Tôi luôn cố gắng làm những gì tôi chưa biết và nhờ đó, tôi có thể làm được những điều tưởng như ngoài khả năng của mình.

Pablo Picasso

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4352 / 180
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
áo tin mừng cho em biết
Anh vừa tháo gỡ loạt bom
Có trái nổ
Cám ơn trời anh không chết
Nhưng bạn-bè người banh xác, kẻ cụt chân
Báo tin mừng cho em biết
Anh vừa phát hoang khu rừng
Khi gom đốt
Đạn chìm sâu lên tiếng thét
Cám ơn trời anh không chết
Nhưng bạn-bè người vỡ ngực kẻ bay lưng
Báo tin mừng cho em biết
Anh vừa đục núi gài mìn
Lửa bén ngòi nhanh
Đá bay như đạn rít
Cám ơn trời anh không chết
Nhưng bạn-bè người hộc máu, kẻ mù luôn
Báo tin mừng cho em biết
Anh vừa bắc lại cây cầu
Đang mùa lũ
Nước nguồn chẩy xiết
Cầu sập trôi
Cám ơn trời anh không chết
Nhưng bạn-bè người no nước, kẻ mù khơi.
Báo tin mừng cho em biết
Anh vừa chui xuống hầm phân
Hàng tỷ con ròi bò khắp mình anh gớm ghiếc
Cám ơn trời anh không chết
Nhưng bạn-bè người ngất xỉu, kẻ mửa mật vàng xanh.
Báo tin mừng cho em biết
Anh vừa ăn chuột cống, bọ cạp, thỏ sình
Cóc nhái, rắn rết, châu-chấu, cào-cào
Ăn rau tầu bay, cỏ trời, cỏ dại tào-lao
Cám ơn trời anh không chết
Nhưng bạn bè người tiêu ma, kẻ kiết-lỵ quặn đau.
Báo tin mừng cuối cùng cho em biết
Ngày anh chết
Xác anh nhét trong chiếc hòm
Trên xe cải-tiến
Bạn anh kéo, đẩy đem chôn
Mồ anh sẽ cạnh mồ tên ăn cắp
Chẳng một ai được quyền vẫy tay, lau nước mắt
Người ta đọc lệnh tha anh thay thế điếu-văn
Anh hoàn-toàn tự-do về sum-họp gia-đình
Duyên Anh
Thơ Tù, Nam Á Paris 1984
Bài thơ Tin Mừng, theo người tù không có án là cảm-xúc, có thể, gọi là nguyên-khối mà tôi đã sáng-tác ở Sa Ác. Tôi nói có thể vì một vài sự-kiện xẩy ra ở Sa Ác mà ở các trại Đồng Ban, Trảng Lớn, Kàtum, Suối Máu mà các bạn tù ở Phước Long kể cho tôi nghe. Như gỡ bom bị nổ, nhiều tù-nhân chết, nhiều tù-nhân cụt chân, cụt tay. Như phát-quang gom cây đốt, đạn nổ, tù-nhân mang thương-tích. Như gài mìn đục núi lấy đá, tù-nhân bị tức ngực, bị mảnh đá văng trúng mắt. Như bắc cầu bị sập, tù-nhân mất-tích. Đội 21 nông-nghiệp của Đằng Giao đã gỡ bom. Các Đội phát-quang của Sa Ác B đã đốt cây nhằm chỗ đạn vùi sâu dưới đất. Đội 38 của Dương Đức Dũng đã bắc cây cầu qua sông Ray mùa nước lũ… Tôi muốn cảm-xúc của tôi được ghi tại chỗ. Tôi muốn thơ của tôi không bị xếp loại với thơ “chiêm-bao sự thật”. Những người chưa hề đọc Thơ Tù của tôi sẽ thắc-mắc rằng tôi đã làm thơ tù như thế nào? Trang đầu của Thơ Tù, tôi giải-thích:
“Anh phải có trí nhớ thật tốt. Điều này những kẻ nhốt anh đã tuyên-dương anh: Bọn nhà văn là bọn biết dấu-diếm những điều cần dấu-diếm kỹ trong đầu óc của chúng (Huỳnh Bá Thành, “Vụ án hồ con rùa”, nhà xuất-bản Tuổi Trẻ, tp. Hồ Chí Minh 1982). Họ tuyên-dương anh để quản-lý cả thể-xác lẫn linh-hồn anh đấy. Nếu anh bị nhốt ở các đề-lao Sàigòn, Chí Hoà chẳng hạn, anh sẽ hiểu rằng mọi thứ giấy bút đều bị nghiêm-cấm. Bất chợt, cai ngục khám-xét túi bị của anh. Điều này thường xuyên xảy ra tại đề-lao thành-phố. Một mẩu bút chì thôi, anh vẫn bị còng chân, bị tống vào cachot. Nếu thêm mẩu giấy ghi chép vài câu vô-nghĩa, họ sẽ nâng quan-điểm anh, bắt anh làm tự khai ròng-rã để định-nghĩa sự vô-nghĩa của chữ-nghĩa vô-tình. Vậy anh làm thơ bằng cách nào?”
° ° °
Tôi làm thơ trong tù bằng óc của tôi. Tôi dựa lưng vào tường bê-tông. Tôi bám chấn song sắt to hơn cánh tay tôi – chấn song sắt của khám Chí Hòa – nghĩ thơ. Tôi nhắm mắt làm thơ. Tôi mở mắt sửa thơ. Tôi nằm gối đầu trên tay học thuộc thơ. Quên cũng lắm. Sai cũng nhiều. Bằng óc. Óc tôi là giấy, là bút, là mực. Trí nhớ tôi là máy ghi âm. Thiếu chính xác vì thiếu sinh tố bồi dưỡng. Người ta cấm tôi dùng tay đề viết. Tôi dùng tay đề gãi ghẻ. Vừa gãi ghẻ vừa làm thơ. Cần gì phải giấy bút. Cần gì phải cảm hứng. Nỗi ngứa đã là cảm hứng tuyệt vời. Tôi làm thơ và tôi gãi ghẻ. Bởi vì trong thống khổ và cô đơn, tôi thèm thơ. Tôi thèm thơ hơn tôi thèm nhìn giọt nước mắt của vợ, thèm ngắm nụ cười của con, thèm thấy một miếng đời sống bên ngoài cánh cửa phòng giam nặng hàng tấn, thèm ăn cơm trắng, thèm uống nước trà, thèm tắm gội tập thể quá mười phút… Tôi làm thơ như Hồ Chí Minh làm thơ, như Tố Hữu làm thơ. Trong tù. Nhưng tôi không hậm hực kiều Hồ Chí Minh, rên xiết kiểu Tố Hữu. Tôi phơi phới. Tôi phiêu bồng. Tôi lãng du. Dẫu nhà tù Tố Hữu nhốt tôi ngày nay khốn nạn gấp ngàn lần nhà tù thực dân nhốt Tố Hữu ngày xưa. Luôn luôn chúng ta hơn cộng sản, thi sĩ của chúng ta hơn cộng sản. Chúng ta đem đời sống vào ngục tù. Chúng ta không đem ngục tù vào đời sống, dù ngục tù hằng đe dọa hủy diệt đời sống của chúng ta. Chúng ta lên tiếng chứ không lên án. Tiếng nói của chúng ta thơm nồng trái thị cổ tích, rạng rỡ tấm lòng Thạch Sanh. Chúng ta ký thác tình yêu cho muôn thuở. Chúng ta không kêu gào thù hận nhất thời. Chúng ta có phần thưởng của chúng ta với dân tộc, với nhân loại như những người công chính có phần thưởng của họ trên nước Thiên Đàng.
Anh làm thơ trong tù bằng óc. Tôi hiểu rồi. Lao động khổ sai đầy đọa thể xác anh. Mỗi ngày anh ăn ba chén sắn lát, hai lưng cơm hẩm. Với nước muối. Với rau muống giây kẽm gai. Với củ cải sơ mướp. Anh phải phá gò mối nghìn năm giữa rừng. Anh phải hạ cây cổ thụ già chín kiếp đời anh. Anh phải khiêng bom chưa kịp nổ. Anh phải lấp hố bom. Anh phải xuồng hầm phân nhung nhúc cả tỷ con ròi, vục đầy xô phân bằng tay anh – tay anh thường chỉ quen cầm bút – và ròi chui vào lỗ tai anh. v.v… Người ta kiểm soát anh tất cả, anh mỏi mệt với những hồi kẻng não nùng, anh đặt lưng là anh ngủ. Vậy anh làm thơ bằng cách nào, ngoài trại tập trung?
Tôi làm thơ vì tôi thèm định nghĩa con người. Tôi thèm định nghĩa con người trong nỗi thống khổ đòi đoạn mà con người biết chịu đựng một cách can đảm, im lặng và khiêm tốn. Thi sĩ là người nhìn rõ sự bất hạnh trong hạnh phúc và, đồng thời, không ngừng khám phá hạnh phúc trong bất hạnh. Từ dưới hầm phân, tôi ngửi được hương thơm hiếm có trên đất trời. Tôi biết ngưỡng mộ con gọng vó suốt đời bơi ngược dòng nước lũ. Tôi cảm được tâm hồn nó và, nhờ nó, tôi đã được soi sáng. Trước đây, tôi chỉ tưởng tượng nỗi khổ, bây giờ, tôi trực diện nỗi khổ, dẫy dụa trong nỗi khổ. Trong tù, ngứa ghẻ là cảm hứng sáng tác của tôi. Ngoài trại tập trung, đau khổ là mật ngọt của đời sống tôi, đời sống một nghệ sĩ. Tôi làm thơ. vì thế. Đừng sợ người ta kiểm soát tất cả. Khí trời, bầu trời, thiên nhiên và tâm hồn đích thực của con người, không ai kiểm soát nổi”…
Những bài thơ nồng nàn nhất của tôi, tôi đã viết ở trại tập trung khổ sai lao động. Thí dụ bài:
Một năm thèm đường ở Suối Máu.
Người tù ngồi lựa gạo
Nhặt được vài hạt ngô
Bắt đầu một giấc mơ
Một giấc mơ ảo não
Ngay miếng đất anh nằm
Những hạt ngô reo rắc
Những hạt ngô nẩy mầm
Những cây ngô ao ước
Thân ngô nhú cao dần
Từng phân rồi từng tấc
Từng sáng anh tưới nước
Từng chiều anh ngó thăm
Ngô lên bằng đầu người
Gió đùa lá ngô vui
Nỗi niềm tan trong máu
Tù nhân dấu nụ cười
Anh múa lưỡi dao rừng
Những thân ngô ngã rạp
Mỗi khúc mỗi người cạp
Ôi, ngọt đến vô cùng
Đám bạn tù nhìn nhau
Mắt long lanh giọt ngọc
Bây giờ là hạnh phúc
Tìm thấy khi qua cầu
Duyên Anh
Thơ Tù, Nam Á Paris 1984
Bài thơ này cảm hứng từ câu chuyện một năm thèm đường của anh bạn tù ở trại Suối Máu kể cho tôi nghe. Người khác kể chuyện ở trại Đồng Ban, tù nhân cuốc trúng mìn bị cưa chân bằng cưa dùng để cưa củi. Tôi đã ghi nhanh bài:
Về nỗi khổ thật mới
Báo tin cho em biết
Bạn anh vừa cuốc đất trúng mìn
Mìn nào đó, ôi trái mìn xảo quyệt
Ai cũng được quyền gài và quyền lớn tiếng thanh minh
Bạn anh quỵ xuống rất êm
Ôm chân máu vì không muốn chết
Sau những giây phút sững sờ oan nghiệt
Bạn anh được cõng vội về
Chẳng thuốc mê và chẳng cả thuốc tê
Người ta đè bạn anh ra cưa sống
Lưỡi cưa cùn cưa gỗ cưa cây thật ớn
Đã cưa xương cưa thịt con người
Bạn anh thét kinh âm hưởng vút lên trời
Bạn anh dẫy dụa đất nứt tung cục cựa
Anh ghì tay bạn anh
Mắt cài then kín cửa
Hồn đi xa khỏi thế giới lầm than
Nỗi đau đóng đinh thập giá có đâu bằng
Bạn anh bị cưa chân bởi thứ cưa cưa gỗ
Nhân loại có nhiều nỗi khổ
Nhưng chưa có nỗi khổ nào giống nỗi khổ bạn anh
Chưa có nỗi khổ nào giống nỗi khổ Việt Nam
Nỗi khổ vàng son xứng đáng tôn vinh
Nỗi khổ làm cho anh em mình biết sống
Nỗi khổ làm cho loài người rung động
Anh mở mắt nhìn
Chân bạn anh rụng mất rồi
Hôm nay bạn anh chống nạng mĩm cười
Báo tin cho em biết
Duyên Anh
Thơ Tù, Nam Á Paris 1984
Những bài thơ tù của tôi không làm cho đồng bào của tôi di tản sang Mỹ trước 30-4-1975 xúc động. Họ dửng dưng. Có lẽ, “nỗi khổ vàng son xứng đáng tôn vinh” đã làm họ phiền phức. Nhưng người ngoại quốc thì xúc động khóc sướt mướt. Ở Grenoble. Ở quận 6 thành phố Paris. Mời bạn nghe ông Pierre Bas, Viện sĩ Hàn lâm viện khoa học hải ngoại Pháp Dân biểu danh dự, Thị trưởng quận 6 Paris phát biểu:
“… Pierre Chaunu đã giới thiệu Duyên Anh với chúng ta. Độc giả của chúng ta thừa biết Chaunu là một nhà văn, một sử gia một xã hội học gia, một tư tưởng gia đã làm vinh dự cho xứ sở chúng ta. Chaunu giới thiệu Duyên Anh như một nhà thơ lớn, một niềm hãnh diện và vinh quang cho quốc gia đã bị cộng sản nhốt vào tù ngục. Những bài thơ được chuyền dịch Pháp ngữ do kịch sĩ Michel Etcheverry của Viện kịch nghệ quốc gia Pháp diễn tả thật xuất sắc. Quần chúng rất xúc động.
Được thả ra khỏi trại cải tạo nhờ những phản kháng của thế giới tự do, Duyên Anh cho chúng ta hiểu trại ấy là gì: Một thế giới của kinh hoàng, của đau thương ghê gớm, một hệ thống tù đầy, có lẽ còn tồi tệ hơn cả hệ thống tù đầy mà Soljenitsyne đã cực tả. Đó là thế giới của sự tàn ác, của sự cuồng bạo, của những nhục nhã, của những trừng phạt tàn khốc, một thế giới mà không một người nào trong phòng này biết đến sự hiện hữu của nó, một thế giới mà chúng ta biết nhờ sự tiết lộ, một thế giới mà người ta lấy làm hổ thẹn vì nó đã có vào năm 1987 trước mắt nhân loại, một thế giới của tuyệt vọng, nhắc nhở người ta đến sự ghê tởm của các trại tập trung của quốc xã. Tối hôm đó, một buổi tối vui vẻ và dễ chịu như mọi buổi tối vui vẻ và dễ chịu của Paris, chúng ta mới được biết rằng, trên trái đất, tại Việt Nam, đã có chủ nghĩa quốc xã với những sự ghê tởm của nó.
Tôi đã nói đủ, những bài thơ của Duyên Anh sẽ kể hết cho quý vị biết. Tôi mong mỏi quý vị sẽ tìm đọc những bài thơ ấy. Như thế, quý vị sẽ được thông báo đầy đủ, quý vị sẽ hiểu những gì đang xẩy ra trên trái đất. Quý vị sẽ hỏi các tổ chức từ thiện, các hội đoàn tranh đấu cho nhân quyền rằng, mỗi khi một nhà báo không xem được hồ sơ tại một xứ nào đó của tây phương, các tổ chức ấy vẫn la lối thì nay, hỏi xem họ đã làm gì khi con người bị hạ nhục, con người bị hành hạ. Duyên Anh gọi đó là “sự đóng đinh trên thập giá”. Đúng vậy, đó là những sự hành hạ cũng tàn khốc như sự đóng đinh trên thập tự giá lên con người của thời đại chúng ta mà chúng ta lại giả vờ không biết, chúng ta bịt tai, chúng ta không muốn dính líu.
Chúng ta trông đợi Bộ ngoại giao Pháp tìm cách chấm dứt những sự ghê tởm đó đi. Không thể nào chấp nhận nước Pháp sẽ không nói gì với các tổ chức quốc tế, có lẽ viện cớ cần giải quyết vài hồ sơ hợp tác, trong khi có những mạng người cần phải cứu vớt. Chúng ta có bổn phận báo động dư luận nhân dân Pháp. Tôi cam kết dẫn đầu cuộc chiến này và tôi cầu mong nhiều người khác nhập cuộc cùng tôi. Những gì đang xẩy ra tại Việt Nam phải được chấm dứt, nếu không khuôn mặt nhân loại bị đánh tạt và bị ô nhục bởi những sự ghê tởm của chế độ Hà nội”.
(trích bài xã luận của tờ Le Courrier tháng 2-1987)
Hơn cả sự hờ hững, đồng bào trong và ngoài nước của tôi đã quên lãng những tù nhân, những nhà tù, những trại tập trung khổ sai lao động. Còn nhớ chăng là những người mẹ có con đi lao cải, những người vợ chung thủy có chồng đi lao cải, những người con có cha đi lao cải, những người em có anh đi lao cải. Thỉnh thoảng vài anh cai thầu nỗi khổ lại ném vào sự lãng quên những phản đối làm cảnh, những phản đối được đài thọ một chuyến đi, những phản đối đánh bóng cá nhân 30 năm sống bên Tây, những phản đối có mặt của một chủ tịch đào nhiệm từ 1973 cho cái gọi là Trung tâm Văn Bút đỡ trơ trẽn. Tôi cảm thấy bộ hồi ký tù ngục của mình vô duyên, lãng nhách. Nó vô duyên, lãng nhách vì những tên tướng khốn kiếp đào ngũ, sau 13 năm sống vô liêm sỉ trên đất nước Hoa kỳ, vẫn còn thừa thãi sự vô liêm sỉ đề mặc quân phục Việt Nam cộng hòa, nhâng nhâng nháo nháo phơi bầy những khuôn mặt đã ngâm “nước vỏ lựu, hoa mào gà” cứ đen thui như mõm chó, đi duyệt binh Ngày Quân Lực không còn…quân lực. Khi ấy, sĩ quan kiêu hùng của chúng ta, của dân tộc ta của tổ quốc ta,nạn nhân của bầy tướng lãnh bất tài, tham nhũng đầy tớ Mỹ, đang quằn quại ở các trại lao cải cộng sản. Giọt nước mắt nào cho những anh hùng bị tước đoạt quyền chiến thắng ấy ở đêm liên hoan có nhẩy đầm tíu tít Ngày Quân Lực…lưu vong? Không có giọt nước mắt nào cả. Chỉ có những tiếng cười man rợ, tiếng rượu trôi ừng ực xuống dạ dầy. Chúng nó đã khiêu vũ trên nỗi thống khổ của chiến hữu chúng nó, của dân tộc chúng nó. Chúng nó khỏa lấp sự phẫn nộ của người công chính. Chúng nó bảo cần thiết một “huynh đệ chi binh” trong Ngày Quân Lực. Chúng nó bảo cần thiết những thằng tướng bẩn, tướng hèn, tướng đào ngũ triển lãm toàn diện sự bất cố liêm sỉ. Chúng nó bảo cần thiết những thằng tướng khốn kiếp phóng uế trên đất nước Lincoln. Và chúng nó khoán quyền đại diện tù nhân chiến hữu của chúng nó cho cai thầu nỗi khổ 30 năm phè phỡn bên Tây, chưa hề nhìn thấy lính Sài gòn cũng chưa hề nhìn thấy bộ đội Hà nội.
Người Mỹ đã không dạy chúng nó cách cai tri đồng bào chúng nó ở Việt Nam. Người Mỹ cũng không thèm dạy chúng nó những bài học dân chủ và trò chơi dân chủ ở nước Mỹ. Mở miệng, chúng nó nói dân chủ và chiến đấu cho dân chủ, tự do. Nhưng chúng nó chỉ muốn độc quyền tự do, dân chủ. Chúng nó đòi tự do, dân chủ…độc tài. Chúng nó đòi tự do phóng uế chính trị, phóng uế kháng chiến, phóng uế giải phóng dân tộc. Nhưng chúng nó cấm người khác tự do phản kháng phóng uế chính trị, phóng uế kháng chiến, phóng uế giải phóng dân tộc. Chúng nó không thích trò chơi dân chủ. Chúng nó không thích đối lập ở nơi chốn mà dân chủ, tự do là biểu tượng cao quý nhất của con người, bất kề con người nào, mầu da nào, chủng tộc nào. Bọn ngu xuẩn này chỉ thích duy ngã độc tôn, sau chúng nó là đại hồng thủy. Quyền uy ảo tưởng và thế lực báo chí giẻ rách của chúng, có thể đe dọa những người cầu an, những người yếu bóng vía, có thể bịt miệng sự lên tiếng của bọn nhà văn Hamburger sinh ra đã sợ bạo lực và chỉ dám bạo miệng chống đối Cộng sản cách xa một đại dương, chỉ dư can đảm lè nhè chửi bới người vắng mặt song, không thể không bao giờ có thể đe dọa, bịt miệng nổi những nhà văn, những nhà báo khí phách và thừa thãi tài năng. Một bài thơ lửa đủ đốt thiêu chúng nó. Một bài báo thép đủ chặt ngang thây chúng nó. Chưa cần một cuốn sách. Và chẳng cần đến một tác phẩm. Thực chất, chúng nó chẳng có quyền uy gì. Nếu các nhà văn bầy tỏ thái độ nhất loạt, nếu báo chí tư cách bầy tỏ thái độ nhất loạt, chúng nó sẽ co rúm, sẽ cúi gầm mặt, sẽ câm họng. Chúng nó chẳng là cái gì cả. Chúng nó là đồ bỏ.
Người tuổi trẻ lưu vong phải quán triệt điều này:
Những ông chính khách kinh niên, những ông lãnh tụ đảng phái già nua, những tên đã nắm quyền bính ở miền Nam, những thằng tướng hèn đào ngũ không có tương lai, không còn tương lai nữa. Họ không chiến đấu cho tương lai của dân tộc đâu. Hiển nhiên. Vì họ thiếu tài năng và tư cách. Cái mà họ đang gọi là chiến đấu chỉ là cuộc chiến đấu hư ảo nhằm mục đích phục hồi quyền bính dĩ vãng. Phục hồi quyền bính dĩ vãng đã là hư ảo, với bọn kể trên, là hư ảo bình phương. Bọn họ được chia làm hai loại. Một loại chưa nắm quyền bính, chưa ngồi ở những địa vị có thể ăn cắp nhiều. Một loại đã nắm quyền bính, đã ngồi ở những địa vị tha hồ ăn cắp. Loại thứ nhất, vì ăn cắp ít, nên lưu vong không được xếp vào loại tổ sư ăn cắp đâm ra “đố kỵ” tài năng …. ăn cắp. Chúng tìm nhau, hùn hạp lập công ty kháng chiến, hợp tác xã giải phóng dân tộc. Chúng bắt chước cộng sản, bôi son vẽ phấn cho chủ tịch, râu ria vài sợi, khăn rằn quấn cổ, gò khuôn mặt chủ tịch méo mó, khắc khổ. Chúng soạn cương lĩnh và hò hét... lạc quyên, xổ số, tem phiếu, hũ gạo. Và chúng vơ vét ngót nghét 10 triệu đô la, vẫn tiếp tục rao truyền cương lĩnh lạc quyên đốn mạt cho sự nghiệp ăn cắp công khai của chúng. Biểu tượng khốn kiếp của thời đại mê sảng là chủ tịch HCM. Rốt cuộc, công ty rã đám. Chủ tịch lạc quyên đòi chủ tịch lãnh tụ làm sáng tỏ tiền ăn cắp? Lý do đơn giản: Chúng nó chia chác không đồng đều. Loại thứ hai, ăn cắp nhiều no nê rồi, ngồi cạp tiền ăn cắp mãi đâm ra tương tư dĩ vãng. Thêm nữa, bị vợ khinh con chê, nhân tình lỉnh. Đường đường tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng, đại tướng, trung tướng, thiếu tướng hét ra khói, ói ra lửa, nay cà lơ thất thểu, đứa ngồi thở dài, đứa bán rượu, đứa gác-dan, vợ nó khinh là đúng. Bèn phẫn chí may quân phục, mua sao lên sân khấu thủ những vai hề cù không ai cười mà chủ đề nghe phỉ báng. Lâu lâu, chúng nó phát ngôn “Phục quốc là trách nhiệm”, “Giải phóng dân tộc là bổn phận”. Đúng rồi, phục quốc và giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị cộng sản là trách nhiệm, là bổn phận của mọi người Việt Nam, trừ những thằng tướng hèn đào ngũ, những thằng tổng thống, tổng trưởng đầy tớ Mỹ, tham nhũng, thối nát. Một thằng tướng đã tuyên bố. “Tôi không đi đâu cả, tôi ở lại để ăn cơm với tương cà, canh mắm. Ăn bơ, uống sữa chỉ đi té re. Đứa nào sang Mỹ thì, đàn ông làm cu ly, đàn bà làm đĩ”! Lịch sử nào cũng có những trang chó đẻ Những trang chó đẻ của lịch sử hiện đại của dân tộc ta, ngoài sự phản phúc của Mỹ còn ghi cả xú ngôn của những thằng vô lại. Thằng tướng vô lại ấy đã sang Mỹ. Vợ nó cũng sang Mỹ. Nó có làm cu ly? Vợ nó có làm đĩ? Điều này bình thường. Hơn cả bình thường, nó tầm thường. Đôi khi còn hợp lý. Cái không bình thường là nó còn dám diện quần áo tướng, quấn phu-la đi duyệt binh Ngày Quân Lực…tan hàng, ở một nơi ai muốn làm gì tùy ý, miễn là đừng phóng uế lên danh dự Việt Nam. Vợ nó cũng… duyệt binh. Khi có ai lên tiếng rằng cu ly và đĩ không được phép nhục mạ quân đội, sẵn sàng khuyển mã của khuyển mã lý luận: Ngày Quân Lực là ngày đoàn kết quân đội! Đồng ý. Nhưng quân đội là những ai? Quân đội có phải là của tướng lãnh, nhất là của tướng lãnh đào ngũ hèn mọn? Không đâu, quân đội của chúng ta là những người lính kiêu hùng, là những hạ sĩ quan gan dạ, là những sĩ quan trong sạch quả cảm chiến đấu chống kẻ thù cộng sản đến giây phút cuối cùng. Ở Khánh Dương, ở trước dinh Độc Lập, ở cầu Thị Nghè, lính và sĩ quan dũng cảm của chúng ta còn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chỉ có những thằng tướng đang hung hăng sủa bậy “phục quốc, giải phóng, kháng chiến” là đào ngũ, là cút chạy quá sớm trước lệnh đầu hàng. Những kẻ đã đào ngũ có còn là quân đội, có còn là chiến hữu của những người lính đang chiến đấu ở quê nhà, những sĩ quan đang quằn quại ở trại tập trung khổ sai lao động của cộng sản? Quân đội của những người lính đã thắp sáng Bình Long, Kontum, Pleime, Quảng Tri…, đã tưới máu đào từ Bến Hải vào tận Cà Mau có thể “đoàn kết” với những thằng tướng đào ngũ, có thể bị nhân danh bởi những thằng vô lại?
Người tuổi trẻ đã là lính hay chưa là lính cần nhìn rõ vấn đề, cần điểm mặt lãnh tụ. Để nhận đường chiến đấu. Cuộc chiến đấu hôm nay là cuộc chiến đấu của Thiên Thần với Ác Quỷ. Nó đòi hỏi nhiệt tình, lòng tự phụ, tài năng và sáng tạo chỉ có ở tuổi trẻ. Vậy nó là cuộc chiến đấu của tuổi trẻ. Cuộc chiến đấu này phải loại bỏ lãnh tụ già, lãnh tụ vô lại, lãnh tụ vô học; loại bỏ bọn tay sai Mỹ, tay sai Liên Xô, tay sai Tây, tay sai Tầu cũ và, đồng thời khu trừ bọn tay sai Mỹ, tay sai Liên Xô, tay sai Tây, tay sai Tầu mới, dẫu tay sai có là người trẻ trung, mới mẻ. Cũng khu trú luôn đám cai thầu nỗi khổ của dân tộc, dây máu ăn phần sau 30 năm ngủ vùi trên đất thiên hạ.
Viết đến đây, tôi bỗng cảm thấy bộ hồi ký ngục tù của tôi không vô duyên, lãng nhách nữa. Còn tuổi trẻ Việt Nam an ủi tôi, còn tuổi trẻ Việt Nam là những người tôi sẵn sàng cống hiến chút tài năng còm cõi của tôi, chút kinh nghiệm kinh qua thống khổ của tôi, trọn phần đời còn lại của tôi, cho họ. Cho hết. Cho không đòi hỏi. Để họ không còn bị làm guốc cho bọn lãnh tụ ghẻ lở. Để họ không còn bị ném lên sân khấu bởi bọn đạo diễn mù. Tôi không có tham vọng chính trị. Tôi không có máu mê lãnh tụ. Tôi không lợi dụng tuổi trẻ. Tôi là nhà văn. Nhà văn thì không cần thế lực và hậu thuẫn. Thế lực và hậu thuẫn của nhà văn là Sự Thật và Lẽ Phải. Và đó chính là khuôn vàng thước ngọc của người cầm bút ở bất cứ thời đại nào. Bằng Sự Thật và Lẽ Phải, nhà văn khinh thường Bạo Lực. Luôn luôn bị Ngộ Nhận, bị Chụp Mũ, bị Đe Dọa, bị Vây Hãm nhưng chằng bao giờ bị hủy diệt vì không một bạo lực nào đủ khả năng hủy diệt Cái Thật, Cái Tốt, Cái Đẹp. Lý tưởng chiến đấu của tuổi trẻ thế hệ sau 30-4-75 và những thế hệ kế tiếp là phải leo lên đỉnh ngọn Chân, Thiện, Mỹ; phải tạo dựng chính quyền cho quê hương Việt Nam, phải là Vạn Thắng Vương, dẹp tan 11 thứ phỉ, thứ ngụy để mơ kỷ nguyên Đại Cồ Việt mới.
Trong ý nghĩ ấy, tôi tình nguyện làm con ngựa già kéo xe cho Tuổi Trẻ ruổi rong làm lịch sử. Với tôi, giai đoạn tiểu thuyết lẩm cẩm, tùy bút tửu điếm, phòng trà lăng nhăng chấm dứt. Với tôi. hôm nay: “Cho lửa vào thơ văn hay cho thơ văn vào lửa”. Hoặc tôi tiếp tục văn chương chiến đấu, tư tưởng dấy động và chấp nhận mọi nghịch cảnh, mọi hệ lụy vây hãm, hoặc tôi bẻ bút. Tôi chọn lựa văn chương chiến đấu, văn chương có chính kiến rõ rệt. Người cầm bút phải có thái độ sống và thái độ viết thích ứng với thời đại của y. Nói theo nhà tư tưởng lý Đông A: “Văn nghệ phải để cho yêu thương của lý tưởng có tranh đấu trụ trì “ 1. Những kẻ cầm bút không có chính kiến, cầu an, sợ hãi bạo lực, thù hận của bạo lực và hình phạt của bạo lực chỉ là bọn thư lại chữ nghĩa. Những kẻ cầm bút chối bỏ Sự Thật và Lẽ Phải, nói theo Lý Đông A là bọn văn nghệ “mõ chợ”, bọn văn nghệ “chó sủa” 2. Lý Đông A mượn ý của Shelley nhắc nhở rằng: “Nhà văn phải thổi kèn đánh thức” con người và lương tri của con người. Tôi muốn làm người thổi kèn, chỉ đề đánh thức cho tuổi trẻ Việt Nam lên đường và báo động hoàng hôn chết của lãnh tụ già nua mọi mặt. Thế thôi.
Trong mọi lãnh vực, người tuổi trẻ cần hiện diện. Lão thành cách mạng, lão thành ký giả, lão thành chính khách, lão thành văn sĩ là những người sắp chết, gần kề nỗi chết. Tương lai thì lại sẽ tới, sắp tới, đang tới và còn tới mãi mãi, vô tận. Tương lai không của người già càng không phải của những người hết thời. Tương lai là của tuổi trẻ. Tương lai là mầm vừa nhú, lộc đang đâm chồi, hoa chờ hé nhụy. Tương lai không là cây đã cổ thụ, hoa đã héo tàn, cà đã thâm, dưa đã khú. Đất nước chỉ toàn cây cổ thụ là đất nước buồn bã. Vì trên ngọn thì quạ đậu đầy, dưới gốc thì bình vôi đặc khịt chồng chất. Đất nước ta đã 50 năm rặt quạ và bình vôi. Và đất nước ấy đã thê thảm cùng cực. Phải làm cho đất nước cơ man cây trổ hoa, đơm trái. Phải làm cho đất nước rộn ràng ong bướm, véo von chim hót. Và đó, nghĩa vụ của tuổi trẻ Việt Nam. Tôi hy vọng, bộ hồi ký tù ngục này sẽ giúp tuổi trẻ đôi chút kiến thức về cộng sản. Đề họ nhìn kẻ thù chính xác mà chiến đấu. Nó cũng còn là một báo động một xúc động phôi phai cho họ, những người rời quê hương trước 30-4-1975 quá trẻ, dễ chìm nghỉm dưới bùn lầy vật chất nước Mỹ và đã quên thân phận dân tộc, số phận tù nhân lao cải mà thống khổ chịu đựng, văn chương của tôi không đủ khả năng diễn tả.
--------------------------------
1 Đạo Trường Ngâm, Thay lời tựa, Nhân Chủ Học Xã xuất bản, USA 1985.
Trại Tập Trung Trại Tập Trung - Duyên Anh Trại Tập Trung