Số lần đọc/download: 0 / 84
Cập nhật: 2020-11-02 22:23:48 +0700
Mắc Lõm
“Em chết mất,” Robin ta thán vào một buổi tối nhiều năm về trước. “Nếu mai người ta không xong cái váy đó thì em chết mất.”
Họ ngồi trong mái hiên chắn lưới của ngôi nhà ốp ván lá sách màu xanh lục đậm trên đường Isaac. Willard Greig, anh hàng xóm sát bên, đang chơi bài tiến lên với chị của Robin, Joanne. Robin ngồi trên trường kỷ, cau có đọc một tờ tạp chí. Mùi thuốc lá đánh nhau với mùi xốt cà chua sôi liu riu trên bếp nhà ai đó dọc theo con đường.
Willard nhìn Joanne nhếch mép cười trước khi chị chất vấn bằng cái giọng không biểu lộ điều gì, “Mày vừa nói sao?”
“Em nói em chết mất,” Robin dấm dẳng. “Nếu tới ngày mai người ta không xong cái váy đó thì em chết mất. Mấy người ở tiệm giặt ấy.”
“Hóa ra tao nghe đúng. Mày định chết thật à?”
Ta chẳng bao giờ hiểu được ý Joanne mỗi khi chị buông ra nhận xét kiểu đó. Giọng chị ôn hòa quá đỗi, sự khinh bỉ cũng hết sức ngấm ngầm, còn nụ cười - giờ đã biến mất - chỉ là cái hơi nhích ở khóe miệng.
“Phải, em sẽ chết,” Robin nói đầy tức tối. “Em cần nó.”
“Cô ả cần nó, không thì cô ả sẽ chết, cô ả định đi xem kịch,” Joanne thì thào với Willard, ra vẻ bí hiểm.
Willard nhắc, “Thôi đi, Joanne.” Cha mẹ anh, và bản thân anh, vốn là bạn của cha mẹ hai cô - anh vẫn nghĩ cả hai cô này là các bé gái - và giờ thì cha mẹ họ đều đã chết cả cho nên anh tự thấy mình có bổn phận phải cố hết sức giữ cho con gái họ đừng giận dỗi với nhau.
Joanne giờ ba mươi tuổi, Robin hai mươi sáu. Thân hình Joanne còi cọc như thân hình trẻ con, ngực hẹp rúm, mặt dài vàng bủng, tóc tơ thẳng màu nâu. Chị không bao giờ cố giả đò là ai khác mà thừa nhận mình là một kẻ bất hạnh, bị đông cứng giữa tuổi thơ ấu và thời thiếu nữ. Còi cọc - có thể nói là khuyết tật, ở một phương diện nào đó - do di chứng của căn bệnh suyễn khốc liệt và dai dẳng từ nhỏ. Không ai nghĩ một người với thể tạng như thế, một người không thể bước chân ra ngoài trời vào mùa đông hay để ở nhà một mình vào ban đêm, lại có cái cung cách mang sức công phá lớn đến thế khi nắm bắt sự xuẩn ngốc của những kẻ khác vốn may mắn hơn. Hoặc lại tích lũy cả kho miệt thị đến vậy. Suốt cuộc đời họ, đối với Willard, dường như anh chỉ toàn thấy mắt Robin ậng nước phẫn nộ và chỉ toàn nghe Joanne hạch hỏi, “Giờ thì mày lại bị làm sao thế hả?”
Tối nay thì Robin chỉ thấy hơi hơi khó chịu trước những lời ấy. Ngày mai là ngày cô đi Stratford, và cô cảm thấy mình đã sống ngoài tầm xét nét của Joanne rồi.
“Kịch gì thế, Robin?” Willard hỏi, cố hết sức xoa dịu tình hình. “Phải Shakespeare không?”
“Phải. Xin tùy ý.”
“Em có theo kịp ông đó không? Shakespeare ấy?” Robin nói kịp.
“Em cừ thật đấy.”
Năm năm qua Robin vẫn làm thế. Xem một vở kịch vào mỗi dịp hè. Bắt đầu từ khi cô còn sống ở Stratford để học y tá. Lần ấy cô đi theo một người bạn học, cô này được bà dì làm ở khâu phục trang của nhà hát cho một cặp vé miễn phí. Cô bạn có vé kia chán ngấy vở kịch - đó là vở Vua Lear- cho nên Robin im thin thít không hé ra cám nghĩ của mình. Vả lại cô cũng không biết phải diễn tả ra sao - cô mong được một mình ra khỏi nhà hát, chẳng phải nói chuyện với bất cứ ai trong ít nhất hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Tức thì trong đầu cô quyết định rằng mình sẽ trở lại. Chỉ đi một mình thôi.
Việc đó chẳng hề khó thực hiện. Thị trấn nơi cô lớn lên, sau đó là nơi cô phải tìm việc làm do bệnh tình của Joanne, chỉ cách Stratford ba mươi dặm. Dân chúng ở đây biết rõ kịch Shakespeare được diễn ở Stratford, nhưng Robin chưa từng nghe nói có ai tới đấy để xem. Những người như Willard sợ bị đám khán giả khinh rẻ, đồng thời thấy khó theo kịp ngôn ngữ của loại kịch này. Còn những người như Joanne thì đinh ninh rằng không đời nào lại có kẻ thực lòng mê Shakespeare, cho nên, ai đó ớ noi này mà lặn lội đi xem kịch thì chẳng qua là vì muốn đánh đu với giới thượng lưu, cái giới thật ra cũng chả thích kịch cọt nhưng vẫn đi xem để tỏ ve tỏ vẻ mà thôi. Số ít ỏi người trong thị trấn có thói quen xem các sản phẩm sân khấu thì khoái đi Toronto, đến rạp Royal Alex khi có một vở nhạc kịch Broadway đang lưu diễn hơn.
Robin muốn có chỗ ngồi tốt, vì vậy cô chí có thể xem được suất buổi chiều thứ Bảy. Cô chọn vở sẽ diễn vào một trong những ngày cuối tuần cô được nghỉ làm ở bệnh viện. Cô không bao giờ đọc trước vở kịch, cũng không quan tâm nó là bi hay hài kịch. Cô chưa từng thấy ai mình quen ở đó, trong rạp hát cũng như ngoài phố, điều này rất hợp với cô. Một trong những y tá làm chung bảo cô, “Tớ đây chả đời nào có gan làm việc đó một thân một mình,” nghe vậy Robin nhận ra mình khác đa số người biết chừng nào. Những khi đi xem kịch, bao quanh toàn người lạ, cũng là những lúc cô thấy thoái mái nhất. Sau khi vở kịch hạ màn, cô sẽ đi thong dong trên phố, dọc theo bờ sông, tìm chỗ ăn rẻ rẻ nào đó - thường là một chiếc bánh mì kẹp, ngồi xuống ghế ăn ngay trước quầy. Đến tám giờ kém hai mươi thì bắt xe lửa về nhà. Thế thôi. Thế mà vài tiếng đồng hồ đó mang lại cho cô niềm tin rằng cuộc sống mà mình sắp quay trở về - một cuộc sống xem ra quá tạm bợ và chẳng mấy thỏa mãn - chỉ là tạm thời, nên có thể dễ dàng chịu đựng. Rằng có ánh sáng chói lọi đằng sau nó, đằng sau cuộc sống đó, đằng sau tất cả mọi thứ phô bày dưới ánh mặt trời nhìn thấy được qua cửa sổ xe lửa. Ánh mặt trời và những mảng bóng râm dài trên các cánh đồng mùa hè, tựa như những dư âm của vở kịch đọng lại trong đầu cô.
Năm ngoái cô xem vở Antony và Cleopatra. Khi vở diễn kết thúc cô bước cặp mé sông và để ý có một con thiên nga đen - con thiên nga đen đầu tiên cô từng thấy - hệt một kẻ xâm lăng quỷ quyệt đang lả lướt kiếm ăn cách đám thiên nga trắng một quãng ngắn. Có lẽ ánh sáng lấp lánh từ cánh của bầy thiên nga trắng khiến cô chợt nảy ra ý định lần này sẽ ăn tối trong một nhà hàng thực thụ, không phải ở một quầy hàng nữa. Khăn trải bàn trắng, vài bông hoa tươi, một ly vang, món gì đó là lạ, như sò, hay gà giống Cornwall. Cô liền đưa tay kiểm tra cái xắc, để xem mình có bao nhiêu.
Và nó không còn ở đó. Chiếc xắc xinh xinh bằng vải hoa có quai xích bạc, rất ít khi được sử dụng, không đeo trên vai cô như thường lệ, nó biến đâu rồi. Cô tản bộ một mình từ nhà hát đến khu trung tâm mà không nhận ra nó đã mất tiêu. Và dĩ nhiên váy của cô không may túi. Cô không có vé đi về, không son, không lược, không tiền. Không một xu.
Cô nhớ lại suốt vở kịch cô chỉ đặt cái xắc trên đùi, bên dưới tờ chương trình. Giờ cô cũng không cầm tờ chương trình đó. Lẽ nào cả hai đã rơi xuống sàn nhà? Mà không... cô nhớ mình vẫn còn cái xắc lúc ở trong buồng toa lét nhà vệ sinh nữ. Cô đã treo sợi dây xích lên móc sau của. Nhưng cô không để quên nó ở đó. Không. Cô đá soi gương chỗ bồn rửa tay, cô đã lấy lược ra để chải qua tóc. Mái tóc đen sợi mảnh, và mặc dù cô hình dung nó phồng lên như tóc của phu nhân Jackie Kennedy và hay cuốn lô vào ban đêm, nhưng nó luôn có khuynh hướng ẹp sát trở lại. Ngoài chuyện tóc tai ra thì cô rất hài lòng với hình mình trong gương. Đôi mắt xám xanh, lông mày đen và làn da ram rám cho dù cô có cố ý hay không, tất cả những cái đó lại càng được tôn lên nhờ vòng eo thon trong chiếc váy cô tông dài tao nhã màu xanh quả bơ với những đường nhấn bên nhỏ ở hai bên hông.
Đó chính xác là chỗ cô đã đặt cái xắc. Trên bệ bồn rửa. Tự chiêm ngưỡng mình, quay người ngoảnh đầu lại ngắm cái lưng váy xẻ hình chữ V - cô tin mình có một tấm lưng đẹp - và kiểm tra xem dây áo lót có lộ ra ở bất cứ đâu không.
Rồi cũng chính trong tâm trạng ngây ngất, trong cảm giác hài lòng ngớ ngẩn đó mà cô đã vội vàng ra khỏi nhà vệ sinh nữ, bỏ lại cái xắc sau lưng.
Cô leo dốc bờ sông trở lên đường và bắt đầu quay trở lại nhà hát theo lối thẳng nhất. Cô bước nhanh hết sức. Không còn bóng râm trên đường, xe cộ tấp nập trong hơi nóng chiều muộn. Cô đi như chạy. Thành thử mồ hôi rịn ra phía dưới miếng độn trong váy của cô. Cô lật đật băng qua bãi đậu xe nóng hầm hập - giờ đã trống hoác - và đi lên đồi. Trên đó không còn chút bóng râm nào, và tuyệt không một bóng người quanh nhà hát.
Nhưng nó không khóa. Cô đứng lại một lúc trong tiền sảnh vắng tanh cho quen mắt sau khi từ ngoài trời sáng vào. Cô cảm thấy tim mình đập thùm thụp, những giọt mồ hôi rịn ra ở môi trên. Quầy bán vé đóng của, cả quầy giải khát cũng vậy. Các cửa bên trong đều đã khóa. Cô đi cầu thang xuống phòng vệ sinh, giày gõ lốp cốp trên những bậc thang lát đá hoa cương.
Cầu cho cửa mở. Cầu cho cửa mở. Cầu cho cho nó ở đó.
Không. Không có gì trên cái bệ láng vân vện, không có gì trong những giỏ rác, không có gì trên móc đằng sau bất kỳ cánh cửa nào.
Có một người đàn ông đang lau sàn tiền sảnh khi cô đi lên. Ông ta bảo cô không chừng nó đã được gửi ở phòng chứa đồ thất lạc rồi cũng nên, nhưng phòng này đã khóa trái. Luỡng lự đôi chút, ông ta bỏ giẻ lau đó và dẫn cô xuống một dãy cầu thang khác đến một gian nhà kho nhỏ chứa mấy cây dù, gói hàng, thậm chí cả áo khoác, mũ và một chiếc khăn quàng cổ da cáo màu nâu nâu trông gớm chết. Nhưng không có chiếc xắc đeo vai bằng vải hoa.
“Xui rồi,” ông ta bảo.
“Hay là nó ở dưới ghế chỗ tôi đã ngồi?” cô nài nỉ, dù cô chắc nó sẽ không ở đấy.
“Đã lau ở đó rồi.”
Không còn gì cho cô làm nữa ngoài việc leo lên cầu thang, bước qua tiền sảnh và đi ra đường.
Từ bãi đậu xe cô bước đi theo hướng ngược lại, rượt đuổi bóng râm. Cô tưởng tượng Joanne sẽ bảo rằng chính lão lao công đã giấu cái xắc của cô đi để mang về nhà cho vợ hay con gái, rằng bọn nguôi ở những nơi như thế ai mà chẳng hành xử như vậy. Cô tìm một băng ghế hay một bờ tường thấp để ngồi xuống, suy tính tình thế của mình. Nhưng chẳng tìm đâu thấy băng ghế hay bờ tường nào.
Bỗng nhiên một con chó to đùng từ phía sau cô sấn tới, tông sầm vào cô khi nó đi ngang qua. Đó là một con chó lông nâu sậm, cẳng dài, vẻ ngạo nghễ, bướng bỉnh.
“Juno. Juno,” một người đàn ông mắng con chó. “Mày đi phải nhìn chứ.”
“Nó còn trẻ và lỗ mãng,” anh ta bảo với Robin. “Nó nghĩ mình là bà chủ vỉa hè. Nó không dữ đâu. Cô có sợ không?”
Robin nói, “Không.” Vụ mất túi xắc đang choán giữ tâm trí cô và cô không nghĩ gì đến sự tấn công từ phía sau của một con chó phủ chồng lên ý nghĩ ấy.
“Khi thấy một con chó giống Doberman người ta hay hoảng sợ lắm. Doberman nổi danh là chó dữ mà, tuy nhiên con chó này được huấn luyện chỉ dữ tợn khi nó là chó giữ nhà thôi, không phải khi nó đang đi dạo ngoài đường.”
Robin gần như không biết giống chó nào với giống chó nào. Bởi vì Joanne bị suyễn nên họ không bao giờ nuôi chó mèo trong nhà.
“Không sao,” cô nói.
Thay vì đi thẳng tiếp tới chỗ con chó tên Juno đang chờ, chủ của nó gọi nó quay lại. Anh ta tròng sợi dây xích đang cầm trên tay vào cổ nó.
“Tôi đã thả cho nó chạy tự do trên bãi cỏ. Dưới chân nhà hát. Nó thích thế. Nhưng lên tới đây đáng ra nó phải được xích lại. Tại tôi lười. Cô ốm à?”
Robin thậm chí không hề ngạc nhiên về sự chuyển hướng của cuộc đối thoại.
Cô nói, “Tôi đánh mất ví. Đó là lỗi tại tôi. Tôi để quên nó trên bệ bồn rửa trong phòng vệ sinh nữ của nhà hát, tôi đã trở lại đó tìm nhưng nó mất rồi. Tôi cứ thế đi ra mà để quên nó ở đó sau khi vở kịch kết thúc.
“Hôm nay diễn vở gì vậy?”
“Antony và Cleopatra,” cô nói. “Tiền tôi để trong đó và cả vé xe lửa về nhà.”
“Cô đến bằng xe lửa à? Để xem Antony và Cleopatra?”
“Vâng.”
Cô chợt nhớ lời khuyên trước kia mẹ đã dặn mình và Joanne về việc đi bằng xe lửa, hay đi bất kỳ đâu. Luôn luôn phải thủ một ít tiền gấp lại ghim vào đồ lót. Ngoài ra, không được nói chuyện với đàn ông lạ.
“Cô cười gì thế?” anh chàng nói.
“Tôi không biết.”
“À, cô cứ mỉm cười tiếp đi,” anh nói, bởi vì tôi sẽ vui mừng cho cô mượn ít tiền đi xe lửa. Mấy giờ tàu chạy?
Cô nói cho anh biết, anh bảo,“Tốt”. Nhưng trước đó cô nên ăn một chút. Kẻo không cô sẽ đói xỉu và không thưởng thức được chuyến đi xe lửa. Tôi chẳng có gì ở đây, bởi vì khi đưa Juno đi dạo tôi không mang theo tiền. Nhưng cửa hàng của tôi cách đây không xa. Đi theo tôi, tôi sẽ lấy một ít trong hộp thu ngân.”
Cô quá bấn bíu tâm trí đến nỗi cho tới tận lúc này mới nhận ra ngữ giọng của anh. Tiếng vùng nào? Không phải Pháp hay Hà Lan - hai giọng này cô nghĩ mình có thể nhận ra, giọng Pháp cô đã nghe thấy hồi ở trường phổ thông và giọng Hà Lan từ những di dân thỉnh thoảng là bệnh nhân ở bệnh viện. Một điều nữa khiến cô để ý là anh nói về sự thưởng thức chuyến đi xe lửa. Trong những người cô biết không ai lại đi bảo một người trưởng thành hãy làm như thế. Nhưng anh nói cứ như thể đó là một điều tự nhiên và tất yếu vậy.
Đến góc phố Downie, anh bảo, “Chúng ta rẽ ngã này. Nhà tôi ngay gần đây.”
Anh nói nhà, trong khi lúc nãy anh nói cửa hàng. Nhưng rất có thể cửa hàng ở trong nhà của anh.
Cô không lo lắng. Sau này cô vẫn thường hay tự hỏi về điều đó. Không một thoáng đắn đo cô chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ của anh, cho phép anh cứu vớt mình, thấy việc anh không mang theo tiền khi đi dạo nhưng có thể lấy tiền từ trong két cửa hàng là điều hoàn toàn đương nhiên.
Một lý do để cô tin có lẽ là ngữ giọng của anh. Có mấy cô y tá hay cười cợt giọng nói của những cặp vợ chồng nông dân gốc Hà Lan - sau lưng họ, dĩ nhiên. Do vậy Robin hình thành thói quen đối xử với những người này một cách đặc biệt chu đáo, như thể họ bị trớ ngại trong ăn nói, hay thậm chí hơi chậm hiểu, dẫu cô biết nghĩ thế là nhảm nhí. Như vậy, ngữ giọng làm trỗi dậy trong cô lòng nhân từ và thái độ lịch sự nhất định.
Cô chưa nhìn kỹ anh chút nào. Mới đầu tại cô đang lo sốt vó, sau thì điều đó không dễ, vì họ đi sóng bước bên nhau. Anh cao, cẳng dài, bước nhanh. Cô còn để ý thấy nắng lấp lánh trên mái tóc cắt ngắn như gốc rạ của anh, cô cảm giác như nó có màu sáng bạc. Thật ra là xám. Trán anh, rộng và cao, cũng sáng lóa trong nắng, và không hiểu sao cô có cảm giác anh hơn mình cả một thế hệ - một người lịch thiệp, nhưng hơi thiếu kiên nhẫn, kiểu phong cách trịch thượng, đòi hỏi người khác phải kính trọng mình, không bao giờ nương cho tình thân. Sau đó, khi vào trong nhà, cô mới nhận ra mái tóc xám có pha sắc hung đỏ - dù da anh màu ô liu, thật khác thường đối với người tóc đỏ - và cách anh di chuyển trong nhà đôi khi gường gượng, như thể anh vốn không quen với việc có người đồng hành trong không gian sống của mình. Có lẽ anh hơn cô không đến mười tuổi.
Cô đã tin cậy anh vì nhiều lý do sai lầm. Nhưng cô không lầm khi tin anh.
Cửa hàng đúng là ở trong nhà. Một ngôi nhà gạch hẹp còn sót lại từ những ngày xa xưa, trên một con đường, ngược lại, san sát những khối nhà có công năng làm cửa hàng. Cửa trước có cửa kính và bậc cấp mà nhà thường nào cũng có, bên trong cửa kính thấy một chiếc đồng hồ tinh xảo. Anh mở cửa, nhưng vẫn không lật mặt sau của tấm biển Đóng cửa ra. Juno chen vượt lên trước cả hai, và anh lại xin lỗi thay cho nó.
“Nó nghĩ công việc của nó là kiểm tra xem trong nhà có ai không phận sự mà vào không, với lại xem có bất kỳ cái gì khác với lúc nó đi ra ngoài không nữa.”
Nơi này lủ khủ đồng hồ. Đồng hồ gỗ màu tối và gỗ màu sáng, vẽ những hình người và mái vòm mạ vàng. Đồng hồ trưng trên các kệ, dưới sàn nhà và cả quầy tính tiền phía bên kia phòng, nơi diễn ra việc mua bán. Ngoài đó ra, một số chiếc để chễm chệ trên các băng ghế, các bộ phận máy móc bên trong lời hết cả ra. Juno len lỏi gọn ghẽ giữa chúng, và có thể nghe được tiếng nó lịch kịch đi lên lầu.
“Cô thích đồng hồ không?”
Robin nói, “Không,” trước khi kịp nghĩ đến phép lịch sự.
“Được, thế thì tôi không cần phải phát biểu bài diễn văn của mình,” anh nói rồi dẫn cô đi dọc theo lộ trình Juno vừa đi, ngang qua cánh cửa một phòng chắc là toa lét, lên cầu thang dốc. Sau đó họ vào căn bếp nơi tất cả mọi thứ đều sạch sẽ, sáng sủa, ngăn nắp, và Juno đang chờ bên cạnh một cái đĩa màu đỏ dưới sàn, thõng thượt chiếc đuôi.
“Mày phải đợi thôi,” anh nói. “ừ. Đợi nhé. Mày không thấy chúng ta đang có khách à?”
Anh đứng qua bên cho Robin bước vào căn phòng lớn phía trước, không có thảm trải lên ván sơn trắng lót sàn, không có rèm, chỉ có mành treo trên các ô cửa sổ. Một hệ thống hi-fi chiếm phần lớn không gian dọc theo một bên tường và một chiếc ghế sofa - loại kéo ra thành giường. Vài cái ghế vải bạt và một kệ sách, chứa sách ở một kệ và tạp chí ở những kệ còn lại, xếp rất gọn gàng. Không thấy tranh ảnh, gối đệm hay những thứ trang trí. Căn phòng của một người độc thân, với những thứ được cân nhắc và thiết yếu, toát lên cảm giác hài lòng mộc mạc nhất định. Rất khác với cơ ngơi của người đàn ông độc thân duy nhất khác mà Robin quen biết - phòng của Willard Greig, như một nhà giam tù túng tình cờ dựng lên giữa đống đồ đạc của hai đấng sinh thành quá cố.
“Cô muốn ngồi đâu?” anh hỏi. “Ghế sofa nhé? Thế thoải mái hơn ngồi ghế tựa. Để tôi pha cho cô một tách cà phê rồi cô ngồi đây uống trong khi tôi làm chút gì ăn tối. Thường thì những lần khác cô hay làm gì, từ lúc vở kịch kết thúc đến khi lên xe lửa về nhà?”
“Đi bộ,” Robin nói. “Và kiếm gì đó ăn.”
“Thế thì giống hôm nay. Cô có chán không khi ăn một mình?”
“Không. Tôi nghĩ về vở kịch.”
Cà phê rất đậm, nhưng cô dần dần cũng quen với nó. Cô không cảm thấy mình nên đề xuất phụ giúp anh làm bếp, như cô đáng ra phải làm với tư cách là một phụ nữ. Cô đứng lên, nhón nhén băng qua phòng và tự lấy cho mình một tờ tạp chí. Đến khi cầm nó lên cô mới thấy là vô ích - tất cả tạp chí đều được in trên giấy nâu rẻ tiền bằng thứ ngôn ngữ cô không thể đọc cũng không thể nhận diện được.
Thật tình, cô nhận ra, khi đã mớ nó ra đặt trên đùi, thậm chí cô còn không đọc được từng mẫu tự nữa.
Anh vào, mang thêm cà phê.
“À,” anh nói. “Thì ra cô đọc tiếng của tôi?”
Nghe như châm biếm, nhưng mắt anh tránh nhìn cô. Dường như, ngay tại chốn riêng của mình, anh bỗng dưng xấu hổ.
“Tôi thậm chí còn không biết nó là tiếng gì, cô đáp.
“Đó là tiếng Serbia. Có người gọi nó là tiếng Serbo-Croatia.”
“Đó là quê anh à?”
“Tôi quê ở Montenegro.”
Đến lượt cô đớ người. Cô không biết Montenegro ở đâu. Hình như ở sát Hy Lạp? Không... Macedonia mới thế.
“Montenegro thuộc Nam Tư,” anh nói. “Hay người ta bảo chúng tôi thế. Nhưng chúng tôi không nghĩ vậy.
“Tôi không nghĩ anh lại có thể ra khỏi những đất nước như thế,” cô nói. “Những nước Cộng sản ấy*. Tôi không nghĩ anh có thể cứ thế ròi đó như những người bình thường rồi nhập cư vào phương Tây.”
Nam Tư là một quốc gia Cộng sản từ 1943 đến 1991. Đến năm 2006, hai nước cộng hòa Serbia và Montenegro lần lượt tuyên bố độc lập, chấm dứt những tàn tích cuối cùng của nhà nước Liên bang Nam Tư. Câu chuyện này được kể lại theo hồi tưởng của Robin, nên bối cảnh của nó có lẽ diễn ra vào thời kỳ Montenegro còn chưa ly khai khỏi nhà nước Cộng sản Nam Tư.
“Ồ, được chứ.” Anh nói như thể chủ đề này không khiến anh thích thú cho lắm, hay như thể anh đã quên mất nó rồi. “Ta có thể ra khỏi đó nếu ta thật sự muốn. Tôi đã đi cách đây gần năm năm. Bây giờ thì dễ hơn rồi. Sắp tới tôi định trở lại đó xong rồi sẽ lại ra đi. Giờ tôi phải nấu bữa tối cho cô đây. Kẻo không cô ôm bụng đói mà về mất.”
“Một câu nữa thôi,” Robin nói, “Tại sao tôi không đọc được những mẫu tự này? Ý tôi là, đó là những mẫu tự gì vậy? Bảng chữ cái ở chỗ anh như thế này à?”
“Bảng chữ cái Cyril. Giống như Hy Lạp. Giờ tôi đi nấu nướng đã.”
Cô ngồi với những trang báo lạ lẫm mở trên đùi và nghĩ mình vừa đi vào một thế giới xa lạ. Một mẩu của thế giới xa lạ ấy nằm trên đường Dovvnie ở Stratford. Montenegro. Bảng chữ cái Cyril. Thật thô lỗ, cô nghĩ, khi cứ hỏi vặn vẹo anh về những thứ này. Khi cứ khiến anh cảm thấy mình như một mẫu vật xét nghiệm. Cô sẽ cần phải tự kiểm soát mình, mặc dù bây giờ trong cô đã định hình hàng đống câu hỏi.
Tất cả đồng hồ dưới nhà - hay hầu hết chúng - bắt đầu gióng lên báo giờ. Đã bảy giờ rồi.
“Có chuyến xe lửa nào trễ hơn không?” anh gọi từ trong bếp.
“Có. Chuyến mười giờ kém năm.”
“Thế có được không? Có ai lo lắng về cô không?
Cô bảo không. Joanne sẽ không vui, nhưng ta không thể gọi chính xác đó là lo lắng.
Bữa tối là một món hầm hay xúp đặc gì đó, dọn lên trong tô, với bánh mì và rượu vang.
“Stroganoff*, tôi hy vọng cô thích.”
Một món ăn nổi tiếng của Nga, gồm thịt bò chiên áp chảo với bơ và nước xốt kem chua.
“Ngon quá,” cô nói thật lòng. Cô không chắc về món rượu vang cho lắm - có lẽ cô thích nó ngọt hơn. “Đó là món người ta hay ăn ở Montenegro?”
“Không hẳn. Thức ăn Montenegro không ngon lắm. Chúng tôi không nổi tiếng về ẩm thực.”
Vậy thì rất thích hợp để hỏi, “Thế nước anh nổi tiếng về cái gì?”
“Cô thì sao?”
“Tôi là người Canada.”
“Không. Nước cô nổi tiếng về cái gì?”
Điều này làm cô phật ý, cô cảm thấy mình ngu ngốc. Tuy nhiên cô cười phá lên.
“Tôi không biết. Tôi đoán là không gì hết.”
“Thứ mà người Montenegro nổi tiếng là gào thét, đánh đấm. Họ giống Juno. Họ cần kỷ cương.”
Anh đứng dậy mở nhạc. Anh không hỏi cô muốn nghe nhạc gì, như vậy thật nhẹ nhõm. Cô không muốn bị hỏi nhạc sĩ nào cô thích hem, trong khi hai người duy nhất cô có thể nghĩ tới là Mozart và Beethoven, và cô không chắc mình có thể phân biệt được tác phẩm của họ. Cô yêu nhạc dân gian, nhưng cô nghĩ có thể anh sẽ thấy ý thích đó buồn chán và tầm thường, khi liên hệ nó với những ý nghĩ của cô về Montenegro.
Anh bật một bản nhạc jazz.
Robin chưa bao giờ có người yêu, kể cả bạn trai cũng chưa. Làm sao việc này lại xảy ra, hoặc chưa xảy ra? Cô không biết. Cô phải chăm sóc Joanne, dĩ nhiên, nhưng sao những cô gái khác cũng mang gánh nặng tương tự mà vẫn có bạn trai được. Có thể là do cô không lưu tâm đầy đủ và kịp thời đến vấn đề này. Ở thị trấn cô sống, hầu hết các cô gái đều đã gắn bó nghiêm túc với ai đó trước khi họ học xong trung học, có người còn không học hết phổ thông mà bỏ ngang để lấy chồng. Những cô gái thuộc tầng lớp trên - ý là số ít những cô mà cha mẹ có đủ điều kiện tài chính cho đi học đại học - thì mặc nhiên được mong chờ phải tự tách mình ra khỏi bất kỳ cậu trai phổ thông nào trước khi đi xa để tìm kiếm những viễn cảnh tốt hơn. Những cậu chàng bị vứt bỏ liền nhanh chóng được cuỗm lấy, và những cô gái không đủ nhanh chân sẽ thấy mình chỉ còn những lựa chọn rất hẻo. Vượt qua một độ tuổi nhất định, bất kỳ người đàn ông mới tới nào cũng đều có khuynh hướng đi kèm với một bà vợ.
Nhưng Robin đã có cơ hội đấy chứ. Cô đã đi học y tá ở xa, lẽ ra đây là cơ hội để cô làm lại. Con gái học làm y tá thường có cơ may gặp bác sĩ. Vậy mà cả ở đó cô cũng rớt đài. Ngay hồi ấy thì cô không nhận ra như vậy. Cô đã quá nghiêm túc, có lẽ đó là vấn đề. Quá nghiêm túc về những thứ đại loại Vua Lear mà không màng tới việc tận dụng những buổi khiêu vũ hay những ván tennis. Kiểu nghiêm túc như thế ở một cô gái có thể loại bỏ mọi ánh nhìn. Nhưng thật khó nghĩ ra một trường họp nào cô ghen tị với một cô gái khác về người đàn ông mà cô ta có. Thật ra cô chưa thấy có mống nào mà mình muốn lấy làm chồng hết.
Không phải cô khước từ hôn nhân. Chỉ là cô đang chờ, như thể cô là một cô gái mới mười lăm tuổi, và năm thì mười họa cô mới bị bắt phải đối mặt với hoàn cảnh thật của mình. Thi thoảng lại có chị làm chung dàn xếp cho cô gặp ai đó, để rồi cô bị sốc vì ứng cử viên triển vọng vốn trước đó được cho là thích họp. Thậm chí mới đây thôi ngay cả Willard cũng khiến cô phát sợ khi nói đùa rằng một ngày nào đó sẽ chuyển sang nhà cô ở hẳn và giúp cô chăm sóc Joanne.
Có người đã bào chữa cho cô, thậm chí tâng bốc cô, nghiễm nhiên cho rằng cô đã lên kế hoạch tận hiến cuộc đời mình cho Joanne ngay từ đầu.
Khi họ ăn xong anh hỏi cô có muốn đi dạo dọc bờ sông trước khi cô đón xe lửa không. Cô đồng ý, thế là anh bảo họ không thể đi dạo được trừ phi anh biết tên cô.
“Có thể tôi sẽ muốn giới thiệu cô với ai đó gặp trên đường,” anh nói.
Cô nói tên mình cho anh.
“Robin, giống tên một loài chim sao?”
“Loài chim ức đồ,” cô nói, như bao lần cô thường nói trước đây mà không nghĩ ngợi gì. Bỗng nhiên lần này cô bối rối đến nỗi chỉ biết nói tiếp, làm ra vẻ khinh suất.
“Giờ đến lượt anh nói tên anh.”
Tên anh là Daniel. “Danilo. Nhưng ở đây gọi là Daniel.” “Vậy ở đây thì ở đây,” cô nói, vẫn bằng cái giọng sỗ sàng hậu quả của con xấu hổ sau vụ chim ức đỏ. “Thế ở đó là ở đâu? Ở Montenegro... anh sống ở nông thôn hay ở thành thị?”
“Tôi sống ở vùng núi.”
Khi nãy, lúc đang ngồi trong căn phòng phía trên cửa hàng của anh, giữa họ luôn có khoảng cách, và cô chưa từng sợ - cũng như chưa từng hy vọng - rằng khoảng cách đó sẽ bị thay đổi bởi bất kỳ chuyển động nào của anh, dù sỗ sàng hay vụng về hay ranh mãnh. Có một đôi khi việc này đang xảy ra với những người đàn ông khác, và cô cảm thấy xấu hổ thay cho họ. Giờ đây cô và người đàn ông này bước đi hơi sát bên nhau, và nếu họ gặp phải ai đó thì cánh tay họ có lẽ sẽ chạm vào nhau. Hoặc không thì anh sẽ bước hơi lùi lại phía sau cô để tránh đường cho người kia đi, để rồi cánh tay hay ngực anh sẽ đụng phải lưng cô khoảng một giây. Những khả năng này, cũng như việc biết rằng cái người họ gặp đó chắc chắn sẽ nghĩ họ là một đôi, tạo nên một cảm giác rậm rịch, một sự căng cứng lan khắp từ vai cô xuống một bên cánh tay.
Anh hồi cô về Antony và Cleopatra, cô có thích nó không (có) và cảnh nào cô thích nhất. Liền vụt nảy ra trong trí cô là những cảnh ôm ghì táo tợn đầy sức thuyết phục, nhưng cô không thể nói ra như vậy.
“Cảnh kết,” cô nói, “đoạn nữ hoàng chuẩn bị đặt con rắn mào lên người,” - cô đã định nói là ngực rồi vội sửa ngay, nhưng người xem ra cũng chẳng đỡ hơn - “và một ông già đến, mang theo rổ sung bên trong đựng con rắn và họ trêu chọc nhau. Tôi nghĩ mình thích nó vì ta không thể ngờ lúc ấy mà còn trêu chọc nhau cho được. Ý tôi là, tôi cũng thích những phần khác nữa, tôi thích cả vở, nhưng cảnh đó khác.”
“Đúng,” anh đồng tình. “Tôi cũng thích cảnh đó.
“Anh đã xem vở này rồi à?”
“Chưa. Giờ tôi đang để dành tiền. Nhưng có thời tôi từng đọc Shakespeare rất nhiều, sinh viên đọc nó khi học tiếng Anh. Ban ngày tôi học về đồng hồ, ban đêm tôi học tiếng Anh. Cô học gì?”
“Không nhiều,” cô đáp. “Không học nhiều ở trường. Sau đó tôi học những thứ cần thiết để làm y tá.”
“Thế thì nhiều thứ phải học lắm, để làm y tá. Tôi nghĩ vậy.”
Sau đó họ nói về không khí mát mẻ của buổi tối, thật dễ chịu ra sao, đêm dài ra rõ rệt như thế nào, dù vẫn còn trọn tháng Tám phía trước. Rồi về Juno, rằng nó đòi đi với họ nhưng rồi ngồi yên ngay lập tức khi anh nhắc nó nhớ rằng nó phải ở lại canh chừng cửa hàng. Cuộc chuyện trò càng lúc càng giống với một trò lẩn tránh mà hai bên đều đồng lõa, như một màn chắn quy ước cho những điều đang mỗi lúc một trở nên tất yếu và bức bách hơn giữa họ.
Thế nhưng, trong ánh sáng của ga xe lửa, bất kể điều gì hứa hẹn hay kỳ bí đều lập tức bị tước mất. Có nhiều người dang xếp hàng bên cửa bán vé, anh tới đứng đằng sau chờ đến lượt mình và mua vé cho cô. Họ bước ra sân ga, nơi các hành khách đang chờ.
“Nếu anh viết tên và địa chỉ đầy đủ của anh vào một tờ giấy thì tôi sẽ gửi lại tiền cho anh ngay lập tức,” cô nói.
Giờ thì nó sẽ xảy ra, cô nghĩ. Nó tức là không gì hết. Giờ thì sẽ không có gì xảy ra hết. Chào anh. Cảm ơn. Tôi sẽ gửi lại tiền. Không cần vội đâu. Cảm ơn anh. Không phiền gì đâu mà. Dù sao vẫn cảm ơn anh. Chào cô.
“Chúng ta đi dạo quanh đây đi,” anh nói, và họ bước dọc sân ga ra xa khỏi ánh đèn.
“Tốt hơn đừng bận tâm về tiền bạc. Chả đáng bao nhiêu, vả lại có khi còn chẳng đến tay tôi, vì tôi sắp sửa đi rồi. Thỉnh thoảng thư từ rất chậm.”
“Ồ, nhưng tôi phải trả lại tiền cho anh.”
“Thế thì để tôi nói cho cô cách trả tôi tiền nhé. Cô có nghe không?”
“Có.”
“Tôi sẽ ở đây vào mùa hè tới, tại cùng nơi cũ. Cùng cửa hàng ấy. Tôi sẽ ở đó muộn nhất là tới tháng Sáu. Mùa hè sang năm. Vậy cô sẽ chọn vở kịch cô thích, đến đây bằng xe lửa rồi tới cửa hàng.”
“Lúc đó tôi sẽ trả lại cho anh?”
“Đúng vậy. Và tôi sẽ làm bữa tối, chúng ta sẽ uống rượu, tôi sẽ kể cho cô tất cả những việc đã xảy ra với tôi trong năm và cô cũng kể cho tôi nghe về cô. Và tôi muốn một điều nữa.”
“Điều gì?”
“Cô sẽ mặc đúng chiếc váy này. Váy xanh lá cây. Tóc cô vẫn để như cũ.”
Cô cười to. “Để anh nhận ra tôi?”
“Phải.”
Họ đã đi đến cuối sân ga, và anh nói, “Cẩn thận chỗ này,” rồi, “Không sao chứ?” khi họ bước xuống bãi đất rải sỏi.
“Không sao,” Robin nói, giọng chao đảo, do mặt sồi gồ ghề, cũng có thể là do anh đã giữ lấy vai cô và giờ đang trượt bàn tay mình xuống hai cánh tay để trần của cô.
“Quan trọng là chúng ta đã gặp nhau,” anh nói. “Anh nghĩ vậy. Em có nghĩ vậy không?”
“Có.”
“Đúng. Đúng.”
Anh luồn tay xuống cánh tay cô để ôm cô sát hơn, vòng lấy eo cô và họ hôn nhau, hôn nữa, hôn mãi.
Cuộc tâm tình của những nụ hôn. Huyền ảo, đắm đuối, táo bạo, biến hóa. Khi họ dừng lại thì cả hai cùng run lẩy bẩy, và phải cố gắng lắm anh mới kiểm soát được giọng nói của mình, để ráng nói một cách điềm nhiên.
“Chúng ta sẽ không viết thư, thư từ không phải là ý hay. Chúng ta sẽ chỉ nhớ về nhau và mùa hè tới chúng ta sẽ gặp nhau. Em không cần phải báo trước cho anh, hãy cứ đến thôi. Nếu vẫn còn nguyên cảm giác này, em chỉ việc đến thôi.”
Họ nghe thấy tiếng xe lửa. Anh giúp cô leo lại lên sân ga, sau đó không chạm vào cô nữa, mà bước mạnh mẽ bên cạnh cô, lục tìm gì đó trong túi áo.
Ngay trước lúc xa rời cô, anh trao cho cô một mẩu giấy được gấp lại. “Anh đã viết nó trước khi chúng ta rời cửa hàng,” anh nói.
Trên xe lửa cô đọc thấy tên anh. Danilo Adzic. Và những chữ khác. Bjelojevici. Làng anh.
Cô đi bộ từ ga về nhà, dưới những tàng cây tối om. Joanne vẫn chưa ngủ. Chị đang chơi sắp bài một mình.
“Xin lỗi em bị lỡ chuyến xe lửa sớm,” Robin nói. “Em ăn tối rồi. Em ăn món Stroganoff.”
“Thảo nào tao ngửi thấy.”
“Em đã uống một ly rượu.”
“Tao cũng ngửi thấy.”
“Chắc em đi ngủ luôn đây.”
“Tao nghĩ mày nên thế.”
Những vầng hào quang còn sót lại, Robin nghĩ trên đường đi lên lầu. Từ Chúa, mái nhà của chúng ta*.
Hai câu trong bài Tụng ca, những điềm báo về sự bất tử cùa William Wordsworth, nguyên văn: “Mà trong những vầng hào quang còn sót lại ta đến/ Từ Chúa, mái nhà của chúng ta.”
Thật ngớ ngẩn làm sao, thậm chí thật báng bổ thần thánh, nếu bạn tin vào sự xúc phạm thần thánh. Được hôn trên một sân ga và được dặn đến trình diện sau một năm nữa. Nếu Joanne biết về điều đó thì chị ấy sẽ nói gì? Một tên ngoại quốc. Bọn ngoại quốc chỉ nhặt thứ con gái mà không ai thèm nhặt.
Trong suốt mấy tuần tiếp theo hai chị em hầu như không nói chuyện với nhau. Sau đó, không thấy có điện thoại hay thư từ xuất hiện, mà Robin có ra ngoài buổi tối thì cũng chỉ là đi thư viện, Joanne mới giãn người ra. Chị biết có gì đó đã thay đổi, nhưng chị không nghĩ nó nghiêm trọng. Chị bắt đầu đùa cợt với Willard.
Trước mặt Robin chị nói, “Anh có biết là cô gái nhà chúng ta đây đã bắt đầu có những chuyến phiêu lưu bí mật ở Stratford không? Ối, thật. Tôi bảo đảm đấy. Về nhà lừng mùi rượu và món ragu. Anh có biết cái mùi đó làm sao không? Phát ói.”
Có lẽ chị nghĩ Robin đã mò vào một nhà hàng lạ nào đó, với những món châu Âu trong thực đơn, và gọi rượu uống kèm bữa ăn, tự nghĩ mình là sành điệu.
Robin lập kế hoạch đi thư viện để tìm đọc về Montenegro.
“Trong hơn hai thế kỷ,” cô đọc, “Montenegro duy trì cuộc đấu tranh chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và Albania, với họ đây gần như là nghĩa vụ chung của đàn ông. (Vì vậy người Montenegro nổi tiếng kiêu hãnh, hiếu chiến và không thích làm việc - phẩm chất cuối cùng từ lâu đã trở thành đề tài cho những câu chuyện cười về người Nam Tư.)”
Hai thế kỷ đó là hai thế kỷ nào, cô không sao tìm ra được. Cô đọc về những vị vua, những giám mục, những cuộc chiến, những vụ ám sát, và bài thơ vĩ đại nhất trong nền thơ ca Serbia, bài “Núi Garland”, được viết bởi một vị vua Montenegro. Cô hầu như không nhớ nổi lấy một từ trong những gì mình đọc. Trừ cái tên, tên thật của Montenegro, mà cô không biết cách phát âm. Crna Gora.
Cô xem những tấm bản đồ mà chỉ riêng việc tìm ra quốc gia này cũng đã khó lắm rồi, nhưng cuối cùng, với kính lúp hỗ trợ, cô cũng dần quen với những tên thị trấn khác nhau (không có tên nào là Bjelojevici) cùng những con sông Moraca và Tara, những dãy núi đậm màu dường như dăng khắp nơi, ngoại trừ ở thung lũng Zeta.
Nhu cầu bức thiết phải theo đuổi cuộc điều tra này của cô thật khó giải thích, mà cô cũng không cố giải thích nó (mặc dù, dĩ nhiên, sự hiện diện thường xuyên, và sự miệt mài, của cô trong thư viện đã được để ý). Điều cô chắc hẳn đang cố làm - và ít ra cô đã thành công một nửa - là định vị Danilo vào một nơi có thật và một quá khứ có thật, với ý nghĩ rằng chắc anh biết những cái tên mà cô đang tra cứu, lịch sử này chắc là những gì anh đã học hồi phổ thông, một trong số những địa danh này hẳn đã được anh đến thăm hồi còn nhỏ hay thời thanh niên. Có khi ngay lúc này đây anh đang ở đó. Khi chạm ngón tay vào một cái tên in trên giấy, cô cảm giác như mình đã chạm vào đúng cái nơi anh đang ở.
Cô cũng cố học từ sách, từ những biểu đồ, về cách làm đồng hồ, nhưng cô không thành công.
Anh vương vấn trong cô. Ý nghĩ về anh hiện hữu trong đầu khi cô thức dậy, lúc cô tạm lắng công việc. Những nghi thức mừng Giáng sinh khiến suy nghĩ của cô cứ quanh quẩn nơi những buổi lễ của nhà thờ Chính Thống giáo mà cô đọc thấy trong sách, với những cha cố râu quai nón mặc áo tế vàng, với nến, với hương trầm và tiếng kinh cầu trầm mặc thê lương bằng một thứ ngôn ngữ xa lạ. Thời tiết lạnh và băng đóng trên hồ gọi cho cô nghĩ đến mùa đông vùng núi. Cô cảm thấy như mình được chọn để nối liền với vùng đất xa lạ ấy, được chọn cho một định mệnh khác hẳn. Có những cụm từ cô dùng cho riêng mình. Định mệnh. Người yêu. Không phải bạn trai. Người yêu. Đôi khi cô nghĩ tới cái vẻ lưỡng lự, ơ hờ khi anh nói đến việc về rồi lại đi khỏi đất nước ấy, và cô bỗng lo sợ giùm cho anh, tưởng tượng anh đang dính líu tới những kế hoạch đen tối, những mưu đồ và hiểm họa như trên phim. Có lẽ quyết định không thư từ của anh lại là điều hay. Bằng không cuộc đời cô sẽ vắt cạn vào việc viết thư và mòn mỏi mong chờ chúng mất. Viết rồi chờ, chờ rồi viết. Và hẳn nhiên là cô sẽ lo đứng lo ngồi nếu thư không tới.
Giờ cô đã có cái để mà luôn canh cánh mang theo bên mình. Cô ý thức được rằng đang có ánh sáng tỏa ra từ chính mình, từ cơ thể mình, từ giọng nói và tất cả những việc mình làm. Nó làm cô bước đi khác hẳn, mỉm cười vô cớ và chăm sóc bệnh nhân bằng cung cách dịu dàng khác thường. Cô thấy vui vui mỗi khi thi thoảng tua lại trong tâm trí một cảnh gì đó, cô có thể làm thế trong khi làm việc, trong lúc ăn tối với Joanne. Bức tường trơ trụi của căn phòng, với những vệt nắng hình chữ nhật chiếu xuyên qua tấm mành sáo. Mặt giấy thô sần của những tờ tạp chí có hình minh họa vẽ tay kiểu xưa thay vì hình chụp. Cái tô sứ dày có đường viền màu vàng, trong đựng món Stroganoff. Túm lông màu sô cô la trên mõm Juno và cẳng chân chắc lẳn của nó. Rồi thì không khí mát mẻ trên đường, mùi hương từ những luống hoa đô thị, đèn đường dọc bờ sông, nơi có cả một xã hội các loài bọ tí hon đâm vù vù và bay vòng vòng.
Lòng cô chùng xuống, rồi cơ thể cô như ngừng hoạt động, khi anh trở lại với tấm vé mua cho cô. Nhưng sau đó đến cuộc đi dạo, những bước chân đều đặn, xa khỏi sân ga tới chỗ bãi đất rải sỏi. Xuyên qua lớp đế giày mỏng, cô cảm thấy sỏi sắc đâm vào gan bàn chân nhoi nhói.
Không hình ảnh nào của cuốn phim này mờ đi trong cô, dù được tua đi tua lại không biết bao nhiêu lần. Những ký ức của cô, cộng với những thứ được thêu dệt nên từ ký ức đó, cứ cày mãi thành một lối mòn càng ngày càng sâu thêm.
Quan trọng là chúng mình đã gặp nhau.
Phải. Phải.
Tuy nhiên khi tháng Sáu tới, cô lại trù trừ. Cô chưa quyết định sẽ xem vở kịch nào, hay chừng nào sẽ đặt vé. Cuối cùng cô nghĩ tốt nhất hãy chọn ngày lễ kỷ niệm - cùng ngày này năm ngoái. Vở kịch sẽ diễn hôm đó là Xin tùy ý. Cô chợt nghĩ mình có thể cứ thế đi thẳng tới phố Downie, chẳng cần bận tâm đến vở kịch, bởi đằng nào tâm trí cô cũng quá bận bịu vì anh hoặc quá phấn khích nên cũng chẳng thể chú ý gì nhiều đến kịch với cọt. Tuy vậy cô rất mê tín về chuyện thay đổi khuôn nếp của ngày đó. Cô mua vé. Rồi cô đem chiếc váy xanh lá cây tới tiệm hấp giặt. Cô chưa mặc lại nó kể từ ngày ấy, nhưng cô muốn nó dứt khoát phải sạch sẽ tinh tươm như mới.
Tuần đó, cái chị chịu trách nhiệm là ủi ở tiệm hấp giặt lại nghỉ làm vài ngày. Con chị ta bị ốm. Nhưng người ta hứa là chị kia sẽ trở lại, bộ váy sẽ sẵn sàng vào sáng thứ Bảy.
“Em chết mất,” Robin nói. “Em chết mất nếu mai người ta không xong cái váy đó.”
Cô nhìn Joanne và Willard đang chơi bài tiến lên ở bên bàn. Cô đã thấy họ trong điệu bộ như thế này quá thường xuyên rồi, và giờ có thể cô sẽ không bao giờ thấy lại họ lần nữa. Họ mới xa cách với nỗi căng thẳng và sự thách thức, sự rủi ro của cuộc đời cô làm sao.
Chiếc váy không xong được. Đứa trẻ vẫn đang ốm. Robin nghĩ đến việc mang nó về tự ủi lấy, nhưng cô nghĩ mình sẽ quá hồi hộp đến mức không thể ủi nó cho ra hồn. Nhất là với Joanne soi mói không thôi. Lập tức cô xuống phố, tới tiệm váy khả dĩ duy nhất, và may làm sao, cô nghĩ, tìm thấy một chiếc váy xanh lá cây khác, cũng vừa vặn không kém, nhưng dài suôn và không tay. Màu váy không phải xanh quả bơ mà là xanh quả chanh. Chị bán hàng trong tiệm bảo màu này là mốt trong năm, và kiểu váy dài thắt eo đã lỗi thời rồi.
Qua cửa sổ xe lửa cô thấy mưa bắt đầu rơi. Cô thậm chí không mang theo dù. Ngồi đối diện cô là một hành khách mà cô biết, một phụ nữ vừa mổ lấy túi mật ở bệnh viện cách đây vài tháng. Người phụ nữ này có con gái lấy chồng ở Stratford. Bà là kiểu người nghĩ rằng hai người đã biết nhau khi gặp trên xe lửa và cùng hướng đến một nơi thì nên nói chuyện với nhau.
“Con gái tôi sẽ đón tôi,” bà nói. “Chúng tôi có thể đưa cô đến nơi cô cần đến. Nhất là khi trời đang mưa thế này.”
Trời không mưa khi họ xuống ga Stratford, mặt trời ló ra và không khí nóng hực. Robin thấy không còn lựa chọn nào khác, đành nhận lời cho đi nhờ. Cô ngồi vào hàng ghế sau với hai đứa trẻ đang mút kem đá. Thật thần kỳ khi cô không hề bị một giọt dâu hay cam nào nhểu vào váy.
Cô không chờ nổi tới khi vở kịch kết thúc. Cô run lập cập trong nhà hát gắn máy điều hòa bởi vì chiếc váy được may bằng vải mỏng lại không có tay. Hay có khi tại cô hồi hộp quá. Cô cáo lỗi len ra đến cuối hàng, rồi bước lên lối đi ở giữa với những bậc thang quãng rộng quãng hẹp và ra ngoài tiền sảnh sáng ánh trời. Lại mưa tiếp, mưa như trút. Một mình trong phòng vệ sinh nữ, đúng căn phòng cô đã làm mất ví, cô sửa sang mái tóc. Hơi ẩm đang phá hỏng búi tóc cao của cô, phần tóc ép cô đã cuốn lô cho mượt giờ rũ thành những lọn đen quăn lưa thưa quanh mặt cô. Đáng ra cô phải mang keo xịt tóc mới đúng. Cô cố khắc phục bằng cách chải rối phần tóc ấy lên.
Mưa tạnh khi cô ra ngoài, và một lần nữa mặt trời dội ánh sáng chói lòa xuống vỉa hè ướt. Cô lên đường. Chân cẳng cô bủn rủn, chẳng khác gì những lần cô phải lên bảng ở trường để giải toán hay phải đứng trước lớp để đọc thuộc bài. Chẳng mấy chốc cô đã đến góc phố Downie. Trong vòng vài phút nữa, cuộc đòi cô sẽ thay đổi. Cô không sẵn sàng, nhưng cô cũng không thể nấn ná thêm nữa.
Đến dãy nhà thứ hai là cô đã có thể thấy ngôi nhà nhó lạ lùng ấy ở phía trước, kẹp giữa những tòa nhà xây làm cửa hiệu theo lối truyền thống ở hai bên.
Cô tiến lại gần hơn, rồi gần hơn nữa. Cửa mở, giông như hầu hết những cửa hàng trên phố này - không nhiều nơi gắn máy điều hòa. Chỉ có cửa lưới để ngăn ruồi.
Tiến thêm hai bước nữa thì cô đã đứng ngoài cửa. Nhưng cô không đẩy cửa ngay mà đứng đó một lúc, cho mắt mình quen với cảnh tranh tối tranh sáng bên trong để khỏi loạng choạng khi bước vào.
Anh kìa, đứng sau quầy, đang hí húi dưới ánh sáng từ một bóng đèn duy nhất. Anh cúi về trước, mặt quay nghiêng, mê mải làm gì đó với một chiếc đồng hồ treo tường. Cô đã sợ anh thay đổi. Đúng hơn cô sợ mình không nhớ anh chính xác. Hay sợ Montenegro có thể đã làm thay đổi gì đó - cho anh kiểu tóc mới, một bộ râu chẳng hạn. Nhưng không... anh vẫn như trước. Bóng đèn làm việc trên đầu chiếu sáng mái tóc cứng lấp lánh hệt như xưa của anh, mái tóc màu bạc ánh lên những vệt nâu đỏ. Một bờ vai dày, hơi gù, tay áo xắn cao lộ bắp tay trần, vẻ mặt anh thể hiện sự tập trung, say mê và trân trọng tuyệt đối công việc anh đang làm, cỗ máy anh đang chỉnh. Vẫn diện mạo hệt như trong tâm trí cô, dù trước đây cô chưa bao giờ được thấy anh sửa đồng hồ. Cô đã luôn tưởng tượng hình ảnh đó hướng về chính cô.
Không. Cô không muốn bước vào. Cô muốn anh đứng dậy, đi về phía cô, mở cửa. Vì vậy cô gọi anh. Daniel. Vào phút cuối cô lại mắc cỡ không gọi anh là Danilo, bởi vì cô sợ mình phát âm vụng về những vần nước ngoài.
Anh chưa nghe thấy - hoặc có lẽ do đang bận nên anh chưa vội ngước lên. Sau đó anh ngước lên, nhưng không phải để nhìn cô - có vẻ như lúc ấy anh ngó lên tìm thứ gì đó mình cần. Nhưng khi ngước mắt lên anh bắt gặp dáng hình cô. Anh cẩn thận dẹp vài thứ qua bên, lùi khỏi bàn làm việc, đứng lên, lần khần đi về phía cô.
Anh hơi lắc đầu với cô.
Bàn tay cô đã sẵn sàng đẩy của mở ra, nhưng cô không làm. Cô chờ anh nói nhưng anh không nói. Anh lại lắc đầu cái nữa. Anh hốt hoảng. Anh đứng im. Anh đảo mắt khỏi cô, nhìn quanh của hàng - nhìn dàn đồng hồ treo tường, như thể chúng sẽ cung cấp cho anh thông tin hay sự hỗ trợ gì đó. Khi anh nhìn lại vào mặt cô, người anh run lên, và một cách vô thức - mà có lẽ là không hề vô thức - anh nhe răng trước ra. Tựa như hình hài cô làm dấy lên trong anh một nỗi sợ hãi xác thực, nỗi sợ hãi nguy hiểm.
Cô đứng đó, đông cứng, cơ hồ như vẫn còn khả năng đây chỉ là một trò đùa, một trò chơi.
Giờ anh lại tiến về phía cô, như đã quyết định xong phải làm gì. Không nhìn cô nữa, mà hành động bằng sự cương quyết và dường như cả nỗi khiếp sợ - theo cô cảm nhận - đặt tay vào cánh cửa gỗ, cánh cửa nãy giờ vẫn mở, rồi đóng sập nó vào mặt cô.
Đây là một sự cắt toẹt. Cô kinh hãi hiểu ra anh đang làm gì. Anh đã rắp tâm hành động theo kiểu này vì đó là cách dễ dàng để tống khứ cô đi hơn là giải thích, hơn là phải đối mặt với nỗi kinh ngạc và phiền phức, với những cảm xúc bị tổn thương, và có thể với sự suy sụp và nước mắt của cô. xấu hổ, xấu hổ kinh khủng, là những gì cô cảm thấy. Một phụ nữ tự tin hơn, từng trải hơn hẳn phải tức điên lên và bước đi ngay trong cơn cuồng giận. Đồ cứt đái. Robin đã nghe một phụ nữ ở chỗ làm xỉa xói gã đàn ông bỏ rơi chị ta. Đừng tin cái của ở trong quần. Người phụ nữ đó hành xử như thể chị ta không hề ngạc nhiên tí nào. Trong thẳm sâu, lúc này Robin cũng không ngạc nhiên, mà cô tự trách mắng chính mình. Đáng lý ra cô phải hiểu những lời anh ta nói trong mùa hè năm ngoái, lời hứa và lời từ biệt ở nhà ga, chỉ là một chút tử tế ngớ ngẩn không cần thiết dành cho một cô gái đơn độc đi xem kịch một mình và mất ví. Hẳn chưa kịp về đến nhà thì anh ta đã hối hận và cầu cho cô đừng coi lời anh ta là nghiêm túc.
Rất có thể anh ta đã trở lại cùng một cô vợ từ Montenegro - chị vợ đang ở trên lầu - như thế có thể giải thích cho nét hoảng hốt trên mặt anh ta, cho cái rùng mình khiếp đảm. Nếu anh ta có nghĩ về Robin thì hẳn đó là vì anh ta sự cô làm những gì cô đã làm - mơ những giấc mơ trinh nữ ảm đạm, hư cấu những kế hoạch ngô nghê. Có thể trước kia phụ nữ hay xoắn lấy anh ta, nên anh đã tìm ra nhiều cách xua đuổi họ. Đây là một cách. Thà thô bạo còn hơn tử tế. Không xin lỗi, không giải thích, không hy vọng. Giả bộ như không nhận ra cô ta, nếu việc đó không ăn thua thì sập cửa vào mặt cô ta. Càng làm cho cô ta ghét mình nhanh chừng nào càng tốt chừng nấy.
Dù với vài cô, việc đó nặng nề tựa như phải leo lên đồi. Chính xác. Và cô ở đây, khóc rống lên. Cô đã cố kiềm chế được khi đi dọc con phố, nhưng trên lối đi men theo bờ sông, cô khóc nức nở. vẫn con thiên nga đen trước kia đang bơi một mình, vẫn những gia đình vịt với vịt bố vịt mẹ kêu quàng quạc, mặt trời lấp lánh trên mặt nước. Tốt hơn đừng cố chạy trốn, tốt hơn đừng làm ngơ cú đấm này. Nếu cố làm lơ vào khoảnh khắc này, ta sẽ phải chịu đựng cho nó đấm mình cú nữa, một tiếng rạn nứt khổng lồ nghe ró trong lồng ngực.
“Năm nay canh thời gian tốt hơn đấy nhỉ,” Joanne nói. “Vở kịch của mày thế nào?”
“Em chả xem được gì hết. Vừa mới vào nhà hát thì một con bọ bay thẳng vào mắt em. Em chớp chớp hoài mà nó không ra nên phải đứng lên vào phòng vệ sinh cố rửa nó đi. Sau đó chắc em để sót một mẩu thân của nó trên khăn và chùi nốt vào mắt kia.”
“Trông như mày vừa khóc lóc ầm ĩ vậy. Lúc mày mới bước vào tao tưởng đó phải là một vở kịch buồn thỏa sức. Tốt hơn mày hãy rửa mặt bằng nước muối đi.”
“Em đã định vậy rồi.”
Còn những điều khác cô định làm, hoặc định không làm. Không bao giờ đi Stratford, không bao giờ bước trên những đường phố ở đó, không bao giờ xem một vở kịch nào khác. Không bao giờ mặc váy xanh lá cây, dù là xanh quả bơ hay xanh quả chanh. Tránh không nghe bất kỳ tin tức gì về Montenegro, một việc không quá khó khăn.
II
Giờ mùa đông thật sự đã định hình, cái hồ đóng băng gân hết tới tận đê chắn sóng. Mặt băng gồ ghề, vài chỗ trông như những con sóng lớn bị đông tại chỗ. Thợ điện dỡ đèn Giáng sinh ngoài trời xuống. Có báo cáo về dịch cúm. Người ta chảy nước mắt khi bước đi ngược chiều gió. Hầu hết phụ nữ mặc đồng phục mùa đông với quần thun ấm và áo trượt tuyết.
Nhưng Robin thì không. Khi bước ra khỏi thang máy để lên thăm bệnh tầng ba và tầng trên cùng ở bệnh viện, bà dang mặc áo khoác đen dài, váy len xám và áo lụa màu xám tử đinh hương. Mái tóc dày, thẳng màu xám than của bà chấm ngang vai, và bà đeo hai viên kim cương nhỏ xíu ở tai. (Người ta để ý, như trước kia vẫn vậy, rằng một vài phụ nữ đẹp nhất, mặn mà nhất thị trấn lại là những người chưa chồng.) Hiện thời bà không phải mặc đồ y tá bởi vì bà làm bán thời gian và chỉ ở nguyên trên tầng này.
Ta có thể đi thang máy lên lầu ba theo cách thông thường, nhưng đi xuống thì khó hơn. Cô y tá trực quầy lễ tân phải nhấn một cái nút ẩn để giải thoát cho ta. Đây là Khoa Tâm thần, dù ít khi nó được gọi như vậy. Giống như căn hộ của Robin, ở đây nhìn ra phía Tây là hồ, do vậy mà nó thường được gọi là khách sạn Hoàng Hôn. Vài người lớn tuổi thích gọi nó là Royal York. Bệnh nhân lưu trú ở đó ngắn hạn, dẫu với vài người trong số họ thì những đợt ngắn hạn cứ luôn tái diễn. Những người bị ảo giác, trầm cảm hoặc đau đớn kinh niên sẽ được tập trung ở chỗ khác, tại Nhà Chung Của Hạt, tên chính xác là Viện Điều dưỡng Thường xuyên nằm ở bên ngoài thị trấn.
Bốn mươi năm qua, thị trấn chẳng phát triển gì nhiều, nhưng nó đã thay đổi. Có hai thương xá mua sắm mọc lên, dù những cửa hàng trên quảng trường vẫn chật vật đấu tranh để tồn tại. Có những ngôi nhà mới - một cộng đồng toàn người lớn - ở ngoài bờ dốc, và hai trong số những ngôi nhà lớn hồi xưa nhìn ra hồ đã biến thành chung cư. Robin may mắn mua được một căn hộ ở đó. Ngôi nhà trên đường Isaac nơi bà và Joanne từng sống đã được tôn tạo bằng nhựa vinyl và chuyển thành văn phòng địa ốc. Nhà của Willard ít nhiều vẫn còn như cũ. Ông bị đột quỵ cách đây vài năm nhưng hồi phục tốt, dù phải chống nạng khi đi lại. Lúc ông nằm bệnh viện Robin hay lui tới thăm nom. Ông hay nói về chuyện ngày xưa bà và Joanne là những người hàng xóm tốt biết bao, và họ hay chơi bài cùng nhau vui biết chừng nào.
Joanne chết đã được mười tám năm, và sau khi bán nhà Robin rút luôn khỏi những mối giao thiệp cũ. Bà không đi lễ nhà thờ nữa. Và ngoài những người trở thành bệnh nhân trong bệnh viện, bà hầu như không gặp những người bà biết thời trẻ, những người bà đã học cùng trường.
Đến tuổi này, triển vọng hôn nhân lại một lần nữa mở ra với bà, tuy lựa chọn có giới hạn hơn. Nào những ông góa đang ngó nghiêng tục huyền, nào những người đàn ông trơ trọi một mình. Thường thì họ muốn một phụ nữ đã trải qua hôn nhân - mặc dù phụ nữ có công việc đàng hoàng cũng không phải là không hợp. Nhưng Robin đã tuyên bố thẳng thừng là bà không quan tâm. Những người bà biết từ hồi bà còn trẻ nói rằng từ thuở nào đến giờ có khi nào bà quan tâm đến vấn đề này đâu, đó là tính cách của bà rồi. Một số người bây giờ bà mới gặp cho rằng chẳng qua bà là dân đồng tính, nhưng vì được nuôi dạy trong một môi trường quá sơ khai và khiếm khuyết đến nỗi bà không chịu công nhận điều đó thôi.
Ngày nay có nhiều loại người khác nhau trong thị trấn, và đó là những người bà kết bạn. Vài người sống chung với nhau mà không cưới xin. Có người sinh ra ở Ấn Độ, Ai Cập, Philipin và Hàn Quốc. Những lối sống cũ, những quy chuẩn của ngày xưa, vẫn dai dẳng tồn tại ở một mức độ nào đó, nhưng đa số mọi người cứ sống theo cách của riêng mình mà thậm chí không hề biết về những luật lệ như vậy. Ta có thể mua gần như bất kỳ loại thực phẩm nào mình muốn, và vào sáng Chủ nhật đẹp trời có thể ngồi bên bàn vỉa hè thưởng thức cà phê ngon và thích thú nghe tiếng chuông nhà thờ, trong đầu chẳng vương chút ý nghĩ sùng kính. Bờ hồ không còn bị bao quanh bởi những kho xưởng của ngành đường sắt - ta có thể đi dạo trên lối đi lót ván hàng dặm quanh hồ. Có một đội hợp xướng và một đội kịch. Robin vẫn rất năng nổ trong đội kịch, mặc dù không còn thường xuyên xuất hiện trên sân khấu như trước kia nữa. Cách đây vài năm bà đã đóng vai Hedda Gabler*. Phản hồi chung là vở kịch không vui nhưng bà đã thủ vai Hedda một cách xuất sắc. Một việc đặc biệt giỏi bởi vì nhân vật đó - như mọi người nói - có quá nhiều tính cách đối ngược với bà trong đời thực.
Hedda Gabler: một trong những vở kịch đặc sắc nhất của nhà soạn kịch Henrik Ipsen (Na Uy), nói về một phụ nữ bị giằng xé giữa tâm và tà, cuối cùng phải tự sát bằng súng lục.
Ngày nay vô số người từ đây đi tới Stratford. Còn bà hay đi xem kịch ở nhà hát Niagara Trên Hồ.
Robin nhận thấy có ba chiếc giường kê sát bức tường đối diện.
“Có chuyện gì vậy?” bà hỏi Coral, cô y tá trực lễ tân.
“Tạm thời thôi,” Coral đáp, giọng uể oải. “Đang chờ điều tiết.”
Robin đi treo áo khoác và giỏ xách trong tủ đằng sau bàn lễ tân, Coral nói với bà rằng những ca này được chuyển từ hạt Penh đến. Thuyên chuyển vì ở đó đang quá tải, cô nói. Chỉ có điều do hiểu lầm chỉ thị thế nào đó mà viện điều dưỡng ở hạt này chưa sẵn sàng tiếp nhận họ, cho nên người ta quyết định tạm thời bố trí họ vào đây đã.
“Cô có nên tới chào họ không?”
“Tùy cô thôi ạ. Lần cuối cùng cháu thăm thì thấy họ đã quay lơ hết cả rồi.”
Ba chiếc giường đều đóng thành bốn cạnh, bệnh nhân nằm sõng sượt bên trong. Coral nói đúng, xem ra họ đã ngủ cả. Hai bà già và một ông già. Robin quay đi, rồi quay ngay lại. Bà đứng nhìn xuống ông già. Miệng ông ta há hốc, bộ răng giả, nếu có, đã được gỡ ra. Tuy nhiên ông ta vẫn còn tóc, bạc và cắt ngắn ngủn. Thịt da đã teo, đôi má hóp tọp nhưng vẫn rõ gương mặt rộng ớ hai thái dương, vẫn còn lưu lại nét trịch thượng sao đó - giống như khi bà nhìn nó lần cuối cùng - cùng với vẻ bất an. Những mảng da nhăn nheo, xám nhựt gần như màu bạc, có lẽ là noi những khối u ác tính bị cắt bỏ. Thân thể ông ta tiều tụy, chân gần biến mất dưới làn chăn, nhưng vẫn là bờ ngực và đôi vai rộng ấy, như những gì bà còn nhớ.
Bà đọc tấm thẻ gắn dưới chân giường ông.
Alexander Adzic.
Danilo. Daniel.
Có lẽ đó là tên phụ của ông. Alexander. Hay là ông đã nói dối, đã phòng xa bằng cách nói dối hoặc nói chỉ một nửa sự thật, ngay từ đầu cho đến gần phút cuối.
Bà trở lại bàn nói chuyện với Coral.
“Có thông tin gì về người đàn ông đó không?”
“Sao vậy? Cô biết ông ta?”
“Hình như vậy.”
“Để cháu xem xem có gì. Cháu có thể tìm trên máy.”
“Không vội đâu,” Robin nói. “Khi nào cháu có thời gian hẵng. Chỉ vì tò mò thôi. Cô đi thăm bệnh nhân của mình đây.”
Công việc của Robin là nói chuyện với những bệnh nhân này hai lần một tuần, rồi viết báo cáo về họ, chẳng hạn những ảo tưởng và trầm uất của họ đang bớt dần như thế nào, thuốc họ uống có tác dụng không, tâm trạng của họ bị ảnh hưởng ra sao sau những chuyến thăm của người thân hay vợ chồng họ. Bà làm việc ở tầng ba này đã nhiều năm, kể từ khi thông lệ cho bệnh nhân tâm thần về ở gần với gia đình bắt đầu được áp dụng hồi những năm bảy mươi, và bà biết nhiều người trong số những bệnh nhân vẫn phải thường xuyên quay trở lại. Bà học vài khóa nâng cao để có bằng chữa trị bệnh tâm thần, nhưng dù sao đó cũng là việc bà cảm thấy thích làm. Một khoảng thời gian sau chuyến từ Stratford trở về mà không hề xem Xin tùy ý, bà bắt đầu bị cuốn hút vào công việc này. Một điều gì đó - dù không phải là điều bà mong chờ - đã làm thay đổi cuộc đời bà.
Bà đến thăm ông Wray cuối cùng bởi vì ông thường muốn được dành cho nhiều thời gian nhất. Không phải lúc nào bà cũng có thể dành cho ông nhiều thời gian như ông muốn - điều đó tùy thuộc vào bệnh trạng của những người khác. Hôm nay hầu hết những người kia đều đang phục hồi, nhờ vào thuốc, và tất cả đều xin lỗi về những phiền nhiễu họ đã gây ra. Nhưng riêng ông Wray, người tin rằng mình có đóng góp vào công trình khám phá ra cấu trúc ADN mà không bao giờ được trao giải thưởng hay công nhận, thì đang nổi xung thiên về một lá thư ông đã viết gửi cho James Watson*. Jim, ông gọi nhà bác học này là vậy.
James Dewey Watson (1928): nhà sinh vật học phân tử người Anh. ông cùng với Francis Crick và Maurice Wilkins được trao giải Nobel Vật lý và Y khoa năm 1962 cho công trình đồng khám phá ra cấu trúc xoắn đôi của ADN.
“Lá thư tôi gửi cho Jim ấy mà,” ông nói. “Tôi luôn biết rằng không được gửi lá thư như thế mà không giữ lại bản photo. Nhưng hôm qua tôi lục soát hết hồ sơ của mình và đoán được không? Cô thử nói cho tôi xem nào.”
“Ông nói cho tôi nghe thì hơn,” Robin bảo.
“Không có ở đó. Không có ớ đó. Nó đã bị đánh cắp.” “Chắc nó lẫn đâu đó. Để tôi tìm kỹ xem sao.”
“Tôi chẳng ngạc nhiên. Đáng ra tôi nên bỏ cuộc từ lâu cho rồi. Tôi đang đánh nhau với Những Tên Bự, mà đã ai thắng được Chúng Nó đâu? Hãy nói cho tôi biết sự thật. Nói đi. Tôi có nên bỏ cuộc không?”
“Ông phải quyết định. Chỉ ông thôi.”
Ông ta liền bắt đầu tỉ tê với bà, một lần nữa, về những biến cố xui rủi của ông. Ông không phái là nhà khoa học, ông làm nghề khảo sát nhưng hẳn là cả đời ông luôn theo dõi các bước tiến bộ của khoa học. Những thông tin ông kể cho bà nghe, và ngay cả những bức tranh ông hì hục vẽ bằng bút chì, hiển nhiên đều chính xác. Duy chỉ có cầu chuyện mình bị lừa dối là vụng về và dễ đoán, với rất nhiều tình tiết có lẽ là được vay mượn từ xi nê hay phim truyền hình.
Nhưng bà luôn yêu thích đoạn ông mô tả hai chuỗi xoắn đôi ấy bung rời ra như thế nào. Ông chỉ cho bà thấy bằng đôi bàn tay hết sức uyển chuyển, khéo léo. Mỗi chuỗi bắt đầu cuộc hành trình được chỉ định sẵn, tự nhân đôi theo mệnh lệnh của chính nó.
Ông cũng yêu thích việc ấy, ông kinh ngạc vì nó, với lệ dâng trào trong mắt. Bà luôn cảm ơn ông về sự giải thích này và ước gì ông có thể dừng lại ở đó, nhưng dĩ nhiên ông không thể.
Tuy nhiên bà tin ông đang khá hơn. Khi ông bắt đầu lục lọi những nhánh phụ của sự bất công để chú tâm vào một việc đại loại như lá thư bị mất cắp, điều đó có nghĩa là có lẽ ông đang bình phục.
Với một chút động viên, một chút chuyển biến trong mối tập trung của ông, rất có thể ông sẽ đem lòng yêu bà. Điều này trước kia đã từng xảy ra với hai bệnh nhân. Cả hai đều đã lập gia đình. Nhưng điều đó không ngăn bà ngủ với họ, sau khi họ xuất viện. Tuy nhiên cảm xúc lúc đó đã biến đổi. Những người đàn ông cảm thấy biết ơn, bà cảm thấy mình đang làm việc tốt, cả hai cảm thấy gì đó như một sự hoài cổ không đúng chỗ.
Không phải là bà hối hận về việc đó. Giờ đây rất ít điều khiến bà phải hối hận. Dĩ nhiên bà lại càng không hối hận về đời sống tình dục của mình, một đời sống năm thì mười họa và bí mật, nhưng nhìn chung là thỏa mãn. Có lẽ bà cũng chẳng cần cố gắng giữ bí mật làm gì, khi mà người ta đã hình thành những định kiến về bà như thế - những người bà mới biết cũng nghĩ sai hoàn toàn về bà hệt như những người bà biết cách đây rất lâu.
Coral trao cho bà một tờ giấy in.
“Không nhiều,” cô nói.
Robin cảm ơn cô và gấp nó lại, đem tới tủ cất vào túi xách. Bà muốn ở một mình khi đọc nó. Nhưng bà không thể đợi cho đến khi về nhà. Bà tới Phòng Tĩnh lặng, nơi dùng làm phòng cầu nguyện. Không ai ở đó, lúc này rất lặng yên.
Adzic, Alexander. Sinh ngày 3 tháng Bảy năm 1924, tại Bjelojevici, Nam Tư. Di cư tới Canada ngày 29 tháng Năm năm 1962, dựa vào sự chăm sóc của anh trai Danilo Adzic, sinh tại Bjelojevici, ngày 3 tháng Bảy năm 1924, công dân Canada.
Alexander Adzic sống với anh trai Danilo cho đến khi người này mất vào ngày 7 tháng Chín năm 1995. Ông được đưa vào Viện Điều dưỡng Thường xuyên hạt Perth và ở đó từ hồi ấy.
Có vẻ như Alexander Adzic bị câm điếc bẩm sinh hoặc do bệnh tật ngay sau khi sinh. Không qua một sự giáo dục đặc biệt nào khi còn nhỏ. Chỉ số I.Q chưa bao giờ xác định nhưng được dạy cho nghề sửa đồng hồ. Không được huấn luyện sử dụng ngôn ngữ ra dấu. Sống phụ thuộc vào anh trai, hoàn toàn không thể tiếp cận được với những biểu hiện cảm xúc bên ngoài. Lãnh cảm, chán ăn, đôi khi hằn học, tình trạng chung ngày càng xấu đi kể từ khi nhập viện.
Khủng khiếp.
Anh em.
Sinh đôi.
Robin muốn đặt tờ giấy này trước mặt ai đó, một nhà chức trách nào đó.
Thật lố bịch. Tôi không chấp nhận điều này.
Ấy thế nhưng.
Hẳn là Shakespeare đã chuẩn bị tâm thế cho bà. Sinh đôi thường là nguyên do cho những xáo trộn và tai họa trong các vở kịch của Shakespeare. Một cách để kết thúc, nhiệm vụ của những vố lừa ấy là thế. Vào phút cuối cùng những bí mật được giải quyết, sự thật được tha thứ, tình yêu chân chính hay cái gì đó đại loại được nhen nhóm lại, những nạn nhân bị lừa đều lịch thiệp không kêu ca phàn nàn gì.
Hẩn là ông ấy đã ra ngoài có chút việc gì đó. Một việc vặt trong chớp mắt. Ông ấy không để người em trai trông của hàng lâu được. Có lẽ cửa lưới đã móc, bà đã không bao giờ thử đẩy xem nó có mở ra không. Có lẽ ông đã dặn người em cài móc cửa lại không được mở ra trong khi ông đưa Juno đi dạo lanh quanh. Trước kia bà đã tự hỏi tại sao Juno không có ở đó.
Nếu bà đến muộn hơn một chút. Hay sớm hơn một chút. Nếu bà nán lại tới khi vở kịch kết thúc, hoặc giả bỏ qua vở kịch luôn. Nếu bà đừng quá mất công với mái tóc.
Nếu thế thì sao? Họ sẽ xoay xở thế nào đây, khi mà anh vướng víu Alexander còn cô phải lo cho Joanne? Bằng vào cách Alexander hành xử ngày hôm đó, không có vẻ gì là anh ta sẽ chịu đựng nổi bất kỳ sự xâm nhập, bất kỳ sự thay đổi nào. Còn Joanne thì nhất định sẽ đau khổ. Đau khổ vì có Alexander câm điếc ở trong nhà thì ít mà vì cuộc hôn nhân của Robin với một kẻ ngoại quốc thì nhiều.
Giờ thì khó mà đánh giá tình thế lúc đó.
Tất cả bị phá tan tành trong một ngày, trong một hai phút, không theo từng cơn, không đấu tranh, không hy vọng và mất mát, không kéo dài dai dẳng theo cái cách những chuyện như thế này thường bị phá hỏng. Và nếu đúng là những chuyện thế này thường hay bị phá hỏng, thì chẳng phải cách nhanh nhất là cách dễ chịu đựng nhất hay sao?
Nhưng ta không thật sự chấp nhận quan điểm ấy, nhất là cho riêng mình thì càng không. Robin cũng không. Ngay cả đến giờ bà vẫn khao khát có lại được cơ hội ấy. Bà sẽ không dành một khoảnh khắc nào để cám ơn vố mắc lỡm đã xảy ra. Nhưng rồi bà sẽ thấy biết ơn số phận đã cho mình khám phá ra sự thật. ít nhất là thế - một khám phá đã đặt lại tất cả mọi thứ vào đúng khoảnh khắc diễn ra sự can thiệp nho nhỏ kia. Để lại trong ta nỗi căm giận, nhưng lại làm ấm lòng ta từ khoảng cách xa, xóa tan cảm giác tủi hổ.
Đó chắc hẳn là một thế giới khác mà họ từng sống. Như bất kỳ thế giới nào được bịa đặt trên sân khấu. Sự sắp xếp mong manh của họ, những nụ hôn tạm biệt đầy nghi lễ của họ, niềm tin dại dột bao bọc quanh họ, rằng tất cả mọi việc sẽ chạy băng băng về trước như kế hoạch. Chỉ cần nhích đi một phân theo cách này hay cách khác thôi, người ta sẽ chệch đường.
Robin đã gặp những bệnh nhân tin rằng lược và bàn chải bắt buộc phải nằm đúng thứ tự, mũi giày nhất định phải quay về đúng hướng, và khi đi phải đếm bước, kẻo không sẽ có một sự trừng phạt xảy đến.
Bà đã không làm được như thế, và vấn đề có lẽ bắt đầu từ chiếc váy xanh. Tại người phụ nữ ở tiệm hấp giặt, tại đứa trẻ ốm ấy, bà đã mặc sai chiếc váy xanh.
Bà ước gì mình có thể nói với ai đó. Với người ấy.