Số lần đọc/download: 1599 / 21
Cập nhật: 2016-06-28 18:08:49 +0700
Di Ngôn Tổ Phụ (6)
M
ột chiều trời trở lạnh, giăng giăng mưa bụi, lơ thơ ít hoa tuyết bay trong gió rừng.
Tính ra đã là ngày hăm ba tháng chạp, giáp Tết, "ông Táo chầu trời" theo tục lệ dân gian.
Trước khi chia tay lên đường, bọn Hoàng Đạt còn được Đèo Thanh Sơn tặng một thớt ngựa hay, nên giờ mỗi người mỗi ngựa, hành trình có phần nhanh hơn trước.
Lối mòn xuyên lâm vắng vẻ, tuyệt không gặp bản làng, thổ dân, cả bọn cứ giục ngựa đi miết.
Vừa ra tới cửa rừng, thình lình Hoàng Đạt "suỵt" khẽ giơ tay làm hiệu, giảm nước kiệu.
- Gì thế?
Trần Dũng từ sau thúc ngựa lên hỏi bạn.
Đạt không đáp, nghiêng tai nghe ngóng.
Như đáp lại, vẳng xa xa bỗng nổi lên một chuỗi âm thanh quái gở, nhọn hoắt lê thê trong gió, thoạt nghe đã muốn nổi gai ốc người ta.
- Sơn cẩu! Chúng đang tru gọi đàn... nhưng còn xa! Ta đi thôi!
Hoàng Đạt phất tay, ba thớt ngựa tiếp tục lao đi.
Âm nhọn còn bay vãi theo vó ngựa một hồi rồi mới lịm tắt hẳn.
Tới một ngọn đồi Đạt đề nghị xuống ngựa nghỉ chờ qua đêm.
Sương chiều dâng lên lờ mờ cảnh vật, gió càng lúc thêm lạnh buốt, hoa tuyết bay lả tả.
Ba người bèn lấy mũ áo ngự hàn ra mặc, ngồi bên lửa sưởi mấy phút đoạn đem xôi nếp, rượu cẩm ra, nướng thịt nai khô ăn uống.
Ngọc Bích đã hơn ngày nay chưa nguôi nỗi bựa bội vì chuyện Hoàng Đạt tỏ ra nồng nhiệt thái quá trong đêm vũ hội tại nhà họ Đèo.
Dù sau đó chàng hết lời giải thích, nàng vẫn khăng khăng cho rằng người yêu "cũng có thích Nguyệt Cầm" chứ không hoàn toàn chỉ vì muốn "đánh tháo" cho bạn!
Thành ra Đạt lâm vào cảnh "ách giữa đàng quàng vào cổ" và bị Ngọc Bích áp dụng chiến tranh ... lạnh! Tuyệt không hé môi một lời với chàng suốt quãng đường dài.
Giờ, chừng bị óc tò mò thôi thúc nàng không nhịn được vụt hỏi Đạt:
- Nãy anh nói "sơn cẩu" ... phải chó sói? Nghe tiếng tru lúc như sói!
- À...
Đạt mỉm cười mừng thầm trước dấu hiệu "hoà hoãn" nơi người yêu, lấy giọng ôn tồn giải thích:
- Người ta thường lầm sơn cẩu là chó sói! Tuy trông giống nhưng chúng là hai giống khác nhau! Sơn cẩu còn gọi là Sài Kíu thường lớn con hơn, rất háu ăn vớ được mồi là nuốt sạch! Có bốn giống chính: sơn cẩu vằn, sơn cẩu đốm, sơn cẩu nâu và sơn cẩu sói. Chúng sinh sống rải rác khắp các lục địa! nhưng ghê nhất phải kể giống hồng cẩu quấy, dân miệt biên giới gọi "quỉ mắt đỏ"! Thường các giống sơn cẩu khác tuy tinh khôn dữ tợn chúng cũng chỉ tụ họp thành từng bầy nhỏ, khoảng mười mấy, hai chục con là cùng! Giống hồng cẩu quây lại khác, thường kéo đi hàng đàn đông như kiến cỏ, có khi cả mấy trăm con. Mắt chúng đỏ như than hồng, hung hãn vọ cùng, đánh hơi người thú rất thính nhạy, ào tới nuốt chửng bất kể thứ gì gặp trên đường di chuyển! Cách nay gần mười năm anh đã chứng kiến bọn buôn lậu bị hồng cẩu quẩy táp sạch chỉ trong vòng vài phút, trên mạn biên thuỳ gần Mường Khương! Cả người ngựa, hành lý v.v... hầu như tất cả đều vào bụng "quỉ mắt đỏ"! có con bị súng bắn, vừa ngã xuống lập tức bị đồng loại xông tới gặm sạch, không sót một cái xương! Lần đó, nếu chẳng kịp vọt lên tàng cây cao ẩn mình chắc anh cũng ... vào bụng chó quỉ!
Nghe Đạt kể cả Ngọc Bích, Trần Dũng đều lắc đầu ngán ngại.
Cô gái thắc mắc hỏi:
- Như vậy chúng còn đáng sợ hơn cả hùm, beo, tây, tượng... nữa sao?
- Hơn nhiều! Mọi loài dã thú dù mạnh đến đâu cũng chưa nguy hiểm bằng chúng! Hùm beo còn phải tránh xa loài quỉ mắt đỏ bốn chân, vì chúng quá đông, ào tới như cơn lốc không sức mạnh nào chống nổi! Cũng tỷ như một người giỏi võ nhưng phải cùng lúc đối địch với hàng trăm kẻ hung hăng liều mạng không biết sợ chết vậy! Hạ hết lớp này đến lớp khác nhào tới, đánh sao cho xuể.
Với giống hồng cẩu quẩy, ngay như dùng súng, nếu hoả lực yếu, chỉ có một, hai chục xạ thủ cũng chẳng địch lại chúng! Tốt nhất hãy tìm cách tránh xa! Nếu chẳng may "tao ngộ" loài "quỉ sứ biên thùy" này, phải lập tức kiếm cây cao trèo lên, hoặc tìm chỗ khuất cuối gió tát bùn đất lên người, nấp kỹ tránh xông hơi bị chúng ngửi thấy!
Nãy anh chọn nơi đây "cắm trại" là có ý phòng trường hợp gặp bọn chó quỉ kéo tới thì đã có sẵn "cao điểm" để ta thoát lên tránh! Các giống sơn cẩu tuy cũng biết leo trèo nhưng chẳng thể lên cao được, chỉ vài thước là cùng! Ta có thể từ trên bắn tỉa xuống hoặc dùng "đòn gió" hạ từng con một nếu chó quỉ đánh hơi muốn chồm theo!
Chàng trỏ gốc cây xế sau lều, thân lớn khoảng hai người ôm, cao vút đến hơn chục thước, phía trên ngọn tán tàn vươn xoà, rậm rạp, phần dưới hầu như chẳng có cành, nhánh, thoạt nhìn cũng thấy rất khó trèo!
Hoàng Đạt đứng phắt lên lục "sắc" hành trang lấy ra hai cuộn dây móc, quay tít mất vòng, ném "véo" lên tàn cây. Móc câu bám dính luôn vào cành lớn trên ngọn, Đạt giật thử mấy cái, gật gù:
- Chắc rồi! Đêm nay nếu lũ quỉ mắt đỏ kéo tới đông chúng ta cứ "thăng thiên" là xong!
Hai sợit hừng lớn đu đưa cách mặt đất chừng hơn thước, Đạt bảo Ngọc Bích bám dây leo thử mấy thước, thấy được mới yên tâm.
Trời sập tối, gió lùa qua ngọn đồi nghe vi vu như tiếng tù và từ cõi xa xăm nào vọng về, nổi chìm giữa đêm rừng tịch lặng hoang sơ.
Đạt, Dũng ngồi đối ẩm, Ngọc Bích đã rút vào lều từ nãy. Hai chàng tuổi trẻ lặng lẽ không nói với nhau một lời, vẻ đắm chìm trong tiếng động đêm rừng.
Lâu lắm, chợt Trần Dũng thở dài, nhấc chai dốc cạn phần rượu còn lại vào chén hai người:
- Làm nốt chỗ này thôi! Càng uống tớ càng nghe lòng mình khắc khoải lạ...!
Mặt chàng buồn mênh mang, dõi mắt trông về hướng tây, xa xăm...
- À! Chắc tại cậu đang nghĩ tới ... "nàng".
Hoàng Đạt rít một hơi xì gà nhìn bạn ... thông cảm.
Dũng thừ người nhìn như "xuất thần" đến hơn phút mới phào giọng:
- Tớ linh cảm "nàng" đã biết "người xưa" đang trên đường trở lại sau bao dâu bể của thời gian! Giờ có lẽ nàng đang mong ngóng trông từng giây phút ... cuộc xung họp sau gần thế kỷ! Đạt này! Ở vào trường hợp tớ cậu sẽ hiểu thế nào là ... nỗi day dứt khủng khiếp trong tâm hồn!
Chàng ngửa cổ uống một hơi cạn chén.
Đạt khẽ giục bạn đi nằm nhưng Dũng xua tay:
- Cậu đi ngủ trước đi! Để tớ gác ca đầu! Khảong hai giờ sẽ gọi cậu!
- Cũng được! Nhưng nhớ để ý, hễ nghe tiếng sơn cẩu tru hú nhiều phải gọi tớ ngay!
Dặn xong Hoàng Đạt chui vào lều, kéo chăn trùm kín.
Vẳng bên tai tiếng ngâm nga của Dũng bỗng cất lên nho nhỏ
Có đêm trăng khuyết biên thùy...
Nhìn con ngụa trắng đi về... vấn vương...
Giọng Trần buồn thê thiết, nghe bỗng xa xôi như âm hưởng từ kiếp nào vọng về... mênh mang...
Khiến chàng trai dày dạn phong trần họ Hoàng trong giây phút chợ nghe lòng mình chùn hẳn xuống, bâng khuâng.
- Một linh hồn đi tìm dĩ vãng! Thương thay bạn ta! Mong sao "người" được thoả nguyện!
Đêm lạnh hoang sơn, trăng liềm hạ tuần "cài" trên nền trời lờ mờ hắt xuống thung đèo đồi núi ánh sáng bàng bạc, lạnh lẽo. Gió càng lúc càng thổi mạnh.
Trần Dũng kéo cao cổ áo ngự hàn, xốc lại dây súng trên vai, tiếp tục đi tới đi lui cho giãn gân cốt, chống lại cơn buồn ngủ bắt đầu xâm chiếm.
Thình lình, từ dưới chân đồi vụt nổi lên mấy tiếng tru quái gở, âm thanh nhọn hoắt quăng vãi lên không trung tựa như có một bàn tay vô hình bốc ném, giữa cảnh rừng khuya im lìm nghe muốn rởn tóc gáy.
- Tiếng sài kíu!
Dũng cau mày lẩm bẩm.
Âm quái lại cất lên, kéo lê thê, dật dờ trong sương gió, lần này tựa như tiếng cười rú, từng tràng.
- Phải đến năm, bảy con là ít.
Trần Dũng dột lòng thầm nghĩ, bất giác liếc về phía lều, thoáng phân vân:
- Có nên đánh thức bọn Đạt? Hừ! Hãy thư thả xem sao đã!
Chàng hạ súng cầm tay, lên đạn, vọt lên một mô đất, phóng tầm mắt quan sát.
Tiếng tru rú chợt im bặt hồi lâu.
- Chắc lũ sơn cẩu bỏ đi nơi khác! Nãy giờ đã hơn mười phút rồi không nghe động tĩnh gì!
Chàng nhìn đồng hồ tay, mặt dạ quang đã chỉ mười hai giờ. Đợi thêm lát nữa vẫn không thấy gì lạ, chàng bèn trở lại bên đống lửa, gác súng, dựa gốc cây ngồi nhìn đống lửa lay lắt cháy.
Bỗng trong gió thoảng có tiếng gọi tên chàng.
Trần Dũng giật mình quay lại, sau lưng chàng cách chừng chục thước là lùm bụi rậm rạp, tuyệt không bóng người.
Xế trước mặt là hai chiếc lều dựng song song nhau. Dũng bấm đèn pin soi qua rõ hai người bạn còn đang chìm sâu vào giấc ngủ, thu mình trong chăn ấm.
Tưởng nghe lầm chàng bèn thôi, rút điếu xì gà hút dở châm lửa bập vài hơi cho đỡ lạnh.
- Dũng ơi! Dũng!
Tiếng gọi bất chợt lại vang lên âm trầm, lần này rõ mồn một, đúng từ hướng lùm cây phát ra.
- Ai đó?
Trần Dũng quay phắt người chĩa khẩu Springfield về phía đó hắng giọng nạt hỏi. Một ý nghĩ vụt qua trong đầu khiến chàng thoáng rùng mình nổi gai ốc:
- Rừng hoang tịch mịch sao lại có tiếng gọi tên mình? Người ... hay ma? Quái gở!
Không có tiếng đáp.
Dũng hít một hơi dài trấn tĩnh tinh thần, từ từ tiến lại, súng cặp nách tay rê đèn quan sát.
Một bước... hai bước...
Bất thần cành lá vụt lay động.
Rào! Rào! Từ trong bụi phóng ra nhiều bóng quái to lớn chồm tới vồ Trần Dũng.
Đoàng!
Khẩu súng trên tay chàng vừa kịp nổ một phát hất tung một bóng quái thì ba bốn cái mõm dài nhe nanh sắc lẻm đã gần kề.
Trần Dũng thét lên một tiếng cực uy mãnh lia chân đá "bịch" trúng ức một con sài kíu, cùng lúc trở báng súng quật luôn.
Chát! Bốp!
Sức đánh của chàng trai thượng võ hất nhào thêm con nữa. Nhưng một con quái thừa cơ táp nghiến cây đèn trên tay chàng, nhai "rốp" vỡ vụn.
Dũng đang vung súng tả xung hữu đột giữa bầy quái, chợt một con sái kíu có bờm, lông vằn, chừng đầu đàn, chồm đứng hai chân, ngoác mõm tru rống lên một tràng khủng khiếp rồi bỏ bầy quay vụt về hướng lều.
Đúng lúc cả hai nghe tiếng súng nổ tung chăn phóng ra.
Hoàng Đạt vọt ra trước nên vừa kịp chạm trán nó.
Nhác thấy bóng quái chàng lảy cò nổ liền hai phát Pạc hoọc.
Con sài kíu đổ vật xuống lăn lộn, tru hộc từng tràng ngắn đau đớn. Chừng đạn không trúng chỗ nhược nên nó chưa chết ngay.
Bầy sài kíu đang bu quanh Trần Dũng lập tưc bỏ "mồi" phóng lại chỗ Đạt, Bích.
Không chậm trễ chàng võ sư xẹt ngang, chắn trước mặt người yêu, vẩy lia tay súng hất nhào luôn mấy con nữa.
Còn lại ba con chừng thấy đồng loại bị hạ nhiều bèn cúp đuôi bỏ chạy.
Dũng, Đạt bắn theo mấy phát nữa nhưng chúng đã mất hút sau lùm bụi.
Xem lại có sáu con bỏ xác tại trận. Con nào cũng to hơn cả chó "bẹc giê", riêng con lông vằn đầu đàn dài đến hơn thước bảy, trông phát ớn.
Ngọc Bích tuy là gái biết võ, khá bạo gan, nhung lần đầu chứng kiến tận mắt cảnh sài kíu tấn công người, không khỏi hoảng kinh, rùng mình lắc đầu:
- Khiếp quá! Nãy em muốn rụng tim! Hú vía!
- Còn may là không phải hồng cẩu quẩy! Bọn sơn cẩu này thường chỉ đi bầy lẻ nên ta đẩy lui được! Gặp "quỉ mắt đỏ" kéo cả đàn hàng trăm con thì giờ này e bọn mình đã ... vào bụng chó quái rồi!
Hoàng Đạt, Trần Dũng cùng lôi xác sài kíu quẳng ra xa. Chàng trai họ Trần lòng chưa dứt kinh mang vì chuyện "tiếng lạ" gọi tên mình khi nãy bèn thuật lại cho bạn nghe.
- Tớ nghe đến hai lần! Chắc chắn không phải "ảo thanh", "ảo giác" chi cả! Đúng có kẻ gọi tên tớ! Hừ! Quái gở!
Ngọc Bích nghe kể muốn rởn tóc gáy, vội nép sát vào Hoàng Đạt, dáo dác ngó quanh như sợ đến lượt mình bị gọi tên.
Nhưng chàng võ sư chẳng hề tỏ vẻ ngạc nhiên, xua tay bảo:
- Chính sài kíu đó! Nó giả tiếng người để "nhử" cậu tới gần! Lũ chó quái có con còn mò đến bản làng, giả cả tiếng nôn oẹ của người, dụ người ta ra mở cửa để vồ ăn thịt! Dân vùng biên giới thường biết chuyện này nên cũng ít kẻ bị mắc lừa! Hừ! Chắc có con rình quanh từ chiều nghe chúng mình gọi tên nhau bèn bắt chước đó thôi! Bên Vân Nam trước còn có một con sái kíu bờm sư tử trắng toát chuyên mò ra các lối mòn, lượm nón rách úp lên đầu ngồi rình trong bụi. Hễ thấy người đi qua đơn độc nó liền đi hai chân theo sau, đưa chân trước khều vai gọi. Người nào giật mình quay lại ngay lập tức bị nó táp nghiến cổ, chẳng kịp trở tay! Nó tinh ranh như ma, nhiều thợ săn giỏi lùng giết mãi không nổi! Sau đám quan chức bên đó phải thỉnh một tay thiện xạ bên ta sang. Ông này phải "đấu trí" với nó khá lâu mới lừa hạ được con "sài kíu tinh" khủng khiếp này! Hà! Tớ còn nghe kể nhiều chuyện ly kỳ về loài chó quái..., mà thôi! Không kể nữa! Kẻo lại có người "mất ăn mất ngủ" vì sợ!
Đạt cúi nhìn người yêu, hơi nhếch miệng cười.
Trần Dũng vẻ mặt đăm chiêu không nói lời nào, lặng lẽ nhặt thêm cành khô ném vào đống lửa gần tàn.