Số lần đọc/download: 296 / 18
Cập nhật: 2020-04-07 22:01:32 +0700
Phần Hai - Kachia - Chương 1
K
achia Kxênôphôntôva đến thành phố Tômxcơ vào một buổi sáng tiết trời ảm đạm: mưa phùn dăng mù mịt, những cây dương trơ trụi ở cái xóm nhỏ bên ga xe lửa đen kịt những quạ là quạ, chúng đậu đầy trên các cành cây, gió thổi từng cơn qua những khe hở giữa các dãy nhà ga, gió lướt trên sân ga và rít lên rầu rĩ.
Một đám người hỗn độn, vẻ mặt khác hẳn nhau, kẻ che ô người mặc áo mưa, lại có người choàng áo khoác, từ thành phố ra, đang đợi đón đoàn tàu. Chỉ có viên cảnh sát mặc áo capốt màu xanh nhạt là nổi bật lên giữa đám người với cái bộ dạng xem thường mưa gió của y. Y cứ bình thản đi đi lại lại trên sân ga, thỉnh thoảng đưa đôi mắt ngán ngẩm nhìn những người đàn ông và đàn bà đang lặng lẽ đứng chờ.
Từ trên cửa ra vào của toa tàu, Kachia chăm chú nhìn xuống đám đông đang nhộn nhạo lên khi đoàn tàu sắp tiến vào sân ga. Cô gái không nhận thấy có một dấu hiệu nào đáng ngại. Tuồn khỏi bậc lên xuống toa, Kachia vội vã đi đến cửa ga ra thành phố, vượt lên trước cả những người phu khuân vác.
Các loại xe ngựa với những cung càng xe kẻ sọc, nhiều chiếc đã căng mái sẵn sàng đón khách và chở hàng, đã choán hết quảng trường hình tròn trước nhà ga.
- Nào, tiểu thư, xin mời cô! Chúng tôi sẽ phóng đến bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào của thành phố nhanh như đi trên thảm bay.
Mấy người đánh xe ngựa chạy nhào đến bên cô gái, gần như muốn giằng chiếc vali khỏi tay cô.
Kachia nhìn khắp lượt mấy bác xà ích lúc này đã ướt mèm dưới trời mưa thu, và không hiểu sao cô lại chọn một bác già nhất trong bọn, râu tóc bạc phơ mọc sát đến tận mắt
- Nhà số mười bốn, ngõ Bôlốtnưi. Ông làm ơn, - Kachia nói bằng cái giọng trầm rất du dương của cô.
- Hình như là cô gái đồng trinh trong đội đồng ca của nhà thờ thì phải, - một bác xà ích nói lên nhận xét của mình.
Ông già rậm râu mà Kachia vừa chọn, xách chiếc vali của cô, rồi nhẹ nhàng và khéo léo nhảy lên ghế xà ích, ông ta cho xe dừng lại bên chân Kachia rồi gọi to bằng một giọng rất trẻ:
- Nào, xin mời bà tiểu thư lên cho!
Đứng đã khá lâu ngoài trời lạnh và ướt át, con ngựa lông xám, với hai vệt loang vàng hoe hai bên cạnh sườn, bốn chân đều có đóng móng, nhanh nhẹn cất bước và lập tức chuyển sang phi nước kiệu.
Ngồi thu mình sâu trong lòng của chiếc xe, Kachia ngắm nhìn con đường vắng vẻ của cái thành phố không quen thuộc với vẻ tò mò. Bên phải và bên trái cô là những căn nhà gỗ một tầng và hai tầng, với những khung cửa sơn màu, có chạm trổ, những mái nhà lợp bằng tôn và những cánh cổng bằng gỗ bào chắc chắn. Khói bay lên từ những ống khói xây bằng gạch đỏ, và chỉ có điều đó mới nhắc nhở rằng những căn nhà ấy không phải là những căn nhà vắng chủ, họ vẫn còn ở đó.
Lúc này, khi mà chỉ còn ít giây phút nữa là cô sẽ được nhìn thấy Akimốp, Kachia thấy lòng bồn chồn vô hạn. Cô cảm thấy con ngựa chạy sao mà chậm thế, còn con đường dẫn đến cái ngõ đen đủi ấy, nơi cô phải có mặt, thì sao mà dài vậy.
- Có phải ngõ Bôlốtnưi ở mãi đầu kia của thành phố không, ông? - Kachia hỏi ông già đánh xe ngựa.
- Nó nằm đúng ở giữa thành phố, chúng ta sẽ đến nơi ngay bây giờ, - ông già đánh xe ngựa trả lời và, hiểu nỗi nóng lòng của Kachia, ông bắt đầu dùng dây da quất ngựa.
«Chắc Akimốp không chi tính từng ngày mà còn tính từng giờ nữa», - Kachia nghĩ và đưa tay lên sờ nhẹ vào cạnh sườn: ở đấy có một chiếc túi nhỏ được cài liền với áo trong đựng hộ chiếu và tiền nong chuẩn bị cho Akimốp, có thể cởi ra một cách dễ dàng. Chỉ cần thò tay vào trong áo sơ mi, giằng nhẹ về phía người mình, thế là có thể tùy ý xử sự - giấu sang chỗ khác hoặc vứt nó vào một thùng đựng rác nào cũng được. May thay là cho đến lúc này chưa gặp phải tình huống nào buộc phải làm như thế.
«Ivan sẽ ngạc nhiên biết chừng nào! Anh ấy không thể ngờ là mình sẽ đến!». Kachia nhớ lại mảnh giấy của Ivan mà một hôm cô đã tìm thấy trong chiếc túi tên cai ngục trả lại cho cô ở phòng tạm giam; và trong lòng cô cảm thấy buồn tiếc: «Ivan sẽ phải đi gấp. Có thể rồi sẽ chẳng kịp nói chuyện với nhau cho vỡ lẽ nữa kia».
- Đây rồi, thưa tiểu thư, đến nơi rồi, - ông già đánh xe ngựa nói, đưa mắt qua vai nhìn cô gái, tay giật giây cương và ghìm ngựa.
Cỗ xe dừng lại trước căn nhà gỗ một tầng có móng xây bằng gạch, căn nhà đã xiêu vẹo và lún khá sâu xuống đất. Trước cửa nhà là một mảnh vườn nhỏ với các thứ cây: anh đào, thanh lương trà, cành cây um tùm che kín cả chiếc cửa sổ có treo rèm trắng.
Kachia trả tiền cho bác đánh xe ngựa, xách chiếc vali của mình rồi đi đến trước cửa rào. Bên trái cổng có treo một bảng đề: «Brônhixláp Naximôvích - thợ may lành nghề người Vácsava. Nhận may y phục phụ nữ. Chất lượng ngoại hạng».
Lấy chân đẩy cánh cửa rào, Kachia bước vào khoảng sân vắng, khoảng sân này vào mùa hè thường để trồng rau. Và lúc này đó đây còn lủng lẳng những xác hoa mặt trời, ngổn ngang những đống thân cây khoai tây và lá bắp cải.
Kachia cố tình nện mạnh gót giày lên mặt gỗ của hàng hiên nhỏ dẫn từ cổng vào đến thềm nhà. Cô thở gấp, mặc dầu đã cố ghìm nỗi hồi hộp trước cuộc gặp gỡ quyết định này.
Người ta không trả lời ngay khi nghe tiếng Kachia gõ cửa, và cũng không vội vã chạy ra mở cửa. Chiếc khóa bí ẩn loảng xoảng mãi mà vẫn không chịu mở ra. Kachia có cảm giác như cái việc mở khóa ấy kéo dài có tới hàng thế kỷ, thực ra nó chỉ xảy ra vẻn vẹn có vài giây.
Cuối cùng cánh cửa đã mở ra, và Kachia nhìn thấy trước mặt mình một người đàn ông đứng tuổi, vóc người cao lớn, với cái mũi khá to, với mái tóc bạc húi «cua» và chiếc thước dây bằng vải sơn đeo trên cổ. Người ấy mặc chiếc quần màu sáng và chiếc áo khoác dài, bên trong là chiếc sơ mi trắng đến lóa cả mắt với chiếc nơ ở cổ, đi đôi giày mũi bằng bóng lộn. Người thợ may gây cho ta cái ấn tượng rằng anh ta «không phải» là người ở địa phương này, cái đó đúng là phù hợp với những chữ trên biển quảng cáo: «Thợ may lành nghề người Vácsava».
Đối với Kachia điều đặc biệt quan trọng là chiếc thước dây bằng vải sơn. Chính cái chi tiết này là dấu hiệu đầu tiên nói lên rằng cô đã gặp được người đang chờ đợi cô.
- Chào ông Naximôvích, - Kachia nói, vẫn còn có phần hồi hộp. - Tôi hi vọng rằng đây chính là ông?
- Chào cô. Tôi có thể giúp cô được việc gì cơ ạ?
- Tôi cần may gấp một bộ complê. Kiểu người Anh. Mặc đi làm. Hàng may - nhung len.
Người thợ may lùi khỏi bậu cửa nửa bước và đưa đôi mắt của một ông thợ lành nghề nhìn lướt qua vóc người dong dỏng cao thanh mảnh của cô gái. Không hiểu vì sao ông ta lại chưa vội nói ngay những câu mà nếu không có chúng thì có thể coi như cuộc gặp gỡ này cũng không có nốt.
- Mời cô vào. Tôi quả thực là đang ngập trong đống đơn đặt hàng, cô ạ, nhưng mà tôi cũng khó lòng từ chối nổi cô. May complê phụ nữ kiểu người Anh - đó là chức phận của tôi. Chúa đã phú cho tôi cái khả năng ấy. Những cô gái mốt nhất của Vácsava trước đây đều may ở hiệu của tôi cả đấy.
Lúc này thì không còn gì phải hoài nghi nữa. Những lời cô đang chờ đợi đã được nói ra.
- Xin kính chào ông một lần nữa, ông Naximôvích, và xin cảm ơn nhã ý của ông.
Kachia nói những lời ấy bằng cái giọng kéo dài rất du dương và với một sự mừng rỡ kín đáo nhưng được giấu một cách vụng về. «Bây giờ đây ta bước vào nhà và bỗng nhiên Ivan hiện ra trước mặt ta», - Kachia thoáng nghĩ, và cô hơi nghển đầu lên để có thể qua vai ông thợ may mà nhìn thấy anh sớm hơn một chút.
Đi qua phòng đầu, Kachia bước vào một khung cửa để mở. Trước mặt cô là một gian phòng rộng, đây là nơi ông thợ may làm việc. Bên cạnh một cửa sổ có đặt chiếc máy khâu đạp bằng chân, cạnh cửa sổ thứ hai kê một chiếc bàn, trên bàn đầy những mảnh vải vụn, vải đã đo cắt và rất nhiều kéo. Trong gác, sát tường là chiếc bàn may, có lẽ bác thợ thường cắt quần áo và là những bộ quần áo đã may xong trên chiếc bàn này. Ở khoảng tường trong giữa hai cửa sổ là chiếc tủ đứng rất lớn, mặt gương là loại kính rất tốt, bên cạnh đấy là một tấm bình phong có thể kéo ra đẩy vào như chiếc đàn phong cầm vậy. Kachia đã nhìn thấy trong gương không phải Ivan Akimốp mà là chính bản thân mình. Đoạn đường dài từ Pêtrôgrát đến đây trong toa tàu ngột ngạt đã làm cho cô mệt mỏi vô cùng. Kachia gầy đi, khuôn mặt có nước da ngăm đen của cô ánh lên màu vàng nhợt, bên dưới đôi mắt nâu sẫm thoáng hiện vết thâm quầng, tóc cô tuột ra khỏi mũ, những búp tóc xõa xuống vầng trán. «Chả có gì giống một cô nàng kiểu cách cả», - Kachia nghĩ thầm, tự trách mình.
- Nào, mời cô cởi áo ngoài ra. Chúng ta cùng sang phòng bên cạnh. Nhà tôi sẽ đem nước chè lên để cô uống, rồi cô nghỉ ngơi đi, sau đó ta sẽ cân nhắc mọi chuyện, - Naximôvích nói, đưa hai tay ra đỡ chiếc áo khoác có viền lông sóc màu xám của Kachia.
«Sẽ cân nhắc mọi chuyện. Như thế nghĩa là đã có điều gì đó không ổn rồi, nếu không thì việc gì phải đòi hỏi cân nhắc nữa?» - Kachia chợt nghĩ. Cô rất muốn nói với Naximôvích về công việc chính nhất, nhưng không dám mở đầu. Cửa vào phòng bên cạnh hơi hé mở, và có tiếng ván sàn cọt kẹt dưới bước chân đi nặng nề của một người nào đó. Có thể Naximôvích chưa vội bắt đầu câu chuyện vì còn e ngại sự có mặt của một người nào đó?
Trong khi cởi mũ và áo khoác ngoài và cùng với Naximôvích một lần nữa bước ra phòng đệm để sang buồng bên cạnh. Kachia đã suy nghĩ miên man về nhiều việc. Những ý nghĩ của cô đầy lo âu, làm tim cô đau nhói. «Thế Ivan đâu nhỉ? Chẳng nhẽ cuộc vượt ngục đã hỏng rồi sao? Liệu ta có phải trở về với hai bàn tay trắng?».
Nửa còn lại trong ngôi nhà của Naximôvích, cũng như nửa kia, gồm hai buồng: một buồng - cỡ lớn, kê đầy những tủ đứng, giường và tủ ngăn, còn buồng kia - hơi dài, kê một chiếc bàn tròn và một giường sắt trên có phủ một chiếc chăn bông chần vải màn. Chắc là căn phòng nhỏ này dành riêng cho các đồng chí những khi họ cần nghỉ lại ít ngày. Người thợ may dẫn Kachia vào căn buồng này và nói một cách thân ái:
- Xin cô tạm ở lại đây. - Ông ta đi ra, nhưng lại lập tức quay trở vào dặn. - Cô nhớ cho, nếu có chuyện gì thì: cô tên là Dôxia. Cháu gái gọi tôi bằng bác, từ Pêtrôgrát đến chơi. Mà quả tình, cách đây một tháng, em gái cô là Épghênhia cũng đã từng ở đây... Thôi, cô thay quần áo đi, rồi ta vào bàn ăn.
Ông ta vội vã đi ra, và Kachia nghe tiếng ông ta nói chuyện với vợ ở căn phòng lớn:
- Xtaxia này, tôi đã gặp cô gái rồi đấy. Cô ấy sẽ ra đây ngay bây giờ. Cô ấy đành phải ở lại đây làm khách của chúng ta thay cho Dôxia vậy thôi.
- Thế nhỡ cả con bé kia nó cũng ra thì sao? - người đàn bà nói nhỏ giọng đầy lo âu. Ông thợ may trả lời vợ một câu gì đó, nhưng Kachia không nghe được rõ ràng. Chỉ có một điều cô đã hoàn toàn thấy rõ: đó là Ivan không có ở đây, anh ấy chưa về tới thành phố Tômxcơ này, nơi cô vừa đến.
Kachia mở nắp chiếc vali, lấy trong ví xách tay ra chiếc gương và hộp phấn cùng với lọ nước hoa, rồi vội vàng sửa sang lại bộ mặt của mình.
- Cháu Dôxia, đây là bác gái Xtaxia của cháu, - Naximôvích nhìn vợ, rồi nhìn Kachia nói, vừa mỉm cười qua hàng ria mép bạc trắng. Người đàn bà cao lớn, trong bộ cánh mỏng mặc ở nhà, nhìn Kachia bằng đôi mắt ánh lên cái màu sắc của bầu trời tháng tám, bà ta mỉm cười dè dặt và đi đến bên cô gái đưa tay nhẹ ôm cô.
- Dôxia, ngồi vào bàn đi cháu. Nước chè từ lâu đã sẵn sàng, bác và bác trai cũng chưa ăn.
- Cảm ơn bác Xtaxia. Cháu xin ăn ngay.
Kachia ngồi vào bàn và cô chẳng cảm thấy có chút ngượng ngùng nào cả. Trên khuôn mặt niềm nở của Naximôvích và vợ ông có một cái gì đó làm cho ta thấy rất dễ gần.
- Granhít đáng ra phải về tới đây từ ba hôm trước, chúng tôi đã chuẩn bị chỗ cho anh ấy trên tàu thủy sẵn rồi,- Naximôvích nói, khi bác Xtaxia rót đưa cho cô khách và ông mỗi người một cốc nước chè.
- Anh ấy có thể không may bị bắt ở nơi nào đó trên đường đi không ạ? - Kachia vừa quấy đường trong cốc nước chè vừa hỏi, cô nhìn ông thợ may bằng đôi mắt lo âu.
- Người liên lạc của ta từ trên tàu xuống không khẳng định điều đó, - Naximôvích nói, ông đẩy đĩa bánh mì có phết bơ về phía Kachia và mời cô ăn.
- Có thể đồng chí Granhít vì lý do nào đó mà đã chậm chuyến tàu? - Kachia nói tiếp, không để cho câu chuyện bị đứt đoạn.
- Rất có thể là như thế. Nhưng những người của ta ở Narưm có phải là lũ trẻ con đâu. Họ còn một chiếc tàu dự trữ nữa để cho anh ấy. Đó là chuyến cuối cùng trong năm nay. Ngoài ra anh ấy không thể đi chuyến nào khác nữa.
- Đúng thế, đúng thế, - bác Xtaxia khẳng định thêm. - Sáng nay lúc tôi đi chợ nhân tiện tôi có rẽ qua bến cảng. Tối nay sẽ có tàu từ Cônpasevô về. Người ta nói với tôi: đây là chuyến cuối cùng của mùa tàu chạy, sắp tới nếu tàu chạy nữa thì sẽ nguy hiểm.
- Sao lại nguy hiểm ạ? - Kachia không hiểu.
- Mùa đông đang đến mà cháu, - bác Xtaxia mỉm cười nhìn Kachia. - Ở đây thì mùa đông ập đến trong chớp mắt. Như năm ngoái chẳng hạn, buổi tối đi ngủ tiết trời còn gần như là mùa hè ấy: ấm áp, bầu trời trong vắt, hoàng hôn màu da cam. Vậy mà lúc ngủ dậy, đưa mắt nhìn quanh - tuyết đã rơi dày đến đầu gối, những vũng nước đã đóng băng cứng lại. Đây là Xibiri mà, cháu ạ, Xibiri mà!
- Thưa bác Naximôvích, thế theo ý bác thì liệu Granhít có về chuyến tàu tối nay không ạ? - Kachia hỏi và cảm thấy một nỗi buồn ghê gớm vì cuộc gặp gỡ với Ivan Akimốp bị trễ lại.
Naximôvích nheo nheo mắt, ông đang nhớ lại điều gì, rồi ông nhìn cô gái, đoán biết được cô đang sốt ruột như thế nào trong giờ phút này, ông nói một cách lắt léo:
- Một mặt thì có thể, nhưng mặt khác lại không thể nào về được.
Kachia ngẩng đầu lên chăm chăm nhìn ông thợ may, cố gắng hiểu những lời ông ta nói. Naximôvích xòe bàn tay ra và gập một ngón lại, ông bắt đầu giải thích:
- Vì sao lại không thể về được? Vì: từ Narưm về đến Cônpasevô là một trăm rưởi - hai trăm vecxta, Granhít chẳng phải là con chim, anh ấy làm sao bay qua một khoảng không gian rộng lớn như vậy được. Nhưng cũng có thể lại như thế này, - Naximôvích bẻ gập ngón tay thứ hai xuống, - anh ấy không thể ra khỏi Narưm bằng cách đi theo chuyến tàu, điều kiện không cho phép: bọn chúng kiểm soát chặt chẽ quá. Granhít phải đi bằng thuyền. Đến Cônpasevô thì có thể lên tàu. Và anh ấy sắp sửa về đến đây bây giờ rồi.
- Đúng như thế đấy, anh Brônhixláp ạ. Không biết vì sao em cứ tin chắc là như vậy, - bác Xtaxia phát biểu ý kiến của mình.
Kachia mỉm cười nhìn bà vợ của ông Naximôvích. Cũng có thể bác Xtaxia chẳng tin gì cho lắm vào cái trường hợp thứ hai mà chồng bác vừa đoán định, nhưng bà muốn cho Kachia được vui, muốn cho cô tin vào cái trường hợp tốt lành nhất. Bởi vì đối với bà, một người đàn bà thông minh và từng trải, mọi điều bí mật đều đã lộ ra ngay. Cô gái này vì điều kiện bí mật đã trở thành cháu gái của bà tên là Dôxia, chẳng những là người mà tổ chức đảng cử đến để gặp Akimốp, cô còn là người yêu anh một cách sâu sắc và chân thành. Mà cái tình yêu ấy nó ra thế nào thì bà Xtaxia có thể hình dung ra được quá theo kinh nghiệm của bản thân bà. Chẳng phải là chính bà đã cùng chồng đi khắp các thành phố của đế quốc Nga này: lúc ở Vácsava, lúc đi Xaratốp và Xamara, lúc lên tận Êkaterinbua và Tômxcơ, lúc về Pêtécbua và Ôđétxa đó là gì? May mà hai vợ chồng họ chưa ngày nào phải đói. Ở khắp mọi nơi đôi tay khéo léo của Naximôvích đã cứu thoát họ cũng như đã cứu những người bạn cùng hoạt động. Đôi tay ấy làm được bất cứ việc gì: may những bộ y phục phụ nữ mốt nhất, sửa chữa đồng hồ, cắt tóc và uốn tóc, đánh bóng các đồ bằng gỗ, hàn xoong hàn nồi và mạ kền vào các ấm đun nước. Thường thường họ không ở đâu lâu quá một năm, Naximôvích sống rất liều lĩnh! Của đáng tội, liều nhưng mà bao giờ cũng có tính toán kỹ càng, liều một cách thông minh, và chỉ có điều đó mới giải thích được hiện tượng: trong suốt mười năm trời hoạt động cách mạng ông chưa lần nào bị rơi vào tay bọn mật thám chó săn, lần nào ông cũng thoát thân ngay trước mũi chúng.
o O o
Sau bữa ăn trưa Kachia và ông Naximôvích quyết định cùng ra bờ sông. Bà Xtaxia vừa chạy ra bến tàu một lần nữa về báo những tin mới nhất: xe ngựa chở người và chở hàng đã túm tụm quanh kho để đợi chuyến tàu từ Cônpasevô đến. Chắc là chẳng bao lâu nó sẽ phải xuất hiện ở quãng ngoặt của lạch nước Bêlôbôrôđốp.
- Nếu các bác đánh xe ngựa đã tề tựu ở đấy thì có nghĩa là chúng ta cũng đến giờ rồi, Dôxia ạ, lên đường thôi, - Naximôvích vừa nói vừa soi gương để sửa sang bộ ria mép ám khói thuốc.
Kachia cũng vội vàng sửa soạn: cô tết lại chiếc bím tóc dày cộm của mình và khéo léo cuộn nó vào cái chỗ khó giữ nhất là ở quãng giữa đỉnh đầu và gáy, rồi cô dùng ghim và cặp cài chặt lại. Chiếc mũ đen, với một dây nơ trắng buộc quanh chỏm giống như mũ của các thầy tu, được cô đặt lên đầu một cách lẹ làng và chắc chắn, hơi nhô về phía trước che lấp cái trán thẳng bằng của cô, sụp xuống sát đôi lông mày đen cong cong hình cánh cung.
- Brônhia, anh khoác tay Dôxia mà đi. Mọi người sẽ thấy rõ: hai bác cháu nhà này rất đỗi yêu đời, họ cùng nhau đi dạo, tranh thủ lúc cơn mưa vừa tạnh. Nhưng dù sao thì anh cũng cứ phải mang chiếc ô theo. Tiết trời hôm nay thế nào ấy, - bà Xtaxia nói có vẻ như răn dạy.
- Tất cả những người đàn ông nào gặp chúng tôi trên đường đều sẽ phải phát ghen lên đấy, Xtaxia ạ: bất cứ ai trong số họ cũng sẽ lấy làm sung sướng nếu được khoác tay và đi dạo với một cô gái đẹp như Dôxia của chúng ta đây, - Naximôvích mỉm cười nói, đưa mắt tinh nghịch nhìn vợ và Kachia.
Thế nhưng khi Kachia đã mặc chiếc áo khoác có viền lông sóc của cô vào, còn ông thì diện chiếc măng-tô dạ màu xám cổ nhung và chiếc mũ đen rộng vành, khi đó tự nhiên ông cảm thấy có điều ngần ngại, và ông nói với vợ vẻ đầy nghĩ ngợi:
- Không đâu, Xtaxia ạ, dù một ông già như tôi có hãnh diện đến đâu khi được khoác tay và đi dạo với một cô gái thì tôi và Dôxia cũng sẽ đi riêng. Cô ấy sẽ đi một bên vỉa hè, còn tôi sẽ đi một bên.
- Sao thế, anh Brônhia? Ở đây có ai biết Dôxia là ai đâu!
Naximôvích theo thói quen lại đưa tay ra, xòe những ngón tay dài, có nhiều nếp nhăn, rồi bắt đầu bẻ gập chúng lại.
- Lúc này thì chưa ai biết Dôxia - đúng như thế, nhưng rồi chúng sẽ nhận ra cô ấy ngay. Một đôi trai gái như thế này rất dễ bị bọn chúng chú ý. Mà chúng ta thì lại không nên để cho người ta biết đến. Đấy là một. Hai là thế này: nếu như Granhít về theo chuyến tàu này thực thì cả tôi, cả Dôxia dù đi một mình hay dù đi đôi cũng không được phép gặp anh ấy một cách công khai. Anh ấy sẽ tự tìm ra đường về nhà chúng ta, tùy thuộc tình huống mà anh ấy gặp phải. Ba nữa là, em biết đấy Xtaxia ạ: cẩn tắc vô ưu.
- Thôi tùy anh, anh Brônhia ạ, anh muốn làm thế nào thì làm, anh thấy rõ hơn em, và trong việc này thì anh hiểu biết hơn em, - bà Xtaxia ngoan ngoãn tán thành.
- Dôxia này, tôi sẽ đi theo hè đường bên trái, - Naximôvích cầm tay Kachia, - còn cô đi theo hè đường bên phải. Cô sẽ ra khỏi nhà sau tôi vài ba phút để khỏi lạc nhau. Cô cứ đi từ từ. Nếu như bỗng nhiên mà có một «cái đuôi» nào theo cô thì tôi sẽ nhìn thấy trước, bởi vì tôi sẽ luôn luôn để mắt nhìn sang bên hè bên phải. Trong trường hợp ấy tôi sẽ bỏ mũ ra và vuốt tóc.
- Thế cháu sẽ phải làm gì? - Kachia hỏi với vẻ lo lắng.
- Tôi nghĩ rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thôi. Nhưng nếu như cô vẫn cứ bị chúng để ý và bắt đầu theo sát, thì cô cứ lẩn vào trong cửa hàng lớn ấy. Cửa hàng ấy ở bên hè phía cô đi. Tôi sẽ cố gắng cũng có mặt tại đấy và sẽ giúp cô bằng cách nào đó.
- Cháu hiểu ý bác rồi, bác Brônhia ạ, - Kachia nói bằng một giọng bình tĩnh, nhưng cái vẻ lo lắng trong đôi mắt cô thì lại không ăn khớp với cái giọng nói bình tĩnh ấy. Suốt dọc đường từ Pêtrôgrát đến đây lúc nào cô cũng ở trong tư thế sẵn sàng và cái trạng thái luôn luôn căng thẳng ấy làm cho cô mệt mỏi.
- Trời ơi là trời! - bác gái Xtaxia thở dài, - người ta sống thật là kỳ quặc! Không thể nào gặp được con người mình yêu quý, như trái tim mong muốn.
- Đừng than vãn thế, Xtaxia. Đã có chuyện gì đâu nào, và tôi tin rằng mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp cả thôi, - Naximôvích ngắt lời vợ.
- Em cũng nghĩ thế đấy, anh Brônhia ạ. Còn cháu nghĩ sao, Dôxia?
- Chúng ta cứ hi vọng là mọi chuyện sẽ tốt lành, - Kachia nói, cố gắng tránh không nhìn bà Xtaxia.
Cánh cửa kẹt mở, và Naximôvích biến vào trong bóng tối của phòng đệm. Kachia đi đến bên cửa sổ, nhẹ vén góc rèm cửa trắng tinh nhìn ra và đợi cho đến lúc Naximôvích xuất hiện trên đường. Đợi khá lâu mà vẫn không thấy ông đâu. Chắc là lại có chuyện gì đó giữ chân ông thợ may ở cổng. Đúng như thế thật: trên đoạn hè đường, vì tránh đầm lầy nên phải nâng lên cao hơn cả thành cửa sổ, có hai đôi chân đang bước. Một đôi chân đi ủng da bóng lộn, còn đôi chân kia đi giày cao cổ màu vàng, có buộc dây.
- Con trai ông chủ hiệu thuốc đưa vợ có mang ra đường đi dạo đấy. - Đứng sau lưng Kachia, bà Xtaxia giải thích, - Còn đây là chân bác Brônhixláp này, - một phút sau bà lại nói tiếp, khi nhìn thấy đôi chân đi giày đen lồng trong đôi ủng cao su ngắn bóng lộn.
- Cháu cũng đến lúc phải đi rồi, - Kachia nói, buông góc rèm cửa xuống.
- Cháu yêu quý, chúc cháu gặp nhiều may mắn! - bác gái Xtaxia ôm choàng lấy Kachia thì thào.
Vào buổi sáng sớm ảm đạm, cũng như lúc này, giữa trưa ngày thu, ở cái ngõ Bôlốtnưi đều luôn vắng vẻ yên ắng. Con trai ông chủ hiệu thuốc và người vợ đang có mang của anh ta đã rẽ quặt sang phố khác, và ngoài Naximôvích ra, Kachia không còn nhìn thấy ai. Ra khỏi nhà một quãng ngắn thì Kachia qua đường để sang hè bên kia, như đã bàn định trước. Naximôvích bước những bước dài, không quay nhìn lại phía sau, cứ mỗi lần bước ông lại vung chiếc ô chưa mở mà lúc này ông dùng thay chiếc ba toong về phía trước. Một lát sau Kachia đã đuổi kịp ông, và họ đi ngang hàng nhau một quãng. Nhưng rồi Naximôvích dừng lại giây lát và Kachia có cảm giác như ông hất hất đầu. Kachia hiểu đấy là dấu hiệu bảo cô phải đi chậm lại. Cô cúi xuống để cài lại quai giày. «Sao bác ấy lại đi chậm thế nhỉ?! Chiếc tàu thủy có lẽ đã cập bến từ lâu rồi, và nếu như Ivan về cùng với tàu thì mình rất dễ không gặp được anh ấy», - Kachia lo lắng.
Đi theo Naximôvích chừng hai mươi phút thì Kachia đã có mặt ở bờ sông Tômi. Gió từ sông đưa lên mang theo mùi cá ươn, mùi bùn và mùi khói bếp ùa vào cô. Dòng sông đang cạn dần trước khi đóng thành băng phơi ra những doi cát phủ đá cuội đủ các màu. Mặt trời dìu dịu của một buổi chiều quang đãng rọi chiếu những tia nắng nhẹ lên những doi cát ấy, ánh phản chiếu của chúng hòa vào nhau, chốc chốc lại lóe lên rồi lại tắt, làm cho hai bên bờ sông sáng lên những sắc màu rực rỡ, không có vẻ gì là màu sắc mùa thu cả. Không còn một chiếc tàu nào ở bến, nhưng suốt dọc bờ sông, trong tầm mắt của ta, có rất nhiều xuồng, bè, thuyền kéo và thuyền con. Một vài chiếc đã bị đưa lên bờ, nằm im trên những khúc gỗ, còn những chiếc khác thì đang đợi đến lượt mình.
Ở chỗ đối diện với cầu tàu, Kachia đi đến bên Naximôvích. Mấy phút trước đó cô đã nhìn thấy ông đứng với một người đội mũ lưỡi trai đồng phục. Chắc đấy là một quan chức nào đó của bến tàu, mà có thể không phải chỉ của bến tàu, hình như là quản lý đường thủy nữa kia.
- Thưa ông, ông làm ơn cho tôi hỏi, - Kachia nói với Naximôvích bằng cái giọng ngân vang của mình, - ông có biết bao giờ thì chiếc tàu cuối cùng cập bến không ạ?
«Tự nhiên nhỉ! Cô gái biết cách xử sự thích đáng đấy», - Naximôvích lấy làm vừa ý khi nghĩ về Kachia và không thay đổi dáng vẻ trịnh trọng và thái độ nghiêm nghị trên nét mặt, ông lịch sự trả lời:
- Thưa quý cô, tôi vừa được tiếp chuyện với ngài trưởng bến đây. Ngài cho biết rằng con tàu chỉ một chốc nữa là sẽ xuất hiện ở máng nước của bến ta thôi. Ờ mà kia, cô nhìn xem! - bỗng Naximôvích kêu lên và vung cánh tay đang cầm ô. - Cô có thấy cột khói trên cánh rừng kia không? Đấy là con tàu nhả khói đấy. Chỉ mươi - mười lăm phút nữa là nó sẽ hiện ra ở đoạn ngoặt kia thôi.
- Thưa, tôi thấy rồi đấy ạ. Xin cám ơn ông.
Kachia đi khỏi chỗ Naximôvích, cô tỏ ý không quan tâm gì đến con người ấy. Để làm ngắn lại những phút giây chờ đợi nặng nề tưởng như vô tận, cô gái cứ đi đi lại lại trên bến ở đoạn bờ sát nước, như sẵn sàng đón con tàu, vừa đi vừa nhớ lại và suy nghĩ về những lần gặp gỡ trước đây với Akimốp.
Dòng sông giấu mãi con tàu ở đoạn ngoặt gấp khúc của mình. Nhưng cột khói nó nhả ra cứ đậm dần đậm dần và mỗi lúc càng in rõ trên nền trời xanh không gợn một áng mây. Cuối cùng một vệt đen ánh lên ở những đường viền xung quanh, hiện ra trong ánh nắng mặt trời. Cái vệt đen đó lớn dần lên và trắng dần ra, và sau khoảng chừng mười lăm phút, nó đã hiện ra với tất cả các chi tiết trên mình nó.
Khi Kachia quay lại chỗ chiếc cầu nối giữa bờ và cầu tàu, cô nhìn thấy một đám đông nhốn nháo và một hàng dài đến một cây số những người đánh xe ngựa đang tiến từ phía các kho chứa hàng đến chỗ chân cầu tàu chính.
Rơi vào giữa đám đông, Kachia không đứng yên một chỗ. Cô hết trèo lên cầu tàu lại đi xuống, thuận theo sự xô đẩy của dòng người, cái dòng người mà ai rơi vào cũng đành phải để cho nó xô đẩy theo. Có một lần cô giáp mặt Naximôvích. Người thợ may chỉ nhìn cô bằng đôi mắt lơ đãng, tựa hồ như ông ta thực không biết cô là ai. Một cảm giác nghịch ngợm trẻ thơ vô tư trong giây lát bỗng tràn ngập trong cô, cô nheo mắt một cách láu lỉnh, rồi nháy nháy với ông. Để trả lời thái độ nghịch ngợm ấy của cô gái, Naximôvích càng mím chặt môi lại, và Kachia hiểu ra rằng ông không tán thành ngay cả một sự ngang tàng nhỏ nhất.
Một lúc sau, chiếc tàu chỉ có một tầng, đã khá cũ kỹ và cũng không còn được trắng như Kachia tưởng tượng khi nhìn nó ở phía xa, đã xả hơi một cách ồn ào, rồi vào bến trong ánh nắng chói chang. Nó áp mạn vào chiếc cầu tàu đang chật ních và nặng trĩu những người.
- Tránh ra nào! Tránh ra nào, các người! - bỗng một giọng the thé chói tai vang lên, lấp cả tiếng ồn ào huyên náo của đám đông. Mọi người tránh sang hai bên, và dưới sự chỉ huy của viên sĩ quan hiến binh có cái mặt đỏ lựng và mồm luôn gào ầm ĩ: - Tránh ra nào, các người! Tránh ra! - đội hiến binh tiến vào chỗ lối ra của hành khách, nơi lúc này vừa bắc một chiếc thang rộng và mềm mại.
Kachia cảm thấy rụng rời. Có nghĩa là Ivan đi chuyến tàu này. Bọn chúng đến để bắt anh», - cô gái nghĩ và cô cố chen qua những người đứng ở trên để đến gần cái lối mà những hành khách xuống tàu sẽ đi qua. «Để cho Ivan nhìn thấy mình. Dù sao thì anh ấy cũng sẽ đỡ khổ hơn khi thấy rằng bạn bè không bỏ quên anh» - một ý nghĩ thoáng qua trong đầu Kachia.
Cô gái lấy hết sức và quyết tâm để len qua đám người, mặc cho những người đàn ông, đàn bà chốc chốc lại tuôn ra những lời chửi mắng cô. Sau khi bị xoạc chỉ hai bên cổ tay áo và bị đứt các khuy áo và sau khi bị một mụ đàn bà cau có đánh khá đau vào cổ, Kachia đã chen được ra khỏi đám đông đến chỗ hàng rào của đội cảnh sát cách chiếc thang cho hành khách xuống, mà lúc này những người thủy thủ đang lao ra để nối vào cầu tàu, chừng ba bước.
- Trời ơi! Tiểu thư từ đâu đến đây, đến cái miền đất xa xôi hẻo lánh này? - người hiện ra đối diện với Kachia bỗng kêu lên. Ông ta chỉ đứng cách Kachia có một đường thang bắc làm cầu.
Trong giây lát Kachia nhớ ngay ra con người ấy. Cô thường gặp ông ta ở gần chỗ phòng tạm giam ở Pêtrôgrát mỗi khi cô đến đưa quà cho Akimốp. Dạo ấy có mấy lần ông ta tự giới thiệu mình là bố của một công nhân bị bắt hiện giam trong nhà tù này để bắt chuyện với cô. Nhưng có một cái gì đó trong con người ông ta khiến cô không thể nào cởi mở được. Có thể đó là cái bộ mặt quá ngây thơ, thậm chí ngô nghê của con người ấy, với đôi mí mắt hùm hụp, đôi má và cái cằm xề xệ, đôi mắt lờ đờ như ngái ngủ, mờ đục như màu của bầu trời vào ngày thời tiết xấu?.. Thế còn bản thân ông ta, ông ta xuất hiện ở cái thành phố Tômxcơ này để làm gì? Sự bắt buộc nào đã xua đuổi ông ta ra khỏi thủ đô đến cái nơi xa xôi hẻo lánh này? Có thể là nỗi lo lắng cho con, nỗi lòng người cha buồn nhớ con chăng? Chắc là đứa con trai của ông ta cũng đi theo con đường mà Akimốp đã phải đi, - bị đày đến vùng Narưm. Kachia đã định nói với con người ấy rằng nỗi lo lắng cho số phận của người thân đã một lần nữa xui khiến họ gặp nhau, thì bỗng cô thấy hắn đưa mắt cố làm hiệu cho một người nào đó. Cùng lúc đó Kachia nhận ra rằng cái đôi mắt đục mờ ngái ngủ của hắn bỗng trở thành đôi mắt diều hâu dữ tợn, đôi mắt ấy bốc lửa, mở trừng trừng đầy vẻ nhẫn tâm câm lặng. Chỉ trong chưa đầy nửa giây, Kachia hiểu ra ngay rằng cái con người mà cô tưởng nhầm là bố của một công nhân nào đó bị bắt, thực ra chỉ là một tên chỉ điểm bình thường nhất, và có thể hắn đến đây để tham gia vào việc săn bắt Akimốp.
- Thưa quý ông, quý ông nói gì vậy ạ? Chắc quý ông nhầm đấy thôi, - Kachia nói một cách dứt khoát mặc dù hai chân cô run lên vì xúc động.
- Ồ, không đâu! Giọng nói của cô, thưa tiểu thư, đặc biệt lắm: chỉ nghe thấy một lần là mãi mãi không quên. - Hắn vẫn tiếp tục đảo mắt lia lịa và đưa tay định túm lấy vai áo Kachia.
- Prôskin, để mắt vào mà nhìn cho kỹ!.. - Tiếng gọi the thé giật giọng, thô bạo làm cho cánh tay hắn buông ra.
Chỉ cần một sự rối trí ấy của hắn thôi là đủ. Một giây - hai giây lúc này có giá trị quyết định. Cô bỏ mũ ra, khom gối ngồi xuống và lẩn vào đám đông. Khi Kachia ngó đầu ra để xem thử Prôskin có đuổi theo cô không, thì thấy hắn vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ. Vẫn với đôi mắt diều hâu ấy, hắn chằm chằm nhìn vào mỗi hành khách từ trên tàu xuống. Cái mặt xì xị của hắn nhăn nhó vẻ thất vọng. Rõ ràng là một con mồi đã sổng khỏi tay hắn, còn con thứ hai thì chưa vội sa vào lưới.
Kachia hiểu rằng cô phải đi khỏi nơi đây, đi ngay lập tức. Cô len lách qua đám đông tràn ngập ở cầu tàu để lên bờ sông và ở đấy, không giữ ý gì nữa, cô gần như là bỏ chạy theo một hướng vô định. Cô rẽ vào một ngõ nhỏ, rồi lại vào ngõ thứ hai, thứ ba, và chốc sau cô ra đến một chiếc cầu vắng vẻ dẫn lên một ngọn đồi.
Cuối cùng Kachia dừng lại. Cô định thần và nhìn thấy ngay trước mặt mình là một cái hồ, trên mặt hồ những đàn ngỗng, vịt đang bơi lội. Bờ hồ đôi chỗ có trồng những cây thùy liễu, những bụi xiêm gai và anh đào. Chỗ này, chỗ kia có một vài chiếc ghế, những ngày hè vào lúc rỗi rãi nhất công nhân và dân sống ở gần hồ ra ngồi chơi ở đó để tiêu khiển thời gian. Lúc này bờ hồ vắng vẻ và hiu quạnh. Kachia ngồi xuống một chiếc ghế có những cành xiêm gai mềm mại xòa xuống che khuất. Từ trên này có thể nhìn rõ mọi ngả đường chạy xuống dốc đến bên hồ.
Trước tiên phải sửa sang lại trang phục cái đã. Kachia lấy trong túi xách ra hộp phấn chiếc gương và cái lược. Khi sửa lại mái tóc, cô lấy những chiếc cặp ghim dự trữ dùng thay số cặp ghim đã bị mất trong đám đông ngoài bến tàu, dùng khăn mùi xoa lau khuôn mặt đầy mồ hôi, rồi cô thoa phấn, đội mũ lên, kéo sụp thêm vành mũ xuống trán thấp hơn lúc bình thường. Nhìn mình ở trong gương với một thái độ soi mói, cô vẫn thấy vừa ý với mình. Trên gương mặt đã không còn dấu hiệu của sự lo ngại và căng thẳng vì vừa phải chạy trốn. Nhưng hai chiếc cổ tay áo bằng lông sóc thì lại làm cô buồn quá. Bên tay trái, cổ tay gần như bị xoạc hẳn ra, chỉ còn dính lại một tý và cứ lủng la lủng lẳng ở đầu tay. Còn bên phải thì cổ tay rách tan, chỉ còn dính lại mấy mảnh. Xuất hiện trên đường phố đông người với chiếc áo như thế này thì không thể coi được.
Như thường lệ, Kachia vẫn mang theo trong túi xách của mình kim và chỉ đựng trong cái vỏ đạn. Nhưng sờ đi sờ lại mãi trong xắc, Kachia bỗng nhớ ra là trước khi rời Pêtrôgrát cô đã bỏ bớt những thứ không cần thiết ở trong xắc ra và đã bỏ cái vỏ đạn đựng đồ may khâu sang vali.
Những chiếc ghim băng đã cứu vớt tình thế. Kachia suốt đời bao giờ cũng vội vàng và lúc nào cũng hay bị muộn. Mỗi lần như thế thì ghim băng là vô cùng được việc. Chúng có thể dùng thay cho một chiếc khuy, chiếc cúc bấm, chiếc móc, thậm chí thay cho cả một đường khâu. Kachia thò tay vào phía trong cổ áo khoác. Ở đấy có cả một kho báu - ba chiếc ghim băng. Chiếc ghim băng thứ tư cài ở chiếc túi trong của áo khoác. Chính cô gái cũng không hiểu vì sao chiếc túi trống rỗng ấy lại được gài ghim băng cẩn thận như vậy, nhưng chiếc ghim băng thứ tư đã hoàn toàn cứu cô khỏi tai nạn. Hai chiếc dùng cho cổ tay bên trái, còn hai chiếc - cổ tay bên phải. Bây giờ thì, cẩn thận một chút với những chỗ vừa gài tạm, cô có thể mặc chiếc áo khoác ấy mà đi diễu qua trước mặt cả một hàng các cô gái ăn mặc mốt nhất mà bọn họ cũng không thể nhận thấy gì. Bên ngoài trông chiếc áo khoác vẫn hết sức chỉnh.
Trong khi sửa sang lại đầu tóc trang phục và để ý quan sát xung quanh hồ, đầu óc Kachia vẫn để ở bến tàu. Akimốp có đi chuyến này không? Nếu như có thì không biết anh ấy có thoát được không? Không nhẽ cuộc chạy trốn khỏi nơi lưu đày Narưm của anh ấy lại thất bại một cách buồn thảm như thế này sao? Chắc là Naximôvích đã biết hết mọi chuyện. Rất có thể Akimốp hiện đã đang ngồi ở nhà người thợ may. Và họ, có thể, đang ngồi uống trà với mứt quả của bác Xtaxia. Mà cũng có thể lại hoàn toàn khác: chúng nó đã bắt được Akimốp và anh ấy đang đau khổ trong phòng giam của nhà tù, không biết rằng cô, Kachia, đã làm tất cả mọi việc để hoàn thành nghị quyết của thành ủy về việc chạy tiền và chạy hộ chiếu cho Akimốp đi nước ngoài. Cô đang ở tại đây, ngay bên cạnh anh... Ngay bên cạnh, nhưng đành chịu không thể có cách gì giúp anh được... Cô thở dài thất vọng, định bụng sẽ ngay lập tức trở về nhà Naximôvích ở ngõ Bôlốtnưi, nơi hoặc là niềm vui và hạnh phúc đang đợi cô, hoặc là một sự thử thách mới.
Kachia bước đi thong thả trên con đường vòng vèo, từ bụi cây này đến bụi cây kia, từ gốc cây này đến gốc cây khác. Ngày đã gần tàn, nắng nhạt dần, màu vàng dát trên mặt hồ cũng đã tắt. Bóng tối lan ra từ trong các ngõ hẻm vắng lặng, từ các bãi trống của cái thành phố mà nhà cửa đều làm bằng gỗ này. Nhà thờ đã đánh chuông giục những người theo đạo cầu kinh buổi tối, và tiếng chuông ấy ngân nga đơn điệu gây cho ta tâm trạng u buồn.
Chốc sau bắt đầu gặp những người qua lại. Nhìn mỗi người đàn ông, Kachia lại có cảm giác như đấy là Prôskin. Cô nheo mắt lại cố sức đoán định để có thể thấy trước là nguy hiểm chưa đe dọa cô.
Thành phố Tômxcơ nói về quy mô của nó, thì chưa chắc đã bằng được một phần nào đấy của Pêtrôgrát, nhưng dù sao thì nó cũng là thành phố có dân số một trăm nghìn người mà Kachia chưa hề biết gì về nó. Kachia mãi vẫn không dám hỏi thăm người đi đường xem cái ngõ Bôlốtnưi ấy nó ở đâu, cô cứ đành đi theo sự đoán định của mình. Cuối cùng cô mạnh dạn hỏi một bà cụ già, và bà cụ sẵn sàng chỉ dẫn cho cô lối đi ra khỏi vùng hồ này sang phần thành phố nằm dưới thấp. Hóa ra là đáng lẽ phải đi về phía nhà Naximôvích thì Kachia cứ mỗi ngày càng đi xa hơn.
Nghĩ lại về những gì đã xảy ra, Kachia cho rằng cô không cần vội vàng. Sẽ càng tốt nếu cô về đến ngõ Bôlốtnưi lúc trời đã tối. Của đáng tội, ý nghĩ cho rằng Akimốp đang nóng lòng chờ đợi cô ở nhà Naximôvích lại giục giã cô, nhưng đã mấy lần cô ghìm bớt sự nóng lòng và đi chậm lại. Kachia còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác bí mật, nhưng những lời chỉ dẫn của anh Alếchxanđrơ thì cô vẫn nhớ: «Đừng có mạo hiểm trong bất cứ việc gì, Kachia ạ, em phải nghe theo sự linh cảm của mình. Thà quá thận trọng một chút, còn hơn là ra vẻ ta đây can đảm. Sự dũng cảm và sự táo bạo rồi sẽ đến. Tất cả tương lai của em còn ở phía trước».
o O o
Cuối cùng khi Kachia đã về đến nhà Naximôvích thì những người phu vệ sinh đã lên đèn đường. Trong nhà vẫn tối, và hiện tượng đó làm cho Kachia giật mình cảnh giác. Nhưng rồi, đứng ngoài hè phố mấy giây, cô vẫn bước vào cửa rào.
- Ôi, Đức bà đồng trinh Maria! Bây giờ cháu mới về!
Bác Xtaxia dang rộng hai cánh tay, rồi ghì mạnh cô gái vào tấm thân mềm mềm của mình; phảng phất mùi thịt gà vài mùi cà-phê. Kachia không cần hỏi cũng hiểu ngay ra: «Akimốp không có ở đây. Bác ấy thương mình».
- Ôi, quân vô lại, quân giết người, chúng nó bày bố mới gớm chứ! - Naximôvích vừa xúc động đi lại trong phòng, vừa kêu lên với một giọng đầy căm phẫn.
- Nhưng là cái gì kia chứ ạ, thưa bác Naximôvích, - Kachia hỏi, cô chợt nghĩ: «Hay là Akimốp đã bị bắt? Không biết có phải vì thế mà bác Naximôvích bực dọc vậy không?»
Naximôvích cầm lấy tay Kachia và mời cô ngồi xuống ghế. Ông cũng ngồi xuống ghế bên cạnh.
- Thế không phải là cháu vừa từ bến sông về sao, cháu Dôxia? Bác cũng vừa về đến nhà đấy, - Naximôvích nói, cố gắng ghìm bớt sự xúc động.
- Cháu chạy khỏi bến sông từ lâu rồi...
- Cháu làm thế là tốt đấy, Dôxia ạ, nếu không cháu đã rơi vào cái bẫy của chúng rồi. Chúng nó chặn lối ra ở chỗ cầu tàu và cả cái đám đông ấy chỉ cho ra từng người một, chúng giũ từng đồ vật người ta mang theo, nắn quần áo, giày dép, hình như chúng nó cho rằng con người mà chúng cần tìm có thể nhảy từ tàu ra qua chân của chúng, như một chú chuột vậy. Thế là mọi người như bị giam lại suốt bốn tiếng đồng hồ.
- Bác Naximôvích ạ, cháu đi khỏi đấy ngay từ lúc những hành khách đầu tiên từ trên tàu bước chân xuống thang...
- Chỉ một phút sau đó là chúng nó bắt đầu chặn lối ra chỗ cầu tàu. Tôi nhìn thấy chúng đã đưa lính ra xếp thành vòng vây thứ hai.
«Thế đấy! Có khi chúng dăng bẫy định bắt mình cũng nên?» - Kachia nghĩ.
- Thế nhưng Granhít chưa đến đâu, Dôxia ạ, - Naximôvích nói tiếp. - Và cũng may là chưa đến đấy. Tôi tin chắc rằng nếu anh ấy hôm nay mà có mặt trên tàu thì không sao có thể trốn thoát đâu.
- Thế nhưng anh ấy đang ở đâu kia ạ? Có chuyện gì xẩy ra với anh ấy ạ? Bác Naximôvích ơi, bác nghĩ thế nào về việc ấy ạ? - Kachia hỏi gần như thì thào. Bóng tối dầy đặc trong buồng, ánh trăng mờ đục chiếu vào cửa sổ, sự yên ắng của đường phố vây lấy ngôi nhà - tất cả những cái đó khiến cho người ta không dám nói to.
- Dôxia ạ, từ giờ đến sáng mai chắc là chưa thể phỏng đoán gì được. Là một người thận trọng, chắc Granhít đã xuống tàu ở bến trên. Như vậy có nghĩa là trưa mai hoặc muộn nhất là tối mai anh ấy sẽ tới đây, như thế là đi bộ đấy.
Naximôvích cũng nói gần như thì thầm, nhưng khi ông vừa dứt lời thì bác Xtaxia từ nãy đến giờ vẫn ngồi nép bên cạnh chồng ở góc nhà đã lên tiếng:
- Đúng là thế đấy, anh Brônhia ạ! Em cảm thấy rất rõ là anh ấy đang ở gần đâu đây.
- Lạy Chúa, mong sao cho em không bị cảm giác đánh lừa, Xtaxia ạ. Có đúng thế không, cháu Dôxia?
- Cháu cũng hết lòng lạy Chúa cầu mong sao được như thế, - Kachia kêu lên.
- Rồi bác cháu nhà anh sẽ còn nhớ lại lời tôi nói, - bác Xtaxia nói hơi có vẻ tự ái.
- Thế nào, em Xtaxia, đã đến lúc chúng ta đốt đèn và đặt ấm xamôva chưa nhỉ? - Naximôvích ân cần nói, ý muốn xí xóa câu đùa khiếm nhã của mình.
- Anh Brônhia hiền nhất đời của em, anh thì bao giờ cũng nhắc chậm quá đấy. Ấm xamôva em đã đặt từ lâu rồi. Em lại còn làm cả bánh quy bơ nữa đấy. Em bảo đảm với anh là bánh ấy chẳng kém gì cái thứ mà các chuyên gia làm bánh kẹo ở Vacsava và Viên từng làm. Cháu Dôxia, thế cháu có thích ăn bánh bích quy nóng sốt không?
- Ôi, bác Xtaxia, cháu thích lắm ạ! Cháu nhận ngay ra là bác vừa làm bánh. Người bác tỏa mùi bánh bơ ngon tuyệt vời.
- Anh nghe thấy chứ, anh Brônhia? Hãy quý trọng em anh ạ!, - bác Xtaxia cười và nhẹ nhàng bước đi.
Naximôvích đứng dậy chắc là để đi theo chân vợ, nhưng Kachia gọi giật ông lại:
- Xin bác ngồi lại đây một tý ạ.
Kachia phải kể lại cho Naximôvích nghe tất cả mọi chuyện vừa xảy ra ở chỗ cầu tàu. Cuộc gặp mặt với Prôskin đã gây ra một tình thế mới cho những ngày cô ở Tômxcơ này. Cô đã không thông báo ngay sự việc, vì không muốn nói chuyện ấy khi bác Xtaxia có mặt ở đây. Thứ nhất vì cô không muốn làm cho người đàn bà đáng yêu này phải lo lắng, thứ hai nữa, vì Kachia không rõ Naximôvích có chia sẻ với vợ ông tất cả mọi chuyện trong công tác hoạt động bí mật của ông không? Chẳng có lẽ nào ông lại lôi kéo cả bác Xtaxia vào mọi công việc khi cần, phải giữ bí mật.
Bác Xtaxia bật đèn, rồi đi vào bếp. Từ trong bếp vang ra tiếng bát đĩa va nhau loảng xoảng.
Kachia kể lại sự việc xảy ra ở cầu tàu một cách tuần tự và chính xác hoàn toàn. Naximôvích ngồi nghe không hề nói một lời. Sự im lặng, đó thật là nặng nề và tẻ nhạt. Khi cô gái dứt lời, ông rên hừm một tiếng kéo dài, rồi lấy bàn tay đập đập vào trán mình.
- Thế mà bác cứ đoán mãi đoán mãi: vì sao bọn chúng lại vây đám đông lại? Thì ra chúng cần phải bắt cháu. Cháu thoát đi thế là giỏi lắm. Giỏi lắm!
- Bác Naximôvích! Thế bây giờ cháu phải làm gì? - Kachia hỏi với vẻ lo lắng thật sự.
Naximôvích một lúc lâu vẫn không trả lời. Kachia nhìn thấy ông cứ mân mê mãi mép chiếc áo khoác.
- Cháu không được ra ngoài phố. Chúng nó sẽ ngay lập tức dựng mọi người dậy chỉ cốt để tìm bắt cháu, - Naximôvích vừa nói vừa quay nhìn qua vai về phía có tiếng bát đĩa đang va nhau. - Ngày mai cháu sẽ phải ngồi ở nhà. Biết làm sao, đành phải ngồi buồn mất chừng một vài tuần. Còn bác thì bác sẽ cố gắng tìm hiểu đôi chút về việc chạy trốn của Granhít, đi hỏi những người đồng chí tin cậy xem sao...
- Nào, nhanh lên, cháu Dôxia, anh Brônhia, nhanh lên, ta vào bàn thôi! - bác Xtaxia từ trong bếp đi ra, trên tay bác là một chiếc đĩa đựng đầy bánh vừa nướng ở bếp lò ra nở phồng, mặt bác còn hồng hào vì hơi lửa.
- Chúng tôi vào bàn đây, ngay bây giờ đây, em Xtaxia ạ, - Naximôvích vừa trả lời vừa kéo Kachia đứng dậy, tay ông nắm chặt chỗ phía trên khuỷu tay cô gái, ý nói: «Đừng có hở gì ra về những việc xảy ra ở ngoài bến tàu đấy!»
- Ôi, bác Xtaxia ơi, bác làm bánh tuyệt quá! Mà sao bác làm nhiều thế! - Kachia reo lên vui sướng thật sự và nhân lúc thuận tiện, cô nắm tay Naximôvích: «Cháu đã hiểu ý. Hiểu rất đầy đủ».
o O o
Kachia ngồi lỳ trong căn buồng nhỏ mà hôm qua gia đình đã ngăn ra cho cô. Yên ắng và ảm đạm. Ảm đạm không chỉ vì các cửa sổ buồng đều che bằng rèm vải đã bạc màu. Ảm đạm cả ngoài đường phố. Mưa rơi xen kẽ với tuyết. Bầu trời, nhìn rõ qua nửa trên của khung cửa sổ để trống, cũng mờ đục, xám xịt và nặng như chì, trông có cái vẻ gì thật là dữ dội.
Buổi sáng hôm ấy đối với Kachia thật là dài vô tận. Cô lần lượt cầm lên những quyển sách nằm ở trên bàn và lật lật các trang. Không có gì là hay ho cả. Đấy là những cuốn tiểu thuyết đã rách nát, không đầu, không đuôi. Hình như là sách dịch từ tiếng Pháp. Kachia đoán vậy vì nhìn thấy các tên nhân vật: Pie, Luida, Gioócgiơ, Víchto, Luy, Iren... «Chẳng có nhẽ bác Naximôvích lại không kiếm được cái gì khác hơn để mà đọc?» - Kachia thầm trách ông thợ may, nhưng ngay lập tức cô nhớ ra rằng mình đang ở một địa điểm hoạt động bí mật. Còn phải hoạt động bí mật thì còn có nguy cơ bị lộ. Bác Naximôvích làm thế này là đúng. Trên bàn của bác toàn là những sách chẳng có vấn đề gì. Thật là kỳ quặc, nếu ở đây mà ta lại thấy các tác phẩm của Mác, của Plêkhanốp, của Lênin hoặc là những báo chí và truyền đơn bí mật của đảng.
Dù sao Kachia cũng đọc được đến 15-20 trang của một cuốn tiểu thuyết, rồi cũng độ chừng ấy trang ở cuốn thứ hai, đến cuốn thứ ba, thì cô đọc được ít hơn một chút. Nhưng cô đọc một cách lướt qua. Những sự kiện cứ trôi tuột đi như những cái bóng, mà không đọng lại trong ý thức của cô. Cái thích nhất mà cô chú ý tới - đó là chiếc đồng hồ. Một chiếc đồng hồ quả lắc, bình thường nhất. Nó kêu khá to và đơn điệu, chiếc quả lắc hết đưa sang bên này lại đưa sang bên kia, nhưng trong cái động tác đơn điệu ấy có một cái gì đó an ủi lòng người, có thể vì sự chuyển động của chiếc kim đã ghi lại bước đi của thời gian, bước đi của cuộc sống.
Lúc Kachia ăn sáng xong trở về buồng là tám giờ và lúc ấy lần đầu tiên cô ngước mắt lên nhìn đồng hồ. Khi ngồi uống trà Naximôvích đã tính toán thử. Theo như lời của ông, thì khoảng cách từ Tsêrnhisicôvô - bến cuối cùng trước khi đến Tômxcơ - đường bộ không quá hai mươi vécxta. Granhít có thể đi quãng đường đó trong bốn năm giờ. Nhưng ban ngày thì chắc là anh ta không dám đi. Anh có cả một buổi tối và đêm. Anh đến thành phố vào lúc tảng sáng khi bọn cảnh sát, mật vụ còn đang ngủ ngon. Như vậy thì anh ta có thể sắp đến đây, đến nhà của ông Naximôvích này rồi..
Lúc tám giờ Kachia đoán rằng: nếu như độ mười giờ mà Akimốp không đến thì có nghĩa là tất cả những tính toán của Naximôvích đều không có cơ sở. Thế là Akimốp không đi chuyến tàu này, anh ấy bị nhỡ tàu, và cái gì đang đợi anh ấy - điều đó không ai biết.
Nhưng đây, đồng hồ đã điểm mười tiếng. Kachia rời khỏi chiếc đi-văng, đi đi lại lại trong phòng, nghe ngóng. Bỗng ở bên ngoài, nửa bên kia của gian phòng có tiếng gõ cửa, mọi người có vẻ vội vã, có tiếng xô ghế. «Anh ấy đến rồi!» - Kachia thoáng nghĩ, và cô xúc động quá máu dồn lên mặt. Cô đã toan nhẩy ra khỏi cái tổ của mình để cho Akimốp mừng rỡ: đoạn đường tiếp của anh hoàn toàn thuận lợi, cho đến tận Xtốckhôn. Vừa đi được vài bước, cô bỗng lặng người đi. Tờ phía buồng của vợ chồng bác Naximôvích vọng lại một giọng phụ nữ rất linh hoạt. Kachia hiểu rằng: hôm nay là ngày ông thợ may nhận đơn đặt hàng, và những cô gái mặc mốt đầu tiên đã đến.
Kachia lại nằm xuống đi-văng, co người lại và nhìn lên đồng hồ, cô lùi giờ ấn định thêm 3 tiếng, rồi tự lý luận với mình: «Định giờ đến của anh ấy là mười giờ thì thật là vô lý. Có phải anh ấy đi tàu đâu. Chắc là anh ấy mệt. Rồi lại còn ướt át, bùn lầy, đường đi bẩn thỉu nữa chứ. Đến ở đây, trong thành phố còn chả đi đến đâu được nữa là ở trong rừng thì lại càng khó đi hơn».
Chiếc kim nhích từng giây một, Kachia nhắm mắt lại, rồi lại mở mắt ra, rồi lại nhắm mắt lại định ngủ, nhưng vô ích. Buồng ngoài, chỗ Naximôvích, lại thấy cửa mở và tiếng chân đi, tiếng ghế di chuyển. Nhưng lần này thì Kachia thậm chí không thèm ngẩng đầu lên. Những cô gái ưa thích mốt của thành phố Tômxcơ cứ việc vào ra và bác thợ may cứ việc cất giọng ồm ồm. Nhưng mà sao các nàng ấy lại ở đâu ra lắm thế? Kachia thử tính ra tất cả các ngày hội về mùa đông. Phải, tất nhiên là sắp đến ngày lễ thiên chúa giáng sinh, và rồi cũng chẳng mấy chốc mà năm mới đến! Năm mới - 1917! Nó sẽ như thế nào nhỉ? Nó sẽ có gì để đánh dấu lịch sử?
Mười hai giờ, vẫn chưa thấy Akimốp đến. Kachia lại lùi sự chờ đợi của mình thêm hai giờ nữa, cô giải thích điều đó một cách hết sức giản đơn: Akimốp là một người hoạt động bí mật có kinh nghiệm. Trước khi bước chân vào nhà Naximôvích anh phải quan sát đã. Nhưng sự quan sát ấy không làm cho anh yên tâm. Những người phụ nữ cứ ùn ùn đến nhà ông thợ may. Nhất định là Ivan đã biết những con người này là thế nào rồi. Những cô gái thích ăn diện ở cái tỉnh lẻ này, vừa khoe mẽ, vừa tô son vẽ phấn đến phát ngạt lên, có thể nhận ra từ xa hàng cây số. Hôm qua trong lúc lang thang trên đường phố Kachia đã ngắm họ chán mắt rồi. Rõ ràng là Ivan đang phục sẵn ở một nơi nào đấy. Và anh sẽ không lên nhà trước ba giờ chiều. Bác Naximôvích tiếp khách đến hai giờ mà lại. Trên tờ giấy dán quảng cáo, dưới dòng chữ: «Nhận may y phục phụ nữ. Chất lượng ngoại hạng», - có đề: «Nhận may vào các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Khách từ thành phố khác đến có thể tiếp vào bất cứ giờ nào».
Nhớ lại tấm biển và tờ quảng cáo của Naximôvích, Kachia mỉm cười thầm: «Khách từ thành phố khác đến». Ông chủ của cái địa điểm hoạt động bí mật khéo bịa thật! Ở cái thành phố Tômxcơ này thì làm gì mà có khách ở các thành phố khác kia chứ? Chả nhẽ người ở Craxnôiarxcơ, Nôvônhicôlaépxcơ và Ômxcơ đến đây hay sao? Khách ở các thành phố khác - đấy là những người như cô, như Ivan Akimốp... Chắc là đã có nhiều người qua căn nhà của Naximôvích nhờ cái dòng chữ đó...
Nhưng cho đến quá hai giờ vẫn không thấy kẻ chạy trốn khỏi nơi lưu đày Narưm xuất hiện. Đến ba giờ thì Naximôvích bước vào căn buồng giành cho Kachia.
- Thế nào, Dôxenca, một mình có buồn không? - Ông chăm chú nhìn Kachia, vẻ mặt rầu rĩ, rồi ông chuyển sang nói về chuyện khác: - Dôxenca ạ, thế là Granhít không đến rồi. Đợi thêm nữa cũng vô ích thôi, chắc chắn là vì sao đấy mà anh ấy không lên tàu được. Vả lại điều đó cũng rõ thôi. Granhít ở Narưm, tàu thì chạy từ Cônpasevô. Đường đất thì chẳng bao nhiêu, nhưng không phải có thể bám vào bất cứ chiếc tàu nào. Nói tóm lại là không gian, là Xibiri.
- Thể nhưng liệu anh ấy có bị sa lưới ở đâu không ạ? Ở ngay tại đấy, ngay nơi anh ấy vừa trốn ra, hoặc ở đoạn đường nào đấy không ạ? - Kachia hỏi, mặc dù cô đã biết rõ bác Naximôvích sẽ nói gì với cô.
- Mọi cái đều có thể xảy ra. Chúng ta thông minh, chúng ta đắn đo đến hàng chục, thậm chí đến hàng trăm lần. Nhưng kẻ thù của chúng ta, Dôxenca ạ, chúng cũng không ngu ngốc đâu. - Naximôvích dừng lại, đưa mắt về phía cửa, hạ giọng gần như thì thào. - Bác không muốn, cháu Dôxia ạ, để cho bác gái Xtaxia biết về việc đã xảy ra với cháu ở bến sông. Không nên làm cho bác cháu phải lo lắng. Bác cháu bị bệnh tim...
- Cháu đồng ý thế, bác Naximôvích ạ...
- Đồng chí Naximôvích chứ, - người thợ may cười mỉm.
- Vâng, tất nhiên là đồng chí rồi. Nhưng đấy là thói quen ạ...
- Bác không phê phán đâu. Không đâu... Gọi bác cũng được. Nhưng tốt hơn hết là gọi bằng bác... Mà đến giờ ăn cơm rồi đây, cháu Dôxia-Kachia ạ. Cháu nghe thấy không, bác gái Xtaxia đã khua bát đĩa ầm ĩ rồi đấy.
Mùi thức ăn nóng sốt ngon lành lùa vào qua khe cửa khép hờ.
- Sau bữa cơm trưa, cháu Dôxia ạ, bác sẽ đi vắng khoảng chừng hai tiếng. Có thể các đồng chí khác biết được tin tức gì về Granhít chăng, - Naximôvích vẫn nói với một giọng gần như thầm thì.
- Thế thì tuyệt, bác Brônhia ạ. Cháu mừng lắm! - Kachia reo lên, hai tay vỗ vào nhau, mặt đỏ lên, ngượng ngập, và thầm trách mình: «Mọi cái trong ta đều quá là cá nhân. Chắc Naximôvích tưởng rằng mình là người yêu của Akimốp mà có khi hơn thế nữa - là vợ của anh ấy cũng nên. Thế mà có gì đâu, hoàn toàn không có gì cả, ngoài bức thư ngắn ngủi mà anh ấy gửi từ dạo ở phòng tạm giam».
- Còn cháu, Dôxia ạ, cháu lại phải ngồi buồn một mình đấy.
- Đành vậy thôi, bác Brônhia ạ.
Họ đi ra căn phòng rộng vào đúng lúc bác gái Xtaxia mang từ trong góc phòng ngăn làm bếp ra một chiếc liễn trắng đựng đầy xúp chua.
- Hôm nay nhà mình ăn xúp thịt lợn, cháu ạ. Brônhixláp của bác thích món xúp này lắm đấy. Còn bác thì bác nấu theo kiểu Xibiri: một bát bắp cải chua, một miếng thịt lợn để nguyên, một ít khoai tây, và tất nhiên là có hành, hai củ hành to, - bác gái Xtaxia kể lể.
- Em Xtaxia yêu quý, anh sợ rằng khéo không anh lại nuốt mất cả lưỡi mình, mà không kịp ăn xúp của em đấy[13], - Naximôvích mỉm cười nói.
- Tội nghiệp anh! Anh đói quá rồi đấy... Em múc cho anh đây, anh Brônhia. Anh ngồi xuống đây để em múc. Cháu Dôxia, cháu thứ lỗi, vì bác múc cho bác trai cháu trước. Bác gái Xtaxia, mặc dù thân hình đẫy đà, vẫn nhanh nhẹn chạy vào bếp lấy bánh mì và muối ra rồi múc xúp vào các đĩa.
Khi ngồi vào ăn, bác Xtaxia bảo chồng kể cho nghe về các cô đến cắt may hôm nay. Những người đến may là các bà, các cô thuộc đủ các thành phần, và thỉnh thoảng trong câu chuyện ông thợ may lại đưa ra những nhận xét dí dỏm làm cho bác Xtaxia, người có máu buồn, phải ôm bụng mà cười.
- Em hãy tưởng tượng xem, Xtasenca, hôm nay có một mụ đến may đã ghen với em đấy. Mụ ta bảo rằng: «Tôi có thể tưởng tượng được là ông trang điểm cho vợ ông đến thế nào. Chắc bà ấy mặc những bộ quần áo mốt nhất do chính tay ông may».
- Đấy là cái đứa ngu ngốc nào thế hả, anh Brônhia? Nó trẻ hay già đấy? - bác Xtaxia hỏi.
- Cũng đã có tuổi rồi. Và theo như anh đoán thì chắc là một mụ lái buôn.
- Thế anh không hỏi mụ ta xem nếu bỗng nhiên mà mụ trở thành hoàng hậu thì mụ sẽ làm gì ư, hả anh Brônhia? - bác Xtaxia vui vẻ nói đùa.
- Nhưng vì lẽ gì mà tự nhiên anh lại hỏi như vậy cơ chứ nhỉ? - Naximôvích nhún vai vẻ ngạc nhiên.
- Thế mà em thì em hỏi đấy, nhất định là em phải hỏi và em biết là mụ ta sẽ trả lời thế nào.
- Thế nào nào? - gần như cả hai người, Kachia và Naximôvích, cùng một lúc dừng thìa và hỏi.
- Mụ ấy sẽ trả lời thế này: ta sẽ may cho mình một trăm nghìn chiếc áo và từ sáng sớm cho đến đêm khuya ta sẽ đứng trước gương mà ướm ngắm.
Kachia và Naximôvích cùng cười, còn bác Xtaxia thì đẩy chiếc đĩa ra xa mình, rồi nhìn Kachia, nói với vẻ giận dỗi:
- Mà mụ ấy tưởng rằng mình thông minh lắm đấy. Trái đất này còn biết bao nhiêu mụ như thế, Dôxenca ạ.
- Còn một mụ nữa, Xtaxia ạ, - Naximôvích nói tiếp, - đã thú nhận với anh. Mụ nói là đã may một bộ áo kiểu người Anh, may ở Vácsava. Mụ nói, ông Naximôvích linh hồn của tôi, ông là ân nhân của phụ nữ chúng tôi, và tôi nhớ là ở Vácsava tất cả bọn con gái ăn diện đều mê ông.
Naximôvích và Xtaxia nhìn nhau với nhiều ngụ ý, khiến cho Kachia phải nghĩ rằng: phải chăng những lời ở trong tờ quảng cáo nói rằng ông Naximôvích - thợ giỏi vào bậc nhất của Vácsava - chỉ là tấm bình phong cho ngôi nhà làm địa điểm hoạt động của những người bônsêvích? Có thể, thậm chí đặt chân lên đất Vácsava, ông cũng chưa từng.
Tất nhiên là Kachia không nói ra ý nghĩ đó của mình, mà chỉ thầm nói với mình: «Mà nếu như đúng vậy, thì cầu trời sẽ chẳng bao giờ có ai lại nảy ra nghi ngờ về cái biển ấy của ông Naximôvích và nó sẽ giúp chúng ta làm tốt công việc của chúng ta».
o O o
Ngay sau bữa cơm trưa, Naximôvích mặc chiếc áo khoác đẹp nhất của mình, chiếc măng-tô đen, đội mũ phớt, tay cầm chiếc ô cán dài và xỏ chân vào đôi giày cao su, rồi đi ra ngoài.
Kachia cùng với bác Xtaxia rửa bát đĩa và dọn dẹp nhà cửa. Nhưng chẳng bao lâu Kachia đã phải vội vàng rút vào cái buồng kín của mình: có tiếng gõ cửa. Một bà hàng xóm của vợ chồng bác Naximôvích ghé sang. Chẳng có gì quan trọng, bà ta thiếu một ít muối để muối bắp cải.
Bác gái Xtaxia vui vẻ giúp đỡ bà ta, nhưng bà ấy không vội ra về, cứ ngồi nói liến thoắng về đủ mọi thứ chuyện trên đời, chưa hết chuyện này đã nhẩy sang chuyện khác, nói liên tục, không lúc nào nghỉ mồm.
Ông chồng của bà ta làm nghề đánh xe ngựa. Trong các nghề của thành phố khó lòng tìm thấy một nghề nào khác mà lại có thể nắm biết được mọi sự kiện xảy ra trong thành phố một cách chi tiết và đầy đủ như các ông đánh xe ngựa.
Trong mấy phút đồng hồ bà ta đã nói biết bao nhiêu là chuyện: nào là đám cháy ở nhà đức giáo chủ, nào là vụ tự tử của viên sĩ quan quân nhu biển thủ, nào là vụ cướp ở cửa hàng vàng bạc, nào là cuộc vây lùng ở bến sông lúc chiếc tàu thủy cuối cùng của mùa thu này cập bến.
Bác gái Xtaxia qua nhiều năm sống với Naximôvích đã học được cách phân biệt những sự kiện quan trọng và không quan trọng trong cả một dòng sự kiện hỗn độn. Bà hàng xóm chỉ vừa nhắc đến vụ vây lùng ở bến sông là bác đã chú ý ngay. Để cho bà hàng xóm nói chán nói chê về đủ các thứ chuyện, sau đó bác khéo léo quay trở lại sự kiện ở bến sông.
- Họ vây bắt ai vậy nhỉ? - bà hàng xóm bị lây thái độ tò mò của bác gái Xtaxia, hỏi lại. - Hình như vây bắt một nhân vật quan trọng đấy, bà hàng xóm của tôi ạ. Nghe nói lệnh ở tận Pêtécbua về cơ đấy: lệnh là bắt và chỉ có thế thôi. Nếu như không bắt được thì đừng có hòng gì - chẳng có thưởng, cũng chẳng có khen. Thế đấy, cho nên bọn chúng nó mới cứ cố hết sức.
- Mà rồi chúng nó cũng bắt được đấy chứ? - Bác gái Xtaxia thậm chí cố nín thở lại.
- Chuyện là thế này bà ạ, nghe nói là: bọn chúng nó vây kín cả con tàu, đợi mãi đợi mãi cái nhân vật ấy ở cầu tàu mà mãi vẫn chẳng thấy, cái con người ấy không đến, và chỉ có vậy thôi. Thế rồi một thằng có đeo cầu vai trong cái bọn mọt dân ấy trợn tròn mắt lên nhìn vào đám đông. Còn cái nhân vật ấy cứ đứng giữa mọi người mà cười. Có vẻ như muốn nói: hãy thử bắt ta giữa đám đông này xem. Người ta bây giờ đâu có đem nộp người trốn tù cho bọn chúng xơi tái? Người ta đã chán ngấy bọn chúng, cái bọn tay chân của nhà vua ấy, chán đến cực độ rồi. Nhân dân sợ chúng, như quỷ sợ nêu.
- Thế rồi sau dó thì sao? - bác gái Xtaxia không còn kìm giữ được sự tò mò, đã hỏi thêm.
- Thì sao à? Thì thế này - bọn chúng không canh giữ chiếc tàu nữa mà chạy ra chỗ lối ra ở cầu tàu. Mỗi người đi qua đi lại đều bị sờ nắn từ đầu đến chân. Ông nhà tôi đi vào để kiếm khách, liền bị sa vào vòng khám. Ông ấy cứ tưởng sẽ mất hết cả ngựa lẫn xe. Nhưng may quá, trời vẫn giữ cho cả. Có điều là nhân vật quan trọng kia tựa như là chui xuống đất, hay là bốc hơi mất tăm không để lại dấu vết gì.
- Thế nhân vật quan trọng ấy là đàn ông hay đàn bà? - bác gái Xtaxia hỏi liều.
Người kể chuyện vung tay vẻ khó nghĩ, nhưng bà đã từng nhiều lần gặp phải trường hợp tương tự rồi. Trí tưởng tượng của bà vô tận.
- Nhưng ai mà biết được! Chỉ biết một nhân vật quan trọng - thế thôi. Xem ra thì có lẽ nhân vật đó muốn biến thành đàn ông hay đàn bà đều được cả. Khi nào họ muốn là người nào thì họ sẽ thành người đó...
Câu chuyện bắt đầu lăng nhăng. Bác gái Xtaxia cũng chẳng còn hào hứng nghe nữa, và bà hàng xóm nhận ra ngay điều đó. Bà ta cám ơn bác Xtaxia đã cho muối và ra về.
Bà hàng xóm vừa khép cửa, bác gái Xtaxia vội bước vào phòng Kachia.
- Cháu nghe thấy đấy chứ?
- Cháu nghe hết cả, - Kachia nói một cách bình thản mặc dầu câu chuyện của bà hàng xóm làm cho cô vô cùng hồi hộp. «Bọn chúng đợi Akimốp, dăng lưới để bắt anh, thì lại phát hiện ra mình». - cô gái nghĩ. Hôm qua khi Naximôvích kể cho cô nghe câu chuyện hệt như thế thì trong bụng cô lại không tin. Cô không tin vì cô khiêm tốn. Cô đã làm gì cho cách mạng ghê gớm đến mức cả một đội cảnh sát phải lo đuổi bắt cô, chặn đường cả một đám đông ở chỗ cầu tàu. Không, không, chắc đây chỉ là một sự trùng hợp nào đấy thôi. Rõ ràng là như thế. Nhưng lúc này Kachia đã nghĩ khác. Cô cảm thấy hành động của bọn cảnh sát là rất có lô gích. Chúng không thấy Akimốp ở trên tàu, còn cô thì Prôskin coi gần như là sự bù đắp cho các thất bại của hắn. Không bắt được con sếu bay trên trời thì lẽ dĩ nhiên là cố bắt con chim sẻ vậy. Mà cô cũng không phải là con chim sẻ thường đâu. Đã ba năm nay cô thực hiện nhiệm vụ của trung tâm bí mật rồi. Những nhiệm vụ không phải là quan trọng vào bậc nhất, nhưng dù sao thì cô cũng đã đưa quà vào nhà tù, mang sách báo đến các địa điểm, và hôm nay cô lại được cử đi đưa hộ chiếu và tiền nong. Của đáng tội, cô chưa từng được diễn thuyết ở các cuộc mít tinh, nhưng cô đã từng làm việc với những người lính, đã từng trao đổi với họ về những sự tinh vi của quá trình hình thành giá trị thặng dư. Có một lần anh trai cô là Alếchxanđrơ đã an ủi cô: «Thế nào người ta cũng nghe em, như nghe anh, Kachia ạ. Cha mẹ đã phú cho anh em mình một giọng nói rất âm vang, tuy là chúng ta hoàn toàn không phải là những người của nhà thờ». Nhưng Kachia không nói ra những suy nghĩ của mình. Naximôvích đã làm đúng khi ông báo cho Kachia biết là: «Bác gái Xtaxia bị đau tim đấy».
- Gớm, cái bà hàng xóm của bác nói nhiều quá, bác Xtaxia ạ. Bà ấy nói lắm chuyện đến mức chẳng còn biết đâu mà lần.
Kachia phải cố gắng lắm mới nói được những lời ấy bằng một giọng vui vẻ và nhếch miệng cười. Cô thấy rõ giọng nói vô tư của mình đã lập tức làm cho bác gái Xtaxia yên tâm. Bác trở ra căn buồng của mình và qua tiếng kẹt giường, thấy rõ là bác đã đi nằm nghỉ. Trời bắt đầu tối, thành phố chìm trong màu mưa, sương mù và khói. Kachia cũng đi nằm, đầu gối trên bàn tay mềm mại của mình.
o O o
Naximôvích về nhà không phải sau hai tiếng như ông hứa, mà ít ra là sau năm sáu tiếng, ông còn chưa kịp vào trong buồng của Kachia, mà cô đã biết rằng ông đem về sự đổi mới cho cảnh sống của cô. Cô vùng dậy khỏi giường, đứng nói chuyện với ông trong tư thế sẵn sàng đi theo ông bất cứ lúc nào.
Naximôvích không những vẫn mặc măng-tô và đội mũ, mà thậm chí ông vẫn đi cả giày cao su.
- Nào, cô Dôxia, mời cô chuẩn bị để chuyển sang nhà khác. Trong thành phố có động, - Naximôvích nói nhỏ.
- Có chuyện gì thế bác Brônhia?
- Có vẻ như chẳng có gì đâu, Dôxia ạ. Bác bị bọn chúng theo dõi. Tất cả là do bác quá nóng nảy. Hôm qua ở bến sông bác đã thiếu thận trọng nói những lời gay gắt với những người đại diện của chính quyền. Hôm nay thì cái thằng theo dõi nó cứ bám lấy bác, bác phải khó khăn lắm mới giải thoát nổi. May nhờ có cái đám ma đấy. Phải len vào giữa cái hàng người đi đưa đám ma ấy. Họ chôn cất một người soát vé nào đấy làm bên đường sắt ấy...
- Ôi, bác Brônhia, sao bác lại nóng nảy làm gì cơ ạ?! - Kachia kêu lên, rồi mở chiếc vali để xếp vội đồ đạc của mình vào đấy.
- Cái chuyện đã rồi ta băn khoăn làm gì nữa, - Naximôvích buồn rầu nhếch mép cười và thở dài. - Cả cháu nữa, Dôxenca ạ, cháu cũng xông vào chỗ hoàn toàn không phải của mình. Bọn chúng đang đi lùng cháu đấy.
- Đang lùng cháu ạ?
- Chúng sục vào một số nhà ở phố Bulôvarơnaia. Chúng bắt được một cô nữ sinh trường Bêxtugiép đến đây thăm anh đang bị ốm. Một đoàn sinh viên vừa biểu tình phản đối ở nhà cảnh sát trưởng. Không ăn thua gì. Hôm nay có thể lại sẽ có cuộc vây lùng mới. Tất nhiên cũng sẽ có cả truyền đơn nữa...
Kachia đã hiểu: Naximôvích vắng nhà không phải vô ích. Ông không chỉ đánh lạc hướng tên theo dõi, mà chắc là còn gặp được một người nào đó ở trung tâm bí mật của Đảng.
- Bác có biết gì thêm về Granhít không? - Kachia hỏi.
- Đáng tiếc là không biết được một tý gì, Dôxia ạ.
- Cháu có thể đi được rồi, bác Brônhia ạ, - Kachia nói sau khi ấn vài thứ đồ đạc vào vali và khóa lại.
- Xe ngựa đã sẵn ở bên cổng rồi, cháu Dôxia ạ. Bác sẽ đưa cháu đến tận nơi.
- Sao lại phải thế! Bác cứ nói khẩu lệnh. Cháu sẽ tự đi được.
- Không, không được, cháu ạ. Ngày mai cháu đã phải đi về làng và ở lại đấy cho qua những ngày lộn xộn này. Thế mà về chuyện ấy bác cháu ta đã bàn định gì đâu. Thôi cháu đừng có phản đối nữa.
- Cháu chi có một đề nghị với bác thôi, bác Naximôvích ạ, - Kachia nắm lấy tay người thợ may nói một cách nồng nhiệt. - Nếu Granhít đến đây, bác nói giúp là cháu ở đâu nhé.
- Được, được, tất nhiên rồi. Hộ chiếu và tiền của anh ấy bác đã để ở một chỗ đáng tin cậy rồi. Và cháu cứ yên trí, nếu anh ấy chưa gặp cháu thì anh ấy chưa đi khỏi đây đâu, cháu ạ. Bác hứa là như thế.
- Cảm ơn bác. Cháu sẽ rất mừng, bác Brônhia ạ!
- Cháu đi chia tay với bác gái Xtaxia đi. Bác lại sắp chuẩn bị bữa tối đây. Nhưng đáng tiếc là bác cháu mình sẽ không được ăn bữa tối.
Kachia đã mặc áo khoác và đội mũ. Cô chạy vội vào gian bếp. Naximôvích nghe rõ tiếng hôn nhau chùn chụt và tiếng bác gái Xtaxia khóc sụt sịt. Kachia đã được bác gái quý mến ngay từ giây phút đầu tiên. Đúng hơn, đó là sự quý mến lẫn nhau. Bác Xtaxia cũng rất là hợp với Kachia.
- Cháu phải thận trọng hơn đấy, Dôxenca ạ! Bác van cháu! Cháu hãy giữ lấy mình. Anh Brônhia, anh phải dặn cháu thật nghiêm khắc là không được mạo hiểm. Anh có nhiệm vụ phải bảo vệ lớp trẻ mà. Tương lai của các cô các cậu ấy còn ở cả phía trước.
Bác gái Xtaxia đưa tay vuốt vuốt lưng Kachia, ghé mắt nhìn vào tận mặt cô gái và vội đi theo cô ra đến tận cửa.
Naximôvích xách chiếc vali của Kachia và mở cửa. Kachia lại hôn bác Xtaxia một lần nữa rồi vội vã đi theo Naximôvích.
Ngoài sân - tối mù mịt, mưa rơi xen lẫn với tuyết, gió thổi như điên loạn, ở đâu đó một tấm sắt rơi kêu loảng xoảng trên mái nhà, cây dương khô héo oằn oại. Bầu trời bốn bề đen kịt. Không trăng, không sao.
- Cháu đứng đây tạm một lúc. Bác sẽ gọi cháu sau.
Naximôvích nhẹ nhàng đi xuống khỏi bậc tam cấp và cũng nhẹ nhàng như thế ông đi dọc vỉa hè qua sân. Kachia chăm chú nghe, chờ đợi, đầu ngẩng cao, nhìn lên trời. «Cũng mờ mịt như cuộc đời mình, - cô thoáng nghĩ, và một nỗi đau đớn nhói lên trong tim. - Này, này, đời mình đã có gì đáng bi quan lắm đâu», - cô gái cố tự an ủi. Của đáng tội, lòng dạ vẫn không sao yên được: vẫn cứ thấy lo lắng và nỗi đau đớn lại nhói lên trong tim.
- Đi thôi, Dôxia! - tiếng Naximôvích vọng lại từ trong bóng tối.
Cô gái đi về phía có tiếng gọi, lần đoán xem cần phải bước như thế nào để khỏi thụt chân xuống bùn. Chốc sau trước mặt cô cánh cổng đã mở sẵn, và cô lại nghe thấy tiếng Naximôvích nói nhỏ:
- Xe ngựa đợi chúng ta ở góc phố. Cháu cẩn thận một chút nhé. Ở chỗ này hè phố có chỗ bị lở đấy.
Naximôvích nắm cánh tay Kachia dắt đi một cách chắc chắn. Thấy rõ là ông đã nhiều lần phải đi con đường này trong đêm đen dày đặc.
Ngõ Bôlốtnưi đang ngủ say như chết. Chỉ riêng một căn buồng trên gác của một ngôi nhà là thấy còn ánh đèn xanh yếu ớt chiếu qua cửa sổ. Có thể đó là ngọn nến bên tượng thánh hoặc ai đó đang thức bên giường người bệnh.
Và đây là chiếc xe ngựa. Người đánh xe ngồi trên ghế xà ích buồn thiu, hòa lẫn với chiếc xe, được chiếu sáng bằng chiếc đèn kính treo ở nóc vòng phía càng xe bên phải. Chú ngựa đứng không động đậy, đầu cúi xuống, và Kachia nhớ đến những pho tượng bằng đá đứng lặng yên trên các đường phố của Pêtrôgrát.
- Ông chủ, ông đừng quở trách, đợi lâu như thế này thì sẽ phải trả tiền đắt đấy, - người đánh xe lẩm bẩm, động đậy một cách khó khăn đôi môi rét cóng.
- Chúng ta sẽ thỏa thuận với nhau thôi mà! - Naximôvích an ủi người đánh xe.
Kachia ngồi vào xe, thu mình trong một góc, dành chỗ cho Naximôvích và chiếc vali của mình.
- Cho chạy thôi, anh bạn ơi! - Naximôvích vẩy tay tách một cái. - Thế nghĩa là chúng ta đến phố Dơnamenxkaia nhé. Như chúng ta đã thỏa thuận với nhau, bác đi theo đường Bônsaia Pốtgôrnaia rồi sau đó từ dốc Đannhêklusépxki bác rẽ vào phố Dơnamenxcaia.
- Thưa ông chủ, đi đường Milionaia thì nhanh hơn. Cái quãng Bônsaia Pốtgôrnaia bẩn lắm. - người đánh xe lẩm bẩm.
- Cái bác này lại vẫn cứ giữ ý kiến của mình! Tôi với bác đã thỏa thuận với nhau rồi kia mà. Nếu không tôi đã thuê người khác rồi, - Naximôvích nói bằng một giọng thô bạo.
- Thôi thì tùy ý ông, - người đánh xe cau có đáp lại, rồi im lặng suốt cả đoạn đường.
Lối qua Bônsaia Pốtgôrnaia quả là rất khó đi. Chiếc xe chốc chốc lại bật tung tên, nghiêng sang bên này lại ngả sang bên kia, hai bánh kêu ken két. Con ngựa đầm mình trong cái đám nhão nhoẹt bùn trộn với nước và đá dăm ngập đến gối. Nhưng Kachia hiểu rằng vì sao Naximôvích lại chọn lối đi này: ở đây vắng vẻ và tối như bưng! Nhà cửa đứng cau có, đầy vẻ bí ẩn, như những tòa tháp trong truyện cổ, dành cho những bóng ma. Cả quãng đường, chỉ có một chiếc đèn kính, chiếu mờ mờ vẻ sợ sệt. Mẩu nến hắt ra những vệt sáng cuối cùng run rẩy. Bọn sĩ quan hiến binh thì có mà các vàng cũng chẳng mò đến cái xó tối tăm và bẩn thỉu này. Tất nhiên, họ phải đi một cách thận trọng và chậm chạp. Kẻo không may xe lại đổ lộn nhào. Nhưng đây rồi, vó ngựa đã gõ trên mặt đá - Đã đến phố Dơnamenxcaia. Thật là may! Đã lên cạn được rồi.
- Bác rẽ vào ngõ Bannưi nhé. Phải rồi. Tốt đấy. Bác đi bên tay phải ấy. Đấy, đỗ ở cạnh cái nhà này này - dừng lại, - Naximôvích ra lệnh.
Bác đánh xe cau có lặng im, quất ngựa, thỉnh thoảng tắc lưỡi vắt vắt, giục ngựa.
Họ dừng lại. Naximôvích xách chiếc vali của Kachia, bảo người đánh xe đứng chờ mình.
- Ở đây sợ lắm ông chủ ạ! Cứ run bắn cả lên. Ở đây chỗ nào cũng có bọn lưu manh giết người như ngóe ấy. Ông có trả thêm tiền cho chứ! - người đánh xe lầu bầu.
- Tôi sẽ trả thêm, trả thêm mà, cái ông lão quỷ quái này! - Naximôvích cáu tiết.
Ông rất bực mình vì cái giọng bắt chẹt ấy, và nếu như không vì quá bó buộc thì ông đã vứt tiền vào mặt lão già tống tiền ấy, rồi cuốc bộ trên đường phố vào lúc đêm khuya cho rảnh. Nhưng đối với ông lúc này chiếc xe ngựa lại hết sức cần thiết. Ông còn phải đi một đoạn đường dọc suốt thành phố, đoạn đường xa đến tận xóm nhỏ cạnh ga.
«Quả thật nơi này bí hiểm và mịt mù thật, như ở bãi tha ma», - Kachia nghĩ, bước theo chân Naximôvích.
Họ đi khoảng chừng năm phút, nếu không hơn. Và tuy trong lòng cảm thấy khó chịu vì bóng tối vây bọc họ từ các phía, cô vẫn nhận ra rằng ngay cả trong hoàn cảnh như vậy Naximôvích vẫn không quên giữ gìn bí mật. Họ dừng lại ở một nơi, nhưng lại đi về một nơi hoàn toàn khác. Thế còn cô! Cô đã cho người đánh xe phóng thẳng đến tận nhà ông. Nhưng cũng có cái lý do của nó - vì nếu có chuyện gì không may thì trong vali của cô đã có tấm hàng len đủ may một bộ quần áo, còn trong túi cô là bức thư có đóng dấu của cửa hàng Vơtorốp: đại khái là chúng tôi xin bàn giao một khách hàng thường xuyên của chúng tôi cho ông, một tay tài nghệ bậc thầy của nghề may từ Vácsava đến.
- Cháu đợi đây một chút nhé, Dôxia!
Naximôvích đặt chiếc vali xuống bên cạnh chân Kachia, rối biến vào chiếc cổng hé mở. Cuối cùng Kachia đã nhìn ra là mình đang đứng trước một ngôi nhà gỗ hai tầng. Ở tầng dưới cửa sổ đóng kín bằng rèm, còn trên gác thì trông thấy lờ mờ màu trắng của mành mành. Bậc tam cấp và cửa chính nằm thụt vào trong ngôi nhà, và Kachia có cảm giác như nó cũng đã xiêu vẹo lắm rồi, mà cũng có thể bóng tối đã làm lẫn lộn tất cả.
Bỗng Kachia nghe thấy tiếng gõ nhẹ, như ở đâu đó cửa bị sập lại. Những viên cuội lạo xạo dưới chân. Tiếng bước chân mỗi lúc nghe càng gần.
Naximôvích bước ra cổng, nhưng không chỉ một mình, bên cạnh ông còn thấp thoáng một bóng người thứ hai, Kachia đã phân biệt rất chính xác: đó là một phụ nữ.
- Kachia, cháu hãy làm quen với bạn của mình đi, Masa đấy. Hãy gắn bó thật thân thiết với nhau. Đừng có cãi cọ nhau. Có người yêu thì chớ có quên mời nhau đến dự lễ cưới. - Naximôvích cười, nhưng ông lại nín lặng ngay. Ông nói tiếp bằng một giọng đã hoàn toàn khác, thì thào và đượm buồn.
- Vĩnh biệt cháu Kachia nhé! À mà cũng có thể, tạm biệt thôi. Cháu nhớ rằng: ông Naximôvích, thợ may lành nghề từ Vácsava đến, bao giờ cũng sẵn sàng giúp cháu.
Naximôvích đưa tay ôm Kachia, nhưng đôi tay ông có vẻ vụng về: ông đang phải cầm một bọc to các thứ của ông, mà sức nặng của nó suýt kéo ông từ trên vỉa hè xuống lòng đường.
- Bác Brônhia ạ, cháu cảm ơn bác, cháu cảm ơn cả bác gái Xtaxia nữa, - Kachia thì thào. - Trong giây phút chia tay này Kachia lại muốn một lần nữa nhắc lại cái điều mong muốn thiết tha nhất của cô: nếu anh Granhít đến thì nhất thiết báo ngay cho anh ấy biết là cô ở ngay gần đây, bên cạnh anh.
Nhưng Kachia chưa kịp nói ra điều đó. Trong giây lát Naximôvích đã tan biến vào trong đêm tối. Ông đi nhẹ nhàng đến mức cô không nghe thấy cả tiếng bước chân ông.