Số lần đọc/download: 2501 / 60
Cập nhật: 2016-06-19 02:18:00 +0700
Giai Thoại 7: Đền Thờ Thần Núi Đồng Cổ Ở Thăng Long
N
úi Đồng cổ tức là núi Khả Phong ở Thanh Hóa. Dân gian cho rằng trên núi ấy có vị thần rất thiêng, từng giúp vua Lý Thái Tổ đánh tan quân Chiêm Thành nên được triều Lý ban sắc phong rất trọng hậu. Năm Mậu Thìn (1028), vua Lý Thái Tông đã ban cho thần núi Đồng cổ tước vương và cho dựng đền thờ ở ngay trong kinh thành Thăng Long, hàng năm cúng tế rất tươm tất. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 15 - a) chép rằng:
“Trước đó, cách một ngày trước khi tam vương làm phản, Vua mơ thấy một người tự xưng là thần núi Đồng cổ, nói với Vua về việc tam vương là Vũ Đức, Đông Chinh và Dực Thánh làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy, (Vua) liền sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây (ngày 15 tháng 3 năm Mậu Thìn, 1028 - ND) xuống chiếu giao cho hữu ti dựng miếu ở bên hữu thành Đại La, phía sau chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy (tháng 3 - ND), đắp đàn trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Các quan từ cửa đông đi vào, đến trước thần vị, cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng ba có ngày quốc kị, chuyển sang ngày mồng 4 tháng 4”.
Lời bàn:
Lý Thái Tổ mượn uy thần linh sông núi để cổ vũ binh sĩ Nam chinh, Lý Thái Tông mượn uy thần linh sông núi để cố kết lòng người, trong chỗ tin dị đoan chung của cả hai vị hoàng đế này, xem ra cũng có chút giá trị thực tế ở mục đích cuối cùng của nó. Nhưng, uy danh thần linh lại do con người tạo ra, cho lúc này để mượn lại lúc khác, lạ thay!
Người xưa thờ thần đôi khi chẳng phải vì tin là thật sự có thần linh mà lắm lúc chỉ vì muốn tạo thêm thế lực cho người có thế lực vậy. Lễ thề ở đền thờ núi Đồng cổ có lẽ cũng được tổ chức vì mục đích ấy chăng? Lễ này càng về sau càng được quy định thêm những nghi thức rất chặt chẽ, danh nghĩa là kính thần mà thực là kính lo sự an bình của xã tắc và của triều chính đó thôi.