Những gì làm bạn đau khổ sẽ dạy bạn nhiều điều.

Benjamin Franklin

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 848 / 5
Cập nhật: 2015-12-10 22:48:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
a Đôn đi về phía hội trường và ra lệnh tập họp các người đàn ông trong đảo. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, mọi người đã tề tựu đông đủ. Tất cả đều tỏ vẻ ngạc nhiên, lo âu vì cuộc tập họp bất ngờ này.
Ba Đôn mời mọi người ngồi, đoạn lên tiếng:
- Thưa anh em, nước nhà mới thâu hồi độc lập, cần nhiều nhân tài ra giúp nước, vì thế Tổng thống triệu hồi ông Mạc Cư về Manila để trọng dụng. Việc quá khẩn cấp, ông Mạc Cư và gia đình rời khỏi đảo mà không kịp từ giã anh em. Ông xin tôi chuyển lời tạm biệt anh em và khuyên dặn anh em cứ yên trí, tạm thời quản trị lấy mọi sinh hoạt trong đảo. Chừng một tháng sau, ông Mạc Cư sẽ trở lại đây để sắp đặt mọi việc cho anh em. Khi ấy, ai muốn trở về Manila hoặc ở lại đây sinh sống tùy ý.
Rồi Ba Đôn cười, nói tiếp:
- Những thứ anh em đã mua sắm để mừng lễ cưới chúng tôi, xin cứ giữ lại đó. Một tháng nữa, chúng tôi sẽ trở lại đây, để cùng toàn thể anh chị em liên hoan ngày vui của chúng tôi! Bây giờ, chúng tôi xin tạm biệt anh chị em!
Tin xảy đến bất ngờ, mọi người sửng sốt một lúc, đoạn nhao nhao hỏi:
- Ông có chắc là ông Mạc Cư được Tổng thống triệu hồi về để trọng dụng không, hay là để bắt tội?
Ba Đôn nghiêm nghị giơ tay trấn an mọi người:
- Tôi xin lấy danh dự mà đoan chắc với anh em là ông Mạc Cư, người anh cả chúng ta, được triệu hồi để trọng dụng, chứ không có tội tình gì hết. Anh em biết trước, nước nhà chúng ta đã được trao trả cho người Phi Luật Tân chúng ta cai trị, vậy thì, những người trước đây vì yêu nước mà chống đối với thực dân đều là kẻ có công với quốc gia, chứ đâu phải là kẻ có tội? Không những ông Mạc Cư, mà hết thảy anh em đây đều là những nhà ái quốc, những kẻ có công với quốc gia!
Mọi người đều nhận ra lẽ phải, vui vẻ trở về nhà. Tuy nhiên, công việc xảy ra quá đột ngột, khiến một số người thắc mắc, không yên tâm.
° ° °
Hai nhân viên phụ trách dẫn bà Mạc Cư và cô Cát Tiên đến phòng ông Mạc Cư. Vừa bước vào phòng, thấy ông ngồi ủ rũ trên ghế, bà vội chạy lại hỏi dồn dập:
- Chú Ba bảo mình bị thương nơi chân, nặng nhẹ thế nào mình?
Ông Mạc Cư cười nhạt, duỗi hai chân lành lặn cho vợ con xem:
- Ba Đôn bảo mình thế à?
Bà Mạc Cư sửng sốt vì thấy mình bị Ba Đôn đánh lừa:
- Thế là thế nào, mình? Làm sao chú ấy lại chạy về đưa tin thất thiệt thế này?
Thấy vợ hốt hoảng lo lắng, ông Mạc Cư cầm lấy tay bà, dịu dàng:
- Mình và con ngồi xuống dây, đừng hốt hoảng, để từ từ tôi kể trước sau cho mình nghe!
Bà Mạc Cư và cô con gái vâng lời, ngồi xuống ghế đối diện với ông. Ông Mạc Cư giọng buồn rầu:
- Khi tôi và Ba Đôn theo đường tắt chạy ra đến bến, dưới tàng cây rậm, tôi thấy có ba, bốn người đang đứng chờ tại đó. Trời tối quá, tôi không nhận ra ai, tưởng là mấy anh em trong đảo đi tuần phòng. Tôi hỏi họ:
- Có chuyện gì thế, các chú?
Một người trả lời:
- Thưa ông, chúng tôi gác ở đây, thấy có chiếc tàu lạ đậu ngoài khơi, sau đó lại nghe tiếng thuyền máy chạy vào, một lúc thì máy tắt. Chúng tôi tìm mãi không thấy bóng chiếc thuyền đâu cả.
Tôi cố nhìn ra khơi: sóng biển bạc đầu đập ì ầm, không thấy gì rõ ràng cả. Tôi quay lại hỏi:
- Ai có ống dòm đó không? Cho tôi mượn một chút!
Một người đưa cho tôi, tôi đưa ống dòm lên mắt điều chỉnh. Chiếc tàu hiện rõ trước mắt, tôi lẩm bẩm:
- Không phải tàu đánh cá của Kha Lâm!
Bỗng một tiếng người đứng gần tôi, trả lời rõ ràng, đĩnh đạc:
- Phải! Không phải tàu đánh cá của Kha Lâm mà là tàu của chính phủ!
Tôi ngạc nhiên, hạ ống dòm xuống, đứng dậy định hỏi, thì đột nhiên hai bóng người xáp đến nắm chặt lấy hai cánh tay tôi và tước luôn cây súng lục trong bọc áo tôi. Người thứ ba tiến đến trước mặt tôi, cúi đầu chào và nói:
- Trình ông Mạc Cư, chúng tôi được lệnh Tổng thống đem tàu mời ông về Manila, có việc cần. Vì lệnh trên không muốn làm náo động mọi người trong đảo, mong ông vui lòng thông cảm cho cử chỉ đường đột vô lễ của chúng tôi!
Tôi sửng sốt, ngạc nhiên hết sức. Một lúc sau mới định thần laị được, tôi bình tĩnh hỏi:
- Té ra Ba Đôn phản bội ta hay sao? Ba Đôn đâu?
Tôi không nghe tiếng Ba Đôn trả lời, chỉ nghe tiếng một người khác:
- Thưa ông, ông Ba Đôn đã chạy về đưa bà và cô Cát Tiên về Manila với ông luôn. Xin ông yên trí, tuy chúng tôi được lệnh ép buộc ông bà trở về Manila, nhưng chắc chắn sẽ không có gì nguy hiểm xảy đến cho ông bà và gia đình đâu. Ông bà về Manila rồi sẽ thấy sự thật như chúng tôi vừa nói.
Một người bấm đèn ra khơi làm hiệu, tức thì nghe tiếng máy nổ và chỉ mấy phút sau, một chiếc thuyền máy tiến vào đậu ngay trước mặt. Người nói với tôi lúc nãy - có lẽ là viên chỉ huy - bảo hai người đang giữ tôi:
- Thôi, hai chú mời ông lên thuyền ra tàu đi!
Dù muốn dù không, tôi cũng phải bước theo họ xuống thuyền. Máy thuyền nổ và từ từ trở đầu ra khơi... và họ đưa tôi lên phòng này!
Bà Mạc Cư chưng hửng:
- Thế mà Ba Đôn hốt hoảng chạy về bảo tôi là ông bắn nhau với bọn tàu cướp, bị thương ở chân, đang nằm trên tàu của Kha Lâm. Ba Đôn giục tôi đem Cát Tiên và Ly Kim ra đây với ông. Hắn cũng đi gọi A Lịch đem thuốc ra băng bó cho ông nữa.
- Thế A Lịch và Ly Kim đâu?
- Hồi nãy, cả hai đứa cùng đi thuyền máy ra đây một lượt với tôi, nhưng khi lên tàu, thì có người dẫn hai đứa đi chỗ khác, không cho đi theo tôi.
- Thế Ba Đôn đâu?
- Khi hắn đưa mẹ con tôi lên thuyền máy, thì hắn nói, hắn còn ở lại thu xếp mấy việc cần kíp, rồi sẽ lên tàu sau.
Ông Mạc Cư thở dài:
- Như vậy là hắn làm phản rồi! Chắc chính hắn dẫn đường chỉ lối cho nhân viên chính phủ chới tụi đó làm sao biết được đường vào bến. Bà biết con đường ngoài biển vô đảo ngoắt ngoéo, mà đi trệch đường là đụng thủy lôi tan xác ngay!
Bà Mạc Cư lo lắng:
- Họ bảo là Tổng thống triệu hồi mình về Manila có việc cần và cam kết không có gì nguy hiểm, nhưng biết họ nói thật hay là nói bịa vậy để mình không chống cụ?
Ông Mạc Cư ngửa đầu nhìn lên trần tàu:
- Thì họ nói vậy, mình nghe vậy, chứ thật hư ra sao, mình đâu biết được?
Cát Tiên, từ khi có trí khôn đến nay, chưa hề gặp trường hợp nào đột ngột, kinh hoàng như thế này, nàng òa lên khóc:
- Ba má ơi, con sợ lắm!
Bà Mạc Cư ôm choàng lấy con, an ủi:
- Con đừng sợ! Có ba má ở cạnh con luôn, mà con lo sợ gì? Chắc họ nói thật đó con à!
Chiếc tàu như chuyển động, sóng vỗ vào hai bên hông tàu mạnh hơn. Ông Mạc Cư bảo vợ con:
- Hình như tàu đã bắt đầu chạy rồi. Thôi, mình và con đi ngủ đi. Rán ngủ một chút cho khỏe, lo lắng cũng chẳng được ích gì? Việc đến đâu hay đó, chúng ta hãy phú mặc ý Chúa!
Gia đình ông Mạc Cư thì ủ rũ buồn rầu, vì tai họa xảy đến bất ngờ. Còn A Lịch và Ly Kim, tuy mỗi người ở riêng biệt, không liên lạc được với nhau, nhưng cả hai cùng có một ý nghĩ: đây chính là lúc họ được giải thoát như lời Huy Sinh đã báo trước. A Lịch muốn bước ra sàn tàu, tìm mấy thủy thủ để hỏi chuyện, nhưng thấy có người vẫn đi qua lại canh phòng trước cửa, nên chàng không dám.
Nhìn ra cửa phòng, A Lịch thấy trời sáng mờ mờ, tiếng sóng vỗ ì ầm vào hông tàu, nhưng tuyệt nhiên không nghe một tiếng người, chàng mỉm cười tự bảo:
- Đây chính là một chiếc tàu ma!
° ° °
Đêm tàn, ngày tới. Mặt trời mọc lên chiếu ánh sáng rực rỡ xuống mặt biển mênh mông, lóng lánh như muôn ngàn con rắn bạc đùa giỡn trên sóng nước. Chim hải âu bay liệng qua lại trên tàu...
Sau một đêm trằn trọc, ánh sáng mặt trời đến làm cho không khí trên tàu bớt vẻ cô quạnh. Các thủy thủ bơm nước rửa tàu, nói cười huyên náo. Trong các phòng, ông bà Mạc Cư, A Lịch và Ly Kim đều có người bưng điểm tâm tới, nhưng không ai hỏi thăm họ được điều gì.
Ông Mạc Cư tin chắc là Ba Đôn có mặt trong chiếc tàu này, nên rất trông mong được gặp chàng, nhưng không biết làm thế nào mà nhắn hỏi. Cuối cùng ông nghĩ ra một kế, ông bàn với bà, bảo Cát Tiên giả bộ đau ngất xỉu.. và ông viết mấy chữ gởi cho Ba Đôn:
Chú Ba thân mến,
Con Cát Tiên nhà tôi lo sợ quá, nên bị ngất xỉu, xin chú cho bác sĩ tới ngay, kẻo nó nguy mất!
Mạc Cư
Một lúc sau, người hầu tới bưng khay đi dọn rửa, ông Mạc Cư trao lá thư cho anh ta. Quả thật, chỉ mấy phút sau, Ba Đôn và bác sĩ của tàu đến. Sau khi bác sĩ chích cho Cát Tiên một mũi thuốc an thần, Ba Đôn đưa bác sĩ ra cửa rồi trở vào đóng cửa lại.
Chẳng biết Ba Đôn đã nói chuyện gì với ông bà Mạc Cư, mà mãi tới gần trưa, chàng mới bước ra khỏi phòng. Nét mặt chàng hoan hỉ, miệng nở nụ cười rạng rỡ. Còn ông bà Mạc Cư cũng tươi vui hẳn lên, khác hẳn hồi sáng. Riêng về phần Cát Tiên, mặt nàng ửng đỏ, có vẻ e lệ thẹn thùng. Bà Mạc Cư mỉm cười, nét mặt lộ vẻ thỏa mãn, bà ôm con gái vào lòng, thì thầm vào tai nàng. Ông Mạc Cư âu yếm nhìn vợ, nhìn con, tươi cười. Hình như trong lòng ông bà đang có điều gì vừa ý lắm!
Tướng Cướp Biển Tướng Cướp Biển - Nguyễn Hòa Giang Tướng Cướp Biển