Số lần đọc/download: 2795 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 19:53:01 +0700
Chương 8
K
hông có Nguyện, hai ngày sống ở Đà Lạt trong nỗi nhớ mong và buồn rầu. Đêm rất lạnh, tôi không ngủ được và phải trở dậy làm việc đến thật khuya. Gió hú qua rừng thông và trườn lên sườn đồi, lay động những khung cửa, tôi bỗng dưng có ý nghĩ là Nguyện không còn yêu tôi nữa. Tôi trở về Sài Gòn với thiên phóng sự cao nguyên cũng vừa kết thúc. Ném bài qua toà soạn, tôi tới ngay nhà riêng tìm Nguyện. Người bõ già cho biết nàng đi Genève từ ba hôm. Nguyện đi và không để lại một dòng chữ nào, căn nhà nhuốm vẻ dửng dưng và hoang vắng. Nguyện đi rồi, tôi trở lại với công việc nhà báo. Đến lúc này câu chuyện Vòng Đai Xanh không còn là một giả thuyết mà đã là một sự kiện với đống chất liệu ngày càng đầy ứ. Hiện giờ thì tôi chưa cầm bút viết được gì cho chương đầu của cuốn sách nhưng vẫn cố gắng mỗi ngày bôi lấm hai trang giấy như một thói quen cần thiết. Ghi lại một vấn đề, một suy tưởng. Chỉ lúc đó tôi mới cảm tưởng được nghỉ ngơi, theo dõi đời sống như một tiểu thuyết, hơn thế nữa gồm những thảm kịch và ngang trái không có bên dưới sự tưởng tượng. Bước đầu của nghề báo đã cung hiến bao nhiêu kinh nghiệm dồi dào của cuộc sống mà tôi đã ghi lại được những gì. Từ những phản ứng cá nhân trơ trọi và buồn bã đi tới tham vọng của một cuộc phiêu lưu trí tuệ bao la. Kinh nghiệm sống không còn là một nối tiếp trải qua của những khung cảnh mà là một sự liên tục của suy tưởng. Từ ngày có Nguyện, đời sống như thêm vào một chất men. Những ngày Nguyện đi, đã để lại cho tôi nhiều khủng hoảng. Có một lúc tôi đã không viết được gì ngoài những kỷ niệm và hồi tưởng. Khủng hoảng nếu không mang được tính sáng tạo thì đó quả là một tai nạn huỷ diệt và hao mòn. Đó cũng là những dòng chữ cuối cùng tôi đã viết ở những ngày trống vắng.
Từ khung cửa sổ bầu trời buổi chiều nhiều màu xanh qua những khe lá. Gió im, tiếng động vẫn lao xao từ ngoài phố. Tôi ao ước có được sự yên tĩnh và nghĩ tới những ngày ở Huế, với nhiều hứa hẹn náo động ở ngoài đó. Từ Huế, sau những bài viết về cao nguyên, tôi nhận được thêm mớ tài liệu do ông Hoàng Thái Trung gửi vào. Tôi rất quan tâm tới những sưu khảo rất công phu này. Vấn đề Thượng qua lịch sử, sự góp phần mật thiết giữa các sắc dân Kinh Thượng vào lịch sử dân tộc Việt bị sụp đổ do chánh sách chia để trị của Pháp. Có lẽ cảm thấy rõ sự nguy hại do mối đoàn kết Kinh Thượng, người Pháp đã ra lệnh cấm mọi giao dịch và ngăn ngừa mọi trà trộn của người Kinh. Họ coi người Thượng như một loại động vật sắp sửa biến mất, một loại đồ cổ cần phải bảo trì trong tình trạng nguyên thuỷ. Và vấn đề trở nên khó khăn từ đó. Lại những người lính Mũ Xanh làm ung thối thêm bằng ý muốn đi nốt đoạn cuối của con đường mòn. Quan điểm của ông Trung đối chọi với quan điểm rất lệch lạc trong cuốn sách của ông mục sư Denman. Ở ông mục sư cũng như một số học giả ngoại quốc khác, lý luận mà họ đi tới là một đứt đoạn, một chia lìa lịch sử giữa những sắc dân sinh sống ở Đông Nam bán đảo Á châu. Điều này phù hợp và biện minh cho những cuộc biến động và xô xát. Ngoài mấy bài sưu khảo của ông Trung tôi không tìm được một cuốn sách Việt Nam khả dĩ đứng đắn để làm căn bản nghiên cứu.
Bây giờ tôi có thể đến thăm Davis sau chuyến gặp nhau ở Pleiku. Tôi đem tới cho Davis tặng vật của dân làng. Khi tôi đến nơi thì bác sĩ Ross cũng vừa đi khỏi. Trên bàn còn rải rác những chai 33 và các vòng thẫm của đáy ly ướt. Đúng như tôi dự đoán, Davis thích thú chọn ngay bộ cung nỏ, còn lại bức tượng bằng ngà mà tôi có ý định tặng Nguyện khi nàng trở về. Chiếc nỏ được treo ngay lên bờ tường trắng muốt, đối diện với bên kia là bức tranh Thanh Thoát. Tôi nói:
“Davis, Y Ksor bảo anh không giống một người Mỹ nào.”
Davis nhếch mép cười khiêm tốn đáp:
“Có lẽ vậy mà bác sĩ Ross chỉ trích tôi. Ông ta bảo tôi sống ở Việt Nam lâu thành ra nhiễm nhiều vẻ Á châu quá. Vụ can thiệp với tướng Hunting cũng để lại cho tôi nhiều rắc rối sau đó.”
Nghĩ tới nỗi bực dọc của viên trung tá Tacelosky, tôi nói ngay:
“Chỉ có một người chống lại việc làm tốt của anh là Tacelosky nhưng bù lại anh cứu hơn sáu trăm mạng dân làng và lòng tri ân sâu xa của họ.”
“Nếu chỉ có hắn thì không có gì làm tôi phải suy nghĩ, Triết à. Như anh đã biết, tính tôi khi quyết định làm một điều gì nếu ai chống đối chỉ vì sự thiệt thòi cho quan điểm quyền lợi cá nhân như Tacelosky thì tôi không bao giờ để tâm tới, đàng này Ross đã nhân danh nhiều thứ ràng buộc để chỉ trích tôi. Đó không phải là điều không làm cho tôi suy nghĩ.”
Quả đúng như bác sĩ Ross nhận xét, trước mắt tôi bây giờ Davis không phải là một người Mỹ thuần tuý những tự mãn, mà là một con người trầm lặng mang nhiều tra hỏi băn khoăn. Bằng một giọng lãnh đạm, Davis nhắc tới những luận cứ của bác sĩ Ross:
“Ross bảo rằng anh đang sống giữa một Á châu chiến tranh đầy phản bội và vô ơn, trước sau anh vẫn chỉ là người Mỹ với tóc vàng mắt xanh. Dù sống ở đây bao nhiêu năm đi nữa, anh cũng không thể có được màu da vàng, ánh mắt và mái tóc đen như họ... Tôi thì hoàn toàn không đồng ý với Ross, với kinh nghiệm những năm dài sống ở lục địa Á châu tôi thấy rõ nguyên nhân sự thất bại của Mỹ. Tôi vẫn bảo Ross là người Mỹ các ông tới đây phải tự coi là khách, vấn đề thể diện có thể không được quan tâm ở Mỹ nhưng đối với người Á châu thì đó là lẽ sống chết của họ. Các ông đã thất bại nếu cứ khăng khăng hành động như chủ nhân ông đất nước này và bắt họ phải làm theo ý mình. Những huyền thoại về sự giúp đỡ khai hoá không còn quyến rũ được một Á châu có một nền văn minh cổ kính hơn lịch sử nước Mỹ.”
Tôi nhắc với Davis mẩu tin hãng AP về lời tố cáo của một tờ báo Á Căn Đình vì sự nhúng tay của những người lính Mũ Xanh giúp đỡ phe nổi loạn khuynh đảo chánh phủ. Davis cười bảo:
“Thì cũng như ở cao nguyên, một số người Mỹ tự hào am hiểu thời cuộc, tự cho là thích ứng được với một cuộc chiến tranh vô quy ước bằng một đường lối không tôn trọng cả những quy ước sơ đẳng với đồng minh của họ. Hiểu như vậy, anh sẽ không ngạc nhiên khi thấy những mâu thuẫn như ở Á Căn Đình. Theo tôi đã tới lúc người Mỹ phải dứt khoát lựa chọn giữa những đồng minh và thứ quyền lợi nhất thời của họ nếu không muốn để mất tất cả.”
Tôi đưa ra một nghi vấn hỏi Davis:
“Tại sao bác sĩ Ross cũng quan tâm tới vụ này, nhất là với Tacelosky ông có ưa gì hắn ta đâu?”
“Ở đây không có gì chính thức thuộc quyền ông ta, cũng không sót điều gì mà ông được ông ta quan tâm. Và theo tôi, Ross vẫn là một người có rất nhiều ảnh hưởng không những với toà Đại sứ ở Việt Nam mà ngay cả với Hoa Thịnh Đốn.”
Nhìn dáng Davis gầy cao khô khan như một cây trúc bền bỉ, lạc lõng trên lục địa Á châu đầy không khí chiến tranh sôi bỏng. Davis đứng dậy đi về phía quầy rượu, hỏi tôi như một thói quen:
“Một cognac soda chứ?”
Tôi mỉm cười gật đầu và nói với Davis:
“Vị bô lão niên trưởng dân làng Dakto mong đợi được tiếp rước anh. Davis ạ, anh sẽ được họ cho thưởng thức một thứ rượu cần cất đặc biệt thật ngon, đựng trong một cái lu và chủ khách cùng uống chung bằng những ống hút.”
“Có, tôi đã được thưởng thức rượu cần đôi lần khi theo chân các cuộc hành quân của Pháp trước kia.”
Ở tuổi gần bốn mươi, nửa cuộc đời Davis đã gắn liền với cuộc chiến tranh này, Davis am hiểu Việt Nam và lục địa Á châu trong cái ý nghĩa sâu sa nhất của nó. Tôi nói:
“Những người đã từng biết anh, họ nhận định anh nhiễm vẻ Đông phương hơn cả người Á châu bây giờ.”
“Điều Ross trách móc được tôi cho là niềm kiêu hãnh của riêng mình. Trước kia tôi tưởng lầm về ông ta, bây giờ tôi thấy rằng tâm hồn Ross không vượt qua khung cửa sổ để thấy khoảng trời xanh của Á châu tươi mát. Những năm dài sống ở đây, tôi thấy mình chịu ảnh hưởng rất nhiều cái không khí thâm trầm của đạo Phật, cao siêu vô vi của đạo Lão mặc dù tôi vẫn là một tín đồ Thiên chúa giáo.”
“Hình như anh có đọc và nói được tiếng Trung Hoa?”
“Đó là một thiệt thòi lớn cho tôi trong việc tìm hiểu văn minh Đông phương, mấy năm ở Trung Hoa tôi học nói được tiếng Quan thoại, một ngôn ngữ thật đẹp phát âm đầy nhịp điệu như một bài ca, tôi cũng nói được vài câu tiếng Quảng Đông nhưng lại không đọc được chữ Hán. Thành ra tôi phải đọc các sách khảo cứu gián tiếp bởi các học giả Tây phương mà tôi tin rằng đã có ít nhiều biến thái và thiên lệch. À, tôi nghe nói nhà sư Pháp Viên rất giỏi về thần học và ngôi bực đáng kể là một vị cao tăng; tôi cũng muốn được làm quen với ông ta không phải với tư cách một nhà báo mà mong được hướng dẫn trên con đường tìm ánh sáng Đạo Vàng. Hình như anh vẫn duy trì mối giao hảo mật thiết với nhà sư?”
Tôi biết rõ bản tính của nhà sư Pháp Viên, ông sống thâm trầm và suy tưởng, không thích ra ánh sáng nhất và với báo chí, nhưng Davis chắc là mẫu người mà ông thích. Tôi nói:
“Nhà sư rất giỏi về cổ ngữ, tiếng Tàu, tiếng Phạn nhưng ông lại không mấy thông thạo các ngoại ngữ, đó cũng là một trở ngại để ông có thể tìm một con đường dung hợp hoà mình với Tây phương. Một số nhà báo Mỹ không am hiểu cho ông có tinh thần bài ngoại cũng vì vậy. Hiện giờ thì ông ta đang bị cô lập vì biện pháp bảo vệ của chánh phủ Sài Gòn; khi nào nhà sư trở về chùa tôi sẽ giới thiệu để anh tới đánh cờ tướng với ông ta. Là một tay cao cờ, ông có thể hiểu rõ cá tính anh bằng mỗi nước đi và cách gỡ những thế bí. Ông ta có một tâm hồn rất nghệ sĩ, mối tương giao tốt đẹp giữa chúng tôi chắc chắn không phải vì nghề báo mà bởi ông biết tôi trước đó là một hoạ sĩ. Báo chí Việt lúc này ngột ngạt bế tắc, tôi đang tính trở lại với cây cọ và giá vẽ, tôi nhận lời ra dạy Cao đẳng Mỹ thuật Huế từ sau Tết cũng vì vậy.”
Davis cười thích thú khi nhắc lại một câu nói với tôi trong lần gặp gỡ đầu tiên:
“Triết, tôi nói có sai đâu sớm muộn anh cũng sẽ trở lại với hội hoạ vì đích thực anh là một hoạ sĩ. Tôi vẫn mong một cuộc sống nghệ sĩ như anh, đó là một ước vọng từ nhỏ mà tôi không thực hiện được và vẫn phải sống bằng nghề báo như hiện giờ.”
“Nhưng anh đã thành công rực rỡ với nghề báo bất đắc dĩ của mình, đó là một cái đích mà bất cứ ai mới vào nghề cũng đều mong mỏi.”
Những xưng tụng giữa chúng tôi đã ra ngoài tính cách giao tế, Davis có vẻ sung sướng thành thực về lời khen của tôi. Anh đi lại bàn giấy, cầm một điện tín trao cho tôi nói: - Coi bộ những hình ảnh đau thương của chiến tranh Việt Nam vẫn còn ăn khách. Tôi vừa nhận được điện tín này từ Hồng Kông sáng nay báo tin Hiệp hội Nhiếp ảnh Báo chí Quốc tế quyết định trao tặng giải thưởng năm nay cho những tấm hình tôi chụp về những trận đánh lớn trong Mùa Mưa trên cao nguyên. Cuộc chiến này đã đãi ngộ tôi quá nhiều, những vinh quang có vấy máu đối với tôi thật sự cũng là điều mỉa mai. Có thể tôi sẽ xin đổi sang làm việc tại Bureau bên Paris, tôi sẽ bắt đầu viết sách về Việt Nam, điều mà bấy lâu tôi ao ước.
“Thế bao giờ anh đi Paris?”
“Chưa, cũng còn lâu, vấn đề của hàng năm để kiếm ra một người khả dĩ thay tôi ở đây, như anh biết Việt Nam vẫn còn là một cái đinh trong vấn đề thời sự quốc tế.”
Tôi nghĩ ngay tới hoàn cảnh của Phương Nghi và khả năng Anh ngữ của nàng, tôi muốn giới thiệu nàng với Davis:
“Tôi đã tìm được một assistant cho anh. Có điều đó là một cô gái, nàng là vợ chưa cưới và có con với một bác sĩ quân y vừa tử trận ở Đà Nẵng. Tôi tin là Phương Nghi có thể giúp anh hữu hiệu và đó cũng là cách giải quyết cho vấn đề sinh kế của nàng.”
“Anh cứ dẫn cô ấy lại đây, ngay như cô ta không thích nghề báo tôi vẫn có thể giới thiệu cho một công việc thích hợp với khả năng của nàng. Mà tại sao bác sĩ thường đi với bộ Chỉ huy, đâu có dễ bị sát hại?”
“Đúng vậy nhưng trận địa chiến bị tràn ngập, cả bộ Chỉ huy gần như bị tiêu diệt hết. Chiến tranh bây giờ không còn ở giai đoạn du kích nữa mà là những trận địa chiến khốc liệt, con số tám y sĩ tử trận trong những tháng gần đây chứng tỏ điều đó.”
Câu chuyện Phương Nghi lại nhắc tôi nhớ tới Nguyện, cảm xúc như trùng hẳn xuống. Trong một buổi họp báo tiếp tân, khi nhắc tới chuyến đi Genève của ông Ủy viên Ngoại giao, một đồng nghiệp đã vô tình thốt ra là có Như Nguyện theo phái đoàn không, bí thư riêng của ông Ngoại giao chắc không thể thiếu. Dù không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật, điều nghe thấy cũng đủ khiến tôi hoang mang và đau đớn. Davis bảo:
“Sao lâu lắm tôi chưa gặp Như Nguyện, tôi muốn mời anh và Như Nguyện đi ăn ở Kyo một nhà hàng thuần tuý Nhật mới khai trương. Về thức ăn Nhật chắc Như Nguyện phải sành hơn anh và tôi.”
“Nguyện mới đi Genève không biết là bao lâu, nếu tiện tôi có thể giới thiệu Phương Nghi cô assistant của anh trong bữa ăn ở Kyo hôm đó.”
Tôi hẹn Davis sẽ đi ăn vào ngày thứ hai sớm hơn ngày nghỉ. Tôi rời toà soạn của Davis bước ra thang máy với câu chuyện không đâu về Nguyện cứ ám ảnh tôi mãi.