Every breath we take, every step we make, can be filled with peace, joy and serenity.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 141 / 13
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ửa trường đông nghịt.
Các hàng ô mai, thịt bò khô, cò quay kẹo mạch nha chen chúc học trò. Ông hàng kẹo kéo lại mới có thêm bàn cua cá. Đánh một xu mà trúng, được cái kẹo dài đáng năm xu, thua vẫn được đoạn kẹo một xu. Chẳng mất gì. Mà xem ông kéo kẹo mới thích. Ông nắm tay vào cái mút đầu kẹo trắng ngà. Ông vuốt kẹo như thầy tướng bắt quyết. Bột và đường quánh dẻo, ông phải choãi rộng cả hai chân. Tay ông nổi gân. Cuối cùng, khi sợi kẹo bị kéo dài ra như chiếc đũa, mắt ông mới lấy cữ và ngón tay ông liền búng một phát đánh tách, để sợi kẹo gẫy đánh khực, rời ra. Kẹo ông dẻo, lẫn lạc, thơm ngọt bùi và dính răng phải biết.
Nhưng, hôm nay hàng ông cũng không đông bằng mấy bức tường dán quảng cáo.
Nhân đến muộn, nhẩy xuống xe thì đã thấy Tùng đang nghển cổ đọc, liền cất tiếng gọi. Tùng quay lại, giữ xe cho Nhân chen vào. Cả một mảng tường kín giấy quảng cáo. Các lớp dạy tư Toán, Pháp văn, Anh văn. Những trận quyền anh trong tuần tới. Cuối cùng là một trang giấy lớn cổ động cho dạ hội học sinh toàn thành dự định tổ chức vào 25 tháng 12 mừng Chúa Giáng Sinh.
Nhân chen ra, nhận lại xe đạp từ tay Tùng.
— Tối qua tớ tới nhà cậu.
— Tối qua mình đi tập với thầy Vĩnh Nguyên. Nghe nói tối qua quân ta tập kích ở Ô Cầu Rền. Có việc gì đặc biệt không, Tùng?
— Có một tập thơ ngoài kia mới đưa vào. Anh Tuấn cho tớ mượn. Hay tuyệt!
— Cho tớ mượn nhé.
— Ừ, cậu ngậm cái gì đấy, ăn kẹo kéo à?
Nhân nhả miếng săm cao su, cười:
— Kẹo kéo đặc biệt. Hôm nọ giờ ông Tiết, thấy tớ nhai, lão quát, tớ thưa: Thưa thầy, tại cái kẹo kéo này nó dính quá!
Hai người đi qua sân trường. Tấc đang ngồi ghếch chân lên cái môbilét, quay lại. Tấc vẫn chưa xin sang trường Anbe Sarô được. Cả lớp biết chuyện ấy, càng ghét. Dạo này trông anh chàng đỡ bệu hơn trước.
— Nhân ơi, tối chủ nhật đi với tớ nhé.
— Đi đâu?
— Tớ đãi cậu một vé Nhà hát lớn.
— Chuồng gà chứ cóc gì! Mẹc-xi.[13]
[13] Merci (tiếng Pháp): cám ơn.
— Sư phụ đấu mà không đi xem à?
Nhân bậm môi. Biết ngay mà, cái thằng đểu. Nó định khiêu khích. Nhân dắt xe để ở sau lớp, quay lại.
— Này, Tùng này, hôm nọ thầy Thiệu đến nhà tớ chơi.
— Tớ cũng vừa đến nhà thầy. Thầy cho tớ mượn tập thơ của Muýtxê. Này, con gái thầy, cái Thúy ấy, xinh như Côdét. Nó có vẻ thích cậu đấy.
— Gọi ông là thi sĩ quả không sai. Nhưng mà Tùng này, thầy Thiệu không tầm thường đâu nhé.
Hai người đi qua hành lang tầng dưới. Chợt một tiếng nói văng ra ở phòng giám thị Cẩn:
— Ngài để học sinh tự do như thế tôi e có ngày gây tai họa đấy, thầy Thiệu ạ.
— Thì họ là con người, họ phải có quyền tự do chứ.
— Tự do! Ngài có hiểu những bài hát họ truyền nhau rồi hát vang lên là những bài hát gì không? “Khỏe vì nước”. “Người Hà Nội”. “Bao chiến sĩ anh hùng”...
Tùng bấm tay Nhân: Lão cẩn cáo đang hạch giáo sư Thiệu. Quả là cái giọng cộc cằn của giám thị Cẩn lại ầm ầm:
— Mà tôi đã nói rồi: sao ngài lại giảng bài “Buổi học cuối cùng” của Đôđê. Ngài có dụng ý gì chăng?
— Thưa ông giám thị. Dụng ý của tôi thật rõ ràng. Tôi muốn mở một cánh cửa lớn. Học trò học tiếng nước ngoài, phải được học các tác phẩm văn chương có giá trị. Nếu không, chúng ta chỉ đào tạo nên những bồi Tây, vú đầm.
Có tiếng chuông rung báo giờ vào lớp. Tùng vội kéo Nhân, cả hai chạy lên gác. Ngồi vào bàn, Tùng mở cặp, tuồn sang ngăn bàn Nhân tập thơ “Từ ấy”. Và cả hai vội vàng đứng dậy. Thầy Thiệu khoan thai trong bộ com lê xám bước vào lớp.
— Chào các em. Cám ơn các em. Các em ngồi xuống. Giọng thầy êm nhẹ. Vẫn không một nét nao núng trên mặt thầy. Một khuôn mặt trắng hồng, hơi tròn, chóp mũi gọn ghẽ hình giọt mật, hai mắt kính sáng và cái nhìn nghiêm trang, nhưng hết sức thân ái. Rõ ràng là một bản lĩnh kiên cường giấu sau vẻ bình dị.
Tùng ngước lên nhìn thầy, lòng xôn xang bao cảm mến, ngưỡng mộ. Thấy sáng trong. Thầy vững vàng một bản lĩnh cao thượng. Và như vậy nghĩa là giữa cuộc sống kìm kẹp tăm tối này, vẫn lặng lẽ chảy một dòng suối tươi mát và trong lành. Tươi mát và trong lành như thơ Anfret Muýtxê, thơ Víchto Huygô, văn Anphôngxơ Đôđê. Như nhạc kháng chiến. Như thơ “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ. Mặt trời chân lý chiếu qua tim. Hồn tôi là một vườn hoa lá. Rất đượm hương và rộn tiếng chim”. Như tâm hồn Tùng đang phơi phới ngọn gió đời. Tùng đã được Tuấn đưa vào tổ chức học sinh kháng chiến. Trái tim Tùng, trái tim giàu tình cảm, từ nay sẽ có thêm một năng lượng mới, sẽ đập rộn rã, mạnh mẽ thêm.
— Các em thân mến! Chúng ta trở lại bài thơ Mùa xuân của Víchto Huygô - giáo sư đi xuống phía cuối lớp - Mùa xuân dù thế nào cũng sẽ trở về, ngạt ngào hương thơm và sinh động, dồi dào nhựa sống. Mùa xuân là các em. Nào, chúng ta hãy cùng nhau thưởng thức lại bài thơ. Em nào đọc? Nhân nhé? Hay là thi sĩ Tùng?
Tùng đứng ngay dậy, khẽ hắng giọng, chứa chan cảm xúc:
— Lơ Pơranhtăng.
Mùa xuân
Đây, mùa xuân.
Tháng ba, tháng tư với những nụ cười êm ái.
Hoa nở tháng năm. Rực rỡ tháng sáu.
Những ngày tháng huyền diệu bạn bè.
Bờ sông êm chẩy, những thân liễu mềm.
o O o
Mùa xuân chưa về. Sân trường đỏ lá bàng rụng. Nhưng mắt Tùng ngơ ngác nhìn lên những cành bàng cụt vẫn nhận ra mùa xuân đang từ trong cái vỏ già cằn cỗi, bật lên cả ngàn những chấm nụ vàng tơ. Hàng ngàn cái chấm vàng tơ đang ở trong mắt Tùng. Miệng Tùng he hé mở như đang ngóng chờ một niềm hy vộng đến từ một khung trời xa xôi. Nhân đứng cạnh bạn, muốn chia cảm xúc với bạn. Bài thơ hay tuyệt và giọng đọc, lời bình giảng phân tích của Tùng được thầy Thiệu hết sức ngợi khen. Tùng đã tự bầy tỏ mình, đã nhờ huygô để bộc lộ mình.
Tấc vừa đi tới. Tấc mặc bộ cánh toàn hàng đoócmơi. Mặt Tấc xì xì. Lâu nay, Tấc cũng là trò giỏi tiếng Pháp, nhưng chưa bao giờ Tấc được thầy khen như Tùng hôm nay.
— Này, tao bảo: Tùng, chúng mày khôn hồn thì đừng có giở trò phiêu lưu. - Tấc nói, mặt bực bội, hai tay vùng vằng.
Tùng nhìn Tấc:
— Thế nào là phiêu lưu?
— Là việc chúng mày định chơi cái trò Dạ hội.
“À ra thế! Hay là nó dò được tổ chức bọn mình?”
Tùng nghĩ, cười nhạt:
— Ý nghĩ của kẻ ở lầu vàng khác với ý nghĩ người ở lều gianh.
— Thôi xin anh đi, còn định làm triết gia, hả?
— Thì đã sao!
— Câm đi!
Tấc xấn xổ. Tùng lui lại. Cậu học sinh giầu có về nội tâm tiếc thay lại sở hữu một thân hình quá mảnh khảnh. Nhưng, Nhân đã kéo Tùng lui về sau, dấn lên. Cái thằng bị thịt từ ngày học được mấy miếng võ xem chừng muốn lên mặt. Nhân hất hàm:
— Mày định bắt nạt Tùng, hả?
— Không việc gì đến mày. Định làm Lục Vân Tiên chắc?
— Đừng có tưởng bở!
Đai áo budông thắt bụng, ngực Nhân nở phồng. Xung quanh ồn ào:
— Chơi nhau đi, chúng mày.
— Thằng nào uỵch trước, tao cho gọi là anh.
— Gà Vĩnh Nguyên, gà Saphe làm một keo đi.
Một đứa đi đến huých vai Tấc:
— Này đừng có dại, nó là gà trưởng tràng lò Vĩnh Nguyên đấy.
Tấc thõng tay:
— Tao tập bốc đâu có phải để giở trò du côn.
— Mày bảo ai du côn?
Nhân xô lên. Nhưng một bàn tay to nặng đã đè lên vai cậu. Tuấn đã đến bên cậu từ lúc nào:
— Nhân, sao lại thế? Gà cùng một mẹ!
— Cùng một mẹ, nhưng nó đi theo bọn lõ, bôi mặt làm gà khác để đá bọn em.
— Nó lạc thì gọi nó về.
Xung quanh Nhân, các bạn cười à à...
o O o
Tuấn đạp xe qua trường đầm Phêlích Phô cũ, đến vườn hoa Canh Nông thì dừng lại, đưa mắt nhìn quanh. Chỗ này hồi trước có cái tượng thằng lính Tây đen xì đeo bạc đà đứng lù lù như uy hiếp cái cột cờ trong thành cổ. Mỗi lần qua đây, cứ thấy cái tượng là uất tức trào lên tận cổ. Cách mạng tháng Tám năm 1945, cái tượng đã bị kéo đổ.
Đã nhận ra các tín hiệu ở các ngả đường, Tuấn lại guồng xe. Con đường có hai hàng cây xà cừ cổ thụ rợp bóng. Môi Tuấn chum chúm, hơi sáo bay trong gió. Cuối tháng chạp trời lạnh. Nhưng đã gặp hơi nước âm ấm ở hồ Trúc Bạch. Nước hồ Trúc Bạch cạnh nhà máy điện nên ấm hay sao?
Bên kia, Hồ Tây biêng biếc một vùng trời nước. Quảng Bá, Nghi Tàm xa xăm hơi sương phủ. Mềm mại dang cánh lượn bóng những con sâm cầm. Mặt gương Hồ Tây khe khẽ xôn xao những vầng sen tròn cuối mùa đang ngả màu tàn úa.
Ngõ ngách nào Hà Nội Tuấn cũng biết. Gia đình anh ở dưới giáp bát. Bố mẹ đều làm thợ thủy tinh. Sáng đi học, chiều đi bán báo, đời Tuấn đến năm mười ba tuổi, học đệ nhất trường Bưởi vẫn là vậy. Trẻ con nghèo ở thành phố không phải chỉ có mình Tuấn. Nhưng ít có ai gặp một hoàn cảnh đặc biệt như cậu. Ông bố tham gia một cuộc biểu tình, hôm trước bị bắt thì hôm sau đến lượt Tuấn bị culít Tây xích tay.
Chuyện thật ngẫu nhiên.
Dạo đó là năm 1944. Việt Minh hoạt động sôi nổi. Khẩu hiệu đấu tranh, cờ Việt Minh, cờ búa liềm, viết, vẽ ở các mảng tường thành phố sáng nào cũng làm Tây culít hốt hoảng kinh hồn. Sáng mùa đông ấy, Tuấn đi học, thấy hình một lá cờ búa liềm vẽ ở tường nhà thương Phủ Doãn, dừng lại xem, gặp đúng lúc ba culít Tây đi tuần tới, thế là Tuấn bị chúng bắt. Đen cho Tuấn quá. Nhưng ức cho thằng Tây vô cùng. Ra tù, ông bố Tuấn thành cộng sản, còn Tuấn trở thành hạt nhân cách mạng trong tầng lớp học sinh. Tuấn về trường cũ, tham gia các phong trào học sinh yêu nước. Năm 1945, vào đội trừ gian, vào đội tuyên truyền võ trang Việt Minh. Rạp Êđen, rạp Magiéttích đang chiếu phim, bỗng đèn phụt tắt. Hiện lên trên sân khấu một thiếu niên tay phất cờ đỏ và một trang thanh niên cao ráo đẹp tuấn tú cất tiếng sang sảng hô hào đồng bào ủng hộ Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật. Thiếu niên phất cờ đỏ đó là Tuấn.
Giờ, Tuấn hoạt động trong tổ chức học sinh kháng chiến.
Đạp xe vào đường Cổ Ngư, Tuấn đã nhận ra từng nhóm xe đạp, xe máy của học sinh trường mình đang ngược lên phía Yên Phụ.
Đạp dấn lên, anh đi ngang với chiếc xe Sămpiona Nhân đèo Tùng.
— Anh Tuấn!
— Đã chuẩn bị xong chưa?
Nhân vỗ vỗ vào túi aó varơi đầy cát trộn với bột hồ tiêu sọ:
— Đầy đủ vũ khí rồi, anh cứ yên trí!
Tùng cười:
— Anh Tuấn ơi, bao giờ ta tổ chức được một cuộc dạ hội với học sinh Sài Gòn nhỉ?
— Tất nhiên là sẽ đến ngày đó chứ!
Họ leo dốc Yên Phụ và lát sau đạp chầm chậm theo đường đê.
Nơi mở dạ hội là một baĩ cỏ rộng cạnh một gốc gạo sát bờ Sông Hồng. Lều trại đã dựng san sát. Cờ đuôi nheo bay phất phới. Quanh gốc gạo, xe đạp, véspa, môbilét xếp thành hàng sáng bóng.
Nhảy xuống xe, Tùng đứng ngẩn ngắm khúc Sông Hồng. Sông Hồng! Mùa cạn, bờ bên này chảy dài một trảng cát trắng. Một cánh buồm nâu có người kéo đang lặng lẽ ngược dòng và phía chân trời xa, mây đứng óng ánh như khảm trai. Sông Hồng, dòng thủy lộ Cường tráng, sinh lộ của những người Việt cổ xưa. Nơi đây, Vua Lý rời đô tới, rồng vàng bay lên. Nơi đây, hưng đạo Vương Trần Quốc Tuấn cưỡi ngựa chiến duyệt các đạo quân, trên đê quân chẩy, dưới sông thuyền đi. Sông Hồng! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo. Hà Nội vùng đứng lên, những ngày kháng chiến anh hùng!
— Làm gì đấy Tùng?
Tùng quay lại. Nhân vừa đi tới, xóc xóc hai túi vũ khí cát và bột hồ tiêu sọ.
— Cậu vào đi. Để tớ đứng cảnh giới ở phía này.
Tùng đi vào khu dạ hội. Tăng, lều đang mọc thêm. Các quán vui chơi đã mở. Ném vòng cổ vịt, bắn bia, ném bóng, tômbôla, hái hoa dân chủ. Quán ăn của nữ sinh Trưng Vương, Văn Lang mù mịt khói, thơm nức mùi chả nướng, nem rán. Nhạc từ mấy cái loa phóng thanh rộn rã bản “Lên đàng”.
Quán sách chen chúc người vào ra.
Tùng chen vào.
— A! Triết học phổ thông của Pôlítde. Ở đâu ấn hành đấy?
— Suỵt, khẽ chứ! Ngoài vùng tự do Việt Bắc in.
— Cho tớ mua.
— Không được. Ký mượn thôi!
— Chà... Cái nhân lúc đầu nhỏ bé nhưng sẽ lớn lên phá tung cái vỏ già cằn cỗi bên ngoài. Một tư tưởng hết sức vĩ đại.
Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm...
Ai chơi hạ uy di thế nhỉ? Tuấn và ban chỉ đạo đang kéo dây micrô đến gốc gạo. Nơi đây sân khấu đang dựng, có cả phông màn hẳn hoi.
Nhân đứng ở cạnh con Sông Hồng. Thấy mặt này tĩnh, cậu quay trở lại phía con đường lên chèm. Vừa lúc một chiếc ô tô Rơnôn xanh trờ tới, đậu lại bên đường. Ngó ra mấy cái mặt mốc trắng: mặt Tây con. Cạnh đó một chiếc véspa dựng chân chống, ngoẹo tay lái.
— Làm gì thế, cậu?
Một cái mặt ngước qua cửa xe nhìn Nhân. Nhân thò hai tay vào túi áo. Cát, bột hồ tiêu sọ đây. Chúng mày phá đám thì sẽ được nếm ngay.
— À! Mừng Chúa Giáng Sinh!
— A! Thế thì ta xuống chơi đi!
Một đứa đẩy cửa xe ô tô. Hai ba đứa nhẩy xuống, vươn vai. Nhưng, một thằng mũi tẹt đã lại vội vã chui trở lại vào trong xe. Nhân nhớ: thằng này đã tham dự trận đấu giữa Nhân và Đờ Lanay hôm nào. Tên nó là Tấng.
— Thôi, hơi đâu dây vào tụi này, chúng mày.
Thằng mũi tẹt nói hắt ra. Bọn đứng ngoài đã chui cả vào xe.
Chiếc xe vụt đi. Nhân ngó quanh. Trời đã xâm xẩm tối. Cậu đi đi lại lại. Lát sau quay ra phía bờ sông.
Trời đã tối hẳn. Bãi cát và dòng sông lấp lánh những chấm sao. Phía khu mở Dạ hội đèn măngsông đã thắp. Sân khấu đã mở màn. Lọt ra chỗ Nhân đứng gác tiếng người tuyên bố lý do. Rồi tiếp đó cất lên giọng ngâm thơ run rẩy xúc động của Tùng. Và cuối cùng là tiếng nói sang sảng của Tuấn. Chao ôi! Tuấn! Tuấn của những ngày tiền khởi nghĩa. Tuấn của những ngày quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
— Các bạn thân mến! Thăng Long! Rồng lên! Thăng Long không phải là biểu tượng riêng của nền quân chủ hưng vượng. Thăng Long! Rồng lên là hình ảnh vươn tới của đất nước, của quốc gia. Thăng Long! Rồng lên! Đông đô! Hà Nội! Trải qua bao thời đại, dẫu biến cố, thăng trầm, vẫn là thủ đô yêu dấu, tự hào của người Việt chúng ta. Dẫu cả khi ta bỏ ngỏ Thăng Long lui về thế phòng thủ như hồi nhà Trần. Dẫu cả khi giặc ngoại bang giầy xéo Đông Quan. Một tấm lòng son ưu ái của Nguyễn Trãi vẫn là khí phách của chúng ta. Quân giặc Minh chiếm Hà Nội thu hết sách vở của ta, truyền bá văn hóa của chúng. Thượng thư giáo sư hoàng Phúc ra câu đối nhân một cơn bão: nhà nhà đổ hết vách tường xưa. Thì học sinh Hà Nội đối lại: chốn chốn mọc lên cây cỏ mới. Hai năm sau lớp cây cỏ mới ấy đã tống khứ tướng giặc Vương Thông ra khỏi thành và bắt trói Hoàng Phúc! Hà Nội nghìn năm oai hùng! Hà Nội của chúng ta, Hà Nội của những người Việt không bao giờ chịu khuất.
Hồn Nhân lâng lâng. Người Nhân bồng nở, rạo rực.
Tuấn đang diễn đạt hộ Nhân những cảm nghĩ, những xúc động. Nhân nghĩ như vậy, cảm thấy như vậy cả những khi đứng trong vũ đài tập đấu quyền anh, trong những giờ học. Nhưng, Nhân nghèo ngôn ngữ, vụng nói năng, không tự bầy tỏ được.
Bỗng nhiên, Nhân giật mình. Trên sân khấu, vở ca kịch hận Nam quan đang diễn đến đoạn Nguyễn Trãi từ biệt cha là Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt, trở về để trả thù nhà đền nợ nước. Một cánh chim từ phía bờ sông bay vụt lên, cánh đập chập choạng. Nhậy cảm như võ sĩ đang ở trên vũ đài, Nhân vội cúi ngay xuống và cậu nhận ra một bóng người từ phía bờ sông đang lom khom chạy lên.
Cái véspa! Chợt nghĩ tới chiếc xe máy để riêng ở dệ đường từ chiều. Nhân nhổm lên. Vừa lúc cái bóng nọ đã cầm tay lái, đang đặt chân lên cần khởi động.
— Ai đấy?
Nhân chạy tới. Pạch pạch... Cái véspa nổ rộ một hồi. Pha đèn tóe sáng. Thằng Đờ Lanay! Nhân nhìn rõ nó rồi. Nó đội cái mũ da sát tận chân tóc để thay hình đổi dạng.
— Đứng lại!
Nhân nhảy tới. Chiếc véspa rồ máy. Nhân vung tay.
Vũ khí cát và hồ tiêu bung một đám trước xe. Tên cầm lái cúi đầu, chiếc xe vụt qua đám bụi. Hỏng rồi! Đờ Lanay đã biến mất, chỉ còn cái chấm đỏ nhấp nháy đuôi xe như chế nhạo Nhân đang đứng với hai túi nặng cát và hồ tiêu sọ tán nhỏ, đang hắt hơi liên tiếp.
Võ Sĩ Lên Đài Võ Sĩ Lên Đài - Ma Văn Kháng Võ Sĩ Lên Đài