Nếu mặt biển mãi mãi bình lặng, chắc chắn những thủy thủ tài ba sẽ chẳng bao giờ có mặt trên đời.

Ngạn ngữ Anh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 744 / 5
Cập nhật: 2017-08-25 12:50:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ôi nhận ra trong suốt những năm tháng đã đi qua đời mình, cảm giác về sự yên ổn và hạnh phúc trong tôi rất ngắn ngủi và mong manh. Nó hệt như hoa nở có mùa và trăng không mãi sáng trên bầu trời. Tôi là một con người cô đơn, không bao giờ tin mình hạnh phúc, nên chỉ cần hạnh phúc muốn rời xa là tôi lập tức buông tay. Tôi nhìn hạnh phúc của tôi bỏ tôi đi, lòng đầy bão giông mà không một lần níu lại.
“Em không từ bỏ cô ấy. Cô ấy đã từ bỏ em”.
*
Tôi đã nghĩ về câu đó của Phố rất nhiều.
Vân rạng ngời trong chiếc váy màu hoa cà, rất hiện đại, trẻ trung, đang ngồi trên chiếc ghế dựa và xem ti vi trong khi tôi nấu bữa tối.
“Chị Hàm Yên. Chị có nghĩ bọn em sẽ lấy nhau không?”.
Tôi tắt bếp, món gà rang xả ớt sở trường của tôi đã xong.
“Có chứ. Chị thấy rằng hai đứa thuộc về nhau ngay từ lần đầu tiên gặp hai đứa mà”.
Vân không nói gì. Tôi chờ đợi một lời Vân nói, dù có cảm giác bất thường về câu hỏi.
“Không phải em và Phố, em muốn hỏi em và anh Giang cơ”.
Tôi bất ngờ, không phải vì Vân nói Vân và Giang, mà là Vân đã phủ định mối tình với Phố, dù hai người vẫn đang bình thường, Phố làm phụ xe buýt, còn Vân làm công nhân một xưởng giày gần cơ quan tôi làm việc. Họ gặp nhau không thường xuyên, vì chênh lệch giờ làm.
Và thời điểm đó Giang đang yêu tôi, một mối tình bí mật.
Giang nhiều hơn tôi hai tuổi, làm phóng viên một tờ báo thể thao. Giang mê thể thao, và tất nhiên am hiểu về nó. Tôi không thích thể thao và không hề có chút quan tâm nào đến lĩnh vực đó cả. Nhưng Giang thích tôi. Anh ta bảo anh ta thích vẻ cô đơn của tôi. Tôi cứ như người sống trong một căn phòng bằng kính, có thể nhìn thấy cả thế giới này qua ô cửa kính ấy, nhưng không chạm vào nó được, thế giới này cũng nhìn thấy tôi bên kia tấm kính trong suốt, nhưng cũng không thể nào tác động lên tôi được. Tôi thích cái cách Giang ví von về tôi, nhưng không yêu anh ta. Tôi chỉ thấy anh ta không đáng ghét. Một ngày không gặp cũng thấy nhớ, nói chuyện cũng thấy vui, cãi nhau cũng thấy buồn. Nhưng tôi không tìm thấy ở anh ta một sự tha thiết.
Nhưng tôi không từ chối tình yêu của anh ta. Anh ta yêu, đó là việc của anh ta, tôi không nghĩ mình nên ngăn cấm tình yêu ấy. Tôi có đáp lại tình yêu ấy của anh ta không thì lại là chuyện khác.
Giang vui vẻ chấp nhận.
Có những người lãng mạn luôn nghĩ rằng lộng giả thành chân, quá mù hóa ra mưa, đùa mà hóa thật. Nghĩa là nếu tôi lãng mạn, tôi sẽ nghĩ có thể ban đầu mình không thích Giang thật, nhưng biết đâu mình sẽ thích anh ấy, rồi yêu anh ấy. Có khi anh ấy chính là nửa kia của đời mình.
Tôi rất lãng mạn, nhưng không nghĩ thế, dù tôi mặc kệ Giang mang tình yêu đến cho mình.
“Nếu mai anh chết, em có buồn không?”.
“Nếu mai anh chết, em khóc nhiều không?”.
“Nếu mai anh chết, em có mừng không?”.
“Nếu mai anh chết, em có…”.
Giang hay hỏi tôi như thế khi chúng tôi đi dạo vào buổi tối. Một mối tình bí mật thì không thể có chuyện cả hai cùng xuất hiện ở những nơi mà người quen có thể bắt gặp. Vì vậy chúng tôi thường đi dạo trong một con phố nhỏ, nhưng đầy những tàng cây xanh, cây trứng cá, sấu, bằng lăng, hoàng điệp. Mùa hoa nào cũng rụng đầy vai áo. Chúng tôi uống cà phê, nước ngọt hay sinh tố dưới những tàng cây ấy, nói những chuyện vu vơ, hỏi những câu như thế, rồi tạm biệt bằng một cái hôn hững hờ. Tôi chưa bao giờ rung động khi Giang hôn tôi. Tôi cũng chưa bao giờ chủ động hôn Giang.
“Nếu mai anh chết, em có buồn không?”.
Năm bảy tuổi, lần đầu tiên tôi được mẹ cho đi xem phim. Phim chiếu trên một cái phông thật lớn. Tất cả người lớn trẻ em đều ngồi trên một bãi cỏ xanh, háo hức chờ đợi cái phông vuông trắng nhờ nhờ trước mặt. Khi ánh đèn máy chiếu phim rọi vào cái phông, tất cả mọi người đều ồ lên. Mọi câu chuyện phiếm chấm dứt, tiếng trẻ cười đùa, tiếng trẻ khóc lóc cũng chấm dứt. Mọi người hồi hộp chờ đợi.
Tôi không nhớ tên bộ phim đầu tiên tôi xem trong đời ấy, nhưng tôi nhớ nhân vật nam hỏi nhân vật nữ rằng: “Nếu mai anh chết, em có buồn không?”.
Câu hỏi của anh ta khiến khán giả cười ồ. Mãi sau này tôi vẫn tự hỏi tại sao khán giả lại cười trước một câu hỏi như thế nhỉ. Và tôi cũng không thể nào hiểu được tại sao câu thoại ấy mãi mãi hằn in trong kí ức của tôi, kí ức của một đứa trẻ bảy tuổi đầu. Và câu hỏi đó khiến tôi buồn, buồn mãi mãi.
Có thể Giang cũng từng xem bộ phim ấy, hoặc cũng có thể anh ta chỉ biết nó qua một bài hát sến một thời thịnh hành. Nhưng cái cách hỏi nửa đùa nửa thật ấy khiến tôi khó xử. Chấm dứt một mối tình mà mình không tha thiết có nên không. Tôi đã ngàn lần muốn nói với Giang: “Mình dừng lại thôi, em mỏi rồi, không muốn đi tiếp nữa”.
Nhưng khi tôi muốn nói như vậy, Giang lại cầm tay tôi, anh hát một bài hát về tình yêu, về chủ nghĩa lí tưởng, những thứ mà kì thực người viết ra chúng chẳng bao giờ có được trên đời. Tất cả chỉ là họ thêu dệt, tự huyễn hoặc mình và huyễn hoặc thiên hạ mà thôi. Thế là tôi lại dành câu đó cho một dịp nào đó sau này.
Nếu Vân không xuất hiện, tôi cũng chẳng biết mối tình của tôi và Giang nên kết thúc khi nào.
Tôi không rõ là Vân chủ động thích Giang hay Giang chủ động thích Vân. Giang vẫn đi bên tôi mà không hề có biểu hiện gì là trong lòng đã có người khác.
Nhưng dù thế nào, lòng tôi đã lạnh.
Tôi nói với Giang: “Mình buông tay nhau nhé”.
Nghe lãng mạn như cả tỉ sự lãng mạn trên đời.
Giang chấp nhận bằng một sự im lặng. Tôi cũng không một lần ngoảnh lại. Tôi không hề nhắn cho Giang rằng tôi nhớ anh, vì sự thật là tôi đã nhớ Giang. Tôi không một lần gọi điện hay viết thư điện tử cho Giang, dù trước đó chúng tôi thường làm thế, chỉ để hỏi một câu kiểu như: “Hôm nay Giang/ Yên có vui không?”.
Tôi không một lần ngoảnh lại nơi Giang.
Giang cũng chìm trong im lặng, như anh ta đã chết rồi, như ảo ảnh của sương mù.
Sương mù.
Ngày Giang gửi thiệp hồng, anh ta bần thần một lúc rồi nói với tôi: “Em biết vì sao anh im lặng chấp nhận việc chúng ta buông tay nhau không? Vì anh biết em đang đợi một người khác trong đời. Em không bao giờ thuộc về anh”.
“Vân biết chúng ta từng yêu nhau chứ?”.
Tôi hỏi và Giang lắc đầu.
“Không. Nhưng cô ấy nói với anh rằng Phố thường gọi tên em trong mơ. Cô ấy nói như vậy”.
Như một cơn mê dài.
Một cơn mê dài
Đôi khi tôi tự hỏi lòng: Tôi đã chờ đợi ai đó rất lâu, rất lâu mà không hề tin người đó sẽ đến, tại sao không là tôi đi tìm người ấy.
Nhưng tôi không đi tìm, tôi lang thang trong cõi cô đơn của chính mình, tôi không muốn đón nhận gì hết. Tôi sợ cả những đau khổ và yêu thương.
Sau đám cưới của Vân, Phố biến mất. Phố không hề liên lạc với tôi. Tôi cũng không hề liên lạc với Phố. Tôi biết rằng chỉ cần tôi vượt qua mười con số là sẽ nghe được giọng của Phố. Nhưng cả tỉ lần tôi không thể nào vượt qua được.
Và một năm nữa trôi đi.
*
Tản đi bản công tác, cậu ta rủ tôi đi cùng.
Con đường quanh theo dòng sông nhỏ, thực tế là một dòng suối, vẫn như hàng tỉ con đường trên xứ sở này, luôn là một bên vách núi, một bên vực sâu. Vào mùa mưa, bất kì lúc nào con người qua những cung đường ấy cũng có thể lãnh trọn một khối đá lăn từ trên núi xuống.
Nhưng những khi trời không mưa, thiên nhiên ở đây đẹp đến nỗi tôi cảm thấy mình choáng ngợp hoàn toàn.
Chúng tôi đi qua một cái cây bên đường. Tôi không biết là cây gì. Nó cao lớn sừng sững, vươn cành tỏa bóng xum xuê.
“Đây là cây thiêng của họ”.
Tản dừng lại cho tôi ngắm cái cây và giải thích như thế.
“Cây thiêng của ai cơ?”.
“Của người dân ở đây. Họ chọn cây này để thờ cúng”.
Dưới gốc cây có một cậu bé và con trâu của cậu ta. Cậu bé có khuôn mặt đen sạm, mắt to và sáng, khác hẳn với đôi mắt của những đứa trẻ tôi thường thấy khi gặp ở chợ. Những đứa trẻ ở chợ thường có đôi mắt một mí. Đứa trẻ đang ngồi dưới gốc cây. Con trâu bên cạnh cũng là một con trâu đẹp khác thường.
“Con trâu này đã được chọn cho lễ cúng trời. Nó sắp chết”.
“Gì cơ?”.
Tản bật cười.
“Chị đừng ngạc nhiên quá thế. Mỗi nơi một phong tục tập quán. Ở đây, vào dịp cúng trời, người ta chọn một con trâu đẹp nhất do một gia đình tốt nhất, có đạo đức nhất nuôi dưỡng, nhà ấy nuôi trâu để khi cúng trời sẽ thịt, thịt chia cho mọi nhà trong thôn bản”.
“Nghĩa là con trâu của cậu bé này sẽ chết vào dịp cúng trời phải không?”.
Tản gật đầu.
Cậu bé có lẽ không hiểu hết những gì tôi và Tản trao đổi với nhau. Nhưng cái cách cậu ta nhìn chúng tôi rất kì lạ, giống như một vệ sĩ tận tâm bảo vệ báu vật của mình vậy. Đôi mắt cậu bé đầy lo âu, như là cậu sợ chúng tôi là phù thủy, chỉ cần niệm chú phẩy tay là con trâu của cậu ta biến mất.
Ngay lập tức, cậu bé dắt con trâu rời khỏi gốc cây. Đi một quãng còn ngoái lại nhìn.
Chỉ còn tôi và Tản đứng dưới gốc cây. Cách vài bước chân, dưới thung sâu, dòng suối đỏ ngầu cuồn cuộn chảy, gió cuồn cuộn thổi, mây trắng trời xanh và núi xanh. Đâu đó trên những sườn núi, tiếng mõ trâu lốc cốc vọng lại.
“Chị biết không, đáng nhẽ ra cái cây này bị chặt bỏ lâu rồi đấy. Vào năm đổ đá con đường này”.
Có cả câu chuyện dài về cái cây. Nó là một cái cây đẹp đẽ và kiêu hãnh mọc bên suối. Không biết nó bao nhiêu tuổi, nhưng trông nó căng tràn sức sống, mãnh liệt vươn lên. Năm ấy, người ta mở một con đường vào sâu các bản làng xa xôi. Cái cây nằm giữa đường, là một vật cản.
Khi máy cưa chuẩn bị phập vào thân cây, một ông cụ dẫn mấy người dân đến xin tạm dừng. Ông cụ tuyên bố nhận cái cây là cây thiêng, người dân thờ cúng.
Nguyên người nơi đây có tục cúng rừng. Bản nào không có rừng, sẽ chọn một cái cây để cúng thay rừng. Cái cây là linh hồn, là quyền năng của họ.
“Nghĩa là chúng ta đang đứng dưới bóng một thần rừng phải không?”.
Tản gật đầu.
“Họ tin rằng cái cây xanh tốt là con cháu họ sẽ trường tồn, rừng không nổi giận”.
Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Những người thi công con đường có lí lẽ của mình. Họ có giấy tờ hợp pháp, có máy móc hiện đại, có tinh thần quyết tâm cao độ. Tóm lại, họ có pháp luật kè kè bên hông.
Những người dân của cái xóm nhỏ chênh chao trong rừng thẳm chẳng có gì ngoài niềm tin mãnh liệt của họ. Họ là những người mới đến, một nhóm nhỏ trong cộng đồng vừa mới được tách ra chưa lâu gì so với lịch sử loài người. Họ không có rừng, thứ rừng thiêng mà con người tự cho phép mình cái quyền được sở hữu, và quyền sở hữu được truyền từ đời này sang đời khác. Họ chỉ còn cách chọn một cái cây đẹp nhất, giàu sinh khí nhất trong khu rừng bạt ngàn cây này để làm thần rừng, để họ cúng tế hằng năm, mong cầu mưa thuận gió hòa, cuộc đời ấm êm hạnh phúc.
Thế là lại phải đấu tranh. Nào thì giằng co, nào thì tuyệt thực, nào thì xô xát.
Rồi có một cô gái, con dân của bản làng ấy, giữa một sáng ban mai thanh khiết, khi cây cối còn ngái ngủ trong hơi sương lồng lộng, mặt trời le lói chiếu những tia hoàng dương lộng lẫy đầu tiên, cô đã nằm chết dưới gốc cây, bên chiếc máy cưa đang sẵn sàng làm nhiệm vụ. Cô ăn lá ngón, thứ độc thảo trong tự nhiên vô cùng phổ biến ở xứ sở này. Thứ độc thảo mà vào mùa đông trổ hoa vàng rất đẹp, rực cả những góc rừng.
Cuối cùng lại phải có sự đánh đổi bằng một mạng người. Cô gái ấy rất trẻ, rất trẻ, trẻ đến nỗi tưởng như cô chưa kịp sống ngày nào.
Nhưng tại sao lại là một cô gái cơ chứ?
Mỗi dịp cúng rừng, những nam thanh niên trẻ khỏe dũng mãnh và có đạo đức tốt nhất bản sẽ được cử trèo lên cây chặt những cành thừa xấu xí, rồi dùng những cành ấy nấu cỗ ngay dưới gốc cây. Khi làm lễ, không một phụ nữ nào được can dự.
Phụ nữ nơi này mặc những chiếc áo chàm xanh thẫm, lưng đeo gùi, lúc nào bước đi cũng cúi mặt. Núi cao, vực sâu khiến họ luôn cúi nhìn mặt đất để khỏi vấp ngã. Lưng đeo quá nặng cũng khiến họ không còn sức để ngẩng lên nhìn ai. Họ chỉ cười và đứng thẳng khi đi chợ. Ở chợ, họ uống rượu và say quên cả bản thân mình.
Nhưng chợ chỉ một tuần một buổi, chưa đứng mặt trời chợ đã tan.
Và vì thế con đường qua cái cây tạo thành một khúc quanh vòng cung.
Cái chết của cô gái đã cứu được cái cây. Nhưng lẽ gì khiến một cô gái trẻ măng như thế chịu hi sinh mạng sống của mình? Điều đó nằm trong bí mật. Không ai hiểu được. Chỉ có thể tin vào niềm tin của họ về thần rừng. Rừng là cuộc sống, là đấng tối cao, họ sẽ chết khi không còn có rừng, họ sẽ chết khi rừng bị hủy diệt, hoặc họ sẽ chết khi xa khỏi rừng.
Nhưng câu chuyện lại được lan truyền dưới nhiều luồng khác nhau, phần lớn người ta bảo cô gái tự vẫn dưới gốc cây chẳng qua vì có chửa với một trong số những người công nhân thi công con đường ấy. Một chuyện tình thông thường, nhưng bế tắc và tuyệt vọng. Có thế thôi.
Dù sự thật ra sao, dù cô gái chết vì nghĩa hay đơn giản vì tình thì cái cây đã được an toàn. Nó vươn cao tỏa bóng xum xuê, chứng minh cho sức sống mãnh liệt trong tự nhiên khắc nghiệt. Nó là cái cây duy nhất đại diện cho một khu rừng thiêng mà tôi có dịp được chiêm ngưỡng.
“Bao giờ thì đến tết cúng trời?”.
“Tuần sau”. Tản trả lời.
Tôi nghĩ đến cậu bé và con trâu của cậu ấy.
Tôi có một dự cảm về cặp đôi bè bạn ấy. Có vẻ cậu bé không chấp nhận việc người ta thịt con trâu của cậu là một niềm vinh hạnh cho cả gia đình, và hằng năm nhà nào cũng mong con trâu nhà mình được chọn để làm lễ cúng trời.
Nhưng tôi chẳng bày tỏ ý nghĩ ấy cho Tản. Cậu ta có thể cho rằng một người như tôi luôn đặt suy nghĩ của mình vào đầu người khác.
Chúng tôi ngồi dưới gốc cây.
Gió cồn cào thổi.
“Chị Hàm Yên. Sao chị không lấy chồng?”.
“Mình không biết”.
Tản lại cười.
“Chị không thích cuộc sống gia đình à?”.
“Mình không biết”.
Tản nhìn con đường trước mặt, một cặp đôi người Mông lái xe phóng ào qua. Họ đi quá nhanh, tôi không kịp nhìn khuôn mặt họ, nhưng tôi có cảm giác như những người Mông tôi gặp ở xứ sở này rất giống nhau.
“Tản muốn nói chuyện gì về Hạc phải không?”.
Tản nhìn tôi, ánh mắt hơi bối rối.
“Chị, phụ nữ không nên lúc nào cũng thông minh quá như thế”.
“Cậu nói như một triết gia vậy. Nhưng đúng là trên trán cậu khắc một chữ ‘Hạc’ to tướng nhé”.
Tản bật cười. Nét cười nhanh chóng tan, Tản trở lại với đôi mắt ướt đa tình nhưng buồn thăm thẳm.
“Chị có nghĩ Hạc có vấn đề về giới tính không? Cô ấy không thích lại gần đàn ông, không thích đàn ông lại gần”.
Hạc có vấn đề về giới tính?
Hạc có vấn đề về thần kinh?
Hạc nhìn thấy được vài điều trong quá khứ của người khác? (như chiếc xe đạp màu xanh của tôi thời đại học.)
Tôi bắt đầu cảm thấy bất an về Hạc. Hai hôm trước cô ấy tự cắt tóc rồi phủ nhận điều đó. Tôi có nên nói điều đó với Tản không nhỉ?
Lẽ nào Hạc đơn giản chỉ là một phụ nữ bất hạnh vì bệnh hoạn mà thôi.
Tản và tôi rời bóng cây thần rừng, tiếp tục con đường dài trước mặt. Một quãng không xa cây thần rừng là một bản làng hiện ra.
“Chị này, nếu Hạc muốn đi cùng em, em sẵn sàng đưa cô ấy đi đến cùng trời cuối đất”.
“Nhưng em lấy vợ rồi đấy thôi”.
Một cây cầu bắc ngang một nhánh suối chảy ngang đường. Tản dừng lại.
“Nhưng Hạc không muốn đi”.
Theo Đuổi Theo Đuổi - Phạm Thanh Thúy Theo Đuổi