As a rule reading fiction is as hard to me as trying to hit a target by hurling feathers at it. I need resistance to celebrate!

William James

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 38
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 98
a sức dẹp bỏ dị nghị, Tào Tháo viễn chinh Ô Hoàn
Thông đường vận lương
Tào Tháo đối đãi với Hình Ngung bằng lễ thượng khách, chỉ mất vài ngày đã khiến ông ta thành tâm thành ý muốn dốc sức cho mình. Thấy cũng sắp tới lúc quan trọng, ông liền chính thức nhận mệnh Hình Ngung làm Tòng sự Ký Châu, cấp cho mười thân binh, còn đích thân viết một đạo sắc lệnh, sai ông ta trở về mời Điền Trù.
Lại nói, Điền Trù nhờ Hình Ngung đi dò xét đức hạnh của Tào Tháo, nào ngờ mang được cả sắc lệnh của Tư không về. Ông ta thầm trách Hình Ngung hành sự qua quýt, nhưng cũng chỉ biết nhận lệnh tới Tào doanh. Tào Tháo nghe danh Điền Trù đã lâu, đãi ngộ ông ta còn hơn cả Hình Ngung.
Muốn tiến quân lên phía bắc, trước hết cần giải quyết vấn đề quân lương, đất U, Yên không cung cấp đủ mà phải điều động lương thảo từ Trung Nguyên tiếp tế cho đại quân. Tào Tháo theo kế của Đổng Chiêu, tập hợp quân dân đào kênh dẫn nước từ sông Đà vào sông Cô, đặt tên là kênh Bình Lỗ; lại đào một con kênh khác nối cửa sông Câu với sông Lộ, đặt tên là kênh Tuyền Châu. Không những có thể vận chuyển lương thảo mà còn kết nối Trung Nguyên với Hà Bắc, Liêu Đông bằng đường thủy, tăng cường sự cai trị.
Hà Quỳ thuận lợi chiêu hàng hải tặc Quản Thừa, dưới sự giúp sức của Trương Liêu, Nhạc Tiến, ông ta lại tiếp tục tiêu diệt được cường hào Vương Doanh gây rối Liêu Đông. Trong khi đó, Hạ Hầu Uyên hợp quân với các tướng Tang Bá, Tôn Quan, Ngô Đôn ở Tế Nam, đánh tan đám giặc Khăn Vàng ở Thanh Châu luôn lén lút cướp phá của dân. Đến đây, quân Khăn Vàng nổi lên từ năm Trung Bình thứ nhất (tức năm 184 sau Công Nguyên) cùng với tàn quân của chúng hoàn toàn bị diệt. Chiến sự ở Thanh Châu dần chấm dứt, các nước chư hầu như Bắc Hải, Bình Nguyên, Phụ Lăng lũ lượt cải tổ. Tào Tháo đóng quân tại huyện Thuần Vu mấy tháng, giải quyết ổn thỏa những việc còn lại sau chiến sự, sau đó lệnh cho tướng sĩ ba quân quay về Nghiệp Thành tĩnh dưỡng, còn ông dẫn một đám thân tín, duyện thuộc đi thị sát công trình kênh đào. Để đào xong hai con kênh trong một thời gian ngắn không hề dễ dàng, Đổng Chiêu chủ động xin phụ trách toàn bộ việc này, điều Hà Đê Yết giả Viên Mẫn cùng tới bàn bạc, đồng thời trưng dụng dân chúng tại các quận huyện ven sông đi lao dịch. Mùa đông đến, gió lạnh buốt xương mà công trình vẫn tiến hành không chút nơi lỏng...
Thế nhưng cũng không tránh được những cơn bão tuyết, trời đất bao la trắng xóa. Khi thì gió lớn gào thét, dựng lên những tảng băng cao vạn trượng; khi thì tịch mịch không một tiếng động, chỉ có những bông tuyết rơi lả tả bốn bề. Trận tuyết này khiến công trình đã phải dừng lại ba ngày, không biết khi nào tuyết mới tạnh. Tào Tháo đã cho đổi vải trong quân trướng bằng da trâu, lại bắc thêm mấy chậu than nhưng vẫn không thấy ấm. Trong khi đó, Điền Trù và Hình Ngung đứng hầu hai bên tả hữu, ở Hà Bắc nhiều năm vốn quen với kiểu thời tiết này, nên khi khoác áo lông cừu được Tào Tháo ban tặng, ngồi bên chậu than, người nóng đến sắp chảy mồ hôi.
Tào Tháo cuốn chặt áo lông cừu, bất giác than thở:
— Quách Gia, Trương Tú đều ngã bệnh, ông trời chết tiệt! Sớm biết thế này, ta đã không cho Hoa Đà về thăm nhà.
Hình Ngung an ủi:
— Họ không hợp thời tiết ở đây, chỉ cần tĩnh dưỡng vài ngày sẽ khỏe lại thôi. Chúa công chớ lo lắng quá. - Chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi, Hình Ngung đã hoàn toàn trở thành người của Tào doanh, ngay bản thân ông ta cũng không hiểu được vì sao mình lại thay đổi nhanh đến vậy.
— Chỉ mong được như lời ngươi nói. - Tào Tháo thở dài, cúi xuống nhìn tấm da dê trên soái án - đó là bản vẽ công trình kênh đào Bình Lỗ, Tuyền Châu. Do tuyết rơi nhiều nên buộc phải tạm dừng. Nếu theo tiến độ trước đó cũng phải mất ít nhất hai tháng nữa mới có thể hoàn thành, quá trình vận lương lại bị chậm thêm một thời gian, kéo theo cả kế hoạch đánh Ô Hoàn cũng phải trì hoãn. Mà kế hoạch đánh Ô Hoàn bị hoãn lại có nghĩa là các bước nam tiến đánh Kinh Châu, đoạt lấy Giang Đông, thống nhất thiên hạ, kế đến là lên ngôi cửu ngũ cũng đều bị trì hoãn, Tào Tháo há không sốt ruột? Thế nhưng có nóng vội cũng làm gì được ông trời, tuyết vẫn cứ rơi thì chỉ có thể ngồi chờ thôi.
Điền Trù ngồi một bên không nói không rằng, chỉ cầm cái que gảy gảy than, như thể không nghe thấy màn đối đáp vừa rồi. Tào Tháo liếc nhìn ông ta, trong lòng đầy nghi hoặc: cùng là ẩn sĩ, sao tính khí hai người bọn họ lại khác nhau như vậy? Lôi kéo Hình Ngung như nước đổ thành sông, còn Điền Trù đến giờ vẫn tỏ ra thờ ơ, chớ nói là thành tâm thành ý đi theo, đến một tiếng “chúa công” cũng chưa từng gọi, dường như trước mặt ông ta có một bức tường thành vô hình, không tài nào vượt qua được. Điều này khiến Tào Tháo nhớ đến Giả Hủ, nhưng Giả Hủ mang tiếng gây họa cho đất nước mới buộc phải thận trọng e dè, Điền Trù đâu có gánh nặng nào, sao lại cự tuyệt từ xa như vậy?
— Chúa công đang nghĩ gì vậy? - Hình Ngung thấy Tào Tháo có vẻ trầm tư liền hỏi.
— Ây dà. - Tào Tháo mỉm cười, nghĩ một đằng nói một nẻo, - Lão phu đang nghĩ, tình hình hiện nay ở ba quận Ô Hoàn như thế nào? Ta chưa giao đấu với người Ô Hoàn lần nào, xin hai vị giải thích giúp.
Hình Ngung cũng cười:
— Thuộc hạ không biết nhiều bằng Tử Sái huynh, vẫn phải nhờ Tử Sái huynh tháo gỡ nghi hoặc cho chúa công. - Hình Ngung cũng nhận ra Điền Trù quá lạnh nhạt với Tào Tháo, cố ý đưa đẩy cho ông ta nói.
— Vậy cảm phiền Điền tiên sinh. - Tào Tháo rất khách khí.
— Không dám. - Điền Trù chỉ chắp tay qua loa, chẳng thèm nhìn Tào Tháo, - Người Ô Hoàn và Tiên Ti đều là những bộ lạc thuộc dân tộc Đông Hồ(*), vốn không phải bộ tộc lớn gì. Triều trước, Thiền vu Hung Nô Mặc Đốn đánh bại Đông Hồ, một nhánh của họ rút về núi Tiên Ti đổi tên là tộc Tiên Ti, còn nhánh khác rút về núi Ô Hoàn đổi tên là tộc Ô Hoàn, đều lấy tên theo ngọn núi cư trú. - Ông ta vừa khều than, vừa nói một mạch, - Người Ô Hoàn giỏi cưỡi ngựa bắn cung, chủ yếu sống bằng việc săn bắn. Họ chăn thả gia súc men theo những nơi có đồng cỏ và nguồn nước, không ở một chỗ cố định. Căng vải làm nhà, cửa quay hướng đông đón ánh mặt trời, coi trọng thần linh. Ăn thịt uống sữa, dệt lông cừu làm áo. Sau này, triều đình muốn chống lại Hung Nô, bèn cho phép bọn họ vào gần quan nội, nên phong tục tập quán đã thay đổi, nhưng bản tính hung dữ thì vẫn vậy. Họ quý trọng người trẻ, khinh dễ người già, khi tức giận có thể giết cha, giết huynh đệ, song không khi nào giết mẹ, thủ lĩnh bộ lạc đều là kẻ dũng mãnh, hiếu chiến.
Tào Tháo chế giễu:
— Đúng là bọn mọi rợ không có luân lý, đạo đức.
Điền Trù gật đầu:
— Hiện nay, thủ lĩnh người Ô Hoàn ở các quận đều giỏi đánh trận, có điều bọn họ tự ý chiến đấu không có trận thế, dựa vào quân của minh công thì không khó để phá tan được họ. Thủ lĩnh người Ô Hoàn ở quận Thượng Cốc là Nan Lâu, có hơn chín ngàn lều dân. Thủ lĩnh người Ô Hoàn ở quận Bắc Bình là Ô Diên, cũng có hơn tám trăm bộ chúng, tự xưng là “Hãn Lỗ vương”, theo Viên Thượng bỏ trốn. Còn có quận Liêu Tây...
— Chính là Ô Diên được người Ô Hoàn ở Liêu Tây chứa chấp cùng với huynh đệ Viên thị sao? - Tào Tháo cắt lời.
— Đúng vậy. Thủ lĩnh người Ô Hoàn ở Liêu Tây có thực lực mạnh nhất, tuy chỉ có khoảng năm ngàn lều dân, ít hơn so với Nan Lâu nhưng đều là những tên dũng mãnh. Kẻ hai mươi năm trước cấu kết với phản thần Trương Thuần làm loạn cũng chính là thủ lĩnh người Ô Hoàn ở Liêu Tây, Khâu Lực Cư. Ban đầu hắn tự xưng là “Di Thiên An Định vương”, dẫn quân ở ba quận Ô Hoàn đánh bốn châu Thanh, Từ, U, Ký, tàn sát vô số con dân đại Hán ta, khiến triều đình phải phái Công Tôn Toản đi đánh dẹp. - Nói đến Công Tôn Toản, đôi mắt ưu sầu của Điền Trù rực lên, đến nay ông ta vẫn không quên được mối thù của Lưu Ngu.
— Là Công Tôn Bá Khuê ư, - Tào Tháo tỏ vẻ thương tiếc, - Ông ta từng là một dũng tướng, tay cầm hai cây trường thương, dẫn ba ngàn kỵ binh xông pha chiến trường, được người Hồ gọi là “Bạch mã tướng quân”. Đáng tiếc sau này lại đi vào con đường cùng binh mãi võ...
Điền Trù không thích nghe người khác nói tốt về Công Tôn Toản, Tào Tháo chưa nói hết đã cướp lời:
— Cuộc phản loạn đó do chúa công Lưu Ngu nhà tại hạ chiêu mộ dũng sĩ hành thích Trương Thuần nên mới dập tắt được, đâu phải công lao của Công Tôn Toản.
Tào Tháo nghe ông ta gọi Lưu Ngu là “chúa công nhà tại hạ” trước mặt mình, trong lòng không vui nhưng chỉ biết cười trừ.
Điền Trù không biết mình thất thố, bình thản nói tiếp:
— Lưu Ngu đối đãi khoan dung, nhân ái với dân tộc thiểu số, khiến Khâu Lực Cư tự nguyện bỏ việc xưng vương, những năm sau người Hồ và người Hán không xảy ra xung đột nào lớn. Hồi tại hạ mới đến núi Từ Vô, cũng bị người Ô Hoàn quấy nhiễu, tại hạ đã đánh một trận với họ. Về sau, bọn họ biết được tại hạ là thuộc hạ cũ của Lưu Ngu, lại có thù với Công Tôn Toản, bèn thay đổi thái độ, còn mang gia súc tới đổi lấy lương thực, hai bên chung sống yên ổn. Sau khi Khâu Lực Cư chết, trên danh nghĩa con trai hắn là Lâu Ban thống lĩnh bộ lạc, nhưng Lâu Ban còn nhỏ, nên cháu hắn là Đạp Đốn lại nắm thực quyền. Đạp Đốn dũng mãnh, lại có mưu lược, cai quản người Ô Hoàn ở cả ba quận Hữu Bắc Bình, Liêu Tây, Liêu Đông, giống như Đại thiền vu. Năm xưa, Viên Thiệu gặp lúc nguy ngập đã liên thủ với Đạp Đốn, đánh bại Công Tôn Toản. Sau đó, để báo đáp bọn họ, Viên Thiệu giả mạo chỉ dụ phong cho Đạp Đốn, Nan Lâu, Tô Bộc Diên làm Thiền vu, ban mui xe, cờ bạch mao để trợ uy, còn gả con gái nhà họ Viên cho người Ô Hoàn. Hỏng là hỏng bởi Viên Thiệu, muốn vỗ về cũng phải có giới hạn, phải dùng cả ân và uy với người Hồ, chỉ phong thưởng thôi thì sẽ nuôi thêm dã tâm của Đạp Đốn.
Tào Tháo có thể hiểu được tâm tư của Viên Thiệu: “Viên Thiệu muốn củng cố hậu phương để tiêu diệt ta trước, rồi mới từ từ thu phục bọn mọi rợ kia, nhưng nào ngờ hắn lại thất bại trong trận Quan Độ.” Tào Tháo nghĩ vậy, song lại đón ý của Điền Trù:
— Viên Thiệu vì chút ơn nhỏ mà hại nước... Ban nãy tiên sinh có nhắc tới Tô Bộc Diên, thủ lĩnh người Ô Hoàn ở Liêu Đông, người này có quan hệ với Công Tôn thị chăng?
— Tô Bộc Diên xưng là “Tiễu vương”, thống lĩnh bộ lạc ở Liêu Đông, nhưng thực ra hắn đã bị Công Tôn Độ đuổi ra Liêu Đông, phải phụ thuộc Đạp Đốn. Công Tôn Độ lúc còn sống từng đông tiến đánh Cao Câu Ly(*), tây phạt Ô Hoàn, mở rộng địa bàn, vang danh biên thùy, tự xưng là Liêu Đông vương, Bình Châu mục, đến Đạp Đốn cũng phải nể hắn ba phần, Tô Bộc Diên là cái gì chứ
Tào Tháo tỏ vẻ vui mừng:
— Lần trước Công Tôn Khang vượt biển xâm phạm, mất cả chì lẫn chài. Ta sợ hắn cấu kết với người Ô Hoàn sẽ rút dây động rừng. Giờ nghe tiên sinh nói vậy thì chẳng còn lo lắng gì nữa, chỉ cần đánh tan quân Ô Hoàn, Công Tôn Khang không đáng lo.
Điền Trù vẫn còn chút tình cảm với cha con Công Tôn Độ:
— Những năm gần đây, người Hán chúng ta tranh quyền đoạt lợi, tàn sát lẫn nhau, còn Công Tôn Độ làm vua đất này, mở rộng bờ cõi. Tuy hắn hung hãn bá đạo, tâm địa bất chính, nhưng cũng không làm mất mặt người Hán chúng ta! Trên địa bàn của Đạp Đốn hiện còn hơn mười vạn người Hán chịu ách nô dịch của người Hồ, minh công nhất định phải đánh bại bọn chúng để giải cứu con dân đại Hán ta!
Tào Tháo và Điền Trù đều muốn thu phục người Ô Hoàn, nhưng xuất phát từ những mục đích khác nhau. Điền Trù muốn giải trừ mối lo vùng biên cương phía bắc, xả hận cho người Hán; còn Tào Tháo cố nhiên cũng có ý này, song nghiêng về ý muốn truy sát Viên Thượng, Viên Hi, ngăn chặn những thế lực còn sót lại của Viên thị ngóc đầu dậy. Đúng như Điền Trù nói, ba quận Ô Hoàn có hơn mười vạn người Hán cùng với những thổ hào U Châu đã theo Viên thị bỏ trốn, nếu sau này bọn họ bị huynh đệ Viên thị xúi giục, cộng thêm sự giúp đỡ của người Ô Hoàn thì không thể coi thường được. Tào Tháo trầm ngâm một lát, lại điềm nhiên nói:
— Ta định phái bộ tướng đi thay, nay xem ra phải đích thân ra trận. Xin nhờ hai vị giúp sức!
Hình Ngung chắp tay vái:
— Thuộc hạ dù có phải nhảy vào nơi nước sôi lửa bỏng cũng không từ.
Còn Điền Trù chỉ nói qua loa:
— Thảo dân sẽ dốc sức.
Tào Tháo hơi khó chịu nhưng vẫn cố nhẫn nhịn, lấy việc năm xưa mình từng thu phục được Quan Vũ, Trương Liêu làm niềm tin: “Cứ chờ xem! Ngươi không chịu gọi ta là chúa công, ta sẽ khiến ngươi phải cúi đầu trước ta! Sớm muộn gì ngươi cũng phải ngoan ngoãn quỳ dưới gối ta giống như Hình Ngung!”
Đúng lúc này, thân binh ở ngoài bẩm tấu:
— Độ Liêu tướng quân Tiên Vu Phụ cầu kiến.
— Cho vào. - Tào Tháo điều ông ta từ quận Vô Chung tới.
Màn trướng được vén lên, Tiên Vu Phụ bước vào trong mang theo một luồng gió lạnh:
— Mạt tướng bái kiến Tào công!
— Quận Vô Chung có động tĩnh gì của người Ô Hoàn không? - Đây là điều Tào Tháo quan tâm nhất hiện giờ.
— Trước mắt thì chưa có gì, thời tiết giá rét, mặt đất đóng băng, bọn chúng sẽ không dám tới quấy nhiễu lúc này.
— Chắc hẳn bọn chúng đã biết chuyện chúng ta đào kênh vận lương, các ngươi tuyệt đối không được lơ là cảnh giác.
— Mạt tướng hiểu rõ! Mạt tướng đã phái thuộc hạ đi tuần tra, nếu phát hiện ra người Ô Hoàn sẽ lập tức đưa thư đến doanh trại.
— Tốt lắm, ngươi hãy tạm ở lại chỗ ta. - Tào Tháo gật đầu hài lòng, - Ngươi đi đường ngược gió hứng tuyết, cực khổ lắm không?
— Minh công lao lực vì nước, không quản nắng mưa, mạt tướng sao dám kêu khổ? - Tiên Vu Phụ rất biết ăn nói, - Lúc này tuyết đã rơi thưa hơn.
— Thật sao? - Tào Tháo nghe nói tuyết đã bớt dày, liền đứng bật dậy, - Ta đi xem thử!
Tiên Vu Phụ tranh vén màn trướng, không khiến thân binh phải động tay. Bên ngoài, quả nhiên tuyết đã ngớt rất nhiều, tuy chưa tạnh hẳn nhưng chỉ còn lất phất vài bông tuyết, bầu trời dần sáng sủa. Tào Tháo kéo chặt áo lông cừu, bước ra khỏi đại trướng, Hình Ngung và Điền Trù cũng theo ra ngoài.
Tuyết lớn nhuộm đất trời thành một màu trắng xóa, nhìn ngút tầm mắt, những ngọn núi xa xa và doanh trướng ở gần đều bị tuyết bao phủ. Những thân cây khẳng khiu trơ trụi như được khảm ngọc rung rinh trước gió. Tào Tháo sống quá nửa đời người nhưng chưa từng trông thấy cảnh tuyết rơi ở đất Yên Triệu, nên cảm thấy rất thích thú. Ông hít một hơi khí lạnh, tinh thần phấn chấn hẳn lên, bước một mạch qua viên môn tới chỗ kênh đào.
— Những chỗ lồi lõm đều bị tuyết lấp lên, chúa công xin hãy cẩn thận! - Hứa Chử lập cập dẫn binh sĩ đuổi theo.
Tào Tháo xua xua tay:
— Các ngươi đi lùi lại, chớ làm mất hứng của lão phu. - Dứt lời, ông một tay dắt Hình Ngung còn tay kia định dắt Điền Trù, nhưng ông ta lại khéo tránh ra. Tào Tháo cũng không cưỡng ép làm gì, nhìn phong cảnh xung quanh, ngâm rằng, - “Gió bấc thổi mấy luồng vi vút; Mưa tuyết vừa bay trút tơi bời; Cùng ta thân ái những người; Dắt tay về hẳn, mau rời khỏi đây.”(*)
Quân doanh đóng ở gần bờ sông, xung quanh là lều trại của những người lao dịch. Đám người Tào Tháo đi được một quãng thì trông thấy Đổng Chiêu và Viên Mẫn mặc áo tơi đứng trước một gò đất nhỏ, trên người hứng không ít tuyết. Hai người họ khoa chân múa tay như đang bàn bạc chuyện gì đó.
— Công Nhân! - Tào Tháo đứng mãi đằng xa gọi, còn nói đùa, - Lão phu suýt nữa không nhận ra các ngươi, còn tưởng là hai lão nông phu cục mịch!
Đổng Chiêu tháo nón lá xuống, để lộ vẻ mặt nặng nề, chẳng có tâm tư đùa bỡn:
— Chúa công, trận tuyết này làm hỏng đại sự của chúng ta rồi.
— Sao thế?
Đổng Chiêu chỉ tay về phía xa:
— Ngài nhìn xem, kênh rạch đều lấp đầy tuyết, bên dưới còn lớp băng dày, thời tiết giá lạnh có thể khắc phục được, chứ mặt sông đóng băng thì không có cách nào vận chuyển đá ở hạ lưu lên, phải dùng gia súc kéo hai ba ngày. - Đào kênh không đơn giản là khơi dòng dẫn nước, mà còn phải dùng đá kè lòng kênh, nếu không khi xả nước, đất cát sẽ sụt xuống làm tắc dòng chảy.
— Chúng ta đã tạm nghỉ ba ngày, không thể trì hoãn thêm nữa. - Tào Tháo mất hết hứng thú, - Lập tức truyền lệnh thi công tiếp, sai bách tính đục băng nhất định phải thông lòng sông!
Đục băng? Nói thì nghe hay lắm, thật sự làm mới khó. Làm việc trên mặt băng trong điều kiện giá rét, ngược gió, chỉ cần một chút bất cẩn là có thể bị tụt xuống sông băng. Vả lại không phải đục một lần là xong, với thời tiết này chỉ vài canh giờ sau lòng sông lại đóng băng, dân công phải liên tục khuấy nước, nếu nước đóng băng thì phải đục lại. Lăn lộn trong cái lạnh, bách tính làm sao chịu nổi? Mọi người đưa mắt nhìn nhau định can gián, nhưng Tào Tháo giành nói:
— Ta biết các vị muốn nói gì, con kênh này liên quan đến việc quân không thể kéo dài được. Lão phu sẽ đứng đây giám sát!
Quân lệnh truyền xuống, không lâu sau bách tính lục tục chui ra khỏi lều. Đất U, Yên nghèo đói, nhiều người không có nổi tấm da dê chống lạnh, phải quấn những lớp vải rách bên ngoài, chân bện giày cỏ rất dày, cho nên đi lại không tiện, loạng chà loạng choạng tiến lại bãi sông. Việc đục băng cần một lượng lớn dùi, đục, trong quân không có đủ; nhưng tướng lĩnh cũng không thể cho bách tính mượn đao, thương, kiếm, kích được, vì sợ binh khí hoen rỉ, và cũng sợ bọn họ làm loạn. Phần đông lao dịch phải lấy đá đập, có những người tay rớm máu mà vẫn phải ra sức khoắng cọc gỗ, giành giật sự sống trên mặt băng.
Ông trời cũng thật biết trêu đùa, tuyết rơi ba ngày liền, không tạnh sớm hơn cũng không muộn hơn, lại chọn đúng lúc này. Tuyết vừa ngừng, gió lại nổi lên như dao cắt vào mặt, dù có quấn thêm lượt vải nữa cũng chẳng chống được cái lạnh, bách tính liêu xiêu nhưng cũng không dám lên bờ tránh gió - binh sĩ đang cầm roi da canh chừng bọn họ! Ai chịu được tội?
Điền Trù đau lòng, lại thấy Tào Tháo hờ hững nhìn mặt sông như thể thảy đều là chuyện đương nhiên, không nhịn được buột miệng nói:
— Tào công, nên hoãn đào kênh lại mấy ngày!
Tào Tháo xưa nay thực thi pháp lệnh nghiêm minh, một khi đã hạ lệnh thì nhất quyết không thay đổi. Có điều hiếm khi Điền Trù chủ động can gián, nên ông nói lảng sang chuyện khác:
— Ở đây gió lớn, mời Điền tiên sinh về trướng nghỉ ngơi.
Điền Trù nhận được câu trả lời qua quýt, liền tranh biện:
— Tại hạ thực không đành lòng nhìn dân chúng chịu khổ. Cổ nhân có câu: “Nhân nãi nhân chi an trạch, nghĩa nãi nhân chính lộ.”(*) Minh công coi việc bảo vệ bách tính trong thiên hạ là chí nguyện của mình, sao có thể rời bỏ con đường chính đạo? - Điền Trù đã nói tránh, nhưng có khác nào chỉ trích Tào Tháo là kẻ bất nhân bất nghĩa?
Tào Tháo vẫn cười bảo:
— Tiên sinh dạy rất phải. Nhưng việc có phân ra nặng nhẹ, thong thả và cấp bách, lẽ nào ngài không muốn sớm đánh dẹp quân Ô Hoàn, giải cứu dân nô dịch sao?
— Thế nhưng...
Tào Tháo nói lý lẽ:
— Lão phu không cố tình làm khổ bách tính. Từ khi ta đánh bại Viên thị, tiếp quản Hà Bắc đã giảm thuế khóa, trừng trị nghiêm khắc những kẻ thôn tính ruộng đất, đối tốt với lê dân trăm họ hơn cả cha con Viên thị. Nay bọn họ đi đào kênh là thực hiện nghĩa vụ lao dịch của triều đình, không làm ở đây cũng phải làm chỗ khác, chỉ có thể trách số họ chẳng ra gì. Vả lại, không phá Ô Hoàn, không diệt Viên Thượng, ngày sau khó tránh khỏi nạn binh đao. Nay họ dốc sức làm việc, không chỉ vì lão phu mà còn vì cuộc sống của chính mình, chịu khổ một giờ đổi lấy sự yên ổn muôn đời sau, há chẳng tốt sao?
Tào Tháo đem bản thân ra so với cha con Viên thị đã suy bại, chẳng phải là lươn ngắn lại chê trạch dài? Điền Trù muốn nói nữa, nhưng Hình Ngung chen ngang:
— Chúa công cũng vì nghĩ cho chiến sự, thà đau ngắn còn hơn đau dài thôi.
Điền Trù giật mình nhìn sang Hình Ngung như thể chưa từng quen biết.
Đột nhiên có tiếng kêu vang lên, một mảng băng gần đó nứt ra, có người không kịp tránh, rơi tõm xuống khe - nước lạnh xối vào khiến anh ta không vùng vẫy được, chỉ biết gào cổ kêu cứu. Mặt sông bỗng chốc trở nên hỗn loạn, dân chúng hốt hoảng trốn chạy, có kẻ định chạy lên bờ, binh sĩ trông coi vung roi xua đuổi, nên hầu hết lại chen chân quay trở lại; nhưng vẫn có mấy thiếu niên nhân lúc hỗn loạn đã chui ra ngoài, cắm cổ chạy về phía xa... Tào Tháo cau có quay đầu, phân phó Đổng Chiêu:
— Mau truyền lệnh, kẻ nào dám trốn lao dịch, giết ngay không cần bàn cãi. Bắt mấy tên vừa trốn về chém đầu thị chúng, ta xem còn kẻ nào dám bỏ trốn! Không thông được sông băng, đừng ai mong được nghỉ!
Điền Trù run rẩy, đoạn sông trước mặt còn thế này, cả con sông dài mấy chục dặm đều đang thi công, biết bao nhiêu người dân vô tội phải chịu khổ!
Đúng lúc ấy, thân binh bẩm báo:
— Từ Châu Thứ sử Tang Bá và ba vị tướng quân Tôn Quan, Ngô Đôn, Doãn Lễ cầu kiến.
Tào Tháo ngạc nhiên nói:
— Lão phu chưa triệu kiến bọn họ mà.
Hứa Chử hỏi:
— Họ có mang theo binh lính không?
Năm xưa, khi sắp xảy ra trận Quan Độ, Tào Tháo muốn sớm ổn định vùng duyên hải Thanh, Từ nên đã cho phép bọn Tang Bá, Tôn Quan, Doãn Lễ được phép tự trị. Bọn họ dốc sức cho Tào doanh, nhưng binh mã dưới quyền không thuộc sự điều động trực tiếp của Tào Tháo, địa bàn quản hạt cũng không do quan lại triều đình quản lý. Cho nên, có thể nói bọn họ là người ngoài so với quân chính quy của Tào doanh, không thể không đề phòng.
Thân binh trả lời:
— Họ không đem theo binh lính, nhưng lại đưa ba bốn cỗ xe đến. Hình như chở gia quyến.
Trong lúc mấy người Tào Tháo nói chuyện, bốn người Tang Bá đã tới bờ sông, họ đều không mặc áo giáp, không đeo bội kiếm, chỉ cưỡi độc chiến mã. Tang Bá thân cao ngựa lớn, mắt dữ râu hùm; Tôn Quan to béo lực lưỡng, bụng lớn mười vi(*); Ngô Đôn mặt như mai cua, ngũ quan xấu xí; còn Doãn Lễ mặt chằng chịt những vết sẹo vẫn còn đỏ lòm, nom rất đáng sợ. Trông tướng mạo, cử chỉ của bốn tướng chẳng có vẻ gì lương thiện. Điền Trù, Hình Ngung không biết Tào doanh còn có đám người này, nhìn bọn họ tiến gần lại mà tim đập chân run.
— Tiểu nhân Tôn Anh Tử xin bái kiến Tào công! - Tôn Quan thật thà nhất, quỳ ngay xuống nền tuyết, dập đầu lia lịa, ba người Tang Bá cũng vội hành lễ.
Tào Tháo phất tay áo:
— Tang Nô Khấu, Tôn Anh Tử, Ngô Ảm Nô, Doãn Lô Nhi, lão phu nhớ không nhầm chứ? Ha ha ha!...
Tôn Quan, Ngô Đôn, Doãn Lễ cũng cười một tràng, nhưng Tang Bá lại cảm thấy bất an: “Đến giờ Tào Tháo vẫn nhớ biệt hiệu thổ phỉ của bọn ta!”
— Thanh Châu vừa mới bình định, còn rất nhiều việc chờ các ngươi. Cớ sao lại chạy đến đây?
Vẫn là Tôn Quan cướp lời nói:
— Lão ngài đối tốt với chúng tiểu nhân, mấy năm nay không được gặp ngài, tiểu nhân muốn đến thăm. - Câu này là thật, năm đó Tào Tháo nhận mệnh Tôn Quan làm Bắc Hải tướng, còn phong cho huynh trưởng của hắn là Tôn Khang làm Thái thú Thành Dương, một nhà có đến hai quận tướng, quả là ân huệ không nhỏ.
— Ây dà, giữa lúc giá rét thế này mà chạy đến thăm lão phu, vất vả cho các ngươi rồi! - Tào Tháo vẻ mặt tươi cười.
Nhưng Tang Bá lại nói:
— Thực không dám giấu, ngoài việc đến thăm ngài, mạt tướng còn có thỉnh cầu hơi quá.
— Cứ nói chớ ngại.
— Chúng tại hạ vốn là hạng thổ phỉ, sống trên lưỡi đao, vợ con đi theo phải chịu không ít khổ sở. Nghe nói Tào công dựng phủ đệ ở Nghiệp Thành, gia quyến của nhiều tướng lĩnh trong quân đều rời đến ở. Chúng tại hạ cũng muốn đưa người nhà qua đó, để đám đàn bà được hưởng chút phú quý, còn bọn trẻ cũng được đọc sách, khỏi phải mù chữ như chúng tại hạ. Xin Tào công nể tình. - Tang Bá cúi đầu khom lưng, mỉm cười đon đả, chẳng hợp với dáng người cường tráng chút nào.
Tào Tháo há lại không biết trong lòng bọn họ nghĩ gì, ông cười nói:
— Các ngươi xả thân trên chiến trường, tận trung báo quốc, hà tất phải làm vậy? Thôi được, năm xưa Tiêu Hà phái đệ tử đi hầu hạ Cao Tổ, Cao Tổ không cự tuyệt, Cảnh Thuần tự đốt hết nhà cửa để đi theo Quang Vũ Đế, Quang Vũ Đế cũng không trách ý tốt của ông ta. Lão phu không thể sửa được cách làm của tiền nhân, vậy sẽ y cho các ngươi!
Lời này của Tào Tháo hù dọa được hai người. Các tướng Từ Châu đều xuất thân từ thổ phỉ, chỉ có Tang Bá biết chút ít sử sách. Hắn ta nghe Tào Tháo nhắc tới chuyện của Tiêu Hà, biết là tâm tư của mình đã bị nhìn thấu. Năm xưa, Lưu Bang giằng co với Hạng Vũ tại Thành Cao, điều Tiêu Hà ở lại Quan Trung chiêu mộ binh sĩ, vận chuyển lương thảo. Về sau, Lưu Bang nghi kỵ Tiêu Hà nắm giữ quá nhiều quyền bính sẽ tạo phản, mấy lần sai người về dò xét, khiến Tiêu Hà vô cùng bất an. Có mưu sĩ hiến kế cho Tiêu Hà, đưa con cháu nhà Tiêu thị tới Thành Cao để hầu hạ Lưu Bang, trên thực tế là làm con tin, từ đó Lưu Bang mới không còn nghi ngờ gì nữa. Nay Tang Bá chẳng học theo kế ấy sao? Tào Tháo cắt đất Thanh Châu, Từ Châu cho bọn họ tự cai trị, gần như không chịu sự quản chế của triều đình, bọn họ há có thể yên tâm khi nắm quyền bính trong tay? Hơn nữa, bọn họ còn có quan hệ thân thiết với Xương Bá, giờ hắn bị giết vì tội mưu phản, liệu Tào Tháo có truy cứu chuyện trước kia không? Đám người này tuy cục cằn thô lỗ nhưng cũng biết sợ người ta không tin tưởng mình. Tang Bá đỏ bừng mặt, quay đầu nhìn Tôn Quan, Ngô Đôn, Doãn Lễ - Ba tên bỉ phu ấy vẫn chẳng biết Tào Tháo ám chỉ điều gì, cứ cười nhăn răng!
Còn một người nữa cũng khẽ giật mình là Điền Trù. Ông ta không có ý tiến vào đường sĩ hoạn, chẳng qua là bất đắc dĩ phải tới đây. Tào Tháo công nhiên so sánh mình với Lưu Bang, Lưu Tú, mặt không biến sắc, tim không đập mạnh, còn phải hỏi ông ta có dã tâm nhường nào?
Tào Tháo vân vê chòm râu, nói lời sâu xa:
— Trung thành nhân nghĩa chỉ trong lòng mới hiểu. Cần gì phải nói thành lời? Chỉ cần các ngươi toàn tâm toàn ý với lão phu, những điều khác ta sẽ chăm lo thay các ngươi. Có một số việc không phải đợi nói ra rồi mới giúp chu toàn. - Thu hồi vùng duyên hải Thanh, Từ là chuyện sớm muộn, chỉ có điều bọn Tang Bá có ảnh hưởng rất lớn ở đây, nếu đột ngột thay đàn đổi dây tất dẫn đến rối loạn. Cho nên Tào Tháo mới đi từng bước một chứ không muốn làm thẳng một lèo.
Tôn Quan không hiểu hai người họ suy tính điều gì, ngây ngô nói:
— Tào công chấp thuận là tốt rồi. Tiểu nhân còn sợ vợ con không hiểu phép tắc, sẽ bị người trong thành ghét bỏ kia!
— Há có thể thế được? - Tào Tháo vỗ vai Tôn Quan, - Các ngươi lập công trong việc bình định Thanh Châu, nay ta gia phong các ngươi làm Đình hầu. Tấn phong Tang Bá làm Uy Lỗ Tướng quân, lĩnh chức Thứ sử Từ Châu như cũ. Còn Tôn Quan tấn phong làm Thiên Tướng quân, kiêm chức Thứ sử Thanh Châu.
— Đa tạ Tào công! - Bốn người cùng tạ ơn lần nữa.
Tào Tháo tay trái kéo Tôn Quan, tay phải dắt Tang Bá:
— Ngoài này lạnh quá, chúng ta quay về trướng nói chuyện. Trước tiên, cứ để gia quyến ở tạm trong doanh chịu khổ ít bữa, rồi ta sẽ đưa họ tới Nghiệp Thành. Các ngươi ở Thanh Châu không cần bận tâm... - Lời này còn chưa dứt, chợt thấy phía sau gò núi có một bóng người vụt qua.
Bọn Hứa Chử, Tôn Quan nhanh tay lẹ mắt lập tức xông tới, bảy tám bàn tay to lớn cùng ấn kẻ kia ngã dúi dụi. Doãn Lễ túm tóc hắn, lớn tiếng quát:
— Thích khách từ đâu tới! Thành thật khai ra!
Người kia quần áo tả tơi, mặt mũi nhem nhuốc, nhưng tuổi cũng không lớn, xem chừng chưa tới hai mươi. Hắn bị đám võ nhân dữ tợn này tóm được, các khớp xương trên người kêu răng rắc, sợ đến hồn vía lên mây, chỉ biết kêu xin thảm thiết, chẳng nói được gì.
— Thả hắn ra. - Tào Tháo bình tĩnh nói, - Hắn không dám giở trò gì đâu.
Bọn Hứa Chử buông tay ra, kẻ đó úp mặt xuống đất, run rẩy nói:
— Thảo dân là người đi đục băng... Xin Tào công tha mạng. - Thì ra hắn trốn lao dịch, thoát được đám binh lính, vòng tới chỗ Tào Tháo. Ban nãy chúng nhân mãi trò chuyện, giờ mới để ý trên bãi sông cũng có mười mấy người đang bị trói. Hầu hết là người bỏ trốn bị bắt lại, đợi chém đầu thị chúng.
— Tiểu tử ngươi ranh mãnh hơn chúng, biết chạy đến chỗ ta tự thú tìm đường sống đấy nhỉ? - Tào Tháo cười nhạt, - Tiếc là lão phu thực thi pháp lệnh nghiêm minh, ta đã truyền lệnh chém đầu, không có lý gì giữ lại mạng của ngươi!
Người kia dập đầu lia lịa như gà mổ thóc:
— Lão ngài từ bi hỷ xả, xin hãy tha mạng cho thảo dân. Thảo dân xin đi đục băng, không dám bỏ trốn nữa!
— Sớm biết vậy hà tất ban đầu phải làm thế. - Tào Tháo cười khẩy, - Muộn rồi...
Người kia nghe vậy, nước mắt chảy ròng ròng, không biết làm thế nào mới được, lết đến ôm chân Tào Tháo, run bần bật. Làm việc ở nơi giá rét như thế này, dẫu không bị chết cóng thì ngón chân, ngón tay cũng cứng đờ cả lại! Còn bỏ trốn mà bị bắt về thì lập tức đầu lìa khỏi cổ, cách nào cũng chết, đâu còn đường sống?
Điền Trù thực sự không nhịn nổi nữa:
— Minh công không thể làm vậy! Lẽ nào ngài chưa nghe đến phép tam kiệm(*)? Dân lấy nhà mình ra khảo xét, người hiền lấy quốc gia ra khảo xét, còn thánh nhân lấy thiên hạ ra khảo xét chính mình. Minh công làm việc không tiếc sức dân, thử hỏi bách tính sao có thể ủng hộ ngài? Ngài làm thế này có khác gì vua Kiệt, vua Trụ và Tần Thủy Hoàng tàn bạo?
Tào Tháo muốn nhanh được việc, thấy hơi ghét ông ta, song vẫn phải nén giận bảo:
— Thi công xong sớm mới khởi binh được, không giết người này sao lập được uy? Lão phu cũng có nỗi khổ tâm riêng.
Điền Trù lại nói:
— Đấng quân tử làm điều thiện, không chỉ tùy tiện chiều theo ý mình. Xưa, bậc đại trí biết tính cái lợi hại, được mất của thiên hạ để quyền biến kẻ khác. Chẳng lẽ ngài cứ muốn so đo với tiểu dân? Người này đã tự thú, minh công còn không thể tha tội cho hắn sao? Thử hỏi đạo lý tình người ở đâu! Ngài không sợ đánh mất nhân tâm trong thiên hạ ư? Xin minh công suy xét lại về cái lợi hại, được mất!
Tào Tháo nghe ông ta nói xong, cơn giận bốc lên nhưng vẫn không thể trở mặt. Việc đánh Ô Hoàn còn phải trông cậy vào ông ta kia mà! Tào Tháo hậm hực phất tay áo, đạp kẻ kia một cái, gằn giọng nói:
— Thả ngươi nghĩa là ta tự phá vỡ quân lệnh, còn giết ngươi lại có người không nỡ. Ngươi mau cút đi cho ta! Cút thật xa, trốn thật kỹ vào. Ta sẽ tiếp tục phái người đi bắt những kẻ bỏ trốn, nếu ngươi bị bắt lại thì sẽ bị chém đầu ngay tức khắc!
Điền Trù định nói nữa, Tào Tháo giơ tay ngăn lại:
— Đủ rồi! Ta đã nể mặt tiên sinh, chẳng lẽ tiên sinh vẫn muốn nói ta là kẻ độc đoán chuyên quyền? Ta mời tiên sinh tới bàn việc đánh Ô Hoàn, mong tiên sinh để tâm đến việc dụng binh ra sao. - Dứt lời, Tào Tháo hất tay về phía bãi sông.
Binh lính cùng vung đại đao, mười mấy người trốn lao dịch lập tức mất đầu, máu phọt ra nhuộm đỏ một bãi tuyết.
Dân chúng im thít, không dám bỏ chạy nữa, chỉ biết chấp nhận số phận bi ai. Điền Trù sợ đến vỡ mật. Còn Tào Tháo lại cười nhạt:
— Bách tính trong thiên hạ tựa như dòng nước, ngăn lại thì đứng im, còn khơi mở thì chảy đi! Quyền sinh quyền sát nằm trong tay lão phu, lão phu muốn họ thế nào, họ phải thế đó! Ngày mai tuyết tan bớt, chúng ta phải khởi hành về Nghiệp Thành, há có thể vì mấy kẻ phàm dân mà làm mất thì giờ! - Nói đoạn Tào Tháo dẫn chúng tướng trở về doanh trại.
Gã trai may mắn thoát chết quỳ rạp dưới đất, khóc lóc một hồi, rồi thẫn thờ đứng dậy. Tào Tháo bảo hắn chạy trốn, nhưng biết trốn đi đâu được? Trở về nhà quan binh tới lục soát là bị tóm ngay, còn không về nhà thì đi đâu? Hắn ăn mặc phong phanh trong tiết trời rét căm căm này, chẳng chạy được bao xa đã chết cóng rồi. Thiên hạ rộng lớn mà khó có chỗ dung thân!
Điền Trù thương cảm:
— Tiểu huynh đệ, ngươi...
— Hừ! - Ánh mắt ngấn lệ của thanh niên đó bỗng chất chứa thù hận, - Chớ có vờ vĩnh! Đám quan lại các ông đều cùng một giuộc. Ông trời ơi! Can qua đẩy con người ta vào chỗ chết, không có can qua cũng bị đẩy vào chỗ chết, ông không để cho bách tính một con đường sống sao! - Hắn điên cuồng bỏ chạy cùng với tiếng khóc uất hận, chớp mắt đã mất hút giữa vùng tuyết mênh mông.
Điền Trù vẫn đứng ngây ra. Ông ta đã quen với khí hậu nơi đây, nhưng lúc này cũng cảm thấy lạnh thấu xương, toàn thân run rẩy.
Động viên xuất chinh
Xuân về, vạn vật hồi sinh, mở đầu cho một năm mới lại đến. Sau hai cơn mưa lất phất, bầu trời trở lại trong xanh, cỏ cây mơn mởn, những nụ hoa chúm chím hé nở, còn muôn thú hốt hoảng trốn cả vào hang. Mùa xuân là thời điểm thích hợp để đi săn. Cách Nghiệp Thành hơn mười dặm về phía bắc có một khu rừng rộng, chim thú tụ tập, cây cối rậm rạp, kẻ đi săn qua lại như vịt. Có điều hôm nay hơi lạ, hơn ba trăm binh sĩ bảo vệ nghiêm ngặt khu rừng này, chỉ cho vài người là tử đệ, thân tín của Tào thị quần thảo bên trong.
Một bên là những thiếu niên thân quý như Tào Phi, Tào Chương, Tào Thực, Tào Chân, Tào Hưu, Hạ Hầu Thượng, mình mặc quân phục, tay cầm cung tên, hăng hái săn bắn. Còn một bên bọn Nguyễn Vũ, Lưu Trinh, Từ Cán, Ứng Sướng nói cười phụ họa, là những ký thất trong Tào phủ, tuổi còn khá trẻ, ngoài múa bút vẩy mực ra thì chẳng có việc gì làm, nên phần lớn thời gian đều tụ tập cùng với các công tử.
— Huynh trưởng săn được bao nhiêu dã thú? - Tào Chương còn ít tuổi nhưng đã có tinh thần thượng võ, tính hay tranh giành, hiếu thắng. Đã vậy lại có dáng người cao lớn, chẳng giống phụ thân mình chút nào.
Tào Phi gác cung, ghì ngựa nói:
— Mười bốn con.
— Ít hơn đệ một con! Ha ha ha!... - Tào Chương đắc ý cười ha hả, - Còn tam đệ thì sao?
Tào Thực thua kém các huynh về mặt cưỡi ngựa bắn cung, cũng không coi điều này là tài, chỉ cười đáp:
— Tiểu đệ bắn được bảy con thôi, nhị ca vui duyên mới, thời vận tốt, đệ làm sao bì với huynh được.
Tào Chương lấy con gái của Tôn Bí - đường huynh của Tôn Quyền, mới làm lễ hợp cẩn mấy hôm trước nên Tào Thực lấy ra trêu đùa. Tào Chương càng tỏ ra đắc ý, lại hỏi bọn Tào Chân:
— Còn các đệ?
Tào Chân, Tào Hưu, Hạ Hầu Thượng cũng giỏi săn bắn nhưng không dám vượt mặt công tử Tào gia, đều xua tay nói:
— Tử Văn tinh thông cung mã, chúng đệ không sánh kịp.
— Ha ha ha!... Luận về thuật cung mã, các đệ đều không bằng ta! - Tào Chương cười khoái trá, - Không xứng lắp yên, dắt ngựa cho ta.
Tào Phi dù sao cũng là đại ca, thấy Tào Chương ngông cuồng như vậy, trong lòng không vui:
— Đệ chớ vội đắc ý, hai ta chỉ hơn kém một con, có bản lĩnh thì tỉ thí lần nữa!
Tào Chương không tranh đua với kẻ khác thì ăn cơm không thấy ngon, nghe vậy còn cầu mà chẳng được:
— Tỉ thí thì tỉ thí! - Vừa dứt lời liền nghe thấy một tiếng chim kêu trên đầu. Đúng lúc có con nhạn lẻ bầy bay qua. Tào Chương mừng rỡ, chỉ tay lên trời, nói, - Chúng ta thi bắn nhạn, xem ai có thể... Huynh chơi xấu!
Tào Phi không đợi đệ đệ nói hết câu đã giương cung phóng một mũi tên về phía con nhạn. Chớ nói là bắn rơi con nhạn, đến cọng lông cũng chưa chạm vào được, đúng là quá kém!
Tào Chương bực bội nhưng phì cười:
— Huynh chơi xấu, không bắn trúng là đáng đời lắm. Hai chúng ta cùng nhau...
— Tiên hạ thủ vi cường! - Tào Phi không thèm nghe Tào Chương lải nhải, đoạn thúc ngựa chạy luôn.
— Huynh lại chơi xấu! Đợi đệ đã! - Tào Chương vội quất ngựa đuổi theo. Bọn Tào Thực, Nguyễn Vũ thấy hai người họ tranh giành như thế thì không nhịn được cười.
Nháy mắt Tào Chương đã đuổi kịp Tào Phi. Trong rừng cành cây rậm rạp, dây leo chằng chịt, khiến họ không bắn được tên mà phải chạy ra ngoài bìa rừng. Tào Chương nhanh hơn huynh trưởng một bước, quay đầu lại thấy áo Tào Phi mắc vào những chạc cây, gỡ mãi không ra, cười nói:
— Tiểu đệ thắng chắc rồi! - Đoạn cài tên giương cung định bắn. Bỗng một mũi tên bay tới từ phía đông, con nhạn kêu lên một tiếng thảm thiết rồi rớt xuống.
Tào Chương, Tào Phi ai nấy đều kinh ngạc, đưa mắt nhìn xung quanh, không thấy ai ngoài những tên lính canh, bọn chúng sao dám giành vật săn với công tử? Một lúc sau mới thấy một kẻ cưỡi ngựa chạy lại từ mé đông. Người này chừng ngoài hai mươi tuổi, vóc người bình thường, khuôn mặt đen sì, tay trái cầm cung, tay phải khiển mã, hình như là một quan võ. Điều kỳ lạ là người này mặc quân phục nhà Hán nhưng lại để tóc dài, cưỡi ngựa trần. Tào Chương thầm giật mình: mũi tên bắn đi một lúc lâu như thế mà người này mới chạy đến nơi, hẳn là hắn phải ở xa hơn một trăm năm mươi bước. Thuật bắn cung thật cao cường hiếm thấy!
Không biết quan tướng đó có nhận ra chư vị công tử không mà ngạo nghễ vươn cánh tay dài như tay vượn xách con nhạn đi mất, chẳng thèm nhìn hai huynh đệ Tào thị lấy một cái. Tên lính đội trưởng là Chu Thước - tâm phúc của Tào Phi, thấy vậy bèn ra oai nói:
— Khốn kiếp! Không coi công tử ra gì, để tại hạ bắt hắn về đây, đánh cho hai trăm roi!
— Ngươi có bản lĩnh ấy sao? - Tào Phi cười nhạt, - Đại nhân không chấp kẻ tiểu nhân, hà tất phải nổi giận với hắn.
Đúng lúc này, lại có hơn trăm con ngựa ầm ầm chạy lại từ mé đông nhưng không có người quản. Trong buổi chiến loạn có càng nhiều ngựa càng tốt, quân Tào tuy đông nhưng lại thiếu ngựa. Chu Thước sáng mắt lên:
— Tại hạ đi cướp mấy con ngựa dâng lên công tử.
Nhưng hắn nào kịp ra tay? Tiểu tướng ban nãy đút hai ngón tay vào miệng, đàn ngựa nghe tiếng huýt sáo, đồng loạt hí vang, bốn vó xoay chuyển chạy theo. Huynh đệ Tào thị cảm thấy con ngựa mình đang cưỡi cũng rục rịch nhúc nhích, may mà còn nắm chắc dây cương không thì hẳn chúng cũng phóng theo tiếng huýt sáo đó! Tào Chương càng tỏ ra kinh ngạc:
— Hóa ra đều là hắn ta mang đến, trên đời còn có người chăn ngựa kiểu này sao?
Lúc này bọn Tào Thực, Nguyễn Vũ cũng đã ra khỏi cánh rừng, Hạ Hầu Thượng nói:
— Hôm nay chúa công bàn việc ở mạc phủ, tướng lĩnh các bộ đều tới tham gia, có lẽ hắn phụng lệnh dâng ngựa.
Câu nói này đánh động bốn vị ký thất, nhất là Từ Cán, ông ta mới được vời vào mạc phủ sau khi Thanh Châu được bình định, kinh lịch ít nhất, thành thử phải hành sự thận trọng:
— Các công tử đã ra ngoài nửa ngày, nên sớm quay về thôi. Đám lính này do chúng ta tự ý điều động, nếu để chúa công biết được sẽ không hay!
Binh lính canh chừng khu rừng không phải là gia binh trong Tào phủ mà đều là người trong quân doanh, Chu Thước có ý xu nịnh nên điều tới. Chu Thước nhờ có quan hệ tốt với Tào Phi mà được thăng làm Giả tư mã(*), cũng khá lớn gan:
— Đám mọt sách các ông đã có công tử làm chỗ dựa, còn sợ cái gì?
Tào Phi cũng nói:
— Đúng vậy! Ta với nhị đệ còn chưa phân thắng bại, phải đi săn thêm lượt nữa. - Dù sao ba huynh đệ đều ở cả đây, dẫu có phạm lỗi cũng phạm lỗi chung, có gì phải lo lắng?
Tào Chương hào hứng nói:
— Đi nào! Đệ phải cho huynh thua một cách tâm phục khẩu phục.
Hai huynh đệ thúc ngựa quay lại khu rừng săn trĩ, săn thỏ. Tào Phi không đuổi kịp đệ đệ, còn bị thua lớn hơn lần trước, buồn bực ném cây cung đi:
— Ây dà! Hai lần ta đều thua đệ, không chịu phục cũng không được!
Tào Chương vẫn muốn đi săn tiếp, nhưng mọi người liên tục khuyên bảo mới từ biệt Chu Thước quay về. Đám người cười cười nói nói, chẳng mấy chốc đã tới cửa bắc, còn chưa kịp vào thành thì đã thấy một vị quan ăn mặc chỉnh tề lao ra từ trong thành.
Hạ Hầu Thượng tinh mắt nhất, từ rất xa đã nhận ra là Lưu Đại:
— Lưu Trưởng sử, có chuyện gì mà vội vậy?
— Bỉ chức xin vấn an các vị công tử. - Lưu Đại ghì ngựa, chắp tay hành lễ, vẻ mặt hớn hở, - Chúa công ban sắc lệnh, sai bỉ chức thông báo khắp ba quân nên phải tới hành dinh một chuyến.
Lưu Trinh khôi hài, tiến lại túm râu Lưu Đại:
— Huynh có gì chuyện vui mà như được liếm mật ong thế?
Lưu Đại mặt mày rạng rỡ:
— Chúa công nói, mấy năm qua tôi ở bên cạnh ngài chịu nhiều vất vả, giờ muốn cho tôi ra ngoài lĩnh binh. Sau này chuyện trong phủ không cần bỉ chức lo nữa, nếu đánh trận lập chút công lao, chưa biết chừng còn kiếm được chức Đình hầu đấy!
Lưu Trinh ngạc nhiên hỏi:
— Mấy năm trước, chúa công phụng lệnh thiên tử thống lĩnh binh mã ở Hứa Đô, nay ngài ấy đuổi hết các vị tướng quân, trưởng sử, chủ bạ đi thì ai thay các huynh làm việc?
— Chúa công không nói, tôi cũng không dám hỏi... Ây dà, dù sao trong lòng ngài ấy cũng có tính toán cả rồi!
Tào Thực nhìn chằm chằm sắc lệnh trong tay Lưu Đại:
— Có thể cho bọn ta xem qua sắc lệnh không?
— Công tử đã mở lời thì có gì không được? - Lưu Đại vừa nói vừa mở sắc lệnh, tự dâng lên cho họ xem.
Ta khởi binh trừ loạn, đến nay đã mười chín năm, lần nào xuất chinh cũng giành thắng lợi, hả phải công lao của mình ta? Ấy là nhờ sự phò giúp của hiền tài trí sĩ cùng văn võ bá quan. Nay, thiên hạ chưa yên định được cả, ta đương nhiên muốn cùng hiền sĩ đại phu chung sức bình định, nhưng một mình hưởng công lao, ta sao yên lòng được! Xưa, Triệu Xa, Đậu Anh làm tướng, được thưởng ngàn vàng, đem chia hết cho mọi người chỉ trong chốc lát, cho nên mới lập được đại công, lưu danh muôn đời. Ta đọc đến chuyện đó, rất ái mộ cách đối nhân của họ. Ta cùng vời chư tướng, sĩ đại phu lo việc quân, may nhờ có các bậc hiền nhân không tiếc kế hay, chúng sĩ không tiếc sức lực, mới có thể giải trừ nguy biến, bình định phản loạn, thế mà chỉ mình ta được thưởng lớn, ấp phong ba vạn hộ. Nghĩ đến nghĩa khí của Đậu Anh khi chia vàng, nay ta cũng muốn phân phát số thuế được hưởng cho bộ thuộc của chư tướng và những người từng đồn trú ở đất Trần, Sái để đáp tạ công lao của chúng nhân. Còn con côi của người chết vì phải đi lao dịch đều được tặng thuế khóa, thóc lúa. Năm nào sung túc, ta và mọi người sẽ cùng chia thưởng thuế má đã thu được.
Tào Phi đọc xong mủm mỉm cười:
— Lão ngài nảy sinh lòng tốt, muốn chia của cải cho chúng tướng, hiếm khi hào phóng như vậy!
Tào Tháo lĩnh tước Vũ Bình hầu, đất phong ngoài huyện Vũ Bình, còn có ba huyện Dương Hạ, Chá, Khổ. Dù vậy, Tào gia sinh hoạt vẫn rất tiết kiệm, chớ nói là vàng bạc, châu ngọc, ngay đến vật dụng trong nhà cũng không hề chạm khắc, chẳng bằng bọn Tào Hồng, Lưu Huân, Hứa Du.
Tào Chương nói:
— Phụ thân có tiền không nỡ dùng cho mình, lại thưởng cho chúng tướng, đó là sự độ lượng mà chỉ Mạnh Thường Quân mới có... Không đúng, không đúng! Mạnh Thường Quân nào sánh được với phụ thân của chúng ta.
Còn Tào Thực lại lắc đầu quầy quậy:
— E là phụ thân không chỉ đơn giản muốn phân phát tiền tài cho chúng tướng. Tám phần là có nhiều dị nghị về việc viễn chinh Ô Hoàn, nên người ban chút ân huệ để mua chuộc nhân tâm thôi.
Lưu Đại liếc nhìn Tào Thực: “Tam công tử thật thông minh, cũng chính vì chuyện đánh Ô Hoàn mà ban nãy còn có một hồi tranh cãi nảy lửa!”
Từ Cán vẫn lo ngay ngáy:
— Phải mau chóng về thôi, mấy người chúng tại hạ đều có việc. Mặc dù hôm nay không phải trực ban, nhưng quân nghị quan trọng, chư vị công tử vắng mặt thì không sao, nhưng chúng tại hạ không thể đắc tội được!
Nguyễn Vũ, Ứng Sướng đều gật đầu.
— Được rồi... Lưu Trưởng sử được thăng quan, hôm khác nhớ phải mời bọn ta tới làm khách đấy! - Tào Phi nói đùa, dẫn mọi người ruổi ngựa vào thành, đi qua các con phố đến thẳng phủ châu mục, cất ngựa rồi chạy vội vào đại sảnh.
Họ vừa bước qua cổng trong đã thấy Tân Tỵ ôm một chồng công văn đi tới.
— Tá Trị! Phụ thân có hỏi gì bọn ta không? - Tào Phi vồ vập hỏi.
Hồi Tân Tỵ phản bội Viên thị, quy hàng Tào Tháo mấy chục mạng người trong nhà đều bị Thẩm Phối hại, Tào Phi thường xuyên hỏi han vỗ về, vì vậy có quan hệ rất tốt. Nghe Tào Phi hỏi vậy, ông ta ghé sát tai nói:
— Lão ngài đang nổi giận, các vị hãy cẩn thận!
Tào Phi lúc này mới biết sợ, vội sửa sang lại mũ áo, dẫn các đệ đệ tiến vào trong sân, cúi đầu bước lên sảnh, chẳng dám ngước mắt lên, chỉ lờ mờ nhận ra các mưu sĩ Tuân Du, Tuân Diễn, Hứa Du ngồi ở mé đông, còn Trương Liêu, Vu Cấm cùng với các tướng trung quân như Sử Hoán, Hàn Hạo ngồi ở mé tây, đang tranh luận với Tào Tháo. Tào Phi định trốn vào giữa đám người, nhưng vừa bước qua ngưỡng cửa đã nghe thấy tiếng quát nghiêm nghị của phụ thân:
— Ba đồ bỏ đi các ngươi, cút ra ngoài quỳ cho ta!
Chưa kịp hỏi gì đã bị mắng phủ đầu!
Gần đây, thế lực của Tào Tháo lớn mạnh, tính khí ông càng trở nên nóng nảy, huynh đệ Tào Phi không dám cãi lại, lấm lét lui ra ngoài hành lang, quỳ ngay ngắn. Bọn Tào Chân nghĩ bụng, con ruột còn bị phạt, con nuôi lại thoát được tội sao? Họ chẳng biết làm sao, lại không dám hỏi, cũng ra ngoài quỳ theo. Bọn Lưu Trinh, Từ Cán thì nhanh trí hơn, nhân lúc ầm ĩ đã lẻn đến chỗ đám quan lại, cúi đầu lần vào trong, coi như thoát nạn.
Cũng khó trách Tào Tháo lại tức giận, hóa ra quần liêu đang can gián ông vì chuyến viễn chinh. Đánh Ô Hoàn không đơn giản như Tào Tháo nghĩ, mặc dù ông đã có sự chuẩn bị, nhưng gần đến ngày xuất binh hầu hết tướng sĩ lại không muốn ra trận. Họ đánh trận ở Trung Nguyên, trên vì công danh, dưới vì vợ con, còn vượt nghìn trùng xa xôi liều mạng với người Hồ, thử hỏi có ai tình nguyện? Đến cả những kẻ hiếu chiến như Vu Cấm, Trương Liêu cũng viện cớ từ chối, khiến Tào Tháo bất đắc dĩ mới phải hạ sắc lệnh ban phát của cải cho chúng nhân nhằm mua chuộc nhân tâm, thúc đẩy chiến sự. Bầu không khí vừa mới lắng xuống đôi chút, Hình Ngung lại chạy tới bẩm báo, Điền Trù đã nhận lời dẫn đường đột nhiên lại từ quan bỏ đi. Còn chưa xuất quân, người dẫn đường đã bội ước, bọn Tuân Du, Tuân Diễn, Thôi Diễm lại được thể tiếp tục can ngăn, Tào Tháo rất phẫn nộ.
Thôi Diễm là một văn nhân, nhưng giọng nói vang tựa chuông đồng:
— Chúa công điều quân ra biên ải, nhỡ có sai sót gì thì làm sao? Xin ngài lấy Trung Nguyên làm trọng, chớ hành động khinh suất. - Ông ta nói thẳng thừng, không thèm để ý sắc mặt người nào.
Tào Tháo nén giận, tranh biện với ông ta:
— Kênh vận lương đã đào xong, há lại từ bỏ giữa chừng?
Hứa Du cũng ra sức phản đối:
— Nghe lời ta đi Tào A Man, sao ngài cố chấp vậy? Để mọi người nghỉ ngơi một thời gian, sau này tiến quân cũng chưa muộn. Tướng sĩ ba quân đánh trận nhiều năm mệt mỏi lắm rồi!
Tào Tháo nóng lòng nói:
— Nghỉ ngơi vào lúc này chẳng bằng bình định thiên hạ, sớm ngày hưởng thái bình!
Tuân Diễn vội vàng tiếp lời:
— Viên Thượng chỉ là bại trận đào vong, trong khi người Ô Hoàn lại tham lam vô tình, liệu hắn có thể sai khiến bọn chúng không? Nay ngài điều quân viễn chinh, nếu Lưu Biểu nhân lúc Trung Nguyên trống không mà phái Lưu Bị tập kích Hứa Đô. Khi đó đại quân đang giằng co với địch, không thể hồi kinh ứng cứu thì hối hận cũng không kịp! - Câu này có tình có lý, đến Tuân Du cũng phải gật đầu.
Tuân Diễn nói đúng điểm yếu, Tào Tháo đang không biết đối lại thế nào thì Quách Gia đứng một bên nói xen vào:
— Hữu Nhược nghĩ quá nhiều rồi. Chúa công mặc dù uy danh lừng lẫy thiên hạ, nhưng người Hồ ỷ ở xa tất không phòng bị. Quân ta nhân đó bất ngờ tấn công, có thể đánh tan bọn chúng. Viên Thiệu có ơn với người Ô Hoàn, Viên Thượng, Viên Hi vẫn còn có dư đảng. Nay bách tính bốn châu Thanh, Ký, U, Tịnh quy thuận chúng ta do sợ uy thế chứ chưa được nhận ơn huệ. Nếu lại bỏ việc đánh Viên Thượng mà nam tiến, Viên Thượng hẳn sẽ mượn sức người Ô Hoàn để chiêu nạp những kẻ nguyện bán mạng cho hắn. Mà một khi người Ô Hoàn nổi dậy, bách tính đều sẽ hưởng ứng, Đạp Đốn nếu có ý nhòm ngó, chỉ e đất Thanh, Ký không còn thuộc về chúa công nữa, khụ khụ... - Ông ta lấy hơi nói tiếp, - Còn Lưu Biểu ở Kinh Châu, bất quá là một tên khoác lác. Hắn tự biết mình không có khả năng sai khiến được Lưu Bị, nếu trọng dụng Lưu Bị thì lại lo không khống chế được; còn khinh bạc Lưu Bị thì Lưu Bị chẳng dốc sức cho hắn. Vì thế, chúng ta cứ việc dốc toàn lực đánh Ô Hoàn, Tào công không có gì phải lo lắng cả.
— Phụng Hiếu nói chí phải. - Những lời ấy nói đúng ý Tào Tháo, - Các ngươi không biết câu “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc” sao?
Mọi người chưa kịp bác lại, Lưu Đại đã quay về:
— Khải bẩm chúa công, sắc lệnh đã được ban xuống. Hiện có Hộ Ô Hoàn hiệu úy Diêm Nhu áp tải chiến mã của U Châu đến, tại hạ dẫn ngài ấy tới gặp chúa công.
— Cho hắn vào! Diêm Nhu ở biên cương nhiều năm, chúng ta hãy thử nghe ý kiến của hắn xem sao. - Tào Tháo lại tránh tranh luận với quần liêu.
Lát sau, một viên tiểu tướng ăn vận lạ lùng bước vào sân, huynh đệ Tào Phi quỳ ở hành lang ngước đầu nhìn lên. Thì ra chính là người ban nãy bắn rơi con nhạn.
Diêm Nhu cũng sửng sốt. Tào Chương tính tình nóng nảy, buột miệng nói:
— Đều tại tên tiểu tử nhà ngươi! Nếu ngươi không cướp mất con nhạn đó, bọn ta đâu phải tỉ thí thêm một vòng nữa, để rồi về muộn bị phụ thân phạt quỳ ở đây. Tất cả đều do ngươi hại!
Phụ thân? Diêm Nhu sợ đến nỗi tay chân cứng đờ, giờ mới vỡ lẽ họ là công tử Tào gia, nào dám đắc tội, vội thi lễ:
— Hóa ra các vị là công tử. Tại hạ đã mạo phạm, mạo phạm. - Vẻ ngạo nghễ lúc trước của Diêm Nhu tan hoàn toàn biến mất, còn tự vả vào miệng mình hai cái.
Tào Chương cười nói:
— Ngươi đúng là một tên nịnh bợ! Chớ bày trò ở đây nữa, còn không mau nghĩ cách giúp bọn ta đi.
— Dạ dạ dạ! Công tử đợi một lát, mạt tướng sẽ giải vây cho các ngài. - Diêm Nhu vén áo bước lên sảnh đường.
Tào Tháo thoáng thấy hắn thì thầm ở bên ngoài, nhưng không biết nói gì, niềm nở bảo:
— Tiểu tướng quân tặng ngựa gì cho lão phu vậy?
Diêm Nhu vẻ mặt tươi cười:
— Mạt tướng dâng lên chúa công ba trăm con ngựa tốt, đều do người Tiên Ti thuần dưỡng, rất béo và khỏe. Mạt tướng đã giao lại cho Biện Tư mã.
— Vất vả rồi, lão phu phải cảm tạ ngươi...
Tào Tháo chưa nói hết câu, Diêm Nhu đã quỳ sụp xuống:
— Minh công nếu muốn ban ân huệ cho mạt tướng, thì xin ngài miễn tội cho các công tử đang phải chịu phạt.
— Ngươi đã gặp chúng rồi?
— Mạt tướng trên đường đi qua phía đông thành, có gặp các vị công tử, còn cùng bắn nhạn nữa.
— Trùng hợp vậy. - Tào Tháo nói vọng ra bên ngoài, - Mấy tên vô dụng các ngươi vào cả đây!
Huynh đệ Tào Phi mặt mũi lấm lét bước vào nhận lỗi:
— Nhi tử biết sai rồi.
Tào Tháo gằn giọng nói:
— Ta giới thiệu với các ngươi, vị này là Hộ Ô Hoàn hiệu úy Diêm Nhu, thiếu niên anh dũng, tiếng tăm lẫy lừng! Nếu không nể mặt hắn, hôm nay ta phải phạt các ngươi quỳ đến tối! Lũ ham chơi các ngươi, liệu liệu mà học hỏi người ta đi!
Diêm Nhu mới ngoài hai mươi tuổi, nhưng cũng là một kỳ nhân thời loạn. Hắn là nhân sĩ U Châu, thuở nhỏ phụ mẫu mất sớm, lưu lạc khắp nơi, bị người Tiên Ti bắt làm nô lệ. Thế nhưng, Diêm Nhu thông minh lanh lợi, biết đối nhân xử thế, không chỉ biết tiếng Hồ mà còn giỏi cưỡi ngựa bắn cung, dần trở nên thân thiết với thủ lĩnh người Tiên Ti, Ô Hoàn. Trong lúc thiên hạ hỗn loạn, hắn xúi giục người Tiên Ti giết chết Ô Hoàn hiệu úy Hình Cử do triều đình nhận mệnh, ủng hộ hắn mới tí tuổi đầu lên thay. Từ đó, Diêm Nhu dẫn dắt một đội quân ô hợp gồm cả người Hồ và người Hán, giúp người Tiên Ti cướp phá người Hán, sau đó hỗ trợ Viên Thiệu đánh Công Tôn Toản, rồi lại theo Tào Tháo đánh Viên Thượng. Trong chục năm qua, hắn lật mặt như cắt, cứ gió chiều nào theo chiều ấy! Tào Tháo thấy Diêm Nhu là một tướng tài, không tính toán chuyện trước kia, cho hắn tiếp tục làm Ô Hoàn hiệu úy.
Huynh đệ Tào Phi liên tục cảm tạ, Tào Chương tùy tiện nói:
— Tiểu tử nhà ngươi cũng có bản lĩnh đấy, bắn trúng chim ở cách xa hơn trăm bước, đúng là thần tiễn!
Diêm Nhu chưa kịp đáp lời, Thôi Diễm đã xen vào:
— Pháp ngôn có câu: “Tu thân dĩ vi cung, kiểu tư dĩ vi thi, khứ nghĩa di vi đích. Điện nhi hậu phát, phát tất trung hĩ.”(*) Nếu các công tử có thể lấy việc tu thân và lấy nhân hiếu làm gốc, ngày sau ắt làm nên thành tựu.
Mọi người nghe vậy đều kinh sợ: con cái Tào Tháo có tốt xấu thế nào cũng đâu tới lượt ông quản! Nhưng Thôi Diễm không chịu được cái gai trong mắt, cứ muốn xía vào.
Không ngờ Tào Tháo còn đồng tình với ông ta:
— Thôi Trưởng sử nói rất đúng, các ngươi hãy học đạo làm người cho tốt vào!
Diêm Nhu rất hiểu chuyện, vội hòa giải:
— Thực ra các công tử đều rất oai dũng, ban nãy mạt tướng tận mắt trông thấy các công tử bắn trăm phát trăm trúng, vị nào cũng ngang sức mạt tướng. Phụ tử Tào công quả là hào kiệt đời nay!
— Đúng vậy, đúng vậy, phụ tử anh hùng... - Không ít người ngoài miệng đều hùa theo, nhưng trong bụng cười thầm: khá khen tên tiểu tử dẻo miệng, giỏi nịnh nọt, thảo nào tuổi còn trẻ đã được làm Ô Hoàn hiệu úy!
Tào Tháo thừa biết Diêm Nhu phỉnh nịnh, nhưng vẫn vui vẻ nói:
— Chớ khen bọn chúng, chúng sao sánh được với ngươi? Lão phu có được đứa con như ngươi thì tốt biết mấy.
Đó chỉ là câu nói khách sáo, nào ngờ Diêm Nhu thuận nước dong thuyền:
— Nếu minh công coi mạt tướng như con, thì mạt tướng cũng sẽ coi minh công như cha! Ngày sau mạt tướng nhất định hiếu kính với ngài như với phụ thân mình, ngài để mạt tướng trấn giữ biên cương, còn gì không yên tâm? - Diêm Nhu nói nịnh nhưng trong lòng lại thầm tính toán, hắn cát cứ nhiều năm mà không phải người của Tào doanh, nên phải kéo gần quan hệ mới mong đứng vững được!
Quần liêu nghe hắn nịnh bợ lộ liễu, không nhịn được tặc lưỡi, nhưng Tào Tháo lại vui vẻ đón nhận:
— Ngươi sàn sàn tuổi chúng, coi ngươi là nhi tử cũng được. Ta đang muốn hỏi ngươi, lão phu có ý muốn đánh Ô Hoàn, ngươi thấy việc này thế nào?
Bọn Tuân Diễn nghe ông hỏi vậy, trong lòng đều chán nản: tên giảo hoạt này không tán thành mới lạ!
Quả nhiên, Diêm Nhu ra sức ca ngợi:
— Tào công anh minh! Ô Hoàn gây hại đã lâu, tại hạ thân là Hộ Ô Hoàn hiệu úy sớm đã muốn thảo phạt bọn chúng, tiếc là binh mã không đủ, lại gánh trọng trách triều đình giao phó. - Hắn chỉ là tên hiệu úy tép riu, triều đình nào có giao phó điều gì? Diêm Nhu diễn trò xu nịnh, còn lắc đầu thở dài như thật, - Minh công có lẽ không biết, Liêu Tây là đất nhiều ngựa, người Ô Hoàn lại giỏi thuần dưỡng, nếu chúng ta có thể khuất phục tộc này, để bọn họ chăn ngựa cho Trung Nguyên, tại hạ tin rằng quân kỵ của ta ắt có thể tung hoành khắp thiên hạ.
Diêm Nhu ít nói nhưng câu nào cũng chạm vào tâm khảm Tào Tháo, lại đưa ra thêm một lý do để viễn chinh. Tào Tháo mừng rỡ, hỏi các mưu sĩ:
— Các ngươi nghe thấy chưa? Đây chính là lời của Ô Hoàn hiệu úy.
Tham quân Trọng Trường Thống bước ra khỏi hàng can gián:
— Chúa công há vì cái lợi nhỏ mà...
Tào Tháo bực bội quát:
— Ngươi là một văn nhân, hiểu gì việc quân mà dám nói năng tùy tiện.
Trọng Trường Thống nghẹt thở, mặt mũi đỏ bừng. Kỳ thực, Tào Tháo trách mắng Trọng Trường Thống không chỉ vì ông ta ngăn cản việc dụng binh, mà chủ yếu do ông ta được bọn Tuân Úc tiến cử.
Suốt buổi tranh luận mới chỉ có một mình Quách Gia tán thành dụng binh, giờ có thêm một tên Diêm Nhu nữa, Lâu Khuê từ đầu đến cuối không nói gì, thấy Tào Tháo kiên quyết như vậy, đành thở dài nói:
— Cũng được, tại hạ theo ngài đi Liêu Tây một chuyến vậy.
— Được, vẫn là lão bằng hữu hiểu ta. - Tào Tháo thấy Lâu Khuê đã đồng ý, lại quay sang nhìn Hứa Du. Nhưng Hứa Du chẳng nói chẳng rằng quay mặt đi chỗ khác. Ông ta không muốn tới nơi xa xôi chịu khổ đây mà. Tào Tháo không hài lòng, nhưng nghĩ đến giao tình trước đây, không tiện nói nặng lời trước mặt chúng nhân, chỉ hỏi Hình Ngung, - Điền tiên sinh đã đi rồi, một mình tiên sinh có thể dẫn đường được không?
Hình Ngung quả quyết:
— Tại hạ thuộc làu đường đi lối lại, tuyệt sẽ không có sai sót.
Sử Hoán vẫn thấy việc này không ổn, muốn tiếp tục can gián, nhưng Hàn Hạo kéo tay áo ông ta, khẽ nói:
— Nay, binh lực quân ta hùng mạnh, lừng lẫy bốn biển, đánh đâu thắng đó. Không nhân lúc này mà trừ họa trong thiên hạ, tất tạo thành nỗi lo ngày sau. Chúa công uy vũ, liệu kế như thần, tướng lĩnh trung quân chúng ta chớ nên ngăn cản nữa.
Hàn Hạo nói giọng vừa phải, nhưng Tào Tháo vẫn nghe được rõ ràng, nên rất hài lòng:
— Hàn Hạo, Sử Hoán nghe lệnh.
— Có mạt tướng! - Hai tướng vội bước lên phía trước một bước.
— Các ngươi dẫn dắt trung quân có nhiều công lao, nay tấn phong một bậc. Hàn Hạo làm Trung hộ quân, Sử Hoán làm Trung lĩnh quân(*), được phép bổ nhiệm các chức Trưởng sử, Tư mã, thay lão phu xử lý công chuyện trong doanh. Nếu như lần này thắng trận, ta sẽ dâng tấu đề bạt các ngươi làm Đình hầu! - Hai chức vị đó vô cùng quan trọng, từ trước tới nay mọi việc trong trung quân đều do Tào Tháo tự mình sai phái, nay lại ủy thác hết cho Hàn Hạo và Sử Hoán, còn cho phép bọn họ nhận mệnh chức quan dưới quyền. Điều này không chỉ thể hiện sự tín nhiệm mà còn là một vinh dự lớn lao dành cho họ.
Chúng tướng nhanh chóng nhận ra, chỉ cần ủng hộ việc viễn chinh sẽ lập tức được thăng quan tấn chức, còn ai muốn phản đối nữa? Vu Cấm là người đầu tiên bước ra khỏi hàng, lời lẽ hoàn toàn trái ngược với thái độ lúc nãy:
— Chúa công đã quyết ý, mạt tướng nguyện làm tiên phong.
Trương Liêu cũng nói:
— Mạt tướng nguyện xông vào nơi nước sôi lửa bỏng cũng quyết không từ!
Tiếp đến bọn Nhạc Tiến, Chu Linh, Từ Hoảng, Lý Điển, Trình Dục cũng rối rít xin được xuất chinh.
— Được, được lắm. - Tào Tháo gật gù, đoạn cầm bút viết gì đó, đến khi chúng tướng dứt lời, ông ném cho kí thất Trần Lâm, - Ngươi tuyên đọc thay lão phu.
— Dạ. - Trần Lâm nhận sắc lệnh, đọc dõng dạc, - Võ lực cao siêu, mưu tính cẩn mật, trung hậu thuần nhất, biết giữ tiết nghĩa. Mỗi khi lâm trận, thường làm tướng soái, phấn sức xông vào gian khó, không có chỗ kiên cố nào không phá được, lại thường tự tay thúc trống, không biết mỏi mệt. Mỗi khi nhận lệnh chinh phạt, thống lĩnh toàn quân, vỗ về bộ hạ, trên dưới hòa thuận, khiến họ tuân theo mệnh lệnh, không có sai phạm, đối diện quân địch mà quả quyết dứt khoát, chẳng sai sót gì. Luận công xét thưởng, nên ban thêm ân sủng vẻ vang.
Chúng tướng đang suy đoán xem ai được đánh giá cao như vậy, thì Tào Tháo đứng dậy nói:
— Vu Văn Tắc, Nhạc Văn Khiêm, Trương Văn Viễn nghe sắc phong!
— Có mạt tướng! - Ba tướng cùng quỳ xuống.
— Ba người các ngươi nhiều lần thắng trận, chiến công hiển hách, từ nay ta tấn phong Vu Cấm làm Uy Vũ Tướng quân, Nhạc Tiến làm Chiết Xung Tướng quân, Trương Liêu làm Đăng Khấu Tướng quân, đứng đầu chúng tướng! - Việc phong quan vốn phải dâng biểu lên triều đình, nhưng lúc này Tào Tháo tự ý quyết định, chẳng thèm ăn nói giả cách.
Ba võ nhân này đâu có nghĩ nhiều như vậy, trong mắt họ trước nay chỉ có Tào Tháo, nào có thiên tử:
— Mạt tướng xin xung phong đi đầu, không phụ sự kỳ vọng của chúa công! - Nhưng cũng từ đây, sự tranh đấu nội bộ giữa ba tướng ngày càng gay gắt.
Người được phong thưởng muốn tiến thêm trên con đường tiến thân, còn kẻ chưa thụ phong lại ấm ức không phục. Chu Linh vốn không ưa Vu Cấm, lại cũng có nhiều công lao, tức đến nỗi nghiến răng nghiến lợi. Lý Điển cũng phật ý nhưng lòng dạ thâm sâu, không thể hiện ra nét mặt, chỉ thầm nghĩ: “Tôi theo ngài cử binh từ lúc còn chưa đến tuổi nhược quán, khi dẹp loạn Duyện Châu, Lý thị có công đánh đuổi Lã Bố, mấy năm sau này lại cùng Nhạc Tiến hợp lực chiến đấu, kẻ tám lạng người nửa cân. Tôi dâng lương thực trong trận Quan Độ, giải vòng vây ở gò Bác Vọng, đưa quân vượt bến Lê Dương, dựa vào đâu Nhạc Tiến được phong thưởng, còn tôi thì không? Chẳng lẽ vì Lý gia có công lao quá lớn ư?...”
Chúng tướng đều đã ủng hộ Tào Tháo, các mưu sĩ đành chịu bó tay, Tào Tháo liếc nhìn Tuân Diễn:
— Hưu Nhược, ngươi làm Đô đốc ở Hà Bắc quá vất vả, phải lo lắng nhiều việc, khó tránh khỏi có những chuyện suy nghĩ không được chu toàn. Ta thấy ngươi cũng nên nghỉ ngơi, từ nay chuyển làm Lưu phủ tham quân, đỡ phải lao lực.
Tuân Diễn thót tim: vậy chẳng phải là muốn đoạt binh quyền của ta sao?
Tuân Du vội nói lời khuyên ngăn:
— Hưu Nhược coi việc quân ở Hà Bắc mấy năm nay, xe nhẹ quen đường cả rồi, tướng sĩ đều tín phục ông ấy. Nay chúa công muốn xuất chinh mà lại đổi chức vị này, lấy ai trông coi quân vụ?
— Ta lo việc này! - Từ ngoài sảnh đường bỗng vọng vào một giọng nói cao vút. Mọi người quay lại nhìn, một viên tướng trung tuổi, chòm râu lốm đốm bạc tiến vào. Ông ta dáng người không cao, tướng mạo dữ tợn, con mắt bên trái được che lại bằng miếng vải đen, còn con mắt bên phải sắc lạnh khiến người khác khiếp sợ. Đó chính là Kiến Vũ Tướng quân Hạ Hầu Đôn.
Ai cũng biết Hạ Hầu Đôn có thân phận ngang hàng Tào Tháo, ông ta làm tổng đốc quân vụ Hà Bắc, kẻ nào dám không phục? Tuân Du cảm thấy kinh ngạc, mấy ngày trước quân báo còn nói Hạ Hầu Đôn đang ở Tịnh Châu, sao ông ta lại thình lình có mặt ở Nghiệp Thành rồi? Tuân Du thấy Tào Tháo chẳng có chút ngạc nhiên nào. Thì ra việc này được sắp đặt từ trước, ông ta đã sớm muốn đoạt hết binh quyền của Tuân Diễn.
Tuân Diễn và Tuân Du đưa mắt nhìn nhau, chẳng ai nói gì nhưng đều hiểu cùng một ý: Sóng ngầm đang từ từ dâng lên, Tuân Úc bị nghi kỵ khiến cả gia tộc Tuân thị đều chịu liên lụy, Tào Tháo đang từng bước loại bỏ tầm ảnh hưởng của nhà họ Tuân.
— Nguyên Nhượng, đi đường vất vả rồi. - Tào Tháo mỉm cười đắc ý.
Hạ Hầu Đôn cũng cười nói:
— Mạt tướng nhận lệnh há có thể nói là vất vả? - Ông ta vốn đóng quân ở Hứa Đô, sau khi diệt được Cao Cán, Tào Tháo lại vội vàng đưa quân đánh Thanh Châu, nên đã điều ông ta đến Tịnh Châu cùng Thứ sử Lương Tập mới nhận chức xử lý hậu chiến. Vài tháng sau, Tào Tháo lại bí mật triệu ông ta tới Nghiệp Thành. Hạ Hầu Đôn chạy tới chạy lui cũng không nhàn nhã gì.
— Tốt lắm! Ta tấn phong ngươi làm Phục Ba Tướng quân, thêm một ngàn tám trăm hộ thực ấp, lĩnh chức Hà Nam doãn, có quyền tùy nghi hành sự, không phải câu nệ phép tắc. Khi ta không ở Hà Bắc, tất cả quân vụ do ngươi xử lý, không có biến cố gì hệ trọng thì không cần bẩm báo lại với ta.
Hạ Hầu Đôn là Cao An Hương hầu, ấp phong chỉ có bảy trăm hộ, nay được hưởng đến tận hai ngàn năm trăm hộ, thành người có tước vị cao nhất chỉ sau Tào Tháo. Ông ta ở Nghiệp Thành mà lĩnh chức Hà Nam doãn, nghĩa là dù không ở Hứa Đô, quân vụ ở kinh sư vẫn do ông ta tiếp quản. Câu “có quyền tùy nghi hành sự, không cần câu nệ phép tắc” còn cho thấy ông ta được phép tiền trảm hậu tấu, khi xử lý những việc cấp bách không phải để ý đến pháp lệnh của quốc gia. Đủ thấy người Tào Tháo tin cậy nhất vẫn là Hạ Hầu Đôn, cùng với việc nảy sinh mâu thuẫn với Tuân Úc, Tào Tháo càng coi trọng ông ta hơn.
Hạ Hầu Đôn chắp tay nói:
— Mạt tướng nhận chức trách, nhưng xin từ chối tước vị
— Tước vị không cao thì dân không kính, bổng lộc không hậu thì dân không tin. Ta dựng uy tín cho ngươi để sau này ngươi làm việc được thuận lợi hơn, chớ có từ chối.
— Nếu vậy... Mạt tướng xin tiếp nhận. - Hạ Hầu Đôn chắp tay khấu tạ.
— Giữa chúng ta đâu cần hành lễ. - Tào Tháo xua xua tay, nhìn một lượt các mưu sĩ, - Các vị còn muốn nói gì nữa không? - Chuyện đã tới nước này còn nói gì được? Tuân Du, Trọng Trường Thống, Tuân Diễn, Thôi Diễm đều cúi gằm mặt. - Mọi người không có ý kiến gì khác, vậy quân sư và Phụng Hiếu theo quân nghe sai phái, Hình tiên sinh dẫn đường, Diêm Nhu làm tiên phong. Toàn quân nghỉ ngơi một ngày rồi nhổ trại xuất chinh!
Vậy là tháng hai năm Kiến An thứ mười hai, Tào Tháo kiên quyết viễn chinh trong khi vẫn còn nhiều dị nghị. Tám vạn đại quân hừng hực khí thế bắt đầu xuất phát từ Nghiệp Thành, kỵ binh đi trước bộ binh theo sau, đao thương tựa bông lau, kiếm kích tựa rừng đay, xe chở quân nhu nhiều vô số kể. Đến địa bàn của một dân tộc khác, phong thổ không giống với Trung Nguyên, tất cả lều trại khí giới quân Tào cần dùng đều được chuẩn bị đầy đủ từ trước. Cả đội quân rầm rộ hành quân dài đến mấy dặm, trận thế rất uy vũ, nhưng điều này cũng làm chậm quá trình tiến quân. Tướng sĩ ba quân lặn lội trên con đường đầy cát bụi mất ba tháng mà mới đến được huyện Dương, thuộc địa phận U Châu - chưa được nửa đường, vẫn còn cách Liễu Thành rất xa.
Quách Gia lần thứ hai hiến kế:
— Dụng binh quý ở chỗ thần tốc. Nay ta tiến quân từ ngàn dặm, quân dụng quá nhiều, khó giành được lợi thế, huống hồ quân địch biết tin tất bố trí phòng bị. Chi bằng bỏ quân nhu lại, để bộ binh nhẹ nhàng ngày đêm lên đường, bất ngờ đánh úp.
Tào Tháo theo kế ấy, chọn ra hai vạn quân tinh nhuệ, gồm cả đội hổ báo kỵ trung quân tới trước huyện Vô Chung là biên giới của người Hồ, Hán.
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 7