nhưng cậu muốn cắt những phần nào?”
“Phần chính phủ phá nhà của tớ, chắc rồi,” Om nói. “Và phần làm công cho cô Dina.”
“Hô hô,” Ishvar nhắc. “Không có cô ấy thì lấy đâu ra tiền?”
“Thôi được, vậy giữ lại những ngày được trả công thôi, còn lại bỏ tất.”
“Còn những phần nào nữa?”
“Còn tùy thuộc cậu muốn truy đến lúc nào.”
“Tất. Tính đến thời điểm cậu ra đời ấy.”
“Ối giời, thế thì nhiều quá. Bao nhiêu chỗ cần cắt, kéo sẽ cùn mất. Và sẽ chỉ còn lại một tí vải thôi.”
“Hai đứa chúng mày nói chuyện gì dớ dẩn thế,” Ishvar quở. “Vừa hút phải thuốc phiện hay sao?”
Bầu trời buổi tối đen dần, gọi lên những ánh đèn đường. Một con diều đen sì rách tướp từ trên mái nhà bổ nhào xuống như một chú quạ hung hăng, khiến họ giật mình. Om vồ lấy nó, nhưng thấy nó đã nát tươm, liền vứt đi.
“Có nhiều thứ phức tạp lắm, khó mà lấy kéo chia được,” Maneck nói. “Tốt xấu đan xen thế này này.” Cậu đan chặt các ngón tay lại với nhau.
“Như cái gì?”
“Những ngọn núi của tớ chẳng hạn. Chúng đẹp lắm, nhưng cũng có thể gây lở tuyết.”
“Đúng thế. Giống như bữa điểm tâm của bọn mình ở Vishram, ngon thật. Nhưng hình mụ thủ tướng chình ình trên cửa sổ làm tớ đau cả bụng.”
“Sống trong khu lán của ta cũng thích,” Ishvar góp lời. “Anh chàng Rajaram hàng xóm tính rất hay.”
“Phải,” Om nói. “Nhưng đang ỉa phải nhảy bắn ra để tránh tàu nhanh – vụ đấy quá kinh.”
Cả bọn cười ngặt nghẽo, Ishvar cũng cười, dù ông một mực khẳng định chuyện đó chỉ xảy ra duy nhất một lần. “Đấy là chuyến tàu mới, ngay đến Rajaram cũng không biết.” Ông đằng hắng và nhổ ra. “Không biết đã có chuyện gì với Rajaram nhỉ?”
Dân cư ngụ vỉa hè bắt đầu mò ra, xuyên qua bóng tối nhập nhoạng. Bìa các tông, ni lông, báo, chăn dần hiện hình dọc lối đi. Chỉ trong phút chốc, những hình người ngổn ngang đã đóng đô kín mặt bê tông. Người đi bộ nay đã quen với địa hình mới, cẩn thận lựa đường đi giữa một rừng tay, chân, và mặt.
“Hồi ở nhà, bố tớ cứ than phiền là khu này giờ đông đúc bẩn thỉu quá,” Maneck nói. “Ông ấy nên xuống đây xem cảnh này.”
“Ông ấy sẽ quen thôi,” ông bảo vệ nói. “Như tôi đây này. Cậu nhìn thấy nó ngày này qua ngày khác, rồi cậu sẽ không để ý nữa. Nhất là khi cậu không còn lựa chọn nào khác.”
“Bố cháu thì không đâu, ông ấy sẽ không bao giờ thôi càu nhàu.”
Cơn ho của Ishvar quay lại, ông bảo vệ bèn mách ông vào xin gã dược sĩ ít thuốc.
“Đào đâu ra tiền.”
“Cứ vào mà xin. Hắn có chế độ riêng cho người nghèo.” Ông ta mở khóa cửa cho Ishvar vào.
Với những ai không đủ tiền mua cả chai thuốc, gã dược sĩ bán thuốc theo từng thìa hoặc từng viên. Người nghèo rất biết ơn kiểu đong thuốc đặc biệt này, còn tay dược sĩ hét giá gấp sáu lần giá gốc, và bỏ túi phần chênh lệch. “Há mồm ra,” hắn bảo Ishvar, và hào phóng dốc vào miệng ông một thìa Glycodin Terp Vasaka đầy ắp.
“Ngon thật,” Ishvar liếm môi, khen.
“Tối mai quay lại mà làm thìa nữa.”
Ông bảo vệ hỏi ông phải trả bao nhiêu cho liều thuốc. “Năm mươi xu,” Ishvar đáp, ông bảo vệ bèn tự nhắc mình phải xin giảm giá cho Ishvar.
Ba ngày tiếp theo, chiếc rương vẫn ngật ngưỡng trên vai Om trong những cuộc hành quân giữa chỗ ông bảo vệ và nhà Dina Dalal. Quãng đường vốn gần, nhưng gánh nặng biến nó thành xa. Từ bả vai đến cổ tay cậu đau nhức, bàn tay vô dụng không tài nào dẫn vải qua máy nổi. Để đút vải vào mũi kim phàm ăn cho chính xác cần tới hai tay: tay phải giữ phía trước chân vịt, tay trái phía sau.
“Cái rương làm cháu liệt luôn rồi,” cậu buông xuôi.
Dina nhìn cậu, lòng thương cảm trong cô câm nín nhưng chưa chết. Cô bỗng nghĩ, hôm nay con sẻ nhỏ lí láu ốm thật rồi, cái cánh bị thương sã xuống thế kia cơ mà. Chẳng thấy nhảy nhót, chí chách nữa, hết sạch cả hung hăng lẫn cự nự.
Giữa một buổi sáng tràn ngập những mối chỉ rối nùi cùng đường may xiên xẹo, chuông cửa reo vang. Cô ra hành lang xem, và quay lại với khuôn mặt cáu kỉnh. “Có người tìm hai bác cháu đấy. Đang lúc bận việc thì đến quấy rối.”
Ngạc nhiên pha lẫn ngại ngùng, Ishvar vội chạy ra cửa. “Ra là cậu!” Ông kêu lên. “Đã có chuyện gì vậy? Tối hôm đó bác cháu tôi có về khu mình đấy. Cậu đã đi đâu thế?”
“Chào chú,” Rajaram nói, hai tay chắp lại. “Tôi ngại quá, biết làm thế nào đây. Tôi kiếm được việc mới, họ cần người luôn, tôi phải đi. Nhưng tôi bảo này, sếp của tôi vẫn còn việc đấy, chú nên đến mà làm.”
Ishvar có thể cảm thấy Dina đang đứng trong nhà cố nghe ngóng. “Ta gặp nhau sau nhé,” ông nói, và cho anh ta địa chỉ hiệu thuốc.
“Được, tối nay tôi sẽ qua. À quên, chú cho tôi giật tạm mười rupi được không? Chỉ đến khi nào tôi lĩnh công thôi?”
“Chỉ còn năm rupi thôi.” Ishvar chìa tiền ra, tự hỏi không hiểu thói quen vay tiền của Rajaram sắp trở thành mối phiền toái chưa. Món tiền vay trước đó vẫn chưa trả. Lẽ ra không nên cho anh ta biết chỗ mình làm việc, ông nghĩ bụng. Ông quay về với chiếc máy Singer và kể cho Om biết về người khách của hai bác cháu.
“Ai thèm quan tâm đến cái tay Rajaram đấy, cháu sắp chết rồi đây.” Cậu giơ cánh tay trái đang đau nhức ra, cái tay nom mỏng manh như một món đồ sứ.
Cử chỉ ấy rốt cuộc cũng làm Dina tan chảy. Cô lấy chai cao Amrutanjan ra. “Đây, cái này sẽ giúp cậu đỡ đau,” cô nói. Cậu lắc đầu.
“Cô Dina nói phải đấy,” Ishvar nói. “Để bác bóp cho mày.”
“Anh cứ may tiếp đi, để tôi làm,” Dina nói. “Kẻo mùi dầu trên tay anh sẽ ám lên váy đấy.” Vả lại, cô thầm nghĩ, nếu ông ta lại phí phạm thời gian thêm nữa, mình cũng nên rậm rịch đi mượn tiền trả tiền thuê nhà tháng tới là vừa.
“Để tôi tự bôi,” Om nói.
Cô mở nắp chai. “Nào, cởi áo ra. Cậu ngại gì? Tôi đáng tuổi mẹ cậu đấy.”
Cậu ngập ngừng cởi khuy, để lộ ra chiếc áo chẽn thủng lỗ chỗ. Như pho mát Thụy Sĩ, cô nghĩ thầm. Một mùi hôi mằn mặn chua chua lẩn vẩn trên người cậu. Cô nhỏ từ chai ra một giọt dầu xanh lục rồi chấm lên vai, miết thứ thuốc lạnh băng xuống tận khuỷu tay bằng một đường ngón tay thẳng băng. Cậu rùng mình. Cái lạnh buôn buốt khiến da cậu nổi gai ốc. Sau đó cô bắt đầu mát xa, dầu tỏa hơi nóng, làm cánh tay cậu lẫn bàn tay cô tê tê. Những mụt gai ốc teo lại rồi biến mất.
“Thế nào?” Cô hỏi, tay xoa bóp các bắp thịt.
“Trước thì lạnh, sau lại nóng.”
“Xoa dầu thích thế đấy. Cảm giác tê tê cay cay. Chịu khó đợi một tí, sẽ hết đau ngay.”
Mùi hôi trên da thịt cậu đã biến mất, chìm trong vị hăng cay của dầu. Da mịn màng quá, cô nghĩ. Như da trẻ con. Lại hầu như không có tí lông nào, kể cả trên vai.
“Cậu thấy thế nào rồi?”
“Đỡ lắm.” Cuộc mát xa khiến cậu khoan khoái hẳn ra.
“Còn đau chỗ nào nữa không?”
Cậu chỉ một dải từ khuỷu tay đến cổ tay. “Cả đoạn này.”
Dina xóc ra một giọt nữa và xoa bóp cẳng tay cậu. “Tối nay cậu đem về ít dầu, khi nào đi ngủ thì xoa. Sáng mai tay cậu sẽ khỏe khoắn như thường.”
Trước khi rửa tay cô xuống bếp, đến bên cái kệ đầy bụi bặm cạnh cửa sổ. Chân kiễng cao, mắt không nhìn thấy gì, tay cô lần mò tứ phía. Bàn tay quờ quạng vô định gạt đổ một chiếc hộp to. Đủ món đồ linh tinh đổ xuống: thớt cùng chày cán, bàn nạo dừa có bánh răng cưa tròn, chày giã và cối.
Cô kịp né cơn thác lũ, mặc các đồ dùng nhà bếp rơi loảng xoảng xuống sàn. Hai người thợ may hốt hoảng chạy xuống. “Cô Dina! Cô không sao chứ?” Cô gật đầu, vẫn hơi run nhưng trong lòng lại vui vui vì thoáng thấy chút lo lắng lướt qua gương mặt Om trước khi cậu xóa sạch nó.
“Chúng tôi có thể đóng cái kệ này thấp xuống một chút,” Ishvar vừa nói vừa giúp cô xếp lại những món đồ vừa rơi.
“Như thế cô mới với được.”
“Thôi, bỏ đi. Suốt mười lăm năm nay tôi có động đến mấy thứ này đâu.” Cô đã thấy thứ ngón tay vừa lần tìm: cuộn giấy sáp cô thường dùng để gói bữa trưa cho Rustom. Cô thổi sạch bụi và xé ra một mẩu vuông to bằng cái khăn mù soa, rồi nhỏ vào ít cao Amrutanjan.
“Đây,” cô nói, đoạn gấp mẩu giấy thành một cái gói hình tam giác be bé. “Bánh gối nhân dầu cao của cậu đây – đừng quên cầm về.”
“Cảm ơn cô,” Ishvar cười to, cố thúc Om tỏ lòng cảm ơn. Và trái với ý muốn của Om, một thoáng cảm kích đẩy lên gương mặt cậu nụ cười nhẹ.
Đến tối, khi họ lục tục ra về, cô hỏi chiếc rương. “Sao hai anh không bỏ lại chỗ ngủ ấy?”
“Ở đấy không có chỗ để.”
“Vậy để ở đây cũng được. Sáng tha đi, tối tha về làm gì cho khổ ra.”
Lời đề nghị khiến Ishvar vỡ òa. “Cô tốt quá, cô Dina! Cảm ơn cô lắm lắm!” Nội trên quãng đường đi từ phòng sau ra hành lang, ông nói cảm ơn dễ đến nửa chục lần, hai tay chắp lại, vừa cười toe toét vừa gật gù cái đầu. Om, một lần nữa, tỏ ra thận trọng hơn trong việc chi dùng lòng biết ơn. Cậu chỉ bật ra một tiếng “cảm ơn” lầm bầm khi cánh cửa dần đóng lại.
“Thấy chưa? Cô ấy không tệ như mày nghĩ đâu.”
“Cô ta làm thế vì muốn kiếm tiền từ mồ hôi nước mắt của cháu thôi.”
“Đừng quên là cô ấy đã bóp dầu cho mày đấy.”
“Cô ta cứ trả công bác cháu ta tử tế vào, rồi ta cũng tự mua được dầu cao cho mình vậy.”
“Không phải chuyện mua bán, Omprakash – bác muốn mày nhớ chuyện xoa bóp kia.”
Rajaram cưỡi xe đạp đến hiệu thuốc, làm Om phục lăn. “Cũng không hẳn là của tôi,” anh chàng thu mua tóc nói.
“Các sếp cấp cho để tôi đi làm việc thôi.” “Việc gì thế?”
“Tôi phải cảm ơn sao chiếu mạng của mình lắm lắm. Đêm hôm đó, sau khi cả khu bị phá, tôi gặp một anh chàng đồng hương. Anh ta làm cho Ban kiểm soát ổ chuột, lái một trong mất cái máy phá nhà ấy. Anh ta kể cho tôi về công việc mới, rồi sáng hôm sau đưa tôi đến chỗ cơ quan của chính phủ. Họ thuê tôi luôn.”
“Thế là công việc của anh cũng là phá nhà à?”
“Không, không đời nào. Chức vụ của tôi là Tuyên truyền viên kế hoạch hóa gia đình. Cơ quan cho tôi một đống tờ rơi để đi phát.”
“Chỉ thế thôi? Thế công xá có tốt không?”
“Cũng tùy. Họ cho tôi mỗi ngày một bữa cơm, chỗ ngủ, và cái xe đạp. Làm tuyên truyền viên, tôi phải đi khắp nơi giảng về các thủ tục kiểm soát sinh đẻ. Cứ mỗi người đàn ông hay đàn bà tôi thuyết phục được làm phẫu thuật, tôi sẽ được trả hoa hồng.”
Anh ta nói rất sung sướng với giao kèo này. Chỉ cần kiếm được hai cái phẫu thuật cắt ống dẫn tinh hay một cái phẫu thuật cắt tử cung mỗi ngày là bằng số tiền thu được khi còn đi gom tóc. Một khi ứng viên kí vào đơn và được lùa đến phòng khám, thế là anh ta hết trách nhiệm. Chả có giới hạn gì sất, bất kì ai đủ tiêu chuẩn làm phẫu thuật, già hay trẻ, kết hôn hay chưa. Bác sĩ chả làm khó dễ gì hết.
“Chốt lại, ai cũng hài lòng,” Rajaram nói. “Bệnh nhân được quà, tôi được trả công, bác sĩ hoàn thành chỉ tiêu. Lại còn ích nước lợi nhà nữa – gia đình nhỏ là gia đình hạnh phúc, kiểm soát dân số là quan trọng bậc nhất.”
“Cậu kiếm được mấy cái phẫu thuật rồi?” Ishvar hỏi.
“Tính tới giờ thì chưa. Nhưng mới bốn ngày thôi mà. Kĩ năng nói của tôi còn đang phát triển thêm sức mạnh và sức thuyết phục. Tôi chả lo gì, thế nào tôi cũng thành công.”
“Anh biết không,” Om nói, “với công việc mới này, anh vẫn có thể làm thêm công việc cũ song song.”
“Làm thế nào? Có đủ thời gian đi gom tóc đâu.”
“Lúc anh dẫn bệnh nhân đến phòng khám, bác sĩ không cạo lông háng cho họ à?”
“Tôi có biết đâu.”
“Phải cạo chứ,” Om nói. “Trước cuộc phẫu thuật nào họ chả cạo. Anh có thể gom chỗ lông đấy mà đem bán.”
“Nhưng có ai cần mua loại lông ngắn, xoăn tít kiểu đấy đâu?”
Nghe thế, Om cười thầm, Rajaram ngớ ra. “Thằng mất dạy này, dám trêu anh mày,” anh ta cười phá lên. “Nhưng tôi bảo này, cơ quan đang tuyển thêm Tuyên truyền viên đấy.
Hai bác cháu nên đến ứng cử ngay đi.”
“Chúng tôi thích làm nghề may này hơn,” Ishvar nói.
“Nhưng hai người chả bảo tôi là bà chủ khó tính, còn lừa hai người.”
“Đã đành là thế, nhưng đấy là nghề chúng tôi đã được chính chú Ashraf dạy bảo. Còn Tuyên truyền viên, chúng tôi có biết tí gì về nó đâu.”
“Chuyện vặt ấy mà. Đến Trung tâm kế hoạch hóa gia đình, người ta sẽ dạy nghề cho hai người. Đừng ngại thay đổi, đây là cơ hội lớn đấy. Hàng triệu khách hàng tiềm năng. Kiểm soát sinh sản là ngành đang phất đấy, tôi đảm bảo luôn.”
Nhưng nỗ lực của Rajaram hòng thuyết phục hai người thợ may cùng ông bảo vệ rốt lại chẳng đi đến đâu. Anh ta dắt xe đi và rậm rịch ra về. “Có ai trong số mấy người quan tâm đến phẫu thuật cắt ống dẫn tinh không? Tôi có thể dùng ảnh hưởng của mình để cho mấy người hưởng chế độ đặc biệt, gấp đôi quà.”
Cả đám từ chối lời mời mọc.
“À, còn chỗ tóc cậu gửi nhờ trong rương của chúng tôi phải tính sao đây?”
“Chú giữ giúp tôi thêm một thời gian được không? Khi nào kết thúc thời kì thử việc Tuyên truyền viên, tôi sẽ xử lý mấy cái bím ấy ngay.”
Anh ta vẫy tay và biến mất phía cuối con đường, bấm chuông reng reng tạm biệt. Om nói công việc này nghe có vẻ cũng hay hay. “Mà có hẳn một cái xe đạp thì quá tuyệt còn gì.”
Ý kiến của Ishvar là chỉ những người như Rajaram, vốn sẵn cái lưỡi vừa dài vừa sắc, mới mong thành công trong nghề Tuyên truyền viên. “Dám bảo chúng ta ngại thay đổi? Anh ta thì biết cái gì? Nếu ngại thay đổi, liệu ta có bỏ nơi chôn nhau cắt rốn và lặn lội lên tận đây không?”
Ông bảo vệ gật gù đồng tình. “Trong mọi trường hợp, chẳng ai được quyền lựa chọn trong chuyện như thế cả. Mọi thứ đều phải thay đổi, dù ta có muốn hay không.”
Suốt buổi tối, Dina liên tục đi ra nhòm cái rương sứt sẹo của hai người thợ may. Maneck thích thú ngắm cô, tự hỏi cô sẽ tiếp tục trò này trong bao lâu nữa. “Dì hi vọng cháu hài lòng,” sau bữa tối cô nói. “Giờ hãy cầu trời khấn phật để lòng tốt của dì đừng quay lại hại dì.”
“Dì đừng lo lắng thái quá như thế. Làm sao nó hại được dì?”
“Chả lẽ dì phải giải thích lại toàn bộ nữa à? Dì chỉ làm việc này vì bộ dạng cậu thợ may gầy còm khốn khổ kia bắt đầu giống hệt cái rương xước chằng xước chịt của cậu ta thôi. Cháu cứ nghĩ dì không đối tốt với họ, rằng dì không thèm quan tâm đến khó khăn của họ. Cháu sẽ cho là lạ nếu dì nói điều này, nhưng cứ mỗi tối, sau khi họ ra về, dì lại thấy nhớ họ – những chuyện trò, may vá, rồi đùa cợt của họ.”
Nhưng Maneck chẳng thấy lạ. “Cháu hi vọng cánh tay của Om giờ đã khá hơn,” cậu nói.
“Có một điều chắc chắn, cậu ta không hề giả vờ. Lúc bóp thuốc, chỉ sờ vào cơ bắp là dì biết ngay cậu ta đang đau. Dì đã có kinh nghiệm mát xa rồi mà. Chồng dì bị bệnh đau lưng kinh niên.”
Hồi đó cô dùng dầu xoa bóp Sloane, cô kể, công hiệu hơn cao Amrutanjan, làm những múi cơ gồ cứng của chồng mềm hẳn dưới ngón tay cô. “Chú Rustom thường bảo tay dì có phép, thần diệu còn hơn cả mũi tiêm chống co thắt cơ của bác sĩ nữa kia.”
Cô giơ tay lên trước mắt, đăm chiêu ngắm nhìn nó. “Chúng nhớ dai lắm, mấy ngón tay này này. Chúng vẫn nhớ cảm giác ấy, cảm giác cơ thịt Rustom giãn ra.” Cô hạ tay xuống. “Tuy lưng đau suốt, chú ấy vẫn thích đạp xe lắm. Hở tí là chú ấy nhảy lên xe phóng vun vút.”
Đến tận giờ đi ngủ, Dina vẫn thao thao bất tuyệt về Rustom: Họ gặp nhau thế nào, ông anh xấu tính của cô phản ứng ra sao, rồi đám cưới của hai người. Đôi mắt cô sáng lấp lánh, và Maneck rất xúc động trước câu chuyện của họ. Nhưng cậu không thể cắt nghĩa nổi vì đâu khi nghe cô nói lại toàn thân cậu lại còng gập dưới cái khối tuyệt vọng nặng trĩu quen thuộc, trong khi cô đang say sưa với kỉ niệm cũ đến thế.