Số lần đọc/download: 13540 / 34
Cập nhật: 2015-07-23 22:51:07 +0700
Chương 8
B
uổi trưa, trong nhà thật yên lặng. Vú Hòa đã ngủ, nhưng Diễm Khanh thì chỉ nằm trên giường 1 lát rồi lại mò qua phòng bên cạnh. Cô mở hé cửa, ló đầu vào nhìn.
Bà Nhã không ngủ như cô tưởng, mà đang ngồi trong ghế đan chiếc khăn. Thấy Diễm Khanh, bà gọi:
- Vô đây con! Trưa, sao con không ngủ?
- Con ngủ không được, mẹ đan gì vậy mẹ?
- Đan khăn quàng cổ cho con đấy.
Diễm Khanh bước tới ngồi xuống bên cạnh. Cô nhìn mũi kim thoăn thoắt trên tay bà rồi thắc mắc:
- Mẹ biết đan từ lúc nào vậy mẹ?
- Mẹ chỉ mới biết đây thôi. Lúc trước Như nó dạy, mẹ ở không cũng buồn nên học cho vui.
- Ngày trước mẹ không biết đan đâu. Những giờ rảnh mẹ thường đọc báo, mẹ nhớ không?
- Vậy à?
- Mẹ đặt báo hàng tháng, 1 lượt 4 tờ, còn con thì không khi nào chịu ngồi yên đọc. Mẹ hay nói con năng động giống con trai, con nhớ rõ lắm.
- Vậy à?
- Mẹ có nhớ lúc con chuẩn bị thi đại học, mẹ biểu con nộp đơn trường nào không?
Bà Nhã nhăn trán suy nghĩ, nhưng rồi lắc đầu:
- Mẹ không nhớ.
- Cố nhớ đi mà, mẹ! Chuyện mà con giận mấy ngày không thèm ăn cơm, cuối cùng mẹ phải chiều con đó mà.
Bà Nhã chợt mỉm cười:
- Con thì thường xuyên bỏ ăn mỗi khi giận mẹ, nhiều chuyện quá làm sao mẹ nhớ.
Mắt Diễm Khanh sáng lên:
- Mẹ nhớ chuyện con hay bỏ ăn nữa à?
Bà Nhã nói thêm:
- Bỏ cơm nhưng lại lén ăn bánh mì trong phòng, có 1 lần mẹ phát hiện ra.
Diễm Khanh mừng khấp khởi:
- Vậy là mẹ nhớ nhiều lắm rồi. Lạy chúa, con mừng chết được.
Cô chợt nhìn bà chăm chăm:
- Thế mẹ có nhớ dượng Bách không?
- Người đó có phải là thư ký của ba con không?
Diễm Khanh quýnh quáng gật đầu:
- Đúng đó, đúng rồi! Nhưng sau đó mẹ đã kết hôn với ông ấy, vì ông ấy giúp mẹ điều khiển công ty, mẹ nhớ không?
Bà Nhã chật vật suy nghĩ, nhưng không hình dung nổi khuôn mặt người mà Diễm Khanh gọi là dượng Bách. Bà chỉ nhớ mơ hồ, rằng mình đã từng sống với 1 người đàn ông, nhưng cụ thể như thế nào thì bà không biết.
Bất giác bà thấy nhức đầu và vội đứng dậy, đi đến phía cửa sổ nhìn ra ngoài sân.
Diễm Khanh đến đứng bên cạnh:
- Mẹ làm sao vậy mẹ?
- Mẹ hơi nhức đầu, không sao đâu con.
Diễm Khanh lo ngại im lặng. Cứ mỗi lần mẹ cố nhớ chuyện gì đó, y như lại bị nhức đầu.
Cho nên mặc dù rất muốn biết nhiều chuyện, Diễm Khanh vẫn không dám hỏi nhiều.
Cô bước tới, mở tivi rồi kéo bà Nhã ngồi trở lại ghế:
- Mẹ đừng nghĩ gì nữa nhé, con không hỏi nữa đâu, mẹ coi tivi cho đỡ căng thẳng đi mẹ.
Bà Nhã ngồi xuống, kéo Diễm Khanh ngồi bên cạnh:
- Có rất nhiều chuyện mà mẹ muốn biết, nhưng không tài nào nhớ nổi, con buồn lắm phải không?
Diễm Khanh lắc đầu tự tin:
- Con không lo đâu, vì thế nào rồi mẹ cũng nhớ ra. Như vừa rồi đó, lúc mới về mẹ có nhớ gì đâu, nhưng từ từ mẹ cũng nhận ra con đó thôi.
Cô nói như đinh đóng cột:
- Nhận ra con được thì cũng sẽ nhận ra dượng Bách được. Chắc chắn là vậy.
- Ông ấy có hay lên đây không con?
- Ít lắm mẹ ạ. Trước đây thì thỉnh thoảng lên cho con tiền, sau này thì không, chỉ gởi qua bưu điện thôi.
- Rồi con xài tiền có thoải mái không?
- Con không đi đâu nên ít xài tiền lắm.
- Mai mốt cần gì thì nói với mẹ, dượng Tường để lại cho mẹ nhiều tiền lắm.
- Dạ.
Diễm Khanh vừa nói chuyện vừa hướng mắt về phía tivi. Màn hình đang chiếu cảnh 1 cô gái đang chạy trốn đám người rượt đuổi phía sau.
Cảnh gay cấn đến nỗi cô theo dõi 1 cách hồi hộp, làm bà Nhã cũng chú ý theo.
Trên màn hình, cô gái chạy đến bờ vực. Trong khi cô ta quýnh quáng tìm bụi cây trốn thì đám người phía sau đang phi ngựa tới, khoảng cách cứ ngắn dần. Cô ta bị bao vây mọi phía, cô ta hoảng loạn lùi dần và hụt chân rơi vun vút xuống vực sâu.
Diễm Khanh hét lên 1 tiếng hoảng hồn, tay bụm kín mắt không dám nhìn.
Khi cô mở mắt ra thì thấy bà Nhã đang ôm đầu, vẻ mặt căng thẳng cùng cực.
Diễm Khanh lo lắng:
- Mẹ làm sao thế, hả mẹ?
Bà Nhà từ từ buông tay xuống, nói 1 cách khó khăn:
- Mẹ nhớ ra rồi. Bao lâu nay mẹ cứ tự hỏi vì sao mẹ gặp nạn, nhưng không lý giải được. Bây giờ thì mẹ nhớ tất cả.
Diễm Khanh giương mắt nhìn bà, giọng hồi hộp, gần như thì thầm:
- Mẹ nhớ được gì, kể cho con biết đi, con chờ lâu lắm rồi.
- Lúc đó mẹ và ông ấy đứng trên đồi cao, mẹ còn nhớ cảm giác sợ khi nhìn xuống phía dưới. Vực sâu thăm thẳm và cây chằng chịt màu xanh. Ông ấy đứng bên mẹ nhưng cứ im lặng. Khi mẹ quay lại định trở về thì ông ấy chợt đẩy mẹ xuống dưới, mẹ nhớ rất rõ cảm giác hãi hùng tột cùng lúc đó...
mắt Diễm Khanh mở to, như đứng lại. Câu chuyện kinh hoàng ngoài sức tưởng tượng, làm cô bị tê liệt mọi phản ứng.
Cô thì thào 1 mình:
- Thật là ghê gớm, 1 tên giết người...
Cả 2 mẹ con ngồi lặng rất lâu, ai cũng có tâm lý bàng hoàng, bị chấn động. Và không ai nghĩ nổi ra cách nào đó làm sáng tỏ vụ giết người âm thầm này.
Cuối cùng, Diễm Khanh lên tiếng:
- Phải làm gì với ông ta, hả mẹ?
Bà Nhã nói trầm tĩnh:
- Mẹ sẽ nghĩ cách. Dù là thế nào mẹ cũng phải bảo vệ con, ông ta hại được mẹ thì cũng sẽ tìm cách hất con ra khỏi nhà, mẹ sẽ không để chuyện đó xảy ra.
"Nhưng nó đã xảy ra rồi. Bỏ đi thì dễ, nhưng quay về thì sẽ vô cùng khó khăn" - Diễm Khanh nghĩ 1 cách tuyệt vọng. Mẹ bây giờ như người hồi phục sau căn bệnh, trí nhớ còn mong manh như ngọn đèn dầu, làm sao mẹ đủ sức đối đầu với con người ghê gớm đó. Vì vậy mà cô thấy mình không an toàn.
Diễm Khanh thẫn thờ rời phòng bà Nhã. Trở về phòng mình, cô ngồi trên đầu giường, gọi điện cho Khang.
Nghe tiếng anh, giọng cô run lên vì xúc động:
- Tôi đây. Anh đang ở đâu vậy?
- Tôi đang ở thành phố. Có chuyện gì không?
- Có. Mẹ tôi vừa nhớ lại 1 chuyện quan trọng, điều đó ngoài sức tưởng tượng của tôi, tôi cũng không biết mình phải làm sao nữa.
Giọng Khang có vẻ như lo ngại:
- Chuyện gì ghê gớm vậy? Cô bình tĩnh lại đi, nói cho tôi biết đi.
- Dượng Bách...
- Ông ta làm sao?
Răng Diễm Khanh cứ va vào nhau. Run đến nỗi không nói bình thường được. Cô nói 1 cách khó khăn:
- Lúc nãy xem phim, nhìn cảnh 1 cô gái bị rớt xuống vực, mẹ tôi nhớ lại chuyện đó.
Khang hình như cũng thấy căng thẳng, giọng anh hồi hộp:
- Chuyện đó như thế nào?
- Mẹ tôi bảo chính dượng Bách đẩy mẹ xuống vực.
- Trời!
Diễm Khanh run run nói tiếp:
- Có phải ông ấy cố ý giết mẹ tôi không? Liệu mẹ có nhớ sai không?
Khang dè dặt:
- Những chuyện tày đình như vậy, người ta không quên nổi đâu, cũng không đủ sức tưởng tượng đâu.
- Có nghĩa là mẹ kể đúng sự thật?
Giọng cô trở nên thì thào:
- Trong nhà tôi có 1 tên giết người sao? Tôi phải làm gì bây giờ?
- Chuyện này, cô có nói với ai chưa?
- Bây giờ thì chỉ có mình anh biết.
- Tốt! Đừng nói lung tung. Trong lúc này thì cứ coi như mẹ cô chưa nói gì đi. Và cô cũng không được để ông ta biết cô biết chuyện.
- Tại sao? Tôi sẽ đưa chuyện này ra pháp luật.
- Khoan đưa! Khi muốn làm lớn chuyện, cô phải thu thập đầy đủ bằng chứng. Nếu không, ông ta sẽ quật lại cô đó.
- Nhưng chính mẹ tôi đã nói như vậy. Mẹ còn bảo ông ta muốn cướp tài sản của gia đình tôi.
- Khoan kết luận bất cứ điều gì. Điều cô cần phải làm là tuyệt đối im lặng, nhất là đừng về thành phố hỏi tội ông ta.
- Vậy không lẽ tôi cứ im lặng sao?
- Phải như vậy thôi, vì cô sẽ không đủ sức giải quyết chuyện của người lớn. Chỉ có mẹ cô mới có thể đối đầu với ông ta mà thôi.
- Nhưng mẹ tôi bây giờ chuyện nhớ chuyện không, mẹ tôi cũng cần người khác bảo vệ, làm sao mà tự giải quyết được.
Giọng Khang điềm đạm:
- Khi đã khôi phục được trí nhớ, thì dần dần người ta sẽ nhớ hết mọi chuyện, sẽ bình thường trở lại, đừng sợ.
Diễm Khanh nói thật lòng:
- Lúc này tôi hoang mang ghê gớm. Tôi cần anh ghê gớm.
- Tôi biết, nhưng bây giờ tôi đang bận túi bụi. Chiều nay là theo đoàn đi Mỹ, tuần sau mới về.
Diễm Khanh thất vọng:
- Vậy sao?
- Cố gắng đừng nghĩ tới chuyện đó, cũng đừng làm gì bộp chộp. Nếu buồn thì rủ Mai Ly đi chơi, hoặc chơi với chị Như, cô không thiếu bạn đâu.
Diễm Khanh kêu lên:
- Nhưng bây giờ tôi không cần bạn, tôi chỉ...
Diễm Khanh im bặt. Cô muốn nói "tôi chỉ cần anh" nhưng lại không đủ can đảm nói.
Vậy mà Khang hiểu, anh nói an ủi:
- Tôi biết, nhưng bây giờ tôi không dứt công việc ra được. Cô đừng có tư tưởng vội vã vạch mặt ông ta, không có lợi đâu?
Diễm Khanh bật kêu lên:
- Thế phải đợi đến chừng nào? Đến bao giờ đây?
Khang điềm đạm:
- Đến chừng nào có thể, không tính thời gian được.
- Tôi điên lên mất, tôi không chịu nổi tình trạng nửa vời này.
- Vậy cô muốn làm gì?
- Tôi chỉ muốn đưa chuyện này ra pháp luật.
- Vậy bằng chứng đâu?
- Bằng chứng là mẹ tôi đấy.
- Không đâu. Người ta sẽ không tin vào 1 người đang trong tình trạng thần kinh không bình thường.
- Nhưng ông ta đã đưa người lạ vào nhà tôi, rõ ràng là muốn đuổi tôi.
- Nhưng mẹ cô đâu có trong nhà đó. Mẹ cô đã mất, ông ta đưa người phụ nữ khác về nhà thì cũng không thể kết luận ông ta muốn dành tài sản. Mà ông ta cũng đâu có đuổi cô, cô tự ý bỏ đi đó chứ.
Diễm Khanh thấy tuyệt vọng quá, cô nói 1 cách giận dữ:
- Anh làm gì mà bênh vực ông ta dữ thế? Phải rồi, vì anh là con rể tương lai của ông ta mà.
- Cô nói bậy gì vậy Diễm Khanh?
- Tôi không nói bậy. Tôi nói chính xác sự việc. Anh biết có 1 chuyện giết người, nhưng anh cố tình biện luận, vì anh tin tôi và mẹ tôi không đủ sức đối đầu với họ.
Giọng Khang trở nên nghiêm khắc:
- Đủ rồi, đừng có nói hồ đồ nữa!
Thần kinh Diễm Khanh căng ra như có thể đứt tung, cô nói như hét:
- Tôi xếp anh về phía họ, anh cũng là kẻ thù của tôi.
Nói xong, cô điên cuồng ném mạnh chiếc máy đi, rồi nằm úp mặt xuống giường, khóc nức nở, hoảng loạn.
Bà Nhã chạy qua, có vẻ hốt hoảng:
- Chuyện gì vậy Khanh, con hét ai vậy?
Diễm Khanh ngóc đầu lên, nước mắt đầm đìa:
- Con thấy mẹ con mình bất hạnh quá. Bây giờ làm sao hả mẹ, làm sao mà vạch mặt ông ta đây.
- Sẽ có cách nào đó, con ạ.
- Nhưng đó là cách gì, trong khi mẹ không nắm cụ thể những gì đã diễn ra trước kia? Mẹ không nhớ hết thì làm sao tố cáo ông ta?
Bà Nhã nghẹn lời, không nói gì được. Bất giác, bà cũng bật khóc.
mẹ con ôm nhau mà khóc đến cạn nước mắt, nhưng cũng không nghĩ được cách gì để giải thoát mình ra khỏi nghịch cảnh.