A book is like a garden carried in the pocket.

Chinese Proverb

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Pé Ngốc
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1697 / 12
Cập nhật: 2015-07-30 00:41:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 -
gự ngồi lặng im bên Hải, thẩn thờ ngắm vạt cỏ lóng lánh sương mai. Mặt trời đã lên, thả làn nắng vàng nhạt, trong veo lên vạn vật. Nắng chỉ làm rõ thêm khung cảnh chứ chưa đủ hơi ấm hong khô sương mù còn sót lại. Ngự rùng mình, co ro, dấu đôi tay dưới tà áo trắng học trò.
Trên cao, từ đỉnh nóc giáo đường, chúa bị đóng đinh vào cây thập tự. Ngày ngày, chúa nhìn xuống những con chiên khổ đau bằng ánh mắt ưu tư, phiền muộn. Ngự cũng muốn được treo lơ lững như thế. Ngự mong vô cùng có ai đó đóng một cây đinh rỏ to vào tim cô. Lúc ấy, hẳn thất vọng không còn chỗ trú.
Hôm nay, ngày thường, giáo đường vắng vẻ làm sao. Không có ai đến cầu nguyện. Đàng xa, nơi dãy nhà ngang thỉnh thoảng thấp thoáng bóng áo choàng đen di động rồi biến mất. Ở đây, bên thềm hang đá, nơi thờ chúa giáng trần, Ngự ngồi chờ người yêu xưng tội. Cô thay mặt đức cha để lắng nghe, ban phép rửa tội. Hải sẽ ra về với lòng an nhiên, thanh thản. Mọi thứ tội lỗi, anh vứt lại cho Ngự. Cô nhận lấy như nhận lời giăng tay trên cây thánh giá.
Hải không biết mở đầu bằng cách nào. Anh loay hoay xoay sợi dây đồng hồ từ trước ra sau rồi từ sau ra trước. Anh ngắm nhìn nó như quan sát nỗi tuyệt vọng của mình. Lấy hộp quẹt, anh đốt một đốm lửa ở đầu điếu thuốc. Và, anh, cái thằng khờ ở đầu bên kia, hút lấy, hút để. Anh bằng lòng với địa vị này. Thằng khờ! Không! Còn hơn thế nữa, một thằng ngốc, tự mình chui vào hang cùng, ngõ hẹp rồi không sao thoát ra được. Anh rít thuốc liên tục. Hải muốn hai lá phổi mình nhuộm đen như cuộc đời anh vậy. Sống và chờ chết.
Tiếng ho của Ngự lôi Hải về thực tại. Nước mắt giọt dài, giọt ngắn thi nhau rơi trên khuôn mặt ấy. Vội ném điếu thuốc ra xa. Hải rút chiếc khăn nhưng không dám chạm vào người cô gái. Anh lúng túng giây lâu rồi đặt nó vào bàn tay Ngự. Cô gái rút vội tay về, chiếc khăn rơi xuống thềm, phơi bày hai chữ thêu chỉ màu đỏ chói. Ngự chồm tới, nhặt lên. Hai tay cô run rẩy đánh rơi chiếc khăn lần nữa khi thấy tên Hải thêu quấn quýt, âu yêm, cuộn lẫn vào chữ Hà.
Ngự ốm lấy mặt:
- Anh tàn nhẫn quá!
Chết lặng cả người, Hải chẳng biết giải thích hay an ủi Ngự bằng cách nào nữa. Đến lúc Ngự đứng lên, anh mới bàng hoàng nắm chặt tay cô gái.
- Ngự, anh xin lỗi em, anh không cố ý.
Nhìn khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu buồn bã của Hải, Ngự biết mình đã bị anh thuyết phục. Cô lại ngồi xuống bên Hải, lắng nghe:
- Ngự, anh yêu em! Anh yêu em!
Chẳng biết có nên tin hay không nữa. Tin hay không, bây giờ với Ngự đâu có nghĩa lý gì. Hải có yêu Ngự hay không thì cũng chẳng thay đổi được gì. Cô nhắm mắt, thở dài não ruột.
Không chịu được, Hải ôm chầm lấy Ngự. Anh muốn nuốt vào lòng nỗi khổ của cô, không cho nước mắt ướt đầm hai má và môi người yêu anh lại tươi thắm như xưa.
Ngự mở bừng mắt, hoảng hồn khi thấy mặt Hải kề sát mặt mình, môi cô chạm vào môi của Hải. Ngự vội xô người đàn ông bật ra rồi thẳng cánh tát mạnh vào má Hải.
Hải nhìn Ngự trân trối, môi mấp máy muốn nói mà thốt chẳng nên lời. Ngự đưa mấy ngón tay tê rần ra trước mặt, nghĩ đến cái đau trên mặt người yêu, Ngự bật khóc. Cô chồm tới, ôm choàng khuôn mặt anh vào ngực. Nước mắt Ngự tuôn ướt đầm một mãng tóc của Hải:
- Em yêu anh! Em yêu anh!
Ngự lặp lại như lời cầu kinh để trấn an mình và mong đẩy lùi hoàn cảnh hiện tại nhưng Ngự cũng nhận ra ngay là mình chỉ làm rối ren thêm vở kịch đã tới hồi kết thúc. Cô buông vội Hải ra, gục đầu xuống tà áo dài phủ trên hai gối. Ngự thúc giục:
- Anh định nói gì, nói lẹ đi, em phải về nữa.
Giọng Hải êm dịu như hơi thở mà Ngự lại tưởng anh gọi mưa gió về làm giông bão quanh cô:
- Ngự, anh yêu em. Còn Hà, anh chỉ quí như em gái nhưng...
Hải ngập ngừng một hồi rồi kể luôn một mạch:
- Nhưng, trong một đêm say rượu, anh lỡ... ăn ở với Hà.
Ngự nhỏm dậy, cô kinh hoàng:
- Ăn ở với người ta!
Úp hai bàn tay lên ngực, Ngự lùi lại, mặt đỏ bừng:
- Trời! Anh ghê thật!
Hải phì cười. Ngự nạt lớn:
- Còn cười nữa hả?
Thấy cử chỉ dễ thương của cô gái, Hải tức cười gần chết nhưng cố ghìm lại:
- Anh đau khổ lắm chứ bộ.
- Xạo vừa thôi!
Hải bật cười:
- Thật mà, anh chỉ yêu em.
Ngự quay đi nơi khác:
- Yêu em mà... lấy người ta.
- Anh có muốn vậy đâu.
- Xạo nữa!
Hải cầm tay Ngự, dịu dàng bảo:
- Thật mà.
- Rồi sao nữa?
- Bây giờ, mẹ anh... bắt cưới Hà vì cô ấy đã mang thai.
Ngự tròn mắt. Cô há hốc mồm kinh sợ rồi đổ gục xuống thềm. Ngự thấy mình bay lên, bay lên, căng tay giữa trời lồng lộng gió. Chính Hải đã treo Ngự lên thánh giá, đóng khắp người cô bằng những cây đinh bén ngót. Sau cùng, anh xô Ngự nhào xuống lòng địa ngục.
Khi trấn tĩnh được, Ngự thấy Hải ngồi bên, mặt tái mét:
- Em làm sao vậy? Em làm anh sợ quá. Ngự, em nói đi! Nếu em bằng lòng, anh sẽ bỏ hết, cả con anh nữa để theo em.
Ngự thì thầm:
- Cả con anh nữa!
Ngự đau đớn nhìn Hải. Cô thét lên:
- Hải, anh nghe đây! Tất nhiên là tôi yêu anh và muốn được cùng anh chung sống. Nhưng trong một hoàn cảnh tốt đẹp hơn kia. Tôi không muốn mình sống như một kẻ cắp, giành lấy tình yêu mà không nghĩ đến kẻ khác. Trước đây, tôi yêu anh. Tôi yêu một người hồn nhiên bao dung và không hề lừa dối. Mãi mãi về sau, tôi cũng yêu một người như vậy. Tôi không muốn thắng một cô gái cô thế và nhẹ dạ. Tôi càng không muốn bắt mất người cha của đứa trẻ vô tội. Và, tôi cũng không thích chiếm đoạt anh. Tôi thù anh! Tôi khinh anh, một người đàn ông thiếu tự chủ, không bản lĩnh đã đánh cắp sự trong sáng trong tâm hồn tôi, đời sống vô tư của lứa tuổi thanh xuân. Bây giờ, tôi chỉ còn lại tôi với kỷ niệm về một mối tình chẳng lấy gì làm đẹp cho lắm. Hải, đừng bao giờ gặp mặt tôi nữa.
Ngự bỏ chạy. Hải nhìn theo bóng cô gái khuất dần, nhòe đi. Anh biết mối tình đầu đã kết thúc.
Ngự đi như chạy ra khỏi cổng giáo đường. Cô không dám ngừng lại để thở. Ngoái nhìn ra xem Hải có đuổi theo không. Chỉ có mình Ngự trơ trọi giữa lề phố vắng. Nắng gay gắt khiến Ngự mệt nhoài. Chẳng có chiếc xe nào lướt qua. Ngự kéo tà áo dài lau mồ hôi và nước mắt, chân bước nhanh. Tiếng xe thắng gấp bên Ngự:
- Ngự.
Ngự nhận ra Thức, người bạn trai cùng lớp đang ngồi trên chiếc Cúp bóng lộn. Anh vui vẻ hỏi:
- Ngự đi nhà thờ hả? Mới thứ bảy mà?
Ngự gật đầu:
- Ừ.
- Chi vậy?
- Ngự muốn ngắm cảnh ở đây.
Thức ngạc nhiên nhìn cô bạn nổi tiếng chăm chỉ học hành:
- Bỏ học đi ngắm cảnh à?
Ngự đỏ mặt nhớ tới cái đơn xin phép vắng mặt một hôm để đi thăm người thân nhưng thật ra Ngự theo Hải tới đây. Cô nghinh mặt:
- Ừ, Ngự có chút chuyện riêng. Còn Thức, đi đâu vậy?
- Đưa thằng Văn về, nhà nó ở phía sau giáo đường.
Thấy Ngự lấy tay che nắng, Thức vội nói:
- Để mình đưa Ngự về nội trú. Giờ này đón xe không có đâu.
Ngự chần chờ không biết có nên nhận lời hay từ chối. Cả trường, ai cũng biết chuyện Thức “để ý” Ngự. Anh ra mặt săn sóc, giúp đỡ Ngự đủ thứ. Khi thì soạn giáo án để Ngự dạy thực tập. Lúc thì vẽ tranh minh họa, v.v...dù Ngự không hề nhờ tới. Thức lấy cớ là người cùng quê hương, xứ sở với Ngự. Hơn nữa, Thức cho rằng giữa hai người có ơn nghĩa “giang hồ”. Nhờ mua nhà của ba Ngự, bây giờ, ba Thức giàu to. Sau khi giựt xập căn nhà lá xiêu vẹo, đem trút hết xuống sông để nước cuốn đi. Ba Thức cho xây dựng tại đó một căn nhà hai tầng khá lớn. Phần trệt, dành cho việc để bạn hàng, chủ vựa mướn chỗ gửi hàng hóa. Trên tầng hai, ba Thức sắp xếp gần hai chục cái giường san sát nhau để khách thương hồ lỡ đường mướn chỗ ngủ qua đêm. Mặc dù tới đây nghỉ rất chật chội, chỉ có một lối đi ở giữa, mỗi lần muốn lên giường, khách phải leo từ đầu hoặc chân giường chớ không còn cách nào nữa. Nhìn tổng quát, chỗ này giống như viện mồ côi đông trẻ mà chỗ ngủ lại ít. Nhưng ai cũng thích ở đây, dù hẹp, nhưng được cái là khá sạch, ấm cúng và nhất là rẽ tiền.
Về sau. Khi khấm khá, ba Thức lại mua thêm vài căn nhà liền phía sau đó nữa. Nơi đây trở thành khách sạn. Lúc này, phòng ngủ được ngăn ra và xếp hạng từ một tới năm. Tuy nhiên, những người mua bán nhỏ theo đường sông chỉ cần một chiếc chiếu trên cái giường hẹp là đủ nên bao giờ phòng ngủ tập thể vẫn đầy nhóc khách. Hơn nữa, nó đã được cải tiến, có chỗ đi tới giường của mình. Không phải giở giò, giở cẳng leo lên như trước khiến cho ai cũng vui lòng. Còn phòng hạng nhất, nhì có nệm lò xo, quạt trần, đầy đủ tiện nghi nhưng lại ít khi được dùng tới. Vì thế, ba Thức thường khen ba Ngự là “cao kiến”. Ông lân la qua nhà Ngự làm quen. Lâu dần, hai ông trở thành đôi bạn thân thiết.
Thức vịnh vào lý do đó, anh tuyên bố mình có bổn phận thay cha đền đáp ơn nghĩa cho... con của ba Ngự.
Ngự và bạn bè đều biết đây chỉ là cái cớ của anh chàng nhút nhát lâu đời. Từ nhỏ, Thức đã bị Ngự lặn dưới nước sờ vào chân khi tắm sông. Bây giờ, lớn lên, anh tự động đưa tim cho Ngự sờ vào và anh cũng thét lên nhưng bằng một giai điệu độc đáo, đầy tình nghĩa.
Nếu Ngự ngồi sau xe của Thức, thế nào tụi bạn cũng đồn rùm là Ngự chịu đòn hoặc trúng tên, sét đánh... nhưng Ngự mệt quá, không còn cách nào khác nữa, cô ra điều kiện:
- Gần tới cổng, Thức cho Ngự xuống nghe.
- Đồng ý.
Ngự lên xe, Thức như mở cờ trong bụng, anh cho xe phóng đi. Hơi thở dồn dập của Ngự làm cho Thức cảm thấy lâng lâng, bay bổng. Anh mong cho con đường dài ra, rộng thêm nhưng trường Sư phạm vẫn thản nhiên đứng đó, nhô cao nóc lầu cho Ngự thấy từ xa. Cô nhắc nhở:
- Cho Ngự xuống đây đi Thức!
Thức trấn an:
- Yên chí lớn. Mười hai giờ rồi. Tụi nó ngủ trưa hết, chẳng có ai thấy đâu. Để Thức đưa. Ngự tới cổng luôn cho đỡ nắng.
Ngự hầm hừ:
- Sao hồi nãy hứa...?
Thức chống chế:
- Trời nắng gắt quá, đi bộ mệt lắm. Kệ tụi nó. Cho tụi nó “cáp đôi” mình đi.
- Vô duyên!
Giận dỗi, Ngự không thèm nói gì nữa. Tới chỗ, xe vừa ngừng, Ngự bước xuống chẳng nói một lời, bỏ đi một nước.
Thức nhìn theo mỉm cười đắc ý. Anh bấm còi xe tin tin inh ỏi. Anh mong biết bao nhiêu từ những cánh cửa sổ kia có dăm ba cái đầu lú ra, nhìn thấy anh chở Ngự. Anh sẽ đưa tay vẫy vẫy. Nếu có ai chạy xuống, anh sẽ mời qua cái quán bên đường, uống một chai nước ngọt để làm chứng cho thành tích “động trời” vừa rồi của anh.
Ngự lại khác, cô sợ những ánh mắt nhìn ra từ trong nội trú. Tụi bạn sẽ bu lại, tra gạn. Chắc chắn Ngự sẽ mệt mỏi và bực bội. Cô nghĩ ra một cách, đi vòng qua hành lang lớp học. Băng ngang mấy liếp cải, rau muống rồi theo con đường nhỏ đi dọc bờ sông. Ngự cần yên tĩnh. Chờ đến giờ học, tụi bạn đi hết, Ngự sẽ lẽn vào là êm chuyện.
Giờ này, ở đây không có bóng người, Ngự hài lòng vô cùng. Cô chợt muốn tìm xem ở khúc quanh kia dòng sông sẽ về đâu? Căn nhà lá xám ngắt có gì lạ. Ngự lần bước. Nước lặng lờ trôi, âm thầm đưa chân cô gái đến chỗ cỏ hoang dày đặc. Ngự bàng hoàng khi thấy mái lá tuột mất một bên. Gió xô cột tre, luồn lõi cây lá tạo nên những âm thanh buồn day dứt. Không có ai ở trong căn nhà ấy. Chiếc xuồng con Ngự thường nhìn thấy cũng đã đi rồi. Ngự tựa vào gốc cây cao nhìn xuống dòng nước đục ngầu, cuộn vòng xoay tít rồi ngoặc qua hướng khác. Ngồi xuống bên bờ, Ngự nhặt từng chiếc lá vàng ném xuống dòng nước xiết. Từng chiếc lá cứ quay tròn, chìm khuất. Rồi chúng sẽ hóa thân thành phù sa bồi đắp ruộng đồng. Ngự chợt nghĩ về mình. Cô nhận ra cô còn thua cỏ mực chẳng giúp ích gì cho đời. Chưa kịp lớn đã nếm mùi thất bại. Ngự nuối tiếc đã để tình cảm đẩy xa quá trớn. Gặp Hải có bốn lần, vậy mà không sao quên được người con trai bội bạc ấy.
Hôm Kim về Cần Thơ rồi trở lại nội trú, Kim bảo không gặp Hải. Sau đó, Kim trốn biệt, lánh mặt Ngự hoài. Điều này cho Ngự đoán được điều mình nghĩ đã đúng. Chỉ còn đợi Hải khẳng định nữa thôi. Nhưng, sự thật lại vượt cả những dự đoán của cô. Hải “sắp” có vợ và “đã” có con.
Anh sẽ bước qua một đoạn đời mới. Tất nhiên là vui vẻ, hạnh phúc và không đơn độc. Còn Ngự, cô làm sao đây với nỗi khoắc khoải, tuyệt vọng của mình. Ngự chồm tới, nhìn bóng mình dưới nước. Cô muốn biết tại sao mình thua người con gái đó. Nước vẫn thản nhiên cuồn cuộn, xoáy tròn, mờ đục. Ngự nhác thấy bóng cô dài ngoằn, dị hợm, đỗ gập ngang mặt nước. Ngự kinh hải kêu rú lên. Cô tưởng như mắt mình lồi ra, môi vều và hai nanh mới mọc chìa bên khóe như ác quỉ. Ngự ôm mặt khóc. Cô gào lên “trời ơi”. Tiếng Ngự vang xa rồi rơi xuống giữa bốn bề vắng lặng. Không ai biết Ngự khổ đau và Hải giờ này chắc hẳn đang âu yếm cô gái ấy. Ngự đứng bật lên, nhảy ào xuống nước.
Ngự chìm xuống, rồi bị nước đẩy lên. Cô thấy người nhẹ tênh, xoay tròn như chiếc lá. Ngự khép chặt hai tay, không bơi mặc cho nước đẩy đưa, xô mạnh vào ngực vào lưng như tra tấn. Ngự mệt lã. Bỗng dưng cô nghe tiếng người lao xao rồi cánh tay Ngự bị giật mạnh, kéo ghì. Lưng Ngự có ai đẩy mạnh, Ngự thoát ra khỏi vùng nước xoáy. Cô vùng vẩy, bơi trở lại chỗ cũ nhưng cánh tay khỏe mạnh ấy tát mạnh vào má cô. Ngự há hốc mồm nước tràn vào miệng. Ngự chìm xuống. Ngất đi.
Khi tỉnh lại, Ngự thấy mình đang ở trong một căn phòng lạ, vách ván, mái lá đơn sơ. Ngồi bật dậy, Ngự hoảng hốt khi thấy mình nằm trên chiếc giường nhỏ. Phía dưới có bếp than nóng đỏ, tỏa hơi ấm quanh Ngự. Ngự càng kinh ngạc hơn khi thấy mình mặc bộ đồ nâu, y hệt sư cô.
- Tỉnh rồi à?
Một ni cô khá lớn tuổi đi vào, tay bưng tách trà còn bốc khói đưa cho Ngự.
- Em tỉnh rồi phải không? Em thấy trong người thế nào?
Ngự chớp mắt cảm động, cô đáp nhỏ:
- Dạ, em tỉnh rồi.
Nhớ lại mọi chuyện, Ngự hỏi:
- Có phải sư đã cứu em không?
Nụ cười bao dung của sư cô làm Ngự ấm cả lòng:
- Đừng lo chuyện đó nữa! Em hãy nằm nghĩ cho khỏe, chút nữa bạn em sẽ trở lại.
Ngự ngơ ngác:
- Bạn em?
- Cậu ấy xưng là bạn em. Chính cậu ấy đã cứu em.
Ngự nhớ đến bàn tay cuốn lấy Ngự dưới nước, đẩy cô ra khỏi vùng nước xoáy, vào bờ và đã tát vào má cô:
- Dạ, sao sư cô biết em... vậy mà tới cứu. Em nhớ lúc đó đâu có ai.
Tôi và sư cô Diệu Linh đẩy xe ba bánh đi lấy nước. Thấy em ngồi nhìn dòng nước xoáy rồi khóc, chúng tôi sinh nghi. Nên ngồi canh chừng. Nhờ vậy,...
Có tiếng reo:
- A, Ngự tỉnh rồi. May quá...!
Ngự ngẩng lên, bắt gặp khuôn mặt tươi tỉnh của Thức. Ngự đỏ bừng cả hai má:
- Ủa, Thức hả?
- Ừ, Thức nè. Thức cười vui vẻ.
Ngự không nói gì nữa, cô sượng sùng cúi xuống.
Sư cô giải thích:
- Cậu này đã cứu em đó.
Thức khoát tay:
- Chính sư cô đã cứu hai đứa mình. Không có sư, Thức cũng bị nước cuốn theo Ngự rồi.
Ngự chớp mắt:
- Ngự biết rồi, sư cô và Thức đã cứu Ngự thoát chết. Nhưng, sao Thức biết Ngự ở đó mà tới?
Nhoẻn miệng cười. Thức khoe:
- Thức đứng bên nội trú nam nhìn ra bờ sông, thấy bóng ai thấp thoáng dưới đó. Thức nghĩ ngay là Ngự nên chạy theo.
- Sao Ngự không hay?
- Ngự có để ý tới ai đâu mà hay. Thức định gọi nhưng thấy Ngự khóc dữ quá, Thức... phát sợ, không dám tới gần.
Sư cô hỏi:
- Vậy sao cậu dám lao xuống nước bơi theo vậy?
Thức gãi đầu:
- Chắc tại... phản xạ tự nhiên.
- Ngự nhớ là Thức bơi dỡ lắm mà.
- Hổng dám đâu! Đó là chuyện ngày xưa kìa. Xin giới thiệu với Ngự: Thức, một tay bơi đã từng đoạt giải nhì khi tranh “cúp đồng bằng Sông Cửu Long”.
- Vậy sao? Thi hai người hay mấy?
Thức cười xòa:
- Thông minh dễ sợ.
Sư cô khác bước vào, Ngự sững sờ khi thấy người con quá trẻ. Chắc chỉ hơn Ngự bốn năm tuổi là cùng. Sư cô có đôi mắt tuyệt đẹp. Đặt chiếc ghế xuống, sư nói:
- Mời cậu ngồi!
Thức cúi chào:
- Dạ, cám ơn sư.
Thức rút trong túi xách ra một gói giấy khá to trao cho Ngự:
- Ngự mặc đỡ để mai về nội trú. Hình như cái áo dài hôm qua bị rách tà. Cứ ở lại đây nghỉ, sư cô đã cho phép. Thức có làm đơn xin rời nội trú cho Ngự rồi.
- Thức tốt với Ngự quá! Biết đến bao giờ mới trả nổi ơn nầy.
Nhớ đến Hải, nước mắt Ngự ứ ra. Sư cô vội an ủi:
- Đừng buồn nữa em. Làm vậy là dại dột. Cha mẹ em sẽ đau khổ lắm khi biết em định quyên sinh.
Ngự sững sờ khi chợt nhớ đến mẹ cha. Không hiểu sao gần đây Ngự lại ít nhớ đến hai đấng sinh thành. Đã vậy, còn định tự tử nữa chứ. Thật là bất hiếu. Ngự òa khóc.
Thức quay đi, anh cảm thấy buồn day dứt. Sư cô vuốt tóc Ngự:
- Đừng nghĩ quẩn nữa. Em sẽ có lỗi vô cùng nếu việc đó xảy ra lần nữa. Thức góp lời:
- Ngự hãy quên hết mọi chuyện đi!
Tưởng Thức biết chuyện mình, Ngự lo lắng hỏi:
- Chuyện gì?
- Làm sao Thức biết. Thì chuyện gì làm Ngự buồn, Ngự khổ đó. Hãy nói đi!
Ngự thở dài:
- Làm như muốn quên là được.
Thấy nắng đã tắt, Thức đứng lên từ giã:
- Ngự ở đây nghĩ nha. Mai Thức đến đưa về. Đừng nhảy xuống sông lần nữa đó. Lạnh lắm!
Ngự mỉm cười, hai sư cô nhìn nhau rồi quay đi.
Sư cô Diệu Linh bảo Ngự:
- Em hãy nghĩ cho khỏe, đã đến giờ lễ phật, chúng tôi phải ra chánh điện.
Ngự nằm xuống rồi thiếp đi ngay.
Khi Ngự thức giấc thì trời đã về khuya. Ánh điện sáng choang làm cho Ngự hoa cả mắt. Sư cô Diệu Linh đang ngồi bên chiếc bàn nhỏ xem kinh. Sư cô đội chiếc mũ len màu da người ôm sát đầu. Nếu không có bộ nâu sòng đang mặc thì Diệu Linh chẳng giống người tu hành chút nào. Sư cô thật đẹp. Đôi mắt to đen láy. Sóng mũi nhỏ và đôi môi mọng đỏ. Ngự nghĩ đây là tiên nữ mới đúng. Diệu Linh ngước lên, bắt gặp ánh mắt chăm chú của Ngự, sư mỉm cười:
- A di Đà Phật. Em đã dậy rồi à? Để tôi dọn cơm chay cho em dùng.
Ngự bước xuống giường đến bên sư cô:
- Em làm phiền quá!
- A di Đà Phật! Xin đừng lo lắng!
Rồi sư cô quày quả đi. Lát sau, sư cô bưng một mâm cơm đi vào phòng. Trên đó, chỉ có một đĩa thức ăn chay, một tô cơm, cái chén và đôi đũa. Chỉ có bấy nhiêu thứ mà Ngự ăn ngon lành. Sư cô nhìn Ngự với ánh mắt trìu mến:
- Em có muốn dùng thêm một ít nữa không?
- Dạ, em no rồi. Cám ơn sư cô!
Diệu Linh bưng mâm cơm ra sau, Ngự đi theo. Chung quanh giờ này thật vắng lặng. Ngôi chùa có lẽ mới lập nên không lớn lắm và ít người biết tới. Trở lại phòng, sư cô bảo Ngự:
- Em nằm nghỉ đi!
Diệu Linh ngồi vào chỗ cũ, đỡ sách kinh ra đọc nhưng hình như chẳng đọc được gì. Sư ngồi bất động như thế lâu lắm, lặng yên nhìn trân trối trang giấy mở, môi mím chặt, trông sư cô như một cô gái đẹp và nghiêm trang.
Ngự buộc miệng:
- Sư cô đẹp quá!
Diệu Linh giật mình, đặt sách xuống bàn, nhìn về phía Ngự:
- A di Đà Phật!
Ngự tò mò hỏi:
- Sư cô còn trẻ đẹp sao lại đi tu?
Diệu Linh trố mắt nhìn cô gái. Cô suy nghĩ khá lâu mới trả lời:
- Tôi tìm thanh thản bình yên cho tâm hồn.
Ngự bàng hoàng:
- Tìm thanh thản, bình yên?
Ngự thầm nghĩ có lẽ sư cô có nỗi uẩn khúc gì đó nên phải nương vào cửa Phật. Nhớ đến chuyện cô và Hải, Ngự hỏi:
- Xin sư cho biết, sư có tìm thấy bình yên, thanh thản hay không?
Diệu Linh chắp hai tay trước ngực, thảng thốt kêu lên:
- A di Đà Phật!
Kéo ghế ngồi xuống cạnh sư cô, Ngự khẩn khoản:
- Xin sư cho biết, ở đây có thanh thản không?
Diệu Linh chợt hiểu, cô gái ngồi trước mặt mình đang muốn thoát khỏi vòng phiền não. Nếu không khéo, cô gái sẽ chọn cách núp bóng từ bi. Diệu Linh nhìn Ngự đăm đăm. Cô gái còn quá trẻ, trẻ hơn Diệu Linh nữa. Sau một hồi đắn đo, suy nghĩ, sư cô thấy cần phải cứu cả linh hồn của cô bé. Diệu Linh nói như đang cầu xin đấng Thế Tôn chứng giám:
- A di Đà Phật! Xin cho con nói thật ý nghĩ của mình.
Diệu Linh nhìn thẳng vào mắt Ngự:
- Ngự, ở đây có mà không, không mà có.
- Vậy là sao? Em không hiểu?
- Không có ai gây phiền não cho mình nữa là có thanh thản, nhưng nếu vẫn không quên được quá khứ đau buồn, nỗi khổ tiếp tục giày xéo lòng mình thì làm sao có thanh thản.
- Vậy ở đâu mới được bình yên?
- Tự trong lòng em thôi. Muốn thì có!
Chợt hiểu nhưng Ngự lại thắc mắc:
- Làm sao em quên được chuyện cũ, người ta đã phụ bạc em.
Như có ai xui giục, Ngự kể lại chuyện mình cho sư cô nghe. Diệu Linh lặng đi vì xúc động. Ngự nhấn mạnh:
- Người ta đã lừa dối em!
Diệu Linh thấy mình cần phải làm nốt công việc là giúp cho Ngự thoát khỏi khổ đau và trở lại vui sống. Sư cô nắm lấy hai bàn tay của Ngự:
- Không có nơi nào thật sự bình yên đâu Ngự nếu mình cứ oằn oại với những ý nghĩ khổ đau. Tôi cũng đang tìm lối thoát. Không bao giờ tôi dám nghĩ mình được đắc đạo, thành chánh quả. Tôi càng không dám nghĩ mình sẽ cứu độ chúng sinh ra khỏi vòng khổ ải trầm luân. Vì một lẻ đơn giản là tôi còn chưa cứu được mình. Tôi chỉ là một người thiếu nghị lực, mất hết lòng tin ở mình, đầu hàng hoàn cảnh. Tôi chạy trốn vào đây, nép dưới bóng Bồ Đề để mong nhờ Phật từ bi gia hộ. Tôi không còn cách nào khác nữa. Cha mẹ tôi đã chết ngoài biển khơi trong lần vượt biển. Phải chi tôi có mặt trong chuyến đi ấy thì sự việc có lẽ sẽ tốt hơn. Tôi ở lại với chồng nhưng anh ấy lại bỏ đi với một người đàn bà khác bằng tiền bán nhà của tôi. Không còn chỗ nương tựa, tôi không còn gì hết!
Diệu Linh nghẹn ngào giây lâu mới trấn tĩnh được, bằng giọng cứng rắn như đinh thép, sư cô tiếp:
- Ngự, em hãy còn ở lại nhà. Đâu phải đến chùa mới tu được. Em hãy tu hiền! Em còn trẻ lắm, em còn cha mẹ, còn bạn bè, còn tất cả. Chỉ mất có một người đàn ông bội bạc. Biết đâu đó chẳng là cái may! Nếu hành động phản bội diễn ra khi em đã là vợ người ta thì sao? Chắc chắn tình huống này khó xử vô cùng. Em nghĩ lại đi! Hãy tìm một hướng sống khác. Đừng mãi ủ rũ, xé vụng nỗi buồn ra thành trăm vạn mảnh!
Bỗng dưng Ngự sáng mắt, sáng lòng. Cô ngỡ như mình vừa được ơn trên ban phước. Ngự chắp hai tay trước ngực, nước mắt vui mừng đầm đìa đôi má.
Về đến nội trú, chưa kịp thay đồ, Ngự nhận được giấy mời của thầy hiệu trưởng. Cô vội vàng xuống văn phòng.
Hôm nay, chủ nhật, những thầy cô phụ trách hành chánh đều được nghỉ. Giáo sinh cũng tự do đi chơi hoặc về thăm nhà. Tại sao thầy hiệu trưởng lại muốn gặp Ngự, cô lo sợ vô cùng. Cô hết sức bối rối khi thấy nét nghiêm nghị của thầy lúc Ngự bước vào.
- Thưa thầy, thầy gọi em.
Thầy hiệu trưởng không trả lời, ông nhìn cô học trò đăm đăm, Ngự lúng túng, mặt bừng đỏ, cô run giọng:
- Thưa thầy, thầy gọi em.
Ông bảo:
- Em ngồi xuống đi!
Ngự khép nép ngồi xuống chiếc ghế đặt trước bàn làm việc của thầy. Ông nghiêm nghị nhập đề ngay:
- Người đàn ông đó đã làm gì em?
Ngự hoảng hốt lẫn kinh ngạc, há hốc mồm nhìn thầy hiệu trưởng. Cô không nói được thành lời.
Thầy lặp lại:
- Người đàn ông đó đã làm gì em?
- Dạ, người đàn ông nào, thưa thầy?
Ông nhìn thẳng vào mắt Ngự rồi rắn giọng:
- Người đón em trước cổng trường sáng hôm qua.
- Dạ,... anh ấy đâu có làm gì em.
- Thật không?
- Dạ thật.
Ngự thoáng thấy ánh mắt thầy lóe một tia sáng vui mừng rồi phụp tắt:
- Vậy vì cớ gì em định tự tử?
Lần này, Ngự run lên không phải vì sợ mà vì giận dữ, cô thắc mắc:
- Bạn Thức đã nói với thầy?
- Đúng.
Ngự buộc miệng:
- Thật là tồi tệ!
Thầy đứng bật dậy, nhưng lại ngồi xuống, ông nhấn giọng:
- Không, đó là một người tốt. Em Thức đáng được mọi người tin yêu!
Ngự không dám nói gì nữa, chỉ cúi gầm mặt, nước mắt tuôn như mưa. Thầy hiệu trưởng để cho Ngự khóc thỏa thích rồi mới lên tiếng. Lần này, giọng thầy không còn giận dữ:
- Hôm qua, bất ngờ thấy gã đàn ông đó đến đón em trước cổng trường, thầy ngạc nhiên lắm. Vào văn phòng lại thấy đơn xin phép nghỉ học một buổi của em, thầy đã nghi ngờ. Tới chiều, lại nhận được đơn xin rời nội trú của em, thầy biết mình lo đã đúng. Thấy nét chữ trong đơn không phải của em. Thầy liền hỏi cô giám thị trực nội trú mới biết Thức đã đem tới nộp cho em. Do vậy, thầy quả quyết chính Thức âm mưu hại em. Thầy mời Thức vào đây để tra gạn. Thức kêu oan và kể lại sự việc diễn ra hôm trước. Ngự, Thức là người tốt. Em hãy bình tĩnh lại rồi kể cho thầy nghe đầu đuôi câu chuyện. Thầy sẽ giúp em.
Vỡ lẽ, Ngự không còn dám dấu người thầy đáng kính nữa. Ngự thuật lại câu chuyện cô và Hải:
- Thưa thầy, người đàn ông đó là Hải, chú của bạn Kim. Em và Hải rất... quí nhau. À, không, có lẽ chỉ có em yêu Hải mà thôi vì anh ấy đã bỏ em đi lấy vợ.
Thầy sốt ruột hỏi:
- Nhưng, hắn có hại em chưa?
Hai má Ngự đỏ như được trang điểm bằng phấn hồng quá đậm. Cô nhìn đi nơi khác.
- Dạ chưa.
Thầy hiệu trưởng thở phào nhẹ nhõm, để cho chắc ăn, ông lặp lại:
- Thật chứ?
- Dạ thật.
- Em phải thành thật trong việc này. Em nên nhớ rằng thầy chỉ muốn giúp em.
- Dạ xin thầy an tâm, em không có việc gì phải lo đâu.
- Chỉ có vậy mà em cũng nhảy xuống sông!
Ngự nhìn xuống chân:
- Em xin lỗi thầy!
Ông nóng nảy nói lớn:
- Xin lỗi! Thầy không ngờ em lại nhẹ dạ, yếu đuối đến thế.
Ngừng một chút ông tiếp:
- Em hãy tưởng tượng, nếu hôm qua em chết đuối, trách nhiệm này thuộc về ai. Cha mẹ em sẽ nghĩ sao về thầy và cái trường này?
Hiểu ra, Ngự ân hận quá:
- Em thật có lỗi, xin bỏ qua cho em!
Thầy dịu giọng:
- May là mọi chuyện đều êm xuôi.
Thầy hiệu trưởng lấy kính xuống lau, Ngự nhìn thấy đôi mắt đỏ ngầu vì mệt mỏi của thầy mà lòng bùi ngùi vô hạn:
- Em xin lỗi thầy!
Đeo kính vào mắt, thầy ôn tồn:
- Thôi, lỗi phải gì! Biết em chưa bị hại là thầy mừng rồi.
Nhìn cô học trò ủ rủ trước mặt, ông chua xót nhớ lại dáng nhí nhảnh tươi vui của cô bé khi chạy lên phát biểu. Cô đã để lại cho ông một kỉ niệm khó quên trong quãng đời làm công tác đào tạo những kẻ trồng người. Ôi, tình yêu đã quật ngã con bé! Sức mạnh của tình yêu thật là ghê gớm!
Ký ức xa xôi như quay lại với ông. Hình bóng người con gái ông yêu năm nào bỗng dưng sống lại. Tường Vi đã rời bỏ ông đi lấy chồng trong khi ông đang cố hết sức thoát khỏi cảnh nghèo khó bằng cách học tập, đạt cho được địa vị ngày nay. Nhưng, khi thành công thì người yêu đã con đàn, cháu đống. Ông đau khổ vô cùng, tưởng rằng mình không sao sống nổi. Nhưng, thời gian đúng là liều thuốc quí giúp ông nguôi quên. Công việc trường sở đem lại cho ông niềm vui mới. Ông bằng lòng cống hiến đời mình cho sự nghiệp giáo dục với tất cả nhiệt tình, không lúc nào xao lãng cho đến tận bây giờ.
Thầy hiệu trưởng buộc miệng:
- Nhanh quá, đã mười mấy năm rồi còn gì!
Ngự ngơ ngác:
- Dạ, thầy nói gì?
Lắc đầu, thầy ôn tồn bảo:
- À, thầy nhớ lại chuyện ngày xưa. Lúc bấy giờ còn trẻ, thầy cũng thất bại trong tình yêu như em. Thầy cứ tưởng mình không sao sống nổi nhưng rốt cuộc, nhờ vậy mà bây giờ thầy có đủ thời gian lo cho trường sở. Ngự, mất người yêu cũng chưa đến nổi long trời lỡ đất đâu em! Dĩ nhiên, ai chả buồn khi lầm yêu một người không tốt nhưng chẳng lẽ vì một người như vậy mà vội vàng hủy hoại đời mình. Thầy không ngờ giáo sinh ưu tú như em lại giải quyết vấn đề một cách ngu xuẩn.
Thầy hiệu trưởng nhìn vào khuôn mặt bừng đỏ vì hổ thẹn của Ngự, ông lặp lại bằng một giọng mạnh mẽ như ra lệnh:
- Đúng là một hành động ngu xuẩn, ngốc nghếch! Ngự, em đâu phải người như vậy! Em phải vùng lên, tự tin và biết hướng đời mình tới lý tưởng cao đẹp. Thầy và các bạn đều hy vọng ở em. Em phải xứng đáng với lòng thương yêu của mọi người!
Ngự bật khóc. Cô hân hoan đón từng lời giáo huấn của người thầy đáng kính. Lòng Ngự tràn ngập niềm vui. Nước mắt xúc động tuôn dài như suối nguồn đỗ về vùng đất thấp. Đất nứt nẻ, khô héo run rẩy chuyển mình. Bên vai Ngự, đôi cánh thầy hiệu trưởng vừa chắp cho vội vàng vỗ nhịp rồi bay bỗng. Ngự nhìn thấy trời bao la, xanh vời vợi. Niềm vui dạt dào trong lòng Ngự. Phút chốc, Ngự yêu đời hơn và cô chọn ngay cho mình một con đường mới. Học thật giỏi để phục vụ cho con người, cống hiến đời mình cho trẻ thơ, những chồi non mới chín.
Biển Tím Biển Tím - Nguyễn Thị Mây Biển Tím