Số lần đọc/download: 0 / 13
Cập nhật: 2023-03-26 23:05:38 +0700
Chương 6
L
ần đầu tiên Tuyết Liên gặp Hiểu Hiến Pháp là tại cổng tòa án huyện.
Ông ta là ủy viên chuyên trách của Hội đồng thẩm phán tòa án, năm nay 52 tuổi, dáng người thấp béo, bụng to. Ông ta công tác ở tòa án đã hơn hai chục năm rồi. Hai chục năm trước, ông chuyển ngành từ bộ đội về huyện công tác. Khi đó, trên huyện có ba đơn vị đang thiếu người: Phòng chăn nuôi gia súc, Phòng vệ sinh dịch tễ và Tòa án huyện. Khi xét hồ sơ của Hiểu Hiến Pháp, trưởng phòng tổ chức huyện đã nói: “Trong hồ sơ cũng không nêu rõ sở trường của ông ấy, nhưng xét về tên tuổi có lẽ không hợp với Phòng chăn nuôi gia súc, cũng không nên xếp vào Phòng vệ sinh dịch tễ, vậy điều vào Tòa án huyện vậy. Hiểu Hiến Pháp cũng chính là ‘hiểu luật pháp’ mà!”
Vậy là Hiểu Hiến Pháp được làm Việc ở tòa án. Hồi ở quân đội ông ta chỉ huy một tiểu đoàn, xét về cấp bậc, nếu chuyển ngang qua tòa án sẽ được bổ nhiệm thành trưởng phòng. Mười năm sau được thăng chức lên ủy viên chuyên trách của Hội đồng thẩm phán tòa án. Nói là thăng chức, nhưng những người trong ngành đều biết chỉ có vẻ bề ngoài là thăng chức thôi, thực ra là giáng chức. Cái chức Ủy viên đó, chẳng qua chỉ là một chức danh nghiệp vụ thông thường, không hề có thực quyền. Trên danh nghĩa được hưởng đãi ngộ của phó Chánh án, nhưng lại không phải phó Chánh án. Thẩm án, xử án, ra ngoài sử dụng xe, ký tên thanh toán, quyền hạn còn chẳng bằng một tay trưởng phòng. Hay nói cách khác, chức trưởng phòng của ông ta ở trong trạng thái: trên ép xuống mà dưới ép lên đều được. Cái chức ủy viên chuyên trách này, Hiến Pháp đã làm được mười năm, cũng sắp về hưu rồi. Hai chục năm trước, Chánh án, phó Chánh án ngày ấy đều lớn tuổi hơn ông. Hiện giờ, Chánh án và phó Chánh án lại đều trẻ hơn ông, xét trên góc độ tuổi tác, ông ta cũng được coi là cán bộ lão thành. Cũng bởi ông là cán bộ lão thành, nên suốt hai chục năm nay ông chỉ lăn lộn ở cái chức ủy viên chuyên trách ấy, không có bước tiến nào hết. Có thể nói, từ trưởng phòng đến ủy viên chuyên trách chẳng khác gì một bước lùi, phải chịu sự xem thường của đồng nghiệp. Mà người coi thường Hiểu Hiến Pháp hơn hết thảy chính là bản thân ông ta. Đồng nghiệp coi thường ông ta những lúc bình thường, còn ông ta lại coi thường mình vào những thời điểm then chốt. Rất nhiều lần có cơ hội lên làm phó Chánh án, nhưng ông đều không nắm được cơ hội. Cái chức Ủy viên chuyên trách cách ghế phó Chánh án gần hơn so với trưởng phòng, nhưng đã bao nhiêu lượt trưởng phòng qua mặt ông lên làm phó Chánh án, còn ông vẫn giậm chân tại chỗ. Thời điểm then chốt, chẳng phải càng quan trọng hơn lúc bình thường sao? Tích lũy từng chút từng chút trong lúc bình thường chẳng phải cũng vì những lúc quan trọng sao? Và điều quan trọng hơn chính là đồng nghiệp cảm thấy hai chục năm qua Hiến Pháp không thăng tiến, được bởi ông quá nhu nhược, nhưng ông lại thấy vì mình quá chính trực. Ông luôn cảm thấy mình không phải kẻ xu nịnh, không biết đi cửa sau, không thể tham ô làm trái pháp luật... nên mới bỏ lỡ nhiều thời điểm then chốt như vậy.
Hiến Pháp có đôi chút không vui, cũng hơi mất lòng tin. Khi chính nghĩa biến thành mất lòng tin, ông ta bèn xử sự theo kiểu được chăng hay chớ. Thật ra điều quan trọng hơn cả là ông ta không hề thích công việc ở tòa án. Không thích không phải do cảm thấy pháp luật không quan trọng, mà bởi từ nhỏ ông thích làm mọi chuyện gộp lại thành một, chứ không phải tách bạch nó ra như thế này. Nhưng công việc của tòa án, cả ngày chỉ ngồi bóc tách mọi chuyện. Chuyện mà vui, ai người ta đã thèm kiện cáo. Giống như bác sĩ, cả ngày chỉ được tiếp xúc với toàn những người không bình thường. Bệnh viện luôn mong chờ người ta ốm, còn tòa án lại luôn trông chờ phiền phức và kiện tụng. Nếu không có người bệnh và kiện tụng thì bệnh viện và tòa án đều phải đóng cửa. Hiến Pháp cảm thấy mình đã làm nhầm nghề. Đây mới là điều quan trọng nhất. Ông muốn đi môi giới bán gia súc gia cầm trên chợ, dấm dúi trong cánh tay áo với người ta, ghép nối các mối làm ăn còn hay hơn công việc của tòa án. Nhưng một Ủy viên chuyên trách của tòa án cũng không thể bỏ mặc chức trách, chạy ra chợ bán gia súc gia cầm được. Nếu làm vậy, bản thân ông ta không sao, nhưng mọi người trên thế giới này sẽ phát điên: họ sẽ thấy Hiến Pháp đúng là điên rồi! Vì thế, ông ta đành rầu rĩ tiếp tục ôm cái chức Ủy viên chuyên trách của tòa án.
Mọi người thấy Hiến Pháp lúc nào cũng buồn bã, tưởng rằng do chuyện liên quan đến chức Ủy viên chuyên trách và hai chục năm không thể thăng tiến của ông, nên những lúc uống rượu, họ còn tỏ vẻ bất bình thay cho ông. Thật ra Hiến Pháp rầu rĩ cũng một phần vì chuyện đó, nhưng quan trọng hơn cả là ông không hề muốn làm cái chức ủy viên chuyên trách này, mà muốn làm tay môi giới bán gia súc ở chợ kia. Điểu khiến ông càng buồn bực hơn là không thể nói ra sự buồn bực ấy. Chính bởi mặc kệ đời trôi và chán ghét hết thảy, Hiến Pháp mới có chút qua loa, vô trách nhiệm. Ngoài thời gian đi làm, sở thích lớn nhất của ông ta là uống rượu. Đáng lẽ ông ta làm Ủy viên chuyên trách của Hội đồng thẩm phán tòa án và cũng tham gia nghiên cứu các vụ án, đương nhiên nguyên cáo và bị cáo sẽ mời ông đi uống rượu. Nhưng dần dà, người ta thấy ông chỉ có thể nghiên cứu và tham dự, chứ không thể phán quyết. Tiếng nói còn chẳng bằng cả trưởng phòng và Thẩm phán. Vì vậy chẳng ai thèm đến lằng nhằng với ông ta nữa. Người ngoài không ai mời Hiến Pháp uống rượu thì ông ta có thể uống với đồng nghiệp tại tòa án. Nhưng đồng nghiệp cũng thấy hai chục năm qua ông chẳng có bước tiến nào, chắc sau này cũng chẳng tiến lên nổi, chỉ có thể đợi về hưu mà thôi. Một người mà không thể hy vọng được gì như thế, uống rượu cùng phí công lắm. Tòa án là nơi hàng ngày đều có người mời rượu, nhưng lại chẳng ai mở lời với ông. Ngày một ngày hai không sao, chứ kéo dài mãi cũng khiến người ta ức chế chết mất. Lâu dần Hiến Pháp rơi vào bước đường, phải đi xin rượu người khác. Hàng ngày, cứ 11 giờ trưa, Ông ta đều tha thẩn trước cổng tòa án. Các nguyên cáo hoặc bị cáo cùng các Thẩm phán khác từ trong tòa án đi ra uống rượu, bắt gặp ông tha thẩn ở cổng, đành tiện mồm nói: “Lão Hiểu, cùng đi ăn cơm đi!”
Ban đầu, Hiến Pháp còn ra vẻ do dự: “Vẫn còn chút chuyện.”
Nhưng không đợi người ta trả lời, lại lập tức nói: “À mà chiều làm cũng được.”
Rồi cười lấy lòng: “Lũ vịt để chiều đuổi xuống sông cũng chẳng sao!”
Nói đoạn bèn ton tót đi theo ăn cơm uống rượu với đám người kia.
Được vài lần như thế, khi ra cửa trông thấy ông, đồng nghiệp biết điều chặn đầu trước: “Lão Hiểu, biết ông bận, nên bữa này không ép nữa.”
Hiến Pháp lại cuống: “Tôi có bảo bận đâu, sao ông biết tôi bận? Ý gì thế? Định ăn mảnh hả?”
Rồi nói cùn: “Đừng xem thường tôi nhé! Nói cho mấy người hay, lão Hiểu tôi đây đã làm ở tòa án hai chục năm nay, giúp mọi người chắc khó, chứ muốn phá chuyện của mấy ông thì dễ lắm đấy.”
Nghe thế đồng nghiệp hơi ngại ngần: “Xem ông kìa! Mới nói có tí đã cuống lên. Đùa chút thôi mà!”
Mọi người lại cùng nhau đi uống rượu. Lâu dần, đồng nghiệp đi ăn cơm, chẳng còn ai dám đi cổng chính nữa, cứ cửa sau mà bước, bởi biết rõ Hiến Pháp luôn trực sẵn ở cổng.
Tuyết Liên gặp Hiến Pháp lúc ông ta đang đi dạo trước cổng tòa án. Trước khi kiện Ngọc Hà, cô chưa ra tòa lần nào, nên cũng chẳng cần biết Hiến Pháp là ai. Lần trước bị Công Đạo xử thua, Tuyết Liên không phục chút nào. Chẳng những không phục mà ngay cả Công Đạo cô cũng không tin nữa, cô muốn khởi kiện lại vụ án. Nếu muốn kiện lại, sư việc này sẽ không chỉ liên quan tới mình Ngọc Hà nữa. Trước khi lật lại vụ ly hôn giữa cô và hắn năm ngoái, phải bác bỏ phán quyết của Công Đạo đã, chỉ khi bác được phán quyết này, mới có thể làm lại từ đầu. Không kiện lại thì chỉ là một án, kiện rồi, sự việc chắc chắn ngày càng phức tạp hơn. Nhưng cô chỉ có một ý niệm là kiện lại từ đầu, nhất quyết phải bác được phán quyết của Công Đạo. Nhưng phải làm thế nào nhỉ? Nghĩ bụng người có thể làm được chuyện ấy ắt phải là cấp trên của anh ta trong tòa án. Biết Công Đạo làm việc tại văn phòng số 1 tòa án dân sự huyện, Tuyết Liên bèn tới tìm tay trưởng phòng số 1. Tay trưởng phòng này họ Giả. Lão Giả biết đây là một vụ khó xử, khó hơn những vụ khác là bởi người kiện, mà khó ở người kiện là bởi thoạt nhìn cũng biết người đàn bà này chẳng hiểu gì về trình tự tố tụng, mà giờ ngồi giảng giải mớ trình tự đó cho rõ ràng, còn khó hơn xử một vụ án gấp trăm lần. Lão Giả cũng sợ càng nói càng rối, nói dông nói dài, có khi lại liên đới cả mình cũng nên.
Tuyết Liên đến tìm lão Giả lúc sáu giờ chiều, tối lão còn có bữa liên hoan, cũng đang cuống lên đi nhậu, bèn nhanh trí, đơn giản hóa sự việc, đẩy mớ rắc rối này sang cho Ủy viên chuyên trách tòa án Hiểu Hiến Pháp. Việc đùn đẩy này cũng chẳng phải vì hai người có thù hằn, mà bởi lão không dám đẩy cho cấp trên khác, như phó Chánh án chẳng hạn, Chánh án lại càng không. Huống hồ ngày thường hai người lại thích tranh cãi với nhau, hễ gặp nhau là súc miệng bằng mấy câu mỉa. Ngay tối qua thôi lão vừa so tửu lượng với Hiến Pháp trên bàn nhậu, nên định bụng phải xả cho thỏa cơn cay cú này. Lão Giả dẩu môi: “Vụ này khó xử đấy.”
Tuyết Liên: “Vốn có khó xử đâu, do các ông khiến nó khó xử đấy chứ.”
Lão Già: “Vụ án đã xử xong, cũng đã có phán quyết, giờ muốn bác bỏ, chức tôi bé quá, bác không nổi.”
Tuyết Liên: “Ông không bác được, vậy ai bác được?”
Lão Giả vờ nghĩ một hồi, rồi nói: “Tôi mách cho cô người này, nhưng cô không được bép xép là tôi nói đâu đấy.”
Tuyết Liên thắc mắc: “Kiện tụng chứ có phải ăn trộm đâu, sao phải giấu giấu giếm giếm như mèo giấu cứt thế?”
Lão Giả: “Người này đang vướng rất nhiều vụ khó, giờ đẩy tiếp vụ này, kiểu gì ông ấy cũng cáu!”
Tuyết Liên: “Ai ạ?”
Lão Giả: “Ủy viên chuyên trách tòa án - Hiểu Hiến Pháp.”
Tuyết Liên lại thắc mắc: “‘Ủy viên chuyên trách’ là làm gì?”
Lão Giả: “Nếu như ở bệnh viện thì chính là chuyên gia, chuyên trị những chứng nan y.”
Lão Giả nói đúng hay sai? Không sai. Bởi về lý mà nói, Hiến Pháp là Ủy viên chuyên trách của Hội đồng thẩm phán, mà Hội đồng thẩm phán chuyên nghiên cứu những vụ án phức tạp, nghiêm trọng. Xét về chức vụ, ủy viên còn lớn hơn trưởng phòng, cũng có thể coi là cấp trên của lão Giả; tuy nhiên chỉ có người trong tòa án mới biết, chức Ủy viên này chỉ là đặt ra cho có, mang tiếng là cấp trên nhưng chẳng bằng cấp dưới. Tuyết Liên tin lời lão Giả, 12 giờ rưỡi trưa hôm sau tức tốc tới trước cửa tòa án, thấy Hiến Pháp đang tha thẩn dạo bộ. Hôm nay ông ta đã đi dạo được hơn một tiếng. Tuyết Liên nào biết trình độ của Hiến Pháp, chỉ biết ông ta là Ủy viên của tòa, chuyên xử lý những vụ phức tạp, nghiêm trọng. Hiến Pháp cũng chẳng biết Tuyết Liên là y thị nào. Chính vì chẳng ai biết ai, nên Tuyết Liên cư xử rất cung kính. Thấy ông ta đang đứng ngó trước nhìn sau, cô sợ không dám tới làm phiền. Nhưng chờ mãi thấy ông ấy ngó nghiêng nửa tiếng đồng hồ, vẫn chẳng ngó ra cái gì, bèn tiến đến hỏi: “Bác là Ủy viên Hiểu Hiến Pháp ạ?”
Bị làm phiền đột ngột, Hiến Pháp giật mình. Ngó đồng hồ, đã một giờ chiều, nghĩ bụng trưa nay khó lòng dự tiệc nhậu của ai rồi, bèn quay người lại hỏi: “Cô là ai?”
Tuyết Liên: “Tôi tên là Lý Tuyết Liên.”
Hiến Pháp nghĩ mãi, không nhớ ra Tuyết Liên là ai, vừa ngáp vừa hỏi: “Cô có chuyện gì?”
Tuyết Liên nói: “Các ông xử sai vụ của tôi rồi.”
Hiến Pháp hơi mụ mị, nhất thời không nghĩ ra là vụ nào, vụ đó mình có tham gia không, mà dù có tham gia, thì trong đầu ông ta cũng đang mơ mơ màng màng: “Tòa xử nhiều vụ lắm, rốt cuộc cô nói đến vụ nào?”
Tuyết Liên liền kể lại từ đầu chí cuối. Mới được nửa chừng, Hiến Pháp đã thấy sốt ruột. Ông ta nào đã từng nghe tới vụ án này đâu, huống hồ việc ly hôn, kết hôn rồi lại ly hôn của Tuyết Liên và Ngọc Hà trước sau quá phức tạp. Vì vậy, Hiến Pháp càng chắc chắn mình chưa từng tham gia. Ông ta không nghe nổi nữa, thà nói về việc mua bò còn thú vị hơn. Hiến Pháp sốt ruột ngắt lời: “Vụ này chẳng liên quan gì đến tôi.”
Tuyết Liên: “Không liên quan đến ông, nhưng liên quan tới Vương Công Đạo.”
Hiến Pháp: “Nếu thế, cô phải tìm cậu ta, sao lại tìm tôi?”
Tuyết Liên: “Chức ông to hơn, cậu ấy xử sai cho tôi, nên tôi phải tới tìm ông chứ sao.”
Hiến Pháp: “Trong tòa án này chức cao hơn cậu ta có đầy người. Sao cô không tìm người khác?”
Tuyết Liên: “Người trong tòa nói, ông chuyên xử những vụ khó.”
Giờ thì ông ta đã hiểu, ắt hẳn trong tòa có kẻ đào hố sau lưng ông, không phải việc của ông, lại cố ý đẩy hết sang. Vụ khó người khác không muốn lo, lại đổ cả lên đầu ông. Ông ta tức tối gân cổ: “Thằng láo toét nào làm chuyện này? Đứa nào cũng tâm địa xấu xa mà còn làm việc trong tòa án, hỏi sao không xử sai.”
Đoạn nói với Tuyết Liên: “Ai bảo cô tới tìm tôi, cô cứ đi tìm người đó.”
Lại tiếp: “Mà không, tôi cũng phải tìm hắn.”
Nói rồi, Hiến Pháp quay lưng, xăm xăm bước đi. Ông định tìm một quán ven đường, vào làm dăm ba tợp rượu, xực bát mỳ thịt dê cho ấm bụng. Nhưng Tuyết Liên vội giữ ông ta lại: “Ấy... ấy, bác Ủy viên, bác không được đi, việc này bác buộc phải lo.”
Hiến Pháp khóc dở mếu dở: “Sao cô cứ dính vào tôi thế? Tòa án bao nhiêu người, sao cứ phải tôi chứ.”
Tuyết Liên: “Tôi đã làm cho bác một việc rồi.”
Hiến Pháp ngẩn người: “Cô làm việc gì cho tôi?”
Tuyết Liên: “Sáng nay tôi vác tới nhà bác một bao tải bông, hai con gà mái.”
Nhà của Hiến Pháp ở Đổng gia trang, cách huyện năm dặm. Ông ta dở khóc dở cười: “Một bao bông, hai con gà mái, vậy là ép được tôi à? Mau đem bông với gà của cô về cả đi.”
Hiến Pháp phẩy tay định bỏ đi thì Tuyết Liên níu lại: “Vợ bác đồng ý với tôi rồi, nói bác sẽ nhận vụ này.”
Hiến Pháp: “Mấy mụ nuôi lợn như bà ấy, chỉ biết lợn thôi, biết quái gì về luật pháp cơ chứ?”
Tuyết Liên: “Nói như bác, việc tôi làm hóa ra toi công à?”
Hiến Pháp chỉ vào Tuyết Liên: “Không phải toi công, mà là đút lót, cô hiểu không? Tôi không truy cứu cô thì thôi, lại còn chặn đường tôi.”
Nói rồi quay ngoắt người đi, lại bị Tuyết Liên kéo lại. Lúc này đám hiếu kỳ vây tới xem cảnh nhộn nhạo khá đông. Đang ôm một bụng bực tức, giờ lại thấy nhiều người xúm đen xúm đỏ, đúng là quá mất thể diện. Ông ta bèn lớn tiếng chửi: “Điêu dân, giữa
đường giữa chợ, dám lôi lôi kéo kéo, còn ra cái thể thống gì nữa? Cút!” Sau đó dùng sức đẩy Tuyết Liên ra, rồi bỏ đi.
Đến tối, Hiến Pháp lóc cóc đạp xe từ huyện về Đổng gia trang. Chưa tới cửa, ông đã ngửi thấy mùi gà. Vào nhà mới biết, hóa ra bố vợ tới, vợ ông làm một nồi gà hầm. Hiến Pháp vốn đã quên chuyện của Tuyết Liên, lúc này sực nhớ ra, phăm phăm bước vào bếp mở vung nồi, thấy hai con gà bị chặt nhỏ đã được hầm chín. Ông ta buột miệng mắng vợ: “Cái thói hám lợi vặt, biết bao giờ mới sửa được đây?” Rồi lại hầm hầm quát: “Bà có biết mình đang làm cái gì không hử? Đang nhận hối lộ đấy!
Song hôm sau, Hiến Pháp cũng quên khuấy đi mất chuyện này.