A book is like a garden carried in the pocket.

Chinese Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: Arthur Hailey
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Airport
Dịch giả: Dghien, Thái Hà
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 17
Cập nhật: 2023-06-22 21:33:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần I . 08
ới cách đây chưa đến 5 năm phi trường Lincoln hãy còn được coi là một trong những phi trường tốt nhất và hiện đại nhất thế giới. Nhiều phái đoàn kiểm tra nó phải trầm trồ thán phục. Các chính trị gia nói về nó với niềm kiêu hãnh và huênh hoang khẳng định rằng nó là “đứng đầu trong ngành hàng không” và “biểu tượng của thời đại phản lực”. Ngày nay, các chính trị gia vẫn còn tự hào nói về nó, nhưng đã ít cơ sở hơn. Điều mà hầu hết không nhận ra là phi trường quốc tế Lincoln cũng như nhiều phi trường hiện đại khác, đang nhanh chóng biến thành cái gọi là lăng mộ trắng.
Mel Bakersfeld suy ngẫm về cụm từ lăng mộ trắng trong khi đi trong bóng tối xuống đường băng 1-7L. Đó là một định nghĩa thích hợp, ông nghĩ. Sự thiếu sót của sân bay là nghiêm trọng và cơ bản, tuy nhiên, vì chúng hầu hết nằm ngoài tầm nhìn của công chúng, chỉ có người trong cuộc mới biết về chúng.
Các du khách và hành khách đến sân bay quốc tế Lincoln chủ yếu chỉ nhìn thấy tòa nhà ga chính - một lăng mộ Taj Mahal với ánh sáng rực rỡ, được điều hòa không khí. Nhà ga toàn kính và chrome bóng như gương trông thật rộng rãi ấn tượng. Một hệ thống hành lang chi chít dẫn khách đến các phòng chờ thanh lịch. Các cơ sở dịch vụ sang trọng vây quanh không gian dành cho hành khách. Trong nhà ga có sáu nhà hàng, bắt đầu từ nhà hàng đặc sản dành cho người sành ăn với thức ăn được phục vụ trên những chiếc đĩa sứ viền vàng và giá cả đắt đỏ, cho đến những quầy bán món xúc xích vừa đi vừa ăn. Nhiều quán bar với ánh đèn mờ ảo ấm cúng, và nhiều bar khác sáng rực đèn neon, nơi chỉ phục vụ đứng, cũng như rất nhiều phòng vệ sinh. Trong khi chờ chuyến bay, và không cần rời khỏi nhà ga, hành khách có thể mua sắm, thuê phòng ngủ, tắm hơi có massage, cắt tóc, là ủi quần áo, đánh giày, hoặc thậm chí chết và chôn cất được tổ chức bởi Holy Ghost Memorial Gardens, có hẳn văn phòng riêng ở tầng dưới.
Nếu chỉ đánh giá nhà ga nguy nga tráng lệ một mình, sân bay vẫn còn ngoạn mục. Song những nhược điểm bắt đầu bộc lộ ở các khu vực hoạt động, đáng chú ý là đường băng và đường lăn.
Rất ít trong số tám mươi nghìn hành khách bay đến và đi mỗi ngày nhận thức được sự bất cập - và do đó nguy hiểm - của hệ thống đường băng đã trở nên như thế nào. Cách đây một năm số lượng đường băng và đường lăn đã gần như hết công suất. Còn bây giờ, chúng đã bị khai thác một cách nguy hiểm. Trong thời gian bận rộn thông thường, trên hai đường băng chính, việc cất cánh hoặc hạ cánh diễn ra cứ sau ba mươi giây một lần. Do sự phàn nàn của dân chúng Meadowood, cũng như do ý muốn của ban giám đốc sân bay muốn nhượng bộ họ, vào những giờ cao điểm người ta phải dùng đến đường băng cắt ngang một trong hai đường băng kia. Kết quả là các máy bay phải lên xuống trên những đường băng đan chéo nhau, và có những giây phút, những người kiểm soát viên không lưu chỉ còn biết nín thở và cầu nguyện. Chỉ mới tuần trước Keith Bakersfeld, em trai của Mel, đã dự đoán một cách dứt khoát, “Được rồi, vì Đài KSKL chúng ta cứ phải nai lưng ra để tách những chiếc máy bay, trong khi chúng chỉ cách nhau một tấc là đâm vào nhau, cho nên tạm thời chưa có tai nạn nào xảy ra ở chỗ ngã tư. Nhưng sớm hay muộn, một người nào trong chúng ta sao nhãng đi, dù chỉ một tích tắc thôi, hoặc chỉ cần tính toán sai đi một chút, là chắc chắn không tránh khỏi tai nạn. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho chuyện đó đừng rơi đúng vào tôi, vì nếu xảy ra chuyện đó, nó sẽ thành thảm họa Grand Canyon [12] một lần nữa”.
Keith muốn nói đến chính cái ngã tư mà đoàn Conga vừa đi qua. Trong cabin chiếc xe thổi tuyết, Mel ngoái đầu nhìn ra phía sau. Đoàn Conga đã dọn sạch tuyết chỗ ngã tư, và nhân lúc tuyết rơi ngớt đi một khoảnh khắc, Mel nhìn thấy trên đường băng bên kia loé lên ngọn đèn dẫn đường của chiếc máy bay vừa bay vút lên. Sau đó thật không thể tin được, có nhiều đèn hơn, chỉ một vài yard phía sau, hầu như cùng một lúc một chuyến bay khác vừa hạ cánh,.
Người điều khiển xe thổi tuyết cũng nhìn lại và huýt lên một tiếng sáo. “Ô! Hai chiếc máy bay gần nhau quá!”
Mel gật đầu. Quả thực hai chiếc máy bay gần nhau quá và trong một khoảnh khắc, da ông nổi gai ốc. Rõ ràng qua những gì đã xảy ra, người kiểm soát viên không lưu hướng dẫn các phi công của cả hai máy bay bằng radio, đã cắt giảm dung sai cực kỳ tốt. Người kiểm soát viên không lưu lão luyện đã tính toán chính xác mọi cái, nhưng làm như vậy thật nguy hiểm. Lúc này cả hai máy bay đã an toàn: một cái đã ở trên không, còn một cái dưới đất. Nhưng việc thỉnh thoảng những kiểm soát viên không lưu phải có những quyết định như thế đã làm cho tình trạng lúc nào cũng căng thẳng.
Mel đã nhiều lần chỉ cho Hội đồng quản trị sân bay và các Ủy ban của thành phố nắm quyền quyết định tài chính cho sân bay, biết chuyện đó. Ông không chỉ đấu tranh yêu cầu người ta phải xây thêm ngay những đường băng và đường lăn, mà còn thuyết phục họ mua nốt chỗ đất xung quanh sân bay để dần dần mở rộng nó ra. Kết quả là đã gây ra cuộc tranh cãi kéo dài, và nhiều khi rất quyết liệt. Một số ủy viên Hội đồng cũng như trong lãnh đạo thành phố cũng có ý kiến giống Mel, nhưng có những người có quan điểm kiên quyết chống lại. Thật khó làm cho mọi người tin rằng, một phi trường được xây cho máy bay phản lực vào cuối những năm năm mươi, lại có thể nhanh chóng bị lạc hậu, và nguy hiểm. Không ai quan tâm đến chuyện tình trạng như vậy cũng xảy ra ở cả những sân bay khác - ở New York, San Francisco, Chicago và các nơi khác; có một số chuyện mà các chính trị gia đơn giản là không muốn thấy.
Mel nghĩ: có lẽ Keith nói đúng. Có khi phải có một thảm họa thật lớn mới làm khơi dậy nhận thức cộng đồng, giống như vào năm 1956, thảm họa xảy ra ở Grand Canyon đã thúc đẩy tổng thống Eisenhower và quốc hội khóa 84 phải cải tổ ngành hàng không. Tuy nhiên, trớ trêu thay, hiếm khi có bất kỳ khó khăn nào trong việc chi ngân sách cho các việc không liên quan gì đến hoạt động chính. Một để xuất cho bãi đậu xe ba tầng đã giành được sự chấp thuận của thành phố mà không có ý kiến phản đối nào. Nhưng đó là thứ mà công chúng - bao gồm cả những người có phiếu bầu - có thể nhìn thấy và sờ tay vào. Đường băng và đường lăn lại là chuyện khác. Mỗi một đường băng mới có giá vài triệu dollar và mất hai năm để xây dựng, nhưng rất ít người ngoài các phi công, kiểm soát viên không lưu và quản lý sân bay, biết là hệ thống đường băng còn tốt hay xấu.
Nhưng tại sân bay quốc tế Lincoln sự việc sắp đi đến chỗ chấm hết. Chắc chắn sẽ xảy ra. Trong mấy tuần gần đây, Mel đã cảm nhận được các dấu hiệu, và khi nó xảy ra, phải dứt khoát lựa chọn - giữa sự tiến bộ trên mặt đất, phù hợp với những thành tựu mới trong không trung, hoặc bất lực buông trôi. Trong hàng không không bao giờ có nguyên trạng.
Cộng thêm vào đó còn có một yếu tố nữa.
Cũng như tương lai của sân bay, tương lai cá nhân của Mel đang bị đe dọa. Uy tín của ông sẽ tăng hoặc giảm tùy vào việc sân bay đi theo chính sách nào theo quyết định của các nhà chính trị.
Chỉ một thời gian ngắn trước đây, Mel Bakersfeld là người phát ngôn tầm cỡ quốc gia về hậu cần mặt đất của ngành hàng không, đã được hoan hô là thiên tài trẻ đang lên trong quản lý hàng không. Sau đó xảy ra một sự kiện tai họa làm đảo lộn tất cả. Từ đó đến nay đã được bốn năm, và tiền đồ của Mel dưới con mắt người khác - cũng như dưới con mắt chính ông - đã không còn sáng sủa và quang đãng nữa.
Sự kiện có ảnh hưởng quyết định đó là vụ ám sát John F. Kennedy.
“Đã đến cuối đường rồi, thưa ngài Bakersfeld. Ngài theo chúng tôi quay lại hay xuống đây ạ?” Tiếng người lái xe cắt ngang suy nghĩ của Mel.
“Anh bảo gì?”
Người lái xe nhắc lại câu hỏi. Phía trước mặt lại nhấp nháy những ánh đèn đỏ và đoàn Conga đang dừng lại. Nửa bên phải đường băng đã được dọn sạch tuyết. Bây giờ đoàn Conga sẽ quay lại và dọn nốt nửa bên trái. Kể cả những lúc nghỉ, đoàn Conga phải mất từ bốn mươi phút đến một tiếng đồng hồ mới dọn tuyết và rải cát xong một đường băng.
“Không”, Mel nói. “Tôi xuống đây”.
“Thưa ngài, rõ”. Người lái xe bật đèn hiệu cho người trợ lý và anh này lập tức phóng đi. Một lát sau, khi Mel leo xuống, chiếc xe của ông đang đợi. Từ những chiếc xe dọn tuyết và xe tải khác, mọi người đang đi xuống và vội vã đến chiếc xe phục vụ cà phê.
Trên đường quay về nhà ga, Mel liên lạc radio với phòng chỉ huy chống tuyết và xác nhận với Danny Farrow rằng, đường băng 1-7L sắp có thể sử dụng được. Sau đó ông giảm bớt âm thanh, cho chuyển sang kênh của đài kiểm soát mặt đất, những giọng nói vang lên khàn khàn nho nhỏ không phá vỡ dòng suy nghĩ của ông.
Ban nãy, khi ngồi trong ca bin của chiếc thổi tuyết ông bất giác nhớ lại sự kiện đã ảnh hưởng quyết định đến số phận ông.
Chuyện đó xảy ra cách đây bốn năm.
Phải, thế mà đã bốn năm rồi, Mel ngạc nhiên nghĩ, kể từ cái ngày tháng mười một ảm đạm ấy, ngày mà ông, gần như máy móc, không biết mình làm gì, đã kéo chiếc micro đặt trên bàn về phía mình - chiếc micro mà rất ít khi ông sử dụng, vì nó cắt tất cả những micro khác trong sân bay - và xen ngay vào cái thông báo về chuyến máy bay nào đó sắp hạ cánh, ông tuyên bố rất to, giọng ông vang đi khắp gian phòng lớn, và ngay tức khắc tất cả im phắc, báo tin cho mọi người cái tin khủng khiếp mà ông vừa nhận được cách đó vài giây từ Dallas.
Ông vừa nói vừa nhìn lên lấm ảnh treo trên tường phòng làm việc của ông, trên tấm ảnh có hàng chữ: Tặng bạn Mel Bakersfeld của tôi, người cũng như tôi, khao khát mở rộng ranh giới chật hẹp dưới đất - John F. Kennedy.
Đến nay ông vẫn giữ tấm ảnh đó như nhiều kỷ niệm khác.
Những hồi ức bắt đầu từ ngày Mel đọc diễn văn tại thủ đô Washington.
Hồi đó Mel không chỉ là giám đốc sân bay, mà còn là chủ tịch Hội đồng các giám đốc sân bay - trẻ nhất trong số những người từng lãnh đạo cái tổ chức tuy nhỏ nhưng rất uy tín này, vì nó gắn bó các cơ quan điều hành của tất cả các sân bay lớn nhất thế giới. Trụ sở của Hội đồng đặt tại Washington, và Mel thường phải bay tới đó.
Và bài diễn văn đó ông đã đọc tại Hội nghị kế hoạch toàn quốc.
Mel đã chỉ ra rằng, ngành hàng không là lĩnh vực duy nhất có thể phát triển tốt đẹp sự hợp tác quốc tế. Đối với nó không có ranh giới tư tưởng cũng như ranh giới địa lý. Cho phép con người thuộc các quốc gìa khác nhau có thể xê dịch khắp thế giới - hơn nữa với chi phí ngày càng hạ, ngành hàng không cho đến nay vẫn được coi là phương tiện nhận thức thế giới hiện thực nhất do con người sáng chế ra.
Ở đây thương mại quốc tế đóng vai trò to lớn. Việc vận chuyển hàng hỏa trên không, mà ngay bây giờ đã có quy mô rất lớn, chắc chắn sẽ còn tăng lên rất nhiều. Những loại máy bay phản lực khổng lồ mới sẽ được sử dụng vào những năm bảy mươi, sẽ là phương tiện vận chuyển hàng hóa nhanh nhất và rẻ nhất. Chỉ sau vài chục năm nữa, những chiếc tàu viễn dương sẽ được đưa vào ụ để làm hiện vật bảo tàng, những máy bay vận tải sẽ thay thế chúng, tựa như hồi nào những máy bay hành khách đã hạ đo ván những chiếc tàu khách Queen Mary và Elizabeth. Sẽ xuất hiện những phi đội buôn bán mới đi khắp thế giới và mang lại phồn vinh cho những nước hiện còn nghèo đói. Đứng về mặt kỹ thuật, khi đó Mel nhắc nhở, hàng không có thể đảm nhiệm vai trò đó, thậm chí còn lớn hơn ngay trong thế hệ của những người trung niên ngày nay.
Tuy nhiên, ông tiếp, trong khi các công trình sư máy bay đang dùng những sợi chỉ mỏng mơ ước để dệt thành mảnh vải dày hiện thực, thì trong việc xây dựng những công trình mặt đất phần lớn hãy còn hoặc là thiển cận, hoặc quá hấp tấp không có cơ sở. Các sân bay, các đường băng, đường lăn và các nhà để xe, được xây dựng theo những yêu cầu của ngày hôm nay, mà không hề - trừ một số rất ít trường hợp - có sự tính toán nào cho tương lai. Nói ngắn gọn, người ta hoặc không tính hết nhịp độ phát triển của hàng không, hoặc hoàn toàn coi thường nó. Các sân bay được xây dựng từng phần một cách tùy tiện, theo sở thích của một vài lãnh đạo thành phố nào đó. Thông thường phần lớn ngân sách được dành cho việc xây những nhà ga, tức là những bộ phận có tính chất phô bày, còn phần ít hơn mới cho các khu vực trọng yếu, thiết thực. Việc phối hợp, lập kế hoạch cấp độ cao trong phạm vi quốc gia cũng như trong phạm vi thế giới là không hề tồn tại.
Ở cấp địa phương, nơi các chính trị gia tỏ ra thờ ơ với các vấn để tiếp cận mặt đất của các sân bay, tình hình là tồi tệ hoặc tồi tệ hơn.
“Chúng ta đã vượt qua được giới hạn âm thanh”, Mel nói, “Nhưng chúng ta chưa vượt qua được giới hạn mặt đất”.
Ông liệt kê các lĩnh vực cụ thể để nghiên cứu và thúc giục lập kế hoạch quốc tế - do Hoa Kỳ lãnh đạo và truyền cảm hứng - cho phát triển ngành hàng không trên mặt đất.
Bài diễn văn của ông được người ta hoan nghênh nhiệt liệt và đã được báo cáo rộng rãi. Nó được tán thành trong khắp các giới và báo chí như tờ Times of London, Pravda và Wall Street Journal.
Ngày hôm sau Mel được mời đến Nhà trắng.
Cuộc gặp với Tổng thống đã diễn ra tốt đẹp. Đó là một cuộc thảo luận thư giãn, thoải mái, tốt lành trong riêng tư trên tầng hai của Nhà Trắng. J.F.K. và Mel tìm thấy, chia sẻ nhiều ý tưởng của riêng mình.
Sau cuộc gặp đó còn có nhiều cuộc gặp khác, đôi khi có sự tham gia của “những bộ óc tin cậy”, tức là những cố vấn của Kennedy, thường là khi Chính quyền đang xem xét các vấn để có liên quan đến hàng không. Sau vài cuộc họp như thế ở Nhà Trắng, mà tiếp theo chúng có những cuộc tiếp xúc không chính thức với tổng thống, Mel hoàn toàn được xem là người thân cận ở đó. Quan hệ của ông với J.F.K., người thích tập hợp quanh mình những con người thông minh, am hiểu, ngày càng mang tính chất thân tình.
Khoảng một năm sau cuộc gặp đầu tiên, tổng thống hỏi Mel nghĩ thế nào nếu người ta mời ông giữ chức vụ giám đốc Cơ quan hàng không liên bang - Federal Aviation Agency - FAA (sau này là Cục hàng không liên bang - Federal Aviation Administration). Nghĩa là Mel có bằng lòng nhận trách nhiệm thực thi những biện pháp mà ông kiên quyết đấu tranh khi còn chưa ở trong Cơ quan không? Mel đã trả lời rằng ông thực sự rất quan tâm. Ông nói rõ rằng nếu một để nghị được đưa ra, câu trả lời của ông sẽ là có. Sau khi thắng cử nhiệm kỳ thứ hai, điều đó được coi như đã quyết định, Kennedy chuyển giám đốc Cơ quan hàng không liên bang, Halaby, sang chức vụ khác.
Tin đồn về chuyện đó, không phải từ Mel, lập tức lan rộng. Mel được xếp vào hàng những người “thân cận”. Uy tín của ông vốn đã tương đối lớn rồi, lại càng lớn hơn. Hội đồng các giám đốc sân bay lại bầu ông làm chủ tịch lại. Hội đồng quản trị của sân bay ông tăng hẳn lương cho ông. Và chưa đến bốn mươi tuổi ông đã được gọi là Roland Con [13] trong ngành quản lý hàng không.
Nửa năm sau, John F. Kennedy đi một chuyến mạo hiểm đến bang Texas.
Như những người khác, Mel đầu tiên là choáng váng, sau đó khóc nức nở. Mãi sau này ông mới hiểu những viên đạn của kẻ sát nhân đã gián tiếp làm bị thương nhiều người khác, trong đó có cả ông. Ông phát hiện ra mình không còn là người thân cận ở Washington nữa. Najeeb Halaby đúng là đã rời Cơ quan hàng không liên bang để giữ chức phó giám đốc thứ nhất hãng Pan American, nhưng Mel không được thay chức ông ta. Đến lúc đó, quyền lực đã thay đổi, ảnh hưởng suy yếu dần. Tên của Mel, sau này ông được biết, thậm chí còn không có trong danh sách ngắn của Tổng thống Johnson đề cử giữ chức giám đốc FAA.
Nhiệm kỳ thứ hai của Mel ở cương vị chủ tịch Hội đồng các giám đốc sân bay trôi qua bằng phẳng và đều đặn, và người ta đã thay thế ông bằng một người trẻ hơn và có nhiều hứa hẹn. Những chuyến đi Washington của Mel thôi không còn nữa. Bây giờ ông chỉ phát biểu trước những đồng nghiệp của mình, và xét về khía cạnh nào đó, ông chấp nhận sự thay đổi ấy với cảm giác nhẹ nhõm. Công việc của ông ở sân bay nhiều hơn: Khối lượng vận chuyển hàng không tăng lên rất nhanh. Ông phải bận rộn nhiều cho việc thảo kế hoạch và mất không ít công sức cho Hội đồng quản trị để cố lôi kéo họ về phía mình. Nói tóm lại là ông đã có đủ việc phải suy nghĩ, cả ở cơ quan, cả ở nhà. Tất cả các ngày làm việc của ông đều bận kín.
Tuy nhiên ông vẫn bị ám ảnh bởi cảm giác rằng ông đã bỏ lỡ thời gian và cơ hội. Cả những người khác cũng cảm thấy như thế. Và Mel đi đến kết luận rằng, trừ khi có điều gì đó kịch tính xảy ra, con đường công danh của ông sẽ kết thúc ở nơi nó bắt đầu.
“Tháp gọi xe số một - để nghị cho biết vị trí”. Giọng nói qua radio cắt đứt dòng suy nghĩ của Mel và trả ông về thực tại.
Mel gạt công tắc và trả lời. Ông đã về đến gần khu nhà chính của nhà ga - những ánh đèn của nó trông đã rõ mặc dù tuyết vẫn rơi. Những bãi đỗ máy bay, như ông thấy, vẫn chật ních, và cạnh những hành lang xếp, những chiếc máy bay vừa hạ cánh xếp thành dãy dài đợi đến lượt vào.
“Xe số một, tạm dừng lại, chờ chiếc Lake Central Nord đi qua rồi đi theo nó”.
“Xe số một. Roger”.
Khoảng hai ba phút sau, Mel cho xe đi vào hầm chứa xe của nhà ga.
Cạnh vị trí đỗ xe của ông có một hộp khóa kín với điện thoại bên trong. Mel mở bằng chìa khóa riêng và quay số điện thoại của phòng chỉ huy chống tuyết. Danny Farrow trả lời. Mel hỏi có tin gì mới không về chiếc máy bay sa lầy của hãng Aéreo-Mexican?
“Chẳng có gì”, Danny đáp. “Và chỉ huy Tháp KSKL nhờ nói lại với ngài rằng việc tắc đường băng 3-0 làm tốc độ chậm đi mất năm mươi phần trăm. Cũng như thế, ông ta nhận được nhiều cú điện thoại từ Meadowood mỗi khi có máy bay cất cánh ở đó”.
Mel nói một cách dứt khoát, “Meadowood sẽ phải chịu đựng điều đó”. Dù họ có tổ chức biểu tình hay không ông cũng không thể làm gì để tránh tiếng ồn cho họ được. Vấn để khôi phục hoạt động bình thường của sân bay còn quan trọng hơn nhiều. “Thế Joe Patroni hiện đang ở đâu?”
“Vẫn ở đó. Trên đường quốc lộ”.
“Nhưng anh ta có đến được không?”.
“Anh em ở hãng TWA nói rằng có. Xe anh ta có máy điện thoại, vì thế họ vẫn liên lạc được với anh ấy”.
“Khi nào anh ta đến, cho tôi biết ngay, dù tôi đang ở đâu”. Mel chỉ thị
“Theo tôi nghĩ, lúc ấy ngài chắc đang ở thành phố”.
Mel ngập ngừng. Quả thực, ông không còn lý do gì để nán lại ở sân bay nữa. Tuy nhiên, một lần nữa, không thể tin được, linh cảm về tai họa đến với ông ban nãy ngoài phi trường không hiểu sao vẫn ám ảnh ông. Ông nhớ lại cuộc nói chuyện với người chỉ huy tháp KSKL, về những máy bay đang xếp hàng chờ đến lượt vào hành lang xếp. Và ông đưa ra quyết định.
“Không, tôi sẽ không vào thành phố. Chúng ta đang rất cần đường băng này, và tôi sẽ không đi đâu cho tới khi biết Patroni đến và bắt lay vào việc”.
“Nếu vậy”, Danny nói, “Tôi khuyên ông nên gọi ngay cho bà nhà biết. Số điện thoại chỗ bà ấy đây”.
Mel ghi xong, đặt ống nghe xuống, rồi quay ngay số điện thành phố. Ông nhờ gọi Cindy, và sau một giây im lặng, nghe thấy giọng gắt gỏng của cô ta, “Mel, sao đến giờ vẫn chưa thấy anh đến?”
“Xin lỗi, tôi bận. Ở sân bay có nhiều vấn để quá. Bão lớn đến nỗi...”
“Chết tiệt, anh phải đến nhanh lên!”
Nghe giọng của cô có vẻ kìm nén, Mel đoán chắc có người nào khác đang nghe. Tuy nhiên Cindy vẫn biết cách trút giận vào mấy từ ấy.
Nghe giọng nói của vợ, đôi lúc Mel lại nhớ tới Cindy mà ông biết từ trước ngày cưới, cách đây mười lăm năm. Hồi đó cô ấy dịu dàng hơn nhiều. Chính cái vẻ dịu dàng, mềm mại của cô ta đã chinh phục ông khi họ gặp nhau lần đầu tiên ở San Francisco, nơi ông vừa rời khỏi hải quân và chiến tranh Triều Tiên. Cindy là một diễn viên đóng những vai phụ, nhưng không thành và rõ ràng là không thể thành công được. Càng ngày người ta càng giao cho cô những vai nhỏ hơn trong các chương trình mùa hè và trên vô tuyến truyền hình, và sau này trong giây phút thẳng thắn, đã thừa nhận rằng, hôn nhân là lối thoát may mắn cho cô ta trước tình cảnh đó.
Nhưng nhiều năm sau, câu chuyện đó đã thay đổi một chút và nó trở thành một câu chuyện yêu thích của Cindy khi tuyên bố rằng cô đã hy sinh sự nghiệp có thể trở thành ngôi sao vì Mel. Tuy nhiên, gần đây, Cindy không thích quá khứ của mình như một nữ diễn viên được nhắc đến. Đó là bởi vì cô đã đọc ở tờ báo Town and Country rằng các nữ diễn viên hiếm khi được đưa vào “Danh sách những người nổi tiếng” và việc thêm tên riêng của mình vào danh sách đó là điều mà cô rất muốn.
“Khi nào có thể đi được, tôi sẽ đến ngay”, Mel nói với cô.
Cindy ngắt lời, “Như vậy chưa đủ. Đáng lẽ anh phải có mặt ở đây từ lâu rồi. Anh thừa biết cuộc họp tối nay đối với tôi quan trọng như thế nảo, và tuần trước chính anh đã hứa sẽ đến dự”.
“Tuần triước tôi không hề biết là sẽ có trận bão tuyết sáu năm nay chưa từng thấy như thế này. Một đường băng rất quan trọng không sử dụng được, có một vấn để về an toàn sân bay...”
“Đã có những người làm việc cho anh, phải không? Hay là những người được chọn không đủ năng lực, họ không thể làm việc một mình?”
Mel cáu kỉnh, “Họ là những người có năng lực cao. Nhưng tôi cũng được trả lương để nhận một số trách nhiệm”.
“Thật đáng tiếc là anh lại không hành động có trách nhiệm với tôi. Hết lần này đến lần khác tôi thực hiện những thỏa thuận xã hội quan trọng còn anh lại thích phá hoại”.
Căn cứ vào những lời lẽ bỗng tuôn ra một tràng như thế, Mel hiểu là Cindy sắp nổi nóng. Ông hình dung rất rõ dáng điệu cô ta lúc này, năm feet sáu năng lượng trên đôi giày cao nhất, đôi mắt xanh trong vắt, và cái đầu tóc vàng hoe của cô nghiêng ngả theo cách hấp dẫn chết tiệt mà cô có khi cô tức giận. Mel cho rằng có lẽ một phần vì thế mà những năm đầu mới lấy nhau, sự nóng nảy của vợ hiếm khi làm ông mất tinh thần. Dường như càng nóng nảy, cô càng trở nên hấp dẫn. Vào những lúc như vậy, ông ta luôn để mắt mình hướng lên trên, bắt đầu từ chân cô, không vội vã, thực tế bởi vì Cindy có đôi chân cực kỳ hấp dẫn hơn so với hầu hết những người phụ nữ khác mà Mel biết - với những phần cơ thể còn lại, cô ấy cũng tương xứng và hấp dẫn về thể chất.
Lúc đó, khi ánh mắt của họ gặp nhau, một sự kích thích hấp dẫn xuất hiện, khiến mỗi người phải vươn ra, chạm vào nhau, một cách đói khát. Kết quả lúc nào cũng vậy, cơn giận của Cindy bị lãng quên trong một làn sóng nhục cảm nhấn chìm họ. Trong lúc chuyện đó xảy ra, Cindy tỏ ra man rợ thú vị, khăng khăng đòi hỏi, “Làm đau em đi, chết tiệt anh, làm đau em đi!” Cuối cùng sau khi mệt lả, họ không còn mong muốn hoặc năng lượng để giải quyết việc xích mích, cãi vã giữa hai người.
Tất nhiên, Mel nhận ra từ rất sớm, đó là một cách gác lại, thay vì giải quyết những khác biệt. Rồi năm tháng trôi qua, khi niềm khao khát đã nguội đi, những sự bất đồng dần dần trở nên mạnh mẽ hơn.
Cuối cùng, trong năm vừa qua, việc sử dụng tình dục như một liều thuốc hay sự thân mật về thể xác dưới bất cứ hình thức nào, dần dần ít đi và trong những tháng gần đây là ngừng hoàn toàn. Thực ra, Cindy như người thèm ăn luôn cần thỏa mãn, lúc này trở nên thờ ơ hoàn toàn. Mel đã tự hỏi về điều đó. Có phải vợ đã có nhân tình? Điều đó là có thể, và ông cho rằng nên quan tâm. Điều đáng buồn là, dường như ông không nên quan tâm thì hơn.
Tuy nhiên, vẫn có những khoảnh khắc khi cảnh tượng hoặc âm thanh của Cindy trong cơn giận dữ có thể khuấy động ông về thể xác, khơi dậy những ham muốn cũ. Bây giờ ông đang có cảm giác đó khi nghe giọng nói tuyệt vời của cô trên điện thoại.
Khi có thể chen vào, òng nói, “Thật sự tôi không thích phá hoại các cuộc hẹn của cô. Mọi khi cô muốn đi đâu tôi vẫn đi với cô, mặc dù tôi thấy không quan trọng. Tôi thích ở nhà buổi tối với các con hơn”.
“Dối trá”, Cindy nói, “Chính anh cũng hiểu như vậy”.
Ông cảm thấy mình căng thẳng hơn, tay nắm chặt điện thoại. Rồi ông tự thừa nhận: có lẽ nhận xét cuối cùng là đúng, ở một mức độ nào đó. Đầu buổi tối hôm nay, ông đã được nhắc về những lần ở lại sân bay trong khi ông có thể về nhà - chỉ vì muốn tránh một cuộc cãi vã khác với Cindy. Lẽ ra lúc này, khi hôn nhân trở nên tồi tệ, không nên nhắc đến chuyện các con ông, Roberta và Libby.
Nhưng ngoài điều đó, đêm nay thì khác. Ông nên ở lại sân bay, ít nhất là cho đến khi được biết chắc chắn những gì đang xảy ra về đường băng bị chặn.
Mel nói, “Chúng ta hãy làm rõ một chuyện. Tôi chưa nói với cô chuyện đó trước đây, nhưng năm ngoái tôi đã ghi lại. Cô đã yêu cầu tôi đi với cô đến tất cả năm mươi bảy cuộc họp từ thiện. Tôi chỉ đến dự được bốn mươi lăm cuộc, mặc dù nếu một mình thì chẳng bao giờ tôi đi. Cô có đồng ý với tôi rằng tỷ lệ như vậy không phải là ít không?”
“Đồ đê tiện! Tôi không chơi đánh bài với anh. Tôi là vợ anh kia mà!”
Mel nói sắc bén, “Nói cho nhẹ nhàng hơn đi!” Rồi trở nên giận dữ, “Xin nhắc để cô biết rằng cô đã to tiếng rồi đấy! Hay cô muốn để tất cả những người dễ thương đang vây quanh cô biết rằng cô chỉ huy chồng?”
“Tôi không… chết tiệt!” Nhưng giọng cô cũng dịu đi nhiều.
“Tôi thừa biết cô là vợ tôi, vì thế tôi mới định đến đó với cô khi nào có thể được”. Mel nghĩ, không biết điều gì sẽ xảy ra, nếu lúc này Cindy đang đứng cạnh ông và ông có thể ôm lấy cô ta? Cái ma lực ngày xưa có thức dậy hay không? Có lẽ không. “Vậy cô hãy giữ chỗ cho tôi và nói với người phục vụ cứ giữ nóng thức ăn cho tôi. Ngoài ra cô hãy xin lỗi hộ mọi người và giải thích cho họ lý do vì sao tôi đến muộn. Tôi cho rằng ở đó cũng có người nghe nói chuyện gì xảy ra ở sân bay”. Bỗng nhiên ông nhớ ra, “Nhân tiện, tôi muốn hỏi tối nay là dịp gì vậy?”
“Tôi đã nói với anh tuần trước rồi mà”.
“Thì hãy nhắc lại lần nữa vậy”.
“Đây là một bữa tiệc công khai - cocktail và ăn tối - để quảng bá cho trang phục sẽ được trao cho Quỹ cứu trợ trẻ em Archidona vào tháng tới. Báo chí đang ở đây. Họ sẽ chụp ảnh”.
Bây giờ Mel đã hiểu lý do vì sao Cindy lại muốn ông đến nhanh như thế. Có mặt ông, cô có nhiều cơ hội lọt vào ống kính của các phóng viên hơn, và lên trang báo xã hội ngày mai.
“Hầu như tất cả các thành viên khác của ủy ban đã có mặt”, Cindy nói tiếp, “Và người nào cũng đi với chồng”.
“Nghĩa là không phải tất cả chứ gì?”
“Tôi đã nói là gần như tất cả”.
“Và cô còn nói rằng đó là để góp cho Quỹ cứu trợ trẻ em Archidona?
“Đúng”.
“Archidona nào? Có hai thành phố như thế: một ở Ecuador, một ở Tây Ban Nha”. Hồi còn ở trường Mel rất say mê bản đồ và địa lý, và trí nhớ của ông rất tốt.
Lần đầu tiên Cindy do dự. Rồi cô nói một cách kiên quyết, “Có vấn để gì đâu? Bây giờ không phải lúc đặt những câu hỏi ngu ngốc”.
Mel muốn phá ra cười. Nghĩa là Cindy không biết. Như thường lệ, cô làm từ thiện vì những người có liên quan, hơn là làm vì cái gì.
Và ông hỏi lại một cách tinh quái, “Thế cô mong sẽ nhận được bao nhiêu thư sau buổi tối hôm nay?”
“Tôi không hiểu anh nói gì”.
“Sao không, cô hiểu quá rõ đi chứ!”
Để được đăng tên vào danh sách “những nhân vật nổi tiếng”, ứng viên mới phải có đủ tám thư giới thiệu của những nhân vật đã có tên trong đó. Lần cuối cùng Mel nghe nói Cindy đã xin được bốn lá thư.
“Chúa ơi, Mel, nếu anh còn nói cái giọng như thế, tối nay hoặc bất cứ lúc nào...”
“Thế những bức thư này miễn phí, hay cô định trả tiền như hai bức thư trước?” Ông cảm thấy ông đã thắng cô ta, điều rất hiếm khi có.
Cindy phẫn nộ nói, “Đó là sự vu khống bẩn thỉu. Lẽ nào có thể mua được cái quyền...”
“Đừng có vờ”, Mel nói, “Tôi đã nhận được những phiếu thanh toán từ tài khoản chung. Nhớ chưa?”
Có một khoảng lặng. Sau đó, Cindy nói khẽ nhưng giọng giận dữ, “Nghe đây! Anh nên đến đây ngay và càng sớm càng tốt. Nếu anh không đến, hoặc đến nhưng lại làm tôi xấu hổ bằng những câu hỏi như những câu tôi vừa nghe, thì chấm hết. Anh rõ chưa?”
“Tôi không chắc rằng tôi làm được”. Mel khẽ nói. Bản năng cảnh báo ông rằng đây là một khoảnh khắc quan trọng đối với cả hai. “Có lẽ cô nên nói cho tôi biết chính xác ý cô là gì”.
Cindy phản ứng lại, “Tự anh hiểu lấy”.
Rồi gác ống nghe xuống.
* * *
Trong lúc đi từ nhà để xe lên phòng làm việc, cơn giận của Mel mỗi lúc một tăng. Ông ít khi tức giận hơn so với Cindy. Ông thuộc loại người không dễ nổi nóng. Nhưng lúc này ông giận sôi người.
Ông không biết cái gì là nguyên nhân chính khiến ông nổi giận như thế. Nguyên nhân tất nhiên là Cindy, nhưng cũng còn có những nguyên nhân khác: Thất bại chuyên môn, như ông đã thấy, trong việc chuẩn bị hiệu quả cho một kỷ nguyên mới của ngành hàng không; việc ông không có khả năng thuyết phục người khác theo những niềm tin của mình, việc những hy vọng không thành hiện thực. Tóm lại, Mel nghĩ, cả trong đời tư lẫn công tác ông không đạt được cái gì cả. Cuộc hôn nhân của ông đã gần đến chỗ tan vỡ, hay gần như thế, mà như vậy có nghĩa là ông có thể mất cả con cái. Rồi cả sân bay, nơi ông chịu trách nhiệm trước hàng nghìn sinh mạng ngày ngày lui tới đây một cách yên tâm, tất cả những nỗ lực và sự thuyết phục của ông đã không thể ngăn chặn sự xuống cấp. Ở đó, các tiêu chuẩn cao mà ông đã làm việc để xây dựng đang bị xói mòn dần.
Trên đường tới tầng điều hành, ông không gặp cấp dưới nào. Như thế lại càng hay. Giá có ai hỏi ông điều gì lúc này, chắc ông sẽ quát tháo ngay. Bước vào phòng làm việc, ông ném chiếc áo khoác dày nặng xuống sàn. Và châm thuốc hút. Điếu thuốc không hiểu sao có vị gì đăng đắng, ông lại dụi đi ngay. Tiến lại gần bàn, ông cảm thấy cơn đau ở chân đã quay lại, ngày càng tăng.
Có một thời gian - hình như lâu lắm rồi - vào những tối như thế này, khi cái chân đau bắt đầu làm ông khó chịu, ông đi về nhà ngay, và Cindy sẽ thu xếp giường cho ông nằm. Đầu tiên ông tắm nước nóng, sau đó nằm sấp trên giường, và Cindy sẽ xoa bóp lưng ông, cổ ông bằng những ngón tay khoẻ mạnh và lạnh, cho đến khi cơn đau dịu đi. Nhưng bây giờ thậm chí khó mà tưởng tượng ra cảnh Cindy sẽ làm việc ấy, mà nếu có làm, chưa chắc cô có thể làm cho nó bớt đau được. Khi nào quan hệ giữa con người với nhau bị rạn nứt thì nó rạn nứt trong mọi phương diện.
Mel ngồi xuống bàn, hai tay ôm đầu.
Bỗng nhiên, giống hệt như ban nãy ngoài phi trường ông lại thấy rùng mình khắp người. Đó là lúc trong gian phòng yên tĩnh bỗng vang lên tiếng chuông điện thoại. Lần đầu ông bỏ qua nó. Tiếng chuông lại réo lần nữa, và ông nhận ra đó là điện thoại hệ thống báo động đỏ đặt trên giá đỡ cạnh bàn. Ông nhảy hai bước đến chỗ máy điện thoại.
“Bakersfeld đây”.
Ông nghe thấy có nhiều tiếng click và nhiều tiếng nói xưng tên khi những người khác nhấc máy.
“Đài KSKL đây”, ông nghe thấy giọng người chỉ huy tháp. “Khu vực trên không của chúng ta có một tình trạng báo động cấp ba”.
 Phi Trường  Phi Trường - Arthur Hailey  Phi Trường