Số lần đọc/download: 201 / 19
Cập nhật: 2020-07-08 19:36:02 +0700
Chương 9
T
ÔI CHƯA BAO GIỜ thích linh đình rộn rã đón Năm mới. Tôi vẫn thường ngủ từ năm cũ và tỉnh dậy sáng năm mới, yên ổn ở nguyên một nơi và với cái đầu tỉnh táo. Hồi còn đi học phổ thông, CM và tôi luôn luân phiên ở lại nhà nhau. Nếu người lớn trong nhà mở tiệc, chúng tôi sẽ lén ra khỏi phòng, khoái chí quan sát mọi người càng về nửa đêm càng xỉn hơn và hành động ngốc nghếch hơn. Vào lúc thích hợp, hai đứa cũng được người lớn cho uống chút xíu champagne, rồi bọn tôi sẽ tình nguyện phụ dọn dẹp để tranh thủ tiêu diệt nốt rượu và đồ ăn còn lại.
Quãng thời gian ở trung học và đại học có khá nhiều tiệc tùng bí tỉ, nhưng tôi không bao giờ có mặt, và có lẽ CM cũng không thực sự tham gia, dù cô nói nghe có vẻ am hiểu lắm. Đối với chúng tôi, phần thú vị nhất của mọi dịp Năm mới đều là sáng dậy nằm khểnh xem diễu hành Rose Parade trên ti-vi, lảm nhảm ăn bánh quy Giáng sinh và pizza nguội còn từ tối hôm trước.
Năm nay, năm giờ chiều tối tất niên, CM xuất hiện ở hiên nhà tôi, tay xách nách mang đủ thứ thức ăn. Một khoanh phô mai Stilton, thêm phô mai Brie và Parmesan, rau củ để nấu súp, ba chai champagne mua ở hiệu Pike & Western Wine. Và một hộp nhỏ màu vàng kim đựng sáu viên sô-cô-la truffle, để “chống ốm”.
- Cái gì mà thơm thế? - CM cởi áo khoác, treo lên cái móc tôi đã đóng lên mảng tường cạnh cửa ra vào.
Tôi đặt các túi lên cái bàn gấp mới.
- Bồ là chuột bạch ăn thử một loại bánh mới. Hạt anh túc và cam, ủ lên men.
- Rất sẵn lòng hiến mình cho thí nghiệm. Này... - CM quay tròn một vòng. - Trông tuyệt quá. Không thể tin được đây vẫn là cùng một nơi. - Cô vào phòng ngủ, giờ kiêm thêm chức năng là phòng làm việc, vì tôi đã kê thêm bàn và cái ghế dựa lưng. - Màu sắc mĩ mãn. Bồ lấy đâu ra những tranh hoa lá này vậy? Đẹp thế! - Quay lại phòng chính, CM thích mê bức màu nước mà tôi đã sở hữu sau khi đưa cho Tyler hai mươi lăm đô-la, và rèm cửa sổ với bọc ghế tôi tự làm bằng vải ca-rô đỏ và vàng. - Thủy tiên trắng đẹp quá! Lại thơm nữa! - CM nhướng cặp mắt xanh lục sắc sảo về phía tôi. - Bồ xây cái tổ này ấm ra trò đấy. Hay tôi phải gọi là kén mới đúng nhỉ?
Tôi bật cười.
- Ờ, đúng là cái kén thật đấy. Tôi là cánh bướm ẩn mình trong kén, chui ra sẽ hóa thành con ngài.
- Vòng đời đảo ngược hả? - CM cười. - Mà này, bồ nói chuyện với lão Cà Chớn chưa?
Tôi lắc đầu.
- Tuần trước tôi cố gọi cho anh ấy, cô trợ lý nói anh ấy đang nghỉ phép đi du lịch rồi. Có thể giờ này anh ấy đang ở Aspen với Barbarella.
- Barbarella hử? Ừm, con rơi của búp bê Barbie với khỉ đột Godzilla phỏng?
Tôi lại cười phá lên, hai lần trong vòng năm phút, như thế là tốt.
- Đại khái thế. Này. - Tôi đưa CM một chai champagne và tống hai chai còn lại vào tủ lạnh. - Thịt chai này thôi! Mở tiệc nào!
CM rót hai ly, rồi chúng tôi chia nhau rửa và thái rau để nấu súp.
Suốt một lúc, chúng tôi làm phần của mình trong sự yên lặng chỉ có thể tồn tại giữa hai người đã thân đến mức hội thoại trở nên thừa thãi. Tôi nghĩ đến những chuyện ngày xưa, và tôi biết CM cũng vậy, có khi cũng nghĩ những sự việc giống tôi. Nhưng khi champagne trong ly đã ở một mức nhất định, CM bắt đầu kể những việc cô đang làm, dàn dựng Chants d’Auvergne của Canteloube.
- Kể về cái gì?
CM mỉm cười kiên nhẫn.
- Không ra cốt truyện lắm. Canteloube xuất thân từ Auvergne nên nhạc của ông ấy kiểu như điệu hát ru đối với vùng đó. Giai điệu tuyệt đẹp, soạn cho giàn nhạc giao hưởng và một giọng nữ cao. - Khuôn mặt CM biểu cảm đầy hứng khởi. - Vũ đạo bắt đầu bằng màn của vũ công nữ chính, là tôi đây, độc diễn, rồi các vũ công khác ra. Suốt buổi biểu diễn các vũ công ra vào tách nhập liên tục, nên số vũ công trên sàn diễn thay đổi không ngừng.
Tôi ngồi yên nghe, chỉ gật đầu chứ không nói gì, cho đến khi CM đưa mắt khỏi đám cà rốt đã bị băm vằm trên thớt, ngước lên nhìn tôi.
- Đêm Giáng sinh anh Neal đã gọi điện cho tôi.
- Rồi sao?
Cử chỉ, lời nói của CM đều lộ vẻ vô tư lự.
- Anh ấy nói muốn gặp tôi. Giờ anh ấy đang ở Palo Alto, nhưng tháng Hai sẽ đến đây vì có một buổi xê-mi-na. Anh ấy muốn hẹn ăn tối. Hoặc gì đó đại khái thế.
Tôi mỉm cười, thả một nắm quả đậu xanh vào nồi.
- Bồ mong đợi “hoặc gì đó đại khái thế” thì có. Vậy bồ trả lời thế nào?
- Tôi nói tôi phải nghĩ đã.
- Tôi đoán là giờ này thì bồ đã nghĩ xong rồi. - Tôi đảo hành tây với dầu ô-liu cho từ từ đổi màu cánh gián, nổi mùi thơm lừng khắp phòng.
Thở dài đánh thượt một cái.
- Thực ra tuần vừa rồi tôi chẳng nghĩ được chuyện gì khác. - CM nhìn tôi đầy van vỉ. - Giúp tôi thoát khỏi mớ bòng bong này với. Bồ bảo tôi phải làm gì bây giờ?
Tôi đưa CM cái mở đồ hộp.
- Mở mấy thứ này ra làm khai vị nhé.
Dù CM chưa từng nề hà rủa xả David, nhưng tôi luôn không hăng hái chỉ trích Neal. Tôi nghĩ có lẽ đó là tác động tâm lý ngược. Ngày xưa, bất cứ khi nào bố mẹ bình phẩm không hay về anh chàng nào đó mà tôi đang hẹn hò, thì thậm chí tôi lại càng mê mẩn mù quáng vì chàng.
- Bồ không tìm nổi ai kém trình độ tư vấn tình cảm hơn tôi đâu.
Nước hầm gà sôi lục bục khi CM dội lên mấy món rau mới thái.
- Đồ lười, như thế không công bằng. Khi bồ cần lời khuyên, tôi đã khuyên bồ kiếm việc làm đó thôi.
- Hiện tại bồ đang có việc làm rồi thì tôi còn khuyên thế làm gì. Vậy chứ bố có muốn gặp anh ấy không?
- Tôi phải gặp thôi, mà tại sao tôi lại đau khổ dằn vặt thế nhỉ? - CM lẳng mấy cái vỏ hộp vào thùng rác.
- Bài toán có lời giải rồi nhé. - Tôi bới tung tủ bếp, tìm được lá nguyệt quế và hồ tiêu, thả một ít vào nồi.
Khi CM lắc đầu, mái tóc cô bồng bềnh hết trái qua phải, bắt ánh sáng vàng đỏ trong phòng, trông hệt như một đoạn quảng cáo dầu gội đầu. Nếu không phải là bạn thân nhất thì dễ là tôi ghen tức với CM lắm.
- Bồ có nghĩ đó là một ý hay không?
Tôi chống cằm lên bàn tay.
- Nếu bồ muốn gặp lại anh ấy thì tôi nghĩ có vấn đề gì đâu. Có thể chuyện sẽ tốt đẹp. Có thể cả bồ và anh ấy sẽ hiểu thêm được gì đó chăng. Nếu không, ít ra bồ sẽ khỏi phải tốn thời gian thắc mắc xem liệu chuyện gì có thể xảy ra.
- Phải công nhận lô-gíc của bồ hay đấy. - Cô kết thúc công đoạn thái củ cà rốt cuối cùng và thả vào nồi. Rõ ràng đó là những điều mà tôi nên nói.
Tôi gạt đám hành đã xém vàng vào nồi và bật bếp lên. CM rót thêm rượu vào hai ly, dọn ra một bát picholines, loại ô-liu xanh kiểu Pháp mà bọn tôi đều khoái khẩu. Chúng tôi cuộn mình trên đệm trong hơi ấm tỏa ra từ lò sưởi, nghe Những ca khúc bất hủ của Motown, và cùng nhau trải qua những giờ tàn của năm cũ.
o O o
Từ khi tôi chuyển đến căn hộ đầu tiên ở cùng CM hồi năm thứ nhất đại học, mẹ và tôi đã có một cam kết bất thành văn. Mẹ sẽ không gọi điện cho tôi trừ trường hợp có lý do đặc biệt khẩn cấp. Cho nên khi điện thoại đổ chuông vào chiều ngày mùng một tháng Giêng, tôi không mảy may nghĩ rằng bên đầu dây là mẹ, dù hai mẹ con không liên lạc gì từ đêm Giáng sinh. Thật ra, vừa nghe thấy giọng mẹ, tôi đã đứng tim.
- Mẹ, chuyện gì vậy ạ?
Mẹ cười như muốn rung cả đường dây điện thoại.
- Không có gì, cưng ạ. Tin mới là mẹ sẽ làm đám cưới.
Người tôi như trượt đi theo chân cái ghế đẩu.
- Cưới ạ? - Ôi, Chúa ơi, tôi sẽ có một ông cớm trong nhà làm cha dượng.
- Bác Richard đã ngỏ lời cầu hôn mẹ.
- Ai cơ ạ?
- Richard. Bác Richard Travers. Kiến trúc sư. Ông chủ chỗ mẹ làm.
- Còn bác Ed thì sao ạ?
- Bác ấy thì sao? Mẹ không gặp bác ấy từ khi con đi.
- Mẹ, thế ông bác mới này là thế nào? Con còn chưa một lần gặp mặt. - Có cảm giác như mọi chuyện đang diễn ra theo kịch bản một bộ phim của Fellini*.
- Con sẽ sớm gặp thôi.
- Ồ, chúc mừng mẹ.
- Con nói nghe có vẻ ngờ vực thế! - Mẹ cười, nhưng sắc giọng có chút gay gắt.
- Vậy con nên ré lên ạ?
- Wynter. - Mẹ cố gắng kiên nhẫn. - Mẹ biết con sẽ thích bác ấy. Đó là một người đàn ông tuyệt vời. Từ khi mẹ bắt đầu ở đây, mẹ và bác ấy thường xuyên làm việc cùng nhau, và tháng vừa rồi gần như liên tục.
- Mẹ ngủ với bác ta phải không?
Một khúc im lặng.
- Đó không phải là việc của con.
- Chậc, vậy mẹ không nghĩ là con nên gặp người đàn ông đó trước khi mẹ cuống lên làm đám cưới sao?
Mẹ phá ra cười đến mức tưởng như đứt hơi đến nơi.
- Có gì nực cười lắm ạ?
Mỗi khi tôi nghĩ chắc mẹ dịu xuống rồi, thì mẹ lại cười tràn như điên.
- Ôi, Wyn... con... sao con... ôi Chúa ơi... sao mà con nói nghe... -Mẹ hổn hển lấy hơi, nghe như rên rỉ. Rồi mẹ hỉ mũi. - Wyn ơi? Con còn nghe máy không? Mẹ xin lỗi nhé, nhưng sao mà con nói nghe như mẹ của mẹ vậy?
Có lẽ nếu cảm thấy sắp xỉu đến nơi, ta nên ngồi cúi đầu giữa hai đầu gối. Như thế máu sẽ dồn về não. Nhưng nó chỉ khiến tôi nhức đầu hơn.
- Con chẳng biết phải nói gì nữa. - Tôi ngồi thẳng dậy.
- Sao không phải là “Chúc mừng mẹ, nghe tin con rất vui” hả Wyn?
- Mẹ làm ở đó đã được bao lâu đâu. Mẹ thực sự biết gì về bác ta chứ? Chưa biết chừng bác ta là tay bịp chuyên đi săn các bà quả phụ cô đơn đấy mẹ. Biết đâu trong nhà bác ta cha truyền con nối một thứ bệnh tâm thần nào đó. Bác ta có thể đã có tiền án, hoặc một bà vợ ở Toronto, hoặc...
Mẹ vẫn cười không dứt.
- Bác ấy đã li dị rồi. Hãy tin mẹ, mẹ biết những gì cần biết. Vả lại, đám cưới đến tận mười bốn tháng Hai mới tổ chức cơ - ngày hơi cổ điển, nhưng tức là mẹ còn hai tháng nữa để khám phá bác sĩ Jekyll.
- Ông Hyde thì đúng hơn. Bác sĩ Jekyll* là người tốt mà.
- Wyn ơi, con sẽ làm phù dâu cho mẹ nhé. - Mẹ nói cứ như đang mời tôi cùng trị vì ngôi báu vậy.
- Ơ... vâng.
- Vậy là con đồng ý hả? - Giọng mẹ chợt cao vút lên.
- Thế mẹ muốn con trả lời thế nào bây giờ? Con còn chẳng biết mặt mũi bác ta ra sao. Mẹ thì giấu giếm đi lại...
- Đừng nực cười thế. Mẹ và bác ấy là hai người trưởng thành và độc thân. Chẳng có lý do gì mà không nên gặp nhau.
- Ồ vâng, cả hai làm cùng một văn phòng. Chắc đồng nghiệp không ai hay biết gì đâu nhỉ.
- Tất nhiên mọi người biết chứ.
- Nhà bác ta có biết không ạ?
- Có, con trai bác ấy biết.
- Nhưng sao mẹ không nói gì với con?
- Sao mẹ cần phải nói với con?
- Vì... chỉ vì thế thôi. Vậy sao mẹ không nói với con?
- Thẳng thắn nhé, mẹ không nghĩ là con sẽ quan tâm. Từ hồi con có David, con chưa bao giờ để ý đến, và...
- Mẹ nói thế là có ý gì ạ?
- Là thế này đây Wyn. Khi con kết hôn và có cuộc sống gia đình tuyệt vời, yên ổn, giữa mẹ và con hầu như chẳng có chuyện gì. Bây giờ, đột nhiên, vì con cô đơn và không vui, nên con muốn chuyện gì mẹ cũng phải nói với con.
Cuộc đối thoại đã như đoàn tàu mất lái, vùn vụt trượt đi theo quán tính. Tôi muốn ngắt máy nhưng không thể. Và cũng không thể thốt nổi một từ. Tôi trân trân nhìn bức tranh màu nước của Tyler, khung cảnh quảng trường Pioneer với những vạt mưa đầm chéo, lô xô vòm ô của khách bộ hành.
- Wyn, con còn đó không?
- Còn ạ.
- Mẹ xin lỗi. Mẹ không nên nói ra như vậy. - Mẹ không nói rằng “mẹ không có ý như vậy”. - Mẹ vui lắm và đã mong con cũng vui lây. Mẹ không hề nghĩ rằng chuyện lại là một cú sốc đối với con. Wyn ơi, cho mẹ xin lỗi nhé. Con đừng buồn, đừng nghĩ ngợi gì cả nhé.
Thở dài một hơi. Tôi nghe thấy chính mình đang nói:
- Con không buồn, không nghĩ ngợi gì đầu. Chỉ là ngạc nhiên quá thôi. Cũng hơi mếch lòng vì mẹ đã không nói trước với con. Vậy thôi ạ.
- Tức là con sẽ đến phải không?
- Nếu mẹ muốn thì con sẽ đến.
- Tất nhiên mẹ muốn chứ. Ngày lễ Tình nhân là thứ Bảy. Con có thể nghỉ làm và...
- Không vấn đề gì ạ.
- Mẹ có thể gửi vé máy bay nếu...
- Con tự mua vé được. Có thể con sẽ đưa CM đến luôn.
- Thế thì hay quá! - Im lặng một quãng, rồi mẹ nói gấp. - Ừm... mẹ phải đi bây giờ nhé. Chắc con cũng có việc phải làm nhỉ. Mình nói chuyện tiếp sau nhé.
Tôi mở cửa và ra hẳn ngoài trời, gai ốc chạy dọc hai cánh tay. Ba giờ rưỡi chiều và trời chạng vạng tối đi rất nhanh. Gió quật bụi độc cần rạp xuống nghiêng ngả. Tôi cần ra khỏi đây trước khi không kiềm nén nổi mà đập nát những ô cửa sổ. Tôi mặc cái áo len mới, khoác áo khoác đi trời mưa và lao ra cửa, tóc xõa tung phía sau. Đến được Queen Anne Avenue thì vỉa hè đã lấm tấm ướt, và chỉ tích tắc sau cơn mưa xối xả trút xuống. Tôi đã đùng đùng ra khỏi nhà mà không mang ô, nên chỉ mấy phút đã ngấm kha khá nước mưa. Tôi chạy từ cửa hàng này sang cửa hàng khác, nép mình dưới những mái hiên. Ngày đầu tiên của Năm mới. Sẽ chẳng nơi nào mở cửa. Tôi chạy nhanh đến dưới mái hiên bằng bạt xanh lá cây cũ kỹ của quán Bailey, hổn hển dựa vào lớp cửa gỗ xù xì. Hai cánh trượt mở vào trong. Tôi đi vào, người run cầm cập và ướt sũng, đưa mắt nhìn quanh trong ánh sáng mờ tỏ. Chỗ này nặng mùi. Một trong những nơi mà nền sàn có mùi như thể bia lượng của nó còn cao hơn bia lượng của đám khách. Vào lúc này thì chẳng có một ai.
Rồi tôi thấy nhân viên pha chế. Anh ta quay lưng về phía tôi, đang lau và sắp xếp ly cốc. Anh ta quay lại, tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Xin lỗi chị, năm giờ chúng tôi mới mở cửa. - Rồi anh ta bật cười. - Ôi trời, chị ướt sũng rồi.
- Anh tài thật, điều rõ ràng như vậy mà anh cũng phát hiện ra. -Tôi quay lưng đi ra cửa.
- Này, khoan đã. Chị cứ vào nếu muốn. Chỉ là đến năm giờ tôi mới bắt đầu phục vụ. Vào ngồi cạnh lò sưởi đi, tôi đi lấy cho chị mấy cái khăn lau.
Anh ta biến vào sau hai cánh cửa xoay ở phía cuối quầy bar. Tôi treo cái áo khoác rỏ nước tong tong lên giá. Phía trong nơi này trông rộng hơn khi nhìn từ ngoài. Một góc kê bàn chơi bi-a, lò sưởi cháy ấm áp ở một mảng tường, bốn bàn lớn, dăm bàn đôi. Giày tôi kêu lép nhép khi tôi kéo ghế tới gần lò sưởi, ngồi xuống và duỗi chân ra.
Anh nhân viên quay lại đưa cho tôi hai cái khăn bông trắng và đặt một cốc còn bốc khói lên bàn.
- Chỉ là trà nóng thôi. - Anh ta cười tươi. - Nhưng tôi lỡ đánh đổ ít rượu brandy vào đó khi với tay lấy khăn. - Rồi anh ta đặt một lọ nhựa hình con gấu đựng mật ong xuống cạnh cốc. - Chị cần gì nữa thì cứ nói với tôi.
- Cảm ơn anh.
Tôi thấm nước khỏi tóc, đầu xù lên như tổ quạ, đưa cái khăn thứ nhất ướt đẫm lại cho anh ta. Anh nhân viên mang khăn đi rồi quay lại tiếp tục lau ly cốc trong khi tôi quan sát anh ta. Anh này cao, tóc nâu cắt rất ngắn, nhưng không dựng lên kiểu như đầu đinh, mà ngả mềm xuống da đầu, như tóc em bé vậy.
Tôi bóp lọ mật, nhỏ một dải vàng óng vào cốc và quấy lên. Tôi nhấp ngụm đầu tiên, mùi brandy sộc lên mũi, và một luồng nóng ran lan ra trong vòm họng. Tôi cử động để ngồi được thoải mái trên ghế. Vài phút sau, chắc anh nhân viên pha chế cảm nhận được hai mắt tôi đang nhìn xoáy vào lưng mình, nên anh ta quay lại.
- Chị ổn cả chứ?
- Tôi không có ý tò mò gì đâu, nhưng tôi đã gặp anh ở đâu rồi phải không?
Nét mặt anh ta trông có vẻ ngơ ngơ.
- Launderland. Chắc tôi đã thấy chị ở đó. Tôi là người hay mang sổ tay theo đây.
- Ồ, phải rồi. - Giờ tôi đã nhớ ra anh chàng hay ngồi cắm cúi viết như điên. Anh ta gò mình trên cuốn sổ trông giống hệt bọn học trò che che chắn chắn, sợ bạn bên cạnh nhìn bài trong giờ kiểm tra. - Vậy anh đang viết gì thế?
- Không có gì đáng kể lắm. Một dạng nhật ký thôi. - Anh ta xúc một đĩa gì đó và mang tới cho tôi. Lạc. - Chị cứ vứt vỏ xuống sàn. Truyền thống của quán này đấy. - Anh ta tì người vào cạnh bàn. - Chị chưa đến đây lần nào phải không?
- Vâng. - Tôi mỉm cười mà không biết tại sao. - Hôm nay tôi không định đến đây, nhưng nếu không ra ngoài thì chắc tôi sẽ đập tan tành đồ đạc trong nhà mất.
- Bệnh sợ không gian hẹp đây mà.
- Chắc do tôi chưa quen với kiểu trời mưa liên miên thế này.
- Cũng phải mất thời gian đấy. Có người chẳng bao giờ quen nổi được. Chị là người vùng nào?
- Los Angeles.
Chân mày anh nhướn lên khiến đôi mắt sẫm màu trông to ghê gớm.
- Điều gì đã đưa chị tới đây? Hay là tôi không nên hỏi?
Nét mặt anh thành thực, thẳng thắn và kín đáo một cách dễ chịu. Trông như linh mục. Người ta những muốn kể cho anh nghe về cuộc đời mình.
- Đặt câu hỏi là nghề của anh, phải không? Nhân viên pha chế kiêm chuyên gia trị liệu?
- Không dám là chuyên gia trị liệu, nhưng tôi biết lắng nghe. Và rất biết giữ mồm giữ miệng.
- Đôi khi đó là tất cả các tố chất cần có của một chuyên gia trị liệu.
- Nhận xét tinh đấy. Nhân tiện, tôi là Mac McLeod. - Anh chìa tay ra.
- Wyn Fr... Morrison. - Chúng tôi bắt tay. Bàn tay anh mềm và mát, trừ một vết chai ở đốt ngón cái.
- Tôi nên hoàn tất việc chuẩn bị thì hơn. Chị dùng thêm trà không?
- Ơ...
Anh nhấc cái cốc lên vào nói:
- Chị đến quầy bar ngồi đi, chúng ta có thể nói chuyện được.
Anh đặt cái cốc đã đầy trà trở lại lên tấm lót ly có lô-gô của hãng Red Hook. Tôi lặng lẽ uống, vẩn vơ thả mắt nhìn hàng dãy chai xếp sau quầy. Trên giá rượu có Midori màu lục ánh kim, Galliano vàng óng, Campari đỏ, Chartreuse, Courvoisier ấm áp màu hổ phách, Chambord trầm sắc mận, rượu vang port đỏ bầm, và Curacao xanh dương gắt. Những màu sắc nhắc tôi nhớ lại món đồ uống bố tôi thích pha khi nhà đông khách.
- Anh có pha được pousse café không? - Tôi hỏi.
Anh cầm một tập khăn giấy, khẽ xoay ngón tay vặn để tập giấy xổ ra theo đường xoáy trôn ốc.
- Để xem nào, xi-rô grenadine, crème de menthe và Chartreuse... Tôi quên các nguyên liệu khác rồi. Không nhiều người ở đây biết đó là thứ gì, huống chi là gọi món đó để uống.
- Anh quên mất thứ tôi thích nhất, crème de violette. - Tôi như thấy lại bố đang cẩn thận đổ từng loại rượu qua mặt lưng chiếc thìa, để từng lớp tách riêng nhau, không bị lẫn lộn, trông như một dải cầu vồng nằm lọt trong ly thủy tinh thanh mảnh.
- Sao chị biết về pousse café?
- Nhờ bố tôi. Bố tôi không uống nhưng thích pha loại đó.
- Vậy ông ấy uống gì?
- Không nhiều, ở hiện tại. Trừ khi người ta phục vụ rượu Manhattans ở phía bên kia.
- Bên kia nào cơ?
- Bố tôi mất rồi.
- Xin lỗi chị.
- Thỉnh thoảng bố tôi cũng thích uống một ly martini.
- Có vẻ như một con người của cánh đàn ông đây.
Tôi chống khuỷu tay lên quầy bar.
- Một con người của mọi người. Ai cũng quý mến bố tôi.
Anh ta thái chanh với sự chính xác của một bác sĩ giải phẫu, thả những vòng tròn vàng vào chừng một phần tư cái ly kiểu cổ.
- Mẹ chị vẫn ở Los Angeles à?
- Mẹ tôi sắp làm đám cưới. - Tôi uống thêm ít trà. Thật kì quặc khi tâm sự với anh, nhưng không phải là không dễ chịu. Có lẽ vì anh không quen biết tôi.
- Chị có biết chú rể không?
- Chưa từng gặp chú rể.
Tôi ngạc nhiên thấy hai giọt nước mắt bất giác lăn trên mặt mình. Tôi nhìn quanh, như thể biết đâu ai đó đang nhìn tôi, nhưng chỉ có anh, và anh không nói gì. Anh chỉ đặt một chiếc khăn lau sạch lên mặt quầy, ngay trước chỗ tôi, rồi quay trở lại tiếp tục thái chanh.
- Bố chị mất bao lâu rồi?
Tôi cầm khăn lên lau nhanh qua mặt.
- Gần mười lăm năm.
- Suốt từ đó đến giờ mẹ chị chỉ có một mình thôi à?
- Mẹ tôi còn chưa từng hẹn hò nhiều, mãi cho tới... gần đầy. Tôi đoán thế. Ý là không phải chuyện gì mẹ cũng nói với tôi. - Anh pha và để cà phê chảy trong khi mở một túi vải trắng, bắt đầu đếm tiền cho vào ngăn máy tính tiền. - Anh thích chứ? Công việc pha chế ấy?
Ở đây, trong ánh sáng từ trên rọi xuống, tôi thấy đôi mắt anh không thực sự nâu, mà có gam màu như ở giữa xám và xanh lá cây.
- Có nhiều cách kiếm sống cực hơn nhiều. - Anh cười lớn. - Và tôi đã làm qua gần hết rồi.
Anh lau tay, ấn nút bật dàn nghe nhạc to cồng kềnh. Tiếng piano dạo đầu một bản nghe như bắt chước phong cách nhạc jazz. Trông anh có vẻ như muốn xin lỗi.
- Tôi biết thứ này nghe không lọt tai lắm. Harte thích nhạc nhẹ không lời cho các ngày trong tuần. Ông ấy đặt mua đám băng ghi âm quái quỷ này qua ca-ta-lô giới thiệu. Đâu như là 101 nhạc cụ bộ dây và các nhạc phẩm của John Lennon.
- Nghe gớm nhỉ. Harte là ai vậy?
- Ông chủ quán. Cuối tuần thì tôi bật những thứ tôi thích.
- Những thứ anh thích là gì?
- Tối thứ Sáu là nhạc blues. Thứ Bảy, thứ gì đó trung tính, hơi thiên hướng rock, bất cứ thứ gì lọt tai tôi.
- Mozart có bao giờ lọt tai anh không?
Anh lắc đầu, cười lớn.
- Không bao giờ. Nhưng thỉnh thoảng tôi có bật vài khúc arias.
- Opera thì sao?
- Có chứ. Anh em xa với nhạc blues đấy. Cùng một thế giới quan, chị có nghĩ thế không? Cuộc đời này vui thật.
Cánh cửa cót két mở, một người đàn ông tóc bạc, mặc áo khoác len kẻ ca-rô đi vào và rũ nước mưa bám trên người. Ông gật đầu với Mac, theo kiểu hai người vốn gặp nhau hàng đêm, rồi từ từ tiến đến cái ghế tôi đã để trống bên lò sưởi.
- Chào Morey. ESB chứ?
Người đàn ông bỏ cái mũ bóng chày Seattle SuperSonics xuống, vỗ vỗ nó lên đầu gối, làm nước mưa bắn tung từng hồi vào ngọn lửa.
- Không vội đâu. Quý cô khả ái hơn tôi.
Mac quay sang hỏi tôi:
- Chị làm việc ở đâu?
- Hiệu bánh Queen Street. - Trước khi anh kịp hỏi, tôi nói luôn.
- Tôi làm bánh mì.
- Sao chị lại vào làm việc đó?
- Chuyện dài lắm. Quá dài cho tối nay. Tôi phải chuẩn bị đi làm đây.
- Vậy lần sau nhé. - Anh lấy một ly Red Hook ESB, mang đến cho người đàn ông mặc áo khoác ca-rô.
Bên ngoài, trời đã ngớt nhưng có vẻ còn muốn mưa nữa, không khí lạnh buốt và sạch bong.
Được rồi. Lần sau nhé.
o O o
Về cơ bản, có hai cách để làm mọi việc ở Boulangerie du Pont: cách của Jean-Marc và cách làm sai. Cho nên tôi học theo cách của anh, tuần tự từng bước một, từng ngày một: le pétrissage, trộn và nhào; le pointage, bột nở lần thứ nhất; donner un tour, nện bột nhào; le pesage, cần hoặc đong để làm ra các ổ bánh theo cân nặng cho trước; le faconnage, nặn bột; l’apprêt, chống dính; le coup de lame, cắt bột; và la cuisson, nướng trong lò.
Bước trộn và nhào bột đều được làm bằng máy, nhưng các ổ bánh vẫn phải được nặn bằng tay. Một việc nặng nhọc cần nhiều sức và rất khó nhớ hết các kỹ thuật khác nhau cho từng hình dạng bánh khác nhau: la baguette, l’épée, la couronne, le bâtard, le boulot, la boule.
Một buổi sáng, Jean-Marc đưa cho tôi một xô bột nhào vì sao đó đã không đúng với tiêu chuẩn của anh. Anh cắt từng miếng chừng bốn lạng một, hướng dẫn tôi cách nặn một ổ boule tròn nhỏ và một ổ boulot, hay còn gọi là “ngư lôi”. Tôi xem anh kéo bột dọc mặt bàn. Phần đáy bột dính vào mặt bàn, lớp da bánh ở phía trên kín lại, và bột cuộn mình thành một khối vòm hoàn hảo. Trông cũng đơn giản.
Rồi đến lượt mình. Tôi kéo mạnh quá nên khối bột bị dẹp, tôi liền nhẹ tay hơn và chỉ thành công được ở mỗi bước lật ngược khối bột lại để nó trông giống như con rùa đang nằm phơi bụng. Jean-Marc yên lặng quan sát, và tôi có cảm giác rằng anh đang cắn chặt hai hàm răng để nén cười hoặc kiềm chế rầy la tôi. Sau khi cố ba lần nữa mà vẫn không làm ra nổi một khối vòm hoàn hảo mịn màng, tôi lo lắng ngước lên cầu cứu. Khuôn mặt anh không bộc lộ cảm xúc nào.
- Cô phải thực hành một thời gian dài nữa, Wynter ạ. - Anh nói.
- Cô không có cái... - Anh hua hua tay phía trên mặt bàn.
- Cảm giác của đôi tay. - Tôi thở dài.
- Đúng vậy. Cảm giác. Ne vous inquiétez pas. Không vội. Rồi sẽ đến. - Anh đặt bàn tay lên ống tay tôi, và tôi nhìn không dứt lớp bột mịn phủ trên làn da màu ô-liu, đến tận khuỷu tay. - Vous êtes très forte. Rất mạnh mẽ. Thế tốt.
o O o
Ngoài học làm bánh và tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa Pháp, tôi cũng hi vọng sẽ để sự trong trắng của mình lại đất Pháp. Đó không phải là điều đáng tự hào gì. Dù sao khi ấy là những năm một nghìn chín trăm bảy mươi. Ai cũng cặp với một người nào đó. Và tôi đây, vẫn còn thong dong là virgo intacta*.
Không thiếu các ứng cử viên từ những lớp học buổi chiều ở trường đại học. Một cậu con trai Paris mắt nai đen ướt, mảnh mai và nhợt nhạt như một nghệ sĩ kiếm không đủ ăn. Một cậu người Anh, điển trai và dịu dàng, tóc vàng lòa xòa. Sylvie có mấy cậu anh họ rất dễ thương - những anh chàng Gascon rắn rỏi ham đá bóng. Vấn đề là, tôi đã phải lòng Jean-Marc mất rồi. Đặt trong so sánh với anh, cả đám bọn họ chợt trở nên xanh xao và ngốc nghếch. Và khi đã giữ mình đến vậy, tôi sẽ không vội vã nhảy phắt lên giường với chai rượu vang đầu tiên vớt được từ dưới sông lên. Tôi quyết tâm có được Jean-Marc, cho nên tôi bắt đầu nghĩ cách quyến rũ anh như thế nào và vào thời điểm nào.
Hóa ra tìm “thời điểm” không khó. Bà của Jean-Marc và Sylvie sống gần Saint-Antonin-Noble-Val, một ngôi làng nhỏ xinh đẹp bên bờ sông Aveyron, cách Toulouse chừng một tiếng đồng hồ. Hầu như cuối tuần nào, cả đại gia đình cũng đến demeure của bà, tòa nhà đá cổ kính gần một cối xay gió xây kiên cố. Bà đã cao tuổi và nặng tai lắm rồi, nhưng như thế không có nghĩa là mọi người được miễn tiếp chuyện bà. Một việc thật ra là tẻ ngắt.
Phần thú vị nhất của hai ngày cuối tuần là chiều Chủ nhật. Sau hai tiếng đồng hồ của bữa déjeuner năm món, mọi người lững thững thả bộ theo một trong những đường mòn bên bờ sông. “Mọi người” có nghĩa là trừ Jean-Marc, đạo đức nghề nghiệp của anh có thể khiến những tín đồ Thanh giáo phải lấy làm xấu hổ. Bất cứ hình thức nhàn tản nào cũng làm Jean-Marc thấy khó chịu, nên anh thường tìm việc gì đó quanh nhà để làm trong khi cả chục người khác thủng thẳng giãn gân giãn cốt. Tôi phát hiện ra đây chính là dịp hoàn hảo để mình tiến tới.
Một chiều Chủ nhật, mọi người đang thả lỏng trên những phiến đá bên sông, như khung cảnh một bức tranh trường phái Ấn tượng, lơ mơ ngủ hoặc ngắm nhìn những con thuyền dập dìu lướt qua, tôi quay lại nhà, mượn cớ về lấy cuốn sách. Sylvie nhìn tôi là lạ nhưng không nói gì. Nhớ lại chuyện đó - dù đã nhiều năm sau - tôi vẫn thấy mình vô cùng ngốc nghếch. Năm ấy Jean-Marc đã ngoài ba mươi và anh là người Pháp. Có lẽ anh đã hiểu hết tất cả. Nhưng tôi vẫn ngây ngô nghĩ rằng anh cũng có kín đáo mến tôi. Chẳng phải tôi là con gái California sao?
Tôi thấy Jean-Marc đang đứng trên thang cắt bớt những dây leo um tùm như muốn nuốt chửng căn nhà nhỏ của người quản gia của bà.
- Wynter đấy à, cô đang làm gì vậy?
Tôi dành cho anh nụ cười đẹp nhất của mình.
- Em để quên cuốn sách ạ.
Tôi vào nhà và lục va-li, đến khi đó mới nhớ ra mình chẳng mang theo cuốn sách nào. Thôi đành. Tôi cố gắng đi thủng thẳng về phía căn nhà nhỏ.
- Cô tìm thấy không?
- Không ạ, chắc em quên không mang rồi.
Tôi đứng dưới bóng râm, dựa vào tường và xem anh làm. Chúng tôi hỏi han nhau vài cầu. Anh cứ nhìn xuống, có lẽ đang cố lý giải sao tôi cứ bám trụ ở đây. Hoặc có thể anh đã biết.
- Cô ra sông đi thì hơn, - anh nhẹ nhàng nói. - Ngoài đó mát hơn ở đây.
- Ngoài đó ẩm quá ạ.
Tôi vấn tóc cao lên và dựa trở lại tường, đứng ở góc để anh nhìn thấy rõ cần cổ tôi. Rachel Welch đã làm vậy trong một bộ phim tôi từng xem.
Cuối cùng, Jean-Marc xong việc và xuống thang. Anh đến nhặt tấm giẻ lau trên mặt bàn nhỏ và bắt đầu từ tốn, cẩn thận lau cái kéo tỉa cành. Chắc anh phải lau nó đến mười phút trong khi tôi ngắm lớp lông đen loăn quăn trên cánh tay anh. Trái tim tôi chấp chới như một cánh chim bị thương, và trong đầu tôi tràn ngập những mùi thơm của thuốc lá, cà phê và bánh mì - và, mùi mồ hôi - tất cả quện lấy anh.
Jean-Marc đặt kéo và giẻ lau xuống, nhưng anh không cử động. Nếu anh không hôn tôi hoặc không đi ngay đi, chắc tôi sẽ ngất xỉu mất. Mắt chúng tôi gặp nhau.
- Anh Jean-Marc...
- Oui?*
Tôi thở sâu.
- Anh có muốn hôn em không?
Tôi vẫn luôn thấy biết ơn vì vào khoảnh khoắc ấy anh không bật cười. Jean-Marc thở dài. Anh nhướn hàng mày rậm lên.
- Bien sûr*, Wynter. Ai lại không muốn đặt môi hôn cô cơ chứ? Nhưng rồi điều gì sẽ đến?
Tôi đã nuôi những mộng tưởng hão huyền, tất nhiên, nhưng tôi cũng không hình dung được rõ ràng diễn tiến của sự việc.
Jean-Marc nghiêng đầu nhìn tôi.
- Giả sử một lúc nhé, tôi khao khát được hôn cô và chúng ta có tình cảm với nhau. Khi yêu nhau thì có nhiều hơn là những nụ hôn, cô biết đấy. Tôi không thể gây tổn hại đến người con gái tôi đã hứa sẽ bảo vệ. Ce n’est pas bon.*
Tôi xoay tới xoay lui quanh ngón tay chiếc nhẫn được trao ngày tốt nghiệp trung học.
- Em là người trưởng thành, anh Jean-Marc ạ. Em không cần được bảo vệ.
- Đúng, nhưng hãy cân nhắc những gì xảy ra. Chúng ta có một mối tình ngắn ngủi, điều đó không tốt cho công việc ta làm cùng nhau. Chúng ta chia tay trong đau khổ. - Ngón tay anh cào qua mái tóc quăn ngắn, khiến những lọn tóc dựng lên đầy quyến rũ. -Hoặc, cứ cho là chúng ta làm đám cưới. - Anh dừng lại. Biểu cảm trên mặt tôi hẳn có thể là câu chuyện thú vị cho nhiều năm sau. - Cô sẽ, bien sûr, thành người Công giáo. Và chúng ta sẽ sống cùng một nhà với mẹ tôi.
- Ơ... - tôi lắp bắp.
- Cô sẽ nấu nướng, làm việc nhà và sinh con. Ít nhất là bốn, có thể là năm hoặc sáu đứa. Mẹ tôi sẽ chăm bọn trẻ và cô lo việc ở tiệm trong khi tôi làm bánh... Que pensez-vous?*
Mon Dieu. Trời ơi. Tôi nghĩ đến Henry Miller và Anaї Nin, còn anh đang nói đến Ozzie và Harriet*. Jean-Marc lại thở dài, cố tỏ ra rầu rĩ.
- Cô thấy đấy, Wynter, đáng buồn thay, tôi không nghĩ như thế sẽ ổn đâu.
Merde.*