Nếu bạn nghĩ bạn có thể hay không có thể, cách nào thì bạn cũng đúng cả.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 389 / 41
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 - Hậu Quả Của Độ Lệch
goài vấn đề kết thúc cuộc du hành ra, Barbicane không còn lo lắng gì nữa về cái lực đẩy của vật phóng. Vận tốc của nó có thể đưa nó vượt qua đường trung hoà. Như vậy, nó sẽ không trở lại quả đất và nó cũng sẽ không bất động nơi điểm hút. Chỉ còn một giả thuyết là quả đạn sẽ đến được mục tiêu dưới tác động lực hút của Mặt Trăng.
Thật ra, đó là một sự rơi từ trên tám ngàn hai trăm chín mươi sáu dặm xuống một thiên thể, đúng là như vậy, nơi mà trọng lực chỉ bằng một phần sáu trọng lực của Trái Đất. Dù sao đó cũng là cái rơi khủng khiếp, và phải đề phòng tất cả mọi chuyện không thể chậm trễ được.
Có hai việc cần đề phòng: thứ nhất là việc làm giảm đi sự va chạm lúc vật phóng chạm đất của Mặt Trăng, thứ hai là việc làm cho vật phóng rơi chậm lại, tức là làm cho sự va chạm bớt dữ dội.
Về việc giảm nhẹ sự va chạm, đáng tiếc là Barbicane không thể sử dụng lại những phương tiện đã thực sự giúp ích việc giảm nhẹ sự chấn động lúc khởi hành, tức là việc dùng nước làm lò xo và dùng những vách ngăn chấn động. Những vách ngăn vẫn còn nhưng lại thiếu nước vì người ta không thể dùng nước dự trữ vào việc này được, nước dự trữ phải dành để đề phòng trường hợp có thể thiếu nước trên Mặt Trăng trong những ngày đầu… Vả lại, số nước dự trữ này cũng không đủ để làm lớp đệm. Lớp nước chứa trong đầu đạn lúc khởi hành mà trên đó người ta đã đặt chiếc đĩa ít ra cũng có chiều cao khoảng ba bộ và diện tích đáy là năm mươi bộ vuông. Như vậy, lớp nước ấy có thể tích là sáu mét khối và trọng lượng là năm ngàn bảy trăm năm mươi kilôgam. Vậy mà những bình chứa lúc này chỉ có được một phần năm lượng nước đó. Vì vậy phải bỏ cái phương tiện rất hiệu quả ấy trong việc giảm nhẹ sự va chạm này.
Rất may là ông Barbicane vì không bằng lòng việc chỉ dùng nước nên đã trang bị cho chiếc đĩa di động những lớp đệm nhún dùng vào việc làm giảm nhẹ sự va chạm với đế quả đạn sau khi những vách ngăn bên hông đã bị phá huỷ. Những lớp đệm này vẫn còn, chỉ cần sửa chúng lại và đặt cái đĩa di động đúng vị trí của nó. Tất cả những thứ này dễ di chuyển vì trọng lượng của chúng không đáng kể, có thể nâng lên dễ dàng và nhanh chóng.
Công việc được tiến hành. Những bộ phận này được sửa lại không khó khăn gì. Đó chỉ là những bu lông và ốc vít. Dụng cụ để làm chuyện đó không thiếu. Ngay sau đó, chiếc đĩa được đặt lên trên những tấm đệm bằng thép như một cái bàn có bốn cái chân. Nhưng có một điều bất tiện là do việc đặt chiếc đĩa này, cửa sổ bên dưới bị bịt kín và những nhà du hành sẽ không thể quan sát Mặt Trăng qua cái cửa này khi họ rơi thẳng đứng xuống thiên thể đó. Đành vậy thôi, vả lại người ta còn có thể nhìn thấy những vùng đất rộng của Mặt Trăng qua những cửa sổ bên hông vật phóng như người ta nhìn Trái Đất từ cái nôi của quả khí cầu.
Việc đặt chiếc đĩa mất tới một giờ đồng hồ. Đến quá trưa thì những việc chuẩn bị đã xong. Ông Barbicane theo dõi độ nghiêng của đầu đạn nhưng ông rất buồn vì nó xoay không đủ để có thể rơi xuống, hình như nó đang bay song song với bề mặt của Mặt Trăng. Thiên thể của ban đêm này chiếu sáng rực trong không gian, trong khi phía bên kia thiên thể của ban ngày đang đổ lửa thiêu đốt không gian.
Tình huống này không phải điều đáng lo ngại.
- Chúng ta sẽ đến nơi chứ? – Nicholl hỏi.
- Chúng ta hãy làm như thể chúng ta phải đến – Barbicane đáp.
- Các ông là những người yếu bóng vía – Michel Ardan nói – Chúng ta sẽ đến nơi và còn nhanh hơn là chúng ta muốn nữa kia.
Chính điều Michel nói khiến Barbicane bắt tay vào việc chuẩn bị, ông lo chuẩn bị hệ thống làm giảm tốc độ rơi của vật phóng.
Họ nhớ lại lần mít tinh ở Tampa Town xứ Florida, lúc ấy ông đại uý Nicholl ở trong tư thế “kẻ thù” của Barbicane và đối nghịch với Michel Ardan. Để đáp lại ông đại uý Nicholl, người cho rằng đầu đạn sẽ vỡ ra từng mảnh, Barbicane đã nói rằng ông sẽ làm giảm tốc độ rơi của vật phóng bằng những hoả tiễn thích hợp.
Thật vậy, những khối đất nổ lớn được đặt vào đế của vật phóng và hướng ra ngoài, khi phát ra sức phụt ngược chiều thì có thể giảm được tốc độ của vật phóng trong một chừng mực nào đó. Những khối thuốc nổ này phải cháy trong chân không, đúng thế, nhưng ôxi sẽ không thiếu vì chính chúng sẽ tự cung cấp lấy như những núi lửa trên Mặt Trăng khi bùng nổ không hề bị trở ngại vì thiếu lớp khí quyển quanh Mặt Trăng.
Barbicane đã nhét đầy thuốc nổ vào những khẩu pháo nhỏ, có thể siết vào đế của vật phóng. Những khẩu pháo được đặt dưới đáy vật phóng và ló ra ngoài nửa bộ này, có hai mươi khẩu. Một cái cửa mở ra ở chiếc đĩa để có thể đốt ngòi nổ của mỗi khẩu. Tất cả các quá trình tiếp theo sẽ diễn ra ở bên ngoài. Chất nổ đã được nhồi trước vào mỗi khẩu pháo. Chỉ cần tháo gỡ những nắp đậy và lắp những khẩu pháo vào, hệ thống làm giảm tốc độ rơi của vật phóng sẽ hoàn chỉnh.
Công việc mới lạ này hoàn tất vào lúc ba giờ, tất cả những chuẩn bị đã sẵn sàng, chỉ còn việc chờ đợi mà thôi.
Đầu đạn ngày càng tiến gần đến Mặt Trăng. Quả thật nó chịu ảnh hưởng của sức hút Mặt Trăng trong một chừng mực nào đó, nhưng vận tốc riêng của nó vẫn đưa nó bay theo một đường nghiêng. Do ảnh hưởng của hai lực đó nên hợp lực sẽ là một đường thẳng tiếp tuyến. Nhưng chắc chắn đầu đạn sẽ không rơi thẳng đứng xuống bề mặt của nguyệt cầu, do ảnh hưởng của trọng lượng phần dưới đầu đạn nên đầu đạn sẽ quay đế về hướng Mặt Trăng.
Barbicane càng lo lắng khi thấy quả đạn cưỡng lại sức hấp dẫn của Mặt Trăng. Một hiện tượng mới lạ xuất hiện trong không gian liên hành tinh. Với tư cách là một nhà bác học, ông đã dự đoán trước ba giả thuyết có thể xảy ra: rơi trở lại Trái Đất, rơi xuống Mặt Trăng, nằm lại lưng chừng giữa không gian! Thế mà bây giờ lại có một giả thuyết thứ tư xuất hiện với những khủng khiếp của cái vô tận. Phải là một nhà bác học kiên định như Barbicane, một người điềm tĩnh như Nicholl, hoặc một người mạo hiểm, gan dạ như Michel Ardan mới có thể đương đầu với vấn đề ấy mà không hề nao núng.
Họ bắt đầu bàn cãi vấn đề này. Nếu là những người khác thì họ sẽ xem xét dưới khía cạnh thực tiễn và sẽ tự hỏi cái toa tàu – đầu đạn của họ sẽ mang họ đi đâu. Còn ba nhà du hành của chúng ta thì không làm như thế. Họ lại tìm nguyên nhân dẫn đến hậu quả này.
- Thế có nghĩa là chúng ta đã bay lệch? – Michel hỏi – Nhưng tại sao lại như vậy?
- Tôi sợ rằng, mặc dù đã đề phòng kỹ lưỡng, có thể khẩu Columbiad đã bị sai lệch chút ít nào chăng? Một sự sai lệch dù nhỏ cũng đủ quăng chúng ta ra khỏi lực hấp dẫn của Mặt Trăng – Nicholl đáp.
- Như vậy người ta đã nhằm hướng sai à? – Michel hỏi.
- Tôi không tin điều đó – Barbicane đáp – Khẩu đại pháo đã được đặt theo phương thẳng đứng, nó hướng về thiên đỉnh rất rõ ràng. Đáng lẽ ra chúng ta sẽ đến đúng giữa trung tâm của Mặt Trăng khi nó đi ngang qua thiên đỉnh. Vấn đề trục trặc có lẽ do một lý do nào khác mà tôi không lý giải được.
- Chúng ta sẽ không đến quá muộn chứ? – Nicholl hỏi.
- Quá muộn à? – Barbicane hỏi lại.
- Đúng – Nicholl nói tiếp – Đài quan sát Cambridge cho biết hành trình sẽ diễn ra trong chín mươi bảy giờ mười ba phút hai mươi giây. Có nghĩa là nếu sớm hơn thì Mặt Trăng chưa ở điểm đã định, nhưng muộn hơn thì nó sẽ không còn ở đó nữa.
- Đồng ý – Barbicane đáp – Nhưng chúng ta đã khởi hành vào lúc mười một giờ kém mười ba phút hai mươi lăm giây chiều mùng 1 tháng 12, và chúng ta phải đến vào lúc nửa đêm ngày 5, đúng lúc trăng tròn. Bây giờ là ba giờ rưỡi chiều ngày 5 tháng 12, còn tám giờ mười phút nữa chúng ta sẽ đến đích. Nhưng tại sao chúng ta không đến được đó?
- Có phải do tốc độ đã lớn hơn không? – Nicholl đưa ra lời giải đáp – Vì chúng ta biết rằng tốc độ ban đầu đã vượt quá dự định.
- Không! Trăm lần không! – Barbicane vội phủ định – Nếu hướng của đầu đạn chính xác thì một tốc độ nhanh hơn hoàn toàn không cản trở gì tới hành trình đến Mặt Trăng của chúng ta. Mà không! Đã có một sự sai lệch nào đó. Chúng ta đã bay lệch đi.
- Do ai? Vì sao? – Nicholl hỏi.
- Tôi cũng chưa rõ nguyên nhân – Barbicane đáp.
- Ông Barbicane ạ, thế ông có muốn biết ý kiến của tôi về vấn đề do đâu có sự sai lệch này không? – Bây giờ Michel mới lên tiếng.
- Nói đi.
- Tôi không cần biết chuyện đó! Chúng ta đã bay lệch, sự thật là như vậy rồi. Chúng ta sẽ đi đến đâu không quan trọng gì. Chúng ta sẽ thấy rõ sau. Cần quái gì mà phải cuống quýt đi tìm câu trả lời, bởi vì chúng ta đang lao vào không gian, cuối cùng chúng ta sẽ rơi xuống trung tâm của một lực hấp dẫn nào đó!
Thái độ bất thiết đó của Michel Ardan không làm Barbicane an tâm. Không phải ông không lo lắng cho số phận của đầu đạn, nhưng tại sao bay lệch đi, đó là điều ông muốn biết bằng mọi giá.
Tuy nhiên, quả đạn vẫn tiếp tục di chuyển ngang qua Mặt Trăng cùng với cả một loạt đồ lỉnh kỉnh đã được vứt ra ngoài. Dựa vào những điểm chuẩn trên Mặt Trăng, những điểm này cách xa không đầy hai ngàn dặm, Barbicane có thể nhận thấy rằng vận tốc của đầu đạn là một chuyển động đều. Đấy là một bằng chứng mới cho thấy không có một chuyển động rơi nào cả. Sức đẩy của nó còn mạnh hơn sức hút của Mặt Trăng nhưng đầu đạn đang chắc chắn ở một khoảng cách nào đó gần hơn tác dụng của trọng lực sẽ mạnh hơn và tạo ra một chuyển động rơi.
Ba người bạn không có việc gì làm tốt hơn là tiếp tục quan sát. Nhưng họ vẫn chưa thể xác định được địa hình của Mặt Trăng. Tất cả những địa hình đó vẫn phẳng lì dưới những tia sáng Mặt Trời.
Họ quan sát như vậy qua những cửa sổ bên hông đầu đạn mãi đến tám giờ tối. Mặt Trăng trước mặt họ lúc ấy trở nên to hơn đến nỗi nó che khuất mất nửa bầu trời. Mặt Trời một bên, Mặt Trăng một bên khiến bên trong đầu đạn tràn ngập những tia sáng chói lọi.
Lúc ấy, Barbicane tưởng đã ước lượng được khoảng cách giữa họ và mục tiêu chỉ còn bảy trăm dặm mà thôi. Theo ông, hình như vận tốc của đầu đạn là hai trăm mét trên giây, tức khoảng bảy mươi dặm trên giờ. Đế của quả đạn dưới tác dụng của lực hướng tâm có khuynh hướng quay về phía Mặt Trăng nhưng lực ly tâm vẫn luôn luôn mạnh hơn nên lộ trình vốn là một đường thẳng sẽ biến thành một đường cong nào đó mà người ta không thể nào xác định được bản chất của nó.
Barbicane vẫn luôn luôn suy nghĩ về vấn đề nan giải. Thời giờ trôi qua mà chẳng có kết quả nào. Đầu đạn đến gần Mặt Trăng một cách rõ rệt nhưng họ cũng thấy rõ là nó sẽ không đến được mục tiêu. Cái khoảng cách ngắn nhất mà đầu đạn sẽ đi qua là hợp lực của hai lực hút và đẩy đang tác dụng lên đầu đạn.
- Tôi chỉ đòi hỏi một điều là phải đến thật gần Mặt Trăng, để khám phá những bí mật của nó – Michel lặp lại.
- Thật đáng nguyền rủa cái nguyên nhân làm lệch đầu đạn của chúng ta – Nicholl nói.
- Thật đáng nguyền rủa! – Barbicane lẩm nhẩm như thể bất ngờ trong trí nhớ ông bừng tỉnh đột ngột – Thật đáng nguyền rủa cái vẫn thạch mà chúng ta đã gặp trên đường.
- Sao? – Michel Ardan hỏi.
- Ông muốn nói gì thế? – Nicholl cũng vội vàng lên tiếng.
- Tôi muốn nói rằng độ lệch của chúng ta là do gặp cái thiên thể phiêu bạt này – Barbicane trả lời bằng một giọng tin tưởng.
- Nhưng nó có hề chạm đến chúng ta đâu! – Michel thắc mắc.
- Không cần phải thế. Khối lượng của nó lớn hơn nhiều so với khối lượng của đầu đạn nên sức hút của nó ảnh hưởng lớn đến đường bay của chúng ta.
- Nhưng quá ít mà! – Nicholl kêu lên.
- Vâng, ông Nicholl ạ, quá ít đó – Barbicane đáp – nhưng với một khoảng cách tám mươi bốn ngàn dặm thì cũng đủ để chúng ta không đến được Mặt Trăng đâu!
Bay Quanh Mặt Trăng Bay Quanh Mặt Trăng - Jules Verne Bay Quanh Mặt Trăng