Books are the quietest and most constant of friends; they are the most accessible and wisest of counselors, and the most patient of teachers.

Charles W. Eliot

 
 
 
 
 
Tác giả: H.y.schandler
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Nguyễn Mạnh Hà
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1328 / 40
Cập nhật: 2016-07-14 17:40:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6: Xin Thêm Quân
gày 12 tháng 2 năm 1968, Đại tướng Wheeler thông báo cho Tướng Westmoreland biết rằng ông đang nghĩ đến một cuộc hành trình sang Việt Nam trong vài ngày tới để "trực tiếp lấy ý kiến của Đại tướng về tình hình và những biện pháp sưa đổi cần thiết" (1).
Bây giờ lực lượng tăng cường đã được gửi đi và nhịp độ ban hành quyết định ở Washington đã chậm lại, dường như trạng thái bình thường đang trở lại với tổ chức lãnh đạo công quyền tại Hoa Kỳ. Tổng thống đồng ý với Đại tướng Wheeler là ông phải đến Việt Nam để tìm hiểu xem Đại tướng Westmoreland phải cần những gì để thỏa mãn nhu cầu hiện tại cũng như ông ta có thể cần gì trong năm tới về lực lượng, thiết bị và các mặt yểm trợ khác (2).
Trong điện văn gửi Đại tướng Weslmoreland thông báo cuộc tham quan của ông, Đại tướng Wheeler cho biết mục tiêu rộng lớn của chuyến đi: “Như Đại tướng phỏng đoán, Chính phủ đang đứng trước những quyết định gay go trong tương lai gần liên quan đến khả năng tăng quân cho Đại tướng, bù đắp lực lượng dự bị chiến lược tại lục địa Hoa Kỳ và tranh thủ sự yểm trợ cần thiết của lập pháp và mặt ngăn cách và ấn định quyền hạn. Tổng thống và Bộ trưởng McNamara quyết định hoãn xem xét các vấn đề quan trọng đang tiến hành cho đến khi trở về" (3)
Đại tướng Westmoreland quan tâm đến ý nghĩa quan trọng của đoạn văn này trong công điện. Theo ông, đó là dấu hiệu của chính phủ sẵn sàng từ bỏ chiến lược tăng dần đã theo đuổi và cho ông quân và quyền hạn mà ông hằng mong muốn để chấm dứt chiến tranh trong hạn định hợp lý".
Đại tướng Westmoreland cảm thấy ông đã thấy được vài chứng cớ là “Tổng thống và các cố vấn của ông tiếp thu những đề nghị về một chiến lược mới. Có những dấu hiệu của Washington và cả Bộ Tổng tư lệnh Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương ở Hawaii cho thấy đã có một nhận định mới về chính sách quốc gia, có thể đưa đến hậu quả là sẽ tăng mức số quân tối đa lên trên mức đã được ấn định trước (4).
Ngày 4 tháng 2. Đại tướng Wheeler cho biết Nhà Trắng đang xem xét các cuộc tấn công đánh lạc hướng địch, hoặc ở phía Bắc vùng phi quân sự hoặc ở phía đông nước Lào để giải tỏa áp lực tại Khe Sanh (5)
Ngày 5 tháng 2, Đô đốc Sharp thông báo Đại tướng Westmoreland là có thể có vài chiều hướng ở Washington muốn “đưa đi mức số quân tối đa" trong cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Mc Namara nhân dịp gặp gỡ báo chí ngày hôm qua. Đô đốc Sharp cho biết ông Bộ trưởng không loại trừ khả năng tăng thêm lực lượng ở Nam Việt Nam, nhưng tuyên bố là các vị chỉ huy quân sự chưa bày tỏ nhu cầu đó... có thể bây giờ là lúc phải ước tính những nhu cầu xin thêm” (6).
Ý nghĩa trên đây cho rằng một sự thay đổi chiến lược là cần thiết, lại đã rất phù hợp với ý nghĩ của chính Đại tướng Westmoreland: “tôi dự tính một đường lối mới để giải quyết chiến tranh nhằm nắm lợi thế đúng vào lúc địch suy yếu rõ ràng,trong khi sự thất bại của ta trên chiến trường là tạm thời, thì tình hình của địch theo như diễn tiến trong tháng 2 đã chứng tỏ sự thất bại của địch là thảm bại” (7).
Trong lần nhận định đầu tiên về nhu cầu tương lai ngày 2 tháng 2, Đại tướng Westmoreland tuyên hố ưu tiên số 1 của ông là hiện đại hóa nhanh chóng quân lực Việt Nam cộng hòa để họ có thể đảm trách phần lớn hơn trong cuộc chiến đấu xếp vấn để xin thêm một sư đoàn Hoa Kỳ và một sư đoàn Nam Triều Tiên vào ưu tiên thứ ba. Ở thời điểm này, như đã trình bày ở trên, chính phủ đã không chấp thuận nhu cầu dài hạn của ông vì chính phủ quá dao động sau vụ tấn công Tết và vụ vây hãm Khe Sanh.
Khoảng 12-2, Đại tướng Westmoreland đã dự kiến xa hơn và đã đưa ra những quan điểm của ông về nhu cầu cho một chiến lược mới:
Từ trước đến nay vẫn được quan niệm là một cuộc chiến tranh hạn chế với những mục tiêu hạn chế, chiến đấu với những phương tiện hạn chế và cũng đã đặt ra mọi chương trình để sử dụng những tiềm lực hạn chế. Đó là điều được đề ra và có thể tiến hành được đặt giả thuyết là địch chiến đấu trường kỳ.
Bây giờ thì chúng ta lại gặp một trận đấu mới, phải đương đầu với một kẻ địch có quyết tâm, có kỷ luật cao độ, cơ động đầy đủ để có thể đạt một chiến thắng nhanh gọn. Họ đang muốn tung hết vào chiến trường "mọi vốn liếng quân sự để được ăn cả ngã về không".
Tôi cũng cần phải nhấn mạnh là chúng ta đang đứng trước một tình thế có nhiều thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên ở đây thời gian cũng là một điều chính yếu. Tôi chưa thể tưởng tượng được trong bao lâu nữa địch có thể chịu đựng được những tổn thất nặng nề mà chúng ta có thể gây ra cho họ do việc họ áp dụng chiến lược mới này. Do đó, tăng cường lực lượng thích đáng sẽ cho phép tôi lợi dụng sự tổn thất của địch để nắm quyền chủ động ở các khu vực khác. Khai thác được cơ hội này sẽ có thể rút ngắn chiến tranh một cách cụ thể 7).
Đại tướng Wheeler và phái đoàn của ông gồm có Phụ tá Thứ trưởng ngoại giao Philip Habib và tướng hai sao William E.Dupay, Phụ tá đặc biệt của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trường liên quân. đặc trách chống nổi loạn và các hoạt động đặc biệt (SACSA) đến Sài Gòn lúc 10 giờ ngày thứ sáu 23-2. Phái đoàn liền tham dự hàng loạt các cuộc thuyết trình do Bộ tham mưu của Đại tướng Westmoreland trình bày. Các cuộc thuyết trình về tình hình quân sự hiện thời tại Nam Việt Nam và nhu cầu về quân số và quân dụng cho tương lai.
Đại tướng Wheeler không lạc quan về tình hình chiến trận như Đại tướng Westmoreland. Ngày đến Sài Gòn, Đại tướng Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã nhận được bản đánh giá tình hình bi quan của ông Rostow như sau:
"Địch chuẩn bị tấn công ở Tây Nguyên (Pleiku, Kontum. Đắc Tô). Thấy rõ là họ đang đưa vào nhiều đơn vị lớn hướng về Sài Gòn. Dĩ nhiên, họ đang ở thế có thể tấn công cả Khe Sanh và Quảng Trị. Họ có lực lượng chung quanh Huế và Đà Nẵng. Đặc biệt ở vùng đồng bằng, và cả các nơi khác cũng vậy, địch đang chuyển quân nhanh chóng để khai thác những vùng do ta tương đối bỏ ngỏ ở nông thôn. Có tin tình báo là dường như có thêm quân chính qui Bắc Việt đang được đưa vào Nam, có thể thêm 2 sư đoàn. Rất có thể là địch sẽ thực sự tận lực ra tay với lực lượng có sẵn" (8).
Sự trấn tĩnh của Đại tướng Wheeler không khỏi bị dao động do địch phục kích vào Sài Gòn ngay đêm đầu ông đến đây. Một hỏa tiễn rơi gần chỗ ở của ông và sợ nơi này là mục tiêu của các xạ thủ Việt Cộng, ông đã di chuyển đến gần bên phòng của Đại tướng Westmoreland trong trung tâm hành quân.
Cả Đại tướng Wheeler cũng không tin tưởng gì là Washington sẽ có thể thay đổi ý kiến đối với những hạn chế về mặt địa lý trong cuộc chiến tranh. Bởi vì ngay từ lúc ban đầu đưa quân vào Việt Nam với qui mô lớn, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã liên tiếp xin được quyền mở rộng cuộc chiến tranh sang lãnh thổ Lào để cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh và vượt biên giới Việt Nam - Campuchia để triệt hạ căn cứ địa của Cộng sản.
Tổng thống và Bộ trưởng quốc phòng đã liên tiếp bác bỏ những đề nghị này. Và vào lúc đó, có ít dấu hiệu cho thấy là Tổng thống và Bộ trưởng quốc phòng sẽ cứu xét thuận lợi vấn đề này, trừ phi, trước mắt Hoa Kỳ là sắp phải thua trận.
Thậm chí trong một cuộc họp bàn tại Nhà Trắng ngày 12 tháng 2 đã có ý kiến nêu lên là phải quay về chiến lược “không bỏ những phần đất có giá trị nhưng tránh giao chiến với địch trên đa thế và trong thời tiết thuận lợi cho họ" có thể tập trung phòng thủ của chúng ta xa về hướng đông (9).
Mối lo lắng chính của Đại tướng Wheeler trong lúc này không phải là ngăn chặn một cuộc thua trận ở Việt Nam mà lại lo âu về tình hình các lực lượng Hoa Kỳ ở trên khắp thế giới.
Vì không gọi lực lượng dự bị nhập ngũ, tiềm lực quân sự lại phân tán quá mỏng và theo quan điểm của Đại tướng Wheeler, cần phải có một quyết định mới về tài nguyên nhân lực quốc gia. Lực lượng lính thủy đánh bộ không thể thỏa mãn nhu cầu triển khai đến Việt Nam. Các đơn vị lục quân khắp thế giới đều giảm quân số để thỏa mãn nhu cầu về cấp chỉ huy và các năng lực cần thiết cho việc tăng quân tại Việt Nam. Sư đoàn 82 dù là đơn vị tác chiến duy nhất trên đất Hoa Kỳ ở thế sẵn sàng triển khai, và 2 lữ đoàn thứ ba đã triển khai đến Việt Nam (10).
Trước sự thiếu hụt về lực lượng quân sự Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên lại cứ như muốn sẵn sàng gây chiến tranh. Lại có thêm nhiều dấu hiệu biến động ở Béc lin và ở Trung Đông. Đại tướng Wheeler nhận định rất đúng là nếu có một biến động nghiêm trọng xuất hiện cần đến sự can thiệp của lực lượng quân sự Hoa Kỳtại một khu vực khác hơn là Việt Nam thì Hoa Kỳ có thể không có khả năng để hành động.
Như vậy, căn cứ vào sự lạc quan của Đại tướng Westmoreland và sự suy giảm rõ rệt của Cộng sản không còn khả năng đánh bại lực lượng Nam Việt Nam và Hoa Kỳ nữa nên thật khó mà có cơ sở để xin tăng quân trong tình hình hiện thời ở Việt Nam. Thế nên một khi Chính phủ đã ngần ngại không muốn chấp thuận mở rộng chiến tranh trên khắp lãnh thổ Đông Dương thì rõ ràng là không nên đưa ra những cơ sở để đề nghị một chiến lược mới và có sức thuyết phục.
Nhu cầu về lực lượng mà Đại tướng Westmoreland và Đại tướng Wheeler nhất trí với nhau chủ yếu là nhằm đáp ứng các lợi ích toàn cầu và các lợi ích khu vực. Nhu cầu trên đây đã đề cập đến một loạt những tình trạng đột biến sẽ cần phải có những lực lượng dự bị mà tùy theo tình hình, để cho hai vị tư lệnh sử dụng.
“Chúng tôi xem xét lại kỹ càng nhiều đột biến có ảnh hưởng đến nhu cầu về số quân trong tương lai tại Nam Việt Nam” Đại tướng Westmoreland đã nhắc lại như vậy “và chúng tôi đã chuẩn bị những nét chính cho một kế hoạch triển khai thêm lực lượng". Ông nói tiếp:
“Hơn thế nữa chúng tôi đã ý thức được trách nhiệm của chúng tôi, để đối phó với mọi tình trạng đột biến từ xấu nhất đến tốt nhất, dù cho chúng tôi tự biết được là có thể có những quyết định về chính sách sẽ ngăn chặn không cho chúng tôi thực hiện một số ít lựa chọn này là một số chiến lược khác nào đó. Trường hợp xấu nhất là sự sụp đổ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, là việc Bắc Việt có thể đưa thêm nhiều lực lượng vào Nam và Nam Triều Tiên sẽ rút quân...
Mặt khác, trường hợp tốt nhất sẽ là có được một chính phủ Nam Việt Nam ổn định, năng động, có thể tiến ngay đến việc động viên nhân lực phát động phục hồi mạnh mẽ được mọi nỗ lực có tính chủ động. Nếu trường hợp tốt này thực hiện được và có được thêm lực lượng thì chúng tôi có thể, với lực lượng này, yểm trợ cho một chiến lược mới là “củng cố thắng lợi" và gây cho địch rất nhiều áp lực nặng nề (11).
Các Đại tướng Wheeler và Westmorrland và các phụ tá về tham mưu nhất trí với nhau về ba "nhu cầu đợt tăng quân". Đợt đầu tiên triển khai khoảng tháng 5-1968, gồm độ 100.000 quân. Hai đợt sau, sẵn sàng để triển khai vào ngày 1 tháng 9 năm 1968 và 31 tháng 12 năm 1968, độ 42.000 quân cho đợi II và 55.000 quân cho đợt III, nâng tổng số lên khoảng 205.000 quân. Những con số này sau đó được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân điều chỉnh căn cứ trên những danh sách chi tiết của Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Nam Việt Nam.
Có sự “thỏa thuận rõ rệt" giữa hai vị tư lệnh là chỉ có đợt đầu tăng quân là được dành cho Việt Nam. Hai đợt tăng quân tiếp theo chỉ sẽ triển khai nếu Bắc Việt đạt được thắng lợi hoặc nêu chiến lược mới, nới rộng phạm vi cuộc chiến được chấp thuận. Bằng không, thì số quân của 2 đợt tăng quân sau sẽ là lực lượng dự bị chiến lược tại lục địa Hoa Kỳ (12).
"Vấn đề là có lực lượng dự bị để dự phòng". Đại tướng Westmoreland nói rõ, “việc đầu tiên là phải có sẵn lực lượng đã rồi mới đến việc triển khai lực lượng cho phù hợp với nhu cầu và những gì mà chiến lược cho phép. Nói cách khác các nhu cầu sẽ chỉ được thỏa mãn nếu nhận định mới của Washington về chính sách quốc gia sẽ đưa đến kết quả là chấp nhận các mục tiêu chiến lược mới" (13).
Đại tướng Wheeler về phái đoàn theo ông rời Sài Gòn ngày 25-2, ông và Tướng Dupuy viết và sửa chữa lại báo cáo trên đường đi đến Honolulu. Tại đây, phái đoàn ghé lại để thông báo cho Đô đốc Sharp, Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, về những quyết định mới. Theo lý thuyết, Bộ tư lệnh của Đô đốc Sharp nằm trong hệ thống chỉ huy giữa Sài Gòn và Washington, nhưng trong tháng trước, người ta đã thường vượt qua hệ thống này vì đã có những liên lạc trực tiếp giữa Đại tướng Wheeler và Đại tướng Westmoreland. Theo yêu cầu của Tổng thống, báo cáo của Đại tướng Wheeler được điện từ Honolulu về Washington.
Trong báo cáo gửi về Washington, Đại tướng Wheeler nhấn mạnh đến sự trầm trọng của tình hình Nam Việt Nam và không đề cập đến một chiến lược mới, cũng như những đột biến đưa đến việc xác định mức nhu cầu lực lượng ở đó, hoặc xây dựng lực lượng dự bị chiến lược để có thể sử dụng ở các nơi khác không liên quan gì đến Việt Nam. Thực vậy. báo cáo của ông đã đưa ra một hình ảnh tối tăm và bi quan về chính phủ và quân đội Nam Việt Nam (14).
- Địch đang hoạt động tương đối tự do ở nông thôn, có thể gia tăng tuyển quân và không còn nghi ngờ gì nữa là các đơn vị Bắc Việt và nhân viên đang xâm nhập. Dường như địch đã phục hồi được nhanh chóng, tiếp tế thích ứng và địch đang cố gắng duy trì đà lấn công Đông Xuân.
- Quân lực Việt Nam Cộng hòa chống đỡ rất đáng khen với những trận tấn công đầu tiên, và có khi kém lực lượng nhưng chiến đấu dũng cảm. Tuy nhiên, quân lực Nam Việt Nam đang ở thế phòng thủ xung quanh thành phố và thị trấn và người ta đang quan tâm lo chống đỡ trước áp lực kéo dài của địch.
- Những trận tấn công đầu của địch gần như thành công ở 12 địa điểm và bị đẩy lùi chính là do phản ứng đúng lúc của lực lượng Hoa Kỳ. Tóm lại, là đã suýt thành công.
- Không nghi ngờ gì nữa về chương trình bình định phát triển đã bị cản trở thảm hại.
- Quân lực Việt Nam cộng hòa không bị thiệt hại nặng về vật chất - có thể khôi phục quân số và trang bị nhanh chóng (về trang bị trong vòng từ 2 đến 3 tháng - về quân số từ, đến 6 tháng). Những thất bại của họ về tâm lý lại nhiều hơn là vật chất... Thế phòng thủ của quân đội Việt Nam cộng hòa cho phép Việt Cộng xâm nhập nhanh chóng vào vùng nông thôn trước đó đã bình định xong.
Quân đội Việt Nam cộng hòa, theo lời họ, ở trong thế tiến thoái lưỡng nan, vì không thể chống lại một sự tấn công khác của địch vào đô thị và thành phố và do đó nếu duy trì tư thế phòng thủ để chống bất ngờ này thì nông thôn sẽ bị lấn chiếm để vắng không. Bộ tư lệnh Viện trợ Hoa Kỳ bắt buộc phải đòi nhiều lực lượng Mỹ để giải quyết khó khăn này.
Cho đến nay, riêng về lực lượng Hoa Kỳ, Đại tướng Wheeler báo cáo rằng mặc dầu họ vẫn giữ được khả năng chiến đấu như trước Tết, Bộ Tư Lệnh Viện trợ quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam buộc phải triển khai 50% số tiểu đoàn tác chiến Hoa Kỳ vào vùng 1 chiến thuật. Với kẻ địch đang chuẩn bị tấn công Khe Sanh, Huế, Quảng Trị và đồng thời đặt kế hoạch tấn công vào miền Trung Cao Nguyên và chung quanh Sài Gòn trong khi đó vẫn duy trì áp lực trong khắp cả lãnh thổ còn lại của Nam Việt Nam. Bộ tư lệnh Viện trợ quân sự Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam bị thúc ép đối đầu thích đáng với mọi đe dọa. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta phải chuẩn bị chấp nhận một vài thất bại
Nhưng Đại tướng Wheeler thừa biết rằng Tổng thống không “muốn chấp nhận một vài thất bại". Như vậy. Ông nói tiếp, mũi nhọn chính của chiến lược Hoa Kỳ phải là đánh bại những trận tấn công của địch. Nếu làm được như vậy, tình hình đã tốt đẹp hơn nhiều so với tình hình trước Tết. Những mục tiêu quân sự trong tương lai được mô tả như sau:
Thứ nhất, phản công địch và tiêu diệt hoặc đẩy quân Bắc Việt xâm lược trở về miền Bắc.
Thứ hai, phục hồi an ninh ở thị xã và thị trấn.
Thứ ba, phục hồi an ninh tại các khu đông dân cư ở nông thôn.
Thứ tư, nắm lại thế chủ động bằng những cuộc hành quân tấn công.
Nhưng muốn hoàn thành nổi một trong những nhiệm vụ kể trên lại cần phải có nhiều quân Mỹ:
1. An ninh cho thành phố và chính quyền - Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Hoa Kỳ thừa nhận là lực lượng Hoa Kỳ sẽ dần dần tăng cường và yểm trợ quân lực Việt Nam cộng hòa bảo vệ an ninh thành phố, thị trấn và cơ quan chính quyền thời điểm này, 10 tiểu đoàn Hoa Kỳ đang hoạt động trong những vùng phụ cận Sài Gòn. Thật rõ ràng là nhiệm vụ này cần sử dụng một phần quan trọng lực lượng Hoa Kỳ.
2. An ninh ở nông thôn, Việt Cộng đang kiểm soát phần lớn ở nông thôn. Hầu hết số 54 tiểu đoàn, trước kia bảo vệ an ninh cho công tác bình định, bây giờ đang phòng thủ quận và tỉnh lỵ. Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Hoa Kỳ ước tính là lực lượng Mỹ cần phải có mặt ở một số địa điểm để trợ giúp và khuyến khích quân đội Nam Việt Nam để cho họ rời thành phố và thị trán để về hoạt động tại nông thôn, điều này đặc biệt thiết thực ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
3. Phòng thủ ở biên giới ở khu phi quân sự và ở các tỉnh cực Bắc. Bộ tư lệnh Viện trợ quân sự Hoa Kỳ cho rằng cần phải đối đầu với sự hăm dọa của địch tại vùng 1 chiến thuật nên đã triển khai đến đây hơn 50 số tiểu đoàn chiến đấu Hoa Kỳ. Các lực lượng Hoa Kỳ đã bị phân tán mỏng ở Cao Nguyên, dù cho địch có thể mở các trận tấn công ở đó trong tương lai gần.
4. Hành quân tấn công. Cùng với nhu cầu gia tăng về phòng thủ các thị trấn và tiếp theo là tái hoạt động tại vùng nông thôn về nhu cầu quan trọng phòng thủ vùng I Chiến thuật. Ở thời điểm này. Bộ Tư lệnh Viện trợ quân sự Hoa Kỳ không còn có lực lượng thích ứng để hành quân tấn công váo các khu vực khác của Nam Việt Nam và cũng không có lực lượng trừ bị để chống lại sự bất ngờ về hoạt động tấn công cùng một lúc của địch với qui mô lớn trong khắp nước.
Kết luận thật rõ ràng và tất yếu là "lực lượng hiện tại đã thuộc quyền sử dụng của Bộ tư lệnh Viện trợ quân sự Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam, cộng với lực lượng còn lại của chương trình số 5 hiện chưa được điều động đến Nam Việt Nam, không đáp ứng được về số quân và tương quan lực lượng để thực hiện chiến lược và hoàn thành những nhiệm vụ mô tả ở trên theo đúng thứ tự ưu tiên được ấn định".
Đại tướng Wheeler cho là những lực lượng mà ông ta và Đại tướng Westmoreland xét là cần thiết để đối đầu và đánh bại mọi hăm dọa của địch phải bao gồm như sau:
1, Tăng quân ngay. Ưu tiên 1: Triển khai khoảng 1-5-1968. Những đơn vị chính gồm một lữ đoàn của sư đoàn 5 cơ giới với sự phối hợp của một tiểu đoàn bộ binh. Một tiểu đoàn xe bọc thép và 1 tiểu đoàn cơ giới, sư đoàn 5 lính thủy đánh bộ (trừ toán đổ bộ trung đoàn 20), một trung đoàn kỵ binh thiết giáp, tám phi đoàn máy bay chiến đấu và một liên đoàn đơn vị hải quân đề tăng thêm vào chương trình (Tổng số).
2. Tăng quân ngay. Ưu tiên 2: Triển khai càng sớm càng tốt, nhưng trước ngày... tháng.... năm 1968. Những đơn vị chính gồm thành phần còn lại của sư đoàn 5 cơ giới và 1 phi đoàn máy bay chiến đấu. Sư đoàn khinh chiến Nam Triều Tiên cũng nên được triển khai trong thời gian này (Tổng số 11.796).
3. Tiếp tục tăng quân: Triển khai vào cuối năm dương lịch 1968. Những đơn vị chính gồm có 1 sư đoàn bộ binh, 5 phi đoàn máy bay chiến đấu và những đơn vị tăng thêm trong chương trình hải quân.
Danh sách các đơn vị do 2 vị tư lệnh quân sự liệt kê tại Việt Nam nhằm phục vụ nhiều mục đích. Trong những hoàn cảnh thuận lợi nhất như vậy sẽ có thể có thêm quân cho Vị tư lệnh tại Việt Nam, nhưng điều quan trọng hơn hết là sẽ cho phép thành lập được lực lượng dự bị chiến lược. Nhưng lực lượng này dĩ nhiên, sẽ sẵn sàng để cho vị Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam sử dụng nếu có một quyết định chính trị chấp nhận 1 chiến lược mới, mở rộng chiến tranh. Trong hoàn cảnh xấu nhất có thể xảy ra là sự sụp đổ của Chính phủ Nam Việt Nam. thì những đơn vị này sẽ dùng để Mỹ hóa chiến tranh.
Nhưng trong báo cáo gửi Tổng thống, Đại tướng Wheeler không đề cập đến tình trạng đột biến thuận lợi nhất, tức là sự ổn định tình hình ở Việt Nam và chỉ cần tăng ít quân mà thôi. Ông cũng không đề cập đến việc thành lập lực lượng dự bị chiến lược, để việc có thể áp dụng một chiến lược mở rộng, cùng sự kiện là ba đợt tăng quân chỉ cần thiết tại Việt Nam, khi nào một chiến lược mở rộng được áp dụng. Đại tướng Wheeler ghi trường hợp xấu nhất có thể xảy ra lên hàng đầu tưởng đó như là tình hình đang xảy ra tại Nam Việt Nam.
Đại tướng Wheeler, quả vậy đã có nhắc lại tính chất và chiều hướng của bản báo cáo của ông: “tôi nhấn mạnh đến cách thức lực lượng của Đại tướng Westmoreland được phân tán quá mỏng, do đó ông không có khả năng để đối đầu với những mối đe dọa của địch, trừ khi phải di chuyển tới lui các đơn vị: Tôi nhấn mạnh đến mối đe dọa của địch tại Vùng I chiến thuật. Có thể sẽ có thêm nhiều trận tấn công vào thành phố, tôi đã nói vậy. Tôi lập luận là Đại tướng Westmoreland cần phải linh hoạt và có đủ khả năng. Tôi bàn về việc cần tiếp tục tấn công và mở những cuộc hành quân tấn công, nhưng nhất thiết tôi không thể đưa ra những lựa chọn về chiến lược" (15).
Như vậy, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân trong khi nhấn mạnh đến những mặt tiêu cực của tình hình ở Việt Nam đã cho thấy một lần nữa. vụ tấn công Tết và phản ứng về vụ này là một cơ hội, có thể là cơ hội cuối cùng, để thuyết phục chính phủ gọi nhập ngũ lực lượng dự bị và xây dựng lại khả năng quân sự tại Hoa Kỳ, nhằm tạo được phần nào sự linh hoạt về quân sự có đối phó được với mọi tình huống bất ngờ khác có thể xảy ra. Việt Nam là lý do, chứ không phải nhất thiết là nơi chủ yếu được thụ hưởng trong việc gọi nhập ngũ các lực lượng dự bị.
Người ta cũng đã bàn tán cái gì đã có thể xảy ra nếu như Đại tướng Wheeler đến Việt Nam sớm hơn, hoặc nếu ông McNamara đi Việt Nam thay vì Đại tướng Wheeler. Theo tướng Cinburgn: “Lý do chuyến đi của Đại tướng Wheeler đổi lại là vì Bộ trưởng quốc phòng Mc Namara được mời ra điều trần trước Quốc hội và vụ rắc rối Vịnh Bắc Bộ năm 1968. Tổng thống muốn Đại tướng Wheeler đi Việt Nam nhưng ông trì hoãn cho đến khi điều trần xong. Đầu tháng 2 Tổng thống rất nôn nóng và quan tâm đặc biệt đển việc giúp đỡ Đại tướng Westmoreland. Nếu Đại tướng Wheeler đi Việt Nam và về sớm với báo cáo của ông, Tổng thống có thể đã hành động nhanh chóng hơn và lịch sử có lẽ đã đổi khác" (16).
Và ông Roopes lúc đó là Thứ trưởng Bộ không quân suy đoán là nếu ông McNamara đi Việt Nam thay vì Đại tướng Wheeler thì có thể ông đã thuyết phục được vị Tư lệnh quân sự như ông đã từng làm trong quá khứ, để vị này rút đì nhu cầu về số quân (17).
Ông McNamara chỉ còn 3 ngày ở chức Bộ trưởng quốc phòng. Nhưng vẫn bận rộn đến phút cuối. Trong khi Tổng thống đang ở bang Texas, ông McNamara triệu tập hội họp vào một buổi ăn trưa tại Lầu Năm góc ngày 26-2 để thảo luận về báo cáo của Đại tướng Wheeler và xác định cách thức tiến hành.
Tham dự hội nghị có các vị Bộ trưởng các quân chủng và các Tham mưu trưởng. Tầm quan trọng của nhu cầu tăng quân làm kinh ngạc nhiều người tham dự hội nghị. Ông Bộ trưởng Hải quân và ông Townsend Hoopes, Đại diện Bộ trưởng không quân đều bày tỏ sự ngờ vực về sự cần thiết phải tăng quân quá nhiều ở Việt Nam.
Ông McNamara trình bày quan điểm của ông là muốn thỏa mãn được đề nghị của Đại tướng Wheeler thì phải có 480.000 quân và phải tốn 10 tỉ đô la trong năm đầu. Mặc dầu từ lâu ông đã quyết định là mức lực lượng ở Việt Nam phải được ổn định lâu dài, ông McNamara vẫn yêu cầu mỗi quân chủng phân tích nhu cầu theo 3 sự lựa chọn:
1. Ưng thuận hoàn toàn
2. Ưng thuận từng phần
3. Nghiên cứu lựa chọn những chiến lược chính trị và quân sự về Việt Nam. Nhưng để tiến hành nhanh chóng, ông yêu cầu các quân chủng tập trung nghiên cứu sự lựa chọn thứ nhất, tức là xét thỏa mãn đầy đủ nhu cầu về số quân (18).
Những cố vấn chính của Tổng thống họp ngày 27 tháng 2 thảo luận về báo cáo của Đại tướng Wheeler. Ông Mc Namara bày ra sự lựa chọn mà ông đã hình thành hôm trước và nói rõ nhu cầu về người và tiền bạc. Ông giải thích rõ ràng sự lựa chọn thứ ba của ông, tuy nhiên, về chiến lược thì ông đã có đề nghị trước rồi.
Theo sự lựa chọn này, chúng ta sẽ duy trì hiện trạng về số quân tham chiến, và chỉ bảo vệ những khu vực "xung yếu", sẽ giảm bớt những cuộc hành quân tấn công tại những vùng không có dân cư. Cảm tưởng riêng của ông McNamara là dù cho hoạt động thật nhiều hay hoạt động ít hơn nữa thì cả hai điều đó đều có thể hiểu được rõ ràng nhưng quả thực ông không hiểu được chiến lược đưa thêm vào 206.000 người. Ông cho rằng điều đó, hoặc không đủ để hoàn thành nhiệm vụ hoặc cũng chẳng phải là một dấu hiệu cho thấy là nhiệm vụ của chúng ta tại Việt Nam phải thay đổi (19).
Nhưng ông Mc Namara nghĩ rằng không nên có quyết định hấp tấp. Bộ trưởng ngân khố Dowler đề nghị cung cấp lực lượng theo yêu cầu của Đại tướng Wheeler có thể sẽ khai thông được bế tắc tại Quốc hội, liên quan đến yêu cầu của Tổng thống và việc đánh thuế phụ. Nói như vậy tức là toàn bộ vấn đề lực lượng tại Việt Nam, toàn bộ lực lượng trừ bị, thuế má phải được trình bày cho nhân dân Hoa Kỳ coi đó như là một "hành động tỏ rõ ý chí của quốc gia, vượt lên trên cả phạm vi Việt Nam và Đông Nam Á” (20).
Phản ứng đầu của ông Rostow, Phụ tá đặc biệt của Tổng thống về an ninh quốc gia và yểm trợ nhu cầu tăng quân, ông cảm thấy có một sự cân bằng giữa tâm lý chủ chiến ở trong nước và một nỗi mong ước về phía quần chúng, muốn làm một việc gì đó để giải quyết tình hình. Ông cũng cảm thấy lực lượng quân sự của chúng ta, nhìn chung, đã quá phân tán và cần phải sửa đổi điều đó (21).
Tuy nhiên. Ông Rostow đồng ý còn có nhiều khúc mắc cần được xem xét trước khi ra quyết định. Trong khi trình Tổng thống về kết quả hội nghị, ông không nêu lên phản ứng của riêng ông mà chỉ trình bày là các cố vấn đều hoàn toàn “nhất trí" là "vấn đề số quân đặt ra nhiều câu hỏi mà Tổng thống phải cần nghe các câu trả lời dứt khoát trước khi ra quyết định cuối cùng". Trong số các câu hỏi cần phải trả lời do ông Rostow trình lên Tổng thống gồm có những câu hỏi như sau:
"Những đề nghị tăng quân đặt cơ sở cho chiến lược quân sự và các chiến thuật gì? Những đề nghị tăng quân gây khó khăn gì cho ngân sách và cán cân chi phí? Làm sao có thể biện hộ trước quần chúng Hoa Kỳ về sự tăng quân này? Châu Âu và các thủ đô Cộng sản phản ứng ra sao? Tổng thống sẽ có những đề nghị hòa bình ra sao trong các lời tuyên bố? Nhân dân miền Nam Việt Nam có khả năng gì để gánh vác cuộc chiến trong những ngày tới? (22).
Ông Rostow đề nghị sau khi nghe báo cáo của Đại tướng Wheeler, Tồng thống nên thành lập "một nhóm công tác tích cực do ông Clark Clifford điều khiển để "tranh thủ làm việc tìm ra những sự lựa chọn và những tác động của các lựa chọn ấy” (23).
Lúc 6 giờ sáng ngày 28 tháng 2, Đại tướng Wheeler đáp máy bay tại căn cứ không quân Andrews, bang Maryland và đi thẳng đến Nhà Trắng. Ông đến ăn sáng với Tổng thống và các vị cố vấn của Tổng thống và trình bày tóm tát báo cáo của ông (24).
Ông nói "Cuộc tấn công này hẳn chưa chấm dứt. Phạm vi và mức độ khốc liệt của những trận tấn công của địch và qui mô tăng cường của chúng đặt chúng ta trước những khó khăn nghiêm trọng và khẩn cấp". Ông nói rõ là Đại tướng Westmoreland còn một lực lượng trù bị “khoảng 2 sư đoàn". Đại tướng nói “theo ý kiến của ông, nếu không gửi quân theo số đề nghị, chúng ta có thể phải bỏ đất đai, có thể là 2 tỉnh cực Bắc của Nam Việt Nam.
Ông Mc Namara trong buổi họp từ biệt, với tư cách là Bộ trưởng trong chính phủ tỏ ý không đồng ý. Ông cảm thấy rằng tăng thêm 100.000 quân cũng không hơn gì và không tạo được sự khác biệt quan trọng. Bắc Việt như trong quá khứ, chỉ đơn giản tăng quân để cân bằng với sự tăng quân của chúng ta.
Ông Bộ trưởng quốc phòng nói ông không đề nghị gì thêm ngoài lực lượng tăng khẩn cấp đã lên đường đến Việt Nam. Ông tin tưởng là chìa khóa cho vấn đề là quân đội Nam Việt Nam. Ông đề nghị tăng tiềm lực quân sự về trách nhiệm của họ. Một đường lối như vậy có thể chịu mất một số lãnh thổ, một vài ấp, nhưng sẽ hạn chế được sự mất mát về tài lực và nhân lực của Hoa Kỳ và giúp làm dịu sự bất đồng quan điểm đang tăng lên ở trong nước (25).
Đại tướng chỉ rõ là mặc dầu không thỏa mãn được đề nghị của ông triển khai khoảng 100.000 quân vào tháng 5 đợt tăng quân mà ông đã vạch ra có thể được chấp nhận như là một kế hoạch dài hạn (26).
“Báo cáo của Đại tướng Wheeler thực sự có ngụ ý điều gì đáng lo ngại lắm”, ông Clifford nhắc lại như vậy. "Đối với tôi, dường như ông ấy nói là toàn bộ tình hình ở Nam Việt Nam không ổn định và chúng ta phải có thêm quân ở đó. Tôi nghĩ rằng (và mọi người khác cũng vậy) ông ấy nói phải cần thêm 200.000 quân ở Nam Việt Nam. Ông đã đem về một câu chuyện đáng kinh sợ. Chúng ta không biết chúng ta có bị tấn công nữa không, nhiều đơn vị Nam Việt Nam đã bị tan rã và đất nước đó có thể sẽ bị sụp đổ chưa nói gì đến vấn đề chính trị nữa" (27).
Những sự lựa chọn mà Đại tướng Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã trình lên Tổng thống thực ra không có gì là hấp dẫn lắm. Chấp nhận về thỏa mãn nhu cầu tăng quân của Đại tướng Wheeler sẽ có nghĩa là Hoa Kỳ phải dính líu toàn diện về quân sự vào Nam Việt Nam, phải Mỹ hóa chiến tranh, phải gọi nhập ngũ các lực lượng dự bị với qui mô lớn và phải đặt nền kinh tế trên căn bản nửa chiến tranh mới có thể thỏa mãn được những chi phí sẽ tăng lên đáng kể.
Và phải làm tất cả những việc đó vào năm bầu cử Tổng thống và ở vào thời điểm đang nảy sinh ra nhiều bất đồng ý kiến ở trong nước như bất mãn và thất vọng về những mục đích của chiến tranh, về việc điều khiển cuộc chiến cùng những tổn phí do cuộc chiến tranh gây ra. Mặt khác, nếu từ chối nhu cầu tăng quân hoặc cố gắng cắt giảm đến mức mà các lực lượng đang hoạt động dù phân tán mỏng cũng có thể thỏa mãn được,thì chắc chắn đó là dấu hiệu cho thấy việc Hoa Kỳ dính líu quân sự vào Việt nam đã lên đến mức quá cao rồi và việc chấm dứt chiến tranh một cách thỏa đáng đã bị đẩy xa về tương lai.
Cũng dễ hiểu là Tổng thống chưa muốn đưa ra một nhận định gì, khi chưa có một sự nghiên cứu đầy đủ về những hậu quả của nhận định ấy. Ông yêu cầu ông Clifford, một người bạn lâu năm, vừa là cố vấn và cũng là tân Bộ trưởng Quốc phòng hướng dẫn một nhóm để nghiên cứu những khó khăn sẽ gặp phải
"Ông chưa từng hàng ngày phải lo lắng về vấn đề Việt Nam như những người khác", Tổng thống ghi lại như vậy "và tôi nghĩ rằng cần phải có một cặp mắt mới và một cái nhìn mới để hướng dẫn cuộc nghiên cứu này". Điều cuối cùng Tổng thống nói với ông Clifford tại buổi họp nặng nề này, ngày 26-2 là: "Hãy tìm cho tôi những tai họa nhỏ nhất. Cho tôi những lời khuyến nghị của ông" (28).
Đây là một nhiệm vụ thực khó khăn, mà cuối cùng sẽ gây ra những cuộc tranh luận gay cấn nhất trong chính phủ suốt trong lịch sử chiến tranh, để tìm ra lẽ phải và đường lối hành động nào cần phải chọn lựa, đây sẽ là một trong những thời kỳ có nhiều tranh luận nhất trong lịch sử gần của Hoa Kỳ.
Chú thích
(1) Văn kiện Hội đồng tham mưu trưởng liên quân số tháng 2-1968.
(2) Johnson "Vị trí ưu thế”, tr.388 và hệ thống thông tấn.
(3) Văn kiện của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân số 01974, 172017Z năm 1968, của Đại tướng Wheeler gửi Đại tướng Westmoreland.
(4) Trực tiếp phỏng vấn Đại tướng Westmoreland ngày 23-10-1972
(5) Văn kiện của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân số 01316, 041642Z tháng 2-1968.
(6) Văn kiện của Tư lệnh Thái Bình Dương ở của Đô đốc Sharp gửi Đại tướng Westmoreland.
(7) Trực tiếp phỏng vấn Đại tướng Westmoreland.
(8) Văn kiện của BTL Viện trợ số 01975, 12062Z. Hai - 1968.
(9) Văn kiện của Văn phòng Bộ trưởng quốc phòng số 02375, tháng 2-68 của ông Rostow gửi Đại tướng Wheeler.
(10) Bị vong lục của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân số ngày 12-2-1968.
(11) Trực liếp phỏng vấn Đại tướng William C Westmoreland ngày 23-10-1972.
(12) Trực tiếp phỏng vấn Đại tướng Wheeler ngày 8-11-1972.
(13) Trực tiếp phỏng vấn Đại tướng William C.Westmoreland ngày 23-10-1973. Xem thêm "Kế hoạch chuyện bên trong".
(14) Báo cáo của Chủ tịch Hội đồng, 17-2-68.
(15) Phỏng vấn Đại tướng Wheeler đã trích dẫn ở Henry. 2-68. tr.24.
(16) Trực tiếp phỏng vấn tướng hai sao Robert D., xem thêm "ủy ban đối ngoại".
(17) Roopes "Những giới hạn của sự can thiệp" tr.163-164.
(18) Roopes "Những giới hạn của sự can thiệp": tr. 159-163.
(19) Johnson "Vị trí ưu thế” tr.380.
(20) Trực tiếp phỏng vấn ông Henry R.Dowler. Xem thêm Rostow: “Sự chia sẻ quyền lực".
(21) Trực tiếp phỏng vấn ông Walt W.Rostow, 4-12-1972. Ông Rostow viết một bị vong lục để làm chứng tỏ ý nghĩ của ông về vấn đề. nhưng không gửi trình Tổng thống. Rostow: “Sự chia sẻ phối quyền lực" tr.703-704.
(22) Johnson “Vị trí ưu thế” tr.380.
(23) Như trên.
(24) Bữa ăn sáng tại tòa nhà Hành pháp sáng hôm ấy ngoài Đại tướng Wheeler còn có phó Tổng thống, các bộ trưởng Rusk và Mc Namara, ông Clifford, Bộ trưởng quốc phòng vừa được chỉ định, Đại tướng Taylor.
(25) Như trên, tr.391-392.
(26) Như trên. tr.392.
(27) Trực tiếp phỏng vấn ông Clark Clifford ngày 16-11-72.
(28) Johnson "Vị trí ưu thế” tr.92-93.
Sự Nghiệp Của Một Tổng Thống Bị Đổ Vỡ - L.johnson Và Việt Nam Sự Nghiệp Của Một Tổng Thống Bị Đổ Vỡ - L.johnson Và Việt Nam - H.y.schandler