Số lần đọc/download: 1162 / 14
Cập nhật: 2016-06-17 07:56:01 +0700
Chương 8
H
ình như số mệnh không cho Liên được mơ tưởng hão.
Bởi, ngay hôm sau, một bức thư nữa lại bay tới nàng. Ấy là một vết roi quất mạnh lên cái sợ vừa thiu thiu nằm yên trong người nàng.
Lần này, kẻ kia đòi hai trăm.
Liên phải vâng theo tức khắc.
Nàng hoảng kinh trước sự đòi hỏi mỗi ngày một to thêm mà chắc rồi đây nàng sẽ không thể làm cho thỏa mãn được.
Rồi đây kẻ kia sẽ đòi bốn trăm, một ngàn.
Liên càng cho, nó càng đòi. Cho đến khi nào Liên kiệt lực, lúc ấy bức thư nặc danh mới đến đem theo cả một tai vạ.
Cái mà Liên đem tiền ra đổi được, ấy chỉ là một sự nghỉ tạm, vừa đủ cho nàng kịp thở, nghĩa là chỉ vài ba hôm, một tuần lễ là cùng.
Ấy là chưa kể quãng thời gian ấy còn bị những khúc mắc nó làm cho thành vô giá trị là khác.
Cái sợ hãi quái gở nó theo sát nàng đến nỗi Liên không thể đọc sách hay chuyên chú vào bất cứ một sự gì khác được.
Nàng phát ốm vì lo. Nhiều lúc trống ngực nàng đánh mạnh quá, khiến nàng phải ngồi bệt xuống. Chân tay nàng rã rời, uể oải. Gân cốt rung động. Tuy thế, nàng vẫn phải gượng nói, gượng cười.
Nhưng nào có ai biết cho nàng rằng sự gượng gạo ấy đã bắt nàng phải gắng công gắng sức biết chừng nào.
Hình như quanh mình nàng chỉ có một người là hiểu rõ, hay là đoán được cái thê thảm của đời nàng mà thôi, và bởi chính người ấy đã để tâm xét nàng.
Liên chắc rằng người ấy luôn luôn dò ý nàng cũng như nàng luôn luôn dò ý người ấy.
Điều chắc chắn này khiến Liên không phút nào dám chểnh mảng.
Ngày đêm hai người rình nhau.
Ta có thể nói rằng người này muốn tóm được điều u ẩn của người kia, tuy vẫn cố giấu nỗi riêng của mình.
Mấy hôm nay, Trọng cũng thay đổi lắm.
Thái độ quan tòa lúc đầu của chồng nàng chuyển sang một vẻ nhân từ và ý tứ nó nhắc nhở Liên những ngày mới lấy chồng.
Chàng đối đãi nàng như đối đãi một người ốm.
Sự chu chuẩn ấy khiến nàng hổ thẹn.
Nhiều lúc nàng cảm thấy rõ rệt rằng Trọng tỏ ý mời mọc nàng thú tội, thú đi để tự giải thoát cho nàng.
Liên biết rõ cả và rất cảm ơn chàng.
Nhưng, sự biết ơn càng to bao nhiêu, sự hổ thẹn đồng thời càng lớn thêm bấy nhiêu.
Ấy là một trở lực khó vượt qua hơn là sự nghi ngờ.
Đã một lần trong những ngày vừa qua, Trọng đã nhìn vào tận mắt nàng và nói một cách rõ rệt.
Lúc ấy, nàng vừa ở ngoài về. Thoạt vào tới phòng treo áo, Liên đã vẳng nghe tiếng Trọng đương gắt bẳn, tiếng vú em, tiếng trẻ khóc.
Liên mất vía.
Cứ hễ ai to tiếng hay xảy ra sự gì bất thường ở trong nhà, Liên đều hoảng sợ.
Nàng sợ rằng bức thư tố cáo đã đến rồi và việc kín của nàng đã bại lộ.
Thế là, cánh cửa vừa mở, Liên đã vội đọc trên các khuôn mặt xem, trong khi nàng vắng nhà, đã xảy ra những gì, rằng cái tai vạ đã đến chưa.
Nàng nhẹ bỗng người, vì đấy chỉ là chuyện trẻ con cãi vã nhau và Trọng đương phân xử.
Mấy hôm trước, một bà cô đã mang đến cho thằng con trai nàng một con ngựa gỗ sơn rất đẹp. Con bé em được một món đồ chơi khác ít lộng lẫy hơn thì lấy làm ghen tức.
Nó cố đòi chia cái quyền được hưởng con ngựa gỗ. Thằng anh không nghe. Con em giận dữ rồi lầm lầm nín lặng. Hôm sau, con ngựa biến mất. Thằng anh tìm đâu cũng không thấy. Giữa lúc ấy, người ta chợt tìm thấy con ngựa gỗ ở trong lò sưởi, gãy nát tan tành.
Tất nhiên thằng anh đổ tội cho con em.
Nó chạy vội đi tìm Trọng để mách.
Cuộc thẩm vấn vừa bắt đầu.
Sự tranh luận không lâu.
Thoạt tiên, bị cáo nhất định chối, giọng run run, hai mắt nhìn xuống.
Vú em làm chứng, khai rằng có nghe cô bé trong lúc tức giận đã nói sẽ ném con ngựa qua cửa sổ.
Bị cáo chống lại lời khai kịch liệt.
Trong khi ấy, Liên chỉ nhìn chồng.
Nàng có cảm tưởng người ta đương xử đoán chẳng phải con gái nàng mà chính nàng vậy.
Mai đây, sẽ chẳng phải nàng sẽ đứng trước mặt Trọng với một giọng run run như thế.
Đứa bé chối ngần nào, Trọng càng tỏ ra nghiêm khắc chừng nấy.
Nhưng chàng không nổi giận, chàng chỉ dùng cách ôn hòa để làm cho sự bướng bỉnh của con bé tan dần.
Khi con bé không chối cãi được nữa, Trọng mới dịu dàng cắt nghĩa cho nó hiểu cái việc nó đã làm là xấu và tỏ ra sẽ tha thứ cho nó nếu nó thú tội.
Chàng nói, nói mãi, nói rất ngọt ngào nhưng nói cho con bé hiểu tội ác là đáng chê tuy chàng sẵn lòng thứ lỗi. Sau cùng, con bé ôm mặt khóc nức nở. Vừa khóc nó vừa thú thực.
Liên nhảy xổ vào để ẵm con, nhưng nó đẩy nàng ra. Chính Trọng cũng gạt đi, cho sự ái ngại quá sớm ấy là có hại.
Chàng dù sao cũng muốn kẻ có tội phải chịu phạt, dù là phạt rất nhẹ. Chẳng hạn như hôm sau nó không được đi xem hội như chàng đã hứa từ lâu.
Thấy sự quyết định ấy, con bé càng thổn thức đẫy.
Thằng anh đắc thắng liền đâm ra ầm ĩ.
Nhưng lấy cái khổ của kẻ khác làm vui là một tội đáng ghét.
Trọng tuyên bố rằng cả thằng anh cũng không được đi xem hội nốt.
Sau cùng, cả hai đều tưng hửng và cũng được bằng lòng một cách mơ hồ vì thấy hình phạt đều như nhau.
Vú em dẫn chúng sang phòng khác.
Liên dừng lại với chồng nàng.
Nàng chợt nhận thấy một dịp tốt để nhân nói về cái tội của con mà thú thực tội mình.
Nếu Trọng sẽ vui lòng nhận lời nàng cãi cho con bé, nàng có lẽ sẽ đủ can đảm để cãi cho chính nàng.
Liên mở đầu:
- Này mình, mình nhất định cấm các con không cho chúng nó đi xem hội ngày mai à. Nếu mình nhất quyết như thế thì đáng ái ngại cho chúng quá, nhất là con bé em. Thực ra cái việc nó làm cũng không có gì phạm tệ quá. Tại sao lại phạt nó một cách nghiêm khắc thế? Mình không thương nó sao?
Trọng nhìn Liên:
- Mình hỏi tôi có thương nó không ư? Tôi xin nói để mình biết: Tôi không thương nữa. Là bởi, một khi đã phạt nó dù phạt rất nhẹ, nó cũng đã được nhẹ trong lòng rồi.
Hôm qua thì nó đáng thương thật, trong cái lúc nó giấu con ngựa làm cả nhà phải tìm: nó đã sống trong sự sợ hãi việc mình làm sẽ bị vỡ lở.
Cái sợ còn đáng ghê hơn hình phạt, bởi hình phạt là một cái gì rõ rệt.
Dù nhẹ dù nặng, hình phạt vẫn còn hơn là sự lo lắng bấp bênh.
Một khi nó biết rõ hình phạt nó phải chịu rồi thì lòng nó liền nhẹ nhõm hơn.
Mình chớ nên vì nó khóc lóc mà nghĩ nhầm.
Nước mắt của nó cần phải thoát ra ngoài bởi đã bị nén lại nhiều rồi. Sự ấy hay hơn.
Liên ngước mắt nhìn chồng. Nàng thấy mỗi tiếng như đều ám chỉ nàng. Nhưng mà Trọng tựa hồ không để ý đến Liên chút nào hết.
Chàng nói tiếp:
- Ấy sự thực nó như thế, mình nên tin ở tôi. Sự kinh nghiệm đã dạy tôi điều ấy. Kẻ phạm tội càng giấu tội càng đau đớn cực khổ. Càng phải che đậy một tội ác trước hàng trăm sự tra xét thường trá hình, tội nhân càng giãy giụa trong đau đớn biết chừng nào.
Nhiều phen lời thú tội đã ra đến cổ phạm nhân, đã làm cho y bị tắc nghẹt, một sức mạnh phi thường muốn đẩy nó ra thì một sức mạnh khác lớn hơn lại giữ nó lại, một sức mạnh vô lý, trong đó gồm có sự sợ hãi và sự bướng bỉnh.
Thế rồi cuộc vật lộn lại bắt đầu.
Quan tòa nhiều khi bị khổ sở hơn cho bị cáo. Ấy thế mà bị cáo thường nhầm coi quan tòa như thù địch.
Về phần riêng tôi, lấy tư cách là một trạng sư, tôi vẫn hằng khuyên kẻ có tội nên thú thực, nếu y có thể thú được. Đã đành tôi vẫn phải bênh vực sự nói dối của y, nhưng tôi thừa biết y khổ sở vô cùng.
Tôi không hiểu tại sao người ta đã có gan ăn cắp mà lại không có gan chịu đòn.
Cái sợ nhỏ nhen kia, tôi thấy nó khốn nạn hơn bất cứ một tội ác nào vậy.
- Mình có chắc rằng sự sợ hãi bao giờ cũng làm cho người ta tắc họng không? Biết đâu nhiều khi chẳng phải do sự hổ thẹn... hổ thẹn không dám cởi mở lòng mình... không dám phơi bầy ruột gan mình trước mặt kẻ khác?
Ngạc nhiên Trọng ngẩng nhìn vợ. Chàng không quen nghe Liên tranh luận. Tuy thế, ý tưởng của Liên khiến chàng chú ý.
- Mình bảo do hổ thẹn à? Thì sự hổ thẹn cũng là một thứ sợ hãi chứ sao... có lẽ không hẳn đáng chê bằng sự sợ hãi, bởi nó không do sự ghê sợ bị phạt.
Chàng đứng phắt dậy, đi đi lại lại trong phòng, tỏ ra hoang mang lắm.
Câu nói của vợ chàng hình như chạm đến một cái gì nó sạo sục lên ở lòng chàng.
Bỗng, Trọng đứng dừng lại:
- Xấu hổ trước kẻ lạ, sự ấy đã đành rồi. Trước đám đông thường đọc nhật trình để thóc mách vào cuộc đời kẻ quanh mình. Nhưng trước những người thân cận cùng ta...
Liên phải ngoảnh đi vì Trọng nhìn nàng và nàng thấy giọng nói bắt đầu run:
- Có lẽ... có sự xấu hổ còn tệ hơn, đối với người thân cận cùng ta...
Trọng đứng sững trước mặt Liên, như bị một sức mạnh ngấm ngầm nó chi phối.
- Thế mình tin rằng... mình tin rằng - giọng chàng vụt thay đổi và trở nên êm dịu, hơi buồn - con bé em sẽ... thú tội một cách dễ dàng hơn, trước mặt một người lạ, chẳng hạn như vú em hay sao?...
- Em tin như thế... Nếu nó đã gắng gượng nhiều trước mặt mình, ấy chính bởi vì... lời xử đoán của mình quan hệ hơn cả kẻ khác... vì nó yêu mình hơn.
- Mình nói có lẽ đúng... Lạ thực, tôi chưa từng nghĩ đến điều ấy bao giờ... chắc hẳn mình nói đúng. Và tôi không muốn mình lầm tưởng rằng tôi không biết tha thứ... Không, tôi không muốn mình, nhất là mình, tưởng nhầm như vậy.
Trọng nhìn thẳng vào Liên khiến nàng thấy nóng bỏng cả mặt.
Trọng có ý nói thế hay câu nói của chàng chỉ là do ngẫu nhiên, một sự ngẫu nhiên ranh mãnh và nguy hiểm.
Sự nghi ngờ lại bắt đầu ray rứt nàng.
Trọng vụt nói, như bị xâm chiếm bởi một cái vui mới lạ:
- Lời quyết nghị sẽ bác đi... con bé Điệp sẽ không phải phạt nữa, và chính tôi sẽ đi báo tin cho nó biết. Nào, thế mình đã bằng lòng tôi chưa? Hay mình còn nói gì nữa? Đấy, mình xem hôm nay tôi vui vẻ dễ dãi lắm chứ... có lẽ tôi sung sướng vì đã kịp hiểu một lẽ bất công. Hứa như thế bao giờ cũng là một sự nhẹ nhõm cho lòng ta, Liên ạ.
Liên hình như hiểu cái lẽ tại sao. Trọng dằn xuống câu nói sau cùng. Nàng lại gần chàng; bao nhiêu câu hỏi sục sạo trong lòng nàng.
Trọng cũng tiến lại gần Liên như muốn cầm ngay lấy ở tay nàng cái đầu nó vẫn đeo nặng xuống hồn Liên bấy lâu.
Nhưng, giữa lúc ấy, Liên bỗng gặp cái nhìn khao khát và nóng nảy của Trọng. Thế là xong. Hai tay nàng buông xuôi xuống. Nàng ngoảnh trông nơi khác. Vô ích, nàng chẳng bao giờ có thể nói được cái câu giải thoát kia, mặc dầu nó đang cháy ngùn ngụt trong lòng nàng và phá hoại của nàng mọi sự yên tĩnh. Đã đành sự nguy hiểm đã rõ rệt lắm nhưng nàng biết mình không sao thoát khỏi định mệnh. Và, nàng tựa hồ cầu mong cái mà nàng vẫn sợ; sự vỡ lở cái tội ác của nàng.
Sự ước muốn của Liên đã thực hiện nhanh chóng quá ý tưởng của nàng.
Cuộc phấn đấu đã kéo dài từ nửa tháng nay. Và Liên đã kiệt sức.
Luôn bốn ngày kẻ kia không thấy hiện ra nữa. Nhưng mà sự sợ hãi đã thấm sâu vào thân thể nàng, vào máu nàng; đến nỗi hơi nghe có tiếng chuông gọi cổng là Liên đã nhảy xổ ra. Chực để chính tay mình nhận lấy bức thư tố cáo.
Trong sự hoảng hốt của Liên, hình như pha lẫn một thứ nóng ruột, một ý muốn nữa. Là bởi, mỗi lần như vậy thì tạm yên được một vài giờ thảnh thơi bên cạnh chồng con, hay đi ra phố là cùng.
Thì vừa hay lúc ấy, một tiếng chuông làm cho Liên chạy xổ ra cổng.
Nàng mở cổng và ngạc nhiên thấy một bà lạ mặt. Nhưng nàng lùi lại ngay, chẳng còn hồn vía nào nữa, bởi người đàn bà ăn mặc lịch sự kia chính là con giang hồ vẫn hành hạ nàng.
- Ồ, kính chào bà lớn! May quá em đương lo không gặp bà, vì em đương có một việc cần muốn nói.
Rồi chẳng để Liên kịp đáp, chị ta tiến thẳng vào phòng khách, để chiếc dù lên mặt bàn; một chiếc dù màu đỏ thắm và chắc đã mua bằng tiền của Liên.
Người lạ cử chỉ bình tĩnh như khi thường, chẳng khác một người ở trong nhà mình vậy.
Chị ta hỏi bằng một giọng đầy giễu cợt:
- Đây phòng khách phải không ạ?
Trước sự hoảng hốt của Liên, chị ta tiếp theo để an ủi:
- Nếu bà lấy làm phiền thì ta có thể nói chuyện mau hơn lên là xong ngay.
Liên vẫn không nói được câu nào.
Nàng theo người lạ như cái máy.
Nàng bị choáng óc bởi không bao giờ nàng dám tưởng tượng kẻ kia lại dám bạo gan đến thế. Nàng bỡ ngỡ như chiêm bao.
- Phòng khách của bà lớn sang quá!
Vừa nói người lạ vừa ngồi xuống một chiếc phô tơi.
- Chà, ngồi cái ghế này mới êm làm sao! Gớm nhiều tranh ảnh đẹp quá! Thực, nếu không có dịp này thì chúng tôi sao có nhận ra được rằng chúng tôi đã sống nghèo khổ đến bậc nào. Đẹp, đẹp thực chưa bà.
Thấy con đàn bà nhơ nhớp kia, dám ngang nhiên ngồi vào phòng khách của mình, Liên nổi giận nói:
- Đồ khốn nạn, mày muốn gì tao! Mày định kiếm chuyện nữa phải không? Mày dám theo tao vào tận đây ư. Tao không đời nào để cho mày láo xược đến như thế! Tao...
Người lạ tỏ ra thân mật một cách trái đời:
- Làm gì mà nói to thế! Cửa phòng khách mở toang thế kia, bọn người nhà có thể nghe tiếng được. Với tôi, cái ấy không hề gì. Tôi chẳng cần gì hết. Nhưng bà thì cần phải giữ gìn hơn. Tôi hãy xin phép đóng cửa lại đã vì bà lớn đã định nạt nộ to tiếng. Tuy thế, tôi xin nói để bà lớn biết cho rằng những câu lăng mạ, đối với tôi, không có nghĩa gì cả.
Sự quả quyết của Liên, nhờ một lúc thịnh nộ, tưởng đã chắc chắn thì lúc ấy, lại tan ngay đi, trước thái độ của người lạ.
Bây giờ Liên chỉ còn là một đứa trẻ đứng chờ người ta sai khiến mà thôi.
- Thưa bà, em không nói dài dòng chi cả. Em hiện túng lắm! Em đã thưa để bà biết đấy. Hôm nay, em cần tiền để trả tiền nhà... Em thiếu họ đã mấy tháng rồi, ấy là chưa kể nhiều món khác nữa, đến phiền bà lớn ban cho em một món, độ bốn trăm thôi.
Liên khiếp đảm vì món tiền to quá mà nàng thì không có sẵn. Nàng ấp úng:
- Làm gì có. Thực quả tình tôi hết nhẵn rồi. Nguyên tháng này tôi đã đưa chị ba trăm rồi mà. Tiền chứ có phải vỏ hến đâu!
- Bà lớn nghĩ hộ xem? Chịu khó xoay xỏa một tí làm gì mà không được. Giàu có và danh giá như bà muốn bao nhiêu tiền mà không có ngay tức khắc. Điều cốt yếu là bà có định giúp mới được. Bà lớn thử nghĩ hộ xem rồi tự khắc có.
- Thực tôi không thể xoay đâu ra tiền bây giờ. Nếu tôi có, tôi sẵn lòng đưa ngay. Món tiền nhiều quá. Ví dụ món tiền in ít thôi... một trăm chẳng hạn...
- Tôi đã thưa với bà rằng tôi cần bốn trăm mà lại.
Người lạ hình như mếch lòng vì câu của Liên nên đáp lại một cách tàn nhẫn như thế.
Liên tuyệt vọng:
- Không, tôi không thể nào có đủ bốn trăm bây giờ. Tôi xin thề như vậy. Tôi không có...
Liên vừa nói vừa nghĩ thầm nếu chồng nàng về giữa lúc này thì thực chết.
- Bà không có thì bà liệu kiếm cho tôi...
- Không thể được.
Người lạ nhìn Liên từ đầu đến chân như để đánh giá nàng:
- Thế cái nhẫn kia, chẳng hạn. Nếu đem cầm bây giờ thì xong ngay. Tôi không thạo về các thứ ấy, bởi tôi làm gì có. Nhưng tôi chắc cái nhẫn bà đeo cầm hẳn được bốn trăm.
Liên kêu:
- Cái nhẫn này ấy à? Chết!
Đấy là cái nhẫn cưới của nàng. Liên chưa bao giờ rời nó ra cả, một cái nhẫn bằng bạch kim nạm ngọc.
- Tại sao lại không? Tôi sẽ gửi cái vé lại hầu bà rồi lúc nào tiện thì bà lại chuộc. Bà sẽ có cái vé ấy. Vì tôi lấy làm gì. Một đứa nghèo như tôi có bao giờ lại dùng một cái nhẫn quý hóa như vậy?
- Tại sao chị làm khổ tôi nhiều thế? Tại sao? Tôi không thể... Thực tôi không thể nào. Chị nên xét cho tôi... Chị hẳn đã thấy rằng tôi đã cố hết sức rồi. Chị nên thương tôi một chút!
- Thế tôi thì ai thương?
Bỗng máu trong người nàng như thôi chảy. Cái gì như tiếng cổng sắt vừa mở ra lại đóng lại thế. Chắc hẳn Trọng vừa ở ngoài tòa về. Không kịp nghĩ ngợi gì nữa, Liên tháo ngay chiếc nhẫn đưa cho người lạ. Mụ ta nhanh như cắt giấu biến chiếc nhẫn đi.
Thấy Liên sợ quá và lắng nghe tiếng giày nện cồm cộp trên gạch lát, người lạ khẽ bảo nàng:
- Đừng sợ, tôi đi đây.
Chị ta mở cửa, chào viên trạng sư rồi ra. Trọng đáp lễ, nhìn qua rồi vào trong nhà.
Khi cửa đã đóng, Liên cố gắng nói:
- Đấy là một người quen lại hỏi em một việc.
Trọng không đáp. Chàng sang phòng ăn. Cơm đã dọn.
Liên có cảm tưởng như chị vẫn đang đeo chiếc nhẫn lúc ấy bị bung.Nàng ngờ ai nấy đều nhìn vào ngón tay nàng. Bởi thế nên trong lúc ăn, Liên cố giấu giếm bàn tay.
Nàng cố nói chuyện ba hoa, nào hỏi vú em, nào hỏi con, cốt để Trọng đừng chú ý gì đến chiếc nhẫn.
Câu chuyện tuy được nàng gắng sức chắp vá mà vẫn đứt quãng. Nàng muốn tỏ ra vui vẻ và khiến ai nấy đều vui. Nhưng ai nấy vẫn im. Cả các con nàng nữa.
Thì ra cái vui của Liên không thực và ai nấy đều cảm thấy rõ rệt như vậy.
Liên càng cố gắng càng thất bại. Sau cùng, mệt quá, nàng cũng im nốt.
Trong phòng ăn chỉ còn duy tiếng bát đũa và trong lòng nàng cái rạo rực mỗi lúc một to của sự kinh hoàng.
Thốt nhiên, Trọng hỏi:
- Tại sao hôm nay mình lại không đeo cái nhẫn ngọc?
Liên choáng váng. Trong lòng nàng, một cái gì kêu to: "- Thực biến rồi!".
Nhưng bản năng của Liên vẫn chiến đấu. Nàng tự nhủ:
- Ta phải gắng thu hết tàn lực lại mới được.
Nàng phải tìm một câu, một lời cắt nghĩa; hay ít ra cũng nói một câu man trá, một câu man trá cuối cùng:
- Em đưa cho thợ... nó sửa lại.
Nói được câu ấy, Liên hơi được yên lòng. Nàng tiếp theo:
- Ngày kia em sẽ lấy về.
Ngày kia! Liên hoàn toàn mắc lưới rồi.
Sự man trá của nàng sẽ đổ vỡ trước sự thực đến nơi. Là bởi, tự nàng lại đặt cho nàng một thời hạn nhất định: Tất cả sự khủng khiếp cho lòng nàng vụt cái được thấm nhuần bởi một thứ tình cảm mới lạ.
Có thể nói đấy là một sự vui sướng náo nức, một thứ vui sướng mê man cuồng dại.
Cái hẹn chẳng đã gần lắm ư! Ngày kia!
Bây giờ thì là nhất định rồi.
Liên đã biết nàng sẽ phải làm những việc gì rồi.
Ngày kia!
Cái hẹn ấy đem lại cho nàng một yên nghỉ, nó làm cho dịu bớt sự kinh hoàng.
Một sức hăng hái mới vừa phát sinh trong lòng thiếu phụ. Nó là cái sức mạnh để cho một người bám lấy cuộc sống. Nó là cái sức mạnh để cho một người dám nhận lấy cái chết.