Cuộc chiến thật sự là giữa những gì bạn đã làm, và những gì bạn có thể làm. Bạn so sánh bạn với chính mình chứ không phải ai khác.

Geoffrey Gaberino

 
 
 
 
 
Tác giả: Nikolay Nosov
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: yen an
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 738 / 7
Cập nhật: 2018-04-29 14:51:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ỳ nghỉ lễ Cách mạng tháng mười vĩ đại mà tôi chờ mong từ lâu cuối cùng rồi cũng đến.
Sáng hôm đó tôi dậy rất sớm và khi rời khỏi giường là chạy ngay ra cửa sổ xem thời tiết thế nào. Mặt trời vẫn chưa lên, nhưng đã sáng lắm rồi. Bầu trời xanh trong không một gợn mây. Nhà nhà đều treo cờ đỏ. Tôi thấy vui quá, như thể mùa xuân đã đến ấy. Không hiểu tại sao vào dịp lễ này tôi thấy tâm hồn nhẹ nhõm và tràn đầy niềm vui thế! Tôi muốn nhớ lại mọi điều tốt đẹp và dễ chịu. Tôi ước mơ về một điều gì đó tuyệt vời, và mong muốn lớn bổng lên thật nhanh, trở thành người khoẻ mạnh và dũng cảm, hoàn thành những chiến công hiển hách như kiểu vượt qua rừng taiga hiểm trở, trèo lên những ngọn núi cao trập trùng, lái máy bay trên không gian xanh bao la, xuống tận những hầm mỏ sâu khai thác quặng sắt hay than đá, xây dựng những con kênh đào để mang nước tưới cho sa mạc, trồng rừng hay làm việc tại các nhà máy, phát minh ra những cỗ máy mới tuyệt vời.
Ước mong của tôi là thế đấy. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, tôi nghĩ. Bố tôi bảo, ở đất nước này mọi người đều có thể đạt được ước mơ của mình, chỉ cần có ước mơ và quyết tâm thực hiện nó mà thôi, trước tiên cần học giỏi, bởi vào ngày này nhiều năm trước, đúng ngày 7 tháng 11 chúng ta đã đuổi bọn tư bản áp bức bóc lột nhân dân, nên giờ đây mọi thứ trong đất nước ta thuộc về nhân dân. Có nghĩa là tất cả mọi thứ nằm trong tay tôi, bởi tôi cũng là một người dân.
Hôm đó tôi được bố tặng một cái đèn lồng kì diệu, có vẽ tranh, còn mẹ tặng tôi đôi giày trượt băng. Lika tặng tôi chiếc địa bàn, tôi tặng nó hộp màu sặc sỡ để vẽ tranh.
Rồi anh em tôi theo bố đến nhà máy, nơi bố tôi làm việc, từ đó chúng tôi tham gia đoàn diễu hành với các cô chú công nhân bạn bố. Khắp nơi vang vang tiếng nhạc, chúng tôi cùng hát vang, và cảm thấy rất vui. Bố mua cho hai anh em những quả bóng bay, Lika một quả màu xanh lá cây, còn tôi được một quả màu đỏ. Khi tới quảng trường trung tâm thành phố thì bố mua thêm cho hai anh em mỗi người một lá cờ đỏ nữa, và chúng tôi diễu hành qua quảng trường với lá cờ đỏ trong tay.
Rồi chúng tôi trở về nhà, và chẳng mấy chốc khách khứa đã tập trung đông đủ ở nhà tôi. Người đầu tiên là chú Sura. Chú mang đến hai cái gói đẹp, và tôi đoán ngay đó là quà cho chúng tôi. Việc trước nhất chú hỏi chúng tôi có ngoan không, và chúng tôi cùng trả lời là ngoan.
- Các cháu có nghe lời mẹ không?
- Có ạ, - chúng tôi nói.
- Học có giỏi không?
- Cháu học giỏi ạ, - Lika trả lời.
Tôi cũng nói theo:
- Cháu học giỏi ạ.
Chỉ khi đó chú mới tặng tôi một hộp đồ chơi lắp ráp, còn Lika được nhận một bộ hình khối xây dựng
Sau đó chú Serigia cùng với cô Lida, sau nữa là chú Iura và cô Nadia, và cả cô Nina đến một mình. Ai cũng hỏi tôi học có giỏi không, kết quả học tập thế nào, và ai cũng cho tôi quà, nên cuối cùng tôi có cả một đống quà. Lika cũng nhận được một đống tướng như thế.
Khi ngồi nhìn những món quà mình được tặng, không hiểu sao tôi bỗng thấy buồn buồn. Tôi cảm thấy lương tâm cắn rứt vì tôi bị điểm hai môn số học, mà tôi lại nói dối tất cả mọi người rằng tôi học giỏi. Tôi suy nghĩ mãi và cuối cùng đành phải tự hứa rằng từ nay tôi sẽ cố gắng học thật tốt, để trong đời không bao giờ gặp phải chuyện đó nữa. Chỉ sau khi đã quyết tâm như thế tôi mới thấy đỡ buồn đôi chút, và tôi dần dần thấy vui trở lại.
Ngày tám tháng mười một cũng là ngày nghỉ lễ. Tôi đến thăm nhà một số bạn bè học cùng lớp, và rất nhiều bạn đến nhà tôi chơi. Chúng tôi làm mỗi một việc là chơi và chơi, tối đến thì xem ảnh chiếu trên tường nhờ một đèn chiếu rất thần diệu. Khi nằm xuống giường, tôi để tất cả quà tặng mà mình nhận được ngay trên ghế đẩu cạnh giường. Lika cũng để các quà tặng của nó trên ghế đẩu, còn những quả bóng bay mà chúng tôi cầm khi tham gia diễu hành thì được thả lên trần nhà, ngay phía trên giường ngủ. Ngắm chúng thật dễ chịu.
Sáng ngày hôm sau, khi tôi tỉnh dậy thì những quả bóng nằm bẹp gí trên sàn nhà. Chúng đã xẹp và trông bé đi đáng kể. Hơi nhẹ bơm trong bóng đã bay đi hết rồi, nên chúng không thể bay được nữa. Còn khi tôi đi học về, tôi còn chưa biết phải nói với mẹ về điểm hai thế nào thì tự mẹ sực nhớ đền bảng điểm và nói tôi đưa cho mẹ xem. Mẹ bắt đầu đọc xem tôi đã đạt những điểm gì, và tất nhiên là trông thấy điểm hai ngay lập tức.
- Thế đấy, biết ngay mà! – Mẹ cau mặt nói. – Chơi bời suốt ngày, kiểm tra nửa học kỳ I thì bị hai. Tất là là tại sao cơ chứ? Vì con chẳng muốn nghe lời dạy bảo! Không biết bao nhiêu lần đã nói rồi, phải học bài làm bài đúng giờ, nhưng nói bao nhiêu thì cũng bằng thừa, cứ như là nói với bức tường vậy. Có muốn đúp lớp bốn không, con?
Tôi nói ngay Bây giờ sẽ cố gắng học tốt hơn, và sẽ không bao giờ để bị hai nữa, nhưng mẹ chỉ cười khẩy. Rõ là mẹ chẳng hề tin lời tôi một tí nào hết. Tôi nhờ mẹ ký bảng điểm, nhưng mẹ nói:
- Không, chẳng ký gì hết. Để bố con ký.
Đó là chuyện tồi tệ nhất có thể xảy ra! Tôi vẫn hy vọng là mẹ sẽ ký bảng điểm, và như thế tôi sẽ tránh được việc phải đưa bố xem, thế nhưng bây giờ thì hết rồi, đành phải đưa cho bố xem điểm hai vậy. Tôi cảm thấy buồn tới mức không muốn học bài nữa.
“Thôi được, tôi nghĩ bụng. Cứ nghe bố mắng xong thì ta sẽ học bài”
Mãi thì cũng đến lúc bố đi làm về. Tôi chờ bố ăn tối xong, vì sau bữa ăn tối thường là bố dễ tính hơn, và len lén đặt bảng điểm trước mặt bố. Bố trông thấy bảng điểm ngay, và bắt đầu xem những điểm số ghi trong đó.
- Thế đấy, đáng đời chưa! - bố nói khi trông thấy điểm hai. – Không lẽ con không thấy xấu hổ trước mặt bạn bè sao?
- Có phải mình con bị hai đâu! – Tôi nói.
- Thế còn những ai bị hai nữa?
- Siskin cũng bị hai.
- Thế tại sao con lại cứ làm theo Siskin thế? Sao không theo gương những bạn khác, những bạn học giỏi ấy. Hay Siskin có uy tín với con đến mức ấy à?
- Không bố ạ, hoàn toàn không có uy tín gì hết. – Tôi nói.
- Đó, vậy thì đáng lẽ con phải học tốt hơn nó và còn giúp đỡ nó nữa. Chẳng lẽ cả hai đứa thích đứng bét lớp hay sao?
- Không, con không thích, bố ạ, - tôi nói. Con đã quyết tâm học giỏi hơn rồi mà.
- Từ trước đến nay con toàn nói như thế.
- Không, từ trước đến nay là con nói thôi, nhưng bây giờ thì con quyết tâm học tốt mà.
- Thôi được, hãy chờ xem quyết tâm của con ra sao.
Bố ký vào bảng điểm và không nói thêm lời nào nữa. Thậm chí tôi cảm thấy tủi thân vì bố mắng ít thế. Có lẽ bố cho rằng chẳng còn gì để nói chuyện với tôi, một khi tôi cứ chỉ hứa suông mà chẳng bao giờ chịu giữ lời. Vì thế lần này tôi đã quyết phải chứng minh cho bố thấy tôi cũng có quyết tâm, và bắt đầu học một cách chăm chỉ. Thế nhưng đáng tiếc là hôm đó cô lại không cho bài về nhà môn số học, chứ nếu có thì tôi đã tự giải bài tập rồi.
o O o
Sáng hôm sau tôi hỏi thăm thằng Siskin:
- Thế nào, có bị mẹ mắng vì điểm hai không?
- Có chứ! Cả dì Zina nữa. Giá dì cứ im thì hơn! Dì cũng chỉ toàn nói không thôi mà: “Dì sẽ bắt cháu học hành tử tế!”. Thế dì ấy bắt thế nào chứ? Cũng có lúc thì dì nói: “Nào, để dì bắt cháu học: Cứ buổi tối là dì sẽ kiểm tra bài tập về nhà của cháu”. Thế rồi dì chỉ kiểm tra được một hay hai lần thôi, còn lại thì ghi tên vào câu lạc bộ kịch nói của nhà máy ô tô ấy, và thế là chẳng thấy bóng dì ở nhà nữa. “Mai dì sẽ kiểm tra bài”. Lần nào cũng thế, mai cũng chẳng thấy kiểm tra gì hết. Nhưng rồi đột nhiên lại bảo: “Nào đưa vở đây, xem bài về nhà thế nào nào”. Mà tớ thì đã quen không làm bài tập vì chẳng có ai kiểm tra tớ mà. Nói tóm lại tối nào dì ấy cũng đi vắng. Nếu không có buổi tập ở câu lạc bộ kịch nói thì cũng đi xem kịch ở nhà hát thôi.
- Nhưng dì ấy cần phải đi xem kịch, vì dì đang học ở học viện kịch nghệ mà, - tôi nói.
- Tớ biết chứ, - Siskin nói. Mẹ tớ cũng phải học lớp nâng cao trình độ chuyên môn ở nhà máy, lại còn phải đi làm, nhưng mẹ tớ có nói “Mẹ sẽ bắt con học” đâu. Mẹ chỉ giảng giải sự cần thiết phải học thôi, và nếu mẹ có quát mắng tớ thì tớ cũng không tự ái. Còn dì Zina thì tớ luôn cảm thấy tự ái, vì nếu đã nói bắt thì bắt đi, còn không thì thôi chứ. Có lẽ tớ sẽ chờ đến lúc dì Zina bắt tớ học thì tớ sẽ không học hành gì hết. Cá tính của tớ thế đấy!
- Cậu chỉ đem lỗi của mình đổ cho người khác thôi, - tôi nói. - Phải thay đổi cá tính đi.
- Đấy cậu thử đổi cá tính xem. Làm như cậu học giỏi hơn tớ ấy!
- Tớ sẽ học giỏi hơn, - tôi nói.
- Thì tớ cũng sẽ học giỏi hơn, - Siskin trả lời.
Mấy hôm sau thì thấy giáo dạy thể dục Grigori Ivanovich thông báo sân bóng rổ trong phòng tập thể thao của trường đã sẵn sàng, và những em học sinh nào muốn chơi bóng rổ thì có thể ghi tên vào đội bóng. Tất cả đều rất thích thú và đều muốn ghi tên.
Tôi và Siskin cũng thế, muốn ghi tên nhưng thầy Grigori Invanovich không cho phép.
- Chỉ các em có thành tích học tập tốt được phép chơi bóng rổ, - thầy nói.
Siskin rất thất vọng, vì nó chờ lúc có thể bắt đầu chơi bóng rổ từ lâu lắm rồi, thế mà giờ đây, khi tất cả những đứa khác chơi bóng rổ thì, như người ta thường nói, chúng tôi lại bị nhỡ tàu. Cá nhân tôi không thất vọng mấy, vì tôi đã quyết tâm phải học giỏi hơn bằng bất kỳ giá nào, và như thế tôi sẽ được nhận vào đội bóng.
Đúng ngày hôm đó cô Olga Nikolaevna nói nhiều bạn trong lớp cũng đã học hành chăm chỉ hơn và đạt kết quả tốt hơn. Tổ một là tổ có thành tích tốt nhất. Toàn tổ không ai bị hai nữa, và chỉ có 2 điểm ba. Olga Nikolaevna còn nói thêm, khi nào khắc phục được những điểm ba đó thì tổ một sẽ hoàn thành chỉ tiêu thi đua của mình và lời hứa đạt toàn điểm bốn và năm. Tổ ba chúng tôi là kém nhất, bởi chúng tôi có hai điểm hai của tôi và của thằng Siskin.
Iura nói:
- Thế đấy! Tổ mình bét lớp rồi! Nhất định phải nghĩ ra cách nào đó để thoát ra khỏi tình trạng này chứ.
- Tất cả là tại chúng nó, hai đứa này này! – Lenhia Astaphiev nói và chỉ thẳng vào chúng tôi, tức là tôi và thằng Siskin. – Các cậu làm cái trò gì thế, làm cả tổ xấu mặt. Tất cả mọi người đều cố gắng, còn chúng nó thì đem gậy mà đập lên đầu cũng chẳng thấy chuyển biến gì! Cậu thử nói xem, Maleev, vì sao cậu học kém thế?
Tất cả chúng nó đổ xô vào tôi:
- Cậu bị sao thế, không hiểu là phải học hành tử tế hơn à?
- Tớ không hiểu các cậu nói chuyện gì! – Tôi nói. - Chính tớ cũng quyết tâm học tốt đấy chứ, thế mà các cậu lại cứ quặt quẹo đi đâu ấy.
- Đã quyết thì phải học cho tốt chứ! Thế điểm học của cậu được mấy nào? – Alik Sorokin hỏi.
- Nhưng đó là điểm cũ rồi mà, tớ mới quyết tâm từ hôm qua thôi.
- Ối cậu này, cứ làm như là trước đấy thì không quyết tâm được ấy.
- Thôi nào các em! – Cô Olga Nikolaevna nói, - các em đừng cãi nhau. Chúng ta cần phải giúp đỡ các bạn học kém. Ngay trong tổ các em cũng có những bạn học giỏi, vậy các em cần phân công ai đó giúp đỡ hai bạn Maleev và Siskin.
- Em có thể giúp bạn Maleev – Vania Pakhomov - Được không cô?
- Còn em thì giúp bạn Siskin – Alik Sorokin nói.
- Tất nhiên là được, - cô Olga Nikolaevna nói. – Các em tự nguyện giúp đỡ bạn như thế là rất tốt. Nhưng chính bản thân Vichia và Kostia cũng phải nỗ lực học tập. Em, Vichia, có thể hỏi bố hoặc mẹ em khi em không thể giải bài tập số học chứ?
- Không ạ, thưa cô, - tôi nói. – Em sẽ không bao giờ hỏi bố em đâu. Quấy quả khi bố đang làm việc để làm gì. Em sẽ đi hỏi bạn ạ.
- Thì đằng nào mà chả thế. Cô muốn nói là phải tự mình bỏ công sức ra cơ. Nếu em ngồi suy nghĩ trước một bài toán thật cẩn thận, và xét xem phải làm thế nào thì có lẽ em sẽ hiểu ra một điều gì đó, còn nếu lần nào cũng phải đi hỏi người khác thì em sẽ không bao giờ học được cách giải một bài toán cả. Bài tập về nhà là để cho học sinh tập cách suy nghĩ độc lập.
- Vâng ạ, - tôi nói. - Từ nay em sẽ tự giải bài tập.
- Đó-đó, em hãy cố gắng nhé. Chỉ trong các trường hợp không còn cách nào khác, em không thể tự làm được thì hãy nhờ đến sự giúp đỡ của người khác, em nhờ các bạn hay nhờ cô cũng được.
- Không ạ, thưa cô, - tôi nói, - em nghĩ là em có thể cố gắng tự giải một mình được, nhưng nếu có gì thì em sẽ hỏi Vania ạ.
- Chỉ cần em quyết tâm thì sẽ tự giải được mà, - cô Olga Nikolaevna nói.
Vichia Maleev Ở Nhà Và Ở Trường Vichia Maleev Ở Nhà Và Ở Trường - Nikolay Nosov Vichia Maleev Ở Nhà Và Ở Trường