The longer you wait for something, the more you appreciate it when you get it, because anything worth having is definitely something worth waiting.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Jorge Luis Borges
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Duy Vo
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4111 / 147
Cập nhật: 2015-07-04 22:49:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cái Chết Khác
uy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Andrew Hurley
Khoảng hai năm trước, tôi nghĩ vậy (tôi làm mất lá thư rồi), Gannon ở Gualeguaychú [1] viết thư cho tôi thông báo là anh sắp gửi tôi bản dịch, có lẽ là bản dịch đầu tiên sang tiếng Tây-ban-nha, bài thơ của Ralph Waldo Emerson “The Past”; trong phần tái bút, anh thêm vào cho biết Pedro Damián, còn bảo là anh biết tôi còn nhớ gã này, đã chết trước đó mấy đêm do sung huyết phổi. Anh ta bị cơn sốt hành hạ làm thân thể tiều tuỵ, Gannon bảo thế, và trong lúc mê sảng đã làm sống lại cái buổi kinh hoàng đẫm máu ấy ở Masoller [2]. Tin đó làm tôi có cảm giác không có gì bất thường và thậm chí còn thấy tẻ nhạt, bởi hồi lúc mười chín, hai mươi Pedro Damián đã đi theo mấy tấm biểu ngữ của Aparici Saravia [3]. Cuộc nổi dậy năm 1904 đã chộp được anh ở nông trại vùng Río Negro hay Paysandú [4] lúc anh làm việc ở đó. Damián đến từ vùng Entre Ríos, chính xác là Gualeguay [5], nhưng bạn anh đi tới đâu, anh đi theo tới đó – đầy nhiệt huyết và ngu ngốc y như đám bạn. Anh chiến đấu trong một hai trận đánh xáp lá cà cứ lâu lâu diễn ra một lần, và trong trận đánh cuối cùng nữa; được trả về nhà năm 1905, anh quay trở lại (với vẻ ngoan cố nhún nhường) làm việc trên những cánh đồng. Theo như tôi biết, anh không bao giờ rời vùng tỉnh lẻ đó thêm lần nào nữa. Anh sống ba mươi năm cuối đời ở một trang trại tương đối nhỏ bé và cô lập cách Ñancay [6]chừng tám hay mười cây số gì đó; nó là một chốn hoang lương nơi tôi từng nói chuyện với anh vào buổi chiều nọ hồi năm 1942 – hay nói đúng hơn là cố gắng nói chuyện với anh. Anh là một gã kiệm lời, ít học thức. Toàn bộ câu chuyện anh kể chỉ là âm thanh và cuồng nộ ở Masoller; tôi thấy không ngạc nhiên khi anh làm sống lại khoảng thời gian ấy trong lúc nằm chờ chết. … Tôi đã biết được là mình sẽ chẳng bao giờ gặp lại Damián, thế nên tôi cố nhớ anh ta; kí ức về hình ảnh của tôi tệ đến mức toàn bộ những gì tôi nhớ chỉ là bức ảnh Gannon đã chụp anh. Ngay cả bức ảnh cũng không thật sự nổi bật, nếu tính đến chuyện tôi đã gặp chính con người đó chỉ một lần duy nhất, hồi đầu năm 1942, nhưng đã thấy bức ảnh đó nhiều lần. Gannon gửi tôi bức hình; tôi làm mất nó, nhưng giờ thì tôi đã ngưng tìm nó. Tôi sợ tìm thấy nó.
Sự kiện thứ nhì diễn ra tại Montevideo, nhiều tháng sau đó. Cơn sốt và cái chết đau đớn tột cùng của người đàn ông đến từ Entre Ríos đã gợi cho tôi ý tưởng về một câu chuyện huyễn tưởng dựa trên thất bại tại Masoller; khi tôi kể cốt chuyện cho Emir Rodríguez Monegal, anh đưa tôi lá thư giới thiệu đến đại tá Dionisio Tabares, người chỉ huy chiến dịch đó. Vị đại tá đón tiếp tôi sau bữa tối. Ngồi trên chiếc ghế lắc lư dễ chịu ngoài sân, ông ta bồi hồi và bối rối nhớ lại những ngày xa xưa. Ông nói đến súng ống, đạn dược vốn chẳng bao giờ đến tay mình, nói đến mấy con ngựa kiệt sức, về những gã lấm len bùn đất, mơ ngủ dệt nên những mê lộ trong lúc hành quân, và nói đến Saravia, một người có thể tiến vào Montevideo nhưng lại đi băng qua luôn “bởi vì bọn cao-bồi thường có ác cảm với khu đô thị”, nói về mấy gã bị rạch cổ họng xuống tận xương sống [7], về một cuộc nội chiến khiến tôi bất thần chợt thấy đó như là giấc mơ của mấy kẻ ngoài vòng pháp luật hơn là cuộc đụng độ giữa hai đội quân. Ông nói về Illescas, Tupanbaé, Masoller [8], ông kể chuyện kèm theo những đoạn dừng thích hợp đến hoàn hảo, và rõ ràng đến mức tôi nhận ra ông đã kể mấy câu chuyện thế này nhiều lần trước đây rồi – thật sự, những gì tôi e sợ là đằng sau những câu chữ ấy, khó lòng còn sót lại bất kì kí ức nào. Khi ông dừng lại thở một chút, tôi rán đưa ra cái tên Damián.
“Damián? Pedro Damián ư?” Vị đại tá nói. “Nó dưới trướng tôi. Một tay nhỏ thó giông giống Ấn-độ mà tụi nhỏ hay gọi là Daymán.” Rồi ông phá lên cười ầm ĩ, nhưng đột ngột khựng lại, bằng vẻ khó chịu không rõ là thật hay giả vờ.
Bằng một giọng điệu khác, ông bảo chiến tranh cũng tựa như đàn bà vậy, nhằm thử thách đàn ông – ông nói, trước khi người đàn ông ra chiến trận thì không người nào biết được họ thật sự là ai. Có gã nghĩ mình là tên nhát gan rồi trở nên can đảm, hay có thể là kiểu khác, như từng xảy ra với anh chàng Damián tội nghiệp kia, một gã cứ hay kênh kiệu đi ra đi vào quán rượu với dải ruy-băng trắng [9] và rồi tay chân rụng rời tại Masoller. Có màn đầu súng với bọn Zumacos [10], khi đó anh cư xử như một gã đàn ông, nhưng đó là chuyện khác khi hai đội quân đụng độ nhau và bắt đầu nã súng pháo rồi ai nấy đều cảm thấy như thể có năm ngàn người tụ lại để giết họ. Tay chó con Mĩ Latin tội nghiệp, cả đời anh chỉ toàn làm chuyện tẩy rửa lũ cừu, vậy mà đột nhiên anh đứng lên theo tiếng gọi bảo vệ đất nước…
Buồn cười là các sự kiện theo phiên bản của đại tá Tabares lại làm tôi thấy lúng túng. Tôi thấy phải mà chúng không diễn ra theo cách đó thì tốt hơn. Chính cái gã Damián già nua mà tôi từng gặp thoáng qua vào buổi chiều duy nhất đó, một gã hồi nhiều năm trước, tôi vô ý dựng anh lên tạo thành một dạng thần tượng; câu chuyện của Tabares đã làm vỡ tan mọi thứ. Đột nhiên tôi hiểu được bản tính dè dặt cùng sự cô đơn dai dẳng của Damián; không phải tính khiêm tốn chi phối những bản tính kia, mà chính là sự xấu hổ. Tôi cứ tự nhủ đi nhủ lại với bản thân một cách vô ích rằng người đàn ông mà bị sự hèn nhát theo đuổi thì phức tạp hơn và thú vị hơn so với người chỉ đơn thuần có tính can đảm. Tôi nghĩ tay cao-bồi Martín Fierro ít người nhớ đến hơn Lord Jim hay Razumov. Đúng thế, nhưng Damián, cũng là một tay cao-bồi, buộc phải trở thành Martín Fierro – đặc biệt là thế khi nằm trong bè nhóm của mấy tay cao-bồi Uruguay. Theo những gì Tabares đã nói và không nói ra được, tôi bắt gặp cái mùi ôi thiu của thứ gọi là Artiguismo [11] – một nhận thức (có lẽ không thể cãi được) rằng Uruguay mãnh liệt hơn chính đất nước chúng tôi, và do vậy hoang dại hơn… Tôi nhớ đêm đó chúng tôi chào tạm biệt nhau bằng cảm xúc dạt dào hơn mức cần thiết.
Mùa đông năm đó, do thiếu một vài chi tiết cần thiết dành cho câu chuyện huyễn tưởng (lúc nào cũng chối từ việc tìm cho mình một hình mẫu thích hợp) nên tôi trở lại nhà đại tá Tabares. Tôi thấy ông đang trò chuyện cùng với một người đàn ông khác cũng trạc tuổi – bác sĩ Juan Francisco Amaro, ở vùng Paysandú, cũng từng chiến đấu trong cuộc nổi dậy của Saravia. Cũng đoán được là họ đang nói chuyện về Masoller. Amaro kể vài giai thoại rồi sau đó, giống như ý nghĩ được bật thành lời, ông chậm rãi nói thêm:
“Chúng tôi dừng nghỉ chân qua đêm tại nông trại Santa Irene, tôi nhớ vậy, và có mấy gã mới gia nhập vào nhóm. Trong số họ có một tay bác sĩ thú y người Pháp, anh chết vào cái ngày trước khi xảy ra trận đánh, và có một tay chuyên xén lông cừu, thằng nhỏ đến từ Entre Ríos, tên là Pedro Damián.”
Tôi đột ngột cắt ngang:
“Tôi biết,” tôi nói, “Cậu bé người Argentina đó líu ríu sụp cả người xuống dưới làn đạn.”
Tôi ngưng lại; hai người đàn ông đó nhìn tôi với vẻ bối rối.
“Ông có thể nhắc lại không, thưa ông,” cuối cùng thì Amara cũng lên tiếng. “Pedro Damián đã chết như bao kẻ mơ ước. Lúc đó tầm bốn giờ chiều. Đội Hồng binh [12] đang náu mình trên đỉnh đồi; các chàng trai của chúng tôi đột kích bằng lưỡi giáo; Damián dẫn đầu nhóm, gào lên, rồi một viên đạn găm ngay ngực cậu ta. Cậu ấy đứng lặng nơi đó, vừa dứt tiếng gào, rồi quị xuống, còn thân xác bị vó ngựa dẫm nát. Cậu ấy chết, và cuộc đột kích cuối cùng tại Masoller diễn ra cuồn cuộn ngay trên người cậu ta. Thật là một người đàn ông dũng cảm, mà chưa đầy hai mươi nữa.”
Rõ ràng là ông ta đang nói về một Damián khác, nhưng có điều gì đó khiến tôi hỏi chàng trai lai da đỏ ấy đã gào lên những gì.
“Chửi thề cả thôi,” viên đại tá đáp, “đó là những thứ cậu sẽ gào lên khi lao lên tấn công.”
“Có thể vậy,” Amaro nói, “nhưng cậu ta cũng gào lên ¡Viva Urquiza!” [13]
Chúng tôi lặng thinh. Cuối cùng thì viên đại tá lên tiếng làu bàu:
“Cứ như thể cậu ta không phải đang chiến đấu ở Masoller mà là ở Cagancha hay India Muerta [14] một trăm năm trước đó.”
Đoạn, bằng vẻ bối rối thực sự, ông nói thêm:
“Khi đó tôi chỉ huy nhóm lính này, và tôi thề đây là lần đầu tiên nghe ai đó đề cập đến một Damián nào đó.”
Chúng tôi không thể làm ông ta nhớ ra.
Ở Buenos Aires, một biến cố khác làm tôi lại có cái cảm giác run rẩy mà tính đãng trí của vị đại tá đã từng gây ra cho mình. Dưới tầng hầm ở tiệm sách tiếng Anh của Mitchell, buổi chiều nọ tôi tình cờ gặp Patricio Gannon, tôi hỏi anh bản dịch “The Past” ra sao rồi. Anh bảo anh không dự định dịch nó; văn chương Tây-ban-nha đủ chán rồi, cần gì đến Emerson nữa. Tôi nhắc là anh hứa hẹn với tôi bản dịch đó trong cùng lá thư anh viết cho tôi báo tin Damián đã chết. Anh hỏi “Damián” đó là ai thế. Tôi kể cho anh nghe, nhưng không có lời đáp lại. Bắt đầu cảm thấy kinh hoàng, tôi thấy anh đang nhìn mình với vẻ kì lạ, thế là tôi bèn lảng sang chuyện tranh luận văn chương, nói về loại người nào có thể đi chỉ trích Emerson – một nhà thơ phức tạp hơn, tài năng hơn và, tôi khẳng định, rõ là phi thường hơn một Edgar Allan Poe khốn khổ.
Có thêm mấy sự kiện tôi cần ghi nhận. Hồi tháng Tư tôi nhận lá thư của đại tá Dionisio Tabares; ông ta không còn nhầm lẫn nữa – giờ thì ông nhớ khá rõ về cậu trai ở Entre Ríos, người dẫn đầu cuộc đột kích ở Masoller và được đồng đội chôn dưới chân đồi. Hồi tháng Bảy, tôi đi băng qua vùng Gualeguaychú; tôi không tìm ra được nơi ở tồi tàn của Damián – không còn ai nhớ đến anh nữa. Tôi cố tìm hỏi người chủ cửa hàng nọ, Diego Abaroa, là người đã thấy anh chết; Abaroa đã qua đời vào mùa thu. Tôi cố hình dung lại những đặc điểm của Damián; nhiều tháng sau, khi đang lướt qua một số cuốn album, tôi nhận ra gương mặt u sầu mà tôi tìm cách gợi nhớ ra chính là gương mặt của giọng ca tenor trứ danh Tamberlick, người thủ vai Othello.
Giờ thì tôi chuyển sang đặt ra những giả thuyết. Giả thuyết đơn giản nhất, mà cũng ít thoả mãn nhất, cho rằng có hai Damián – một kẻ hèn nhát chết ở Entre Ríos năm 1946, và một người đàn ông can trường chết ở Masoller năm 1904. Vấn đề ở giả thuyết này ở chỗ nó không giải thích được phần bí ẩn thật sự của toàn bộ câu chuyện: việc trí nhớ ông đại tá Tabares đến rồi đi khiến người ta tò mò, việc quên lãng đã gạt bỏ hình ảnh và cả danh tính của một người đàn ông cách đó không lâu vẫn còn hiện ra trong kí ức. (Tôi không, không thể, chấp nhận một giả thuyết đơn giản hơn nữa – rằng ắt là mình đã nằm mơ tình huống hồi tưởng đầu tiên.) Còn gây tò mò hơn nữa là lời giải thích siêu nhiên của Ulrike von Kühlmann. Theo lời Kühlmann thì Pedro Damián chết trong chiến trận, và ngay giờ phút lâm chung đã cầu nguyện Thượng đế gửi mình trả về lại Entre Ríos. Thượng đế chần chờ trong một giây trước khi ban đặc ân, và người đàn ông thỉnh cầu đó chết đi, một số gã đã thấy anh bị giết. Thượng đế, vốn không thể thay đổi quá khứ, mặc dù Ngài có thể thay đổi những hình ảnh ở quá khứ, nhưng đã thay đổi hình ảnh cái chết sang một trong những trạng thái bất tỉnh, và vong linh người đàn ông đến từ Entre Ríos đã trở về quê hương mình. Trở về, nhưng ta nhớ rằng anh chỉ là một vong linh, một hồn ma. Anh sống trong cô độc, không vợ con, không bạn bè; anh yêu mọi thứ, sở hữu mọi thứ, nhưng là từ đằng xa, như từ phía bên kia khung cửa kính; anh “chết”, nhưng hình ảnh mỏng manh của anh vẫn còn dai dẳng, như nước trong nước vậy. Giả thuyết đó không đúng, nhưng nó có thể gợi ra một giả thuyết đúng (cái giả thuyết mà đến ngày hôm nay tôi vẫn tin đó là thật), đó là một giả thuyết đơn giản hơn mà cũng táo tợn hơn. Gần như là phép lạ khi tôi khám phá ra nó trong khảo luận của Pier Damiani với nhan đề De omnipotentia, tôi đã tìm kiếm nó bởi vì có hai dòng lấy từ Canto XXI của quyển Paradiso – hai dòng đề cập đến vấn đề căn cước. Ở chương thứ năm của cuốn khảo luận, Pier Damiani khẳng định, ngược lại với Aristoteles và Fredegarius xứ Tours, rằng Thượng đế có thể làm cho những thứ từng tồn tại thành cái chưa hề tồn tại. Tôi đọc được những luận cứ thần học xưa cũ đó và bắt đầu hiểu ra câu chuyện bi ai của ngài Pedro Damián.
Damián xử sự như tên hèn nhát ở chiến trường Masoller, và dành cả đời mình để chữa lại khoảnh khắc yếu đuối đáng xấu hổ kia. Anh trở về Entre Ríos; anh không giơ tay động chân với một gã nào, không “để dấu lại” cho một người nào, [15] không tìm lấy danh tiếng về lòng dũng cảm, nhưng trên những cánh đồng Ñancay, khi phải xử lí những vùng hoang vu rậm rạp và bầy gia súc bất kham, anh đã tự tôi luyện bản thân. Dần dần anh đã tự chuẩn bị cho bản thân, mà không ý thức được, để đón nhận phép màu đó. Sâu thẳm trong lòng, anh nghĩ: Nếu số mệnh đưa ta đến một trận đánh khác, ta sẽ biết làm sao để xứng đáng điều đó. Suốt bốn mươi năm anh đợi chờ trận đánh đó với niềm hi vọng mơ hồ, rồi cuối cùng số mệnh cũng mang nó đến cho anh, ngay giờ phút anh lìa đời. Số mệnh mang nó đến dưới hình hài một cơn mê sảng, nhưng đã từ lâu người Hi-lạp đã biết rằng chúng ta là những cái bóng của một giấc mộng. Trong cơn đau đớn lúc lâm chung, anh dựng lại trận đánh của mình, và tự thể hiện mình như một người đàn ông chân chính – anh dẫn đầu cuộc đột kích cuối cùng và lãnh lấy một viên đạn găm vào ngực. Do đó, năm 1946, nhờ cách hành xử xuất phát từ nỗi niềm âm ỉ bao lâu nay, Pedro Damián chết khi bại trận tại Masoller, xảy ra vào khoảng thời gian từ mùa đông cho tới mùa xuân năm 1904.
Cuốn Summa Theologica phủ nhận chuyện Thượng đế có thể xoá bỏ, thay đổi cái đã từng tồn tại, nhưng nó không nói gì về cái xích chuỗi xoắn xuýt của nguyên nhân và hệ quả – vốn là thứ quá đỗi to lớn và quá đỗi bí mật đến mức không thể bãi bỏ một sự kiện đơn lẻ xa xăm nào đó, bất kể nó tầm thường đến mức nào, mà không xoá bỏ đi hiện tại. Thay đổi quá khứ không phải là thay đổi chỉ một sự kiện đơn lẻ; đó chính là việc bãi bỏ toàn bộ những kết quả liên quan, vốn có xu hướng kéo dài đến vô tận. Nói cách khác: đó chính là tạo ra hai câu chuyện lịch sử của cõi nhân gian này. Ở cái mà chúng ta có thể cho là lịch sử thứ nhất, Pedro Damián chết ở Entre Ríos năm 1946; ở phiên bản thứ nhì, anh ta chết tại Masoller, năm 1904. Câu chuyện sau là cái mà ta đang sống vào lúc này, nhưng việc đè nén câu chuyện đầu tiên không xảy ra ngay tức thì, vậy là nó tạo ra những điều không nhất quán mà tôi đã tường trình. Ở viên đại tá Dionisio Tabares ta có thể thấy những giai đoạn khác nhau của quá trình này: đầu tiên ông ta nhớ rằng Damián cư xử như một tên hèn nhát; rồi ông toàn toàn quên bẵng anh ta; sau đó ông nhớ lại cái chết chóng vánh của anh. Trường hợp của tay chủ cửa hàng Abaroa cũng làm ta sáng tỏ ra giống vậy; ông ấy chết, mà theo quan điểm của tôi, bởi vì ông có quá nhiều kí ức về ngài Pedro Damián.
Về phần mình, tôi không nghĩ mình có nguy cơ tương tự vậy. Tôi phỏng đoán và ghi nhận lại một quá trình bất khả tư nghị đối với loài người, một dạng giận dữ của lí trí; nhưng có những hoàn cảnh làm giảm đi cái đặc quyền tuyệt vời đó. Trong lúc này, tôi không chắc là mình bao giờ cũng viết ra chân lí. Tôi nghi ngờ rằng trong câu chuyện của mình có những hồi ức sai lệch. Tôi nghi ngờ Pedro Damián (nếu anh ta từng tồn tại) không phải mang tên Pedro Damián, và ngờ là tôi đã nhớ ra anh dưới cái tên ấy để có thể tin rằng, vào một ngày nào đó trong tương lai, câu chuyện của anh được những luận cứ của Pier Damiani gợi ra cho tôi. Nhiều điều tương tự vậy diễn ra với cái bài thơ mà tôi đã đề cập trong đoạn đầu tiên, bài thơ với chủ đề nói về tính bất dịch của quá khứ. Vào năm 1951 hoặc khoảng đó tôi sẽ nhớ lại mình đã chế ra một câu chuyện huyễn tưởng, nhưng tôi sẽ kể câu chuyện về một sự kiện có thật giống với cái cách mà Virgil ngây thơ hồi hai ngàn năm trước tưởng rằng ông đang báo trước sự chào đời của một người đàn ông và dự đoán sự ra đời của Chúa.
Damián tội nghiệp! Cái chết mang anh đi ở độ tuổi hai mươi trong một trận chiến mà anh không biết gì và trong một trận đánh khác kiểu tự chế tại gia – mặc dù thế, anh đã mất một thời gian dài để làm điều đó, rốt cuộc thì anh đã đạt được nỗi khao khát nơi tim mình, và có lẽ không có gì hạnh phúc hơn điều đó.
Chú thích của Andrew Hurley
[1] Gualeguaychú: Một thị trấn nằm bên bờ sông cùng tên thuộc tỉnh Entre Ríos, đối diện với thị trấn Fray Bentos, hai nơi này có những trao đổi qua lại với nhau. (Fisburn & Hughes, A Dictionary of Borges.)
[2] Masoller: Masoller nằm ở phía bắc Uruguay là nơi diễn ra trận đánh quyết định vào ngày 1/9/1904 giữa phe nổi loạn của Aparicio Saravia và quân đội quốc gia; Saravia bị đánh bại và bị thương chí tử. (Fisburn & Hughes, A Dictionary of Borges.)
[3] Mấy tấm biểu ngữ của Aparicio Saravia: Aparicio Saravia (1856-1904) là địa chủ Uruguay và là tay độc tài quân sự dẫn dắt cuộc nổi dậy của đảng Blanco (đảng Trắng) chống lại chế độ độc tài của Idiarte Borda (đảng Colorados, hay còn gọi đảng Đỏ). Tuy nhiên, ngay cả khi thắng lợi thì Saravia phải tiếp tục chiến đấu chống lại chính phủ trung ương, bởi vì kẻ kế tục Borda, Batlle, từ chối không cho đảng của Saravia dự phần trong chính phủ mới. Chính những năm tháng của cuộc nổi dậy sau là khoảng thời gian trong “Cái chết khác”.
[4] Río Negro hay Paysandú: Río Negro là tên khu hành chính ở phía tây Uruguay, nằm bên con sông cùng tên, ngay đối diện với tỉnh Entre Ríos của Argentina. Paysandú là khu hành chính của Uruguay giáp với Río Negro. Một lần nữa JLB phát ra tín hiệu về một vùng tương đối “hoang dã” ở Uruguay đối chiếu với Argentina, là nơi những cuộc nội chiến ở khoảng thời gian đó không bén mảng tới.
[5] Gualeguay: “Một thị trấn hẻo lánh và khu hành chính thuộc tỉnh Entre Ríos” (Fisburn & Hughes, A Dictionary of Borges).
[6] Ñancay: “Con sông nhánh của con sông Urguay chảy qua những vùng đất nông nghiệp giàu có thuộc phía nam tỉnh Entre Ríos” (Fisburn & Hughes, A Dictionary of Borges).
[7] Mấy gã bị rạch cổ họng xuống tận xương sống: Đây là một ví dụ khác trong đó JLB ghi nhận lại (cho chúng ta ngày nay) về phong tục man rợ được tiến hành bởi quân đội ở những cuộc chiến tranh giành độc lập tại khu vực Nam Mĩ (và những cuộc chiến khác, cũng có những trận đánh kém dữ dội hơn), phong tục rạch cổ họng lính bại trận. Ở những nơi khác, ông chú thích một cách tự nhiên rằng “không giữ bất kì tù nhân nào”, điều này không có nghĩa là toàn bộ lính bại trận được thả về doanh trại của mình. Trong trường hợp này, một trường hợp hiếm hoi, Borges thật sự “bày tỏ ý của mình” một chút: “một cuộc nội chiến khiến tôi bất thần chợt thấy đó như là giấc mơ của mấy kẻ ngoài vòng pháp luật hơn là cuộc đụng độ giữa hai đội quân”.
[8] Illescas, Tuapambaé, Masoller: Toàn bộ những nơi này là địa điểm xảy ra các trận đánh ở miền bắc và miền trung Uruguay hồi năm 1904 giữa lực lượng của Saravia và quân đội quốc gia Uruguay.
[9] Dải ruy-băng trắng: Bởi vì quân lính thường là không chính qui, hoặc được đào tạo từ những kẻ chăn bò hoặc những tay làm ruộng ở Argentina, do vậy họ thiếu bộ đồng phục chuẩn, cách duy nhất để phân biệt bạn hay thù chính là những dải ruy-băng này, trắng nếu thuộc đảng Blanco, đỏ nếu thuộc Colorado. Ở đây dải ruy-băng trắng do nhân vật trong truyện đeo vào đã đánh dấu anh là kẻ theo phe Saravia, vị lãnh đạo của đảng Trắng.
[10] Zumacos: Đây là tên thường gọi dành cho lính chính qui thuộc quân đội quốc gia Uruguay.
[11] Artiguismo: Đặt tên dựa trên cuộc đời và quan điểm của José Gervasio Artigas (1764-1850), đây là hình tượng vị anh hùng ở Uruguay đã chiến đấu chống lại cả người Tây-ban-nha lẫn người Argentina mới xuất hiện lúc ấy, nhằm hàn gắn lại một quốc gia bị chia cắt bởi cái đã từng là Banda Oriental, hay còn gọi là bờ phía đông dòng sông Plate. Luận cứ cho rằng Uruguay có “tinh thần” riêng, có “cảm quan nơi chốn” riêng, điều mà những kẻ Argentina yếu đuối của Buenos Aires, những kẻ chỉ biết lãng mạn hoá về hình tượng anh chăn bò nhưng lại không có cho riêng mình một kẻ chăn bò, những kẻ đó không bao giờ có thể thật sự hiểu được hay sống được vậy.
[12] Hồng binh: Phe Đỏ, hay Colorado, là những lực lượng thuộc chính quyền quốc gia chính thức của Uruguay, đối lập với phe Blanco, hay đảng Trắng, thuộc lực lượng dưới quyền Saravia; phe Đỏ do vậy nhìn chung có vũ khí và thiết bị tốt hơn, và xét tổng thể thì có các sĩ quan quân sự được huấn luyện bài bản hơn so với phe Trắng với lực lượng là lính không chính qui và phần lớn là những kẻ chăn bò.
[13] ¡Viva Urquiza!: Justo José Urquiza (1801-1870) là tổng thống của Liên bang Argentina từ năm 1854 đến 1860. Trước đó, ông đã đấu tranh cùng với những người theo chủ trương lập chế độ liên bang dưới quyền Rosas (các lực lượng tỉnh lẻ) chống lại nhóm người theo thuyết nhất thể (Unitarianism) (những lực lượng tập trung với nền tảng ở Buenos Aires), nhưng vào năm 1845 ông đoạn tuyệt với Rosas (người mà JLB lúc nào cũng chỉ trích là một kẻ độc tài tàn bạo) và rốt cuộc thấy được tỉnh Buenos Aires và những tỉnh khác thuộc Liên bang Argentina sáp nhập lại thành quốc gia Argentina hiện đại, dẫu cho dưới quyền của tổng thống Bartolomé Mitre.
[14] Cagancha hay India Muerta: Chuyện phức tạp ở đây bắt nguồn từ sự kiện rằng trong lúc trận đánh diễn ra tại Masoller, trận có Damián tham gia vào, hồi năm 1904, tiếng kêu ¡Viva Urquiza! được người đời nghe thấy tại trận đánh Cagancha (1839) hoặc trận India Muerta (1845), là nơi các lực lượng nổi dậy của phe chủ trương lập liên bang chiến đấu chống lại phe nhất thể. Ở Cagancha, Urquiza bị phe nhất thể đánh bại; ở Inida Muerta thì ông đánh bại họ. Do đó, truyện này cũng có thể có vài mối liên kết ngầm nào đó với truyện “Những nhà thần học” ở chuyện xem xét các khả năng xảy ra việc thời gian lặp lại hoặc thời gian vòng tròn hay ít nhất cũng là thời gian liền mạch.
[15] Anh không “để dấu lại” cho một người nào: Anh ta không để dấu dành cho một ai trên con dao chiến đấu của mình; trong một trận chiến, thậm chí theo chuẩn mực ngày nay, khi một lời thoá mạ được xem là quá vặt vãnh không đáng giết một ai đó, hoặc nếu người kia từ chối chiến đấu, thì kẻ thắng sẽ để lại dấu của mình, một vết sẹo, có tác dụng làm tổn thương đối phương.
Tuyển Tập Tác Phẩm Tuyển Tập Tác Phẩm - Jorge Luis Borges Tuyển Tập Tác Phẩm