Love is like a roller coaster,

Once you have completed the ride,

you want to go again.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2045 / 25
Cập nhật: 2016-06-04 21:09:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần II - Chương 5: Xứ Thái: Tự Thích Ứng Để Sinh Tồn
NHỮNG BÀI HỌC TRƯỚC MẮT
Xứ Thái: Tự Thích Ứng Để Sinh Tồn
Indonesia: Kinh Nghiệm Liên Hiệp Quốc Cộng
Malaysia: Trường Hợp Một Phòng Tuyến Vỡ
Phi-líp-pin: Xã Hội Sa Lầy
Miến Điện: Trước Ba Trận Tuyến
Kampuchea: Một Thế Trung Lập Chông Chênh
Xứ Lào: Chiến Tranh Qua Ba Hiệp Định Hòa Bình
Việt Nam: Vài Tiêu Mốc Nhận Định Về Cuộc Chiến 60-73
Thái là một quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đã thoát khỏi thời kỳ bị Tây phương thống trị. Điều may mắn ấy một phần nhờ ở vị trí trái độn giữa hai lực lượng thực dân Anh ở phía tây và nam, và Pháp ở phía đông, một phần nhờ ở phương lược ngoại giao khôn ngoan và óc canh tân của các triều vua từ Rama IV (1851) về sau. Điểm chủ yếu trong phương lược ngoại giao của Thái được tóm gọn trong phương châm “tự thích ứng để sinh tồn” của giới lãnh đạo Thái.
Canh Tân Và Cách Mạng
Vào cuối thời Rama III nền bang giao giữa Thái và Tây phương, nhất là Anh, đang ở tình trạng rất căng thẳng, vì vua Rama III từ chối không chịu xét lại hiệp ước 1825 mà chính ông đã ký kết với Công ty Đông Ấn của Anh. Theo hiệp ước này, Tây phương không hoàn toàn được tự do buôn bán ở đất Thái. Giữa lúc chiến tranh có triệu chứng sắp bùng nổ thì Rama III băng hà.
Rama IV (1851-1868), tức Mongkut, lên kế vị. Tiên khởi, nhà vua cải thiện bang giao với Tây phương bằng cách mở rộng các cửa biển cho tất cả các nước vào buôn bán; tiếp theo ông khởi đầu canh tân xứ sở, trong đó có cả việc mời người Tây phương tới huấn luyện và cố vấn người bản xứ. Rama IV lên ngôi lúc đã 46 tuổi. Trong suốt thời thanh niên, ông đã trải qua nhiều năm trong nếp áo tu sĩ Phật giáo. Ông thông hiểu nền văn hóa cổ truyền của Thái Lan và cũng am tường khá nhiều ngôn ngữ và khoa học Tây phương[1]. Ngay từ khi chưa lên ngôi, ông đã qui tụ được một nhóm người có khuynh hướng canh tân trong triều đình. Nhóm người này sau đó đã trở thành rường cột quốc gia dưới triều đại ông. Nhận định của Rama IV và nhóm cận thần của ông là Thái không đủ sức chống lại sức bành trướng của các lực lượng đế quốc thực dân Tây phương, vì vậy chính sách đúng đắn nhất của Thái là phải tự thích ứng để sinh tồn giữa những lực lượng ấy.
Rama V (1868-1910) tức Chulalongkorn, kế vị Rama IV đã tiếp tục con đường canh tân xứ sở. Trong suốt 42 năm trị vì, ông đã tạo cho Thái một nền hành chánh và một tổ chức quân đội hữu hiệu. Tuy nhiên, cùng dưới triều ông, một số lớn đất đai mà trước đây Thái đã chiếm được của Kampuchia, Lào và Mã lai đã phải nhượng lại cho Pháp và Anh[2].
Việc nhượng lại đất này đã xảy ra sau một thời gian điều đình đôi lúc khá gay go giữa Thái và Anh, Pháp. Dù sao chính quốc Thái cũng còn được để yên nhờ sự tranh chấp về quyền lợi giữa Anh, Pháp trong mưu đồ bành trướng. Hiệp ước Anh Pháp 1896 bảo đảm nền trung lập của đồng bằng Chao Phraya và do đó Thái vẫn được công nhận là một quốc gia độc lập, ít ra là trên giấy tờ.
Sang thời Rama VI (1910-1925), tức Wachirawut, chính sách của Rama V vẫn được tiếp tục thi hành và phát triển đến độ Thái đã nghiễm nhiên trở nên một quốc gia có lời ăn tiếng nói trên trường quốc tế. Rama VI đã được du học ở Anh quốc, vì vậy ông đã không ngần ngại đứng vào phe đồng minh trong thế chiến I, dù gặp sự chống đối của Hôi đồng Cố vấn trong triều đình (các vị này vẫn bất mãn về việc chèn ép lấn đất của Đế quốc Anh Pháp dưới thời Rama V). Thái đã gửi một đạo quân sang Pháp để tham chiến trong phe đồng minh và do đó đã có đại diện trong hòa hội quốc tế Versailles.
Rama VI mất năm 1925, không có con nối dõi, nên được người em là Prajadhipok (Rama VII) kế vị. Hai triều đại Rama VI và Rama VII có nhiều sự khác biệt nhau mà nguyên do chính là ở cá tính của hai ông. Rama VI là người tự tin luôn luôn hành động theo ý chí của chính mình. Ông đích thân trông nom việc nước, tự bày tỏ quan điểm của mình một cách rành rẽ với những người cộng sự và bắt buộc những người này phải thi hành đúng ý mình một khi đã hiểu rõ và chấp thuận. Thậm chí có những tư tưởng thấy cần phổ biến trong quốc dân, ông đã không nề hà viết những bài báo ký dưới nhiều bút hiệu khác nhau với những đề tài về chính trị nhiều khi nẩy lửa. Rama VII thì trái lại, ông quá e dè nhút nhát, thiếu tự tin nên không kiếm soát nổi triều chính. Việc nước, việc dân lần lần nằm gọn trong sự thao túng của một số hoàng tộc quốc thích. Những người này ngày càng trở nên độc đoán chuyên quyền, không những lẫn át cả quyền hành mà còn ngăn cản cả ý chí canh tân hóa chính thể (trong đó có ý định lập hiến) của nhà vua nữa. Những sự kiện ấy đã dẫn đến cuộc cách mạng chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế ở Thái.
Năm 1932, một nhóm sĩ quan cao cấp và viên chức hành chánh hạng trung đã tổ chức một cuộc chính biến nhằm chấm dứt sự chuyên chế của hoàng gia và thiết lập một chính thể quân chủ lập hiến.
Có ba yếu tố chính đã dẫn đến sự kiện này: Thứ nhất là sự sút giảm quyền hành của hoàng gia về tâm lý, nguyên do vì những tư tưởng dân chủ ở Âu châu mà lớp thị dân đã hấp thụ được cộng thêm với sự e dè nhút nhát của Rama VII trong việc trị quốc. Thứ hai là sự phát triển của những thành phần Tây học trong cơ cấu chính quyền, những người này nắm giữ những chức vụ chuyên nghiệp và luôn luôn bất mãn về sự độc quyền lãnh đạo ở những vai trò then chốt hơn của hoàng thân quốc thích ngay cả trong địa hạt chuyên môn của mình. Và sau cùng là sự suy sụp của nền tài chính quốc gia, một sự suy sụp do ảnh hưởng về chính sách kinh tế thiếu khả quan từ nhiều năm trước mà Rama VII phải thừa hưởng.
Hai nhân vật nổi bật nhất trong số những người lãnh đạo cách mạng là Phibun Songkhram, người cầm đầu nhóm sĩ quan cao cấp, và Pridi Phanomyong, giáo sư luật trường đại học Chulalongkorn, đại diện nhóm thanh niên trí thức.
Bình minh ngày 24 tháng 6 năm 1932, quân đội thuộc phe cách mạng tiến vào thành phố Bangkok và chiếm giữ tất cả các cơ sở trọng yếu. Tuyên ngôn chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế được phóng ra và sau đó nhà vua được mời ngồi lại ngai vàng trong một chính thể có hiến pháp. Chỉ trong ít ngày sau, cuộc chính biến không đổ máu đã hoàn toàn thành công. Nhà vua chấp nhận một bản hiến ước tạm thời. Nhóm gây chính biến mệnh danh là đảng Nhân Dân tự biến thành quốc hội lâm thời và tự thành lập chính phủ. Tới ngày 10 tháng 12 năm 1932, nghĩa là chưa đầy sáu tháng kể từ ngày chính biến, một hiến pháp chính thức đã được công bố và áp dụng, trong đó có đề cập tới một quốc hội gồm 156 nghị sĩ, một nửa do dân bầu, một nửa do nhà vua chỉ định.
Ít lâu sau cuộc chính biến, một nhóm quân đội và dân sự do hoàng thân Boworadet, cựu tổng trưởng quốc phòng, cầm đầu, đã nổi lên chống chính phủ. Khi nhóm quân này tiến tới gần kinh đô thì bị quân chính phủ đánh tan. Cuộc nổi loạn này đã làm cho các nhà lãnh đạo đảng Nhân dân có cớ đàn áp hoàng gia bằng cách bỏ tù hoặc buộc lưu vong ra khỏi xứ một số hoàng thân quốc thích. Hai năm sau, cả chính vua Rama VII cũng bị truất phế và bị trục xuất sang Anh quốc. Các nhà lãnh đạo chính quyền đón Ananda Mahidol, cháu vua Chulalongkorn (Rama V) lúc ấy mới 16 tuổi và đang học ở Thụy sĩ về làm vua.
Thế Chiến II Với Sách Lược Hàng Hai
Cùng lúc ấy, tình hình quốc tế đang chuyển biến sang một khúc quẹo lớn: thế giới lâm vào vòng chiến tranh, và Thái thật sự bối rối trước những báo hiệu của một trận chiến ngay tại Đông Nam Á mà một bên là Nhật, một bên là Anh Mỹ.
Giữa giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, Phibun Songkhram đã lên làm thủ tướng thay Phraya Phahon (1938). Phibun không những đã giữ vai trò then chốt trong cách mạng 1932, mà còn là nhân vật cương quyết dẹp tan cuộc nổi dậy của phe bảo hoàng. Ông là người có cá tính sắc bén, hành động quyết liệt. Nắm giữ bộ Quốc phòng từ 1934 đến 1938, ông đã hoàn toàn là trụ cột của quân đội Thái. Khi lên nắm chính quyền, ông biến đổi đảng Nhân Dân đang từ chủ trương ôn hòa sang chủ trương quá khích và do đó dẫn đến chủ nghĩa quốc gia cực đoan giống như Đức, Ý, Nhật thời ấy.
Những năm trước chiến cuộc Thái bình dương, Phibun Songkhram và Pridi Phanomyong đã sát cánh nhau tạo một ý thức mới nhằm chấn hưng tinh thần dân tộc Thái, triệt hạ tổ chức và sự lũng đoạn của nhóm Hoa kiều trong xứ và sau đó còn mưu tính cả chuyện thanh toán chế độ thực dân ở Đông Nam Á lục địa. Cùng với ý chí đó, vào năm 1939. Phibun đã đổi quốc hiệu từ Xiêm sang Mường Thái (Xứ Thái). Khi lấy tên Mường Thái, nhũng người lãnh đạo Thái đã mơ tưởng đến vùng đất vượt ra ngoài biên giới Xiêm cũ. Những ý tưởng ấy đã đã được thể hiện qua những tuyên ngôn, diễn từ, sách báo, tuyên truyền mà nhũng người viết sử sau này đã gọi là chủ nghĩa Đại Thái.
Năm 1941, quân Nhật tiến nhanh như vũ bão về phía nam Thái bình dương và đẩy lùi Anh Mỹ ở khắp các mặt trận. Bình minh ngày 8 tháng 12, Nhật tiến vào vịnh Thái Lan mà không thông báo trước cho chính phủ Thái. Đại sứ Nhật ở Bangkok đưa điều kiện hoặc là cho quân đội Nhật mượn đường đánh Anh ở Miến Điện và Mã Lai hoặc là chấp nhận chiến tranh với Nhật. Dĩ nhiên chính phủ Thái đã chọn con đường nhượng bộ, một phần vì không thể đương đầu nổi với Nhật, một phần vì một số lớn các nhà lãnh đạo Thái khi ấy vốn có khuynh hướng “thà để Á châu cho Nhật lãnh đạo trong chủ trương Đại Đông Á còn hơn để cho đế quốc Tây phương thống trị mãi người da vàng”.
Do đó, quân đội Nhật đã đồn trú ở đất Thái dưới danh nghĩa lực lượng liên minh chứ không phải quân chiếm đóng. Thái ký hiệp ước thân hữu và liên kết với Nhật, và sau đó tuyên chiến với đối phương của Nhật là Anh Mỹ.
Sự kiện này dù sao cũng giúp Thái Lan bảo toàn được chủ quyền đối nội. Còn vấn đề đối ngoại thì theo chủ trương của thủ tướng Phibun sẽ “tùy cơ ứng biến”. Chủ trương ấy được diễn tả đầy đủ trong câu nói của Phibun với vị tham mưu trưởng của ông năm 1942 “Phe nào mà ông nghĩ là sẽ thua trong trận chiến tranh này phe đó sẽ là kẻ địch của chúng ta”[3].
Đó chính là chính sách tự thích ứng để sinh tồn của Thái mỗi khi phải đương đầu với các lực lượng ngoại bang quá mạnh. Sự né tránh đó của các nhà lãnh đạo Thái còn tỏ ra khôn ngoan hơn khi Pridi Phanomyong đã lập tức rời khỏi nội các để sang làm phụ chính cho quốc vương ngay khi quân đội Nhật đổ bộ lên đất Thái. Đồng thời nhân vật số hai này đã trở thành lãnh tụ của các lực lượng chống Nhật bí mật ở Thái và luôn luôn bắt liên lạc với Trung Hoa, Anh và Mỹ. Ngoài ra tới năm 1944, khi thấy Nhật lăn mau trên đà thất trận, Phibun đã tự ý rút lui nhường ghế thủ tướng cho một nhân vật hạng thứ là Khuang Aphaiwong thay thế. Khuang đã cầm quyền cho tới khi Nhật đầu hàng.
Chính tình trạng nước đôi ấy đã cứu Thái sau Thế chiến 2. Lực lượng chống Nhật của Thái chẳng qua chỉ là con tẩy sì trong canh bài quốc tế. Nhờ con tẩy ấy mà Thái không bị liệt vào hàng ngũ các nước bại trận. Vấn đề được giải quyết thật là giản dị: Quốc vương Thái chỉ việc chọn một nhân vật theo phe đồng minh để thiết lập chính phủ cho “Nước Thái Tự Do” thay thế chính phủ thân Nhật cũ. Nhân vật đó không ai khác hơn là nguyên đại sứ Thái ở Mỹ Seni Pramoj. Ông này đã ly khai chính phủ Phibun ngay từ khi Phibun bắt tay với Nhật.
Diễn Biến Chính Trị Hậu Thế Chiến
Nếu chính sách đối ngoại của Thái đã tỏ ra khôn khéo trong sự bảo toàn được chủ quyền quốc gia thì ngược lại tình trạng nội bộ của Thái lại lâm vào cảnh bi đát rối ren đáng tiếc. Nền kinh tế Thái bị suy sụp trong thời hậu chiến. Chính trường Thái diễn ra cảnh tranh chấp tang thương. Đảng Nhân dân, cơ chế nòng cốt của chính thể Thái hoàn toàn tan rã. Điều nguy hiểm nhất là tình trạng mất tinh thần, vô kỷ luật của các cơ quan quân chính trong thời giao động đã gây nên sự thối nát, tham nhũng trầm trọng trong chính quyền.
Giữa lúc ấy, Pridi đã đứng ra thành lập chính phủ mới với ý định cố gắng cứu vãn lại tình thế bằng cách công bố hiến pháp mới và tổ chức bầu cử quốc hội. Nhưng công việc chưa tiến hành được bao nhiêu thì xảy ra vụ ám sát (ngày 9 tháng 6 năm 1946) vua Ananda Mahidol (Rama VIII). Chính quyền đã tỏ ra bất lực, hoặc cố ý bất lực, trong việc tìm ra hung thủ và nguyên cứ vụ ám sát. Trong nước, tình hình đã rối ren lại càng rối ren thêm; đến nỗi Pridi phải từ chức, nhượng lại ghế thủ tướng cho Thamrong Nawasawat, một nhân vật độc lập và bảo thủ.
Hành động từ chức của Pridi chỉ là một hình thức nhượng quyền bề ngoài, còn bên trong Pridi vẫn là người nắm thực quyền. Vì vậy, tình hình suy sụp đã không vì sự thay đổi ngoại diện này mà cứu vãn được. Chính phủ không kiểm soát nổi guồng máy hành chánh và nhất là các quân binh chủng. Ngày 8 tháng 11 năm 1947, một cuộc đảo chính do quân đội chủ trương đã xảy ra làm cho Pridi phải chạy ra khỏi xứ, còn Thamrong và các nhân vật khác thuộc phe Pridi phải lẩn trốn để khỏi bị bắt.
Những người tổ chức đảo chính không muốn gặp nhũng khó khăn mới trong vấn đề ngoại giao cũng như sự chống đối trong nội bộ nên đã mời Khuang Aphaiwong, lãnh tụ đảng Dân chủ, ra thành lập chính phủ chuyển tiếp cho tới khi tổ chức bầu cử vào tháng 1 năm 1948. Cuộc bầu cử được tổ chức khá tốt đẹp và một chính phủ chính thức ra đời với sự hợp thức hóa của quốc hội và sự công nhận của ngoại quốc. Nhưng vỏn vẹn chưa đầy hai tháng, khi vừa bắt tay vào việc giải quyết một số vấn đề cấp thời trong xứ, thì Khuang lại bị lục quân lật đổ để dành ghế thủ tướng cho Phibun.
Từ đó, chính quyền Thái luôn luôn ở trong tay quân đội. Những quân nhân nắm chính quyền không còn phải lo đương đầu với phe dân sự, nhưng lại phải thường trực đối phó với các âm mưu, các tranh chấp ngay trong hàng ngũ quân đội. Ngày 1 tháng 10 năm 1948, nhiều sĩ quan ở bộ tham mưu lục quân bị bắt giữ và bị buộc tội phản loạn. Tháng 2 năm 1949, một sự biến động đã xảy ra ở ngay giữa Bangkok do thủy quân lục chiến phát khởi để yểm trợ sự trở về của Pridi. Vụ biến động bị dẹp tan và một cuộc thanh trừng đẫm máu chưa từng thấy trong lịch sử Thái đã được phe cầm quyền thực hiện bằng cách sát hại một số khá đông sĩ quan, viên chức và chính trị gia. Năm 1950, một trong hai lãnh tụ nòng cốt của vụ đảo chánh 1947 bị trục xuất ra ngoại quốc vì bị gán cho có ý tưởng phản loạn. Tháng 6 năm 1951, hải quân và thủy quân lục chiến lại gây chính biến và bắt cóc Phibun. Vụ này bị lục quân và không quân dẹp tan trong ba ngày hỗn chiến.
Hai bộ mặt quan trọng mới xuất hiện trong vai trò lãnh đạo chống đảo chánh và trở nên người hùng của thời cuộc là tướng Phao Sriyanon, tổng giám đốc cảnh sát và tướng Sarit Thanarat, tư lệnh quân khu Bangkok. Chiếc ghế thủ tướng của Phibun nhờ hai nhân vật này nên vẫn vững, tuy nhiên cái thế kiềng ba chân tạm vững lúc ấy càng ngày càng thành khập khiễng. Phao và Sarit đều được coi là người có thể thay thế Phibun. Dĩ nhiên mỗi người đều muốn vượt trổi lên, nên có sự ganh đua ngấm ngầm nhưng quyết liệt, đặc biệt là trong việc kéo bè kết nhóm. Năm 1957, Phao nắm chức bộ trưởng nội vụ trong chính phủ Phibun, còn Sarit làm tổng tư lệnh quân đội. Phe cánh của Sarit trong chính phủ cũng khá mạnh. Tới khi có nhiều sự việc xảy ra làm cho uy tín của Phibun và Phao tổn thương, nhất là vụ bầu cử (tháng 2 năm 1957) bị báo chí và sinh viên tố cáo là gian lận, thì Sarit bắt đầu lập kế hoạch hành động. Và việc dự trù đã xảy ra: ngày 16 tháng 9 năm 1957, một cuộc đảo chánh êm đẹp và thành công. Phibun trốn ra khỏi xứ, còn Phao vài ngày sau cũng bị bắt buộc lưu vong. Cuộc bầu cử được một chính phủ chuyển tiếp tổ chức lại. Khi bầu cử xong, tướng phụ tá cho Sarit là Thanom Kittikachon đứng ra lập nội các còn Sarit thì sang Mỹ trị bệnh.
Tháng 10 năm 1958, Sarit đột ngột về nước. Ông giải tán tất cả cơ cấu chính quyền lúc ấy và tự đứng ra thành lập một chính phủ theo đường lối độc tài quân phiệt. Sarit cũng giải tán quốc hội và đặt tổ chức đảng phái cùng nghiệp đoàn ra ngoài vòng pháp luật. Ông lập lại chế độ kiểm duyệt báo chí, triệt hạ đối lập, nhất là những thành phần thiên cộng. Ông cũng có những hành động mạnh trong việc bài trừ tham nhũng, thanh lọc hàng ngũ chính quyền và tạo lai sự ổn cố chính trị trong thể chế độc tài mà ông gọi là “tạm thời trong tình trạng đặc biệt”.
Năm 1963 Sarit mất, Thanom lên kế nhiệm. Chính sách không có gì thay đổi quan trọng. Nền chính trị độc tài quân phiệt đã tạm giữ được sự ổn định chính trường trong nhiều năm, nhưng là thứ ổn định nghẹt thở đã làm cho nhân dân Thái bất mãn không ít.
Mãi tới 1968, Thanom mới nặn ra được một hiến pháp mới hé mở cho chính trị nghị trường sinh hoạt trở lại. Trò chơi dân chủ kiểu Mỹ bắt đầu, hỗn loạn kiểu Mỹ cũng nảy sinh. Phe đối lập đã không ngớt “chọc giận” chính quyền bằng cách bỏ phiếu chặn đứng nhiều dự luật. Cái vòng lẩn quẩn độc tài quân phiệt và dân chủ hỗn loạn, dân chủ hỗn loạn và độc tài quân phiệt lại xoay vần đến một cuộc đảo chính (ngày 17 tháng 11 năm 1971).
Trong cuộc đảo chính này, Thanom đã giải tán quốc hội và chính phủ, đình chỉ thi hành hiến pháp, ban hành quân luật trên toàn quốc, thiết lập quyền cai trị của Uỷ Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương. Cả hai ủy ban đều do Thanom cầm đầu!
Đòn quyết liệt của Thanom có vẻ đang lái con tàu Thái xoay mũi về hướng Mỹ nhiều hơn nữa. Nhưng nếu thiên hướng hữu khuynh quá mạnh thì lại sẽ có thiên hướng tả khuynh làm cho thăng bằng. Người quan sát bên ngoài chỉ còn biết chờ những diễn biến mới xảy ra sau này để khẳng định sự tồn tại đường hướng cổ truyền của một dân tộc, con đường tự thích ứng để sinh tồn.
Ghi Chú:
[1] Vua Mongkut đã là tu sĩ Phật giáo trong 27 năm. Ông đã học La tinh, toán và thiên văn với các giáo sư ngoại quốc và học tiếng Anh với ba nhà truyền giáo Mỹ. Ông cũng mời nhiều người ngoại quốc làm cố vấn và dạy học, mà một thời đã có tới 84 ngoại nhân ở Bangkok. Một người Anh trong số những giáo viên của con vua Mongkut ngày nay còn được nhiều người biết tiếng là bà Anna Leonowens, nhờ viết cuốn sách kể lại thời gian mình ở hoàng cung Siêm (Anna and the King of Siam).
[2] Trong đó có các tỉnh Sipsong Chuthai, Luang Prabang và Vientiane của Lào, vùng tây bộ Kampuchia và 4 tỉnh Kedah, Perlis, Kelantan, Trengganu thuộc Mã Lai.
[3] Net Khemayothin, Công tác bí mật của đại tá Yothi (Thái ngữ), Bangkok, 1957, trang 1, trích dẫn qua Government and Politic of Southeast Asia, ấn bản kỳ 2, New York, Cornell University Press 1966, trang 20.
Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh - Phạm Việt Châu Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh