Số lần đọc/download: 0 / 21
Cập nhật: 2020-11-02 22:25:23 +0700
Chương 8
Chương 1
BẢN LÝ LỊCH
(Cho đến ngày 5 tháng 3 năm 1904)
Tại thị trấn Xorientô, cậu Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi ra đời trong đêm 12 rạng 13 tháng hai năm 1861, bố là Coocvara Phransexcô Aorêliô, mẹ là Ploriđa Amiđêi. Ngay khi mới ra đời, cậu đã bị người ta đón tiếp một cách cực kỳ phũ phàng. Cậu bị phát mạnh vào giữa rốn. Bà đỡ túm hai chân cậu nhấc lên, và cậu bị treo ngược, đầu lủng lẳng ở dưới trong vòng mấy phút đồng hồ liền. Cậu suýt bị chết ngạt trong bụng mẹ do những cơn đau quặn của bà và khi ra ngoài cõi đời, cậu không hề thốt lên một tiếng nào.
Người ta cứ đợi cậu oe lên một tiếng mà không thấy.
Bởi vì ai ra chào đời chẳng phải thét lên.
Từ ngày 13 tháng Hai năm 1861 đến ngày 15 tháng Ba năm 1862, người ta phải thay năm người vú để nuôi cậu. Người vú thứ nhất và cả người vú thứ hai đều bị đuổi chỉ vì cả hai đều không có sữa. Người vú thứ ba bị đuổi vì một buổi sáng, khi tắm cho cậu, bà ta quên không pha thêm nước nguội vào chậu, nên đã nhúng thằng bé vào nước nóng bỏng. Bị bỏng độ hai. Cậu ta đã tưởng chết nhưng Chúa trời lòng lành lại không chịu. Thay vì cậu bé, Chúa đã tiếp nhận linh hồn của bà mẹ cậu. Người vú thứ tư đúng ba lần, không hơn không kém, đánh ngã cậu từ trên giường xuống. Và một lần, chỉ đúng một lần thôi, đang bế cậu bà ta trượt chân và cả hai lăn lông lốc trên cầu thang. Vài thương tật không đáng kể, trong số đáng kể nhất chỉ có chiếc mũi bị giập.
Năm lên chín tuổi, sau bao nhiêu trận ốm và đủ thứ bệnh khởi đầu từ lúc sơ sinh, giống như sau bao nhiêu bậc thang, cậu được sự trợ giúp của ông bác sĩ một bên, ông dược sĩ một bên, đã leo lên được đến tuổi thiếu niên. Năm lên chín, tràn đầy lòng thành kính trong tim, Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi bước vào Trường dòng.
Trước khi nhập học, theo đúng văn bản của một trong bảy điều răn chính yếu của người tu hành, cậu cởi bộ áo quần mới may rất diện mà bố cậu đem từ thành phố Nêôpôn về cho con trai, mặc vào cho thằng bé nhà nghèo chuyên môn trần truồng ngoài bãi biển, rồi trở về nhà trên người không có quần áo gì, chỉ đội mỗi chiếc mũ vải không có lưỡi trai. Để thưởng công cho thằng con trai, ông bố cậu đã tặng cậu những tính từ rất đặc sắc: ngu đần như con lừa, dở hơi, mất trí và sau đó ông đã vuốt ve đôi tai của cậu đến mức đáng ngạc nhiên là sao hai cái tai ấy không bị đứt và rơi ra.
Trong Trường dòng cậu Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi vô cùng chăm chỉ học các môn kiến thức và đặc biệt cần cù học môn “nghi thức” tức là môn khoa học về cách tiến hành các nghi thức trong cúng lễ ở nhà thờ. Cậu lao vào học dữ tợn đến mức bệnh lao đe dọa dính vào cậu. Nhưng đúng lúc ấy thì đột nhiên, bấy giờ là sau khi cậu đã tiến hành lễ Tự hiến dâng linh hồn, cậu bỗng bắt gặp được một ý trong bản luận văn “Bàn về lòng khoan dung”:
“Si quis dixerit gratian perseverantiae non esse gratis datam, anathema sit”[10]
Bởi chúng, theo lý luận thần học của đạo Thiên chúa, thì con người ta phải biết chịu đựng, nếu như Chúa trời tha thứ cho kẻ mà Người muốn cứu giúp mặc dù hắn chẳng xứng đáng chút nào.
“Deus Libere movet”[11] - Thánh Phôma đã dạy như thế.
Cậu Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi trong suốt mấy tuần lễ đã suy nghĩ rất thấu đáo về điều này. Và kết quả là một đêm, người ta phát hiện ra rằng, cậu chỉ mặc mỗi chiếc áo lót, tay cầm cây nến, mặt đỏ bừng, hai mắt long lên sòng sọc, đi đi lại lại trong phòng ngủ cố tìm chìa khóa.
Chìa khóa gì?
Chìa khóa để mở lòng nhẫn nhục.
Đầu óc của cậu có dần được lý trí. Rất may là ngay khi đó cậu bị chứng viêm màng não. Cậu thôi học trường dòng. Một tháng trời cậu đứng giữa cái sống và cái chết.
Đến khi bệnh bắt đầu thuyên giảm thì cậu nhận ra rằng cậu đã mất long Tin. Hình như cùng với lòng Tin, cậu còn mất luôn cả nhiều thứ khác: mất bộ tóc chẳng hạn, rồi mất giọng nói, mất khả năng nhìn, thật ra không đến nỗi mất hoàn toàn. Cậu không còn nhớ bất kỳ thứ gì nữa. Suốt gần một năm trời cậu ngồi đờ đẫn như kẻ vừa bị ai phang cho một búa xuống giữa đỉnh đầu, vẫn còn choáng váng. Người ta rỏ nước lạnh xuống lưng cậu dần dần làm cậu tỉnh lại. Nhờ đấy mà đến năm hai mươi hai tuổi, cậu đã có thể dự kỳ thi trung học và được lĩnh tấm bằng tốt nghiệp. Sau đó, đầu hói không còn một sợi tóc, mắt thong manh hầu như không nhìn thấy gì, cậu ra thành phố Nêapôn để xin vào trường Đại học, mong tốt nghiệp khóa học và lãnh tấm bằng tiến sĩ triết học và ngữ văn.
Tháng Mười năm 1887, sau khi dự kỳ thi tuyển, cậu đỗ chức Giám thị chính thức của trường Sơ học thị trấn Xátxari. Học trò thì bây giờ chẳng tinh nghịch. Thầy thì đã hình dung cổ quái lại mắt không nhìn thấy gì. Và thế là bắt đầu một cuộc sống quá vui vẻ. Đến mức cuối cùng ông Hiệu trưởng trường Sơ học phải suốt ngày khiển trách cấp dưới không quản lý nổi trật tự trong trường. Thậm chí ở ngoài đường phố của thị trấn Xátxari, thầy giám thị Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi cũng không thể đi nổi với đám học trò ma quỷ. May nhờ có người bạn đồng nghiệp là Đônphô Đônphi, giáo viên dạy khoa học tự nhiên, thầy Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi mới đi được. Người bạn đồng nghiệp kia nhận bảo trợ cậu cả trong trường cũng như ngoài phố, và sau đấy còn nhận hơn thế nữa: tình nguyện đến ở chung nhà với cậu (tháng Mười một năm 1888).
Đônphô Đônphi vào nghề sư phạm khá muộn, không hề có bằng cấp gì trong tay cũng không dự kỳ thi nào, mà nhờ sự bảo trợ của một vị dân biểu có thần thế. Trước đó ông làm chân nghiên cứu về Phi châu, rồi làm chân viết báo khá lâu ở Thành phố cảng Giênơ, đã khoảng một chục lần vướng vào các vụ ẩu đả, từng bị người ta đánh và cũng từng đánh người ta, đánh người ta nhiều hơn là bị người ta đánh. Ông là người có quan điểm tự do, và đang nuôi một đứa con gái ngoài giá thú, mà ông đặt cho một cái tên khá diêm dúa: Xatanina[12]
Tưởng có được người bảo trợ giỏi giang như vậy, Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi hẳn phải được sống yên ổn và thoải mái! Ai ngờ không phải như thế. Vị bảo trợ kia không để cậu được yên ổn lấy một phút. Ông ta bắt cậu nghe đủ thứ chuyện về những cuộc đấu súng các kiểu của ông ta. Ông ta còn chia sẻ với cậu các chiến công có thật và tưởng tượng của ông. Và sau hết, còn bắt cậu phải thảo luận với ông về các vấn đề triết học và tôn giáo nữa. Tóm lại đây là một kẻ đã ngu dốt lại huênh hoang, lúc nào cũng ưỡn ngực lên. (Chú thích. Ngay từ khi lọt lòng, da mặt ông Đônphô Đônphi đã phủ đầy mụn nhỏ, và ngày nay mỗi khi nói chuyện với ai, ông đều cấu những cái mụn nhỏ ấy, trong khi hai chân thì xạng ra). Côdơmô Antôniô Coocvara mỗi ngày một thu nhỏ thêm trong khi sự dối trá của ông kia thì cứ trắng trợn thêm. Cậu liên tiếp đồng ý, không hề cãi một lời. Mà làm sao dám cãi với ông ấy kia chứ? Bởi vì muốn nói gì thì nói, cậu cũng đang núp dưới sự che chở mạnh mẽ của ông ấy kia mà? Bọn học sinh trung học và đám trẻ con ngoài phố biết rằng, xảy chuyện gì sẽ có ông Đônphô can thiệp, nên chúng sợ không dám trêu chọc cậu. Nhưng đồng thời cậu cũng không còn làm chủ được bản thân, thời gian của mình và đồng lương nhà giáo ba cọc ba đồng mà cậu lĩnh ở trường tiểu học. Mỗi khi cần một thứ vặt vãnh nào quá, cậu buộc phải vay cô Xatanina, và cô gái tuy mới mười lăm tuổi nhưng đã ra dáng bà mẹ, vừa đưa cậu tiền vừa mắng mỏ cậu y hệt như một bà mẹ thật, chỉ cốt để cậu khỏi lộ chuyện ra với ông bố. Bởi vì nếu biết chuyện này, ông ta cũng lại đòi phần của mình để tiêu vào những trò tiêu khiển vụn vặt thoáng qua. Và như thế rồi sẽ ra sao, xin hỏi? Sẽ dẫn họ đến tình trạng như thế nào?
Cô bé Xatanina đáng quý giá, cô tốt bụng đến mức cậu Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi sẵn sàng gọi cô bằng cái tên ngắn gọn và duyên dáng Nina, hoặc nghe êm tai hơn nữa, Ninétta. Khốn nhưng ông Đônphô Đônphi không bằng lòng.
- Sao lại gọi nó là Nina? Rồi lại còn Ninetta nữa! Nó là con quỷ, phải gọi đúng tên nó, Xatanina, hoặc đúng hơn là Xatan[13] mới thật đúng:
Ta chào mi, hỡi quỷ Xatăng.
Kẻ chuyên cám dỗ
Tên hung thần của sự hằn thù
Những khối óc bướng bỉnh.
Cứ thế ba năm liền đã trôi qua.
Mọi người đều hỏi giáo sư Coocvara Amiđêi, làm sao ông có thể hợp được với con người hung tợn như giông bão là thầy giáo tiểu học Đônphô Đônphi kai được? Cậu chỉ co mình lại, đưa hai bàn tay lên trời rồi nhắm hai mắt lại, miệng nở một nụ cười tội nghiệp, bởi vì dù ngốc đến đâu, cậu cũng hiểu được rằng người ta đưa ra câu hỏi ấy nhằm buộc cậu phải nhận ra được sự khờ dại của mình.
Mà… bản thân cậu Côdơmô Coocvara Amiđêi nói chung cũng sẵn sàng thừa nhận mình dại khờ, mặc dù cậu chưa hoàn toàn tin là như thế, bởi vì nếu suy nghĩ chín chắn một chút sẽ thấy rằng rất có thể bản thân cuộc sống còn khờ dại hơn cậu. Đúng thế đấy. Mà đã như thế thì đáng gì phải thận trọng, hoặc phải làm ra vẻ như mình luôn luôn giữ thế, một khi gần như cuộc sống cứ nhẫn nại liên tiếp chỉ ra cho ta thấy rằng nó vô cùng kiên trì. Nó đã tính sẽ giáng một đòn lên đầu cậu và chỉ cần cậu vô ý một chút là nó phang luôn. Cho nên tốt hơn hết là cứ để mặc, ý nói cuộc sống, cứ để mặc cho nó trôi chảy, bởi vì rất có thể nó đang hướng tới một mục tiêu nào đó mà chúng ta không biết, còn nếu như không có mục tiêu nào hết thì lại đâm không còn gì nữa, điều này thì quý vị hãy tin chắc là đúng như thế.
Cái sự không còn gì, cái kết thúc kia cuối cùng vẫn cứ xảy ra một lần và đột ngột. Không phải cho cậu, thật đáng tiếc, mà là cho ông giáo Đônphô Đônphi. Một đòn xuất huyết não, giống như một đòn sét đánh, quật ngã ông giữa giờ lên lớp (ngày 16 tháng Ba năm 1891).
Cậu Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi choáng váng. Cậu không thể ngờ lại như thế được! Cậu cảm thấy như thể ngôi nhà bỗng nhiên hoang vắng, hoang vắng một cách kỳ dị. Chắc bởi vì mỗi đồ đạc ở đây đều không thấm một chút hồn nào của cậu. Trái lại chúng mỗi thứu một nơi, như thể đang co rúm lại chờ đợi kẻ đã không bao giờ trở lại nữa.
Xatanina khóc không ngớt. Thời gian đầu cậu lo nghĩ đến chuyện an ủi cô bé, vì cậu hiểu rằng có nói gì cũng chẳng đưa lại kết quả. Nhưng đột nhiên ông Hiệu trưởng trường Trung học và các thầy giáo đồng nghiệp hỏi cậu xem cậu định xử sự thế nào với đứa trẻ mồ côi kia, bởi vì cô bé không có tài sản gì, coi như bị quẳng ra ngoài đường: không có quyền hưởng lương hưu của bố, không có ai là họ hàng thân thích. Giáo sư Coocvara Amiđêi vội đáp rằng, tất nhiên cô bé sẽ ở lại với cậu, việc rõ ràng quá đi rồi. Cậu sẽ làm thay vai trò của ông bố cô. Nhưng nghe thấy thế, cả thầy Hiệu trưởng, cả các nhà giáo đồng nghiệp đều nhún vai, cúi đầu xuống, thời dài. Sao vậy? Họ không tán thành ư? Họ cho cách giải quyết như thế là không đúng ư? Giáo sư Amiđêi hết sức bối rối. Cậu kể lại chuyện ấy với cô bé Xatanina và cậu vô cùng ngạc nhiên thấy cô cũng bảo rằng giải quyết như thế không được, rằng cô không thể ở lại đây với cậu, rằng tốt nhất là cô nên đi hẳn khỏi đây, càng sớm càng tốt, mà không, tốt nhất là ngay bây giờ cô sửa soạn hành trang và ra đi.
- Nhưng đi đâu?
- Đi thật xa.
- Tại sao lại phải như thế?
Tại sao ư? Mãi sau này các thầy giáo bè bạn mới giảng giải được cho cậu hiểu. Giáo sư Coocvara Amiđêi đã trên ba chục tuổi một chút, đúng không nào? Mà cô Xatanina thì rõ ràng đã mười tám. Có nghĩa cậu chưa đủ già để làm cha cô và cô cũng không còn đủ bé bỏng để làm con gái cậu. Bây giờ thì cậu hiểu rồi chứ? Nhưng giáo sư Coocvara Amiđêi thoạt đầu nhìn xuống mũi giày của mình, sau nhìn lên những đầu ngón tay, cố nuốt nước mắt. Phải chăng các bạn đồng nghiệp ý muốn nói rằng đáng lẽ cậu phải cưới Xatanina? Ý nghĩ ấy vừa thoáng qua trong óc khiến cậu suýt ngất xỉu, sau đấy cậu mỉm cười chua chát. Thôi đi, họ nói đùa vậy thôi. Cậu cảm thấy hình như cần phải nói thêm với Xatanina: cần thuyết phục để nàng hiểu rằng nàng sắp làm một chuyện điên rồ, một sự điên rồ lớn lao, nếu đúng như lời nàng nói, là sẽ đi đâu xa lắc. Cậu nói. Và Xatanina đáp lại một cách bóng gió, dường như nàng chỉ có thể ở lại đây với một điều kiện, đúng thế thưa quý vị, với điều kiện nàng trở thành vợ của cậu.
Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi sợ không khéo mình phát điên lên mất, hoặc giả chỉ là do mọi người đều bàn tính với nhau nhằm chơi sỏ cậu. Chàng không thể tưởng tượng được một cô gái trẻ trung như vậy lại thực sự cảm thấy cần phải làm vợ cậu! Nếu không, việc chung sống với cậu dưới một mái nhà sẽ gây tai tiếng. Mà biết đâu cô cũng cảm thấy cái sự cần thiết kia thật hài hước, thậm chí nếu nói thẳng ra là đáng tởm nữa? Chàng bước đến trước gương soi và cảm thấy mặt mình càng xấu xí hơn so với sự thật: nước da vàng vọt do ăn uống thiếu thốn, người gầy guộc, tóc rụng gần hết, mắt hấp háy. Cậu nghĩ đến Xatanina, trẻ trung, tươi tắn, rạng rỡ và cậu cảm thấy chóng cả mặt. Nàng mà làm vợ cậu ư? Chẳng lẽ như thế như vậy được sao? Cậu bước đến gần cô, lắp bắp hỏi lại lần nữa, xem cậu hiểu cô như thế đã thật đúng chưa? Và Xatanina, đúng như thế đấy thưa quý vị, cô không hề ngượng ngùng, đáp ngay rằng chính là như vậy. Cô còn nói rằng, nếu như cậu bằng lòng lấy cô làm vợ, cô sẽ biết ơn cậu cho đến khi chết.
Nghe đến đấy, Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi cảm động quá, khóc thút thít như một đứa trẻ con, đưa bàn tay lên đề nghị cô hãy vì tất cả những gì thiêng liêng nhất, thôi đừng nói nữa! Cô mà lại phải biết ơn cậu ư? Nghĩa là số phận đã ban cho cậu một hạnh phúc quá lớn? Trong suốt những ngày tiếp theo, giáo sư Coocvara Amiđêi không đủ sức thốt lên một lời nào nữa.
Hôn lễ cần phải tiến hành vội vã, bởi lẽ, một là cô dâu và chú rể đã chung sống dưới một mái nhà, hai là ông Hiệu trưởng trường trung học rất mong việc lấy vợ sẽ giúp cho thầy giáo Coocvara Amiđêi thoát ra khỏi tình trạng u mê trí óc mà thời gian gần đây cậu bị rơi vào. Nhưng niềm hy vọng của ông hiệu trưởng đã không trở thành sự thật. Sau đám cưới, thật ra là sau khi làm thủ tục kết hôn (ngày 14 tháng Ba năm 1892), do những sự việc trong quá khứ, giáo sư Coocvara Amiđêi không dám làm phép cưới ở Nhà thờ, tật trí óc mụ mẫm của cậu lại tăng thêm chứ không giảm.
Cái điều mà bao nhiêu năm bất hạnh không tạo dựng được thì niềm vui lại hoàn tất rất nhanh. Do đắm mình trong hạnh phúc cậu Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi vứt bỏ mất môn ngữ pháp Latinh, quên sạch mọi thứ và trở nên hoàn toàn lãnh đạm với mọi việc. Cậu chỉ nhìn thấy mỗi cô Xatanina, chỉ nghĩ đến mình Xatanina, mơ màng mỗi nàng, Xatanina. Cậu quên cả ăn nếu như đích thân cô Xatanina không ép cậu ăn. Cậu chỉ cần cô một thứ, là nhìn thấy cô trước mặt, nghe thấy cô cười khanh khách lúc ngốn ngấu hết món ăn này đến món khác. Thậm chí, cậu sẵn sàng đem tấm thân gầy gò thết cô nếu như cô muốn nhai nó.
Trong khi đó thì lại không còn ông Đônphô Đônphi để ngăn chặn bọn học trò và trẻ con ngoài phố, khiến bây giờ chúng tha hồ hoành hành. Cả trong trường lẫn ngoài phố, bọn chúng hành hạ cậu đến mức chỉ còn cách gọi cảnh sát túc trực gần bên cạnh cậu. Ông Hiệu trưởng suốt ngày gầm thét. Ông tiến hành cả những hình phạt mà cương vị của ông không được làm, nhưng vẫn chẳng đem lại kết quả gì. Thầy giáo Coocvara Amiđêi nhìn ông ta, miệng mỉm cười, coi như tất cả những chuyện đó không hề liên quan gì đến cậu. Cô Xatanina rốt cuộc đành phải ngồi viết lá thư gửi cho ông nghị sĩ, người bạn thân thiết và vị thần hộ mệnh cho cha cô trước kia, van nài ông sử dụng toàn bộ uy tín đang mỗi ngày mỗi tăng của ông để giải thoát ngay cho giáo sư Coocvara khỏi công việc dạy học và kiếm cho cậu một công việc gì yên tĩnh hơn, tại một thư viện nào đó hoặc trong cơ quan của Bộ giáo dục.
Kết quả là sau hai tháng, Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi dọn đến Rôma để trình diện ở cơ quan Bộ giáo dục theo như kế hoạch. Điều này làm học sinh, vốn rất yêu mến cậu, vô cùng buồn bã, và làm cho ông Hiệu trưởng nhẹ cả người, Xatanina đang có thai và chuyến đáp tàu biển này đối với cô quá vất vả. Nhưng chỉ cần đặt chân lên bến Sivitavêkia, mọi khổ não tan biến sạch, bởi vì cô hết sức vui sướng được trở về đất liền, được sắp sửa đến thành phố Rôma, chẳng còn mấy đường đất nữa.
Ôi, thật không ngờ, máu lại sôi lên trong huyết quản cô, dòng máu cô tiếp nhận của ông bố, vốn là người ham thích giang hồ.
Ở Bộ, giáo sư Coocvara Amiđêi được phân về một phòng cùng với đám nhân viên văn thư. Cậu làm chân sửa bài. Nhưng cậu không sửa cái gì hết. Những nhân viên thảm hại này đều đầu óc nông cạn và chỉ làm được mỗi một việc là nện gót giày. Họ đánh hơi thấy ngay con người mới về kia là loại nào. Giá như cậu là một tên móc túi sành sỏi và nổi tiếng gian ngoan thì họ vi nể ngay. Đằng này việc gì phải kính sợ một con người chẳng có gì đặc biệt, thậm chí còn khờ khạo và còi cọc đến như thế? Với lại, cứ nguyên không bị họ trêu chọc gì cũng đã là may mắn rồi. Thỉnh thoảng, vào những lúc rỗi rãi, chẳng có công vụ gì, cũng chẳng có giấy tờ gì phải sao chép, họ có thể đùa cợt cậu một chút, gọi là để giết thời giờ. Thêm nữa, mỗi khi bọn họ phạm một lỗi sai sót gì trong việc sao chép giấy tờ, trách nhiệm đều do thầy giáo Coocvara Amiđêi hứng chịu thay.
- Tôi van các ông, hãy để tôi xem lại những bản viết của các ông. Các ông hãy thận trọng cho! Tôi chỉ dám van xin các ông, các ông làm ơn cho tôi nhờ. Từ “lý trý” viết “tr” chứ không phải “ch” đâu.
- Ôi, thưa giáo sư, về chuyện lý trí thì có lẽ ông có thừa đấy.
- Thôi cũng được! - Giáo sư Coocvara Amiđêi thở dài, khẽ nhún vai, vươn cổ lên và hạ hàng mi trên xuống đằng sau cặp kính cận hai lớp, dày như chôn chai.
Đám nhân viên sao chép giấy tờ mỗi khi nghe thế cậu thốt lên ba tiếng “Thôi cũng được”! đều cười khúc khích. Sao lại như thế nhỉ? Giáo sư Coocvara Amiđêi không chú ý đến tiếng cười của họ. Và hễ tiện mồm cậu lại thốt lên “Thôi cũng được!”, nhiều khi chẳng ăn nhập gì vào hoàn cảnh. Và từ đấy đám nhân viên đặt biệt danh cho cậu là Giáo sư Thôi cũng được.
Khi biết biệt danh mọi người đặt cho mình, cậu nhăn mặt, nhún vai rồi mỉm cười, vươn dài cái cổ ra, hạ hàng mi trên xuống và suýt nữa buột miệng thốt lên… À phải rồi… nghĩa là như vậy là đúng, tất nhiên rồi: cậu đã quen với thái độ nhẫn nhục từ bao giờ, sẵn sàng chấp thuận mọi đòn đánh của số phận hẩm hiu, nhưng bây giờ thì cậu được đền bù lại tất cả những gì cậu đã phải chịu, đền bù lại tất cả những gì cậu đã phải chịu, đền bù lại cả những gì mà rất có thể trong tương lai cậu sẽ còn phải chịu. Cho nên bây giờ cậu coi thường mọi thứ. Nếu thích, họ cứ việc nhạo báng cậu, tất cả mọi nhân viên sao chép trên thế giới này! Họ muốn gọi cậu là gì cũng được, thằng cha Thôi cũng được, Thôi cũng xong hay gì gì nữa. Bây giờ cậu đã có nàng Xatanina, cậu bất chấp mọi thứ. Ngồi trong văn phòng Bộ, toàn bộ trí óc cậu hướng về nàng, cậu như nhìn thấy rõ nàng đang đi lại trong những căn phòng tại ngôi nhà đơn sơ trên đường phố Thánh Nicôlô đa Tôlentinô, nơi cậu thuê một căn hộ nhỏ.
Ngày 15 tháng Tám năm 1893, Xatanina sinh thằng con trai đặt tên của ông ngoại là Đônphinô. Giữa những niềm vui náo nhiệt thời gian đó, nảy sinh một phiền toái nhỏ: Xatanina không muốn tự cho con bú. Đành gửi thằng bé cho vú nuôi ở tận xóm Xabiua xa lắc. Nhưng cũng không sao! Cậu sẽ cai thuốc lá, cà phê và bỏ đi một vài thói quen khác để lấy tiền trả công cho bà vú.
Khi người nghệ sĩ xiếc đứng giữa đám công chúng đang nín thở và trầm trồ theo dõi, bắt anh hề xanh xao, gầy còm làm việc thì ông ta gào lên thế nào? “Thưa quý vị khán giả, sắp tới quý vị sẽ được thưởng thức một tiết mục tuyệt diệu! Xin các quý vị nhìn xem, một tiết mục nguy hiểm chết người đã bắt đầu!”.
Ngay từ khi mới lọt lòng, Coocvara Amiđêi đã bị nhà nghệ sĩ xiếc tức là số phận hẩm hiu buộc phải làm việc, giống như anh hề thảm hại kia! Nhưng số phận vẫn chưa đẩy cậu đến tiết mục gay go nhất, trong khi cái ngày 20 tháng Ba năm 1894 kia chưa tới.
Cặp dưới nách gói bánh ngọt, thứ bánh Mêranh mà Xatanina rất thích, giáo sư Coocvara Amiđêi trên đường trở về nhà, hôm ấy cũng giống như thường lệ, vào 18 giờ rưỡi. Cậu leo lên cầu thanh dài dằng dặc tưởng như không bao giờ hết, lấy chìa khóa ra, sờ soạng tìm ổ khóa, nhét chìa vào, quay một vòng, mở cửa bước vào. Không thấy Xatanina. Nàng đi đâu nhỉ? Nàng không bao giờ đi đâu khỏi nhà vào giờ này. Đúng có chuyện gì rồi. Trên bàn chưa thấy dọn cơm nước gì cả. Dưới bếp cũng lạnh tanh. Trong nhà thì mọi thứ vẫn y nguyện, theo đúng trật tự lúc mười hai giờ trưa tức là lúc cô phục vụ ra về - hai vợ chồng thuê một chị phục vụ làm nửa ngày, quét dọn nhà cửa và đi chợ. Nhưng chuyện gì có thể xảy ra được? Hay bà vú nuôi thằng Đônphinô gọi đến có việc gì gấp? Và nàng do vội vã đã để mặc mọi thứ đi ngay, không kịp ghé qua Bộ báo cho chồng biết? Cậu xuống thang gác, xuống mãi xuống mãi đến tận tầng cuối cùng hỏi bác gác cổng xem có biết gì không? Rồi cậu lại ghé vào quầy bán tạp hóa gần nhà hỏi ông bà chủ quầy, hỏi chị hầu phòng của những căn nhà đầy đủ tiện nghi cạnh đấy, nhưng không ai biết gì hết. Cậu đành quay về nhà, trong lòng rối bời. Ba căn phòng nhỏ vắng lặng như thể chúng cùng với đồ đạc trong đó cũng đang nín thinh chờ đợi ai đến khuấy động, để chúng lại tiếp tục cuộc sống theo như trình tự mọi ngày. Ngồi nhà một lúc không chịu nổi, cậu ra đường, đi tìm vợ. Lúc đầu cậu loay hoay không biết tìm ở đâu, theo hướng nào. Sau đấy cậu bèn rẽ vào bưu điện, đánh bức điện khẩn trả cả tiền hồi âm cho bà vú nuôi thằng Đônphinô. Rồi cậu lại đi mà không biết mình đang đi đâu. Tai cậu ù ù như có cái cối xay gió đang quay bên trong. Đến khi tính toán thấy sắp hết giờ nhận được điện trả lời, cậu quay về nhà, thầm hy vọng khi mở cửa ra đã thấy Xatanina ở trong đó. Nhưng chỉ một câu trả lời của bác gác cổng đủ đánh tan niềm hy vọng ấy. Thế là bỗng nhiên cậu thấy rời rã chân tay, hình như không còn đủ sức leo những bậc thang bất tận kia lên đến căn hộ của mình nữa. May thay rồi cậu cũng leo được đến nơi. Cậu mò mẫm bước vào, mò mẫm lần đền phòng ngủ, rồi vẫn không thắp đèn, cậu ngồi vào ghế bành, thu hình lại và đợi.
Lát sau đột nhiên cậu cảm thấy như trong óc mình văng vẳng có tiếng ù ù. Tiếng lao xao, đổ vỡ vang lên trong tai, xuống bụng, xuống đến tận gót chân, vang lên cả trong hai đầu gối, khiến mọi ý nghĩ xáo trộn. Rồi những tâm trạng rối bời, cậu lần ra cửa sổ, ngó xuống đường, khao khát thấy người đưa thư đứng ngoài cửa nhà. Lúc này chàng nhận ra tiếng ù ù kia là từ ngọn đèn điện ngoài đường. Sao nó rú lên cứ như kẻ điên thế!
Mờ sáng thì cậu nhận được điện trả lời của bà vú báo là bà không biết gì hết. Thế là mọi hy vọng mỏng manh cuối cùng đã tan tành.
Mấy tiếng đồng hồ sau, chị phục vụ đến để đi chợ và quét dọn nhà cửa như thường lệ. Chị quê ở Tôxcan, dáng người thấp béo, nhưng nhanh nhẹn, mặt khó đăm đăm nhưng miệng thì lại liến thoắng.
- Chào ông chủ!
- Nhà tôi không có nhà… - mặt tái nhợt như xác chết, mắt thẫn thờ cậu báo tin cho chị biết. - Nhà tôi đi đâu từ hôm qua chưa thấy về.
- Lạy Chúa tôi! Ông nói cái gì vậy?
Thầy giáo Coocvara Amiđêi dang hai tay bất lực. Rồi ngồi xuống, lọt thỏm trong chiếc ghế tựa, dính chặt xuống đấy trong tư thế bất động. Cậu không nói gì, một phút sau mới lên tiếng:
- Cả đêm qua không thấy về.
- Bà chủ đi đâu được nhỉ?
Giáo sư Coocvara Amiđêi lại đưa hai tay lên trời.
- Hay thế này, ông chủ thử đến - chị phục vụ gợi ý - chủ thử đến cái chỗ những người từ khắp các nước đến ấy, chỗ tranh vẽ, chỗ hình như có cái ông vẽ chân dung cho bà chủ ấy.
Thầy giáo Coocvara Amiđêi bừng tỉnh, nhìn chị phục vụ:
- Người ta vẽ chân dung cho nhà tôi à? Bao giờ thế?
- Ôi, thế cháu tưởng ông chủ biết rồi? Ra ông không biết gì ạ? Sáng nào bà chủ cũng đến chỗ ông ta. Buổi trưa về ăn cơm rồi lại chạy ra đấy.
Cậu há hộc miệng, rồi lại lặng lẽ dùng mấy ngón tay xương xẩu xoa đầu gối.
- Hay để cháu chạy đến đấy xem sao, phải không ông chủ? Ông có muốn cháu chạy đến đấy xem thế nào không? Cháu sẽ đi thật nhanh rồi sẽ quay về ngay… Cháu biết ông ta, ông ta là một họa sĩ người Pháp.
Nhưng hình như cậu không nghe thấy gì hết. Chị phục vụ bèn tự quyết định lấy. Chị chạy ngay ra khỏi phòng. Chỉ vài phút sau chị đã quay về, mặt đỏ bừng, hơi thở hổn hển, vừa lấy hơi chị vừa tuôn ra một tràng:
- Cháu đoán đúng mà, ông ta không có ở đấy, cũng đi nơi khác rồi. Mới đi hôm qua. Nghĩa là hai việc trùng hợp nhau.
Giáo sư Coocvara Amiđêi vẫn ngồi lặng lẽ như cũ, nét mặt đờ đẫn như của người mắc bệnh tâm thần, chỉ mỗi hai bàn tay vẫn xoa đầu gối tiếp.
Chị hầu phòng chăm chú nhìn ông chủ, tràn một niềm thương hại, và một phút sau, không ghìm được, chị sụt sịt, nói như với bản thân, ám chỉ bà chủ:
- Sao dại dột thế không biết? Đang sống yên ổn đầy đủ, được chồng chiều chuộng, một ông chồng hiếm có đến như thế, cần cù, hiền làng, chịu đựng, y hệt như một con rùa vậy. Nhưng thôi, cũng chẳng nên buồn nữa làm gì, ông chủ ạ! Gạt chuyện ấy đi và đừng ngồi thần mặt ra như thế. Ông còn phải sống chứ. Cháu nói thật với ông, chứ bà ta chẳng đạt được cái gì đâu. Tình yêu nó thế đấy. Mà ông có hiểu tình yêu là cái gì không đã? Nó giống như sữa khi bắc lên bếp ấy. Mới đầu thì dâng lên rồi sôi và thế là trào ra ngoài mất sạch… Ông buồn làm cái gì. Chính bây giờ là lúc ông phải thật tỉnh táo, cố quên đi và thế là dễ chịu thôi… và đừng ngồi thần ra như thế… ông chủ ạ, đừng ngồi như thế.
Nhưng đáp lại những lời khuyên giải mộc mạc chân tình ấy giáo sư Coocvara Amiđêi chỉ khẽ lắc đầu mà không nói một lời nào. Cậu không khóc bởi vì cậu chẳng cần tỏ ra vẻ đau khổ với ai làm gì. Cậu không cần ai thương hại, không cần ai an ủi. Cậu chỉ ngạc nhiên sao mình không cảm thấy cái nỗi đau khổ mà trước đây cậu nghĩ mình sẽ phải hứng chiu, nếu như có chuyện gì đó xảy ra, hoặc Xatanina đột nhiên không còn, hoặc tình yêu của nàng không còn. Nhưng bây giờ sao lại thế này? Cậu không thấy đau khổ gì mấy. Trước kia cậu đinh ninh rằng, nếu như một chuyện kiểu như thế này xảy ra, cậu sẽ thấy như trời sập, hoặc ít ra thì bản thân cậu sụp đổ. Thế nhưng chẳng sao cả. Chẳng làm sao hết. Chẳng hạn lúc này cậu có thể ngay lập tức cảm ơn chị phục vụ, bảo chị rằng thôi không thuê chị nữa và trả đủ số tiền công của chị tính cho đến hết tháng, và khi chị ra về, có an ủi ông chủ một lần nữa thì cậu có thể trả lời bằng giọng bình thản:
- Thôi cũng được… cũng được…
Chị phục vụ quay đi rồi, cậu lại ngồi xuống ghế tựa và đột nhiên hiểu ra rằng, ngay đến nhúc nhắc ngón tay cậu cũng không thiết và như thế có nghĩa, đối với cậu thế giới vẫn sụp đổ thật, nhưng cảm giác ấy sao không rõ rệt và khó tin thế nào ấy. Những cái ghế ở chỗ nào nay vẫn ở chỗ ấy, cái tủ cũng vậy, giường cũng vậy… Chỉ có điều cậu không biết bây giờ sử dụng chúng để làm gì?
Cậu bắt đầu xoa đầu gối mạnh hơn đôi chút và làm động tác ấy một cách bất giác, bởi vì cậu cảm thấy như có một luồng khí lạnh buốt chạy trong các ống xương, qua toàn thân cậu. Nhưng cậu vẫn không rời chỗ, miệng lẩm bẩm nhắc lại mấy nhóm từ trong câu nói của chị phục vụ lúc nãy: “Bức chân dung… Họa sĩ người Pháp… Sáng nào bà chủ cũng đến đấy…” Bây giờ thì hai hàm răng cậu bắt đầu đánh lập cập. Cậu càng xoa đầu gối mạnh hơn. Hai đầu gối rung lên như theo tiếng nhạc. Ba ý nghĩ, về bức chân dung cô ta, về người họa sĩ Pháp, về chuyện sáng nào cô ta cũng đến đấy như bám chặt vào óc cậu, giống như ba mảnh giấy vụn đang bị gió tung lên cao và quay cuồng, quay cuồng… Mắt cậu tối sầm lại. Người cậu run lên bần bật. Cậu ngã lăn xuống đất và nằm bất động dưới sàn như một xác chết.
Và bây giờ là tháng Ba năm 1904. Đã chín năm chín tháng trôi qua. Giáo sư Coocvara Amiđêi đã quên cái lần ông suýt thở hơi cuối cùng sau khi làm xong “tiết mục nguy hiểm chết người” kia. Ông được sống là nhờ cái ý nghĩ rằng, ở nơi nào đó, trong cái xóm Xabina xa xôi kia, con trai ông đang còn ở đó. Bây giờ ông không lúc nào rời thằng Đônphinô. Đứa trẻ đã lên mười và có lẽ nó không thể nào sống được đến tuổi đó nếu như không có bố bên cạnh. Những chăm sóc tỷ mỷ, kiên nhẫn của ông đã kéo thằng bé đến cái tuổi này. Tuy nhiên điều đáng buồn là vẫn còn nguy cơ, số phận đứa trẻ bất hạnh kia cũng sẽ giống hệt số phận bố nó, mặc dù vẫn còn đôi chút hy vọng tình thế có thể thay đổi. Điều quan trọng là thằng bé tạng người yếu ớt có cơ sẽ mắc đúng căn bệnh đã đe dọa bố nó thời ông còn học ở trường dòng.
Cho đến năm lên tám Đônphinô vẫn đinh ninh mẹ nó đã chết từ khi nó mới lọt lòng. Nhưng cách đây hai năm, một hôm, giữa lúc bố nó làm ở sở, một bà sang trọng bước vào nhà. Bà ăn bận rất lạ, mặt trát bự phấn, môi son đỏ chót, nước mắt đầm đìa vui vẻ báo nó biết rằng, mẹ nó còn sống, rằng chỉ mỗi mẹ nó yêu nó, yêu vô cùng! Và bà muốn lúc nào cũng được bên cạnh con để chăm sóc cả đêm lẫn ngày, được vuốt ve nó như bà đang vuốt ve bây giờ đứa con thân yêu của mình.
Nhưng vừa lúc ấy bà vú ngày xưa đã từng nuôi đứa trẻ, bây giờ góa chồng, sống một mình, vẫn hay đến thăm và hiện giờ đang ở lại đây với hai bố con nó, đảm nhiệm vai trò nội trợ, đúng lúc này lại đi chợ về. Tay xách các làn các bị đầy ắp thức ăn, bà vú nhìn thấy, vội vã chạy lại lôi đứa trẻ ra khỏi tay bà sang trọng kia. Và thằng bé Đônphinô tội nghiệp, hoảng sợ hết sức, nghe thấy bà vú văng này văng nọ ra với cái bà lúc nãy tự xưng là mẹ nó, rồi hai người đánh nhau. Quang cảnh thật khủng khiếp, khủng khiếp đến nỗi sau đấy nó phải nằm xuống, bởi vì người nó nóng ran, một cơn sốt dữ dội bắt đầu.
Ngay sau đấy ông Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi ra đồn cảnh sát khai báo về người phụ nữ bất lương kia, gây đau khổ cho chồng chưa đủ, bây giờ lại định gây thêm cho ai nữa kia chứ? Cho một đứa trẻ vô tội.
Xatanina, con người năm mười tám tuổi, sau khi cha qua đời đã tính bỏ đi nơi nào xa lắc, rồi sau đó ít lâu bỏ trốn theo người họa sĩ Pháp đã vẽ chân dung cho mình, sống ở thành phố Pari bốn năm, rồi chuyển sang ở thành phố Nixơ, rồi ở Turin, Milăng và cứ mỗi năm một sa sút. Ông nhìn thấy nàng sau khi nàng đã trở về Rôma vài ngày, và mặc dù ông đã thôi không nghĩ đến nàng, không hình dung xem nàng lúc này ra sao, nhưng khi nhìn thấy nàng bằng xương bằng thịt trước mắt, đang ở giữa phố mà ông cũng choáng váng. Khách đi đường dìu ông đến hiệu thuốc gần nhất.
Trước khi chuyện này xảy ra, ông đã rơi vào bàn tay của một vị linh mục nào đỏ quê ở Xácđennhơ mà ông quen từ ngày ở Xaxari, tên là Menkiôrê Xpanu. Vị linh mục này cố tin rằng có bổn phận phải đưa con cừu lạc bầy từ lâu trở về với đàn cừu. Vị đem đến cho ông nhiều sách thánh, rất nhiều, để ông đọc trong những giờ khắc dài dằng dặc tại công sơ. Vị linh mục chứng minh cho ông thấy, qua những tấm gương hiển nhiên rằng, nguyên do duy nhất của tất cả mọi tai họa rơi xuống đầu ông là vì hồi trẻ ông chưa xử sự chính đáng với Đức Thánh bà, với Tôn giáo và tất nhiên Chúa đã tình sẽ gọi đứa con trai bé nhỏ yêu quý của ông, thằng bé nhu mì Đônphinô về với Thánh thần và những linh hồn tinh khiết. Tóm lại nỗi nguy cơ của ông, giáo sư Coocvara Amiđêi kẻ phạm lỗi với Chúa chính là từ trên trời. Rằng, lúc nào ngồi một mình, ông không nên cân nhắc gì nhiểu, mà hãy tìm đến Tu viện “Ba giếng phun” ở thị trấn Trappe chẳng hạn. Một nơi Thánh địa, thiêng liêng, đúng là thứ đang cần cho ai muốn sám hối.
Trong khi nghe vị linh mục nói, ông co rùm người lại, nhún vai, vươn cổ lên, nheo mắt lại rồi nói vẫn cái câu muôn thuở:
- Thôi cũng được!
Nhiều hôm, sau giờ làm việc, bước trong cơ quan Bộ ra, ông nhìn thấy hai người đã đứng chờ ông: một bên là linh mục Menkiôrê Xpanu, đứng trên bậc thềm của nhà thờ Thánh bà Maria đela Minécva, một bên là vợ ông, trịnh trọng chống khuỷu tay lên lan can của ngôi nhà Pantêôn. Đứng quay mặt vào nhau, hai người đưa nhanh mắt cho nhau, hai cặp mắt tóe lửa. Vị linh mục thì xoa cằm và má lởm chởm râu cứng. Vọ ông thì nhếch cặp môi son đỏ chót.
Chiều nào cũng vậy, hễ bước chân vào quảng trường, giáo sư Coocvara Amiđêi lại liếc nhanh về phía lan can, nơi vợ ông đang cúi nhìn xuống đất, và ông lập tức quay ngay đầu về phía vị linh mục, bởi ông biết rằng, khi ông đi đến phố Pie đi Mácmô thế nào người phụ nữ kia cũng đuổi kịp ông và xin tiền, điều mà ông không đủ sức từ chối, nhất là ông từ chối không nhận tha thứ cho nàng đã nhiều lần quá rồi… Sau mỗi lần như vậy, nàng chạy đến gặp ông, ông đều thấy cần chặn trước sự mắng mỏ của vị linh mục bằng cách bước đến gần ngài, vừa thở dài vừa xoa hai bàn tay, miệng nhăn nhó khẽ nói:
- Thôi cũng được!
Trong khi ấy thì mùa xuân sắp tới gần, đó là mùa tệ hại nhất đối với những ai yếu phổi. Bác sĩ đã yêu cầu giáo sư Coocvara Amiđêi đưa thằng bé Đônphinô đi nghỉ ở đâu ít nhất cũng trong một tháng đầu tiên, khi thời tiết ở Rôma quá tệ hại đối với nó.
Và thế là giáo sư Coocvara Amiđêi đệ đơn xin nghỉ phép một tháng, và ngày 5 tháng Ba năm 1901 ông đáp xe lửa đến thị trấn Néttunô định thuê một căn hộ trông ra biển.
Chương 2
QUẢ THÔNG
Một tháng nghỉ ngơi cũng vẫn không hứa hẹn được điều gì tốt đẹp hơn. Mưa tầm tã suốt cho đến ngày cuối cùng. Mãi hôm nay thời tiết mới khô ráo, lần đầu tiên mặt trời tháng Ba hiện ra. Như thể mùa xuân lên tiếng!
- Ta đã đến đây rồi.
Mà đúng như thế thật. Nép mình vào cửa sổ của toa tàu, giáo sư Coocvara Amiđêi cảm thấy mình đã nhìn thấy mùa xuân ngay từ lúc đoàn tàu rời khỏi nhà ga: Mùa xuân hiện ra ở Cổng vào thành phố Rôma dưới vẻ hồng hào, lung linh của những khu vườn cây giữa đám mầu xanh lục dịu hiền. Đấy là những cây gì vậy?... Chắc là mấy cây đào nở hoa. Thì đúng như thế rồi: kia lại đào nữa, giống như thế và kia nữa. Mùa xuân! Ôi, đã lâu lắm rồi ông không được nhìn thấy Mùa xuân tươi đẹp như thế này. Mùa xuân ngay từ lúc bắt đầu, với những nụ hoa đào mầu hồng nhạt chúm chím!
Ông hít thật mạnh khí trời vào ngực và cảm thấy ngây ngất trước làn không khi mới mẻ và không quen thuộc này. Nỗi ngây ngất dễ chịu khiến ông muốn khóc. Quang cảnh diệu kỳ này ông cảm thấy như một ân huệ của số kiếp phũ phàng cuộc đời ông, khiến ông thực sự sung sướng và ông bỗng không giải thích được, tại sao lúc này ông lại hưởng niềm vui sướng mà ông đã quên hẳn mất. Cái niềm vui sướng mà ông được hưởng tràn đầy trong những năm vô tư lự thuở thiếu thời ở thị trấn quê hương.
Và trong một khoảnh khắc, ông quên bẵng mọi nỗi gian truân trong quá khứ cũng như hiện tại, quên cả bệnh tật trầm trọng của đứa con trai, quên cả vị linh mục luôn dằn vặt ông, quên cả những khoản tốn kém vượt quá khả năng đồng lương ít ỏi của ông mà ông buộc phải dấn thân vào với niềm hy vọng, niềm hy vọng rất có thể không thành sự thật, là chuyến đi sẽ có lợi cho thằng Đônphinô. Ông quên cả nỗi buồn cay đắng, u tôi, cả thân phận cuộc đời ông quá nặng nề, tưởng như không thể chịu đựng nổi. Lúc này mầu xanh của những cánh đồng cỏ, mầu da trời và vẻ tươi mát bao trùm trong không trung, làn khi mát mẻ của mùa xuân như đối lập với tâm trạng u sầu tích tụ trong lòng ông.
Đúng, cuộc đời có thể diệu kỳ, nhưng chỉ ở nơi đây, giữa mầu xanh của cây cỏ này, trên những cánh đồng bát ngát kia. Nơi đây số phận độc địa không dám đuổi theo ông, truy ép ông phũ phàng như trong thành phố. Những tai họa mà số phận, giáng xuống đầu ông trên những đường phố, lúc này bỗng hiện lên rõ rệt tưởng như có thể sờ nắn được. Ông như nghe thấy tiếng chân vợ ông lén lút đuổi theo ông như một bóng mà, buộc ông lúc nào cũng phải còng lưng xuống, co ro dúm dó bước chân trên đường phố, thỉnh thoảng lại ngoái nhìn phía sau lưng.
Ông lập tức gạt ra khỏi đầu óc cái hình ảnh ấy, vừa mới đột nhiên xuất hiện đã làm lu mờ quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp và lại tiếp tục chiêm ngưỡng. Kia là dải núi Anbani, cao vút lên trời và tỏa hơi như cũng đang hít thở. Chúng nhẹ nhõm như thể không phải bằng đá. Và kia là ngọn núi Cavê. Rừng tùng trên đỉnh núi tạo thành như một thứ vòng hoa tết. Và tu viện cổ kính. Và rừng lá bạc tạo thành một đường vòng chạy ngang lưng chừng như chiếc thắt lưng. Xa xa là thị trấn Phraxcati, tràn trề ánh nắng mặt trời. Tiếng bánh xe chạy trên đường ray làm đàn chim sẻ hoảng sợ bay vút lên. Một con chim sáo đậu trên mô đất đang dang đôi cánh óng ảnh, hót líu lo. Giáo sư Coocvara Amiđêi bỗng nhớ lại câu đầu tiên trong bài ngữ pháp tiếng Latinh mà đã bao nhiêu năm nay ông không được giảng dạy cho học sinh: “Alaudaest laeta”[14] và ông lắc đầu. Lúc này hồi tưởng lại quá khứ, ông nhớ đến những năm đầu tiên mới bước chân vào nghề giáo, ông cũng khá khốn khổ, cho đến tận khi cùng sống chung một mái nhà với con người kia, ông mới tạm yên thân đôi chút…
- Thôi cũng được! - Ông lại thở dài, buồn bã.
Nhưng không lâu. Lúc tàu ra khỏi ga Crôsettô, ông ngửi thấy đã có mùi biển, và lòng ông lại rộng mở, vui tươi nghĩ đến chỉ lát nữa thôi, biển bát ngát sẽ trải rộng trước mắt ông. Ôi, biển cả! Đã lâu lắm rồi ông không được thấy biển. Và lúc này sao ông thèm, ông khao khát được gặp lại biển đến thế! Nhưng biển kia rồi thôi! Đúng là biển rồi! Đã đến rồi ư? Biển kia! Biển! Biển! Giáo sư Coocvara Amiđêi đứng phắt dậy. Cảm động làm ông run lên. Ông thò đầu ra ngoài cửa sổ, hít thật mạnh làm gió biển một cách vội vã và khoan khoái. Đầu ông choáng váng. Ông ngồi phịch xuống ghế và ôm lấy mặt.
Đoàn tàu chỉ dừng lại ở ga Anxiô có mấy phút, và giáo sư Coocvara Amiđêi chưa hề bao giờ được đặt chân đến thị trấn tuyệt diệu này. Ông mở to mắt cố ngắm cho thật nhiều tất cả những gì mà đứng ở ga có thể nhìn thấy. Lát sau chính ông cũng bước ra khỏi đoàn tàu, xuống ga Néttunô, đầu óc vẫn đang ngây ngất, xáo động sau cuộc tái ngộ với biển cả. Bởi vì lúc mới nhìn thấy biển ông đã hít thật mạnh, cho đầy lồng ngực. Lâu lắm rồi ông mới được hít thở như thế.
Thư từ qua lại hồi làm ở Bộ đã giúp ông hình dung được đôi chút về thị trấn này. Ông đi ra quảng trường trung tâm và hỏi xem có thể thuê ở đâu được với giá rẻ một căn hộ giản dị trông ra biển. Người ta chỉ cho ông đi xuống phía dưới quảng trường rồi rẽ tay phải, đến một ngôi nhà nhỏ nằm ngay sát biển. Thật ra tiền thuê nhà có hơi cao quá so với khả năng tài chính của ông, nhưng biết làm sao được! Cửa sổ căn phòng nhỏ nằm sát hiên nhà trông ra một bãi nhỏ trước doanh trại pháo binh. Toán lính pháo thủ đứng thành hàng ngũ đang đi ra trường bắn. Cửa sổ này không cao. Còn cửa sổ của phòng thứ hai thì trông ra biển và cao ngang tầm gác hai: biển như chỉ chực lao qua cửa sổ vào phòng. Ngồi trong nhìn ra chỉ thấy mỗi biển, không thấy gì khác nữa. Giáo sư Coocvara Amiđêi trả chủ nhà tiền đặt cọc và bảo sáng mai sẽ dọn đến. Sau đấy ông ra bãi tắm.
Đối diện với ngôi nhà, về hướng Tây là lâu đài Xanxôvinô cổ kính trang nghiêm, tường sạm đen vì lâu đời. Lâu đài chạy ra đến mép biển, nằm trên một ngọn núi đá thấp. Giáo sư Coocvara Amiđêi leo lên những bậc đá dưới chân lâu đài, rồi sững sờ trước phong cảnh hiện ra trước mắt. Ông ngồi xuống ngắm suốt hơn một tiếng đồng hồ. Ông nhìn thấy hòn đảo Siecselô xanh biếc như bồng bềnh trên mặt nước, ẩn hiện giữa không trung. Gần hơn, ngay trên bờ biển là lâu đài Xtura. Ông lại nhìn thấy ngay bên cạnh, phía tay phải, cảng Anxiô với những con tàu đang đậu trong bến. Cảng đen bụi than, đây là nơi buôn bán than. Xa xa là mặt nước mênh mông, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Mặt nước êm ả. Sóng trên bãi tắm chạy lên cát lặng lẽ hầu như không có tiếng động. Cuối cùng ông quyết định dứt khỏi phong cảnh mê hồn, tính ăn một chút rồi đi xuống phía dưới. Sau đấy, do biết phải sau năm giờ mới có chuyến tàu đi Rôma, ông định dùng ba tiềng đồng hồ còn lại để ngắm phong cảnh công viên Boocghêđa nổi tiếng, nằm giữa hai thị trấn Anxiô và Néttunô.
Ông không nhớ trong cuộc đời đã có lần nào được hưởng một ngày sung sướng hơn hôm nay. Ông đê mê giữa khí trời ấm áp ngọt ngào đầu xuân. Một bên là biển đang ì oạp dưới chân bức vách thẳng đứng. Một bên là rừng và đồng cỏ xanh mướt. Cổng vào công viên mở rộng. Sau khi ngắm nhìn thỏa thích, giáo sư Coocvara Amiđêi đã định cất bước trên con đường thoai thoải thì có tiếng ai gọi. Ông quay lại, nhìn thấy một phụ nữ người lùn chạy lạch bạch như vịt bầu, miệng thét:
- Ê! Ê! Vào công viên phải trả tiền đấy! Ông chưa mua vé.
Năm Xonđi. Ông trả tiền, mặc dù đã tự thề với mình là hết sức dè sẻn. Rồi ông đi tiếp, lang thang trong những lối đi vắng vẻ râm mát, mỗi lúc lại vào sâu thêm, giống như trong một giấc mộng. Và đúng thế, hình như chỉ trong giấc mộng mới có những cây cổ thụ to lớn, đứng trang nghiêm trong không khí tịch mịch, đến nỗi tiếng chim hót líu lo cũng không khuấy động lên được, trái lại còn làm tăng thêm vẻ tịch mịch và huyền bí. Ông nghe kể rằng trong cái công viên bỏ hoang đã lâu này rất nhiều họa mi. Ông lắng tai nghe, và hình như tận sâu trong rừng có một tiếng họa mi hót. Ông bèn đi về phía đó. Đi mãi mới đến một cánh rừng thông tuyệt đẹp. Những thân cây cao thẳng vút giống như những chiếc cột ở một ngôi đền khổng lồ. Những tán lá trên ngọn sát liền nhau che kín bầu trời. Troing cánh rừng này không khí ẩm ướt như đặc quánh lại giống không khí dưới vòm mái trong các nhà thờ.
Giáo sư Coocvara Amiđêi không thể đi thêm đâu nữa. Với một động tác như bản năng, ông bỏ mũ ra, ngồi xuống và sau đấy ngả lưng nằm.
Sau bao nhiêu năm tháng sống trong khổ hạnh, những tai họa cứ theo nhau liên tiếp giáng xuống, óc ông như cằn cỗi đi. Bao lo lắng vặt vãnh lâu nay ngăn trở tâm hồn ông bay cao, khiến ông không còn lúc nào nghĩ đến những vấn đề khiến ông băn khoăn hồi trẻ. Óc ông đâm ra mụ mẫm và lòng tin gần như mất hẳn. Nhưng lúc này đây, trong cái ngàu dừng bước ngắn ngủi này, khi ông có dịp giương cặp mắt cận thì nhìn ra xung quanh, thấy được cuộc sống lẽ ra mình được hưởng. ông cảm thấy tràn ngập một niềm yêu đời thực sự. Ông lại thấy trỗi dậy trong lòng niềm khao khát đi sâu vào những vấn đề hóc búa của những suy luận miên man ngày xưa. Và ông tự hỏi, tại sao chưa hề bao giờ làm hại ai, không hề thủ đoạn với kẻ nào, mà ông lại biến thành cái bia để số phận bắn vào đủ thứ mũi tên độc ác? Đúng thế, xưa nay bao giờ ông cũng muốn làm điều tốt cho mọi người, kể từ cái việc ông cởi chiếc áo trùng linh mục, chính vì thấy lôgich tư duy của mình khác hẳn logic của các đấng bề trên trong Giáo hội mà ông buộc phải tuân theo. Cho đến việc lấy vợ, cũng là vì ông không nỡ bỏ đói một cô gái mồ côi, trong khi cô nhất định không ăn miếng bánh của ông nếu ông không cưới cô. Bấy giờ ông không hề có mưu đồ gì, mà làm việc ấy hoàn toàn chỉ để cô nhận miếng ăn của ông. Và bây giờ nữa, chưa nói đến sự phản bội đê hèn và cuộc bỏ trốn khỏi nhà của người đàn bà vô lương tâm kia, đã đập tan cuộc đời ông. Giờ đây, tuy vẫn thấy sẽ còn phải chịu bao nhiêu nỗi khốn khổ nữa, khi thấy đứa con trai, đứa con duy nhất cứ mỗi ngày một suy sụp, ông cố gắng cứu vãn niềm hạnh phúc duy nhất còn lại này, ông sẵn sàng chịu thêm bao nhiêu cay đắng nữa. Tại sao như thế? Chúa đâu? Chẳng lẽ Chúa lại muốn như vậy ư? Không, Chúa không thể muốn thế. Bởi vì nếu như có Chúa thì Chúa tất phải đối xử tốt với những người tốt. Nghĩ về Chúa như vậy liệu ông có phạm thượng không? Nhưng như thế này thì ai là kẻ điều khiển cõi thế gian bất hạnh này của chúng ta?
Một quả thông. Cái gì? Cái gì? Đúng rồi, một quả thông rụng. Đúng lúc ấy một quả thông từ trên cành cao rơi xuống giữa đỉnh đầu giáo sư Coocvara Amiđêi như một lời giải đáp chớp nhoáng.
Ông giáo tội nghiệp nằm đấy, cứ nằm đấy mãi, duỗi thẳng người, lặng lẽ, bất tỉnh, như một lưỡi sét giáng cho chết giấc. Lúc tỉnh dậy ông thấy mình nằm trong một vũng máu. Dù sao cũng còn là may, bởi vì tuy máu vẫn tiếp tục chảy nhưng chỉ còn là một tia nhỏ từ vết thương sâu hoắm trên đỉnh đầu, chảy vòng qua sau tai, xuống gáy. Không còn cách nào khác, ông gắng đứng dậy, lê bước ra cổng. Người phụ nữ lùn gác cổng, nhìn thấy ông khách với bộ mặt đầy máu, hoảng hốt rít lên:
- Lạy Chúa Giêsu! Ông làm cái trò gì thế này?
Ông giơ cánh tay run rẩy trỏ lên cao rồi nhăn mặt vì đau vừa vì nụ cười cay đắng.
- Quả thông… - ông lắp bắp, - quả thông điều khiển thế gian. Than ôi, đúng là như thế.
- Ông này điên! - người phụ nữa lùn thoáng nghĩ, rồi sợ hãi, bác ta vội vã chạy đi tìm anh chăn bò ở trại nuôi bò sữa gần đấy, bên cạnh công viện, để anh ta cùng với một trong những người phu sửa chữa quãng đường sắt chạy ngang qua bên cạnh cổng công viên dìu người bị nạn tội nghiệp kia đến nhà an dưỡng bệnh nhân lao gần đấy “Giúp người ta một chút, các bác ạ”.
Đến nhà an dưỡng, đầu tiên giáo sư Coocvara Amiđêi bị người ta cạo trọc đầu, rồi dán sáu miếng cao và cuối cùng băng bó lại. Ông ta vội, chỉ lo trễ tàu. Khi biết chuyện bệnh nhân lại còn định đi đâu xa, vị bác sĩ quyết định tăng cường biện pháp phòng ngữa, bằng cách quấn thêm lên đầu ông một kiểu như khăn xếp bên ngoài lượt băng để mũ không tụt xuống. Xong xuôi mọi thứ, giáo sư Coocvara Amiđêi nhún vại, thận trọng thử vươn cổ, rồi khẽ nhắm mắt lại, thở dài thốt lên:
- Thôi cũng được!
Chương 3
GIÓ
“Chúa Xuân thân mến, tôi không thể hiểu tại sao năm nay Ngài lại cần thiết phải đến sớm hơn so với cái ngày ng ta vẫn ghi trong lịch là ngày bắt đầu của mùa xuân? Và mùa Đông năm nay cũng lành hiền, uể oải thế nào ấy, để mãi đến cuối mới bùng lên, như ngọn đèn trước khi tắt? Phải chăng đấy là quy luật? Giả sử nếu như bà chúa Đông có đề nghị Ngài chậm cho đôi chút thời gian đủ cho bà ấy phả ra hai đợt gió lạnh dạng ấm ách trong bụng bà ấy. Nhưng nếu Ngài không vui lòng chấp nhận vì sợ lúc đi đến đây một cách huy hoàng, đôi chân Ngài sẽ bị lấm láp, bởi vì thành thị làng mạc vẫn còn đang ngập bùn, thì bà chúa Đông sẽ sai người đến bảo cho Ngài biết rằng, về chuyện ấy Ngài hoàn toàn yên tâm. Bà chúa Đông già nua kia sẽ bị gió bấc đánh cho tan tác chứ có phải không đâu. Và nếu như không còn cách nào khác thì nguyên cái chuyện đó cũng sẽ làm Ngài, mùa Xuân, thêm oai hùng. Gió sẽ thổi tan đám sương mù dày đặc và quét sạch những rác rưởi bụi bâm mà bà chúa Đông đã trải ra khắp nơi. Như thế Ngài vẫn giúp được bà chúa Đông mà lại giúp được cả cho ta, bởi vì Ngài chưa biết ta đâu, ta đang không tiếc sức mình che chở cho một con người đáng quý từ lúc anh ta lọt lòng mẹ cho đến bây giờ. Nhân tiện ta sẽ kể Ngài nghe một trong vô vàn chuyện đã xảy ra: hôm qua, trong lúc anh chàng được ta che chở đang nằm duỗi chân tay khoan khoái hít thở không khí tươi mát trong cánh rừng thông, ngay gần đây có một cánh rừng thông tuyệt vời trong một công viên cũng tuyệt diệu, ta đang vui nên muốn đùa anh ta một cái, ta để cho một quả thông tuyệt đẹp rơi xuống đầu anh ta, một quả thông to, rắn. Tất nhiên một quả thông như thế có thể làm anh ta chết ngay, nhưng ta không muốn thế. Ngài là Chúa Xuân, Ngài thừa biết rằng, huy hiệu của ta mang hình con mèo đuổi theo con chuột, nó chỉ giỡn con chuột thôi chứ có thịt đâu”.
Như thể dẫn ra đoạn văn trên trong một cuốn sách cổ nào đó, và như để trong đoạn văn vừa dẫn kia, sự tàn nhẫn được thêm vẻ tinh tế, ông thầm đọc đi đọc lại liên tục trong suốt hai tuần lễ cái lời lẽ mà ông cho rằng số phận phúc hậu của ông đã nói với Chúa Xuân và chắc chắn Chúa Xuân đã chiều theo lời đề nghị ấy. Trên đầu ông tấm khăn xếp vẫn ngự trị như trước. Và ông ngồi tựa vào thành giường của thằng Đônphinô. Từ lúc ông bước ra khỏi toa tàu ở ga Néttunô, ngay từ cái giây phút ấy thằng bé cứ như co lại dần trước mắt ông, do một cơn sốt dai dẳng huỷ hoại nó, cơn sốt kéo dài suốt đêm, sáng hôm sau vẫn không chịu lui. Ngày trước, khi còn ở Rôma, ít ra thì ban đêm sốt mấy, ban ngày thằng bé cũng được dễ chịu.
Và gió nữa chứ! Suốt hai tuần lễ liền gió không lúc nào ngớt, ngày cũng như đêm. Liên tục gào rú, rít lên bằng các giọng cao thấp khác nhau, thỉnh thoảng có những đợt gió đặc biệt khủng khiếp, làm rung chuyển các ngôi nhà, tưởng chừng như cả cái nhà sắp vỡ tung và bay theo gió. Nhưng đấy là cảm giác, thật ra gió chỉ cuốn đi ít ngói, giật đổ một cây to hay một cột dây điện báo và đập vỡ kính ở một cửa sổ. Sau đấy gió còn trêu chọc biển khiến mặt biển dâng lên, ngập cả bãi tắm và với một sức mạnh không gì ngăn cản nổi, sóng biển đập vào tường những ngôi nhà nằm ở sát bờ, làm sập hàng dãy, tạo nên tiếng vang động khủng khiếp.
Giáo sư Coocvara tưởng như mình đang ngồi trên con tàu giữa biển gặp bão tố, nghiêng ngả, chồm lên rồi lại hạ xuống. Thằng bé Đônphinô tội nghiệp hoảng sợ đến chết, và ông không có cách nào an ủi được con, bởi vì có nói gì thì tiếng gió gào rú cũng át đi. Thậm chí tiếng gió còn vang ầm hơn cả tiếng sóng biển đang sôi động. Không phải chỉ tiếng nói của ông bị lấn át, mà cả tinh thần của ông cũng bị dồn ép. Ruột gan ông rối bời và ông không còn biết làm gì nữa. Ông rơi vào một trạng thái sầu não, u mê, chỉ thỉnh thoảng sực tỉnh để săn sóc cho bà vú. Như để bức tranh thêm hoàn chỉnh, bà cũng mắc chứng viêm họng và cũng phải nằm tại giường.
- Ông chủ nhẹ tay một chút cho! - Bà vú năn nỉ khi thấy ông bước vào cửa phòng như bóng ma, một tay cầm lọ thuốc axit cácbôních, tay kia cầm cái chổi nhỏ để bôi thuốc vào họng cho bà. - Nhẹ tay một chút, ông chủ!
Bà vú ngồi dậy, ngửa đầu, há miệng, và hơi thở của bà phả ra nóng rực như hơi nóng trong lò than đang cháy.
Giáo sư Coocvara Amiđêi không muốn bôi mạnh, nhưng mỗi lần khi một cơn gió quất mạnh vào cửa sổ, tay ông lại bật lên và ấn mạnh khiến thật là lạ sao hai mắt bà vú không bật ra khỏi ông.
- Nhổ đi! Nhổ đi!
Và cơn giận vẫn chưa nguôi trong ánh mắt, ông lùi lại, lùi sang phòng của thằng bé Đônphinô, riêng lọ axit cácbôních vẫn run rẩy trên bàn tay ông. Cácbôních là một thứ thuốc độc… nhưng chỗ này quá ít, quá ít, lại bị pha loãng nữa… Chắc chắn không đủ để… Với lại chẳng lẽ phó mặc thằng Đônphinô ở lại trong tình trạng này hay sao? Không, không! Không được. Kể ra thì thoát được cũng rất hay. Cái cơn gió kia đã làm ông mất trí.
“Yên nghỉ thôi”! - ông khẽ lẩm bẩm.
Nửa tháng đã trôi qua. Tiền nhà phải trả vượt quá mức dự tính, rồi sự thiếu thốn mọi tiện nghi, căn bệnh của bà vú nữa, đó là tất cả những gì ông phải chuốc lấy tại nơi này. Và thêm vào đó - quý vị đừng vội vã, còn bao nhiêu thứ ấy chứ - ông phải tự tay làm lấy mọi việc. Tự mình nhóm lò, tự mình đi chợ, tự mình dọn bữa ăn… Và không một ngày nào ông đem đứa trẻ ra hiên được. Ngồi trong ba căn phòng nhỏ này không khác gì ngồi trong nha tà, bị ép chặt, một bên là gió và một bên là sóng biển.
Hơi nhiều quá, phải không quý vị?
“Cạch - cạch - cạch” - tiếng gõ rất khẽ vào cánh cửa.
“Ai?”.
Còn ai vào đây nữa? Chỉ là Xatanina! Nàng phi ngựa trong gió bão, Xatanina - người mẹ nồng cháy. Người mẹ yêu con đến điên cuồng. Người mẹ không nề hà bất cứ khó khăn nào, quyết tâm bằng mọi cách nhìn thấy được đứa con đang ốm đau.
Nàng bước vào, lao tới trước mặt người giáo viên, quỳ xuống khiến ông bị bất ngờ, lùi lại loạng choạng. Nàng túm lấy hai vạt áo vét của ông, người run lẩy bẩy, gào lên:
- Anh Côdơmô! Anh Côdơmô! Hãy vì Chúa, vì tất cả những gì thiêng liêng nhất! Cho em được ngó thằng Đônphinô, ngó giọt máu của em! Hãy tha tội cho em! Hãy cứu vớt em! Hãy thương xót em!
Vừa nói nàng vừa trào nước mắt, khóc nức nở, và phải nói rằng nàng khóc thật, rỏ những giọt nước mắt thật, khóc như mưa như gió, khóc sùi sụt khiến toàn thân nàng rung lên. Nàng không đứng dậy, gục mặt vào lòng bàn tay và miệng không ngừng van nài:
- Em sẽ hôn, em sẽ hôn mảnh đất nơi anh đặt chân lên! Anh Côdơmô, hãy tha thứ cho em, hãy thương xót em! Em không thể chịu nổi nữa rồi! Em muốn được làm mẹ đứa con em đẻ ra. Em muốn hoàn toàn thuộc về nó! Hãy cho phép em được ở bên nó, được chăm sóc nó, em van anh!
Ông Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi ngồi phịch xuống chiếc ghế tựa và cũng gục mặt vào lòng bàn tay, mặc dù thật ra không ai thấy rõ, bởi vì trời đã tối, bóng đêm đã tràn vào phòng. Tiếng chuông nhà thờ vẳng đến, chuông thánh thót bài “Avê Maria”.
- Ave Maria… - bà vú cố tình nói to rồi đọc bản kinh buổi tối để nhắc ông chủ hãy tỉnh táo.
Và thằng bé Đônphinô không biết chuyện gì đang diễn ra ở đây bỗng lên tiếng trong phòng bên cạnh.
- Cha ơi… cha ơi…
Xatanina như con thú bị quất một roi, vùng dậy lao về phía đứa con.
Giáo sư Coocvara Amiđêi vẫn ngồi như bị đóng đanh xuống mặt ghế. Từ trong phòng của thằng bé đưa ra những lời lẽ dịu dàng trìu mến của Xatanina nựng con trai. Ông nghe rõ cả tiếng hôn chùn chụt mà nàng liên tiếp đặt lên hai má thằng bé. Ông bỗng cảm thấy thế gian đột nhiên lặng lẽ hẳn đi, ngoài phố cũng như trong phòng mọi tiếng động đều ngưng lại. Ông buông tay ra để lắng nghe. Chỉ thấy tiếng kính vỡ loảng xoảng trên cửa sổ. Thì ra thế. Gió đã ngừng lại rồi ư? Vô lý. Không thể như thế được… Ông bước ra cửa sổ, nhìn xuống đường phố được chiếu sáng chạy dài bên kia khu vườn của ngôi nhà sĩ quan. Nghe rõ tiếng cười nói vui vẻ của những sĩ quan đang bước trong nhà ăn ra. Bên phòng thằng Đônphinô vẫn chưa thắp đèn, và nó đang mỗi một mình trong đó cùng với mụ kia… Thế là thầy giáo Coovara Amiđêi bước về phía đó để thắp đèn.
- Đừng, em thắp lấy cũng được! - Xatanina vội vã lên tiếng ngăn lại. - Nến anh để ở đâu? Ngoài ấy à?
Và nàng nhanh nhẹn chạy ra lấy nến.
- Cha ơi, - đúng lúc ấy ông nghe thấy tiếng thằng bé, - Cha ơi, chúng ta cần gì đến cái bà này? Mùi nước hoa sặc sụa…
- Đừng nói nữa con. Đừng nói nữa…
- Cha ơi, thế cha ngủ ở đâu? Bởi vì nhà làm gì con giường nào thừa?... Cha sang ngủ chung với con vậy, cha nhé?
- Được thôi, con à! Được thôi, nhưng coi nói khẽ chứ…
Im lặng. Nhưng tại sao mãi không thấy tiếng Xatanina? Cô ta không tìm thấy nến chăng? Cô ta đang làm cái gì? Giáo sư Coovara Amiđêi đột nhiên cảm thấy một luồng khí chạy lạnh dọc theo hai ống chân ông, giống như trong phòng bên ai vừa mở cửa sổ. Chẳng lẽ lại như thế?
Ông đứng dậy khỏi giường, và lần mò trong bóng tối bước tới cửa thông sang phòng của con trai, bên ấy chiếc cửa sổ rất thấp trông sang trại lính. Ông đứng lại lắng tai nghe. Xatanina đang thò hẳn đầu ra ngoài cửa sổ nói chuyện với ai đó đứng dưới đường. Thì ra thế! Nhưng ai đấy nhỉ? Con mụ đĩ thoã! Vẫn giở cái thói cũ ra à? Ông Côdơmô Antôniô Amiđêi thu mình lại, rồi rón rén như con mèo, cố không gây tiếng động, bước tới gần, và nghe thấy tiếng mụ ta nói với viên sĩ quan đứng bên ngoài cửa sổ: “Không, anh Gitginô, không được. Hôm nay chưa được; em chưa thể bứt ra được. Ngày mai, anh nghe rõ chứ,… ngày mai thì nhất định được…” Ông bước đến nắm hai chân mụ hất mạnh mụ ra ngoài cửa sổ, và hét về phía dưới đường:
- Ngài trung uý, hãy đỡ lấy mụ ta!
Bên dưới có hai tiếng người cùng đáp một lúc. Viên sĩ quan kêu lên. Mụ ta rơi xuống cũng thét lên. Ông Coocvara rùng mình lùi lại rồi run lên bần bật. Toàn thân ông lẩy bẩy đến mức ông cố khép cửa sổ lại mà không sao khép nổi, bởi vì dưới đường mỗi lúc một thêm những tiếng người chạy đến. Loạng choạng chân nam đá chân chiêu, ông lần mãi mới đến được phòng ngủ của thằng Đônphinô. Dọc đường, ông đằng hắng một tiếng giận dữ với bà vú. Nghe thấy ông chủ có giọng lạ, bà bật dậy khỏi giường, vẫn chỉ chiếc áo lót trên người, ngăn ông lại, hỏi xem vừa có chuyện gì, vừa làm cái gì.
- Không có chuyện gì hết… - ông đáp bà vú. Bà thấy ông hổn hển vì xúc động, đang áp đần vào thằng bé Đônphinô nằm trên giường, ôm ghì lấy nó. - Không có gì đâu… Vú đừng sợ… Chỉ là một hòn ngói rơi xuống đầu viên trung uý nào ấy.
Tiếng cửa đập thình thình. Bà vú vội vã mặc váy áo, chạy ra mở. Cả một làn sóng người ùa vào: binh lính, sĩ quan chỉ huy hai đơn vị pháo thủ và viên đội cảnh sát khu vực. Cả căn nhà vang ầm tiếng người, tiếng vũ khí va vào nhau. Không khí náo động khác hẳn mới trước đây mấy phút còn vắng lặng đến thế.
- Các ông khoan cho một chút, để tôi thắp nến… - bà vú sợ hãi run rẩy nói.
Ông Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi bằng hai tay ôm chặt lấy thằng Đônphinô lúc này đã quỳ trên giường.
- Sửa soạn đi rồi theo tôi! - viên đội cảnh sát bảo ông.
Ông Côdơmô Antôniô Coocvara Amiđêi quay phắt đầu nhìn chăm chú viên đội. Khuôn mặt ông tái nhợt như xác chết dưới vành khăn băng bó trên đầu cùng với cặp kính cận trên mũi khiến đám người hoảng sợ. Họ đã đứng chật căn phòng.
- Tôi phải đi đâu? - Ông hỏi.
- Đi theo tôi! Ông đừng giả vờ ngu ngốc nữa! - Viên đội đặt bàn tay lên vai ông, quát giọng hách dịch.
- Thôi cũng được. Nhưng còn thằng bé? - Coocvara Amiđêi lại hỏi. - Cháu đang ốm. Tôi biết giao nó cho ai bây giờ? Thưa ông đội cảnh sát…
- Đi, đi đi! - Viên đội quát. Không để giáo sư nói hết câu. - Con ông sẽ được đưa vào nhà an dưỡng. Còn ông thì theo tôi.
Giáo sư Coocvara Amiđêi lại đặt thằng bé Đônphinô nằm xuống giường. Đứa trẻ hoảng sợ run bần bật. Ôn khẽ khàng dỗ dành yên uỷ con, rằng không có chuyện gì đâu, rằng ông sẽ quay về ngay ấy mà. Và nước mắt đầm đìa, cứ mau mỗi lời, ông lại hôn thằng bé. Một lính pháo thủ sốt ruột túm lấy cánh tay ông.
- Lại phải còng nữa kia à? - Giáo sư Coovara Amiđêi ngạc nhiên.
Tay đã bị còng rồi, ông vẫn cúi xuống nói với con trai:
- Con! Cái kính…
- Cha bảo gì ạ?... - Người vẫn run bần bật, thằng bé Đônphinô hỏi lại cha.
- Con gỡ cặp kính ra khỏi mắt hộ cha… Được rồi… Con thông minh lắm! Bây giờ thì cha không còn nhìn thấy gì nữa…
Ông quay đầu ra phía đám người, mắt nheo lại, mặt nhăn nhó và nở một nụ cười để lộ hàm răng vàng khè. Ông co rúm người lại, vươn cổ lên, nhưng nỗi sầu não chẹn cổ họng khiến câu ông định nói lần này không thốt ra khỏi miêng được:
- Thôi cũng được!