Số lần đọc/download: 4819 / 291
Cập nhật: 2016-02-02 03:55:23 +0700
Cảm Tưởng Sau Khi Đọc Tố Tâm
"K
ý giả không có ý gì khi thoa vẽ, mà cũng không quen đem đạo đức bình luận ái tình, ký giả xét là xét cái tình trạng cúa lòng người, chép là chép cái hành động cúa tâm lý, còn luân lý phẩm bình xin đế phần dư luận".
HOÀNG NGỌC PHÁCH
Văn chương trong truyện Tố Tâm, tôi đã có dịp giới thiệu trên mặt Nam Phong tạp chí. Hôm nay tôi lại muốn bình luận đến nữa, nên đem ra đọc lại, cố ý xem chừng cái tình cảm trong lúc đọc truyện.
Vừa đọc được một phần đầu, tâm hồn đã thấy mê man chìm đắm vời câu chuyện vui thú êm đềm, như thấy mình cũng cùng với đôi bạn thiếu niên "lang thang trong các làng quê, hay vơ vẩn ở giữa đồng lúa chín", như được cùng thưởng thức cảnh trời đêm thanh vắng ở bãi biển Đồ Sơn mà nghe cái giọng nỉ non âu yếm của kẻ giai nhân tài tử, bấy giờ hình như mình đã bị bao bọc trong một làn không khí, một cái hoàn cảnh riêng đầy dẫy những tình yêu đằm thắm. Cái mỹ cảm ấy rồi lại cùng vời cái câu chuyện mà đổi khác, nó giảm đi dần dần mà thay cho một mối tình sầu bát ngát. Tố Tâm chết, Đạm Thủy buồn, đối với cái chết ấy, lòng mình cũng lấy làm thương tiếc đau đớn lạ thường, mà cái vết thương của Đạm Thủy dường như chạm sâu vào trong quả tim, thớ thịt của người ngoại cuộc.
Lần này không phải là lần đầu tôi mới đọc truyện, nhưng mà lần nào cũng giống lần ấy, tôi vẫn không thấy chán lại vẫn thấy cái hay ở lời văn, cái khéo ở câu chuyện.
Văn chương chải chuốt, réo rắt, nhịp nhàng biết chừng nào.
Tác giả lại khéo phơi bày cái tình trạng lạ lùng của lòng người, những sự hành động ly kỳ của tâm lý trong lúc tình cảm với lẽ phải nó xung đột nhau, như vẽ ra một bản họa đồ của tâm tính con người cẩn thận tách bạch từng li từng tí, khiến cho khách tình có thể trông vào đó mà sự lòng không còn giấu giếm được gì cả.
Theo lời tựa, tác giả đã nói trước được rằng chủ ý khảo sát về tâm lý, thì về phương diện ấy, tác giả đã đạt được mục đích và kết quả mỹ mãn mà truyện Tố Tâm cũng đáng là một cái tác phẩm có giá trị vậy.
Một quyển truyện như thế giá mà được độc giả hoan nghênh nó thì không có gì là lạ, chỉ hơi lạ là nguời ta yêu nó một cách âm thầm như cái tình kín đáo của Tố Tâm đối với Đạm Thủy, không dám công nhiên nhận nó làm một món mỹ thuật đáng thưởng thức. Bởi vì Tố Tâm ra đời hơi sớm một chút, ra đời giữa cái lúc luân lý đạo đức cũ còn mạnh và cái quan niệm mỹ thuật của người mình lại không giống với người Tây phương.
Đọc một quyển sách, một bài văn theo người mình, thì phải hỏi đến cái luân lý như thế nào, cái ảnh hưởng của nó đối với nhân tâm thê đạo ra làm sao. Thành ra quyển sách hay bài văn nào cũng phải là cái gương luân lý thiên cổ, cái mạng lệnh bắt buộc người ta noi theo, tức là phải có cái giáo dục trực tiếp, cách chép truyện như thế không phải không hay, không bổ ích cho đời, nhưng nếu cứ bo bo vì một phép tắc ấy mãi thì sự quan niệm về văn chương mỹ thuật không khỏi hẹp hòi thiếu thốn.
Cũng bởi quan niệm như thế mà khi Tố Tâm ra đời liền bị nhiều lời công kích, cho là một thứ văn sầu cảm làm mềm yếu lòng người. Phải, trong lúc đọc Tố Tâm, tôi vẫn thấy thứ tình cảm xúc ấy, giá ở những kẻ nhu cảm đa tình, có thể vì Tố Tâm mà nhỏ đôi giọt lệ. Và trong lúc tôi cảm xúc như thế, tôi nhận thấy lời công kích kia là có lý.
Tuy vậy, tôi lại có một câu hỏi khác.
Nếu như khi đang xem truyện, gặp những cuộc hoan lạc êm ấm của ái tình mà không thấy thú, đọc những bức thơ tỏ tình âu yếm mà không thấy hay, chứng kiến những chuyện sanh ly tử biệt, những cảnh ngộ thương tâm nó biến đổi cái dây tình ái tuyệt thú thành cái dây oan nghiệt vô ngần mà không thấy động lòng thương xót, nêu một quyển truyện như thế, ta có thể cho nó là có giá trị được không, ta có cái kiên nghị mà đọc hết nó không?
Thế mà trong lúc đọc Tố Tâm, ta nhận thấy một sự hứng thú nồng nàn, gợi lên trong tâm trí một mối mỹ cảm chan chứa khiến cho trong khoảng thời gian ngắn ngủi, có thể quên được thế sự mà mơ màng chìm đắm trong cảnh mộng tuyệt vời, như thế chẳng đủ công nhận cái giá trị văn chương đó ư?
Lại có người trách Tố Tâm là ngôn tình tiểu thuyết, vì Tố Tâm mà gieo cái mầm tình ái vẩn vơ trong khối óc bạn thanh niên. Điều này hoặc cũng có phần thật, nhưng nếu cái kết quả của nó thật như thế thì nên đổ tội cho tác giả hay độc giả?
Theo ý tôi thì tác giả, viết ra quyển Tố Tâm không phải cố ý đem cái tài văn chương mà tô điểm một câu chuyện tình ái cho nó hay ho thú vị đâu - giá chỉ có thế, ta cũng có thể thưởng thức ngọn bút tài hoa ấy - truyện Tố Tâm chính là cái tình trạng hiện thời trong xã hội nước mình, cái xã hội đang lúc buổi giao thời, trong lúc mà luân lý học thuật cũ mới tiếp xúc nhau, đôi bên còn chưa dung hợp với nhau mà thành ra hình thể gì cả.
Tác giả chủ ý xếp đặt ra một cuộc tình duyên từ lúc mới kết hợp cho đến khi lìa tan để xem xét tâm lý của nguời trong cuộc, nhưng cái tình ấy nó lại xảy ra ở một hạng nguời mới, hạng nguời chỉ ở xã hội hiện thời mới có.
Thật vậy, duy ở xã hội hiện thời mới có cái tình lãng mạn đó. Tố Tâm yêu Đạm Thủy từ ngày chưa biết người, chỉ nhân đọc văn mà cảm, mà thích, mà sanh lòng luyến ái, tấm lòng ấy chỉ là cái bụng liên tài mà thôi.
Khối óc Tố Tâm cũng là khối óc mới, có học thuật, có tư tuởng, biết yêu thơ văn, biết thích phong cảnh đẹp, một khối óc đã thiên về tình cảm lại sinh truởng trong một hoàn cảnh riêng, ở chốn "xa nhân công, gần tạo vật" khiến cho tư tuởng cũng vì đó mà hay vơ vẩn mơ màng.
Giá như Tố Tâm sanh về thời đại cũ không cần học hành gì, phận gái chỉ biết nhũng phép tắc lề lối trong gia đình thì cuộc đời của Tố Tâm thu xếp, xoay trở theo chiều nào cũng dễ. Trái lại, Tố Tâm lại ở vào xã hội mới, đuợc tự do học tập, tự do giao thiệp, con tim khối óc cũng đồng thời được tự do mở mang, nhu thế mà muốn ép vào trong cái khuôn khổ luân lý cũ, tất không thể nào đuợc.
Xã hội cũ đã bị cái văn minh mới tràn vào, làm cho lay chuyển biến động cả, nó khiến phải tùy thời mà thay đổi cho thích họp, thì luân lý tất cũng phải theo cái công lệ ấy bởi vì luân lý không phải là những lễ phép bất di bất dịch ở đời.
Luân lý cũ đối với ái tình rất nghiêm khắc, nhất là cái tình ở giữa trai gái, lâu nay làm thành một bức tường vô hình chia biệt đôi bên ra, chẳng bao giờ được cùng giao tiếp với nhau, nhưng giờ ái tình cũng vượt ra khỏi bức tường đó mà kết hợp nhau hoặc ở nơi đầu non ngọn suối, hoặc ở khoảng ruộng lúa bờ tre, hoặc ở chốn tao đàn văn xã. Này, như các nhà trí thức họ đạo tình, thì:
Tài tử giai nhân nan tái đắc,
Trót yêu hoa nên dan díu với tình.
hay là:
Tài tử với giai nhân là nợ sẵn,
Giái cấu nan là nghĩa làm sao?
Còn như vào chốn thôn quê thì sẽ nghe thấy cái tình thương nhớ nó diễn ra một cách man mác êm đềm:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
Nhó người dãy gấm khăn diều vắt vai.
hoặc một cách thật thà mộc mạc:
Thấy ai như thấy mặt trời,
Thấy thời thấy vậy, trao lời khó trao!
Thế mới biết tình là cái tánh thiên nhiên, người ta sanh ra là tình vậy. Đem luân lý ngăn cấm nó vẫn vô hiệu, không bằng đón trước lúc nó phát ra mà khai dẫn nó vào con đuờng chính là hay hơn cả.
Đối với cái tình của Tố Tâm luyến ái Đạm Thủy, bởi vậy, ta không thể lấy luân lý đạo đức mà trách, trách sao Tố Tâm không được phép yêu mà lại yêu, chỉ nên công nhận là một lẽ tất nhiên. Tố Tâm nếu không yêu Đạm Thủy tất phải yêu một người nào khác mà văn chương tư tưởng thích hợp với tánh tình nàng, dầu người ấy không cùng dòng cùng giống mà trong thanh khí, Tố Tâm cũng có thể yêu đuợc. Chỉ vì Đạm Thủy là người một nước lại cùng một lứa đầu xanh tuổi trẻ thành ra mối liên cảm mới sâu xa như thế.
Cứ như cái tình thương ấy, kết cuộc không đến nỗi một sự chết thê thảm nọ. Bởi vì ái tình của Tố Tâm thuần thuộc về chốn tinh thần, một thứ tình cao thượng siêu việt ra khỏi vòng thường tình thiên hạ, yêu chỉ để mà yêu, yêu vì văn chương tư tưỏng, giá như hai người ấy được cùng kết hợp làm đôi bạn đời thì hạnh phúc gia đình sẽ là vô biên lạc thú. cảnh ngộ trái lòng, Tố Tâm biết không thể tính đến việc xe tơ kết tóc nhưng mà cũng trong lúc yêu lại ân hận vì mình mà sẽ làm giảm bớt hạnh phúc của một nguời "kình địch vô tội" kia, càng tỏ ra thái độ một nguời từ tâm mà cao thượng biết ngần nào.
Đang khi Đạm Thủy mê man trong cõi mộng mơ màng, muốn tỏ hết cả hy vọng sự nghiệp ở đời được cùng nàng rút vào một nơi thâm sơn cùng cốc để cộng hưởng lạc thú của ái tình thì nàng cũng biết đem lẽ cao nghĩa cả ra chống lại:
"... Anh là người có văn chương, có tư tưởng, anh nên nhớ rằng cái thân anh không phải của một mình anh; anh phải làm việc cho nhà, cho nước, cho xã hội. Anh không thể lấy đời anh mà phí đi cho em. Làm nam nhi có hai chữ chung tình cũng không gọi là đủ được..."
Lại trong lúc hiếu tình xung đột:
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sanh thành.
Tố Tâm vẫn còn giữ được tâm trí sáng suốt cân nhắc lẽ khinh trọng một cách thăng bằng, như cái tánh tình đó, theo lời tác giả đã bảo, "dùng vào đâu cũng là bậc trên cả, đem dùng vào nhà thì thành con hiếu, đem dùng với nước thì thành tôi ngay, đem dùng vào cảnh vợ chồng đẹp đôi thì thành vợ thuận, vợ thuận tất là mẹ hiền", và lại như cái tánh tình đó dầu ở cảnh ngộ éo le trắc trở hay khốn khổ gian nguy thế nào cũng có thể đối phó được cả, Tố Tâm sao lại phải chết?
Tố Tâm không được cùng Đạm Thủy làm vợ chồng thì cũng giữ được tình bè bạn; không được ở gần mà yêu cũng có thể ở xa mà thưởng thức văn chương tư tưởng của bạn đồng tâm tri kỷ, cái lẽ cao thượng của ái tình là thế, mà trong ái tình của Tố Tâm tự lúc ban đầu, ta vẫn thấy nó cao thượng lắm.
Cái chết của Tố Tâm, bởi vậy là một cái "ca” đặc biệt, một điều biến chớ không phải một lẽ thường. Có lẽ bởi khối óc viển vông vơ vẩn nó làm thiệt hại nàng chớ không phải tại cái tình yêu nên thơ thanh nhã ấy.
Tác giả cố ý cho Tố Tâm chết để khảo sát thêm một đoạn tâm lý cuối cùng trong cõi tình nên thơ mới xếp đặt trong khối óc nàng, ở bên những tánh tình tốt đẹp lại chen có những tư tưởng mơ mộng hão huyền, để xung đột với mọi điều nghĩa lý mà nàng đã hiểu, để làm tiêu mất những lẽ phải của con tâm mà xô nàng vào một nơi tuyệt vọng đến không còn thiết gì sự sống nữa.
Nay có kẻ đọc Tố Tâm, thấy những sum vầy vui thú của ái tình mà lấy làm thích, lòng cũng muốn được có lần âu yếm như thế, rồi lại thấy cái chết của Tố Tâm cũng lấy làm ngộ, tự mình cũng nghĩ đến cái chết lãng mạn ấy, giá ở vào cảnh ngộ đó cũng lấy sự chết làm vui, trước khi chết cũng guợng đau ngồi chép tập nhật ký - chép bằng bút máy càng hay - ghi lại 'lời nói cuối cùng", gọi là "một chút di vật lúc sắp tạ thế", giá như có một hạng người lãng mạn như vậy thì ta sẽ quy tội cho nguời viết truyện ư?
Hoặc có nguời bảo, nếu biết truyện tinh thường dễ cảm động lòng nguời, nhiều khi nó ảnh hưởng trái lại với thâm ý của tác giả, thì thôi, viết ra làm gì?
Không, không thể đuợc.
Người ta là một giống ham hiểu biết, việc gì chẳng nghĩ đến thì thôi, mà đã nghĩ đến thì phải hiểu cho rành, biết cho rõ, cái đức tánh ấy rất cần ích cho sự học vấn ngày nay lắm. Còn nhớ một lời nói của một nhà học giả Tây phương: "Tôi chán hết cả, chỉ có sự hiểu biết là không chán thôi".
Đã mang sẵn một đức tánh đó thì ở bất cứ một sự gì, dầu nhỏ mọn thế nào, có ai chịu để nó ra ngoài sự hiểu biết của mình đâu, huống hồ là ái tình là một tánh chung của nhân loại, nó vẫn ngấm ngầm chan chứa trong lòng của mỗi nguời thì sao ta lại bỏ qua mà không xét đến.
Nay đã có nguời chịu khó đem ngọn bút tinh tế vẽ vời mọi nỗi u ẩn, ly kỳ, bí mật của ái tình ra một cách rõ ràng, sáng sủa, lắng nghe từ cái nhịp của quả lòng để nhận hiểu cái ý nghĩa của nó khi mừng giận, lúc thương yêu, tách bạch những mối tình cảm âm thầm thủa nay mình vẫn bị sự sai khiến của nó mà không tự hiểu, lại dùng lối văn chương mỹ lệ, vừa bóng bảy nhịp nhàng, vừa êm đềm réo rắt, tô điểm nên một quyển truyện có giá trị như thế, có thể giúp thêm cho sự hiểu biết của mình thì có lẽ gì ta lại không dám công nhận hoan nghênh nó?
TRÚC HÀ (*)
(Phụ nữ tân văn số 187, ngày 16-1-1933.
Đăng lại trong 13 năm tranh luận văn học,
tập II., Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995; tr.189-198.)
_____
(*) Trúc Hà: Nhà phê bình.