No person who can read is ever successful at cleaning out an attic.

Ann Landers

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Vu Duy
Upload bìa: Vu Duy
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 47
Cập nhật: 2020-12-23 17:01:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 - Truyện Thứ Bảy - Cuộc Thanh Trừng Đẫm Máu
au nhiều ngày tháng đồn đãi, phỏng đoán, bàn tán úp mở, cái chết của thống chế Lâm Bưu đã được Bắc kinh chính thức nhìn nhận. Lâm Bưu không phải là nhân vật thường mà là phó chủ tịch đảng Cộng sản Trung hoa, kiêm Bộ trưởng Quốc Phòng, và được Trung ương Đảng bầu làm lãnh tụ kế vị Mao trạch Đông.
Ngày 12-9-1971, Lâm Bưu đáp máy bay vượt biên giới toan trốn sang Liên Sô cùng vợ con và một số tướng lãnh thân cận nhưng đến Ngoại Mông thì tử nạn. Tin Bắc Kinh cho biết Bưu đi đôi với điện Cẩm Linh, mưu phá chính sách hòa hoãn với Mỹ của Mao, đồng thời bố trí đảo chính, lật đổ Mao. Ý đồ của Bưu bị lộ, Bưu tìm đường đào tẩu, tuy nhiên phi cơ của Bưu lọt vào ổ phục kích và bị bắn hạ.
Cho đến nay, màn bí mật chỉ mới hé mở phần nào nên người ta chưa thể biết rõ Bưu gặp nạn hay bị bắn hạ, Bưu có thật tâm bội phản hay Mao bịa tội để thanh trừng khi thấy ảnh hưởng của Bưu và của phe quân nhân công thần trong Đảng ngày một gia tăng, khả dĩ lấn át phe chính trị. Người ta cũng chưa thể xét đúng hay sai một nguồn tin về sự dúng tay của tình báo Mỹ, Mỹ tung tài liệu giả, gây ly gián trong hàng ngũ Bắc Kinh khiến họ nghi ngờ nhau, loại trừ nhau, tiềm lực sút giảm, bắt buộc họ phải thủ hòa với Mỹ. Và sau khi Bưu chết, tổng thống Nixon đã qua thăm Bắc Kinh...
Lịch sử là sự tái diễn không ngừng...hơn 30 năm trước, nhà độc tài Sít ta Lin (mà Mao hằng hâm mộ) đã cho hành hình một loạt 8 thống chế của Hồng quân vì tội...phản bội. Về vụ này, người ta đã biết rõ ngọn ngành vì những tài liệu lịch sử đã được công bố.
Tám thống chế Nga chẳng hề phản bội. Chẳng qua họ là nạn nhân của cuộc chiến tranh điệp báo.
Và kẻ gây ra vụ thảm sát không tiền khoáng hậu này là một người Đức. Trùm mật vụ quốc xã Rein-hard Heydrich. Mưu kế ly gián của Hêdrít có thể được coi là thành công nhất từ trước đến nay. Đáng tiếc Hêdrít là kẻ vô lương tâm chứ nếu y chịu tôn trọng "luật chơi" như đại tá Gích thì có lẽ hậu sinh không nhắc đến tên y với một sự ghê tởm. Nhưng ở dãy chúng ta chỉ nhắc đến tài của Hêdrít, còn y có tài mà thiếu đức thì đó lại là việc khác...
I.
Dư luận trên khắp thế giới đều bàng hoàng, tưởng như đang mê ngủ. Tass, hãng thông tấn chính thức của Liên sô vừa loan một mẩu tin ngắn nhưng làm mọi người inh tai nhức óc hơn tiếng ầm ầm của những trận mưa bom lớn nhất trong đại chiến thứ hai. Mẩu tin như sau:
"Tám tư lệnh quân sự cao cấp nhất Liên Sô bị Tòa kết án về tội phản quốc vừa bị xử bắn". Đó mới là bước đầu. Trong những tháng kế tiếp khoảng 35.000 sĩ quan các cấp — nghĩa là một nửa tổng số sĩ quan Hồng quân sô viết — bị xét xử bí mật, đem ra hành hình, hoặc bị lưu đầy trên đất chết Tây bá Lợi á. Tội danh của họ: phản quốc. Và cuộc thanh trừng vì tội danh "phản quốc" này được coi là đẫm máu nhất và kỳ quặc nhất trong lịch sử thế giới từ cổ chí kim.
Điện Cẩm Linh không loan báo gì về các vụ xử,cũng như chi tiết của bản cáo trạng. Đùng một cái hàng chục, hàng trăm tướng lãnh chỉ huy bị cất chức và bị lôi ra pháp trường.
Hồi ấy là năm 1937, đại chiến thứ hai sửa soạn nổ bừng. Hồi ấy, những người ở bên kia hoặc bên này bức màn sắt đều chịu phép, không tài nào khám phá ra tại sao Sít-ta-Lin lại cho hạ sát hàng loạt tướng lãnh. Có thật là phe quân nhân Nga phản quốc chăng?
Giờ đây, sự thật toàn diện đã được phơi bày. Một người Đức đứng sau cuộc thảm sát Sô-viết, ấy song y không tuyên bố với báo chí, sau này y cũng không viết hồi ký nên sự thật được bưng bít khá lâu. Y chưa từng đặt chân lên đất Nga, y cũng chưa từng bắn một viên đạn hoặc gài một trái bom ngầm, ấy thế mà y đã làm Hồng quân sô-viết chìm ngập trong biển máu, hệ thống quân sự Sô-viết bị lay chuyển đến tận gốc, mấy chục năm sau vẫn chưa bình phục.
Y đã làm gì?
Rất giản dị. Y áp dụng chiến thuật xưa như trái đất: chiến thuật ly gián. Y phịa ra một số tài liệu, dụ Sít-ta-Lin tin rằng các tướng lãnh Hồng quân bắt tay vớii Đức để lật đổ chế độ cộng sản sô-viết. Bịa đặt như vậy đâu phải là dễ. Thế mà y đã thành công. Và là thành công vẻ vang...
II.
Dưới triều đại quốc xã Đức, Hít-le là ông trời. Để giữ vững uy quyền, Hít-le thiết lập màng lưới công an mật vụ trên toàn quốc, do các đảng viên quốc xã cao cấp nắm địa vị then chốt. Không riêng người lớn, con nít Đức nghe tiếng Giét-ta-pô cũng xanh máu mặt. Giét-ta-pô là mật trụ quốc xã, bắt người, đánh người, giết người như ngóe. Tuy nhiên Giét-ta-pô chỉ mới là một bộ phận của SD (Sicherheitsdienst) tức sở an ninh do Hêđrít điều khiển, và sở An Ninh làm kinh hồn táng đởm này cũng chỉ mới là một bộ phận của RSHA (Reichssicherheithauptamt), tức là Tổng Nha An ninh đặt dưới quyền tiền trảm hậu tấu của ông trùng mật vụ Himle 1.
Phần vụ của SD là khủng bố, phiến động và tình báo quân sự trên khắp thế giới, Giám đốc Hêđrít khét tiếng về sự tàn ác, sau này khi y lên đến tột đỉnh danh vọng và bị người ái quốc Tiệp ám sát chết tại Pra-ha, y đã mang hỗn danh "đao phủ thủ", và Quốc Xã báo thù cái chết của y bằng cách loại bỏ thị trấn Liđixơ (Lidice) ra khỏi bản đồ Âu châu.
Đức quốc là nơi sản xuất ra những kỳ tài điệp báo. Nếu hiện thời có đại tướng không mặt Gêlen 2 thì dưới thời thế chiến có những thủ lãnh lỗi lạc như đô đốc Canari, đặc trách Phòng Nhì và Hêđrít. Về chuyên môn, Canari hơn Hêđrít xa. Về đức độ quân tử, Hêđrít chưa thể dính gót Canari. Nhưng về thủ đoạn, về mức độ hữu hiệu, "cứu cánh biện minh cho phương tiện" thì từ nửa thế kỷ nay — và cả trong thế kỷ 20 này nữa — thật khó tìm được ai bằng Hêđrít.
Nếu y sinh ra ở một xã hội tự do thì chẳng bao giờ y có thể trèo lên địa vị lớn lao như vậy. Vì đời y, tính tình y, khả năng y, tất cả chỉ thích hợp với chế độ độc tài sắt thép. Y có bàn tay đẹp, những ngón tay dài, thật dài, kéo vĩ cầm cũng giỏi mà ký tên vào lệnh tra tấn hoặc hành quyết người vô tội cũng giỏi không kém. Trí thông minh của y thuộc loại phi thường, và sự man rợ của y cũng phi thường không kém. Thượng cấp của y, Himle, là người nổi danh về tàn bạo mà cũng phải gọi Hêđrít là "con người tim sắt".
Hêđrít chào đời năm 1904, dường như gốc gác Do thái, nghĩa là chủng tộc bị Đức quốc xã tàn sát hàng triệu. Gốc gác Do thái mà thoát chết đã tài, trở thành xếp sòng công an mật vụ thì quả là đại kỳ tài. Năm 1919, mới 15 tuổi, y chưa được ép đăng lính, y bèn gia nhập một tổ chức khủng bố và đã giết người không gớm tay. Y vào hải quân, và đeo lon thiếu úy. Y khá đẹp trai, đàn bà con gái thường mê y, cho nên y mồi chài được ái nữ của một kiến trúc sư hải quân có tiếng tăm. Cô gái nhẹ dạ mang thai, yêu cầu y cưới, y liền quất ngựa truy phong. Nội vụ được đưa ra bộ tư lệnh, và Hêđrít thẳng thừng khai:
- Tôi không thể nào kết hôn với một cô gái đã hiến dâng trinh tiết của mình cho kẻ chưa phải là chồng mình. Con gái như vậy là con gái hư, không xứng đáng làm vợ sĩ quan.
Lập luận của Hêđrít bị bộ tư lệnh cho là lưu manh, tàn bạo, và y bị tống cổ ra khỏi quân đội. Lưu manh, tàn bạo là tật xấu đối với quân đội. Song lại là tính tốt đối với đảng độc tài Quốc xã. Y gia nhập Đảng. Và chẳng bao lâu từ cấp thiếu úy quèn hải quân Hêđrít vọt lên cấp tướng trong hệ thống tình báo của Đảng, có quyền hành gấp trăm ngàn lần các vị đô đốc đã lột lon y ngày nọ.
Lợi khí giúp y thành công nhanh chóng và chắc chắn là sự săng-ta. Y luôn luồn rình rập, tìm hiểu đời tư của các ông bự, Càng ăn trên ngồi trốc càng hay rượu chè, bài bạc, đĩ điếm. Càng dễ ăn hối lộ. Càng dễ có vợ bé và nhân tình. Y chỉ cần chộp được một vài hồ sơ là đủ. Bước chân vào nghề tình báo, y nghe phong phanh một lý thuyết gia lỗi lạc của đảng Quốc Xã (Gregor Strasser), đối thủ chính trị của Hítle, có một số liên lạc thư từ bất lợi. Y bèn bắt bồ với một thiếu phụ đang nắm giữ những tài liệu này. Và y đem nộp cho Hítle để làm phương tiện tiển thân. Hêđrít lên cao như diều vào năm 1931, trước ngày ăn mừng sinh nhật 27 tuổi, y được cử làm trưởng ban Tình báo đặc biệt của Đảng, kiêm tư lệnh đạo quân xung kích gồm những đảng viên gan dạ, khỏe mạnh, trung thành và..uống máu người không tanh.
Hêđrít không hề nhân nhượng đối với bất cứ ai dại dột ngáng đường tiến thủ của y. Kẻ thù của y đều phải chết. Kẻ thù chết lợi hơn kẻ thù sống. Và không cần có hành động chống đối mới bị y liệt vào hàng kẻ thù. Y chỉ nghi ngờ cũng đủ chết.
Hêđrít là đàn em của trùm mật vụ Him-le, vậy mà y không ngần ngại theo dõi luôn Him-le để lập hồ sơ săng-ta, thậm chí ông trời Hítle cũng không được y buông tha. May mà Hêđrít bị ám sát, nếu không chưa biết con người đệ nhất lưu manh, con người quá nhiều tham vọng ấy sẽ tiến đến đâu nữa.
Một trong các phương tiện giúp Hêđrít moi móc tin tức, khai thác đời tư của các yếu nhân là Phòng trà Kít-ty.
Phòng trà Kít-ty không phải là nơi du hí riêng. Mà là cơ sở chính thức của sở An ninh SD, núp sau mông ngực đàn bà đẹp để thực hiện mục đích điệp báo.
Hêđrít sai thuộc cấp thuê một tòa nhà sang trọng và rộng rãi tại khu thượng lưu Bá-linh trong đó có đủ của ngon, vật lạ, những thứ rượu đắt tiền nhất, đầu bếp nổi danh nấu toàn cao lương mỹ vị, kẻ hầu người hạ lại thông minh, lễ độ, khách muốn ngả lưng có thể thưởng thức những tấm nệm êm ái lạ lùng, các bông hoa biết nói tha thướt ngoài phòng xa-lông, trên sàn nhẩy hoặc trong phòng ngủ thơm tho, kín đáo, ấm cúng cũng có làn da êm ái lạ lùng, và đặc biệt là sắc đẹp... trời ơi, ai đã ghé một lần là không sao quên nổi.
Gọi là "phòng trà" nhưng thật ra đó là nơi lầu xanh tuyệt hảo ở Bá linh trước thế chiến. Nữ chiêu đãi viên trẻ đẹp do một cộng sự viên sành sỏi của Hêđrít đích thân tuyển chọn. Cộng sự viên này từng điều khiển ngành cảnh sát kiểm tục nên biết hết hang cùng ngõ hẻm của xã hội ăn chơi. Hêđrít hạ lệnh cho thuộc cấp đi khắp Âu châu, tung thật nhiều tiền để mướn những cô gái mĩ miều và ngon lành nhất. Ngoài số gái chơi chuyên nghiệp còn có các thiếu nữ măng tơ và các mạng phụ phu nhân giầu kinh nghiệm của tầng lớp quý phái Đức, thèm thú ăn chơi, hoặc thích nghề tình báo ân ái.
Hêđrít cho đàn em rỉ tai các giới ngoại giao quốc tế ở Bá linh về thiên đường mỹ nhân Kít-ty. Chẳng bao lâu, trà thất Kít-ty trở thành chốn hẹn hò của các yếu nhân trong và ngoài nước. Hầu hết các vị đại sứ đều tới đây, vì chỉ ở Kít-ty mới có những cô gái nhan sắc tuyệt vời, những thực đơn tuyệt vời. Và nhất là sự hưởng lạc tuyệt vời, mà thập phần kín đáo.
Họ không ngờ nơi họ tưởng thập phần kín đáo ấy lại chẳng kín đáo chút nào. Tường ngăn đều gồm hai lớp, chứa đựng những dụng cụ ghi âm cực kỳ tinh vi. Ba chuyên viên âm thanh của SD chia nhau ngày đêm 24 giờ trên 24 điều khiển một ê-kíp thu băng bí mật. Hàng ngày, băng ghi âm đều được chạy lại, bất cứ lời nói nào đáng chú ý cũng được ghi chép đệ trình lên văn phòng Hêđrít.
Một đêm tháng 12-1936, trời đầy tuyết lạnh lả tả, đạo binh Vệ nữ của trà thất Kít-ty, tiếp đón một người khách cao lớn, dáng điệu trịnh trọng, trông như tướng lãnh. Người khách này là Sơkôbơlin (Nikolai Skobolin), nguyên võ quan của Nga hoàng trước khi làm tư lệnh đạo quân Bạch Nga chống phe cách mạng bôn-sơ-vít và bị thất bại nên phải lưu vong. Sơkôbơlin qua Ba lê, cầm đầu những người Bạch Nga lưu vong, mưu đồ lật đổ chế độ cộng sản sô viết. Ông là người ham thú xác thịt nên không thể không ghé qua trà thất Kít-ty.
Nhờ các tố nữ của trà thất làm trung gian, ông liên lạc với SD. Và đêm hôm ấy, ông cung cấp cho SD một tin tức quan trọng. Sơkôbơlin vốn còn nhiều bằng hữu và cộng sự viên ở Nga nên mọi tin tức do ông cung cấp đều được SD lưu ý. Theo lời ông, giữa nhà độc tài Sít-ta-Lin và các tư lệnh tối cao quân đội sô-viết đang có sự nứt rạn nghiêm trọng. Trong chiến dịch tập thể hóa nông nghiệp. Sít đàn áp ác liệt dân chúng thôn quê. Sự kiện này làm bộ tổồng tham mưu Hồng quân lo ngại vì đa số binh sĩ phát xuất từ tầng lớp nông dân. Theo lời tướng Sơkôbơlin, tinh thần binh sĩ Nga bị sút giảm mạnh mẽ, vấn đề nổi loạn có thể được đặt ra ở nhiều đơn vị. Và trong bộ tổng tham mưu các tướng lãnh đã bắt đầu thảo luận về việc lật đổ Sít-ta-Lin và chế độ cộng sản.
Một số tướng lãnh Nga muốn thăm dò phản ứng của bộ Tổng tư lệnh Đức. Liệu Đức có chịu cam kết không tấn công Nga trong khi nội tình Nga đang rối rắm không? Đền bù lại, sau khi Sít-ta-Lin bị loại trừ, các tướng lãnh Nga sẽ cắt một phần đất Uy-cờ-ren phì nhiêu hiến tặng Đức.
Lời nói của tướng Sơkôbơlin được trình lên Hêđrít, Hêđrít không tin Sơkôbơlin nói đúng trăm phần trăm. Nhưng không có lửa sao có khói, vả lại đường dây điệp báo riêng của y cũng cho biết có sự hục hặc giữa nhà độc tài Sít và một số quân nhân cao cấp. Hơn ai hết, Hêđrít đã đọc được ý định của Hítle. Sớm hay muộn Hítle cũng ra lệnh xâm lăng nước Nga.Hồng quân khá hùng hậu, nếu muốn giành phần thắng phải làm cho Hồng quân suy yếu. Muốn làm Hồng quân suy yếu phải triệt hạ những tướng lĩnh tài ba. Sit-ta-Lin lại mắc bệnh đa nghi, Sít nghi ai là người ấy khó vẹn toàn tính mạng. Hêđrít thảo một kế hoạch ly gián đại qui mô...
Linh hồn của Hồng quân là Thống chế Tukasépky (Mikhail Tukhachevsky), tổng tham mưu trưởng và thứ trưởng Bộ quốc phòng. Với tư cách sĩ quan cộng sản bôn-sơ-vít trong nội chiến Quốc-Cộng ở Nga.
Tukasépky chỉ huy quân đoàn khi mới 25 tuổi, và là trong những vị tư lệnh quân đoàn trẻ nhất thế giới. Thiếu Tukasépky, cuộc nổi dậy của Cộng sản chắc chắn đã bị dập tan. Hơn một lần, ông đã đánh bại quân đội thiên hữu Bạch Nga và lật ngược tình thế.
Tukasépky là người khai sinh ra Hồng quân sô-viết. Ông là người đầu tiên thành lập binh chủng dù trong lịch sử, và ông cũng là một trong những người đầu tiên vạch hướng mớì cho chiến xa và pháo binh. Thiên hạ thường so sánh ông với Nã phá Luân của nước Pháp.
Trong đầu óc của Hêđrít một viễn tượng hiện ra: Thống chế Tukasépky bị thanh trừng, Hồng quân sẽ bị suy sụp... và khi ấy binh hùng tướng mạnh của Đức quốc xã sẽ ào ạt tấn công Liên bang Sô viết... Hêđrit xin gặp Hítle và Him-le.Cuộc hội kiến này diễn ra vào dịp lễ Giáng sinh năm 1936 tại vùng núi, Hítle chấp thuận kế hoạch của Hêđrít sau khi nghiên cứu và thêm bớt. Trở về Bá linh, với sự đồng ý của nhà độc tài quốc xã, Hêđrít ráo riết bắt tay vào công việc.
Thứ nhất là làm cách nào có được một số giấy tờ giả mạo....
III.
Hồi ấy, kỹ thuật cũng như tổ chức làm giả của công an SD chưa đạt tới trình độ hoàn mỹ. Hêđrít tịch thu một biệt thự gồm 30 phòng của một người Do thái, biến thành cơ sở hành động đầu não trong kế hoạch ly gián Sít-ta-Lin và Hồng quân Sô-viết.
Bên trong biệt thự có một phòng thí nghiệm tối tân, một nhà in, và cả nơi ăn chốn ngủ cho nhân viên. Số nhân viên này được tuyển chọn kỹ càng từ nhiều nơi chở đến, họ phải ngụ luôn tại chỗ, không được phép ra khỏi biệt thự, không được liên lạc thư từ với gia đinh, và cũng không được tiếp xúc với bên ngoài. Mỗi người làm một phần của công việc, không ai được biết toàn bộ kế hoạch. Hítle ra chỉ thị rõ rệt: bộ Tư lệnh Tối cao Đức không được dính tới. Hítle không tin vào lòng trung thành của các tướng lãnh chuyên nghiệp. Nghĩa là Hítle cũng đa nghi như Sít-ta-Lin. Do đó Hítle muốn sở An ninh SD của Đảng đảm nhận từ A đến Z.
Mệnh lệnh bảo mật này gây khá nhiều khó khăn cho Hêđrít. Vì y phải có một số thư từ — dĩ nhiên là thư từ giả — đi lại giữa bộ tổng tham mưu Sô-viết và bộ tổng tư lệnh Đức, kèm theo một số thư từ chứng tỏ tướng lãnh Hồng quân bội phản. Muốn làm thư từ giả, trước hết SD phải có dưới tay những thư từ thật, với chữ ký thật của các tướng lãnh Nga và Đức.
Hêđrít đã biết nơi cất giữ những tài liệu quí giá ấy. Nhưng lấy được không phải dễ....
Trong những năm tiếp theo đại chiến thứ nhất Nga và Mỹ bỗng xích lại gần nhau mặc dầu mỗi nước có đường lối riêng, hoàn cảnh riêng, và chẳng có gì giống nhau.
Nước Đức bị kiệt quệ sau khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược. Nước Nga trở thành Liên bang cộng sản, kẻ thù của tư bản tây phương. Đức và Liên Sô đều muốn phục hồi và xây dựng cấp tốc. Thế giới bên ngoài không muốn Đức-Nga trèo lên địa vị cường quốc. Cả hai nước đều biết như vậy. Cho nên họ không thương nhau mà vẫn gần gũi, giúp đỡ lẫn nhau.
Kể từ năm 1920, hai nước bí mật hợp tác với nhau về phương diện quân sự. Hòa ước Vẹc-xay cấm Đức tổ chức lại quân lực, Đức bèn gửi gửi lén tân binh và tân sĩ quan sang Nga. Đất Nga rộng mênh mông, binh sĩ Đức tha hồ tập luyện, các kỹ thuật gia quốc phòng Đức cũng tha hồ thí nghiệm quân cụ và võ khí mới. Ngược lại, Liên Sô được Đức viện trợ lại cố vấn quân sự, sĩ quan Hồng quân qua Đức dự khóa huấn luyện kỹ thuật cơ giới hóa hiện đại. Và cuộc hợp tác tốt đẹp này tiếp diễn đến khi Hítle lên nắm quyền.
Trong thời gian hợp tác Nga-Đức, hai bộ tổng tư lệnh đã thư từ đi lại với nhau. Dĩ nhiên đây chỉ là thư từ chính thức, không có gì khuất tất, đen tối. Hêđrít cần chiếm đoạt những tài liệu này để giả giấy viết thư, chữ ký, và con dấu. Điều hơi phiền là bộ tổng tư lệnh Đức cất kỹ trong thư khố được canh phòng cẩn mật ngày đêm.
Hêđrít không thể ra mặt yêu cầu bộ tổng tư lệnh cung cấp. Y chỉ có thể nhờ bọn trộm cắp chuyên nghiệp. Y bèn tổ chức 2 đội xung kích gồm toàn những đảng viên quốc xã khỏe mạnh, trung thành tuyệt đối với Hítle, trung thành đến độ nếu Đảng sai họ giết cha mẹ, họ cũng chẳng ngần ngại tuân lệnh. Toán xung kich còn gồm thêm các chuyên gia đục tường khoét vách của Công an, và bọn trộm cắp lành nghề, với đầy đủ đồ trang bị cần thiết để mở tủ sắt.
Ban đêm lực lượng xung kích SD đột nhập khu thư khố của bộ Chiến tranh, chẹn cổ lính gác, lọt xuống hầm, phá tủ két và chiếm đoạt tài liệu.
Phòng thí nghiệm làm việc không nghỉ. Giấy viết thư Nga, máy đánh kiểu chữ của bộ tổng tham mưu Nga, ấn tín của các tướng lãnh cao cấp Nga, tất cả đều được chế tạo trong phòng thí nghiệm bí mật của Hêđrít. Mọi chi tiết đều được chú trọng, như thể thức viết thư, cách hành văn, cách trình bầy lá thư và số lưu chiếu, Hêđrít đòi hỏi công việc làm giả phải đạt mức hoàn mỹ trăm phần trăm.
Phần vụ quan hệ nhất là làm giả chữ ký được Hêđrít ủy thác cho Bét-giê (Friedrich Berger), là cộng sự viên tin cậy nhất. Hêđrít dặn Bét-giê phải thận trọng tuyệt đối vì nếu Sít-ta-Lin hoặc mật vụ tay sai của Sít-ta-Lin nghi ngờ, chỉ một vi phân nghi ngờ, là toàn bộ kế hoạch ly gián xụp đổ. Do đó, ê-kíp của Bét-giê phải làm giả chữ ký cách nào để ngay cả những tướng lãnh bị giả chữ ký cũng tưởng là thật.
Sau đại chiến thứ hai một thời gian, Bét-giê đã tiết lộ cách làm giả chữ ký với một thông tin viên người Mỹ như sau:
- Chi tiết lý thú nhất là kẻ giữ vai trò khá quan trọng,hầu như quyết định trong kế hoạch ly gián này lại là một tên vô danh tiểu tốt, đúng hơn là một tên lưu manh chỉ biết nhắm mắt làm chứ chẳng biết mô-tê gì hết. Tên hắn là Pút-zít (Manfred Putzig), hắn còn sống nhăn, mỗi khi chuyện cũ được nhắc nhở hắn lại run như rẽ, tưởng chừng sắp bị đem ra bắn.
Chiều hôm ấy Bét-giê xô cửa vào tiệm khắc dấu của Pút-zít ở Bá linh. Tiệm của Pút-zít nhỏ như lỗ mũi nằm trong một khu gia cư tầm thường. Bét-giê móc được tên Pút-zít trong bản danh sách đảng viên Quốc xã hoạt động nghề ấn loát.
Pút-zít có thân hình bé nhỏ, tuổi chưa già mà tóc đã hoa râm, hắn lại mắc chứng nghẹt mũi nên khìn khịt suốt ngày. Hắn gia nhập đảng Quốc xã chẳng phải vì khoái chủ nghĩa Đại Đức quốc của Hítle hoặc khoái Hítle, mà chính vì tư lợi.
Tìm đứa ham lợi hơn tìm đảng viên đàng hoàng, có ý thức chính trị vững chãi. Vì đứa ham lợi thường dễ bảo. Và thường thiếu can đảm, chưa dọa đã đầu hàng. Bét-giê xem xét những con dấu cao-su trong tiệm và tỏ vẻ hài lòng. Pút-zít rất khéo tay. Hắn có thể làm giả ấn tín của Hồng quân một cách trung thực. Bét-giê bèn dí chứng minh thư vào mắt hắn, và bảo hắn là Đảng cần hắn làm một công việc bất thường. Hắn sợ xanh mặt, song tìm kế chối đây đẩy:
- Thưa, Đảng muốn gì tôi cũng tuân theo, nhưng... nhưng phải có lệnh viết tay của thượng cấp tôi mới..
Được, tưởng gì chứ lệnh viết tay của thượng cấp thì quá dễ. Bét-giê kéo Pút-zít ra xe, phóng đến văn phòng Hêđrít. Những kẻ cứng bóng vía hơn tên thợ khắc dấu Pút-zít đến chục lần còn bủn rủn chân tay khi đứng trước ông thần mật vụ Hêđrít huống hồ là Pút-zít...Cặp mắt sắc như dao cạo luôn luôn nhíu vào nhau của trùm công an Hêđrít như có phép thôi miên. Thật lạ lùng, con người tàn bạo bậc nhất ấy lại có giọng nói the thé của đàn bà.
Hêđrít nói ngay, không nhập đề lôi thôi:
- Bét-giê là cấp trên trực tiếp của anh, anh phải vâng theo mọi chỉ thị của Bét-giê. Hiện Sở An ninh cần khắc một số con dấu đặc biệt. Phải làm thật đúng. Thật đúng, anh nghe chưa? Thật đúng với những chữ ký. À, làm bằng dấu cao-su...Đứng yên coi nào, việc gì phải run như rẽ ấy.
Pút-zít càng run nhiều thêm.
- Có vợ chưa?
- Bẩm, chưa!
- Tốt. Tốt lắm. Từ khi bắt tay vào việc đến khi hoàn tất, anh phải ngụ trong SD. Khi trở về cửa hàng, phải ngậm miệng tuyệt đối. Không được hé lộ cho bất cứ ai. Nghe chưa?
- Bẩm nghe.
- Nếu có người nào biết, anh sẽ bị xử bắn...
- Bẩm...bẩm...
- Xong rồi, cho anh ra.
Pút-zít quả là thợ khéo. Bét-giê đưa cho hắn một bản chụp chữ ký của những bức thư đánh cắp tại thư khố quân đội. Pút-zít chụp lại lên bản kẽm. Rồi in lên cao-su. Hắn cặm cụi trong một tuần lễ và đệ trình những con dấu cao-su hoàn toàn chính xác cho Bét-giê. Sau đó, đến việc biến chữ ký trên con dấu thành chữ ký trên giấy. Sở dĩ SD dùng con dấu cao-su là vì giỏi ký giả bằng tay đến đâu cũng khó bắt chước được những nét đậm, nhạt, to, nhỏ. Ngược lại, dấu cao-su giống ký bằng tay như đúc. Dĩ nhiên là có một vài phiền toái. Phiền toái nhất là nét dấu quá đều. Phòng thí nghiệm SD đã vận dụng những kỹ thuật tân kỳ để khắc phục khuyết điểm này. Vả lại, Hêđrít không lo ngại mấy: Sít-ta-Lin sẽ chỉ nhận được hình chụp. Trong hình chụp, chữ ký bằng tay hoặc chữ ký bằng con dấu không có gì khác.
Trong khi chuyên viên ấn loát và hóa học bù đầu về con dấu chữ ký thì nhóm chuyên viên "văn chương" soạn thảo thư từ giả. Đó là những bức thư trao đổi giữa thống chế Sô viết Tukasépky và bộ Tống tư lệnh Đức. Thống chế Tukasépky yêu cầu Đức giúp một tay trong mưu đồ đảo chính Sít-ta-Lin, Tukasépky hứa tặng không vùng đất Uy-cờ-ren. Bộ Tổng tư lệnh Đức phúc đáp đồng ý.
Thư từ đi lại giữa hai bộ chỉ huy quân sự Nga-Đức chỉ gồm một xấp giấy không lấy gì làm dầy. Tất cả được cất trong hồ sơ bọc da đỏ, trông hiền lành và xinh xẻo. Ấy thế nó lại cung cấp đầy đủ cốt-mìn phá nổ tan hoang Hồng quân Sô-viết...
Hêđrít yết kiến quốc trưởng Hítle lần chót. Hítle đích thân kiểm điểm từng li từng tí. Sau cùng Hítle bật đèn xanh. Hêdrít được toàn quyền hành động.
Để tạo cho âm mưu của Tukasépky có một vẻ xác thật mà Phản gián Sô-viết có thể phối kiểm, Hêđrít thiết lập một đài truyền tin bí mật gần Kônítbe kế cận biên giới hai nước. Đài này truyền đi những mật điện cho các điệp viên tưởng tượng hoạt động trên đất Nga. Hêdrít cố tình sử dụng loại mật mã dễ chọc thủng hầu Phản gián Sô-viết có thể đọc được để biết bộ Tổng tư lệnh Đức liên lạc với điệp viên của họ bên trong Hồng quân.
Hình thức liên lạc vô tuyến điện này được tiến hành trong một thời gian. Mỗi ngày, phần lượng đầu độc được gia tăng một chút. Đến khi điện Cẩm Linh bắt đầu hoang mang, Hêđrít mới tung chưởng quyết định.
IV.
Đại tá Bêren (Hermann Behrends) trưởng ban Gián điệp bài Nga trong sở An ninh của Hêđrít, được phái qua Praha, thủ đô Tiệp khắc, dưới cái tên giả. Tại đó Bêren bố trí để một nhân viên ngầm SD được Tổng thống Bênét (Edward Benes) tiếp kiến. Nhân viên này cho Bênét hay tin một số tướng Nga - Đức thông đồng với nhau, có chứng cớ tài liệu hẳn hòi, nhằm lật đổ Sít-ta-Lin.
Tổng thống Bênét chỉ trông cậy vào Sit-ta-Lin để bảo vệ Tiệp khắc chống lại mưu đồ xâm lăng của Đức quốc xã nên khi nghe tin này ông tỏ ra bàng hoàng. Ông yêu cầu được coi tài liệu và gặp người bán tài liệu. Nhân viên của đại tá Bêren cho biết một viên chức gian manh ham tiền trong bộ Chiến tranh Đức đã chụp được các tài liệu mật Nga-Đức, sẵn sàng nhượng lại cho ai trả giá cao nhất. Tổng thống Bênét tức thời thông báo với Sít-ta-Lin.
Sít phản ứng cấp tốc bằng cách cám ơn Bênét đồng thời cử một nhân viên Tòa đại sứ Nga tại Bá linh tiến hành cuộc điều đình mua tài liệu. Đặc phái viên của Sít là Ru-đôn. Ru-đôn (Rudolph) tự nhận là nhân viên ngoại giao, sự thật là nhân viên Mật vụ Nga sô OGPU. Hêđrít sai Bét-giê, người phụ trách việc làm giả ấn tin tiếp xúc với Ru-đôn.
Bét-giê gặp Ru-đôn với bản chụp một bức thư. Mới thấy một bức thư mà mắt Ru-đôn đã sáng quắc. Quả là trái siêu-bom. Ru-đôn hỏi giá. Bét-giê đáp:
- Ba triệu rúp.
Ba triệu rúp vị chi là 50 ngàn đô-la Mỹ. Số tiền này chẳng có gì là quá đáng. Ru-đôn đọc kỹ bức thư, xem xét thật lâu chữ ký và ấn tín, đoạn mở cặp lôi ra đống giấy bạc. Tiền trao, cháo múc, Ru-đôn trả tiền và trèo lên chuyến máy bay sớm nhất trở về Mạc tư khoa, với xếp hồ sơ bìa bọc da đỏ.
Thế là xong. Trái bom nổ chậm kinh khủng của Hêđrít được gài sâu trong điện Cẩm-linh.
Từ trụ sở SD tại Bá linh, Hêđrít đặt một đường dây liên lạc vô tuyến trực tiếp với Tòa đại sứ Đức tại Mạc tư khoa.
Ngày 5-5-1937, đúng 5 ngày sau khi Bét-giê bán xấp thư giả cho Ru-đôn. Hêđrít nhận được tin mừng Một mẩu tin của tờ báo Sự Thật xuất bản tại Liên sô cho biết thống chế Tukasépky, trước đây được cử qua Luân đôn, đại diện cho Liên sô tại lễ đăng quang vua Giót đệ lục (George VI) sẽ được thay thế bằng đô đốc Ót-lốp (Orlov).
Ngày 10-5, đường dây vô tuyến của Hêđrít phúc trình một tin tức giật gân. Thống chế Tukasépky đột ngột bí cất chức tham mưu trưởng Hồng quân và bị hạ xuống làm tư lệnh cấp tỉnh ở miền quê. Nhưng Tukasépky không có cơ hội lên đường đến nhiệm sở mới. Vì tình hình biến chuyển quá nhanh chóng.
Lần lượt các thống chế và tướng lãnh cao cấp bị mật vụ OGPU bắt giam. Không một lý do chính thức nào được công bố. Tinh thần trong quân đội và giới lãnh đạo Đảng bị dao dộng mạnh mẽ. Dân chúng Mạc tư khoa sống trong bầu khổng khí hoang mang nghẹt thở.
Rồi tới đêm 11-6, một tin động trời được loan. Hêđrít đã chờ đợi từ lâu. Y xoa tay hỉ hả và mỉm cười mãn nguyện. Theo tin động trời này, thống chế Liên bang Sô-viết Tukasépky, huân chương Lê-nin, thứ trưởng bộ Quốc phòng và tham mưu trưởng Hồng quân, bị bắt giữ và bị xét xử tại phiên nhóm kín của ban Quân sự Tòa án tối cao, cùng 7 sĩ quan cao cấp Nga.
Ngày hôm sau có tin cả 8 tội nhân đã bị xử bắn về tội phản quốc....
Tội phản quốc?
Tám vụ hành quyết này làm công luận giật mình, đổ bồ hôi lạnh. Tuy vậy đó mới là những triệu chứng đầu tiên của một trận động đất vô tiền khoáng hậu. Trước khi Hồng quân bị rung chuyển tận gốc, hầu hết các lãnh tụ quân sự đã bị loại trừ: có 5 thống chế thì 3 bị giết, trong số 15 tư lệnh quân đoàn thì 3 bị giết, đó là chưa kể 57 tư lệnh đại đoàn, 110 tư lệnh sư đoàn, 220 tư lệnh chiến đoàn, toàn thể 11 thứ trưởng bộ Quốc phòng, toàn thể tư lệnh quân khu, 75 trong số 80 ủy viên của Hội đồng Quân sự Tối cao, 90 phần trăm tướng lãnh, 80 phần trăm đại tá, và hàng chục ngàn sĩ quan cấp tá và cấp úy...
Cuộc thanh trừng khổng lồ này kéo dài trong nhiều tháng và gây những tiếng vang dội trên khắp thế giới.
Hồng quân Sô-viết mất người điều khiển như rắn mất đầu. Sít-la-Lin đành phải nghị hòa với Đức quốc xã, và kết quả là năm 1939 hiệp ước bất tương xâm Nga-Đức được ký kết, dọn đường cho đại chiến thứ 2. Sau khi bắt bồ với Sit-la-Lin, Hítle xua quân tấn công chớp nhoáng Ba-lan.
Toàn thể Âu châu chìm trong biển lửa.
Nếu Hồng quân không bị kiệt quệ thì vị tất Hítle không dám tấn công ngang xương. Và cũng vì bị kiệt quệ nên cùng năm ấy Hồng quân xâm lược Phần Lan đã bị chặn đứng. Sự kiện này làm thế giới kinh ngạc.
Không ai có thể ngờ nổi khổng lồ Liên sô lại bị chú bé Phần Lan xoay vờn mệt nhoài. Sau 105 ngày chống cự anh dũng, đạo quân của tí hon Phần Lan đã đẩy lui gần một triệu binh sĩ Sô-viết được hằng hà sa số chiến xa và pháo binh yểm trợ.
Tinh thần chiến đấu của Hồng quân cũng chẵng lên được phần nào trong tháng 6-1941 khi Hítle xé hòa ước, hạ lệnh cho quân đội Đức vượt biên giới Nga, Ngược giòng lịch sử, chưa bao giờ quân đội Nga lại bết bát đến thế. Trong 4 tháng đầu cuộc chiến, 2 triệu binh sĩ Nga phải đầu hàng. Trong 3 tháng đầu, 3 triệu binh sĩ bị bắt, một con số chưa từng thấy trên các bản thống kê từ cổ chí kim. Trước ngày cuộc xâm lăng dẫm chân tại chỗ, thế cờ được lật ngược, Liên Sô đã mất 400.000 dặm vuông đất đai, và 65 triệu người Nga bị Đức cai trị.
Cũng may danh tướng Nga chưa bị hạ sát hết. Một số còn được sống sót. Họ cấp tốc tổ chức lại guồng máy kháng chiến và dần dà giành lại ưu thế.
Một trong những danh tướng này là Zukốp (Georgi Zhukov). Zukốp phục vụ dọc biên giới Mông Cổ giữa lúc cuộc thanh trừng được phát động. Ông ở xa thủ đô nên thoát chết mặc dầu tư lệnh quân đoàn, thượng cấp của ông là thống chế Bờluse (Blucher) bị thủ tiêu. Thoạt đầu Zukốp cũng bị nghi ngờ, và suýt nữa ông bị tống giam và lãnh án tử hình như thống chế tư lệnh. Ông thoát chết là vì hồi ấy ông chẳng được mấy ai biết tới. Tuy vậy ông cũng chỉ được ngồi chơi xơi nước.
Mãi đến khi quân đội quốc xã tiến sâu vào nội địa Nga như vũ bão. Zukốp mới được trọng dụng. Đất nước lâm nguy, Sít-ta-Lin tạm thời đinh hoãn cuộc thanh trừng, phóng thích tướng tá đang bị giam cầm và đưa họ ra tiền tuyến.
Cùng với Zukốp, một danh tướng khác là Rôkôsốpky cũng khỏi bị hạ sát (Konstantin Rokossovsky). Nhưng Rôkôsốpky kém may mắn hơn nhiều. Vì ông đã bị bắt, trong cuộc thẩm vấn tàn bạo của mật vụ OGPU ông bị mất nhiều cái răng và 4 xương sườn bị gẫy nát. Ông bị lưu đầy trong trại lao công cưỡng bách. Nếu Hítle không bội ước chắc Rôkôsốpky đã tan xương nát thịt ở Tây bá lợi á.
Cuộc thanh trừng của Sít-ta-Lin làm nhân dân Nga thiệt hại nặng nề về tài sản cũng như nhân mạng. Trong trường hợp thống chế Tukasépky và bộ tham mưu lỗi lạc của ông không bị hạ sát oan uổng, thảm thương, thì vị tất quân đội quốc xã đã có thể đạt hết thắng lợi này đến thắng lợi khác vào năm 1941, và sau ngày hòa bình vãn hồi, nước Nga đã không mất đến 7 triệu rưỡi nguời chết trận (có thống kê cho biết số tử trận lên tới 15 triệu), nghĩa là những tổn thất cao nhất mà chưa quốc gia lâm chiến....
V.
Định mạng thật phũ phàng, vì hầu hết những kẻ giữ phần chính trong kế hoạch làm tài liệu giả đều chết bất đắc kỳ tử.
Mở đầu là tướng Bạch Nga Sơkôbơlin, người đã gợi cho Hêđrít ý tưởng ly gián Hồng quân. Tháng 9-1937, Sơkôbơlin biến dạng trên đường phố Ba-lê, và từ đó không ai nghe nói đến ông nữa. Có bằng chứng ông bị mật vụ sô-viết ám sát về tội.... biết quá nhiều.
Sơkôbơlin lãnh tụ những người Bạch Nga lưu vong chống Cộng sản chẳng hiểu tại sao lại ăn lương của mật vụ OGPU. Rồi ông lại ăn luơng của SD bầy mưu cho Hêdrít chơi Cộng sản sô-viết. Có người cho rằng mật vụ Sô-viết sợ Hồng quân lớn mạnh, thế lực tướng lãnh gia tăng thì đảng Cộng sản bị lấn át nên họ lợi dụng vụ "phản bội" của Tukasépky để quét luôn một thế. Sau ngày Đức đầu hàng, đồng minh nắm được các kho tài liệu mật, người ta cố lục tìm bằng chứng thông đồng giữa các tư lệnh Nga-Đức song không thấy.
Hêđrít,người tạo ra các bằng chứng này, được Trời cho sống thêm mấy năm nữa để chứng kiến sự thành công, nhưng chỉ đến tháng 5-1942 thì chết. Với tư cách là thống đốc toàn quyền Tiệp khắc, y đến Praha kinh lý và rơi vào ổ phục kích táo bạo của những người Tiệp. Kháng chiến quân chờ Hêđrít trên một con đường nhỏ, lăn bom vào gầm xe, tiếng nổ làm tài xế thiệt mạng và y bị trọng thương. Y còn đủ sáng suốt rút súng bắn bị thương một kháng chiến quân trước khi bất tỉnh. Y trút hơi thở cuối cùng nhiều ngày sau trong bệnh viện.
Cộng sự viên thân cận của Hêđrít là đại tá Bêren, người bố trí cho vụ ly gián đến tai Tổng thống Bê-nét được sống khơi khơi đến hết chiến tranh. Nhưng sau đó bị bắt giải sang phía đông để ra tòa. Bêren bị kết tội chiến phạm và bị treo cổ. Trong số những nhân viên hàng đầu tham dự kế hoạch ly gián chỉ có hai người sống sót, Bét-giê và thợ khắc dấu Pút-zit...
Bét-giê đã thay họ đổi tên sau khi bị điệp viên cộng sản truy lùng ráo riết. Hiện nay, y làm nghề bán đổi xe hơi cũ tại một thị trấn kỹ nghệ Tây Đức, y vẫn hãnh diện về thành tích cũ. Y nói:
- Mọi việc đã xảy ra quá tốt đẹp. Tốt đẹp hơn cả điều mà chúng tôi dự tính. Thông thường những kế hoạch ly gián như vậy rất ít hy vọng thành công. Thật khó thấy ai điều khiển đắc lực bằng Hêđrít.
Tuy nhiên cũng có một vài trục trặc nhỏ. Thoạt đầu chúng tôi khoái chí tử vì chúng tôi phịa chuyện từ đầu chí cuối mà mấy ông cộng sản Nga lại trả cho chúng tôi những 3 triệu đồng rúp. Nhưng một thời gian sau chúng tôi giở khóc giở mếu, té ra vỏ quýt dầy gặp móng tay nhọn.
Số là chúng tôi dùng món tiền 3 triệu rúp này cấp phát cho điệp viên SD hoạt động trên đất Nga, nhưng anh nào vừa xì tiền ra là bị tóm cổ. Không rõ mật vụ sô-viết ghi số giấy bạc, hay trả bằng tiền giả. Chỉ biết là 3 triệu rúp trở thành vô dụng. Bọn cộng sản đểu quá. Chúng tôi đành phải chất đống đem đốt.
Được hỏi về thợ khắc dấu Pút-zít,y cười tủm tỉm:
- Pút-zít hả, y đang sống nhăn, và luôn luôn rát như thỏ đế. Khi báo chí loan tin các tư lệnh Hồng quân bị thanh trừng, y sợ toát bồ hôi lạnh và đến gặp tôi, hỏi tôi này nọ. Tôi đáp là nếu y còn muốn có chỗ đội nón thì thượng sách là câm miệng. Trên thế gian này chỉ có xếp Hêđrit và tôi là biết Pút-zít khắc con dấu giả chữ ký, và dĩ nhỉên là chúng tôi không có tính bép sép.....
Pút-zít yên tâm hơn, nhưng đêm ngày y vẫn lo ngay ngáy. Kết quả là y mắc bệnh ung nhọt trong dạ dầy. Bệnh này là bệnh của người hay suy nghĩ, hay phiền muộn, Pút-zít vẫn sợ Cộng sản bắt cóc đem giết, cho nên đêm nào cũng mất ngủ.
Theo sự chỉ dẫn của Bét-giê, một ký giả đã tìm gặp Pút-zít. Y vẫn tiếp tục hành nghề khắc dấu. Y tái mặt khi được gợi hỏi chuyện xưa. Y lắc đầu lia lịa:
- Mời ông ra... tôi không có gì để nói, tôi không còn nhớ gì nữa, tôi không biết gì hết... mời ông ra...
Khách bị Pút-zít đuổi như đuổi tà. Dầu Hêđrit đã chết, Pút-zít vẫn ghi khắc mệnh lệnh ngậm miệng của trùm an ninh quốc xã SD.
Nhà độc tài Sít-ta-Lin cũng luôn luôn ghi khắc mối thù với các tướng lãnh sô-viết. Sít chỉ tạm đình chỉ chứ chưa kết thúc cuộc thanh trừng. Sau đại chiến, Sít lại moi đống hồ sơ cũ ra xét. Tình hình đã thay đổi, các tướng lãnh được nhân dân coi là những anh hùng cứu quốc, Sít khó thể lôi ra xử bắn dễ dàng như ngày nọ, tuy nhiên Sít sợ họ yên vị sẽ mài nanh rũa vuốt chờ thời phục hận. Vì vậy, Sít-ta-Lin quất sụm thống chế Zukốp.
Thắng Hítle xong, Zukốp bị cất chức, hạ tầng công tác làm tư lệnh hàng tỉnh, thoạt đầu ở O-đét-sa (Odessa), sau về U-ran (Ural). Mãi 7 năm sau, nghĩa là khi Sít nằm yên dưới mộ, thống chế Zukốp mới thoát khỏi cảnh lưu đầy, trở về Mạc tư khoa nhậm chức Tổng trưởng Quốc phòng. Và từ đó ngôi sao Zukốp mỗi ngày một chiếu sáng trên vòm trời sô viết, mỗi ngày Hồng quân một giữ vai trò quan trọng hơn trong guồng máy Nhà nước cộng sản.
Nhưng tuần trăng mật giữa quân đội và Đảng kéo dài không lâu. Dưới chế độ Cộng sản, Đảng là quyền hành độc tôn, đảng không thể hòa thuận với quân đội nhưng quân đội cũng không thể quỳ gối trước Đảng.
Tháng 8-1961, thống chế Zukốp chính thức phát động phong trào phục hồi danh dự cho cố tổng tư lệnh Tukasépky và các nạn nhân cuộc thanh trừng đẫm máu của Đảng. Hồng quân ấn hành những tài liệu chứng tỏ Tukasépky là những quân nhân yêu nước, những anh hùng chống Đức quốc xã. Thái độ của Zukốp và của Hồng quân nghiễm nhiên đi ngược lại đường lối của Đảng hồi đó. Và nhất là xô đẩy tân lãnh tụ Cút-sép vào thế kẹt. Dầu sao mấy chục năm trước, khi Sít-ta-Lin lôi các tướng lãnh ra bắn, Cút-sép cũng đã gân cổ phụ họa, gọi họ là "lũ phản bội mà Đảng sẽ càn quét đến tên cuối cùng, và nghiền nát từng tên, đốt cháy ra than, thả bay với gió". Nếu Zukốp nói đúng thì Cút-Sếp chính là tên phản bội...
Bề ngoài người ta vẫn thấy Cút-Sép đi chung với thống chế Zukốp. Hai
người còn có vẻ bồ bịch với nhau nữa. Đột nhiên tháng 10-1965. Zukốp tuột chức bộ trưởng Quốc phòng.
Cuộc thanh trừng do trùm an ninh Quốc xã Hêđrít gián tiếp gây ra trên đất Nga tưởng sẽ chấm dứt té ra vẫn chưa chấm dứt...
1 Himmler. Nước Đức bại trận, Himle tự sát bằng độc dược khi bị đồng minh bắt giữ.
2 Tướng Reinhard Gehlen, hành tung của ông rất bí mật nên người ta gọi ông là "ông tướng không mặt!"
Z.28 - 13 Giờ Định Mạng Z.28 - 13 Giờ Định Mạng - Người Thứ Tám Z.28 - 13 Giờ Định Mạng