Nguyên tác: Blink: The Power Of Thinking Without Thinking
Số lần đọc/download: 0 / 34
Cập nhật: 2023-06-22 21:34:28 +0700
6. Bảy Giây Ở Khu Bronx
Đ
ọc suy nghĩ của người khác – nghệ thuật tinh tế và đòi hỏi sự nhạy bén
Lô số 1.100 trên đại lộ Wheeler nằm trong vùng lân cận Soundview của khu vực phía Nam Bronx, là một con phố hẹp với những căn hộ và nhà hai tầng đơn sơ. Đoạn cuối con phố luôn huyên náo bởi những tiếng ồn ào từ đại lộ Westchester, khu vực buôn bán chủ yếu của vùng Soundview, và từ đại lộ này lô 1.100 chạy dài khoảng 183m, với hai hàng cây và hai dãy đỗ xe chạy song song. Những dãy nhà ở đây đều được xây từ những năm đầu của thế kỷ 20. Có rất nhiều căn nhà có mặt tiền được trang trí công phu bằng gạch đỏ, với những bậc thềm 4 hoặc 5 bậc phía cửa trước. Đây là khu vực sinh sống của người nghèo và dân lao động. Vào cuối những năm 1990, nạn buôn bán ma tuý ở vùng này, đặc biệt là ở đại lộ Westchester và một con phố nằm trên đại lộ Elder bùng phát nhanh chóng. Nếu bạn là dân nhập cư tới thành phố New York để sinh sống và muốn tìm một chỗ ở rẻ tiền, gần tàu điện ngầm thì Soundview chính là địa điểm lý tưởng. Đó cũng chính là lý do khiến Amadou Diallo dọn đến sống ở đại lộ Wheeler.
Diallo đến từ Guinea vào năm 1999, Diallo mới 22 tuổi. Anh làm nghề bán rong ở khu dành cho dân lao động nghèo ở quận Hạ Manhattan, Diallo chuyên bán băng video, tất và găng tay trên vỉa hè dọc theo phố 14. Thấp, không có vẻ gì vui nhộn, cao khoảng 1m7 và nặng 68 cân, Diallo sống ở số 1157 Wheeler, trên tầng hai của một trong những khu nhà dãy chật hẹp của khu phố. Đêm ngày mùng 3 tháng 2 năm 1999, Diallo trở về căn hộ của mình ngay trước khi đồng hồ kịp điểm 12 tiếng. Anh trò chuyện với cậu bạn cùng phòng rồi đi xuống tầng dưới và đứng ở những bậc thềm đầu dẫn lên khu nhà, đắm mình vào đêm tối. Vài phút sau đó, một nhóm cảnh sát mặc thường phục từ từ rẽ vào đại lộ Wheeler trên một chiếc Ford Taurus. Bọn họ có bốn người và tất cả đều là người da trắng. Tất cả đều mặc quần jean, áo cốt tông dày, dài tay, đầu đội loại mũ của các cầu thủ bóng chày, ngoài ra họ còn mặc thêm tấm áo gilê chống đạn. Tất cả đều cầm súng ngắn bán tự động khẩu 9 ly, chuyên dùng cho cảnh sát. Người ta vẫn gọi những nhóm cảnh sát như thế này là đơn vị tuần tra bảo vệ trị an đường phố (Street Crime Unit), một đơn vị đặc biệt của Sở Cảnh sát New York. Đơn vị này có nhiệm vụ tuần tra tại các điểm nóng ở những vùng ngoại ô nghèo nhất của New York. Người lái chiếc Taurus hôm đó là Ken Boss, 27 tuổi. Ngồi cạnh anh ta là Sean Carroll, 35 tuổi, và ngồi hàng ghế sau là Edward McMellon và Richard Murphy, cả hai đều 26 tuổi.
Chính Carroll là người đầu tiên chỉ vào Diallo. “Dừng lại! Dừng lại!” Carroll nói với những người còn lại, “Gã kia đang làm gì vậy?” Sau này, khi thuật lại, Carroll quả quyết rằng khi ấy trong đầu anh ta xuất hiện hai suy nghĩ. Một là Diallo có thể là kẻ đứng gác cho tên trộm đã đột nhập vào trong – hay nói cách khác anh ta là tên trộm đóng giả một vị khách, dạo chơi ở các dãy nhà. Hai là ngoại hình của Diallo rất khớp với những mô tả về một tên tội phạm đã gây ra vụ hàng loạt cưỡng hiếp ở khu vực này trong gần một năm nay. Carrol nhớ lại, “Anh ta đứng ngay trên bậc thềm trước nhà, ngó quanh quất khu phố, thò đầu ra nhìn trộm rồi lại thụt vào sau tường. Cứ chốc lát, anh ta lại lặp đi lặp lại hành động đó, hết nhìn ngang lại nhìn dọc. Và có vẻ như là anh ta đã lui vào trong phòng ngoài của ngôi nhà khi chúng tôi tiến lại gần, dường như là anh ta muốn lẩn trốn để không ai nhìn thấy mình. Sau đó, khi chúng tôi chạy xe ngang qua đó, tôi đã nhìn thẳng vào anh ta, cố gắng tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra. Gã thanh niên này đang định làm gì đây?”
Boss đỗ lại và lùi chiếc Taurus lại ngay trước số 1157 đại lộ Weeler. Diallo vẫn đứng đó, sau này kể lại Carrol đã nói rằng chi tiết này khiến anh ta rất ngạc nhiên. “Nào, chắc chắn có điều gì đó đang diễn ra ở đây.” Carrol và McMellon ra khỏi xe. “Cảnh sát đây!”, McMellon lên tiếng, tay giơ phù hiệu lên cao. “Chúng ta có thể nói chuyện chứ?”, nhưng Diallo không trả lời. Hình như Diallo có lắp bắp một điều gì đó. Có lẽ, anh ta đã cố gắng để nói nhưng anh ta lại hoàn toàn không thể. Điều quan trọng hơn là tiếng Anh của Diallo không được tốt lắm. Không những thế lại có những lời đồn đại rằng gần đây một người bạn của anh bị một toán người có vũ khí trấn lột. Vì vậy, chắc chắn là Diallo rất hoảng sợ. Anh ta đứng ở đây, bên ngoài ngôi nhà, trong một khu vực là điểm nóng về tội phạm, vào lúc quá nửa đêm với hai người đàn ông cao lớn, đầu đội mũ cầu thủ bóng chày, ngực căng lên vì chiếc áo chống đạn, đang sải bước về phía mình. Diallo ngập ngừng rồi chạy biến vào dãy hành lang của ngôi nhà. Carrol và McMellon đuổi theo. Diallo đã chạy đến cửa, tay trái anh ta chộp được vào quả đấm cửa trong khi quay nghiêng người và lục tìm trong túi áo bằng tay còn lại (theo lời khai về sau của những cảnh sát này). “Giơ tay lên!” Carrol hét to. McMellon cũng hét lên “Bỏ tay ra khỏi túi. Đừng để tôi phải bắn anh!” Nhưng Diallo càng lúc càng bị kích động mạnh, còn Carrol cũng cảm thấy nỗi sợ hãi đang lớn dần lên bởi vì đối với Carrol lúc ấy dường như lý do Diallo quay nghiêng người là do anh muốn che giấu điều anh đang thực hiện bằng tay phải.
“Có thể lúc đó chúng tôi đang đứng trên những bậc thềm trên cùng của tiền sảnh, cố gắng tóm lấy anh ta trước khi anh ta kịp tẩu thoát qua cánh cửa đó.” Carrol nhớ lại “Anh ta quay lại, nhìn thẳng vào chúng tôi. Khi đó, tay của anh ta vẫn nắm quả đấm cửa. Và anh ta bắt đầu rút một vật màu đen ra khỏi sườn bên phải. Khi anh ta kéo vật đó ra, tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy là phần đầu của nó trông giống hệt khe trượt trên của một khẩu súng màu đen. Những kinh nghiệm, quá trình được huấn luyện và cả những vụ bắt giữ trước đây đã khiến tôi có suy nghĩ rằng gã thanh niên này đang định lên cò khẩu súng.”
Carrol hét to “Súng! Gã có súng đấy!”
Nhưng Diallo không dừng lại. Anh ta vẫn tiếp tục kéo thứ đó ra khỏi túi, và lúc này anh ta bắt đầu giơ vật màu đen đó về phía hai nhân viên cảnh sát. Carrol nổ súng. Còn McMellon, theo bản năng, nhảy lùi ra khỏi bậc thềm, đồng thời nổ súng ngay khi bay trên không. Khi những viên đạn của McMellon vãi ra quanh sảnh của ngồi nhà, Carrol lại cho rằng những viên đạn đó là từ súng của Diallo bay ra và khi nhìn thấy McMellon ngã người về phía sau, Carrol lại tưởng McMellon đã bị Diallo bắn trúng. Chính vì thế, Carrol đã chĩa súng và bắn không ngừng về phía Diallo như những gì cảnh sát vẫn được huấn luyện. Những mảnh vụn xi măng và gỗ bay tứ tung, không khí nhoằng lên những tia lửa điện từ viên đạn và từ họng súng.
Lúc này, Boss và Murphy cũng vừa ra khỏi xe, cả hai chạy về phía khu nhà. Về sau khi cả bốn viên cảnh sát bị đưa ra tòa vì tội ngộ sát ở cấp độ I và tội giết người ở cấp độ II, Boss đã khai “Tôi nhìn thấy Ed McMellon. Anh ấy đang nằm ở phía bên trái của hành lang và chỉ vừa phóng người ra khỏi bậc thềm xuống đất. Cùng lúc đó, Sean Carrol đang chạy xuống cầu thang từ phía bên phải. Mọi chuyện diễn ra thật điên rồ. Anh ấy chạy xuống cầu thang. Anh ấy chỉ làm tất cả những gì trong khả năng của mình để rút lui khỏi cầu thang đó. Lúc này, Ed đang nằm trên mặt đất. Những viên đạn được bắn ra liên tục. Tôi chạy. Tôi di chuyển. Và Ed bị bắn. Đó là tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy. Ed vẫn đang nổ súng. Sean cũng đang nổ súng về phía hành lang... Và rồi tôi nhìn thấy Diallo. Anh ta đang đứng phía sau hành lang, lưng quay về phía sau, nơi có cánh cửa thoát ra sau. Anh ta đang núp ở đó, hơi ló mình ra khỏi gờ cửa. Tay anh ta lộ ra ngoài và tôi nhìn thấy một khẩu súng. Khi ấy tôi đã nhủ thầm “Lạy chúa! Con sắp chết.” Tôi đã nổ súng. Vừa nổ súng, tôi vừa lùi về phía sau rồi nhảy sang bên trái. Tôi đã tránh được làn đạn. Đầu gối Diallo hạ thấp xuống, lưng thẳng. Và trông anh ta giống như đang cố gắng nhắm bắn một mục tiêu nhỏ hơn. Tư thế ấy giống như tư thế chiến đấu, và giống cả với những gì tôi đã được dạy ở trường đào tạo cảnh sát.”
Khi đề cập đến điểm này, luật sư đã đưa ra câu hỏi cắt ngang lời khai của Boss: “Lúc ấy, tay Diallo như thế nào?”
“Nó để ở ngoài.”
“Chắc chắn là ở ngoài chứ?”
“Chắc chắn ở ngoài.”
“Và anh nhìn thấy một vật trong tay anh ta. Có đúng không?”
“Vâng, đúng vậy. Tôi cho là tôi đã nhìn thấy một khẩu súng trong tay Diallo. Tôi đã nhìn thấy một vũ khí thực sự. Một thứ vũ khí hình vuông nằm trong tay anh ta. Vào giây phút đó, sau tất cả những tiếng súng xung quanh, cả khói súng nữa và Ed McMellon thì lại đang nằm đó, tôi đã nghĩ rằng Diallo đang cầm súng, rằng anh ta vừa mới bắn vào Ed và rằng tôi sẽ là kẻ tiếp theo.”
Carrol và McMellon đã bắn mỗi người mười sáu phát đạn: vừa đúng một ổ quay. Boss bắn năm phát. Murphy bắn bốn phát. Rồi sau đó là sự tĩnh lặng. Súng hạ xuống, bốn viên cảnh sát tiến lại gần Diallo. “Tôi nhìn tay phải của anh ta.” Sau này, Boss kể lại “Bàn tay đã lìa ra khỏi cơ thể Diallo. Lòng bàn tay mở ra. Và ở đó đáng lẽ ra phải là một khẩu súng thì lại chỉ có một cái ví... Lúc ấy, tôi đã gào lên ‘Khẩu súng chết tiệt ấy đâu rồi?’”
Boss chạy về phía đại lộ Westchester do mất phương hướng trong tiếng la hét và tiếng súng nổ ở nơi họ đứng. Sau đó, khi xe cứu thương xuất hiện, Boss quẫn trí đến phát điên lên, anh ta không thể nói được điều gì.
Còn Carrol ngồi xuống trên những bậc cấp, cạnh thi thể găm đầy những mảnh đạn của Diallo và bắt đầu khóc.
Ba sai lầm chết người
Có lẽ dạng nhận thức nhanh nhạy phổ biến nhất và quan trọng nhất là những đánh giá mà chúng ta đưa ra và những ấn tượng khi chúng ta định hình về người khác. Mỗi giây phút chúng ta thức giấc với sự hiện diện của một ai đó, chúng ta lại đặt ra dòng dự đoán và suy luận không ngừng về những gì người đó nghĩ và cảm nhận được. Khi có ai đó nói với chúng ta câu “Anh/em yêu em/anh,” chúng ta thường nhìn vào mắt họ để đánh giá mức độ chân thật trong câu nói ấy. Khi chúng ta gặp một người xa lạ, chúng ta thường tìm kiếm những tín hiệu tinh tế, khó thấy sao cho sau đó mặc dù người đó có nói chuyện bằng một phong cách rất bình thường và thân thiện, chúng ta vẫn có thể nói rằng “Tôi không cho là anh ta có cảm tình với tôi,” hay “Tôi nghĩ là cô ấy không thấy thoải mái, vui vẻ chút nào.” Chúng ta dễ dàng phân tích được những nét đặc biệt phức tạp trong nét mặt của mọi người. Chẳng hạn như nếu bạn nhìn thấy tôi cười toe toét với đôi mắt lấp lánh, bạn sẽ cho rằng bạn đang khiến tôi buồn cười, Nhưng nếu bạn nhìn thấy tôi gật đầu và cố cười với khoé môi mím chặt, bạn sẽ nhận ra rằng tôi vừa bị chòng ghẹo và đang đáp lại với vẻ mỉa mai, châm biếm. Nếu tôi nhìn ai đó, cười mỉm, rồi nhìn xuống và ngoảnh mặt đi bạn sẽ nghĩ rằng tôi đang tán tỉnh người đó. Nếu tôi khẽ cười tán đồng một nhận xét nào đó rồi gật đầu hoặc nghiêng đầu sang một bên, có thể bạn sẽ kết luận rằng tôi vừa nói điều gì đó hơi ngang và muốn làm cho nó bớt khó nghe hơn. Để đi đến những kết luận như vậy, bạn không cần thiết phải nghe xem tôi đang nói điều gì. Những kết luận đó chỉ đơn giản là xuất hiện trong đầu bạn, chỉ trong nháy mắt. Nếu bạn lại gần một em bé ba tuổi đang ngồi chơi trên sàn nhà và làm một điều gì đó khá khó hiểu, như khum bàn tay bạn thành hình chén đặt trên tay của cô bé chẳng hạn thì ngay lập tức đứa trẻ sẽ nhìn vào mắt bạn. Tại sao lại như vậy? Bởi vì những gì bạn vừa làm cần có một lời giải thích, và đứa trẻ biết rằng nó có thể tìm được câu trả lời trên khuôn mặt bạn. Luyện tập thực hành suy luận để tìm ra động cơ và mục đích của người khác là phương pháp chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng theo kiểu cổ điển. Để đọc được suy nghĩ của một người nào đó, bạn cần phải tìm chọn những dấu hiệu lướt qua, tinh tế, khó nhận thấy – và hầu như không có một sự thôi thúc nào cơ bản và vô thức đến như vậy và về mặt này, gần như lúc nào chúng ta cũng dễ dàng vượt trội hơn. Thế nhưng, những khoảnh khắc đầu tiên của ngày mùng 4 tháng 2 năm 1999 ấy, bốn cảnh sát viên tuần tra khu vực đại lộ Wheeler đã thất bại ngay ở nhiệm vụ cơ bản nhất này. Họ đã không đọc được những suy nghĩ của Diallo.
Đầu tiên là khi Sean Carrol nhìn thấy Diallo và nói với những người bạn đang ngồi cùng trên xe “Gã kia đang làm gì vậy nhỉ?” Câu trả lời ở đây là Diallo đang hít thở khí trời. Nhưng Carrol lại soi xét Diallo và trong giây lát đã quyết định ngay rằng Diallo trông có vẻ khả nghi. Đó là sai lầm thứ nhất. Sau đó, họ lùi xe về phía tòa nhà, thế nhưng Diallo vẫn không nhúc nhích. Sau này, Carrol có kể lại rằng điều này khiến anh ta rất ngạc nhiên: Gã này quả thật quá liều lĩnh, rơi vào tầm ngắm của cảnh sát mà vẫn không hề bỏ chạy. Không phải là Diallo không hề run sợ. Anh ta chỉ tò mò. Đó là sai lầm thứ hai. Rồi Carrol và Murphy bước lại gần Diallo trên bậc tam cấp, quan sát khi Diallo nhẹ nhàng quay người đi và lục tìm gì đó trong túi áo của mình. Trong khoảnh khắc chưa đầy một giây đó, hai nhân viên cảnh sát đã quyết định ngay rằng anh ta là một kẻ nguy hiểm. Nhưng không phải như thế. Diallo chỉ đang hoảng sợ. Đó là sai lầm thứ ba. Thông thường, chúng ta không hề gặp bất kỳ khó khăn nào khi phân biệt trong nháy mắt một người có dáng vẻ khả nghi hay không, cũng như phân biệt giữa một người dũng cảm, liều lĩnh với một người tò mò, và đặc biệt nhất là giữa một người đang sợ hãi và một kẻ nguy hiểm. Bất kỳ ai đi trên đường phố vào đêm khuya đều liên tục có những suy nghĩ tức thời như thế. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, bản năng cơ bản nhất trên của con người ở bốn viên cảnh sát này vào đêm đó đã tan biến mất. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Những sai lầm kiểu này không phải là những hành động bất thường. Thất bại trong việc tìm hiểu suy nghĩ của người khác thường xảy ra ở tất cả chúng ta. Chúng nằm ở gốc rễ của những tranh cãi, bất đồng, hiểu nhầm, và những cảm giác tổn thương liên tục. Thế nhưng do những thất bại này diễn ra rất nhanh và bí hiểm nên chúng ta không thực sự biết phải làm thế nào để hiểu được chúng. Chẳng hạn, trong khoảng thời gian vài tuần và vài tháng sau vụ Diallo bị bắn và khi vụ việc này được đưa lên trang đầu của các tờ báo trên khắp thế giới, tranh cãi về những gì xảy ra buổi tối hôm đó xoay quanh hai thái cực trái ngược nhau. Có người cho rằng đó là một vụ tai nạn khủng khiếp, là kết quả tất yếu khi cảnh sát đôi khi phải đưa ra những quyết định sống còn trong hoàn cảnh không lấy gì làm chắc chắn. Và đây cũng là những gì mà hội đồng xét xử trong vụ án Diallo đã phán quyết. Cả bốn viên cảnh sát Boss, Carrol, McMellon và Murphy đều được tuyên bố trắng án, thoát khỏi tội giết người. Nhưng những người phản đối lại nhìn nhận những gì xảy ra trong buổi tối hôm đó rõ ràng là một trường hợp phân biệt chủng tộc. Trên khắp thành phố đã nổi lên những lời phản đối và các cuộc biểu tình chống lại quyết định của tòa án. Hình ảnh Diallo được dựng lên như một kẻ tử vì đạo. Đại lộ Wheeler được đổi tên thành Quảng trường Amadou Diallo. Để tỏ lòng trân trọng của mình, Bruce Springsteen đã sáng tác và trình bày bài hát mang tên “41 phát súng” (41 Shots), trong đó có đoạn điệp khúc như sau “Có thể bạn sẽ bị giết chỉ vì đang sống với thân phận của một người Mỹ.”
Tuy nhiên, cả hai lời giải thích trên đều không làm những người khác hoàn toàn thỏa mãn. Không có dấu hiệu nào cho thấy bốn viên cảnh sát trong vụ án Diallo là người xấu, hay những kẻ phân biệt chủng tộc, hay đang cố tìm cách dồn Diallo vào đường cùng. Mặt khác, dường như có điều gì đó không ổn khi gọi một vụ đấu súng chỉ đơn thuần là một vụ tai nạn ngẫu nhiên, bởi vì vụ việc này không phải là một chiến công đáng khen ngợi. Các nhân viên cảnh sát này đã liên tiếp đưa ra những đánh giá sai lầm mang tính quyết định, bắt đầu từ giả định cho rằng một người đàn ông đang hít thở không khí trong lành phía ngoài căn hộ của ông ta là tội phạm.
Nói cách khác, vụ bắn Diallo rơi vào một kiểu vùng xám, vùng trung gian giữa những hành động cố ý và những hành động vô ý. Những thất bại trong việc đọc suy nghĩ của người khác đôi khi lại diễn ra như vậy. Không phải lúc nào chúng cũng rõ ràng và ngoạn mục như những phân tích diễn ra trong lối nhận thức nhanh nhạy khác. Chúng khó hiểu, phức tạp, nhưng ngạc nhiên thay, chúng lại là những điều vẫn thường xảy ra. Và những gì xảy ra trên đại lộ Wheeler là một ví dụ có tác động mạnh mẽ minh họa cho phương pháp hoạt động của khả năng tìm đọc suy nghĩ của con người – cũng như bằng cách nào mà đôi khi nó lại có thể đi chệch khỏi mong muốn của con người một cách kinh khủng đến như vậy.
Lý thuyết về khả năng đọc suy nghĩ
Hầu hết những hiểu biết của chúng ta về khả năng đọc suy nghĩ đều nhờ vào hai nhà khoa học xuất sắc là Silvan Tomkins và người học trò của ông là Paul Ekman. Tomkins sinh ra ở Philadenphia vào thời khắc chuyển giao giữa hai thế kỷ 19 và 20, và là con trai của một nha sĩ người Nga. Tomkins thấp đậm và khi bước vào tuổi trung niên, mái tóc của ông bạc trắng để theo kiểu bờm sư tử và choán khuôn mặt là cặp kính gọng nhựa màu đen rất lớn. Tomkins giảng dạy môn tâm lý học ở trường Princeton và Rutgers, đồng thời ông cũng là tác giả của cuốn sách Tác động, Hình tượng, và Ý thức (Affect, Imagery, Consciousness). Đây là một tác phẩm gồm bốn tập và khá phức tạp, đến mức những người đã đọc cuốn sách này được chia thành hai nhóm cân bằng nhau: một bên là những người hiểu và cho rằng Tác động, hình tượng và Ý thức là một tác phẩm xuất sắc. Bên kia là những người tuy không nắm được ý nghĩa của tác phẩm nhưng vẫn có cùng một nhận xét rằng đây là một tác phẩm xuất sắc. Tomkins là một người có tài ăn nói rất xuất sắc và có sức thu hút. Cuối các buổi tiệc cocktail, thường có rất nhiều người ngồi chăm chú quanh Tomkins. Và khi có một ai đó cất giọng “Tôi hỏi thêm một câu này nữa nhé!” thì mọi người lại nán lại thêm một tiếng rưỡi nữa để nghe ông đề cập đến các cuốn truyện tranh, hay một vở kịch tình thế được trình chiếu trên truyền hình, tính sinh vật học của cảm xúc, những rắc rối của ông với Kant và sự hào hứng của ông trước những bữa ăn kiêng do nhất thời hứng lên – tất cả các câu chuyện ấy đều được kể theo những đoạn ngắn có thêm nhiều tình tiết.
Trong suốt thời kỳ nền kinh tế đình trệ, ngoài những công trình nghiên cứu tiến sĩ của mình ở Trường Harvard, Tomkins còn làm người chấp cho các nghiệp đoàn đua ngựa và ông đã thành công đến mức Tomkins có thể sống hoang phí ở khu thượng lưu phía Đông của quận Manhattan. Trên đường đua, nơi ông ngồi hàng giờ liền trên khán đài nhìn chằm chằm vào những con ngựa qua chiếc ống nhòm, Tomkins được mệnh danh là “giáo sư”. “Ông có phương pháp phán đoán xem con ngựa sẽ làm gì, dựa vào hai con ngựa đang chạy ở đường đua bên cạnh và mối quan hệ tình cảm giữa chúng.” Ekman nhớ lại. Chẳng hạn như nếu một con ngựa đực đã từng “mê đắm” một con ngựa cái trong một hoặc hai năm đầu sự nghiệp trên đường đua của mình thì nó sẽ suy sụp nếu được sắp xếp đi đến cổng trường đua cạnh con ngựa cái. (Hoặc một điều gì khác tương tự như vậy – không có ai thực sự chắc chắn về điều đó.) Tomkins tin rằng khuôn mặt – thậm chí ngay cả khuôn mặt của những con ngựa – cũng ẩn chứa các dấu hiệu có giá trị về những tình cảm và những động cơ bên trong. Tomkins có thể nắm rõ một bưu điện và đánh giá những người dán áp phích quảng cáo Wanted (Truy tìm tội phạm) và chỉ nhìn vào những bức ảnh chân dung tội phạm, ông có thể cho mọi người biết những người nhập cư khác nhau thường mắc phải tội gì. “Ông (Tomkins) thường xem buổi diễn Để nói thật (To tell the truth), và chắc chắn lúc nào ông cũng có thể chỉ ra người nào đang nói dối.” Mark, cậu con trai của Tomkins hồi tưởng lại những ký ức về cha mình “Thực ra thì cha tôi đã viết thư cho nhà sản xuất góp ý rằng chương trình này chẳng có gì mang tính thách đố cả, và nhà sản xuất chương trình đã mời ông đến hậu trường ở New York, và cho cha tôi xem những đạo cụ của ông ta. Virginia Demos, giảng viên tâm lý học của Trường Harvard nhớ lại những cuộc nói chuyện rất lâu với Tomkins trong suốt hội nghị toàn quốc của Đảng Dân Chủ năm 1988. “Chúng tôi thường ngồi nói chuyện trên điện thoại, Tomkins thường hạ giọng khi Jess Jackson nói chuyện với Michael Dukakis. Khi ấy, Tomkins đọc những gì đang diễn ra trên khuôn mặt của hai người đó và dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Thật sâu sắc và thần bí.”
Lần đầu tiên, Paul Ekman gặp Tomkins là vào đầu những năm 1960. Lúc đó, Ekman là một chuyên gia tâm lý trẻ chỉ vừa tốt nghiệp đại học, và rất quan tâm tới việc nghiên cứu nét mặt. Ekman băn khoăn không biết liệu rằng có hay không một hệ thống quy luật chung chi phối những biểu đạt qua nét mặt của con người. Silvan Tomkins trả lời là có, nhưng hầu hết các chuyên gia tâm lý khác lại nói rằng không. Vào thời điểm đó, những hiểu biết thông thường về sự biểu đạt đó chỉ được xác định theo phương diện văn hóa – có nghĩa là chúng ta chỉ đơn thuần sử dụng khuôn mặt của mình tùy theo những quy định xã hội đã được dạy bảo. Ekman không biết quan điểm nào là đúng và quan điểm nào là sai. Vì vậy, để tìm cho được câu trả lời, Ekman đã đi tới Nhật Bản, Brazil, và Argentina. Thậm chí ông còn tới thăm những bộ lạc sống biệt lập ở các khu rừng rậm của vùng Viễn Đông – mang theo các bức ảnh chụp những người đàn ông và phụ nữ với những kiểu nét mặt khác nhau. Trước sự ngạc nhiên của Ekman, ở tất cả những nơi ông đi qua, mọi người đều đồng ý và thống nhất về ý nghĩa biểu đạt ở mỗi khuôn mặt. Ekman nhận ra Tomkins đã đúng.
Không lâu sau đó, Tomkins đã đến gặp Ekman ở phòng thí nghiệm của Ekman ở San Francisco. Trước đó, Ekman đã theo dõi hàng trăm nghìn thước phim do chuyên gia về vi rút và vi khuẩn học Carleton Gajdusek thực hiện ở những khu rừng rậm cách biệt với thế giới bên ngoài của vùng Papua New Guinea. Trong bộ phim này, có một số cảnh nói về bộ lạc có tên gọi South Fore, những người dân của bộ lạc này rất thân thiện và yêu hòa bình. Phần còn lại là những thước phim về bộ lạc Kukukuku. Đây là bộ lạc tàn bạo, luôn có tư tưởng thù địch và có nghi thức quan hệ đồng tính luyến ái. Theo nghi thức này, những bé trai bắt buộc phải phục dịch những người đàn ông lớn tuổi hơn trong bộ lạc như một “gái điếm”. Trong sáu tháng, Ekman và cộng sự của ông, Wallace Friesen đã sắp xếp, phân loại các cảnh phim, cắt bỏ những cảnh không liên quan, chỉ tập trung vào những cảnh quay cận nét mặt của những người đàn ông trong bộ lạc để so sánh ngôn ngữ biểu đạt trên nét mặt của hai nhóm người này.
Khi Ekman bắt đầu bật máy chiếu, Tomkins đợi ở phía sau. Ông không được cung cấp bất cứ thông tin nào liên quan đến các bộ lạc được chiếu trong phim: tất cả bối cảnh dùng để nhận dạng đã được lược bỏ hết. Tomkins xem chăm chú tất cả các cảnh quay qua cặp kính của mình. Khi bộ phim kết thúc, ông lại gần màn hình, chỉ vào khuôn mặt của các thành viên trong bộ lạc South Fore và nói “Đây là những người hòa nhã và dịu dàng, họ rất bao dung và rất yêu hòa bình.” Còn khi chỉ vào khuôn mặt của những người thuộc bộ lạc Kukukuku, Tomkins đã nhận xét “Những người này lại rất bạo lực, và có nhiều dấu hiệu cho thấy có sự xuất hiện hiện tượng đồng tính luyến ái ở bộ lạc này.” Ngay cả đến bây giờ, sau một phần ba thế kỷ, Ekman vẫn không thể không thừa nhận về những gì mà Tomkins đã làm. Ông nhớ lại: “Lạy Chúa! Tôi nhớ rất rõ khi đó mình đã nói gì ‘Thầy Silvan, làm sao mà thầy có thể làm được điều đó?. Lúc ấy, thầy Silvan đã đi lên phía trên gần màn hình, và khi chúng tôi chiếu lại bộ phim với hình ảnh chạy chậm lại, ông đã chỉ cho chúng tôi thấy những chỗ phình ra và những nếp nhăn đặc biệt trên những khuôn mặt mà ông đã đưa ra lời nhận xét. Đó cũng chính là lúc tôi nhận ra ‘Tôi đã bóc trần bộ mặt của họ’. Đó là một mỏ thông tin bằng vàng mà tất cả mọi người đều không chú ý đến. Nhưng người đàn ông này có thể nhìn thấy được, và nếu ông ta có thể nhìn thấy được thì có lẽ những người khác cũng có khả năng tương tự.”
Và ngay tại phòng thí nghiệm vào thời điểm đó, Ekman và Friesen đã quyết định xây dựng một nguyên tắc phân loại các ngôn ngữ biểu đạt của nét mặt. Họ nghiên cứu các giáo trình y học có vẽ phác thảo những đường cơ trên khuôn mặt, và họ xác định từng chuyển động cơ riêng biệt mà khuôn mặt có thể tạo ra. Có tất cả 43 chuyển động như vậy xuất hiện trên khuôn mặt con người. Ekman và Friesen gọi chúng là các hoạt động. Rồi sau đó, hai người ngồi đối diện với nhau nhiều ngày liền, và bắt đầu lần lượt thực hiện khéo léo mỗi đơn vị hoạt động. Đầu tiên, họ nhớ lại vị trí của cơ đó rồi sau tập trung vào việc tách biệt nó, quan sát lẫn nhau ở khoảng cách rất gần khi tiến hành, kiểm tra các chuyển động của cơ trên khuôn mặt mình trong gương, tiếp đó là ghi chép lại sự thay đổi của các phần nếp nhăn trên khuôn mặt tương ứng với chuyển động cơ, và cuối cùng là quay chuyển động cơ đó vào băng video làm tư liệu cho báo cáo của họ sau này. Có một vài lần khi không thể thực hiện được một chuyển động cơ nào đó, Ekman và Friesen đã phải sang khu giải phẫu UCSF ở sát cạnh phòng thí nghiệm. Tại đây, một bác sỹ phẫu thuật mà họ quen biết sẽ gắn một cây kim vào họ và kích điện phần cơ ngang bướng đó. “Điều đó chẳng dễ chịu một chút nào cả.” – Ekman hồi tưởng lại.
Khi thực hiện xong tất cả các hoạt động này, Ekman và Friesen bắt đầu kết hợp chúng lại với nhau, sắp lớp chuyển động này lên trên chuyển động kia. Toàn bộ quá trình này mất đến bảy năm. Ekman cho biết: “Cứ hai phần cơ lại có 300 kiểu kết hợp khác nhau. Nếu bạn thêm vào một phần cơ thứ ba bạn sẽ có được trên 4.000 cách kết hợp. Chúng tôi chỉ nghiên cứu vào năm phần cơ và số lượng nét mặt có thể nhìn thấy được lên tới hơn 10.000.” Tất nhiên, phần lớn trong số 10.000 cách biểu đạt nét mặt trên không mang bất kỳ một ý nghĩa nào cả. Chúng chỉ là một kiểu nét mặt không mang ý nghĩa vẫn thường xuất hiện ở những đứa trẻ. Nhưng cho đến khi ghi vào mục lục những ngôn ngữ biểu đạt tình cảm cần thiết trên nét mặt của con người, Ekman và Friesen đã xác định được khoảng 3.000 kiểu kết hợp dường như mang một ý nghĩa nào đó, nhờ tiến hành kỹ tất cả các kiểu kết hợp của các hoạt động này.
Hiện giờ Paul Ekman đang trong độ tuổi 60. Ông không để râu, đôi mắt nhỏ, lúc nào cũng như muốn khép lại với hàng lông mày dày và nổi bật, và mặc dù có khổ người trung bình nhưng ông trông có vẻ cao lớn hơn thế rất nhiều: và trong cách đối xử của ông, có điều gì đó ngang bướng và bảo thủ. Lớn lên ở Newark, bang New Jersey, Ekman là con trai của một bác sỹ nhi khoa. Năm 15 tuổi, ông vào học ở Đại học Chicago. Ekman rất thận trọng trong lời ăn tiếng nói của mình. Trước khi cười, ông sẽ ngừng lại một chút, như thể để chờ đợi sự cho phép từ ai đó. Ekman là mẫu người luôn lên danh sách và liệt kê số những tranh luận của mình. Các bài viết mang tính học thuật của ông luôn được trình bày theo một trật tự hợp lý; cuối mỗi bài luận, ông thường thu gọn và tập hợp lại các lý do phản đối và vấn đề được viết rải rác trong bài, sau đó ghi lại thành mục lục. Từ giữa những năm 1960, Ekman làm việc bên ngoài một dãy nhà đã đổ nát được xây theo kiểu từ thời Victoria nằm trong khuôn viên của Đại học California ở San Francisco. Tại trường đại học này, Ekman đã giành được học vị giáo sư. Khi tôi gặp Ekman, ông đang ngồi trong văn phòng và bắt đầu xem lướt qua các hình thể hoạt động mà ông đã nghiên cứu nhiều năm trước đó. Ekman hơi cúi về phía trước, hai tay ông đặt lên đầu gối. Trên bức tường phía sau là những bức ảnh chụp hai thần thượng của ông: Tomkins và Charles Darwin. “Tất cả mọi người đều có thể thực hiện được hoạt động số bốn.” Ekman mở đầu câu chuyện. Vừa nói, ông vừa nhíu mày, sử dụng cơ hạ giữa hai đầu lông mày, cơ hạ của lông mày và nếp nhăn. “Và phần đa có thể thực hiện được đơn vị hoạt động số chín.” Nói rồi, Ekman nhăn mũi lại. Để thực hiện được đơn vị hoạt động này, ông phải sử dụng cơ nâng cơ nâng môi trên và cơ mũi. “Mọi người cũng có thể thực hiện được đơn vị hoạt động số năm.” Ekman thu cơ nâng mí mắt trên lại và nâng mí mắt đó lên.
Khi Ekman nói và biểu diễn, tôi cố gắng làm theo ông, và ông ngồi đó quan sát tôi. “Anh thực hiện đơn vị hoạt động số năm rất tốt.” Ekman hào phóng nói, “Nếu mắt anh càng sâu thì anh sẽ càng khó thực hiện được hoạt động này. Rồi, đây là đơn vị số bảy.” Ekman nheo mắt lại. “Số 12.” Ekman thoáng mỉm cười, kích hoạt hoạt động của phần lớn xương gò má. Các phần phía bên trong lông mày của Ekman căng ra. “Vừa rồi là đơn vị hoạt động số một – nó diễn tả sự đau đớn, thống khổ.” Rồi sau đó, Ekman dùng trán, đặc biệt là các cơ nâng ở hai bên để nâng nửa lông mày phía ngoài. “Còn đây là đơn vị hoạt động số hai. Mặc dù cũng rất khó thực hiện, nhưng đơn vị này lại không mang một ý nghĩa nào cả và chỉ được dùng trong rạp hát Kabuki. 23 là đơn vị hoạt động mà tôi thích nhất. Hoạt động này được thực hiện dựa trên sự thu hẹp viền của môi. Nó là một dấu hiệu rất đáng tin cậy, cho thấy người nào đó đang giận giữ. Và nếu tự ý làm thì rất khó thực hiện được động tác này.” Ekman mím môi lại “Cử động từng tai một là một trong những đơn vị hoạt động khó nhất. Những lúc thực hiện động tác này, tôi phải thực sự tập trung, và phải sử dụng tất cả các cơ trên khuôn mặt. Anh nhìn này!” Ekman ngọ nguậy tai trái rồi đến tai phải. Dường như ở Ekman không có một nét mặt biểu đạt riêng nào. Ông có cách xử sự của một chuyên gia phân tích tâm lý: thận trọng, bình thản, và khả năng biến đổi nét mặt dễ dàng và nhanh chóng thì thật đáng kinh ngạc. “Nhưng có một động tác tôi không thể thực hiện được.” – Ekman tiếp tục câu chuyện – “Đó là đơn vị hoạt động số 39. May thay. Một trong những sinh viên đang tiến hành nghiên cứu phục vụ cho luận án sau tiến sĩ của tôi có thể thực hiện được động tác đó. Đơn vị hoạt động số 38 là làm giãn nở lỗ mũi. 39 là động tác ngược lại. Chính các cơ sẽ kéo chúng xuống.” Ekman lắc đầu và nhìn lại tôi. “Ồ! Anh đã làm được động tác số 39 kỳ quái đó rồi kìa! Đây là một trong những lần thực hiện động tác tuyệt vời nhất mà tôi từng thấy. Động tác này được truyền lại do di truyền. Chắc chắn các thành viên khác trong gia đình anh cũng có khả năng vẫn rất kỳ lạ này. Anh đã làm được. Đúng là anh đã thực hiện được động tác ấy.” – Ekman lại cười – “Anh có thể khoe nó với mọi người đấy. Xem nào, anh nên thử biểu diễn động tác này tại quán bar dành cho những người độc thân!”
Sau đó, Ekman bắt đầu thực hiện hàng loại các đơn vị hoạt động cùng nhau, để tạo ra những nét mặt phức tạp hơn mà chúng ta vẫn thường gọi là các cảm xúc. Chẳng hạn như về bản chất, sự sung sướng, hạnh phúc chính là sự lồng ghép đơn vị hoạt động số 6 và số 12 – kết hợp co các cơ nâng má (gồm có cơ vòng của mắt, vùng hốc mắt) và phần chính của xương gò má, phần này sẽ nâng khóe môi lên. Còn sự sợ hãi là kết hợp của đơn vị hoạt động số một, số hai, và số bốn, hoặc chính xác hơn là phải thêm cả đơn vị hoạt động 5 và 20, có thể có hoặc không có đơn vị số 25, 26 hoặc 27. Tức là: nâng phần trong của lông mày lên (sử dụng cơ vùng trước giữa trán), kết hợp với nâng phần ngoài lông mày lên (sử dụng cơ vùng trước, hai bên trán), đồng thời dùng cơ hạ của lông mày làm nhíu mày xuống (động tác này sẽ giúp nâng mí mắt lên), rồi bạnh và tách hai môi ra (sử dụng cơ hạ môi), cuối cùng hạ hàm xuống. Còn thể hiện sự kinh tởm thì sao? Thường, bạn sẽ sử dụng đơn vị hoạt động số chín để thể hiện nét cảm xúc này; khi đó, bạn sẽ nhăn mũi lại (dùng cơ nâng mũi và nâng môi trên). Nhưng đôi khi bạn cũng có thể biểu diễn nét mặt đó bằng đơn vị hoạt động số 10, có thể kết hợp thêm đơn vị hoạt động số 15, số 16 hoặc số 17.
Cuối cùng, Ekman và Friesen cũng đã tập hợp được tất cả những kết hợp trên cũng như các quy luật đọc và diễn giải chúng thành một Hệ thống mã hóa các hoạt động của nét mặt, hay còn gọi là hệ thống FACS, và ghi chép lại trong một tài liệu dày 500 trang. Đây là một tác phẩm hết sức đáng chú ý, với đầy đủ những chi tiết như các chuyển động có thể của môi (bạnh dài, thu nhỏ, thu hẹp, mở rộng, làm mỏng, trề, mím chặt, và căng); bốn sự thay đổi khác nhau của vùng da nằm giữa mắt và má (phồng, húp, mọng, và nhăn); những đặc điểm phân biệt chủ yếu giữa các nếp nhăn ở phần phía dưới hốc mắt và các nếp nhăn ở vùng mũi – môi. John Gottman, người đã từng tiến hành cuộc nghiên cứu về các cặp vợ chồng xuất hiện trong Chương 1 cuốn sách này, đã cộng tác với Ekman trong nhiều năm liền, và ông cũng đã áp dụng các nguyên tắc của hệ thống FACS khi phân tích trạng thái tình cảm của các cặp vợ chồng. Ngoài ra, còn có nhiều nhà nghiên cứu khác cũng sử dụng hệ thống do Ekman xây dựng nên để nghiên cứu tất cả mọi vấn đề từ bệnh tâm thần phân liệt cho tới bệnh tim; ngay cả các nhà làm phim hoạt hình trên máy tính cũng phải vận dụng hệ thống này vào trong quá trình làm phim của mình, ví dụ như trong hai bộ phim Câu chuyện đồ chơi (Toy Story) của hãng Pixar, và Shrek của hãng Dream Works. Thông thường người ta phải mất hàng tuần lễ mới có thể vận dụng thành thạo được toàn bộ hệ thống FACS này, và theo các nghiên cứu trên thế giới chỉ có 500 người được cấp giấy chứng nhận đã áp dụng thành công phương pháp này. Và những ai đã vận dụng thành công luôn hiểu rõ được những thông điệp được trao gửi khi người ta nhìn vào mắt nhau.
Ekman nhớ lại lần đầu tiên ông gặp Bill Clinton, trong các cuộc bầu cử ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ được tổ chức năm 1992. “Tôi theo dõi nét mặt của anh ta và nói với vợ tôi “Đây là một ‘Peck’s Bad Boy’”. Ekman nói tiếp “Đây là người muốn mình bị bắt quả tang khi đang cho tay vào túi bánh quy nhưng dù thế nào đi chăng nữa anh ta vẫn khiến chúng ta yêu quý vì chính hành động đó. Kiểu nét mặt này là một trong những kiểu anh ta thích nhất. Đó chính là nét mặt: con đã ăn vụng bánh bích quy, nhưng vẫn yêu con, mẹ nhé bởi vì con chỉ nghịch ngợm thôi. Và nó được hình thành nhờ sự kết hợp của đơn vị hoạt động số 12, 15, 17, và 24 cùng với đôi mắt đảo quanh.” Ekman dừng lại một chút rồi thực hiện lại chuỗi đơn vị hoạt động đó trên khuôn mặt ông. Ekman co phần chính của xương gò má lại, đó là đơn vị hoạt động số 12, với điệu cười ngộ nghĩnh, sau đó ông kéo mạnh khóe môi xuống bằng cơ tam giác, động tác này là đơn vị hoạt động số 15. Tiếp tục, Ekman cong cằm lại, đây là đơn vị hoạt động số 17. Trong đơn vị hoạt động số 24 cằm được nâng lên, môi hơi mím lại, cuối cùng là đảo mắt. Và vẻ mặt như vậy cứ như thể là chính Slick Willie đột ngột có mặt trong phòng.
“Tôi có quen với một người làm ở bộ phận phụ trách vấn đề thông tin liên lạc của Clinton. Do đó, tôi đã liên lạc với anh ta. Tôi đã nói ‘Anh hãy xem này, Clinton đảo mắt có kết hợp với một nét mặt nào đó, và thông điệp này mang ý nghĩa “Tôi là một cậu bé hư.” Tôi không cho rằng điều này hay ho. Tôi có thể chỉ cho anh ta cách không làm như vậy nữa chỉ trong hai hoặc ba giờ.’ Và người đàn ông đó đã nói với tôi ‘Chúng tôi không thể mạo hiểm cho cơ mọi người biết rằng Clinton bị coi như một chuyên gia nói dối được.’” Giọng của Ekman thấp xuống. Rõ ràng, ông khá có cảm tình với Bill Clinton và ông muốn nét biểu đạt trên khuôn mặt Clinton chỉ là cái giật tự phát không thể hiện một ý nghĩa nào. Ekman nhún vai. “Thật không may, tôi đoán, anh ta cần bị bắt quả tang – và đúng là anh ta đã bị bắt quả tang thật.”
Bộ mặt bị bóc trần
Ekman cho rằng nét mặt là một nguồn thông tin tình cảm hết sức phong phú. Trên thực tế, thậm chí ông còn quả quyết hơn về một điểm mấu chốt để nắm được phương thức hoạt động của quá trình đọc suy nghĩ của người khác, và ông nhấn mạnh rằng thông tin biểu hiện trên nét mặt của chúng ta không chỉ là một tín hiệu cho thấy những gì diễn ra trong tâm trí chúng ta. Ở một khía cạnh nào đó, nó chính là những gì thực sự diễn ra trong tâm trí của chúng ta.
Khởi đầu của suy nghĩ này bắt đầu khi Ekman và Friesen lần đầu tiên ngồi đối diện nhau, thực hiện nét mặt giận dữ và đau khổ. Đó là những tuần lễ trước khi một trong hai người chúng tôi cuối cùng cũng phải thừa nhận mình cảm thấy kinh khủng sau một buổi tạo ra một trong những khuôn mặt đó suốt cả ngày,” Friensen nói. “Sau đó người kia đã nhận ra rằng mình cũng cảm thấy tồi tệ, do đó chúng tôi đã bắt đầu lần mò ra được.” Tiếp theo, họ đã quay trở lại và kiểm tra lại bản thân trong thời gian xuất hiện những cử động đặc biệt của nét mặt. “ Bạn thực hiện đơn vị hoạt động số 1: nâng lông mày phía trong lên, số 6: nâng cằm lên, và số 15: thu góc của môi lại”, Ekman nói rồi thực hiện cả 3. “ Những gì chúng tôi khám phá ra chính là những biểu hiện riêng biệt trên khuôn mặt là đủ để tạo ra những thay đổi đáng lưu ý trong hệ thần kinh tự động. Khi nó diễn ra lần đầu tiên, chúng tôi đã thực sự sững sờ. Chúng tôi đã không lường trước được tất cả những điều này. Và khi nó xảy ra thì cả hai chúng tôi đều cảm thấy thật kinh khủng. Những gì mình đã tạo ra thật đau đớn, thật buồn khổ. Khi tôi kéo lông mày xuống – đơn vị hoạt động số 4, nâng mí mắt trên lên – số 5, thu hẹp mí mắt – số 7, mím môi lại – số 24, nghĩa là tôi đang tức giận. Nhịp tim của tôi có thể tăng thêm 10 đến 12 nhịp. Bàn tay tôi nóng lên. Khi tôi làm điều đó, tôi không thể tách rời ra được các hệ thống đã phân loại. Nó thật là khó chịu, cực kì khó chịu!”
Ekman, Friesen, và một đồng nghiệp khác, Robert Leven–son (người đã từng cộng tác vài năm với John Gottman, người cho rằng hệ tâm lý chỉ là một thế giới nhỏ bé) đã quyết định cố gắng dẫn chứng bằng tài liệu tác động này. Họ tập hợp một nhóm các tình nguyện viên và gắn lên người họ các thiết bị để giám sát việc đo nhịp tim và nhiệt độ cơ thể – những dấu hiệu sinh lý của rất nhiều cảm xúc như: tức giận, buồn bã, và sợ hãi. Một phần hai số tình nguyện viên đã được nhắc về việc cố gắng nhớ và hồi tưởng lại một lần bị căng thẳng đặc biệt nhất họ đã trải qua. Nửa còn lại chỉ đơn giản được chỉ cho cách làm thế nào để tạo ra trên khuôn mặt họ những biểu hiện phù hợp với các cảm giác làm căng thẳng, như tức giận, buồn bã và sợ hãi. Nhóm thứ 2, là những người phải biểu diễn, thể hiện chính những phản ứng sinh lý, làm tăng nhịp tim hay nhiệt độ cơ thể giống như của nhóm thứ nhất.
Vài năm sau đó, một nhóm các nhà tâm lý học người Đức đã tiến hành một nghiên cứu tương tự. Họ có một nhóm các dạng hình ảnh hoạt hình, khi thì ngậm một cái bút giữa 2 môi – một hành động làm cho cả 2 cơ cười chính đều không thể co lại được, đó là cơ xương hàm và cơ má – hoặc có khi lại ngậm chặt cái bút giữa hai hàm răng, việc đó tạo ra hiệu quả ngược lại và buộc họ phải cười. Người ngậm cái bút giữa hai hàm răng sẽ thấy các bộ phim hoạt hình buồn cười hơn. Những điều mới lạ khám phá ra ở đây có thể rất khó tin, vì chúng tôi đã đưa nó ra như là một sự tuyên bố rằng lần đầu tiên chúng tôi trải nghiệm một cảm giác, và rồi chúng tôi có thể hoặc không thể thể hiện cái cảm xúc đó trên khuôn mặt. Chúng tôi coi khuôn mặt như một sự lắng đọng của cảm xúc. Những gì mà bài nghiên cứu này chỉ ra, đó là quá trình làm việc theo cách ngược lại là hoàn toàn có thể. Cảm xúc có thể bắt đầu trên khuôn mặt. Khuôn mặt không phải là một tấm bảng thứ hai cho các cảm giác bên trong của chúng ta, mà nó là một người đồng hành song song với sự biến đổi cảm xúc.
Điểm mấu chốt ở đây là những hàm ý cho hành động đọc suy nghĩ của người khác. Ví dụ như, vào lúc mới bắt đầu sự nghiệp, Paul Ekman quay phim 40 bệnh nhân tâm thần, bao gồm một phụ nữ tên là Mary – một bà nội trợ 42 tuổi. Bà ta đã quyết định tự tử ba lần, và bà vẫn sống sót sau lần quyết định cuối cùng – uống thuốc quá liều – chỉ vì ai đó đã thấy bà đúng lúc và đưa đi cấp cứu kịp thời. Những đứa con đã trưởng thành của bà đã bỏ nhà ra đi, và chồng bà thì chẳng đoái hoài gì tới bà, khiến bà rất phiền muộn. Khi lần đầu tiên đến bệnh viện, bà không thể làm được việc gì ngoài ngồi đó và khóc, nhưng bà ta dường như có phản ứng tốt với các liệu pháp tâm lý. Sau 3 tuần, bà nói với bác sỹ rằng bà đã cảm thấy khá hơn rất nhiều và muốn đi thăm gia đình vào cuối tuần. Bác sỹ đã đồng ý, nhưng ngay trước khi Mary chuẩn bị rời bệnh viện, bà mới thú nhận rằng lý do thực sự mà bà muốn đi nghỉ cuối tuần là để tự tử một lần nữa. Vài năm sau, khi một nhóm các nhà tâm lý học trẻ tuổi hỏi Ekman làm thế nào có thể biết được khi bệnh nhân muốn tự tử đang nói dối, ông lại nhớ lại đoạn băng về Mary và quyết định xem lại, hi vọng nó sẽ cho câu trả lời. Nếu nét mặt thực sự là một dẫn chứng đáng tin cậy của cảm xúc, ông suy luận, thì sao lại không xem xét lại cả cuốn băng để thấy rằng Mary đã nói dối khi bà nói bà đã cảm thấy khá hơn? Ekman và Friesen bắt đầu phân tích cả cuốn băng để tìm ra những manh mối nào đó. Họ xem đi xem lại cuốn băng hàng giờ đồng hồ, kiểm tra từng chuyển động chậm nhất của mỗi cử chỉ, điệu bộ, diễn đạt. Cuối cùng, họ đã thấy được những gì mà họ đang tìm kiếm: Khi bác sỹ của Mary hỏi về kế hoạch sắp tới của bà, có một tia thất vọng hoàn toàn lướt qua gương mặt bà nhanh đến mức hầu như không thể nhận ra được.
Ekman gọi loại biểu hiện thoáng qua trên gương mặt đó là sự biểu hiện tinh vi, một loại biểu hiện rất đặc biệt của gương mặt. Rất nhiều nét mặt có thể thể hiện ra một cách tự nhiên. Nếu tôi cố gắng nhìn thật nghiêm nghị khi tôi quở trách bạn gay gắt, tôi sẽ không gặp khó khăn gì khi làm việc đó, và bạn cũng chẳng khó khăn gì để nhận ra cái trừng mắt của tôi. Nhưng gương mặt của chúng ta cũng bị chi phối bởi một phần khác riêng biệt, một hệ thống không chủ động đã tạo ra các biểu hiện mà chúng ta không thể nào biết để kiểm soát được. Vài người trong chúng ta có thể ngay lập tức thể hiện đơn vị hoạt động số 1, dấu hiệu của sự buồn bã. (Ekman có chỉ ra một ngoại lệ đáng lưu ý là Woody Allen, người đã sử dụng cơ vùng trước giữa trán của mình để tạo ra một hình ảnh rất riêng biệt biểu lộ nỗi đau khổ hài hước). Nhưng khi chúng ta buồn khổ, chúng ta có thể nâng phần lông mày phía trong lên mà không cần suy nghĩ gì cả. Hãy quan sát một đứa trẻ ngay khi nó bắt đầu cất tiếng khóc, những lúc như vậy, thường thì bạn sẽ nhìn thấy cơ vùng trước giữa trán giãn ra. Trong trường hợp tương tự, Ekman đã đặt tên cho một nét biểu đạt là nụ cười Duchenne, để bày tỏ lòng tôn kính đối với nhà thần kinh học người Pháp thế kỷ 19 là Guillaume Duchenne, người đầu tiên cố gắng chứng minh bằng những chứng cứ xác thực với một cái máy quay phim quay từng cử động của các cơ trên mặt. Nếu tôi đề nghị bạn cười, bạn sẽ phải co cơ gò má chính lại. Ngược lại, nếu bạn cười một cách tự nhiên, khi cảm xúc thật đang hiện diện trong bạn, bạn sẽ không chỉ cong cơ gò má mà còn thu cả cơ vòng xung quanh mắt, các phần gần hốc mắt, chúng là các cơ bao quanh mắt. Điều khiển cơ mắt một cách miễn cưỡng hầu như là điều không thể, và khi chúng ta cười thực sự thoải mái và thích thú, việc dừng co các cơ quanh vùng hốc mắt lại cũng khó khăn không kém. Nụ cười này thuộc loại “không tuân theo ý muốn của con người”, Duchenne viết. “Sự vắng mặt của quá trình co các cơ này sẽ lột trần bộ mặt của những người bạn giả dối”.
Bất cứ khi nào chúng ta thực hiện một trạng thái cảm xúc cơ bản nào, cảm xúc đó lại tự động thể hiện ra bằng các cơ trên mặt. Phản ứng này có thể lưu lại trên khuôn mặt chỉ trong một phần nhỏ của giây và chỉ có thể bị phát hiện bằng các cảm ứng điện gắn trên mặt. Nhưng thực ra nó vẫn hiện diện ở đó. Silvan Tomkins đã từng bắt đầu một bài thuyết trình bằng câu nói “ Khuôn mặt cũng giống như cái chân giữa của người đàn ông!”. Ý ông là: xét trên phạm vi rộng, khuôn mặt cũng có các suy nghĩ của riêng nó. Điều này không có nghĩa là chúng ta không điều khiển được nét mặt của mình. Chúng ta có thể sử dụng hệ thống cơ để chủ động kìm nén các phản ứng không cố ý đó. Nhưng thường thì một vài phần nhỏ của nét cảm xúc bị kìm nén đó – như cảm giác tôi thực sự rất buồn cho dù tôi đã phủ nhận điều đó – vẫn lộ ra. Đây chính là những gì đã xảy ra với Mary. Hệ thống biểu đạt chủ động của chúng ta là cách chúng ta cố tình thể hiện cảm xúc của mình, nhưng dưới nhiều góc độ, hệ thống biểu hiện không chủ động của ta thậm chí còn có ý nghĩa quan trọng hơn: chúng là cách mà nhờ quá trình tiến hóa, chúng ta được trang bị thêm, để thể hiện những cảm giác chân thực nhất của mình.
“Chắc hẳn đã có những lúc ai đó bình luận về nét mặt của bạn nhưng bạn lại không hề biết rằng mình đang tạo ra nét mặt đó,” Ekman nói. “Và có người nào đó sẽ hỏi bạn: “Bạn đang buồn vì điều gì thế?” hay “Tại sao bạn lại cười khẩy vậy?” Bạn có thể nghe được giọng nói của mình nhưng không thể nhìn thấy được khuôn mặt mình. Nếu biết được điều gì đang diễn ra trên gương mặt mình, chúng ta sẽ che giấu nó giỏi hơn. Nhưng không phải lúc nào điều này cũng tốt. Hãy tưởng tượng nếu như có một cái công tắc mà tất cả chúng ta đều có, dùng để “tắt” đi tất cả các biểu hiện trên gương mặt theo mong muốn. Nếu những đứa trẻ có cái công tắc đó, chúng ta chẳng thể nào biết được chúng cảm thấy như thế nào. Chúng có thể đang gặp phải một vấn đề nào đó. Nếu muốn, bạn có thể đưa ra lý lẽ rằng đó là hệ thống tiến hóa giúp các bậc cha mẹ chăm sóc con cái mình. Hoặc hãy tưởng tượng nếu bạn kết hôn với một ai đó có chiếc công tắc này. Điều này quả thực là không thể. Tôi không nghĩ sự hòa hợp, sự mê đắm, sự thân thiện và sự gần gũi lại có thể diễn ra nếu như trên gương mặt chúng ta không thể hiện ra những điều đó.”
Ekman nhét một cuốn băng ghi từ vụ án O.J. Simpson vào đầu máy. Trên màn hình là hình ảnh Kato Kaelin, một vị khách có mái tóc bù xù của gia đình Simpson, đang được Maria Clark, công tố viên trưởng trong vụ kiện, phỏng vấn. Kaelin ngồi trên ghế nhân chứng, với một gương mặt vô hồn. Clark đặt một câu hỏi đầy tính thù địch. Kaelin ngả người về phía trước và nhẹ nhàng trả lời. “Anh có nhìn thấy điều đó không?” – Ekman hỏi tôi. Tôi chẳng nhận thấy điều gì cả, chỉ thấy một Kato là Kato, ngây thơ, không thể làm hại ai và thụ động. Ekman dừng cuốn băng, tua lại và cho nó chạy lại với tốc độ chậm hơn. Trên màn hình, Kaelin hướng về phía trước để trả lời câu hỏi, và trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, mặt anh ta biến đổi hoàn toàn. Mũi hơi nhăn lại, khi anh ta uốn cong cơ nâng môi trên và mũi. Răng Kaelin hơi lộ ra, mày hơi cụp xuống. “ Đó gần như hoàn toàn là đơn vị hoạt động số 9”, Ekman nói. “Đó là một sự ghê tởm, với một sự tức giận mạnh mẽ, và manh mối cho việc đó là khi lông mày bạn cụp xuống, tất nhiên là đôi mắt bạn cũng không mở được to ra như bình thường. Còn việc nâng mí mắt trên lên lại là một phần của sự tức giận chứ không phải ghê tởm. Nó xảy ra rất nhanh.” Ekman tắt đoạn phim đi và mở lại một lần nữa, nhìn chăm chú vào màn hình. “Anh biết không, trông anh ta như một con chó đang gầm gừ.”
Ekman còn cho tôi xem một đoạn phim khác, được ghi từ một cuộc họp báo do Harold “Kim” Philby tổ chức năm 1955. Lúc này Philby vẫn chưa bị phát hiện là một điệp viên của Liên Bang Xô Viết, nhưng hai trong số đồng nghiệp của ông ta, Donald Maclean và Guy Burgess, đã gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô. Philby vận một bộ com–lê sẫm màu và một chiếc áo sơ mi trắng. Ông ta có mái tóc thẳng và chải hết về bên trái. Trên gương mặt lộ rõ nét ngạo mạn đặc trưng.
“Thưa ông Philby”, một nhà báo hỏi, “Ngoại trưởng Macmillan, có nói rằng không hề có chứng cớ về việc khẳng định ông là người thứ ba trong nhóm của Burgess và Maclean. Ông có cảm thấy hài lòng về nhận xét mà ông ta đã dành cho ông không?”
Philby trả lời tự tin, với một âm điệu rất oai vệ bằng một thứ tiếng Anh đẳng cấp cao “ Vâng, tôi hài lòng”.
“Vậy, nếu có một người thứ 3, đó có phải là ông không?”
“Không,” Philby nói, một cách dứt khoát. “Kẻ đó chắc chắn không phải là tôi.”
Ekman tua lại đoạn băng và cho chạy lại với tốc độ chậm hơn. “Hãy nhìn vào cái này”, ông nói trong khi tay chỉ vào màn hình. “Hai lần, sau khi bị hỏi những câu hỏi mang tính nghiêm trọng về tội mưu phản, ông ta đều cười khẩy. Trông ông ta giống như con mèo đã ăn thịt con chim hoàng yến. Sự biểu lộ chỉ đến và đi trong vòng không đầy một phần mili giây. Nhưng ở tốc độ chậm hơn, điều đó như được in lên khuôn mặt ông ta: đôi môi mím lại một cách hoàn toàn tự mãn. “Ông ta đang rất tự mãn, đúng không?” Ekman tiếp tục. “Tôi gọi đây là ‘sự tự lừa dối để thỏa mãn’, sự kích động mà anh nhận được khi lừa gạt được ai đó.” Ekman lại bật lại cuốn băng một lần nữa. “Ông ta còn làm một điều nữa,” Ekman nói. Trên màn hình, Philby đang trả lời một câu hỏi khác: “Ở lần thứ hai, câu chuyện về Burgess–Maclean đã cho thấy những nét biểu hiện rất”– Ekman dừng lại – “tinh vi. “ Ekman quay lại với đoạn đó và cho ngừng lại. “Đây rồi”, ông nói. “Một sự biểu đạt cực kỳ tinh vi của nỗi lo lắng hay đau buồn. Nó chỉ thể hiện trên lông mày của ông ta, thực tế là chỉ trên một bên lông mày”. Thật vậy, lông mày phía bên phải của Philby đã nhướn lên một chút giống như đơn vị hoạt động số 1. “Nó diễn ra thật ngắn ngủi,” Ekman nói. “Ông ta không chủ định để lộ điều đó. Và nó hoàn toàn mâu thuẫn với tất cả vẻ tự tin và quả quyết của ông ta. Nó diễn ra khi Philby nói về Burgess và Maclean, những người mà ông ta đã bí mật bảo vệ. Đó là một dấu hiệu đáng lưu ý cho thấy rằng ‘anh không nên tin những gì anh nghe thấy.’”
Ở một khía cạnh rất thực, Ekman đang miêu tả những trạng thái tâm lý rất cơ bản về cách chúng ta đánh giá người khác. Chúng ta có thể đọc tất cả các ý nghĩ một cách dễ dàng và vô thức bởi vì các đầu mối chúng ta cần để hiểu cảm giác của ai đó hoặc của một tình huống xã hội nào đó đều xuất hiện ở đó, trên guơng mặt của họ, ngay trước mắt chúng ta. Chúng ta không thể đọc các nét mặt rõ ràng giống như Paul Ekman hay Silvan Tomkins hay ai đó khác, hoặc bắt được những khoảnh khắc tinh vi như sự biến đổi thành một con chó gầm gừ của Kato Kaelin. Nhưng trên một khuôn mặt luôn có đủ các thông tin có thể sử dụng được, giúp chúng ta có thể đọc được những suy nghĩ thường ngày của người khác. Khi ai đó nói với ta “Anh/em yêu em/anh”, ngay lập tức chúng ta nhìn thẳng vào họ bởi bằng cách nhìn vào mặt, chúng ta có thể nắm được – hoặc ít nhất là cũng biết được chính xác hơn – tình cảm đó có chân thật hay không. Liệu chúng ta có cảm thấy bất kỳ sự âu yếm, say mê nào trên khuôn mặt người đó hay không? Hay chúng ta chỉ bắt được một biểu hiện rất nhỏ, thoáng qua của sự buồn bã, đau khổ chợt lộ ra trên nét mặt người đó? Một đứa trẻ sẽ nhìn vào mắt bạn khi bạn khum hai bàn tay mình trên hai bàn tay của em bởi vì em bé ấy biết rằng lời giải thích cho hành động đó có thể nằm trên nét mặt của người đưa ra hành động. Liệu bạn có đang thực hiện đơn vị hoạt động số 6 và số 12 (sử dụng cơ vòng ở vùng hốc mắt, kết hợp với gò má chính) để biểu lộ sự vui thích? Hay bạn đang thực hiện đơn vị hoạt động số 1, 2, 4, 5 và 20 (Sử dụng cơ ở vùng trước giữa trán, cơ ở vùng trước hai bên trán, cơ hạ của lông mày, cơ nâng mí mắt trên) mà bằng bản năng, ngay cả một đứa trẻ cũng hiểu rằng đó là một tín hiệu rõ ràng của sự sợ hãi? Chúng ta thực hiện những kiểu tính toán nhanh và phức tạp như thế này rất giỏi. Chúng ta thực hiện những điều này hàng ngày, và không cần phải suy nghĩ gì cả. Và đây chính là điều khó hiểu trong trường hợp của Amadou Diallo, bởi vì vào những giờ khắc bắt đầu một ngày mới của ngày mùng 4 tháng 2 năm 1999 ấy, Sean Carroll và ba đồng nghiệp của mình vì một lý do nào đó đã không thể thực hiện được bất kỳ tính toán nào. Diallo chỉ là người vô tội, anh ta tò mò và hoảng sợ – và tất cả những trạng thái tình cảm đó chắc chắc đã được thể hiện trên nét mặt của anh ta. Nhưng cả bốn viên cảnh sát không hề nắm bắt được bất kỳ một trạng thái nào. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Một người đàn ông, một phụ nữ và một chiếc công tắc đèn
Mô hình truyền thống để hiểu ý nghĩa của việc mất khả năng đọc suy nghĩ của người khác chính là trạng thái tự kỷ. Khi ai đó mắc chứng tự kỷ có nghĩa là khả năng đọc suy nghĩ của họ bị “mờ đi” (mind – blind) (từ dùng của nhà tâm lý người Anh Simon Baron–Cohen). Những người mắc chứng tự kỷ thấy rằng việc thực hiện một cách tự nhiên và vô thức tất cả tính toán mà tôi đang mô tả trong quá trình xử lý thông tin của mình là điều rất khó khăn (điều này hoàn toàn khác với việc họ không thể thực hiện được những tính toán ấy). Họ gặp khó khăn khi diễn giải các tín hiệu không lời như cử chỉ và nét mặt, hoặc gặp rắc rối khi đặt bản thân mình vào trong suy nghĩ của người khác, hay vướng mắc khi cố gắng hiểu bất cứ điều gì khác ngoài lớp nghĩa đen của ngôn từ. Bộ máy phân tích những ấn tượng ban đầu của họ không đủ khả năng làm việc, và cái cách những người tự kỷ nhìn thế giới có thể giúp chúng ta hiểu rõ điều gì sẽ xảy ra khi các cơ quan ngoại cảm của chúng ta không thành công trong việc đọc suy nghĩ của người khác.
Một trong những chuyên gia tâm lý hàng đầu về chứng tự kỷ ở Mỹ là một người đàn ông có tên là Ami Klin. Klin là giảng viên của trung tâm nghiên cứu các vấn đề của trẻ em thuộc Đại học Yale, New Haven. Tại nơi này Klin đã nghiên cứu một bệnh nhân trong nhiều năm liền, tôi gọi bệnh nhân đó là Peter, một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi. Ông ta là người có học thức cao, làm việc và sống độc lập. Klin giải thích “Đây là một người có khả năng làm việc rất cao, tuần nào chúng tôi gặp nhau và chuyện trò. Peter nói chuyện rất lưu loát, nhưng ông ta lại không có khả năng trực giác về nhiều thứ, vì thế Peter cần tôi định rõ thế giới cho ông ta.” Klin là người mang hai dòng máu: một nửa Israel, một nửa Brazil. Ông có nhiều nét giống với diễn viên Martin Short, và khi nói chuyện, ông thường nói bằng một giọng hết sức đặc biệt. Klin đã theo dõi Peter trong nhiều năm liền, và khi nói về tình trạng của ông ta, Klin không hề có thái độ coi thường hay thờ ơ mà chỉ thuần túy dựa vào thực tế. “Tuần nào tôi cũng nói chuyện và những khi nói chuyện như thế tôi luôn có cảm giác rằng mình có thể làm tất cả mọi điều. Tôi có thể ngoáy mũi. Tôi có thể cởi quần ra. Tôi có thể làm một công việc gì đó ngay tại đây. Mặc dù Peter có theo dõi những gì tôi làm nhưng tôi lại không có cảm giác đang bị theo dõi hoặc giám sát. Peter rất chú ý vào những gì tôi nói. Ngôn từ có ý nghĩa và tác động rất lớn đối với ông ta. Nhưng ông ta lại không thể tập trung chút nào vào cách tôi đặt những ngôn từ ấy trong bối cảnh cùng với sự thể hiện của nét mặt và các tín hiệu không lời. Tất cả những gì diễn ra trong suy nghĩ – tức những gì mà Peter không quan sát được – chính là một vấn đề của ông ta. Liệu tôi có phải là bác sỹ trị liệu cho ông ta không? Cũng không hẳn. Một bác sỹ trị liệu như bình thường sẽ tiến hành công việc dựa vào khả năng tự mình có thể nhìn thấu được những động cơ thúc đẩy bản thân của người bệnh. Nhưng với Peter, sự thấu đáo sâu xa ấy sẽ không đưa bạn tiến được xa lắm. Vì vậy những gì tôi tiến hành với anh ta chỉ giống như việc giải quyết một rắc rối nào đó mà thôi.”
Khi nói chuyện với Peter, một trong những điều mà Klin muốn khám phá đó là làm thế nào một người ở trong tình trạng như Peter có thể nhận biết được thế giới. Chính vì lẽ đó, Klin và các đồng nghiệp của ông đã tiến hành một cuộc thí nghiệm rất khéo léo. Họ quyết định cho Peter xem một bộ phim rồi theo dõi hướng mắt nhìn của ông ta khi ông ta nhìn lên màn hình. Bộ phim họ chọn được sản xuất năm 1966 và là tác phẩm chuyển thể từ vở kịch của Edward Albee, với tựa đề Ai Sợ Chó Sói Vùng Virginia? (Who’s Afraid of Virginia Woolf?) và sự góp mặt của hai ngôi sao Richard Burton và Elizabeth Taylor. Hai diễn viên này vào vai một cặp vợ chồng mời một cặp vợ chổng trẻ hơn mình nhiều tuổi (hai vai diễn này do George Segal và Sandy Dennis đảm nhận) đến nhà chơi vào một buổi tối cuối cùng lại thành ra là một buổi tối rất căng thẳng và mệt mỏi. “Đó là vở kịch mà tôi thích nhất, và ngoài ra tôi còn thích xem phim nữa. Tôi hâm mộ Richard Burton. Tôi yêu mến Elizabeth Taylor.” Klin giải thích, và đối với những gì Klin đang cố gắng thực hiện, thì bộ phim quả là sự lựa chọn hoàn hảo. Những người bị mắc chứng tự kỷ thường được quan sát theo dõi bằng các thiết bị cơ học, nhưng đây lại là một bộ phim tôn trọng thiết kế dành nhiều khoảng trống trên sân khấu và tập trung chủ yếu vào diễn viên. Klin cho biết tiếp, “Bộ phim chứa đựng rất nhiều điều. Nó xoay quanh bốn nhân vật và những suy nghĩ của họ. Trong bộ phim, chúng ta sẽ rất ít gặp những chi tiết vô hồn, buồn tẻ có thể khiến những người mắc chứng tự kỷ xao nhãng, không chú ý. Nếu tôi dùng bộ phim Kẻ Hủy Diệt 2 (Terminator Two) trong đó nhân vật chính là một khẩu súng, có lẽ tôi sẽ không thu được những kết quả như thế này. Toàn bộ bộ phim Ai Sợ Chó Sói Vùng Virginia? nói về mối tương tác xã hội đầy thú vị và rất sâu sắc ở nhiều cấp độ ý nghĩa, tình cảm, và biểu hiện khác nhau. Trong khi đó, chúng tôi lại đang cố gắng tìm hiểu quá trình tìm kiếm ý nghĩa ở con người. Đó chính là lý do tại sao tôi chọn Ai Sợ Chó Sói Vùng Virginia?. Tôi rất quan tâm tới việc tiếp cận thế giới qua con mắt của một người mắc chứng tự kỷ.”
Klin đã yêu cầu Peter đội một chiếc mũ trên có gắn một thiết bị theo dõi hướng mắt nhìn, mạnh nhưng đơn giản. Thiết bị này gồm hai chiếc camera nhỏ xíu: một chiếc ghi lại những cử động của hố mắt – phần nằm chính giữa mắt của Peter; chiếc camera còn lại được dùng để ghi lại bất cứ thứ gì mà Peter nhìn, rồi sau đó, hình ảnh từ hai chiếc camera này sẽ được lồng vào nhau. Điều này có nghĩa là trên tất cả các khung hình của bộ phim, Klin đều có thể chỉ ra được lúc đó, Peter đang nhìn vào điểm nào. Sau đó, Klin lại cho những người không mắc chứng tự kỷ xem bộ phim đó, và so sánh những cử động mắt của Peter với cử động mắt của những người này. Chẳng hạn như, trong một cảnh, Nick (do George Segal thủ vai) đang lịch sự nói chuyện, anh ta chỉ vào bức tường trong thư phòng của chủ nhà George (do Richard Burton thủ vai) và hỏi “Ai vẽ bức tranh này thế?” Nếu bạn và tôi xem cảnh này, cách chúng ta theo dõi khá đơn giản: mắt chúng ta sẽ nhìn theo hướng Nick chỉ, rồi dừng lại ở bức tranh, sau đó quay sang mắt George, chờ đợi câu trả lời, và rồi tiếp tục trở lại khuôn mặt của Nick để xem anh ta phản ứng với câu trả lời đó thế nào. Toàn bộ quá trình này diễn ra rất nhanh thậm chí chỉ trong một phần nhỏ của giây, và trên những bức hình chụp quét hướng nhìn của Klin, đường thẳng biểu diễn cái nhìn chằm chằm của những khán giả bình thường hình thành nên một tam giác cân, không có những đường nhỏ rẽ ngang từ Nick đến bức tranh, từ bức tranh tới George và rồi từ George quay trở lại Nick. Thế nhưng, kết quả thu được ở Peter lại có chút khác biệt. Peter bắt đầu nhìn ở đâu đó trên cổ Nick. Song ông ta không nhìn theo hướng cánh tay Nick chỉ, bởi vì nếu bạn suy nghĩ về điều này bạn sẽ thấy rằng, diễn giải cử chỉ đưa tay chỉ vào một vật gì đó đòi hỏi bạn phải ngay lập tức nghĩ theo suy nghĩ của người đưa ra hành động đó. Bạn cần phải nắm bắt được suy nghĩ của người chỉ tay, và lẽ tất nhiên, những người mắc chứng tự kỷ không thể đọc được suy nghĩ của người khác. “Trẻ em có thể phản ứng với cử chỉ này khi chúng được 12 tháng tuổi.” Klin cho biết “Đây là một người đàn ông bốn mươi tuổi, ông ta rất thông minh, nhưng ông ta lại không thể làm được điều đó. Vừa rồi là những kiểu biểu hiện mà trẻ em học được một cách tự nhiên, theo bản năng – song Peter lại không chú ý đến.”
Vậy thì Peter đã làm gì? Ông ta nghe thấy các từ “bức tranh”, và “tường”. Vì vậy, ông ta tìm kiếm những bức tranh treo trên tường. Nhưng ở quanh đó có tới ba bức tranh. Đâu là bức tranh mà Nick nói đến? Những bức hình chụp quét hướng nhìn của Klin cho thấy cái nhìn của Peter chuyển loạn lên từ bức tranh này sang bức tranh kia. Trong khi đó, cuộc nói chuyện đã thực sự tiếp diễn. Cách duy nhất để Peter có thể hiểu được cảnh đó là nếu Nick nói rõ và chính xác bằng lời – tức là nếu anh ta nói “Ai đã vẽ bức tranh phía bên trái người đàn ông và con chó đó?” Trong một môi trường không thuần túy mang nghĩa đen, những người mắc chứng tự kỷ chắc chắn sẽ bị lạc đường.
Trong cảnh này còn có một bài học then chốt khác. Những khán giả bình thường sẽ nhìn vào mắt của George và Nick khi hai người này nói chuyện với nhau, và khán giả làm điều đó là bởi vì khi mọi người nói chuyện, chúng ta lắng nghe những gì họ nói và quan sát ánh mắt của họ để tìm ra ra những sắc thái biểu đạt mà Ekman đã liệt kê ra một cách rất cẩn thận, chi tiết. Nhưng trong cảnh phim đó, Peter không hề nhìn vào mắt của bất kỳ một nhân vật nào. Vào một thời điểm cũng có tính quyết định khác của bộ phim, khi George và Marth (do Elizabeth Taylor đóng) đang ân ái say đắm, không giống như những gì bạn và tôi thường vẫn làm khi xem phim, Peter đã không nhìn vào mắt của đôi vợ chồng đang âu yếm nhau này mà thay vào đó, ông ta lại nhìn vào cái công tắc đèn ở trên tường, phía sau đôi vợ chồng. Đó không phải là do Peter có ý làm trái ngược lại với hành động của mọi người hay ông ta cảm thấy ghê tởm trước những cảnh vuốt ve, âu yếm như thế. Lý do chỉ đơn giản là vì nếu bạn không thể đọc được suy nghĩ của người khác – hay nói cách khác nếu bạn không thể đặt mình vào trong suy nghĩ của người khác – khi đó sẽ chẳng có gì đặc biệt đáng chú ý để nhìn vào ánh mắt hay nét mặt của người đó.
Một trong những đồng nghiệp của Klin ở Đại học Yale, T. Schultz đã có lần thực hiện một cuộc thí nghiệm có sử dụng cái gọi là máy quét FMRI (máy quét hình ảnh cộng hưởng từ – Functional Magnetic Resonance Imagery). Đây là một thiết bị dùng để chụp quét não, có độ phức tạp rất cao, cung cấp thông tin cho chúng ta biết máu đang chảy về điểm nào của não vào bất kỳ thời gian nào – và vì lẽ đó, chúng ta có thể biết, phần nào của não đang hoạt động. Schultz đã dùng máy quét FMRI và yêu cầu những đối tượng trong cuộc thí nghiệm thực hiện một công việc rất đơn giản: những người này sẽ được cho xem hoặc là từng cặp khuôn mặt hoặc là từng cặp vật dụng 9 chẳng hạn như ghế hay búa), và những gì họ cần làm là phải nhấn nút để chỉ ra xem cặp đôi đó là hai vật giống hay khác nhau. Khi nhìn vào các khuôn mặt những người bình thường sử dụng phần não có tên là nếp nhăn não hình thoi, đây là một phần vô cùng phức tạp trong bộ xử lý thông tin của não bộ, cho phép chúng ta phân biệt được hàng ngàn khuôn mặt thật mà chúng ta quen biết với nhau. (Hãy thử hình dung trong tâm trí bạn khuôn mặt của Marilyn Monroe. Bạn đã sẵn sàng rồi chứ? Chính lúc này bạn đã sử dụng phần nếp nhăn não hình thoi để hình dung ra khuôn mặt của ngôi sao điện ảnh này). Tuy nhiên, khi những người bình thường nhìn vào chiếc ghế, họ lại dùng đến một phần não hoàn toàn khác và hoạt động không mạnh bằng phần não kia – phần não này có tên là nếp nhăn não tức thời yếu, và nó thường được dùng khi ta lưu giữ hình ảnh các vật thể. (Sự khác biệt trong mức độ phức tạp giữa hai vùng não này giải thích cho lý tại sao bạn có thể nhận ra một cô bạn Sally từ hồi lớp tám vào thời điểm của bốn mươi năm sau đó, nhưng lại gặp khó khăn khi lấy túi xách của mình từ băng hành lý ở sân bay). Tuy nhiên, khi Schultz lặp lại thí nghiệm này với những người mắc chứng tự kỷ, ông nhận thấy rằng họ sử dụng khu vực não nhận dạng vật cho cả đồ vật và khuôn mặt. Hay nói cách khác, trên cấp độ thần kinh cơ bản nhất, đối với những người mắc chứng tự kỷ, khuôn mặt cũng chỉ là một kiểu đồ vật mà thôi. Đây là một trong những đoạn miêu tả ban đầu về một bệnh nhân mắc chứng tự kỷ trong tài liệu y học này: “Đứa bé không bao giờ nhìn vào khuôn mặt của mọi người. Khi phải tiếp xúc với mọi người, dù dưới bất kỳ hình thức nào đứa bé cũng đối xử với họ, hoặc một phần nào đó của họ cứ như thể họ là đồ vật. Nó thường dùng một tay để dẫn bố. Khi chơi, đứa bé này thường húc đầu vào mẹ như khi húc đầu vào gối. Nó để mẹ mặc quần áo cho mình nhưng không bao giờ chú ý đến bà.”
Chính vì vậy, khi Peter xem cảnh Martha và George hôn nhau, khuôn mặt của hai người này không lôi kéo được sự chú ý của Peter trong vô thức. Những gì Peter nhìn thấy là ba thứ: một người đàn ông, một người đàn bà và một cái công tắc bóng đèn. Và cuối cùng trong ba thứ ấy, ông ta thích điều gì hơn cả? Thật ngẫu nhiên, đó lại là cái công tắc bóng đèn… Klin cho biết “Peter nhìn thấy một cái công tắc bóng đèn và dồn sự chú ý về nó. Điều này cũng giống như nếu bạn là người am hiểu về các bức tranh Matisse, bạn đã xem rất nhiều bức tranh, rồi bạn tiếp tục đi và kia có một bức tranh Matisse. Cũng như vậy, Peter tiếp tục nhìn và ở đó có một công tắc bóng đèn. Peter đang tìm kiếm ý nghĩa của bố cục căn phòng. Ông ta không thích sự lộn xộn, thiếu gọn gàng. Tất cả chúng ta thường hướng sự chú ý của mình tới những gì có ý nghĩa với chúng ta, và đối với hầu hết chúng ta, thì đối tượng đáng chú ý chính là con người. Nhưng nếu con người không có ý nghĩa gì đối với bạn thì khi đó bạn sẽ tìm kiếm một điều gì khác có ý nghĩa hơn.”
Có lẽ cảnh sâu sắc nhất mà Klin sử dụng để nghiên cứu trong bộ phim là khi Martha ngồi cạnh Nick, và có những hành động tán tỉnh thái quá, thậm chí Martha còn đặt cả tay mình lên đùi Nick. Trong tình huống đó, Nick hơi quay lưng về phía cặp vợ chồng, lẩn tránh cái nhìn của một George càng lúc càng bùng lên sự tức giận và ghen tuông. Khi cảnh phim mở ra, ánh mắt của những khán giả bình thường chuyển động theo một hình tam giác gần như là hoàn hảo từ mắt của Martha, mắt Nick tới mắt George và rồi quay trở lại Martha, họ dõi theo trạng thái tình cảm của cả ba khi nhiệt độ trong căn phòng tăng cao. Còn Peter thì sao? Ông ta bắt đầu từ mồm Nick, và sau đó mắt Peter đưa xuống, nhìn cái cốc Nick đang cầm trên tay, và rồi ánh mắt ấy lại lang thang đến cái gim cài trên chiếc áo len dài tay của Martha. Peter không hề nhìn vào George một chút nào, chính vì lẽ đó, Peter không thể hiểu nổi toàn bộ ý nghĩa tình cảm của cảnh đó.
“Có một cảnh khi George suýt chút nữa thì đã không giữ được bình tĩnh.” Warren Jones, người cùng làm việc với Klin trong cuộc thử nghiệm này kể lại, “George bước vào phòng riêng, và rút từ trên giá ra một khẩu súng, ngắm thẳng vào Martha và bóp cò. Và khi anh ta làm như thế, có một chiếc ô thình lình bật ra trước họng súng. Nhưng chúng tôi vẫn không hay biết gì cho đến khi hành động đó lộ ra chỉ là một mưu mẹo – vì vậy, giây phút sợ hãi đó là cảm xúc hoàn toàn thật. Và một trong những điều đáng để kể là những người mắc chứng tự kỷ tiêu biểu sẽ cười to và cho rằng đó là một khoảnh khắc thực sự thuần túy mang tính hài hước. Họ đã bỏ qua cơ sở tình cảm của cảnh diễn. Họ chỉ nắm bắt được bề ngoài hời hợt khi George bóp cò, chiếc ô bật ra, và họ không suy nghĩ gì cả. Những người này đã có những khoảnh khắc rất vui vẻ khi xem bộ phim chứ không hề đứng tim lo sợ như những khán giả bình thường.”
Cuộc thí nghiệm xem phim dành cho Peter là một ví dụ rất chính xác cho những gì xảy ra khi khả năng đọc suy nghĩ của người khác ở một số người không thành công. Peter là một người rất thông minh. Ông nhận bằng tốt nghiệp của một trường đại học lớn, có uy tín. Chỉ số IQ của Peter cao hơn mức trung bình rất nhiều, và Klin nói về ông ta với sự kính trọng, nể phục rất chân thật. Nhưng do thiếu mất một khả năng rất cơ bản – khả năng đọc suy nghĩ (hay còn gọi là khả năng đọc suy nghĩ) – nên Peter đã không thể hiểu được cảnh trong bộ phim Ai Sợ Chó Sói Vùng Virginia? và đi tới kết luận sai hoàn toàn và không chấp nhận được về mặt xã hội. Có thể hiểu rằng Peter thường xuyên mắc phải những sai lầm như thế: ông ta ở trong tình trạng khiến khả năng đọc suy nghĩ vĩnh viễn bị mờ. Nhưng tôi không thể ngừng thắc mắc rằng liệu trong một hoàn cảnh nào đó, những người còn lại trong số chúng ta cũng tạm thời có những suy nghĩ giống như Peter hay không. Điều gì sẽ xảy ra nếu chứng tự kỷ – hiện tượng mờ đi trong khả năng đọc suy nghĩ – là tình trạng tạm thời chứ không phải một chứng bệnh kinh niên? Và liệu điều đó có thể giải thích cho lý do tại sao đôi khi những người bình thường lại đi đến những kết luận sai lầm chết người không?
Tranh cãi với chó
Trong các bộ phim hoặc chương trình thám tử trên ti vi thường có cảnh bắn súng. Người ta bắn và bắn rồi chạy đuổi theo kẻ khác, và thậm chí có lúc giết người. Mỗi khi xong việc bắn giết, họ đứng trên xác chết, hút thuốc sau đó thì đi uống bia với nhau. Cứ theo như Hollywood thì việc bắn súng có vẻ khá phổ biến và chẳng mấy khó khăn. Tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy. Phần lớn cảnh sát – khoảng trên 90% – chưa từng bắn ai trong suốt thời gian đương nhiệm, và những ai đã từng bắn người đều mô tả lại việc đó giống như một trải nghiệm căng thẳng khó tưởng tượng đến mức có thể đặt ra câu hỏi rằng liệu việc dùng súng bắn người có khả năng gây ra một chấn động tâm lý nhất thời hay không.
Để dẫn chứng, dưới đây là một vài trích đoạn phỏng vấn trong cuốn sách đang gây được sự chú ý Vào vùng giết chóc của David Klinger, nhà nghiên cứu tội phạm thuộc Đại học Missouri. Những cuộc phỏng vấn này được tiến hành đối với một số cảnh sát viên. Trích đoạn thứ nhất là một phần cuộc phỏng vấn với viên cảnh sát đã bắn vào một người đàn ông khi ông ta đe dọa sẽ giết Dan, người đồng sự của cảnh sát:
Hắn ngước lên nhìn tôi và nói: “Ôi, khốn kiếp.” Không phải là: “Ôi, chết tiệt thật, tôi thấy sợ.” mà giống kiểu “Khốn kiếp, bây giờ ta lại phải giết thêm một gã nữa.” – thực sự rất hung hăng và chuyên nghiệp. Thay vì tiếp tục chĩa súng vào đầu Dan, hắn bắt đầu chĩa vào tôi. Điều này xảy ra rất nhanh – chỉ trong một phần triệu giây thôi – và cùng lúc đó tôi cũng đưa súng lên. Dan vẫn đang vật lộn với hắn, và suy nghĩ duy nhất trong đầu tôi khi đó là: “Lạy Chúa, xin đừng để con làm Dan bị thương.” Tôi bắn 5 phát. Ngay khi tôi bắn, tầm nhìn của tôi bắt đầu thay đổi. Từ một cái nhìn toàn cảnh giờ chỉ còn tập trung vào đầu kẻ tình nghi, mọi thứ khác xung quanh đều biến đi hết. Tôi không còn trông thấy Dan, mà cũng chẳng thấy bất kỳ thứ gì khác nữa. Tất cả những gì tôi thấy lúc đó chỉ là cái đầu của kẻ tình nghi.
Tôi trông thấy 4 viên đạn bắn vào gã đó. Viên thứ nhất bắn trúng chỗ lông mày bên trái của hắn. Nó làm thủng một lỗ và khiến đầu hắn giật về phía sau. Hắn rên lên: “Ôi…”, giống kiểu: “Ôi, mày đã bắn trúng tao.” Hắn vẫn tiếp tục quay súng về phía tôi, vậy là tôi bắn phát thứ hai. Tôi thấy một chấm đỏ ngay bên dưới mắt trái của hắn, và đầu hắn có vẻ bị ngoẹo sang một bên. Tôi bắn thêm phát nữa. Viên đạn găm trúng rìa ngoài mắt trái khiến mắt hắn nổ tung và lòi ra ngoài. Phát súng thứ tư xẹt qua tai trái của hắn. Viên đạn thứ ba đã khiến đầu hắn nghiêng hẳn ra xa khỏi phía tôi và khi viên thứ tư bay tới, tôi trông thấy một chấm đỏ bên đầu hắn, rồi khép lại. Tôi không trông thấy viên đạn cuối cùng bay đi đâu. Rồi tôi nghe thấy tiếng gã đàn ông gục xuống trên mặt đất.
Và đây là một đoạn trích khác:
Khi hắn bắt đầu xoay sang chúng tôi, đó gần như là một động tác quay chậm và mọi thứ bị thu hẹp lại. Khi hắn làm chuyển động đó, cả người tôi căng lên. Lúc đó từ phần ngực trở xuống tôi không còn chút cảm giác nào. Tất cả dồn vào việc tập trung về phía trước để quan sát và phản ứng với đối tượng. Tựa như có một liều Adrenalin trong máu vậy! Mọi thứ căng lên và mọi giác quan của tôi đều hướng về phía người đàn ông đang chạy tới chúng tôi với khẩu súng trong tay. Tầm nhìn của tôi thu lại chỗ thân mình hắn và khẩu súng. Tôi không biết tay trái hắn lúc đó đang làm gì, hoàn toàn không biết. Tôi chỉ chăm chú vào khẩu súng. Khẩu súng đang đưa lên ngang tầm ngực hắn, và cùng lúc đó tôi bắn phát đầu tiên.
Tôi không nghe thấy gì cả, một tiếng động cũng không. Khi tôi bắn xong 2 phát đầu tiên thì Alan cũng nổ súng, vậy mà tôi chẳng nghe thấy gì hết. Khi tôi nổ súng lần thứ 2 thì anh ấy cũng bắn thêm 2 phát nữa, và cũng như lần trước, tôi chẳng nghe thấy gì. Chúng tôi dừng tay khi gã đàn ông ngã xuống và trườn đến chỗ tôi. Tôi cũng không nhớ là mình đã đứng lên thế nào. Tất cả những gì tôi biết là tôi đang đứng trên đôi chân của chính mình và nhìn xuống thi thể gã đàn ông đó. Tôi không biết làm thế nào mình có thể lại được chỗ đó, có khi tôi đã chống hai tay xuống đất và đứng dậy hoặc có khi tôi đã dùng sức rướn đầu gối lên. Tôi cũng không biết nữa, nhưng ngay khi đã đứng dậy được tôi lại có thể nghe lại được mọi âm thanh, bằng chứng là lúc đó tôi có thể nghe thấy tiếng kim loại leng keng trên sàn đá. Thời gian cũng đã quay trở lại bình thường, vì trong khi nổ súng, thời gian như bị chậm lại. Điều này xảy ra ngay khi gã đàn ông bắt đầu chĩa súng vào chúng tôi. Mặc dù biết rằng lúc đó hắn đang chạy về phía chúng tôi nhưng tôi có cảm giác là hắn đang trong một đoạn phim quay chậm. Đúng là một cảnh tồi tệ nhất mà tôi đã từng thấy.
Tôi cho là các bạn sẽ đồng ý rằng những câu chuyện trên đây thật kỳ lạ. Trong ví dụ đầu tiên, viên cảnh sát có vẻ như đang miêu tả một điều gì đó không thể xảy ra. Làm sao một người có thể trông thấy những viên đạn của mình bắn trúng vào ai đó? Và tương tự như vậy, việc viên cảnh sát thứ hai nói rằng anh ta không nghe thấy tiếng súng nổ cũng thật kỳ lạ. Làm sao lại có chuyện đó được? Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn với các cảnh sát đã từng tham gia vào việc bắn nhau, những chi tiết đó vẫn lặp đi lặp lại: những hình ảnh cực kỳ rõ nét; thị lực giảm sút hoặc mất hẳn thị lực; thính giác bị hạn chế; và cảm giác thời gian chậm lại. Đây là cách cơ thể con người phản ứng lại với căng thẳng cực độ, và điều này không phải là không có lý. Khi phải đối mặt với một tình huống sống còn, thần kinh của chúng ta sẽ hạn chế tối đa phạm vi và lượng thông tin cần phải xử lý. Âm thanh, trí nhớ và các hiểu biết xã hội rộng hơn sẽ nhường chỗ cho sự cảnh giác cao độ với mối đe dọa trực tiếp trước mắt. Trong thời điểm then chốt, các cảnh sát được mô tả trong phỏng vấn của Klinger đã phản ứng tốt hơn vì các giác quan của họ đã bị thu hẹp lại: sự thu hẹp đó đã cho phép họ tập trung vào mối nguy hiểm tốt hơn.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi sự phản ứng với căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm? Theo Dave Grossman, cựu trung tá quân đội và là tác giả của cuốn sách On killing, tình trạng cực điểm của kích thích – giới hạn trong đó stress làm tăng hiệu quả hành động – là khi nhịp tim của chúng ta ở vào khoảng 115 đến 145 nhịp/phút. Grossman cho biết nhịp tim của nhà vô địch bắn súng Ron Avery ở mức cao nhất trong giới hạn trên khi anh này thao tác trên trường bắn. Siêu sao bóng rổ Larry Bird thường nói rằng trong những giờ phút quyết định của trận đấu, cả sân bóng trở nên yên lặng và các vận động viên dường như đang chuyển động rất chậm. Rõ ràng là Larry cũng đã chơi bóng trong giới hạn kích thích như của Avery. Nhưng rất ít vận động viên bóng rổ có thể nhìn thấy sân bóng một cách rõ nét như Larry bởi vì có rất ít người có thể đạt tới giới hạn đó. Phần lớn chúng ta khi chịu áp lực thường bị kích thích quá mạnh, và khi đã đi quá một điểm nhất định thì hoạt động của cơ thể chúng ta bắt đầu ngưng lại khiến cho rất nhiều nguồn thông tin của ta trở nên vô dụng.
Theo Grossman, “Khi nhịp tim vượt quá ngưỡng 145, những điều tồi tệ bắt đầu xảy ra. Các kỹ năng hoạt động phức tạp bắt đầu gặp trục trặc. Làm bất cứ việc gì với một tay cũng trở nên khó khăn… Và tại mức 175 nhịp/phút, quá trình nhận thức đã suy giảm hoàn toàn… Não trước ngừng hoạt động, và não giữa – phần não của con người tương tự như ở loài chó (tất cả các động vật có vú đều có phần não này) – sẽ hoạt động mạnh và lấn át vai trò điều khiển của não trước. Bạn đã bao giờ cố tranh luận với một người đang giận dữ hoặc sợ hãi chưa? Điều đó là không thể, bởi vì như thế chẳng khác gì bạn đang tranh cãi với chó.” Lúc ấy tầm nhìn càng trở nên hạn chế. Hành vi trở nên cực kỳ nóng giận. Trong rất rất nhiều trường hợp, những người bị bắn bài tiết mọi thứ có trong ruột ra ngoài bởi vì tại mức bị đe dọa cao độ được đặc trưng bởi nhịp tim từ 175 trở lên, cơ thể sẽ coi kiểu kiểm soát sinh lý học đó là một hoạt động không cần thiết. Máu được rút khỏi lớp cơ ngoài cùng và tập trung vào khối cơ trung tâm. Mục đích của việc này là khiến cho cơ bắp trở nên càng rắn chắc càng tốt – để biến chúng thành một dạng lá chắn và hạn chế chảy máu trong trường hợp bị thương. Nhưng điều đó lại khiến chúng ta trở nên lóng ngóng và mất khả năng hoạt động. Vì lý do này mà Grossman cho rằng mọi người cần phải tập quay số 911, bởi vì ông đã nghe quá nhiều trường hợp mà khi khẩn cấp người ta nhấc điện thoại lên nhưng không thể thực hiện nổi thao tác đơn giản này. Trong lúc nhịp tim tăng vọt và sự phối hợp giữa các bộ máy trong cơ thể bị giảm sút, họ bấm 411 thay vì 911 bởi đó là con số duy nhất họ nhớ được, hoặc họ quên không ấn nút “gửi” trên bàn phím điện thoại di động, hoặc đơn giản là họ không thể phân biệt được các số với nhau. “Các bạn cần phải luyện tập việc này,” Grossman nhấn mạnh, “bởi vì chỉ có luyện tập thì bạn mới làm được.”
Đây chính là lý do tại sao trong những năm gần đây, rất nhiều sở cảnh sát đã cấm việc truy đuổi tội phạm với tốc độ cao. Không chỉ vì nguy cơ gây ra tai nạn đối với những người vô can trong suốt quá trình rượt đuổi, mặc dù việc này rõ ràng là một phần của mối lo ngại bởi hàng năm có khoảng 300 người Mỹ vô tình bị thiệt mạng trong những cuộc truy bắt tội phạm của cảnh sát. Mà còn vì những gì sẽ xảy ra sau những cuộc rượt đuổi đó, bởi vì lái xe đuổi theo đối tượng tình nghi với tốc độ cao thực sự là một hoạt động khiến các cảnh sát làm nhiệm vụ rơi vào tình trạng nguy hiểm do bị kích thích cao độ. Theo James Fyte, trưởng nhóm huấn luyện của Sở Cảnh sát New York – NYPD, người đã từng chứng kiến rất nhiều vụ bạo hành của cảnh sát, “Vụ nổi loạn ở Los Angeles xuất phát từ những gì mà các cảnh sát đã làm đối với Rodney King sau cuộc rượt đuổi.” “Vụ náo động ở thành phố tự do, Miami năm 1980 cũng có nguyên nhân từ việc làm của cảnh sát sau lúc truy đuổi. Họ đã đánh một người cho đến chết. Năm 1986, ở Miami cũng có một vụ lộn xộn khác vì nguyên nhân tương tự. Ba trong số những vụ náo loạn lớn của nước Mỹ trong suốt 25 năm qua xuất phát từ những hành động của cảnh sát sau khi phải truy bắt tội phạm.”
Bob Martin, cựu nhân viên cấp cao thuộc Sở Cảnh sát Los Angeles cho biết: “Thật đáng sợ khi anh phải tham gia vào những vụ rượt đuổi với tốc độ cao, nhất là khi phải đi qua những khu vực dân cư. Ngay cả khi anh lái xe với tốc độ chỉ có 50 dặm/giờ, lượng adrenalin tăng cao và tim anh bắt đầu đập như điên loạn, đập nhanh giống như một người chạy đua vậy. Việc đó quả thật rất kích thích. Anh mất hết cảm giác xa gần và hoàn toàn bị cuốn vào cuộc rượt đuổi, giống như người ta vẫn nói đấy: một con chó trong cuộc săn sẽ chẳng bao giờ dừng lại để gãi rận cả.” Nếu có dịp nghe băng ghi âm giọng nói của một cảnh sát trong lúc anh ta đang lái xe làm nhiệm vụ truy đuổi, các bạn sẽ thấy giọng người đó gần như hét lên. Đối với những cảnh sát mới vào nghề, họ gần như phát cuồng lên. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên làm nhiệm vụ này. Lúc đó tôi mới ra trường được vài tháng. Chúng tôi phải rượt qua một khu vực dân cư, và có vài lần chúng tôi thậm chí như bay trên mặt đất. Cuối cùng chúng tôi cũng bắt được hắn. Tôi quay lại xe, định lấy bộ đàm và báo cáo là chúng tôi đều ổn cả nhưng lúc đó tôi còn chẳng cầm nổi bộ đàm lên vì quá run.” Theo Martin, vụ đánh tên King chính xác là những gì mà người ta nghĩ đến khi cả hai bên – đều với nhịp tim tăng vọt và những phản ứng tiêu cực về tuần hoàn – giáp mặt nhau sau cuộc rượt đuổi. “Tại thời điểm quyết định, Stacey Koon – một trong những cảnh sát có thâm niên có mặt tại hiện trường vụ bắt giữ – yêu cầu các cảnh sát đó phải lùi lại nhưng họ lờ đi. Tại sao vậy? Bởi vì họ không nghe thấy ông ta nói. Thính giác của họ đã bị hạn chế hoạt động.”
Fyte cho biết gần đây ông có làm chứng tại một phiên tòa ở Chicago xét xử các cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông trẻ sau một vụ rượt đuổi, nhưng không giống như Rodney King, người này không hề chống cự lúc bị bắt. Lúc đó anh ta chỉ ngồi im trong xe. “Anh ta là một cầu thủ bóng đá đến từ vùng Tây Bắc, tên là Robert Russ. Vụ việc xảy ra cũng trong đêm mà cảnh sát ở đây bắn chết một đứa trẻ nữa, một bé gái, sau một cuộc rượt xe, trong một vụ có Johnnie Cochran tham gia và đã phải dàn xếp mất 20 triệu đô la. Cảnh sát cho biết lúc đó Russ lái xe rất không ổn. Anh ta đã khiến họ buộc phải đuổi theo, nhưng không đến nỗi phải chạy quá nhanh. Họ chưa lúc nào vượt quá 70 dặm/giờ. Sau một lúc, họ ép xe anh ta vào lề xa lộ Dan Ryan. Các chỉ dẫn về việc yêu cầu dừng xe trên đường như thế này rất chi tiết. Anh không được tiếp cận chiếc xe mà phải yêu cầu người lái ra khỏi xe. Nhưng hai trong số các cảnh sát đó đã chạy lên phía trước và mở cửa bên của xe. Một cảnh sát khác thì đứng ở cửa bên này, hét lên yêu cầu Russ phải mở cửa xe. Song Russ thì vẫn ngồi yên đó. Tôi không rõ điều gì đang diễn ra trong đầu anh ta nhưng lúc đó anh ta không hề phản ứng. Vậy là viên cảnh sát này đập vỡ kính xe và nổ súng, viên đạn trúng vào tay và ngực Russ. Anh ta khai rằng lúc đó đã nói,”Giơ tay lên, giơ tay lên,” nhưng lúc đó Russ đã cố giằng lấy súng của anh ta. Tôi cũng không biết đó có phải là sự thật hay không nhưng phải chấp nhận lời khai của viên cảnh sát. Nhưng bên cạnh điểm chính, phát súng đó vẫn là vô lý bởi vì lẽ ra anh ta không được tiến đến gần chiếc xe, và cũng không được đập vỡ cửa kính ô tô.”
Viên cảnh sát đó có thể đọc được suy nghĩ chăng? Không hề. Khả năng đọc suy nghĩ cho phép chúng ta có thể điều chỉnh và cập nhật những thông tin về ý định của người khác. Trong một cảnh trong phim Ai sợ chó vùng Virginia? (Who’s afraid of Virginia Woolf?), Martha thì đang tán tỉnh Nick trong khi George đang nấp ở phía sau đầy ghen tuông. Người xem hết theo dõi ánh mắt của Martha, lại đến của George rồi Nick bởi vì không thể đoán được tiếp theo George sẽ làm gì. Người ta tiếp tục quan sát George vì lý do này. Nhưng bệnh nhân mắc chứng tự kỷ của Ami Klin lại quan sát miệng của Nick, rồi đến đồ uống của anh ta, và tiếp đó là cái ghim hoa của Martha. Trí não của anh ta xem xét con người và đồ vật theo cùng một cách, chứ không xem xét từng cá nhân với cảm xúc và suy nghĩ riêng của người đó. Anh ta nhìn thấy một tập hợp các vật vô tri vô giác trong căn phòng và xây dựng thành một hệ thống để lý giải từng thứ một – một hệ thống được hiểu theo thứ logic cứng nhắc và kiệt cùng đến nỗi khi George dùng súng ngắn bắn Martha và chiếc ô bật ra thì anh ta phá lên cười rất to. Đây cũng là những gì viên cảnh sát trên xa lộ Dan Ryan đã làm. Ở đỉnh điểm hưng phấn trong pha đuổi bắt, anh ta ngừng đọc những gì đang diễn ra trong đầu Russ. Cách nhìn cũng như suy nghĩ của anh ta bị thu hẹp lại. Anh ta dựng lên một hệ thống vững chắc, kiên cố cho rằng người đàn ông da đen trẻ tuổi trong chiếc xe hơi đang chạy trốn khỏi cảnh sát kia phải là một tên tội phạm nguy hiểm và tất cả những dấu hiệu mâu thuẫn lẽ ra theo lẽ thường phải xuất hiện trong suy nghĩ của anh ta – hay nói cách khác là thực tế Russ chỉ đang ngồi trong xe của mình và anh ta chưa lúc nào vượt quá tốc độ 112 km/giờ – đã không hề được chú ý tới. Chính sự khuấy động đã dẫn tới hiện tượng mở trong khả năng đọc suy nghĩ.
Thoát khỏi vùng trắng
Bạn đã bao giờ theo dõi cuộn băng quay âm mưu ám sát Tổng thống Reagan hay chưa? Đó là một buổi chiều ngày 30 tháng 4 năm 1981. Tổng thống Reagan vừa kết thúc bài phát biểu tại khách sạn Hilton ở Washington, ông bước ra cửa và đi tới chiếc xe limousine của mình. Tổng thống vẫy tay chào đám đông. Những giọng nói hô to: “Tổng thống Reagan! Tổng thống Reagan!” Đúng lúc ấy, một gã còn trẻ tuổi có tên là John Hinckley bất thình lình tấn công với một khẩu nòng 22 trên tay và kịp bắn thẳng sáu phát vào đoàn hộ tống của Tổng thống trước khi bị đè xuống đất. Một trong những viên đạn bắn trúng vào đầu thư ký báo chí của Tổng thống tên là James Brady. Viên thứ hai trúng vào lưng của nhân viên cảnh sát Thomas Delahanty. Viên thứ ba găm vào ngực của đặc vụ Timothy McCarthy, còn viên thứ tư bắn tung ra khỏi chiếc Limousine găm vào phổi của Tổng thống Reagan, viên đạn chỉ còn cách tim tổng thống vài inch. Tất nhiên, điều khó hiểu trong vụ Hinckley nằm ở chỗ làm thế nào hắn ta có thể tiếp cận Tổng thống Reagan ở khoảng cách gần đến thế? Thường thì các tổng thống luôn được bao quanh bởi các nhân viên bảo vệ, và những nhân viên này có nhiệm vụ phải canh chừng những kẻ như John Hinckley. Mẫu người thường đứng bên ngoài khách sạn trong một ngày thu lạnh giá và chờ đợi ánh nhìn thoáng qua của tổng thống là những người hoàn toàn có thiện ý. Và công việc của các nhân viên bảo vệ là nhìn lướt qua đám đông và tìm kiếm những kẻ không khớp với hình ảnh ấy, những kẻ không mang chút thiện ý này. Một phần của công việc này là đọc nét mặt. Các nhân viên bảo vệ phải có khả năng đọc suy nghĩ. Vậy thì tại sao họ lại không đọc được suy nghĩ của Hinckley lúc đó? Nếu bạn đã xem cuộn băng ghi lại, câu trả lời sẽ rất rõ ràng, và đó là nguyên nhân có tính quyết định thứ hai về hiện tượng mờ đi trong khả năng đọc suy nghĩ: thời gian không đủ.
Gavin de Becker, giám đốc một hãng bảo vệ ở Los Angeles đồng thời là tác giả của cuốn sách Món quà của sợ hãi (The Gift of Fear) cho biết yếu tố trung tâm cốt yếu trong hoạt động bảo vệ là “khoảng trắng”, đây là thuật ngữ De Becker dùng để nói về khoảng cách giữa mục tiêu và bất kỳ kẻ tấn công nào. Nếu khoảng trắng càng lớn, các nhân viên bảo vệ sẽ càng có thời gian để phản ứng. Và khi càng có nhiều thời gian để phản ứng, khả năng đọc suy nghĩ của bất kỳ một kẻ tấn công nào cũng sẽ tốt hơn. Nhưng trong vụ Hinckley, không hề tồn tại một khoảng trắng nào cả. Hinckley nằm trong đám phóng viên chỉ đứng cách tổng thống vài bước chân. Và chỉ khi Tổng thống bị bắn, các nhân viên đặc vụ mới nhận thức được sự tồn tại của Hinckley. Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên khi các nhân viên bảo vệ Tổng thống Reagan nhận ra rằng cuộc tấn công đang diễn ra – trong công tác bảo vệ, người ta gọi khoảnh khắc đó là khoảnh khắc nhận biết – tới khi họ không còn mối nguy hiểm nào diễn ra nữa chỉ mất có 1,8 giây. “Vụ tấn công Tổng thống Reagan đòi hỏi phải có những phản ứng mang tính chất anh hùng của một số người” De Becker nói “Tuy nhiên, tất cả các vòng bảo vệ đã bị Hinckley phá vỡ. Hay nói cách khác, những phản ứng này không tạo ra được một sự khác biệt nào, bởi vì Hinckley đứng quá gần. Trong đoạn băng video đó, anh có thể nhìn thấy một nhân viên bảo vệ. Anh ta lấy khẩu súng máy ra khỏi cặp đựng tài liệu và đứng đó. Một người nữa cũng rút khẩu súng ra ngoài. Nhưng họ sẽ bắn vào cái gì đây? Mọi chuyện đã quá muộn.” Trong 1,8 giây đó, tất cả những gì các nhân viên bảo vệ có thể làm là dùng đến sự thôi thúc nguyên sơ, vô thức nhất (trong trường hợp này lại là vô dụng) để rút vũ khí của mình ra. Họ không có cơ hội nào để hiểu hay dự đoán những gì đang diễn ra. “Khi anh loại bỏ yếu tố thời gian”, De Becker nói tiếp, “anh sẽ rất dễ có những phản ứng trực giác không mang lại hiệu quả.”
Chúng ta ít nghĩ đến vai trò của thời gian trong những tình huống sống còn có lẽ bởi vì các nhà làm phim của Hollywood đã làm méo mó nhận thức của chúng ta về những gì xảy ra trong một vụ đụng độ bạo lực. Trong các bộ phim, những cuộc đấu súng thường là những vụ việc kéo dài, trong đó một cảnh sát chìm có thời gian để bất chợt thì thầm với đồng đội của mình, còn tên côn đồ cũng có thời gian để thách thức, và những cuộc đấu súng thường từ từ đi tới một kết cục mang tính phá hủy. Chỉ riêng việc kể lại câu chuyện về một cuộc đấu súng thôi cũng khiến cho sự việc dường như diễn ra lâu hơn so với thực tế. Hãy nghe De Becker miêu tả lại cuộc ám sát tổng thống Hàn Quốc diễn ra một vài năm trước đây: “Tên ám sát đứng dậy, và tự bắn vào chân trái của mình. Đấy là cách mọi chuyện bắt đầu. Hắn ta sợ mình sẽ bị rối trí. Sau đó, hắn ta bắn vào vị Tổng thổng nhưng hắn đã bắn trượt, thay vào đó, hắn lại bắn trúng vào đầu phu nhân tổng thống. Hắn đã giết chết được bà. Viên bảo vệ cũng đứng dậy và bắn trả lại. Nhưng anh ta bắn trượt, viên đạn trúng vào một bé trai tám tuổi. Tất cả đều hỗn loạn. Tất cả đều đi trệch khỏi dự tính của những người can dự trong vụ việc đó.” Và bạn cho rằng toàn bộ sự việc đó diễn ra trong bao lâu? 15 giây ư? Hay 20 giây? Không, câu trả lời là 3,5 giây.
Theo ý kiến của tôi, trong những tình huống khi không có thời gian chúng ta cũng tạm thời bị mắc chứng tự kỷ. Chẳng hạn như chuyên gia tâm lý Keith Payne đã từng tiến hành một cuộc thí nghiệm, trong đó ông yêu cầu mọi người ngồi trước một chiếc máy tính và cung cấp thêm thông tin cho họ – tương tự như những gì John Bargh đã thực hiện trong những cuộc thí nghiệm mà tôi đã nói đến trong Chương 2 – bằng cách cho một khuôn mặt người da đen hoặc một khuôn mặt người da trắng chạy lướt trên màn hình. Sau đó, Payne tiếp tục cho những đối tượng tham gia cuộc thí nghiệm xem bức hình của một khẩu súng hoặc một cái cờ–lê. Hình ảnh chỉ xuất hiện trên màn hình trong 200 mili giây, và mọi người được yêu cầu xác định vật mà họ nhìn thấy trên màn hình máy vi tính. Đây là một cuộc thí nghiệm được tiến hành xuất phát từ vụ Diallo. Các kết quả thu được không khác nhiều lắm so với dự đoán của bạn. Nếu ban đầu bạn được xem khuôn mặt của một người da đen, bạn sẽ nhận đó là khẩu súng trong khoảng thời gian nhanh hơn khi trước đó bạn được cho xem khuôn mặt của một người da trắng. Sau đó, Payne tiến hành thí nghiệm này lại một lần nữa, nhưng lần này, ông đã đẩy nhanh tốc độ cuộc thí nghiệm lên. Thay vì để mọi người trả lời với tốc độ như bình thường, ông đã yêu cầu họ đưa ra quyết định trong vòng 500 mili giây – tức là khoảng một nửa giây. Và lúc này, mọi người bắt đầu mắc lỗi. Thời gian họ gọi một khẩu súng là khẩu súng sẽ nhanh hơn nếu như trước đó họ được nhìn khuôn mặt của một người da đen. Nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt người da đen, họ cũng nhanh chóng gọi một cái cờ–lê là khẩu súng hơn. Dưới áp lực về thời gian, họ bắt đầu cư xử như những người bị phấn khích cao độ. Họ không còn dựa vào những bằng chứng cảm giác xác thực mà giác quan của họ thu nhận được và phải sử dụng đến một hệ thống cứng nhắc dập khuôn, một khuôn mẫu.
“Khi chúng ta đưa ra những quyết định tức thời”, Payne nói “chúng ta thực sự rất dễ bị tác động bởi những chỉ dẫn từ khuôn mẫu và định kiến, thậm chí cả với những khuôn mẫu và định kiến mà chúng ta không thể tán thành hay tin tưởng.” Payne đã thử tất cả các phương pháp nhằm làm giảm xu hướng thiên lệch này. Để tạo điều kiện cho những người tham gia thử nghiệm có thể đối phó một cách tốt nhất, Payne đã nói cho họ biết rằng về sau những gì họ thể hiện sẽ được một người theo dõi lại một cách kỹ lưỡng, cẩn thận. Nhưng điều này lại càng khiến hành động của họ có chiều hướng thiên lệch hơn. Payne lại nói cho một số người biết chính xác mục đích của cuộc thí nghiệm và thẳng thắn yêu cầu họ tránh nhìn nhận theo những khuôn mẫu dựa trên sắc tộc. Nhưng điều này cũng chẳng không mang lại kết quả nào khác biệt. Payne nhận ra thứ duy nhất tạo ra khác biệt chính là làm chậm tốc độ cuộc thí nghiệm và yêu cầu những người tham gia thí nghiệm đợi một nhịp trước khi nhận dạng vật xuất hiện trên màn hình máy tính. Những năng lực phán quyết phân tách vấn đề thành những lát cắt mỏng và đưa ra những đánh giá tức thời của chúng ta thật là kỳ diệu. Nhưng thậm chí cả bộ máy xử lý thông tin khổng lồ trong tiềm thức của chúng ta cũng cần phải có thời gian để tiến hành phân tích, xử lý thông tin. Những chuyên gia nghệ thuật đã đánh giá bức tượng Kouros của Bảo tàng Getty cần phải nhìn thấy bức tượng Kouros trước khi có thể nói liệu nó có phải là đồ giả mạo hay không. Nếu họ chỉ đơn thuần nhìn lướt qua bức tượng qua cửa kính một chiếc xe hơi đang chạy với tốc độ 60 dặm/giờ, có lẽ họ sẽ chỉ có thể thuần tuý đoán mò mức độ xác thực của nó mà thôi.
Chính vì lẽ đó, trong những năm gần đây, rất nhiều sở cảnh sát đã chuyển sang hướng sử dụng những chiếc xe cho một đội tuần chỉ có một nhân viên thay vì hai nhân viên như trước đây. Có vẻ như đây là một ý tưởng tồi bởi vì chắc chắn khi hai cảnh sát làm việc với nhau, hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Lẽ nào họ không thể yểm trợ cho nhau ư? Họ không thể xử lý những tình huống rắc rối một cách dễ dàng và đảm bảo được an toàn ư? Câu trả lời là cả hai trường hợp trên đều không thể xảy ra. Một viên cảnh sát cùng với người cộng sự của mình không hề đảm bảo được độ an toàn cao hơn một viên cảnh sát chỉ có một mình. Một điều quan trọng nữa là ở những đội gồm hai viên cảnh sát khả năng xảy ra những cuộc tranh cãi chống lại nhau xuất hiện cao hơn. Với hai cảnh sát, những cuộc gặp gỡ với cư dân trong vùng lại càng có khả năng kết thúc bằng một vụ tấn công, hoặc một vụ gây thương tích cho bất kỳ ai, kể cả những kẻ tấn công lẫn người đang thi hành nhiệm vụ. Tại sao lại như vậy? Lý do là bởi vì khi các nhân viên cảnh sát chỉ có một mình, họ sẽ làm giảm tốc độ của tình huống lại, nhưng khi họ đi cùng với một người khác, họ lại đẩy tốc độ tình huống lên cao hơn. “Tất cả các cảnh sát đều muốn ngồi trong những chiếc xe với một đồng đội nữa” de Becker cho biết, “Thường anh sẽ muốn có một người bạn đồng hành để cùng nhau phân tích vấn đề. Nhưng những chiếc xe chỉ có một người ít vướng vào các vụ rắc rối hơn bởi vì anh sẽ ít phải tỏ ra dũng cảm hơn. Một cảnh sát đơn thương độc mã sẽ thăm dò đối tượng theo hướng hoàn toàn khác. Anh ta sẽ không thiên về phục kích. Anh ta cũng sẽ không tấn công ngay. Anh ta sẽ nói ‘Mình sẽ chờ những cảnh sát khác.’ Khi có một mình, anh ta sẽ hành động tốt hơn. Anh ta cho phép thời gian được kéo dài ra.”
Nếu Russ, chàng trai ngồi trong chiếc xe hơi ở Chicago chỉ bị một viên cảnh sát đe dọa thì liệu cuối cùng anh ta có phải chịu kết cục là một cái chết hay không? Rất khó tưởng tượng những gì sẽ diễn ra khi đó. Một viên cảnh sát duy nhất – ngay cả một viên cảnh sát đang trong cuộc truy đuổi – chắc chắn sẽ phải dừng lại và chờ yểm trợ. Chính tính đảm bảo an toàn sai lầm của quân số đã khiến ba cảnh sát dũng cảm đuổi theo chiếc xe. “Anh cần phải làm chậm tình huống lại.” Fyfe cho biết “Trong công tác huấn luyện, chúng tôi thường nói với mọi người rằng thời gian sẽ là người bạn đồng hành của họ. Trong vụ Russ, các luật sư phía bên kia đều lập luận rằng đây là một tình huống tấn công nhanh. Nhưng đó là tình huống tấn công nhanh chỉ bởi vì các cảnh sát chìm đã đẩy tốc độ của nó lên cao. Russ đã bị chặn lại. Anh ta không còn bất kỳ lối thoát nào.”
Trong điều kiện tốt nhất, để tránh nguy cơ mắc phải chứng tự kỷ tạm thời, những gì mà các chương trình huấn luyện cảnh sát thực hiện là giúp họ làm thế nào để tránh khỏi kiểu rắc rối này. Chẳng hạn như tại một trạm dừng xe trên tuyến giao thông, nhân viên cảnh sát được huấn luyện phải dừng lại sau chiếc xe hơi. Nếu vào ban đêm, anh ta sẽ chiếu thẳng đèn vào chiếc xe. Anh ta phải bước lại gần chiếc xe, về phía tay người lái, dừng lại và đứng ngay phía sau tay lái xe, rồi chiếu đèn pin qua vai vào lòng của đối tượng. Điều này đã có lần xảy ra với tôi, và tôi luôn cảm thấy như là mình đang bị đối xử thiếu tôn trọng. Tại sao viên cảnh sát đó không thể đứng nói chuyện mặt đối mặt với tôi như nói chuyện với một người bình thường? Đó là do nếu anh ta đứng sau tôi, rõ ràng tôi sẽ không thể lôi súng ra, chĩa vào anh ta được. Đầu tiên, viên cảnh sát đó chiếu đèn pin vào lòng tôi, khi làm như vậy, anh ta có thể nhìn xem tay tôi đang đặt ở đâu và liệu rằng có khẩu súng nào trong tay tôi hay không. Và ngay cả nếu trong tay tôi có một khẩu súng, tôi sẽ vẫn phải khom cả người trong ghế ngồi, nhoài người ra cửa sổ, và bắn vòng qua trụ cửa về phía viên cảnh sát (cần nhớ rằng, tôi đang bị quáng mắt trước ánh đèn của anh ta) – và đó là tất cả những gì viên cảnh sát đó nghĩ đến. Hay nói cách khác, những thủ tục mà cảnh sát tiến hành là để phục vụ lợi ích của chính tôi. Có nghĩa là chỉ khi tôi đang thực hiện một chuỗi những hành động hết sức mờ ám và đáng ngờ thì viên cảnh sát đó mới chĩa súng về phía tôi.
Khi Fyfe điều hành một dự án ở hạt Dade, bang Florida, nơi thường xuyên xảy ra những vụ đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và những người dân thường. Bạn cũng có thể tưởng tượng ra mức độ căng thẳng do những vụ đụng độ này gây ra. Các nhóm cộng đồng dân cư buộc tội nhân viên cảnh sát quá thiếu nhạy cảm và có hành vi phân biệt chủng tộc. Các cảnh sát lại đáp trả lại bằng sự giận dữ, và những hành động mang tính phòng vệ. Theo họ, bạo lực là một phần bi kịch nhưng lại không thể thiếu trong công việc của các nhân viên cảnh sát. Đó là một kịch bản quá đỗi quen thuộc. Dầu vậy phản ứng của Fyfe là xem xét mối bất hòa đó và tiến hành một cuộc nghiên cứu. Fyfe đặt người quan sát trong các xe đi tuần và yêu cầu họ chấm điểm đánh giá mức độ khớp giữa hành động của cảnh sát với những kỹ thuật quy định trong huấn luyện. Và Fyfe cho biết “Đó là những thứ dưới dạng câu hỏi kiểu như: Liệu viên cảnh sát đó có tận dụng được chỗ núp có sẵn hay không? Chúng tôi thường huấn luyện cảnh sát phải làm sao để bản thân họ trở thành những mục tiêu càng nhỏ càng tốt. Nhờ đó, những kẻ xấu sẽ phải đắn đo quyết định xem liệu hắn có nên bắn hay không. Chính vì lẽ đó, chúng ta cần phải xem xét những thứ như: Liệu viên cảnh sát có tận dụng được chỗ núp có sẵn hay không? Hay đúng là anh ta đã bước vào cửa trước? Liệu có phải lúc nào anh ta cũng để khẩu súng cách xa đối tượng không? Liệu anh ta có cầm đèn pin bằng tay yếu hơn không? Khi có cuộc gọi thông báo có trộm, liệu viên cảnh sát có gọi lại để lấy thêm thông tin không? Hay anh ta chỉ nói ‘Được rồi, chúng tôi đến ngay’? Liệu viên cảnh sát có yêu cầu yểm trợ không? Và khi có yểm trợ, những viên cảnh sát này có phối hợp hành động không? – Có nghĩa là nếu anh bắn, tôi sẽ yểm trợ cho anh. Liệu những viên cảnh sát này có quan sát xung quanh không? Họ có cài một chiếc xe khác ở phía sau khu nhà hay không? Khi vào trong khu vực đó, họ có cầm đèn pin cách xa sườn không? Bởi nếu tình cờ đối tượng truy đuổi có vũ khí, hắn ta sẽ bắn vào chiếc đèn pin. Trên các điểm dừng giao thông, liệu các nhân viên cảnh sát có quan sát phía sau chiếc xe trước khi tiếp cận tay lái xe hay không? Đó là tất cả những gì chúng tôi cần biết.”
Và sau cuộc thí nghiệm, Fyfe nhận ra rằng các nhân viên cảnh sát thực sự làm rất tốt khi mặt đối mặt với kẻ tình nghi và khi giám sát kẻ tình nghi đó. Trong những tình huống như vậy, có đến 92% khoảng thời gian họ đã thực hiện đúng theo những gì đã được huấn luyện. Nhưng khi tiếp cận với hiện trường, họ xử lý rất kém, số điểm lúc này chỉ còn 15%. Đó chính là vấn đề. Họ không thực hiện những bước cần thiết để loại bỏ chứng tự kỷ tạm thời ở bản thân. Và khi hạt Dade tập trung vào vấn đề cải thiện cách xử lý tình huống của các nhân viên cảnh sát trước khi họ đụng độ với kẻ tình nghi, số lượng những lời phàn nàn về các nhân viên cảnh sát cũng như số lượng những vụ chấn thương ở cảnh sát và dân thường giảm đáng kể. “Anh không muốn đặt mình vào hoàn cảnh mà cách duy nhất phải làm để bảo vệ chính mình là bắn vào một ai đó.” Fyfe nói “Nếu anh chỉ dựa vào những suy nghĩ của bản thân, sẽ phải có một ai đó bị tổn thương – và tổn thương một cách không cần thiết. Nếu anh tận dụng được cái đầu mình và vị trí ẩn nấp, anh sẽ gần như không bao giờ phải đưa ra một quyết định chỉ dựa theo bản năng.”
“Có điều gì đó trong tâm trí mách bảo tôi: ‘Mình chưa được phép bắn’”
Giá trị trong chẩn đoán của Fyfe nằm ở chỗ làm thế nào nó có thể xoay chuyển tranh cãi thông thường về các vụ nổ súng của cảnh sát thành tiêu điểm của vấn đề. Những người có ý kiến chỉ trích phương pháp hành động của cảnh sát luôn luôn tập trung vào những ý định của từng cá nhân cảnh sát. Họ nói về sự phân biệt chủng tộc và sự thiên vị có chủ ý. Trong khi đó, những người bảo vệ các nhân viên cảnh sát lại luôn lấy những gì mà Fyfe gọi là hội chứng Một phần giây ra làm tấm khiên bảo vệ: ‘Một cảnh sát đến hiện trường trong thời gian nhanh nhất có thể. Anh ta nhìn thấy kẻ xấu. Không còn thời gian để suy nghĩ nữa. Anh ta hành động’. Chuỗi sự kiện đó đòi hỏi phải chấp nhận sai lầm như một điều không tránh khỏi. Kết quả cuối cùng, cả hai bên tham gia tranh cãi đều mang tư tưởng chủ bại. Họ chấp nhận coi thực tế rằng khi có một sự vụ nào nghiêm trọng đang diễn ra, không gì có thể ngăn cản hoặc điều khiển được nó là lẽ đương nhiên. Và khi những bản năng của chúng ta được nhắc tới, quan điểm này trở nên quá phổ biến. Nhưng giả định đó là không đúng. Ở một khía cạnh then chốt, không hề có sự khác biệt nào giữa suy nghĩ vô thức và suy nghĩ có ý thức của chúng ta. Ở cả hai cấp độ suy nghĩ, chúng ta đều có khả năng phát triển kỹ năng quyết định tức thời nhờ vào tập luyện và kinh nghiệm.
Liệu có phải sự khơi gợi (khuấy động) thái quá và hiện tượng mờ trong khả năng đọc suy nghĩ là điều hiển nhiên sẽ phải xảy ra nếu con người phải chịu áp lực không? Tất nhiên là không. De Becker, chủ hãng chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ cho các nhân vật nổi tiếng, thường yêu cầu nhân viên bảo vệ của mình trải qua một chương trình đào tạo mà ông gọi là chương trình phòng ngừa các tình huống căng thẳng. “Trong bài kiểm tra của chúng tôi, thân chủ (tức người được bảo vệ) sẽ nói ‘Lại đây nào! Tôi nghe thấy có tiếng gì đó.’ Và khi anh đi vòng đến góc đó – bùm! – anh đã bị bắn. Tất nhiên đó không phải là một khẩu súng thật. Viên đạn chỉ là một viên con nhộng bằng nhựa có đánh dấu, nhưng anh lại cảm thấy nó. Và sau đó, anh phải tiếp tục nhiệm vụ của mình. Lúc này, chúng tôi sẽ nói “Anh phải làm lại lần nữa’ và khi anh bước vào ngôi nhà, chúng tôi sẽ bắn anh. Đến lần thứ tư hoặc thứ năm, anh vẫn sẽ bị bắn giả vờ theo kiểu đó, không có bất cứ chuyện gì xảy ra với anh cả.” De Becker cũng áp dụng bài luyện tập tương tự như vậy nhưng trong bài luyện tập này, các học viên được yêu cầu đối đầu nhiều lần với một con chó dữ. “Lúc ban đầu, nhịp tim của những người tham gia khóa bài luyện tập là 175. Họ không thể nhìn thẳng. Rồi lần thứ hai, rồi thứ ba, nhịp tim của họ giảm xuống còn 120, và sau đó là 110. Đến lúc này, họ đã có thể thực hiện nhiệm vụ của mình.” Kiểu huấn luyện được lặp đi lặp lại nhiều lần này kết hợp với những kinh nghiệm thực tế làm thay đổi một cách cơ bản cách phản ứng của cảnh sát trog những vụ đụng độ bạo lực.
Đọc suy nghĩ của người khác cũng là một khả năng có thể được cải thiện thông qua luyện tập. Silvan Tomkins, có lẽ là người có khả năng đọc suy nghĩ xuất sắc nhất, thường luyện tập rất nhiều. Khi cậu con trai Mark ra đời và ở lại ngôi nhà ở Jersey Shore, Tomkins rời trường Princeton với lý do xin nghỉ phép. Ông thường nhìn rất lâu và sát mặt cậu bé Mark, tìm kiếm những kiểu tình cảm – những chu kỳ thể hiện sự thích thú, vui sướng, buồn bã và tức giận – lướt qua trên khuôn mặt cậu bé trong những tháng đầu tiên của cuộc đời. Ông để trong tủ sách hàng ngàn bức ảnh chụp khuôn mặt người ở tất cả mọi nét mặt có thể tưởng tượng được và tự dạy cho mình quy tắc logic về những đường nhăn, nếp nhăn, những sự thay đổi tinh tế giữa một khuôn mặt trước khi cười và một khuôn mặt trước khi khóc.
Còn Paul Ekman đã xây dựng được rất nhiều bài kiểm tra đơn giản về khả năng đọc suy nghĩ của con người. Trong một bài kiểm tra, ông đã cho phát một đoạn clip ngắn của khoảng mười hai người đang quả quyết rằng họ đã làm một việc mà họ chưa hoặc đã thực sự làm, và nhiệm vụ của những người làm bài kiểm tra là phải tìm ra được ai là người nói dối. Những bài kiểm tra như thế này quả thật rất khó. Hầu hết những người trả lời đúng đều là do may mắn. Nhưng trong số họ ai là người có kết quả làm bài tốt hơn? Câu trả lời thuộc về những người đã qua luyện tập. Chẳng hạn như, những nạn nhân của chứng đột quỵ mất khả năng nói thường là những người có biệt tài trong lĩnh vực này, bởi tình trạng ốm yếu của bản thân buộc họ phải nhạy cảm nhiều hơn nữa trước những thông tin được thể hiện trên khuôn mặt của người khác. Những người có tuổi thơ bị ngược đãi tàn tệ cũng có được khả năng này. Giống như các nạn nhân của chứng đột quỵ, họ phải luyện tập nghệ thuật đọc suy nghĩ rất khó này. (Đối với họ, đó là suy nghĩ của những người cha, người mẹ thô bạo hoặc nghiện rượu. Ekman cũng đã tham gia điều khiển các buổi hội thảo cho các cơ quan thi hành luật. Trong những buổi hội thảo này, ông hướng dẫn mọi người cách nâng cao kỹ năng đọc suy nghĩ của họ. Theo ông, chỉ với nửa giờ luyện tập, con người cũng có thể trở nên lão luyện trong việc tìm kiếm những nét biểu hiện rất nhỏ trên khuôn mặt. “Tôi có một cuộn băng dùng trong huấn luyện, và mọi người rất thích nó. Khi họ bắt đầu xem, họ không thể nhìn thấy bất kỳ một nét biểu hiện nào. Nhưng chỉ ba mươi phút sau, họ đã nhận biết được tất cả. Điều này chứng minh rằng đây là một kỹ năng mà người ta có thể học được và sử dụng được.”
Tại một trong những cuộc phỏng vấn của David Klinger, ông đã có cuộc nói chuyện với một cựu sĩ quan cảnh sát từng nhiều lần rơi vào những tình huống đụng độ bạo lực khi còn trong nghề và cũng từng rất nhiều lần buộc phải đọc suy nghĩ của người khác trong những giây phút căng thẳng. Câu chuyện của người cựu cảnh sát này là một ví dụ rất hay minh họa cho vấn đề làm thế nào để biến chuyển hoàn toàn những khoảnh khắc cực kỳ căng thẳng trong những tình huống không rõ ràng. Có lần người cảnh sát đó đuổi theo ba tên trong một băng đảng choai choai. Một tên nhảy qua hàng rào, tên thứ hai chạy lên phía trước một chiếc xe hơi, còn tên cuối cùng đứng yên không nhúc nhích ở phía trước, cứng người dưới ánh đèn, và chỉ cách người cảnh sát chưa đến 3 m. Người cảnh sát nhớ lại, “Khi tôi ra khỏi khu vực dành cho người đi bộ”, đứa trẻ đó:
Bắt đầu xục tay phải vào cạp quần. Lúc ấy, tôi có thể nhìn thấy tay nó đã đang chạm dần đến vùng đũng quần, rồi cố gắng thọc tay về phía đùi trái. Hành động đó giống như thể nó đang cố gắng để chộp lấy thứ gì đó vừa rơi xuống dưới ống quần bên trái.
Khi sục sạo quanh ống quần, nó bắt đầu quay nghiêng hướng về phía tôi. Thằng bé nhìn thẳng vào tôi, còn tôi thì yêu cầu nó không được nhúc nhích: “Đứng im! Không được nhúc nhích! Không được nhúc nhích! Không được nhúc nhích!” Người đồng đội của tôi cũng hô to “Đứng im! Đứng im! Đứng im!” Vừa ra lệnh cho thằng bé, tôi vừa rút súng ra. Khi tôi chỉ còn cách nó khoảng 1,5 m, thằng bé lôi ra một khẩu tự động 25 màu vàng. Rồi ngay khi tay nó chạm đến vùng giữa bụng, nó làm rơi khẩu súng xuống vỉa hè và chúng tôi bắt giam nó lại. Đó là toàn bộ những gì đã xảy ra.
Tôi cho rằng lý do duy nhất khiến tôi không bắn nó là do nó còn quá trẻ. Nó mười bốn tuổi mà trông cứ như mới chín tuổi. Nếu nó là một người lớn, chắc có lẽ tôi đã bắn nó. Tôi chắc chắn mình hiểu được sự nguy hiểm của khẩu súng. Tôi có thể nhìn thấy khẩu súng rất rõ ràng, rằng nó có màu vàng sáng và báng súng có đính ngọc trai. Nhưng tôi cũng biết rằng tôi đã dọa được thằng bé, và tôi muốn để thằng bé ngờ vực một chút, bởi lẽ nó còn trẻ. Theo tôi, việc tôi là một cảnh sát có nhiều kinh nghiệm có ý nghĩa rất nhiều với những quyết định mà tôi đưa ra. Tôi có thể nhìn thấy nỗi sợ hãi rất lớn trên khuôn mặt nó, điều này cũng cho phép tôi hiểu được vấn đề trong những tình huống khác. Và vì lẽ đó tôi tin tưởng rằng nếu tôi cho thằng bé chỉ một chút thời gian nữa thôi thì thằng bé sẽ cho tôi một lựa chọn khác ngoài việc bắn nó ra. Điểm mấu chốt ở đây là tôi đã nhìn vào thằng bé, nhìn vào vật được rút ra khỏi ống quần thằng bé, nhận dạng được nó là một khẩu súng, và quan sát xem họng súng hướng vào đâu khi nó được lôi ra. Nếu tay thằng bé đó khi rút ra ở vị trí cao hơn cạp quần một chút, nếu khẩu súng đó che khuất vùng bụng đi một chút nữa sao cho tôi có thể nhìn thấy họng súng đang chĩa về mình, thì chắc chắn câu chuyện sẽ đi theo một hướng khác. Nhưng họng súng chưa lúc nào chĩa ra được, và có điều gì đó trong tâm trí mách bảo tôi: mình chưa được phép bắn.
Cuộc đụng độ đó đã diễn trong bao lâu? Hai giây? Hay một giây rưỡi? Khoan bàn đến chuyện đó, chúng ta hãy nhìn vào cái cách mà kinh nghiệm và kỹ năng của người cảnh sát cho phép ông kéo dài phân đoạn thời gian ra, để làm chậm tình huống lại và tiếp tục thu thập thông tin cho đến giây phút cuối cùng có thể. Người cảnh sát đó đã nhìn thấy khẩu súng xuất hiện. Ông cũng đã nhìn thấy cái báng súng có đính ngọc trai. Ông dõi theo hướng họng súng, và chờ đợi đứa trẻ quyết định liệu nên giương khẩu súng lên hay đơn giản là bỏ súng xuống – và trong suốt khoảng thời gian đó, ngay cả khi dõi theo tiến trình của khẩu súng, ông vẫn luôn nhìn vào khuôn mặt thằng bé, để tìm xem liệu rằng nó là một kẻ nguy hiểm hay chỉ đơn thuần đang sợ hãi. Liệu có còn một ví dụ nào hay hơn minh họa cho việc đưa ra những quyết định tức thời hay không? Đây là món quà của sự luyện tập và khả năng thành thạo, tinh thông trong một lĩnh vực nào đó – hay nói cách khác là khả năng ‘chiết xuất’ một lượng lớn thông tin có ý nghĩa chính từ những lát cắt mỏng nhất của kinh nghiệm. Đối với một người mới bước vào nghề, chắc hẳn những sự việc như thế này sẽ trôi qua một cách không rõ ràng. Nhưng thực tế nó không hề lờ mờ một chút nào. Mỗi khoảnh khắc – mỗi cái nháy mắt – thường được tạo thành bởi một loạt những phần chuyển động riêng biệt, và tất cả những phần này mang lại một cơ hội để chúng ta can thiệp, sửa đổi và hiệu chỉnh lại hành động của mình.
Thảm kịch trên đại lộ Wheeler
Đại lộ Wheeler hôm đó có bốn nhân viên cảnh sát đi tuần: Sean Carroll, Ed McMellon, Richard Murphy và Ken Boss. Trời đã về khuya. Cả bốn người đều đang ở khu vực phía Bắc Bronx. Họ nhìn thấy một thanh niên da đen, và có vẻ như đang có những hành động khá kỳ quặc. Họ đã lái xe qua chỗ anh chàng đó, nên không thể nhìn rõ anh ta. Nhưng ngay lập tức, họ bắt đầu dựng nên một loạt giả thuyết giải thích cho hành động của người thanh niên da đen đó. Chẳng hạn như với chi tiết anh ta không phải là một người to con, trái lại còn khá nhỏ. “Và nhỏ con có nghĩa là gì? Điều đó cho thấy rằng anh ta có súng.” De Becker nói, ông đang tưởng tượng ra những gì đã lướt qua tâm trí bốn viên cảnh sát lúc đó “Anh ta ở ngoài trời một mình. Vào lúc 0 giờ 30 phút sáng. Ở khu vực lân cận đầy rẫy tệ nạn này của thành phố Chicago. Chỉ có một mình. Lại là một anh chàng người da đen. Anh ta phải có súng; nếu không anh ta sẽ không đứng ở đó. Vì cớ gì mà anh ta lại đứng đó, ngoài trời, và vào lúc nửa đêm? Anh ta chắc chắn phải có một khẩu súng. Đó là toàn bộ câu chuyện mà anh tự kể cho chính mình.” Bốn viên cảnh sát dừng xe lại. Sau này Caroll có nói rằng anh ta rất đỗi “ngạc nhiên” vì Diallo vẫn đứng ở đó. Không phải những kẻ xấu thường bỏ chạy trước cảnh một chiếc xe bên trong đầy nhân viên cảnh sát hay sao? Caroll và Mc Mellon ra khỏi xe. McMellon hô to “Cảnh sát đây! Chúng tôi có thể nói chuyện với anh chứ?” Nhưng Diallo im lặng. Rõ rằng là anh ta sợ, và nỗi sợ hãi ấy được thể hiện rõ qua nét mặt của anh ta. Hai người đàn ông da trắng cao lớn, xuất hiện hoàn toàn bất thường ở khu vực này, vào thời điểm nửa đêm đang đe dọa anh ta. Nhưng giây phút sử dụng khả năng đọc suy nghĩ đấy đã bị tuốt mất bởi vì Diallo đã quay đi và bỏ chạy vào trong tòa nhà. Và lúc này là một cuộc đuổi bắt, Caroll và McMellon không phải là những cảnh sát dày dạn kinh nghiệm như người cảnh sát đã dõi theo khẩu súng có tay nạm ngọc trai chĩa về phía mình. Họ còn rất non nớt. Họ chỉ là những lính mới ở khu vực phố Bronx này, lính mới trong đơn vị tuần tra tội phạm đường phố và họ còn khá lạ lẫm với những giây phút căng thẳng không thể tưởng tượng nổi khi rượt bắt một người mà họ cho là có vũ khí đang chạy vào trong dãy hành lang tối om. Nhịp tim của họ tăng cao. Ngưỡng chú ý của họ thu hẹp lại. Đại lộ Wheeler là khu vực cũ của Bronx. Vỉa hè đầy những gờ đá và bê tông, và khu căn hộ Diallo trọ lại đầy những vỉa hè, tách biệt nhau chỉ bởi một bậc tam cấp bốn bậc. Ở đây không có một vùng trắng nào cả. Khi hai viên cảnh sát bước ra khỏi xe tuần và đứng trên phố, McMellon và Caroll chỉ còn cách Diallo chưa đầy mười hay mười lăm bước chân. Và Diallo bỏ chạy. Một cuộc đuổi bắt diễn ra! Trước đó, Caroll và McMellon chỉ bị kích động chút xíu. Còn lúc này nhịp tim của họ là bao nhiêu? 175 ư? Hay 200? Diallo đã chạy vào trong hành lang, và đứng sát cánh cửa trong của tòa nhà. Anh ta xoay người sang một bên, và lục tìm thứ gì đó trong túi áo. Carrol và McMellon không có chỗ nấp, và cũng không làm gì để núp vào chỗ kín. Không hề có trụ cánh cửa xe nào để bảo vệ cho họ, hay cho phép họ giảm tốc độ của tình huống xuống. Họ đang nằm trong làn đạn, và những gì Caroll nhìn thấy là tay của Diallo và đầu một vật gì đó màu đen. Sau này họ mới biết đó chỉ là một cái ví. Nhưng Diallo lại là người da đen, trời lúc này đã về khuya, khu vực họ đang đứng là phía Bắc Bronx. Thời gian lúc này chỉ được đo đếm bằng mili giây, và trong hoàn cảnh như chúng ta đã biết, những chiếc ví lại luôn trông giống một khẩu súng. Khuôn mặt của Diallo có thể nói lên điều gì đó khác đi, song Caroll không nhìn vào gương mặt ấy – và ngay cả nếu có nhìn, chưa chắc anh ta có thể hiểu những gì mà mình nhìn thấy. Lúc ấy, anh ta không tìm đọc suy nghĩ của Diallo. Anh ta quả thực đã rơi vào trạng thái tự kỷ. Anh ta chỉ chăm chú vào bất cứ thứ gì được rút ra khỏi túi của Diallo, cũng tương tự như khi Peter chỉ bị hút vào cái công tắc đèn trong cảnh George và Martha đang hôn nhau. Caroll đã hét to “Hắn có súng đấy!” Và anh ta bắt đầu nổ súng và hình ảnh người đồng đội ngã về phía sau cùng với tiếng súng vang lên dường như chỉ mang một ý nghĩa duy nhất: Anh ta đã bị bắn. Và thế là Caroll tiếp tục nổ súng, McMellon do nhìn thấy Caroll nổ súng nên cũng nổ súng theo. Còn Boss và Murphy vì nhìn thấy Caroll và McMellon đang nã súng nên hai người bèn nhảy ra khỏi xe và cũng bắt đầu chĩa súng về phía Diallo và bóp cò. Ngày hôm sau, các bài báo bàn luận rất nhiều về sự kiện có bốn mươi mốt viên đạn đã được bắn ra, chứ không hề đề cập đến yếu tố rất thực rằng bốn cảnh sát với những khẩu súng bán tự động có thể bắn bốn mươi mốt phát đạn trong hai giây rưỡi. Trên thực tế, sự việc trên tính từ khi bắt đầu đến khi kết thúc có thể còn diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hơn khoảng thời gian bạn dành để đọc đoạn này. Nhưng ẩn trong một vài giây đấy là các bước tiến hành và các quyết định đủ để lấy đi một mạng sống của con người. Caroll và McMellon gọi to Diallo. Một nghìn lẻ một. Diallo chạy trở vào khu nhà. Một nghìn lẻ hai. Caroll và McMellon chạy theo sau, dọc theo vỉa hè và trên những bậc tam cấp. Một nghìn lẻ ba. Diallo ở trong dãy hành lang, sục tìm thứ gì đó trong túi. Một nghìn lẻ bốn. Caroll hét to “Hắn ta có súng đấy!” Cuộc bắn súng bắt đầu. Một nghìn lẻ năm. Một nghìn lẻ sáu. Đoàng! Đoàng! Đoàng! Một nghìn lẻ bảy. Im lặng. Boss chạy tới chỗ Diallo, nhìn xuống nền nhà và hét lên “Khẩu súng quái quỷ đó đâu rồi?”, rồi sau đó anh ta chạy ngược lên phố về phía đại lộ Westchester, bởi vì anh ta bị mất phương hướng trong tiếng la hét và tiếng súng, anh ta không biết mình đang ở đâu. Caroll ngồi xuống những bậc thềm cạnh thi thể găm đầy đạn của Diallo và bắt đầu khóc.