Số lần đọc/download: 5230 / 83
Cập nhật: 2015-08-19 10:44:55 +0700
Chương 5 - Phong Hoá Bộ Mới Ra Đời -
Đ
úng như nhà văn N.V đã kể lại trẻ con ôm báo để bán rong, vừa chạy vừa la inh ỏi, khắp cả phố phường Hà Nội. Thiên hạ tò mò xem, báo bán chạy như tôm tuơi .
Số báo đầu Phong Hóa mới được đưa về Cẩm Giàng. Tôi cũng tò mò đọc. Tôi thấy, trước hết khác với những tờ báo đã có, tờ Phong Hoá là tờ đầu tiên đưa ra tôn chỉ rõ ràng, tỏ ra nhóm chủ trương có mục đích, đường lối đàng hoàng, như:
- Hăng hái theo con đường mới, tìm lý tưởng mới.
- Không chịu khuất phục thành kiến.
- Không làm nô lệ ai, không xu phụng một quyền thế nào
- Lấy thành thực làm căn bản.
- Lấy trào phúng làm phương pháp
Giống như một tuyên ngôn, thể hiện ý chí tự lập, quật cường. Với tôn chỉ như thế, tất sẽ được độc giả mến phục, nhưng tất mình sẽ có những kẻ thù hận.
Mục từ nhỏ đến nhớn ở trang 2, có những bài châm biếm những hiện tượng xấu xa, xu nịnh, quyền thế trong xã hội, bênh vực cho công lý, cho những kẻ thấp cổ bé họng, là mục trụ cột của tờ báo. Có những tên tác giả Nhất Linh, Nhị Linh (Khái Hưng), và Tú Ly (Hoàng Đạo sau này)... Tiếng cười ở đây có ý nghĩa, không giống như những tiếng cười thô tục, vô ý thức nhan nhản trên một số báo thời đó. Ngoài ra, những mục truyện ngắn, tiểu thuyết không những đưa ra sự thực, lột được những mâu thuẫn trong gia đình xã hội, giữa cái mới và cái cũ, giữa công lý và bất công, tả về những bi kịch của đời người, mà bằng một lối văn sáng sủa, trữ tình, dễ đi sâu vào lòng độc giả. Mặc dầu còn có những chỗ non nớt, thiếu sót, nhưng người đọc quả đã thấy một cái gì mới lạ, tỏ ra những người viết này đã có lòng chân thành, tính can đảm, có đầu óc cao thượng hơn là viết để chỉ mua vui cho độc giả hay để sinh sống.
Ngay trong số đầu, nhóm Phong Hoá đã tỏ ra có chủ đích và rất tự tin trong ý muốn đưa lại một luồng sinh khí mới cho làng báo. Bài thơ sau đây đã tỏ ra có khí phách, khi đụng chạm tới hai nhân vật lão thành quyền uy. Một là Nguyễn Văn Vĩnh với tờ Trung Bắc Tân Văn và Đông dương tạp chí, hai là Phạm Quỳnh với tờ Nam Phong... Hai ông Vĩnh và Quỳnh quả thực có tài nhưng người ta đã thấy họ quá ư đạo mạo, cũ kỹ đối với lớp trẻ phóng khoáng hơn. Chủ trương chính trị trực trị của ông Vĩnh hay lập hiến của ông Quỳnh cũng chỉ là những biện pháp cải lương trong khuôn khổ thực dân. Người ta cần cái gì trẻ trung, mạnh bạo hơn.
Nước Nam có hai người tài.
Thứ nhất xừ ĩnh, thứ hai xừ Uỳnh.
Một xừ béo núng rung rinh,
Một xừ lểu đểu như hình cò hương
Không vốn liếng, chẳng ruộng nương.
Chỉ đem dư luận bán buôn làm giàu
Bây giờ đang xiả xói nhau
Người câu lập hiến, kẻ câu trực quyền.
Thưa các ngài, thực vi tiên.
Muốn xem chiến đấu, quẳng tiền vào đây
Chế riễu Vĩnh và Quỳnh bán buôn dư luận có thể hơi quá đáng, nhưng châm biến các ông đó về quan niệm chính trị là đúng. Ông Vĩnh về sau qua đời còn Phạm Quỳnh tới 1933 thì được triệu vào làm Lại bộ Thượng Thư cho triều đình Bảo Đại, trong mắt những lớp người mới, không còn ai nhắc tới nữa.
Trên báo Phong Hoá, còn thêm mục phóng sự, tả thực về các hiện tượng xã hội đáng chú ý. Tôi nhớ có thiên Hà Nội ban đêm của Việt Sinh (Thạch lam) và Trường Khanh (một bạn viết). Trường Khanh ghi được nhiều tài liệu sống động của đời sống những giới sống về đêm... thuốc phiện, cờ bạc, ma cô, đĩ điếm... và Việt Sinh đã viết thành văn đã làm cho độc giâ thấy được những bí ẩn, éo le, đau khổ của những hạng người đặc biệt ấy.
Những bài thơ châm biếm của Tú Mỡ lại là một đặc sắc khác của tờ báo, dễ đi vào trong các tầng lớp người đọc, và có vẻ Việt nam nhất, so với những truyện ngắn, thơ mới phảng phất có mùi vị Âu Tây.
Nghe nói báo bán rất chạy, rất được hoan nghênh, câ nhà bớt lo, không phải đưa báo ế về cho chị Tam gói cau nữa. Bà nội chúng tôi được đưa ra an táng tại mảnh đất do một thầy địa lý chọn ở gần gốc cây đa mâm xôi, cách mộ con trai bà không xa lắm. Đứng ở cổng trại nhà tôi, có thể nhìn thấy cây đa lớn ấy. Ban đêm, về khuya, có thể nhìn thấy những con ma chơi lấp loé bên gốc đa. Không biết trong đó có linh hồn bà tôi hay thầy tôi không? Và đến bây giờ, hai nấm mộ còn nằm nguyên ở chỗ cũ không?
Mấy tang tóc liên tiếp tại trại Cẩm Giàng - đứa con gái thứ hai của anh chị Tam và đứa con gái của anh chị Hai đều bất hạnh qua đời, khiến tôi cảm thấy buồn thương vô hạn. Nhất là đến đêm, bóng tối đã trùm lên tất cả cánh đồng hiu quạnh, trong nhà chỉ còn mấy người cô đơn, càng thấy cô đơn.
Gia đình quyết định dọn lên Hà nội để, vả lại tôi cũng cần lên để sửa soạn thi Tú Tài. Lần này, do các anh góp tiền, chúng tôi thuê được một căn nhà hai tầng, cao ráo, rộng rãi, có cổng sắt có đường lát sỏi hai bên trồng hoa, cùng na, ổi. Đây lại rất gần nhà báo Phong Hóa vì cùng một phố Quan Thánh.
Các anh Cả, Hai, Ba đã thành gia thất cả rồi. Tất nhiên phải đến lượt anh Tư (Long). Sau một thời gian mối manh, xem mặt (lại xem mặt!) một cô gái nhà con một, ông bố đã mất, chỉ có hai mẹ con ở với nhau. Dù sao cũng là dịp hay đối với tôi, vì nghỉ hè năm ấy, hai gia đình hẹn nhau ra tắm bể Sầm Sơn, một nơi nghỉ mát có tiếng ở Thanh Hoá.
Cùng với mẹ, chị Cả, anh Tư và chị Thế, đến Thanh Hoá rồi chúng tôi ngồi xe tới Sầm Sơn. Con đường rộng rãi, hai bên trồng những cây phi lao xanh rờn, gió biển từ xa thổi vào khiến người ta cảm thấy không khí tươi mát khác hẳn với thành phố.
Nhà gái có một biệt thự ở gẳn bờ bể, còn chúng tôi thì thuê một căn nhà hơi xa một chút. Đêm nằm nghe tiếng sóng đổ ầm không ngừng ở ngoài khơỉ, và gió thổi vi vu qua ngọn cây phi lao. Sáng sớm, ra bờ bể, đằng sau rặng cây, mặt biển mênh mang hiện ra, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Ngoài xa, những cánh buồm nâu của dân chài. Tại một đầu bãi bể, một mỏm núi cao đứng chắn những làn sóng bạc xô đẩy nhau từ xa vào bờ.
Chỗ này do người Pháp khai thác, những biệt thự đẹp toàn là của Pháp hay một số ít người Việt giàu có. Du khách đa số mướn phòng hay thuê ngay những nhà lều dựng trên bãi cát. Chiều hôm đó, chúng tôi ra bãi biển. Đã có không ít nam nữ mặc áo tắm chạy tung tăng hay đương bơi rỡn dưới nước. Chị Long tương lai là một thiếu nữ cao, hơi gầy, trắng trêo. Mới đầu còn hơi ngượng ngùng, ít nói nhưng không bao lâu sau, do không khí vui vẻ chung quanh, tất cả đã thành ra như quen thuộc từ lâu. Chúng tôi chạy trên bãi cát, đuổi theo những chùm cỏ rối bay theo gió, hay rình bắt những con dạ tràng nhỏ xíu mỗi khi nước biển rút ra lại nhô lên để xe cát - một công việc không bao giờ ngừng.
Buổi sáng, là lúc dân chài kéo lưới lên bắt cá. Đứng xa, nhìn hình tượng những người cời trần giống như những bức tượng đồng vạm vỡ dưới nắng sớm. Có lẽ nhân vật Vọi trong một truyện của Khái Hưng là do đi tắm bể mà nên - nhưng đời sống cực nhọc, kham khổ thực của người dân chài quanh năm vật lộn với sóng gió có nhiều thứ đáng tả hơn là một mối tình lãng mạn miễn cưỡng giữa những lớp người khác nhau. Vụ đi tắm bề Sẳm Sơn đã đưa lại kết quả tốt đẹp, một đám cưới vui tươi. Vì cô dâu là con một, anh Tư bằng lòng ở gửi rể, tại căn nhà ở phố Hàng Vôi, xế cửa với trường tiểu học cũ tôi học.
- Chú xem, đầu đề tờ báo viết thế này có được không?
Anh Nguyễn Kim Hoàn, lúc ấy giữ việc quản lý trong ban trị sự nhà báo, đưa một xếp giấy hỏi tôi. Một điều ít người biết, là anh rất thích làm báo, và thích có riêng một tờ của mình. Tờ này, anh cùng một người bạn cộng tác, nội dung gồm vấn đề xã hội, văn hoá, thông tin, khổ nhỏ, độ tám trang. Tôi sẵn lòng giúp về trình bày, và viết một bài tạp ký - lúc đó tôi đã bắt đầu viết trong báo Phong Hoá. Tên tờ báo tôi còn nhớ, và về sau, nó cũng chết yểu vì thiếu vốn và cũng thiếu bài nữa.
Nhưng sau, anh trở thành anh rể tôi. Sau khi anh Tư kết hôn, mẹ tôi đã trở về ở Cẩm Giàng. Hai vợ chồng chị Năm và anh Sáu dọn đi, thuê một căn nhà ở bên đê Yên Phụ. Đây là một căn nhà vuông vắn, nằm dưới bờ đê, bên một lạch nước và nhìn ra đình làng Yên Phụ, và qua đình làng lên mặt nước Hồ Tây rung rinh mỗi khi trời nắng. Cảnh hồ nên thơ, thêm vào đó, hoa đào thường nở rộ về mùa xuân trong làng Yên Phụ, Cũng khiến cho người ta quên một phần nào cảnh nghèo nàn trong đời sống.
Từ đó, chúng tôi kết duyên với làng Yên Phụ và Hồ Tây cho tới mãi mười mấy năm sau, khi thời thế chuyển động kinh hoàng.
Tây Hồ có danh sĩ,
Nhà thì ở nhà tranh (Huyền Kiêu)
Mái nhà tranh này, tới nay cũng vẫn không mờ trong ký ức tôi. Vì nó liên hệ tới bao nhiêu kỷ niệm vui buồn trong đời sống gia đình, và riêng trong đời sống của tôi. Danh sĩ kể trên là anh Sáu - Thạch Lam. Không biết từ ngày nào, anh ra ở riêng, mà anh lấy vợ lúc nào tôi cũng không nhớ. Không giống nhiều gia đình cổ truyền, anh em chúng tôi ít khi chú ý đến việc riêng của mỗi người. Một mái nhà tranh ngay đầu làng Yên Phụ, bên bờ Hồ Tây, từ đê xuống rẽ vào con đường gạch, qua đình làng là tới. Căn nhà nhỏ nên thơ, nấp đằng sau hàng rào tre, có cổng gỗ ra vào. Nhà ba gian, cũng cao ráo, sáng sủa. Có thềm rộng trông ra mặt hồ. Ngồi trên đó nhấp chén trà, nhìn xuống mặt hồ mênh mông, với trước mặt là trường Bưởi, bên trái là con đường Cổ Ngư, nghe nước vỗ nhẹ vào bờ dưới chân, thì cảm giác như ở xa trần tục.
Chị Sáu là một người đàn bà hiền hậu, chất phác, rất niềm nở đối với các bạn văn chương của chồng, thường hay đến tụ họp uống trà hay cà phê, có người đến học bơi hay bơi thuyền. Đời sống chị Năm hay anh Sáu cũng thanh đạm như nhau, vì lương rất ít. Lương ở toà báo chỉ đủ để duy trì quần áo tối thiểu, ngày hai bữa cơm với rau đậu, với ít thịt cá dành cho các con nhỏ. Chỉ có khi nào xuất bản một cuốn sách, đời sống mới được đầy đủ hơn một chút.
Đến đây, tất có bạn hỏi, thế thì còn rớt lại người em út thân phận ra sao? Tôi còn nhỏ tuổi, lại đương đi học, tất nhiên là độc thân rồi. Không có chỗ ở nhất định, cố nhiên là phải đánh du kích, nay nhờ nhà này, mai nhà kia. Nhiều khi không tiện, thì đi ở trọ. Một lối sống thông thường cho học sinh thời ấy, tuy có vẻ kém nền nếp và lông bông dưới con mắt của một số người. Mẹ tôi có vẻ dễ dãi hơn:
- Mẹ về Cẩm Giàng rồi, con muốn ở đâu cho tiện học là được.
Bà có vẻ tin tưởng ở tôi sẽ không hư hỏng. Còn các anh tôi theo thói quen, chẳng ai đả động gì.
Tôi đến ở với một số bạn, xem ra toàn là đồ qủy sứ cả, tứ chiếng giang hồ - nghĩa là ở mấy nơi khác tới. Năm đó, thi bằng Tú Tài phần thứ nhất, tôi đã trượt vỏ chuối tuy đã cuốc bở hơi tai trước kỳ thi. Nguyên nhân là khi khẩu thí, gặp ông giám khảo hắc búa, bắt tôi đọc một đoạn truyện David Copperfield của Dickens. Tôi gân cổ đọc, còn ông chỉ ngồi cười. Sau tôi mới hiểu, vì ông chẳng nghe hiểu gì hết với cái tiếng Anh lạ tai của tôi. Tất nhiên là trượt, về nhà học lại. Được tin tôi trượt, gặp tại nhà báo, anh Tam vỗ vai tôi an ủi:
- Thắng bại là sự thường cho nhà binh. Sang năm, tôi tin chắc chú sẽ thành công!
Một điều an ủi cho tôi là, trong số anh em cùng trọ, không chỉ có tôi đã trượt vỏ chuối, mà phần lớn cũng chung một số phận. Một chàng tên là Nhung, trước ngày thi, chắc mẩm lần này sẽ đỗ bằng Thành Chung, sẽ về quê vinh quy bái tổ và cưới vợ ngay, nhưng lúc treo bảng lại không thấy tên mình, tuyệt vọng, về nhà bỏ cả bữa cơm và nằm lì suốt hai ngày không nói năng. Một chàng nữa, thi Tú Tài bản xứ phần thứ hai, cũng bị đánh rớt, nhưng vẫn thản nhiên, tối đến cùng mấy bạn xuống phố Khâm Thiên để giải sầu. Xin nói rõ là trong bọn đó không có tôi, vì còn quá nhỏ tuổi, chưa đủ tư cách. Thế là lại phải cuốc một năm nữa. Phải nhai lại những bài cũ nhất là tiếng Anh khô khan. Cũng may, năm ấy, tôi bắt đầu bước vào nghề viết báo, làm thơ, nên thì giờ cũng dễ trôi qua. Một cách chật vật, tôi cũng qua được phần thứ nhất bằng Tú Tài Tây, nhờ ông giáo chấm tiếng Anh dễ dãi, cho một điểm không đến nỗi quá thấp. Nhưng, phải đối diện với phần thứ hai, làm sao đây? Theo ý kiến của các bạn, muốn ăn chắc, nên xin vào học trong trường Trung Học Albert Sanaut. Đây là một trường qúy tộc hơn, nhưng gia đình cũng đồng ý cho tôi vào học, dù tiền học phí hơi cao. Mùi thực dân của trường này tất sẽ nặng nề, nhưng đành phải chịu.
Nằm ở trên mạn Cửa Bắc và gần phủ Toàn Quyền trường này trông cao ráo, lịch sự hơn trường Bưởi nhiều. Mấy toà nhà ba tầng vây chung quanh một sân rộng rãi sỏi. Học sinh có người Pháp, nhưng đa số vẫn là người Việt. Lớp Triết học của tôi có một điểm lạ là có năm nữ sinh người Pháp, trông cũng dễ coi, nên đỡ buồn tẻ. Có cái là mấy cô đều có vẻ lạnh nhạt, nếu không nói là khinh người. Lạ nhất là trong bọn, một cô xinh đẹp nhất, đôi mắt xanh trong, má hồng, thân hình như một cô đào xi-nê trên màn ảnh Mỹ dạo đó - mà chắc các chàng trai trong lớp đều thầm yêu- lại có vẻ hoà nhã và dễ dàng nói truyện nhất. Điều này có người làm chứng: một bạn học cùng lớp may mắn sống đến tận ngày hôm nay, anh Trần Trung Dung. Quả đất nhất định là không to lắm, và chắc con Tạo xoay vắn, nên qua 60 năm sau, anh Trần và tôi lại gặp nhau tại quận Cam, Hoa Kỳ, và cùng uống cà phê tại nhà một bạn già ở Huntington Beach. Mỗi người một cảnh ngộ, nhưng đường nào cũng đưa tới quận Cam, và chắc đều còn nhớ tới cô bạn học hoa khôi thuở còn trẻ. Anh Trần Trung Dung nay đã ra người thiên cổ, anh mất và an táng tại quận Cam, miền nam Califomia, Hoa Kỳ.
Đáp lại thái độ của mấy cô đầm, chúng tôi chỉ giữ một thứ im lặng cao ngạo. Vì chúng tôi có cách trả thù dân tộc bằng chiếm ưu thế trong việc học. Thành tích của các cô lạc hậu khá xa. Vì trước kia, tôi đã ưa đọc những sách triết học, nên được ông giáo sư dạy môn Triết mến, những tác văn của tôi thường thường ông chỉ sửa chữa rất ít và khuyến khích. Việc này giúp cho tôi rèn luyện lối suy nghĩ khoa học và đào sâu vào mọi vấn đề
Một ông giáo nữa, cũng đáng ghi nhớ đối với tôi, là giáo sư Lê Thành ý. Ông Lê dạy Việt Văn, và ông hay theo dõi báo chí và văn chương thời đó. Có một lần, ông hỏi tôi, không phải về bài học, mà là về tình hình tờ Phong Hoá, và khuyến khích tôi nên cố gắng viết nhiều hơn nữa. Người cao lớn, bệ vệ, nhưng giọng nói ông lại rất ôn tồn.
Cuối năm, dù không dốc hết sức để ôn tập các bài vở, nhưng may mắn tôi cũng được giải nhất trong lớp và tương đối dễ dàng qua được phần thứ hai bằng Tú Tài, trước vẻ hân hoan của mọi người.