Books let us into their souls and lay open to us the secrets of our own.

William Hazlitt

 
 
 
 
 
Tác giả: Boris Pasternak
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Khánh Trường
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Nhu Nguyen
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3364 / 225
Cập nhật: 2020-06-15 16:51:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Viii Đến Nơi
.
Đoàn tàu chở gia đình Zhivago đến chỗ này, vẫn còn đậu ở một đoạn đường phụ ngoài rìa nhà ga, bị che lấp bởi các đoàn tàu khác, nhưng có cảm giác rằng liên lạc với Moskva, vốn được duy trì suốt cuộc hành tnnh, đã bị cắt đứt, đã chấm dứt hẳn vào buổi sáng nay.
Bắt đầu từ đây mở ra một vành đai lãnh thổ khác, một thế giới tỉnh ly khác, một tỉnh lỵ hướng tới cái trung tâm hấp dẫn khác của nó.
Ở đây người ta biết nhau nhiều hơn dân ở thủ đô. Tuy khu vực đường sắt Yuratin - Razvilie không cờn dân ở và được các đơn vị Hồng quân bao quanh, song những hành khách từ vùng ngoại ô lân cận chẳng hiểu bằng cách nào vẫn len lỏi, hay như bây giờ thường nói, vẫn "thâm nhập", vẫn "lọt" vào các đường tàu. Họ đã lên đầy các toa, đứng lố nhố ở các đầu toa, họ đi dọc đường tàu và đứng dưới đường cạnh lối lên toa của mình.
Tất cả những người ấy đều quen biết nhau. Họ trò chuyện với nhau từ xa chào hỏi khi đến gần nhau. Cách ăn mặc và trò chuyện của họ hơi khác so với dân thủ đô, đồ ăn của họ, thói quen của họ cũng khác.
Kể cũng thú vị, nếu biết họ sống bằng gì, được nuôi dưỡng bằng các nguồn dự trữ tinh thần và vật chất nào, họ đương đầu với các khó khăn, họ né tránh pháp luật như thế nào?
Lời giải đáp nhanh chóng xuất hiện dưới dạng sống động nhất.
2.
Bác sĩ Zhivago trở về toa của mình với một người lính đi kèm, vẫn cái anh lính kéo lệt xệt khẩu súng trên mặt đất và tựa vào nó như vào một cây gậy.
Hơi nóng bốc ngùn ngụt. Mặt trời đổ lửa xuống các đường ray và mái toa. Đất đen vì dầu máy, cháy lên ánh vàng như được mạ vàng.
Cái báng súng của người lính cày bụi, để lại một vệt soi trên cát, va lộc cộc vào các thanh tà vẹt. Anh ta nói:
- Tiết trời đã thuận. Đây là thời vụ tốt nhất để gieo lúa xuân, lúa yến mạch hoặc gieo kê. Còn đối với lúa kiều mạch thì còn sớm. Ở vùng quê tôi, người ta gieo kiều mạch vào dịp lễ Thánh ãculina. Tôi không phải là người vùng này, tôi là dân Morsan, tỉnh Tambob. Này đồng chí bác sĩ ơi, nếu không gặp cái vạ nội chiến và bọn phản cách mạng chết hệt, thì hơi đâu giữa lúc thời vụ thế này tôi phải lạc loài ở nơi đồng đất nước người, hở đồng chí bác sĩ. Bọn chúng gây chia rẽ giai cấp giữa bà con ta với nhau và dẫn đến kết quả thế này đây.
3.
- Cảm ơn, tôi tự lên được, - bác sĩ Zhivago từ chối mấy người muốn giúp đỡ. Từ trên toa, họ cúi khom người, chìa tay để kéo chàng lên. Chàng nhún chân, nhảy phóc lên toa, lấy lại thăng bằng và ôm choàng lấy vợ.
- Cuối cùng thì, ơn Chúa, ơn Chúa, mọi chuyện đã kết thúc như thế này, - Tonia nói. - Kể ra, kết cục may mắn này không phải là bất ngờ đối với ba và em.
- Sao lại không bất ngờ?
- Ba và em biết cả.
- Bằng cách nào tài vậy?
- Mấy tay lính gác kể lại. Chẳng thế, đời nào ba và em chịu đựng nổi cái cảnh không biết tin gì về anh? Ngay vậy, mà ba và em còn suýt nữa phát điên lên được. Anh nhìn kìa, ba đang ngủ mê mệt. Ba nằm vật xuống là ngủ ngay, sau bao nhiêu lo lắng, khó lòng mà lay ba dậy. Có các hành khách mới. Bây giờ em sẽ giởi thiệu với anh một vài người. Nhưng trước tiên, anh hãy xem chung quanh bà con đang nói gì. Cả toa đều chúc mừng anh may mắn thoát nạn.
- Đây, nhà tôi đây! - Tonia đột nhiên thay đổi câu chuyện, nàng quay lại giới thiệu chồng đứng phía sau nàng với một trong những hành khách vừa len đến qua đám đông chen chúc ở góc toa.
- Tôi là Samdeviatov, - một giọng nói vang lên từ phía đó, giữa mái, đầu lố nhố, một chiếc mũ mềm được giơ lên và người vừa xưng tên bắt đầu len lách qua cả một đống người để tới chỗ bác sĩ…
Zhivago nghĩ thầm: "Samdeviatov, mình cứ tưởng tượng đó là một người xuất thân từ một bản anh hùng ca kiểu Nga thời xưa, rậm râu, áo lông xù, dây lưng đủ bộ. Nhưng đây thuộc loại tay chơi nghệ thuật nghiệp dư, tóc hoa râm, để ria mép, râu ba chòm".
- Này, Strelnikov đã làm cho bác sĩ một mẻ sợ hãi không? Thú thực đi.
- Đâu có? Đôi bên nói chuyện rất nghiêm chỉnh. Ít nhất thì đó cũng là một người có sức mạnh, một nhân vật đáng kể.
- Khỏi phải nói. Tôi có biết nhân vật ấy. Anh ta không phải dân vùng này. Dân Moskva các ông. Cũng hệt như những sự cách tân mới mẻ của chúng tôi thời gian gần đây. Cũng là những thứ của dân thủ đô các ông, được du nhập vào đây. Tự chúng tôi chả nghĩ ra nổi.
- Anh Yuri, em xin giới thiệu, - Tonia nói, - đây là ông Alfim Efimovich Samdeviatov, một cuốn từ điển bách khoa sống, cái gì cũng biết. Ông ấy từng nghe nói về anh, về ba anh, về ông nội em, tất, tất tần tật. Hai bên làm quen với nhau đi - Rồi nàng làm như tiện thể thản nhiên hỏi: "Chắc ông cũng biết chị Lara Antipova làm giáo viên ở đây đấy nhỉ?".
Bằng một giọng cũng thản nhiên như thế, Samdeviatov trả lời:
- Tại sao chị cũng để ý đến Lara Antipova?
Zhivago nghe rõ cả, nhưng không góp chuyện. Tonia nói tiếp:
- Ông Samdeviatov là một người bolsevich. Anh phải cẩn thận giữ mồm giữ miệng khi nói với ông ấy đấy, Yuri ạ.
- Thật là? Đúng thế ư? Tôi chả nghĩ như vậy. Trông ông có vẻ một nghệ sĩ thì đúng hơn.
- Cha tôi từng mở một quán trọ. Có bảy xe tam mã chạy chở khách. Còn tôi đã tốt nghiệp đại học. Và đúng là một đảng viên Đảng Dân chủ xã hội.
Yuri thân yêu, anh hãy nghe ông Samdeviatov nói gì với em nhé. Mà này, ông ơi, nói ông đừng giận, chứ cái họ tên của ông đọc mệt quá. Vâng, bây giờ anh nghe em kể này. Chúng mình đã gặp may ghê gớm. Thành phố Yuratin không cho tàu này vào đó. Trong thành phố có các đám cháy, cầu bị đổ, xe không qua lại được. Người ta sẽ cho đoàn tàu chạy vòng theo một đường nhánh nối với ga khác, đúng với tuyến đường mà chúng mình cần tới, qua ga Torfianaia. Anh thấy có tuyệt không! Khỏi phải đổi tàu, thoát được cái nạn tay xách nách mang, lếch thếch xuống ga, đi qua thành phố, để lên ga khác… Chết nỗi người ta còn hành chúng ta, lôi qua lôi lại chán, rồi mình mới được đi tiếp một cách tử tế. Công việc dồn toa sẽ kéo dài. Tất cả những điều vừa rồi là do ông Samdeviatov giải thích cho em biết đấy.
4.
Những lời dự đoán của Tonia đều đúng sự thực. Đoàn tàu móc các toa cũ lại lấy thêm các toa mới, cứ chạy đi chạy lại liên miên trên những con đường bị tắc nghẽn, dọc theo các đường ấy thường có những chuyến tàu khách chuyển dịch, cản trở lối ra của đoàn tàu này.
Thành phố đã bị khuất một nửa ở phía xa vì những chỗ mấp mô của mặt đất. Thỉnh thoảng mới thấy hiện ra ở chân trời các mái nhà, các miệng ống khói nhà máy và các cây thánh giá trên các tháp chuông nhà thờ của thành phố. Một khu ngoại ô Yuratin đang cháy. Khói đám cháy bị gió thổi tạt đi xa, giăng khắp trời như một cái bờm ngựa bay phần phật trước gió.
Zhivago và Samdeviatov ngồi trên sàn toa, sát mép cửa, hai chân buông thõng. Samdeviatov luôn tay chỉ trỏ về phía xa, giảng giải gì đó với Zhivago. Đôi khi tiếng tàu chạy át cả tiếng nói của ông ta, nên Zhivago hỏi lại. Những lúc ấy, Samdeviatov lại ghé sát vào tai bác sĩ mà hét đến khản cả giọng câu vừa nói:
- Đấy là người ta phóng hoả đốt rạp xi- nê "Người Khổng Lồ". Đám học viên sĩ quan cố thủ ở đó. Nhưng chúng đã đầu hàng từ trước. Nói chung, giao tranh chưa chấm dứt hẳn. Ông có thấy những chấm đen đen trên gác chuông không? Đó là quân ta. Họ đang quét quân Tiệp.
- Tôi chả thấy gì. Ông làm thế nào mà nhìn rõ tất cả thế?
- Còn kia là Khoriki, một khu thủ công nghiệp ở ngoại ô, đang cháy. Khu Colodevo, một khu buôn bán, thì xa hơn. Tại sao tôi lại quan tâm đến điều đó? Quán trọ của gia đình tôi ở đấy. Đám cháy nhỏ thôi. Chưa lan đến trung tâm.
- Ông nhắc lại đi. Tôi không nghe rõ.
- Tôi nói: trung tâm, trung tâm thành phố. Nhà thờ lớn, thư viện. Cái họ Samdeviatov của tôi là tên Thánh Saint Donato được Nga hoá. Hình như chúng tôi thuộc dòng họ Demidov.
- Tôi lại chưa nghe rõ gì cả.
Tôi bảo Samdeviatov là một biến danh của Saint Donato. Hình như chúng tôi thuộc dờng họ Demidov. Dòng dõi các quận công Demidov Saint Donato. Cũng có thể đó là chuyện phịa. Một huyền thoại của gia đình. Còn vùng này gọi là lòng chảo Spiakin 1 Các nhà nghỉ ở ngoại ô, các điểm ăn chơi giải trí. Tên nghe lạ quá phải không bác sĩ?
Một cánh đồng trải rộng trước mặt họ. Bốn phía chằng chịt các nhánh đường xe lửa. Những cột dây thép chạy xa mãi về phía chân trời như đi hài bảy dặm. Một con đường rộng, trải đá uốn lượn như một dải lụa, thi vẻ đẹp với đường ray. Nó lúc thì khuất sau chân trời, lúc lại hiện ra trong chốc lát thành hình cánh cung ở chỗ rẽ, rồi lại biến mất.
- Đấy là xa lộ lừng danh của chúng tôi, chạy xuyên suốt miền Sibiri. Lừng danh vì dẫn tới những nơi phát vãng, căn cứ địa của du kích ngày nay. Nhìn chung, vùng chúng tôi chẳng đến nỗi nào. Bác sĩ sẽ quen dần, sẽ sống được thôi. Ông sẽ thích các chuyện ngộ nghĩnh của thành phố. Các tháp nước của chúng tôi. Ở các ngã tư. Những câu lạc bộ mùa đông của nữ giới ở ngoài trời.
- Chúng tôi sẽ không ở thành phố, mà ở Varykino.
- Tôi biết. Bà nhà có kể với tôi. Cũng vậy thôi. Bác sĩ sẽ ra thành phố mỗi khi có công chuyện. Thoạt nhìn, tôi đã đoán biết bà nhà bà ai. Đôi mắt, cái mũi, vầng trán giống cụ Cruyghe như đúc, giống y như tạc. Khắp vùng này ai chả nhớ cụ Cruyghe.
Ở hai đầu cánh đồng có các bồn dầu cao, hình tròn, sơn đỏ Đây đó lủng lẳng những tấm biển quảng cáo sản phẩm kỹ nghệ treo trên các cột cao. Một tấm biển hai lần đập vào mắt bác sĩ Zhivago, đề hàng chữ: "Moro và Vetchinki. Máy gieo hạt. Máy đập lúa".
Đó là một hãng lớn, từng sản xuất những loại nông cụ rất tốt.
- Tôi nghe chưa rõ. Ông bảo sao?
- Tôi bảo: hãng. Bác sĩ hiểu chưa, một hãng lớn. Chế tạo nông cụ. Hội cổ phần. Cha tôi có cổ phần ở đó.
- Thế mà ông bảo có quán trọ.
- Thì đã sao. Cái này chẳng cản trở cái kia. Ông cụ nhà tôi chả ngốc đâu, toàn hùn tiền vào những doanh nghiệp khá nhất ông cụ bỏ vốn vào cả rạp xinê "Người Khổng Lồ".
- Ông có vẻ hãnh diện về điều đó thì phải?
- Về óc kinh đoanh của cha tôi ấy à? Khỏi phải bàn!
- Thế còn Đảng Dân chủ xã hội của ông?
- Cái đó thì có can hệ gì tới việc này nhỉ? Có điểm nào nói rằng một người lập luận theo kiểu mác xít, thì bắt buộc phải là một kẻ bạc nhược, yếu đuối và kém tháo vát? Chủ nghĩa Marx là một khoa học tích cực, một học thuyết về thực tại, một loại triết học về hoàn cảnh lịch sử.
- Chủ nghĩa Marx là khoa học ư? Tranh luận chuyện đó với một người chưa quen biết mấy thì ít ra cũng là thiếu thận trọng. Nhưng không sao. Chủ nghĩa Marx làm chủ bản thân nó còn quá kém, chưa đến mức để trở thành một khoa học. Các khoa học thường ôn hoà hơn. Chủ nghĩa Marx và tính khách quan ư? Tôi chưa thấy có trào lưu nào lại tự biệt lập mình và xa rời các sự kiện thực tế như chủ nghĩa Marx. Mỗi người chỉ lo kiểm tra bản thân mình qua kinh nghiệm, còn những người nắm quyền hành thì tìm mọi cách tránh né sự thật, vì cái câu chuyện hão huyền là cá nhân họ không bao giờ phạm sai lầm. Tôi không thích những người thờ ơ với chân lý.
Samdeviatov coi mấy câu vừa rồi của bác sĩ là lời đùa giỡn của một anh chàng lập dị, miệng lưỡi sắc sảo. Ông ta chỉ cười cười, không phản bác.
Trong lúc ấy con tàu vẫn tiếp tục dồn toa. Mỗi lần tàu chạy đến lối ra cạnh cột tín hiệu cho tàu ra vào ga, thì một người phụ nữ đứng tuổi, là nhân viên bẻ ghi, đeo một bi- đông sữa bên thắt lưng, lại đổi chiếc áo đang đan từ tay nọ sang tay kia, cúi xuống đẩy cái đĩa chuyển ghi, bắt con tàu phải lùi lại.
Trong lúc con tàu từ từ lùi lại từng tí một, bà ta ngồi thẳng người lên và giơ nắm tay dứ dứ về phía nó.
Samdeviatov cứ ngỡ bà ta đang doạ dẫm gì ông. "Mụ ta nhắm ai đây? Trông quen quen. Có phải con gái nhà Tunsev không nhỉ? Có thể lắm. Ơ hay, mình nghĩ ngợi làm gì cho mệt óc ra? Chưa chắc đúng. Nếu đấy là cô Galia, thì cô chóng già đến thế ư? ơ hay, tôi có lỗi gì trong việc này, hả cô? Nước Nga mẹ hiền của chúng ta đang gặp những cuộc đảo lộn, những cảnh hỗn loạn trên các đường xe lửa, chắc cái cô ả bẳn tính kia vất vả lắm, nên mới giơ nắm đấm lên, ra điều là mình đây có lỗi Thôi mặc xác cô ta, tội gì mình cứ phải nghĩcho nhức óc vì cô ta kia chứ!".
Cuối cùng thì bà ta cũng phất cờ, hét to câu gì đó với bác tài xế và cho phép đoàn tàu chạy qua cái cột tín hiệu ra tuyến đường thêng thang phía trước - cho phép nó tiếp tục cuộc hành trình. Lúc toa số mười bốn ngang qua chỗ bà ta, bà ta thè lưỡi trêu tức hai gã đàn ông đang ngồi tán dóc trên sàn toa mà bà thấy chướng mắt. Và một lần nữa Samdeviatov lại trở nên tư lự.
5.
Khi các khu ngoại ô bị cháy, các bồn dầu, các cột dây thép và các biển quảng cáo đã lùi xa và khuất hẳn, nhường chỗ cho những cảnh khác xuất hiện, như các cánh rừng, các quả núi nhỏ có con dường rộng lát đá chạy ngoằn ngoèo lúc ẩn lúc hiện, thì Samdeviatov nói:
- Ta trở về chỗ ngồi thôi. Tôi sắp xuống ga rồi. Ông bà cũng vậy. Chỉ sau tôi một ga thôi. Cẩn thận kẻo đi quá đấy.
- Ông thông thuộc vùng này quá nhỉ?
- Rành hơn cả thổ công, trong khoảng chu vi một trăm dặm. Tôi là luật gia mà. Tôi đã hành nghề hai chục năm. Bao nhiêu vụ kiện cáo, chỗ nào tôi chả đến.
- Bây giờ cũng thế?
- Chứ sao.
- Bây giờ thì còn kiện cáo xét xử được nhỉ?
- Bất cứ gì ông muốn. Những hợp đồng cũ còn dang dở, Các vụ tiền nong và cam kết chưa được thực hiện, công việc cứ gọi là ngập đầu, đến sợ.
- Chẳng lẽ những vụ việc kiểu đó chưa bị xoá bỏ hay sao?
- Về phương diện tên gọi, thì dĩ nhiên đã bị xoá bỏ. Nhưng trên thực tế, lại vẫn cần đến những việc xung khắc nhau trong cùng một thời điểm. Nào là quốc hữu hoá các xí nghiệm, nào là bảo đảm phương tiện chuyên chở, cụ thể là xe ngựa, cho Hội đồng kinh tế quốc dân của tỉnh. Trong khi đó, tất cả mọi người đều muốn sống cả. Những nét đặc thù của thời kỳ quá độ, khi lý luận chưa đi đôi với thực tế. Đây chính là lúc cần đến những người hiểu nhanh, tháo vát, có bản lĩnh, như chúng tôi chẳng hạn. Phúc thay cho kẻ nào được hưởng cái cảnh sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Tuy đôi khi cũng chết dở như cha tôi thường nói. Một nửa tỉnh này phải sống dựa vào tôi. Thỉnh thoảng tôi sẽ đến Varykino thăm quý vị, về việc cung cấp gỗ, củi. Bằng xe ngựa, tất nhiên. Con ngựa của tôi đang bị què. Nếu nó lành lặn, chẳng đời nào tôi chịu ngồi xe lưa để bị nhồi lên nhồi xuống, lộn cả ruột gan! Ông xem, nó bò ì ạch như rùa thế này mà gọi là xe lửa à! Khi nào đến Varykino, tôi sẽ có thể giúp ích gia đình ông bà. Cái gia đình lão quản lý Miculisyn của ông bà, tôi chẳng lạ gì.
- Ông có biết tại sao chúng tôi về đây và dự định làm gì không?
- Cũng sơ sơ thôi. Tôi đoán được, tôi biết. Mối quyến luyến muôn thuở của con người với đất đai. Niềm mơ ước được sống bằng hai bàn tay của mình.
- Thế mà xem chừng ông lại phản đối thì phải? Ông có nhận xét gì?
- Mơ mộng ngây thơ, mộng hưởng thú điền viên. Nhưng cũng chả sao. Cầu Chúa phù hộ ông bà, riêng tôi, tôi không tin. Cái mộng ấy là không tưởng, viển vông, thô thiển.
- Liệu lão Mikulisyn sẽ đón tiếp chúng tôi ra sao?
- Lão ta sẽ không cho quý vị bước qua ngưỡng cửa nhà lão, lão sẽ lấy lá dắt tay quý vị ra ngoài, và lão có lý! Lão đang chết dở, có đến ngàn lẻ một chuyện rối rắm, các nhà máy không hoạt động, thợ thuyền bỏ đi tứ tán, lão chả có phương tiện để sinh sống, giữa lúc đó thì quý vị lại kéo đến. Chà, vui ơi là vui! Chỉ còn thiếu mỗi quý vị nữa thôi. Giá lão có giết quý vị, tôi cũng chả trách lão.
- Đó ông thấy chưa, ông là một tay bolsevich, song chính ông cũng không phủ nhận rằng như thế này thì chẳng phải là sống nữa, mà là một cái gì chưa ừng thấy, một cơn ác mộng, một sự phi lý.
- Dĩ nhiên nhưng đó lại là một tất yếu lịch sử. Phải trải qua nó mới được.
- Sao lại là một tất yếu?
- Bác sĩ là con nít hay giả vờ ngây thơ? Ông từ cung trăng rơi xuống à? Bọn tham ăn và lười biếng đè đầu cười cổ những người lao động nghèo đói, hành hạ họ đến chết, cái cảnh ấy phải tồn tại mãi hay sao? Rồi còn các hình thức sỉ nhục và áp bức khác? Lẽ nào ông không nhận ra, rằng nhân dân nổi giận, muốn được hưởng một cuộc sống công bằng, muốn tìm kiếm chân lý, đó là đòi hỏi chính đáng và hợp pháp của họ? Hay ông tưởng rằng một sự phá vỡ tận gốc có thể đạt được ở các viện Duma, bằng con đường nghị viện, rằng có thể không cần đến chuyên chính?
- Chúng ta đang nói về những điều khác nhau, và giá có tranh cãi hàng trăm năm thì cũng chả thống nhất ý kiến với nhau được. Dạo trước, tôi cũng có tinh thần ủng hộ cách mạng lắm, nhưng bây giờ tôi cho rằng sẽ không thể dùng bạo lực mà giành được kết quả tốt đẹp. Phải dùng điều thiện lôi cuốn người ta tới cái thiện. Nhưng vấn đề không phải ở đó. Ta hãy trở lại chuyện Mikulisyn. Nếu lão ta định đối xử với chúng tôi như vậy thì chúng tôi còn đến đó làm gì nữa? Chúng tôi phải quay về Moskva thôi.
Vô lý chưa. Thứ nhất, chả lẽ trên đời này chỉ có một nhà Miculisyn? Thứ hai, Miculisyn là người tốt bụng ghê gớm, tốt bụng đến mức tội lỗi. Lão sẽ làm ồn lên tí chút, sẽ ca cẩm vài câu rồi đấu dịu ngay. Lão sẽ cởi chiếc áo lót và chia mẩu bánh cuối cùng của lão cho ông bà.
Rồi Samdeviatov kể tiếp.
6.
Hai mươi nhăm năm về trước, khi đang là sinh viên Học viện Kỹ nghệ ở Petersburg, Miculisyn đã bị đưa quản thúc ở Yuratin. Về đây được ít lâu, Miculisyn kiếm được chân quản lý cho cụ Cruyghe và cưới vợ. Thuở đó, ở đây có bốn chị em nhà Tunsev, - đông hơn trong vở kịch của Sekhov một người, - là Agripina, Evdokia, Galia và Seraphima. Dân ở đây dùng thứ tự chị em để gọi họ là cô Hai, cô Ba, cô Tư, cô út. Miculisyn đã kết hôn với cô Hai.
Sau đó ít lâu, vợ chồng Miculisyn đẻ con trai. Vì tôn thờ tư tưởng tự do, người cha ngốc ngếch ấy bèn đặt cho con một cái tên ít gặp là Leveri, nôm na là Lipca. Lipca lớn lên thành một cậu bé hết sức tinh quái, tỏ ra có những năng khiếu khác thường. Chiến tranh bùng nổ. Thằng nhỏ mới mười lăm tuổi đã sửa giấy khai sinh và trốn nhà, tình nguyện ra mặt trận. Cô Hai, mẹ cậu, vốn hay đau yếu, không chịu nổi chuyện buồn phiền ấy, đã ngã bệnh để không bao giờ ngồi dậy nữa, và đã qua đời mùa đông năm kia, ngay trước cuộc cách mạng.
Chiến tranh kết thúc, Lipa trở về. Cậu đã trở thành một người như thế nào? Thưa, một vị thiếu uý anh hùng, được gắn ba tấm huân chương, được giới thiệu rùm beng là một đại biểu bolsevich ngoài mặt trận. Bác sĩ có nghe nói đến "Anh em ở Rờ" bao giờ chưa?
- Xin lỗi, chưa được nghe.
- Nếu vậy, có kể cũng chả thấy hay. Có nhìn ra cái xa kia ông cũng chả thú gì. Nó lừng danh ở diểm nào? Hiện nay thì nó nổi tiếng nhờ du kích quân. Du kích quân là gì? Lực lượng nòng cốt của cuộc nội chiến của cuộc chiến, bao gồm hai thành phần. Tổ chức chính trị nắm quyền lãnh đạo cuộc cách mạng; và số binh lính xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ, sau khi nước Nga bại trận, số anh em này không chịu tuân lệnh chính quyền cũ. Đó hai cái đó liên kết lại thành quân du kích. Thành phần của nó rất da dạng. Phần đông là trung nông. Nhưng bên cạnh đó cũng đủ hạng người. Nào cố nông, nào tu sĩ, nào con em kulak cầm súng chống lại cha ông họ. Nào những tên vô chính phủ có lý luận hẳn hoi, nào những gã khố rách áo ôm không có thẻ căn cước. Nào những anh chàng đần độn đã quá tuổi lấy vợ mà vẫn ế, bị đuổi khỏi trường trung học vì dốt nát và quá tuổi. Rồi cả những tù binh vốn là lính Đức, lính áo, được hứa hẹn trả lại tự do và cho về quê hương. Và một trong những đơn vị của cái quân đội nhân dân đông đảo mang tên "Anh em ở Rờ" ấy được đặt dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lennyc, hay Lipca, Liveri, con trai của Miculisyn Stapanovich Aveckia, thì cũng thế.
- Ông bảo sao?
- Bảo cái điều bác sĩ vừa nghe đó. Nhưng để tôi kể tiếp. Sau khi vợ chết, Miculisyn tục huyền. Người vợ kế tên là Elena Proslovna, một cô nữ sinh trung học đúng là vừa rời ghế nhà trường thì được đưa ra xe dâu. Vốn đã ngây thơ một cách tự nhiên, cô nàng còn cố tình làm bộ ngây thơ hơn, vốn đã trẻ, còn giả bộ trẻ hơn. Cô nàng cứ làm bộ uốn a uốn éo, ríu ra ríu rít ngây thơ hồn nhiên, ngớ nga ngớ ngẩn, nhí nha nhí nhảnh như thế. Hễ gặp ai cũng bắt đầu sát hạch người ta: "Tướng Suvorop sinh năm nào?", "Hãy kể các trường hợp đồng dạng của hình tam giác". Và nếu bắt bí hoặc nói móc được người ta, là cô nàng hoan hỉ ra mặt. Nhưng chỉ vài giờ nữa bác sĩ sẽ gặp cô nàng và sẽ biết tôi tả có đúng hay không thôi.
Ông chồng lại có những điểm yếu riêng của lão: cái píp và những câu nói theo kiểu chính thống giáo. Lẽ ra lão phải là một nhà hàng hải, hồi ở trường Kỹ nghệ, lão đã học ngành đóng tàu. Điều này vẫn còn thấy rõ qua vẻ ngoài và các thói quen của lão. Lão cạo mặt rất cẩn thận, suốt ngày cái píp không bao giờ rời miệng, lão nói qua kẽ răng một cách từ tốn, lịch sự. Hàm dưới nhô ra vì luôn luôn ngậm pip, cặp mắt xám lạnh ồ suýt nữa tôi quên mất chi hết này: Lão là đảng viên Đảng Ese, được khu bầu vào Hội nghị Lập hiến.
- Điều đó rất quan trọng. Nghĩa là, hai cha con ông ta là đối thủ chính trị, thù địch với nhau à?
- Trên danh nghĩa, hẳn thế. Còn trên thực tế, thì "Anh em ở Rờ" không đánh nhau với Varykino. Nhưng để tôi kể tiếp cho mà nghe. Ba cô em vợ trước của Miculisyn hiện vẫn ở Yuratin. Cả ba đều là gái già. Thời thế thay đổi, các cô gái cũng đổi thay.
Cô Ba, tức Evdokia, làm thủ thư của thư viện thành phố. Một cô gái xinh xắn, da ngăm ngăm, e thẹn hết chỗ nói. Động một tí, mặt cô đã thẹn đỏ như gấc. Phòng đọc sách cứ yên ắng như trong nhà mồ. Cô Ba mắc chứng sổ mũi kinh niên, khi nổi cơn thì cô hắt hơi có đến hai chục cái liền, cô xấu hổ chỉ muốn độn thổ cho rồi. Nhưng biết làm thế nào? Bệnh thần kinh mà.
Cô Tư, tức Galia, là phúc lành của bốn chị em nàng. Một cô gái cực kỳ sôi nổi, khéo chân khéo tay một cách thần tình. Cô không nề hà bất cứ việc gì. Ai cũng phải công nhận rằng Lipca, hay Lexnyc, vị chỉ huy du kích quân, giống bà dì ấy của mình. Vừa thấy cô Tư làm thợ may trong xưởng may hay xưởng làm bít- tất, thế mà thoáng một cái đã thấy cô làm thợ hớt tóc rồi. Bác sĩ có để ý trên ga xe lửa Razvilie ở chỗ bẻ ghi, có mụ đàn bà cứ dứ dứ nắm đấm và lè lưỡi doạ chúng ta không? Lúc ấy tôi nghĩ thầm: ô kìa, cô Galia lại chuyển sang bẻ ghi đường sắt rồi kìa? Nhưng có lẽ không phải cô Galia, vì Galia phải trẻ hơn nhiều.
Cô út Seraphima, là nỗi khổ tâm của gia đình. Cô này là một trí thức học rộng, uyên bác. Cô học triết, thích thơ ca. Trong mấy năm cách mạng, dưới ảnh hưởng của không khí hào hứng của các cuộc biểu tình trên đường phố và các bài diễn thuyết ở các quảng trường, cô đâm ra ương bướng, mắc cái bệnh điên mê tín ngưỡng. Mấy bà chị đi làm, nhốt cô vào trong phòng, khoá trái cửa lại, nhưng cô mở phắt cửa sổ, vọt ra đường, múa may ngoài phố, khi đám đông tự tập lại xem, thì cô rao giảng rằng Đấng cứu thế đã trở lại và ngày tận thế đã đến. Nhưng thôi, tôi ba hoa mãi, sắp tới ga rồi. Tôi xuống ga này. Bác sĩ sẽ xuống ga sau. Chuẩn bị đi là vừa.
Lúc Samdeviatov đã xuống tàu. Tonia nói:
- Em không biết anh nghĩ sao, chứ theo ý em, thì đúng là số mình rất hên mới gặp được người này. Em cảm thấy ông ta sẽ đóng một vai trò hữu ích trong cuộc sống của gia đình nhà mình.
- Rất có thể, em ạ. Nhưng anh chả vui khi người ta nhận ra em vì em giống ông em, khi người ta vẫn nhớ ông em rõ thế. Ngay như Samdeviatov vừa nghe anh nhắc đến Varykino, đã buông ra những lời cay độc: "Varykino, các nhà máy của Cruyghe. Tình cờ đồng chí có phải là bà con thân thích hay người kế nghiệp của Cruyghe không đấy?". Anh sợ rằng chúng ta chạy đến đây là để sống mai danh ẩn tích, nhưng hoá ra sẽ bị lộ liễu hơn cả ở Moskva mất thôi. Dĩ nhiên, bây giờ đã đâm lao thì phải theo lao. Song tốt nhất là không xuất đầu lộ diện, mà nên náu mình kín đáo hơn. Nhìn chung, anh có những dự cảm chẳng lành. Thôi, ta đánh thức ba và Niusa dậy, sửa soạn hành lý để còn xuống tàu là vừa.
7.
Đứng trên sân ga Torfianaia. Tonia cứ đếm đi đếm lại số người trong gia đình và số hành lý mang theo, xem có quên gì trên toa nữa không. Rõ ràng nàng cảm thấy dưới chân mình lớp cát của sân ga, mà vẫn canh cánh nỗi lo nhỡ ga và tai vẫn nghe tiếng tàu chạy xình xịch, mặc dù đoàn tàu đang đứng bất động rành rành trước mắt nàng. Điều đó khiến nàng khó bề tỉnh táo trong việc nghe, nhìn và suy nghL các hành khách còn đi tiếp đang đứng trên toa nói lời từ biệt với nàng, nhưng nàng không để ý đến họ. Nàng cũng chẳng để ý đến cái đoàn tàu rời ga lúc nào, chỉ phát hiện nó đã biến đi, sau khi nàng nhìn thấy cánh đồng xanh rì và bầu trời xanh biếc lộ ra ở phía bên kia đường tàu trống.
Toà nhà ga xây bằng dá. Có hai chiếc ghế dài kê ở hai bên lối ra vào. Gia đình bác sĩ Zhivago là số hàng khách duy nhất xuống ga này. Họ đặt hành lý và ngồi xuống một trong hai hai chiếc ghế dài vừa nói.
Họ ngạc nhiên trước cảnh vắng vẻ, yên tĩnh, sạch sẽ của nhà ga, không thấy cảnh đông đúc, cãi cọ ồn ào xung quanh mình. Cuộc sống ở chốn hẻo lánh này như bị tụt lại, không theo kịp bước tiến chung của lịch sử. Còn mệt nó mới bắt kịp tình trạng rồ dại của thủ đô.
Nhà ga ẩn mình trong một cánh rừng bạch dương, khi tàu chạy vào ga, trong toa tối hẳn lại. Bây giờ, trên tay và trên mặt người, trên lớp cát vàng sạch sẽ của sân ga, trên mặt đất và trên mái nhà cứ chờn vờn những cái bóng của các ngọn cây đang dua trong gió nhẹ. Tiếng chim hót vang trong rừng hoà hợp với không khí tươi mát của rừng. Những âm thanh trong lành hoàn toàn trong lành, tràn ngập và thấm đượm khắp rừng. Có hai con đường, đường xe lửa và dường bộ, chạy qua rừng. Các cành cây rủ xuống la đà cả hai bên đường cứ như các cánh tay áo dài quét đất của rừng.
Đột nhiên mắt và tai của Tonia trở lại bình thường, mọi thứ ập đến với cảm thức của nàng cùng một lúc. Tiếng hót líu lo của bầy chim, sự thanh khiết của cánh rừng vắng vẻ, sự bình yện của cánh vật xung quanh. Trong óc nàng đã sắp sẵn câu hỏi với chồng: "Em không ngờ rằng chúng mình sẽ đến được nơi ấy bình an vô sự. Hắn ta, cái gã Strelnikov của anh ấy, hắn giả bộ độ lượng cao cả, thả anh ra, nhưng hắn lại đánh điện đến ga này chỉ thị cho họ bắt giữ cả nhà mình lại, khi nhà mình xuống ga này. Anh ơi, em chả tin vào sự cao quý của bọn chúng. Tất cả chuyện đó chỉ là thứ tử tế ngoài mặt". Nhưng thay vì nói như thế, nàng lại thốt lên: "Tuyệt vời!" trước khung cảnh kỳ diệu bao quanh. Rồi nàng không thể nói nên lời. Nước mắt trào ra. Nàng khóc oà lên.
Nghe tiếng khóc nức nở, viên xếp ga từ trong nhà ga bước ra. Đấy là một ông già người thấp nhỏ, dáng đi nhanh nhẹ.
Ông già bước vội tới bên chiếc ghế dài, đưa tay lên riềm chiếc mũi lưỡi chai chóp đỏ để chào gia đình Zhivago và hỏi:
- Có lẽ tiểu thư đây cần vài giọt thuốc an thần chăng? Tủ thuốc của ga chúng tôi có loại đó.
Giáo sư Gromeko trả lời:
- Cảm ơn ông. Chuyện vặt thôi, không sao đâu.
- Đó là những nỗi lo lắng, vất vả trong cuộc hành trình. Thường thường ai cũng vậy cả. Lại thêm trời nóng như ở châu Phi, hiếm thấy ở miền này. Đã thế, lại còn các biến cố của Yuratin nữa.
- Chúng tôi có thấy các đám cháy lúc tàu chạy ngang qua thành phố ấy.
- Nếu tôi không lầm, chắc gia đình ông từ nước Nga tới.
- Từ trung tâm của nó.
- Từ Moskva? Thế thì chả lạ gì khi tiểu thư đây xúc động mạnh. Nghe đồn Moskva thành bình địa rồi phải không?.
- Họ phóng đại đấy? Nhưng đúng là cũng xảy ra lắm chuyện. Đây là con gái tôi, anh này là còn rể tôi. Cháu bé kia là con của hai vợ chồng nó. Còn đây là Niusa, người giúp việc trông nom cháu bé.
- Kính chào. Kính chảo cả nhà. Rất hân hạnh. Tôi cũng được báo trước vài điều. Ông Samdeviatov có điện thoại cho tôi từ ga Sacma, bảo bác sĩ Zhivago đưa gia đình từ Moskva tới đề nghị tôi tìm cách giúp đỡ. Vậy bác sĩ Zhivago chính là ông phải không?
- Không, bác sĩ Zhivago là con rể tôi, đây anh này, còn tôi làm ngành khác, tôi là nhà nông học, giáo sư Gromeko.
- Xin lỗi, tôi nhầm. Rất hân hạnh được làm quen.
- Vậy ra, theo lời ông nói, ông cũng biết luật sư Samdeviatov à?
- Ai mà chẳng biết con người kỳ diệu ấy. Niềm hy vọng của chúng tôi, người nuôi sống chúng tôi đấy. Không có ông ấy khéo bọn chúng tôi ở đây chết ngáp từ lâu rồi. Đúng. Ông ấy bảo tôi hãy hết lòng giúp đỡ gia đình bác sĩ. Tôi trả lời, xin lĩnh ý. Tôi đã hứa với ông ấy. Vậy nếu gia đình cần xe ngựa hay bất cứ phương tiện gì khác, tôi xin lo liệu. Nhà ta định về đâu ạ?
- Chúng tôi về Varykino. Nơi ấy có xa đây không ông?
- Đi Varykino à? Hèn nào từ nãy tôi cứ nghĩ mãi chưa biết con gái ông giống ai như đúc. Bây giờ nhắc đến Varykino thì tôi hiểu ra rồi. Thì chính tôi với cụ Cruyghe đã xây dựng cái đường sắt này mà lại. Bây giờ để tôi lo liệu xe cộ cho gia đình. Ê, Donat! Donat! Trong khi chờ đợi, bác hãy mang hành lý của các vị đây vào phòng đợi nhé! Còn ngựa thì sao nhỉ? Này, bác hãy chạy ra quán nước hỏi xem có được không. Hình như sáng nay thấy lão Văc luẩn quẩn ở đây thì phải. Hỏi xem lão ta còn ở đây không. Bảo lão chở bốn người khách đi Varykino, hành lý kể như chẳng có gì đáng kể. Khách xa đến. Thôi, bác chạy quàng lên đi. Còn thưa tiểu thư, tôi xin lấy tư cách một người cha để khuyên tiểu thư một điều. Tôi cố ý không hỏi tiểu thư có quan hệ họ hàng thế nào với cụ Cruyghe, nhưng xin tiểu thư cứ thận trọng hơn về điểm ấy. Chớ nên thổ lộ với tất cả mọi người. Thời buổi này, chắc tiểu thư cũng hiểu…
Nghe nhắc đến cái tên Văc, ba người mới đến kinh ngạc đưa mắt nhìn nhau. Họ vẫn nhớ những cây chuyện bà Anna Ivanovna kể về anh thợ rèn kỳ dị đã rèn cho mình một bộ ruột bằng sắt không thể hư, và những câu chuyện lạ lùng khó tin khác về địa phương này.
8.
Con ngựa chở họ là một con ngựa cái màu trắng vừa mới đẻ con. Xà ích là một ông già tai to, tóc bờm xờm, bạc như cước. Mọi thứ lão ta mang trên người đều màu trắng vì nhiều lý do khác nhau. Đôi dép mới của lão chưa kịp xỉn lại vì ít được dùng đến, còn quần áo của lão thì đã mất màu, bạc phếch vì dầu dãi với thời gian.
Con ngựa non mình đen như than, cái đầu nhỏ lông xoăn xoăn, giống như một con ngựa gỗ làm đồ chơi, bộ vó nhỏ nhoi còn run lẩy bẩy, lon ton chạy theo ngựa mẹ.
Mấy người khách ngồi ở hai bên thành xe phải bám chặt lấy mép xe để khỏi bị hất xuống, vì đường rất xóc. Lòng họ thanh thản mơ ước của họ đang thành hiện thực, họ đang tiến gần tới đích của cuộc hành trình. Buổi hoàng hôn của một ngày đẹp trời cứ trải rộng cảnh huy hoàng một cách thong thả, như dùng dằng nửa ở nửa đi.
Con đường hết chạy qua rừng, lại băng qua bãi trống. Trong rừng, mỗi khi bánh xe vấp phải rễ cây, khách trên xe lại ngã chúi vào nhau và cau mày nhăn nhó, khom lưng lại. Ở chỗ bãi trống, nơi không gian như hân hoan ngả mũ đón chào, họ lại ngồi thẳng người lên và họ nguậy đầu cho thoải mái.
Vùng này nhiều đồi núi. Bao giờ cũng thế, đồi núi có diện mại và bộ mặt riêng của chúng. Chúng nổi lên như những cái bóng đen sẫm khổng lồ và ngạo nghễ, lặng lẽ dò xét khách qua đường. Ánh hồng êm dịu rọi theo họ băng qua cánh đồng trống khiến họ yên tâm và hy vọng.
Mọi thứ đều khiến họ thích thú và ngạc nhiên, nhất là những lời lẽ huyên thuyên bất tận của ông già xà ích hơi kỳ quặc này. Lời nói của lão còn mang dấu vết của thứ tiếng Nga cổ xưa nay đă không ai dùng nữa, những cách diễn tả của dân Tacta và các phương ngữ, pha trộn với những chữ tối nghĩa do chính lão đặt ra.
Mỗi khi chú ngựa non tụt lại đằng sau, con ngựa mẹ đều dừng lại để chờ. Chú ngựa non bắt kịp mẹ bằng các bước nhảy duyên dáng, chờn vờn như sóng. Nó vụng về xích bốn chân lại gần nhau, mon men đến sát hông xe, thò cái cổ dài với cái đầu nhỏ xíu xuống dưới gọng xe để bú mẹ.
- Em vẫn không sao hiểu được, - Tonia nói to với chồng.
Nàng phải dằn từng tiếng, để lỡ lúc xe xóc bất ngờ, khỏi cắn phải lưỡi mình.
- Chẳng lẽ kia chính là lão Văc mà mẹ vẫn kể ngày trước. Bao nhiêu phi lý ấy mà, anh nhớ chứ? Chuyện anh chàng thợ rèn bị lòi ruột trong một cuộc ẩu đả, đã tự chế ra bộ ruột khác thay vào. Tóm lại, anh chàng thợ rèn Văc Ruột Sắt ấy em hiểu rằng đó chỉ là chuyện cổ tích. Nhưng chẳng lẽ chuyện kể về chính ông già này ư?
- Dĩ nhiên là không. Thứ nhất, chính em vừa bảo đó là chuyện cổ tích, chuyện dân gian. Thứ hai, cái chuyện dân gian ấy như mẹ nói hôm kể lại, đã xảy ra trước cả thời mẹ hàng trăm năm rồi. Nhưng đừng nói to lên thế! Ông lão nghe thấy sẽ tức mình - Ông lão chả nghe thấy đâu. Nghễnh ngãng lắm rồi. Mà có nghe thấy chắc gì đã hiểu. Lẫn cẫn rồi.
- Ê cái thằng ngựa khỉ này! - chả hiểu tại sao lão xà ích lại gọi con ngựa là thằng, khi đét roi vào mông nó, - vì chính lão hiểu hơn ai hết, rằng đó là con ngựa cái. - Nực cái chi như nực cạnh vạc dầu thế ni! Y như rằng là đám tử tôn của Abraham quanh hoả lò dân Ba Tư dậy. Quỷ Thần ơi, mỗ bảo mi đấy, thằng khỉ ạ!
Đột nhiên lão cao hứng xướng lên mấy câu ca dao do thợ thuyền vùng này đặt ra ngày xưa.
Ai ơi chớ ở mỏ này,
Đường thì lầm bui, suốt ngày chẳng ngơi
Bánh kia chủ chẳng cho xơi
Uống toàn nước suối cầm hơi đục ngầu.
Đục ngầu bởi nước vịt bơi.
Vịt ơi vịt hỡi, thêm sầu lòng em.
Sầu đâu tại rượu tại nem.
Sầu vì chàng phải một phen lên đường.
Em ơi, anh chả ngại ngùng.
Anh đâu ngu muội như phường xấu xa.
Anh đi lên tỉnh Sibia
Tìm nơi ở đợ đặng mà nương thân.
Ê coong ngựa trời đánh thánh dật này! Bà coong ngó giùm tôi coi, cái coong nghẽo chết tiệt ni! Mình quất nó, nó hất mình! Bao giờ mi mới chịu chạy hả? Cái rừng tai ga rù sao mà đi mãi chẳng tận. Sức mạnh nhâng dâng trong nớ, anh em bưng biền trong nớ. Ê, thằng ngựa khỉ, mi lại đứng chết gí đó rồi!
Bỗng lão quay người nhìn Tonia chằm chằm và nói:
- Nè cô, cô tưởng lão hông biết tông tích nhà cô đấy hả lão ngó chừng cô chất phác quá, cô ơi. Đất sẽ nuốt lão, nếu lão hông nhận ra cô! Lão thừa biết, thừa biết! Lão ngờ hai hòn bi của lão nhắm chệch, chớ đích thị cụ cố Cruyghe đây rồi! (Lão xà ích gọi đôi mắt là hai hòn bi, Cruyghe là Grigô). Cô là cháu cụ cố phải không? Tuồng như lão hổng có biết Grigô là ai? Lão đã hầu hạ cụ cố cùn cả đời, rụng cả răng, đã làm đủ nghề ở nớ, nào dưới mỏ, nào lăn trục, nào coi ngựa. Ê, chạy đi chứ, mi lại đứng rồi, thằng nghẽo. Quân khỉ Tàu, mỗ bảo mi đó, mi nghe thủng chưa hả? Cô vừa hỏi có phải là anh chàng thợ rèn Văc hay không? Cô có hòn bi to, cô làm mẹ rồi mà ngớ ngẩn quá chừng. Anh chàng Văc của cô họ của hắn là Postanogov. Postanogov Ruột Sắt. Hắn ngủ với giun năm mươi năm có lẻ rồi. Còn họ của lão là Mêhônôsin kia. Lão trùng tên với hắn. Đừng có mà nhầm.
Dần dần, bằng lối nói riêng của mình kiểu đó, ông lão kể cho mấy người khách nghe tất cả những gì Samdeviatov đã nói về gia đình Miculisyn. Lão gọi bà vợ hiện tại của Miculisyn là bà Hai, còn người vợ trước, đã quá cố, là "thiên thần", "thiên thần trắng", dịu ngọt như mật ong. Khi kể đến vị chỉ huy du kích Lipca và được biết, rằng danh tiếng Lipca chưa lan đến Moskva, rằng ở kinh đô dân chúng chả nghe nói gì đến "Anh em ở Rờ", thì ông lão cho đó là điều không thể tin nổi.
- Hông nghe, hông nghe nói chi về đồng chí Lesnyc ư? Quân khỉ Tàu, nếu dậy, dân Moskva có tai để làm chi?
Trời bắt đầu nhập nhoạng, khách trên xe thấy bóng mình chạy đằng trước họ, cứ mỗi lúc một ngả dài thêm. Con đường đang dẫn qua một khoảng trống vắng tanh, trơ trụi. Đây đó rải rác vài bụi cây tân lê, cúc gai hoặc cây liễu diệp lá hẹp, có các chùm hoa đâm ra từ các thân cây khẳng khiu nhô cao. Anh chiều tà từ dưới thấp chiếu hắt lên, nới rộng chu vi cái bóng cây ấy khiến chúng giống như những gã lính cưỡi ngựa đứng bất động canh giữ cánh đồng.
Rất xa phía trước, cánh đồng chấm dứt ở chân một dãy đồi Dãy đồi ấy đứng sững, chặn ngang con đường như một bức tường mà bên dưới có thể có một cái khe hoặc một dòng sông. Tựa hồ bầu trời ở đó bị vây bọc bởi một thành luỹ và con đường này đưa tới cổng của thành luỹ ấy.
Trên đỉnh dốc, họ thấy có một ngôi nhà màu trắng, trên tầng, chạy dài.
- Cô có thấy cái tháp canh trên đỉnh non kia hông? - lão Văc hỏi. - Nhà Miculisyn ở chỗ nớ. Còn bên dưới có một cái khe. Sutma là tên người ta gọi nó.
Hai tiếng súng kế tiếp nổi vang trên đồi, vang vọng đi rất xa, lúc to lúc nhỏ.
- Gì thế hả cụ? Có phải du kích họ bắn không? Họ không nhằm bắn chúng cháu đấy chứ?
- Dớ dẩn. Du kích du kiếc gì đâu. Đấy là Miculisyn bắn doạ con chó sói dưới khe Sutma đó.
9.
Cuộc gặp mặt đầu tiên giữa mấy người khách vừa đến với chủ nhà diễn ra ở sân nhà viên quản lý. Đó là một cảnh tượng hơi nặng nề, mở đầu trong im lặng để rồi kết thúc một cách ồn ào, lúng túng và lung tung.
Elena vừa mới đi dạo trong rừng về tới sân. Các tia nắng cuối cùng của hoàng hôn vàng rực như mái tóc của chị ta, cứ bám theo sau chị ta từ cây này qua cây kia khắp cánh rừng. Chị ta mặc quần áo mỏng mùa hè, chốc chốc lại dùng khăn tay lau khuôn mặt đỏ ửng, lấm tấm mồ hôi vì đi bộ. Chiếc mũ rơm lủng lẳng sau lưng, có sợi dây cao su vòng quanh khuôn cổ để trần của chị ta.
Ông chồng đi ngược về phía chị ta, ông vừa dưới khe xách súng di lên, đang định ngay lúc ấy thông hai cái nòng còn vương vấn khói, vì khi vừa bắn thấy có đạn xịt.
Bất thình lình, lão Văc đem theo đám tặng phẩm bất ngờ đánh xe chạy xộc vào sân, qua cái cổng lát đá khiến bánh xe vang lên những tiếng lộc cộc rất to. Chẳng mấy chốc cả nhà đã xuống xe, và giáo sư Gromeko bắt đầu ngắc ngứ đưa ra mấy lời giải thích đầu tiên, vừa nói vừa bo mũ ra rồi lại đội mũ vào.
Trong giây lát, vợ chồng chủ nhà bị dồn vào thế bí cứng đứng ngây ra thực sự, còn các vị khách thì vô cùng bối rối, xấu hổ đến mức chả biết chui vào đâu. Tình thế khỏi cần giải thích dài dòng cũng đã quá rõ, không chỉ đối với những người trực tiếp tham gia, với lão Văc, Niusa, và bé Xasa. Cảm giác nặng nề còn lây lan sang cả hai mẹ con con ngựa, cả các tia nắng vàng của hoàng hôn và những con muỗi đang bâu quanh Elena và đậu vào mặt vào cổ chị ta.
- Tôi không hiểu, - cuối cùng Miculisyn lên tiếng phá tan sự im lặng. - Tôi không hiểu, tôi chả hiểu gì cả và sẽ không bao giờ hiểu nổi. Các người tưởng ở phương Nam chúng tôi này là đất của bạch vệ và sẵn bánh mì lắm hả? Tại sao các người lại chọn nhà chúng tôi, tại sao các người lại nhè ngay chúng tôi, nhè đúng chúng tôi mà bám lấy thế? Hay chửa, chả hiểu các người có nghĩ các người khoác vào ông Miculisyn nhà tôi một trách nhiệm như thế nào hay chưa?
- Đừng dây vào chuyện này, Elena. Ừ đúng thế. Cô ấy nói có lý lắm. Các người có nghĩ, các người trút xuống đầu tôi cái gánh nặng như thế nào không?
- Trời ơi, bác chưa hiểu ý chúng tôi rồi. Có gì đâu? Chúng tôi chỉ cần một chút xíu, hoàn toàn một chút xíu thôi. Chẳng ai khoác trách nhiệm hay trút gánh nặng cho bác đâu. Chúng tôi chỉ cần một cái xó xỉnh nào cũng được giữa cái cơ ngơi trống trải hoang tàn này. Một khoảng đất bỏ hoang chả ai cần đến, để chúng tôi có thể trồng ít rau thôi. Và sau hết, một chút củi mà chúng tôi sẽ vào rừng kiếm lúc không ai nhìn thấy chúng tôi cả. Như thế có phải là quá nhiều chăng, là xâm phạm ghê gớm chăng?
- Phải, nhưng thế gian còn rộng chán. Tại sao lại đến chỗ chúng tôi? Tại sao các người lại dành cho chính chúng tôi cái vinh dự ấy, chứ không phải cho kẻ khác?
- Chúng tôi đã biết về ông và hi vọng ông đã nghe nói về chúng tôi, rằng chúng tôi không phải là những người xa lạ đối với ông, và chúng tôi cũng đến không phải với kẻ xa lạ.
- À ra thế, ra là vì cụ Cruyghe, vì các người là thân quyến của Cruyghe hả? Sao các người lại còn mở miệng thú nhận những chuyện dại dột như thế giữa thời buổi này nhỉ?
Miculisyn là người có nét mặt cân xứng, mái tóc vuốt ngược ra đằng sau, bước chân dài rộng. Về mùa hè, ông ta mặc chiếc áo va- rơi bó sát bụng bằng một sợi dây lưng hẹp đầu có ngù. Thời cổ xưa, những người như ông ta thường làm nghề ăn cướp trên sông Volga, còn thời nay thì trông họ như loại người suốt đời là sinh viên hoặc một giáo viên mộng mơ.
Miculisyn đã hiến tuổi thanh xuân của mình cho phong trào giải phóng, cho cách mạng, và chỉ sợ không sống được đến ngày cách mạng nổ ra, và nếu nó có nổ ra, chỉ lo nó quá ôn hoà, không đáp ứng những đòi hỏi cấp tiến và khát máu của mình. Thế rồi nó đã đến, làm đảo lộn mọi dự án táo bạo nhất của ông; còn ông, một người bản tính hay lam hay làm và luôn luôn siêng năng, một trong những người đầu tiên đứng ra thành lập Uỷ ban xí nghiệp và ban thanh tra công nhân ở nhà máy "Tráng sĩ Sviatogo", ông lại xôi hỏng bỏng không, thay vì được dự phần vào đó, lại bị lạc lõng trong một xóm thợ hoang tàn, nơi công nhân bỏ chạy tứ tán, còn một số thì theo đuôi bọn melsevich. Và hôm nay thì cái chuyện vô lý này, đám con cháu lão Cruyghe không mời mà đến này đối với ông đúng là một thứ số phận trớ trêu, cắc cớ, khiến ông hết chịu đựng nổi.
- Thật là ngoài sức tưởng tượng, thật không sao hiểu nổi. Các người có hiểu các người đem đến mối nguy hiểm như thế nào, các người đẩy tôi vào hoàn cảnh nào không? Đúng là tôi điên đầu mất rồi. Tôi không hiểu, tôi chả hiểu gì nữa và sẽ không bao giờ hiểu nổi. Hay chửa, liệu các người có biết, chúng tôi đang ngồi trên ngọn núi lửa như thế nào, ngay cả khi các người chưa tới hay không.
- Khoan đã, Elena. Cô ấy nhà tôi nói rất chí lý. Các người chưa đến, chúng tôi đã chẳng sung sướng nỗi gì. Một cuộc sống chó má, một nhà thương điên. Lúc nào cũng bị kẹt giữa hai làn đạn, không một lối thoát. Phía bên này thì buộc tội, căn vặn, tại sao để con thành một tên Đỏ, một tên bolsevich, một người được dân chúng mến yên. Phía bên kia thì chẳng ưa, cứ vặn vẹo vì lẽ gì được bầu vào Hội nghị Lập hiến. Chẳng ai ưa mình cả. Cứ như cá nằm trên thớt. Bây giờ lại thêm các người mò đến. Bị đem ra xử bắn vì các người thì sẽ thấy vui mắt lắm đó!
- Ồ, ông nói gì lạ thế! Hãy bình tĩnh lại nào? Ông chẳng việc gì đâu!
Một lát sau, Miculisyn đổi giận làm lành:
- Thôi được quát tháo ở ngoài sân như thế đủ rồi. Có thể tiếp tục quát tháo ở trong nhà. Dĩ nhiên, tôi thấy sẽ trước là chẳng có gì hay ho cả, nhưng nước đọng trên mây thì mờ tịt, đoán mò đoán mẫm thì quẫn trí. Hơn nữa, chúng tôi cũng chả phải là quân dị giáo. Chúng tôi chả đuổi các người vào rừng làm mồi cho gấu xé. Elena này, tôi nghĩ tốt nhất hãy tạm đưa họ vào phòng có cây cọ, cạnh buồng làm việc. Sau đó ta sẽ bàn xem nên thu xếp cho họ ở đâu, tôi nghĩ ta sẽ để họ sống trong hoa viên. Nào, mời các vị vào trong nhà. Kính mời quý vị. Mang hành lý vào đi, lão Văc, giúp khách khứa một tay nào.
Trong lúc thi hành mệnh lệnh, lão Văc luôn miệng thở dài:
- Cha mẹ ơi! Đồ đạc của họ y như rằng là những kẻ hành hương. Chỉ rặt một đám tay nải. Hổng có lấy nổi một chiếc vali.
10.
Đêm đã xuống, trời se lạnh, những người mới đến đã tắm rửa xong. Tonia và Niusa đã lo xong chỗ nghỉ đêm trong căn phòng dành cho gia đình họ. Bé Xasa vẫn quen thấy người lớn thích thú đón nhận những câu nói ngây thơ ngộ nghĩnh của nó, nên nó vẫn lựa theo ý thích của họ mà say sưa huyên thuyên đủ thứ chuyện vớ vẩn, hôm nay nó cứ bứt rứt không yên vì chẳng ai buồn nghe nó nói hoặc nhòm ngó gì đến nó.
Nó khó chịu vì người ta không đem con ngựa non màu đen vào trong nhà, và lúc người ta khẽ dằn giọng bảo nó im đi, thì nó khóc tướng lên, vì sợ mọi người coi nó là đứa trẻ hư thân mất nết, sẽ đem gửi trả nó về cái tiệm bán trẻ con, là nơi, theo nó nghĩ, khi nó ra chào đời, người ra đã đưa nó từ đấy về nhà với cha mẹ. Nó cứ lớn tiếng bày tỏ nỗi sợ hãi thành thực của nó với mọi người xung quanh, nhưng các câu nói ngớ ngẩn đáng yêu của nó không gây được tác dụng như mọi khi. Những người lớn ngại ngần vì đang ở nhà người khách, đi lại vội vã hơn bình thường và cứ lẳng lặng lo việc của mình. Thằng bé ngúng nguẩy hờn dỗi, theo cách nói của các chị bảo mẫu. Người ta phải vất vả mới dỗ được nó ăn và bắt nó nằm ngủ.
Cuối cùng nó cũng thiếp đi. Lúc ấy bà Ustina, người giúp việc của gia đình Miculisyn mới dẫn Niusa về buồng mình cho ăn tối và kể cho nghe những bí mật của ngôi nhà này. Tonia và hai người đàn ông được mời đến dùng bữa trà tối.
Giáo sư Gromeko và Zhivago xin phép ra ngoài thềm một chút để hít thở khí trời trong lành.
- Bao nhiêu là sao kia? - Giáo sư Gromeko nói.
Trời tối đen. Đứng cách nhau có hai bước trên thềm mà bố con không nhìn thấy nhau. Từ một chiếc cửa sổ bị góc nhà che lấp sau lưng họ, có ánh đèn rọi xuống khe núi. Trong dải sáng mờ mờ hiện ra mấy bụi cây nhỏ, mấy thân cây lớn và một vài vật thể gì đó không rõ đang co ro trong cái lạnh ẩm ướt.
Cái dải sáng ấy không hắt đến chỗ hai cha con mà chỉ làm dày đặc thêm bóng tối ở xung quanh họ.
- Ngày mai, việc đầu tiên chúng ta phải làm buổi sáng là xem các dãy nhà phụ mà ông ta định cho nhà ta ở nhờ, và nếu nó còn tạm ở được, thì ta cần bắt tay tu sửa ngay. Trong thời gian lo thu xếp chỗ ăn ở cho tử tế, thì tuyết sẽ tan hết, đất sẽ ấm lại. Lúc ấy ta sẽ lập tức bắt tay trồng rau, không để lỡ một phút. Hình như con có nghe thấy trong lúc nói chuyện, ông ta có hứa sẽ giúp ta khoai giống thì phải. Hay là con nghe nhầm?
- Không, ông ấy hứa thật đấy. Và còn hứa giúp cả các loại hạt giống khác. Chính tai ba nghe thấy mà. Còn cái chỗ ông ấy cho ta ở, ta đã nhìn thấy lúc xe chạy qua hoa viên. Anh có biết nó ở chỗ nào không? Đó là căn nhà ở phía sau toà nhà chính, ngập trong những bụi gai. Căn nhà bằng gỗ, còn nhà chính thì bằng đá. Tôi đã chỉ cho anh căn nhà lúc ngồi trên xe, anh nhớ chưa? Theo tôi, ta sẽ đánh luống trồng rau ở quanh đây. Chỗ ấy phải còn các dấu vết của một vườn hoa nhỏ. Nhìn từ xa, tôi có cảm tưởng như vậy. Có thể là tôi nhầm. Phải chừa các lối đi ra, còn đất ở các bồn hoa cũ thì chắc chắn là ẩm và giàu chất mùn.
- Mai chúng ta sẽ xem. Con không biết, đất chỗ ấy chắc phủ đầy cỏ dại và cứng như đá. Trại ấp này ngày xưa nhất định phải có vườn rau chứ ba. Không chừng nó vẫn còn dùng được. Tất cả những điều đó sẽ được làm sáng tỏ vào ngày mai. Buổi sáng ở đây hình như vẫn còn sương giá. Ban đêm thì rét dữ. May thay chúng ta đã ở đây, đã đến nơi. Chúng ta có thể chúc mừng nhau được rồi. Đây là một nơi dễ chịu đấy, ba ạ.
- Họ cũng rất dễ thương. Đặc biệt ông ấy. Chị vợ hơi điệu bộ. Chị ta có vẻ không bằng lòng về một điểm nào đó của chính bản thân mình. Đó là lý do tại sao chị ta cứ nói thao thao bất tuyệt và giả bộ ngớ ngẩn. Chị ta cứ như vội vàng đánh lạc hướng chú ý của người khác, để họ đừng lưu ý đến dáng vẻ của chị ta, và đừng có ấn tượng bất lợi về chị ta. Cả cái việc chị ta quên bỏ mũ, cứ đeo lủng lẳng ở hai bên vai cũng không phải do đãng trí đâu. Cái đó xem ra lại hợp với chị ta.
- Nhưng ta vào thôi, kẻo họ nghĩ mình thiếu lịch sự.
Trên lối đi đến phòng ăn, nơi vợ chồng chủ nhà và Tonia đang ngồi uống trà quanh chiếc bàn tròn, cạnh ấm samova, dưới một chiếc đèn treo, họ đi qua cái phòng làm việc tối mò của giám đốc.
Phòng này có một cửa sổ cực lớn, lắp kính liền, chạy suốt chiều dài bức tường, nhìn xuống khe núi. Từ chỗ cửa sổ này, lúc nãy, khi trời còn sáng, Zhivago đã kịp nhìn thấy cái khe núi chạy dài ra xa và cái cánh đồng mà lão Văc đã đánh xe qua. Kê sát cửa sổ là một chiếc bàn rộng, cũng chạy dài suốt bức tường, chắc là bàn của kỹ sư thiết kế hoặc kỹ sư đồ hoạ. Một cây súng săn đặt trên bàn theo bề dọc, mỗi đầu còn thừa cả một khoảng rộng, càng làm nổi bật độ dài của cái bàn.
Bây giờ đi qua chỗ này, Zhivago lại thèm thuồng ghi nhận cái cửa sổ có tầm nhìn rộng, cái kích thước và vị trí chiếc bàn, đến căn phòng làm việc rộng rãi và được bày biện lịch sự, và đó là điều đầu tiên chàng thốt lên với chủ nhà, khi hai cha con bước tới bên chiếc bàn trà trong phòng ăn:
- Khu vực của ông bà tuyệt vời quá! Và cái phòng giấy của ông mới thích chứ? Một căn phòng tuyệt duyệt, gợi cảm hứng làm việc xiết bao!
- Các vị thích dùng ly hay dùng tách? Và các vị ưa trà đặc hay nhạt đây?
- Anh Yuri xem này, đây là cái kính xem ảnh nổi mà cậu con trai ông Miculisyn đã chế ra từ hồi còn bé cơ đấy.
- Cho đến bây giờ nó vẫn chưa đứng đắn, vẫn còn là một thằng nhóc, dù nó đã lần lượt giành cho chính quyền Xô viết hết tỉnh này đến tỉnh nọ từ tay Komus.
Ông bào từ tay ai?
- Từ tay Komus.
- Komus là cái gì vậy?
- Là quân đội của Chính phủ Sibiri, đang chiến đấu chống chính quyền Xô viết để tái lập chính quyền của Hội nghị Lập hiến.
- Suốt ngày hôm nay chúng tôi lúc nào cũng nghe người ta khen ngợi con trai ông. Ông hoàn toàn có thể hãnh diện chính đáng về cậu ấy.
- Những phong cảnh Ural trong cái kính xem ảnh nổi này cũng là tác phẩm của nó, được chụp bằng chiếc ống kính do chính nó chế ra đấy.
- Đây có phải là những chiếc bánh lằm bằng đường hoá học không? Bánh ngon quá.
- Ồ cô nói gì vậy! Đào đâu ra đường hoá học ở cái xó hẻo lánh này? Đường ta vẫn ăn đó thôi. Thế vừa rồi cô không để ý là tôi lấy đường trong lọ đường bỏ vào chén trà cho cô à.
- Vâng, đúng là đường ta vẫn ăn thật. Tôi đã xem các bức ảnh, và hình như món trà này cũng là loại trà chính cống phải không ạ?
- Trà ướp hoa, dĩ nhiên.
- Mua đâu ra vậy?
- Như trong chuyện tấm thảm thần ấy mà. Chúng tôi có một người quen. Một nhà hoạt động thời mới, rất khuynh tả, đại diện chính thức của Hội đồng kinh tế quốc dân tỉnh này. Ông ta chở gỗ từ đây lên thành phố và, do chỗ quen biết, vẫn mang bột mì, bột bánh và bơ về cho chúng tôi. (Đoạn chị ta quay sang phía chồng). Mình ơi, mình đẩy giúp tôi cái lọ đường với. May chửa, bây giờ xin hỏi cô nhà văn Griboedov mất năm nào?
- Sinh năm 1795 thì phải. Còn bị giết năm nào thì tôi không nhớ chính xác.
- Cô uống trà nữa nhé?
- Thôi, cám ơn bà.
- Bây giờ xin hỏi câu này. Hoà ước Nimveghen được ký khi nào và giữa những nước nào?
- Đừng hành các vị ấy nữa, Elena. Mình nên để người ta nghỉ ngơi đôi chút sau một cuộc hành trình vất vả.
- Hay chửa, bây giờ tôi muốn biết điểm này. Xin các vị cho biết có bao nhiêu loại kính phóng đại và trong trường hợp nào ta thu được ảnh thực, ảnh ảo, ảnh dảo, ảnh đứng?
- Nhờ đâu mà bà am hiểu vật lý học đến thế?
- Ở Yuratin chúng tôi trước có một giáo sư toán học lỗi lạc. Ông ấy dạy ở cả hai trường trung học, trường nam và trường nữ chúng tôi. Ông ấy giảng hay lắm, hay không thể tưởng tượng được! Y như một vị thánh! Tựa hồ ông ấy nhai sẵn rồi mớm cho chúng tôi. Tên ông ấy là Pasa Antipop, vợ ông ấy cũng dạy học ở thành phố. Đám nữ sinh, cô nào cũng chết mê chết mệt vì ông ấy. Ông ấy tình nguyện ra mặt trận và không trở về nữa. Bị giết. Người ta quả quyết rằng cái nhà ông tư lệnh Strelnikov, cái hình phạt do trời giáng xuống đầu chúng ta ấy chính là ông Pasa Anti- pov tái sinh. Dĩ nhiên, đó chỉ là huyền thoại. Và chẳng giống mấy. Nhưng biết đâu đấy? Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Các vị uống một tách trà nữa nhé?
--------------------------------
1 Bia rượu.
Bác Sĩ Zhivago Bác Sĩ Zhivago - Boris Pasternak Bác Sĩ Zhivago