Số lần đọc/download: 5417 / 436
Cập nhật: 2018-04-17 02:18:10 +0700
Chương 8
- Hay là Sài để em giới thiệu cho một cô vậy.
Trong căn phòng vắng vẻ chỉ càng nặng nề thêm. Kể từ khi Sài ở chiến trường ra hầu như tuần nào Hương cũng đến với anh một vài lần vào những ngày ”hành chính“ mà Sài được nghỉ. Sáng Hương vẫn làm đủ mọi thủ tục cho chồng con ăn uống xong xuôi, chị xách cặp lồng cơm đến cơ quan. Ngồi vào bàn đọc hoặc viết một cái gì đó chừng hơn một giờ sau chị dặn người ngồi bên cạnh ”Ai hỏi, bảo mình chạy ra chợ một tý“. Hoặc là đi cơ sở nắm tình hình, hoặc sang cơ quan này, cơ quan khác, liên hệ, trao đổi việc gì đó Nghĩa là những cơ quan làm việc ở thành phố trong những năm tháng này, nếu cần lý do chính đáng để vắng mặt trong giờ làm việc là chuyện thường tình không ai quan tâm. Những đôi ”nhân tình“ đã có sự ràng buộc nào đấy họ thường gặp nhau vào giờ ”hành chính“ là thuận tiện nhất. Người lớn đi làm, trẻ con đi nhà trẻ, mẫu giáo, đi học, khu tập thể vắng tanh. Trong mỗi căn hộ là thế giới riêng biệt của họ. Hết giờ ”hành chính“ lại trở về cơ quan để thành người đứng đắn, không hề có bạn trai, (hoặc gái) không đi chơi đâu, không lả lơi chớt nhả. Người ”đứng đắn“ ấy có quyền hạch sách, bắt bẻ, dạy dỗ con em mình phải sống nghiêm túc, phải giữ gìn và tu luyện. Hương không phải là loại người ấy. Bề ngoài, chị vẫn phải lén chồng con, cơ quan để đi gặp người ”tình“ cũ. Nhưng trong chị, bao giờ cũng được phân định ranh giới rõ ràng giữa gia đình và tình yêu. Với một mối tình có thể gọi là duy nhất đối với Sài khiến chị thương và lo toan cho Sài như một người vợ lo cho chồng. Nhưng nó hoàn toàn mang ý nghĩa tinh thần hết sức thiêng liêng vì chị đã có một gia đình, đau khổ chịu đựng và vun đắp cho nó hơn mười năm nay. Đã ba mươi tư tuổi đầu không đủ sức từ bỏ những gì đã có, chị rất sợ sự tanh bành, đổ vỡ của một gia đình. ở chị thường nảy sinh những mong muốn trái ngược nhau. Rất mong Sài lấy vợ để mình đỡ day dứt, lại rất sợ một người đàn bà nào đó làm khổ Sài thêm. Rất muốn Sài vẫn chỉ là tình yêu của riêng mình, lại rất sợ gia đình bị phá vỡ. Tất cả những cái đó dù chỉ là ý nghĩ thì trong mỗi cử chỉ của chị vẫn bộc lộ thành thật ý nghĩ đó. ở Sài có phần ngược lại. Những năm tháng ở chiến trường anh chỉ ước mình được ”giải phóng“, ước có một phép gì đó để Hương trở về với anh hoặc ít ra Hương vẫn đem đến cho anh một tình yêu vừa đủ để anh nói với mọi người rằng chúng tôi đã từng yêu nhau, tình yêu của chúng tôi xưa kia là có thật, nó sâu nặng đến nỗi hàng chục năm sau vẫn không thể phai nhạt. Nói tóm lại, khi ấy chỉ cần nhắc đến tên Hương, anh đã rạo rực sung sướng, đã thấy bất chấp mọi chuyện xảy ra hàng ngày, mọi công việc hàng ngày đều là dễ dãi không hề có bất cứ một trở ngại vướng mắc nào. Chao ơi, nếu cuộc đời anh mãi mãi có Hương, ở cạnh Hương!!! Nhưng ngay sau khi được ly hôn cô vợ cũ, cũng chẳng cần đợi ly hôn, anh mới ở miền Nam ra, biết tin anh được phép ly hôn vợ đã có ba bốn đám nhắm nhe. Lúc ấy Hương chỉ còn là một kỷ niệm thiêng liêng của những ngày đã qua, một thần tượng làm cho Sài sống dậy sự linh thiêng vô cùng nhưng lại không phải là Hương hôm nay, không thể là những xao động của những đòi hỏi ngày hôm nay. Con người tự do hoàn toàn, có quyền lựa chọn những cô gái trẻ trung son rỗi, một tình yêu chính mình định đoạt, Sài cũng có thể yêu một người con gái như Hương ngày xưa khiến nhiều chàng trai trẻ khác thèm muốn, làng xóm phải ngơ ngác và sẽ cách biệt khá xa ở mọi phương diện với người gọi là vợ của anh trước đây. Hạnh phúc của mỗi người còn phải do niềm khao khát ước muốn của nhiều người xung quanh thì nó mới trở nên lớn lao, vô giá. Nhưng Sài không làm cho Hương thất vọng. Ngay từ ngày đầu tiên về đến Hà Nội anh đã nhờ Hiểu tìm Hương đến. Rồi anh đòi đưa chị về, đòi đi chơi với chị, Hương cuống quít từ chối: ”Đừng anh ạ. Anh lấy vợ đi. Để em giới thiệu cho anh một cô vậy“- ”Có lẽ anh chả lấy ai nữa đâu“. Ngay những ngày anh theo bạn bè sục đến khắp nơi ”xem mặt“ hàng chục cô gái, lúc gặp Hương anh vẫn giữ được bộ mặt đau khổ khiến chị càng ân hận day dứt nỗi cô đơn của anh. Chị lo gửi gắm xếp hàng mua hết các ô trong phiếu thực phẩm khi anh và Hiểu nấu ăn riêng. Nhiều lúc có cá chị phải làm, rán qua rồi mang gia vị đến. Nếu Hiểu đi vắng Hương lại phải hướng dẫn cho Sài làm từng việc. Đậu, thịt, mì chính, nước mắm cũng phải bày vẽ cách làm, cách pha chế, liều lượng dùng. Có anh Hiểu ở nhà còn đỡ, anh ấy đi vắng là nhà cửa bếp núc bừa bộn, ăn uống thất thường. Không có người đàn bà nào cực là thế. Cùng một lúc chị vừa lo cho cả hai người. Một gia đình không có hạnh phúc nhưng không thể phá bỏ, một người yêu tràn đầy rạo rực mà không thể bước tới.
Không thể đánh giá được chính xác về anh trí thức làng Hạ Vị. Anh có thể thành thục trong từng cử chỉ, từng lời nói và tạo nên một bộ mặt thật thà, làm chủ được tình cảm với một người đàn bà hơn ba mươi tuổi nhưng lại vụng dại, ngây ngô dễ dàng tin theo ngoan ngoãn tất cả những gì được biểu hiện ở cô gái mới lớn. Sự im lặng quá lâu như tính toán dằn vặt đã phải đến lúc quyết định:
- Có lẽ anh cũng phải lấy một cô nào đấy cho nó xong đi.
Thấy nét mặt Hương buồn hẳn, anh tiếp:
- Giá em nghe anh, chúng mình cùng làm lại cả thì đâu đến nỗi.
Sự cảm động dâng lên làm cho nước mắt Hương giàn ra, chị vội lấy khăn lau, an ủi anh:
- Nhiều lúc em cũng muốn như thế nhưng không thể được.
- Nếu anh lấy vợ rồi có đến với anh nữa không?
- Thôi.
- Thế là em không muốn rồi.
- Còn phải tuỳ thuộc lúc bấy giờ người đó đối xử như thế nào.
- Thì mình cứ bình thường như những người bạn khác.
Hương không trả lời. Anh vội vàng chữa.
- Tất nhiên, cái tình cảm của riêng mình ai biết được.
Gần như đấy là lần gặp nhau cuối cùng trong sự gìn giữ trân trọng một mối tình suốt mấy chục năm của hai người. Thực ra, còn một lần nữa, đấy là khi nghe Sài rục rịch cưới vợ, không thể nén được chị tìm đến anh. Sau một lúc khá lâu nghẹn lặng chị mới hỏi:
- Sao anh vội vàng thế?
- Từ hôm em giục, anh đã bảo lấy cho xong chuyện đi mà.
Cô cười lạt đai lại:
- Em giục! Sao bảo thấy cô ta đẹp anh cứ cuống cả lên.
- Thế chả nhẽ anh lấy một người như ma mút thì mới vừa lòng em ư?
- Em thì có quyền gì
Sài có cớ đẻ nổi nóng. Một sự nổi nóng rất cần thiết lúc này.
- Anh không thể hiểu em là người như thế nào nữa
- Gần hai chục năm nay an vẫn còn nhầm à?
- Em còn nhớ đã bao nhiêu lần anh bàn với em thế nào không?
- Nhưng em có cấm anh lấy vợ ddaaua.
- Không cấm mà nghe tin anh lấy vợ lại giận dỗi không bằng lòng với anh. Gần một tháng trước, cũng ở đây chúng mình bàn với nhau và anh đã làm theo ý em, đến bây giờ...
- Anh sẽ không làm được việc gì nữa.
- Tại sao thế.
- Tại vì anh sẽ không còn là anh nữa.
- Tại sao.
- Tại vì anh cứ phải cố lên mới theo kịp được những đòi hỏi của người ta, không còn gì để nghĩ đến những chuyện khác.
- Anh sẽ không làm như thế.
- Anh vẫn cứ phải làm đấy.
- Tại sao.
- Tại vì anh không đủ sức cưỡng lại.
- Em dựa trên cơ sở nào thế.
- Cơ sở của gần hai chục năm đeo đuổi một mối tình tuyệt vọng với anh. Cũng gần hai mươi năm sống trong một tình cảm khắc khoải ở đây.
- Anh không còn hiểu em định nói gì nữa. Thôi, bây giờ phải thế nào, em bảo anh. Làm được gì để em vừa lòng anh cũng làm.
Người con gái như được an ủi, cô phân trần:
- Không phải em ích kỷ, chỉ biết mình có gia đình, con cái đầy đủ không lo lắng gì đến anh, thấy anh hạnh phúc hơn lại ghen tức. Em lấy chống trong hoàn cảnh nào và sống từ bấy đến nay ra sao anh biết cả rồi đấy. Rất nhiều đêm nằm ôm con khóc vì không hiểu tại sao mình lại tự làm khổ mình như thế này. Phải nói, anh chồng em là người rất lành và tốt, chỉ có điều là em không hợp, cứ thấy thế nào! Chắc anh hiểu nỗi khổ ấy hơn em. Chỉ có điều là tại em quyết định lấy anh ấy, em phải gánh chịu mọi nỗi bất hạnh. Những ngày anh đi B, ở nhà em mới biết nguyên nhân để có đứa con, em thương anh, giận anh và cũng thương thân phận mình, giận mình vô cùng. Em chỉ có ước ao gia anh được trở lại miền Bắc ngay những ngày ấy, bằng giá nào cũng phải về với nhau vì em biết rằng không ai hiểu anh hơn em, không ai yêu anh hơn em và ngược lại anh cũng vậy. Những ngày mong ước ấy không đến, em sống nhờ vào sự ríu rít của các cháu. Vì chúng, tất cả đời mình nhìn vào mấy đứa con mà sống. Em đã cố vun dắp cho cái gia đình ấy, lo toan cho các cháu học hành. Nhưng không lúc nào em nguôi nỗi nhớ anh, lo sợ anh ở chiến trường sống chết ra sao. Bao nhiêu tình yêu của anh trong em, em đem sống hết với gia đình, với chú Hà, anh Tính, anh Hiểu. Anh có ai ruột thịt, thân thích thì em có tất cả những người ấy. Và em rất lo sợ ngày anh trở về không nơi bấu víu. Em đã gặp Tuyết khi em có hai cháu. Em khuyên Tuyết đừng làm khổ nhau làm gì. Thực ra chị ta cũng tội. Chị ấy khóc bảo em: ”Chị ơi, em biết anh Sài khổ quá mà em cũng có sung sướng gì. Em yêu anh ấy lắm nhưng anh ấy không thể yêu được em, em phải cắn răng vào mà chịu. Chị bảo, cả một thời con gái được chồng nhòm ngó đến một lần rồi nuôi con một mình. Cả hàng chục năm trời, những khi anh ấy chưa đi xa em cứ nằm mong tưởng được chồng hỏi đến. Chị là phụ nữ chị biết thời con gái đang độ ăn không biết no, ngủ không biết chán như em mà cứ phải ép mình xuống giường chịu cho qua hết đêm này đến đêm khác còn có nỗi cơ cực nào hơn. Nhưng bố mẹ em chỉ có chém khi em tự bỏ về. ”Sống làm người, chết làm ma nhà nó, cấm mày được dẫn xác về đây. Bao giờ thằng Sài đuổi mày đi sẽ hay“. Hồi bé thì không chấp, lớn lên có lúc em mong anh ấy đuổi em, đánh em mấy cái rồi đuổi em đi để em có cớ về nhà nhưng anh ấy cũng sợ thầy mẹ em, sợ chú Hà, anh Tính rồi sau này sợ cả đơn vị nên không dám đuổi em đi. Anh ấy cứ lẳng lặng tìm cách để tránh xa em,càng xa càng tốt. Em biết chuyện anh ấy đi bộ đội rồi đi B là thế nào chứ. Đến bây giờ được đứa cháu, em cứ ở vậy nuôi cháu, anh ấy đi lấy ai thì kệ, em cứ sống với con em chẳng ai đuổi được em đi đâu nữa“. Đấy, em cũng như cô Tuyết, cứ nhìn vào những đứa con mà sống. Chỉ có khác là những động cơ khác nhau. Vì thương con mà em không dám sống với người mình yêu. Thật lòng, em chỉ muốn tìm một người thật hợp với anh, hiểu anh, có thể thay em chăm lo cho anh. Vừa để anh bù lại những năm tháng đã mất, vừa tạo điều kiện cho anh phấn đấu. Em tin là anh còn làm được những việc có ích mà số người như thế đâu phải là nhiều.
Gần năm nay, đây là lần đầu Sài có dịp dừng lại nhìn mình, nhận ra những tình cảm của người yêu với những nỗi niềm sâu xa mà anh chắc chắn rằng từng lời nói ấy đều là nước mắt và nỗi đau đớn của không biết bao nhiêu đêm dồn lại. Nhưng anh vẫn tin là khi anh và Châu đã yêu nhau thực sự sẽ không có việc gì là không làm được. Châu đâu phải là người thô thiển, dốt nát để đến nỗi. Anh cũng chưa thấy có điều gì không hợp nhau. Ngược lại, có rất nhiều chuyện cả hai cùng ồ lên không ngờ lại nghĩ giống nhau đến thế. Anh nói như một lời thề.
- Em yên tâm, anh sẽ làm tất cả để em khỏi buồn phiền.
Biết rằng không thể thay đổi, không thể nào khác cái việc đã rồi nên sự hứa hẹn của Sài cũng làm cô cảm thấy mình còn được một cái gì đấy. Nhưng đến ngày cưới của Sài cô đã ngồi khóc cả một đêm. Khóc cho ai, khóc vì cái gì, Hương không thể biết, chỉ biết rằng cái ngày ấy nó đến với cô sao mà quay cuồng, chóang váng, suốt mấy ngày thẫn thờ, người như dại hẳn đi, và đến đêm, lúc mười chín giờ ba mươi phút, cái giờ chắc chắn từng tràng pháo sẽ nổ trước cửa phòng cưới thì cô bật lên tiếng khóc.
Bất chấp sự gièm pha, can ngăn của Hương và những người thân, Sài quyết chí yêu Châu. Những ngày yêu cô, anh cảm thấy hạnh phúc đến với mình nó ào ạt gấp rút tuy có đôi lúc bực mình vặt những chuyện không đâu như là sự tất nhiên, không ai tránh khỏi, anh thấy như đang bơi mênh mang trong hạnh phúc, trong niềm sung sướng đến ngạt thở. Cái đêm đầu tiên ”ăn ở“ với nhau như là một lời tuyên bố chung về xuộc sống của hai người được ký kết bên bờ hồ Tây, họ đã thực sự một cuộc sống vợ chồng. Trong giây phút sung sướng đến cực độ Châu đã ghì xiết lấy anh rên lên trong nước mắt giàn giụa: ”Giời ơi, anh đừng bỏ em anh nhé“. Và cũng trong cái phút cuồng loạn ấy anh thanh niên gốc làng Hạ Vị vốn tính toán chắc ăn đã bao nhiêu lần thử thách đến lúc này vẫn phải hỏi lại một câu hết sức thô bỉ: ”Nếu mẹ đang ngồi đây mà chúng mình vẫn... có được không?- ”Nếu anh muốn, em sẽ chiều“. Thì ra đàn bà dù thanh cao đến đâu cái phút này họ cũng thích thú vuốt ve bằng sự tầm thường bỉ ổi. Khi đã bình tĩnh trở lại cô gái sợ hãi kêu: ”Anh ơi, không khéo em ”bị“ rồi!“ Nỗi lo lắng của người con gái lại là niềm hạnh phúc vô giá của người con trai. Như đã túm chắc trong tay mình niềm khao khát bấy nay vẫn sợ nó trượt tuột đi, anh ghì lấy người yêu đến nỗi cô phải cong người lên mới khỏi nghẹt thở. ”Đã chắc chắn chưa em“. Cô gái gật đầu nhè nhẹ: ”Ngay hôm đầu về em đã thấy người nôn nao thế nào ấy. Mấy hôm sau vẫn ”không thấy gì, em sợ quá“- ”Trời ơi, sao em lại sợ. Em không thích chúng mình có con ư?“ Cô gái ngồi dậy kéo anh áp mặt vào bầu vú căng cứng đanh, một tay ôm một tay vỗ vỗ trên lưng anh như là cho con bú, như là hai mươi năm trước Hương đã vỗ về Sài như thế, như là đã giành lại tất cả những gì đã mất đi từ hai mươi năm qua lại ngoan ngoãn chộp chạp như một đứa trẻ háu đói. Cô cúi xuống ngắm bầu bên kia rồi bóp cho nó nhọn ra nũng nịu: ”Thâm vào rồi đây này“. Anh ngước đôi mắt đang cười chứa chan nhìn em rồi lại khép lại lim kim: ”Anh ơi!“ Anh không ngẩng lên. ”Hay là...“ Thấy anh vẫn im lặng cô rụt rè: ”Hay là...“- ”Em định đến bệnh viện? Cô khẽ khàng gật đầu uể oải. Sài ngồi phắt dậy sửa lại quần áo: ”Nếu em định thế, chúng mình chia tay nhau luôn đi!“- ”Anh định doạ em đấy à?“- ”Anh không doạ nhưng tại sao em không nghĩ là chúng mình sẽ vô cùng hạnh phúc khi có một đứa con“- ”Để rồi dơ mặt ra với mọi người!“- ”Tại sao em không nghĩ chúng mình phải cưới nhau!“ ”Cưới nhau! Ba tháng có con!“- ”Tại sao lại ba. Cứ gọi cho là gần một tháng đi!“- ”Người ta phải tính từ khi ”sạch“ của lần trước kia“- ”Thì gọi hẳn cho gần hai tháng!“- ”Anh cưới được ngay hôm nay đấy“- ”Trong vòng nửa tháng nữa chúng ta đủ sức để tổ chức cưới. Thiếu gì những đứa trẻ chỉ có bảy tháng. Mà cần quái gì. Ai nghĩ chúng ta đi lại với nhau trước khi cưới thì kệ họ. Đã sao“- ”Con trai các anh thì chả sao nhưng anh phải nghĩ đến con gái chúng em chứ“- ”Trời ơi, em ơi, bây giờ người ta bận đi xếp hàng đong mì, đong gạo, mua dầu,mua củi không ai còn hơi sức đâu để bàn chuyện em. Mà nếu thấy ai bàn, em gọi anh, chỉ cho ngưòi ta thấy: Đây, kẻ phạm tội đây! Chả nhẽ người ta lại hỏi tội tại sao anh lại có con với vợ anh“ Cô gái phì cười gắt: ”Thôi tán vừa vừa chứ. Lúc nào anh cũng xồn xồn lên. Làm sao trong vòng nửa tháng nữa tổ chức được“- ”Chuyện đó em để anh lo. Sáng sớm mai anh sẽ đem đến em một bản kế hoạch tỉ mỉ mọi phương diện. Xong, em chỉ cần theo anh đi làm vài thủ tục cần thiết còn tất cả mọi việc em không phải lo gì“. Đã biết người yêu của mình như một con hổ ngày bình thường thì lờ đờ nằm im nhưng khi cần thiết nó sẽ bất chấp, chả phải lo gì. Có lẽ cuộc đời lính tráng đã tạo cho anh được sự tháo vát chưa chịu bất lực trước một hoàn cảnh nào. Cô thấy yên tâm ngay khi anh ”tán“. Họ ngồi lại âu yếm bên nhau cho đến khi cơn đau bụng dội lên quằn quại ở Châu. Anh giữ lấy cô rối rít hỏi vì sao, đau ở đâu, cần gì? Nhưng Châu không thể nói được. ”Anh đưa em về nhé“. Châu gật đầu để anh dìu cô ngồi ở sau xe. Trên đoạn đường về, Châu vẫn đau, nỗi đau dội lên ở cô như đã truyền sang anh khiến anh lặng người vì lo sợ. Đã rất lâu anh hỏi: ”Liệu thế nào? Nhà có thuốc gì không? Hay là cấp cứu!“ Cô lắc đầu. Không hiểu lắc vì không có thuốc, không đi bệnh viện hay không thể nói được. Về đến cửa, anh định đợi bà cụ mở đưa Châu vào xem tình hình thế nào nhưng cô lấy tay ra hiệu cho anh đi. Có lẽ Châu sợ mẹ biết cô đi chơi với anh bị đau bụng nên không muốn để anh đứng đấy. Anh nghĩ thế, nhanh chóng đạp xe ra đầu ngã tư. Quay lại, đợi lúc đèn trong nhà bật sáng và Châu đi vào anh mới đạp thốc tháo về nhà dựng Hiểu dậy, tả tất cả những tình trạng đau đớn, rất có thể gây nên nguy hiểm. Nhưng đau gì, ở vùng nào thì anh không biết. Hai anh em tìm đến nhà các bác sĩ bạn Hiểu. Sáng sau, từ rất sớm Sài đã đến nhà Châu. Anh phải chờ hơn nửa giờ bà cụ mới dậy. Đợi cụ đánh răng rửa mặt xong, ra bếp nấu cơm anh mới ”con chào bác“ rồi ngồi xuống bên Châu. ”Liệu có sao không em“ Anh xin thuốc giảm đau, bê một, bê mười hai, vitamin tổng hợp cho em đây. Nếu không khỏi các anh bác sĩ bạn anh Hiểu bảo đưa đến các anh ấy xem thế nào?“ Anh bầy các gói thuốc ở đầu giường cạnh gối của Châu. Cô đang nằm quay vào, lấy tay quơ nắm thuốc ném vào người anh: ”Mang đi. Anh tàn tệ lắm“. Bất ngờ cả việc làm, cả lời nói, anh tưởng không bao giờ xảy ra ở cô gái có học, con một gia đình nề nếp. Anh tái mặt, giận đến phát run lên. Lặng đi một lúc, anh đứng dậy đi ra cửa. Châu nhổm dậy nhào theo túm lấy tay anh:
- Buông tôi ra.
- Em xin lỗi anh.
Phải lặng đi một lúc lâu nữa anh mới hỏi:
- Tại sao em lại có thể đối xử với anh như thế nào?
- Đã bảo em sai, em xin lỗi rồi mà.
- Nhưng tại sao mới được chứ
Giọng cô nũng nịu khiến không ai có đủ sức giận dỗi được nữa.
- Anh chả thương em gì cả.
- Suốt đêm qua anh đi tìm bác sĩ, xin thuốc rồi tức tốc chạy đến đây đứng hàng giờ đồng hồ. Thấy em ngủ được, trở về nhà đã gần ba giờ sáng. Đén bây giờ lại đến đây mà chưa được coi là thương em, anh cũng đành chịu.
- Không phải thế. Anh chả hiểu gì con gái chúng em cả. Đáng nhẽ anh chỉ cần an ủi, động viên em một vài lời, dỗ dành âu yếm em một chút là em thấy cơn đau của mình được san sẻ. Đằng này anh cứ lặng đi làm em thấy tủi thân quá.
- Anh hỏi em có nói đâu.
- Đang đau chết đi được mà hỏi như quan toà hỏi cung ấy ai mà trả lời được.
Thế thì còn biết đầu đuôi làm sao nữa. Chỉ để dỗ dành vuốt ve mấy câu, bất cứ thằng con trai lười biếng giả dối nào chả làm được việc ấy.
- Anh bảo, lúc đau ốm buồn bực ngoài người yêu của mình ra còn biết san sẻ cho ai.
- Để lo toan, san sẻ cho nhau như thế thì đơn giản quá, cần gì phải mất công, mất sức, chạy ngược chạy xuôi.
- Em tin chúng mình sống gần nhau anh sẽ sửa được. Rồi cũng quen đi thôi mà.
Anh không ngờ nhiều cái bắt anh phải làm quen, dù chả to tát, chả khó khăn gì, để ý một chút là làm ngay được, nó cũng hợp lý nhưng sao mà phiền toái, xét nét vụn vặt đến khó chịu.
Xuống thăm nhà anh trai cô, Sài vồn vã chào hỏi, chủ động đi pha nước, rút thuốc của mình ra mời bằng cả hai tay nâng bao thuốc rất lịch sự. Ra đến cửa ngồi lên xe đạp là cô lầu nhầu:
- Việc gì anh phải làm thế.
- Ô kìa, từ xưa đến nay với ai anh chả thế.
- Em biết, anh có tấm lòng chân thành rất đáng quý. Không thế đừng hòng em yêu. Nhưng ở đây sự chân thành quý giá của anh bị nghi ngờ và xem thường.
Lại còn thế.
- Anh ấy là vụ trưởng vụ tổ chức, đã quen khinh thường những người không đàng hoàng chững chạc, vì luôn luôn nghĩ rằng họ sẽ nịnh bợ, xin xỏ nhờ vả gì đây.
- Nhưng anh chưa hề xuất hiện ý nghĩ sẽ nhờ vả anh ấy việc gì.
- Đúng. Bằng năng lực của mình em tin anh không phải nhờ vả lạy lục gì anh ấy. Nhưng anh quên là anh sắp cưới em gái anh ta à. Nhìn cử chỉ của anh, anh ấy sẽ nghĩ chắc thằng cha này cũng chả ra gì, vớ được em gái mình cứ cuống quýt lên. Thế là anh ấy coi thường cả hai chúng ta. Lẽ ra anh cứ bình thản,đĩnh đạc, chứng tỏ cho anh ấy biết rằng em gái anh yêu tôi, thì tôi yêu, nếu không, tôi cũng chẳng cần. Hôm nay tôi đến thăm và báo cáo với anh chuyện của hai chúng tôi là anh đã thấy mình được tôn trọng. Tiếp tôi thế nào tuỳ anh. Anh là chủ, tôi là khách, tôi phải được mời mọc lịch sự, nếu không, tôi cũng có quyền lạnh nhạt, hờ hững với anh chứ. Còn khi nào anh nhờ tôi việc gì đó lại là chuyện khác.
Càng nghe, anh càng ớ người ra, trông mặt cứ đần như một chú bé nghe giảng bài học đầu tiên.
Đến một lần khác, Hiểu và anh mời chú Hà, bạn chú, ”ông mối“ và Châu ăn cơm. Cả bữa ăn, nhìn Châu ăn uống rụt rè lười biếng, vừa ăn anh vừa phải nhăm nhăm chọn miếng ngon gắp cho cô. Buổi tối cô gắt:
- Anh buồn cười thật, đã nói bao nhiêu lần là phải ý tứ. Có một người chồng hết lòng cho vợ con như anh ai mà chả mừng. Nhưng phải tuỳ từng lúc. Bữa cơm chiều nay anh làm cho cả chú Hà, anh Hiểu và bạn của chú nghĩ gì anh biết không? Mọi người sẽ nghĩ thằng ngày nó cứ xoắn xuýt lấy vợ con, rồi nó chỉ có vợ con nó chứ chả nghĩ gì đến ai. Người ngoài nghĩ thế đã không nên, để những người thân thiết nghĩ thế là tự tách mình ra khỏi người ta. Anh còn hạnh phúc gì khi chỉ có vợ mà không có ai! ấy là chưa kể có lúc anh gắp cho em miếng thịt em đã ngấy đến phát oẹ lên nhưng anh đã dúi nó dính đầy cơm của bát em, em còn bỏ lại làm sao nữa.
Nhưng nếu chỉ rời khỏi ý nghĩ về cô để làm công việc khác anh như trở thành một con người khác. Những chỗ đông người anh thường nói từ đầu đến cuối, có khi lại ngồi lì ra từ đầu đến cuối nhưng dù người lớn tuổi hay bạn bè cùng lứa đã ngồi với anh hay dù chóng hay lây, ăn hay chơi, tán tỉnh nhộn nhạo hay bàn chuyện nghiêm túc là hoàn toàn tuỳ thuộc vào anh. Cái đó là vì quý mến sự học hành thông minh của Sài và chủ yếu họ nhìn thấy sự tận tình của anh với tất cả bạn bè. Phần khác, bằng cái ma lực nào đó của cái vẻ mặt ”đần độn“ rất ”dễ thương“ anh ”vào“ được rất ”nhiều cửa“, khi bạn bè cần anh cho công việc của họ. Nên ai có việc gì nan giải khó lòng hy vọng thường giục nhau ”gọi thằng Sài“ và thằng Sài đã ”xuất quân“ thường là niềm hy vọng cuối cùng, nếu Sài bất lực,thì coi như kết thúc, đừng theo đuổi nữa mất thì giờ. Cho nên, khi yêu Châu bạn bè ai cũng tiếc ”Thế là mất thằng Sài“. Một cái thằng như thế mà bị con bé ”nó ám“, lúc nào cũng như mất hết hồn vía. Có anh nhà báo đã lớn tuổi ở chiến trường coi Sài như em và viết hàng chục bài về anh. Con người ấy lúc nào cũng trịnh trọng Sài thấy hơi cổ cổ thế nào ấy. Với vẻ trịnh trọng anh mắng Sài ”Cậu yêu con bé ấy không được đâu. Để tớ giới thiệu cho con bé khác hợp với cậu hơn. Với cậu, phải là chân chỉ hạt bột kia“. Anh vẫn nhìn tôi bằng con mắt của hàng chục năm trời trước giữa rừng rú bom đạn? Sài tự ái ”Cám ơn anh. Đã đến ba bốn chục người như anh khuyên em đều chịu không thể ”kham“ nổi- ”Tớ đảm bảo sẽ đem đến cho cậu một đám khá xinh, hợp với cậu“. Ôi chao, một thằng đã ba mươi tư tuổi đầu, một đời vợ rồi còn có there mơ tưởng một người xinh đẹp hơn cả Châu! Anh tưởng tôi là quý giá lắm đấy ư? Người bảo tôi không thể với tới Châu, người lại kêu có thể kiếm được đứa khác khá hơn. Người bảo Châu sẽ là ngườ vợ đảm đang, tháo vát, người lại đe ”Nó tiêu ma cả cuộc đời mày lúc nào không biết đâu“. Tôi yêu và lấy vợ cho tôi, chứ tôi có yêu và lấy vợ hộ các vị đâu. Giá như từ hai chục năm trước tôi được tự do yêu đương bây giờ không đến nỗi ngỡ ngàng, dè dặt. Mười tám, hai mươi lầm lỗi với người này có thể làm lại, có ngay sự tốt đẹp với người khác, cần thì người khác nữa, những người khác. Cái uy lực của thời trai trẻ khiến người ta thoải mái, nói năng bông phèng, bừa phứa. ”Anh yêu em“ con thô bạo trơ trẽn với cô này rồi lập tức ”Em là linh hồn của anh“ với cô khác. Có mấy chữ ấy có thể nói với rất nhiều cô gái, nó tin đâu thì dừng lại đấy, cần quái gì phải cân nhắc ý tứ từng cử chỉ nhỏ nhặt, từng lời nói, chưa biểu hiện cử chỉ gì đã sợ nó đánh giá tư cách, sợ khinh thường, sợ mất. Cứ phải nghĩ ngợi, cân nhắc đắn đo mãi một việc sẽ làm, một lời sẽ nói, luôn luôn sợ sai, sợ hỏng không thể sửa chữa, không thể làm lại thành ra nó hấp tấp, cuống cuồng, có gì là lạ. Phải ngồi một lúc lâu anh mới nói được những lời bình tình: ”Nói thật với anh chúng em sắp tổ chức rồi“- ”Thì chúng mình cũng chỉ góp ý để cậu tham khảo, quyết định vẫn là cậu“. Sài biết là anh ấy sẽ không bằng lòng nhưng chả làm cách nào khác. Nhưng anh ta vẫn không hề phật ý, vẫn có mặt trong buổi họp ”ban tổ chức“ và lo toàn bộ khâu phim ảnh ở cả hai họ, cả ảnh màu lẫn ảnh đen trắng, in thiếp mời và giấy báo hỉ lấy ngay vào ngày mai.
Chỉ sau năm ngày, kể từ khi hai người quyết định cưới ”chạy“ ban ”Tổ chức“ đã họp phiên đầu tiên cũng là phiên cuối cùng. Tất nhiên, trước đấy Sài đã gặp và giao việc cho từng người. Hôm nay, chỉ là ”báo cáo“ kết quả và xem có gì phải bổ sung, điều chỉnh, uốn nắn.
Chính thức từ ngày hôm nay Châu mới nghỉ phép. Cô đến chỗ Sài thì mọi người đã đông đủ. Tất cả đều là bạn bè chí cốt ở rất nhiều cơ quan, trung ương và bộ đội, ở Hà Nội và ở quê. Sài tỏ ra là người có năng lực tổ chức vừa bao quát, vừa tỉ mỉ. Anh điều khiển mọi người như ”thủ trưởng“ đầy tín nhiệm điều khiển nhân viên của mình. Ông Quang ”đối ngoại“ xem các thủ tục đăng ký vào ngày giờ nào. Anh Thụ. ”nhà đất“ cho biết cái nhà xong chưa? Ông Hoa tổng cục Hậu cần lo bánh kẹo, bia rượu đến đâu rồi. Thanh ”lâm nghiệp“ đã chuẩn bị xong giường tủ, bàn chưa“ Ông Đinh hoạ sĩ chuẩn bị trình bày xem trang trí hội trường kiểu nào để mọi người tham gia. Đến lượt mình, ai cũng kêu ”bị đột kích“ bất ngờ ghê quá và kín đáo nhìn Châu tủm tỉm cười khiến Châu ngượng ngùng một cách thú vị trước sự tận tình, tháo vát và hóm hỉnh của tất cả bạn bè Sài.
Mười mấy con người đứng chật ních trong căn phòng của Hiểu cười nói ồn ã thoả mãn vì công việc của người nào cũng khó, cũng gấp gáp, cũng đầy trắc trở mà vẫn hoàn thành xuất sắc. Châu không thể ngờ tất cả đều nhanh chóng, đều tốt đẹp đến thế. Đi trên đường đến thăm nhà mới cô càu nhàu sung sướng.
- Việc của mình mà anh cứ nói như sai khiến mọi người ấy.
- Bạn bè, lính tráng cũ thằng nào có việc chả thế.
- Nhưng làm gì anh cũng xồn xồng ghét ghê cơ.
- Ngày xưa các cụ bảo, con gái họ nói ghét tức là yêu lắm đấy.
- Đừng hòng nhé.
- ấy nói khẽ khỏi con nó nghe thấy nó cười cho.
Cô xuýt bật cười nhưng vội vàng cắn chiếc răng nanh vào vành môi dưới như ghìm nỗi bồi hồi thoáng chút lo sợ, buồn tủi. Sài nhận ra nỗi niềm mênh mang từ cái nhin ấy. Chắc vợ mình vừa mừng, vừa lo sợ cái niềm hy vọng đang lớn lên kia liệu có vuông tròn không? Anh thấy một tình yêu thương trân trọng như trào ra khắp người. Anh muốn nói với em một lời an ủi, một lời cảm ơn người đang nuôi lớn niềm hạnh phúc lớn lao của cả đời anh. Nhưng không nói được, không nên nói gì lúc này. Anh vẫn đạp xe chầm chậm, một tay giữ lấy ghi đông xe em như dìu em đi, miệng hơi mỉm cười nhìn vào đôi mắt em đã hơi nhìn xuống bẽn lẽn.
Sài đưa người yêu về quê báo cáo và để họ hàng xem mặt. Sau khi hai người thống nhất ngày giờ cưới, anh đã cử một ”nhân viên“ trong ”ban tổ chức“ đem thư về cho anh Tính: Sau Tết em phải đi học tập trung để chuẩn bị ”đi xa“, bà cụ nhà Châu lại rất yếu, em đã báo cáo và được gia đình đồng ý, chúng em định tổ chức vào ngày 17 này. Tuy rất đột ngột nhưng em tin chắc anh sẽ tìm được mọi cách lo cho em. Cụ thể là: Anh chuẩn bị để ngày mồng chín này hai chúng em về ”báo cáo“. Các thứ để ăn hỏi gồm: một trăm quả cau tươi, một cân chè Thái, một cân hạt sen (hôm nào lên đây mua cũng được) một tút Thủ Đô (chú Hà đã liên hệ mua ở giao tế) một chai lúa mới. Anh vay tạm tiền để đưa ngay nhà gái, một ”hoả hồng“ nhà). Nếu thiếu, ở trên này bạn em chạy thêm. Chúng em định sau hôm tổ chức bạn bè ngồi lại với nhau liên hoan nhẹ một chút, anh lo cho em nhé. Khoảng độ trên dưới ba chục người gì đấy. Ngoài ra...“
Mọi việc chỉ như thế là xong, không cần biết chuyện ấy chạy vạy vất vả như thế nào, tình hình cụ thể ở nhà ra sao, cần việc gì, Sài chỉ quen viết mấy chữ về là sẽ đầy đủ như thể Tính là thủ kho, chỉ biết xuất, là trưởng phòng hành chính quản trị chỉ biết phục vụ đúng ý thủ trưởng. Có lần, cũng nhen lên ý nghĩ ấy nhưng chưa bao giờ Tính có cử chỉ khó chịu hoặc nhắc nhở gì em chuyện đó. Như tất cả mọi lần, kể cả khi ở Miền Nam ra Sài đều ”dẫn xác“ về không. Quen nếp ấy Tính không hề trông đợi ở em điều gì. Nhưng lần này việc làm của Châu đã làm anh cảm động, vừa sung sướng, vừa hãnh diện. Cô chào mọi người xong hỏi nhỏ Tính ”Anh ơi, bàn thờ tổ nhà mình...“ ”à, à ở nhà ngoài anh cả cơ. Gì thế em“- ”Dạ... em dâng hương hoa khấn các Cụ“. Tính hiểu ra, anh gọi to:
- Bác cả ra đây, cô em dâu mua hương hoa về thờ Cụ.
Anh cả dang ngồi bên Hiểu đứng dậy sang gian giữa cạnh em trai và Châu. Châu trịnh trọng bày đặt lên mặt tủ chè năm thẻ hương, gói hoa cúng, chục quả cau tươi, gói lá trầu, nải chuối tiêu, chục cam. Ông Hà nói sang để phá bớt không khí trịnh trọng có phần gượng gạo:
- Trên nhà có lập bàn thờ không cháu?
- Dạ, Không ạ. Nhưng tết nhất mẹ cháu vẫn thắp hương khấn các Cụ ạ.
Nói xong Châu đưa gói thuốc Thủ Đô cho anh Tính:
- Anh mời các chú, các anh hút thuốc hộ em.
Rồi cô khoác túi xuống bếp chào vợ Tính, người chị dâu mà qua Sài cô biết chị ấy rất nhân hậu như một người mẹ:
- Chị ơi, em chả có gì, mua biếu chị chút quà để chị chia cho các cháu.
Chỉ có mấy gói bánh qui, mấy gói kẹo socola, những thứ đó không phải ở nhà không có nhưng cả vợ chồng Tính đứng ở cửa bếp đều cảm động đến run lên. Lần đầu tiên người đàn bà chỉ biết hầu hạ chồng con và gia đình nhà chồng được trọng vọng, biếu xén, được quyền chia phôi,ban phát cho các con cháu. Cũng là những thứ này trước đây mua hoặc có ai cho quyền Tính tự chia hoặc đưa cho chúng chia nhau làm cho vợ Tính cảm thấy như mình là người ngoài, mình chả được gì, không can dự gì vào những bổng lộc của chồng con. Vợ Tính không hề khách sáo, chị nhận lấy những gói quà ở tay Châu.
- Chị xin em. Chị đưa cho chồng:
- Bố nó cầm hộ tôi, gọi các cháu chia cho chúng nó
Chị túm lấy hai bàn tay Châu:
- Chị bảo nhé, lần sau về đây với chị đừng mua gì tốn tiền lắm em ạ. Em là kỹ sư thật nhưng ở tỉnh cái tăm cũng phải mua, cố dành dụm để sau này còn sinh nở. Mà em phải quản lý lấy mọi thứ chi tiêu, chứ để chú Sài nó toang toàng lắm. Đàn ông đàn ang họ biết gì đâu. Mai kia chị sẽ cho các cháu hàng tháng nó mang tương lên cho. Tương chấm rau kho cá còn ngon hơn nước mắm. Bớt được khoản nào hay khoản ấy. Bố mẹ mất rồi, các anh các chị ở xa em sẽ vất vả. Nhưng thôi, bất cứ lúc nào em bận bịu hoặc sinh nở, chị sẽ cho các cháu nó lên giặt giũ, cơm nước, chợ búa. Em lên nhà uống nước, nói chuyện với anh và các chú, kệ chị. Lên đi, bụi bám cả vào tóc rồi đây này.
Tính cũng tươi cười hồn hậu nói năng xởi lởi, phóng khoáng.
- Thôi thế được rồi. Lên nhà đi em. Các bác, các chú đến chơi, có cả mấy anh ở huyện uỷ, uỷ ban nữa.
Anh rất bằng lòng về những cử chỉ của cô em dâu. Mọi chạy vạy vất vả đến khốn khổ hàng tuần nay để lo cho những yêu cầu của em đến hôm nay mới thực sự thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Cả nhà vui vầy xum họp. Cô em dâu đã chiếm được cảm tình của tất cả mọi người. Rồi không biết thế nào nhưng bề ngoài không thể chê được điều gì. Anh rất thoả mãn với ba mâm cơm đều có các món hoàn hảo: Thịt gà béo vàng ngầy ngậy, giò lụa trắng, giòn, nem rán, bóng xào xúp lơ, tôm nõn, tim gan, xúp thịt gà, cua bể, tôm he giã lấy nước đánh lòng đỏ trứng gà giả làm yến. Cơm tám và xôi vò... Có thể nó bữa ăn ở Hà Nội còn phải ”nể“. Khi mọi người uống nước, uống cà phê, vợ anh và gần chục đứa cháu đóng kín cửa bếp xì xụp bên những bát đĩa thừa thãi đã được dồn lại. Đứa con gái lớn đang gắp chia vào các bát cho các em. Chỉ đánh soàn soạt vài cái chúng đã nhếu nháo xong lưng bát cơm trắng chan nước xào. Gặp miếng giò hoặc thịt gà, hoặc chả hoặc nem, cái phần duy nhất được phân phát ấy đặt xuống mâm vẫn giữ kẹp giữa hai đầu đũa, chúng chìa bát xin mẹ múc cho thìa bánh đúc ngô. Tính giữ vẻ mặt cười cười, đảo xuống như để phân phát cho vợ con cái niềm vui hoàn hảo của ngày hôm nay. Anh ”ơ“ lên một tiếng ngạc nhiên. Các con ríu rít mời bố ăn cơm. Anh lấy tay ra hiệu cho chúng biết phải khẽ khàng ”Sao lại thế này hở mẹ Tính?“. Chị vợ không nói năng gì lặng lẽ đứng dậy đến bên anh nói chỉ đủ anh nghe:
- Có tạ gạo phải để cho chúng nó ăn đủ ba ngày tết và đem lên chỗ chú Sài. Hôm này cho chúng nó ăn no nê lấy gì mang đi. Thôi bố nó lên nhà đi, kệ mẹ con tôi.
Đứa con gái lớn cũng giục:
- Bố lên đi, không thím Châu thím ấy xuống bây giờ.
Từ lúc về Sài chạy đi khắp nơi mời cô dì chú bác sang xơi nước. Đấy là cách tốt nhất để anh khỏi phải đưa Châu đi trình diện vừa mệt, mất thời gian vừa để Châu khỏi phải khó xử. Người ta đồn đại nhau từ mấy ngày nay ở khắp cánh đồng chuyện Sài sắp cưới cô đại học đẹp như tranh vẽ. Dù được mời hay không gần như cả xóm bồng bế dắt díu nhau đến từ khi mới bưng mâm. Người ta tạt vào nhà bên cạnh phỏng đoán và bình phẩm chờ khi ăn xong mới đùn đẩy, nhấm nháy nhau. Đầu tiên là những người đàn ông và cụ già dắt theo một vài đứa con hoặc cháu. Rồi đến những bà cô, bà dì. Rồi đến các chị, các em trước khi đi làm mang vỏ trẩu, xin vôi mời nhau ăn trầu thuốc, và thì thào. Nhưng đông đúc nhốn nháo nhất vẫn là trẻ con. Chúng có cớ theo mẹ, theo chị để thập thò đen đặc ở ngoài liếp không bị ai quát nạt xua đuổi. Tất cả mọi con mắt đều như xói vào khuôn mặt Châu cười cười ”thường trực“ đang bê trâu, bê nước đi mời mọi người. Một thằng bé chừng lên chín, lên mười đen và gầy mặc áo bộ đội cho vào trong quần lót bộ đội trông như đùm rạ chẽn ở giữa. Nó là người của xóm nào, con nhà ai, không biết. Cùng đến với nó có năm đứa khác, dáng chừng các cu cậu đang thả trâu bò hoặc chăn ngỗng. Những đứa kia đều đứng ở ngoài sân, nó nhâng nháo đi qua mọi người, nhâng nháo vào nhà, nhâng nháo nhìn Châu, rồi nhảy tót ra cửa kêu: ”Cô dâu xinh Đ. chịu được chúng mày ạ“. Những tiếng ”xuỵt“ đuổi theo nó. Bọn trẻ đi theo nó cũng chạy ùa theo sau. Để đỡ ngượng cho cháu dâu và giải tán đám người ”không mời mà đến“ ông Hà đứng dậy trịnh trọng:
- Báo cáo với bà con, các cháu Sài và Châu qua quá trình tìm hiểu cũng đã lâu, hôm nay các cháu về báo cáo với họ hàng nội ngoại để thời gian không xa nữa các cháu sẽ tổ chức. Bây giờ trời cũng đã chiều, đường xa sợ xe cộ trục trặc xin phép để cho các cháu được trở về Hà Nội mai lại tiếp tục công tác.
Châu ngước nhìn như vô cùng biết ơn chú, cô chào những người ở quanh rồi nhanh chóng xuống bếp. Sài và Tính đều xuống đấy. Vợ Tính:
- Nhanh chóng mà đi kẻo tối các em ạ. Bố nó này, tiện có túi đây đưa các thứ ăn hỏi chú thím mang đi trước được không?
- Tốt lắm. Mẹ nó mang túi của thím lên cho các thứ vào đây.
Chợt chị nói nhỏ:
- Còn hạt sen và thuốc, bố nó đưa tiền cho chú ấy đi nhờ người ta giúp.
- Được được.
Sài cũng cuống quýt sai bảo các cháu lấy khăn, áo khoắc găng tay cho thím.
Đấy là những lời nói đầu tiên anh giành cho các cháu kể từ lúc về đến giờ để rồi lại phải gấp rút ra đi,ào ào náo động khắp làng bởi tiếng xe máy và tiếng reo hò của trẻ con lốc nhốc chạy theo sau.
Chỉ còn lại ba người. Một ”bộ tham mưu tối cao“ định đoạt tất cả mọi việc cho Sài khi đã không thay đổi được ý định của anh ta. Một bộ óc ”tổng hợp“ đã nhận biết rất tinh tường, xát đáng trên nhiều phương diện quá khứ và tương lai, cả tình cảm lẫn lý trí, cả triển vọng tốt đẹp và hậu quả chưa hay nhưng không thể lui lại ngày cưới tự Sài ấn định quá sức vội vàng. Cả ba đều đóng những vai trò hết sức quan trọng: Hà đại diện cho nhà giai cả đi ăn hỏi lẫn hôm cưới. Hiểu, trưởng ban tổ chức ”hậu trường“ phải bao quát tất cả mọi việc đã và sắp làm, cho đến ngày ”liên hoan nhẹ“. Tính, tất nhiên là phải lo toan chạy vạy hết thẩy mọi khoản chi tiêu. Nhưng cả hai chú cháu đều cảm thấy người ”chịu đựng“ nhiều nhất trong chuyện này là Hiểu. Kể từ khi Sài đi B Hiểu đã trở thành người con của gia đình, người anh kết nghiã của Sài. Anh có mặt trong hết thảy mọi công việc. Bao giờ cũng hăm hở và lặng lẽ làm. Nhưng mọi sự bàn bạc anh chỉ đóng góp ý kiến nhận xét và biện pháp nên thế này, thế kia cho tốt hơn, không bao giờ ”biểu quyết“. Từ khi ở miền Nam ra, Sài đến ở với anh, lập tức biến căn phòng yên tĩnh, ngăn nắp ấy trở thành cái ổ chuột một nửa, ”phá“ toang toàng mọi nền nếp ăn ở, sinh hoạt nhưng không bao giờ anh tỏ thái độ, dù nhỏ không vui vẻ, thoải mái. Ngay cả nỗi éo le trong mối tình với Hương, anh thấy có lúc cần làm khác hơn, anh vẫn im lặng. Từ ngày yêu Châu Sài ”đột kích“ anh rất nhiều chuyện. Đang đêm lôi dậy đi, giữa trưa buồn ngủ díp cả mắt phải bỏ ra ngoài để cô cậu tâm sự. Rồi, anh làm việc này, anh phải làm việc kia. Rất nhiều khi cần đến việc cậu ta mới sai, anh không hề được bàn bạc, được báo trước. Tính cho rằng Hiểu còn có tình cảm, trách nhiệm với Sài hơn cả anh cả lo cho em út. Lúc nào cần có ”trên, dưới“ để ”đối ngoại“ cho phải lẽ thì mời anh cả. Khi cần quyết định những việc hệ trọng nhất của gia đình nhất định không thể vắng Hiểu. Đấy là cái lý do vì sao Hiểu phải về từ chiều hôm qua và sáng ngày mai mới được đi. Cả ba con ngừơi đều nhất trí nhận định về phần chuẩn bị cho đám cưới của Sài cơ bản là xong. Rất tốt đẹp. Phải là tay anh em mình mới làm được. Ngày mai Tính sẽ cùng đi với Hà và Hiểu lên Hà nội ”trực“ cho đến hôm cưới. Thằng cháu con bác cả cùng bạn nó là bộ đội đang nghỉ phép sẽ làm liên lạc. Mọi việc như thế là ổn. Họ đều hãnh diện về cái khả năng có thể làm cho đám cưới không hề có sự cách biệt giữa quê và tỉnh. Anh trai cô ta là vụ trưởng vụ tổ chức sẽ thay mặt họ nhà gái thì Hà cũng là vụ trưởng vụ tài vụ, kế toán, thay mặt cho họ nhà trai. Phù dâu hẳn là những cô gái xinh đẹp ”mốt“ nhất, thì hai thằng em họ Sài đẹp trai như ”Tây“ vừa ở nước ngoài về phù rể nhất định sẽ át ”bên kia“. Toàn bộ số người đi đón dâu là bạn bè Sài và họ hàng xa gần, kể cả người cùng xã đã từng ở Hà Nội. Anh em, con cháu ở quê lên sẽ ”chạy ngoài“. Hà còn quyết định mấy việc quan trọng nữa. Ông sẽ mượn một máy nổ kiểu mới nhất của Nhật công suất bốn ki lô oát tám chạy êm như ru, đặt sẵn ở cạnh gốc cây ngoài hề để phòng mất điện. Hiểu nhờ thằng em trai ở công ty du lịch mượn hộ một xe nữa đón dâu, vừa rộng rãi vừa đề phòng xe kia trục trặc. Tính báo ông cậu vợ của anh là thợ làm pháo hơn hai chục năm nay đã về nghỉ sẽ lên Hà Nội từ chiều hôm trước để kiểm tra, bảo quản và trực tiếp đốt pháo. Như vậy không còn một kẽ hở nào có thể làm ảnh hưởng đến đám cưới. Nhưng vẫn còn một cái gì đó thiêu thiếu, chưa thật yên tâm. Thực ra, với sự có mặt của Châu chiều hôm nay đã làm hoàn hảo thêm niềm hãnh diện của gia đình ông Hà, một gia đình từ xưa đến nay chưa hề thua kém bất cứ một gia đình nào ở xã này. Từ rất xa xưa, làng có người làm quan huyện thì nhà ông cũng có người đỗ đạt nhất tỉnh. Thời đen tối tổng Lơi phản động khét tiếng một vùng thì ông lại là người cách mạng kiên cường đầu tiên của xã. Cần giữ gìn một nề nếp đạo đức, luật lệ và danh dự gia đình thì nhà ông cũng được coi là mẫu mực. Đến bây giờ quan niệm xã hội có chiều hướng mới mẻ, ông rất muốn gia đình mình vẫn đi tiên phong. Ngay từ khi biết Sài yêu Châu ông và Tính đều không ngờ là có một con bé khá thế. Càng về sau càng thấy nó hoàn chỉnh trên mọi phương diện. Chính vì sự tốt đẹp quá đáng ấy mà lo. Cái duy nhất để con em họ có thể chi phối được cô gái này là sức đi xa của sự học hành nghiên cứu, những đột biến có thể tạo nên những giá trị cao quý của một thời đang cần đến tài năng mà với nó chuyện ấy đâu có phải là viển vông, xa lạ. Cái sức mạnh duy nhất của Sài có nguy cơ bị phá vỡ bằng sự choáng ngợp trước cô bé. Mất cái đó, cả gia đình lẫn bản thân hai người trở nên ”cọc cạch“. Sài hơi ”luốt“ cứ phải cố lên là mất hết. Cái điều đó ai cũng cảm thấy nhưng chẳng ai nói ra. Thành thử sau cái phút bàn bạc công việc đầy sáng suốt cả ba con người cùng gượng gạo, không khí lặng đi như chết.
Nếu như ông Chánh án xử vụ ly hôn biết được hai bên gia đình vào những ngày này hẳn là đỡ được bao nhiêu công phu điều tra và tốn giấy ghi lai hàng tập hồ sơ giữa lúc trẻ con còn thiếu giấy ghi học. Trong khi sự tất bật đến hốt hoảng, sự trịnh trọng đến thiêng liêng, sự ồn ã đến huyên náo cả huyện đều biết đám cưới của nhà trai thì nhà gái vẫn dửng dưng hờ hững. Thật lòng, nghe tin con em mình lấy chồng không háo hức mong đợi bằng tin ngày mai cửa hàng có cá mè tươi bán theo phiếu. Điều đó hoàn toàn không phải họ thiếu trách nhiệm với nhau. Cái chính, họ đã nghe quen những từ ”sắp cưới“, ”người yêu“ của Châu. Vì thế, cô đưa Sài về giới thiệu là người yêu của cô cũng như khi ”xin tổ chức“ đều dễ dàng như nhau. Không có ai can ngăn, không hề có sự phản đối. Lý do, thứ nhất: đã tám năm nay, kể từ khi cả mẹ, cả hai anh trai và chị gái đầu phẫn nộ ẫm ã chuyện cô yêu anh chàng thợ điện đến nay co có bao nhiêu bạn trai không ai nhớ. Trong đó có ba người ”sắp tổ chức“. Tất cả những người bạn trai đến nhà đều được quí mến, cô có thể ”tổ chức“ với bất cứ ai trong số đó cũng được. Chỉ vì họ đều là những người chưa có vợ hoặc do hoàn cảnh éo le nào đó nhưng đã rõ ràng và hiện tại anh ta ”chưa có gì“. Những anh chàng ấy, đều đẹp trai, học hành, công tác nghiêm chỉnh đỗ đạt cao, ”đẹp đôi“ cả về hình thức lẫn nội dung. Sự ”vun vào“ của cả nhà đều có ngầm ý tách cô khỏi tay thợ điện. Ngay người anh cả làm Vụ trưởng vụ tổ chức lo lắng cho cô như một người cha và bình đẳng với cô như bạn bè rất nhiều lần tâm sự với em nhưng kết quả là bao nhiêu anh bạn ấy đều có ”tật“ để cuối cùng cô vẫn trở lại yêu thầm nhớ vụng tay thợ điện. Thứ hai: biết không thể khuyên ngăn, mọi người ấy đều chép miệng: kệ nó, nó có đầy đủ sự khôn ngoan từng trải để tự quyết định lấy cuộc đời của nó. Cho nên buổi chiều nhân tiện đến cơ quan làm việc anh trai rẽ qua uỷ ban khu dự lễ đăng ký kết hôn của cô em anh mới tin là nó lấy chồng thật. Tuy vậy, vẫn chưa ai dám mừng nhiều. Với tính cách của cô và cậu bộ đội thật thà kia chưa ai dám bảo đảm chắc chắn về một hạnh phúc trăm năm của nó ngoài trừ một niềm tin rất mơ hồ, mỏng manh ở người chị gái đi xem tử vi nói rằng hai tuổi ấy lấy nhau là đắc cách.
*
Chẳng ai hiểu được cô dâu. Đã đến lúc chán vô cùng, mệt mỏi vô cùng với những mối tình nhạt nhẽo vô nghĩa. Không phải cô không muốn dứt bỏ một mối tình gần như chỉ một phía là mình. Nhưng hàng chục người con trai đến với cô đều nông nổi phiến diện. Đẹp trai, học giỏi nhưng ngoài sách vở ra chẳng còn hiểu gì. Đàng hoàng lịch lãm lại thiếu một tình yêu say đắm cuồng nhiệt. Chặt chẽ nghiêm khắc, không có sự đồng cảm bạn bè trong tình yêu, trong cuộc sống gia đình. Biết lo toan được những việc lớn lại không biết chiều chuộng quan tâm những cái nhỏ nhặt. Chân thật quá lại dễ đơn điệu, nhàm chán. Có những lần định lấy cho xong đi nhưng càng ”xáp“ lại gần, ”chỗ hổng“ càng lớn, không thể nào nhắm mắt cho qua. Chưa có một người con trai nào bứt được cô ra khỏi anh thợ điện ấy. Chính anh đã đem đến cho Châu tất cả sự nhận xét tinh tế về mỗi loại người trong xã hội. Anh dạy cô cách xử thế khôn ngoan trong đời sống. Yêu anh, Châu thấy mình bé bỏng, được dỗ dành, chiều chuộng, được cả sự đe nẹt nghiêm khắc. Anh đã từng khóc nức nở trước sự xỉ vả đay nghiến của Châu, từng quỳ xuống chân Châu mà van xin. Nhưng lại rắn lạnh như đá dứt khoát quay đi khi cô đụng đến nghề nghiệp bình thường của anh. Anh là người yêu, lại là người bạn, người anh, người thầy trong cuộc sống. Và, ngoài ra, còn một điều này nữa không ai thể biết, không hề có mảy may ngờ vực. Cô đã trao cả cuộc đời trong trắng của mình cho anh từ những ngày hè của năm học đại học đầu tiên. Ngay từ ngày ấy cô muốn vượt thoát khỏi anh ta nhưng cả gần chục năm, hàng mấy chục người đàn ông đến với Châu đều là những đứa trẻ so với Toàn- tên anh. Châu vô cùng căm giận và thù oán nhưng lại không thể nào quyên, không thể nào thiếu anh trong những đòi hỏi nóng bỏng hết sức dữ dội của người con gái đã nếm mùi hạnh phúc ở người đàn ông. Vì thế, khi yêu ”dự phòng“ cho ”phương án hai“ cô vẫn đi lại thầm vụng vào những ngày ”đi làm“ ở nhà riêng của anh. Cô sẵn sàng hứng chịu tất cả, sẵn sàng vứt bỏ tất cả để trở thành ”gia đình“ với anh, khi đã thấy tất cả những người con trai khác không thể đem đến sự hoàn hảo như cô mong muốn. Anh ta hứa hẹn đầy những triển vọng tốt đẹp và bắt cô phải kiên trì chờ đợi. Sự chờ đợi kiên trì đã gần chục năm, đã một lần hoảng hốt thuê một bác sĩ không hề quen biết ”giải quyết“ cái hậu quả do sự nhỡ nhàng của hai người. Cô vẫn tin vào sự kiên trì chờ đợi. Đến lần này, chính cô là người giữ anh lại trong niềm sung sướng đến cuồng nhiệt và cái hậu quả của nó đã được bộc lộ ngay sau đó, khi đã quá hạn mười ngày trong sự điều tiết rất đều đặn của cô, cô báo tin đó cho anh. Anh ta lại bàn sẽ tìm đến chỗ quen thuộc, ”giải quyết“ cho cô.
- Không. Anh phải làm đúng như lời hứa. Anh sẽ là người chồng chính thức của em.
- Bình tĩnh đã nào. Chưa được đâu.
- Anh còn sợ gì?
- Anh không sợ, nhưng việc gì cũng phải thật tỉnh táo mới giải quyết được.
- Em vẫn chờ sự tỉnh táo của anh đấy.
- Vậy thì hãy cứ nghe anh, ta làm như lần trước đã.
- Không được. Anh biết tính em rồi. Em sẽ không để anh lại tiếp tục đánh lừa em nữa đâu.
- Thế thì em định làm gì anh đấy.
- Em sẽ bắt anh phải làm đúng lời hứa với em từ xưa đến giờ.
- Nếu không thì sao?
- Không có trường hợp ấy.
- Hừ... ừ... khi yêu thì thằng con trai nào chả hứa được đủ mọi điều.
- Anh nói gì thế.
- Anh bảo rằng, cánh đàn ông sẵn sàng kéo cả mặt trời xuống cho người yêu chơi khi họ phải hứa hẹn.
Hai mắt Châu đã thấy hoa lên, cô vẫn cố nói tiếp.
- Tôi khác đấy. Tôi sẽ không để cho anh tháo chạy đâu.
- Nếu em doạ anh thì anh cũng nói thẳng với em rằng ở đời này chưa ai bắt được anh làm việc gì mà anh chưa thấy cần làm.
- Tôi sẽ bắt.
- Không. Đùa thôi. Không có chuyện ấy xảy ra đâu. Nhân đây anh cũng xin nói thẳng với em là hoàn cảnh của anh không thể nào khác hiện nay. Nếu em yêu anh, chúng ta sẽ duy trì một tình yêu mãi mãi...
Một cái tát như trời giáng đã dập tắt cái thói giả dối của anh ta. Chuyện ấy xảy ra sau gần một tuần cô được người giới thiệu đến gặp Sài. Đấy mới là cái lý do xác đáng có thể giải thích được vì sao một người dày dạn yêu đương như cô lại dễ dàng trao gửi cuộc đời của mình cho Sài. Nhưng đừng ai nghĩ rằng đấy là hành động lừa dối cốt đổ lên người Sài cái tội lỗi do cô gây nên như kẻ mắc bệnh giăng gió đem đổ cho người khác để mình thoát nợ. Không! Một ngàn lần không. Cô đầy đủ điều kiện và khả năng để giải quyết êm thấm mọi chuyện. Cái uy lực của sắc đẹp và tính ưu việt của các điều kiện khác ở cô còn dư thừa đến mức nếu đem công bố mọi lỗi lầm của cô hàng chục năm qua thì vẫn có hàng chục thanh niên trai tráng danh vọng của thời nay kể cả kẻ tính toán và người si tình, tình nguyện chấp nhận tất cả để yêu cô một cách trân trọng. Cô yêu Sài như sự cần thiết không thể tránh khỏi của người con gái phải trả mối thù với kẻ đã ”ăn cắp“ cuộc đời mình như Sài nói. Cô cũng cần ở Sài một tình thương yêu hết lòng, sự chân thành ở anh như một ngọn lửa sưởi ấm nỗi lạnh giá tái tê trong lòng cô. Sài cũng ”thường trực“ đúng lúc cô muốn giết chết những cảm xúc yêu đương, muốn chôn vùi mọi kỷ niệm của một thời đã qua, cô thực sự mong muốn một gia đình, được làm nghĩa vụ một người vợ, người mẹ. Bởi thế biết Sài còn đầy nhược điểm, chưa thật thích hợp, cô vẫn quyết định yêu anh trong một tình cảm vừa trân trọng vừa đầy ắp những dự định của sự vun đắp để nó không thua kém bất cứ một gia đình bạn bè nào của cô. Nhưng bản tính của con người vốn chứa đựng sự trái ngược. Một mặt không thể ai bắt cô phải ngay một lúc quyên đi tất cả, để hoà hợp với niềm vui mới. Mặt khác, cô lại không thể cho phép ai được quyền nhắc nhở đến cái quá khứ ấy. Từ sau hôm đăng ký, họ dọn về nhà mới nhưng chỉ ở với nhau ban ngày còn đêm, trước mười giờ cô phải về nhà mình để khỏi bị dị nghị.