Số lần đọc/download: 127 / 14
Cập nhật: 2020-06-12 14:04:27 +0700
Tập 2 - I - Chuyến Đi Las Vegas
T
ôi đang tắm vòi hoa sen thì chuông điện thoại vang lên. Ai cần đến tôi sớm thế này? Chắc là Bobby Scott gọi. Ăn sáng một mình hẳn là buồn.
Tôi nhảy ra khỏi bồn tắm, bàn tay ướt vớ lấy ống điện thoại và nghe thấy giọng nói vui vẻ của Hatter:
- Chào tôn ông. Ngủ nghê an tọa lâu quá đấy. Đã đến lúc tôn ông có mặt ở nơi làm việc được rồi đấy.
- Xin chào ông Harold! Thế ra ông ở đây, ở Washington à? Thật không ngờ. Rất vui. Ông đến khi nào thế?
- Hôm nay. Vừa mới đến. Buổi chiều tôi lại về Dallas. Muốn ăn sáng với anh. Anh đến nhé!
- Tôi sẽ phi đến!
Nửa giờ sau, tôi đã ngồi vào bàn ăn ở dinh thự của lão và ăn sáng. Tôi ăn trứng tráng với thịt lợn xông khói, thưởng thức cà phê đen, còn ông Bạc Tỉ ngồi nhai cái món bánh mì đen muôn thuở của mình và pho mát nhạt nhẽo, táo, mận khô và uống thứ nước trà long lỏng. Ăn khem! Lão giữ gìn sức khỏe. Lão muốn sống lâu. Lão hiểu tác hại của việc ăn uống thừa thãi, sự phát phì, tích muối, v.v… Vậy mà tại sao đôi lúc lão lại đần độn, tối tăm, kém hiểu biết làm vậy, khi mà lòng tham tiền bạc gậm nhấm tâm hồn lão? Lão sợ ăn quá một miếng đường, ấy thế mà lão sẳn sàng săn đuổi quá thêm triệu đôla, không tiếc tim, tiếc phổi, không tiếc cả đời lão. Sự phát phì đô la và những gì gắn với nó cũng tương tự như cái chết. Tại sao tôi hiểu điều đó, mà Hatter không tài nào hiểu nổi? Một câu hỏi ngây thơ và cũ kỹ? Tất nhiên rồi. Tuy nhiên đến tận ngày nay người ta vẫn thường đặt và sẽ còn đặt câu hỏi đó về lâu dài.
Với vẻ lo lắng và thông cảm của người cha chăm lo cho sức khỏe của đứa con, Hatter tò mò nhìn tôi và nói một cách lo ngại khác thường:
- Anh dạo này trông kém hẳn, có chuyện gì thế? Phải làm việc nhiều ở Nhà Trắng phỏng?
- Chẳng có chuyện chi hết. Chẳng qua tôi phát mệt. Tôi chuẩn bị cả ngày lẫn đêm cho chuyến đi Texas. Tôi đọc lại hết tất cả những gì đã đăng về tổng thống, về bố, ông và anh em của tổng thống. Và ghi chép. Tôi đang phác bức chân dung xác thực về ông chủ hôm nay của Nhà Trắng.
- Không cần phải cật lực thế đâu. Anh sẽ gục sớm mất. Bây giờ, trong lúc trông chờ chuyến đi Texas vất vả, anh phải đi chơi cho khoẻ mới được.
- Tôi không biết đi chơi.
- Nào, có hề chi. Bobby Scott ngay tức khắc sẽ tập cho anh quen với cuộc sống phóng đãng, nếu anh muốn. Tôi có nghe nói anh đã kết bạn với chàng ta.
- Chúng tôi là bạn cũ, từ hồi sinh viên đấy. Tôi đã kể với ông.
- Tôi nhớ… Gần đây tôi còn biết là chính tay Robert Scott ấy ở Nhà Trắng đại diện không chỉ cho báo chí California, mà còn cho cả doanh nghiệp của người chú của anh ta, Fred Scott.
Tôi phì cười:
- Ra thế đấy! Lại một người tàng hình nữa!
Hatter không hài lòng nhìn tôi:
- Tôi chẳng thấy cái gì vui vẻ ở đó cả, tôn ông. Hãng của Fred Scott mới đây còn chiếm một trong những chỗ cuối cùng trong đội ngũ các hãng sản xuất vũ khí. Bây giờ nó mọc lên như thổi và chỉ nay mai sẽ chiếm vị trí dẫn đầu trong mười hãng chủ yếu cung cấp hàng cho Lầu Năm góc. Làm sao nó lại phất lắm vậy? Ai đỡ đầu nó ở Nhà Trắng, ở Lầu Năm góc? Chắc chắn Bobby biết điều đó. Hắn biết cả những kế hoạch sắp tới của ông chú hắn. Và chúng ta cũng cần phải biết. Có điều hay là Bobby Scott là bạn anh. Chúng ta đã gặp may.
- Ông đã nghĩ ra điều gì đó, ông Harold?
- Cuối tuần Bobby, theo lệ thường, nghỉ ở Las Vegas. Tại sao anh lại không đi chơi bời với hắn luôn thể?
- Việc đó tôi đâu có quen..
- Ồ, tôi biết, tôi biết! Chẳng phải vô cớ mà các thám tử của tôi gọi anh là thục nữ. Chính bởi vậy mà tôi yêu và đánh giá anh cao. Nhưng dù sao tôi cũng yêu cầu anh phá bỏ lời thề nguyền.
- Tôi chẳng thề nguyền với ai cả. Kể cả với mình. Chẳng qua tôi không thích Las Vegas.
- Có thiếu gì cái mà tôi không thích! Anh phải đóng vai anh chàng chơi bời, rượu chè. Cái trò này bỏ công lắm đấy.
- Tôi hoàn toàn không được huấn luyện cho cái trò này.
- Đấy mới chính là ưu điểm của anh. Anh cứ đóng cho chính bản thân anh. Tôi nhắc lại: cứ là chính mình và kiên nhẫn đợi đến khi Las Vegas xui khiến Bobby bạn anh mở miệng. Những gì lý thú nhất trong những câu huyên thuyên của hắn thì anh sẽ ghi vào băng và sẽ nhận mười nghìn đôla của tôi. Tất nhiên là cả tiền đi tiền về, khách sạn và mọi khoản chi tôi chịu.
- Sao lại thế, ông Harold. Chả lẽ ông vẫn chưa tin chắc rằng tôi làm việc với ông không phải vì tiền?
- Anh có làm "ngòi bút" của tôi cả đời đâu. Tôi mà chết hôm trước thì hôm sau những kẻ kế thừa thân mến của tôi sẽ đuổi anh đi ngay. Hãy tận dụng đi, Serge, chừng nào mà tôi còn sống. Hãy khắc vào tâm vào khảm: tôi không bao giờ cho không ai một xu nào. Tôi là nhà kinh doanh chứ không phải nhà từ thiện.
Tên cao bồi nghĩ một điều, còn con ngựa nghĩ điều khác.
- Tôi không hình dung được tương lai của mình mà thiếu ông, thưa ông Harold.
- Trí tưởng tượng của anh thật tồi. Tôi đã năm mươi. Chớ quên điều đó.
- Thôi được rồi, tôi đồng ý. Ông đã thuyết phục được tôi. Vậy là muốn tôi lôi Bobby Scott đến Vegas.
- Anh chẳng phải lôi kéo gì cả. Hắn đến đó thường xuyên, mỗi tháng bốn lần. Bobby là chủ của một khách sạn ở đó và đôi sòng bạc. Chính hắn sẽ lôi anh về lãnh địa của hắn, nếu anh chỉ khẽ nhắc đến ý muốn giải trí vào thứ bảy và chủ nhật.
- Cái mặt ấy của chiến dịch đã rõ rồi. Còn mặt kia?
- Mặt nào?
- Bobby hiện giờ chỉ mới là người thừa kế, hắn rong ruổi trong vòng dây chăn dắt của ông chú. Chắc chắn theo dõi hắn có những kẻ trông nom và những vệ sĩ của hãng thám tử nào đó.
- Hẳn rồi! Cả tôi cũng theo dõi hắn và đâu phải chỉ từ ngày hôm qua. Tôi đã bao vây hang ổ chúng từ lâu. Tôi biết mọi tính nết của con gấu. Các vệ sĩ của Bobby đã quen với việc hắn bay đến Vegas. Hắn hiếm khi đến đó một mình. Nhậu nhẹt một mình buồn lắm. Chẳng ai ngạc nhiên nếu có khám phá ra bên cạnh Bobby là người bạn cũ thời đại học và chiến hữu cùng làm ở Nhà Trắng.
- Có lẽ như thế.
- Như thế đấy, tôn ông ạ! Hãy tin vào dữ kiện tình báo của tôi và hãy hành động can đảm lên.
- Thôi được, tôi sẳn sàng.
Ngay hôm thứ bảy, tôi với Bobby Scott bay đi Las Vegas.
Bobby thiu thiu ngủ trên ghế đệm. Anh ta thiếp đi ngay khi chúng tôi vừa cất cánh. Dành sức cho Las Vegas.
Chúng tôi bay qua toàn bộ miền trung nước Mỹ. Từ Washington đến Los Angeles. Từ Đại tây dương sang Thái bình dương. Tôi thích đi du lịch. Tôi yêu đất nước lạ kỳ này, lạ kỳ nhất trên quả địa cầu - Bắc Mỹ. Có thứ gì mà ở đó không có! Những công xưởng, nhà máy thủy điện tuyệt vời. Những núi non khổng lồ phủ bằng cánh rừng hàng thế kỷ. Những ngọn đồi xanh. Những đồng cỏ ngút tầm mắt. Những rừng sồi. Những dải rừng cứ như bước ra từ những trang kinh thánh. Những con sông khổng lồ - Misissipi, Missouri: những vùng hồ vĩ đại có khác nào biển cả. Thác Niagara hàng trăm hàng ngàn năm nay vẫn làm sửng sốt người đời, bởi sức mạnh của mình. Những đồng cỏ xavan, trên đó có thể chứa được một vài quốc gia. Những sa mạc chỉ kém các sa mạc châu Phi một chút. Thung lũng lớn - một trong bảy kỳ quan thế giới. Những cánh rừng cam, Cù tùng [1]. Và mọi thứ đó được đóng trong những cái khung bê tông của các xa lộ tốt nhất thế giới, và của những con đường sắt tốc độ cao. Nước Mỹ hẳn đẹp biết chừng nào, nếu như trên mảnh đất của nó ở tất cả các bang không có những loài thú dữ như Harold Hatter lộng hành.
Máy bay bắt đầu giảm độ cao. Chúng tôi trượt trên sườn không khí chênh chếch. Nghẹn thở. Như hồi thơ ấu vậy. Giống như là tôi đang trượt trên cái xe trượt băng từ ngọn núi băng giá xuống biển tuyết xôm xốp, đến với mặt trời giá buốt, vào vòng ôm ấp của mẹ, người đang chờ tôi ở dưới kia, ngay dưới chân mặt trời chói lòa.
Đẹp thật!
Vâng, cuộc sống đẹp ngay cả vào cái thời còn có ông Bạc tỉ. Đó chỉ là hiện tượng nhất thời trên trái đất. Những Xê-sa, những xun-tan, những sa hoàng, những quốc vương, những phu-rê, những đu-chê [2] đã sụp đổ. Rồi sẽ đến lượt những Hatter. Điều đó là tất yếu. Phải sống dù chỉ để góp cái phần của mình, cho dù nó có ít ỏi như giọt mưa, vào cái nền móng của một thế giới mới, không thuộc quyền của cả Hatter, cả Rockefeller, cả Kennedy. Một thế giới mà con người với lao động hăng say của mình, với tình yêu chân chính của mình, đối với mọi người sẽ là chúa tễ.
Xin chào mặt trời Caliphonia nóng bỏng! Tôi chào bạn, bầu trời xanh thắm và sâu thẳm! Chào đại dương ấm áp và êm ái, vĩ đại và lặng yên! Tớ rất vui sướng được trông thấy cậu, miền đất hứa Caliphonia phì nhiêu, được phủ bởi những rừng cam và đời đời tỏa rạng!
Ở Washington, Bobby ưu phiền về cái tâm trạng rầu rĩ của tôi. Ở Los Angeles, anh ta lại ngạc nhiên trước sự yêu đời của tôi.
- Cậu làm sao thế? Con gì nó đã đốt cậu trong lúc tớ khò khò vậy? Cậu hí lên cứ như con mustang đang độ sung sức trên thảo nguyên mùa xuân. Hai vó bới tung đất. Đẹp như Ru-đôn-phơ Va-len-ti-nô [3] thần thoại. Hấp dẫn như Grê-gô-ri Péc [4]. Có chuyện gì vậy? Cái gì đã xảy ra?
Lúc này tôi không có quyền là chính mình. Phải làm sao cho giống anh bạn đồng liêu của tôi. Tôi nói:
- Tớ chỉ đạt hạng út. Chỉ giao tiếp với một cô bé tóc vàng tự nhiên, mắt xanh, không quá đôi mươi. Muốn cho cô ta được gọi là Angelic. Và sao cho cô ta khi làm cái nghề xấu hổ của mình, nhất định phải đỏ mặt. Trong mộng các nhà tiên tri đã phạt tớ như thế. Bobby Scott phá lên cười cởi mở:
- Tớ sẽ thu xếp cho cậu hết.
Los Angeles đón chúng tôi bằng sự oi ả. Chúng tôi quyết định không rẽ vào thành phố.
Tại một trạm xăng ngay gần phi trường, chúng tôi lấy một chiếc mustang loại mới nhất màu trắng tuyết, có mui đẩy, phản chiếu hết ánh nắng nóng bỏng của California và bon trên dòng sông bê-tông rộng lớn. Tôi quay tay lái. Bobby ngồi bên cạnh. Tôi say sưa với nhạc jazz và ba hoa. Anh bạn tôi tâm trí để ở tận thái ấp của mình ở Las Vegas rồi. Anh ta khoan khoái nghĩ đến lạc thú.
Trước hết ta sẽ ngụp vào bể bơi ở khách sạn tí đã, nướng xác một chút dưới ánh nắng để tống khứ cái ướt át và ẩm thấp của Washington ra khỏi xương tủy. Rồi ta sẽ ăn sáng cùng hội với một cô bé tóc vàng tự nhiên, mắt xanh và một cô bé lai da ngăm ngăm hay một cô ả Tây Ban Nha. Rồi êm ái thư giãn trong những căn phòng mát mẻ có khí hậu nhân tạo dành cho các đôi vợ chồng mới cưới đi du lịch. Rồi lại nghỉ ngơi chút xíu. Rồi thì… ta sẽ đổi cô bé tóc vàng tự nhiên, mắt xanh và cô bé lai da ngăm ngăm lấy cô bé Tây Ban Nha tóc đen để đổi lại một lần nữa, nhào xuống bể bơi, tung tẩy, đùa cợt. Rồi quanh quẩn lại đến đỏ đen… Thế nào, Serge, thời gian biểu như thế vừa ý cậu chứ?
Tôi im lặng gật đầu.
Thật bất ngờ đối với tôi, Bobby Scott dẹp Las Vegas sang một bên. Anh ta bắt đầu nói về Đấng chí tôn - Kinh doanh:
- Serge này, tớ muốn hỏi cậu đã lâu, mà vẫn chưa có lúc nào thích hợp: cậu bỏ đôla của mình vào đâu, vào áp-phe nào?
- Cậu đã từng hành động đúng khi không đưa ra một câu hỏi thiếu tế nhị như vậy.
- Tại sao lại thiếu tế nhị?
- Bỏ tiền vào đâu luôn luôn là bí mật thương mại mà mỗi một nhà kinh doanh đều giữ kín. Với lại cậu biết quá rõ là cái túi của tớ rách rưới ra sao.
- Cho đến tận bây giờ tớ không tin. Cậu có những dịp kiếm tiền lắm kia mà. Chẳng lẽ lại không tận dụng?
Biết nói gì đến anh ta? Sự thật ư? Không thể được.
- Bobby, cậu không rộng lượng tí nào. Không được hỏi một người đang đói là vì sao anh ta đói. Phải cho anh ta ăn trước hết. Hãy cho tớ một dịp để kiếm, rồi khi đó hãy tra hỏi tại sao, thế nào.
Anh ta nhìn tôi mất một lúc. Cái nhìn cảm thông. Muốn giúp tôi trong nghèo khó. Nhưng anh ta còn ngạc nhiên hơn nhiều về sự kém tháo vát của tôi.
- Lạ thật! Cậu giữ một vị trí gần với những bí mật của kinh doanh đến thế, ra vào Nhà Trắng ngon lành thế mà lại không có tiền! Cậu phải có từ lâu rồi mới phải. Cậu tụt lại ở gần đích rồi đấy, Serge ạ. Hãy coi đấy, nhỡ mà lại phi về đích quá chậm, khi mà tất cả các giải đều bị giành giật cả rồi.
Anh ta ngồi xích lại gần tôi và đặt tay lên bàn tay đang cầm lái của tôi.
- Cậu đang có một dịp chỉ phẩy tay là bù lại những gì đã mất. Cậu có thể kiếm được trong một thời gian ngắn nhất khoảng năm trăm nghìn.
Nửa triệu đôla! Bobby đề xuất cho tôi. Nếu như anh ta đã mở rộng ví như thế chắc là phải kiếm được mười lần, một trăm lần hơn. Ta sẽ kiểm tra xem có đúng thế không.
Trong giây lát, tôi rời mắt khỏi mặt đường, liếc sang Bobby và vừa cười khẩy vừa nói:
- Cậu là một tay làm ăn tồi. Cậu có được cái dịp giật lấy năm trăm nghìn đôla mà lại chối bỏ món ấy để nhường tớ?
Câu trả lời của tôi đúng với tinh thần anh ta. Bobby cười và nói:
- Tớ là tay làm ăn tốt. Tớ cho cậu năm trăm nghìn để bỏ vào túi cho mình một triệu.
- Thế chả nhẽ cậu lại không thể bỏ vào túi cậu cả một triệu năm trăm nghìn sao? - Tôi nói.
- Tớ muốn nhưng không thể làm được.
- Và thế là cậu định làm bằng bàn tay tớ?
- Cái gì?… Cậu nghi tớ lừa dối cậu hả? Xin thề là tớ trung thực và đề xuất một cách quân tử với cậu.
- Chỉ có lũ ngốc mới trung thực và quân tử trong kinh doanh. Vả lại cũng không được lâu, chỉ đến lần khuynh gia bại sản đầu tiên.
- Quả là đúng. Cậu nói phải. Nói chung là phải. Nhưng không phải trong trường hợp cụ thể này.
- Việc gì thế, Bobby? Làm thế nào, ở đâu và khi nào thì tớ có thể kiếm được? Nói đi nào!
- Nghe tớ nói đây nhé. Nhưng phải nghiêm túc, không được vặn vẹo. Chú tớ không chỉ cai quản các xí nghiệp chế tạo máy bay ném bom, tên lửa "Polaris", v.v… Chú tớ còn là chủ của cả một đế chế báo chí và các ấn phẩm sách vở. Hàng năm có hàng trăm triệu cuốn sách mang hiệu nhiều hãng, nhưng tất cả số sách ấy đều có một nhãn hiệu vô hình đối với những kẻ không thông thạo "làm bởi Scott". Các nhà văn, các nhà báo, tác giả của những cuốn hồi ký được văn phòng chú tớ trả cho hàng triệu đôla. Cuốn sách bán chạy nhất được trả gấp ba. Cậu có thể viết được một cuốn bán chạy như thế. Cậu có thể! Tớ biết ngòi bút của cậu. Nếu nó hợp gu Hatter thì cậu cứ tin chắc là chú tớ cũng sẽ tán thưởng nó.
- Được rồi, để xem. Tớ phải viết cái gì nào?
- Một cuốn sách độ ba trăm trang.
- Về cái gì?
- Đôi ba lời thì không thể nói hết được.
- Thế cậu gói gọn được trong một hai nghìn lời chứ?
- Không, tốt hơn là tớ sẽ trình bày cho cậu tư tưởng của cuốn sách theo những ghi chép trong cuộc nói chuyện với chú tớ.
- Thế ra đó là đơn đặt hàng riêng của chính ông chú? Ta sẽ nhập tâm và xin nhuận bút cao.
- Cứ việc, tớ không phản đối. Có được quyển sách lớn thì sẽ có món tiền lớn.
Bobby rút từ túi trong áo vét ra cuốn sổ tay bìa da mạ đen và, không rời mắt khỏi nó, anh ta bắt đầu trình bày nội dung cuốn sách mà tôi phải và có thể, anh ta tin chắc như thế, viết được.
- Trước tiên, cậu phải xua tan bóng tối và mây mù mà bọn tự do chủ nghĩa sắc đỏ, nửa đỏ và phớt hồng với sự giúp đỡ của bọn cộng sản trên toàn thế giới đã tạo ra xung quanh ông chủ ngân hàng lớn và bộ trưởng quốc phòng thực thụ Forrester.
- Forrester? Cậu nói cái bóng tối và mây mù nào. Cả thế giới đều biết là ông chủ ngân hàng và là bộ trưởng này đã lìa trần. Ông ta mất trí phải vào nhà thương rồi thừa lúc các hộ lý, bác sĩ trông nom mất cảnh giác rồi nhảy từ cửa sổ xuống.
- Tại sao lại như vậy? Cái gì đã thúc đẩy ông ta lao xuống vực?
- Rõ một điều là: bộ óc trật khớp, tâm lý rối loạn. Cả ngày lẫn đêm ông bộ trưởng lúc nào cũng như thấy xe tăng Nga và "ca-chiu-sa" Nga gầm rú trên đường phố Washington, Chicago, San Fransisco.
- Đúng! Nguyên do ông ta mất trí là như vậy. Bộ trưởng Forrester vốn là người quá mẫn cảm. Ông ta biết nhiều. Ông có sức tưởng tượng cực kỳ phong phú. Cái gì nằm trên đầu lưỡi kẻ mất trí, thì ở người thiên tài nằm trong óc. Ấy, ấy, cậu chớ có cười. Tớ nói hoàn toàn nghiêm túc. Mới đây tớ có nói chuyện với một nhà khoa học lớn. Cậu có biết ông ta nói gì không? "Cái gọi là ý nghĩa lành mạnh bây giờ không làm chúng ta vừa lòng. Ở thế kỷ này, thế kỷ phân hạch hạt nhân nguyên tử, thế kỷ của điện tử, hóa học, của máy tính, máy dò nói dối, của các tên lửa toàn cầu và các tên lửa phóng lên mặt trăng, ý nghĩa lành mạnh - đó là cái mạch chứa vàng đã được khai thác hết, gần như hết rồi. Bây giờ chúng ta tìm kiếm những ý tưởng mới, những cách giải quyết mới về nguyên tắc cả trong những lĩnh vực mà trước kia được coi là kiêng kỵ ở viện nghiên cứu của tôi, tôi sẳn sàng chăm chú lắng nghe một tên đại bịp có hạng, một kẻ mơ mộng huyễn hoặc, một kẻ nói phét không biết ngượng, một kẻ dự án viễn vông, hay thậm chí một người có tên trong sổ riêng của nhà thương tâm thần. Những ý tưởng vĩ đại ở thời đại này đâu có ùn đống trên các con đường chính yếu, trong các giảng đường đầy đủ tiện nghi của Cambridge và Oxford, trong các phòng thí nghiệm trang bị tuyệt vời của Rutherford Edward Teller. Chính chúng, những ý tưởng ấy, đôi khi lẫn giấu ở nơi kẻ mục đồng không chăn đàn ngựa của mình. Trong bộ óc chưa chín muồi của cậu sinh viên khóa ba. Trong bộ não sưng tấy của kẻ mất trí. Trong chỗ bột mà mới thoạt nhìn cứ tưởng là phấn đã nghiền. Trong một hợp kim mới".
- Bobby, vào đề mau đi!
- Chương về Forrester phải là chương đầu đề đồng thời là trung tâm. Huyền thoại bao phủ Forrester cho phép cậu nắm ngay cốt lõi vấn đề, lôi cuốn sự chú ý của công chúng đối với cuốn sách của cậu. Cậu đột nhập táo bạo vào lĩnh vực của bí ẩn, của thầm kín bị lớp mù che phủ và bằng một đòn trổ cái cửa sổ ra thế giới ngời sáng. Cậu sẽ chứng minh rằng ông Forrester mất trí, đã là một nhà tiên tri đại tài; một thống lĩnh vĩ đại nhất mà hoàn cảnh không cho phép phát huy hết những khả năng của mình.
- Thế cậu cho là những người Mỹ vốn đa nghi sẽ tin tôi.
- Sẽ tin! Chúng tôi, tức là nhà xuất bản, sẽ cấp cho cậu những tài liệu được sàng lọc kỹ càng về tiểu sử Forrester, những lời phát biểu và thổ lộ của ông ta ở Lầu Năm góc, những báo cáo của ông ta ở Nhà Trắng, những học thuyết đã đăng và còn chưa đăng của ông ta. Còn có cả tư liệu cho các phần khác nữa. Chương về Forrester đồng thời cũng là chương về thời tổng thống Truman. Người đọc phải tận mắt thấy rõ Forrester đã có những ảnh hưởng to tát đến thế nào đối với tổng thống, ông ta đã đổ vào đó sức lực để khiển tổng thống cảm thấy mình là người sáng tạo nên lịch sử, là vị tổng thống đầu tiên của kỷ nguyên bom nguyên tử. Forrester đã gây cho Truman tư tưởng ưu thế nguyên tử của nước Mỹ. Forrester cùng hợp sức với Dalet soạn ra một học thuyết cứu nhân loại. Học thuyết ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản về chính trị và quân sự, học thuyết đòn trả đũa ồ ạt. Chương về Forrester phải kết thúc bằng lời nói của chính ông ta: "Chiến tranh với người Nga là không tránh khỏi. Phải chuẩn bị cho nó cả ngày và đêm, từ tháng này qua tháng khác, từ năm này qua năm khác, từ thập kỷ này qua thập kỷ khác. Không thể có cuộc thi đua hòa bình nào giữa Washington và Moscou. Tồn tại với các Xô-viết là hiểm họa đối với Hợp chủng quốc, đó là cái thòng lọng quàng lên cổ nước Mỹ". Cậu nghe tớ nói đấy chứ, Serge?
- Làm sao tớ lại có thể không nghe những diễn từ như vậy được?
- Chắc cậu biết nhà bình luận nổi tiếng của tờ "Washington Post" (Bưu điện Washington) Giô-dép Ôn-xốp? Một nhân vật đặc sắc. Cậu nhớ chùm bài báo của ông ta hồi tháng giêng 1960 dưới cái tên gọi khiêm tốn "Sự lạc hậu trong lĩnh vực tên lửa" chứ? Từ đó đến giờ ngân sách quân sự của ta đã tăng lên ba lần. Ôn-xốp dí mũi dân chúng Mỹ vô tư lự vào cái sự thật cay đắng: người Nga đã bức xa ta trong ngành chế tạo tên lửa, họ có thể đốt trụi, phá sạch các thành phố của chúng ta, các nhà máy, cung điện và trang trại, sân vận động và xa lộ của chúng ta, nếu chúng ta không đuổi kịp họ trong thời gian ngắn nhất. Ôn-xốp nã ra trò! Cậu phải giành hẳn một chương trong quyển sách của mình về vấn đề này.
Phía trước chiếc mustang đã hiện ra một motel theo kiểu cung điện Moritani có hàng cọ và bể bơi ở mặt trước, có những lều trại nhiều màu trên các bãi cỏ và bên bờ một con suối nhân tạo. Tôi hơi phanh lại và hỏi Bobby:
- Ta dừng chứ?
Anh ta còn muốn vặn cho hết các đĩa hát của mình, nhưng cũng muốn giãn gân cho tỉnh táo ra, muốn hớp một chút gì man mát hay nhai món gì đó.
- Cũng được.
Khi đã vào bể bơi, anh ta cố trình bày đơn đặt hàng của ông chú.
- Giữ mồm một chút, - tôi nói - Lúc vào ôtô ta sẽ tiếp tục nói chuyện.
Chúng tôi tắm thỏa thuê, ăn no, uống say rồi lại lao đi tiếp. Tôi huých Bobby:
- Nào, gạ gẫm tiếp đi!
Anh ta đâm nặng nề vì cả một cốc vại rượu vang với nước cam và mất vẻ hưng phấn lúc trước.
- Còn gì nữa đâu? Qua con mắt của cậu, tớ đã thấy là cậu đã chịu quy thuận.
- Làm sao mà không cắn vào cái mồi như vậy cho được! Ừ, nhưng mà chú cậu còn muốn cái gì nữa hẳn?
- Chú tớ muốn cái mà cả nước Mỹ muốn: đất nước luôn luôn sẳn sàng đối phó với chiến tranh. Hòa bình là cái phận của các nước yếu hèn, nó có đầy rẫy trên thế giới. Không thể hình dung được xã hội hiện đại không có chiến tranh. Chiến tranh là động lực của tiến bộ, là mưa và mặt trời của đồng đất chúng ta. Vào thời cổ xưa, chiến tranh đã đẻ ra lửa, đã mở ra sức mạnh của sắt. Chiến tranh đã tặng con người bánh xe. Chiến tranh đã chấp cánh cho chúng ta. Ông tổ của dòng họ Rockefeller đã làm giàu vào thời nội chiến khi cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân đội. Chiến tranh đã làm cho nước Mỹ trở thành cường quốc chính yếu trên quả địa cầu. Chiến tranh đã phân hạch nguyên tử. Chiến tranh đã lôi cuốn chúng ta lên vũ trụ.
- Và tất cả những ý nghĩ ấy của ông chú cậu, tớ phải bày tỏ dưới dạng triển khai trong quyển sách tới?
- Không chỉ có vậy! Còn những ý nghĩ khác nữa. Phải nhìn vào chiến tranh như các nhà khoa học xem xét thế giới tự nhiên của mọi sinh vật. Con cá măng tồn tại trong hồ chính là để con cá diếc khỏi ngủ gật. Đàn sói đuổi theo sát đàn cừu để cắn xé những chú cừu yếu ớt đã bật móng. Loài rắn diệt loài gặm nhắm. Mèo diệt chuột. Sư tử diệt những con sói đã ghẻ lở, mất sức. Cáo săn thỏ. Sự cân bằng tự nhiên của vũ trụ! Chiến tranh là biểu hiện tự nhiên nhất của đời sống con người. Gốc rễ của nó ăn vào lớp đất cổ đại nhất, vào thời Adam kia. Nếu như loài người không đánh nhau, thì người Mỹ chúng ta bây giờ có lẽ đang kiếm lúa mì thiết yếu nhất của mình dưới sự giám sát của bọn đen hay bọn da vàng rồi. Chiến tranh, chỉ có chiến tranh, chiến tranh thường trực trong suốt thế kỷ hai mươi mới cứu được nước Mỹ khỏi sự xâm lấn của châu Phi và châu Á đã sinh sôi nẩy nở khỏi châu Âu, đã đỏ hóa và trở nên bão tố.
- Ra thế!… Tớ đã hiểu ông chú cậu rồi. Vung tay ra trò đấy. Ông ấy gọi đến tớ hay cậu đề xuất tớ?
- Có những vị có máu mặt đề nghị cậu.
- Tớ chẳng được ai tin cậy cả, loại trừ Hatter.
- Có đấy. Tớ biết. Ở Nhà Trắng người ta biết đánh giá cậu.
- Vậy là ở đó người ta đề nghị? Thế thì thật là chuyện mới đấy. Một tin mới dễ chịu!
- Cậu sẽ bay cao, Serge ạ, nếu không xẩy chân.
Đúng, anh ta nói phải. Chỉ cần tôi tiếp thu lòng tin của Scott, hệ thống hóa, trình bày trên giấy những ý nghĩ ăn thịt người kia là tôi sẽ bay lên bục vàng. Có biết bao kẻ đã bị cám dỗ như thế và ít người chịu nổi nó! Trong số họ có cả những người không phải là ngốc nghếch, không phải là mất trí, không phải là bất tài. Teller bị đuổi khỏi nước Đức phát-xít, đã tìm được chỗ nương thân dưới bóng tượng thần Tự do. Và đã trở thành "người cha" của quả bom khinh khí, một đấu thủ poker hạt nhân say sưa. Dứt khoát không tiếp xúc với các Xô-viết. Chỉ có chiến tranh. Chiến tranh lớn với sự áp dụng vũ khí hạt nhân. Chiến tranh nhằm tàn sát hoàn toàn. Teller đã đặt nước Mỹ, đặt toàn nhân loại, cả hành tinh trái đất lên con bài.
Bên lề đường phía trước mọc ra một tổ hợp các điện thoại tự động.
- Phanh lại chút nào, Serge, tớ phải gọi điện báo trước là tớ không chỉ đi một mình.
Tôi thực hiện lời yêu cầu ấy, dạt vào lề đường và tắt máy.
- Thế không báo trước thì không được sao?
- Nơi mà tớ với cậu tới, người ta không nhận nếu không báo trước?
- Nơi ấy là đâu vậy?
- Rồi cậu sẽ thấy!
- Bobby chỉ tay lên trời đầy ý nghĩa.
Khoảng năm phút sau, anh ta trở ra, nhưng không vội ngồi vào chỗ. Anh ta đứng trước cánh cửa ngỏ và chăm chú nhìn đường.
Cách trạm điện thoại không xa, khoảng một trăm mét là một ngã rẽ lớn: cầu, cầu cạn, đường hầm, đường nhánh. Bobby gật về phía trước, tuôn ra một cách suồng sã khinh khi:
- Cậu không phản đối, nếu ta quặt sang phải và bon đường vòng đến Las Vegas chứ?
Trước khi anh ta kịp nói điều đó, tôi đã biết cái gì nằm trong óc anh ta rồi.
- Đường vòng hết bao lâu? - Tôi hỏi.
- Độ hai, ba tiếng. Cũng có thể bốn tiếng. Tớ muốn rẽ vào một công trình quan trọng mà hãng tớ đang xây cất.
Chắc đã giảm đi ít nhất là ba lần. Những người như Bobby làm việc và sống với độ dự trữ lớn.
- Không xong! - tôi nói cứng rắn. - Tớ phản đối. Cái công trình nó sẽ vươn tất cả các vòi bám chặt lấy cậu và sẽ không thả cho đến ngày mai.
- Thế cậu vội đi đâu mới được chứ? Las Vegas có mất đi đàng nào mà sợ.
- Không xong!
- Sau vậy, Serge?
- Ngày mai tớ có thể bị mất hết thích thú đối với giải trí và với mọi thứ.
- Ở Las Vegas đến những hiền nhân lụ khụ cũng tái sinh. Ta đi thôi, Serge! Cậu sẽ thấy một công trình kỳ diệu giá vài triệu đôla.
- Bây giờ chỉ có Las Vegas là cuốn hút tớ.
- Cậu khướt từ thật uổng… Cậu sẽ chẳng còn dịp nào được trông thấy một trong những cơ ngơi bí mật nhất của chú tớ. Người ta không cho người lạ vào đâu. Chỉ có một mình tớ có quyền dẫn khách vào. Mà cũng phải sau khi thực hiện một vài thủ tục.
Thì ra đó là nguyên nhân mà tuần nào anh bạn tôi cũng bay đi Nevada! Kết hợp kinh doanh với lối sống phóng đãng. Với lại, ai trong giới anh ta mà chả hành động như thế, chừng nào còn đủ sức cho cả cái thứ nhất và cái thứ hai.
- Cậu nói về những thủ tục nào vậy?
- Người ta nhanh chóng lưu giữ tên tuổi cậu lại, lặng lẽ chụp ảnh cậu.
- Và sẽ lấy dấu tay, - tôi nhắc.
- Sẽ lấy! Làm cậu không nhận thấy, để khỏi xúc phạm đến cậu. Thôi đừng bận tâm đến mặt này của vấn đề làm gì. Mọi cái đều lịch duyệt ở mức tối cao.
- Tớ không đi đâu! Tớ hoàn toàn không quan tâm đến các cơ ngơi nguyên tử - hạt nhân.
- Ta sẽ đi, Serge ạ. Tớ sẽ chỉ cho cậu viên đá mài, lưỡi dao cạo của nền đại chính trị hiện đại. Ta sẽ đi! Cậu sẽ thấy những đường hầm khổng lồ, đào trong các sườn núi để thử bom hạt nhân công suất khác nhau.
- Tớ không muốn trông thấy chúng. Cậu phải hiểu cho điều đó, Bobby ạ.
- Tớ không hiểu. Tớ không chịu hiểu. Bất kỳ một người bình thường nào chắc phải thích thú được có dịp nhòm vào nơi tột cùng bí mật như thế.
- Cậu cứ coi tớ là không bình thường.
- Cậu không chỉ là một gã không bình thường, mà còn là một đứa bạn tồi.
- Bobby, cậu đã bắt ép thì tớ xin nói thật. Tớ sợ cái bãi thử nghiệm của cậu. Không phải chính cái bãi thử nghiệm, mà tớ sợ Houver. Cái công trình của cậu, tất nhiên là đầy rẫy những nhân việc của Houver. Tớ không muốn dính dáng gì đến bọn họ.
- Cậu không trông thấy bọn họ đâu, cậu chỉ nghe thấy thôi. Các nhân viên của Houver đều là những kẻ tàng hình.
- Tớ không muốn họ lập hồ sơ về tớ.
- Cục điều tra liên bang đã lập hồ sơ về cậu từ đời nảo đời nào rồi. Mọi người Mỹ đều được kiểm kê chặt chẽ.
- Thế lại càng phải giữ. Tớ biết những ai có liên quan đến công việc nguyên tử đều bị đặt dưới cái kính hiển vi rất lớn và đều bị soi quang tuyến. Không! Tớ không muốn nhòm vào cái chỗ tột cùng bí mật của nền đại chính trị. Những gì tớ thấy là đủ lắm rồi.
- Cậu thật là bướng bỉnh! Đếch thèm lôi thôi với cậu nữa, ta sẽ đi thẳng đến Las Vegas. Đợi tý, tớ phải báo thôi mới được.
Anh ta chạy vào trạm điện thoại, gọi điện chắc hẳn là đến đó, và chúng tôi lại phóng đi tiếp.
Khoảng hai mươi kí-lô-mét chúng tôi đi trong yên lặng. Anh ta đang giận tôi, còn tôi thì đang nghĩ cách làm lành. Tôi bắt đầu bằng câu hỏi ngây ngô nhất:
- Bobby này, nhuận bút sách tớ sẽ nhận bằng tiền mặt, bằng cổ phiếu hay là bằng chứng khoán nhỉ?
- Thích cái gì thì chọn cái ấy. Cậu nói cái gì thì sẽ có cái ấy.
Anh ta đã hết bực. Hay lắm!
- Nhận bằng tiền mặt thì thật hấp dẫn. Khi người ta nắm tiền trong tay, nó tạo cho con người ta tính tự tin của Napoleon và sự can đảm của Hê-rắc[5]. Mà có những cổ phiếu chắc chắn cũng không phải là tồi.
- Khỏi phải lao tâm khổ tứ. Tớ sẽ lo cho số tiền của cậu lợi nhuận cao nhất. Tớ sẽ thu xếp cho số cổ phiếu to tát của chú tớ. Hãng tớ được bảo đảm không bị suy thoái và thua lỗ. Chúng tôi sẽ chỉ làm việc cho cuộc chiến tranh lớn.
Tôi toan phản đối Bobby. Làm như là phản đối.
- Cuộc chiến tranh lớn đã bị tổng thống gạch ngang vào cái ngày mà ông ta đồng ý ký hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân trên vũ trụ, trong khí quyển và dưới nước. Cuộc chiến tranh lớn đã bị hủy bỏ vào cái ngày mà tổng thống cho lời cam kết trước toàn thế giới không tấn công Cuba.
Bobby phì cười, vung tay - anh ta khoái chí trước sự ngây thơ của tôi.
- Chà, cậu ngủ miết suốt thời gian này hay sao, Serge? Cậu không biết cái gì đang diễn ra à? Tổng thống đã phái sang Việt Nam mười sáu nghìn cố vấn quân sự. Và đó mới chỉ là bắt đầu. Tổng thống đã biến Houston thành trung tâm nghiên cứu vũ trụ và thề đuổi kịp người Nga và cho các chàng trai của ta đổ bộ lên mặt trăng. Ông đang tăng kho vũ khí hạt nhân và các vũ khí khác. Có thời Lầu Năm góc đã giữ hãng tớ ở vị trí thứ bảy, còn giờ đây chúng tớ đang tiến lên phía trước. Trước kia người ta trông chờ vào đòn trả đũa hạt nhân ồ ạt. Bây giờ người ta không từ cả vũ khí thường nữa. Nó cần cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam và ở những nơi khác nữa. Đó là nguyên do tại sao hãng tớ trong thời gian trước mắt và trong tương lai gần sẽ sản xuất ngày một nhiều các máy bay ném bom tầm hoạt động trung bình, đại bác, xe tăng, lựu đạn, bom na-pan. Chúng tôi đang mở rộng đội ngũ thầu phụ. Nhờ có chúng tôi mà hàng nghìn các nhà kinh doanh nhỏ có thể kiếm được hàng trăm triệu đôla.
- Cái bức tranh mà cậu vẽ trong tưởng tượng thì dĩ nhiên phải luých rồi.
- Tưởng tượng cái nỗi gì? Tất cả những gì tớ nói với cậu là sự kiện đã xong rồi. Lầu Năm góc và Nhà Trắng đã phê chuẩn các kế hoạch của hãng tớ và dành gần một tỷ đô la để cải tạo các nhà máy và mua vật tư chiến lược. Ủy ban dự chi ngân sách đã nhanh chóng duyệt qua bộ máy của mình toàn bộ giấy tờ cần thiết. Chúng tôi không lo trắc trở khi bỏ phiếu ở quốc hội: các bản lề to và các viên ốc con đã được tẩm dầu kỹ lưỡng và kịp thời. Cho nên, như các cụ vẫn nói xe chở hàng đã trơn tru dầu mỡ.
- Vậy là, cậu khuyên tớ mua cổ phiếu California?
- Đấy là cổ phiếu không thua lỗ. Cổ phiếu chiến tranh! Chiến tranh là cái thời tiết bền vững nhất, chắc chắn nhất, bội thu nhất cho chứng khoán. Đã nhiều năm nay nó không xấu đi và còn giữ thế lâu nữa.
Ở phía xa xa nơi chân trời xao động, trong đám mù oi ả hiện ra Las Vegas với những buyn-đinh chọc trời, lấp lánh đủ mọi màu sắc và thách thức với mặt trời.
Chúng tôi thường nói với người châu Âu: "Nếu chưa thấy New York, Chicago, San Fransisco thì anh chưa có quyền nói là đã nhìn thấy nước Mỹ. Nếu chưa sống ít nhất ba ngày ở Las Vegas thì anh chưa có quyền nói là đã nhòm vào tâm hồn của nước Mỹ, là đã thấu hiểu lối sống của nó". Không thể không đồng ý với lời khẳng định này.
Bạn không thể nhầm lẫn Las Vegas với một thành phố nào khác. Cả ban ngày trên phía mặt tiền các tòa nhà hàng nghìn ánh đèn quảng cáo rực sáng, nhấp nháy, phát ra ánh sáng cầu vồng. Các chuôi đèn nhiều màu quấn dọc quấn ngang các tòa nhà cao và thấp, các công viên nhỏ, các đường phố xinh xinh, các sòng bạc, các khách sạn sang trọng, các nhà chứa, nơi bị che lấp bởi các biển khách sạn. Một thành phố được chiếu sáng nhiều nhất thế giới. Một thành phố có phụ nữ bán thân nuôi miệng nhiều nhất. Một thành phố có số sòng bạc chưa từng nghe thấy bao giờ. Một thành phố phá các kỷ lục của tất cả các thành phố trên thế giới về số tội ác đủ loại, trong đó có giết người để ăn cướp. Một thành phố với số cuộc ly dị chớp nhoáng nhiều nhất. Một thành phố của ty chắp vá đáng hỗ thẹn, của nhậu nhẹt, thua được, của nước mắt tuyệt vọng, của tệ say rượu vô tội vạ, của sự khinh bỉ trong nội tâm giữa con người với nhau, của sự trống rỗng hoàn toàn. Một thành phố phá kỷ lục của các thành phố trên toàn địa cầu về số vụ tự tử. Ở nước Mỹ, một ngày đêm có hai mươi hai người tự tử trên một trăm nghìn dân. Ở Las Vegas náo nhiệt cứ một trăm nghìn người thì có ba mươi người chết vì bàn tay của chính mình.
Tôi hình dung Las Vegas như thế. Và trên thực tế nó như vậy. Nhưng Bobby có lợi ích thiết thân trong thu nhập của các ổ giải trí kia lại nhìn thành phố dưới một ánh sáng hoàn toàn khác. Để kiểm tra thử xem, chúng tôi còn có thì giờ để nói dăm ba câu chuyện nữa.
- Này, Bobby, sao cậu không kể tí gì về Las Vegas của cậu? Nó ra làm sao?
- Để làm gì kia chứ? Chính cậu sẽ thấy hết mọi thứ.
- Tớ sẽ không trông thấy cái có thể nghe được ở cậu, ở một trong những bậc cha của thành phố vui vẻ.
- Chớ tin những điều gì cậu nghe thấy, mà hãy tin những gì trông thấy tận mắt. Các hiền triết đã nói vậy.
- Cứ để họ nói cho cậu nghe. May quá, tớ không phải là hiền triết. Las Vegas giá bao nhiêu?
- Tớ chưa tính chính xác, nhưng theo tớ chưa chắc đã gói gọn được trong ba tỷ.
- Khó mà tin được!
- Hoàn toàn có thể có. Thậm chí tớ còn nói thấp giá đi là khác. Chỉ trong năm ngoái đã có mười lăm triệu khách ăn chơi ở đây. Mười lăm! Nó nhiều hơn cả con số mà cả nước Italy tiếp nhận. Tất nhiên, không phải tất cả các vị khách đều chơi poker, chơi bacara, chơi ru-lét, chơi ăn điểm, nhưng chỉ cần già nửa là đủ cho chúng tôi lắm rồi. Trong mười hai tháng vừa qua, các đấu thủ đã ném lên các tấm dạ xanh của Las Vegas ba tỷ đôla.
- Thế các ông chủ Las Vegas được bao nhiêu trong số ba tỷ kia? Tớ thiết tưởng đó không phải là bí mật chứ?
- Hỡi ông bạn ơi, bí mật đấy. Mỗi một ông chủ khách sạn, ở sòng bạc đều giữ thu nhập của mình dưới bảy lần khóa, không ai được biết con số lợi nhuận chính xác. Chỉ rõ một điều: con số ấy khổng lồ. Vốn đầu tư vào các cơ ngơi Las Vegas được quay vòng nhanh hơn ở bất cứ nơi nào trên thế giới, và cho lãi suất cao nhất. Ngay đến Trung Đông cũng còn thua Las Vegas. Năm ngoái tớ đã ném vào miếng đất này tất cả số tiền thừa cỏn con của mình, và năm nay tớ sẽ gặt một vụ mùa bội thu. Mọi bậc cha của thành phố cũng làm như vậy. Chỉ tính trong năm qua, chúng tôi đã bỏ vốn vào kỹ nghệ sòng bạc của Las Vegas ba trăm triệu đôla. Còn có câu hỏi nào nữa không, thưa ông khách du lịch?
- Còn chứ? Bobby này, có thể được bạc ở chỗ các ông không?
- Có thể! Chúng tôi thoải mái cho phép mình cái sự tổn phí như vậy, bởi vì tin chắc rằng sớm hay muộn nó sẽ quay về với chúng tôi. Ở mỗi một nhà đánh bạc, trong nhà tớ cũng thế, có một biên chế, đặc biệt toàn những ả quý phái, kiều diễm hết mực lịch duyệt, với một lớp phết trinh nữ. Tóc hung có. Tóc hạt dẻ có. Da ngăm đen có. Tóc vàng có. Tóc nâu nhạt có. Đủ mọi màu tóc, màu da. Mọi lứa tuổi. Chúng tôi trả công hậu cho công việc an nhàn của họ. Thường thì các cô ả chơi không. Chúng tôi đưa họ lên vũ đài khi nào có một kẻ may mắn lớn được bạc của người hồ lì khôn ngoan và giật được một món tiền bự. Nhưng chúng tôi không làm điều đó ngay. Mọi nhân viên nhà đánh bạc nồng nhiệt vỗ vai kẻ may mắn, chúc mừng thắng lợi. Người ta ghi tên hắn bằng chữ vàng lên bảng danh dự. Người ta cúi thấp người chào và rải thảm đỏ thắm trước kẻ chiến thắng. Ở khách sạn, chúng tôi chuyển ngay "ông vua trong giây lát" từ phòng bình thường vào các căn hộ dành cho giới thượng lưu Hollywood, cho các ông chủ ngân hành, các quốc vương, thế tử và các tai-cun[6]. Chúng tôi thấy hết mọi thứ hắn làm. Chúng tôi nghe hết mọi điều hắn nói. Tấm gương thần cho phép chúng tôi theo dõi từng cử động của kẻ gặp may. Nửa tá mi-crô-phôn, được lắp đặt đến mức con muỗi cũng không bị mòn vòi, lắp trong phòng làm việc, phòng tắm, phòng khách, phòng ăn, phòng ngoài, phòng vệ sinh để ghi nhận từng lời của kẻ thù số 1 của chúng tôi. Vâng, vị khách giật được canh bạc lớn lập tức trở thành kẻ thù nguy hiểm của cơ ngơi chúng tôi và chúng tôi tiến hành một cuộc chiến tranh tàn khốc, không theo một quy tắc nào với hắn. Trước khi hắn ngồi vào bàn, ban nghiệp vụ chúng tôi đã kịp thu góp mọi tin tức quan trọng nhất về hắn: hắn uống bao nhiêu, khi nào và như thế nào, hắn ưa thích đàn bà loại nào, hắn đem bao nhiều tiền mặt và ngân phiếu theo, hắn cay cú ăn thua hay điềm tĩnh. Chúng tôi không gọi vị khách sộp giữa chúng tôi với nhau bằng tên họ. Hắn được mã hóa đặc biệt. Dưới cái bí danh ấy, hắn qua tất cả mọi tầng của cơ ngơi chúng tôi. Sau hai, ba ngày sống ở khách sạn của chúng tôi, chúng tôi đã nghiên cứu hắn đến chân tơ kẽ tóc. Tất cả là làm sao cho hắn phải để tiền lại Las Vegas càng nhiều càng tốt. Theo khả năng của mình, chúng tôi làm nhẹ bớt quá trình đau xót chia ly với đôla của hắn. Một vị khách đang hơi men, phản ứng với sự thua cuộc không đến nỗi tuyệt vọng như người tỉnh, kẻ đang ghì một mỹ nhân tóc vàng trong vòng tay hắn sẽ không đến nỗi tiếc số vốn đã mất cho lắm.
- Thôi được, cái đó thì rõ rồi. Nhưng rồi rốt cuộc các ông xử sự với những kẻ được cuộc ra làm sao?
- Nếu hắn đến đây không mang theo vợ, chúng tôi sẽ trị hắn bằng phương pháp có mã hiệu ở lãnh địa của tớ là "Bạch cúc". Chúng tôi bủa hắn từ mọi phía bằng các cô nàng, của đội đặc nhiệm. Một con bé tóc vàng hay tóc màu hạt dẻ nào đó sẽ quàng thòng lọng vào cổ hắn bằng một giọng thỏ thẻ nhất, êm ái nhất và lôi hắn đến sòng bạc. Chúng tôi sẽ không để cho hắn được bạc lần thứ hai nữa. Chúng tôi sẽ cạo sách, lột da, làm lông hắn như làm một con cừu, từ đầu đến chân.
- Thế các anh làm gì với những kẻ thua bạc?
- Bọn ấy thì chúng tôi tống cổ ra khỏi phạm vi thành phố càng chóng càng tốt. Nếu hắn thua cuộc cái ô-tô của hắn, chúng tôi mua vé xe buýt cho hắn: lên mà về nhà đi, ông bạn thân mến ơi, rồi đem thêm đôla lại đây! Nếu hắn không nghĩ ra đem cược chiếc mustang năm nghìn hay chiếc cadillac tám nghìn, thì chúng tôi giúp hắn làm việc ấy. Nếu hắn có chiếc đồng hồ tốt - thì chúng tôi cho cầm đồ. Chúng tôi nhận nhẫn, hoa tai, đài bán dẫn. Chỉ từ chối cầm những đồ mà luật pháp bang Nevada cấm mà thôi.
- Những đứa tự tử có gây phiền toái cho các anh không?
- Chẳng sao hết cả! Trong lãnh địa của tớ không hề có vụ tự tử nào.
- Sao lại không có? Cả nước Mỹ, cả thế giới đều biết là Las Vegas đứng hàng đầu về số vụ tự tử.
- Vâng, đứng hàng đầu. Tuy nhiên, trong bốn bức tường của khách sạn của tớ không có kẻ nào thua bạc lại tự vận. Chúng tôi không cho phép ông khách làm hoen ố danh thơm của hãng chúng tôi.
- Làm cách nào vậy?
- Công lao của ban nghiệp vụ. Ở đó là những khoa học gia ngồi nghiên cứu. Cái mùi chết chóc của vị khách, họ đã ngửi thấy ngay từ lúc hắn chỉ mới đang cạn túi. Những cô nàng đặc nhiệm không rời mắt khỏi hắn. Họ sẽ quàng tay đưa hắn ra khỏi cadino. Họ đãi hắn bữa ăn. Họ cho hắn vay ít tiền. Họ an ủi. Êm ái và âu yếm họ tìm cách đưa hắn ra khỏi địa phận Las Vegas. Không một giây phút nào họ bỏ mặc cho kẻ bất hạnh giáp mặt với sự tuyệt vọng. Nhưng những kẻ tự sát là những tay khá thông minh, khôn ngoan và giả vờ khéo léo vượt bậc. Bọn chúng làm ra vẻ dịu nguôi, cam chịu thua bạc. Khi đã ru ngủ sự cảnh giác của chúng tôi, bọn chúng mới rút súng tự sát, mới treo cổ, tự giết mình bằng hơi ngạt hay lao đầu vào bánh xe ô-tô.
- Chả lẽ lại không có ai tự vẫn trong khách sạn của các anh?
- Không. Chúng tôi quẳng ra phố những kẻ tự sát khi chúng hãy còn hơi ấm, trước khi cảnh sát đến. Trong những trường hợp như thế, cảnh sát thường đến nơi xảy ra sự việc muộn màng và cũng không có thể điều tra kỹ lưỡng cho lắm xem kẻ kia tự sát ở đâu, bằng cách nào và khi nào. Đã hết câu hỏi chưa, thưa vị du khách?
- Còn một câu nữa. Tớ nghe nói các anh có vài nghìn máy trò chơi tự động.
- Phải, ở bang Nevada bình quân đầu người có hai mươi hai máy tự động. Chỉ riêng những máy này đã đem lại cho Nevada dưới dạng thuê mười ba triệu rưỡi đôla. Cả nước Mỹ gọi chúng là "những tên kẻ cướp một tay". Vậy mà không có người Mỹ nào không bắt tay tên kẻ cướp kia. Con người ta vốn thế đấy. Về bản chất, anh ta là một đấu thủ ăn thua. Anh ta chơi ngay cả khi chỉ có một phần trăm cơ hội thắng, còn chín mươi chín phần trăm thua. Chúng tôi phát đạt là bởi biết được tâm lý người đời. Và sẽ còn phát đạt. Bản chất của con người không thay đổi. Anh ta sinh ra với cái gì thì chết cũng với thứ đó.
Chẳng cần phải hạ mình để tranh luận với gã kẻ cướp nghìn tay đang triết lý này. Tôi cắt ngang anh ta, thốt lên:
- Ta đang vào Las Vegas kìa!… Thôi, ngồi yên nhé, Bobby. Để cho tớ ngắm cái thái ấp của cậu.
Cửa ô thành phố. Những dây đèn kết. Những lá cờ sao và vạch. Tấm bảng thép hàn trên cái giá ba chân bằng sắt lôi cuốn sự chú ý của tôi. Trên nền trắng, một hàng chữ to, đẹp đập vào mắt chạy ngang: "Xin chào mừng các bạn đến thành phố Las Vegas của chúng tôi. Thành phố của hoan lạc, của tình yêu, của vô tư lự, của máu ăn thua, của những món tiền được cuộc kếch sù, của những cảm giác mãnh liệt!".
Dưới dòng chữ này là một dòng chữ khác khổ chữ nhỏ hơn, lời của thống đốc bang Nevada: "Chúng tôi không xin tha lỗi vì sự tồn tại của các sòng bạc. Chúng thực hiện cùng một chức năng như bất kỳ một dạng hoạt động kinh doanh nào khác, chỉ có sự khác biệt là các cơ sở của chúng tôi tuân theo những điều lệ chặt chẽ và ở dưới sự kiểm soát của chính quyền bang".
Những điều lệ nào thế? Chúng ở đâu? Tôi muốn làm quen với chúng đến nỗi chưa đi đến trung tâm làm ăn của thành phố, tôi đã dừng lại ở vùng ven có sự đồng ý của anh bạn đồng hành, trước ngay một cơ sở đầu tiên tôi bắt gặp. Sự lựa chọn vô tình hóa ra được việc. Tôi rơi vào một hang ổ vạn năng. Ở đó có thể thua đôla trong trò chơi ăn điểm, chơi thò lò, chơi ru-lét, chơi poker, chơi ba-ca-ra, chơi "66", trong cuộc đua tài không cân sức với máy tự động. Khi tiền đã hết, có thể cầm tất cả những gì quý giá cho một lão cho vay nặng lãi và thử gỡ lại. Cũng có thể trả tiền trước rồi ăn trưa, ăn tối, ở lại một đêm, một ngày hay một giờ với một cô ả tóc vàng, tóc trắng nào đó trong một căn buồng tiện nghi.
Bạn đều có thể làm mọi thứ, ngoại trừ những gì mà điều lệ cấm đoán. Nó được treo ngay ở tiền sảnh và được pháp luật địa phương làm lễ thánh cho. Điều khoản đầu tiên nói: "Cấm đem cầm cố kính đeo mắt, các máy nghe, hàm răng giả".
Cái đầu, trí óc và danh dự thì có thể được, chứ còn kính đeo mắt và hàm răng giả thì lạy trời, đừng!
Điều hai đề cập đến lũ gái điếm mà qua đó bang Nevada kiếm chác được số tiền ở các sòng bạc. Các ả được phép hành nghề vào bất cứ lúc nào ngày và đêm, ở bất kỳ chỗ nào, nhưng không được gần hơn "400 yard cách trường học, nhà thờ hay đường cái". Cái điểm này của điều lệ được Bobby giảng giải cho tôi.
- Chỉ mới đây các chuyên viên đã phát hiện ra một nhà làm tình sang trọng ở cách trường học dưới 400 yard. Chúng tôi bàn đi tính lại mãi xem làm thế nào. Kết cục là trường học được dời đi.
Bobby Scott, vốn không phải không có hài hước, là người thích cười, mà lần này không kèm thêm với lời nói một tràng cười hay một nụ cười mím nào. Kinh doanh đâu phải chuyện đùa, nó rất, rất là nghiêm túc. Kẻ nào nhe răng ra vào cái lúc người ta đang xoay xở làm tiền, thì kết cục chẳng hay ho gì. Kinh doanh đòi hỏi một thái độ tôn trọng, mẫn cảm đối với nó.
Chúng tôi vào phòng đánh bạc. Phòng chơi ru-lét. Không một cửa sổ. Không một đi-văng, không một ghế tựa để khách không chơi có thể ngả tạm. Chỉ có một cái bàn to xù phủ dạ xanh, quanh nó là ghế bành cho những người chơi: chỉ cho những người chơi. Ánh sáng rọi lan từ những nguồn không trông thấy. Trên tường không bài trí gì, không có một bức tranh nào, không có cái gì đặng có thể làm sao lãng đấu thủ khỏi đấu trường màu xanh lá cây kia. Tất cả phục vụ một mục đích là làm cho đấu thủ vùi đầu vào trò chơi. Người hồ lỳ làm việc trang nghiêm trong sự yên lặng hoàn toàn. Nửa ta bà già đang giao tranh với ông ta. Giúp cho họ có chín vị tuổi tác khác nhau, từ hai mươi đến tám mươi tuổi. Thay thế cho đôla là các phiếu được trả trước bằng đôla ở quầy bán đặc biệt. Một sáng kiến khôn ngoan. Chia ly với những phiếu bằng các-tông màu thì dễ hơn là với tiền.
- Chơi đi! - Bobby ghé vào tai tôi. Là khách vãng lai thường xuyên, anh ta biết rằng ở đây không được nói chuyện to. Có thể làm khách giật mình, họ vốn rất thính nhạy.
Tôi cũng thì thào đáp lại:
- Tớ không muốn phải làm cái trò harakiri [7] đối với bản thân.
Chúng tôi ra khỏi phòng đánh bạc hảo hạng và lọt vào căn phòng có năm sáu dãy máy trò chơi tự động. Những tượng đài cho sự ngu ngốc của người đời, bụng phệ, ngực nở, vai rộng đứng chen vai thích cánh với nhau. Má áp má, gáy kề gáy. Giữa chúng là khoảng không gian hẹp hai người khó đi lọt. Sàn đầy vụn cưa. Ở mỗi khe kim loại có tới bảy mươi người chen nhau. Người ta hút thuốc. Người ta uống. Người ta ấn nút. Người ta ném bi. Người ta cười. Người ta chửi. Người ta cau có im lặng. Tôi không nhìn thấy những người thắng cuộc.
Bobby ghê tởm liếc nhìn đám vụn cưa bị bia, bị đống nôn mửa đổ lên.
- Ta đi khỏi đây thôi. Cậu sẽ được xem mọi thứ ở cơ sở của tớ. Nó lịch sự hơn.
Tôi thấy đủ rồi. Chơi đã chán!
Chúng tôi ở chơi tiếp ở Las Vegas và mọi việc diễn ra đúng như Bobby đã đoán trước. Anh ta đã nghiên cứu kỹ tập tục lệ thói của cư dân ở thái ấp vàng của mình.
Các khách sạn ở Vegas đua nhau về vẻ đẹp và sự sang trọng: "Riviera", "Duyn", "Texas", "Hollywood", v.v… Kính, nhôm, bê-tông, thép không gỉ, chất dẻo màu. Chúng nối nhau. Mười một khách sạn - ổ gian xa xỉ. Chúng tôi lưu lại ở một khách sạn. Không biết từ đâu trong chớp nhoáng hiện ra hai người hầu mặc đồng phục. Một người mở cửa xe phía bên phải nơi Bobby ngồi, người kia với nụ cười cúc cung tận tụy, đầy vẻ lễ phép chào: "Xin chào mừng ông" và mở cửa trái. Sau khoảnh khắc chiếc mustang biến đâu mất cùng với va-li của chúng tôi, còn tôi với Bobby đứng trên vỉa kè rộng và nheo mắt lại vì chói nắng.
Trước mặt chúng tôi, một người hầu thứ ba đang gập người xuống. Anh này không mặc đồng phục. Giày bóng như gương. Sơ mi trắng toát. Cra-vát giản dị, thắt không chê vào đâu được và được cài bằng cái ghim có viên ngọc to. Tóc là lượt kỹ và được phết dầu bóng. Viên quản lý khách sạn, như tôi đoán, chắc cũng chính là trưởng ban nghiệp vụ, mỉm cười, còn cúc cung và lễ phép hơn anh hầu và lẩm bẩm một cách cung kính nhất.
- Xin chúc mừng các vị tới xứ chúng tôi! - Và rồi im bặt một cách lễ độ, nhìn chăm chăm như nuốt ông chủ để chờ chỉ thị.
- Chúng tôi chỉ có hai, ba ngày rảnh rỗi, Teddy ạ. Hãy cố làm sao cho những ngày ấy phong phú đến tột bậc. Tôi lưu ý anh là ông bạn đồng hành của tôi đến Las Vegas lần đầu tiên. Nghĩa là phải đặc biệt quan tâm coi sóc ông ấy…
- Thưa ông, tôi hiểu. Tôi sẽ làm hết sức. Ông lệnh cho bắt đầu chương trình giải trí từ giờ nào ạ?
Bobby quay sang tôi có ý hỏi. Tôi im.
- Hiện giờ, chúng tôi sẽ đi dạo, - Bobby nói. - Hai mươi phút sau chúng tôi sẽ đi tắm. À, mà có tin tức gì quan trọng không?
Viên quản lý trình cho Bobby tờ báo nhỏ, có lẽ báo địa phương. Bobby nhìn một lượt rồi cười:
- A ha! Chó thật! Vẫn diễn đúng trò. Hắn lưu lại ở đâu?
- Ở "Duyn". Tôi đã gửi cho ông ấy tấm danh thiếp của ông.
- Tuyệt lắm. Còn tin gì mới nữa?
- Chẳng có gì đặc biệt, nếu không kể có mấy cô nàng mỹ miều, dân vãng lai xuất hiện ở khách sạn ta. Họ chọn những phòng sang nhất. Chơi bời cẩn thận. Uống vừa phải. Làm điệu làm bộ văng mạng. Đang tìm bạn chơi thích hợp.
- Từ đâu đến? Là ai vậy?
- Hiện giờ chưa xác minh được. Chúng tôi đang làm việc.
- Anh nói là đẹp hả?
- Rất đẹp ạ! Không giống chút nào với bọn chuyên nghiệp, tuy họ cố lại ra vẻ trải đời. Nhưng sắm vai không tự nhiên. Tôi nghĩ, các ả yêu thích những cảm giác mạnh.
- Anh đã khêu gợi trí tò mò của chúng tôi rồi đấy, Teddy. Hãy thu xếp cho chúng tôi gặp họ càng sớm càng tốt.
- Xin tuân lệnh, thưa ông.
Chúng tôi chậm rãi bước dọc bên phía phố có bóng râm. Dòng du khách xuôi ngược đang khát khao dìm đầu vào xoáy nước Las Vegas bao lấy chúng tôi cả bên phải lẫn bên trái.
Chúng tôi đi đến góc phố. Chúng tôi dừng lại, đảo mắt khắp mọi phía rồi quay trở lại. Đến gần khách sạn của tôi thì có một anh chàng da đen chạy ngang đường, trên mình chất hàng xấp báo mới New York và Washington, Bobby tóm lấy tay tôi kéo đi:
- Phải xem có những diễn biến gì trên thế giới trong lúc chúng mình bay đến đây.
Quán báo nép mình dưới bóng cọ và mái che to màu mè, được xếp đầy báo và tạp chí của toàn nước Mỹ. Bobby mua một xấp báo và giở chúng ra. "New York Times", "Washington Post" tới tấp bay vào sọt rác. Với những cơ quan có thế lực khác thì anh ta chưa kịp ra tay. Hai cô gái tiến lại, một tóc đen, một tóc hung, và họ hỏi mua "Life" (Đời sống) và "Sport Illustrated" (Họa báo thể thao).
Bobby dòm các cô gái từ đầu đến chân, với vẻ mãn nguyện ra mặt. Anh ta cười ý nhị:
- Chào các công chúa!
Một cô ngăm ngăm và một cô trăng trắng từ từ, dường như miễn cưỡng, quay lại phía chúng tôi, cũng xem xét chúng tôi chớp nhoáng và soi mói, với sự kiêu hãnh tinh quái bản hữu của giới tính và nghề nghiệp họ.
- Chào các hoàng tử! - cô trăng trắng đáp.
- Các cô hình như chỉ ghé ngang qua xứ này? - Bobby hỏi và khéo léo kéo các cô ra khỏi quán báo.
- Sao các anh lại nghĩ thế? Chả lẽ trên mặt chúng tôi có ghi rằng chúng tôi là khách tới đây?
- Có ghi, cô nàng ạ! Bằng loại chữ to. Các thiếu nữ ở đây không mua "Life" làm gì. Họ thừa kế chúng qua các khách hàng của mình.
Cô trăng trắng nói năng mềm mại, không có cái cách xồ xồ kiểu Mỹ thô thiển.Tiếng "r" vang lên đúng giọng Ăng-lê. Và từ ngữ rút gọn cũng không theo lối của ta.
- Cô là người Anh? - Bobby hỏi.
- Không, người Mỹ.
- Thế sao cái tiếng Anh của cô lại đúng giọng một cách trác tuyệt như của các bà mệnh phụ bên kia đại dương vậy?
- Thì chúng tôi là mệnh phụ đấy chứ. Mệnh phụ Mỹ. Từ Boxton đến, - cô tóc hung phì cười. - Chúng tôi đã học ở Anh. Mới từ bên ấy về.
- Thì ra thế? Vậy các cô tới đây làm gì? Hy vọng là không phải giữ bí mật? Để giải trí? Kiếm tiền? Hay là cả hai.
- Thế người ta đến Las Vegas để làm gì?
- Hiểu rồi. Nghĩa là mệnh phụ. Giọng nói và lớp véc-ni Ăng-lê. Hàng đặc biệt. Chà, các cô hoàn toàn hợp với tụi tôi.
- Còn các anh… các anh là những bậc chính nhân quân tử đấy chứ?
- Chính cống đây. Cũng hệt như các cô là mệnh phụ ấy.
Bobby cười. Các cô gái cũng cười, hết sức tự nhiên, thậm chí còn có phần đàng hoàng nào đó của con người. Các cô bé làm ăn được, tuy hãy còn non trẻ thế kia. Tôi nhìn cô ngăm ngăm ít lời kia hơn. Tôi tìm kiếm dấu ấn của sa ngã mà sao không thấy. Một khuôn mặt như mọi khuôn mặt. Sạch sẽ. Tươi mát. Non tơ. Đẹp. Cặp mắt không to, sáng, có những ánh thiếu tự tin và rụt rè của trẻ con. Môi hồng, mềm mại, còn chưa cần đến lớp son. Mới lạ thế đấy! Tôi vẫn từng nghĩ các cô nàng ở Las Vegas chẳng khác gì các cô Broadway, Chicago và Washington, thế mà ở đây hóa ra lại có phong thái đặc biệt của mình. Gần như sự hồn nhiên trong trắng.
Và cô tóc đen không hiểu sao cũng nhìn sang tôi nhiều hơn sang Bobby. Đã chọn chàng hiệp sĩ cho mình rồi!
Tôi dứt ra để đi, nhưng Bobby giữ tôi lại. Anh ta làm điều đó không lời, khẽ khàng không nhận thấy, không hề nhòm sang phía tôi chút nào. Nhãn quan của anh ta dính vào phía các cô bạn.
- Các quý cô hãy coi mình đã có nơi có chốn. Chúng tôi bảo đảm cho một món làm ăn khá cộng với giải trí. Nào, đồng ý chứ?
Các cô gái im lặng. Họ làm bộ bối rối, do dự.
- Chúng tôi đợi các cô trong bể bơi nhé. Chúng tôi sẽ tới đấy sau mười lăm phút nữa. Các cô đừng nhìn nhầm đấy, chúng tôi sẽ mặc quần bơi.
Các cô gái bật cười còn chân thực, duyên dáng hơn lúc nãy.
- Chào nhé! Sớm gặp lại! - Bobby dịu dàng, đồng thời chạm tay vào cằm cô trăng trắng một cách bề trên.
Chúng tôi về khách sạn, còn các cô… Tôi không biết các cô đi đâu. Tôi cũng không ngoái lại. Tôi thấy xấu hổ. Đến đây với ý nghĩ chắc nịch rằng mình sẽ không bị sa vào vòng cám dỗ nào. Sẽ chỉ làm việc mình, thanh thản xem Las Vegas. Rồi sẽ ra đi cũng vẫn như lúc đến. Không làm điều gì trái với mình. Sẽ tôn trọng mình như mọi khi. Tôi đã không đánh giá hết ma lực của Las Vegas. Đã ngã ngay lần thử thách nhẹ nhất đầu tiên. Phải, đã ngã! Chẳng việc gì phải tự dối mình. Tôi thích cô ngăm ngăm. Tôi muốn gặp cô ta. Muốn nhìn khuôn mặt sạch sẽ, non tơ, được gia công một cách khéo léo mà sắc màu ửng hồng tự nhiên kiểu trinh nữ vẫn còn đáo qua. Muốn nghe tiếng cười nho nhỏ, rụt rè của cô.
Bị bỏ bùa mê rồi! Say đắm ngay từ cái nhìn đầu tiên! Mà lại say ai mới được chứ? Say một cô nàng ở Las Vegas. Không biết cái say mê này sẽ ngốn của tôi mất bao nhiêu đôla?
Hóa ra là thật không đúng, thật láo toét nếu nói rằng thói xấu là đáng ghê tởm. Cũng có lúc nó hấp dẫn.
- Ơ kìa, Serge, làm sao lại ỉu xìu xìu thế? - Bobby sấn lại gần tôi, khi chúng tôi đã vào trong căn hộ năm buồng của khách sạn dành cho các bậc quý phái.
Biết nói gì với anh ta? Nói thật còn nguy hiểm cho tôi hơn là nói dối. Tôi cố nặn ra tiếng cười khẩy.
- Tớ sợ các cô bạn không đến?
- Thì ta sẽ tìm đám khác. Còn hay hơn. Ở đây thì thiếu gì. Nhưng cậu lo hão thôi, các cô ấy sẽ đến. Cậu trông thấy họ ngay bây giờ ấy mà.
Bobby ấn một trong các nút màu. Ngay lập tức cô hầu phòng trẻ hiện ra, cứ như cô ta đã đứng sẵn ngoài cửa ấy.
- Cho hai cái quần đùi đỏ thẫm, có hoa hồng bạch trên thắt lưng.
Cô ta không hỏi lại. Cong đầu gối thấp người xuống, cô ta thì thào êm ái:
- Yes, sir.
- Tớ không đi tắm đâu, đầu nhức quá.
Chẳng qua tôi nói thế để tự gột rữa lương tâm. Tôi biết tôi sẽ đi. Tôi cố tự lừa mình. Làm sao Bobby có thể tin được rồi, nếu như đến tôi cũng không tin ở mình nữa? Anh ta tiến lại chỗ tôi, vò đầu tôi và phá lên cười:
- Sao chọn đúng lúc, đúng nơi để đau đầu thế! Ta đi thôi, kẻo có kẻ cuỗm mất các cô bé của ta. Mà này, cậu khoái cô nào? Tớ thích cô trăng trắng. Nhưng nếu cậu muốn, tớ có thể nhường cô ta cho. Tớ thì thế nào chả được. Cô ngăm ngăm cũng là loại một đấy chứ.
- Bobby, nào ta hãy để cái trò này đến chiều.
- Chiều ta sẽ tiếp tục.
- Cậu biết không, hình như tớ không có hứng lắm.
- Cậu bay đến đây để làm quái gì nếu như tâm trạng thế kia? Ta đi thôi!
Bobby dùng đến đôi bàn tay rắn như kìm, và thế là tôi đầu hàng.
Tôi đã đầu hàng từ lâu rồi. Chẳng qua bày kịch, làm điệu làm bộ thế thôi. Ôi, một chàng trai Mỹ trung thực!
o O o
Tôi rủa mình, nhưng ngoan ngoãn đi theo Bobby. Chúng tôi đi thang máy xuống tiền sảnh. Qua nhà kính có bể cá và lọt vào một bể bơi lớn. Người ta dành cho chúng tôi một phòng thay đổi. Chúng tôi cởi quần áo ra, mặc quần bơi vào sau khi đã dứt bỏ dấu niêm phong đi.
Tôi theo Bobby ra bậc thềm đá.
Ánh sa mạc, ánh bầu trời xanh vòi vọi, ánh bể bơi sơn màu xanh, ánh của những cái ô sặc sỡ cầu vồng, của ghế tựa ngả, của quần áo tắm, của những mái đầu phụ nữ nhiều màu, của phao bơi và các đệm hơi làm chói cả mắt. Tôi nheo mắt lại, trong lòng bực tức với chính mình, nhưng vẫn nhìn. Không, không phải nhìn, mà là hau háu dõi mắt vào đám đông sặc sỡ những người đang phơi nắng và bổ nhào xuống nước kia. Các cô bé có đến hay không?
Tôi đang tìm tật xấu của mình, sự hèn kém của mình. Tôi biết nó mà vẫn tìm. Thật là đồ đê tiện! Mới hôm qua tôi còn tự hào với bản thân!
- Hello! Các hoàng tử! Chúng tôi ở đây! - giọng con gái vang đến chỗ chúng tôi, chất giọng bình thường, thậm chí còn chưa mất cái mà người ta gọi là sự chân thành. Một người chị, người em, một người vợ, một đồng chí tốt bụng và đáng yêu cũng có thể ới gọi chúng tôi như vậy. Khỉ tườu thật.
Bên mép bể bơi, ở chỗ nóng nhất, các cô bạn gái đang nửa nằm nửa ngồi. Cô trăng trắng lấy khăn vẫy chúng tôi và mỉm cười, cũng như lúc ở quán báo, hơi ranh mãnh, hơi e lệ, hơi khiêu khích.
Tôi với Bobby đẩy ghế tựa ngả lại chỗ các cô gái và thả người xuống.
- Cô-ca cô-la? Nước cam? Hay thứ gì ra trò hơn? - Bobby hỏi, rồi không đợi trả lời, anh ta búng tay.
Lập tức như từ dưới đất hiện lên, một cậu bé trong bộ trang phục trắng lóa và với mục kính đen trên cái mũi tàn hương. Cậu bé đặt cái tủ lạnh con con chứa đầy chai trước chúng tôi.
- S'il vous plait, madame! - Bobby cất giọng mũi. Không hiểu vì cớ gì mà anh ta lại quyết rằng đã đến cái giây phút phải dùng đến ngoại ngữ. Tôi đã nhận thấy sở đoản này của tất cả các anh chàng tầm thường và thích chơi bời.
- Merci, hưởng ứng ngay giọng điệu của Bobby, cô trăng trắng cũng đáp lại bằng tiếng Pháp, - Các anh chu đáo quá.
Cô ngăm ngăm không nói gì, sắc đỏ hồng nổi lên từng đám dồn dập trên đôi má êm dịu của cô.
Sắc đỏ xấu hổ trên má một con đĩ! Đã từng thấy bao giờ chưa? Mắt với chả mũi! Chúng mày nhìn đi đâu thế, nhìn cái gì thế hở cặp mắt kia? Chúng mày hoang tưởng ra cái gì thế?
Bobby đã cạn vốn từ tiếng Pháp và chuyển sang tiếng mẹ đẻ.
- Hôm nay đến Las Vegas cũng hơi nực! Các quý nương đã ở đấy lâu chưa, hở các công chúa?
Cô ngăm ngăm nhìn sang cô trăng trắng như thể nhường cho bạn quyền trả lời cho cả hai. Cô kia sử dụng quyền ấy luôn:
- Chúng tôi mới đến hôm qua.
- Các cô đi rong ruổi hay là còn nán lại lâu?
- Gì cơ?
- Tôi nói là các cô có định thăm thú Las Vegas ít nhiều không?
- Chúng tôi còn chưa định.
- Hiểu rồi. Các cô lưu lại ở đâu?
Cô ngăm ngăm hất đầu về phía khách sạn sở hữu của Bobby.
- Ở khách sạn của tôi? Rất hân hạnh. Ở tầng nào? Ở số nào?
- Luých-xơ bê mười bốn.
- Ái chà! Chim non loại sang! Các cô đã trả trước một tuần hay chỉ một ngày?
- Chúng tôi còn chưa trả gì hết.
- Hiểu rồi. Còn đợi thức ăn mang đến dưới chân. Thế nhỡ trượt thì sao, hả?
Ăn với chả nói! Tôi muốn mà không thể ngăn được Bobby.
- Thưa các mệnh phụ, lệnh phải tôn xưng các quý bà thế nào?
- Các ông muốn tôn xưng thế nào thì tùy.
- Laura! Hợp không?
- Được, cứ gọi là Laura.
- Còn quý cô, bồ câu nhỏ ơi, chọn cái tên nào bây giờ? Mariana có vừa ý quý cô không?
Cô ngăm ngăm, được gọi là Mariana, không nói gì cả. Khuôn mặt đỏ lựng. Chỉ có mũi trắng ra. Cái mũi thon thanh tú, trác tuyệt cổ đại. Cô ta xinh biết nhường nào! Sao lại chưa kịp phung phí hết vẻ đẹp của mình với cái cuộc đời như thế? Sao cô ta lại dẫm chân trên con đường ấy? Nghèo túng? Chẳng giống chút nào. Quần áo tắm của cô thuộc loại đắc tiền nhất. Trên cổ có đeo ngọc thật. Nhẫn vàng có ngọc đá trên ngón tay. Bộ tóc được sửa sang bởi bàn tay thợ lành nghề. Dép cô ta chỉ có thể mua ở Đại lộ số Năm mà thôi. Có phải cô ta chỉ là kẻ như tôi vẫn nghĩ không? Có thể, đây không phải là một ả giang hồ chuyên nghiệp, mà chỉ là một kẻ ham thích phiêu lưu kỳ dị, một cô bé rửng mỡ của một gia đình giàu nứt đố đổ vách nào đó? Nghe đồn nhiều về Las Vegas để mà nhào tới đây cho biết cuộc sống tội lỗi.
- Vậy là, tên Mariana không làm quý cô hài lòng? Thôi được, ta sẽ chọn cái tên khác. Cristina! Greta! Lilian! Cô chọn đi!
- Tên tôi là Barbara.
Giọng cô ta êm và mạnh. Lần đầu tiên kể từ lúc tôi gặp cô ta, cô ta mới cất tiếng. Bobby chăm chú nhìn Barbara. Kèm với cái tên của cô gái tóc đen, da ngăm ngăm này, anh ta mới khám phá ra cả vẻ đẹp của cô ta.
- Cô chắc chắn rằng người ta gọi cô như thế chứ?
- Anh thật không đại lượng tí nào! - Cô trăng trắng chặn Bobby. - Có thẩm vấn cũng phải theo quy tắc chứ.
- Tôi có lỗi! Xin sám hối. Một nghìn lần xin lỗi. Các cô còn chưa tắm hôm nay hả? Hay là ta lặn một chút chứ?
- Không, chúng tôi sẽ sưởi nắng.
- Các cô ăn sáng chưa? Chúng tôi xin mời!
- Cám ơn, ăn sáng bây giờ hãy còn sớm đối với chúng tôi.
- Mười hai giờ vẫn còn sớm? Tôi hiểu! Các cô ăn sáng vào buổi trưa, ăn trưa vào nửa đêm, ăn tối vào tảng sáng. Chà, chúng tôi có thể thích ứng với thời gian biểu của các cô đấy. Tôi thiết nghĩ các cô có thể uống vào bất cứ thời gian nào ngày và đêm chứ?
Bây giờ thì ngay đến cô trăng trắng vốn nhanh mồm, nhanh miệng cũng không biết nói gì. Cô ta im lặng.
Barbara, cái cô muốn mình là Barbara, bồn chồn mân mê dây ngọc đen, những ngón tay thanh mảnh và dịu dàng, rồi cô cắn môi. Sao vậy? Sợ bị cười? Hay là cô không thích thái độ lả lơi của Bobby? Chờ đợi sự tán tỉnh thực thụ?
- Nào, các bé ngoan, ta đã chuyện phiếm, đã líu lo thế đủ rồi. Bây giờ bắt tay vào việc nhé. Các cô giá bao nhiêu?
Bobby cất lên những tiếng này bằng nửa gam giọng ôn hòa và hách dịch. Ấy vậy mà Barbara vẫn thụt né khỏi anh ta y như thể Bobby đang giương nắm đấm ra trước cô.
Bobby không hề nhận thấy điều đó. Giọng rành mạch, mắt nhìn thẳng vào mặt các cô, anh ta nói:
- Các bé ngoan, tôi thuê các bé cho suốt cả ngày hôm nay. Đến nửa đêm. Kiểu đặt giá sở tại chắc không hợp với các cô. Vậy thì có những điều kiện gì? Bao nhiêu?
- Bao nhiêu, chừng nào còn chưa tiếc! - Cô trăng trắng nói một hơi. - Và cô ta, cái cô hay nói ấy, hình như cũng phải khó khăn mới bật ra được những lời này. Cô ta bối rối và nhìn ra chung quanh: có ai nghe thấy chăng?
Số người đang phơi nắng và đang tắm chẳng có ai để ý đến chúng tôi. Họ rú lên vì thích thú, họ cười, té nước nhau, họ ném những đệm hơi, phao bơi vào nhau.
Bobby Scott nghĩ ngợi giây lát, nhẩm ước cái gì đó, tính toán trong đầu rồi nói băm một nhát - cứng rắn, dứt khoát:
- Một trăm đôla.
- Trong một giờ? - Laura hỏi rụt rè, không chắc chắn. Sự nhanh nhẫu của cô ta bay biến đi đâu mất như chưa từng có nó.
- A ha! - Bobby phẫn nộ một cách vui vẻ. - Một trăm đôla một ngày, các quý bà ạ. Ở đây không đặt đến cái giá ấy, nhưng đối với các quý bà… thì có lưu ý đến…
- Không lẽ chúng tôi lại không cao giá hơn?
Các cô đổi vai cho nhau. Laura im, còn Barbara thì nói:
- Hãy nhìn chúng tôi cho kỹ!
- Các bé ơi, tớ đã kịp xem kỹ các bé từ lúc còn ở quán báo kìa. Một trăm đôla là hời đấy. Loại hàng này ở Las Vegas thì thừa vô khối.
- Ở Las Vegas của các ông không có loại hàng này. Chúng tôi có thể được chọn gửi đi thi hoa hậu ấy chứ. Một nghìn đôla - không kém một xu!
Bobby lắc đầu:
- Quá lắm! Một trăm đôla. Không hơn một xu!
- Hai nghìn. Mười nghìn! - Barbara làm một thôi. Cặp mắt xinh xắn của cô chất chứa đầy phẫn nộ.
- Ấy, ấy, các tiểu thư, coi chừng đấy! - Bobby lấy tay che mặt như thể chờ cú đánh. - Các cô nói chuyện quả là thiếu lễ độ với các hiệp sĩ của mình. Định sắm vai một món đắc tiền? Cái trò ấy không qua được mắt chúng tôi đâu. Chúng tôi ở đây đã thạo rồi. Chúng tôi biết cái giá thật của các cô.
Anh ta quay ngoắt đi, vươn dài tay và chân ra, vênh mặt về hướng mặt trời, nheo mắt lại, ra bộ cho các nàng hiểu là anh ta đã mất hết thích thú ở nơi các cô.
Tôi nhìn Barbara không rời mắt và lại càng không hiểu chuyện gì đã đến với tôi. Tôi luôn khinh bỉ những người đàn bà như thế, nhưng Barbara làm tôi thích. Tôi nhận thức được rằng cô ta đốn đời, vậy mà không tìm được trên mặt cô ta một dấu vết hư hỏng nào.
Cái đẹp đôi khi nguy hiểm cho tâm hồn. Nó cho người phụ nữ cái ưu thế tạm thời và giả dối trước những người khác, làm quên đi cái nội tâm. Một người phụ nữ đẹp thì rất hay ngạo mạn, quá yêu bản thân, ích kỷ, kiêu kỳ, lười biếng, không ham học hỏi, vênh váo hết mức. Một cô gái đẹp thường cho mình phải được sung mãn suốt đời, quên rằng cái thời xuân sắc đâu phải là vĩnh cữu. Chung quanh các người đẹp tụ tập những kẻ sành sỏi, có chức quyền, các hiệp sĩ tiền bạc, nên thật khó mà đứng vững được. Ở Hollywood cứ dần dần các diễn viên kháu khỉnh đều được bọn nhà giàu bao. Và cái cô Barbara này trước khi lọt vào Las Vegas nơi đây hẳn đã trải qua tấn thảm kịch của một cô gái nghèo và đẹp.
- Ơ kìa, sao anh lại im lặng thế? - Barbara hỏi, trong cái nhìn của cô ta không có sự giận dữ, cũng không có sự khinh bỉ hay trơ trẽn. Giá như tôi không biết Barbara làm nghề gì thì hẳn tôi đã nói cô ta có cái nhìn dịu dàng e thẹn. - Anh không đồng ý với anh bạn của anh chứ? Anh đánh giá chúng tôi cao hơn, thật không nào?
- Cô không có giá, - tôi nói vẫn bằng cái giọng mỉa mai lúc trước. - Đây là cái sự thật của tôi.
Cô ta loại trừ sự mỉa mai. Những lời nói của tôi, cô cảm thấy không phải là sự đùa cợt, mà là hết sức chân thật.
- Tôi đã đoán được sự thật của anh, - nhìn tôi một cách nghiêm túc và hàm ơn, cô ta nói.
Cậu bé mặt đồng phục xuất hiện và lễ độ báo cáo:
- Cô Joan Crock, có điện Luân đôn gọi.
Cái cô gọi mình là Laura bật dậy, ranh mãnh nhìn tôi với Bobby và chạy vào phòng điện thoại. Bobby mất vài giây lúng túng nhìn theo cô ta.
- Joan Crock?… Tớ có nhớ ra!… Ở Anh có một ký giả với cái tên như vậy. Cộng tác viên của tạp chí "Thế giới phụ nữ". Mệnh phụ! Đấy, lý do tại sao cô ta nói một thứ tiếng Anh trác tuyệt như vậy.
Anh ta vỗ trán cười:
- Chúng mình bị hố rồi, Serge. Ta xuống nước đi khi các mệnh phụ này còn chưa cho chúng mình ăn tát.
Anh ta nhảy xuống bể bơi, còn tôi vẫn ngồi trên ghế. Tôi không thể đi. Không muốn. Tôi ngồi im. Cái cô nhận mình là Barbara cũng im lặng. Tôi hỏi:
- Chị người Anh?
- Chính hiệu đấy.
- Tên chị là gì?
- Barbara. Barbara Smith. Thật đấy. Giáo viên dạy hát. Tôi đi du lịch ở nước các anh bằng tiền người khác. Tôi được giải thưởng một cuộc thi.
Nụ cười bối rối càng làm cho khuôn mặt cô tuyệt vời hơn.
- Barbara Smith!… "Hoa hậu Đại Britain"[8]! Thế ra là chị đấy! Tôi có thấy ảnh chị trên báo. Thật không thể nhận ra được chị. Joan là bạn chị?
- Không, bạn làm ăn thôi. Ký giả đấy. Chị ấy làm ở một tạp chí mốt của Luân đôn. Chị ta sẽ mô tả "những cuộc phiêu lưu" của tôi. Chính là chị ấy xui tôi bẫy các anh. Chị ta muốn biết xem ở Las Vegas người ta đánh giá "Hoa hậu Đại Britain" ra sao. Đừng giận chị ấy. Đấy là món bánh mì không thể thiếu được của chị ấy.
- Tôi hàm ơn người đồng hành Joan của chị! Xin cho cái tên ấy sáng danh nơi nước Chúa! Nó sẽ luôn ngời rạng bên cạnh tên chị.
- Chắc anh là nhà thơ?
- Không. Tôi là chủ bút một tờ báo. Tôi có viết một vài cuốn tiểu sử. Họ tôi là Brooks.
- Serge Brooks? Anh là tác giả cuốn "Thời thơ ấu và thanh niên của nhà tỷ phú Hatter"?
- Vâng. Bên Anh chị sống ở đâu?
- Ở Stradford - trên sông Eve, cái thành phố nổi tiếng của Shakespeare, gần nhà thờ chỗ Shakespeare được rữa tội và chỗ có mộ ông ấy đấy.
- Năm kia tôi có ở đó. Tôi đã thấy quyển sổ của nhà thờ có đăng ký khai sinh cho William Shakespeare. Tôi đã sờ vào nó.
- Cả tôi nữa, - nói xong câu đó, cô ta nhìn ngón tay mình như thể hy vọng thấy trên đó phấn hương của lớp giấy vàng và giòn lâu đã bốn trăm năm.
- Tại sao tôi lại không gặp chị ở đấy nhỉ? - bất ngờ ngay cả với chính mình, tôi nói. Trong lời lẽ của tôi không còn dấu vết gì của sự mỉa mai trước đó.
- May là chúng ta đã không gặp nhau. Năm kia tôi còn xấu xí lắm, gầy này, ngẳng này, mũi thì lớn lên thế này.
- Không đúng. Chị lúc nào cũng như bây giờ.
- Thật đấy! Tôi sẽ cho anh xem những tấm ảnh hồi đó. Thế anh sinh ở đâu?
- Ở Washington.
- Bây giờ anh vẫn sống ở đó?
- Tôi không cố định nơi nào. Tôi sống khi thì ở Washington, khi thì ở Dallas, khi thì ở Niagara Fall, khi thì ở Riviera thuộc Pháp, khi thì trên miền núi non Mehico, khi thì trên quần đảo California.
- Cũng không đến nỗi. Nhưng sao lại thế? Công việc của anh như vậy à?
- Vâng. Ngoài tòa soạn ra, tôi còn làm việc ở chỗ Hatter.
- Ở chính chỗ Hatter? Ông ấy như thế nào? Tại sao ông ấy không thích chụp ảnh? Sao không thích phát biểu trên vô tuyến truyền hình?
- Ông ta ghét ánh nhấp nháy của đèn phóng viên. Cô có gia đình chứ, Barbara?
- Ồ, dĩ nhiên! Mẹ tôi bán bưu ảnh và sách hướng dẫn tham quan ở Nhà bảo tàng lưu niệm Shakespeare. Cha tôi lái xe buýt. Chị tôi nuôi thiên nga ở các hồ. Anh còn nhớ chứ? Chính các hồ bên nhà hát lưu niệm Shakespeare ấy mà! Em gái là học sinh. Hai em trai đang học.
- Thế thôi à?
- Tôi còn anh chị, em con chú con bác, thím dì, chú bác. Thế là hết đấy. Hôm qua tôi vừa nói chuyện với mẹ tôi bằng điện thoại. Mẹ tôi nhớ tôi lắm. Bà đang lo không biết tôi sống ở Mỹ ra sao.
- Chị có những kế hoạch gì cho tương lai? - Tôi hỏi bằng giọng phóng viên để giấu sự hồi hộp của mình, mối quan tâm sâu sắc của mình vào số phận cô gái kiều diễm này.
- Tôi đi xem đất nước các anh một chút, rồi quay về nhà và lại tiếp tục làm việc ở trường.
- Thế chị cho rằng mình sẽ thực hiện được?
- Sao lại không nhỉ? Chả lẽ lại khó nhọc đến thế?
- Có lẽ với một người bình thường thì không khó, còn chị "hoa hậu Đại Britain"… Các hãng quảng cáo sẽ mua chị và bắt chị phải đung đẩy khắp mọi nơi cho những mục đích của họ. Với tất cả những người đoạt giải các cuộc thi sắc đẹp đều như vậy cả.
- Người ta đã đề nghị tôi ký đến hàng tá hợp đồng, nhưng tôi đều từ chối. Cũng chẳng khó khăn gì lắm.
- Cừ thật! Ở nước chúng tôi chẳng bới đâu ra được một người dám từ chối những hợp đồng như vậy.
- Nhưng tôi có phải công dân nước anh đâu, tôi ở một thế giới khác…
Tôi chỉ muốn ôm chầm hôn lấy cô vì những lời lẽ như vậy.
- Anh biết hết cả về tôi rồi đấy nhé, mà tôi thì chẳng biết tí gì về anh cả. Anh kể đi, sao anh lại viết "Thời thơ ấu và thanh niên của nhà tỉ phú tương lai"?
- Đấy là cái chuyện đã lâu lắm rồi. Tôi không muốn bới lại quá khứ.
- Anh hổ thẹn với nó hay sao?
Tôi im. Tôi phải khó khăn lắm mới kìm lại không nói "Vâng, tôi hổ thẹn". Cô gái này tác động vào tôi một cách lạ kỳ. Tôi thèm được cư xử với cô giản dị, thân ái như cô nhường ấy. Còn lạ kỳ hơn nữa là tôi thích người đẹp đoạt giải này. Trước kia tôi có hay để mắt đến họ đâu. Tôi đánh giá cao cái vẫn thường được gọi là có duyên ở người phụ nữ.
- Vừa vặn dạo này tôi đang đọc văn của anh. - Barbara kéo phéc-mơ-tuya mở cái túi xách đi tắm ra và lôi ra một cuốn sách khổ nhỏ dày cộm bìa màu rực rỡ và nhìn nó mà tôi tưởng chừng như có sự kinh tởm. - Lạ thật, anh lại là tác giả cuốn sách này. Tôi cứ nghĩ là anh hoàn toàn khác cơ.
- Thế chị hình dung tôi ra làm sao?
- Có râu này. Ngạo mạn này. No đủ này. Quan cách này.
Joan Crock chui ra khỏi trạm điện thoại và đi lại phía chúng tôi. Tội nghiệp Joan! Giờ tôi ghét cô ta thế. Chỉ vì cô ta cản trở câu chuyện đang có nhiều hứa hẹn như thế này. Barbara bắt được cái nhìn của tôi và hiểu ngay lập tức cái trạng thái tâm hồn tôi.
- Nào ta đi đâu khỏi nơi này đi. Tôi đã chán người kèm cặp rồi.
- Chị muốn xem thảo nguyên chứ?
- Một ý nghĩ tuyệt. - Barbara ôm lấy cô bạn gái đang tiến lại phía chúng tôi. - Joan này, mình đi xem thảo nguyên với vị này nhé.
Cô kia bực mình cắn môi. Cô châm thuốc hút. Và điềm nhiên nhìn tôi từ đầu đến chân.
- Ái chà chà! Tôi có nghe. Tôi đã đọc sách anh rồi. Vậy là không phải chúng tôi lừa được các anh, mà các anh lừa được chúng tôi. Có sao đâu, bài phóng sự của tôi về Las Vegas sẽ lại càng hay. Có phần tham dự của anh, nếu anh không phản đối.
Tôi nóng ruột đợi cho cô nàng người Anh sôi nổi này mất hứng thú ở tôi, còn Barbara thì chóng mặc xong quần áo. Tôi cũng nhì nhằng đế chuyện.
Barbara từ ngăn buồng nhẩy bổ ra trong bộ áo dài trắng, giầy trắng, với bông hoa hồng trắng gài trên mái tóc sẫm màu.
- Tôi xong rồi đây này! Ồ, sao anh không mặc quần áo vào, anh Serge?
Tôi chạy vào ngăn buồng, quàng ngay lên người cái quần bò và chiếc áo sơmi cộc tay ô kẻ to.
- Tớ đi tí nhé, Bob! - tôi vẫy tay cho anh bạn còn đang ngơ ngác trong bể bơi.
- Cậu đi đâu đấy, Serge? - anh ta gào lên.
- Tớ đi chơi một chút với cô Barbara trên chiếc mustang, nếu cậu không phản đối.
- Thế còn tớ?
- Không chết đâu mà sợ. Cậu cứ ở nhà. Khỏe nhé.
- Đừng buồn, Joan ơi - đến lượt Barbara tạm biệt bạn gái. - Mình sẽ về vào lúc bảy giờ. Đừng có ăn tối khi tớ chưa về đấy nhé.
Tôi cảm thấy chĩa vào lưng mình là cái nhìn không chỉ của Bob và Joan, mà còn của tất cả những người có mặt ở bể bơi, của các du khách và của nhân viên phục vụ. Tôi cũng phải ghen tỵ với chính mình khi bước sóng đôi với cô gái ấy.
Tôi tìm cái xe thuê đã được lau rửa sạch sẽ trong ga-ra của khách sạn, cho nó bon ra sân bê-tông và mở toang cánh cửa trước bên tay phải.
- Xin mời!
- Ờ không, anh ngồi đây, để tôi lái cho. Tôi cũng có bằng lái mang theo đây, đừng ngại. Mà tôi cũng không lạc được đâu, Las Vegas chỉ có mỗi một phố trung tâm thôi mà.
Barbara lái xe rất thạo. Con đường và tay lái chẳng hề ảnh hưởng đến cô hay đến tôi. Tôi chẳng nhìn sang hai bên mà chỉ nhìn cô.
Đầu cô choàng một tấm khăn trắng để gió khỏi làm bay tóc.
Chỉ vừa ra khỏi thành phố là chúng tôi lại tiếp tục câu chuyện bị gián đoạn.
- Tôi nhìn chị mà ngạc nhiên, - tôi nói. - Một cô gái khiêm nhường quê ở cái xứ Stradford trên sông Eve hẻo lánh tĩnh lặng ấy, con gái một tài xế xe buýt, là giáo viên dạy hát mà lại băm bổ lao vào vực xoáy điên cuồng của cuộc thi sắc đẹp!
Barbara cười.
- Tôi chẳng nghĩ đến mà cũng không ngờ lại lọt vào đấy. Mọi sự diễn ra bất ngờ quá.
- Phải có sự can đảm trần ai và lòng dũng cảm lớn lao mới dám vượt qua bao nỗi gian truân của cuộc thi ấy.
- Anh muốn nói là phải mất hết sự ngượng ngùng và lương tâm chứ gì. Phải, có đấy. Lần đầu tiên, khi người ta đẩy tôi ra sân thi, dưới ánh đèn pha và các ống kính vô tuyến, dưới cái nhìn của một tá giám khảo và chuyên viên, tôi gần như rát mặt vì ngượng và sợ. Khó khăn lắm mới đứng vững được. Chỉ muốn độn thổ cho xong. Lần thứ hai đã bớt khổ hơn. Đến lần thứ ba thì bớt nữa, rồi sau quen đi. Khi qua hết mọi vòng, mọi giai đoạn của cuộc thi, tôi đã thấy ra, thấy…
- Vậy mà chị vẫn giữ nguyên bản sắc.
- Đâu có! Thay đổi dễ sợ đi ấy. Già đi đến mưới tuổi.
- Không! Chỉ khôn ngoan ra thôi. Và lại càng có duyên hơn.
Cô bật cười:
- Anh đâu biết hồi xưa em thế nào đâu.
- Thế à? Chả có lẽ. Anh có cảm giác như biết em từ hồi còn bé ấy. Chúng mình cùng rắc thức ăn cho thiên nga trên sông Eve mà. Em có nhớ không?
Cô lại càng cười thích thú hơn nữa. Bây giờ cô trông như trong suốt. Trong trắng ơi là trong trắng.
- Em nhớ! Em cũng có cảm giác là chúng mình biết nhau đến một trăm năm rồi. Tại sao thế nhỉ?
- Chắc là tại cả hai đứa đều có nghiên cứu kỹ cuốn cẩm nang nổi tiếng: "Làm thế nào để nhanh chóng kết được bạn".
Cô lại cười lần nữa. Có lẽ là không khi nào ngưng. Đúng vậy. Suốt lúc nhìn tôi, nói chuyện với tôi, cô cứ cười.
Cơn bão hân hoan khôn tả, cơn bão ánh sáng chói lòa, cơn bão của lòng tự kỷ không biết suy xét, bình thường nhất, là lẽ tự nhiên của mỗi con người, trong đó có tôi - cái mong ước yêu và được yêu hết mình, - bỗng thình lình ập đến với tôi và cũng đột ngột như thế cứu giải tôi và đưa tôi đi xa nữa. Tôi ở lại trong đêm tối, trong gió lạnh, dối lòng với những ý nghĩ riêng. Tôi bỗng sực nhớ ra - xin thề là như thế, lần đầu tiên kể từ lúc gặp Barbara, - mình là ai và đang đặt trước bản thân một mục tiêu như thế nào… Những cơn si mê tuyệt vời kia không phải dành cho tôi. Sự căng thẳng nội tâm của nhiệm vụ hừng hực kia không thể chung sống với niềm hân hoan của tình yêu được.
Barbara lo lắng nhìn sang khuôn mặt tôi:
- Có chuyện gì thế, Serge? Anh đột ngột thay đổi lạ quá.
- Anh nghĩ ngợi đấy.
- Anh nghĩ điều gì?
- Nghĩ về tương lai của mình.
- Chả lẽ nó lại ảm đạm đến thế?
- Không, không ảm đạm đâu. Hoàn toàn không phải thế.
- Thế tại sao anh bỗng buồn lắm vậy?
Nói hay không nói? Có thể tin cậy cô được. Cô sẽ hiểu. Nhất định sẽ hiểu. Nhưng rồi sau đó thì sao? Cả hai cùng săn cái mảng đầu của ông Bạc-tỉ? Không, không nói được. Mà sao lại không được nhỉ? Không cần hé mở ra hết, nhưng ít nhiều thì có thể được. Chỉ cái phần quan hệ đến Barbara, đến những điều diễn ra giữa chúng tôi thôi. Và tôi nói:
- Anh gặp em làm chi nhỉ, Barbara? Mọi sự đều tốt đẹp, bình lặng khi chưa có em.
Tôi thấy hình như cô rùng mình. Cô không ngờ những lời ấy. Nhưng dù sao cũng gượng gạo cười:
- Ra thế đấy! Em ngây thơ thật, cứ tưởng anh sẽ sung sướng cơ chứ.
- Đúng là thế. Sung sướng suốt đời.
- Thế sao anh lại tiếc?
- Anh là anh chàng hiệp sĩ không tương lai.
- Thế là thế nào?
- Đúng nghĩa đen. Chuyện trò với em một chút, lâng lâng một chút, say mê một chút
- rồi là hết. Nào quay lại, anh chàng kia về vị trí xuất phát. Em có hiểu không? Anh không thể ham mê cho ra trò được. Nguy hiểm lắm lắm.
- Thế cho đến lúc này anh vẫn còn ghìm được những ham mê của mình?
- Trước kia thì chưa phải kìm, còn bây giờ…
- Thì sao?
- Không sao, anh giữ được.
- Anh nói điều ấy với em để làm gì, Serge?
- Để làm gì là thế nào? Anh là người trung thực và muốn dặn em trước, để em đừng… tự thả mình, đừng mất tự chủ.
Cô vuốt ve má tôi:
- Cám ơn anh. Anh cao thượng lắm, Serge.
Cô không tin là tôi nói nghiêm túc. Tất nhiên làm sao mà tin được sự thật ở trong mắt, trên mặt, trong giọng nói của tôi. Làm sao giấu được cô.
Gió nóng sa mạc rú rít thổi vòng theo kính chắn gió. Dải bê-tông thênh thang chạy vùn vụt dưới bánh xe. Những motel và các trạm tiếp xăng cứ hiện ra loang loáng. Dòng ô-tô ngược chiều không lúc nào cạn. Chúng tôi nhìn thấy và không nhìn thấy tất cả mọi cái đó. Đang bận với công việc quan trọng hơn: chúng tôi đang cố nhìn thấu vào tâm hồn của nhau.
Barbara không thôi cười. Mắt không rời con đường, tay không rời vô-lăng, cô nói:
- Lần đầu tiên kể từ khi trở thành "hoa hậu Đại Britain", em mới nói chuyện với một người đàn ông lạ lùng như anh. Không tầm thường. Không cố cái. Không tán tỉnh. Chẳng hứa hẹn gì cả. Cũng chẳng hy vọng vào cái gì cả. Lại dặn trước là đừng có trông chờ gì ở anh. Một người bình thường. Anh từ đâu chui ra trên đất Mỹ này vậy?
Tôi không trả lời gì vào câu hỏi. Tôi thở dài nói:
- Người nào lấy em lúc nào cũng sẽ thấy dễ chịu, tin cậy, thư thái.
- Thế còn em với người ấy?
- Em thì với bất kỳ người chồng nào cũng sẽ dễ chịu cả.
- Kể cả người chồng tồi?
- Người tồi khi đã yêu em cũng sẽ thành tốt ngay.
- Sự kỳ diệu ấy chắc chẳng có đâu.
- Em có khả năng làm nên những điều kỳ diệu. Anh ghen với người chồng tương lai của em.
- Anh ghen làm gì, khi mà chính anh… chính anh có thể trở thành người ấy.
Cô nói rồi phá lên cười, biến câu nói thành sự bông đùa. Chắc có lẽ cả đời cô chưa bao giờ cười đến được bấy nhiêu như lúc này.
Rồi một gợn phân vân cộm lên trong tôi. Sao lại đẩy khỏi mình một đóa hoa kiều diễm thế kia? Cái mảng đầu của Hatter có đáng để đánh đổi như thế không?
Cô vẫn tiếp tục tra tôi:
- Không có lẽ anh lại không muốn? Không có lẽ dây cương không cho phép?
Cô cười, nhưng thấu qua tiếng cười tôi cảm thấy một sự ngạc nhiên, một nỗi lo lắng, lòng tự ái bị tổn thương và sự bực dọc.
Chiếc mustang vẫn lao đi trên đường cái bê-tông cắt qua thảo nguyên. Lốp xe kêu xào xạo. Mùi dầu xăng nóng bốc sặc lên. Kính chắn gió mỗi lúc một phủ đặc giống muỗi tép bị nát thân. Mặt trời hun ở sau gáy. Bóng râm dài ra trên đất.
- Này, Serge, sao anh lặng thinh thế? Đã đời thuở nào có chuyện như thế chưa, chính "hoa hậu Đại Britain" chìa tay và tấm lòng cho anh, mà anh lại do dự.
Tôi không cười, không bông lơn tí gì mà nghiêm túc nói:
- Không, Barbara ạ, chuyện ấy không thể được. Anh không có chút quyền nào đối với em, cho dù thực tình em có đồng ý làm vợ anh đi nữa.
- Nhưng tại sao vậy? Anh có vợ rồi?
- Không.
- Anh đã hứa hôn? Anh không thể phá bỏ lời hứa?
- Không.
- Hiểu rồi! Anh muốn đợi, muốn thẩm tra chứ gì…
- Không, Barbara ạ, vấn đề không nằm ở chỗ đó.
Tôi tìm kiếm một hình thức thú nhận tiện lợi, an toàn, nói đúng hơn là hình thức nửa thú nhận. Mất một lúc lâu mà cũng chẳng nghĩ được ra cái gì. Tôi nói ra cái điều này trong đầu vào khoảnh khắc cuối:
- Anh không phải là người sống trên thế giới này, Barbara ạ.
- Anh ốm đau?
- Không, anh không ốm đau. Anh bị kết án. Rồi đến một ngày kia, kẻ thù của anh sẽ thanh trừng anh. Điều ấy có thể diễn ra sau ba năm nữa, sau một năm, hoặc một tháng nữa, hoặc ngày mai, hoặc hôm nay. Anh không muốn cho vợ anh sớm bị góa bụi.
Cô im lặng và nghiêm nghị nhìn tôi. Cô đã tin. Từng lời nói đã thấm vào cô. Tôi bỗng thấy nhẹ nhàng thanh thản quá. Tôi đã nói hết, không giấu điều gì.
Barbara khẽ phanh lại. Cô cho xe lượn vào bên lề đường và dừng lại. Nắm lấy tay tôi không rời, cô nhìn vào mắt tôi:
- Em yêu anh. Em đồng ý làm vợ anh, cho dù anh chỉ sống có một năm, một tháng nữa. Nhưng chẳng có điều gì không hay xảy đến với anh đâu. Không thể xảy ra được.
Cô làm gì với tôi vậy! Thôi, thế là đời tôi đã được định đoạt.
- Rốt cuộc Las Vegas đã làm trọn bổn phận của nó.
Thế mà anh cứ chửi nó hoài. Quay xe về thành phố đi, Barbara, ta còn kịp cưới nhau mà.
Cô mỉm cười:
- Không. Serge ơi, em không thể lấy chồng qua mặt cha mẹ được.
- Hay chưa nhỉ!… Chúng mình sẽ đánh điện báo cho cha mẹ biết, xin lời tán thành.
- Không như thế được. Bố, mẹ, anh chị em của em phải gặp mặt anh. Anh phải sang Anh mới được.
- Thì đi ngay ngày mai vậy.
o O o
Cái điều kỳ diệu đã xảy ra với tôi, một kẻ vốn không tin vào những điều kỳ diệu. Giá như hôm qua hay thậm chí sáng nay người ta đoán trước cho tôi là tôi sẽ tìm thấy hạnh phúc ở Las Vegas thì tôi chỉ phá lên cười mà thôi. Tình yêu ngay từ cái nhìn ban đầu là chuyện không tin được đối với những ai chưa từng nếm trải nó.
Cũng trong ngày hôm ấy, sau khi chào tạm biệt với Joan đang kinh ngạc và với Bob đang bàng hoàng, tôi cùng Barbara bay ngay chuyến đêm rời Las Vegas.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đã ở Dallas. Chiếc tắc- xi chở chúng tôi phóng trên thành phố còn vắng người về khách sạn "Seraton". Tôi thuê buồng, đưa chuyển va-ly lên tầng và đưa Barbara vào tiệm cà phê. Đêm mất ngủ và chuyến bay dài ảnh hưởng đến cả "hoa hậu Đại Britain". Mặt cô có thất sắc và hơi phờ phạc. Chúng tôi nắm tay nhau và thì thầm suốt đêm. Trước lúc rạng sáng mới lắng chuyện đi và ngủ mơ màng được một ít. Khi mở mắt ra là lại sung sướng mỉm cười với nhau.
Sau khi ăn sáng xong, tôi để Barbara ở lại khách sạn, còn mình thì sửa soạn đến gặp Hatter.
- Ông chủ của anh phải được biết chuyện đính hôn của chúng mình ngay lập tức, - tôi bảo Barbara.
- Tại sao lại phải? Lại còn ngay lập tức nữa?
- Lệ như thế. Anh không muốn vi phạm. Em nghỉ đi, anh về ngay mà.
- Em sẽ đi với anh.
- Không được đâu. Trong dinh thự của Hatter đàn bà không được lai vãng.
- Lạ thật. Sao lại thế?
- Một kẻ căm ghét vợ mà. Hồi trẻ hình như có bi kịch bi kiếc gì đó. Từ đó trở đi, ông ta không chịu được đàn bà.
- Nhưng em là… hôn thê của anh. Serge, đừng bỏ em một mình. Em van anh!
- Thôi được, chúng mình cùng đi. Nhưng em đừng bực, nếu như…
- Em chẳng làm hại ai cái gì cả. Mà không biết làm đâu. Em tốt lắm. - Cô mỉm cười.
Nói thế đấy. Với từng lời nói của mình cô làm tôi sửng sốt và sung sướng. Trời ơi, sao tôi may thế!
Chúng tôi gọi tắc-xi và phóng ra ngoại ô Dallas.
Phố nơi Hatter và đồng bọn ở đâm vào một công viên và không có đường đi xuyên. Người lạ không thể vào phố ấy được, người gác chỉ nâng thanh chắn đường trước những xe của chủ những vi-la ở đây. Chúng tôi rời tắc-xi ở trước thanh chắn đường và đi bộ độ hai trăm mét. Barbara tròn mắt, với vẻ tò mò nhưng không chút thèm ngắm nhìn những dinh thực đắt tiền bao quanh là những khóm hoa hồng, những bãi cỏ, những hồ, bể bơi, vòi phun nước, những sân chơi.
- Rõ ngay ra là những triệu phú sống ở đây.
- Không đơn thuần là những triệu phú đâu. Những đa triệu phú đấy. Có người đã ước tính là cái góc này của Dallas trị giá hơn 40 tỉ đấy.
- Úi chao!
Khi chúng tôi đi ngang qua cái vi la hồng, quấn bởi dây nho dại, bao bằng chấn song sắt, tôi nghe thấy giọng mũi rất quen, và cũng khá chói tai của Harry, thằng con trai đần độn của Hatter.
- Hê lô, Serge! Rẽ vào đây chơi nói chuyện tí nào.
Gã đứng phía bên kia chấn song kiểu đăng ten trong bộ soóc bằng vải phíp và sơ-mi cộc tay, cái búa chơi crô-kê trong tay. Chân gã khòng khòng, mập mạp, đầy lông đen. Cái bụng phưỡn ra dưới làn áo. Trên bộ mặt núng nính, ngu đần rõ rệt là nụ cười cũng ngu đần. Lời gọi của gã là nhằm vào tôi, nhưng gã có để ý gì đến tôi đâu. Cặp mắt đùng đục, sỗ sàng, trơ tráo chĩa vào Barbara. Nụ cười cũng là dành cho cô.
- Không thể được, Harry ạ. Tôi vội lắm. - Tôi nắm lấy tay Barbara đi gần như chạy.
- Sao có người khủng khiếp làm vậy! - Barbara kinh tởm ngoái lại. - Ai thế?
- Con trai cả của ông chủ anh đấy.
- Hắn làm sao thế, không bình thường hẳn?
- Một thằng đần tịt. Lão già không được may lắm.
- Thường về khoản ấy những người giàu có không hiểu sao thường hay không may.
Trong căn nhà tiếp theo vi-la hồng, màu trắng, sừng sững, có ba tầng, với vô số những hành lang kín và hở, những ban-công và tháp, ở gian "Hoa hồng vàng Texas" sang trọng là nơi Hatter sống. Người gác cửa không phải là mới, biết rõ tôi, nhưng cũng không vội mở toang cánh cửa giậu, cứ làm như không nhận ra. Tôi tự tay mở và cho Barbara vào trước. Người canh không dám cản chúng tôi. Nhưng anh ta không kìm được mà nói với tôi bằng giọng run run sợ hãi:
- Thưa ông, tôi bị mất việc mất…
- Đừng lo, Jim. Một mình tôi chịu trách nhiệm về cô gái này.
Trong nhà, người ta chào đón chúng tôi không cởi mở lắm. Gian tiền sảnh của dinh thự xôn xao cả lên khi chúng tôi xuất hiện. Người quản gia và đám đầy tớ hãi hùng giương mắt nhìn Barbara. Họ được lệnh nghiêm ngặt không cho phụ nữ vào đây, thậm chí cả những loại nổi tiếng và sexy như Liz Taylor [9]. Các minh tinh Hollywood được anh em Rockefeller, Paul Getty, những kẻ thừa kế của Mellon, các tai-cun Texas, California và Chicago sủng ái. Nhưng không một ai bước qua ngưỡng cửa lãnh địa của Hatter cả.
Tôi dẫn Barbara lên tầng hai, vào hậu phòng của Hatter. Vào phút chót ấy, tôi giật mình và đáng lẽ rẽ sang trái nơi có phòng ngủ và phòng làm việc thì tôi lại đi sang phía tay phải vào thư viện. Đặt Barbara ngồi vào ghế bành sâu đâu vào đấy rồi, tôi đưa cho cô một quyển tạp chí và để cô ngồi lại một mình.
Hatter ngồi cạnh lò sưởi quay lưng lại phía tôi và đang xem báo. Lão không quay lạ, chỉ hỏi:
- Có việc gì thế, Richard? Tôi có gọi anh đâu.
Richard là người hầu phòng của Hatter. Tôi tiến lại gần hơn và nói:
- Tôi đây, thưa ông Harold.
- Anh đấy à?! - Hatter kinh ngạc. - Ở đây à?! Anh phải ở Las Vegas kia chứ.
- Tôi đã ở đấy. Tôi đã làm hết mọi việc được giao.
Tôi đặt cuộn băng tí xíu vào cái máy ghi âm to chuyên dùng cho các loại băng vi cỡ, rồi ấn nút. Diễn từ hung hăng của Bobby Scott vang lên. Hatter ngồi yên nghe và gật đầu, thỉnh thoảng lại bảo dừng lại, quay ngược băng lại và lại bật.
- Giỏi! - lão nói, khi tôi đã trình xong chiến lợi phẩm của mình. - Anh làm tôi vui. Cám ơn.
Thế là tôi lợi dụng ngay tâm trạng phấn chấn của lão.
- Ông Harold, tôi từ Las Vegas bay đến đây không phải có một mình. Barbara cùng đi với tôi.
- Ai?!
- Barbara. Hôn thê của tôi.
- Hôn thê?! Từ Las Vegas à?!
- Cô ấy đang ngồi đợi tôi trong thư viện.
- Tôn ông ơi, vào buồng tắm mà dội cho lạnh cái đầu đi. Nó không thể ở trong nhà tôi được.
- Cô ấy ở đây, thưa ông Harold.
Lão chồm lên và lấy cạnh bàn tay chém vào không khí trước mặt tôi:
- Ai bảo anh lôi nó lên đây làm gì? Không ngủ với nhau ở trong khách sạn được ư?
- Ông không có quyền nói như vậy về hôn thê của tôi.
- Lũ đàn bà đều uế tạp cả. Tôi hỏi là anh với nó đến đây làm gì?
- Barbara sợ ở lại một mình. Tôi không thể chối từ được. Cô ấy mới mười chín. Cô ấy là "hoa hậu Đại Britain". Đoạt giải kỳ mới rồi. Con một gia đình nghèo, đông người.
- Thế anh định làm cho nó hạnh phúc?
- Cô ấy đã làm tôi hạnh phúc.
- Nó đã làm anh trở thành thằng ngốc, một ả như thế đáng để xem mặt đấy. Nào ta đi!
Hatter dừng lại bên ngưỡng cửa thư viện và im lặng nhìn Barbara. Vốn ốm đau, lão lúc này trông gớm guốc quá: bộ mặt đỏ như nung, mắt trông lờ mờ như món thịt đông và húp lên, mồm có môi to, cái áo choàng phanh ra, chiếc pi-gia-ma nhàu nát.
Lão ngắm nghía Barbara với vẻ tò mò khinh thị. Đáng lẽ phải đáp lại đúng như thế, thì Barbara lại khẽ nhún đầu gối chào duyên dáng.
- Chào lệnh bà! Bà là người Anh thực sự?
- Thực sự đấy, thưa ông. Họ hàng với Shakespeare. Tôi lúc nào cũng muốn nghĩ thế, - cô nói thêm và mỉm cười. - Những ý nghĩ tốt đẹp luôn giúp cho tôi sống ở đời.
- Những ý nghĩ thường hay có ở bà chứ?
- Gần như thường xuyên, thưa ông. Tôi thích nghĩ tốt về cuộc đời, về con người, về mọi thứ trên đời.
- Thế bây giờ bà đang có những ý nghĩ gì?
- Tôi đang nghĩ về ông, thưa ông. Ông đang ốm. Lại độc thân. Tôi muốn giúp đỡ cho ông.
Cô chìa tay ra một cách bất ngờ và cẩn thận chạm vào trán Hatter:
- Ông đang sốt. Ông nên đi nghỉ.
Vốn tự tin, kiêu ngạo, hay nổi khùng mà Hatter không nhúc nhích. Lão bị cấm khẩu. Trong mắt lão hiện rõ sự lúng túng và ý muốn phó mình cho lòng nhân từ của kẻ chiến thắng.
- Xin lỗi chị Barbara, - lão nói. - Hình như tên chị như thế thì phải. Thế mà tôi đã muốn đuổi chị ra.
- Tôi không mếch lòng đâu, thưa ông, ông nói đúng đấy. Chúng tôi gặp nhau ở cái thành phố như thế… Cha tôi khi biết tôi yêu đương như vậy ở nơi đấy thì cũng nổi giận ấy chứ.
- Kể cái sự thật bất lợi ấy ra làm gì? - Hatter cười khùng khục.
- Tôi không bao giờ nói dối. Trong gia đình tôi không chấp nhận điều đó.
- Thế gia đình chị đặc biệt ra làm sao?
- Bình thường thôi ạ.
Hatter im lặng, cắn đôi môi nhợt nhạt rồi nói:
- Thôi thế này nhé, chúc chị mọi sự tốt lành. Còn anh chàng này chắc là cần nghỉ phép? - Lão quay sang tôi.
- Vâng, không dưới một tháng ạ.
- Không được. Việc đại diện ở Nhà Trắng là nằm trên vai anh. Thế nào thì thế, anh phải đi cùng tổng thống đến Texas. Kennedy khởi hành ngày mười chín. Hôm nay mười lăm. Anh được tự do đến ngày mười tám. Không, đến mười bảy thôi. Quyền anh sử dụng suốt cả hai ngày.
Barbara bóp chặt tay tôi, và mỉm cười duyên dáng với Hatter:
- Xin cám ơn ông. - Rồi quay sang nhìn tôi, cô nói tiếp: - Vâng, hai ngày là rất nhiều rồi. Bốn mươi tám tiếng đồng hồ đấy nhé!
- Ăn nói có suy xét lắm, - Hatter gật cái đầu bạc. - Mà tôn ông này, anh định dùng bốn mươi tám tiếng ấy ở đâu vậy? Đi Niagara Fall đi. Nhà cửa và mọi thứ của tôi cho anh toàn quyền sử dụng.
Lão thốt ra điều ấy bằng một giọng làu bàu, gật đầu rồi đi ra.
Tôi và Barbara bổ đến trong vòng tay của nhau.
- Thấy chưa, em đã mê hoặc ông ta ngay từ cái nhìn đầu tiên, - tôi vừa nói vừa cười.
- Nếu như em muốn thành…
Tôi chưa kịp nói xong câu đùa dớ dẫn của mình thì Barbara đã ghì đôi môi cô vào môi tôi. Rồi thả ra và bật cười khe khẽ:
- Em muốn thành bà tỷ phú chỉ khi nào anh không yêu em nữa.
Lời nói cô rất chân thành, nhưng sao nó vẫn làm tôi chạnh lòng. Đàn ông chúng ta thế đấy. Chính mình nói nhảm nói nhí, mà cứ đòi hỏi người yêu phải khôn ngoan.
- Này, làm thế nào với lời mời đấy? - tôi hỏi - Ta đi nhé! Anh thích thác Niagara. Hy vọng là em cũng thích nó. Nhưng cái chính là em sẽ gặp mẹ anh.
- Thế nếu mẹ anh không thích em thì sao?
- Không đời nào lại thế.
- Cụ tên là gì nhỉ? Năm nay cụ bao nhiêu? Cụ làm gì?
- Mẹ anh già hơn em lần rưỡi, nhưng không ai bảo là đã bốn mươi. Cụ là nhà sư phạm. Người chồng đầu tiên là bố anh đã mất mười lăm năm trước. Cụ đi lấy người nữa mà anh không trọng. Có vậy thôi.
- Anh không trọng à? Thế thì, hay là giờ ta không đi đến đấy nữa. Ở lại Dallas được không?
- Ở Dallas cũng được. Với em thì ở đâu anh cũng thấy dễ chịu.
Thế là cuộc sống độc thân, chưa vợ của tôi đã chấm dứt. Một năm hay một tháng nữa tôi sẽ hạnh phúc? Mà cũng có thể sẽ may mắn cả đời. Cánh tay của Hatter, của Thợ Giày, của Công ty Bill dài lắm, nhưng nó cũng có thể không với tới tôi.
o O o
Bốn mươi tám tiếng đồng hồ tôi được toàn quyền sử dụng. Mà chúng tôi đã dùng nó phí phạm vô chừng. Đúng là yêu với đương! Không đâu vào đâu cả. Chả có tình yêu nào. Chỉ có mộng ảnh. Tự lừa dối! Thời gian vút qua rồi mất tăm. Tôi gặp nó rồi lại chia tay. Cũng có thể là mãi mãi.
Đấy là những điều tôi nghĩ, khi đứng trên sân nhà ga hàng không quốc tế Love Field và dõi mắt theo chiếc Boeing bay đi New York, rồi bay xa hơn nữa, qua đại dương.
Love Field! Love Field! Cõi tình yêu.
Chúng tôi hẹn nhau là tôi sẽ gọi điện cho Barbara hàng ngày. Sáng hôm sau tôi dậy sớm, vào trung tâm, ghé qua khách sạn Seraton, thuê gọi Stradfort - trên sông Eva. Theo tính toán của tôi thì Barbara đã về đến nhà. Phải, đã tới nhà rồi. Cô hét vào ống nói:
- Chào anh, Serge! Anh ở đằng ấy thế nào?
- Cho đến giờ vẫn chưa lại hồi. Anh vừa tin lại vừa không tin là đã gặp em. Lại còn nghi hoặc cả sự tồn tại của em nữa kia.
Cô cười, cũng giống như cái lúc ngồi trong xe, hồn nhiên, vui vẻ, nhẹ nhàng, sung sướng.
- Em bay ra sao, Barbara?
- Đâu vào đấy cả. Bố, mẹ, anh chị em trong nhà đều đã được giới thiệu gián tiếp về anh.
- Thế sao nào?
- Mọi người còn chưa hình dung được là em lại đi lấy anh chồng Mỹ Serge Brooks. Sao lại người Mỹ? Chả lẽ ở Anh lại ít người tốt hay sao? Không hề gì, rồi mọi người sẽ quen thôi. Nhất là khi nào gặp anh. Anh đến chong chóng vào nhé, Serge!
Đấy là tất cả những gì ít nhiều quan trọng mà chúng tôi trao đổi với nhau. Ngày mai tôi sẽ lại gọi nữa.
Từ khách sạn ra tôi đến thẳng dinh thự "Hoa hồng vàng". Tôi đến vào giờ thường lệ
- tám giờ. Hatter trông thấy tôi đâm ngạc nhiên.
- Tôi không đợi gặp anh hôm nay đấy, tôn ông! Cứ chắc mẩm rằng bốn mươi tám tiếng đồng hồ là quá ít đối với anh.
- Tạm thời thì đủ. Barbara bay về nhà rồi.
- Anh thả cô ta rồi à? Thế cũng gọi là đàn ông! Thế cũng gọi là dân Texas.
- Tôi không phải là dân Texas chính cống, nên tha thứ được.
- Có cách đến hàng dặm cũng rõ anh là dân Washington tai vểnh ngờ nghệch. Khi nào cô ấy quay lại với anh đấy?
- Tôi sẽ tự đến. Vào tháng Chạp, xin mạn phép ông. Dịp Noel ấy.
Hatter huýt sáo.
- Chà chà! Anh cứ nghĩ là một ả đẹp mã thế sẽ đợi anh ngần ấy ngày? Cô ta bây giờ đang là món hết sức được chuộng bên Anh. Không đứng vững nổi đâu. Tôn ông ơi, tôn ông đã để sổng mất "hoa hậu Đại Britain" rồi.
Tôi ngắm nhìn đôi tất sạch sẽ dưới giầy mình. Lặng thinh một cách lễ độ. Cứ để cho lão ba hoa một mình.
Lão đặt tay lên vai tôi:
- Đừng tuyệt vọng nhé. Anh rời cô ta ra là tốt đấy. Con đàn bà nào, nhất là lại đẹp nữa, - cũng là cái thòng lọng trên cổ một nhà kinh doanh. Cái con Barbara kháu khỉnh ấy dễ nghiền nát đường công danh của anh lắm. Tống nó ra khỏi đầu đi.
Lão đẩy tôi ra, đặt ngồi xuống ghế, còn chính lão thì ngồi vào cái ghế đối diện.
- Nào, ta sẽ làm gì đây?
- Tôi đã lâu không tới Nhà trắng. Hôm nay tôi muốn đi Washington.
- Phải, phải, đi đi. Cứ đại diện đi nhé. Sẳn sàng cho chuyến đi đấy nhé. Tôi sẽ đợi anh cùng với Nhà Trắng ở Dallas.
… Chuông điện thoại của Hatter kéo tôi đi khỏi giường vào lúc bảy giờ. Sớm hơn thường lệ một giờ. Chắc là có chuyện gì đó. Tôi mặc tạm quần áo, chạy lên tầng trên.
Hatter mặc áo choàng, đi giầy ấm, đầu chưa chải, mặt chưa rửa, ngồi cạnh máy thu thanh và lắng nghe cực kỳ chăm chú cái đứa con cưng của lão "Tiếng nói cuộc đời" đang loan tin. Một sự chăm chú lạ lùng. Phát thanh viên nói cái điều nằm ở cửa miệng mọi người từ lâu. Tôi ngạc nhiên nhìn Hatter. Lão gật đầu về phía tờ giấy nằm trên bàn trước mặt lão:
- Tin quan trọng đấy, tôn ông ạ. Tôi có ghi lại đây. Đọc đi! Mà thôi, để tôi đọc thì hơn… John Kennedy trong thời gian ở Chicago định xem một trận bóng đá, ở đó ông sẽ phải bị giết. Vào phút chót việc tổng thống đến xem bị bãi bỏ. Bọn thủ phạm đã bị bắt. Đang tiến hành điều tra.
Hatter vò tờ giấy, ném vào lò sưởi. Quay ngoắt lại, chĩa đôi mắt lờ đờ như băng vào tôi, đợi một cách đòi hỏi xem tôi phản ứng như thế nào với tin ấy. Thú thực, tôi bị chộp bất thình lình. Tôi im.
- Tôn ông lúng túng à? - Hatter cười khùng khục. Lão hài lòng với sự im lặng của tôi.
- Vâng, có lẽ quả là như vậy. Chicago!… Sao lại Chicago? Ở đó nói chung người ta cũng xử sự phải lẽ với tổng thống kia mà. Ở đó, ông ta có nhiều người ủng hộ lắm tiền cơ mà.
Hatter không rời mắt khỏi tôi.
- Ừ, cũng nhiều. Nhưng dù sao vẫn là Chicago!
- Bọn ám sát đã bị nhận dạng chưa?
Hatter khoát tay một cách khinh thị.
- Điều ấy chẳng có nghĩa lý gì. Chính bọn ám sát cũng không thể biết dù lờ mờ, là đích thị ai đã thuê bọn chúng. Con người bóp cò súng, nhưng đồng đôla là hung thủ. Bọn chúng là quân của ai nào? Tôn ông, thử đoán xem.
Có thể nói lão bị phấn khích một cách khác thường, khinh suất và băn khoăn vô cùng. Chà, tình huống đây! Lão im lặng và nhìn tôi một cách đòi hỏi, nhưng không giục. Lão thừa biết là tôi hiểu trạng thái của lão. Và biết rõ là tôi sẽ không dám vi phạm quy tắc không chính thức của trò chơi và sẽ không nói điều không được thốt thành lời khi có mặt lão.
- Nào?!
- Ông thấy đấy, ông Harold, nói liền ngay thì cũng khó.
- Anh cứ nói đi, khó cũng nói, đừng ngại.
- Tôi nghĩ là ở Chicago tiền bạc của Roger Blow đã làm nên việc.
Lão mỉm cười, chắc là câu trả lời của tôi đúng ý lão. Nhưng lão không chịu nhận điều ấy mà hỏi:
- Roger Blow? Ai thế? Có phải chính cái gã…
- Vâng, chính gã chủ tịch hãng độc quyền thép "U.S. Steel".
- Được. Sao anh lại nghĩ rằng đó chính là đôla của Roger Blow?
Lão biết cả, tuy thế vẫn cứ tiếp tục thử tôi. Lão muốn tôi nói ra cái điều mà chính lão nghĩ đến.
- Mùa xuân năm ngoái Roger Blow đến Washington, vào phòng Bầu dục và đặt lên bàn Kennedy một bản đánh máy. Đó là bị vong lục của vua thép. Một bị vong lục làm chấn động Nhà Trắng và cả nước. Roger Blow báo cho tổng thống hay là công ty đúc thép "U.S. Steel" của hắn nâng giá sản phẩm lên thêm sáu đôla một tấn. Kennedy phát khùng lên. Quyết định của Blow có nghĩa là chỉ nay mai giá tất cả các hàng công nghiệp và tiêu dùng trong nước sẽ tăng lên. Các nhà kinh doanh khác sẽ không chịu tụt lại sau Roger. Sẽ bùng lên những cuộc bãi công mới tại các nhà máy đúc thép. Tất cả những gì Kennedy và êkíp phải khó khăn lắm mới làm được sẽ sụp đổ. Chính sau cái bị vong lục ấy mà Kennedy nói với bạn bè của mình những lời được nhiều tờ báo in lại và trở nên nổi tiếng: "Bố tôi luôn nói với tôi là tất cả các nhà kinh doanh đều là lũ chó đẻ, nhưng cho đến giờ tôi vẫn không tin". Các vua thép đã trả đũa lại Nhà Trắng. Hàng trăm tờ báo trong những ngày này ra hàng chữ đậm:
"Kennedy chống lại kinh doanh".
"Kennedy phá hoại nền tảng thép của đất nước".
Khi ấy thì Kennedy chuyển từ lời nói sang việc làm. Ông ta ra lệnh cho các tướng Lầu Năm góc hủy bỏ các hợp đồng quân sự ký với các hãng đã tăng giá thép. Một đòn như vậy thì cả Blow lẫn đồng bọn không chịu nổi. Bọn họ phải giơ hai tay lên trời. Kennedy đã thắng. Một thắng lợi với gía đắt. Cho nên ở Chicago vừa rồi suýt phải trả bằng sinh mạng của mình.
Tôi nói cố ý lâu la, chậm rãi. Hatter không ngắt lời tôi tí nào. Lão lắng nghe, gật gù tán thưởng và nghĩ ngợi điều riêng gì đó. Khi tôi đã im, lão mới trầm ngâm, lặng lẽ nói như thể với chính mình:
- Có hỏng ăn cũng chả sao. Không thành ở Miami, ở Chicago thì sẽ thành ở Los Angeles, Washington hay Texas. Cốt yếu là cuộc săn lớn cái đồ ôn vật ấy đã bắt đầu. Hắn ta có thể bị giết ở nhiều chỗ, bởi những người khác nhau. Bất kỳ kẻ nào chống lại kinh doanh thì sẽ chuốc vạ vào thân.
Tôi thử khôn khéo phản đối Hatter:
- Theo tôi, thưa ông Harold, thì ông không công bằng đối với triệu phú Kennedy. Ông ta cũng là nhà kinh doanh như mọi người khác. Hơn nữa, ông ta là người bảo vệ nhiệt thành cho các nhà kinh doanh, cho những tư tưởng kinh doanh.
- Hắn chỉ bảo vệ nhiệt thành cho kinh doanh của bản thân hắn mà thôi, kinh doanh của cha hắn, của họ hàng thân thích, của bạn bè ở Boston, Chicago, Cliveland, New York. Hắn muốn biến tiền tôi kiếm ra thành tiền của hắn, thành tiền của Ford, Dupont, Bill và bè lũ.
- Giờ thì ông nói đúng cả. Ông ta thì chống ông, còn ông thì chống ông ta. Bill cùng với ông ta cũng chống ông. Bình thường cả. Theo đúng quy luật và lối sống. Thế giới kinh doanh tựa trên cái đó và sẽ tựa trên cái đó. Tôi không hiểu, thưa ông Harold, sao ông lại nổi dóa lên như thế?
Lão mụ mẫm nhìn tôi rồi phá lên cười.
- Ờ nhỉ, tại sao mới được chứ? Mọi sự đều ôkê. Tôi có ở địa vị hắn thì tôi còn xiết thòng lọng chặt hơn lên cổ bọn cạnh tranh mình ấy chứ.
Tôi cùng cười với Hatter. Đồng thời lo lắng nghĩ về những lời lão nói mấy phút trước trong cơn bộc bạch. Tổng thống "có thể bị giết ở nhiều chỗ, bởi những người khác nhau". Tiếc rằng điều đó đúng lắm. Hatter hiểu rõ ruột gan của nền kinh doanh Mỹ. Mười vạn hãng sản xuất và cung cấp vũ khí cho Lầu Năm góc. Mười vạn! Hàng triệu, hàng triệu người làm việc cho cuộc chiến tranh mà hiện thời Kennedy chưa muốn gây ra! Mười vạn hãng và những kẻ bằng cách này hay cách khác nằm trong phạm vi ảnh hưởng của chúng, bị kẻ tạo ra "những ranh giới mới" hất khỏi đường ray quen thuộc. Bọn họ sợ mất lợi nhuận, cổ phần, công việc và những đặc quyền hàng thế kỷ đến phát khiếp. Giới kinh doanh, những kẻ bảo vệ những lợi ích thiết thân của mình, những kẻ muốn ở nguyên những ranh giới cũ sẽ không từ một thủ đoạn nào.