Hope is important because it can make the present moment less difficult to bear. If we believe that tomorrow will be better, we can bear a hardship today.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1719 / 40
Cập nhật: 2015-09-30 23:32:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tấn Kịch Khan Nhà
ỗi người còn một xấp áp-phích dầy, nhưng họ đã mệt và khát lắm. Mấy thuở mà đồng nghiệp gặp nhau, nên họ đồng lòng đình việc dán giấy lên tường, kéo nhau vào tiệm nước.
Trời còn nắng chang chang, thế mà dân Sài-gòn đã bắt đầu đi ra ngoài rồi.
Từng cặp, rồi từng cặp, họ đi từ đâu không biết, để đến những nơi giải trí khác nhau tùy theo sở thích của họ.
Bỗng anh Nhẫn chỉ tay ra đường nói:
- Coi kìa!
Cả ba đều dòm ra, nhìn theo hướng ngón tay anh chỉ.
Một người đàn ông độ trên ba mươi, đẹp trai và còn trẻ lắm đối với tuổi tác khó giấu được lộ ra trên gương mặt của ông ta, đang khoát tay một người đàn bà độ bốn mươi, đen đúa, mặt rổ sâu, mắt lé, răng hô trếch ra.
- Rõ là xứng đôi!
- À, cái thằng cha nầy tôi biết mà; anh Búp khoe. Va mới cưới vợ. Cái người đàn bà... chắc đó là vợ mới cưới của va đa.
Rồi Búp kể: "Anh ta từ thuở giờ sống độc thân, vì kén vợ lắm. Anh ta có chỗ làm, lương cũng khá nhưng lại không nhà ở. Đậu bạc với người nầy đã rồi với người khác, cực quá, thét rồi anh ta quyết định cưới vợ, cưới một người vợ có nhà. Con gái đẹp thì cô nào cũng ở bám theo cha mẹ hết. Chạy cả năm mà không ra một bà vợ có nhà riêng. Tháng rồi anh ta đau, cái ông bạn cho ở đậu đó, hất hủi anh ta thế nào mà anh ta tức mình cưới ngay con mẹ đàn bà góa nầy vì chị ta có một căn phố khá đẹp."
Búp thêm: "Thật là nạn khan nhà đã gây nhiều tấn kịch đau đớn và buồn cười."
Anh Khê, nãy giờ làm thinh, vụt cười ha hả:
- Anh là nhà quê mới ra chợ, thấy cái gì cũng khen là đẹp. Câu chuyện xoàng như vậy mà anh cho là tấn kịch buồn cười à? Anh hãy nghe chuyện sau đây, rồi anh thấy chuyện anh là chuyện xảy ta ngày một.
Uống rốc ly cà-phê đá, Khê lại châm một điếu thuốc:
"Tôi nói điều nầy, mấy anh tin hay không, mặc mấy anh. Nhưng tôi phải nói, không phải để khoe, mà để cho đầy đủ câu chuyện.
"Tôi trước kia là dân thầy đấy."
Búp và Nhẫn đều ngước lên một lượt, nhìn lại gương mặt anh Khê dán áp-phích, coi còn mang dấu vết nào của hạng dân thầy chăng.
Khê tiếp:
"Trước tôi làm ở hãng S...Vợ chồng tôi ở đậu với bà phán Trọng, ỏ đường G., người đồng hương. Vô tiền nước năm ngàn, vợ chồng tôi ở buồng ngoài.
"Bà phán không con, chúng tôi chỉ có hai vợ chồng nên cũng dễ chịu. Phố rộng, tương đối chứa ít người, con tôi lại ngoan, nên chúng tôi sống thật êm thắm trong ba năm trời.
"Bà phán không lấy gì làm khá, nên bày ra làm bánh đếm cho các quán, các tiệm cà-phê.
"Ban đầu làm ít, sau mối nhiều quá bà phải kêu ba bốn tay phụ mới xong công việc.
"Năm đó bà bịnh dây dưa hai ba tháng, nên lại phải kêu một cô thợ làm bánh, thế cho bà, điều khiển các tay phụ kia.
"Cô tư Tâm nầy là một người thợ giỏi, lại tánh tình thùy mị, ngay thật, nên nội nhà ai cũng mến và nể cô.
"Cuộc sống cứ êm đềm như vậy mà trôi chảy cho đến tháng sáu năm đó thì cô sáu Trà, em út của bà phán, ở đâu đến.
"Theo chỗ chúng tôi biết thì cô ta có chồng dưới tỉnh. Vợ chồng cô, vì lẽ gì không rõ, đều lên hết trên Sài-gòn. Cô đi thăm chị để kiếm chỗ ăn ở cho vợ chồng cô.
"Một hôm, vợ chồng tôi nằm ngủ trưa thì tôi nghe trong buồng, cô sáu nói nho nhỏ vói bà phán: "Hay là chị đuổi vợ chồng thầy Khê đi, cho vợ chồng em mướn phía trước?".
"Bà phán đáp: "Người ta tử tể quá, tôi đuổi sao cho đành. Vả lại pháp luật cũng chẳng cho đuổi ngang như vậy."
"Tôi không lo lắng gì hết; quả thật bà phán không thể đuổi tôi, dầu cho bà có muốn ở xấu với tôi đi nữa.
"Một đêm kia, lúc nội nhà đang an giấc thì tiếng la bài hãi trong buồng trong, đánh thức tôi dậy.
"Đó là tiếng của cô tư Tâm. Tôi muốn kiếm hộp quẹt. Tức quá, các thức cần dùng sao mà biến đi đâu mất khi mình kiếm nó. Mò mãi mà không thấy bao diêm, tôi quờ quạng đi vào buồng.
"Cô Tâm ngủ trên chiếc ghế bố gần công-tắc đèn điện. Trong nhà bao nhiêu miệng đều hỏi: "Gì đó, gì vậy?" mà không ai chịu vặn đèn.
"Tôi làm thinh, mò lại công-tắc, vặn cái cắc.
"Đây là cảnh tượng trong buồng:
"Cô Tâm đã ngồi dậy, tóc rối nùi, mặt bơ phờ. Bà phán và cô sáu đều chơn trên, chơn dưới tại giường họ.
"Tất cả đều nhìn tôi, khi ánh đèn soi sáng gian phòng.
- Cái gì đó Tư? bà phán hỏi.
- Thưa bà, ai mò tôi... Đàn ông, tôi chắc như vậy, vì tôi chụp đầu nó, đụng tóc thì biết.
"Bấy giờ vợ tôi đã theo vô.
"Cô sáu hỏi: "Trong nhà có tôi tớ đàn ông con trai không?"
- Không. Bà phán đáp. Rồi tất cả lại nhìn tôi. Giây lâu, bà phán thở ra.
- Tôi không nghi quấy cho ai hết. Nhưng nội nhà chỉ có thầy là đàn ông. Khi đèn cháy, thầy lại ở ngay đầu ghế bố của con Tư. Vậy, cô Ba (chỉ vợ tôi) hãy xét lấy mà xử giùm.
"Trời ơi, thế tôi là thủ phạm à? Tôi thừ ra, bủn rủn tay chơn, không còn biết đâu mà cãi nữa.
"Vợ tôi cũng ngây người như bị một vố mạnh vào thần kinh hệ.
"Nó lôi bừa tôi ra đằng trước, và suốt đêm đó, lẽ tự nhiên là tôi bị tụng không sao ngủ được.
"Cô tư Tâm là bạn của nó thì tôi làm như vầy nó còn mặt mũi nào ngó cô ta nữa. Nên chi sáng ngày nó quyết định dọn đi.
- Mà anh... có hay là không?
- Nếu có thì tôi thuật ra đây làm gì.
- Thế sao anh không cãi, ít ra với vợ anh?
- Khổ quá! Trong nhà quả không có đàn ông trừ tôi ra, mà cô Tâm lại là người ăn chắc nói chắc, dầu không có, tôi cũng đến phải tưởng là có, có trong lúc tôi ngủ mê, bị chứng thụy du. Tưởng như vậy vì thực ra, trong thâm tâm, tôi cũng... muốn cô Tâm. Biết đâu, trong lúc ngủ mê... Cả ba đều cười ầm lên.
"Vợ. chồng tôi lang thang mấy ngày trên vỉa hè, mới tìm được một căn phố lá.
"Lẽ tự nhiên trong mấy ngày đó tôi rầu đến quên tới sở, nên bị đuổi, thất nghiệp, đói khát hàng tháng mới kiếm được chỗ dán áp-phích nầy.
- Nhưng câu chuyện anh vừa kể dính dáng thế nào tới vụ khan nhà? Búp hỏi như vậy. Khê không kịp đáp vì Nhẫn tiếp theo câu sau đây:
- Nỗi oan cua anh thật to bằng oan Thị-Kính. Và anh cũng giống Thị-Kính ở chỗ lì đầu mà chịu chớ không tự tử. Tôi thì tôi đã...
- Ai dại gì chết bậy như thế. Vả lại tôi được một nguồn an ủi thật là dịu dàng do cái oan ấy ban cho. Nên tôi yêu đời hơn bao giờ hết. Để rồi tôi kể tiếp các anh nghe. Còn đây là chỗ dính dáng đến vụ khan nhà.
Hai tháng sau, một hôm thình lình tôi gặp cô tư Tâm.
Tôi còn đang do dự không biết nên dừng chơn lại nện cho cô ta môt trận nên thân, hay nên lánh mặt vì đã xuống chơn quá trong nghề mới nầy thì cô hối hả chạy lại:
- Trời ơi! Thầy ba. Mấy tháng nay em kiếm thầy hết sức mà không được. Nói có bấy nhiêu rồi cô òa lên khóc.
Cái gương mặt dễ thương kia mà khóc thì nó lại càng dễ thương biết bao. Nên chi tôi không giận cô được nữa. Mặc dầu vậy, tôi cũng mỉa mai:
- Cô kiếm tôi đặng phao vu điều gì nữa đó?
- Tôi nghiệp em lắm thầy ba ôi! Thầy mà biết được ẩn tình bên trong, em chắc thầy sẽ tha thứ cho em, cô Tư nói thế mà đôi mắt van lơn cầu khẩn nài xin một sự khoan hồng rồi phân trần:
- Số là cô sáu Trà cổ xin với bà chủ đuổi thầy với cô đi cho vợ chồng cổ ở. Bà chủ không biết tìm cớ gì để mà đuổi thầy cô nên cô sáu Trà mới bày ra mưu phao vu cho thầy như vậy và bắt tôi thủ vai nạn nhơn giả.
Tôi phản đối, họ đòi đuổi tôi, và vì chén cơm mà tôi phải bất nhơn.
"Nghe qua, tôi nhõm người. Thì ra nỗi oan của tôi đã có người giải cho mà người đó chính là người vu oan cho tôi.
"Cho hay con người xấu xa cũng tại chén cơm mà ra. Cái cô Tư đẹp đẽ nầy chỉ diễn trò mà thôi. Còn chán vạn cô Tư khác, vì chén cơm, dám làm nhiều điều nhơ nhớp hơn.
"Tôi không khinh cô Tâm nữa. Trái lại, tôi còn thương hại cô ta, tìm lời an ủi cô. Tôi an ủi giỏi đến thế nào không biết mà ngày hôm đó, chúng tôi yêu nhau.
- Thế là lại được an ủi trở lại, cho bỏ cái xấu hổ trước kia?
- Chính thế.
- Bây giờ chị đã biết sự thật chưa?
- Làm sao biết được. Tôi đâu còn dám cho cô Tâm gặp mặt nó để nói sự thật ra. Sợ e đổ tùm lum cái sự thật thứ nhì bỏ mẹ.
Vì thế lâu lâu vợ tôi nó lại véo tôi, nhắc chuyện cũ mà cằn nhằn. Tôi chỉ cười hóm hỉnh, vẻ mặt bí mật lạ lùng.
Nó tức giận quát:
- Hứ! Cái thứ đàn ông gì mà cố lì, như vậy mà còn cười được.
Tâm Trạng Hồng Tâm Trạng Hồng - Bình Nguyên Lộc Tâm Trạng Hồng