Số lần đọc/download: 0 / 32
Cập nhật: 2020-11-30 17:54:09 +0700
Phụ Lục: Quang Toản
Lấy hiệu Cảnh Thịnh (1793-1800)
Lại đổi Bảo Hưng (1801-1802)
LỆ NGÔN
1) Phần phụ lục này là dịch theo Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 30, tờ 43b-56b.
2) Theo lệ phiên dịch, lẽ tất nhiên người dịch phải giữ đúng từng chữ từng câu trong nguyên văn. Vậy từ cốt truyện đến lời văn người dịch không có quyền được sửa đổi.
3) Quốc sử quán xưa vì theo quan niệm triều đại, nên mới dùng những chữ như “ngụy”, “tiếm” và “nhuận” để chỉ về “thắng triều” (triều đã bị người ta đánh thắng tức là cái triều đã bị diệt). Lại vì ngày xưa theo lệ tị húy (kiêng tên nhà vua) nên trên sử sách hễ gặp những chữ quốc húy thì đều bớt nét hoặc tránh hẳn mà viết ra chữ khác, hoặc bỏ hẳn chữ “đệm” ở trên tên người ta đi.
Nay, chúng ta chỉ đứng về phương diện sử học, cần tìm lấy sự thật để tiện học hỏi cho nên, khi dịch xin lược bỏ những chữ “ngụy” ở trong nguyên văn cho dễ hiểu và phàm những tên người, tên đất mà, khi dịch, biết là vì kiêng húy mới in khác đi thì đều xin chép theo tên thật cho khỏi lầm lẫn. Cử lệ:
Nguyên văn chép là Ngô Nhâm, xin cứ dịch là Ngô Thì Nhậm; nguyên văn chép là Thanh Ba, xin cứ dịch là Thanh Hoa...
4) Phàm những năm ghi bằng can chi, khi dịch đều chua thêm dương lịch cho dễ tính.
5) Phàm những lời chua của nguyên thư thì khi dịch đều ghi trong hai cái ngoặc đơn nói là “nguyên chú” còn những chỗ nào không đề “nguyên chú” thì tức là lời chua thêm của người dịch.
6) Muốn cho dễ hiểu và đúng văn pháp khi dịch, một đôi chỗ xin thêm chủ ngữ hoặc bổ túc từ vào câu văn cho người đọc nhận ngay thấy nghĩa.
***
Quang Toản tên là Trát. Mẹ họ Phạm, người phủ Quy Nhơn, cùng Hình bộ Thượng thư Bùi Văn Nhật và Thái sư Bùi Đắc Tuyên là chị em cùng mẹ khác cha, tuổi 30, được sách phong hoàng hậu, sinh 3 trai, 2 gái. Toản là con cả.
Trước kia, khi giả vương sang triều cận, vua Thanh sắc phong Quang Thùy là An Nam quốc vương Thế tử; sau biết Thùy là con thứ, bèn đổi phong Toản làm Thế tử, cho thêm ngọc như ý, gấm và hà bao.
Năm Nhâm Tý (1792) Huệ mất, Toản mới 10 tuổi, đổi năm sau, Quý Sửu (1793) làm Cảnh Thịnh nguyên niên, sai lũ Ngô Thì Nhậm419 sang Thanh báo tang và thỉnh mệnh nối ngôi. Bọn Nhậm, chưa ra khỏi cửa ải, vua Thanh đã biết tin do Lưỡng Quảng Tổng đốc tâu báo trước, liền xuống chiếu chỉ phong Toản làm An Nam quốc vương, sai Quảng Tây án sát Thành Lâm sang Bắc Thành (Thăng Long) tuyên phong. Toản cũng mượn người khác đứng nhận. Sứ Thanh trong bụng cũng biết là giả dối.
Toản, sau khi đã tập phong, lấy em là Quang Thùy làm Khang Công, tiết chế các doanh thủy bộ mạn Bắc, kiêm coi quản quân dân mọi việc: Quang Bàn làm tuyên công, lĩnh Thanh Hoa420 Đốc trấn, Tổng lý quân dân sự vụ; cậu là Bùi Đắc Tuyên làm Thái sư, đốc thị các viên cơ mật trong ngoài; Thái úy Phạm Công Hưng đồng chưởng quân quốc trọng sự; trung thư phụng chính Trần Văn Kỷ làm mọi việc cơ mật ở viện Trung thư, được ủy thác hết các văn thư, từ lệnh và hiểu thị; Thiếu phó Nguyễn421 Quang Diệu, hộ giá Nguyễn Văn Huấn, Nội hầu Nguyễn Văn Tứ và tư lệ Lê Trung cùng trấn Nghệ An; đại tư khấu Vũ Văn Dũng, đại tư cối Nguyễn Văn Dụng, thiếu bảo Nguyễn Văn Danh422, Đại tư mã Ngô Văn Sở. Hình bộ Thượng thư Lê Xuân Tài, tuần kiểm Chu Ngọc Uyển và Tiết độ Nguyễn Công Tuyết cùng trấn Bắc thành. Bãi bỏ cái lệnh bắt dân đeo tín bài, thôi việc sai bắt dân ẩn lậu.
Toản tuổi nhỏ, chỉ chăm chơi đùa, phàm việc đều quyết định ở Đắc Tuyên. Đắc Tuyên tự do làm oai, làm phúc: trong ngoài đều oán.
Năm Quý Sửu (1793), quân ta423 vây Quy Nhơn; Nhạc sai người cáo cấp, Toản sai lũ Phạm Công Hưng đến cứu. Quân ta đã rút về, bọn Hưng bèn bức bách Nhạc mà chiếm cứ lấy thành Quy Nhơn. Nhạc tủi thẹn tức bực mà chết. Toản phong con của Nhạc là Bảo làm Hiếu Công, phái người canh giữ.
Năm Giáp Dần (1794), Toản sai hộ giá Nguyễn Văn Huấn và điểm kiểm Trần Viết Kết đánh úp Diên Khánh424: quân thua, phải quay về. Toản lại sai tổng quản Nguyễn Quang Diệu, Nội hầu Nguyễn Văn Tứ lại đem quân vào vây Diên Khánh; cầm cự nhau đến hàng tháng.
Mùa đông năm ấy (Giáp Dần, 1794) Đắc Tuyên sai Ngô Văn Sở thay Vũ Văn Dũng điều bát quân sự ở Bắc thành, và triệu Dũng về. Dũng về đến trạm Mỹ Xuyên. Bấy giờ phụng chính Trần Văn Kỷ có tội, bị phát phối ở nơi trạm ấy. Kỷ mật bảo Dũng rằng: “Thái sư (chỉ Đắc Tuyên) ở ngôi cao tột của kẻ làm tôi, thiện tiện làm việc uy phúc, sẽ bất lợi cho xã tắc. Nếu không sớm tính đi thì sau hối sao kịp!”
Dũng bèn mật mưu với Phạm Công Hưng và Nguyễn Văn Huấn425: thanh ngôn đi Nam dã để tế cờ, nhưng nhân lúc ban đêm, đem đồ đảng vây Đắc Tuyên ở chùa Thiền Lâm426.
Đêm đó, Tuyên vì tình cờ có việc, ngủ lại trong phủ của Toản. Dũng vây phủ đòi bắt Tuyên. Toản bất đắc dĩ phải bắt Tuyên đưa cho Dũng. Dũng bỏ Tuyên vào ngục.
Ngô Văn Sở là đảng của Tuyên. Dũng kiểu chiếu sai Tiết chế Quang Thùy đóng gông Sở lại, điệu đến kinh thành. Lại sai Nguyễn Văn Huấn đem binh vây Quy Nhơn, bắt Đắc Trụ, con Tuyên, giải về, thêu dệt thành phản trạng, rồi dìm xuống nước mà giết chết cả. Toản không thể chế trị nổi chỉ khóc lóc mà thôi.
Quang Diệu đang vây Diên Khánh, hay tin ấy, cả sợ, nói với bộ hạ rằng: “Chủ thượng thì không có đức cứng mạnh, đại thần thì giết hại lẫn nhau: thế là biến cố lớn rồi. Không dẹp yên nội biến, còn chống cự gì được người ngoài?” Ngay hôm ấy, Diệu cởi vây rút về.
Dũng cho rằng Diệu có nhân nghị với Đắc Tuyên427, sẽ xảy ra sự biến, bèn ủy cho Công Hưng đem binh đón Diệu, điều đình việc ấy428.
Bấy giờ Nguyễn Văn Huấn đang giữ Quy Nhơn, hay tin Diệu về, vội trước đến tạ tội; Diệu chẳng buồn hỏi đến.
Diệu kéo quân đến An Cựu, đóng đồn ở bờ phía nam sông (sông Hương).
Bọn Dũng và Nội hầu Tứ đóng quân ở phía bắc sông (sông Hương) lấy nê mang lệnh vua mà chống cự lại.
Quang Toản lo sợ, không biết làm thế nào, sai người đi lại úy dụ và hòa giải cả hai. Diệu mới đem kẻ chiêu đăm429 vào yết kiến, giảng hòa với bọn Dũng. Diệu xin lấy Lê Trung thay Huấn giữ Quy Nhơn mà vời Huấn về.
***
Bấy giờ Quang Toản đã thân chính: 5 ngày một lần thiết triều. Năm ấy (Giáp Dần 1794), Thái úy Công Hưng bị bệnh mất, Toản bèn lấy Diệu làm Thiếu phó, Huấn làm Thiếu bảo, Dũng làm Đại tư đồ, Nguyễn Văn Danh430 làm Đại tư mã: gọi là tứ trụ đại thần.
Có người gièm với Toản rằng: “Diệu uy quyền quá trọng, sắp có chí toan tính khác!” Toản mê hoặc lời nói ấy, bèn thu lấy binh quyền của Diệu, chỉ cho Diệu giữ bản chức mà phụng thị nhà vua.
Diệu đem lòng ngờ sợ, thường cáo bệnh không vào chầu, cho vài trăm thủ hạ ngày đêm cầm binh khí để tự về. Quang Toản hằng sai quan trung sứ đến úy lạo và dụ bảo Diệu.
Mùa hạ năm Định Tỵ (1797), quân ta đánh Quy Nhơn, chưa hạ được; lại tiến vây Quảng Nam, Đà Nẵng, Câu Đê và Hải Vân. Toản sai Nguyễn Văn Huấn đem hết quân ra chống cự. Lại khởi phục binh quyền cho Diệu để chặn giữ cửa bể Noãn Hải.
Mùa thu (Đinh Tỵ, 1797) quân ta kéo về.
Năm Mậu Ngọ (1798). Tiểu triều Bảo431 đánh úp lấy Quy Nhơn, sai người đến thông khoản với ta432. Quân ta chưa đến, Toản đã ra quân vây thành Quy Nhơn, bắt Bảo đem về, giết chết bằng cách bắt uống thuốc độc. Rồi sai Đại Tổng quản Lê Văn Thanh433 giữ Quy Nhơn.
Thái phú Lê Văn Ứng434 nói với Toản rằng: “Cuộc biến Tiểu triều là do Lê Trung gây thành ra đó!” Toản vời Trung đến, sai tráng sĩ trói lại mà chém Trung.
Lại tin lời gièm vu của Thượng thư Hồ Công Diệu. Toản giết chết Thiếu bảo Nguyễn Văn Huấn.
Từ đó, tướng tá lìa lòng, ai cũng ngơm ngớp ngờ sợ!
Đại đô đốc Lê Chất là con rể của Lê Trung, từng lập được nhiều chiến công, bấy giờ sợ vạ lây đến mình, liền theo về với bên ta.
Năm Kỷ Mùi (1799), quân ta lại tiến đánh Quy Nhơn. Lê Văn Thanh đóng cửa thành cố chết để giữ. Quang Diệu và Văn Dũng đem binh thuyền đến cứu. Khi tới Quảng Ngãi, nghe quân ta đã đổ bộ, giữ chỗ hiểm, Diệu ở ngoài núi Thạch Tân; Dũng đem quân đi theo đường tắt Chung Xá, mưu đánh úp đằng sau quân ta.
Đêm đến, có một con nai, xổng chạy, quân tiền đạo của Dũng ồn ào la ó, truyền lầm là quân “Đồng Nai” bèn sợ hãi tan vỡ. Quân ta thừa dịp, tiến vào: quân Dũng giày đạp lẫn nhau, chết mất nhiều lắm.
Quân cứu đã tuyệt, Văn Thanh bèn cùng Thượng thư Nguyễn Đại Phác, Thiếu úy Trương Tiến Thúy đem thành xuống hàng.
Quân ta đã được Quy Nhơn, bèn đổi tên thành ấy rằng thành Bình Định, để chưởng Hậu quân Vũ Tinh, Lễ bộ Ngô Tòng Chu ở lại trấn giữ.
Toản hay tin Quy Nhơn đã thất thủ, cả kéo binh đến. Khi tới Trà Khúc, Toản giục các tướng ra quân, Trần Viết Kết nói: “Nay, phong sắc không tiện, xin hẵng kéo quân về!” Toản bèn lưu Diệu và Dũng giữ Quảng Nam, Nguyễn Văn Giáp giữ Trà Khúc, còn mình thì quay về.
Trước đó, trận Thạch Tân, quân Dũng không đánh đã tự vỡ, Dũng sợ, cầu xin Diệu giấu kín sự ấy đi. Từ ấy, hai người cố kiết rất chặt chẽ, hẹn làm đôi bạn sống chết có nhau.
Lũ Trần Việt Kết, Hồ Công Diệu và Trần Văn Kỷ vốn ghét Quang Diệu. Họ lấy cớ để nói Quang Diệu về việc Quy Nhơn thất thủ, Diệu đóng binh ở một chỗ, không làm được công cán gì. Rồi họ kiểu chiếu sai Dũng bắt Diệu mà giết đi. Dũng được thứ ấy, đưa cho Diệu xem.
Diệu cả sợ, bèn kéo quân về Phú Xuân, cắm rào ở bờ phía nam sông Hương, thanh ngôn lên rằng đem binh đến để giết bọn giặc ở bên cạnh vua.
Toản sai người đến vời: bọn Diệu đều không vâng chịu mệnh lệnh.
Kỷ đổ tội cho Trần Viết Kết và Hồ Công Diện. Kết trốn. Toản bắt Công Diệu đưa cho Quang Diệu. Bấy giờ Quang Diệu mới cởi binh, vào triều cận.
Toản dụ bảo: “Các khanh là trụ thạch của quốc gia, nên vì nước mà đồng lòng gắng sức để trừ ngoại loạn, bất tất phải đem lòng nghi ngờ.” Lũ Quang Diệu đều khóc tạ, xin lại đem quân vào lấy Quy Nhơn. Toản ưng cho.
Năm Canh Thân (1800), bộ binh của Diệu vây dưới thành Quy Nhơn, thường thường khiêu chiến. Vũ Tính đóng chặt vách thành tự giữ lấy. Diệu ở ngoài, đắp cái lũy dài bao quanh bốn mặt để xây thành.
Dũng lấy hai chiếc thuyền “Định quốc đại hiệu” và hơn trăm chiếc chiến thuyền chận ngang cửa bể Thi Nại. Lại dựng hai cái đồn, trong đặt súng đại bác, ở Nhạn Châu về phía tả cửa bể và ở núi Tam Tòa về phía hữu cửa bể, để đứng cao mà bắn ra. Phòng thủ rất là nghiêm nhặt.
Mùa hạ (Canh Thân, 1800). Thế tổ435 ta đem đại binh đến cứu Bình Định (Quy Nhơn); bộ binh đóng ở Thị Dã; thủy binh án ngữ ở ngoài cửa bể Thi Nại. Quân ta thủy lục không thông được với nhau. Vũ Tính cũng ở trong thành cố giữ, đợi quân cứu. Hai bên cầm cự đã lâu.
Bấy giờ lũ Lưu Phúc Tường, điển quân thượng đạo bên ta, liên kết với các xứ Vạn Tượng (Ai Lao), Trấn Ninh, khuấy rối thành Nghệ An. Từ Thanh Hoa436 trở ra, thổ tư437 các trấn đều dấy nghĩa binh hưởng ứng. Các cố đạo Tây cũng khua đám tín đồ người Nam ở sở tại nổi lên như ong. Nhều người trung nghĩa ở Bắc thành cũng vượt bể, thật lòng vào đầu hàng, vì quan quân (bên chúa Nguyễn) mà trổ sức. Nhân dân các trấn hễ thấy gió nồm bốc lên, thì mừng với nhau rằng: “Chúa Nguyễn thuận buồm kéo ra!”
Tình thế Quang Toản ngày một cùng quẫn, Toản sai người đem đồ hậu tệ đến vời Nguyễn Thiếp (tức Thiệp).
Khi Thiếp đến, Toản đem việc nước ra hỏi. Thiếp nói: “Hỏng rồi!” Thiếp lại hỏi: “Ai theo?” Toản nói: “Trao cho gươm, ấn, ai dám không theo?” Thiếp nói: “Nếu vua không theo thì làm thế nào?” Toản im lặng.
Thiệp lui, nói với người thân rằng: “Đôi cá nước cạn, họ Nguyễn về quê. Non sông của chủ cũ, chẳng bao lâu, chung quy lại thuộc chủ cũ” Rồi Thiệp bảo Toản lui giữ Vĩnh438 đô, ngõ hầu hoặc còn có thể thư được chăng. Toản cũng do dự, không quyết định.
Năm Tân Dậu (1801), Thế tổ ta thân đốc chu sư, thẳng vào cửa bể Thi Nại, sai Nguyễn Văn Trương và Tống Phúc Lương lĩnh quân tiền đạo xông vào trước đốt đồn thủy của Toản; Lê Văn Duyệt và Vũ Di Nguy tiếp nối tiến vào.
Dũng đốc thúc các quân chống đánh, đạn súng đại bác bắn ra như mưa: Di Nguy ngồi ở đầu thuyền, lăn xuống nước chết. Quân ta chết và bị thương khá nhiều, Văn Duyệt thúc đánh càng hăng. Rồi nhân thuận chiều gió, đánh hỏa công, thiêu hết chiến thuyền bên Tây Sơn: khói bốc mù trời! Dũng chỉ chạy được thoát thân.
Thủy quân đã đổ bể, Diệu lại đắp thêm lũy đất, núi đất để đối vào trong thành mà bắn; dựng nhiều đồn và rào làm chước chống giữ lâu dài. Quân ta đánh Diệu: luôn mấy tuần không hạ được. Thế tổ ta bèn lưu bộ tướng Nguyễn Văn Thành giữ Thị Dã, cầm cự với Diệu. Còn ngài thì thân cầm chu sư để đánh thẳng vào Phú Xuân (Huế).
Mồng 1 tháng năm, mùa hạ, (Tân Dậu, 1801), ngài vào đến cửa bể Tư Dung. Phò mã Tây Sơn Nguyễn Văn Trị giữ núi Rùa439, dựng rào gỗ440 để chống lại.
Quân tiền đạo (bên Nguyễn) tiến đánh không hạ được, Lê Văn Duyệt và Lê Chất đang đêm, đem vài mươi chiếc chiến thuyền vượt bãi cát vào eo bể Hà Trung đánh úp ở đằng sau, rồi chia quân nhổ hết rào gỗ mà tiến lên. Văn Trị sợ, vỡ, chạy.
Đại binh (bên Nguyễn) tiến đến Trừng Hà, bắt được Trị và Đô đốc Tây Sơn Phan Văn Sách chiêu hàng được 509 tên quân của họ, bèn tiến vào cửa sông Noãn Hải.
Toản rốc hết quân ra chống giữ. Quân ta thừa thắng tiến lên. Quân Toản sợ bóng, sợ gió, đã vội vỡ trước.
Đại binh (bên Nguyễn) kéo thẳng đến kinh đô (Phú Xuân).
Ngày mồng 3 (tháng năm năm Tân Dậu, 1801), Toản đem của bán chạy ra ngoài Bắc, bỏ cả sắc, ấn do triều Thanh đã ban cho. Vừa ra khỏi cầu Phú Xuân vài dặm, quân lính đã tan đi bốn ngả, Toản bèn cùng em là Thái tể Quang Thiệu, Nguyên súy Quang Khanh, và lũ Đại tư mã Tứ, Đô đốc Trù tế ngựa ngày đêm nhằm lũy Động Hải mà chạy.
Ngày tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng năm năm Tân Dậu, 1801), Toản qua đò sông Gianh (Linh Giang), quân ta đuổi theo không kịp. Đến Nghệ An, Toản ở lại vài ngày, giấu bặt công chuyện, không tuyên bố. Lại cưỡi ngựa trạm chạy ra trấn Thanh Hoa441. Phi báo cho em là Quang Thùy đem quân đến đón.
Quân ta đã khắc phục kinh đô, sai Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Tống Viết Phúc vào cứu Bình Định (Quy Nhơn). Quân chưa đến thì trong thành đã hết lương ăn, Lưu trấn Vũ Tính và Hiệp trấn Ngô Tòng Chu đều chết theo thành.
Diệu và Dũng lại giữ lấy thành, sai Đại đô đốc Trương Phúc Phượng và Tư khấu Định442 đem quân do đường thượng đạo về cứu Phú Xuân. Phượng hết lương, đến Tả Trạch Nguyên, xuống hàng quân ta. Định xuống Cao Đôi, đánh thua, chạy vào trong Mán rồi chết.
Hạ tuần tháng năm (Tân Dậu 1801), Toản đến Bắc thành, đóng ở phủ của Quang Thùy. Bấy giờ luôn tuần mưa dầm, trước sân ngập nước đến hơn một thước. Khi nước cạn, thình lình đất sụt sâu và rộng mỗi bề đến hàng vài thước. Cái lầu ba từng ở Nghệ An vô cớ cũng đổ. Người ta đều cho là cái điềm chẳng lành443.
Tháng ấy (tháng năm Tân Dậu, 1801), đổi hiệu làm Bảo Hưng nguyên niên, Toản hạ chiếu nhận lỗi, vỗ về nhân dân các trấn, lấy Thị trung Đại học sĩ Ngô Thì Nhậm444 làm Binh bộ Thượng thư, hiệp biện Đại học sĩ Nguyễn Huy Lịch làm Lại bộ Thượng thư, Thị trung Ngự sử Phan Huy Ích làm Lễ bộ Thượng thư; ngoài ra, mọi người khác đều được phong thưởng theo thứ bực cả. Lại đắp gò tròn ở ngoài cửa ô Chợ Dừa, xây bó trầm vuông ở hồ Tây để Hạ chí và Đông chí thì chia ra mà tế tự Trời, Đất.
Toản thân đến Quốc Tử giám để khảo hạch học trò: ai vào hạng ưu thì thưởng cho tiền.
Toản sai lũ Nguyễn Đăng Sở sang nhà Thanh đưa tuế cống, và xin cứu giúp.
Bấy giờ sứ giả của ta, Trịnh Hoài Đức, đã sang Quảng Đông nộp sắc ấn của nhà Tây Sơn. Vua Gia Khánh (nhà Thanh) dung nạp sứ ta và đuổi lũ Đăng Sở về.
Tháng tám (Tân Dậu, 1801), Toản sai em là Quang Thùy điểm binh mã, trước đến đóng đồn ở trấn Nghệ An.
Tháng mười một (Tân Dậu, 1801), Toản để Quang Thiệu, Quang Khanh giữ Bắc Thành, thân đốc ba vạn quân ở bốn trấn và Thanh, Nghệ, tự mình làm tướng mà kéo vào Nam. Bùi Thị Xuân, vợ Quang Diệu cũng đem 5.000 thủ hạ đi theo. Tiết chế Thùy và Tổng quản Siêu445 phạm lũy Trấn ninh446; Tư lệ Tuyết và Đô đốc Nguyễn Văn Kiên phạm lũy Đâu Mâu; Thiếu úy Đặng Văn Đằng và Đô đốc Lực447 liên kết với giặc Tể ngôi, dàn hơn trăm chiếc thuyền ở ngoài bể Linh Giang: binh thế thịnh lắm.
Quân ta lui giữ Động Hải.
Ngày 30 tháng mười hai448. Toản lùa hết quân qua đò sông Gianh.
Thế tổ ta thân chinh449, đóng ở Động Hải, sai Phạm Văn Nhân và Đặng Trần Thường đốc suất bộ binh, Nguyễn Văn Trương đốc suất thủy quân, chia đường chống cự.
Mồng 1 tháng giêng, mùa xuân năm Nhâm Tuất (1802) quân Quang Thùy bức lũy Trấn Ninh. Quân ta mở cửa lũy, cố sức đánh lui được.
Toản lại đem hết quân vây lũy Đâu Mâu: bám vào như kiến mà trèo lên. Quân ta bắn đại bác ầm ầm và ném đá lớn xuống: quân Toản bị thương và chết nhiều lắm.
Toản sợ, muốn rút lui, Thị Xuân níu ngựa, cố xin đánh Toản lại vẫy quân thúc đánh: từ sáng sớm đến chiều cả chưa chịu lui. Chợt nghe thủy quân bị Nguyễn Văn Trương (bên Nguyễn) đánh bại, quân Toản kinh, vỡ.
Ngày mồng 2 (tháng giêng Nhâm Tuất, 1802) Toản chạy đến Động Cao vội qua đò sông Gianh để chạy ra Bắc: kẻ đi theo không còn tới một, hai phần mười, 50 chiếc thuyền lương và quân nhu khí giới đều bị quân ta bắt được cả.
Quang Thùy đến sông Gianh bị quân ta cản lại, không qua đò được phải đi theo đường sơn cước, hơn một tuần450 mới tới Nghệ An: gặp Toản ở đấy. Rồi lại chạy ra Bắc thành.
Trận ấy, Toản cuốn hết lực lượng mà đến đánh, rồi thua một chuyến hết sạch sành sanh.
Từ đó, rủn chí, ngã lòng, Toản chỉ ở trong thành, thi bắn và ngâm thơ thôi.
Diệu, Dũng ở Bình Định (Quy Nhơn), hay tin ấy, bèn đem đồ đảng là lũ Từ Văn Chiêu451, Nguyễn Văn Miên, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Văn Điểm và Lê Công Hưng đem 3.000 quân, 80 thớt voi trận theo đường thượng đạo sang Lào, đi ra Nghệ An.
Bấy giờ đại binh bên ta đã qua sông Gianh, tiến đánh đồn Tam Hiệu ở Bố Chính, và hạ được rồi. Thủy quân của Nguyễn Văn Trương đến cửa bể Đan Nhai, đánh phá các thành chắn bằng đất và gỗ, bộ binh của Lê Văn Duyệt và Lê Chất đến sông Thanh Long, cướp được kho Kỳ Lân.
Nghệ An trấn thủ Nguyễn Văn Thận, Hiệp trấn Nguyễn Chiêm, Thủy quân thống lĩnh Đại, Thiếu úy Đằng (bên Tây Sơn) đều bỏ thành, chạy đến đồn Tiên Lý452. Chiêm tự ải chết. Thận chạy đi Thanh Hoa453.
Đại binh (bên Nguyễn) đã lấy được Nghệ An, liền bổ đặt quan lại.
Diệu từ Quỳ Hợp xuống Hương Sơn, nghe tin Nghệ An đã bị phá, bèn qua Thanh Chương, vượt sông Thanh Long (thuộc Nghệ An). Tụng giả dần dần tan đi. Diệu và vợ là Bùi Thị Xuân đều bị quan quân bắt sống.
Văn Dũng cũng bị thổ dân Nông Cống (thuộc Thanh Hoa) bắt được, giải nộp.
Đại binh (bên Nguyễn) đến Thanh Hoa454, Đốc trấn Quang Bàn và Thận, Đằng đều xuống hàng.
Quân ta thừa thắng tiến ra, không còn ai dám chống cự nữa.
Ngày 16, tháng sáu (Nhâm Tuất, 1802) Quang Toản tự liệu thế không chống nổi, bèn cùng các em là Quang Thùy, Quang Thiệu và lũ Tư mã Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Văn Tứ, Đô đốc Tú qua đò sông Nhị, chạy lên mạn Bắc. Đến Xương Giang (thuộc Bắc Giang) đêm đóng lại, bị dân quê mưu cướp bắt. Quang Thùy tự ải, Tú và vợ cũng tự thắt cổ chết. Toản bị dân Phượng Nhỡn (thuộc Bắc Giang) bắt được, đóng cũi đưa đến Bắc Thành.
Ngày 23 (tháng sáu, Nhâm Tuất, 1802), Xa giá (vua Gia Long) vào thành Thăng Long. Quan lại văn võ các trấn tranh đến cửa quân đầu thú.
Mùa đông năm ấy (Nhâm Tuất, 1802), Xa giá (vua Gia Long) về kinh (Huế) làm lễ cáo nhà thái miếu, dâng tù binh, trừng trị một cách tận pháp: đào phá mả Nhạc, mả Huệ, tán xương ném đi, giam đầu lâu vào nhà ngục, đổi tên ấp Tây Sơn gọi là ấp An Tây.
Năm Minh mạng thứ 12 (1831), tiếp tục bắt được con Nhạc là Văn Đức, Văn Lương và cháu Nhạc là Văn Đâu455 đều khép vào tội chém ngang lưng cả.
Họ hàng dòng giống Tây Sơn thế là hết tuyệt.
Cẩn án456 – Anh em Tây Sơn phân trị, không thống nhiếp nhau.
Nhạc khởi từ năm Mậu Tuất (1778) đến năm Quý Sửu (1793): gồm 16 năm.
Huệ khởi từ năm Mậu Thân (1788) đến năm Nhâm Tý (1792): gồm 5 năm.
Toản khởi từ năm Quý Sửu (1793) đến năm Nhâm Tuất (1802): gồm 10 năm.
Cộng 25 năm tất cả.
Nhưng từ năm Kỷ Dậu (1789), Lê mất, Huệ mới giữ nước. Cứ tính từ năm ấy (Kỷ Dậu, 1789) đến năm Nhâm Tuất457 (1802) là năm Quang Toản bị bắt thì chỉ được 14 năm thôi.
VĂN NÔM ĐỜI CẢNH THỊNH
(1793-1800)
Xưa kia, ta đối với văn nôm, thường chỉ chuyên chú vào văn vần, mà ít luyện tập đến văn xuôi. Cho nên, trong khi ta đã có những câu lục bát hoặc bài hàn luật rất điêu luyện, rất bóng bẩy, rất nhẹ nhàng, thế mà, về tản văn, ta hãy còn chập chững trong bước ấu trĩ! Đó vì trước triều Tây Sơn, phàm những văn thể như hiểu văn, dụ văn, chiếu văn này khác, ta thường viết bằng chữ nho, chứ ít khi dùng đến tiếng mẹ đẻ.
Không “năng học” thì không bao giờ “hay” được: đó là cái nhẽ tất nhiên.
Nhân khảo về đoạn sử Tây Sơn, tôi có tìm được ít nhiều văn nôm – cả tản văn lẫn vận văn – ở đời ấy. Tựu trung tôi thấy văn vần ở đương thời vẫn tiến hơn văn xuôi, đó càng tỏ rằng vì xưa ta ít chịu rèn luyện văn xuôi, nên bấy giờ dầu đã là cuối thế kỷ XVIII, vậy mà văn xuôi hãy còn thô sơ và lủng củng đến thế!
Vậy xin cử một bài chiếu văn từ năm Giáp Dần (1794) đời Cảnh Thịnh làm lệ, để các bạn thấy cái trình độ văn xuôi của ta cách đây 150 năm nó ra thế nào: nó lủng củng những chữ Hán! Nó không được chải chuốt, sáng sủa, gẫy gọn, rõ ràng, khúc chiết và dễ hiểu như văn xuôi bây giờ.
DỤ NHỊ SÚY458 QUỐC ÂM CHIẾU VĂN
(Phiên âm theo bản chữ Nôm trong Giụ am văn tập, sách viết trường Bác Cổ, số A 604 quyển thứ 5, tờ 5b-7b)
Lời dẫn
Như các bạn đã thấy ở truyện Nguyễn Quang Toản, từ năm Giáp Dần (1794) các tướng nhà Tây Sơn nhân dịp Tự quân thơ ấu, quốc gia lắm việc, chèn bẩy lẫn nhau, tàn hại lẫn nhau để tranh chiếm lấy quyền bính. Trần Quang Diệu đang vây Diên Khánh, hay tin Vũ Văn Dũng làm mưa làm gió ở triều đình, giết chết cha con Bùi Đắc Tuyên, bắt giam Ngô Văn Sở, bèn lật đật rút quân kéo về đóng quân ở phía nam sông Hương để uy hiếp Văn Dũng.
Vua Cảnh Thịnh phải sai người đi lại úy lạo phủ dụ, hòa giải cả đôi.
Dưới đây là bài chiếu do nhà vua bảo Phan Huy Ích làm để dụ hai tướng Diệu, Dũng.
Nguyên văn bằng chữ Nôm, nay tôi phiên ra quốc ngữ và giải nghĩa những chỗ khó hiểu.
***
Chiếu Thiếu phó Diệu Quận công Trần Quang Diệu, Tư đồ Dũng Quận công Vũ Văn Dũng khâm tri:
Nhị khanh459 là huân cựu đại thần460, Quốc gia trụ thạch461, người thì phụng tuân cố mệnh462, bảo dực trẫm cung463, người thì chuyên chế Bắc thành, bình hàn vương thất464. Trẫm vốn lấy làm cổ quăng tâm lữ đãi dĩ chí thành465.
Khoảnh nhân biên sự khổng cức466, trụng lao khanh đẳng đổng binh vu ngoại467. Như nay thố trí đồn ngữ đã rồi, mà hồi triều nghị sự, cùng lo tính thủy bộ cơ nghị dĩ đồ hậu cử468, để cho thượng hạ chi tình tương đạt469 thì cũng là phải. Dầu là chưa có triện mệnh, mà đã thiện hồi470, cũng chẳng qua cấp ư quốc kế, lược ư lễ văn471, trẫm cũng chẳng hà trách những điều tế quá472.
Bỗng nay nhị khanh tự hoài nghi cụ, cách hà ủng binh, bất lai triều yết473. Tằng dĩ lũy ban dụ chỉ, hãy còn suy thác trì hồi474! Trong quân thần phận nghĩa, mà tự xử dường ấy, khanh đẳng nghĩ đã yên lòng hay chưa?
Trẫm thanh niên lãm chính475, đường thành tín ngự hạ có điều chưa được tố phu476, khiến tới nỗi những kẻ huân cựu dường ấy còn phải quải ngại vu tâm477, ấy cũng là trẫm chi quá thất478.
Tưởng nay đương buổi tông thành nhất thủ, kình địch tại tiền, dẫu quân thần đồng tâm mưu lự còn e phất cập479, bỗng lại gây nên nội hoạn480, thì nữa quốc sự làm sao!
Ví như trẫm chẳng suy lượng bao hàm481, lại có lòng tường hại tướng thần482, ấy là tự tiễn kỳ vũ dực, thế ắt nguy vong lập kiến483. Mà khanh đẳng dĩ binh hiếp chế khiến cho chủ bính hạ di, đại cương vẫn xuyễn484 thì cũng chung quy loạn vong. Thử nghĩ hai nhẽ ấy, trẫm an nhiên vi chi hồ? Khanh đẳng an nhiên vi chi hồ485?
Dầu như khanh đẳng còn ngại tiếng “phạm thượng” mà lại bất năng thích nghi486, thiên tương nội đạo viên quân tầm lộ tha khứ487, để đến nỗi nhân tính hung động488, địch quốc ngoại thừa489 thì tận khí tiền công, thùy nhậm kỳ cữu490?
Trẫm thừa tông miếu xã tắc chi trọng491, nhị khanh vi triều đình đống cán chi thần492, nhẽ đâu lưỡng tương nghi trở493, sự biến hoạnh sinh494, chẳng là di tiếu thiên thu495 vậy du!
Sổ nhật lại phản phúc tư duy496, tẩm thiện câu giảm497, tưởng chưng quốc gia đại kế hệ tại tư tu498. Vậy đã khai thành trì dụ499, mà khanh đẳng còn chưa khai thích, trẫm vưu bất an vu tâm500!
Vả, kinh lãm khanh đẳng biểu nội501: sở chư thố trí các điều cũng là đương hành sự nghi502, song khanh đẳng còn đối khuyết liệt binh, vị lại triều yết503, thì quân thần chi nghĩa chưa được minh chính504. Như trong nước mà chưa thuận đạo, quân thần hầu dễ lo đường chính sự làm sao!
Dù như khanh đẳng muốn rằng tiên y tấu biểu, hậu thủy xu triều505 thì ra quân nhược thần cường506, cương thường điên đảo, dầu có chính sự cho hay, thi hành sao đặng? Như lấy thế làm binh gián507, e chưa hợp trong sự thể.
Khanh đẳng đã thực lòng ái quốc, thì tua508 giữ đạo tôn thân, thể lòng trẫm suy thành đãi ngộ509, sớm nên thích kỳ hiềm nghi510, qui triều tạ quá mà hãy phu trần sự lý511. Như việc binh nhung nên khu xử những làm sao, trong quan liêu tiến thoái những làm sao, cùng triều thần thương nghị rồi thì thỉnh chỉ phụng hành.
DIỆU QUẬN QUÂN THỨ QUỐC ÂM HIỂU VĂN
Phiên âm theo bản chữ Nôm trong Giụ am văn tập (sách viết trường Bác Cổ, số A 604), quyển 5 tờ 13a-14b
LỜI DẪN
Bài hiểu văn dưới đây là của Giụ am Phan Huy Ích vâng theo chỉ dụ vua Cảnh Thịnh (1793 -1802) làm từ mùa xuân năm Canh Thân (1800) dán yết ở nơi quân thứ Quy Nhơn để hiểu dụ nhân dân và quân lính.
Nguyên Quy Nhơn trước là địa bàn của Nguyễn Nhạc.
Năm Quý Sửu (1793) quân bên Cựu Nguyễn512 vây bức thành Quy Nhơn. Nhạc sai con là Bảo chống cự lại nhưng quân vỡ, Bảo phải thua chạy, Nhạc bấy giờ đang đau ốm, sai ruổi thư ra Phú Xuân để cáo cấp.
Chúa Cảnh Thịnh sai lũ Thái úy Phạm Công Hưng, Hộ giá Nguyễn Văn Huấn, Đại tư lệ Lê Trung và Đại tư mã Ngô Văn Sở đốc suất 17.000 bộ binh, 80 thớt voi và Đại thống lĩnh Đặng Văn Chân đem hơn 30 chiếc chu sư chia làm 5 đường vào cứu.
Quân Cựu Nguyễn cởi vây, rút lui. Bọn Hưng vào thành Quy Nhơn. Nhạc sai đem một mâm vàng, một mâm bạc ra để khao quân, Hưng bèn tịch biên kho đụn thu lấy giáp binh, chiếm cứ lấy thành ấy. Nhạc uất tức, hộc máu ra mà chết513.
Từ đó Quy Nhơn lại thuộc dưới quyền thống trị của chúa Cảnh Thịnh.
Qua năm Mậu Ngọ (1798). Bảo nổi cuộc phản công, bắt tù Thanh Uyên hầu514 là tướng của triều đình Phú Xuân lưu lại để kiềm chế Bảo, rồi Bảo chiếm giữ thành Quy Nhơn, sai Đô đốc Đoàn Văn Cát và Nguyễn Văn Thiệu giữ Phú Yên; sau lại đưa thư xin xuống hàng chúa Nguyễn.
Nhưng quân Cựu Nguyễn chưa đến thì binh Phú Xuân đã kéo tới vây thành bắt Bảo rồi.
Năm Kỷ Mùi (1799), sau trận Thạch Tân, Diệu, Dũng đều thua, Quy Nhơn lại bị bên Cựu Nguyễn
lấy được.
Từ năm ấy, cái tên “Bình Định” do chúa Nguyễn Ánh đặt cho để thay vào hai chữ “Quy Nhơn” mới bắt đầu thấy trên sử sách.
Cuộc chiến tranh ở thành Quy Nhơn này bước sang thời kỳ kịch liệt cũng từ khi thành ấy bị đổi tên làm Bình Định, do Chưởng hậu quân Vũ Tính và Lễ bộ Ngô Tòng Chu bên Cựu Nguyễn cùng gánh trọng trách trấn thủ.
Để đi giựt lại Quy Nhơn, Trần Quang Diệu, Thiếu phó bên Tây Sơn, từ ngày 21 tháng chạp năm Kỷ Mùi (1799), tiến quân vào mặt nam, qua ngày 29 (tháng mười hai Kỷ Mùi, 1799), Diệu đến đèo Bến Đá chia quân làm ba đạo, lách núi non, vượt hiểm trở mà thẳng tiến. Đến ngày mồng 2 tết Canh Thân (1800) Diệu bức thành Quy Nhơn bao vây bốn mặt515. Rồi kết quả trận này ra sao, chắc các bạn đã thấy rõ ở truyện Nguyễn Quang Toản như trên đã chép đó.
Sau khi nhận được tờ biểu của quận Diệu để trong ống tre, cẩn niêm, dâng lên từ nơi quân thứ, khi đã vây thành Quy Nhơn, chúa Cảnh Thịnh như đã nói ở trên, có sai Phan Huy Ích làm bài hiểu văn bằng nôm này niêm yết nơi quân thứ của Diệu tại Quy Nhơn để vỗ về yên ủi lòng quân lính.
Có xét lai lịch việc Quy Nhơn như thế, ta mới hiểu thêm một đoạn lịch sử ở đương thời và khỏi bỡ ngỡ những chỗ dụng ý trong bài hiểu văn dưới đây (viết theo văn thể biền ngẫu đối nhau) của tác giả.
***
Nhất hiểu Quy Nhơn phủ quan, quân, dân thứ đẳng tri:
Tướng vâng quyền chế ngoại516, dẹp lửa binh mà giúp lấy dân lành.
Người sẵn tính giáng trung517, cởi lưới ngược lại noi về đường thuận.
Mấy lời cặn kẽ.
Đòi chốn sum vầy,
Quý phủ ta: cội gốc nền vương,
Giậu phên nhà nước.
Miền thang mộc518 vốn đúc non gây (?) bể, mở mang bờ cõi bởi từ đây519.
Hội phong vân520 từng dìu phượng vin rồng, ghi tạc thẻ quyên521 đành dõi để.
Dấu cờ nghĩa đã sáng công dực vận522.
Buổi xe nhung thêm dóng sức cần vương.
Mấy phen gió bụi nhọc còn đòng523, giúp oai võ cũng đều nhờ đất cũ.
Ba huyện đá vàng bền tấc dạ, căm cừu thù chi để đội giời chung.
Tiệc ca phong524 châm nhạn vừa yên,
Vời Tĩnh Hải tăm kình lại động525.
Đoàn ngoại vũ lung lăng quen thói, nương thế đèo, đường Bến Đá chia ngăn526.
Kẻ khổn tư527 giáo giở bên lòng, phụ ơn nước, chốn thành vàng phút bỏ528!
Nơi trọng địa xảy nên gai góc.
Lũ lương gia529 lây phải lầm than.
Kẻ thì sa vào thế hiếp tòng530, trót lỡ bước dễ biết đâu tránh thoát;
Kẻ thì quá nghe lời khua dụ531, dẫu căm hờn nào có kịp nàn than.
Giận vì địch thế bãi buông tuồng.
Xót đến dân tình càng áy náy.
Trong một cõi, nỗi hoành ly532 là thế, đầu tên, trước đạn, nghĩ cỏ cây âu đã đổi màu xưa.
Trên chín lần niềm chắc ẩn là bao, sớm áo, đêm cơm533, mong đệm chiếu lại cùng êm nếp cũ534.
Chước điễn khấu ngửa vâng tiếng ngọc535.
Việc đổng nhung xa chỉ ngọn đào536.
Bản chức537 nay: chịu mạng đền phong538.
Buông oai trướng liễu539.
Thế phân đạo gấu giồ (?), hùm thét, suối rừng pha đồn lũy đã tan tành;
Cảnh sơ xuân540 hoa rước, oanh chào, đất nước thấy quan quân càng hớn hở.
Súy mạc vốn quyết bài tất thắng541.
Tông thành âu hẹn buổi phục thu.
Ngẫm chúng tình542 đà quay quắt bấy lâu, sự biến ấy hoặc có người nghi cụ543.
Vậy tướng lệnh phải đinh ninh đòi nhẽ, thân cố ta cho biết nẻo tòng vi544.
Nghiệm cơ giời đành thu góp về nhân.
Vâng nơi thánh lấy chở che làm lượng.
Bao nhiêu kẻ trót theo đảng dữ, như đã thích mê hồi thiện545, thì đều noi chức nghiệp cũ cho yên.
Hoặc mấy người riêng bấm (?) chí cao, mà hay nỗ lực lập công, ắt lại chịu ân thưởng nay càng hậu.
Dẫu trước có hà tỳ546 nào xá trách.
Ai sớm hay hối ngộ547 thảy đều dung.
Hội thanh ninh548 đành trên dưới đều vui.
Người Bái quận549… móc mưa hiệp sái550
Phương tị tựu vi kíp chầy chưa tỏ551,
Thủa Côn Cương ngọc đá khôn chia552.
Nghĩa cả mà lầm,
Lòng ngay xá giữ,
Nay hiểu.
Lời bạt
Viết cuốn Quang Trung này tôi có ý muốn đem ra ánh sáng chút ít sử liệu bấy nay đã tốn bao công mới tìm tòi nhặt lượm được. Rất mong các bậc cao minh trong giới sử học đoái đến mà nhã chính cho những chỗ sơ sót, thiếu thốn.
Tiếc rằng, vì trình độ, vì hoàn cảnh, tôi buộc lòng phải dùng một phương tiện thích ứng mà trình bày sách này cho “vừa tầm” với tiếng đòi hỏi của
thời đại.
Với nỗ lực, tôi còn mong có một bộ Quang Trung “như ý” ở một ngày mai tươi sáng.
***
Có nhiều bạn hỏi về chân dung vua Quang Trung.
Nay xin đáp chung: Tấm ảnh người cưỡi ngựa, mặc nhung phục mà nhiều sách báo gần đây rập theo một tờ tạp chí trước kia không phải là di tượng vua Quang Trung thật đâu, vì đó chỉ là một người do họa sĩ vẽ theo tưởng tượng. Bởi vậy, trong Quang Trung553 tôi có cho đặt tấm hình bán thân mà nhiều người đã nhận lầm là chính ảnh vua Quang Trung đó vào cuối phần thứ hai cho vui mắt, cho mỹ quan, nhưng không hề dám nói là ảnh của ai cả.
Hoa Bằng – Hoàng Thúc Trâm