The man who does not read good books has no advantage over the man who can't read them.

Mark Twain, attributed

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 67
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1600 / 45
Cập nhật: 2016-06-20 21:15:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ập Bạo là tên, còn họ là gì thì chưa rõ. Sinh thời, Lập Bạo từng được Nam triều phong tới tước Quận Công, vì thế, sử vẫn thường chép là Lập Quận Công. Năm 1570, khi thấy Trịnh Kiểm mất, hai anh em Trịnh Cối và Trịnh Tùng đánh nhau để giành quyền bính, tình thế Nam triều rất phức tạp, Lập Bạo bèn về đầu hàng Bắc triều. Bởi bản quán của Lập Bạo là vùng Bắc Bố Chính (nay là huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - ND), cho nên, nhà Mạc liền sai Lập Bạo dẫn quân Bắc triều vào đánh phá vùng này. Chuyến này, Lập Bạo ra đi để rồi không bao giờ trở về được nữa. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 1) chép chuyện Lập Bạo như sau:
"Mùa thu, tháng 7 (năm 1572 - ND), tướng Mạc là Lập Bạo (không rõ họ, tự xưng là Quận công) người châu Bắc Bố Chính, đem hơn 60 chiến thuyền, vượt biển vào cướp phá. Chúng đóng trại từ Hồ Xá đến đền Thanh Tương (xã Lãng Uyển), thế rất mạnh. Chúa (đây chỉ Nguyễn Hoàng - ND) đem quân chống giữ ở sông Ái Tử. Đêm đang ngủ, Chúa bỗng nghe từ giữa sông có tiếng kêu trảo trảo, cho là điềm lạ, liền khấn rằng:
- Thần sông nếu có linh thiêng thì xin hãy giúp ta đánh giặc.
Đêm ấy, Chúa nằm mơ thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm một cái quạt the, đến trước mặt mà nói rằng:
- Minh công muốn trừ được giặc thì nên dùng mĩ kế để dụ giặc đến bãi cát, thiếp sẽ giúp sức cho.
Tỉnh dậy, Chúa nghĩ rằng, người đàn bà trong mộng khuyên ta nên dùng mĩ kế, vậy phải chăng mĩ kế chính là mĩ nhân kế? Bấy giờ, trong đám thị tì của Chúa có nàng Ngô Thị (tên là Ngọc Lâm, lại có tên gọi khác là Trà, người làng Thế Lại) đã có nhan sắc đẹp lại có tài biện bác. Chúa liền sai nàng đem vàng lụa đi dụ Lập Bạo tới chỗ khúc sông có tiếng kêu trảo trảo để giết hắn.
Ngô Thị đến trại Lập Bạo, nói:
- Chúa công thiếp nghe tin tướng quân từ xa mới đến, liền vội sai thiếp mang chút quà mọn tới để xin giảng hòa, không đánh nhau nữa.
Lập Bạo thích sắc đẹp của Ngô Thị, nhưng vẫn còn giả vờ nói:
- Người tính đến đây để làm mồi nhử ta có phải không?
Ngô Thị khéo đẩy đưa thưa gởi, Lập Bạo liền tin, cho giữ lại trong trướng. Ngô Thị nhân đó, mời Lập Bạo đến bờ sông để cùng Chúa hội thề. Lập Bạo đồng ý, Ngô Thị lập tức mật báo cho Chúa hay trước. Chúa cho dựng ngay một ngôi đền tranh ở bên sông, ngay chỗ có tiếng kêu trảo trảo để làm chỗ hội thề, đồng thời, sai đào hầm, đặt phục binh sẵn. Đến hẹn, Lập Bạo cùng với Ngô Thị, đi trên một chiếc thuyền nhỏ, chỉ có độ vài chục người theo hầu. Tới bến, thấy dưới cờ của Chúa cũng chỉ có khoảng vài chục người theo hầu nên Lập Bạo vẫn thản nhiên, không hề ngờ vực gì cả, cứ thế mà bước thong thả vào đền. Bất ngờ, phục binh nổi dậy, Lập Bạo hoảng sợ chạy xuống thuyền thì thuyền đã ra xa ngoài bãi rồi. Lập Bạo nhảy xuống nước lao theo, nhưng chưa kịp đến nơi thì đã bị bắn chết. Chúa thừa thắng, tiến đến đánh dinh trại của quân Lập Bạo ở Thanh Tương. Khi ấy, có gió to nổi lên, thuyền giặc đắm gần hết, chúng đem nhau ra hàng. Chúa cho chúng ở đất Cồn Tiên (tức cửa Tùng - ND), nay là tổng Bái Ân (thuộc Quảng Trị - ND), chia làm 36 phường. Khi về, Chúa thưởng công cho Ngô Thị, đem Ngô Thị gả cho quan Phó đoan Sự vệ, vệ Thiên Võ là Võ Doãn Trung, lập đền thờ và phong cho thần sông làm Trảo Trảo Linh Thu Phổ Trạch Tướng Hựu Phu Nhân.”
Lời bàn: Lập Bạo trước đã theo phò Nam triều, được Nam triều phong tới tước Quận công, nhưng khi thấy Nam triều lục đục. Lập Bạo đã vội theo Bắc triều, tình nguyện đem quân đi đánh Nam triều đang khi Nam triều gặp hoạn nạn, ấy là cơ hội và bất nghĩa. Đành là cả Nam triều lẫn Bắc triều, chẳng ai có chính nghĩa, nhưng phàm là kẻ được sống giữa cõi trời đất, chim cho ra chim, chuột cho ra chuột, còn như cam phận làm loài dơi thì chỉ lẩn quất trong bóng tối mà thôi.
Vừa nghe Ngô Thị khéo đẩy đưa thưa gởi vài lời, Lập Bạo đã quên hết mọi lẽ. Trước, Lập Bạo bỏ Nam triều mà theo về với Bắc triều chỉ vì Nam triều lục đục, giờ Lập Bạo lại bỏ Bắc triều và định trở về với Nam triều, chẳng qua chỉ vì thanh sắc hấp dẫn của Ngô Thị đó thôi. Mới hay, trong con người Lập Bạo, sự háo sắc còn mạnh hơn cả ý chí tướng quân. Lập Bạo chết, trước hết có lẽ cũng bởi tâm địa tráo trở và sự háo sắc thái quá của ông ta.
Ngô Thị Ngọc Lâm quả cảm đem tấm thân bồ liễu giúp Chúa làm nên nghiệp lớn, đáng kính thay. Tiếc là bà sinh phải thời loạn, thời các chúa tranh hùng.
Việt Sử Giai Thoại - Tập 6 Việt Sử Giai Thoại - Tập 6 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 6