Books are not made for furniture, but there is nothing else that so beautifully furnishes a house.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Graham Green
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Hà Hùng
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1302 / 27
Cập nhật: 2017-12-18 08:35:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
• Có thuốc lá không? một giọng phía đàng chân hỏi ngài.
Ngài lùi lại và bước lên một cánh tay.Một giọng uy quyền cất lên:
“ Nước,mau lên…” Người nầy nói như thể nó có quyền sai bảo người mới đến làm bất cứ việc gì.
-Có thuốc lá không?
Không, ngài yếu ớt trả lời, tôi không có gì cả và đột nhiên ngài cảm thấy thú tính xông lên như khói mù mịt chung quanh ngài.
Ngài lại bước tới.
“Coi chừng cái xô”,ai đó nói.
Chính từ đó bốc lên mùi hôi thối. Ngài đứng im, đợi cho mắt mình quen với bóng tối. Bên ngoài, mưa đã ngớt, người ta nghe tiếng tí tách của những giọt nước, mưa đã lùi xa. Bây giờ,ta có thể đếm đến bốn mươi giữa ánh chớp và tiếng giông. Bốn muơi dặm, theo kinh nghiệm dân gian. Khoảng nửa đường từ đây ra biển, lên núi.Linh mục dùng tay quờ quạng trên nền rồi ngồi xuống…nhưng hình như chỉ có một khoảng rất hẹp. Mỗi lần ánh chớp loé lên, ngài lại thấy mấy cái võng treo ngoài sân.
“Ông có gì ăn không? một giọng cất lên và vì ngài không trả lời, giọng nói lặp lại:” Ông có gì ăn không?
-Không.
Đột nhiên, cách ngài mấy mét, có tiếng đàn bà rên. Một giọng mệt mỏi than:” Không để cho người ta yên một chút được sao?.
Giữa những hành động gấp gáp, tiếng thở dồn dập, tiếng rên,không phải rên vì đau khổ, lại vang lên trong bóng tối.Linh mục kinh hãi nghĩ đến việc người ta còn đi tìm khoái lạc ngay cả trong cái bóng tối dơ bẩn nầy sao? Ngài chầm chậm bước tới, kiếm đường tránh xa cửa ra vào. Tiếng người râm ran, một tiếng ồn không dứt, giống như tiếng giây truyền động của máy phát điện chạy đều đều. Tiếng ồn nầy còn ồn hơn tiếng thở của người. Tiếng vo ve của muổi.
Linh mục rời xa cửa song sắt được ba bốn bước, và mắt ngài đã nhận ra những dáng người; có lẽ do trời đêm sáng hơn: những khuôn mặt như thể treo quanh ngài, giống như những quả dưa đắng.
“Ông là ai?một ai đó hỏi.
Sợ hãi, ngài tiến về phía trước nhưng không trả lời: bức tường cuối phòng ngăn ngài lại, tay ngài đụng tường đá ẩm ướt….Căn phòng chắc không hơn ba hay bốn mét chiều sâu. Ngài thấy là chỉ đủ chổ để ngồi,với điều kiện co chân lại. Một ông già ngã đầu vào vai ngài: ngài đoán là ông già vì xương xem ra nhẹ, hơi thở không đều và yếu. Đó là một sinh linh rất gần với sự sinh ra hay cái chết, và làm sao hình dung nổi một đưa bé bị rơi vào chốn nầy? Đột nhiên, ông già hỏi « Mầy đó phải không, Catarina? »
Và ông thở dài, kiên nhẫn như thể ông đã đợi từ lâu lắm và sẵn sàng đợi lâu hơn nữa.
« Không,linh mục trả lời, không phải Catarina. »
Khi ngài nói, những người khác đột nhiên im lặng như thể điều ngài nói rất quan trọng.Rồi tiếng rên lại vang lên. Nhưng tiếng nói của chính ngài, và cảm giác được giao tiếp với người khác làm ngài dịu đi.
« Dĩ nhiên là không phải, ông già nói. Tôi đã không nhầm ông với nó. Nó không đến đâu.
• Vợ ông à?
• Ông nói gì? Tôi không có vợ.
• Còn Catarina?
• Con gái tôi.
Mọi người lại lắng nghe; trừ đôi kia đang chìm trong khoái lạc.
• Chắc người ta không cho nó vào.
• Nó không đến đâu,giọng nói ông già có vẻ chắc chắn. Hai chân co lại bắt đầu làm cho vị linh mục thấy đau.
• Nếu cô ta thương ông? ngài nói.
Bên kia, những cái bóng mờ mờ, người đàn bà lại thét lên, tiếng thét của tận cùng chống đối, buông thả và hoan lạc.
• Đó là do lỗi các ông linh mục.
• Nhưng tại sao là vì các linh mục.
• Bởi vì chính họ.
Gần cạnh ngài, có người lên tiếng giải thích: « Ông già nầy điên, Hỏi ông ta làm gì. »
• Có phải mầy đó không,Catarina? ông ta lại nói thêm: « Tôi biết nó sẽ không đến đâu, ông biết không. Đó chỉ là một câu hỏi.
• Còn tôi, giọng kia lại cất lên, tôi mới oan.Một người đàn ông phải bảo vệ danh dự của mình chứ, đúng không?Tôi ở trong tiệm ăn và một tên đến gần tôi nói rằng: Mẹ mầy là một con điếm. Tôi không làm gì nó được vì nó có súng. Và tôi đợi thời cơ. Khi nó đã uống say- tôi biết là nó sẽ say- và nó lảo đảo bước ra,tôi đã đi theo. Tay cầm cái chai, tôi đã đập vở vào tường. Anh hiểu không? Tôi không có súng. Gia đình nó quen thân với ông cảnh sát trưởng, nếu không, tôi đã không phải ở đây.
• Giết người là việc hệ trọng.
• Ông nói như linh mục.
• Linh mục dạy dỗ họ đó, ông già chen vào. Anh có lý.
• Ông ta muốn nói gì?
• Ôi, đừng để tâm tới những gì ông ta nói?Tôi muốn kể cho anh nghe một chuyện…
• Người ta đã bắt mất con ông ta, một giọng phụ nữ nói.
• Tại sao?
• Nó là con hoang. Người ta làm đúng.
Nghe tiếng con hoang, linh mục thót tim: giống như một người đang yêu khi nghe một người lạ nói đến tên một loài hoa giống tên người mình yêu.
« Con hoang », tiếng gọi làm lòng ngài tràn ngập niềm hạnh phúc khốn khổ và làm ngài thấy gần gũi với con gái mình. Ngài thấy lại đứa con gái, đứng tựa thân cây, bên đống rác, mồi ngon cho mọi hiểm nguy. Ngài lập lại « con hoang » như thể đó là tên con bé với sự trìu mến ẩn dấu sau khuôn mặt vô cảm.
• Người ta nói ông ta là một người cha bất xứng,không biết dạy con.Nhưng khi các linh mục đã phải trốn đi, con bé về lại với ông ta, nó còn biết đi đâu nữa?
Có lẽ câu chuyện đến đây là chấm dứt, nhưng người đàn bà nói thêm:
• Dĩ nhiên,nó ghét ông ta.Mấy linh mục đã cho nó có chút giáo dục.
Nghe người đàn bà nầy nói, ta có thể hình dung cái miệng nhỏ nhắn, môi mỏng, của những bà nhà giàu có học: nhưng tại sao bà ta lại bị nhốt ở đây?
• Tại sao ông lại phải vào đây?
• Ông ta mang thánh giá.
Mùi hôi nồng nặc từ cái xô xông lên không ngừng. Màn đêm bao phủ họ như một bức tường và không một chút không khí lọt vào được. Ngài nghe tiếng ai đó đang đi tiểu, tiếng nước tiểu va mạnh vào thành xô.
• Họ không có quyền, ngài nói.
• Họ chỉ làm điều phải làm, thế thôi. Đó là tội nặng.
• Họ không có quyền dạy con bé ghét cha nó.
• Họ biết họ phải làm gì.
• Đó là những linh mục xấu, những người đã làm như thế. Tội lỗi thuộc về quá khứ. Nhiệm vụ là phải dạy cho con bé biết…yêu thương.
• Ông không biết bổn phận là gì, nhưng mấy linh mục thì họ biết.
Một vài phút ngập ngừng, rồi ngài nói với người đàn bà rất rõ ràng:
• Tôi là linh mục.
Hình như đó là đoạn kết thúc: không cần phải hy vọng nữa. Mười năm nay rồi, hôm nay cuộc truy lùng chấm dứt. Bao quanh ngài là sự im lặng. Nơi nầy cũng là một thế giới thu nhỏ: đầy dẫy dâm dật, tội ác, tình yêu dang dở; mùi hôi thối bốc lên đến tận trời; nhưng vị linh mục ý thức được rằng, sau cùng, người ta cũng có thể tìm thấy sự bình an khi người ta biết chắc chắn là kết cục đến gần.
• Ông là linh mục? người đàn bà hỏi.
• Vâng.
• Cảnh sát biết không?
• Chưa.
Ngài có cảm giác ai đó đang kéo tay áo mình, một giọng thì thầm: « Cha biết không, ở đây có đủ hạng người, sát nhân… »
Cái giọng vừa mới kể lại câu chuyện giết người của mình nói:
• Bà nhục mạ tôi làm gì? Không phải vì tôi giết một mạng người mà tôi…
Tiếng thì thào khắp nơi. Giọng chua chát kia tiếp tục vang lên:
• Tôi không phải là một tên điểm chỉ vì có người đã nói: « Mẹ mầy là một con điếm…
• Không ai cần phải tố cáo tôi cả,linh mục nói. Không cần phải phạm thêm tội đó. Sáng mai, họ tức khắc sẽ nhận ra tôi.
• Họ sẽ bắn cha, cha ơi.Người đàn bà nói.
• Vâng.
• Cha có sợ không?
• Có, có.
Một tiếng rên vang lên. Nó xuất phát từ cái góc trước đây có tiếng rên khoái lạc.
• Không nên sợ, bà ta nói giọng cứng cỏi.
• A! vậy sao? linh mục nói.
• Đau đớn một chút thôi. Cha muốn gì, sớm muộn gì rồi cũng thế thôi.
• Nhưng tôi sợ, linh mục nói.
• Đau răng còn khổ hơn.
• Không phải ai cũng can đảm.
• Các người là cá mè một lứa, mấy người có đạo ấy; tôn giáo làm mấy người thành hèn nhát, một giọng nói vẻ khinh miệt.
• Vâng. Có lẽ anh có lý. Anh thấy không,tôi là một linh mục xấu và là một thằng đàn ông tồi. Chết trong tình trạng tội trọng ( ngài cười khổ), cái đó cũng cần suy nghĩ lắm.
• Đúng, đó chính là cái tôi mới nói.Tin Chúa làm cho mấy người trở thành hèn.
Giọng nói có vẻ đắc thắng như thể vừa tìm được một bằng chứng.
• Rồi anh kết luận thế nào? Linh mục hỏi.
• Không nên tin Chúa và phải can đảm.
• Vâng, tôi hiểu. Dĩ nhiên, nếu ta có thể tin rằng cả quan tỉnh trưởng, cả ông cảnh sát trưởng đều không hiện hữu, nếu ta có thể cho rằng nhà tù nầy không phải là nhà tù, nhưng là một khu vườn, lúc đó chúng ta sẽ can đảm biết bao nhiêu.
• Anh nói tào lao.
• Nhưng khi chúng ta nhận thức rằng nơi đây là nhà tù, ngài tỉnh trưởng trên kia hiện hữu thực, thì cần gì phải can đảm trong một hai giờ.
• Không ai nói rằng đây không phải là nhà tù.
• Anh tin vậy sao? Tại sao? Tôi nghĩ là anh không nghe những gì các chính trị gia tuyên truyền cho anh.
Hai chân ngài đau nhức.Ngài bị chuột rút dưới hai bàn chân và không làm sao nhúc nhích cho đỡ đau. Chưa tới nửa đêm: còn cả đêm dài trước mặt ngài.
• Khi mình nghĩ rằng, có một vị tử đạo đang ở giữa chúng ta…
Vị linh mục không nhịn được cười.
“ Tôi không tin là các thánh tử đạo giống như tôi…ngài nói, và rồi, đột nhiên ngài trở lại nghiêm nghị khi nhớ lại câu nói của Maria… Không nên để người ta cười nhạo đạo Chúa.
• Các vị tử đạo,ngài nói, trước hết là những người thánh thiện. Không phải chỉ có chết vì đạo…thôi đâu. Tôi xin nhắc lại: tôi là một linh mục đang mắc tội trọng.Tôi đã phạm những tội mà tôi không dám nói với các ông bà, tôi chỉ có thể nói thầm trong toà giải tội.
Họ lắng nghe ngài chăm chú như thể ngài đang giảng trong nhà thờ. Ngài tự hỏi, giờ nầy tên Juda đang ở đâu? Nhưng lúc nầy, ngài không có cái cảm giác tên phản bội đang ở kề bên. Ngài bị một tình cảm yêu thương đến phi lý dành cho những người trong nhà tù nầy.Một câu kinh thánh chợt đến trong trí ngài:” Thiên Chúa đã quá yêu thế gian…”
“ Các con ơi, ngài nói, đừng tin rằng các thánh tử đạo cũng giống như cha đây.Cha là linh mục nghiện rượu. Hôm nay cha bị bắt chỉ vì người ta tìm thấy chai rượu mạnh trong túi cha mà thôi.
Ngài cố gắng rút chân ra. Đã hết chuột rút, nhưng hai chân ngài hoàn toàn tê cứng, không cảm giác. Thôi,sao cũng được, mình cũng sẽ không cần chúng bao lâu nữa đâu.
Ông già càm ràm và tâm trí linh mục nghĩ về Brigitte. Nhận thức của nó về thế giới như một vết nám trên một tấm phim chụp; trong tim ngài,ngài mong muốn chữa lành cho nó,nhưng ngài biết trước bác sĩ sẽ nói: Bệnh nầy không chữa được.
Giọng người đàn bà vang lên:
• Thưa cha,uống một chút có sao đâu…?
Ngài tự hỏi tại sao bà nầy bị giam ở đây - chắc vì người ta tìm thấy tượng thánh trong nhà bà. Khi nói,bà có cái cung giọng cứng cáp và chua chát của những người đạo đức. Ôi,những người đàn bà nầy đần độn biết mấy với những tượng thánh của họ. Tại sao họ không đốt đi? Đâu cần hình tượng…
• Không,tôi không chỉ nghiện rượu…
Ngài thường lo lắng cho số phận những bà đạo đức: cũng như các chính trị gia, họ nuôi mình bằng ảo tưởng; ngài rất sợ cho họ. Họ thường chết đi trong trạng thái tự mãn, không còn bất cứ ý niệm nào của lòng bác ái.Có thể nói,trách nhiệm của ngài là giúp họ thoát khỏi những ý niệm duy cảm tính về điều thiện…
• Tôi có con, ngài nói giọng cứng cỏi.
Người đàn bà nói trong bóng tối, nhưng ngài không nghe rỏ lắm, đâu hình như là chuyện người trộm lành.
• Con ơi,linh mục nói, tên trộm lành nó hối tội, còn cha thì không.
Ngài lại thấy hình ảnh con bé đi vào trong chòi, mặt trời chiếu sau lưng nó,hai mắt đen, tinh ranh và sành sỏi nhìn ngài.
• Cha không biết ăn năn là sao cả. Ngài nói.
Và sự thật như vậy,ngài đã mất khả năng nầy. Ngài không thể tự thuyết phục mình là ngài chưa bao giờ muốn việc đó xảy ra, vì tội đó nay đối với ngài gần như mất đi tính trầm trọng và ngài yêu mến hậu quả của tội.Ngài cần có cha linh hướng để dẫn đưa ngài đi qua những đường lối bí hiểm sao cho ngài biết ghê tởm, day dứt và hối hận.
Người đàn bà im tiếng: ngài tự hỏi,rốt cuộc mình có cứng cỏi với bà ta quá không.Nếu bà cứ nhất quyết tin ngài là một vị tử đạo… Nhưng ngài từ bỏ ý nghĩ đó; ngài muốn sự thật. Ngài lết đi bốn năm mét và hỏi:
• Mấy giờ trời sáng?
• Bốn hay năm giờ gì đó một người trả lời,làm sao biết chắc được,thưa cha? Chúng con không có đồng hồ.
• Ông ở đây lâu chưa?
• Dạ ba tuần.
• Họ nhốt cả ngày à?
• Dạ không. Ban ngày họ bắt ra quét sân.
• Vậy thì, ngài nghĩ thầm, họ sẽ biết mình là ai…có lẽ sớm hơn, vì một trong những người tù ở đây sẽ tố cáo mình, chắc chắn là như thế. Một loạt ý nghĩ thoáng qua đầu ngài trong vài phút và sau cùng ngài tuyên bố cao giọng:
• Họ treo giá tôi đó. Năm trăm, sáu trăm pesô gì đó, tôi không rõ.
Rồi ngài im lặng. Ngài không thể thúc giục họ tố cáo mình- như thế là xúi họ phạm tội- nhưng đồng thời, nếu có một tên chỉ điểm mật nào trong đám nầy, cũng không nên để tên đó trượt mất phần thưởng. Phạm tội xấu xa như thế,có thể nói là tội ác, và không nhận được phép giải tội ở đời nầy…linh mục nghĩ cách đơn giản: không công bằng.
• Không ai ở đây muốn cái giá máu đó, một người nói.
Ngài lại rất xúc động. Ngài chỉ là một tên tội phạm giữa những tên tội phạm…ngài cảm thấy gần họ hơn bao giờ hết,khác với trước đây khi họ đến hôn lên tay ngài.
Bà đạo đức không bình tĩnh được,la lên:
• Phi lý quá, sao cha lại nói cho họ biết.Cha không biết ở đây có đủ hạng người xấu xa: trộm cướp, sát nhân…
• Vậy thì bà vào đây làm gì, một giọng hỏi.
• Vì trong nhà tôi có sách tốt, bà tự mãn tuyên bố.Linh mục không biết nói gì để lung lay sự kiêu ngạo của bà.
• Ở đâu mà chẳng có,khắp mọi nơi.
• Sách đạo à?
• Không không, ngài cười đáp, ăn trộm,sát nhân…Con ơi. Nếu con có kinh nghiệm hơn một chút, con sẽ thấy còn nhiều điều tệ hại hơn nữa.
Ông già hình như đã chìm vào giấc ngủ bất an: đầu ông tựa lên vai linh mục; Thật khó nhúc nhích trong cái nhà lao nầy, nhưng càng lâu, tứ chi ngài càng tê cứng. Bây giờ, ngài không nhúc nhích được nữa vì sợ làm ông già thức giấc.” Thế thì, ngài nghĩ, đồng nghiệp mình đã gây ra đau khổ cho ông già, mình chịu khó vì ông một chút âu cũng là lẽ công bằng…Ngài tựa lưng vào bức tường ẩm ướt, hai chân tê cứng như chân người hủi. Muổi vo ve không ngừng; ích gì dùng tay đập chúng; chúng đầy trong phòng. Ngoài ông già,một người khác ngủ trong góc đằng kia tiếng ngáy biểu lộ sự thoả mãn, như thể anh ta nghỉ trưa một chút sau khi đã ăn uống no say. Linh mục cố gắng tính thời gian; từ khi ngài gặp tên ăn mày trên quảng trường đến nay là bao lâu? Chắc quá nửa đêm chưa lâu: còn nhiều giờ trước mặt.
Dĩ nhiên, đây là kết thúc.Nhưng dù sao, phải sẵn sàng với mọi chuyện, sẵn sàng, ngay cả để trốn thoát. Nếu Chúa muốn cho ngài trốn thoát, Chúa có thể cất ngài đi ngay trước mặt đội hành quyết. Có thể tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa. Nếu Chúa từ chối không cho ngài sự bình an, đó chắc chắn là vì ngài còn có ích để cứu một linh hồn,linh hồn ngài hay linh hồn ai đó.Nhưng bây giờ, ngài có thể làm được điều gì tốt đây? Người ta truy lùng ngài; ngài không dám vào bất cứ làng nào, sợ rằng sẽ có người phải mất mạng vì ngài- và người đó có thể cũng đang mang tội trọng và chưa có thời gian ăn năn. Làm sao biết được có bao nhiêu linh hồn sẽ hư mất vì sự cứng đầu của ngài, vì ngài kiêu ngạo, vì ngài từ chối không chịu thua cuộc? Bây giờ ngài không còn dâng thánh lễ được nữa, ngài không có rượu. Rượu của ngài đã dùng đến giọt cuối cùng để giải khát cho ông cảnh sát trưởng. Thật phức tạp. Ngài sợ chết; ngài còn sợ hơn khi trời sáng, nhưng ngài cũng mong ngày đến vì như thế mọi việc sẽ đơn giản hơn.
Người đàn bà đạo đức thì thầm với ngài ( bà đã cố gắng nhích lại gần ngài).
• Thưa cha,con muốn xưng tội.Cha đồng ý không?
• Ở đây sao! Không thể được. Còn đâu là bí mật toà giải tội.
• Nhưng lâu quá rồi…
• Làm việc đền tội đi.Phải tin vào lòng Chúa nhân từ, con ạ.
• Nhưng con vẫn cảm thấy đau khổ…
• Nhưng bà ở đây.
• Không sao.Sáng mai,em con sẽ kiếm được tiền phạt cho con.
Trong bóng tối, phía tường đối diện, trò chơi dâm dật lại tái diễn; không thể nhầm được: những cử động, tiếng thở, tiếng rên. Bà đạo đức bực mình la lên:
• Sao họ không thôi đi, những người đáng ghét, đồ súc vật….
• Trong tâm tưởng như thế nầy, con cũng không cần ăn năn tội.
• Nhưng,xấu xa quá…
• Đừng nghĩ như thế. Nguy hiểm lắm. Vì chúng ta sẽ thấy tội đẹp biết bao.
• Đẹp a? bà nói giọng ghê tởm. Trong nhà tù nầy, trước mặt mọi người ở đây….
• Rất đẹp.Các thánh nói đến cái đẹp của đau khổ. Nhưng chúng ta, tôi và bà,chúng ta không phải là thánh. Đối với chúng ta, đau khổ rất xấu xa; nó là mùi hôi hám, là đám người lúc nhúc,là đau khổ thể xác. Cái kia, trong góc kia, đối với họ là đẹp. Phải hiểu biết nhiều mới nhìn được sự việc như các thánh. Các thánh có cái nhìn rất tinh tế về cái đẹp, các ngài có thể nhìn với ánh mắt khinh bỉ sự ngu dốt và thô kệch của những người khốn khổ kia. Nhưng,chúng ta thì không có quyền.
• Nhưng đó là tội trọng.
• Làm sao biết được? Có thể. Nhưng với cha, con thấy đó,cha là linh mục xấu. Bằng kinh nghiêm,cha biết rằng Satan đã kéo theo biết bao nhiêu cái đẹp khi nó sa ngã. Không ai nói các thiên thần sa ngã là xấu. Ôi, họ cũng thanh thoát, đẹp, rạng ngời và....
Tiếng rên lại cất lên biểu lộ sự khoái lạc không cưỡng lại được.
• Có thôi đi không, người đàn bà nói, thật đáng xấu hổ.
Linh mục cảm thấy mấy ngón tay bấu vào đầu gối mình.
• Cách nào đó, ngài nói, chúng ta đều là tù nhân như nhau. Lúc nầy, cha thèm rượu, thèm hơn bất cứ cái gì,kể cả Chúa. Đó cũng là một tội.
• Bây giờ tôi biết cha là linh mục xấu xa, người đàn bà nói. Trước đây tôi không muốn tin, nhưng bây giờ thì…Cha tỏ ra thiện cảm với mấy con heo đó. Nếu Đức Giám mục nghe cha nói….
• Ôi,Giám mục của cha ở cách đây xa lắm.
Ngài muốn nói đến ông cụ lúc nầy đang ở trên thủ đô,trong ngôi nhà bằng đá xấu xí, treo đầy tượng ảnh và ngày chủ nhật dâng lễ ở nhà thờ chính toà.
“Khi nào ra khỏi tù,tôi sẽ viết thư cho ngài....”
Ngài không nhịn được cười: bà kia quên rằng thời thế đã thay đổi.
“ Nếu ngài nhận được thư bà, ngài nói tiếp,Đức cha sẽ ngạc nhiên vì thấy tôi còn sống.”
Nhưng rồi ngài lại lấy lại sự nghiêm trang. Khó động lòng xót thương với bà nầy còn hơn là với tên tạp chủng, tuần trước đã lẽo đẽo theo ngài như con chó săn. Trường hợp của người đàn bà nghiêm trọng hơn nhiều. Tên tạp chủng có những lý do để được tha thứ: nghèo đói,sợ hãi, nhục nhã.
“ Cố gắng đừng ghét tôi, ngài nói, nên cầu nguyện cho tôi.
“ Cha chết đi càng sớm càng tốt”
Trong bóng tối,ngài không thấy được bà, nhưng ngài còn ghi trong ký ức một số những khuôn mặt phù hợp với giọng nói nầy. Khi ta hình dung chi tiết khuôn mặt một người, ta bắt đầu thấy thương cảm họ...vì họ có cái gì đó giống hình ảnh Chúa...Nếu ta quan sát những nếp nhăn trên khoé mắt, hình dáng cái miệng, gốc tóc, ta không thể ghét được. Thù hận là trí tưởng tượng bị thất bại. Tự nhiên,ngài cảm thấy mình có trách nhiệm nặng nề với linh hồn bà nầy.
“ Cha và cha Josê, bà nói tiếp, chính những người như các cha làm cho người ta đi lầm đường ngay thật.”
Sau cùng, bà ta cũng có những lý do để được tha thứ như tên tạp chủng. Ngài hình dung ra loại phòng khách mà bà ngồi cả ngày trên chiếc ghế đu giữa những tấm hình gia đình, không bao giờ gặp ai.
• Bà không kết hôn à? Ngài hỏi bà.
• Tại sao cha muốn biết?
• Và bà cũng không bao giờ có ơn gọi đi tu?
• Họ không tin con, bà cay đắng trả lời.
“ Tội nghiệp bà, ngài thầm nghĩ, bà không có gì hết, không gì hết. Nếu không, mình có thể tìm lời để an ủi bà…” Tuyệt vọng, ngài dựa lưng vào tường, cẩn thận để không đánh thức ông già. Nhưng những lời thích hợp, ngài tìm không ra. Ngài đã mất hết tương quan với những hạng người như bà nầy. Ngày trước, ngài biết ngài phải nói gì; không một chút xót thương, ngài sẽ tìm ra một vài câu thật tầm thường. Bây giờ, ngài thấy vô ích: ngài là tội nhân và chỉ nói chuyện được với các tội nhân. Một lần nữa, ngài đã sai khi cố gắng xoá đi sự kiêu hãnh nơi người đàn bà. Để bà xem mình là một đấng tử đạo có khi lại hay hơn.
Ngài nhắm mắt và ngay lập tức ngài mơ. Người ta rượt đuổi ngài, ngài đứng trước cửa một ngôi nhà, gõ cửa, nhưng không ai mở; không ai trả lời….Có một từ khoá sẽ cứu được ngài,nhưng ngài quên mất. Trong tuyệt vọng, ngài thử may rủi một loạt từ: phô mai, trẻ em, California, Ngài, sữa,Veracruz. Chân ngài tê cứng, ngài quì xuống trên nền đá. Lúc đó, ngài biết tại sao ngài muốn vào nhà đó; ngài nhầm,không có ai rượt đuổi ngài cả. Con ngài đang hấp hối đang nằm bên cạnh ngài, mất rất nhiều máu, đây là nhà bác sĩ. Ngài đấm cửa thật mạnh và la:” Dù tôi có quên từ khoá, các người không có tim sao?”. Con bé, trong cơn hấp hối, nhìn ngài với đôi mắt khôn ngoan của người lớn.” Ôi, đồ khốn, nó nói, và ngài choàng dậy, khóc. Chắc là ngài chỉ thiếp đi có vài giây, vì người đàn bà đang tiếp tục kể lể về ơn gọi của mình đã bị các nữ tu từ chối như thế nào.
“Cái đó làm bà đau khổ phải không?ngài nói. Tốt hơn là nên chịu đựng đau khổ như thế nầy hơn là vào đó và được sung sướng”
Vừa lúc thốt ra câu đó, ngài nghĩ:”Mình ngu quá! Mình nói gì vậy? Tại sao mình không nói cho bà một câu mà sau nầy bà sẽ ghi nhớ?” Ngài không muốn cố gắng nữa: nơi nầy cũng như mọi nơi khác trên trái đất, người ta tranh thủ mọi cơ hội để hưởng thụ hay để kiêu hãnh mặc cho nơi đó có xấu xa, bất tiện đến đâu.Người ta không bao giờ có thời gian để làm một cái gì đó đáng giá, và họ luôn mơ đến nơi nào đó.
Ngài không ngủ lại được: ngài lại thương lượng với Chúa.Lần nầy, nếu ngài thoát được ra khỏi tù, ngài sẽ chạy trốn. Ngài sẽ đi lên hướng bắc và vượt qua biên giới. Thành công của kế hoạch nầy xem ra quá phi lý và nó chỉ giống như một chỉ dấu rằng ngài gây ra nhiều điêù xấu (bởi cách sống của ngài ) hơn là điều tốt ( giải tội trong một vài lần hiếm hoi). Ông già cựa quậy trên vai ngài; đêm như bao trùm lấy họ. Bóng tối vẫn đặc quánh và không đâu có đồng hồ…dù để báo rằng đêm đang trôi qua. Cái giữ nhịp duy nhất trong đêm đen nầy là tiếng người đi tiểu vào xô.
Đột nhiên,ngài nhận ra một rồi hai khuôn mặt: ngài đã quên là sẽ có bình minh sắp lên, như thể ta quên là một ngày kia ta sẽ chết. Ý thức về thời gian trôi đi, về cuộc đời sẽ chấm dứt đột nhiên đến với ta vì một tiếng còi trong không khí, tiếng xe thắng ken két. Tất cả những giọng nói chung quanh ngài bây giờ đã có hình hài…ngài không mấy ngạc nhiên: toà giải tội đã dạy cho ngài biết hình dáng của một giọng nói, cái môi mềm, cằm nhọn và cái tinh anh giả tạo trong mắt người đối diện. Ngài thấy, cách ngài vài bước,bà mộ đạo ngủ chập chờn,hai môi mỏng hé mở làm lộ những cái răng lớn, dáng như những bia mộ; ông già và tên yêng hùng trong góc,với cô bồ quần áo xốc xếch, nằm gác lên chân nó. Bây giờ, ngày đang đến và linh mục là người duy nhất không ngủ, trừ một thằng bé da đỏ ngồi chồm hỗm gần cửa,khuôn mặt có vẻ vui thích như thể nó chưa bao giờ được ở với những người dễ chịu như thế. Bên kia sân, đã thấy rỏ bức tường vôi trắng. Linh mục nghĩ rằng dù sao cũng phải chào vĩnh biệt mọi người: nhưng ngài không còn tâm trí để làm việc đó. Sự hư mất của ngài hình như không hiển nhiên bằng cái chết của ngài. “ Một viên đạn, ngài nghĩ, sẽ bắn vào ngực, chắc trong nhóm hành quyết, cũng phải có người biết nhắm. “ Sự sống sẽ lụi tàn trong một giây ( theo cách người ta thường nói),nhưng cái đêm vừa qua đã cho ngài hiểu rằng thời gian tuỳ thuộc vào cái đồng hồ và sự thay đổi của ánh sáng. Thật ra, không ai biết được một giây đau đớn kéo dài bao nhiêu lâu. Đó có thể là thời gian trong luyện ngục hay là vĩnh cửu. Không biết tại sao, ngài sực nhớ đến một người ngày xưa ngài đã giải tội cho; người nầy sắp chết vì ung thư, cha mẹ anh ta đã muốn lấy vải che mặt anh ta lại vì mùi hôi từ trong nội tạng xông ra khủng khiếp. Đó không phải là một vị thánh. Trên đời nầy không có cái gì xấu như cái chết.
Ngoài sân, có tiếng gọi: “Montez!”.Linh mục vẫn ngồi với hai chân tê cứng rồi nghĩ: “ Bộ đồ nầy cũng không còn dùng được lâu.”. Nó đã nhuốm phân trên nền nhà tù và từ bạn tù; ngài đã mua bộ nầy, không phải là không mạo hiểm, trong một cửa tiệm bên bờ sông, làm ra dáng như một anh nông dân có tham vọng muốn ngoi lên địa vị cao hơn. Rồi ngài nghĩ là ngài không còn cần dùng nó lâu nữa- ý nghĩ làm cho ngài giật mình giống như khi ta đóng cửa nhà lần cuối cùng.Giọng kia kiên nhẫn lập lại “ Montez”.
Ngài chợt nhớ là lúc nầy mình mang tên đó.Mắt ngài thôi nhìn bộ đồ đã bạc màu và hướng ra cửa nhà giam. Viên trung sĩ đang mở khoá. “Dậy thôi,Montez!”. Ngài để trượt đầu ông già qua bên tường và cố gắng đứng dậy, nhưng chân ngài không vực nổi thân ngài.
“ Mầy định ngủ luôn hay sao?
Trung sĩ càu nhàu: cái gì đó làm ông không hài lòng. Ông ta không thân thiện như hồi tối. Ông đá một người đang ngủ.
“ Nầy, mấy người trong kia, dậy thôi.Ra ngoài sân!”
Chỉ có thằng bé da đỏ mau mắn chấp hành, lon ton chạy ra vẻ vui sướng khôn tả. Trung sĩ lại cằn nhằn:
“ Lũ heo! Chắc tụi bây muốn tao rửa mặt cho phải không.Thôi, Montez, đến đây.”
Hai chân tê cứng của ngài hồi sinh. Ngài bước ra cửa.
Lười biếng, khoảng sân thức dậy. Hàng người đứng chờ phiên rửa mặt nơi vòi nước duy nhất; một người bận áo len,quần đùi ngồi bệt trên nền đất, súng cầm tay.
“ Ra sân rửa mặt đi, trung sĩ la lên với đám tù nhân. Nhưng khi linh mục hượm bước tới, ông ta ngăn lại nói:”Không, Montez, mầy không được ra.
• Tôi không được ra sao?
• Không, có việc khác cho mầy.
Linh mục im lặng chờ đợi trong khi những người khác nối đuôi nhau đi ra, đứng bên cửa, ngài nhìn xuống chân họ,ngài là sự cám dỗ của họ. Không ai nói gì; chân một người đàn bà đi qua, đôi dép mòn vẹt. Ngài run lên vì sự bất lực của mình. Không ngửng lên, ngài nói nhỏ: “Cầu nguyện cho tôi.”
• Mầy nói gì đó, Montez.
Ngài không tìm ra được một lời nói dối: hai năm trốn tránh đã làm cạn kiệt cái kho bịp bợm của ngài.
• Mầy mới nói gì đó,Montez?
Đôi dép người đàn bà dừng lại. Giọng bà cất lên:
• Ông ta xin tiền.” Bà ta còn nói tiếp không thương tiếc:” Ông ta phải biết nhìn người chứ.Tôi có gì mà cho.”
Và bà ta bước đi, chân kéo lệt sệt.
“ Ngủ ngon không,Montez? Trung sĩ hỏi đùa.
• Không ngon lắm.
• Phải tính trước chớ, trung sĩ nói. Cái đó dạy cho mầy biết thế nào là nghiện rượu.
• Vâng, đúng thế.
Ngài tự hỏi những thủ tục ban đầu nầy sẽ kéo dài bao lâu..
“ Thôi,vì mầy đã tiêu hết tiền để mua rượu, mày phải lao động một chút để trả tiền lưu trú đêm vừa rồi. Bưng xô ra khỏi phòng, đừng làm rơi vãi. Trong tù nầy đã hôi hám lắm rồi.
• Tôi phải mang đi đâu?
Trung sĩ chỉ cửa nhà xí, bên kia vòi nước.
« Khi nào xong, đến trình diện tao », rồi ông tiếp tục ra lệnh cho khắp sân.
Linh mục cúi xuống xách cái xô đầy và nặng; ngài phải đi còm lưng băng qua sân, mồ hôi chảy vào mắt ngài. Ngài chùi mồ hôi và khi đã nhìn được, ngài nhận ra trong hàng người đứng trước vòi nước, những khuôn mặt quen; mấy con tin. Có Miguel, ngài đã chứng kiến người ta bắt anh đi; ngài nhớ bà mẹ đã kêu khóc thế nào, sự mệt mỏi và cơn giận của viên trung uý trong tia nắng ban mai. Lúc đó, các con tin cũng thấy ngài: ngài đặt thùng xuống nhìn họ. Làm bộ không nhận ra họ thì cũng giống như một lời nài xin họ tiếp tục chịu đau khổ thay cho ngài. Miguel đã bị đánh: dưới mi mắt, có vết thương chung quanh ruồi đang vo ve như chung quanh cái cổ bị rách của con lừa. Rồi đoàn người tiến lên; mặt cúi xuống, các con tin đi qua nhường chổ cho những khuôn mặt xa lạ. Trong im lặng,linh mục cầu nguyện: « Chúa ơi,xin gởi đến cho họ ai đó xứng đáng với đau khổ họ phải chịu. » Ngài cảm thấy thật bi hài khi họ phải hy sinh cho một linh mục nghiện rượu, cha của một đứa con hoang. Tên lính mặc quần đùi vẫn ngồi,lấy răng cắn mấy đầu ngón tay.Linh mục chợt cảm thấy như mình bị bỏ rơi vì các con tin hình như không nhận ra ngài.
Nhà xí chỉ là một cái hố trên gác hai tấm ván. Linh mục đổ cái xô rồi trở về khu nhà giam bên kia sân. Có sáu phòng, ngài tuần tự xách xô nầy đến xô kia. Có lúc, ngài phải dừng lại để ói. Rồi ngài lại tiếp tục. Rồi ngài cũng đến phòng cuối cùng: phòng nầy chỉ có một người, đang ngồi tựa lưng vào tường; ánh mặt trời chỉ giọi đến chân. Ruồi nhặng bay quanh đống đồ ói. Linh mục cúi xuống xách xô thì người kia cũng vừa nhìn lên và nhìn ngài: nó có hai cái răng nanh thòi ra…
Linh mục giật mình,làm đổ nước tiểu ra ngoài.
• Hượm đã, tên tạp chủng nói giọng buồn buồn quen thuộc, đừng làm việc đó ở đây. Tao không phải là tù, nó hãnh diện giải thích, tao là khách mời. »
Linh mục phác một cử chỉ như là xin lỗi – ngài sợ phải nói- và lùi lại.
• Đợi đã, tên tạp chủng ra lệnh, đến đây.
Vị linh mục vẫn đứng yên gần cửa., gần như quay lưng lại.
« Đến đây,tên tạp chủng lặp lại. Ông là tù,phải không? Tôi,tôi là khách mời của tỉnh trưởng. Ông muốn tôi kêu cảnh sát không? Làm theo lệnh tôi: đến đây. »
Hình như cuối cùng Chúa cũng quyết định.Linh mục tiến tới đứng gần hai cái chân trần, tay xách xô; tên tạp chủng từ trong bóng tối nhìn ngài và hỏi giọng vừa ngang ngạnh vừa lo âu:
• Ông làm gì ở đây?
• Tôi làm vệ sinh.
• Ông biết tôi muốn nói gì?
• Tôi bị bắt vì trên người có chai rượu, linh mục trả lời.
• Tôi nhận ra ông rồi,tên tạp chủng nói, tôi không tin mắt mình, nhưng khi nghe giọng ông nói…
• Tôi không tin…
• Cái giọng linh mục đó mà,nó nói vẻ ghê tởm. Nó như một con chó, tự nhiên xù lông trước một con chó khác giống. Linh mục đặt xô xuống. Ngài nói để kéo dài thời gian, không hy vọng gì:
• Ông say rồi.
• Chỉ có bia, bia, bia, tên tạp chủng nói. Không có gì khác. Họ đã hứa hẹn với tôi đủ điều, nhưng không tin họ được.Làm như tôi không biết ông cảnh sát trưởng thu dấu cả một kho rượu…!
• Tôi phải đi đổ xô.
• Nếu ông nhúc nhích,tôi la lên đó. Tôi có nhiều ý trong đầu, tên tạp chủng rít lên.
Linh mục đứng im lặng,không thể làm gì khác. Tính mạng ngài tuỳ thuộc con người nầy: một màn kịch phi lý.
« Ông hảy hiểu cho tôi, tên tạp chủng phân trần, tôi ở đây sướng lắm…ăn ngon, bia bọt, bạn bè và mái nhà nầy không dột. Đừng nói với tôi sau nầy sẽ ra sao, tôi biết: họ sẽ đá tôi ra như đá một con chó, như con chó. » Giọng nó rít lên lanh lảnh vì tức giận. « Tại sao họ giam ông ở đây? Đó là cái tôi muốn biết. Có vẻ khó hiểu. Việc của tôi là phải tìm cho ra ông,phải không? Ai sẽ được tiền thưởng nếu họ đã bắt được ông rồi? Ông cò, tôi không lạ gì…hay ít nhất cũng là thằng trung sĩ chó đó. »
Nó suy nghĩ, vẻ đau khổ: « Thời nầy, không tin ai được. »
• Và cũng có tên áo đỏ,linh mục nói thêm.
• Tên áo đỏ?
• Vâng, người đã bắt tôi.
• Mẹ Chúa ơi, tên tạp chủng la lên. Họ đều là người được ông tỉnh trưởng ưu ái. »
Hắn nhìn vị linh mục, đôi mắt cầu khẩn:
« Ông là người có học, ông khuyên tôi nên làm gì.
• Đó là tội trọng.
• Tôi không muốn nói đến chuyện đó. Vấn đề tiền thưởng kia. Ông thấy không, cho đến khi nào họ chưa biết gì, tôi còn được ở đây tuỳ thích.Một vài tuần nghỉ ngơi,có chết ai đâu. Và ông thì không trốn đi đâu xa được. Tốt hơn, tin tôi đi, nếu tôi tóm được ông ngoài nhà tù nầy, trong phố chẳng hạn hay bất cứ đâu đó…Như thế, sẽ không ai có quyền…. »
Nó hung hăng nói thêm:” Khi người ta nghèo,phải tính toán chứ..
• Tôi nghĩ rằng,linh mục nói, dù ở đây, ông cũng được chút tiền thưởng.
• Chút tiền thưởng, tại sao không phải là tất cả?
• Cái gì đây, viên trung sĩ xuất hiện trên ngưỡng cửa và hỏi.
• Ông ta muốn, linh mục trả lời chầm chậm, ông ta bắt tôi lau dọn những gì ông ta đã ói ra. Tôi nói là ông không ra lệnh cho tôi làm….
• Ồ không,, anh ta là khách mời, trung sĩ nói.Phải đối xử tốt với anh ta. Hảy làm như anh ta yêu cầu.
Tên tạp chủng nở nụ cười xun xoe.
« Và một chai bia nữa thì sao, ông trung sĩ?
• Đợi đã, trung sĩ trả lời, trước hết mầy phải đi quanh thành phố một vòng. »
Linh mục xách xô lên và để cho họ ba hoa với nhau. Hình như có họng súng đang dí vào sau lưng ngài; ngài đi vào nhà xí và đổ cái xô. Sau đó, ngài ra ngoài sáng…Mũi súng bây giờ chĩa vào ngực ngài. Hai người đang nói chuyện trước cửa nhà tù. Linh mục đi qua sân: họ nhìn ngài đi tới. Trung sĩ nói với tên tạp chủng: « Nếu mầy đau gan và mầy không thấy đường thì mầy dọn chổ ói nầy đi. Mầy không làm được sao… »
Sau lưng trung sĩ,tên tạp chủng nháy mắt với ngài,vẻ đồng loả. Bây giờ cái sợ đã qua, ngài chỉ thấy hối tiếc. Đó là phán quyết của Chúa.Ngài phải tiếp tục sống, tiếp tục quyết định, có sáng kiến và lên kế hoạch.
Ngài phải mất thêm nửa giờ để chùi rửa nhà bằng cách dội những thùng nước lên nền nhà; ngài nhìn người đàn bà đạo đức bước ra đi- có lẽ là mãi mãi- dưới cái cửa vòm lớn nơi có em bà đang mang tiền phạt đến.: cả hai chị em đều mang những chiếc khăn choàng đen giống như những món hàng bán hạ giá ngoài chợ, những đồ vật cứng và khô. Rồi ngài báo cáo với trung sĩ về công việc của mình. Ông trung sĩ đi khám xét lại các phòng,phê bình và yêu cầu ngài dội thêm nước, rồi bỗng nhiên, hình như mệt mỏi với cái công việc này, ông bảo linh mục đi tìm ông cò mà xin phép ra trại. Vị linh mục lại phải ngồi thêm một giờ nữa trên ghế dài trước cửa văn phòng ông cò để nhìn viên lính canh uể oải đi lui đi tới dưới trời nắng gắt.
Sau cùng, rồi người ta cũng cho ngài vào,không phải ông cảnh sát trưởng ngồi đó mà là ông trung uý.Linh mục đứng chờ,không xa bức hình của ngài ghim trên tường bao nhiêu. Ngài chỉ đưa một cái nhìn lo âu và ngắn ngủi lên miếng báo cũ, rồi nghĩ bụng: « Không giống mình chút nào. » Ngài đã là một con người không ai chịu được!...và dù sao, lúc đó ngài cũng sống trong tình trạng tương đối vô tội. Đó lại cũng là một bí ẩn khác: nhiều khi những tội nhẹ- nóng giận, nói dối, tự đắc,những lỡ lầm- còn làm cho ta xa rời ân sủng còn hơn là những tội trọng nặng nề nhất.Trong cái vô tội của ngài ngày đó,không có chổ cho tình yêu! nhưng bây giờ, sự sa đoạ lại dạy cho ngài…
« Sao, viên trung uý hỏi, đã chùi nhà sạch chưa? Rồi không rời mắt khỏi mấy tờ hồ sơ, ông nói thêm:
« Nói với trung sĩ lấy cho tôi hai mươi bốn người, súng ống đầy đủ, trình diện sau hai phút. »
Ông nhìn vị linh mục và lơ đễnh nói: « « Còn ông, ông đợi gì nữa?
• Thưa ngài, dạ đợi được cho phép về ạ.
• Tôi không phải là ngài. Phải tập làm quen gọi cho đúng. Ông đã bao giờ ở tù chưa? Ông ta nói giọng nhát gừng.
• Chưa bao giờ.
• Ông tên Montez phải không? Hình như bận nầy tôi gặp quá nhiều người mang tên nầy. Bà con với ông à?
Ông ta lại nhìn ngài chăm chú, như thể ông nhớ đến cái gì đó.
• Một người bà con với tôi mới bị bắn ở Conception,linh mục vội vàng giải thích.
• Đó không phải lỗi tại tôi.
• Tôi chỉ muốn nói là chúng tôi giống nhau lắm.Ba chúng tôi là anh em song sinh. Sinh cách nhau một giờ. Tôi nghĩ là ngài…
• Nhưng tôi nhớ hình như ông ta khác kia. Cao, gầy, vai hẹp….
• Có thể đó chỉ là…
• Ôi, dù sao tôi cũng chỉ thấy ông ta có một lần.
Hình như ông trung uý cũng đang bị lương tâm dày vò. Khuôn mặt ông trở nên suy tư,hai bàn tay rám nắng của người da đỏ lúng túng lật từng tờ giấy.
• Ông đi đâu bây giờ? trung uý hỏi.
• Có trời mới biết.
• Các ông thật giống nhau! Các ông không bao giờ biết sự thật cả: Trời không biết gì hết.
Một con vật gì đó, không lớn hơn một hạt bụi, chạy ngang trên tờ giấy đặt trước mặt ông: ông lấy tay dí lên và hỏi:
• Ông không có tiền nộp phạt,phải không? Mắt ông ta nhìn theo một con vật bé xíu khác đang chạy trốn. Trong cái nóng nầy, sự sống lúc nhúc.
• Dạ không có.
• Rồi ông sinh sống thế nào?
• Làm việc gì đó….
• Ông gìa rồi đó.
Ông ta đột nhiên cho tay vào túi quần và rút ra đồng năm pesô.
• Cầm lấy, ông nói, đi đi. Đừng bao giờ gặp lại mặt tôi nữa nhé.Hiểu không?
Quá bất ngờ,linh mục nắm chặt đồng tiền: giá một thánh lễ.
• Ông là người tốt.
Vinh Quang Và Quyền Năng Vinh Quang Và Quyền Năng - Graham Green Vinh Quang Và Quyền Năng